ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Bản đồ chữ viết trên thế giới

 Người Hàn họ viết:, , , , , …, có không ít người VN chúng ta thấy "vẽ chữ" như vậy tưởng chế tác từ chữ Hán, cũng là "ký tự biểu ý" như chữ Hán? Không phải! Đó là những "ký tự biểu âm" trong bộ chữ Hangul, cũng hệt như chữ Quốc ngữ mà người Việt đang dùng, nghĩa là ghép các âm lại với nhau mới tạo thành "chữ" (word).

BẢN ĐỒ CHỮ VIẾT CỦA THẾ GIỚI

* Nhân loại hiện nay đang xài hệ thống chữ viết biểu âm, và hệ thống chữ viết biểu ý. Đại đa số các quốc gia đều dùng chữ viết biểu âm!

- Chữ viết BIỂU ÂM (biểu thị âm thanh): mỗi ký tự được dùng để đại diện mỗi âm (không mang nghĩa). Ghép các ký tự ghi âm lại với nhau, tức ghép âm, thì mới tạo ra "chữ" (word) mang nghĩa.

- Chữ viết BIỂU Ý (biểu thị ý nghĩa): mỗi ký tự (character) là một đơn vị ngữ nghĩa, tức mỗi ký tự đều mang sẵn nghĩa.

1/ Trên toàn cầu, chỉ còn lẻ tẻ vài nước còn dùng chữ viết BIỂU Ý mà thôi (là chữ Tàu, chữ Dravidian ở Nam Ấn...), còn hầu hết các quốc gia hiện nay đều dùng chữ viết BIỂU ÂM ráo trọi!

Do nhiều người trong chúng ta quen với ký tự a, b, c ... của Chữ Quốc ngữ (mượn từ hệ thống ký tự Latin), nên tưởng chỉ có ký tự abc mới là biểu âm. Kỳ thực, không phải vậy. Mà có rất nhiều cách chế tác ký tự ghi âm, còn gọi là "chữ cái" (letter), đa dạng và sinh động vô cùng!

Như Hangul của người Hàn, với bộ "chữ cái": , , , , ,

Như Cyrill của người Nga, với các "chữ cái": Я, ы, ю, Б, В, Г, Д …

Như Thái Lan dùng bộ "chữ cái": , , , , ,

Rồi chữ Ả Rập ngoằn ngoèo, với bộ "chữ cái": غ, ض, ش, ق, ي, ت …

Người Do Thái dùng bộ "chữ cái": א, בּ, ה, ג, ט …

Trong những Bộ "chữ cái" (Alphabet) dẫn trên đều có các ký tự ghi nguyên âm (vowels), và ký tự ghi phụ âm (consonants).

Coi, trên bản đồ đính kèm. Nào là hệ thống chữ cái Latin (trên bản đồ tô màu xanh lá cây), nào là hệ thống chữ cái Ả Rập (màu xanh da trời đậm), chữ cái Cyril bên nước Nga (màu vàng), hệ thống chữ cái Hangul trên bán đảo Cao Ly (Triều Tiên & Hàn Quốc), chữ cái hiragana & katakana bên Nhựt.v.v...

2/ Các hệ thống chữ viết BIỂU ÂM được phần lớn các nước lựa chọn. Trong đó, hệ thống chữ cái Latin chiếm ưu thế, thông dụng nhứt trên toàn cầu với khoảng 120-130 quốc gia đang xài - trong đó, độc đáo thay, có người VN chúng ta!

Thấy gì?

Bộ chữ Latinh, mà ta quen gọi "chữ abc", thiên biến vạn hóa theo từng nước để chứa được tiếng nói của từng dân tộc! Như CHỮ QUỐC NGỮ VIỆT NAM (theo bảng chữ cái Latin) mà chúng ta đang dùng chứa được toàn bộ tiếng (nói) Việt.

Nếu xét riêng ở châu Á không thôi, có các nước dùng hệ thống chữ viết biểu âm theo hệ chữ cái Latin (Latin alphabet):

- Thổ Nhĩ Kỳ: trước đây họ dùng hệ thống chữ cái Ả Rập (cũng biểu âm), sau chuyển sang chữ cái Latin.

