ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

"Đàng Trong" / "Đàng Ngoài" , < = > "Việt Nam"

 "ĐÀNG TRONG / ĐÀNG NGOÀI" <=> "VIỆT NAM"

* Chúa Nguyễn khi định danh "Đàng Trong"/"Đàng Ngoài", nhà Nguyễn (vua Gia Long) khi đặt tên nước là "Việt Nam" - nên nhớ - là ghi bằng chữ Nôm, chữ Hán (KHÔNG phải chữ Quốc ngữ, vì lúc đó chưa phổ biến chữ Quốc ngữ gì ráo trọi)!

Thành thử muốn hiểu đúng thì phải hiểu sự định danh bằng chữ Nôm, chữ Hán đó mang nghĩa gì.

THÚ VỊ và QUAN TRỌNG hơn, chẳng phải chuyện chữ nghĩa thôi đâu, mà qua đó tôi mong mỏi góp phần làm SÁNG TỎ SỬ VIỆT!

1/ Khi tôi cố gắng giải thích cho sáng tỏ "Đàng" - trong "Đàng Trong / Đàng Ngoài" - nghĩa là gì (chớ không phải "đàng" nói chung chung vì có nhiều nghĩa), nhiều bạn vội vàng cmt cho rằng "đàng" là mé, là phía, là mạn...

Xin nói ngay, mà không ngại làm quí bạn phật lòng, những cmt như rứa là TRẬT rồi đa!

Vì sao?

Vì, nhắc lại, ở đây đang nói ĐÀNG (trong "Đàng Trong", "Đàng Ngoài" - mà tiền nhân ghi rõ rành bằng chữ Nôm: 𥪝 (Đàng Trong), (Đàng Ngoài), đâu có ghi bằng chữ Quốc ngữ abc mà đoán già đoán non, rồi chém gió là nghĩa như thế này thế kia, hả trời!

𥪝 đọc âm Nôm là "Trong", đọc là "Ngoài" - cái này rõ rồi.

đọc là "Đàng" - chỗ này mới cần làm rõ "Đàng" là gì, tức ký tự này trong chữ Nôm có mấy nghĩa, nghĩa nào mới thích hợp, mới đúng. (mời đọc bài: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1160391131061532)

Còn "đàng" mà hiểu là mé, phía, mạn, phương hướng ... thì - xin chú ý - trong chữ Nôm viết bằng ký tự hoàn toàn KHÁC, không phải ký tự trong định danh "ĐÀNG Trong / Ngoài"!

Là ký tự gì? Mời đọc kỳ 2. Rao trước đặng đón đọc cho rôm rả.

2/ Giải thích chữ Đàng Trong, Đàng Ngoài để thêm tỏ tưởng và yêu mến lịch sử nước nhà.

Cũng rứa, đối với hai chữ "VIỆT NAM". Lần đầu tiên hai chữ "Việt Nam" trở thành tên nước là thời vua Gia Long đầu thế kỷ 19. Nên nhớ bấy giờ chưa có chữ Quốc ngữ, hết thảy viết bằng Hán tự.

Vậy, phải biết hai chữ Việt Nam viết bằng chữ Hán ra sao, và QUAN TRỌNG là cần biết hai chữ "Việt Nam" nghĩa là như thế nào.

Cũng nhanh nhẩu, ào ạt, là có nhiều người giải thích "Việt Nam" nghĩa là nước Việt ở phía Nam. So với nước Tàu nên mới gọi là phía Nam. Mắc gì phải đem Tàu làm hệ qui chiếu ở đây? Coi đi, nước Hàn (Hàn quốc) ở về phía Đông của Tàu mà họ đâu gọi là... "Hàn Đông"!

Tức "Nam" (Việt Nam) chẳng phải là phía Nam. Cũng chỉ vì đọc chữ Quốc ngữ mà suy đoán tùm lum.

"Nam Việt" lẫn "Việt Nam" trong cách chọn tên nước của triều Gia Long thì không dính dáng gì đến "phía nam", cũng không tương đồng với "việt" trong "đại việt".

