ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Hữu

Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Hữu



-         Sinh ngày: 07.08.1957
-         Tại Họ Búng
-         Thụ phong linh mục:15.06.2000   
-         Tu sĩ Dòng Tên

Bài viết của Cha Phêrô Nguyễn Văn Hữu


BỐN NĂM BỘ ĐỘI – MỘT CHẶNG ĐƯỜNG THEO CHÚA

Hồi ấy, tôi đang là một tập sinh của Dòng và đang tham gia lao động ở nông trường Thiên Chúa Giáo (Củ Chi). Một ngày tháng tư năm 1979. Cha Trưởng Miền đến nông trường nói với tôi và anh Mầm: hai anh em được gọi đi nghĩa vụ quân sự. Chúng tôi trở về cộng đoàn; cộng đoàn lúc này có 7 nhân khẩu mà 4 được gọi đi nghĩa vụ cùng một lúc. Thế là ngày 28/04/1979, bốn anh em lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự. Một giai đoạn mới bắt đầu trong hành trình theo Chúa của tôi. Khởi đầu chúng tôi được đưa đến quân trường Dương Minh Châu (Tây Nình). Ở đây lần đầu tiên chứng kiến cảnh cơm lính, ruồi nhiều như thể đậu đen trên thau cơm. Cơm thời đó gồm bo bo cộng với ít gạo. Ấy là lương thực hàng ngày. Trước lạ sau quen. Giữa cảnh cực và thiếu của quân trường, cũng như trước một tương lai không nhiều ánh sáng, ngày lễ Thăng Thiên năm ấy tôi được tiên khấn trước sự hiện diện của 3 bộ đội Dòng Tên. Một buỗi lễ không lễ nhưng điều đó đánh dấu một bước đường mới theo Chúa của tôi trong vai chú bộ đội và cho tôi đặt tương lai của tôi nơi Đức Giêsu Kitô. Cần biết rằng, thời đó đi bộ đội không biết rõ lúc nào được xuất ngũ.

Sau tháng quân trường, chúng tôi được đưa về rừng Bù Gia Mập (Phước Long, Sông Bé). Đấy là vùng đất của bệnh sốt rét, của muỗi và vắt. Ở đấy hơn 3 năm, ngày ngày lao động trồng mì, trồng cây cao su. Hơn 3 năm không thánh lễ, không bí tích (trừ một vài lần về phép). Chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau chia sẽ Lời Chúa, rồi rước lễ, thế thôi. Điều quan trọng là mỗi người sống với Chúa qua việc cầu nguyện. Ấy là lương thực cần thiết hàng ngày cho đời tu trong bối cảnh bộ đội.

Cuối cùng, chúng tôi được đưa về Dầu Tiếng (Tây Ninh) khoảng 6 tháng trước khi xuất ngũ nhằm ngày lễ Phục Sinh 1983.

Đối với tôi 4 bộ đội là quãng thời gian buông mình trong tay Chúa, đặt tương lai mình trong Chúa để Chúa dẫn dắt qua những biến cố vui buồn của đời bộ đội. Tạ ơn Chúa đã cho chúng con trung thành với Chúa trên quãng đường bộ đội. Tạ ơn Chúa đã huấn luyện chúng con ngang qua thời gian bộ đội. Tạ ơn Chúa đã cho chúng con làm bộ đội của Chúa.
Phêrô Nguyễn Văn Hữu S.J


Linh mục Micae Nguyễn Linh Ghi

Linh mục Micae Nguyễn Linh Ghi


-         Sinh năm: 1951
-         Tại: Họ Búng
-         Thụ phong linh mục: 28.04.1996 
-         Linh mục tại Hoa Kỳ

Linh mục Phanxico Xaviê Trần Công Quờn

Linh mục Phanxico Xaviê Trần Công Quờn


-         Sinh năm 1883

-         Tại họ Tân Hòa

-         Thụ phong Linh mục ngày 06. 06. 1914, tại nhà thờ Chánh Sài Gòn, do Đức Giám mục Victor-Charles Quinton (Tôn)

     Linh mục địa phận Tây Đàng Trong

-         Tháng 07. 1914 – tháng 02. 1915: Cha phó họ Thị Nghè

-         Tháng 02. 1915 – tháng 03. 1920: Phó sở Lương Hòa

-         Tháng 03. 1920 – tháng 06. 1922: Cha sở họ Lương Hòa Hạ

-         Tháng 06. 1922 – tháng 10. 1932: Cha sở họ Mĩ Hội

-         Tháng 10. 1932 – năm 1946: Cha sở họ Bông Bót – Bà My

-         Năm 1946 – năm 1953: Cha sở họ An Hiệp

-         Qua đời năm 1954, tại An Hiệp

-         Hưởng thọ 71 tuổi. 40 năm Linh mục

-         Mai táng tại đất thánh họ An Hiệp (Vĩnh Long)

