ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

Lai rai về Chữ Nôm & Chữ Quốc ngữ

 Lai rai về CHỮ NÔM & CHỮ QUỐC NGỮ

(tiếp theo bài: "Âm Việt-Hán, ngoại ngữ... quái chiêu trên đất Việt?" https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1110925599341419)

A/ CHỮ NÔM: Trước hết, cần biết rằng trong Hán tự, tỉ như âm Việt-Hán đọc là "mẫu tử", nếu muốn phát âm thuần Việt là "mẹ con"? Kêu bằng là vô phương! Còn nhiều, rất nhiều âm thuần Việt (như "mẹ con") phải lang thang bên ngoài hệ thống Hán tự.

Thành thử tiền nhân người Việt Nam chúng ta đã nỗ lực tạo ra CHỮ NÔM, để ghi lại quốc âm (âm thuần Việt).

Có một số dạng thức trong hệ thống CHỮ NÔM:

a) Là "chế biến" ra những ký tự KHÔNG có trong Hán tự. Tỉ như chữ 𦁀, chữ 𡥵 - người Tàu nhìn vô mặt chữ này, khỏi hiểu luôn (vì... không có trong Hán tự).

Chữ 𡥵 : ÂM NÔM (thuần Việt) đọc là "con" (đứa con) ngọt xớt! [chớ không còn buộc phải đọc là "tử" theo âm Việt-Hán, dù cũng mang nghĩa "con cái"]

Chữ 𦁀 : ÂM NÔM (thuần Việt) đọc là "bối" (trong "bối rối").

[ ở đây xin không đi vào chi li những phương cách "kết hợp" này nọ để tạo nên những ký tự khác Hán tự ]

b) Mượn "nguyên con" chữ Hán & mượn âm Việt-Hán luôn rồi biến thành ÂM NÔM - tức là mang NGHĨA KHÁC hẳn so với chữ Hán gốc.

Tỉ như chữ Hán , âm Việt-Hán đọc là "bối" (nghĩa là vỏ sò) => chữ Nôm mượn nguyên xi , cũng đọc "bối" (như âm Việt-Hán) NHƯNG nghĩa ở đây lại là ..."bối (rối)"! (*)

c) Mượn nguyên dạng chữ Hán, mượn luôn nghĩa của chữ Hán, nhưng lại đọc thành âm khác hẳn: ÂM NÔM (chớ không dùng âm Việt-Hán).

Tỉ như chữ Hán , âm Việt-Hán đọc là "phức" (nghĩa là: buồn bực, sầu muộn) => chữ Nôm mượn nguyên xi , mượn luôn nghĩa, nhưng đọc thành âm "bức" (trong "bức bối") (*)

Một trường hợp khác: chữ Hán , âm Việt-Hán đọc là "phức" (nghĩa ở đây là: hơ lửa, sấy nóng) => chữ Nôm mượn nguyên xi , mượn luôn nghĩa tương cận, nhưng đọc thành âm "bức" (trong "nóng bức") (*)

d) Mượn nguyên xi chữ Hán, nhưng KHÔNG mượn nghĩa cũng KHÔNG mượn âm Việt-Hán, mà đọc thành ÂM NÔM.

Tỉ dụ chữ Hán , âm Việt-Hán là "mỹ" (nghĩa là người đẹp)=>chữ Nôm dùng lại chữ , nhưng đọc thành âm Nôm là "mẹ" (người mẹ)! (*)

Hoặc như chữ Hán , âm Việt-Hán là "côn" (nghĩa là anh em) => chữ Nôm dùng lại chữ , nhưng đọc thành âm Nôm là "con" (đứa con)! (*)

Thấy gì?

Qua những đoạn đánh dấu (*), phải nói là chữ Nôm không theo một thể thức cấu tạo nhứt quán gì ráo, khiến cho chữ Nôm có quá nhiều "dị bản", dễ bị lẫn lộn, và điều này tạo nên sự khó khăn khi tìm hiểu chữ Nôm.

NHƯNG, sự có mặt của chữ Nôm là nhằm diễn đạt ÂM NÔM (thuần Việt), cho thấy nỗ lực đáng trân trọng của tiền nhân để "tiếng nói thuần Việt" được ghi lại bằng chữ viết hẳn hoi (thay vì phải lang thang bên ngoài hệ thống văn tự chủ lưu là Hán tự)!

B/ CHỮ QUỐC NGỮ:

Ta nói, với chữ Quốc ngữ (hệ chữ viết abc) thì bất luận âm Việt-Hán (như "mẫu tử") hay quốc âm (thuần Việt như "mẹ con") cũng đều được ghi lại hết thảy! Không còn cảnh "quốc âm" phải lang thang, không còn bên trọng bên khinh.

Giờ đây, âm thanh (tiếng nói) gắn với văn tự (chữ viết) một cách dễ dàng, dễ đọc và dễ viết hơn so với chữ Hán lẫn chữ Nôm.