Đây, cũng rao trước, sẽ xin hầu chuyện trong một bài viết khác.

"Bật mí' chút đỉnh: "VIỆT NAM" mang ý nghĩa là sự kết hợp Đàng Trong với Đàng Ngoài đó đa.

Một lần nữa, xin nhấn mạnh, đừng đem sự suy đoán / giải thích của hậu thế, của chúng ta thời nay mà úp chụp lên đầu tiền nhân ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

SỰ THẬT LỊCH SỬ nằm nơi NGÔN NGỮ, không xóa được!

 SỰ THẬT LỊCH SỬ nằm nơi NGÔN NGỮ, không xóa được!

- Vì sao gọi "VÀO (VÔ) NAM, RA BẮC" (mà không gọi "vào Bắc, ra Nam")?

- "Đàng" có nhiều nghĩa, NHƯNG riêng chữ "ĐÀNG" (Đàng Trong, Đàng Ngoài), NGHĨA ĐÚNG LÀ GÌ?

&1&

Người Việt nói "vào (vô) trong", chớ không ai đi nói "vào (vô)... ngoài" hết. Cũng vậy, nói "ra ngoài, ra bên ngoài", chớ không ai nói "ra ... trong". Nghe trớt hướt, trật lất.

Vậy, khi nói "vào (vô) Nam" - tức miền Nam được xem là "TRONG" (bên trong); còn "ra Bắc" - tức miền Bắc được xem là "NGOÀI" (bên ngoài).

Từ đâu, từ hồi nào mà miền Nam trở thành "TRONG" / còn miền Bắc lại trở thành "NGOÀI"?

&2&

Tới đây ắt hẳn quí bạn đều nhớ tới cuộc phân ranh hai miền NAM / BẮC, với danh xưng "Đàng Trong" (để chỉ từ phía Nam sông Gianh thuộc Quảng Bình cho đến tận Cà Mau) và "Đàng Ngoài" (để chỉ từ phía Bắc sông Gianh cho đến biên giới Việt - Tàu), vào thế kỷ 17.

Tôi có hỏi một vài bạn trẻ sinh viên, "ĐÀNG, nghĩa là gì?". Có bạn trả lời từ nhỏ đến lớn đi học không được thầy cô giải nghĩa, chỉ nghe nói "Đàng Trong / Đàng Ngoài" rồi học thuộc, vậy thôi. Thiệt sự vậy sao, trời?

Lại có bạn bèn tra Google, gõ wikipedia là từ điển "mở" (chú ý: kêu bằng "mở" tùm lum, loạn xạ có đúng có sai), được giải thích như sau:

"Đàng là road, Trong là inside, Ngoài là outside. Đàng Trong tức là con đường bên trong, Đàng Ngoài tức là con đường bên ngoài".

Đàng Trong là "con đường bên trong (hoặc) bên trong con đường", đọc lên thấy khó hiểu (thế nào là "trong con đường"?), mờ mịt ý nghĩa hết sức. Rồi, đó là con đường nào vậy, mà lạ lùng, đặc biệt tới mức "bên trong con đường" thì... gồm cả một cõi miền Nam mênh mông luôn?

&3&

"Đường", nếu đọc theo âm Việt-Hán thì có khoảng 20 chữ Hán khác nhau lận, cũng đều đọc là “đường”! Và, không có chữ “đường” nào mang ý nghĩa là "con đường" (road, street) hết ráo!

Để hiểu là "con đường" (road, street, avenue...), trong chữ Hán gọi là : "lộ" (như đại lộ 大路), hoặc là : "đạo"...Thành thử nếu cho rằng "đàng trong/đàng ngoài" nghĩa là "trong/ngoài con đường" thì phải viết chữ Hán là "nội lộ/ngoại lộ" (nên nhớ: hồi thế kỷ 17, chúng ta vẫn còn viết bằng chữ Hán chớ không phải chữ Quốc ngữ).

