ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Tại sao trước đây Thái Lan được gọi là Xiêm hoặc Xiêm La? Tại sao lại đổi làm Thái Lan? Các tên đó có ý nghĩa gì?

 ĐỘC GIẢ: Tại sao trước đây Thái Lan được gọi là Xiêm hoặc Xiêm La? Tại sao lại đổi làm Thái Lan? Các tên đó có ý nghĩa gì?

AN CHI: Xiêm không phải là tên tự gọi của người Thái Lan (trở xuống xin gọi là Xiêm). Đó là tên mà người Khmer và người Chàm đã dùng để gọi họ. Danh xưng Syãm (ghi theo Coedès) đã xuất hiện trên văn bia của người Chàm từ thế kỷ XI, còn hình ảnh của họ (được khẳng định là người Syãm) cũng đã hiện diện trên phù điêu của di tích văn hóa Angkor ở Campuchia từ thế kỷ XII(1). Người Việt Nam trước kia cũng theo cách gọi của người Khmer và người Chàm mà gọi họ là Xiêm. Người Trung Hoa cũng phiên âm tên gọi này thành Tiêm (âm Bắc Kinh: Xiàn), rồi ghép với tên nước La Hộc thành Tiêm La (người Việt Nam gọi là Xiêm La). Danh xưng Tiêm La đã được Từ hải giảng như sau: “Tên nước, tương truyền xưa phân làm hai nước Tiêm và La Hộc, sau hợp nhất làm một, do đó có tên (Quốc danh, tương truyền cổ phân vi Tiêm dữ La Hộc nhị quốc, hậu hợp vi nhất, cố danh). La Hộc đã được khẳng định là phiên âm từ địa danh Lvo, nay là Lopburi của Thái Lan, ở hạ lưu sông Mênam(2). Người Pháp cũng phiên âm tiên gọi trên đây thành Siam. Người Anh theo cách phiên âm của người Pháp mà ghi là Siam. Nhưng bộ Enciclopedia Italian (Bách khoa thư Italia) lại giải thích rằng tiếng Pháp và tiếng Anh Siam bắt nguồn từ tiếng Xiêm “Saiam”, “Sayam”, rằng đây là do người Xiêm đọc trại âm tiếng Miến Điện Shan, vốn là tộc danh chung cho các cư dân láng giềng phía Đông của Miến Điện(3). Lời giải thích của bộ bách khoa thư trên đây không đúng với sự thật lịch sử. Người Xiêm vốn vẫn tự gọi là Thay và gọi người Shan là Nghiệu. Còn Sayam (thực ra, trong tiếng Xiêm, âm tiết thứ hai của từ này có thanh điệu đi lên) chỉ là danh xưng mà mãi đến thời cận đại họ mới phiên âm từ tiếng Anh Siam. Người Xiêm vẫn tự gọi là Thay và gọi tên nước mình là Mương Thay (cách gọi thông tục) hoặc Prathêt Thay (cách gọi tao nhã), nghĩa là nước Thái. Đến triều vua Rama IV (1851-1868) mới chính thức lấy tên nước là Sayam, tức Xiêm. Rama IV là một vị vua có đầu óc canh tân, chủ trương học tập phương Tây và bang giao với các nước phương Tây. Ông đã lấy tên nước là Xiêm để đánh dấu cho công cuộc canh tân của mình. Tên Xiêm được dùng cho đến năm 1939; khi tướng Phibul Songgram lên làm thủ tướng, nó được thay thế bằng tên Thái. Năm 1945, lại đổi thành Xiêm rồi đến 1948 thì lại được gọi là Thái cho đến nay. Người Anh đã phiên âm Thay thành Thai và dịch mương hoặc prathêt thành land mà gọi nước Thái là Thailand. Tên này của tiếng Anh đã được phiên âm sang tiếng Pháp thành Thailande và sang tiếng việt thành Thái Lan. Có ý kiến cho rằng tên Sayam, tức Xiêm có nghĩa là người ở giáp biên giới. Còn tên Thay tức Thái, thì một số người đã giảng là “tự do”. Tuy trong tiếng Xiêm, có một từ thay có nghĩa là tự do nhưng tộc danh Thay lại có nghĩa là người. Trên thế giới, có nhiều dân tộc đã lấy từ có nghĩa là người trong ngôn ngữ của mình để làm tên dân tộc. Điều nay đã được khẳng định. Cũng vậy với người Xiêm, mà tộc danh Thay tướng ứng với Tày của người Tày (trước đây gọi là Thổ), với Táy của người Thái Tây Bắc Việt Nam, với Đioi của người Đioi ở Quý Châu (Trung Quốc), với Đày của người Lê ở đảo Hải Nam, vv.. Thay, Tày, Táy, Đioi, Đày là những từ cùng gốc và nghĩa gốc của chúng là người. Theo chúng tôi, cái gốc chung của những từ này đã được ghi nhận trong từ Đại của tiếng Hán mà chữ viết là . Đây là một chữ tượng hình. Tự hình của nó trong giáp cốt văn đời Thương là một hình người nhìn chính diện, giơ hai tay và giạng hai chân ra hai bên. Văn tự học Trung Hoa cũng khẳng định nghĩa gốc của Đại là người. Nếu điều chúng tôi nêu là đúng thì người Trung Hoa đã biết đến các tộc người Thái muộn nhất cũng là từ dời nhà Thương. Hơn thế nữa, nếu điều dó đúng thì nó sẽ là một cứ liệu ngôn ngữ, bên cạnh nhiều cứ liệu ngôn ngữ khác mà chúng tôi không thể nêu ra ở đây, buộc người ta phải nghĩ đến một nguồn gốc chung cho tiếng Hán và các ngôn ngữ Thái đã từng được một số người nói đến từ lâu.

