ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Chứng tích người từ Hỏa ngục hiện về

Hiện nay nhà xứ Cái Mơn còn lưu giữ một miếng ván có kích thước: 2,05 x 0,82 mét, dầy hơn 4,5 cm. Trên miếng ván có một chỗ bị cháy đen và khuyết xuống giống như "phần mông" của một người ngồi để lại. Miếng ván này được lưu giữ như là một chứng tích của việc có hỏa ngục và sự thưởng phạt đời đời.


Bà Tám (vợ của ông Biện Nguyễn Văn Nhung) và tấm ván hiện giờ.
Ảnh chụp ngày 8 / 10 / 2011, tại khuôn viên nhà thờ Cái Mơn.

Bài viết này được người trực nhà xứ, thời Cha Sở Gs Thích còn sống, ghi lại theo lời tường thuật của ông biện Nguyễn Văn Nhung, cháu cố của ông biện Đài và của ông Nguyễn Văn  Thật. Nay xin mạn phép tóm lại như sau:



Tấm ván khi mới được đưa về nhà xứ Cái Mơn (không rõ năm nào)

Khoảng đầu thế kỷ 18, tại Cái Mơn, có một bà lão nọ là người tu xuất đã ngoài bảy mươi. Đời sống của bà không tốt lắm. Bà bệnh nặng và liệt giường khoảng ba tháng, không ăn uống. Gia đình giữ linh hồn cho bà suốt thời gian ấy đã mệt mỏi. Hôm ấy, ông Biện Nguyễn Văn Đài (sau là Trùm Họ) đến đọc kinh giữ linh hồn cho bà. Ông bảo gia đình đi ngủ để ông giữ thay cho một hôm.
Khi ông biện Đài đang sốt sắng nhìn sách đọc kinh, thình lình bệnh nhân ngồi phắt dậy, thổi tắt đèn, rồi ôm lấy cổ ông và đeo cứng người ông. Ông bình tĩnh không la lên sợ làm rối gia đình, và ông cứ mang bà lão trên mình để đi đốt đèn. Đốt đèn xong, ông trở lại giường, gỡ hai tay bà ra khỏi cổ ông và để bà nằm xuống. Bà nằm trong tư thế như thường lệ: hai chân duỗi thẳng, hai tay để lên ngực và vẫn im lặng như người đang hấp hối.

Dấu bị cháy khuyết xuống do mông của người chết hiện về để lại trên tấm ván.

Cũng nên biết, vào thời điểm này chưa có dầu lửa và đá lửa. Người ta dùng dao đánh vào hòn đá đen cho lửa xẹt vào bông gòn trong ống tre. Khi bông gòn bén lửa, người ta thổi lên cho có lửa ngọn rồi mới dùng cây rọi lấy lửa mồi vào đèn. Cây rọi là mảnh vải bằng hai ngón tay, nhúng dầu mù u, xe xoắn lại phơi khô. Đèn dầu mù u thì không bắt lửa nhanh như đèn dầu ngày nay. Nhắc chuyện này để hiểu rằng thời gian ông biện mang bệnh nhân trên cổ là khá lâu.
Ngày hôm sau bà này chết. Việc an táng theo nghi thức đạo như thường lệ. Sau khi an táng, gia đình và hàng xóm tập trung để cầu lễ cho bà. Theo như tập tục thường kéo dài một tuần, lâu hơn hay ít hơn là tùy hoàn cảnh gia đình.
Một tối no, khi mọi người đang sốt sắng cầu lễ, bỗng dưng đèn tắt hết. Người chết xuất hiện, mình đầy lửa, mang dây xíchđến ngồi trên bộ ván, nói lớn tiếng: "Các người đừng cầu nguyện cho tôi nữa, bởi vì đã lỗi đức công bằng,  tôi xuống Hỏa ngục rồi". Nói bây nhiêu lời rồi biến mất. Mọi người có mặt chết điếng người, lặng thinh và ngưng đọc kinh nhưng không dám đi một mình về nhà.
Ông chủ nhà nói: "Tôi không dám để bộ ván này trong nhà nữa, đem ra sông cái  liệng cho nó trôi khuất cho rồi". Nói vậy nhưng có lẽ do quá sợ, ông không dám chở đi nên đã liệng xuống rạch bên hông nhà. Nhà ông ở trên ngọn, nhà ông biện Đài ở cuối nguồn, nên nước ròng ông biện đã vớt được tấm ván ghi dấu cái mông của linh hồn sa hỏa ngục, tấm kia trôi mất (bộ ván gồm hai miếng).
Ông biện Đài cố ý giữ tấm ván lại trong nhà để nhắc nhở con cháu và người đời sau nhớ rằng có Hỏa Ngục. Ông dặn con cháu sau này không được nói  tên người bất hạnh cho ai biết, để giữ thanh danh cho họ.
Bộ ván này dài gần 3 mét, dầy khoảng 8 cm, bằng gỗ sao gồm hai tấm. Linh hồn hiện về ngồi bên tấm ván này, chống hai chân và hai tay qua tấm ván bên kia. Tấm ván bên này để lại dấu mông, và tấm ván kia là dấu hai bàn chân và hai bàn tay úp xuống. Dấu lửa cháy ăn sâu xuống cả hai tấm ván. Không biết ngày xưa gìn giữ thế nào nhưng mấy mươi năm sau này, gia đình ông Nguyễn Văn Nhung bỏ phế ngoài vườn cây. Thời chiến tranh Ông Nhung đã dùng để làm hầm núp bom đạn. Chiến tranh chấm dứt, ông lại quăng tấm ván ra bờ mương. Một hôm có người đến ngỏ ý xin miếng ván, gia đình mới cạo rửa và định tống khứ nó đi. Khi hay được sự việc, cha sở Gs Thích đã ngỏ ý xin và đã đem về lưu giữ tại nhà xứ. Theo lời ông Thật thì có ai đó đã cưa  tấm ván mất mấy tấc. Có lẽ vì nó dài và nặng nề, khó di chuyển, nên đã vô tình cưa bớt đi.
Ông biện Nguyễn Văn Nhung thuật lại theo truyền khẩu của gia đình. Phần ông Nguyễn Văn Thật thì nói theo lời kể của ông Isiđôrô Võ Văn Vạn, thường gọi là Sáu Vạn, thầy tuồng của Cái Mơn ngày xưa. Ông là con đỡ đầu của Đức Cha Isiđôrô Đượm, tên Pháp là Dumortier, cha sở Cái Mơn, sau là Giám Mục Địa Phận Sài Gòn. Ông Vạn mất hơn 30 năm nay, thọ 90 tuổi.
Theo một số thông đáng tin cậy, thì người đã chết hiện về này có thể cùng thời với Thánh Philipphê Phan Văn Minh. Thánh nhân sinh năm 1815, như vậy, câu chuyện xảy ra cũng khoảng gần 200 năm có rồi.
Đối chiếu với gia phả của ông biện Nguyễn Văn Đài thì thời gian như vậy là đúng.
Ông biện Đài, sau thăng chức là Trùm Đài, không biết tuổi.
Con của ông Trùm Đài là ông Trùm Thiệu, sống 92 tuổi.
Con ông Biện Thiệu là ông biện Gioang, sống 72 tuổi.
Con ông Biện Gioang là ông Biện Nguyễn Văn Nhung đã mất, còn bà Nhung hiện nay trên 80 tuổi và đã có cháu cố.

Lm Phêrô Phạm Bá Trung



Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Tông chi Thân tộc Thánh Phêrô Đoàn Công Quí


Gia Tộc

Trào Gia Long ông Đoàn Công Tùng và hai anh em được tuyển vào cơ binh phòng vệ (?). Anh em tận lực phò vua, được tiếng trung thành.
Minh Mạng nối ngôi, không theo chánh sách tiên vương, lại hiềm khích đạo Chúa, muốn tiêu diệt tất cả giáo hữu trong đất nước Việt nam. Nhưng đối với tôi trung thành, không lẽ trực tiếp giết hại. Vua vời ông Tùng và hai anh em vào đền và phán: “Trẫm ban khen mấy em tận trung với Tiên Hoàng….nay trong nước bình yên, Trẫm cho về quê khỏi chân quân lính….”.
Cùng với lời khen, hoàng đế lại sắc tặng cho một vài danh tước và hạ chỉ khiến vào Đồng Nai, tìm nơi đất rộng lập nghiệp.
Ông Tùng cao niên lại mến tiếc làng quê, không muốn ra đi, nhưng rõ biết tâm trạng của Tân Vương, nên đành sắm một chiếc ghe bầu, chở con trai trưởng cùng 6 cháu nội đã lớn mà chưa đôi bạn, cùng với gia đình người em trai căng buồn vào Nam. Trong thuyền tất cả 15 người.
Còn những anh em khác thì đi ra Bắc hay bỏ thành nội vào những làng xa xôi ẩn nấp.
Vào tới Đồng Nai thì được một tin chấn động: Vua đã tư tờ cho các quan, dạy phải tru di tam tộc ông Đoàn Công Tùng.
Tuy nhiên, các quan thấy trung thần mắc nạn thì thương không nỡ giết hại lại tàng ẩn và làm mai cho mấy cháu ông Tùng kết bạn nữa.
Dầu vậy, gia đình không dám sống chung, chia tay mỗi người một nẻo. Kẻ ở Rạch Bàng, người lên Bình Dương, Bến Súc, cũng có nhóm ẩn miệt Gò Công, Bến Tre…..Giấy tờ, sắc tước đều thiêu hủy, lại đổi cả tên họ.
Về mặt vật chất  họ vẫn ấm no, nhưng phần hồn vì xa cha ông lại sống giữa người lương, lần lần nguội lạnh, nhưng họ mong ngày thái bình về lại làng quê giữ đạo.
Ngày lụn tháng qua, lớp già lần lượt từ giã cõi đời, bọn con cháu chỉ còn nhớ mập mờ: Tiên nhân ở Huế có đạo; còn trên thực tế họ đã trở thành người lương.
Thậm chí có người còn van vái ông Tùng nữa, vì họ nghe nói ông bị vua bắt uống thuốc độc tự tử.
Bởi ông lòng ngay mà thác oan nên ông linh lắm. Do đó họ cúng hương đền hoa quả trà rượu; đặc biệt là không cúng bánh thịt, vì tin rằng: Ông là người nội y không thích, lại cúng ngoài trời vì ông không chịu ở chung với tiên nhân bên lương.
Chỉ có một mình ông Đoàn Công Miên, cháu đích tôn ông Tùng, lên Búng với người cha, ẩn tích miệt Bà Trà, vỡ rẫy trồng khoai, bền lòng giữ đạo.
Ông Miên kết bạn với bà Trường, cũng đạo dòng, sinh được 5 trai, 1 gái, Con út là Á Thánh Quí .

(Trích trong" Hai bức gương linh mục tiền bối " của Cha Phanxi cô-Xaviê  Trần Thanh Khâm)


Đôi lời viết thêm:

Họ Đoàn Công, hiện nay, ở Búng và Bình Sơn không còn nghe nhắc đến nữa vì phần đông đã di chuyển lần hồi xuống Sài Gòn và Lương Hòa (Long An) trong thời kỳ bắt đạo (khi Pháp vừa qua, lối 1860) cho đến những năm đầu thập niên 1900. Trừ con cháu của bà Đoàn Thị Bường.
Nghe kể rằng, Cha sở nhà thờ Lương Hòa thời đó là Cha Tôma Đoan, rồi Cha Phêrô Võ Hiền Gia - người gốc Búng, hình như Cha này có bà con với bà Võ Thị Chi (vợ Ông Thới) ?. Thời đó ở Lương Hòa rất hoang vu và nhiều người từ Búng, Lái Thiêu theo Cha đến lập nghiệp. Cũng có nhiều người từ Nha Ràm cũng được Cha Già Triệu đưa đến Lương Hòa sinh sống.

Về Lương Hòa, ông Đoàn Công Đăng (con ông Thới) dần dần mua rất nhiều đất đai, trở thành ông Cả của làng nên người ta gọi là ông Cả Đăng (ông là Ba của ông Đoàn Công Chánh và là ông nội của ông Đoàn Công Đài).

Ông Đoàn Công Qui thì có cuộc sống bình thường, nhưng một trong những người con của ông là ông Đoàn Công Tần sau đó cũng tạo được rất nhiều đất đai. Thời đó ông đã xây được nhà lầu trên vùng đất khỉ ho cò gáy Lương Hòa, nên có người gọi ông là ông Nhà Lầu. Con kênh đi qua khu đất ông cũng được gọi là Kinh Nhà Lầu và đến giờ tên này vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, nhà lầu sau đó đã bị "cách mạng" phá hủy, đất đai cho những người con thì giờ đã bán cho người khác.

Trên gia phả này, nói riêng về con cháu bà Đoàn Thị Bường, chỉ biết được nhánh của Cha Bênêđictô Nguyễn Tri Phương (Bình Sơn) và của Cha Phaolô Nguyễn Minh Tri (Búng). Còn những nhánh khác ở Búng và ở Lái Thiêu thì chưa biết được.  
  


Lễ Khánh thành tượng đài Á Thánh Quí năm 1962 tại Búng. Ảnh. Lm. Longinô Nguyễn Thới Mậu

Linh mục dòng dõi Thánh Phêrô Đoàn Công Quí


Các Linh mục dòng dõi Thánh Phêrô Đoàn Công Quí














1.     Linh mục Phêrô Đoàn Công Triệu

-         Sinh ngày 17. 02. 1843
-         Tại: Họ Bình Sơn (Búng)
-         Thụ phong linh mục ngày 18. 09. 1875
-         Năm 1875 – 1879 : Phó sở Tha La
-         Năm 1879-1881: Cha sở họ Mỹ Hội
-         Ngày 11. 08. 1881 – 21. 09. 1933: Cha sở họ Nha Ràm.
-         Từ đây Cha Triệu đi truyền đạo các vùng xung quanh, lập nhà thờ Mỹ Điền (xã Long Hiệp) nhà thờ Rạch Đào, xã Mỹ Lệ, nhà thờ Gò Đen, thị trấn Gò Đen. Lập nhà nguyện tại Rạch Chanh năm 1924 và quản họ . Lập họ đạo Bến Lức lối 1892.
-         Năm 1933 - 1936: Hưu dưỡng tại Chí Hòa
-         Qua đời hồi 11 giờ ngày 28. 07. 1936, hưởng thọ 93 tuổi.
-         Mai táng tại Đất thánh các linh mục Chí Hòa



2.     Linh mục Phaolô Đoàn Quang Đạt

-         Sinh năm 1877

-         Tại họ Búng

-         Thụ phong Linh mục ngày 23. 09. 1911, tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, do Dức c Giám mục Lucien-Emile Mossard (Mão)

-         Linh mục địa phận Tây Đàng Trong

-         Tháng 10. 1911 – tháng 11. 1913: Linh mục ở Chủng viện

-         Tháng 11. 1913 – tháng 07. 1914: Cha sở họ Tây Ninh

-         Tháng 07. 1914 – tháng 05. 1917: Giáo sư Tiểu chủng viện Sài Gòn

-         Tháng 05. 1917 – tháng 12. 1919: Cha sở họ Bố Mua

-         Tháng 12. 1919 – tháng 04. 1925: Cha phó họ Tân Định

-         Tháng 04. 1925 – tháng 10. 1926: Cha sở họ Bến Sắn

-         Tháng 10. 1926 – tháng 10. 1933: Phó Giám đốc, rồi Giám đốc (tháng 03. 1928) nhà in Tân Định.

-         Tháng 10. 1933 – tháng 08. 1949: Cha sở họ Bà Rịa

-         Tháng 8.1949, vì tuổi cao, sức khỏe cha Phaolô Đạt nhanh chóng suy sụp, nên Đức cha Jean Cassaigne đưa cha về dưỡng bệnh ở Chủng viện Sài Gòn. Sau đó cha Giuse Thiên, cha sở Chí Hòa xin Đức cha cho cha Đạt về nhà hưu dưỡng các Linh mục ở Chí Hòa.

-         Đến sáng ngày 21/2/1956, cha Phaolô Đạt dâng thánh lễ cuối cùng. Đến trưa, cơn suyễn nổi lên quá mạnh, ngài không chịu nổi, đã tắt thở lúc 13g trưa, thọ 79 tuổi và 45 năm Lm.

-         Qua đời hồi 13:00 ngày 21. 02. 1956

-         Hưởng thọ 79 tuổi. 45 năm Linh mục

-         Mai táng tại đất thánh các linh mục bổn quốc Chí Hòa



3.     Linh mục Phaolô Đoàn Thanh Xuân

-         Sinh năm 1887

-         Tại họ Lương Hòa

-         Chịu chức cắt tóc ngày 19. 09. 1908, do Đức cha Lucien-Emile Mosard (Mão)

-         Thụ phong Linh mục ngày 27. 02. 1915, tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, do Đức Giám mục Victor-Charles Quinton (Tôn)

-         Linh mục địa phận Tây Đàng Trong

-         Tháng 03. 1915 – tháng 04. 1916: Phó sở Bà Rịa

-         Tháng 04. 1916: Giáo sư ở  Chủng viện Sài Gòn, và đén thời gian nào không rõ về làm phó cho Cha Jb. Tòng ở họ Bà Rịa.

-         Tháng 09. 1927 – tháng 01. 1929: Cha sở họ Đức Hòa (về sở Bãi Xan)

-         Tháng 01. 1929 – tháng 03. 1931: Giáo sư ở Chủng viện Sài Gòn

-         Tháng 03. 1931 – tháng 10. 1931: Cha phó họ Tân Định

-         Tháng 10. 1931 – tháng 09. 1945: Cha sở họ Tân Hưng

-         Qua đời ngày 15. 09. 1945, tại Bà Điểm

-         Hưởng thọ 58 tuổi. 30 năm Linh mục

-         Mai táng tại đất thánh các linh mục bổn quốc Chí Hòa



4.     Linh mục Phaolô Nguyễn Minh Tri
-         Sinh năm: 1912
-         Tại: Họ Búng
-         Thụ phong Linh mục năm 1938
-         Năm 1938 - 1945: Phục vụ các họ đạo Chánh Tòa Sài Gòn và Mỹ Tho.
-         Năm 1946 – 1949: Phó sở Hiệp Hoà. Quản họ Rạch Thiên
-         Năm 1949  - 1956: Cha sở họ Hiệp Hoà
-         Năm 1956 – 1977: Cha sở họ Vũng Tàu.
Hiệu trưởng Trường Trung học Tư thục Thánh Giuse Vũng Tàu
Quản hạt Vũng Tàu
-         Năm 1977 – 1990: Hưu dưỡng
-         Qua đời: 03/05/1990, tại TGM Sài Gòn
-         Mai táng tại Đất thánh Họ đạo Búng



5.     Linh mục Bênêđictô Nguyễn Tri Phương

-         Sinh năm: 1919
-         Tại: Bình Sơn (Búng)
-         Thụ phong Linh mục ngày 21. 09. 1947
-         Năm 1947 – 1951:Cha phó Lương Hòa Thượng, Đất Đỏ và Cái Nhum (Bến Tre), đặc trách Ngũ Hiệp.
-         Năm 1951 – 1955: Cha sở họ Phước Khánh
-         Năm 1956 – 1962: Cha sở họ Đất Đỏ
-         Năm 1962 – 1990: Cha sở họ Phú Nhuận
-         Quan đời ngày 17. 03. 1990
-         Mai táng tại Đất thánh Họ đạo Lái Thiêu



6.     Linh mục Giuse Nguyễn Hiếu Lễ

-         Sinh ngày 16. 10. 1920
-         Tại: Lương Hòa
-         Thụ phong Linh mục:
-         Tham gia kháng chiến.
-         Cha sở họ đạo Dầu Giây
-         Quản lý Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.
-         Qua đời:07. 09. 1994
-         Mai táng tại khuôn viên Nhà thờ Lương Hòa Hạ



7.     Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh

-         Sinh ngày: 13. 09. 1935
-         Tại: Lương Hòa
-         Thụ phong Linh mục ngày 23. 04. 1963
-         Năm 1963 – 1971: Cha giáo Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
-         Năm 1971 – 1982: Chánh sở  Mẫu Tâm
-         Năm 1982 – 1991: Chánh sở Xóm Chiếu
-         Năm 1991 – 2014: Chánh sở Thị Nghè
-         Năm 2014 – 2016: Hưu dưỡng
-         Qua đời ngày 27. 07. 2016
-         An táng tại: Lương Hòa Hạ


8.     Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Thắng

-         Sinh năm 1966
-         Tại: Họ Bình Sơn (Búng)
-         Thụ phong Linh mục: 1993

-         Linh mục Giáo phận Phú Cường





9.     Linh mục Đôminicô Nguyễn Trọng Dũng

-         Sinh năm 1967
-         Tại: Lương Hòa
-         Thụ phong Linh mục: 1998
-         Linh mục Giáo phận Mỹ Tho



10. Linh mục Giuse Nguyễn Văn Nhạn

-          Sinh năm 1959
-         Tại: Lương Hòa
-         Thụ phong Linh mục: 1999
-         Linh mục Giáo phận Mỹ Tho



11. Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Khánh

-         Sinh năm 1962
-         Tại: Bình Sơn
-         Thụ phong Linh mục: 1999
-         Linh mục Giáo phận Phú Cường