·        Gia đình Cha Qườn trước ở Bình Sơn (Búng) về sau lập nghiệp ở Tân Hòa (Giáo xứ Hiệp Hòa – Mỹ Tho)

·        Làm mới ngày 15. 07. 2022



Thứ Tư, 2 tháng 6, 2010

Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Khi


Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Khi



-         Sinh ngày: 01.09.1938
-         Tại Họ Búng - Bình Sơn, Lái Thiêu
-         Thụ phong linh mục: 06.01.1967
-         Linh mục Giáo phận Phú Cường
-         Năm  1967 - 1970:  Cha giáoTiểu chủng viện Thánh Giuse Phú Cường
-         Năm 1970 - 1972: Chánh xứ Giáo xứ Củ chi. Quản họ Mỹ Khánh
-         Năm 1972 - 2016: Chánh xứ Giáo xứ Tân Thông, kiêm coi giáo họ Lô 6. Quản hạt Củ Chi
-         Từ ngày 13.06.2016 – nay: Chánh xứ tiên khởi \Giáo xứ Lô 6

Thánh lễ mừng Kim khánh Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Khi

79 năm tuổi đời, 50 năm hồng ân dâng hiến, đó là tất cả những gì mà cha Phaolo Nguyễn Văn Khi – Cha sở tiên khởi của Giáo xứ Lô 6, có được để dâng lên Thiên Chúa trong Thánh lễ tạ ơn mừng kim khánh linh mục.
Vào ngày 06/01/2017, mới 7 giờ sáng,  trên các ngả đường dẫn đến khuôn viên nhà nguyện thuộc Giáo xứ Lô 6, đã có một vài vị khách phương xa đang hỏi thăm đường vào nhà thờ. Trên đường tỉnh lộ 7, quý khách từ Sài Gòn, Tây Ninh vào, trên đường Nguyễn Thị Rành quý khách từ Bình Dương qua, tất cả mọi người chào đón nhau vui vẻ với trang phục thanh lịch đẹp đẽ nhất.
Trong khuôn viên giáo xứ hãy còn quá sớm, cha Phaolô tươi cười nhận những lời chúc mừng cùng những món quà của những người thân, những đàn con mà cha đã từng chăm sóc, giảng dạy, giờ đây tay bắt mặt mừng mà mái đầu cha con đã điểm sương trắng, làm cho niềm vui hòa quyện với nước mắt. Tình cảm thật khó đong đầy.
Giáo xứ Lô 6 mới được thành lập, ngôi nhà nguyện nhỏ bé không đủ cho 100 người tham dự.  Sẵn có hàng cây cao và mặt đất bằng phẳng, ban tổ chức đã cho dựng những mái rạp (rạp thường dùng cho đám cưới). Thánh lễ được diễn ra ở đây, trong không khí mát mẻ và đầy màu sắc.
 Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục Giáo phận Phú Cường, đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn mừng 50 năm linh mục của cha Phaolô. Cùng hiệp dâng có Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc - Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Đức cha Pherô Trần Đình Tứ - Nguyên Giám mục Giáo phận Phú Cường, cha  Tổng Đại diện Simon Nguyễn Văn Thu, cha Micae Lê Văn Khâm, quý cha Quản hạt, quý cha Bề trên và gần 100 cha trong và ngoài giáo phận. Tham dự có quý tu sĩ của các dòng tu trong các giáo phận và hạt Củ Chi và đông đảo bà con các giáo xứ ước khoảng 1.000 người.
Trong bài giảng, Đức cha Phêrô đã nói lên tâm tình của cha Phaolô. Theo đó, cha Phaolô đã biết tín thác vào Chúa trong mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Với khẩu hiệu mà cha đã giữ trọn 50 năm nay là “Yêu thương để phụng vụ”. Quả thật, 28 năm cha đã yêu thương những cảnh đời bất hạnh, già cả không nơi nương tựa khi cha xây dựng nhà dưỡng lão ở Giáo xứ Tân Thông. Trong tâm tình lễ tạ ơn, cha Phaolô cũng chỉ xin cho đi hết quãng đường còn lại trong tình thương và sự quan phòng  của Thiên Chúa.
Một vài cảm nhận 50 năm linh mục.
50 năm có 18.250 ngày. Mỗi ngày cha Phaolô dâng ít nhất 1 Thánh lễ, nhiều có thể là 3 Thánh lễ. Những thánh lễ này cha phải tập trung suy niệm cho mình và cho mọi người tham dự. Những suy niệm này giúp cha gần gũi với Thiên Chúa với tha nhân hơn và vì gần gũi, ơn Chúa đã xuống trên cha nhiều hơn.
Các công tác mục vụ, công tác xã hội vây kín đầu óc cha, nhất là những năm khó khăn. Là cha sở của một giáo xứ đông giáo dân, mọi thắc mắc, giải quyết về mọi vấn đề đã làm cha như một ông quan tòa. Thương có, ghét có và có cả xỉ nhục, cha vẫn chịu đựng được vì cha tin có Chúa ở cùng.
50 năm, sức khỏe không làm cha cáng đáng được công việc nặng nhọc, về phụng vụ ở một xứ nhỏ hơn, cha sẽ có nhiều thời giờ nghỉ ngơi hơn. Cảm giác trống vắng đã mon men trong tâm trí cha. Giờ đây được nghe các con chiên, bổn đạo cũ và mới nói lên tâm tình ghi nhớ các việc làm của cha trước đây và bây giờ, cha đã thật sự khóc. Nước mắt cha đã chảy xuống thấm mãi không thôi. Không phải vì cườm mắt, vì nước mắt thật, đôi mắt cha đỏ hoe. Yêu thương cha đã nhận lại được.
Nhân dịp kỷ niệm mừng kim khánh linh mục cha Phaolô, mời quý bạn hãy dâng lên Thiên Chúa lời cầu cho cha Phaolô ơn Chúa cùng sức khỏe, để cha hăng hái phụng sự Chúa và phục vụ mọi người cho đến hết cuộc đời.
Qua Thánh lễ Tạ ơn, cha Phaolô đã tích lũy cho mình một kho báu mà mối mọt không thể làm được gì, bởi kho báu ấy được gìn giữ trên thiên đàng.













Tin & ảnh: Tôma Đỗ Lộc Sơn





Người cha của một “đại gia đình”

Những cụ ông cụ bà ở nhà dưỡng lão Tân Thông, huyện Củ Chi – TPHCM đều có một điểm chung là không nhà, không thân nhân, không tiền bạc. Có lẽ vì thế, cuộc đời các cụ cũng như những ngọn đèn dầu leo lét trước gió, mông lung, vô định… Nhưng linh mục Phaolô Nguyễn Văn Khi, nguyên chánh xứ Tân Thông (giáo phận Phú Cường) đã mang cho họ một nguồn sáng, tuy có thể không quá lớn lao nhưng đủ để cùng họ đi suốt hành trình còn lại của cuộc đời...
Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Khi
Những cụ ông cụ bà ở nhà dưỡng lão Tân Thông, huyện Củ Chi – TPHCM đều có một điểm chung là không nhà, không thân nhân, không tiền bạc. Có lẽ vì thế, cuộc đời các cụ cũng như những ngọn đèn dầu leo lét trước gió, mông lung, vô định… Nhưng linh mục Phaolô Nguyễn Văn Khi, nguyên chánh xứ Tân Thông (giáo phận Phú Cường) đã mang cho họ một nguồn sáng, tuy có thể không quá lớn lao nhưng đủ để cùng họ đi suốt hành trình còn lại của cuộc đời...
Ông cha của người già
Nhìn bề ngoài và nghe giọng nói người đối diện dễ bị đánh lừa bởi cái tuổi thật 77 của cha. Tới nay, “ông cố” đã nghỉ hưu được gần nửa năm, lui về sống trong căn nhà hưu được xây sát cạnh nhà thờ. Mọi công việc trong xứ đã được bàn giao cho cha chánh sở mới nhưng cha Khi vẫn trực tiếp quản lý nhà dưỡng lão và 4 giờ sáng hằng ngày đều đặn đến đây dâng lễ.
Trong tâm trí của những người sống tại Tân Thông Hội, hình ảnh cha Khi không chỉ là một mục tử dành hết đời mình với người già mà còn hòa mình vào đời sống con người nơi đây, tùy từng hoàn cảnh để cùng sống, cùng trải nghiệm, và giúp họ bằng hết khả năng mình. Trong dòng hồi tưởng của vị linh mục đã 45 năm gắn bó với vùng đất Củ Chi, 43 năm với giáo xứ Tân Thông, ngày đó, vùng này hết sức khó khăn, nhà cửa lụp xụp, đường sá dơ bẩn, điện nước thiếu thốn... Để đồng hành với người nghèo, khi mới về nhận sở cha đã phát động chương trình phát gạo tình thương, mỗi tuần những gia đình nghèo được nhận 3ký gạo, số gạo do giáo dân hay người ngoài đóng góp, nếu không có, cha đi mua về tặng họ. Chương trình đã bước vào năm 40 nhưng vẫn duy trì với gần 100 gia đình được nhận gạo hằng tuần.
Buổi chiều êm ả trong viện dưỡng lão Tân Thông
Nhận thấy đây là khu dân cư tập trung, ngày càng có nhiều người tới định cư, nhưng nước sạch còn hạn chế, vậy là cha cho xây hệ thống máy nước sạch công suất lớn, đủ cho mọi người trong vùng sử dụng. Gần 10 năm qua, cha trực tiếp đỡ đầu cho một lớp học tình thương của các nữ tu dòng Đức Bà Truyền Giáo. Lớp học gồm con em nhà nghèo, thất học, con của những gia đình sống vãng lai… Cha tài trợ lương cho giáo viên và ăn uống cho các em. Nhưng, dấu ấn đậm nét nhất, “công trình đồ sộ” nhất phải kể đến là nhà dưỡng lão Tân Thông, nơi chăm sóc những cụ “ba không”. Cha tỏ bày rằng, ý tưởng mở nên viện dưỡng lão này đã được nhen nhóm từ khi về đây nhưng nó thật sự cháy bỏng khi cha đi mục vụ một gia đình nọ.