----------------------------------

1. Xem, chẳng hạn: P. Fistié, La Thailande, Paris, 1971, p, 10, hoặc G. Coedès, Les peoples de la peninsude indochinoise, Paris, 1962, p, 99.

2. Xem G. Coedès, sđd, tr. 104.

3. Theo E. Partridge, Origins, London, 1961, p, 620- Miến Điện nay gọi là Myanmar.

Kiến thức ngày nay, số 136, ngày 15-4-1994

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Cha ông không thờ, lại nằng nặc đi thờ tổ mối ...

 Về tiếng Việt-Hán (dùng chữ Hán mà nói bằng tiếng Việt) & tiếng Tàu:

CHA ÔNG KHÔNG THỜ, LẠI NẰNG NẶC ĐÒI ĐI THỜ TỔ MỐI ...

1/ Khi Minh tặc (giặc Minh) đặt ách đô hộ lên nước Việt từ năm 1407 đến năm 1427, trong vòng hai mươi năm Minh tặc hủy diệt di sản văn hóa nước Việt bằng cách tịch thu rất nhiều thư tịch quí giá đem về Tàu. Và, đây là điều tôi muốn nhấn mạnh khi nhắc lại chuyện xưa, để mọi người cùng chú ý:

Thời bấy giờ giới sĩ phu nước Việt dùng chữ Hán mà đọc bằng tiếng Việt ("âm Việt-Hán"). Thế rồi, cũng vẫn dùng chữ Hán nhưng Minh tặc không cho đọc thành tiếng Việt nữa, ép buộc sĩ phu nước ta phải học & đọc bằng tiếng Tàu.

Âm Việt-Hán bị bức tử, bị ép phải chết, đồng nghĩa với di sản thư tịch văn hóa & lịch sử của nước Việt cùng chung số phận bị bức tử!

2/ Hãy cùng ngẫm nghĩ tiếp...

Nếu không có những bực trí thức am hiểu âm Việt-Hán & yêu quý di sản chữ Hán của tiền nhân, chẳng hạn sử gia Trần Trọng Kim là người đầu tiên chuyển ngữ "Bình Ngô đại cáo" qua chữ Quốc ngữ, rồi bộ "Đại Việt sử ký toàn thư"... - điều gì sẽ xảy ra? Cả một vùng u tối minh mông chụp xuống, vốn liếng tri thức trong ngàn năm lịch sử của đất nước bị đứt gãy ngay lập tức!

