ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

Trong “ăn như hạm” thì “hạm” là gì?

 ĐỘC GIẢ: Trong “ăn như hạm” thì “hạm” là gì?

AN CHI: Hạm là con cọp. Đây là một biến thể ngữ âm của hàm , một yếu tố Hán Việt có nghĩa là con cọp trắng. Tiếng hàm được ghi bằng một hình thanh tự mà nghĩa phù là hổ (= cọp) còn thanh phù là cam (= ngọt). Khang Hy tự điển, nơi bộ cam, đã cho thiết âm của nó là “hổ cam thiết” và ghi nghĩa của nó là “hàm, bạch hổ”. Vậy hàmcon cọp trắng còn hạm, biến thể ngữ âm của nó, thì có nghĩa rộng là cọp nói chung. Và ăn như hạmăn như cọp. Người ta thường dùng thành ngữ này để chỉ hành động của bọn có chức có quyền chuyên ăn của dân mà ăn đến bao nhiêu cũng chưa thấy đã thèm. Vợ của chúng, dựa hơi dựa thế của chồng để ăn của dân gọi là hạm cái, còn thuộc hạ của chúng dựa hơi dựa thế của quan trên để ăn của dân thì gọi là hạm non.

Kiến thức ngày nay, số 125, ngày 1-12-1993

 -----------------

ĐỘC GIẢ: Tại sao báo chí trước đây gọi Gandhi là Mahatma và Nehru là pandit?

AN CHI: Mahatma là do tiếng Sanskrit mahãtman, có nghĩa gốc là linh hồn vĩ đại (maha = lớn lao; atman = linh hồn). Từ này được dùng để tôn xưng các lãnh tụ tinh thần. còn pandit là do tiếng Sanskrit pandita có nghĩa là nhà hiền triết, nhà thông thái. Từ này được dùng để tôn xưng các học giả danh tiếng.

Kiến thức ngày nay, số 125, ngày 1-12-1993

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

Theo tôi được biết thì câu “lang bạt kỳ hồ” là một câu trong Kinh Thi. Nó không có nghĩa là sống lang thàng rày đây mai đó. Tại sao người Việt Nam lại dùng nó theo nghĩa này?

 ĐỘC GIẢ: Theo tôi được biết thì câu “lang bạt kỳ hồ” là một câu trong Kinh Thi. Nó không có nghĩa là sống lang thàng rày đây mai đó. Tại sao người Việt Nam lại dùng nó theo nghĩa này?

AN CHI: Đúng như ông đã nói, lang bạt kỳ hồ là một câu trong Kinh Thi của Trung Hoa. Lang là chó sói, bạt là giẫm đạp, kỳ là một đại từ thay thế cho danh từ lang còn hồ là cái yếm da dưới cổ của một số loại thú. Vậy lang bạt kỳ hồ là con chó sói giẫm lên cái yếm của chính nó (nên không thể bước tới được). Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng và chú như sau: “Con chó sói giẫm lên cái phần da cổ của nó, lúng túng không biết làm sao. Chỉ sự lúng túng khó xử. Ta lại hiểu là sống trôi dạt đấy đó (không rõ tại sao)”.

Điều mà quyển từ điển trên ghi “không rõ tại sao” chính là điều mà ông hỏi. Chung quy cũng do từ nguyên dân gian mà ra. Không biết được ý nghĩa đích thực của câu đang xét, người ta đã liên hệ các thành tố của nó với những yếu tố mà mình đã biết: lang với lang thang, bạt với phiêu bạt, hồ với giang hồ, chẳng hạn. Thế là thành ra cái nghĩa “sống lang thang rày đây mai đó” như ông đã nêu. Chẳng những thế, người ta còn lược bỏ hai tiếng kỳ hồ mà nói gọn thành lang bạt để diễn đạt cái nghĩa trên đây. Quả vậy, Từ điển tiếng Việt 1992 đã ghi nhận: “lang bạt: sống nay đây mai đó ở những nơi xã lạ”. Nhiều quyển từ điển khác cũng làm như thế vì hai tiếng lang bạt đã trở thành mọt đơn vị từ vựng thông dụng trong tiếng Việt. Từ nguyên dân gian đã tạo ra lắm trường hợp oái ăm. Xin nêu thêm một thí dụ quen thuộc. Có nhiều người, kể cả nhà văn và nhà giáo, đã dùng yếu điểm thay cho nhược điểm. Họ nghĩa rằng yếu ở đây chính là yếu trong mạnh được yếu thua, yếu thế, ốm yếu, vv. mà không hề ngờ rằng đó lại là yếu trong quan yếu, chủ yếu, yếu lĩnh, yếu nhân, vv.. Thực ra yếu điểm là điểm quan trọng, còn nhược điểm thì mới là chỗ yếu. Nếu hiểu theo lối từ nguyên dân gian trên đây thì yếu nhân sẽ là người yếu. Nhưng thật ra đó là nhân vật quan trọng, thậm chí còn VIP nữa ấy chứ!.

Kiến thức ngày nay, số 125, ngày 1-12-1993

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

Tại sao người Khmer gọi người Việt Nam là Duồn?

 ĐỘC GIẢ: Tại sao người Khmer gọi người Việt Nam là Duồn?

AN CHI: Người Khmer gọi người Việt Nam là yuôn còn người Chàm thì gọi là ywan. Nhiều dân tộc ở Tây Nguyễn cũng chịu ảnh hưởng của tiếng Khmer hoặc tiếng Chàm mà gọi người Việt bằng những tên tương tự. Yuôn là dạng tiếng Khmer còn ywan là dạng tiếng Chàm của tiếng Sanskrit yavana. Trong bi ký cổ xưa bằng tiếng Sanskrit, người Chàm đã gọi người Việt bằng cái tên yavana này. Vậy yavana là gì?. Dictionnaire sanskrit- français của N.Stchoupak, L. Nitti và L. Renou (Paris, 1932) đã đối dịch từ này như sau: “étranger, barbare”. Một vài học giải và nhà nghiên cứu vì hiểu nhầm barbare là “dã man” nên đã vội vàng tránh né cái nguyên từ yavana đích thực mà đi tìm cho yuôn, ywan một “nguyên từ” khác, đương nhiên là hoàn toàn xa lạ. Sự thật thì barbare ở đây đồng nghĩa với étranger. Cái nghĩa đó đã được Nouveau Petit Larousse en couleurs (édition 1969) cho như sau: “Etranger, qui appartient à une autre civilisation” nghĩa là “dị chủng, thuộc về nền văn minh khác”.

Xét theo định nghĩa này, người Khmer và người Chàm là đồng văn với nhau. Rõ ràng người Việt Nam là người “dị văn” với cả người Khmer lẫn người Chàm. Vậy hoàn toàn chẳng có gì lạ nếu họ gọi chúng ta là yavana, Khmer hóa thành yuôn và Chàm hóa thành ywan, tức là những kẻ “dị văn”.

Kiến thức ngày nay, số 124, ngày 20-11-1993

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

Tại sau trước đây người Việt miền Nam gọi người Khmer là đàn thổ?

 ĐỘC GIẢ: Tại sau trước đây người Việt miền Nam gọi người Khmer là đàn thổ?

AN CHI: Không phải “đàn thổ”, mà là Đàng Thổ. Nói Đàng Thổ là để phân biệt với Đàng Trong cũng như nói Đàng Trong là để phân biệt với Đàng Ngoài và Đàng Trên (xưa gọi là Đàng Tlên). Đàng Trên chính là vùng đất mà trong những trang ghi chép của mình. A. de. Rhodes đã gọi là vương quốc Cao Bằng, tức là vùng cát cứ của con cháu nhà Mạc từ năm 1592 đến 1677. Còn Đàng Thổ là phần đất của thổ dân, tức dân bản thổ đã sinh sống tại đó từ xưa. Thoạt đầu là tên vùng địa lý, về sau hai tiếng Đàng Thổ mới được người Nam Bộ dung trong khẩu ngữ để chỉ người Khmer.

Kiến thức ngày nay, số 124, ngày 20-11-1993