Cha kể, một đêm mưa gió, đi xức dầu cho một cụ ông. Đó là gia đình của hai vợ chồng già, không con, ông bị mù mà bà cũng không thấy gì. Trong nhà không có điện cũng không có tài sản đáng giá, nhìn vào chỉ thấy một cái bàn trên đó là ngọn đèn dầu leo lắt. Hình ảnh đó bỗng trở thành động lực lớn lao và cha quyết định bằng mọi cách, hết khả năng mình phải đưa những người có hoàn cảnh như vậy về gần giáo xứ để tiện chăm sóc, giúp họ trong đời sống thiêng liêng, hơn nữa ở đó có giáo dân cũng dễ thăm viếng, giúp đỡ. Đợt đầu cha đưa về được bảy cụ cả cụ ông lẫn cụ bà. Ngày 15.8.1988, Đức cha Louis Hà Kim Danh, Giám mục GP Phú Cường lúc đó lên làm phép nhà, từ đó ngày 15.8 hằng năm được chọn là ngày thành lập.
Các nữ tu trồng rau để cải thiện bữa ăn
Ngày đó, cha cùng với giáo dân chia nhau chăm sóc vì chưa có các nữ tu giúp như bây giờ, người phụ cha dựng lên những ngôi nhà tạm bằng tre nứa, người giúp cha chăm sóc các cụ. “Những ngày đầu rất khó khăn bởi thiếu thốn đủ bề. Chăm sóc đâu chỉ là nấu cơm ăn không mà còn phải lo về sức khỏe cho họ, nhưng ngày đó chưa ai có chuyên môn, do hoàn cảnh nên các cụ khi bị bệnh cũng không thể đưa đi bệnh viện được. Lúc đầu, nhiều cụ ra đi… có lẽ do thiếu thốn quá…”, cha nhìn về xa xăm, gương mặt gợn lên nỗi buồn.
Khó khăn ngày càng tăng khi sau đó nhiều cụ tìm đến. Vì neo người khiến cho việc chăm sóc hạn chế. Có lẽ, do việc thường xuyên không có người phụ trách trông coi nên xảy ra một chuyện thương tâm. “Buổi trưa ngày 30.4.1991, vụ hỏa hoạn làm một cụ ông không qua khỏi và thiêu rụi toàn bộ cơ sở tại nhà dưỡng lão cũ, khiến các cụ đứng trước tình trạng không còn nơi để ở. Mình đã không thể phục vụ họ với điều kiện tốt nhất thì lại xảy ra sự việc đau lòng. Nghĩ thật có lỗi!…”, cha hồi tưởng.
Cha Khi chụp lưu niệm với các bà trong viện dưỡng lão
Vì những cuộc đời cần được sẻ chia…
Các cụ được nhận vào đây bằng nhiều cách khác nhau, nói vui như lời cha là “dây chuyền khép kín”. Nhiều người đến thăm khi về địa phương thấy ở đó có những người không nơi nương tựa thì họ giới thiệu vào. Khi đó cha hoặc các nữ tu phụ trách sẽ đi xác minh, rồi lập hồ sơ, làm đơn xin chính quyền địa phương xác nhận. Có trường hợp cha hoặc giáo dân khi đi mục vụ thấy những hoàn cảnh như vậy thì xác minh rồi rước các cụ về. Cũng có cụ tự mình tìm đến xin được sống nơi đây … Các cụ đến từ nhiều nơi, với nhiều hoàn cảnh, có người tại địa phương, trong thành phố nhưng cũng rất nhiều cụ đến từ miền Tây hay miền Trung xa xôi. Bà Võ Thị Mùi, quê tận Bình Định, bị khuyết tật từ nhỏ phải sống nhờ tiền trợ cấp và bán vé số dạo. Trong một lần bán số cụ gặp trời mưa và bị té ngã, từ đó phải ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt đều phải nhờ sự thương tình của xóm làng. May mắn trong thôn có các nữ tu khi về thăm quê thấy vậy đã xin cho cụ được vào đây. Còn bà Hoàng Thị Tính vào đây đã 25 năm nay, quãng thời gian đó lâu lâu chỉ có hai cháu là con của ông chú đến thăm… Các cụ nhiều khi cũng cô đơn, nhớ nhà nhưng khi nói về nơi mình đang sống lại đầy cảm xúc. Cụ Tính thật tình: “Xem đây như là gia đình mình vậy giờ có chết cũng muốn được chôn ở đây”. Góp thêm vào câu chuyện bà Mùi thổ lộ: “Vô đây thấy được diễm phúc vì các sơ chăm sóc chu đáo, chị em sống thân tình. Còn cha thì tốt lắm, và thương chị em nhiều lắm. Cha còn hay khuyên chị em là phải yêu thương nhau như một gia đình vậy”.
Cha Khi và các bà ở viện dưỡng lão
Ngày đầu, để có kinh phí, cha phải lặn lội tìm kiếm nguồn tài trợ. Về sau, thấy được sự bác ái nơi việc cha làm nên có nhiều người, nhiều tổ chức sẵn lòng quyên góp. Rồi nhiều công ty khi đến đây nếu không hỗ trợ bằng tiền mặt thì cũng giúp chỉnh trang lại cơ sở, giúp làm hệ thống máy nước nóng, nước sạch, cho máy giặt, tu sửa lại mái nhà… Giờ đây nhà dưỡng lão Tân Thông xem ra đã khá khang trang với đủ những điều kiện tối thiểu. Xác định rằng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi của nhà dưỡng lão theo cách “tự thân vận động”, tận dụng sự quen biết, cha đã tạo nên những mối quan hệ với các bác sĩ, những bệnh viện đa khoa, nơi phát thuốc lưu động để khi cần có bác sĩ tới khám, hay khi các cụ đau nặng cũng dễ dàng đưa đến bệnh viện. Cũng nhờ vậy, nhiều đoàn tổ chức những đợt đến thăm và khám bệnh từ thiện.
Khi số các cụ đến đây ngày một đông, cha lại lặn lội đến các dòng tu nhờ giúp đỡ. Hơn 10 năm nay đều đặn khoảng 20 nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô luôn túc trực để chăm lo cho các cụ. Các nữ tu hiện diện đều đã qua các lớp dược sĩ, y sĩ nên đủ chuyên môn để phục vụ. Tới nay, nhà dưỡng lão Tân Thông đã là mái nhà của gần 200 cụ, với 65 người hiện vẫn còn sống. Các cụ không có đạo khi vào đây thấy được tình thương của cha, các nữ tu chăm sóc đều tự nguyện xin được theo đạo.
Công trình máy nước sạch do cha xây dựng
Cơ sở của nhà dưỡng lão giờ đây khá hoàn chỉnh với bốn dãy: A, B dành cho các cụ còn đi lại được; C,D dành cho các cụ bị liệt. Trong viện còn có nhà nguyện, lối đi bộ, cây xanh, khu trồng rau… Nói về tương lai linh mục Phaolô Nguyễn Văn Khi cho hay, cơ sở hiện nay chỉ có thể đáp ứng nhu cầu cho khoảng 70 người, chứ không thể hơn. Nếu con số tăng lên cao, rất khó trong việc chăm sóc… “Cũng chỉ biết phó thác cho Chúa, vì từ đầu đây đã là công trình của bàn tay Thiên Chúa!”, cha tin tưởng.
Chúng tôi rời đi khi trời đã xế. Sau giờ kinh chiều, nhiều cụ còn tiễn ra tới cửa và chúc chúng tôi đi về bình an, cũng không quên nhắn: “Khi nào có báo nhớ mang lại cho các bà đọc với!”. Trên môi các cụ đều nở những nụ cười hiền hậu, trong đó không có nỗi buồn hay sự cô đơn mà đầy niềm vui, hạnh phúc. Hạnh phúc đó đến từ một nơi mà các cụ đều gọi bằng hai tiếng thiêng liêng: Gia đình.

ĐÌNH QUÝ ( Báo công giáo và dân tộc)










Linh mục Titô Trần Nguyên Lãm


Linh mục Titô Trần Nguyên Lãm



-         Sinh ngày: 23.01.1976
-         Tại: Họ Búng
-         Thụ phong linh mục: 02.07.2008 
-         Linh mục giáo phận Phú Cường




Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Tứ Quí

Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Tứ Quí


-         Sinh năm 1868

-         Tại họ Búng

-         Thụ phong Linh mục năm 1905

-         Linh mục địa phận Tây Đàng Trong

-         Năm 1908 – tháng 04. 1910: Cha sở họ Cái Sơn

-         Tháng 04. 1910 – tháng 07. 1913: Cha phó họ Thủ Ngữ

-         Tháng 07. 1913 – tháng 12. 1913: Cha phó họ Cái Nhum (Bến Tre)

-         Tháng 12. 1913 – tháng 04. 1920: Cha phó họ Tân An

-         Tháng 04. 1920 – tháng 05. 1928: Cha sở họ Giồng Rùm

-         Tháng 05. 1928 – 1939: Cha sở họ Bình Đại

-         Năm 1939 – tháng 02. 1944: Cha sở họ Hanh Thông Tây

-         Qua đời ngày 21. 02. 1944

-         Hưởng thọ 76 tuổi. 39 năm Linh mục

-         Mai táng tại đất thánh các linh mục Chí Hòa

·        Làm mới ngày 15. 07. 2022


Mộ phần Cha Gioan Baotixita Nguyễn Tứ Quí.


Linh mục Maccô Thượng Nguyên Khôi

Linh mục Maccô Thượng Nguyên Khôi


-         Sinh ngày: 17.08.1974
-         Tại Họ Búng
-         Thụ phong linh mục: 18.10.2001
-         Linh mục Giáo phận Phú Cường
-         Từ tháng 10.2001 – 17.08.2006 : Phó xứ Lái Thiêu
-         Năm 2002 – 09.2006 : Đặc trách họ Phú Long
-         Năm 2006 – 01.2011: Chánh xứ giáo xứ Nha Bích
-         Từ tháng 01.2012 – 12.2012: Phó xứ giáo xứ Mỹ Hảo. Đặc trách giáo đểm Tân An
-         Từ tháng 12.2012 – 12.2014 : Phó xứ giáo xứ Tân Thông
-         Từ tháng 12/2014 – nay: Chánh xứ tiên khởi Giáo xứ Phước Hòa


Linh mục Stêphanô Nguyễn Văn Ri


Linh mục Stêphanô Nguyễn Văn Ri



-         Sinh ngày: 02.03.1941

-         Tại Bình Sơn, thuộc họ Búng.

-         Rửa tội ngày 07. 03. 1941 tại họ Búng

-         Vào Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn ngày 9. 9. 1953

-         Vào Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn ngày 26. 7. 1962

-         Thụ phong linh mục ngày 28.11.1970, tại Manila, Phi Luật Tân

-         Linh mục Giáo phận Phú Cường

-         Từ ngày 1. 1. 1971 – 28. 2. 1972: Phó xứ Chánh tòa Phú Cường

-         Từ ngày 28. 1. 1972 – 15. 4. 1989: Thơ ký Tòa Giám mục Phú Cường

.Cha giáo ngoại trú Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse Phú Cường 1971 – 1973

.1970 - 1975: Phụ trách họ đạo Chánh Thiện: Năm 1970: Cha Stêphanô Nguyễn văn Ri phụ trách họ đạo,nhưng chỉ tới dâng lễ và làm mục vụ rồi trở về Toà giám mục. Năm 1974, Ngài đứng ra kiến thiết ngôi nhà thờ thứ ba tại địa điểm hiện nay.

.Năm 1984 - 1988: Đặc trách về mục vụ vùng Lộc ninh

.Năm  1987 - 1989: Phụ trách họ đạo Bà Trà. Ngài về dâng lễ vào mỗi Chúa Nhật.

-         Từ ngày 15. 4. 1989 – 28. 7. 1996: Chánh xứ Giáo xứ Bắc Hà.

-         Từ ngày 28. 7. 1996 – 28. 8. 08. 2000: Chánh xứ Giáo xứ Mỹ Khánh

-         Từ ngày 28. 8. 2000 – 29. 7. 2018: Chánh xứ Giáo xứ Phước Điền.

-         Từ ngày 29. 7.  1918 – 14. 4. 2021: Hưu dưỡng

-         Qua đời hồi 11:20 ngày 14. 4. 2021 tại tư gia.

-         Mai táng tại Đất Thánh các Linh mục Giáo phận Phú Cường (Giáo xứ Bến Sắn)

(cập nhật ngày 16. 4. 2021)


Bài viết về cha Stêphanô Nguyễn Văn Ri:


Ông cố Nam bộ ở Phước Ðiền


Bước theo tiếng Chúa gọi, cả cuộc đời 47 năm linh mục của cha Stêphanô Nguyễn Văn Ri - chánh xứ Phước Điền (GP Phú Cường) là những tháng ngày được sai đi và sống cùng nhịp thở với đoàn chiên trong niềm khát khao giúp họ thăng tiến.

Ðồng cảm với người già

Ði cùng vị mục tử ghé thăm Nhà dưỡng lão Phước Ðiền vào một buổi chiều mát mẻ, chúng tôi được nghe, được thấy và cảm nhận tình cha con ấm áp. Vừa thấy cha tiến vào, các cụ vội vã chào rồi ríu rít:“Sao cha đi lâu vậy?”; “Cha còn đi nữa không?”; “Cha đi xa, chúng con nhớ cha lắm”… Cha cười trả lời rồi hỏi lại xem họ ăn có thấy ngon, ngủ có yên giấc hay không trong suốt những ngày cha con không gặp mặt vì ngài có việc phải đi xa một thời gian. Tình cảm, sự quan tâm mộc mạc, chân thành của vị chủ chăn như ngọn lửa sưởi ấm những tâm hồn đã bị bao gió sương cuộc đời làm thương tổn.

Sự quan tâm mộc mạc, chân thành của vị chủ chăn như ngon lửa sưởi ấm những tâm hồn đã bị bao gió sương cuộc đòi làm thương tổn (ảnh: Mai Lan)

Cách đây 7 năm, ngày 8.9.2010, Nhà dưỡng lão chính thức đi vào hoạt động và hiện là chốn náu nương của 25 cụ già neo đơn, bị bỏ rơi. Mọi thứ khởi nguồn từ những trăn trở của cha khi tuổi đời đã ở bên kia sườn dốc. “Bản thân tôi cũng có lúc lo lắng về những ngày cuối đời, về nỗi cô đơn khi không có người thân bên cạnh, nên tôi hiểu được suy nghĩ của các cụ. Thế là tôi đã bắt tay vào việc thành lập một nơi để họ có chỗ che nắng mưa lúc tuổi xế chiều”, ngài nói. Trước đó, đây là một mảnh đất hoang, cây cối um tùm nằm trong khu đất của giáo xứ. Ðến năm 2007, cha cho khai phá để khởi công xây dựng nhà dưỡng lão, và mời các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đến lập cộng đoàn tại đây để cùng cộng tác trong việc chăm sóc cho các cụ.

Những ngày đầu hoạt động, khó khăn bủa vây khi thiếu cái này, hụt cái nọ. Phải làm sao để có được nguồn kinh phí duy trì cơ sở luôn là nỗi thao thức trong cha. Mặc kệ tuổi cao, không quản sức yếu, ngài chạy vạy khắp nơi tìm kiếm những tấm lòng hảo tâm để xin giúp đỡ. “Các cụ ở đây được chăm lo mọi thứ, từ chi phí sinh hoạt thường ngày đến thuốc men, ma chay… Tất cả đều phải nhờ cha lo hết”, một nữ tu cho biết. Cái gánh ấy chẳng hề nhẹ nhàng nhưng ông cố vẫn ráng mang trên vai bởi “đã có Chúa giúp và nhờ Chúa mà mọi việc vẫn hoạt động trôi chảy cho đến hôm nay”, ngài đáp nhẹ tênh khi nghe chúng tôi hỏi có lúc nào cha thấy mệt hay nản chí ?

Ðối với cha, đây không phải là công trình để đời hoặc để được vinh danh, mà chỉ là việc phải làm trong vai trò là chủ chăn của đoàn chiên được trao phó. Nhưng, với những con chiên trong họ đạo Phước Ðiền, mỗi một hành động của ngài là dấu chỉ, là sự động viên giúp họ cố gắng sống tốt và biết sẻ chia. “Nhìn cha già rồi mà còn lo giúp đỡ cho mấy bà cụ, cho những người nghèo cả trong và ngoài Công giáo, tự nhiên tui thấy cảm động lắm. Rồi nghĩ dù mình không giàu có nhưng có gì thì phụ nấy cho cha đỡ mệt”, chị Nguyễn Thị Hồng, một giáo dân trong giáo xứ chia sẻ. Thế là người miếng thịt, kẻ bó rau, họ gom góp gởi ông cố và các nữ tu để làm bữa ăn cho các cụ.


Sống cùng

Khi được hỏi về con đường ơn gọi, về những ngày đầu của đời dâng hiến, ngài đáp gọn: “Chúa gọi thì đi thôi!”. Rất đơn giản, nhưng chúng tôi lại cảm nhận được sự xác quyết dấn thân của cha qua mỗi chặng đường.

Sau khi được thụ phong linh mục năm 1970, cha trở thành thư ký cho Ðức Giám mục tiên khởi của giáo phận Phú Cường Giuse Phạm Văn Thiên. Ðồng hành với vị chủ chăn của giáo phận trong giai đoạn đầu khi Phú Cường còn rất non trẻ, cha vừa làm việc, vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa chứng kiến sự chuyển biến từng ngày của giáo phận nhà. Khi được hỏi về những ngày tháng ấy, cha bảo: “Có gì đâu, Ðức cha bảo gì thì làm nấy, đi đâu thì đi đấy thôi”. “Chỉ là người được sai đi”, là điều mà cha luôn tâm niệm và mang theo qua từng ngày sống.

Rồi đến năm 1990, vị mục tử nhận bài sai về giáo xứ Bắc Hà. Ông cố dân Nam bộ đến sống cùng giáo dân toàn người Bắc nên lạ lẫm từ phong tục, tập quán, đến thói quen sinh hoạt hằng ngày. Chưa có kinh nghiệm mục vụ giáo xứ, lại có nhiều khác biệt trong nếp sống với mọi người, nhưng cha cố gắng học tập để hòa nhập với họ qua từng ngày. Lúc ấy vùng này còn nghèo, trong nội bộ xứ đạo có nhiều mâu thuẫn, cha vừa trồng khoai, đậu ở khu vườn thuộc nhà xứ để có thêm thu nhập và chia sẻ với bà con nghèo, vừa tìm cách gỡ bỏ những nút thắt trong cộng đoàn. Dẫu có lúc vấp phải ngăn trở nhưng bằng tất cả nỗ lực của mình, ngài đã làm cho bầu khí chung họ đạo được hòa hợp hơn. “Mình cứ sống cùng với họ rồi từ từ cũng vui thôi”, cha khẳng định.

Cùng với các nữ tu đang phục vụ tại nhà dưỡng lão (ảnh: Mai Lan)

Mang theo tâm tình “sống cùng” ấy về giáo xứ Mỹ Khánh (năm 1996) rồi giáo xứ Phước Ðiền (từ năm 2000 đến nay), cha cùng với mọi người dựng xây cuộc sống đạo đời sao cho tốt hơn. Mối ưu tư khôn nguôi của ngài vẫn luôn dành cho những con người đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Không rầm rộ, không ồ ạt, cha âm thầm tìm hiểu rồi giúp đỡ họ khi thực sự biết họ cần gì.

Người dân Phước Ðiền còn nghèo, có nhiều gia đình sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Song, khi nước sông không còn ngọt lành như xưa thì nguồn thu của họ cũng vơi dần. Từ đó, đời sống càng ngày càng bấp bênh, khốn khổ. “Không đánh được cá thì họ đâu có tiền sinh hoạt, đâu có điều kiện cho con cái học hành, nên cái nghèo lại hoàn nghèo, không biết bao giờ mới thoát khỏi”, cha nghẹn ngào. Lo cho tương lai của đám trẻ, ông cố tìm nguồn học bổng để giúp các em được đeo đuổi con chữ. Dù vậy, mối lo cơm áo, gạo tiền trong gia đình ngày càng nặng trĩu thì nhiều em đành gác lại việc học để đi làm thuê, làm công nhân…

Vì “sống cùng” nên cha hiểu và cảm được nỗi lo, sự bế tắc trong cuộc sống của giáo dân mình, nên dù đã 76 tuổi, dù không có người phụ giúp cơm nước, giặt giũ, đóng mở cửa nhà xứ…, cha vẫn tự mình làm hết. Chúng tôi hỏi ngài nhỡ may gặp phải trái gió trở trời thì sao? Cha cười bảo: “Thì đành chịu thôi”. Lời đáp bình thản vô cùng mà mang theo đó là cả sự tín thác sâu đậm.

Chia tay ông cố hiền hòa của vùng quê nghèo Phước Ðiền, dư âm trong chúng tôi là tiếng cười chân chất và bóng hình tận tụy của người mục tử đã dành cả đời mình cho đàn chiên…
MAI LAN (Báo cgvdt.vn)