- 3 nước ở Trung Á trước đây thuộc Liên bang Soviet xài chữ cái Cyril, sau khi Soviet đổ sụp, họ chuyển dần qua chữ cái Latin vì tiện dụng hơn hẳn. Đó là các nước Azerbaijan, Uzbekistan, Kazakhstan.

- Đông Nam Á có: Mã Lai (Malaysia), Nam Dương (Indonesia), Phi Luật Tân (Philippines), Tân Gia Ba (Singapore), Văn Lai (Brunei), và Việt Nam.

Người Việt đã giã từ "chữ viết biểu ý" để chuyển sang "chữ viết biểu âm" kể từ cuối thế kỷ 19 bước qua đầu thế kỷ 20, khỏi xài chữ Tàu (chữ Hán) làm gì nữa cho rối não.

Xét riêng ở châu Á, nước Việt đi tiên phong trong việc sử dụng CHỮ VIẾT BIỂU ÂM (mượn hệ ký tự Latin).

3/ Chỉ còn lẻ tẻ ít nước xài "chữ viết biểu ý" mà thôi (xem bản đồ để biết nước nào dùng biểu ý ghi là "script", phân biệt với biểu âm là "alphabet").

Chữ Hán thì người Tàu dùng, dĩ nhiên rồi, và có thêm người Nhựt (gọi là "Kanji" ) - nhưng người Nhựt cũng chỉ dùng một phần Kanji, ngoài ra họ còn xài bộ chữ "hiragana" ひらがな và bộ chữ "katakana" カタカナ. Cả 2 bộ chữ này đều là chữ viết biểu âm hết trơn!

* Tặng quí bạn câu nói sau đây, đặng nhẹ nhàng đầu óc chơi:

"Я люблю вас" (bộ chữ biểu âm Cyrill, người Nga dùng)

"사랑해 " (bộ chữ biểu âm Hangul, người Hàn dùng)

"ฉันรักคุณ " (bộ chữ biểu âm Thái Lan)

أحبك (bộ chữ biểu âm Ả Rập)

אני אוהב אותך (bộ chữ biểu âm Do Thái)

Toàn bộ các câu trên đều mang nghĩa:

"Anh yêu em" (chữ Quốc ngữ, người Việt dùng)

"I love you" (chữ biểu âm Latin của người Anh)

Hết thảy đều là các hệ thống chữ viết BIỂU ÂM. Ta nói, thế giới dùng chữ viết biểu âm đều trời, đặc biệt là hệ chữ viết Latin tỏa khắp năm châu (Âu, Mỹ, Á, Phi, Úc).

-------------------------------------------------------------------------


 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Chữ “t” của từ “thành phố” trong địa danh Hồ Chí Minh nên viết như thế nào.

 ĐỘC GIẢ: Kiến thức ngày nay, số 130, Chuyện Đông chuyện tây, trang 57, có trả lời về việc chữ “t” của từ “thành phố” trong địa danh Hồ Chí Minh nên viết như thế nào. Xin trao đổi với An Chi như sau: Việc nhân danh Hồ Chí Minh được đặt tên cho một thành phố tuy là một tiền lệ trong tiếng Việt nhưng trên thế giới người ta đã làm từ rất lâu: nhân danh Whashington (sic) đã được dùng đặt tên cho thủ đô Hoa Kỳ, nhân danh Lê-nin đã được dùng đặt tên cho một thành phố của Liên Xô, thành phố Lê-nin, vv..