&4&

Thành thử phải tra tự điển chữ Nôm. Hồi xửa hồi xưa, thế kỷ 17, người Việt vừa xài chữ Hán vừa xài chữ Nôm (dựa trên chữ Hán mà có những cách cấu tạo đủ kiểu, phức tạp lắm đa).

Trong Từ điển chữ Nôm, có ghi phát âm "Đàng" theo hai ký tự khác nhau: , và . Để coi "đàng" nghĩa là gì?

, đọc là "đàng" (cũng được đọc là "đường"): có nhiều nghĩa nhưng không dính gì tới "con đường" hết! Trong đó có một nghĩa là "lối đi trong đình viện (sân nhỏ)". Ừm, "ĐÀNG" (tỉ như trong danh xưng "Đàng Ngoài") mà hiểu là... lối đi trong sân, coi bộ không ổn rồi đa.

Còn chữ thứ hai, (đọc là "đàng", cũng được đọc "đường") có mấy nghĩa lận, là: cái ao, cái đầm, cái nhà... Coi bộ không hạp gì ráo với danh xưng "Đàng Trong / Đàng Ngoài"!

Thời may, trong Từ điển Thiều Chửu, Từ điển Trần Văn Chánh có ghi chú cái nghĩa nữa của chữ (đàng/đường) này là: "con đê, bờ đê"!

&5&

Quí bạn hãy cùng ngược dòng lịch sử...

Năm 1630, để ngăn chặn những cuộc tấn công từ Bắc hà (phía bắc sông Gianh) do vua chúa triều đình Thăng Long phát động, Chúa Nguyễn cậy nhờ Đào Duy Từ xây hệ thống đê lũy. Đặc biệt là "Lũy Thầy" với tổng chiều dài khoảng 34km, bắt đầu từ núi Đầu Mâu tựa vào dãy Trường Sơn kéo ngang ra tới cửa biển Nhật Lệ.

Bề mặt của mặt đê rộng tới mức có thể cho người lẫn voi, ngựa có dễ dàng đi lại trên đó.

Phòng tuyến giăng ngang giữa hai đầu núi và biển đã bịt kín các lối ra vào và hoàn toàn khống chế các mũi tấn công từ phía Bắc và phía bên ngoài thành lũy. Từ đó Nam hà (phía Nam sông Gianh trở vào) của Chúa Nguyễn được giữ vững!

=> ĐÀNG TRONG 𥪝 là cõi bên trong đê lũy (bờ đê của Lũy Thầy), về phía Nam.

ĐÀNG NGOÀI là cõi bên ngoài đê lũy, về phía Bắc.

&6&

Danh xưng "Đàng Trong"/"Đàng Ngoài" được lưu trong sách vở còn được nhìn thấy, đầu tiên là trong "Từ điển Việt - Bồ - La" của Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) vào năm 1651. Như vậy, cách gọi Đàng Trong/Đàng Ngoài xuất hiện trong quãng thời gian sau năm 1630 (xây đắp Lũy Thầy) và trước năm 1651 (được ghi trong Từ điển).

Rõ rành cách gọi hai miền là "Đàng Trong/Đàng Ngoài" được lấy theo hệ qui chiếu của miền Nam (từ phía Nam sông Gianh trở vào): Chúa Nguyễn gọi lãnh thổ đang cai quản là "TRONG" - để phân định khác với Chúa Trịnh là "NGOÀI".

Và, theo dòng thời gian, người dân miền Bắc cũng chấp nhận hệ qui chiếu của miền Nam, mà gọi họ là "Đàng Ngoài". Vì sao?

&7&

Vì lẽ, theo các sử liệu, trong giai đoạn phân tranh thì Đàng TRONG phát triển THỊNH VƯỢNG hơn so với Đàng Ngoài, mở rộng lãnh thổ tới Cà Mau; đồng thời xác lập những chuẩn mực văn hóa đa dạng.

Về đại thể, sự chuyển dịch trọng tâm về phía Nam là có lợi cho sự phát triển của người Việt và nước Việt nói chung.

&8&

Thực tế lịch sử đã in dấu ấn không bao giờ phai trong ngôn ngữ của người Việt, cho đến hiện nay! Gọi "NGOÀI Bắc" là xuất phát từ chữ "Đàng Ngoài"; gọi "TRONG Nam" là xuất phát từ danh xưng "Đàng Trong".

Đã "TRONG (Nam)", thành thử phải gọi là "VÀO/VÔ (Nam)".

Cũng vậy, đã "NGOÀI (Bắc)" thì phải là "RA (Bắc)" (không ai đi nói "vào Bắc" hết ráo).

-------------------------------------------------------------------------

* Thắc mắc còn lại: "ĐÀNG" là đê lũy, vậy "lên đàng" bấy lâu nay được hiểu là "lên đường", giải thích làm sao cho hợp lý?

Rồi, "Đàng Thổ" hồi thế kỷ 17 dùng để chỉ vùng Sài Gòn-Bến Nghé, đâu có đê lũy nào mà vẫn gọi là "Đàng"?

Bài viết tới đây dài rồi, để dành cho kỳ 2 giải đáp, đặng có cái mà đọc.

Hình ảnh: Sông Gianh ở Quảng Bình.

Di tích Lũy Thầy: cổng thượng Võ Thắng quan.

Di tích Lũy Thầy: cổng hạ Quảng Bình quan.




Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Hiện tượng giao thoa ngôn ngữ văn hóa rất đặc biệt.

 Nội dung bài dưới đây được tham chiếu từ một khảo luận của Nguyễn Cung Thông (Melbourne, Úc)

HIỆN TƯỢNG GIAO THOA NGÔN NGỮ VĂN HÓA RẤT ĐẶC BIỆT: (*)

* Gọi "thứ Hai", "thứ Ba", "thứ Tư"..., sao không thấy "thứ Nhứt (nhất)"?

* Gọi "CHỦ nhựt (nhật)" hay gọi "CHÚA nhựt (nhật)"?

1/ Trong ngôn ngữ phương Tây như tiếng Anh, tiếng Pháp, rồi tiếng Nhựt ở Đông Á họ gọi tên cho các ngày trong tuần như sau:

Monday (Anh) / lundi (Pháp) / Getsu-yō-bi (Nhựt Bổn) tức "Nguyệt diệu nhựt": ngày Mặt Trăng;

Tuesday / mardi / Ka-yō-bi: ngày sao Hỏa;

Wednesday / mercredi / Sui-yō-bi: ngày sao Thủy;

Thursday / jeudi / Moku-yō-bi: ngày sao Mộc;

Friday / vendredi / Kin-yō-bi: ngày sao Kim;

Saturday / samedi / Do-yō-bi: ngày sao Thổ;

Sunday / dimanche / Nichi-yō-bi: ngày Mặt Trời.

Không chỉ Anh, Pháp mà cả Ý, Tây Ban Nha, Đức...- các nước phương Tây, và kể luôn Nhựt Bổn đều dùng tên gọi của các thiên thể để đặt tên cho các ngày trong tuần (gắn liền với các sự tích thần thoại bên phương Tây; stt này không đề cập những sự tích cũng như vì sao Nhựt Bổn lại gọi y như phương Tây).

Không nước nào dùng số thứ tự để gọi các ngày trong tuần, như người Việt chúng ta.

2/ Từ đâu mà người Việt lại dùng số thứ tự để gọi - thứ Hai, thứ Ba,..., thứ Bảy?

2a) "Tuần gồm 7 ngày" là sự sắp đặt thời gian theo dương lịch. Trước kia, khi người Việt chưa biết đến dương lịch mà chỉ dùng âm lịch thì "tuần" có nghĩa là 10 ngày - trong một tháng 30 ngày chia ra "thượng tuần", "trung tuần", "hạ tuần".

Người Việt biết đến dương lịch của phương Tây, lúc nào? Đó là vào đầu thế kỷ 17, khi các tu sĩ Dòng Tên đến Đàng Trong để truyền đạo Công giáo (sau đó, mở rộng địa hạt truyền giáo ra Đàng Ngoài). Ở đây, chúng ta cần hiểu cho tỏ một vài dữ kiện lịch sử, để đừng ngộ nhận ở mức sơ đẳng nữa:

* Trong suốt thời kỳ đầu của truyền giáo, nhứt là - xin nhấn mạnh - trong buổi bình minh của việc xây dựng chữ Quốc ngữ, đa số các tu sĩ là người Bồ Đào Nha, một số ít là người Ý đều thuộc Dòng Tên. Trong số đó, đặc biệt phải kể đến tu sĩ Francisco de Pina, ngài là người khởi tạo nên hệ thống ký âm tiếng Việt dựa trên bộ chữ Bồ Đào Nha (vì chữ Bồ Đào Nha có gốc từ hệ thống văn tự biểu âm Latinh, thành thử chúng ta quen nói là dựa trên bộ chữ cái Latinh).

* Linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ, 1591-1660) cũng thuộc Dòng Tên, ngài đã tiếp nhận công trình ký âm tiếng Việt của Francisco de Pina để hoàn thiện hơn. Lm Đắc Lộ biên soạn cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La" (VBL), ủa, tại sao ngài không soạn "tự điển Việt - Pháp - La"?

Bởi vì, xin chú ý, Lm Đắc Lộ đâu phải là công dân nước Pháp mà biểu ngài viết tiếng Pháp!

Quê quán của ngài là Avignon thuộc lãnh thổ của quốc gia bấy giờ mang tên "Stato della Chiesa" ("Quốc gia Giáo hội"), đâu phải là nước Pháp mà nói ngài là công dân Pháp?

Avignon chỉ thuộc về nước Pháp vào năm 1791, tức sau khi Lm Đắc Lộ đã qua đời những 130 năm, hơn một thế kỷ về sau lận!

Thêm nữa, rất đáng chú ý, "ngôn ngữ phương Tây" thịnh nhứt ở nước Việt, trong thế kỷ 17, là tiếng Bồ Đào Nha (ngôn ngữ mẹ đẻ của đa số các giáo sĩ). Tiếng Pháp, người Pháp thì mãi về sau lận, họ mới có mặt trên nước Việt.

2b) Ngày đầu tuần "Monday" (tiếng Anh đang phổ dụng hiện nay, cho tiện đối chiếu), trong tiếng Bồ là "segunda feira". Cứ vậy nối tiếp: "terça" (Tuesday), "quarta" (Wednesday), "quinta" (Thursday), "sexta" (Friday)... Mà quí bạn biết không, "segunda", "terça", "quarta", "quinta", "sexta"... có nghĩa là "thứ hai", "thứ ba", "thứ tư", "thứ năm", "thứ sáu"... đó đa!

Tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ duy nhứt ở phương Tây gọi tên ngày trong tuần THEO SỐ THỨ TỰ, không đặt tên theo các thiên thể / sự tích thần thoại (như Pháp, Tây Ban Nha, Anh...). Thành thử các giáo sĩ Dòng Tên (với sự cộng tác của những tín hữu Công giáo người Việt), vào thế kỷ 17, đã dịch nghĩa từ tiếng Bồ sang tiếng Việt mà gọi các ngày trong tuần cũng theo số thứ tự: thứ Hai (segunda), thứ Ba (terça), thứ Tư (quarta), thứ Năm (quinta), thứ Sáu (sexta), thứ Bảy (septima)!

[riêng thứ Bảy, ngoài chữ "septima" thì người Bồ còn dùng chữ "sábado" và "sábado" được dùng phổ biến hơn hẳn; "sábado" nghĩa là ngày sabbath, ngày thứ bảy theo lối nói của người Do Thái]

3/ Còn "ngày thứ nhứt (nhất)"? Cách gọi "Chúa nhựt" / "Chủ nhựt" từ đâu ra?

3a) Trong cuốn "Phép giảng tám ngày" (PGTN) và trong Tự điển VBL của Lm Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), có ghi: "ngày thứ nhứt" (dịch nghĩa "prima" trong tiếng Bồ), còn gọi là "ngày Dominh", ngày kế tiếp là "thứ Hai" (segunda)... Vào thời kỳ đầu định danh bằng tiếng Việt cho các ngày trong tuần theo dương lịch, CHƯA XUẤT HIỆN cách gọi "Chúa nhựt / Chủ nhựt".

"Ngày Dominh"? "Dominh" (có nơi ghi "Duminh") phiên âm từ tiếng Bồ "domingo", danh từ này lại có gốc từ tiếng Latinh "dominīcus" nghĩa là "ngày của Thượng đế".

"Ngày Dominh" và "ngày thứ nhứt" là một, nhưng lối gọi "ngày Dominh" phổ biến hơn.

3b) Trong cuốn Tự điển của Lm Taberd, vào thế kỷ 19, không còn xuất hiện lối gọi "ngày Dominh" nữa mà thay vào đó là "ngày Chúa nhựt". Trong cuốn "Tiểu tự điển Pháp - Việt" của học giả Trương Vĩnh Ký, thế kỷ 19, ghi "Dimanche : ngày chúa nhựt".

Như vậy, "Chúa nhựt" là lối gọi có thể xuất hiện SAU thế kỷ 17 (nhưng chính xác vào lúc nào thì không rõ) và, dĩ nhiên, là TRƯỚC khi có Từ điển của Lm Taberd & Trương Vĩnh Ký trong thế kỷ 19 (từ điển ghi lại những gì đã xuất hiện trước đó trong ngôn ngữ).

Còn "Chủ nhựt"? Theo từ điển của Trương Vĩnh Ký, năm 1886, ông vẫn còn ghi: "dimanche: ngày chúa nhựt". Vậy, lối gọi "chủ nhựt" không thể xuất hiện trước năm 1886 cuối thế kỷ 19, mà xuất hiện vào thời điểm nào đó trong thế kỷ 20.

Tóm lại, để gọi tên cho "Sunday", trong tiếng Việt đã lần lượt trải qua các lối gọi theo dòng lịch sử: "ngày thứ nhứt" => "ngày Dominh" => "Chúa nhựt" => "Chủ nhựt".

Trong thực tế hiện nay lối gọi "Chúa nhựt" vẫn còn hiện diện, bên cạnh lối gọi "Chủ nhựt".

4/ "CHÚA", trong "Chúa nhựt", đây là hiện tượng bản địa hóa ngôn ngữ (chỉ có trong tiếng Việt)!

Từ việc phiên âm "ngày Dominh" (domingo), chuyển sang dịch đúng nghĩa là "ngày của Thượng Đế". Nhưng tại sao Thượng Đế, trong tiếng Việt, lại có cách gọi là "CHÚA" / "ngày của CHÚA" (Chúa nhựt)?

Kitô giáo bên Trung Hoa lẫn bên Nhựt Bổn, họ xưng tụng Đấng Tạo hóa bằng hai chữ: 天主 - tiếng Tàu đọc /tiān zhǔ/, tiếng Nhựt đọc /ten shu/, âm Việt của hai chữ này là "Thiên Chủ".

Sao, Kitô giáo ở VN không gọi "Thiên Chủ" mà lại gọi thành "Thiên Chúa"?

Ở đây, cách gọi "Chúa" (trong "Thiên Chúa") cho thấy hiện tượng bản địa hóa ngôn ngữ hết sức đặc biệt, dựa theo dấu ấn lịch sử của nước Việt, như sau:

Thời kỳ các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến truyền giáo, nước Việt phân chia thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Nắm giữ quyền lực cao nhứt, được gọi là: "Chúa" . Ở Đàng Trong có chúa Nguyễn, còn Đàng Ngoài là chúa Trịnh (vua Lê chỉ có hư danh, không thực quyền).

Thành thử Đấng Tạo hóa, nắm giữ quyền bính cao nhứt khắp trời đất, được diễn giải trong tiếng Việt là: "Chúa (Trời)" (Thiên Chúa).