* Quí bạn ắt có nghe tới một luận điệu cho rằng người Pháp đã ép buộc phải dùng chữ Quốc ngữ (vào đầu thế kỷ 20), và "bức tử" chữ Nôm truyền thống.

"Luận điệu" kiểu đó chỉ cho thấy một sự thiếu lương thiện tri thức đến mức tệ hại!

Kỳ thực, việc "bức tử", chèn ép chữ Nôm đã do các triều đại nước Việt trước đó thực hiện.

Và giới trí thức yêu nước đã tự nguyện, đồng lòng ủng hộ chữ Quốc ngữ chớ không do thực dân o ép.

Xin dành cho stt kỳ sau, sẽ phân tích về thói bất lương tri thức...

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt



 

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

Âm Việt - Hán: "Ngoại ngữ...quái chiêu" ngay trên đất Việt?

 ÂM VIỆT-HÁN: "NGOẠI NGỮ... QUÁI CHIÊU" NGAY TRÊN ĐẤT VIỆT?

1/ Trích trong bài thơ "Nam quốc sơn hà":

/

Hai hàng chữ Hán này, hẳn nhiên, nếu không học chữ Hán thì bù trất. Nhưng, ngay cả khi nghe âm Việt-Hán của hai hàng chữ Hán đó, như ri: "Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" (*)=> Ắt hẳn nhiều người, rất nhiều người trong chúng ta nghe xong cũng khỏi hiểu, không biết nghĩa là gì ráo trọi.

Cũng rứa, vào thuở xưa. Lúc nước Việt chúng ta còn dùng Hán tự (trước khi có chữ Quốc ngữ), nghe đọc âm Việt-Hán vừa dẫn thì cũng chỉ có thầy đồ và giới quan quyền có học hành mới hiểu mà thôi. Còn đa số người dân nghe xong cũng in hệt như vịt nghe sấm, không hiểu gì ráo nếu không được thầy đồ giảng giải sang... âm thuần Việt mang nghĩa gì!

2/ Danh nhân Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), trong bản điều trần về Quốc âm nước Việt dâng lên vua Tự Đức, đã gọi đây là một hiện tượng kỳ quái: vua quan nước Việt sử dụng "ngoại ngữ" ngay trên đất Việt, trong suốt nhiều thế kỷ!

"Tại sao, như ông viết trong Bản điều trần, chúng ta đọc "thực phạn" mà không nói là "ăn cơm"? Không lẽ "ăn cơm" thì không cao quí bằng "thực phạn" sao?".

Gọi "thực phạn", nói rộng ra là dùng âm Việt-Hán, đa số người dân trong nước không hiểu, phải có người giảng giải sang quốc âm (âm thuần Việt) thì người dân mới hiểu.

Nói cách khác, âm Việt-Hán chẳng khác nào một NGOẠI NGỮ đối với phần lớn người dân Việt!

3/ Mà ngoại ngữ này (âm Việt-Hán) cũng thiệt lạ đời lắm đa.

Nhắc lại hai câu thơ dẫn trên: "Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư". Đọc lên, người Tàu nghe cũng khỏi hiểu luôn - vì đây đâu phải đọc tiếng Tàu Bắc Kinh hoặc tiếng Tàu Quảng Đông, mà là âm Việt-Hán!

(dĩ nhiên người Tàu sẽ hiểu nghĩa nếu đưa họ nhìn mặt chữ, viết bằng Hán tự, của hai câu thơ này).

Vậy đó. Âm Việt-Hán không phải là tiếng Tàu được hiểu như một ngoại ngữ, mà vẫn cứ là một "ngoại ngữ" đối với phần lớn người dân Việt.

* TẠM THAY LỜI KẾT:

a) Hệ thống âm Việt-Hán thành hình ra sao, vì sao có cách đọc Việt-Hán, đó thuộc về lãnh vực chuyên môn của giới ngôn ngữ học. Ở đây, như lời khuyến cáo của danh nhân Nguyễn Trường Tộ, âm Việt-Hán quả thực là một "ngoại ngữ".

Và là một kiểu ngoại ngữ... quái chiêu (phần lớn người trong nước nghe không hiểu, mà người Tàu họ cũng không hiểu).

b) Thành thử mới có nỗ lực tạo ra CHỮ NÔM. Bộ chữ này, dựa trên chữ Hán mà chế biến đủ cách, để chi? Để quốc âm (âm thuần Việt) được có bộ chữ mà chứa đựng - thay vì phải lang thang trong ca dao khẩu ngữ (truyền miệng), trong lời ăn tiếng nói nơi ruộng đồng, làng xóm (chớ không phải ở chốn cung đình ưng xài âm Việt-Hán ráo trọi trong mọi thứ văn bản giấy tờ).

Để, qua chữ Nôm, chúng ta được đọc bằng hai tiếng dấu yêu là "mẹ con" (chớ không đọc "mẫu tử" theo âm Việt-Hán), đọc lên là "ăn cơm" (chớ không đọc "thực phạn" theo âm Việt-Hán)...

NHƯNG, ngay cả CHỮ NÔM cũng bị ruồng rẫy, bị xem nhẹ trong nhiều thế kỷ. Bởi "thế lực" nào? Chẳng phải "thế lực thù địch" gì ráo trọi, mà bởi ... phần lớn các triều đại quân chủ độc lập của nước Việt. Oái ăm rứa đó!

* Stt sau sẽ lai rai về CHỮ NÔM & CHỮ QUỐC NGỮ.

----------------------------------------------------------------

(*) Có nhiều bản dịch khác nhau, đây là bản dịch của Trần Trọng Kim về hai câu thơ, từ âm Việt-Hán sang quốc âm: "Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm / Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời."

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Hình ảnh: Danh nhân Nguyễn Trường Tộ.



 

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

Jean Baptiste Chaigneau, người làm quan dưới hai triều Gia Long - Minh Mạng

 JEAN BAPTISTE CHAIGNEAU,

NGƯỜI LÀM QUAN DƯỚI HAI TRIỀU GIA LONG-MINH MẠNG

Thỏa ước Versailles ký ngày 28.11.1787 giữa đại diện triều đình Pháp và Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), đại diện chúa Nguyễn Ánh, không khả thi vì hai lý do chính:

- Ngân khố Pháp đang kiệt quệ

- Có sự bất đồng gay gắt giữa Bá Đa Lộc và bá tước De Conway ở Pondichéry, thuộc địa của Pháp tại Ấn Độ, người được Paris giao trách nhiệm thi hành thỏa ước.

Cảm thấy bị bẽ mặt vì trọng trách không hoàn thành, Bá Đa Lộc lưu lại Pondichéry một thời gian khá lâu, vận động tiền bạc mua một ít tàu bè, móc nối được với một số cựu sĩ quan, viên chức Pháp độ hơn chục người, đưa họ về đất Gia Định phục vụ dưới trướng chúa Nguyễn.

Nhúm người Pháp đó, mà hai người cuối cùng rời khỏi Việt Nam năm 1824, chính là đề tài mà những người từng đả kích chúa Nguyễn Ánh –vua Gia Long đã khoác cho ông cái tội “cõng rắn cắn gà nhà” và “dọn đường cho Pháp xâm lược Việt Nam”

Bài khá dài vì sự phong phú về mặt sử liệu, hi vọng các bạn dành thì giờ rảnh rổi để đọc hết.

***

Trong số những người Pháp đến Đại Việt giúp chúa Nguyễn Anh chống lại nhà Tây Sơn, được nhắc đến nhiều nhất có hai người, một là Jean Baptiste Chaigneau, được chúa Nguyễn đặt cho tên Việt là Nguyễn Văn Thắng và hai là Philippe Vannier, được chúa Nguyễn đặt tên là Nguyễn Văn Chấn. Họ được nhắc đến nhiều không chỉ vì làm quan tại triều đình Huế lâu nhất, mà còn vì cả hai đều có vợ là người Việt Nam, hạ sinh nhiều người con hai dòng máu Việt-Pháp.

Riêng về Chaigneau, từ nhiều năm qua, có một sự nhầm lẫn rất phổ biến về thời gian ông đầu quân dưới trướng chúa Nguyễn Ánh. Nhiều tài liệu sử, kể cả bộ Quốc triều Chánh biên toát yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn, đều cho rằng Chaigneau gặp chúa Nguyễn đồng thời với những người Pháp khác, tức khoảng tháng 6 âm lịch năm 1789. Trên thực tế, theo một tài liệu khả tín viết rất chi tiết về lai lịch dòng họ Chaigneau đăng trên tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH) số 1 năm 1923, thì đến tháng 4.1793, Chaigneau mới gặp chúa Nguyễn Ánh lần đầu, trước đó, ông tham gia những chuyến hải hành đến các vùng đất châu Á khác, trên tàu Necker dưới quyền của thuyền trưởng Querangal.

Từ thời điểm năm 1793, Chaigneau được chúa Nguyễn giao cho việc điều khiển tàu Long Phi trong đội thủy quân hùng hậu do các tướng Việt chỉ huy và tham dự một số trận đánh với quân Tây Sơn. Tháng 6 năm 1795, Chaigneau lãnh trách nhiệm đi Macao tìm mua thêm vũ khí để tăng cường việc trang bị cho thủy quân, chuẩn bị những trận thủy chiến quyết định với đối phương.

Tuy nhiên, phải đợi đến năm 1800, nhiệm vụ, chức danh và tước vị của ông trong hàng ngũ quân đội của chúa Nguyễn mới được xác định rõ rệt. Tháng 3 năm đó, ông được cử giữ chức Khâm sai thuộc nội, Cai đội, tước Thắng Tài hầu. Đầu năm sau, ông được thăng từ Cai đội lên Cai cơ.

Suốt thập niên 1790 và đầu thập niên 1800, Chaigneau cùng những đồng hương của ông sát cánh bên chúa Nguyễn Ánh trong cuộc chiến chống nhà Tây Sơn, lúc đó đã suy yếu. Họ đóng góp khá nhiều công sức trong cuộc chiến đó, riêng Olivier de Puymanel (ông Tín) còn là tác giả của thành Sài Gòn (xây năm 1790 và bị phá hủy năm 1835) và thành Diên Khánh (Khánh Hòa).

Khi chúa Nguyễn Ánh đã vô hiệu hóa xong những thành viên cuối cùng của triều đại Tây Sơn, nhiều người cho rằng sự có mặt của những người Pháp ở Phú Xuân không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên, nhà vua vẫn lưu họ ở lại, giao cho những nhiệm vụ trong thời bình như thông ngôn hay trung gian trong các mối quan hệ về thương mại và chính trị với bên ngoài.

Trong số những người này, có lẽ Chaigneau là một trong số ít được nhà vua sủng ái nhất. Nhiều người vào thời đó thường nhắc lại một câu nói vui của nhà vua với Chaigneau vào tháng 6.1802 : ”Này, chừng nào ông cưới vợ? Tình trạng độc thân của ông bị mọi người ở đây chỉ trích đấy. Ta đang nóng lòng mong ông gặp một cô gái Đàng Trong tốt bụng và xinh đẹp sẽ đem hạnh phúc đến cho ông và ngăn không cho ông bỏ ta. Ta biết rõ là ông phải tuân theo những nguyên tắc khắt khe, tôn giáo của ông không chỉ có trên đầu môi. Ta có thể tìm cho ông một phụ nữ, nhưng ông sẽ không chấp nhận cô ta, vì cô ta không theo đạo Thiên Chúa. Ông hãy đến gặp vị Giám mục (Giám mục Véren -LN), ông ấy sẽ chọn cho ông một cô gái có đạo Thiên Chúa. Ông sẽ cưới vợ theo nghi thức của đạo Thiên Chúa và các bạn đồng liêu của ông sẽ không còn cười nhạo ông và gọi ông là ông quan độc thân nữa…” (LN tạm dịch từ BAVH – tập 1/1923-trang 57).

Cần nhớ là đến năm đó, Chaigneau đã 33 tuổi rồi. Sự phủ dụ của nhà vua tạo cho ông sự yên tâm, ngày 4.8.1802, Chaigneau mua một ngôi nhà ở làng Dương Xuân, bên bờ rạch Phủ Cam và mấy ngày sau, làm lễ cưới với cô Benoite Hồ Thị Huề, thuộc một gia đình giáo dân Thiên Chúa cư ngụ ở phường Thợ Đúc. Chị cô Huề là Hồ Thị Nhơn lấy chồng là De Forçant (Lê Văn Lăng), trong nhóm những người Pháp đến Đại Việt năm 1789.

Hôn lễ diễn ra tại nhà thờ phường Thợ Đúc dưới sự chủ lễ của Giám mục Véren. Cuộc hôn nhân này kéo dài 13 năm và cho ra đời 11 người con, 6 chết lúc còn rất nhỏ, chỉ còn lại 5 người. Cũng trong năm 1802, vua Gia Long thăng Chaigneau lên chức Chưởng cơ (tòng nhị phẩm), tiếp tục kiêm chức Khâm sai thuộc nội, tước Thắng Toán hầu. Về sau, cháu nội ông vẫn còn lưu giữ sắc chỉ này.

Đúng như toan tính của vua Gia Long, một người vợ Việt Nam và bốn đứa con (vào thời điểm 1807-1808) là sức mạnh níu chặt Chaigneau ở lại Việt Nam. Năm 1808, lần đầu tiên ông nhận được tin tức từ gia đình ở Pháp, sau gần 15 năm xa nhà. Tuy nhiên, năm 1815, một bất hạnh lớn xảy đến với Chaigneau. Bà Hồ Thị Huề mất đột ngột khi sinh đứa con thứ 11, nhiều người cho là do sự bất cẩn của bà mụ quen.

Hai năm sau (1817), ở tuổi 48, Chaigneau cưới con gái của Laurent Barisy (trong nhóm người Pháp giúp chúa Nguyễn Ánh) là Hélène, nhỏ hơn ông 31 tuổi. Mặc dầu vậy, bạn bè của ông và các giáo sĩ ở Huế đều không phản đối cuộc hôn nhân này. Có được hạnh phúc gia đình nhưng sinh hoạt cung đình không làm cho ông cảm thấy hào hứng nữa.

Ngày 1.12.1817, ông viết cho người anh lớn một lá thư nói lên tâm trạng đó. Mặt khác, đến những năm cuối thập niên 1810, vua Gia Long đã khá yếu sức rồi, sự thay thế ông là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để chuẩn bị cho một chuyến hồi hương, Chaigneau bán ngôi nhà ở Dương Xuân cho công chúa Bảo Thuận và đến ngày 2.11.1819, ông ngỏ lời xin vua Gia Long cho trở về Pháp. Lúc đầu, vua Gia Long không thuận với một yêu cầu ngoài ý muốn như vậy, nhưng trước sự khẩn khoản của Chaigneau, ông chịu cho nghỉ phép 3 năm, sau đó quay lại Việt Nam tiếp tục công tác.

Ngày 4.11.1819 Chaigneau cùng gia đình đi đường bộ ra Tourane, dẫn theo một đoàn phu khuân vác hành lý lên đến 200 người. Ngày 13.11, tàu Henri nhổ neo đưa họ về Pháp. Cùng đi với ông chuyến này, có 5 người con của ông với bà Hồ Thị Huề, người vợ sau là Hélène Barisy và hai con chung của họ.

Sau một hành trình dài, tàu Henri cập cảng Bordeaux ngày 11.4.1820. Vì chuyến trở về Pháp của Chaigneau chỉ là một chuyến nghỉ phép với tư cách một quan lại Việt Nam nên triều đình Pháp không muốn bỏ qua cơ hội này để mở rộng mối quan hệ với nước ta. Ngày 12.10.1820, vua Louis XVIII ký sắc lệnh đề cử Chaigneau làm lãnh sự và đặc ủy của nhà vua bên cạnh triều đình Việt Nam, kèm theo một lá thư gửi cho vua Gia Long. Triều đình Pháp có lý khi tranh thủ con người này, vì họ đã biết ít nhiều về sự thân tình, gần gủi giữa Chaigneau và vua Gia Long, hi vọng sự gắn bó giữa hai người sẽ giúp nước Pháp tiến xa hơn trong mối quan hệ Pháp-Việt. Có điều là với sắc lệnh trên, từ ấy, Chaigneau sẽ ở vào một hoàn cảnh khá tế nhị là đại diện cho quyền lợi của cả hai quốc gia đang tìm hiểu, thăm dò nhau.

Đầu tháng 8.1820, Chaigneau đi Albi, ở một thời gian với người chị, rồi đưa gia đình đi Bretagne, lưu trú ở đó hơn sáu tuần lễ. Ngày 15.10.1820, ông cùng vợ con lên tàu LaRose đi Bordeaux rồi từ đó khởi hành trở lại Việt Nam ngày 1.12.1820. Tàu chạy ngang Mũi Hảo Vọng (Cap de Bonne Espérance) ngày 2.2.1821, đến Batavia ngày 5.4.1821 và cuối cùng thả neo ở cửa Thuận An ngày 17.5.1821.

Vừa đặt chân lên vùng đất quen thuộc, Chaigneau tiếp nhận một tin buồn: vua Gia Long đã qua đời từ hơn một năm rồi! (đầu năm 1820). Điều này đã khiến ông hết sức xúc động. Trong bức thư đề ngày 19.8.1821 gửi từ Huế cho người anh ở Pháp, Chaigneau đã viết như sau:

“Anh thân mến, Tụi em đã về đến đây, sức khỏe tốt. Nhưng em không còn nhìn thấy Đàng Trong như lúc em đã rời nó. Khi vừa đến đây, em được biết cái chết của vị vua lớn tuổi đã gây ra nhiều biến đổi. Em thực sự tiếc rẻ về điều này và sẽ còn tiếc rẻ lâu dài, vì đó là một con người dũng cảm. Ông mất như một người đã sống với tất cả sự bình tâm và lẽ phải. Ông đã dùng những ngày cuối đời để khuyên răn người con trai (tức vua Minh Mạng sau này-LN) trước mặt các vị đại thần mà ông đã tập trung trong căn phòng của mình…..Vị võ quan thứ nhất mà người ta gọi là tả quân (nguyên văn: tả quừn, tức tả quân Lê Văn Duyệt-LN) là một hoạn quan, người mà em từng nói với anh là đang đứng đầu triều đình (đó là một người có năng lực thực sự), nhà vua sau khi gửi gắm con trai mình cho ông và triều đình, đã căn dặn con là không bao giờ được làm sai những lời khuyên bảo của những vị này, vì họ là những người phụng sự lâu năm và quen thuộc với công việc triều chính. Sau đó, ông lệnh cho ông tả quân là nếu con trai ông ra lệnh điều gì chống lại quyền lợi của vương quốc thì hãy cưỡng lại và không được thi hành. Ông cũng dành cho người con những lời khuyên phải cư xử như thế nào để cai trị có hiệu quả, và tất cả những lời khuyên của ông cần được ghi nhớ. Ông nói với con trai rằng từ khi khôi phục lại ngai vàng, ông luôn bắt người dân phải làm việc cực nhọc để chất đầy kho chứa, với ý định mang đến cho con một triều đại tốt đẹp, điều này khiến cho người dân rất mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi. Do đó con ông cần bắt đầu thời kỳ trị vì của mình bằng cách miễn tất cả các loại thuế và tha cho họ việc lao dịch công ích…..” (LN tạm dịch từ BAVH –số 1 năm 1923-trang 171-172)

Đoạn thư trên của Chaigneau là một sử liệu khá thú vị, cho thấy phần nào cá tính của vua Gia Long, sự tôn trọng các công thần đã theo ông suốt những năm tháng gian khó, hiểm nguy nhất (như Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng…) và giúp ta hiểu được phần nào mối quan hệ rất tế nhị giữa vua Minh Mạng và Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt sau này.

Những ngày đầu mới trở qua Việt Nam, Chaigneau được vua Minh Mạng tiếp khá niềm nở. Nhà vua đã khóc khi nhắc đến cái chết của tiên đế, trân trọng tiếp nhận quốc thư và quà tặng của hoàng đế Pháp trong một lễ chính thức diễn ra vào ngày 16.7.1821. Không lâu sau, Chaigneau mua một ngôi nhà ở chợ Được để cư trú. Tuy nhiên, qua một số sự kiện xảy ra trong việc đại diện cho triều đình Huế tiếp một số thương nhân nước ngoài, Chaigneau cay đắng nhận ra rằng mình không được đối xử đúng mực, vừa với tư cách một quan lại Việt Nam, vừa với cương vị một lãnh sự bên cạnh triều đình Huế.

Sự thất vọng của viên quan người Pháp càng tăng cao sau khi giám mục Véren, chỗ dựa tinh thần của cả Chaigneau lẫn Vannier, đã mệnh chung vào ngày 6.8.1823. Chưa hết, trong mối quan hệ với một giáo sĩ Việt Nam là cha Thật, người đã đỡ đầu cho bốn đứa con của ông, Chaigneau cảm thấy mình bị “phản bội”, vì bao nhiêu tâm tư giãi bày với ông giáo sĩ này đều bị ông ta báo cáo hết với triều đình Huế.

Trong lá thư đề ngày 1.11.1823 gửi cho giáo sĩ Bissachère, Chaigneau đã viết: ” Tôi rất mong sẽ không sống thêm hơn một năm nữa ở cái xứ sở chết tiệt này. Không còn gì để ở lại nữa. Tôi tin là tôi sẽ điên mất” (BAVH số 1/1923-trang 91).

Tháng 10.1824, cả Chaigneau lẫn Vannier đều xin vua Minh Mạng cho về hưu. Ý nguyện này được chấp thuận. Ngày 25.10, Chaigneau bán nhà và 20 ngày sau, 15.11.1824, hai gia đình Chaigneau và Vannier cùng rời Huế. Sự ra đi thật gấp gáp như vậy khiến nhiều người suy nghĩ, mãi về sau, người vợ trẻ của ông tiết lộ là vào lúc ấy, vua Minh Mạng có gửi cho Chaigneau một cái khay trên đặt một chiếc tàu thu nhỏ và một vuông lụa. Ông ta suy diễn là nhà vua đặt mình trước hai con đường: hoặc rời khỏi Việt Nam (chiếc tàu), hoặc bị treo cổ chết (vuông lụa). Tuy nhiên, đó là lời kể lại của người vợ, chứ bản thân Chaigneau không thấy viết gì về những ngày cuối cùng ở Huế.

Khi rời Huế, Chaigneau và Vannier đi theo thuyền buồm của người Việt vào Sài Gòn, viếng mộ giám mục Bá Đa Lộc, người đã dìu dắt họ trong những ngày đầu đến Việt Nam. Tại đây, ông suýt chết trong một cơn đau nặng, nhưng vẫn không tránh khỏi mất mát: hai con trai của ông với bà Benoite Hồ Thị Huề là Louis và Joseph lâm bệnh rồi lần lượt qua đời tại Sài Gòn.

Về đến Pháp rồi, năm 1826, Chaigneau được hưởng khoản trợ cấp nghỉ hưu 1.800 franc/năm (có thể là tiền hưu trong thời gian ông phục vụ cho triều đình Pháp, trước khi gặp chúa Nguyễn). Ông quay về quê nhà ở Lorient, sống âm thầm như đã từng ao ước từ bấy lâu. Tháng 10.1827, một điều bất ngờ xảy ra: ông nhận được thư thăm hỏi đề ngày 26.11 âm lịch (24.12.1826) của vua Minh Mạng kèm theo một số tặng phẩm gồm các độc bình tráng men lam, các tấm lụa, khiến các bà, các cô ở Lorient vô cùng thích thú. Năm 1830, triều đình Pháp cắt lương hưu của ông. Những bất như ý từng xảy ra ở Huế, nay lại tái diễn ở Paris.

Ngày 31.1.1832, sau 45 năm hoạt động tích cực, Chaigneau tạ thế ở Lorient.

***

Chaigneau có để lại cho đời tập Le Mémoire sur la Cochinchine (Ký ức về Việt Nam) do ông soạn vội vả trên chuyến tàu Henri trở về Pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của triều đình vua Louis XVIII muốn biết ít nhiều về Việt Nam. Tập sách này hiện được lưu trữ tại Văn khố của Bộ Ngoại giao Pháp, nhưng chỉ là một bản sao, không chữ ký, không có chi tiết nào xác định tác giả. Tuy nhiên, xem qua nội dung tập ký ức, các nhà phân tích xác định tác giả là Jean Baptiste Chaigneau.

Trong tác phẩm này, Chaigneau đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến tình hình Việt Nam đầu thế kỷ 19 như: phân chia lãnh thổ hành chánh, dân số, tổ chức chính quyền trung ương và địa phương, tình hình quân sự, thuế khóa, tư pháp, phong tục, tôn giáo, nông nghiệp, thương mại, công nghiệp … Đây có lẽ là một trong những tập ký ức đầu tiên của người nước ngoài đề cập tương đối chi tiết về tình hình ngoại thương của Việt Nam vào đầu thế kỷ 19. Song ngoài giá trị về mặt tư liệu mà trong đó không ít những chi tiết cần được thẩm định lại (như ước lượng dân số VN thời đó từ 15 đến 20 triệu người !!), tác phẩm của Chaigneau không mấy đặc sắc, có lẽ do ông biên soạn vội vã trong một chuyến hải hành. Cuốn hồi ký Souvenirs de Hue (Hồi ức về Huế) của con trai ông là Michel Đức Chaigneau xuất bản gần 50 năm sau (1867), xem ra có nhiều chi tiết thú vị hơn rất nhiều, nhất là ở những đoạn viết về vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu (mẹ hoàng tử Cảnh).

Lê Nguyễn

25.10.2015 – 25.10.2020

Tranh chân dung Jean Baptiste Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng) 1769 - 1832. Nguồn BAVH 1932

Ngôi mộ của bà Hồ Thị Huề tại Huế
Chứng thư hôn thú của Chaignaeu và Hồ Thị Huề do gima smucj Véren lập ngày 10.08.1802 tại nhà thợ phường Thợ Đúc
Thư của J.B Chaigneau gởi cho người anh ở Pháp báo tin về cái chết của vua Gia Long


 

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

Chúa Giêsu không "dân chủ"

CHÚA JESUS KHÔNG "DÂN CHỦ"

Bên Mỹ, chính khách đảng Dân Chủ cho rằng chủ trương “nhà nước phúc lợi”, “dùng quyền lực chánh trị để tái phân phối của cải" là phù hợp với lời dạy của Chúa Jesus Christ - nhằm tìm kiếm hậu thuẫn từ khối cử tri Ki-tô giáo rất đông đảo tại Mỹ.

"Tái phân phối của cải", "nhà nước phúc lợi" thoạt nghe bùi tai lắm đa - NHƯNG, hãy chú ý, phải soi xét ở CÁCH LÀM để hiểu ra BẢN CHẤT chớ không dựa trên lời nói / tuyên ngôn, rồi bị mắc lỡm. Kêu bằng là nói vậy mà không phải vậy.

&1&
Thế nào là "Dân chủ" (mà Kamala Harris, Bernie Sanders diễn giải gần như đồng nhứt với "chủ nghĩa xã hội")? Đó là:
- mô hình tập trung quyền lực (càng nhiều càng thuận lợi) vào tay nhà nước để tạo áp lực mạnh lên mọi công dân thực thi các chính sách kinh tế;
- nhấn mạnh vào sở hữu công, và tái phân phối của cải.
Mọi việc đều được thực hiện thông qua ý chí của nhà nước, và đó chính là mô hình mà nhiều chánh trị gia chuyên nghiệp của đảng Dân Chủ hiện nay cổ võ.

&2&
Vậy, Chúa Jesus có phải là một nhà "Dân chủ" không? Ngài có kêu gọi tái phân phối thu nhập bằng cách dùng quyền lực nhà nước cưỡng bách tư sản để giúp đỡ người nghèo không?
Trong cuốn "Kinh tế học Kinh Thánh" (Economics Biblical), tác giả R. C. Sproul lưu ý rằng Chúa Jesus “muốn người nghèo được giúp đỡ” nhưng không phải bằng sự cưỡng bách của chánh phủ.

Hãy xem, điều răn thứ 7 nói gì? "Chớ lấy của người"! Rất cô đọng.
Hoàn toàn không thêm vào những đoạn như: "Chớ lấy của người, ngoại trừ trường hợp kẻ khác có nhiều hơn ngươi"; hoặc thêm: "Chớ lấy của người, nhưng sẽ được phép nếu ngươi nhờ người khác (ở đây là nhờ những chính khách đảng DC) làm thay ngươi".

Khi người ta bị cám dỗ nhảy vào tái phân phối tài sản, điều răn thứ 10 trong Thánh Kinh sẽ dập tắt cái ý tưởng đó: “Chớ ham của người"!

Nói cách khác, cái gì không thuộc về mình, thì đừng rớ tay vào.

&3&
"Dân chủ" viện dẫn rằng họ thực hiện theo dụ ngôn người Samari nhân hậu.
Trong Tin Mừng theo thánh Luca (10: 29-37) kể rằng: Người Samari nhìn thấy một nạn nhân bị kẻ cướp trấn lột và bị đánh cho nhừ tử đang nằm bất động trên đường. Người Samari không bỏ mặc cho kẻ lâm nguy, mà giúp đỡ nạn nhân kia bằng tất cả những gì mà người Samari có.

Người theo đường lối "Dân chủ" cổ võ chương trình phúc lợi của nhà nước đối với việc tái phân phối. Cách nào đó thì người Samari nhân hậu có khác nào hình ảnh của "Dân chủ" đâu?

Khác. Hoàn toàn khác!
Bởi vì người Samari không nói với nạn nhân rằng, "Đi gặp nhân viên công tác xã hội để được giúp đỡ", hoặc "Viết thư lên giới chức nắm giữ quyền lực mà kiện cáo", rồi... sau đó bỏ đi.
Mà - quí bạn chú ý - đó lại là hành động rất quen thuộc của giới làm chánh trị theo đường lối mật ngọt được gọi là "Dân chủ"!

Người Samari nếu hành động theo kiểu "Dân chủ", ắt hẳn không còn được gọi là "người Samari nhân hậu" mà trở thành "người Samari vô tích sự"!

Dụ ngôn người Samari nhân hậu là minh chứng cho việc tự nguyện giúp đỡ người trong cơn nguy bách VÌ và CHỈ VÌ TÌNH YÊU & LÒNG TRẮC ẨN.

&4&
Quy tắc Vàng (Golden Rule) mà mọi người thường biết tới, được Chúa Jesus rao giảng trong Tin Mừng theo Thánh Matthew 7: 12, “Vậy, những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng phải làm cho người ta”!

Nếu chúng ta không muốn tài sản của mình bị sung công (chẳng một ai muốn hết), thì chúng ta đừng nghĩ tới việc lấy tài sản của người khác để sung công.

Rất nhiều người mệnh danh "Dân chủ", cấp tiến ... lại không hề quảng đại vô ngã chút nào - khi họ luôn luôn nói tới tái phân phối lợi tức. Bởi vì, trong thực tế, họ không muốn tái phân phối túi tiền của họ, nhưng luôn đòi tái phân phối túi tiền của người khác!

&5&
Giáo lý Ki-tô giáo thường khuyên người ta hãy tránh xa sự tham lam, bởi vì thông thường mọi người để cho của cải chi phối phẩm cách của họ (thay vì làm chủ của cải).
Rộng hơn nữa, đó là sự thận trọng trước mọi cám dỗ - xuất hiện trong nhiều hình thái, không chỉ riêng hình thái về sự giàu có vật chất.

Trong những lời giảng của Chúa Jesus và nhiều phần nơi Kinh Thánh, mọi người đều được khuyên rằng hãy làm cho “TÂM HỒN thêm cao đẹp,” để giúp đỡ người nghèo, bày tỏ lòng tử tế và duy trì phẩm chất tốt lành.

THAY LỜI KẾT
Ấy vậy mà những lời dạy của Chúa Jesus bị chuyển thành chủ trương "tái phân phối của cải" này kia, và Ngài bị gán nhãn hiệu "Dân chủ".

Hạng người Pharisiêu đạo đức giả, mị dân vẫn không ngừng xuất hiện, thao túng khắp nơi ngay trong lòng thế giới hiện nay. Họ bóp méo lời Chúa Jesus đặng phục vụ cho mưu đồ chánh trị vụ lợi, thiển cận của họ.

Xin cùng nhau nhớ rằng: Chúa Jesus đến, để CỨU RỖI thế giới, VƯỢT LÊN TRÊN mọi đảng phái thế tục, mọi toan tính chánh trị nói cho cùng cũng chỉ thuần túy vụ lợi mà thôi ./.

Nguồn:Nguyễn - Chương Mt