Vì đã được dùng đặt tên cho một thành phố nên Hồ Chí Minh đã trở thành địa danh chứ không còn là nhân danh nữa. Vì vậy, người ta vẫn có thể nói “đi từ Hồ Chí Minh đến Cần Thơ” nhưng người ta không nói không phải là không nói được mà vì những lý do sau: 1. Để phân biệt nhân danh Hồ Chí Minh với địa danh Hồ Chí Minh (bởi trước đó người ta chỉ quen với Hồ Chí Minh là nhân danh). Sự phân biệt này chỉ tồn tại một hời gian nhất định. Ngày nay, người ta không cần phải nói “đi thủ đô Whasington (sic)” mà chỉ cần nói “đi Whasington (sic)’ bởi ai cũng biết Whasington (sic) là thủ đô của nước Mỹ rồi. 2. Để cụ thể hóa địa danh Hồ Chí Minh là gì (tỉnh, thành phố, quận, huyện, hay là một cơ quan, một con đường…).
Vậy cụm từ “thành phố Hồ Chí Minh” vẫn bao gồm hai thành phần riêng lẻ: từ “thành phố” (danh từ chung chỉ đơn vị hành chính) và từ “Hồ Chí Minh” (nhân danh đã trở thành địa danh). Do đó, thiển nghĩ chữ “t” của từ thành phố Hồ Chí Minh nên viết thường là hay hơn.