Nhắc lại: bên Nhựt, bên Tàu họ đều gọi "Thiên Chủ" 天主; NHƯNG cũng ký tự này, ở VN, "Chủ" được chuyển thành "Chúa", và chỉ ở VN mới có cách gọi là "Thiên Chúa" mà thôi.

Phiên âm "ngày Dominh" được chuyển nghĩa sang cách gọi "ngày của Chúa" (Chúa nhựt) là vì vậy.

Nhắc lại: cùng một ký tự , ở tiếng Việt có hai cách đọc: "chúa" / "chủ". Thành thử "Chúa nhựt" hay "Chủ nhựt" thì cũng cùng một cách viết (trong Hán tự): 主日.

THAY LỜI KẾT:

Nước Việt và nước Bồ xa xôi cách trở, một đàng ở Đông Nam Á còn một đàng ở tuốt Nam Âu, nhưng trên thế giới chỉ có 2 ngôn ngữ này - TIẾNG VIỆT và TIẾNG BỒ - là có sự gặp gỡ, giống nhau trong cách gọi!

* Tên các ngày trong tuần được đặt theo số thứ tự; đầu tuần làm việc là thứ Hai ("Segunda");

* Ngày thứ nhứt được gọi là "Chúa nhựt" (tiếng Bồ "Domingo" mang nghĩa tương tự).

--------------------------------------------------------

Phụ chú: Tiếng Tàu có nhiều cách thức để gọi tên cho các ngày trong tuần; trong đó cũng có cách dùng số thứ tự để đặt tên. NHƯNG khác về cách thức đếm số: đầu tuần làm việc được gọi là "tinh kỳ nhứt" (ngày thứ nhứt), trong khi tiếng Việt & tiếng Bồ là "thứ Hai" (segunda); ngày cuối tuần gọi là "tinh kỳ lục" (ngày thứ sáu) trong khi tiếng Việt là "thứ Bảy".

Chúa nhựt (Chủ nhựt) trong tiếng Việt, bên tiếng Hoa gọi "Tinh kỳ thiên" (ngày của Trời).

------------------------------------------------

Hình ảnh một giáo đường tại Lisbon (Bồ Đào Nha), Nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn (Việt Nam)



Nguồn: Chương Dương

 

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

Ghi chú ngôn ngữ: Đường quang không đi, lại ưng đâm đầu vô bụi rậm!

 Ghi chú ngôn ngữ

ĐƯỜNG QUANG KHÔNG ĐI, LẠI ƯNG ĐÂM ĐẦU VÔ BỤI RẬM!

Vì sao trân trọng gọi văn tự abc là "chữ QUỐC NGỮ"? Tôi đã viết một bài để hầu chuyện cho tỏ tường (đọc bài có ghi đường dẫn ở cuối stt này: *). Nhưng, vẫn còn một biện luận cho rằng dùng văn tự abc, tỉ như viết chữ "thiên" thì không biết "thiên" là trời hay "thiên" là một ngàn, từ đó dẫn đến kết luận rằng từ bỏ Hán tự gây thiệt thòi cho tiếng Việt (hic hic).

Người nào nêu ý kiến như rứa, quí bạn biết không, té ra... người đó không hiểu gì về chữ Hán ráo trọi (mà nói càn, nói đại)!

1/ Đây, xin dẫn giải. Cũng mượn tỉ dụ trên, cũng đọc âm "thiên" (người Tàu Bắc Kinh đọc mài mại là "tiān") trong chữ Hán có tới... 32 ký tự viết khác nhau lận! Tức có hơn 30 chữ Hán viết khác nhau xa lắc nhưng đều đồng âm là "thiên" ("tiān") - trong đó có ký tự , ký tự đều đọc "thiên".

Ồ, "thiên": có cái nghĩa "một ngàn", chữ Hán rõ rành quá chớ còn gì nữa? Tưởng bở rồi đa! Chữ này còn có nghĩa "quá mức" (tỉ như 千難 "thiên nan" nghĩa là "khó quá mức"), lại còn có nghĩa như ri mới sái não: "thu thiên" 秋千 mà nghĩ là "ngàn thu" ư? chớ hề, "thu thiên" ở đây nghĩa là "cái đu" nhún lên nhún xuống đó đa!

