Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021
Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021
Con người không nô lệ thời gian, mà phải làm chủ thời gian!
CON NGƯỜI KHÔNG NÔ LỆ THỜI GIAN, MÀ PHẢI LÀM CHỦ THỜI GIAN!
* Bấy lâu nay vẫn từng lúc rộ lên dư luận nên bỏ ăn tết
theo âm lịch, đổi sang mừng năm mới dương lịch. Có lẽ, còn lâu mới có kết quả
chung cuộc, là bởi vì lối suy nghĩ giữ tết âm lịch còn ăn sâu trong não trạng số
đông, gọi là "giữ truyền thống".
Tôi phát hiện ra rằng, tiếc thay, "truyền thống"
đã bị diễn dịch sai!
1/ "Ngày tết", tức là những ngày mở đầu của
một năm mới. Do con người đặt ra, tùy theo bộ lịch họ xài, mà ngày khởi đầu một
năm mới của các dân tộc - trước đây - khác nhau, và khác nhau nhiều.
Người Việt đón mấy ngày tết âm lịch, trong khi người
Khmer thấy mấy ngày "tết âm lịch" cũng bình thường như mọi ngày. Cũng
vậy, khi người Khmer rộn ràng đón mừng năm mới theo lịch của họ, người Việt vẫn
sinh hoạt bình thường và đương nhiên thấy "ngày năm mới của Khmer" vẫn
trôi đi theo nhịp đời bình thường.
Tức là, về thời gian vật lý, "ngày tết"
không khác gì ngày thường ráo trọi, cũng 24 giờ trong một ngày, chẳng phải là
cái ngày ... từ trên rơi xuống do ông thần bà thánh nào ấn định.
2/ Vì là những ngày mở đầu của một năm mới nên bất luận
dân tộc nào cũng mong muốn tổ chức trang trọng. Bản thân thời-gian-vật-lý của
ngày mở đầu năm mới thì vẫn bình thường, NHƯNG vì có những HOẠT ĐỘNG ĐẶC BIỆT của
con người trong dịp này nên những ngày đầu năm trở nên lung linh, được "thổi
hồn".
2a) Giả sử trong dịp đầu năm mà hoàn toàn không có sự
đoàn tụ gia đình, gặp gỡ họ hàng (tùy vào hoàn cảnh từng nhà mà có mức đoàn tụ,
gặp gỡ khác nhau), thì có thành "không khí xúc động, bồi hồi trong ngày tết"
không? KHÔNG.
2b) Nếu những ngày đầu năm mà không tạm gác qua những
hiềm khích, không sống chan hòa với nhau (dù chỉ trong mấy ngày đầu năm), có
thành "tinh thần đặc biệt trong ngày tết" không? KHÔNG.
2c) Nếu dịp đầu năm mà không có những lễ hội đa dạng sắc
màu, có thành "văn hóa ngày tết" không? KHÔNG.
3/ Tức là nhờ có những hoạt động nêu trên (2a, 2b, 2c)
của con người mà tạo ra "cái hồn" luyến lưu cho những ngày đầu năm!
Chớ bản thân mấy ngày đầu năm tự nó không tạo ra "quyền năng tự thân"
để buộc mọi người phải có các hoạt động (2a, 2b, 2c).
Hãy nhớ: thời gian (những ngày đầu năm) không phải là
ông chủ sai khiến con người, mà CHÍNH CON NGƯỜI MỚI LÀ CHỦ NHÂN CỦA THỜI GIAN.
4/ Thành thử ở Nhựt Bổn, cách đây gần một thế kỷ rưỡi
lận, vào năm 1873 dưới thời Thiên hoàng Minh Trị (Mei-ji) chủ động chuyển sang
đón tết năm mới theo dương lịch. Là bởi vì, xin nhắc, con người là chủ nhân của
thời gian!
(đọc bài: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1122254711541841)
Cả ngàn năm trước đó người Nhựt ăn tết theo âm lịch giống
như ở VN. Khi chuyển sang đón tết theo dương lịch, hết thảy những hoạt động
(như 2a, 2b, 2c) họ chuyển sang đầu năm dương lịch là viên mãn, chẳng trục trặc
tinh thần gì hết!