AN CHI: Trong phần trả lời trên Kiến thức ngày nay, số 130, chúng tôi chỉ hạn chế vấn đề trong phạm vi của tiếng Việt và chữ Việt. Nay bạn đã dẫn đến chuyện thế giới thì xin hầu chuyện thế giới với bạn.
Bạn đã khẳng định rằng “ai cũng biết Washington (chúng tôi lạm phép bỏ chữ h của bạn sau chữ W- AC) là thủ đô nước Mỹ”. Vậy nếu có người nói rằng Washington là một tiểu bang ở Tây Bắc của nước Mỹ, trên bờ Thái Bình Dương, mà thủ phủ là Olympia thì bạn sẽ trả lời thế nào? Bạn viết: “Người ta không cần nói: đi thủ đô Washington mà chỉ cần nói: đi Washington”Nhưng vì ở Mỹ có một tiểu bang cũng mang tên Washington nên về nguyên tắc thì danh từ “thủ đô” vẫn là cần thiết vì nó giúp cho người ta phân biệt Washington thủ đô với Washington tiểu bang. Còn trong thực tế thì người Mỹ đã có cách riêng của họ: khi cần phận biệt với tiểu bang Washington, họ nói Washington D.C để chỉ thủ đô của nước mình.
Bạn lại nhắc thành phố mang tên Lê-nin, ngụ ý rằng nhân danh Lê-nin đã trở thành địa danh Lê-nin. Nhưng trong tiếng Nga, Lenin chưa bao giờ là địa danh dùng để chỉ thành phố mà trước kia là Saint-Petersbourg. Thành phố Lê-nin mà bạn nói, tiếng Nga Leningrad. Đây mới địch thực là một địa danh. Nó gồm có hai thành tố: nhân danh Lênin + danh từ chung grad (một từ cổ tương ứng với danh từ gorod trong tiếng Nga hiện đại), có nghĩa là thành phố. Cả cái khối ngữ âm – từ vựng Leningrad chặt chẽ đó mới là địa danh. Từ địa danh này, người ta mới cấu tạo nên những từ phái sinh như Leningradets (người Leningrad) và Leningradskiy (thuộc về Leningrad). Trong những từ phái sinh này, danh từ -grad- (= thành phố) đã nằm lọt tõm vào giữa nhân danh Lenin và hậu tố -ets hoặc –sk (iy). Đây là một bằng chứng về sự phụ thuộc của grad vào địa danh Leningrad: nó không phải là một “thành phần riêng lẻ”. Và trong ba từ Leningrad, Leningradets, Leningradskiy, thành tố Lenin vẫn cứ luôn luôn là một nhân danh. Vậy không thể nói “đi Lenin” mà phải nói “đi Leningrad”. Nếu lý thuyết của bạn đúng (Lenin là địa danh) thì người ta đã nói Leninets để chỉ người Leningrad và Leninskiy để diễn đạt cái ngĩa “thuộc về Leningrad” rồi. Nhưng Leninets lại là người theo chủ nghĩa Lê-nin còn leninskiy lại là “của Lê-nin”.
Trở lên là tiếng Nga. Bây giờ xin sang tiếng Anh. Trong ngôn ngữ này, chúng tôi muốn giới thiệu hai địa danh: Georgetown, hải cảng và thủ đô của Guyana và George Town, hải cảng của Malaysia. Nếu muốn đến một trong hai nơi đó thì phải nói “đi Georgetown (hoặc George Town)” chứ không ai nói “đi George” theo lý thiết của bạn được. Sở dĩ không nói như thế được là vì George trước sau vẫn chỉ là một nhân danh. Chỉ có Georgetown và George Town mới là địa danh và hai địa danh này đều bao gồm hai thành tố: nhân danh George + danh từ chung town (thành phố).
Cuối cũng xin nói sang tiếng Pháp với hai địa danh đáng chú ý là Brazzaville và Léopoldville. Brazzaville là thành phố mang tên của Pierre Savorgnan de Brazza, nhà thám hiểm người Pháp gốc Ý đã tìm ra miền đất về sau là Congo thuộc pháp, còn Léopoldville, nay là Kinshasa, là thành phố mang tên một vị quốc vương của nước Bỉ là Léopold đệ nhị. Hai địa danh trên đều bao gồm mỗi từ một nhân danh (Brazza và Léopold) và danh từ chung ville (thành phố). Hai nhân danh Brazza và Léopold tự chúng chưa bao giờ trở thành địa danh. Chỉ khi được ghép với ville, chúng mới góp phần tạo ra hai địa danh Brazzaville và Léopoldville mà thôi.
Trong tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, các danh từ chung grad, town, ville đều được viết liền với nhân danh đứng trước chúng. Điều này chứng tỏ rằng chúng đã trở nên những thành tố của địa danh chứ không phải là “thành phần riêng lẻ” như bạn đã khẳng định trong lý thuyết của mình. Nếu người ta không viết liền thì lại ta lại viết hoa chữ cái đầu tiên của từ có nghĩa là thành phố, chẳng hạn George Town (với chữ t hoa – T). Cùng một nguyên tắc này. Người Pháp đã dịch địa danh Thành phố Hồ Chí Minh thành Ho Chi Minh – Ville (Xem, chẳng hạn Petit Larousse Illustré 1992) và viết Ville với chữ v viết hoa. Danh từ chung Ville trong trường hợp này rõ ràng đã trở nên một thành tố của địa danh mà sự viết hoa chữ cái đầu tiên của nó là một dấu hiệu không thể nào chối cãi được. Gạch nối giữa Hồ Chí Minh và Ville cũng chứng tỏ rằng Ville là một thành tố của địa danh Hồ Chí Minh – Ville. Trong tiếng Pháp lại còn có trường hợp danh từ chung đứng trước chứ không phải sau danh nhân nhưng nguyên tắc chính tả vẫn là một. Thí dụ: Bourg- Léopold là một địa danh tiếng Pháp, dịch từ tiếng Hà Lan Leopoldsburg để chỉ một địa phương của nước Bỉ (bourg là điểm cư dân tập trung nhất của một vùng nông thôn, thường tương đương với một xã). Chữ B của bourg đã được viết hoa, giữa Bourg và Léopold có gạch nối.
Từ trên đây suy ra, Thành phố Hồ Chí Minh rõ ràng là một địa danh năm âm tiết gồm có hai thành tố: danh từ chung Thành phố (mà chưc t phải được viết hoa) + nhân danh Hồ Chí Minh. Như chúng tôi đã nói kỳ trước, đây là một trường hợp chưa có tiền lệ trong tiếng Việt: lần đầu tiên người ta đã dùng tên người mà chính thức đặt tên cho một thành phố. Kỳ này xin nói rõ thêm: đây là cách đặt tên cùng kiểu với các mẫu của tiếng nước ngoài như Brazzaville của tiếng Pháp, Georgetown của tiếng Anh hoặc Leningrad của tiếng Nga, trong đó có một thành tố là nhân danh còn thành tố kia là một danh từ có nghĩa là thành phố. Cả hai thành tố gắn chặt với nhau mới tạ thành địa danh.
Kiểu cấu trúc địa danh trên đây hoàn toàn khác với kiểu cấu tạo của địa danh Washington. Washington mới đích thực là một địa danh trực tiếp bắt nguồn từ nhân danh. Ở đây người ta đã lấy thẳng nhân danh làm địa danh. Tên của Christophe Colomb cũng đã được dùng theo kiểu này để gọi thủ phủ của bang Ohio (Mỹ). Đó là Columbus (hình thái tiếng Anh của Colomb). Columbus cũng còn là tên một thành phố khác nữa ở bang Georgia (Mỹ). Đối với địa danh Washington và Columbus, nếu bạn muốn thêm “town” vào mà gọi là “Washingtontown: và “Columbustown” thì cũng chẳng ai cho. Nhưng đối với địa danh Brazzaville, Georgetown và Leningrad nếu bạn có muốn bỏ grad, town, ville thì cũng chẳng ai chịu. Cũng y hệt như thế đối với địa danh Thành phố Hồ Chí Minh trong đó thành phố là một thành tố không thể tách rời được.
Vậy vấn đề không phải là ở chỗ người ta đã quen hoặc chưa quen với “địa danh Hồ Chí Minh”, như bạn đã nói mà là ở chỗ người ta đã chọn cách đặt địa danh như thế nào: lấy thẳng nhân danh làm địa danh (như Washington, Columbus) hay ghép nhân danh với danh từ chung thành phố (kiểu như Brazzaville, Georgetown và Leningrad). Vấn đề cũng chẳng phải là ở chỗ người ta muốn “cụ thể hóa địa danh Hồ Chí Minh” (tỉnh, thành phố hay một con đường,vv.) như bạn đã nói vì ngay cả khi ngôn cảnh hoàn toàn rõ ràng, không cho phép xảy ra một sự hiểu lầm nào, thì người ta vẫn cứ luôn luôn nói Thành phố Hồ Chí Minh mà không bao giờ nói Hồ Chí Minh trống trơn. Bằng chứng là trên tất cả các văn thư của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, khi đề ngày, người ta vẫn ghi đầy đủ 5 âm tiết Thành phố Hồ Chí Minh mặc dù nếu chỉ ghi 3 âm tiết Hồ Chí Minh thì người đọc vẫn có thể biết được rằng những văn thư đó đã được thảo ra tại Thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải tại bất cứ nơi nào khác.
Cuối cũng bạn còn phản bác chúng tôi bẳng cách lập luận rằng “Thành phố Hồ Chí Minh là một địa danh năm âm tiết thì chẳng lẽ gọi địa danh Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố Thành phố Hồ Chí Minh”, “chẳng lẽ người nước ngoài mà cụ thể mà người Anh khi gọi địa danh trên cũng phải gọi là Ho Chi Minh City City? Thưa: về nguyên tắc thì hoàn toàn có thể nói như thế được nhưng trong thực tế thì dù là người Việt hay người Anh chẳng có ai dại dột mà tạo ra một kiểu redundancy (tạm dịch là lời rườm) ngờ nghệch đến thế. Tuy nhiên, cách nói trùng lập đó sẽ rất ý nhị nếu nó được dùng đúng chỗ, chẳng hạn như trong trường hợp sau đây:
Ở Ontario (Canada), có một thành phố tên là Belleville, có nghĩa là thành phố xinh đẹp. Để chơi chữ, người ta hoàn toàn có quyền nói: La ville de Belleville est une belle ville (Thành phố Thành phố xinh đẹp là một thành phố xinh đẹp).
Cấu trúc ville de Belleville (thành phố Thành phố xinh đẹp) không có gì trái ngược với tập quán ngôn ngữ của người Pháp. Nó lại càng không sai ngữ pháp. Và nhất là cũng chẳng vô duyên chút nào!

