ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Trên Kiến thức ngày nay, số Xuân Quý Dậu (tr.26), Huệ Thiên đã cho rằng hai tiếng gà đồng trong thành ngữ mèo mả gà đồng là con gà hoang. Vậy gà đồng trong thành ngữ nói trên là con ếch hay con gà hoang như Huệ Thiên đã nói? chứ không phải con ếch.

ĐỘC GIẢ: Trên Kiến thức ngày nay, số Xuân Quý Dậu (tr.26), Huệ Thiên đã cho rằng hai tiếng gà đồng trong thành ngữ mèo mả gà đồng là con gà hoang chứ không phải con ếch. Những năm học trung học trước giải phóng, thầy dạy Quốc văn có giải thích cho chúng tôi thành ngữ trên như sau: “Nghĩa đen: Đến mùa động dục, họ hàng nhà mèo tìm nơi vắng để làm tình, chẳng hạn như nơi gò mả hoang vắng. Còn họ nhà ếch (gà đồng) bắt từng cặp với nhau ngoài đồng ruộng khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống. Nghĩa bóng: ở đây chỉ bọn thanh niên lêu lỏng có tình cảm lăng nhăng bậy bạ”. Vậy gà đồng trong thành ngữ nói trên là con ếch hay con gà hoang như Huệ Thiên đã nói?

AN CHI: Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức cũng giảng như thầy của ông. Nhưng đó là một cách giảng không đúng. Từ điển Việt Nam phổ thông của Đào Duy Tập đã đúng khi giảng rằng thành ngữ đang xét đồng nghĩa với mèo đàng, chó điếm, dùng để chỉ “những kẻ điếm đàng, du thủ du thực”. Đây cũng là cách giảng của Đào Duy Anh trong Từ điển Truyện Kiều mà chính ông cũng đã trích dẫn trong thư: “Mèo ở mả, gà ở đồng, không ở nhà, chỉ những hạng người không có căn cứ, vô lại, ví như những kẻ trốn chúa lộn chồng”. Nguyễn Thạch Giang cũng giảng: “Mèo hoang sống kiếm cái ăn nơi nghĩa địa, gà hoang sống ở đồng nội, ví với hạng người vô lại, không có sở cứ nhất định” (1). Còn sau đây là lời của Nguyễn Quảng Tuân: “Giảng gà đồng” là con ếch thì chẳng có nghĩa gì. Mèo mả gà đồng ở đây được đặt đối nhau: mèo ở mả, gà ở đồng. Mèo ở mả là mèo hoang, sống ở tha ma. Gà ở đồng là gà hoang sống ở đồng nội. Người ta ví hạng vô lại, không có chỗ ở nhất định với loài mèo hoang sống lang thang ở ngoài đồng nội. Gà đồng đâu có phải nói lóng mà giảng là con ếch!(2) Trên đây là cách hiểu của nhà từ điển và nhà chú giải. Bây giờ đặt thành ngữ đang xét vào câu Kiều thứ 1731 và ngôn cảnh cụ thể của đoạn Kiều 1728 – 1737 là lời mắng mỏ của Hoạn bà thì sẽ thấy lời mắng mỏ này chẳng có liên quan gì đến chuyện “trên Bộc trong dâu”, nghĩa là đến chuyện quan hệ nam nữ lăng nhăng cả. Hoạn bà chỉ mắng Kiều là hạng đàn bà con gái bỏ nhà đi hoang mà thôi. Vậy gà đồng trong thành ngữ đang xét với gà đồng là con ếch, dịch từ tiếng Hán điền kê, và đương nhiên là chẳng có liên quan gì đến chuyện ếch bắt cặp khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống cả.

 


1. Truyện Kiều, Hà Nội, 1972, tr.438, câu 1731

2. Chữ nghĩa Truyện Kiều, Hà Nội, 1990, tr.58. Kiến thức ngày nay, số 109, ngày 15-5-1993

Kiến thức ngày nay, số 110, ngày 1-6-1993


Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

Theo tôi, ông trả lời về khái niệm “La Hán” (Kiến thức ngày nay, số 105) như thế rất đúng nhưng tên gọi từng vị thì khác. Theo tư liệu của Vụ bảo tồn bảo tàng thì tên của 16 vị La Hán là: 1. Tuyết Sơn, 2, Di Lặc, 3. Thương Na Hoà Tu, 4. Phú Na Dạ Sa, 5. A Nan Vương, 6. Ba Tu Mật, 7. Phật Nà Nan Đế, 8. Phúc Ma Mật Đa, 9. Hiếp Tôn Giả, 10. Mã Minh Ba La, 11. Già Bi Ma La, 12. Long Thụ Tôn Giả, 13. La Hầu La Đà, 14. Tăng Già Nam Đề, 15. Cưu Ma Đa La, 16. Đồ Da Đà. Đây là 16 vị La Hán ở chùa Tây Phương. Vậy 16 vị này là ai so với 16 vị trong :pháp trụ lý” của Nan Đề Mật Đa La ?

ĐỘC GIẢ: Theo tôi, ông trả lời về khái niệm “La Hán” (Kiến thức ngày nay, số 105) như thế rất đúng nhưng tên gọi từng vị thì khác. Theo tư liệu của Vụ bảo tồn bảo tàng thì tên của 16 vị La Hán là: 1. Tuyết Sơn, 2, Di Lặc, 3. Thương Na Hoà Tu, 4. Phú Na Dạ Sa, 5. A Nan Vương, 6. Ba Tu Mật, 7. Phật Nà Nan Đế, 8. Phúc Ma Mật Đa, 9. Hiếp Tôn Giả, 10. Mã Minh Ba La, 11. Già Bi Ma La, 12. Long Thụ Tôn Giả, 13. La Hầu La Đà, 14. Tăng Già Nam Đề, 15. Cưu Ma Đa La, 16. Đồ Da Đà. Đây là 16 vị La Hán ở chùa Tây Phương. Vậy 16 vị này là ai so với 16 vị trong :pháp trụ lý” của Nan Đề Mật Đa La ?

AN CHI: Nếu đúng như ông đã nêu thì tư liệu của Vụ bảo tồn bảo tàng hoàn toàn sai. Tuyết Sơn, tức Himalaya, chỉ là một địa danh liên quan đến sự tích đức Thích Ca. Di Lặc là tên của đức Phật vị lai hiện còn ở trên tầng trời Đâu Suất (theo Phật giáo đại thặng, ngài là một vị Bồ Tát). Còn lại là tên các vị trong 28 vị tổ sư (nhị thập bát tổ) của đạo Phật. A Nan Vương, tổ thứ 2; Thương Na Hoà Tu, tổ thứ 3; Ba Tu Mật, tổ thứ 7; Phật Nà Nan Đế, tổ thứ 8; Phúc Ma Mật Đa (chính là Phục Đà Mật Đa), tổ thứ 9; Hiếp Tôn Giả, tổ thứ 10; Phú Na Dạ Sa, tổ thứ 11; Mã Minh, tổ thứ 12; Già Bi Ma La (tức Ca Tỳ Ma La), tổ thứ 13; Long Thụ Tôn Giả, tổ thứ 14; La Hầu La Đà, tổ thứ 16; Tăng Già Nam Đề, tổ thứ 17; Cưu Ma Đa La, tổ thứ 19; Đồ Da Đà (tức Xà Dạ Đa), tổ thứ 20. Dân gian có thể nhầm lẫn mà cho rằng các vị La Hán tuy đã đắc đạo nhưng vẫn còn sống ở cõi trần để tế độ chúng sinh (đây thực ra là đặc điểm của các vị Bồ Tát) chứ cơ quan chức năng như Vụ bảo tồn bảo tàng thì không thể biến 14/28 vị tổ sư của đạo Phật thành các vị La Hán, vì điển tích Phật học đã có ghi rõ danh sách riêng biệt của nhị thập bát tổ và thập lục La Hán. Danh sách 16 vị La Hán mà chúng tôi đưa ra hoàn toàn thống nhất với danh sách của Đoàn Trung Còn trong Phật học từ điển, có khác là khác ở hình thức phiên âm mà thôi, thí dụ: KTNN Tân Độ La Bạt La Đọa – PHTĐ Tân-đô-la-bạt-la-đọa-xà, KTNN Già Nặc Già Phạt Sa = PHTĐ Ca-nặc-ca-phạt-sa, KTNN Nhân Kiệt Đà = PHTĐ Nhơn-yết-đà, vv.. Đó là tên của 16 vị La Hán đã được đức Phật phái đi truyền bá đạo Phật ở nước ngoài, làm thành danh sách quen thuộc trong kinh điển xưa nay. Còn số lượng các vị La Hán thì rất nhiều vì tương truyền rằng có đến 1250 đệ tử của Phật đã đắc quả A La Hán. Cơ quan chức năng mà sai đến như thế thì văn hóa nước nhà còn ra làm sao!

Kiến thức ngày nay, số 109, ngày 15-5-1993