Vẫn là vui vầy gia đình, thăm hỏi họ hàng / vẫn là nêu
cao tinh thần sống chan hòa / vẫn tưng bừng lễ hội với trang phục, nghi thức
ngày xưa. Ai nói Nhựt Bổn đánh mất truyền thống khi chuyển sang mừng năm mới
theo dương lịch?
Ở đây, bạn đang chứng kiến thoạt nhìn tưởng "nghịch
lý": Trong sự từ bỏ truyền thống (là truyền thống mừng tết theo âm lịch cả
ngàn năm lận), người Nhựt lại thổi bùng sức sống văn hóa truyền thống ngay
trong thời hiện đại!
Vì sao?
Vì trân trọng truyền thống là phải từ GỐC RỄ chớ không
"tự sướng" với cành lá trên ngọn.
"Ngọn" là cái bộ lịch, do con người đặt ra để
sắp xếp mọi sinh hoạt trong năm (trong đó gồm cả "mùa màng nông nghiệp",
nhưng thời hiện đại với kỹ thuật tạo giống, canh tác tiên tiến đã thay đổi rất
nhiều...).
Còn "GỐC RỄ" là tinh thần nhân ái, gạt bỏ hiềm
khích, hết sức tưng bừng trong những lễ hội dành cho mọi người (quan, dân như
nhau).
"Gốc rễ" mới là cái quan trọng, chớ giữ
"ngọn" mà làm mất "gốc rễ" (không giữ đạo làm người hiếu
nghĩa, tổ chức lễ hội mà hội thì ít nhưng lễ lạc nịnh bợ và chánh trị hóa thì
nhiều...) thì "ngọn" trở nên còi cọc, nhợt nhạt, vô hồn là cái chắc!
5/ Tôi đọc thấy có những ý kiến trưng dẫn, chẳng hạn,
người Hoa tại Đài Loan (Taiwan), Tân Gia Ba (Singapore) vẫn giữ tết âm lịch. Để
chi vậy? Để thấy... người Việt xài tết âm lịch thì có bè có bạn cho rậm đám
chăng?
Ở đây, về mặt phương pháp suy lý, mời quí bạn chú ý:
5a) Khi những ai lập luận "bỏ tết âm lịch là đánh
mất bản sắc truyền thống", vậy thì chỉ cần minh chứng có trường hợp - ở
trên tôi nêu ra Nhựt Bổn - bỏ tết âm lịch mà văn hóa truyền thống vẫn rỡ ràng.
Do vậy, lập luận vừa dẫn là không thể đứng vững.
5b) Tôi tôn trọng người Hoa, họ có sự chọn lựa văn hóa
cho họ (nên tôi xin miễn bình luận về việc người Hoa ăn tết âm lịch).
Nhưng mắc gì lại lấy "hệ qui chiếu của người
Hoa" áp vô người Việt?
Người Hoa dùng Hoa văn (ở VN vẫn quen gọi là Hán văn),
và chúng ta cũng từng có truyền thống dùng Hán văn / Hán tự cả ngàn năm, rất
lâu, rất dài. NHƯNG, đâu phải vì người Hoa hiện nay họ vẫn dùng Hán tự, mà nói
chúng ta nên tiếp tục dùng Hán tự?
Rất hay, rất độc đáo, các thế hệ tiền bối chúng ta đã
mạnh dạn TỪ BỎ TRUYỀN THỐNG NGÀN NĂM dùng Hán tự, mà chuyển sang dùng chữ Quốc
ngữ!
Xin cùng nhau nghĩ về việc chúng ta đã từng có can đảm
TỪ BỎ TRUYỀN THỐNG trong VĂN TỰ (dùng Hán tự => chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ).
Cả ngàn năm, mà chúng ta vẫn từ bỏ, có sao đâu?
Để, qua đó, mỗi người ngẫm nghĩ cho tỏ tường về điều gọi
là "truyền thống trong ăn tết"...
Chính CON NGƯỜI MỚI LÀ CHỦ NHÂN CỦA THỜI GIAN chớ
không phải làm nô lệ thời gian ./.
-----------------------------------------------------------
Một vài hình ảnh người Nhựt ăn Tết theo dương lịch.
![]() |
Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021
Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021
Linh mục Phêrô Phan Thanh Thời
Linh mục Phêrô Phan Thanh Thời
- Sinh năm 1907
- Tại họ Hanh Thông Tây.
- Thụ phong Linh mục ngày 22.09.1934
- Tháng 04.1936 – tháng 06.1936: Quản nhiệm họ Bến Sắn thay cho cha Phêrô Nguyễn Thống Thể đi chữa bệnh.
- Tháng 06.1936 – tháng 10. 1936: Phó sở Giồng Miễu.
- Tháng 10.1936 – tháng 08. 1938: Phó sở Búng. Coi sóc họ Bến Sắn và Tân Uyên.
- Tháng 10.1938 – tháng 08.1940: Phó sở Đất Đỏ.
- Tháng 08.1940 – năm 1942: Phó sở Tân Định.
- Năm 1942 – tháng 06. 1943: Phó sở Lái Thiêu.
- Tháng 06.1943 – năm 1944: Coi sóc họ Cáp Rang.
- Tháng 08.1944 – tháng 02.1945: Phó sở Lương Hòa Thượng.
- Tháng 03.1945 – năm 1947: Chánh sở Biên Hòa.
- Năm 1947 – năm 1954: Chánh sở Tân Hưng.
- Năm 1954 – năm 1957: Chánh sở Mỹ Hội.
- Năm 1957 – năm 1958: Chánh sở Bình Hòa.
- Năm 1958 – năm 1961: Chánh sở Chí Hòa, kiêm nhiệm Tổng Quản lý Điền địa Nhà Chung.
- Năm 1961 – năm 1975: Phó Quản lý Địa phận, Tổng Quản lý Điền địa Nhà Chung.
- Qua đời ngày 12.08.1975. Hưởng thọ 68 tuổi, 41 năm Linh mục.
- Mai táng tại Đất Thánh các Linh mục Chí Hòa.
Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021
Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021
Cù Mi ăn mừng nhà thờ mới - La Gi chịu phép Thêm sức.
CÙ MI ĂN MỪNG NHÀ THỜ MỚI
La
Gi Chịu Phép Thêm Sức
Vốn sự dọn rước khi chịu phép Thêm sức và ăn khánh tân
nhà thờ, thì sự trọng thể đâu cũng gần giống đó. Song tôi xin phiền lòng độc giả
chịu khó lội rừng, băng truông theo tôi ra miệt cheo leo gần biển La-gi Cù-mi
mà coi bề họ giữ đạo thế nào.
Ai muốn đi miệt Lagi nầy thì có hai thế: hoặc ngồi xe
lửa Saigon tới Sông-phan rồi ngồi xe bò, xe trâu hay là cỡi ngựa theo đường đất
trong rừng lối 24 km; hay là đi xe hơi riêng theo đường Saigon Phan-thiết, từ
Saigon tới Sông-phan phỏng 152 kmn, rồi tẻ đường đất 18 km nữa thì tới Lagi.
Cũng có kẻ ra Phan-thiết, ngồi xe đò trở vô Lagi. Bữa ấy tôi ngồi xe hơi nhà mà
đi cũng lắm lúc hiểm nguy; qua biết mấy cầu cây, hai bên rừng dày đặc, có nhiều
thú dữ; đường lót sỏi một phần, xe chạy còn miễn cưỡng, qua khúc sau thì, ối
thôi, phải cho máy chạy è ạch dưới đất cát lún xe quá nặng, có hồi lại phải cho
xe nhảy cà tửng trên một mớ cây nhỏ nhỏ sắp theo đường, để xe nương đó mà qua
cát mới nổi. Đường xa lối 18 km mà phải rề rề đi trút giờ. Vậy là lẹ khá, chớ
nghe nói các cha ở mấy họ nầy khi xưa cứ giữ việc nằm xe trâu cả đêm, hay là quất
ngựa nhắm hướng băng theo rừng mà ra xe lửa. Một lần đi rất gay go, nên các cha
và bổn đạo ở đâu ở đó, vui thú theo kiểng vật rừng biển của mình mà thôi. Lagi
đời bây giờ cũng khá, có xe đò đi Phan-thiết, có nhà dây thép, huyện, chợ, được một nhà thờ họ đạo đã lâu đời.
