ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Họ Bến Gỗ

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------

HỌ BẾN GỖ

Về sở Biên Hoà

--------------------

 

Ở Biên Hòa đi ghe xuống theo sông Đồng Nai, cách chừng một giờ, thì thấy bên bờ sông phía tả, nơi có những cây cao lớn, một nhà thờ xây bằng gạch trên lợp ngói, đó là nhà thờ họ Bến Gỗ.

Họ nầy đã có lâu trước, song không rõ gốc lập họ là thế nào; biết đặng một đều là có nhiều bổn đạo đã ở đó đời cựu trào, cũng có cất một nhà thờ, cái nền nhà thờ ấy bây giờ hãy còn, gần mé rạch kêu là rạch nhà thờ, chỗ ấy cách xa chừng hai mươi phút với chỗ nhà thờ bây giờ.

Trước vài năm tân trào qua Nam Kỳ, tại tĩnh Biên Hòa có một quan quí danh là Nguyên soái Là, quan nầy ưa đạo và binh vực con nhà giáo hữu, cho nên bổn đạo có cất một nhà thờ mới bằng lá tại Bến Gỗ, là nơi nhà thờ bây giờ. Và có nhiều nhà bổn đạo tới ngụ đó, trong những kẻ nầy thì có gia thất ông phủ Điều, ông nầy sau đó giúp họ nhiều việc lắm. Khi ấy có mấy cha annam, là cha Hiển, cha Giáo, cha Khánh coi họ nầy.

Cách vài năm sau, có chiếu chỉ ở Huế chạy vô, dạy bắt đạo cùng dạy cặm nêu, bổn đạo không chịu dựng nêu trước nhà vì là sự dị đoan nên làng có lòng nhơn, đốn tre cặm giùm cho, song bổn đạo cũng nhổ hạ xuống.

Lúc ấy bổn đạo họ Bến Gỗ khỏi bị bắt thình lình, là nhờ có quan Nguyên Soái Là cho tin xuống cho bổn đạo hay mà lo trốn: ai nấy đều phải bỏ nhà cữa sản vật lại mà tầm phương lánh nạn, có kẻ chạy xuống Saigon qua trú tại Xóm Chiếu; lúc ấy tân trào soán Saigon rồi; và có ông đội Thiếc lên Bến Gỗ mà rước bổn đạo dắc về Saigon; có người chạy qua trốn tại cù lao Cồn Cò.

Sau khi binh Langsa lấy tĩnh Biên Hòa rồi, và dẹp đâu đó đã an. thì những bổn đạo ở Bến Gỗ mới dám trở về xứ sở mình; về tới nơi thấy mọi sự tan hoang, đau lòng ứa nước mắt, xúm xít nhau gầy dựng cơ nghiệp lại, cùng cất một nhà thờ tạm; khi ấy số bổn đạo có thêm, vì nhiều nơi tựu tới đó, là những bổn đạo ở mấy tĩnh còn thuộc về cựu trào, phải bắt bớ nên tìm đến mấy họ đã đặng an mà trú ngụ, cho nên số bổn đạo hồi đó được bốn năm trăm; các cha ở tại Biên Hoà lên xuống Bến Gỗ mà làm lễ, làm phước cùng ban các phép Bí tích. Cho tới năm 1870, Đức cha dạy cha Y (P. Errard) cha sở Biên Hoà cất một nhà thờ tại họ Bến Gỗ, là nhà thờ còn bây giờ đó.

Cách ít năm sau cha Gabirie Thành làm cha sở họ Bến Gỗ, và trong năm 1889 cha đã cất nhà cha sở. Khi cha Thành ở đó thì sốt sắng lo cho đoàn chiên, ân cần dạy dỗ, cho nên bổn đạo nên gương tốt lành. Lại có nhờ ông phủ Điều phụ giúp, thì cha đã lập họ An Xuân, xa họ Bến Gỗ chừng nửa giờ, đi ghe theo đàng sông lớn.

Chừng cha Thành già yếu xin đổi đi, thì cha Nuôi đổi lại ở Bến Gỗ sáu năm; kế cha Philipphê Sau tới, và cha coi họ nầy cho tới ngày cha qua đời là 2 Janvier 1919.

Bổn đạo họ Bến Gỗ thương mến cha Philípphê Sau lắm, nên khi cha qua đời thì cả họ lớn nhỏ đều để tang hết mà đưa xác cha đến mồ.

Họ Bến Gỗ nói đặng là một họ tốt, vì không mấy bổn đạo trễ nải bỏ luật Hội thánh; các con trẻ thảy đều đi học kinh phần tại trường họ. Bổn đạo yêu chuộng nhà thờ họ mình, tuy thấp và chật một chút không đủ cho số bổn đạo tại đó, mà nhà thờ tốt, xây gạch chắc chắn, trong có hai hàng cột cây bằng câm xe, bề hoành đặng 5 tất: có hai cái chuông, một cái của vợ chồng tổng Huệ dưng, một cái của bà Hạnh dưng.

Kim thời thì số bổn đạo tại họ không thêm, vì là xứ nghèo nàn, bề sanh nhai không thạnh mậu; phần nhiều bổn đạo ít kẻ có ruộng đất tư riêng, cho nên dễ bề dời đi chốn khác làm ăn. Cho nên số bổn đạo ngày nay tại họ chừng 300 người.

Từ khi cha Philípphê Sau qua đời thì cha Anrê Giảng đổi lại làm cha sở họ Bến Gỗ cho tới bây giờ.

(Chung về họ bến Gỗ)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Họ Tân Triều

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------

TÍCH HỌ TÂN TRIỀU

Về sở Biên Hòa

--------------------

Họ Tân Triều đã có từ đời  Đức Cha cả Vêrô, người ta nói Đức thầy và vua Gia Long có ở đó, và vua có lập đền, nên kêu là Tân Triều, nghe nói Đức cha có lập trường Latinh ở đó nữa, sau đem qua Lái Thiêu; thuở ấy có một quan lớn Danh Trung có đạo cai xứ ấy, một hai khi về Tân Trều cho đá táng, mấy cha khi ấy làm nhà lầu.

Cha nào cai thuở xưa không rõ, mà giữa đời ấy bổn đạo sung đông lắm; người ta trồng trầu mà ít ham đi buôn bán, đi biển hồ; đời ấy người ta mạnh mẽ, ít đau ít rét, ăn ở kiển vật cách sang theo phép annam; quan quyền năng tới lui hỉ lạc vui vẻ.

Sau khi Đức thầy Vêrô và vua Gia Long chết, thì vua Minh Mạng bắt đạo, nên bổn đạo Tân Triều trốn đi ẩn ánh nơi khác cho đặng giữ đạo; vua Minh Mạng chết, thì vua Thiệu Trị không lo bắt đạo, để ai muốn giữ nào mặc ý; vua Thiệu Trị qua đời, thì vua Tự Đức lên và bắt đạo dữ tợn, chẳng những là ngoài Huế mà lại trong Đồng Nai (Saigon), cùng can tầm đạo trường mà giết, nên bổn đạo ẩn ánh mà giữ đạo.

Từ tây vô 1858 tại Sơn Chà, thì quan cựu trào bắt đờn ông có đạo chia cho các làng; kế năm sau bắt nhốt lại một tù, cũng có chém 5, 6 người đạo, rồi dời tù lên Dốc Sỏi; đoạn tây lấy Saigon và lên gần Biên Hòa thì quan cựu dạy đốt tù ấy, có ít kẻ thoát được, còn bao nhiêu phải chết thiêu, chừng tây lấy Biên Hòa rồi, thì bổn đạo chạy tới Biên Hòa và Saigon, cũng còn ít nhà ở lại Tân Triều. Qua năm 1860, cho tới 1863, cha Ba (P. Barou) là cha sở Chợ Quán lên thăm viếng họ Tân Triều, Biên Hòa; chừng năm 1863 cha Hạnh (P. Besombes) (Bình Định) vô ở Tân Triều đánh cùng quân ngụy nhiều lần, bổn đạo thế làm lính, cũng làm cai đội đánh đuổi quân ấy cho tới trên rừng, khi yên ngụy rồi, cha khởi làm nhà thờ, làm lớn lắm phủ hết cái nền bây giờ đó, xây nửa chừng, Đức cha kêu về Bình Định, sau cha Vọng lên ở đó gần một năm, kế cha Creuse mới qua ở một năm rồi chết, kế cha Bernard (Huế) ở chừng một năm rồi về Huế. Tới cha Vĩnh (P. Le Vincent), làm tiếp nhà thờ cha Hạnh đã xây và làm nhà từng; cha ở hai năm, chừng cha đổi đi thì cha Định (P. Delpech) tới ở một năm đổi; tới cha Nhơn (P. Duquesnay), cha nầy phá nhà thờ cũ làm vô nhỏ hơn như bây giờ, cha coi họ đặng ba năm đoạn đổi; kế cha An (P. Briand) ở một năm bị té ngựa đau chết. Đoạn cha Hòa (P. Greset) tới ở một năm bị rét nên đổi. Kế năm 1874 cha Dư đến đó ở đặng 17 năm, từ xưa thì không rõ, mà từ tân trào mới qua tới năm 1885, phần thì còn chộn rộn quân ngụy, phần thì các cha ở một năm hai năm, bị đất độc đau chết hay là đau thì đổi đi, phần thì các cha bên tây mới qua, chưa thuộc tiếng annam cho mấy khi biết vừa đủ lại đau chết hay là đổi, cho nên bổn đạo còn dốt nát. Việc đạo, việc thờ phượng Chúa còn tối tăm, chưa có sự gì sốt sắng vui vẻ, thì cha Dư tới đó mới phá rừng và lập vườn trồng cây. Cha Dư khởi sự lập trường nam nữ, đồng nhi lớn thì dạy trẻ nhỏ, tập đọc sách, tập viết, tập hát tiếng latinh và tập đờn, trong nhà thờ trau giồi cũng tốt vừa vừa, hằng năm cha Dư bày kiệu ảnh Đ C Bà. Tháng Đ C Bà, tháng Trái Tim Đ C G, tháng ông thánh Giude, tháng Môi Khôi, làm cách trọng là từ năm đó. Đồng nhi cùng bổn đạo biết chữ nghĩa, biết đọc sách phần, vui mừng sốt sắng; họ Tân Triều khi ấy tử tế ít kẻ rối vợ chồng, ít trễ nải, không có cờ bạc say sưa hoang đàng; bổn đạo Biên Hòa hay lên Tân Triều mà xem lễ vì có dọn trọng thể bề ngoài hơn, bổn đạo hay xem lễ ngày thường và năng xưng tội rước lễ, nhứt là mấy ngày lễ Đ C Bà Maria.

Qua năm 1882 cha Dư sắp đặt việc họ rồi, thì người tập ít ông chức cách giảng đạo, người sai đi giảng cho kẻ ngoại chỗ nầy nơi kia, nên lập đặng ba họ mới, là: Tân Uyên, Dỗ Sa và Lạc An. Họ Tân Uyên số là có một người đạo mới họ Chợ Đũi về xứ mình là làng Tân Uyên, hai vợ chồng và ba đứa con trốn không giữ đạo, mà không bỏ đạo, đã lâu cha Dư đi kiếm 3 lần mà trốn trong nhà, biểu con nói đi khỏi, sau thình lình cha gặp người ấy đi việc quan dưới Biên Hòa. Cha Dư hỏi, an ủi thì hết sợ hết trốn; vậy cha Dư tới nhà an ủi cùng giúp đỡ thôi thúc trở lại, đặng lập một họ cho vui, cha Dư sai một ông chức tên là Câu Cư ở Tân Triều đi giảng dạy đó, người ấy nói giỏi người ta ưa nghe và muốn vào đạo, rồi cha Dư xin thầy Cậy (sau là cha Cậy) tới dạy dỗ, cũng còn thêm số chầu nhưng nữa, khỏi mấy tháng cha Thi (P. Thiriet) và cha Liễu (P. Lallement) đến giúp rửa tội lần thứ nhứt có chừng 70 người, sau thêm lần cũng có hơn 100.

Sau Đức cha Mỹ (Mgr. Colombert) có thưởng ông Câu Cư một tượng ảnh Trái Tim Đ C G; từ ấy cha Dư mua đất làm nhà thờ ngói gạch nhỏ tốt trước mặt kẻ ngoại, cho nó vui mà vào đạo, Đức cha Mỹ có đến làm phép nhà thờ và xức trán họ ấy, Đức cha thấy bổn đạo mới mà dọn lòng giữ đạo sốt sắng và thuộc biết như đạo dòng vậy thì vui mừng.

Cha Dư có lập nhà mồ côi kiếm một bà già ở lo nuôi con nít, có chết các chức lo chôn và đã đặng nhiều con nít mồ côi; sau đó cha Dư lập họ Châu Sa. Vốn có ba chủ có đạo dòng, cha giảng thêm 5 hay là 6 nhà nữa; cha cất nhà thờ nhỏ, bổn đạo chừng 36 người; cũng một năm ấy cất nhà thờ lá tại họ Lạc An; số là khi ấy vốn chỗ đó có một người đàn ông chừng 50 tuổi tên là Nho đạo dòng, hiền lành ít oi, trốn giặc chạy lạc qua đó có vợ và một đứa con, sau vợ chết, rồi lấy vợ ngoại ở luôn đó làm ăn, năm 1871 cha Dư ở Tân Định lên thế Tân Triều một tháng. Cha nghe truyện ông ấy muốn trở lại cùng vợ con nữa và học kinh, cha lên ở đó dạy vợ người ấy, rồi rửa tội gỡ rối rồi về Tân Định. Sau năm 1874 cha Dư về Tân Triều, người nhớ mấy chỗ ấy lên xuống một hai khi giảng dụ thêm chừng 15 người, vậy năm nầy cha mới cất nhà thờ đó, có thầy Đức (sau là cha Tadêu Đức) ở đó dạy và giảng thêm; bây giờ cũng hãy còn chừng 40 hay là 50 người, mà nhà thờ hư hết; nhà thờ Châu Sa thì cha Sao dỡ, bổn đạo còn một người; còn nhà thờ Tân Uyên giao lại cho Bến Sắn, cha Oai (P. Poinat) cất lại bằng ngói gạch. Cha Dư ở đặng 17 năm đổi đi là năm 1890, cha Châu (P. Legoff) thế chừng một năm đau chết, cha nầy mắc đau để bổn đạo như thường; kế cha Thể thế cũng sửa ít đều, đặng sáu năm chết; kế năm 1903 cha Sao thế cha nầy, ở năm năm hay đau rét rồi chết; kế cha Trang (P.Tranier) ở sáu tháng chết, cha nầy sửa nhà lầu lại ra cao tốt, sốt sắng xem xét việc bài bạc.

Cha Nhơn coi họ Tân Triều từ tháng Août 1910 cho đến bây giờ.

Còn mấy họ nhỏ nát hết, còn có họ Lạc An còn khá.

Còn các thầy cả bổn quán Tân Triều thì nghe nói: Cha Biểu đi nhà trường là tại cha Bề trên Thi (P. Thiriet) thế Tân Triều rồi cha cho đi nhà trường. – Cha Đức Tadêu thì cha An (P. Briand) cho đi nhà trường - Cha Duông thì cha Dư cho đi và cũng cho 4 hay là 5 người nữ đi nhà phước mà chết hết.

(Chung về họ Tân Triều)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

Sự tích Cha Clément Tranier (Trang)

 SỰ TÍCH CHA CLÉMENT TRANIER (TRANG)

------------------

Cha Clément Tranier (Trang)

Kể từ ngày cha vưng lịnh Đức Cha từ giả họ Bãi Xan mà về nhậm họ Tân Triều, thì người ra tay làm việc luôn, chẳng nghỉ đặng. Trước hết cha lo cất nhà cho hai dì phước ở, đặng mà dạy đồng nhi nam nữ, nên cha phải lo làm tức thì. Đang lúc lo làm nhà ấy, thì cha nhóm quới chức mà tính làm nhà cha lại, vì nhà cũ thì Đức Cha chê nóng nảy, khó bề ở cho các cha. Vậy khi cha mở lời thì quới chức lo hạ nhà ấy xuống mau theo ý cha, kêu thợ mộc thợ hồ đến làm đông; bổn đạo ra công giúp cùng là ăn tiền công rẻ. Lúc ấy cha phải ở trong phòng ảo lễ gần ba tháng cùng lo lắng mọi việc, coi sóc các thợ làm. Đang khi ấy cha cũng sửa trường học lại, củng sơn phết cho ra mới, và tu bồi nhà thờ, dầu một đường gạch tàu tróc mí lên, thì người cũng biểu thợ ém lại cho liền khít. Ngoài đàng lộ đi tới nhà thờ đều dọn dẹp sạch sẽ, và sơn phết nhà thờ lại. Người nói nhà cha làm cho tốt, thì phải làm nhà thờ phượng Chúa cho tốt hơn nữa; bỡi vậy người hết lòng lo lắng, ăn ngủ không đặng, mệt nhọc lắm. Trong họ ai nấy cũng hết lòng lo lắng với cha, cho đặng nhà cữa cao ráo tử tế cho cha ở mạnh giỏi mà giúp bổn đạo lâu dài.

Ý tứ cha sốt sắng mạnh mẽ lắm, trong lúc người mắc trăm việc đa đoan thề ấy, mà hễ ai thưa sự gì về phần hồn hay là phần xác, thì người ra tay làm việc ấy tức thì không trì hưỡn. Lại người nghiêm cấm sự cờ bạc lắm, nên trong làng trong họ đều bằng an, và ai nấy đều khen ngợi cha sự ấy.

Khi nhà cha xong rồi, cha biểu quới chức dọn đồ cha về nhà mới, thì trong họ lớn nhỏ đều lấy làm vui mừng: kẻ lo đem đồ lên từng trên, người khiêng rinh đồ vô từng dưới. Dọn dẹp nội một buổi thì nhà ấy sắp đặt thứ lớp trong ngoài, xem rất đỗi vui. Kế có cha sở Biên Hoà đến, vi cha sở tại có mời trước, chiều bữa đó đến ăn tân gia; lại cha Biên Hoà là đấng có công giúp họ chúng tôi nhiều, nhứt là khi làm nhà mới nầy, thì người đã lo lắng hết tình, theo lời Đức Cha xin người phải lo cho cha mới mọi việc, nên người đã hết lòng trợ lực.

Vậy cha con ngày ấy vui mừng không xiết. Cách ít ngày sau quới chức thấy cha mệt và nước da xanh một chút, thì ai nấy đều xin cha xin phép Đức Cha mà đi nghỉ, kẻo mệt, thì cha trả lời rằng:

- Không mệt gì; bây giờ trong nhà yên một chút, còn phải lo xung quanh ngoài nhà, để cha coi dọn dẹp và đắp đường thẳng xuống sông, phá cho trống đặng gió thổi vô nhà nhiều thì cha mát khỏe thì thôi, có mệt gì đâu,

Kế Đức Cha đến thăm cha và coi cái nhà mới, Đức Cha khen nhà tốt mát mẻ cao ráo. Đoạn Đức Cha về cách có vài ngày thi cha thọ bịnh mà đi xuống Sài Gòn vào nhà trường uống thuốc. Vậy khi trong họ chúng tôi đang lo cầu nguyện cho người uống thuốc mau mạnh mà về, xẩy đâu dang sáu giờ sớm mai chúng tôi đặng tin dây thép nói cha đã qua đời rồi, và bốn giờ chiều chôn! Hết thảy ai nấy đều rụng rời; chuông nhà thờ hai cái liền nổi lên, bổn đạo lớn nhỏ đều tuôn đến, xung quanh nhà cha nghe lu bù những tiếng khóc than: “Cha hỡi là cha!!” - Đoạn vào nhà thờ cầu lễ cho người, trông cậy Chúa sẽ nhậm lời con cái châu rơi tuôn lụy kêu xin, mà cho linh hồn cha Clément đặng lên chốn nghỉ ngơi muôn đời tiêu sái.

Đoạn quới chức chúng tôi lo di viếng cho thấy mặt cha phen sau hết, cùng đưa linh cửu người đến nơi phần mộ, mà chờ ngày xác phàm sống lại vang hiển tốt lành!!

Khi táng cha đoạn, ai nấy chúng tôi lui về mặt ủ mày châu, lòng bát ngát, chịu mồ côi một cha rất nhơn từ đức hạnh; chịu tang một đấng rất đáng kính đáng thương!

Ôi! người đời thấp thoảng bóng đèn hoa! mới thấy đó, phút liền đã mất! Ta há dễ tham của phù vân; một soi gương bia để trước mặt, mà lo bề khắc kỷ tu thân, hầu khi hồn lìa khỏi xác, được sum vày cõi thọ miên trưởng.

Nay hết thảy quới chức và trong họ chúng tôi kính dưng đôi chữ mà than rằng:

KHỐC BÁI CHA SỞ HỌ TÂN TRIỀU TẠ THẾ

Ôi!

Bắc đầu sao dời,

Thới sơn núi rũ!

Triết nhơn trường thị ứng triệu thiên đình,

Anh qui qui thần hồn nương thánh gía;

Tưởng dung nhan càng cảm động oai nghi!

Trông tế diện lại ai bi lụy hạ!!

Nhớ Cha xưa:

Tính nết hiền hòa,

Nhơn từ nhuần nhã.

Tác gia quan trí độ dã hơn người,

Tuần trị mạng tồn thâu mà diệu hóa,

Trong một họ riêng phần dạy dỗ,

Sang hèn lớn nhỏ dầm thấm ơn sâu.

Góp một trời chung tiếng ngợi khen,

Nam bắc đông tây gội nhuần đức cả.

Hỡi ơi!!

Đất thánh vội chôn người ngọc,

Ngàn năm bia khắc tánh danh thơm.

Nhà trời thúc dộng chiêng vàng,

Trong họ mến yêu nhơn đức lạ!

Phục di cẩn cáo.

KÍNH THAN NHỊ ĐỀ

Tráo chác đổi dời cuộc biển dâu!

Thấy trang hiền ngỏ chạnh lòng sâu.

Bịnh sao gấp nặng không phương cứu,

Chứng lại hiểm nghèo hết chỗ cầu !.

Cám đức ơn cha che mấy thuở,

Nhờ ơn dạy dỗ hãy còn lâu;

Rảnh minh siêu thoát ngoài trần tục,

Để nhớ, để thương, để thảm sầu!

HÒA VẬN

Cuộc đời biền cả hóa cồn dâu!

Tưởng đến nỗi cha chín đoạn sầu;

Người ngọc sớm chôn nền đạo ngãi,

Sứ trời vội rước khó kêu cầu.

Sanh tiền dạy dỗ công ơn nặng,

Mật hậu ái hoài đức vọng lâu;

Mỗi dạo mở mang dà rộng rãi,

Tân Triều dộng khốc đỗi ưu sầu!

QUỚI CHỨC HỌ TÂN TRIỀU đồng kính.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1910

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

Đám táng Cha Phêrô Nguyễn Linh Dược

 ĐÁM XÁC CHA VÊRÔ NGUYỄN-LINH-DƯỢC

ở họ Xóm-Chiếu

----------------------

Hôm sớm mai thứ sáu nhằm ngày 30 Janvier 1914, có đám táng xác cha linh mục Nguyễn Linh Dược, là cha sở họ Xóm Chiếu, mà đem đi táng trên Chí Hòa (đất thánh các cha ), có Đức Cha làm phép xác, các cha Tây và Annam, với các bổn đạo các nơi tuôn đến mà hầu đưa xác người đi, khi hoàn tất, ai ai trở về đều ngùi ngùi thương tiếc.

Nguyên quê quán của cha Vêrô nầy ở tại Thủ Đức, cha mẹ người là kẻ đạo đức hiền lành, mần ăn chơn chất, nhằm cơn bắt đạo, người mất mẹ theo cha, cha người cho người vào trường ăn học thuở người còn niên ấu, khi ở trong trường, người lo nấu sử xôi kinh, chuyên lo việc học hành lắm, nhứt là người có lòng kính mến Đức Mẹ cách lạ lùng, sau chúng tôi thấy việc ấy rõ ràng, là hễ ngày nào lễ Đ. C. Bà, thì người biểu dọn bàn thờ rực rỡ, biểu giựt chuông đánh trống, mà chầu mừng Đức Mẹ, lại làm lễ trọng thể mà tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ; người chịu chức thầy cả là năm 1876.

Thọ chức đoạn, sáu năm đầu người dạy tại nhà trường Latinh Saigon, đoạn làm ký lục cho Đức Cha Isiđôrô, sau người ra lãnh cai họ Phú Hiệp một đôi năm, đoạn đổi về Xóm Chiếu nhằm ngày lễ Đ. C. T. T. hiện xuống năm 1885, cũng lãnh coi luôn họ Khánh Hội và Tắc Rổi, nay kể đặng 30 năm trời.

Ớ cha ôi! một giấc quạnh hiêu, cha con phân rẽ, buồn bã ngàn năm! gương sáng cha tỏ để trên đời, đức khôn ngoan cha ngàn năm ghi nhớ, lại ân cần chuyên lo đoàn chiên thơ dại, chải gió dầm sương, chẳng nệ công lao khó nhọc, dầu mưa gió cũng rán đi Khánh Hội về Xóm Chiếu mà ngồi tòa làm phước, nhớ đến lúc người đi Tắc Rổi, thiệt éo le, đường trơn dậm thẩm, cha cũng rán đi, cho được ngồi tòa làm phước, viếng thăm con chiên xa xác!

Bỡi vậy nên một mình cha coi ba họ, một cách sốt sắng toàn hảo, trèo non lặn suối, dìu dắc con chiên, lấy lời hiền lành mà quở kẻ lỗi dại, người cứng cượng cha lại an hòa.

Nói tắt một lời, bỡi các nhơn đức cha, nên gương cho các đấng đồng bang cùng nhơn dân bổn đạo noi theo mà bắt chước, bỡi cách ăn nết ở cha, làm cho ai ai đều cảm mến nhớ thương, như khi cha còn sanh tiền, hay giảng nói câu nầy: “Cha vui lòng liều mạng sống cha, dầu cho cách nào, cha cũng hết lòng mà lo cho anh em, miễn là cho anh em đặng an lòng và giữ đạo cho sốt sắng, đó là đều trọng nhứt, cha hết lòng cầu xin Chúa cho được như vậy, đặng ngày sau cha con dặng gặp nhau trên nước thiên đàng”.

Mà thương thay! Chúa rước cha về trước, bỏ chúng con ở lại mồ côi; ớ cha ôi! lời lành cha giảng dạy còn ghi tạc trong lòng chúng con, mà còn cha đâu bây giờ? cha đâu mà dìu dắc chúng con, biết chừng nào đặng gặp mặt cha nữa, biết chừng nào đặng nghe lời lành cha dạy dỗ khuyên lơn nữa, biết chừng nào đặng gặp cha nữa mà phân trần lời hơn sự thiệt, mà nhờ lời cha nhủ bảo ủi an!

Vậy chúng con chẳng biết lấy chi mà báo đáp ơn cha làm cho chúng con phần hồn phần xác trong ba mươi năm nay, một cứ cầu nguyện xin Chúa lấy lòng thương xót đem linh hồn cha Vêrô nầy lên nơi tiêu diêu, mà hưởng phước muôn đời, và xin Chúa trả công vô cùng cho kẻ làm phước cho chúng tôi.

Xóm Chiếu, le 30 Janvier 1914

Các chức và bổn đạo Họ Xóm Chiều.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1914

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

Họ Biên Hòa

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------

ĐỊA SỞ HỌ BIÊN HÒA

--------------------

Họ nầy mới có sau, trước khi nhà nước Langsa qua trị Nam Kỳ thì chưa ai có đạo dám ở tại đây, vì là nơi chánh tĩnh, có các quan annam ở, có thành binh lính đông, bây giờ còn thấy mấy hào xung quanh thành đời xưa.

Chừng binh Langsa qua đây rồi, lấy tới Biên Hòa là ngày 16 Décembre 1861; chiều bữa ấy chiếc tàu trận Oudine tới xán neo đậu giữa sông Đồng Nai, ngang thành Biên Hòa, cùng bắn vài phát súng đồng thì quan quân annam ở tại thành đều bỏ chạy hết. Kế trời tối, lên bờ không được, cho nên binh Langsa để sáng bữa sau mới kéo lên. Mà trong đêm ấy thấy trong thành lửa cháy sáng trời, vì quan quân annam đốt phá hết mà bỏ đi. Vậy sáng ngày binh Langsa kéo lên soán thành, không có gặp sự gì ngăn trở, mà vô tới thành thì thấy gớm ghê, là cái khám lớn bị đốt cháy hết, nhiều trăm bổn đạo đờn ông đờn bà phải chết thiêu trong ấy, có chừng bốn năm người chạy thoát khỏi đặng mà thôi, có một đờn bà bị cháy hết hai chơn mà còn sống, quan dạy chở về Saigon đặng chữa thuốc mà cũng không sống đặng.

Người ta tưởng những bổn đạo phải chịu chết thiêu trong khám đó, có khi là những bổn đạo trước hết ở tại Biên Hòa, và chết đây là như chịu tử vì đạo, vì bỡi cớ cựu trào ghét đạo thánh và ghét người tây, cho nên những kẻ nầy đã phải tế lễ mạng sống mình cách độc dữ thể ấy..

Xác những kẻ nầy thì đã chôn tại chỗ bị thiêu đó; và đến sau, trong ngày 7 Août 1875, cha Ngôn (P. Louvet) đã có lo xây dựng một bia mồ bằng đá, trên có một cây thánh giá, và lâu năm, bổn đạo họ Biên Hòa đã lấy nơi nầy làm đất thánh mà chôn xác kẻ đã qua đời tại họ, bây giờ còn thấy nhiều mồ mả và những cây dầu nơi ấy.

Vậy khi binh Langsa soán thành Biên Hòa rồi thì lo sắp đặt việc cai trị đâu đó cho yên hàng; nhiều người ngoại ở tại đây bỡi sợ cùng là ghét nên đã bỏ mà đi nơi khác, còn bổn đạo nhiều chỗ đã tựu hiệp tới ở đây đông, vì đặng có người bênh vực, ai nấy lo cất nhà cữa mà ở xung quanh đó, là nơi chợ bấy giờ. Nhà nước tân trào có đặt một cơ binh giữ tại thành đặng ngăn ngừa quan nghịch và lo cho cả xứ đặng an, cho nên có lập đồn lũy, và có một nhà thương cho binh lính nữa, bà Lutgarde là bà phước dòng ông thánh Phaolồ đã làm bà nhứt đầu hết nhà thương nầy; lại có một cha cai nhà thương ấy, lo làm phước làm lễ cho quân lính bịnh, tên cha đó là Barou Besombe; và đến sau có cha Nhiệm (P. Creuse) ở coi họ; khi ấy có cất một nhà thờ và một nhà cha sở tại chỗ đất gần mé sông. Đến sau nhà nước lấy miếng đất nầy đặng cất tòa bố, thì đã đổi cho nhà thờ một miếng đất khác, là nơi có nhà thờ và đất thánh tại họ Biên Hòa bây giờ.

Đến năm 1865, Đức cha đặt cha Cao (P. Legrand) làm cha sở Biên Hòa, cha nầy coi họ cho tới tháng Août năm 1870, và số bổn đạo hồi đó đặng chừng 700 linh hồn. Cách ít năm sau, nhà nước muốn lập chợ lại bằng ngói, nên dạy nhơn dân ở xung quanh phải dỡ nhà lá mà làm lại ngói hết, bỡi cớ đó cho nên có nhiều nhà bổn đạo không đủ tiền mà làm nhà lại bằng ngói, nên đã bỏ chỗ ở mà đi nơi khác, thì nhiều nhà ngoại tới soán mấy chỗ đó. Vì cớ nầy nên nhơn số bổn đạo tại họ phải sụt bớt hơn 300 người..

Qua năm 1870 cha Y (P. Errard) đổi lại Biên Hòa thế cho cha Cao. Cha đã nhờ tiền nhà nước giúp 12000 quan, đặng cất một nhà thờ nhỏ, là nhà thờ còn tại họ bây giờ, cha Bề trên Vị (P. Wibaux) đã làm phép nhà thờ nầy trong ngày 12 Novembre 1872, và đã chọn ông thánh Vêrô và ông thánh Phaolồ tông đồ làm bổn mạng nhà thờ.

Chừng cha Y đổi đi thì có cha Contable tới thế tại Biên Hòa ít tháng; qua tháng Juin 1874 thì cha Ngôn (P. Louvet) đổi lại làm cha sở coi họ.

Cha Ngôn vừa đổi lại Biên Hòa thì cha đã tính lo một việc, phải mà kham được như ý sở nguyện thì có ích lợi lắm; là người lập một nhà (ferme agricole) để nuôi những con trẻ vừa lớn lên cùng tập nghề ruộng nương.

Cách chừng 1000 thước phía đông bắc vòng thành cũ của cựu trào, thì có một cái gò kêu là “dốc sỏi”, tại nơi nầy nhiều bổn đạo đã phải bị bắt cầm tại ngục Biên Hòa, và phải dẫn lên đây mà xử trảm, trong mấy cơn bắt đạo đời Minh Mạng và Tự Đức. Vậy cha Ngôn đã xin khẩn cái gò nầy và những đất xung quanh, hết thảy chừng 10 mẫu; cùng lập nhà tại đó cho các bà phước về dòng ông thánh Phaolồ ở coi, lại cũng cất một nhà thờ và một nhà cho những con trẻ lớn nhỏ ở, mấy đứa lớn thì lo việc khai phá, vỡ đất ra làm ruộng nương. Cha Ngôn phải tốn bao nhiêu tiền bạc mà lo việc nầy, chẳng hay việc đã không thành được, mà lại phải thêm nợ nần; bỡi nhiều cớ ngăn trở cho nên mới sinh sự thiệt hại; trừ ra một hai chỗ còn làm ruộng được một ít hơi, chớ mấy nơi khác thì đất không ra gì hết, trồng trặc giống chi cũng không được.

Vậy nhà cha Ngôn (P. Louvet) đã lập tại Dốc Sỏi các bà phước ở đó được có vài năm mà thôi, vì công việc không khá, bỡi đất ruộng không thạnh mậu, thêm phải nợ nần; thì các bà đã dời về tại Biên Hòa, ở gần nhà thờ, lo việc dạy đồng nhi cùng nhà mồ côi, và lập một nhà thương cho người bổn quốc.

Bây giờ tại Dốc Sỏi thì không còn dấu tích gì về nhà đã lập trước, một phần thì đã chở về Biên Hoà, còn lại bao nhiêu thì các kẻ ngoại xung quanh đó chuyển lần đi hết, đất ruộng thì trả lại cho nhà nước, nên không còn lại dấu gì tại nơi ấy nữa. Sau tại đây, trong năm 1915, nhà nước đã xử bắn trên gò ấy, 9 tên tội nhơn, đã bị tòa binh Saigon kết án tử vì tội ngụy.

Cha Ngôn ở Biên Hòa cho tới tháng Novembre 1880 rồi đổi, kế cha Liễu (P. Lallemant) đổi lại. Cái nhà từng cha sở ở đã hư, sợ sập, nên cha Liễu đã cất lại một nhà khác chắc chắn gần nhà thờ. Cha cũng lo trau giồi sửa sang trong nhà thờ, lúc ấy nhà thờ đặng một tượng ảnh Rất Thánh Trái Tim Đ C G lớn và tốt lành, của cha Hương (P. Joubert) đã dưng.

Trong năm 1885 có quân nguỵ nổi lên tại họ Bến Gỗ, người ta đem tin cho cha hay rằng quân nghịch muốn đốt phá chợ và nhà thờ trước hết, một ít người bổn đạo cũng đã biết đặng ngày nào giờ nào quân nguỵ sẽ dấy lên mà đánh. Vậy cha sở đã nói cho quan chủ tĩnh hay, song quan nầy không tin. Kế có quan De Mérona đi ngang ghé Biên Hòa nghe nói công việc nầy, thì đã thúc quan tham biện phải lo đi tới Bến Gỗ mà xem việc ra thể nào. Vậy chiều ngày trước đêm quân ngụy đã định khởi đánh chợ và nhà thờ, thì quan tham biện và vài quan nữa đem súng ống thuốc đạn theo, xuống tàu nhỏ mà chạy qua Bến Gỗ. Còn cha Liễu với cha Quang (P. Clair) đã đi ghe trước đặng tới cứu cha Thành và nói cho bổn đạo hay có quan đến tiếp đừng sợ. Vậy tới giờ đã định là 9 giờ tối, thì có một tốp quân ăn cướp cầm giáo mác tới đánh tại chợ, chúng nó có trương cờ và đánh trống lớn như là đám giặc thiệt vậy. Khi ấy có một thầy phó tổng có đạo, là con ông phủ Điều, ẩn mình trước tại chợ với ít người nữa. Quân ngụy vừa kéo tới chợ, thì thầy phó tổng bắn súng, cùng giết được năm sáu tên và làm cho nhiều đứa nữa phải vít, cho nên mấy đứa khác đều hoảng hồn bỏ mà chạy trốn hết. Tàu quan tham biện và mấy người tây tới thì việc đã rồi, và quan tham biện hạch hỏi cùng bắt đặng nhiều tên nữa. Dẹp đám nầy rồi thì Bến Gỗ mới đặng an.

Trong tháng Mai năm 1887, thì cha Gẫm (P. Renier) đổi lại Biên Hòa thế cho cha Liễu đổi xuống Vĩnh Long. Cha Gẫm coi họ đặng 2 năm rồi đau về tây dưỡng bịnh, thì có cha Kính (P. Sidot) tới thế tại Biên IIòa là trong tháng Avril 1889. Qua năm 1900 cha Kính đổi về Saigon cai nhà thương binh, thì có cha Phi (P. Dufil) tới coi họ; song cách chừng một tháng thì cha ngã bệnh, cho nên không ở đó được nữa. Thì qua tháng Août năm ấy (1900) có cha Mẫn (P. Ackermann) đổi lại Biên Hòa, và cha coi họ nầy cho tới tháng Avril 1905 thì lại đổi đi, và có cha Kính (P. Sidot) tới thế.

Trong lúc cha Mẫn ở Biên Hòa, người muốn cho nhà thờ có chút đỉnh huê lợi, nên đã cất bốn căn phố ngói gần nhà cha sở; người bán ruộng đất ở tại Cù Lao Phố cho có bạc mà làm, cùng dỡ nhà thờ tại An Xuân, của ông Phủ Điều đã cất, lấy gạch ngói đem về Biên Hòa mà làm. Cái chùa lấy làm nhà thờ tại cù Lao Phố cha cũng đã bán, và đất thánh nữa, tại đất thánh nầy có mả cha Cypriano là cựu thầy dòng Capucinô, và có xác của cha bà Inê tử đạo cũng đã chôn tại đó.

Họ Biên Hòa nhơn số bổn đạo chừng 400, nhà thờ không có huê lợi chi, bổn đạo cũng nghèo, ít người có nhà cữa ruộng đất, phần nhiều thì ở phố, và có khi hai ba chủ ở một căn cho nhẹ tiền, bỡi vì họ nầy ở tại châu thành, ai có muốn cất nhà cữa thì phải làm bằng ngói mới được, cho nên trong bổn đạo không mấy ai làm nổi, và cũng vì cớ ấy mà nhiều kẻ đã bỏ mà đi làm ăn nơi khác. Họ ở tại chợ, cho nên có nhiều gương xấu, nhứt là cho con trẻ. Phải chi họ nầy đã lập ở ngoài thành thì tốt hơn,

(Chung về họ Biên Hoà)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919