Bây giờ chúng ta đều nghe quen câu: "Như nước Đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nền văn hiến đã lâu" trong Bình Ngô đại cáo. Thử nhìn vô nguyên văn chữ Hán của câu trên, như sau:

惟,我 國,

邦。

Nếu âm Việt-Hán, tức cách đọc chữ Hán bằng tiếng Việt ("Duy, ngã Đại Việt chi quốc / Thực vi văn hiến chi bang") bị ruồng rẫy, bị dẹp bỏ, bị quên béng, chúng ta sẽ đọc ra sao?

Chỉ còn cách duy nhứt là "xí xô xí xào" bằng tiếng Tàu chớ gì nữa, buộc phải đọc hai câu trong Bình Ngô đại cáo là: "Wéi, wǒ dà yuè zhī guó / Shí wèi wén xiàn zhī bāng".

3/ Tôi quý trọng những ai dành cả cuộc đời cho việc nghiên cứu di sản Việt-Hán của tiền nhân, quyết không để cho kho tàng tiếng (nói) Việt chứa đựng nơi chữ Hán bị bức tử, bị dìm chết ngộp.

Giựt mình, khi nhiều lần chúng ta đều từng nghe nói đến "làm cho tiếng Việt trong sáng" - bằng cách đả kích hàng loạt "âm Hán-Việt" (tôi gọi là "âm Việt-Hán" để nhấn mạnh mượn vỏ Hán tự mà đọc theo âm Việt) nhằm loại bỏ âm Việt-Hán ra khỏi kho tàng TIẾNG VIỆT!

Núp đàng sau bình phong "làm cho tiếng Việt trong sáng", là bức tử "âm Việt-Hán" để rồi - không còn cách nào khác - là phải dùng tiếng Tàu khi đọc di sản chữ Hán của cha ông chúng ta chớ còn gì nữa!

Nếu không còn biết đến cách đọc Việt-Hán, chỉ còn mỗi cách là phải đi nhờ Tàu nghiên cứu "giùm" chúng ta về di sản chữ Hán của chính cha ông chúng ta hay sao?

Mà người Tàu thì họ chỉ lăm le đọc bằng tiếng Tàu, chớ họ quan tâm làm quái gì đến cách đọc bằng tiếng Việt của "Đại Việt sử ký toàn thư" và nhiều bộ sử khác của tổ tiên chúng ta xưa kia viết ra!

Một khoảng trống đen ngòm đang ngoác ra chờ viễn cảnh thảm thê như vậy hay sao?

4/ Ắt nhiều người trong chúng ta từng nghe rục rịch về việc "sẽ" dạy chữ Hán trong trường phổ thông.

Tôi ráng nghĩ phải chăng là dạy chữ Hán cho học sinh cấp 3 theo hình thức nhiệm ý (tự do lựa chọn)? Tức học hỏi mô hình giáo dục rất hay của miền Nam VN trước năm 1975: ở bực Trung học Đệ nhị cấp (lớp 10, 11, 12) có phân ban, trong đó có ban Hán-Nôm để những học sinh nào yêu thích di sản lịch sử của cha ông sẽ được dạy cách đọc tiếng Việt cho toàn bộ chữ Hán ("âm Việt-Hán").

Ai dè, cái chữ Hán mà những kẻ định "phát động" là học viết & nói tiếng Tàu (chớ làm gì có đủ nhân lực biết âm Việt-Hán để dạy "đại trà" ở hệ thống các trường phổ thông)!

Tiếng Việt của cha ông (chứa đựng nơi Hán tự) không khóc, lại đi khóc, đi thờ tổ mối tiếng Tàu.

Tổ mối đó ngày càng lớn thì kèo cột rục muỗng, nhà sập ./.

 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Tại sao không gọi cái “báo giờ” hay “chỉ giờ” mà gọi cái “đồng hồ”? Tại sao không nói “làm một giờ”, “làm hai giờ” mà nói “làm một tiếng”, “làm hai tiếng”?

ĐỘC GIẢ: Tại sao không gọi cái “báo giờ” hay “chỉ giờ” mà gọi cái “đồng hồ”? Tại sao không nói “làm một giờ”, “làm hai giờ” mà nói “làm một tiếng”, “làm hai tiếng”?

AN CHI:Ở Trung Hoa ngày xưa người ta làm dụng cụ chỉ giờ “chạy” bằng nước. Về đại thể, nó gồm hai phần. Phần trên, chứa nước, có lỗ cho nước chảy xuống. Ở phần dưới, có cắm một cái cọc chia thành trăm vạch (Mặt đáy được coi là một vạch, coi như tất cả 101 vạch). Khoảng cách giữa 2 vạch chỉ một khoảng thời gian bằng 1/100 thời gian của một ngày-đêm, tức 14 phút 24 giây. Người ta cứ theo nước đã ngập được bao nhiêu vạch mà tính được bao nhiêu lần 14’24” đã trôi qua. Vì thứ dụng cụ đo giờ đó hoạt động theo đặc điểm đã nói trên, nên người ta gọi nó là lậu hồ (= hồ nhỏ giọt) và vì lậu hồ thường làm bằng đồng nên người ta cũng gọi nó đồng hồ. Vậy đồng hồ là dụng cụ đo giờ, chỉ giờ của thời xưa.

Khi máy chỉ giờ của phương Tây du nhập vào Việt Nam thì người nước ta cũng gọi nó là đồng hồ, mặc dù đó không phải là cái hồ bằng đồng. Đồng hồ phương Tây lại thường là đồng hồ gõ kiểng (= đánh chuông), cứ mấy giờ thì gõ mấy tiếng (không kể phần nhạc mở đầu). Vậy tiếng kiểng đồng hồ là dấu hiệu chỉ thời gian. Một tiếng kiểng đổ là một lần một giờ đã trôi qua. Tiếng kiểng (hoặc tiếng chuông) đồng hồ, nói gọn thành tiếng đồng hồ, gọn hơn nữa là tiếng, do đó đã được dùng theo phép hoán dụ (lấy dấu hiệu của hiện tượng để chỉ hiện tượng) để chỉ khoảng thời gian đã nói. Vậy làm một tiếng, làm hai tiếng cũng có nghĩa là làm một giờ, làm hai giờ đó thôi.

Nhân tiện, xin nói thêm rằng tiếng khắc (= 15 phút) cũng là hệ quả của một sự chuyển nghĩa theo phép hoán dụ. Những vạch trên cái cọc cắm ở phần dưới cái lậu hồ, tiếng Hán gọi là khắc. Khi nước ngập thêm một khắc là lại thêm một lần thời gian 14’24” trôi qua như đã nói. Do đó mà người ta dùng khắc theo phép hoán dụ để chỉ khoảng thời gian này. Do điều chỉnh theo đồng hồ Tây mà ngày nay 1 khắc mới bằng 15 phút. Vì vậy, tính theo đồng hồ Tàu thời xưa thì một ngày đêm có 100 khắc, nhưng tính theo đồng hồ Tây ngày nay thì chỉ có 96 khắc mà thôi.

Kiến thức ngày nay, số 136, ngày 15-4-1994


Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

Lòng tự trọng & niềm hãnh diện khi chuyển ngữ Việt hóa

 LÒNG TỰ TRỌNG & NIỀM HÃNH DIỆN KHI CHUYỂN NGỮ VIỆT HÓA

* Cả thế giới chưa đầy 200 quốc gia: Việt hóa toàn bộ TÊN GỌI CÁC QUỐC GIA không phải là nhiều, cũng không quá khó.

* Việt hóa TÊN GỌI CÁC THÀNH PHỐ của Tàu, Hàn, Nhựt. Vì sao?

* Còn lại các thành phố của các nước: quá nhiều, hàng chục ngàn, ghi theo cách gọi - bằng Anh ngữ.

Vì sao gọi Việt hóa là niềm hãnh diện về năng lực chuyển ngữ của Tiếng Việt? Khỏi nhắc lại ở đây, xin đọc: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1131812900586022

1/ NGUYÊN TẮC "MƯỢN CẦU NÓI HÁN TỰ" ĐỂ CHUYỂN NGỮ:

- Không riêng gì người Việt, xin nhấn mạnh, mà người Hàn, người Nhựt cũng đều mượn Hán tự (Kanji) để làm cầu nối chuyển ngữ (từ các ngôn ngữ trên thế giới sang ngôn ngữ bản địa). Dùng "cầu nối Hán tự" chuyển sang âm Việt-Hán, âm Hàn-Hán, âm Hòa-Hán (tức Nhựt-Hán).