Kiến thức ngày nay, số 139, ngày 15-5-1994

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Lại phải nhắc về sự khác nhau giữa phiên âm và Việt hóa

 Ghi chú chút đỉnh...

LẠI PHẢI NHẮC VỀ SỰ KHÁC NHAU GIỮA PHIÊN ÂM VÀ VIỆT HÓA

Không ít người vẫn còn lẫn lộn, tỉ như "Xin-ga-po" thì gọi là Việt hóa (!), "Tân Gia Ba" lại gọi là phiên âm (!) qua tiếng Việt. Té ra, ngay trên một số website, rồi "từ điển" (quái đản, viết cái giống gì cũng tự xưng là "từ điển"?) cũng ghi như rứa đã dẫn đến sự hiểu trật chìa hết trơn.

* PHIÊN ÂM ( ), nghĩa là: dùng thứ chữ nước này để ghi CÁCH ĐỌC của chữ nước khác. Quí bạn chú ý, ở đây ghi rõ rành là "ÂM" (phiên âm), chỉ thuần túy âm thanh mà thôi.

Xin lưu ý về nguyên tắc căn bản: Phiên âm cho người VN đọc thì phải theo đúng phép viết chính tả của Tiếng Việt!

Tỉ như "Singapore": dựa theo cách đọc trong tiếng Anh mà ghi ÂM gần giống, mài mại trong tiếng Việt là "Xin-ga-po".

"Moskva" (nguyên ngữ bằng chữ Cyrill: Москва): dựa theo cách đọc của người Nga mà phiên âm mài mại, là "Mát-cơ-va", "Mát-xơ-cơ-va".

(Mở ngoặc: sách báo bây giờ ghi "Mát-xcơ-va" là SAI về chính tả tiếng Việt. Theo GS Cao Xuân Hạo, trong chính tả của TIẾNG VIỆT thì KHÔNG có phụ âm ghép "xc" (xcơ) gắn với nhau).

"Jésus Cristo": dựa theo cách đọc trong tiếng Bồ Đào Nha (các giáo sĩ vào truyền đạo tại nước Việt, giai đoạn ban đầu chủ yếu là người Bồ) mà phiên âm thành "Giê-su Ki-tô".

(Mở ngoặc: phiên âm từ tiếng Bồ chớ không phải từ tiếng Anh. Người Anh đọc hai chữ "Jesus Christ" hoàn toàn khác với cách phiên âm là "Giê-su Ki-tô")

* CHUYỂN NGỮ ( ), nghĩa là: chuyển từ ngôn ngữ nước này sang ngôn ngữ nước khác / chuyển ngữ chớ không phải "chuyển âm". Chuyển ngữ qua chữ Việt (chữ Quốc ngữ), gọi là VIỆT HÓA. Mỗi nước có cách chuyển ngữ riêng. Người Việt chúng ta có cách "mượn cầu nối" để chuyển ngữ ra sao? - xin mời đọc bài: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1131998147234164).

Xin chú ý: CHUYỂN NGỮ chớ không phải "chuyển âm trực tiếp", thành thử quí bạn sẽ thấy nhiều lúc khác nhau về "âm" một trời một vực, bắn đại bác còn không tới.

Ví dụ: Đấng Christ, chuyển ngữ Việt hóa là "Đấng Cơ-đốc" - coi đi, giữa "Christ" và "Cơ-đốc" đọc khác nhau xa lắc! (do đó, xin nhắc lại, ở đây không phải là "phiên âm"). Anh em bên Tin Lành gọi họ là "Cơ đốc nhân", nghĩa là người theo đấng Christ (Cơ-đốc).

("Christ", ghi bằng chữ Hán là , đọc theo tiếng Việt là "Cơ đốc")

"Siddhārtha", chuyển ngữ Việt hóa là "Tất-đạt-đa" - coi đi, chẳng hạn, giữa âm /sid/ với âm /tất/, khác nhau hẳn. Rồi, "Shakyamuni", chuyển ngữ Việt hóa là "Thích Ca Mâu Ni" - đó, chẳng hạn, giữa âm /sha/ với âm /thích/, đọc khác nhau xa lắc.

("Siddhārtha", ghi bằng chữ Hán là , đọc theo âm Việt là "Tất-đạt-đa". Shakyamuni, ghi bằng chữ Hán là 牟尼 , đọc theo tiếng Việt là "Thích-ca Mâu-ni").

---------------------------------------------------------

 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt