ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

Ban Quới Chức Họ Búng Xưa

Ban Quới Chức (Quý chức) ở họ đạo Búng xưa tồn tại đến khoảng cuối thập niên 1960 thì đổi tên gọi thành Hội Đồng Giáo Xứ. Các tên gọi quen thuộc Trùm - Câu - Biện - Giáp cũng phai dần theo năm tháng, chỉ còn nghe người lớn thỉnh thoảng nhắc đến tên các vị như: ông Trùm Lại, Ông Trùm Tường, Ông Trùm Tín, Ông Trùm Thiểu, Ông Câu Đồ, Ông Câu Quan, Ông Câu Hoài, Ông Biện Lòng, Ông Biện Vạn, Ông Biện Hoàn,vv.
Chức danh ông Trùm khi xưa là chức danh dành cho những vị tiền hiền có công lập nên họ đạo lúc ban sơ, và chức danh này được cha truyền con nối, mà người xưa gọi là Trùm nòi.
Các vị trong ban Quới Chức thông thường có tuổi trung niên trở lên và là những người có uy tín trong họ đạo. Các chức vụ cũng thăng trật theo thời gian như: Biện - Câu - Trùm. Và các vị trong Ban Qưới Chức phần đông tham gia theo truyền thống của gia đình.
Xem ảnh: Ban Quới Chức họ Búng xưa. Ảnh. Lm Longinô Nuyễn Thới Mậu

Ban Quới Chức Họ Đạo Búng – Bình Sơn Năm 1958


Có thể các bạn trẻ khi xem ảnh sẽ không biết được những vị trong ban quới chức là ai và ở đâu. Xin ghi rõ ra dưới đây để tấm ảnh thêm phần ý nghĩa.
- Ông 2 Chấn: Nhà ở phía sau núi Đức Mẹ Lộ Đức, ở khoảng giữa nhà bà 4 Nhường và  nhà ông 2 Còn.
- Ông 2 Sáng: Nhà ở Cầu Ngang
- Ông 2 Còn: Nhà giáp nhà ông 2 Chấn. trước kia Ông chuyên đóng móng bò.
- Ông 7 Thật: Ông là Cha của bà 3 Huệ, 5 Hường, ông 7 Huỳnh và bà 8 Lệ (ca đoàn Búng)
- Ông 3 Phẩm: Anh của các ông 4 Trực, 5 Trung (trước nhà thờ Búng)
- Ông Mười Lòng: Nhà ở phía sau nhà thờ Búng. Ông là Cha của các ông 2 Ơn, bà 4 Đạo, ông 5 Chắc và ông 7 Phải.
- Ông Thơ: ông thợ hồ Bê. Cha của ông 5 Lợi, ông nội của dì Martia Trần thị Thảo Nguyên (dòng Saint Paul)
- Ông út Hiếu: Nhà ở phía sau nhà thờ Búng.
- Ông Hưởng: Nhà ở Cầu Ngang
- Ông 3 Đó: Cha của bà Ánh, ông Thành
- Ông 9 Hoài: Nhà ở Cầu Ngang. Cha của dì Anna Võ Thị Lan (dòng Chúa Quan Phòng)
- Ông 8 Quan: em của cha Phaolô Tri. Cha của ông Đạt, Thầy Long
- Ông Trùm Lại: Cha của ông 3 Đó
- Ông 4 Tường: Cha của dì Maria Nguyễn Thị Xanh (MTG Thủ Thiêm) anh của cha Phaolô Tri.

THÀNH PHẦN VÀ CÔNG VIỆC CỦA BAN QUỚI CHỨC

“Hãy tìm trong cộng đoàn bảy ngưới được tiếng tốt,
đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ để lo công việc…”  

ĐIỀU 1: BAN QUỚI CHỨC (Ban Chức việc) là một tổ chức đặc thù của Hội Thánh Việt Nam, đã có mặt trong các Họ Nhà Thờ và cộng tác trong các sinh hoạt từ thế kỷ thứ 17, sau quyết định của Công Nghị Hải Phố (Hội An) năm 1672, do Đức Cha Lambert de la Motte triệu tập, với sự tham dự của 10 linh mục và 80 thầy giảng.
-         BAN QUỚI CHỨC được phổ biến ở Địa phận Tây Đàng Trong (1924), được Công đồng Hà Nội công nhận có hiệu quả cao (1943), được thi hành ở các Địa Phận Nam Việt và Quy Nhơn (1953);
-         BAN QUỚI CHỨC đã được tôi luyện bằng các cơn bắt đạo; đã cung ứng cho Hội Thánh hoàn vũ 6 vị thánh Quới Chức trong số 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam. 
ĐIỀU 2 : Thành phần BAN QƯỚI CHỨC:
TRÙM – CÂU – BIỆN
·        Ông Trùm: là người đứng đầu ban Quới chức, người có uy tín và có khả năng qui tụ người khác.
·        Ông Câu: là người cộng tác với Ông Trùm, để đốc xuất công việc.
·        Ông Biện: là người đứng đầu một địa sở, một sở biện.
 Tùy theo Họ đạo lớn hay nhỏ mà có 1 hay 2 ông Trùm, có 2 hay 4 ông Câu, và nhiều ông (bà) Biện
ĐIỀU 3 : BAN THƯỜNG VỤ QUỚI CHỨC là những Chức Việc được tuyển chọn để điều hành Họ đạo, dưới quyền điều khiển của Cha sở và thường xuyên giải quyết những vấn đề đã được quyết định sẵn. Ban Thường Vụ gồm có: ông Trùm, ông Câu, ông Biện Thư Ký, ông Biện Thủ Quỹ.
ĐIỀU 4: BAN QUỚI CHỨC được đặt thường xuyên dưới sự hướng dẫn, cố vấn và điều khiển của Cha sở, nhằm mục đích động viên tất cả mọi người trong Họ đạo phát triển không ngừng về các mặt: HỌC ĐẠO, SỐNG ĐẠO và TRUYỀN ĐẠO.
Quí chức (Quới chức) được phân biệt ra nhiều cấp bậc: trong họ đạo lớn thì có các ông Trùm phủ, Trùm nhất, Trùm nhì; trong họ đạo nhỏ thì có các ông Câu nhứt, Câu nhì; trong mỗi họ đạo lớn hay nhỏ đều có Biện việc, Biện sở và Giáp. Các ông biện phụ tá ông trùm và ông câu; còn ông giáp là người đặc trách một khu hay một xóm (Đ.5). Mỗi chức sở (quí chức) phải được bầu cử bởi giáo dân hay bởi những thành viên của Hội Đồng Quí Chức, sau đó phải được cha xứ tán thành. Quí chức cấp cao còn được đức giám mục cấp bằng (Đ.6). Để là ứng viên, thứ nhứt phải ‘có công làm giáp một ít năm’; thứ hai ‘phải đặng chừng 30 tuổi’; thứ ba, ‘cách ăn nết ở phải hiền từ đức hạnh, danh thơm tiếng tốt’; thứ bốn, phải thông hiểu lẽ đạo cho đặng dạy dỗ người ta những điều cần kíp’; thứ năm, phải ‘giữ đạo cho chín chắn’; thứ sáu, ‘phải biết đọc cùng biết viết chữ quốc ngữ hay là chữ nôm’ (Đ.7). Các chức sở đã được đức giám mục cấp bằng thì chỉ có thể bị truất chức bởi đức giám mục (Đ.8); Người làm giáp thì cha xứ có quyền chọn và cấp bằng, nên ngài cũng có quyền cất chức khi có lý do chính đáng. Người làm giáp ít nhất phải đủ hai mươi lăm tuổi (Đ.9). Sĩ số quí chức tùy thuộc tầm quan trọng của mỗi họ đạo: Họ đạo trên một ngàn giáo dân, có thể đặt hai ông trùm, hai ông câu và mười hai ông biện tùy theo trong họ đạo có nhiều xóm hay ít xóm; còn họ đạo có dưới một ngàn giáo dân và có cha sở, thì chỉ cần đặt một ông trùm, hai ông câu và chín ông biện; còn những họ đạo không có cha sở thì phải có một ông câu và bốn ông biện. Riêng số ông giáp thì tùy cha bổn sở (Đ.10). Họ nào muốn thêm sỉ số các chức sở như đã ấn định thì phải xin phép đức giám mục (Đ.11). Hiện nay họ đạo nào quá sỉ số các chức sở, thì cứ giữ nguyên, nhưng khi một chức sở qua đời thì không được thay thế (Đ.12).
Chức phận trùm phủ: chức trùm phủ dành cho người có công nghiệp đối với họ đạo hay với nhà chung. Người có chức trùm phủ được đức giám mục đặt cử nên là bậc đàn anh trên hết các chức sở của họ đạo và trong cả giáo phận (Đ.13).
Chức phận ông Trùm họ (trùm nhất): Ông là người đứng đầu cả họ, cả Hội Đồng Qúi Chức trong họ, dưới quyền của cha sở. Ông phải làm gương tốt cho mọi người (Đ.14); Ông chủ sự đọc kinh trong nhà thờ và các buổi hội qúy chức trong họ (Đ.15), lo giữ bầu khí hoà thuận trong họ, phân xử các vụ xích mích, và trình lên cha sở mọi công việc (Đ.16). Nhiệm kỳ của trùm nhất là mãn đời, khi ông đau yếu thì trùm nhì thay thế (Đ.17). Khi ông qua đời, phải đợi đủ ba tháng mới bầu ông trùm thay thế và xin đức giám mục phát bằng bầu cử (Đ.18). Ông trùm nhì được quyền làm các việc như trùm nhất, khi ông này vắng mặt hay đau yếu (Đ.19)
Chức phận câu họ: Trong họ lớn thì câu họ (trùm nhì) có phận vụ như vừa nói trên, còn trong họ nhỏ thì chức vụ câu cũng giống chức trùm nhất (Đ.20). Vừa khi bầu cử xong, cha sở phải xin đức giám mục cấp bằng cho câu họ (Đ.21). Nhiệm vụ đặc biệt của câu họ là lo quán xuyến của cải trong họ, vườn và ruộng nhà chung, nhất là việc thu tiền cho mướn ruộng đất (Đ.22). Ông còn phải quan tâm việc giữ sạch sẽ bên trong bên ngoài nhà thờ và đất thánh (Đ.23). Tóm lại, câu họ (trùm nhì) được đặt lên là để giúp đỡ câu nhứt (trùm nhứt) nên có quyền lợi và phận vụ như trùm nhứt (Đ. 24).
Chức phận Biện việc: Tức ủy viên tài chánh, là người làm việc trực tiếp dưới quyền cha sở hay ông trùm nhất để lo việc xuất phát (chi tiêu) của nhà thờ (Đ.25). Ông được các chức sở trong họ bầu lên với nhiệm kỳ một năm (Đ.26). Ông biện việc phải lo sắm sửa các đồ thờ phượng trong nhà thờ, lo việc chi tiêu và tiền còn lại nộp về cha sở (Đ. 27). Ông phải làm sổ sách nghiêm chỉnh và trình sổ với các chức sở và cha sở vào ngày lễ hai thánh Phêrô và Phaolô mỗi năm (Đ.28). Ông phải làm việc dưới quyền cha sở và mỗi lần nhóm họp, chính ông phải mời các chức sở tới (Đ.29).
Chức phận Biện sở: Mỗi họ đạo chia ra nhiều xóm và mỗi xóm có một biện sở trách nhiệm (Đ.30). Biện sở như ‘con mắt của cha sở’ để lo toan mọi việc trong xóm, phải trình ngài mọi vụ việc, nhất là khi có gương xấu xảy ra (Đ.31). Do đó phải làm gương tốt và giữ đạo sốt sắng (Đ.32). Cụ thể là phải đi dự các giờ phụng tự trong nhà thờ, như nghe giảng, học sách phần, đọc kinh, dâng lễ, siêng năng đọc kinh sáng tối (Đ.33). Khi cha sở muốn gặp ai, biện sở phải tìm người đó đến. Phải luôn nhớ mình là người thay mặt cha sở và bổn đạo trước mặt Chúa (Đ.34).
Biện sở phải học biết cách rửa tội để khi cần kíp thì rửa tội, khi có trẻ em sinh ra đã ba ngày hay người lớn cần rửa tội thì trình cha sở (Đ.35), phải cắt nghĩa cho cha mẹ và người đỡ đầu biết những việc họ phải làm (Đ.36); lại phải giúp đỡ và liên hệ với những ‘mụ bà’ hay ‘phô ông làm thầy thuốc’ thường đi rửa tội cho trẻ em ngoại giáo (Đ.37 và 39-40). Biện sở phải sốt sắng dạy giáo lý cho bổn đạo và truyền giáo cho lương dân; nếu cần phải giúp họ có cơm ăn áo mặc, nhà ở, cả sau khi họ đã chịu phép rửa tội. Do đó cần đi dự các giờ giáo lý cha sở dạy (Đ.38). Biện sở phải làm sổ những người xưng tội rước lễ mùa Phục Sinh, những trẻ em Rước lễ lần đầu, chịu Phép xức trán, những thanh niên chưa rước lễ hay chưa chịu xức trán, những cặp vợ chồng rối, những người mới nhập họ (Đ.41). Biện sở phải quan tâm nhắc nhở những cha mẹ lơ là trong việc giáo dục con cái, bỏ bê việc dạy kinh bổn cho con cái, hay có con đã lớn mà chưa xưng tội hoặc chưa chịu xức trán; cũng phải nhắc nhở cho các vú bõ nhớ phận vụ của họ (Đ.42).
Khi có người đau yếu, biện sở phải năng thăm viếng, rước linh mục về ban phép Xức dầu cho họ (Đ.43). Khi linh mục kiệu Mình Thánh đến, biện sở phải lo bày bàn thờ, cùng đọc kinh với những người thân cận gia đình, giúp bệnh nhân dọn mình… (Đ.44). Khi bệnh nhân qua đời, biện việc lo tránh các tục dị đoan, mà theo sách Tử Hầu giúp gia đình tổ chức lễ an táng đúng theo phép Hội Thánh. Sau đây là những việc không được làm trong việc tống táng: - phải chôn xác nội trong ba ngày, - không được tổ chức ăn uống linh đình, - không đốt pháo, chơi nhạc, - không được cầu hồn chung trong tư gia, mà phải tổ chức ở nhà thờ họ, - phải ăn mặc chỉnh tề, không khóc lóc, không ăn trầu hút thuốc trong khi cử hành lễ an táng, - không om xòm, nhưng thinh lặng, đọc kinh cầu nguyện và tỏ lòng cung kính (Đ.45). Riêng việc cưới hỏi, biện việc phải nhắc người ta giữ đủ ba lễ: lễ bỏ trầu cau, lễ hỏi và lễ cưới, và dĩ nhiên lễ bỏ trầu cau ít trọng hơn lễ hỏi và lễ hỏi ít trọng hơn lễ cưới. Nếu thấy có một bên đòi hỏi quá lẽ công bằng, biện việc phải khuyên răn, bằng không được thì phải trình cha sở. Việc làm dâu sau ngày cưới cũng vậy (Đ.46). Gần ngày cưới, đôi bạn và cha mẹ phải được biện sở dẫn tới cha sở để xin rao ba lần và để dọn mình xưng tội và làm phép cưới chứ không trì hoãn (Đ.47). Ngày lễ cưới, biện sở phải lo chuẩn bị bàn thờ, nhẫn, nến cho đôi bạn. Sau ngày lễ phải lo sổ sách cẩn thận và đem nộp tờ hôn thú cho làng xã (Đ.48). Biện sở phải nhắc cho hai gia đình biết: lễ ở nhà thờ, tại gia đình và việc đưa dâu về nhà chồng phải làm xong trong một ngày, và phải coi bí tích hôn phối trọng hơn việc cưới đời. Trong bữa tiệc cưới, lẽ thường biện việc được mời tới dự, ông phải lo tránh mọi hình thức dị đoan (Đ.49). Bây giờ không còn được cử hành hôn phối trước mặt mấy chức việc làm chứng nữa, trừ khi hoàn cảnh không thể mời được linh mục (Đ.50).
Biện việc lại lo cho trong họ tránh khỏi gương xấu: vì cảnh rối vợ rối chồng, vì người chồng có vợ bé, vì vợ chồng chia rẽ nhau, cảnh cờ bạc, nghiện ngập, cho vay ăn lãi nặng, làm việc xác ngày chúa nhật, vì bỏ bê con cái. Nếu khuyên răn không được, phải trình lên cha sở (Đ.51). Biện sở phải quan tâm giúp đỡ những người già yếu, khó nghèo, những kẻ bị sa cơ, thất thế… Bằng trong họ không ai giúp được thì phải trình cha sở (Đ.52).
Thi hành phận vụ như vậy, biện sở vừa phải nhiệt tâm vừa phải khiêm tốn, không kiêu căng và hằng nhớ lời Chúa Giêsu dạy: “Ai làm lớn phải trở nên bé nhỏ, và phục vụ mọi người” (Mt 10,43-44). Phục vụ như vậy, bây giờ biện sở được vui trong lòng và ngày sau sẽ được thưởng bội hậu (Đ. 53).
Chức phận người làm Giáp: Giáp là phó biện, chuẩn bị để nhập hàng chức sở. Cha sở chọn và cấp bằng cho Giáp (Đ.54). Biện sở có quyền đề nghị thêm ông giáp giúp đỡ mình (Đ.55). Phận vụ của ông giáp là phụ tá biện sở. Vì thế trong các buổi hội chức sở, giáp có thể tham dự mà không có quyền bàn luận (Đ.56).
Tại nhà thờ, quí chức được ngồi ở hàng ghế giữa, người làm giáp quỳ trên hết và ông trùm quỳ sau hết (Đ.58): khi không có cha sở, các chức sở được quyền rao lịch, đọc thông báo và chủ xướng kinh hạt (Đ.59). Các chức sở hội chung với cha sở để bàn tính mọi công việc trong họ (Đ.60). Các chức sở thay phiên nhau đi dự cấm phòng do đức giám mục tổ chức (Đ.61). Khi chức sở qua đời, họ đạo sẽ lo việc mai táng (Đ.62), riêng ông trùm sẽ được họ đạo xin cho ba lễ và ông giáp được một lễ (Đ.63). Hàng năm vào tháng các Đẳng, họ đạo xin một lễ cầu cho các chức sở đã qua đời (Đ.64).
Khi một chức sở muốn xin thôi làm việc, phải thưa mọi lẽ với cha sở để ngài trình lên đức giám mục và tìm người thay thế. Chỉ khi được đức giám mục chấp nhận và nộp bằng lại cho ngài, lúc ấy mới chính thức thôi việc. Trường hợp một chức sở đi qua họ đạo khác thì không còn là chức sở nữa, trừ khi được đức giám mục nhận cho làm chức sở trong họ đạo mới tới (Đ.65). Chỉ các chức sở xin thôi làm việc cách chính đáng mới có thể được phục nhiệm bởi đức giám mục (Đ.66).
Những người kể sau đây không được làm việc họ đạo: - Người hám quyền chức mà không lo bổn phận – Người bỏ Mùa Phục Sinh – Người rối vợ hay mê đắm dục tình – Người kiện việc đạo ra tòa đời – Người không vâng lời cha sở hay ông trùm trong vụ việc quan trọng – người làm nhục cách nặng hay đánh đập một chức sở – Người nghiện rượu, cờ bạc, thuốc phiện – Người kiện tụng trái lẽ công bằng - Người cho vay ăn lãi quá đáng, hay đồng lõa với đảng cướp (Đ.67). Một chức sở vấp phải những lỗi lầm trên đây, cha sở và hàng chức sở phải khuyên nhủ và cảnh cáo đôi ba lần trước, nếu chức sở đó không nghe và sửa mình, thì cha sở và hàng chức sở phải cách chức họ (Đ.68). Nếu chức sở làm điều lỗi nặng và công khai, thì sau khi đã hối cải, còn phải xin lỗi công khai là tùy tiện, nghĩa là phải lạy tạ lỗi họ đạo và hàng chức sở (Đ.69).
 
Trích từ "Chức sở Mục Lệ"