- Việc mượn một văn tự để làm "cầu nối" là hiện tượng phổ biến; tỉ như các nước Anh, Pháp, Bồ Đào Nha.v.v... cũng mượn văn tự gốc Latin để chuyển ngữ sang tiếng Anh, Pháp, Bồ...

* "Cầu nối Hán tự" ra sao? Đơn cử bằng mấy ví dụ sau:

"Russia" được viết bằng chữ Hán là , âm Việt của ba chữ này là "Nga La Tư", rút gọn thành "Nga".

"Portugal" viết sang chữ Hán là 葡萄牙, âm Việt của ba chữ này đọc thành "Bồ Đào Nha", rút gọn thành "Bồ".

"Italy" viết sang chữ Hán là 意大利, đọc theo âm Việt của ba chữ này là "Ý Đại Lợi", rút gọn thành "Ý".

"India" viết sang chữ Hán , âm Việt đọc thành "Ấn Độ", rút gọn thành "Ấn".

"Philippines" khi viết sang chữ Hán là 菲律賓, âm Việt của ba chữ Hán này là "Phi Luật Tân".

Cũng theo cách thức như rứa, "Singapore" viết thành chữ Hán là 新加 , âm Việt-Hán là "Tân Gia Ba".

Lưu ý rằng, chúng ta mượn Hán tự để làm cầu nối chuyển ngữ, sau đó đọc theo âm VIỆT chớ không đọc theo tiếng Tàu (người Tàu họ đọc khác).

* Trên toàn thế giới hiện nay có khoảng 200 quốc gia, không nhiều, thành thử việc chuyển ngữ Việt hóa hoàn toàn nằm trong năng lực của chúng ta!

Khi quí bạn hàng ngày vẫn viết/đọc "Ấn Độ", "Úc", "Ý", đâu ai trong chúng ta đòi hỏi phải ghi kèm... tiếng Anh (là "India", "Australia", "Italy")! Vì sao vậy?

Bởi vì một khi chúng ta muốn tìm hiểu các quốc gia thì phải dụng công ít nhiều, chớ nếu chỉ biết lõm bõm các tên nước bằng tiếng Anh - tỉ như "Georgia", "Lithuania", bạn có biết những nước này nằm ở đâu không? Không, nếu bạn không tìm hiểu.

Ghi hoàn toàn theo lối Việt hóa, chẳng hạn "nước Úc", vậy mà nếu bạn muốn tìm đọc bằng tiếng Anh ắt bạn biết ngay tên nước này là "Australia". Có lạ không? Không.

Bởi vì hễ ai có học tiếng Anh thì ắt biết tên gọi các nước bằng tiếng Anh / còn ... nếu nửa chữ tiếng Anh cũng không biết thì dầu có phát âm "Australia" khoe mẽ, rổn rảng đi nữa (vì không ưng phát âm Việt hóa là "nước Úc"), cái sự dốt thì vẫn cứ dốt mà thôi.

2/ VIỆT HÓA TÊN CÁC THÀNH PHỐ Ở TÀU, NHỰT, HÀN:

Có bao giờ quí bạn để ý: Ủa, tên các thành phố của người Tàu ghi bằng tiếng Anh như Beijing, Shanghai, Wuhan, Taipei, Kaohsiung... mà sao chúng ta không ghi theo tiếng Anh luôn, mà lại Việt hóa (tức đọc thành tiếng Việt) là Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Đài Bắc, Cao Hùng...? Chúng ta đọc / viết "Việt hóa" rất tự nhiên, rất bình thường.

Vì sao vậy?

----------------------------------------------------------------

* Stt kỳ 2 đề cập: Việt hóa tên các thành phố ở Tàu, ở Nhựt, ở Hàn. Lý do?

Ngoài 4 nước từng chung Hán tự suốt ngàn năm (Tàu, Nhựt, Hàn, và Việt), các nước còn lại trên thế giới, gọi tên các thành phố theo cách nào?

Có 2 nguyên tắc áp dụng: nguyên tắc về NĂNG LỰC CHUYỂN NGỮ, và nguyên tắc TIỆN LỢI /

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt