ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

"Người Việt" (Tộc Việt)

 "NGƯỜI VIỆT" (TỘC VIỆT)

Trò chuyện chút đỉnh, may ra tỏ tường...

1/ Bạn là người thuộc tộc Việt (về mặt sắc tộc, ethnic), tỉ như bạn qua định cư bên Mỹ thì bạn có quốc tịch Mỹ, bạn qua Úc thì bạn nhập quốc tịch Úc, bạn qua Đức thì có quốc tịch Đức. Thấy gì? Quốc tịch thay đổi thế này thế kia, NHƯNG về mặt sắc tộc (ethnic) thì bạn chỉ có một: là tộc Việt.

Quốc tịch là "cái vỏ", tộc người mới là "cái ruột". Trong đời bạn có thể đổi quốc tịch vài ba lần, nhưng bạn không tài nào "trục xuất" dòng máu Việt tộc ra khỏi người được ráo trọi.

Khi thống kê dân số, chẳng hạn bạn đang mang quốc tịch Mỹ nhưng về sắc tộc (ethnicity), xếp bạn thành ...tộc người trên trời rơi xuống hay sao? Không. Bạn được xếp trong tộc Việt.

2/ Chữ "người" trong tiếng Việt dễ bị hiểu lẫn lộn. Xin chú ý: không phải lúc nào "người" cũng mang nghĩa về sắc tộc!

Khi ta nói "người Sài Gòn", "người Hà Nội", "người Cần Thơ", không lẽ ... có sắc tộc Sài Gòn, sắc tộc Hà Nội, sắc tộc Cần Thơ? Không phải. "Người" ở đây được dùng để chỉ địa bàn cư trú của cộng đồng (community).

Khi bạn nói "người Mỹ" thì nên nhớ không có "tộc Mỹ" gì ráo trọi, mà "người Mỹ" ở đây là chỉ cộng đồng định cư trên lãnh thổ nước Mỹ / mang quốc tịch (nationality) Mỹ.

Tôi ưng viết một cách cẩn trọng: "người Việt quốc tịch Mỹ", là để nhấn mạnh "NGƯỜI" ở đây thuộc về ethnic (sắc tộc trong nhân chủng học).

Trong khi đó, lối viết: "người Mỹ gốc Việt" thì "người" lại thuộc về cộng đồng cư trú (community) / quốc tịch (nationality).

------------------------------------------------------------------

Còn "tộc Kinh"? Một sự nhầm lẫn vô tình hay có dụng ý? Lai rai trong stt kỳ tới.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

Vinh qui đại lễ tại họ Lái Tniêu

Vinh qui đại lễ

------------------

Ngày 21 Septembre vừa qua, tại họ Lái-thiêu có cuộc lễ Vinh-qui của tân Linh mục quí danh Paul Bộ rất long trọng mà tôi xin thuật sơ dưới đây cho độc-giả cùng biết.

Vậy 7 giờ rưỡi sáng hôm ấy, sau khi các đấng bực tề tựu đông đắn, thì khởi sự rước cha mới từ nhà cha sở lên nhà thờ. Tân Linh-mục mặc áo lễ vàng, tay cầm cây đèn kết hoa tươi trắng, đi giữa tàng kiệu, hai cha: Pierre Ninh, Pierre Cầu giúp làm Phó-tế và tiểu Phó-tế, doàn Thanh-niên Công-giáo ứng trực nơi tiền đàng chào trông rất oai vệ, hội fanfare của họ Lái-thiêu trổi giọng khởi hoàn xen lẫn cùng tiếng hát đồng-nhi nam nữ mà rước tân Linh-mục vào thánh đàng.

Khi ai nấy an vị xong thì cha André Trị, bổn sở Tân-định ứng khẩu trưng câu: Con là Thầy cả đời đời…, mà giảng về quờn cao chức trọng của hàng Linh-mục và trách nhiệm nặng nề mà phó đấng ấy phải gánh lấy, lời lẽ ý vị cao thâm.

Giảng xong, tân Linh-mục bắt đầu hành lễ nhạc trọng thể. Dự chầu có 17 vị Linh-mục, nhà phước Trắng, Đen và giáo hữu đông đảo.

Sau lễ có cuộc chào mừng cha mới tại trường học, đoàn Thanh-niên nam nữ hát nhiều bài rất hay, có một em bé Cœur V. đọc bài chúc văn dạn dĩ.

Sau khi cha mới đáp lời cám ơn các đấng bực thì quí khách được mời đến nhà song thân của Tân Linh-mục mà dự tiệc, trong buổi tiệc có bọn nhạc thổi giúp vui và M. Lê-văn-Quí có làm nhiều trò thuật được ai nấy hoan nghinh nhiệt liệt.

P. L. L

Báo Nam Kỳ địa phận năm 1943

 

 

 

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

Ghi chú về Kinh đô/ Thủ đô nước Việt

 GHI CHÚ VỀ KINH ĐÔ/THỦ ĐÔ NƯỚC VIỆT

Stt này liệt kê - theo trình tự lịch sử - một vài kinh đô/thủ đô mang TÍNH CHẤT CHUNG TOÀN QUỐC (trong stt này chưa đề cập những kinh đô/thủ đô mang tính chất vùng miền trong những giai đoạn đất nước phân tranh, như giai đoạn từ 1627 cho đến 1802, giai đoạn 1954-1975).

- Không vì quan điểm chánh trị mà phớt lờ coi như không có mặt trên đời, tính khoa học trong ghi chép lịch sử đòi hỏi "có, nói có". Việc phân tích, chỉ trích hoặc hậu thuẫn, thuộc về chủ đề của những stt khác.

1/ THĂNG LONG (hơn 600 năm)

Hồi năm 2010, tôi nhớ lúc ấy có sự kiện kỷ niệm "1000 năm Thăng Long". Hiểu "cách đây 1000 năm, tức vào năm 1010 Thăng Long được chọn làm kinh đô nước Việt" là đúng. Nhưng, nếu hiểu "Thăng Long có đến 1000 năm là kinh đô cả nước" thì sai hoàn toàn!

Bởi vì Thăng Long, trong tư cách là kinh đô của-cả-nước, chỉ được hơn 600 năm mà thôi, TỪ NĂM 1010 ĐẾN NĂM 1627 thì chấm dứt vai trò (chưa kể trong quãng hơn 600 năm này, còn có mấy năm dời kinh đô Thăng Long về Thanh Hóa dưới thời Nhà Hồ).

Năm 1627, lúc bấy giờ đã xảy ra sự phân chia Đàng Ngoài với Đàng Trong, và Thăng Long thu mình lại, chỉ còn là đầu não của riêng Đàng Ngoài (từ phía bắc sông Gianh trở ra); trong khi Phú Xuân là đầu não triều chính của Đàng Trong.

* Mở ngoặc: Có "sử gia" ghi Thăng Long là kinh đô cả nước từ năm 1010 đến năm 1789 (với chiến thắng Kỷ Dậu của Nguyễn Huệ, dẹp bỏ vua Lê chúa Trịnh). Trời đất, sự kiện rõ rành mà còn ghi lộn nghĩa là sao? Thăng Long giữ vai trò kinh đô cả nước từ 1010 đến 1627, và từ 1627 đến 1789 chỉ còn là kinh đô của Đàng Ngoài.

"Sử gia" mà ghi trật lất đến vậy, chỉ có thể giải thích là cố tình "xóa trắng" vai trò kinh đô Phú Xuân của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Không có các chúa Nguyễn thì lấy đâu ra một nước Việt với lãnh thổ rộng gấp đôi so với nước Việt đời nhà Lê (khi kinh đô còn nằm ở Thăng Long)?

2/ HUẾ (hơn 140 năm)

Là kinh đô của cả nước dưới thời Nhà Nguyễn quân chủ, TỪ NĂM 1802 ĐẾN NĂM 1945, kéo dài 143 năm.

3/ SÀI GÒN (5 năm)

Là thủ đô của cả nước TỪ NĂM 1949 ĐẾN NĂM 1954, được 5 năm. Trong giai đoạn này, hiện diện thể chế "Quốc gia Việt Nam" (State of Vietnam) - theo Hiệp ước Élysée, Pháp thừa nhận nền độc lập và chủ quyền của QGVN trên cả nước (gồm ba miền Bắc, Trung, Nam).

Theo quan điểm của chánh phủ Hồ Chí Minh thì QGVN là "tay sai"; trong khi đó trên phương diện bang giao quốc tế thì Quốc Gia Việt Nam có hơn 30 nước công nhận (năm 1950) và được quốc tế mời làm đại diện duy nhứt của nước VN tham dự Hội nghị San Francisco 1951.

Một sự kiện rất đáng lưu tâm tại Hội nghị quan trọng này: phái đoàn QGVN tuyên cáo "Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền VN" - đó là lần đầu tiên hồ sơ HS/TS chính thức công bố trước quốc tế!

Hội nghị San Francisco 1951 bác bỏ việc giao HS/TS cho CHND Trung Hoa ("trung cộng").

4/ HÀ NỘI (45 năm)

Danh xưng "Hà Nội" chính thức có mặt vào năm 1831 dưới đời vua Minh Mạng (trước đó, gọi là Thăng Long). Nghĩa là vào thời điểm "chào đời" với danh xưng mới "Hà Nội", thì Hà Nội không còn là kinh đô (vai trò kinh đô thuộc về Huế).

Hà Nội trở thành thủ đô cả nước, với tên nước là "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN" (Socialist Republic of Vietnam) TỪ NĂM 1976 (theo quyết nghị trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội VN thống nhất ngày 2/7/1976) ĐẾN NAY, ngót nghét 45 năm. (*)

------------------------------------------------------------

(*): Còn sự kiện chánh phủ Hồ Chí Minh công bố "Hà Nội là thủ đô của nước VNDCCH" vào tháng 9 năm 1945 thì sao?

Khối Đồng Minh vào năm 1945 chưa công nhận VNDCCH, và do đó, chánh phủ Hồ Chí Minh đã phải thực hiện nhiều cuộc vận động ngoại giao với Pháp nhằm công nhận thực thể VNDCCH.

Nhưng bất thành.

Và đến lúc VNDCCH được CHND Trung Hoa, Liên bang Soviet công nhận & đặt quan hệ ngoại giao là vào năm 1950, bấy giờ Hà Nội không nằm trong thẩm quyền quản lý của chánh phủ HCM nữa (mà chọn Tuyên Quang làm "thủ đô kháng chiến").

... Sau chiến thắng 30/4/1975, đảng Cộng sản VN (bấy giờ gọi là đảng Lao động VN) mới có thực quyền quản lý trên toàn bộ cả nước. Nói thêm cho rõ: sau ngày 30/4/1975, Hà Nội CHƯA được mặc định về danh nghĩa là thủ đô cả nước mà vẫn còn là thủ đô của miền Bắc (nửa nước VN, với tên gọi "VNDCCH").

Đó là lý do dẫn đến tiến trình hiệp thương hai miền (giữa Cộng hòa miền Nam VN, thủ đô Sài Gòn với VNDCCH, thủ đô Hà Nội) để thảo luận về việc chọn thủ đô chung: ngày 2/7/1976 Hà Nội mới trở thành thủ đô chung cả nước.

* Hình ảnh các kinh đô / thủ đô của nước Việt theo thứ tự thời gian (bấm vào từng hình, hiện ra ghi chú)

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Hoàng thành Thăng Long

Kinh đô Huế

Kinh đô Huế (thời quân chủ Nhà Nguyễn, sau đó một thời gian ngắn là thủ đô của Đế quốc VN 3/1945-8/1945 với chánh phủ Trần Trọng Kim)

Tòa Đô chánh Sài Gòn (thủ đô Quốc gia VN 1949-1954)

Phủ Chủ tịch tại Hà Nội (thủ đô Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN)



Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2021

Mừng Chánh tế lễ Bạc Cha Phaolô Đoàn Thanh Xuân (1915 - 1940)

 Mừng Chánh Tế Lễ Bạc

Cha Phaolồ Đoàn-thanh-Xuân

Bổn sở Tân-hưng

(1915 – 1940)

-----------------------

Mừng chúc Đoàn công tiết khánh-ngân,

Dầu già cho mấy cũng còn Xuân;

Thần-quyền chánh-thất(1) ơn chan chứa,

Tôn-đạt tùng-tam(2) phước đượm nhuần.

Trải dạ ái nhân hằng mật trực,

Đầy lòng kính Chúa chẳng hề lưng.

Tinh tu khí tục trinh ngời rạng,

Mõ-đức thường ngày tiếng giội rân.

 

Giội rân “bặt thiệp” mấy ai bằng,

Đuổi sói tìm chiên luống nhọc nhằn,

Lương thực thiên thần thường nhựt phát.

Bánh mầu cứu thế bữa hằng phân.

Mùa gieo vất vả không hề hấn,

Tiết gặt đầy kho sẽ phỉ mừng.

Một tấm lòng thành thơ mấy vận,

Gọi rằng Lễ Bạc cúi xin dâng.

P.T

--------------------------------------------------

N. B. (1) – Chánh thất, là thất phẩm, 7 bực. Chỉ hàng quan lại. Bên văn cũng như bên võ, có 9 bực: từ nhứt phẩm  cho chí cửu phẩm, mà mỗi phẩm đều có chánh có tùng. Ám chỉ phần đạo, thì mỗi Linh mục có đủ 7 chức.

(2) – Tôn đạt tùng tam, có chữ rằng: Thiên hạ đạt tam tôn, nghĩa: Có đủ 3 điều mà thiên hạ quí trọng hơn là: Tước, đức, xỉ. Vậy cụ Phaolồ Đoàn đã có 2 bực trọn: Quyền tước Linh mục và nhân đức. Còn xỉ thì ngài mới 53 tuổi, chưa gọi được thượng thọ, nên nói là tùng tam, chữ Tùng đây cũng như chữ Á vậy.

Báo Nam Kỳ địa phận, số 1615, ngày 11 tháng 7 năm 1940