Chỗ nhà thờ Lagi ở cách mé biển chừng 1 cây số ngàn,
có những động cát chập chồng liên tiếp, che đỡ mũi gió mạnh, có chút đỉnh ruộng
ở gián-tiếp theo mấy động cát trở vô nhà thờ, mé hậu là rừng giắt dây.
Dân cư lối 4.000, số bổn đạo gần 450. Coi qua thì là một
họ bẩn chật, đờn bà lên rừng coi mấy cây dầu to lớn, mổ bộng đốt ra dầu, rồi
múc từ chút đem về đầy thùng, bán sắm đồ ăn đồ mặc, mà rẻ quá, đâu 4 cắt một
thùng thiếc. Đờn ông làm nghề biển, nước mắm, và thợ rừng, đốn cây cưa ván. Ở
đây có danh về cây Săn-đá , cây nầy chắc, bền, dẽ thịt, và cứng lắm, dùng lâu
năm không sợ mục hay là mối mọt chi, mà giá cũng rẽ như cây dầu trong Nam-kỳ.
Ai muốn dùng thử thì cứ việc tính với cha sở Lagi người biểu bổn đạo làm, cưa
xong chở ghe bầu đem vô tới tại bến cho mình. Tuy xa mà ghe bầu chạy lối 3 bữa là tới rồi.
Thuở xưa miệt nầy thuộc về địa phận Qui-nhơn. Lúc đó
có trận gặc Bình-thuận nổi lên, nên bổn đạo tứ táng đôi nơi. Nhờ có quan lớn
thượng Tổng đốc Lộc ở Saigon ra dẹp giặc đâu đó yên bài. Sau nhà nước phái quan
Đốc phủ Nghiêm làm khâm sứ ra xem sóc lo cho nhơn dân đâu đó an cư lạc nghiệp.
Lúc bấy giờ cha Bảy Ẩn mới vô tìm con chiên, thì bắt đầu lo lập những họ: Tầm-hưng,
Kim-ngọc, Rạng, Mũi-né, Phó-hài, vô tới Kê-ga (Văn-kê), Lagi, Cù-mi. Những sở họ
khi đó lập đặng mau chóng dễ dàng thì cũng nhờ quan lớn Đốc phủ Nghiêm, tiện bề
khai điền khẩn đất, nhắc đến công cuộc nầy, thì lòng cũng nhớ đến ơn người quá
vãng. Đến sau nhờ có đường xe lửa Saigon – Nha-trang thông thương, nên đã giao
mấy họ nầy về địa phận Saigon xem sóc gần 30 năm nay, chớ như ở Qui-nhơn dễ dầu
gì ngồi ghe bầu vô viếng mấy sở họ nầy.
Nhà thờ Lagi là một nhà ngói coi đã cũ, cột là săn-đá
coi chắc, song tuồng trên là dầu, bỡi lâu năm, nên coi đã rệu, nghe cha sở cũng
tính làm lại. Bổn đạo ở xúm xít gần nhà thờ, mà có người ở thiệt xa, đi lối một
ngày mới tới nhà thờ, đi bộ lội qua xẻo, theo bãi biển, nắng mưa cực nhọc thật,
khá khen phô kẻ ấy có đức tin mạnh.
Cac cha sở xưa là: cha Guéguend, David, Ferré, Lễ. Rày
cha Micae Giàu ở đặng 7 năm. Về phương thế thông lưu, như miệt Saigon, hễ hữu sự
thì mình lên xe hơi, ù ù một hơi là thấy tới. Ngoài nầy nghe nói đi kẻ liệt, đi
họ, cứ việc ngồi xe trâu, mà ai có gân muốn đi cho lẹ thì thót lên ngựa. Ô, cái
nố ngựa cũng ghê, coi các cha quen cỡi, thì nó chạy thấm thoát êm ru, còn mình
không quen, lên nó chúng chứng nhảy cà xóc, đau ruột quá, mà lại rêm cả bàn ngồi,
rồi thì nó tự do lên nổng cát đứng nghỉ, mình rị không lại, phải chịu phép nhảy
xuống dắc hắn cho êm chuyện!.
Năm nay đến kỳ trong họ rước Đức cha ban phép Thêm sức,
cách 6 năm nay mới gặp mặt cha cả, nên con chiên vui mừng biết bao. Dọn dẹp rất
lộng lượt, nào cờ trống, tàng lọng, và kiệu. 3 giờ ngày 16 Mai 1936, hết thảy bổn
đạo lớn bé hàng ngũ chỉnh tề qua mé sông rước Đức cha ở Saigon ngồi xe hơi tới
đó. Khi Đức cha tới nơi thì lên kiệu, bổn đạo kiệu về nhà thờ, tới đầu cầu lớn
dài mà hư mục hết, thì bổn đạo lớn nhỏ xuống sông lội lõm chõm qua. Sông ngoài
nầy mùa nước thì ngập tràn, mà mùa khô thì lội qua ráo chơn. Tội nghiệp Đức
cha! Đường xa ngồi xe tại Saigon là 11 giờ trưa, ra tới đây 3 giờ, theo lẽ mệt
nhọc lắm, song người cũng tỏ mặt vui vẻ với con chiên. Rước vào nhà thờ theo lễ
phép xong, đoạn ra nhà cha sở, bổn đạo vào bái mừng. Qua ngày sau ban phép Thêm
sức cho 90 người. Có cha Joseph Thiên giảng cấm phòng, cha Khương phụ lực làm
phước. Đâu đó xong rồi nghỉ ngơi chút, kế đi. Đố anh em đi đâu?
-------------------------
Vô
họ Cù-mi
Qua 1 giờ trưa, bổn đạo lớn bé tựu lại đưa kiệu Đức
cha vô Cù-mi, cứ dọc theo bãi biển mà đi. Đường coi mù trời mù đất, lối 24 km.
Thương hại! Qua lối 2 giờ mưa một trận mưa quá to, giữa đồng cát không chui đụt,
mặc mưa với người toan liệu, cha con đều ướt hết, mà ai nấy cũng hớn hở, cứ dầm
mưa đi tới, trống cứ lên tiếng gióng ba làm hiệu. Cứ vậy mà đi, tới nữa đường gặp
họ Cù-mi ra rước về, kiệu riết tới 5 giờ rưỡi chiều mới đến nơi. Các cha đợi tạnh
mưa gần 3 giờ mới cỡi ngựa theo sau. Ôi! Nhớ ngựa còn ghê tới nay. Cái xe hơi
mình bẻ đâu quanh đó, chớ nố ngựa không dễ gì chơi, không quen nó, nó không chạy,
không quẹo theo ý, làm bữa ấy tôi đua với các cha ăn hạng bét, may gặp bổn đạo
đi bộ, tôi trao ngựa, mà đi bộ lấy làm khỏe hơn nhiều.
Cù-mi nầy, cũng ở gần biển, đi bộ lối một khắc tới biển.
Nhơn số lối 700, mà bổn đạo được 500 rồi. Nhà ở xúm xít xung quanh nhà thờ. Nghề
nghiệp: làm ruộng, làm rừng, lá buôn và biển. Cù-mi rày ra mới, nhờ cha Micae lội
lặng vô ra đốc giục bổn đạo phụ lực với cha nên nay có nhà thờ mới; dài 30 thước
tây, rộng 12 thước, nóc cao 13 thước, có tháp chuông nhọn vót cao 26 thước. Cha
Micae lại khéo lợi dụng nhà thờ cũ mà cất lại được nhà cha, nhà dì, nhà trường
mới hết thảy.
Trước kia các cha sở là: cha Sao, cha Guéguend, Tuyển,
Lễ, Thể; cũng có các cha phụ giúp là cha Keller Adolphe, Lefebrve, Vạn, Hưng,
rày cha Mátcô Châu mới phụng lịnh Đức cha mà lãnh sở nầy. Bề thông thương cũng
gay go: Muốn về Saigon thì phải nằm xe trâu suốt đêm, tới Xuyên-mộc mới ngồi xe
hơi về ngả Bà-rịa Saigon. Ngoài nầy thú dữ trên bờ dưới nước có đủ. Cọp từ đó tới
giờ hại cũng là 4, 5 mạng rồi, song ở đâu quen đó. Mình không quen phải ghê lắm;
như hôm tôi ngồi xe hơi về tới Gia-rây, 4 giờ rưỡi chiều trời mưa, gặp một con
cọp qua ngang đường trước đầu xe hơi, trong mình tự nhiên ghê. Còn ngoài nầy cọp
nhảy qua đầu xe trâu hay là lót tót theo sau xe thì tự ý, họ cứ việc đi như thường,
la đập bậy bạ chút rồi thôi. Có loại sấu còn ghê hơn, ngọn rạch vô nhà thờ coi
thì nhỏ mà sấu nhiều và dữ lén lén trườn lên bắt heo gần nhà, nên nhà họ có rào
xung quanh hết. Sấu hại người từ đó tới giờ tới 7 mạng, may là cứu được 4. Mới
hôm trước đây họ đi nôm cá cũng sém bị nó, bữa đó sấu ta trừng lên, họ bắn cho
mấy mũi chịu phép chết. Muốn mổ bụng mà lấy cốt người nó đã nuốt cách ít lâu
đây, song vì nó nuốt lẫn những heo, thành ra thúi quá mổ không tiện, nên mượn bụng
sấu làm hòm chôn luôn người và sấu. Vậy mà họ không ghê, cứ lẽo đẻo dùng xuồng
mò cá nơi bàu ấy mãi! Quen rồi hết sợ!.
Bữa 28 Mai Đức cha ban phép Thêm sức cho 80 người,
luôn dịp làm phép nhà thờ mới. Có cha Sinh (Tầm-hưng) phụ giúp với cha Mátcô.
Cha Joseph Thiên giảng một bài cắt nghĩa ý nhiệm các món trong nhà thờ, và dạy
phải kính trọng vì là nhà Chúa. Nhắc công cha Micae cực nhọc với đền thờ nầy
quá nhiều; vì ở Lagi mà thường bữa phải quất ngựa vào đây chỉ biểu công việc
làm, đường xa nhau cở 20 km. Đáng khen bổn đạo đồng lòng với cha lắm. Bạc tiền
thì không có bao lăm, nên phải vải công ra mà gầy dựng lấy. Lớp lên rừng theo
suối cạy đá miễng, long về rồi xe bò kéo, lớp hốt sò về hầm vôi, lớp múc đất
nung gạch hầm ngói, phần lên rừng đốn cây. Bỡi Đức cha rõ công phu bổn đạo, nên
bữa xong lễ có ban khen và gắn mày đay cho 4 ông có công lo lắng hơn cả: 1. ông
câu Tađêô Tước 64 tuổi, 2. ông biện Giuse Bền 44 tuổi, 3. ông biện việc Phaolô
Đặng 44 tuổi, 4. và ông biện việc cựu Phêrô Khương 44 tuổi. Mấy ông nầy bỏ phế
việc nhà chăm lo việc mần nhà thờ mà thôi. Khuê bài thích chữ rằng: Jubilaeum Sacerdotale P. P. Pii XI Pont. Max
(Chánh tế ngũ tuần Đại Giáo Hoàng Piô XI), coi ai nấy hưng tâm khoái chí lạy mừng
cám ơn Đức cha. Nên khoái, song nhứt là ngày nào Chúa phán khen và thưởng công
cha Micae và mấy kẻ có công thì càng khoái hơn nữa. – Đây tuy họ keo cư, mà tu
nam tu nữ cũng có, như ở Latinh Saigon lại có thầy Lành, rày sang học bên
Pinăng, trông cậy ơn Chúa thương Cù-mi sẽ thêm danh.
Xong cuộc cũng lo giải táng. Nghỉ chút Đức cha lại lên
kiệu, bổn đạo đưa vô nữa đường Xuyên-mộc mà về Saigon, còn 4 cha thì lên ngựa
lóc thóc lại trở về Lagi mà lên xe hơi mình bỏ đó, mắt có thấy được địa cảnh
ngoài nầy và đường giao thông, thì mới an ủi mình chút, là trong Nam-kỳ sướng bộn
chớ không chơi… Ước gì ai rảnh và mạnh trong mình khá, cũng nên ra mé ngoài nầy
chơi cho rõ cuộc, rồi về chết bằng an.
Fr. x. Lê vĩnh Khương
Báo Nam Kỳ địa phận năm 1936