Rồi, ký tự cũng đọc là "thiên", nhiều người biết mặt chữ này, nghĩa là "trời", chữ Hán đâu ra đó chớ còn gì nữa? Tưởng vậy là tưởng bở! Cái chữ "thiên" này còn làm sái não hơn "thiên" vừa dẫn trên.

"Thiên" , quí bạn biết không, là có tới 15 nghĩa khác nhau lận! Nghĩa là: "trời", "bầu trời" (không gian) / "ông trời" (chúa tể muôn vật) / "ngày" / "mùa" (danh từ chỉ thời tiết) / dùng để chỉ hình phạt khắc chữ vào trán / "rất, vô cùng" .v.v...

2/ Thành thử người Việt đọc "thiên", đang phân vân, rồi hạ bút viết nghĩa là: "trời". Hiểu.

Trong khi đó người Tàu đọc /tiān/, cũng phân vân, rồi hạ bút viết: . Hiểu không? Không chắc! Bởi vì viết khơi khơi (mà không có văn cảnh / ngữ cảnh kèm theo) thì đâu có mỗi nghĩa là "trời", mà còn có thêm 14 nghĩa khác nữa.

3/ Thấy gì?

3a) Bất luận ngôn ngữ nào cũng đều xảy ra hiện tượng "đồng âm mà nhiều nghĩa". Tiếng Việt, tiếng Tàu, tiếng Anh, tiếng Pháp... đều có hiện tượng như vậy ráo trọi.

3b) Thành thử những ai còn nghĩ rằng ký tự chữ Hán rõ rành, cứ tưởng mỗi ký tự một nghĩa (để từ đó thổi đu đủ rằng tiếng Việt mà không ghi bằng chữ Hán thì dễ gây nhầm lẫn, không được rõ như chữ Hán) là SAI TRẬT, sai quá mạng rồi đa!

3c) Tiếng nói (quốc âm) là nền tảng, là "hồn" của một ngôn ngữ, còn văn tự là "cái vỏ". Mượn cái vỏ văn tự biểu âm Latin (chữ Quốc ngữ), hay mượn cái vỏ văn tự biểu ý là chữ Hán?

Trở lại ví dụ dẫn ra ở phần mở đầu. Nếu vẫn giữ chữ Hán làm văn tự, khi ta nói "thiên" thì có tới 32 chữ Hán cùng đọc là "thiên", và rồi... chỉ riêng ký tự (là 1 trong 32 ký tự đọc "thiên") đã có tới 15 nghĩa khác nhau! Ước chừng, gộp tất cả các ý nghĩa của 32 ký tự đồng âm "thiên" thôi, có tổng cộng trên một trăm nghĩa.

Dùng văn tự abc, ghi âm đọc là "thiên" thì có thể mang nghĩa là "trời", là "một ngàn", là "nghiêng về"..., cái sự đồng âm đa nghĩa giỏi lắm, ở đây, số nghĩa đếm hết trên đầu các ngón tay là cùng.

Nếu dùng chữ Hán, để ghi âm đọc là "thiên" thôi, té ra cái sự đồng âm đa nghĩa ở đây lại có tới hơn một trăm nghĩa, y hệt mê hồn trận - tìm hiểu hệt như chui vô bụi rậm, mệt bở hơi tai, dễ sái não là cái chắc!

Chữ Quốc ngữ (hệ văn tự biểu ý Latin) quang đãng hơn hẳn so với chữ Hán hệt như bụi rậm rối ơi là rối.

Ta nói, đường quang không đi mà cứ ưng đâm đầu vào bụi rậm, vậy là khôn hay là ... ?

Tắt một lời, người Việt đã và đang dùng chữ Quốc ngữ được chừng một thế kỷ nay, là một vận hội quí giá biết chừng nào!

------------------------------------------------------------------

(*) Vì sao trân trọng gọi là "chữ QUỐC NGỮ"?: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1155844904849488

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt