ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

Xin cho biết “mặc cảm Ê-đíp” là gì?. Có phải Ê-đíp là nhân vật huyền thoại đã giết cha để lấy mẹ hay không?

 ĐỘC GIẢ: Xin cho biết “mặc cảm Ê-đíp” là gì?. Có phải Ê-đíp là nhân vật huyền thoại đã giết cha để lấy mẹ hay không?

AN CHI: Œdipe (Ê-đíp) là một nhân vật huyền thoại Hy Lạp, đã giết cha là Laios, vua thành Thèbes (Xin phân biệt với Thèbes ở Ai Cập) – mà không biết đó là cha mình – rồi lấy mẹ là Jocaste – mà không biết đó là mẹ mình – và đã có với mẹ hai con trai là Etéocle và Polynice, hai con gái là Antigone và Ismène. Khi biết ra sự việc, Jocaste đã treo cổ tự tử còn Œdipe thì móc mắt đẻ tự trừng phạt về tội giết cha và tội loạn luân với mẹ. Do tích này mà tiếng Pháp có danh từ œdipisme có nghĩa là sự tự móc mắt. Mượn tên và tích của Œdipe từ huyền thoại trên, ông tổ của phân tâm học là Sigmund Freud đã tạo ra thuật ngữ mặc cảm Œdipe (tiếng Pháp: complexe d’Œdipe) mà ông đã giải thích như sau: “Trong khi mà nó hãy còn hoàn toàn trẻ thơ, đứa con trai bắt đầu cảm thấy một sự trìu mến đặc biệt đối với người mẹ: nó xem mẹ như là vật sở hữu riêng của nó, thấy nơi người cha một đối thủ tranh giành với nó quyền làm chủ vật sở hữu đó; giống như đứa con gái thấy nơi người mẹ một kẻ quấy rối những quan hệ quyến luyến của nó với người cha và chiếm mọt vị trí mà nó, đứa con gái, muốn có được quyền độc chiếm (…) Thái độ đó (…) chúng tôi đặt cho cái tên là mặc cảm Œdipe”(1). Khi phân tích về chứng sợ (phobie) của một đưa bé trai 5 tuổi mà mọi biểu hiện đã được cha nó tường thuật một cách chu đáo cho ông. Freud cũng đã viết như sau: “Khi người ta làm dịu đi sự sợ hãi mà thằng bé cảm thấy trước người cha (…) nó đã bày tỏ cho biết nó thấy nơi người cha một đối thủ tranh giành với nó những sự ưu đãi của người mẹ mà những sự thôi thúc tính dục đầu tiên của nó được hướng tới một cách mơ hồ. Thế là nó đang lâm vào tình cảnh điển hình của đứa bé trai, tình cảnh mà chúng tôi gọi tên là mặc cảm Œdipe (…)(2).

Tóm lại, mặc cảm Œdipe là hiện tượng mà Petit Larousse illustré 1992 đã định nghĩa như sau: “Toàn bộ những tình cảm yêu thương và thù nghịch mà mỗi đứa bé cảm thấy đối với cặp cha mẹ (sự quyến luyến tính dục với người sinh thành khác giới tính và sự ganh ghét với người sinh thành cũng giới tính bị xem như là một địch thủ).

 


1. Introduction à la psychanalyse, trad, fr., Payot, Paris, 1966, pp.190 – 191

2. Totem et tabou trad, fr., Payot, Paris, 1965, p.149.

Kiến thức ngày nay, số 114, ngày 15-7-1993

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

"Nương long" có nghĩa là gì?

 ĐỘC GIẢ: Với bà Hồ Xuân Hương thì nương long có nghĩa là “ngực thiếu nữ”: Yếm đào trễ xuống dưới nương long. Nhưng với một nhà thơ miền Nam cận đại có hai câu lục bát tả bốn cái khoái của con người thì nương long lại là “cái hậu môn”

Cơm Phiếu Mẫu, chiếu Trần Đoàn

Ngửa nghiêng loan phụng, nhẹ nhàng nương long.

Xin cho biết nghĩa nào đúng, nghĩa nào sai.

AN CHI: Ta thấy cái khoái thứ nhất, tác giả không nhắc đến miệng mà nói “cơm Phiếu Mẫu”; về cái khoái thứ hai, ông không nhắc đến hai con mắt mà nói “chiếu Trần Đoàn”; về cái khoái thứ ba, ông không nhắc đến cái…gì của nữ và của nam mà nói “ngửa nghiêng loan phụng”. Vậy về cái khoái thứ tư, lẽ nào ông lại phải nhắc đến “cửa sau”? Nương long có nghĩa là ngực – không chỉ ngực thiếu nữ - từ đó nó có một nghĩa rộng là khoang bụng, là dạ rồi từ nghĩa rộng này nó mới có nghĩa bóng là lòng dạ như đã giảng trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của hoặc Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức. Trong liên thơ lục bát trên đây, nương long đã được dùng theo nghĩa rộng (khoang bụng, dạ). Khi người ta đi chảy là người ta bị tháo dạ. Khi người ta ăn không tiêu là người ta bị cứng dạ (A. de Rhodes ghi trong Từ điển Việt-Bồ-La: “Cứng dạ: Không tiêu, đầy cứng bụng”). Còn khi người ta đi một cách bình thường, không quá chặt, quá khó vì bị táo bón, cũng không…té re, nghĩa là nhẹ nhàng nương long. Vậy nương long không có nghĩa là hậu môn.

Kiến thức ngày nay, số 114, ngày 15-7-1993

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

“chín bậc” có phải là “cửu phẩm” không và “phù đồ” là gì?

 ĐỘC GIẢ: Trong câu

Dù xây chin bậc phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một ngưởi

Thì “chín bậc” có phải là “cửu phẩm” không và “phù đồ” là gì?
AN CHI: Phù Đồ (cũng như Phật Đà, Phật Đồ) vốn là hình thức phiên âm bằng tiếng Hán (đọc theo âm Hán Việt) của tiếng Sanskrit Buddha, có nghĩa là Phật. Dần dần nó bị dùng sai đi vì được xem là đồng nghĩa với danh từ tháp, dạng tắt của tháp bà, phiên âm từ tiếng Sanskrit stupa.
Sau khi phù đồ được dùng theo nghĩa của tháp thì nó lại có thêm một nghĩa phái sinh là cái chóp lộng (tán đỉnh) vì chóp lộng có hình dạng của một cái tháp tí hon. Thiên “Nghi vệ” trong Kim sử đã dùng danh từ phù đồ theo nghĩa này để ghi chép việc qui định cách thức và cấp bậc cho việc sử dụng các loại chóp lộng: kim phù đồ (chóp lộng bằng vàng), kim độ ngân phù đồ (chóp lộng bằng bạc mạ vàng), ngân phù đồ (chóp lộng bằng bạc), chu phù đồ (chóp lộng màu son) và thanh phù đồ (chóp lộng màu xanh).
Trong liên tục bát đã nêu, phù đồ chính là cái tháp, nghĩa là một công trình kiến trúc được xây lên để chôn xá lợi (tro xương) của Đức Phật, của các bậc cao tăng, đại đức. Chín bậc không phải là cửu phẩm (chin phẩm trật của quan) mà là cửu trùng (= chín tầng).
Kiến thức ngày nay, số 114, ngày 15-7-1993

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Thanh lâu phải chăng là lầu xanh? Dịch hoàn hay cao hoàn?

 ĐỘC GIẢ: Trong bài “Đôi điều thu lượm quanh Hán tự” (Văn nghệ, số 43, 1992), Nguyễn Dậu có nói rằng Nguyễn Du đã dùng nhầm mấy tiếng lầu xanh và thanh lâu “khiến cho mấy chục triệu người Việt đều nghĩ rằng lầu xanh là nơi ổ chứa ca kỷ (gái điếm)”. Ông nói rõ rằng ở Trung Quốc, người ta không hề coi thanh lâu là ổ điếm mà lại hiểu đó là “nhà cao lầu của những người phú quý”. Vậy có đúng là Nguyễn Du đã nhầm hay không? Tác giả còn cho rằng do đọc sai mà “tất cả các nhà nho Việt Nam từ cổ đến giờ đều gọi hai cái hột của giống đực là dịch hoàn” nhưng “cả tỷ người Trung Hoa đều gọi là cao hoàn”. Có thật đúng như thế không?

AN CHI: Về hai tiếng thanh lâu, Từ hải đã giảng như sau:

“1. Lầu Hưng Quang của Vũ Đế, bên trên sơn xanh, người đời gọi là thanh lâu (Vũ Đế Hưng Quang lâu, thượng thi thanh tất, thế nhân vị chi thanh lâu).

2. Chỉ lầu gác của nhà hào phú (vị hào gia chi lâu)

3. Chỉ lầu của người đẹp ở (Vị mỹ nhân sở cư chi lâu)

4. Chỉ nơi hành nghề của gái điếm (Vị kỹ viện dã)”.

Vậy Nguyễn Du đã không nhầm vì cái nghĩa do Nguyễn Dậu nêu lên chỉ là một trong bốn nghĩa của hai tiếng thanh lâu mà thôi. Còn chuyện”hai cái hột của giống đực” thì lại hoàn toàn đúng như Nguyễn Dậu đã nêu. Đó là trường hợp “tác đánh tộ, ngộ đánh quá” vì tự dạng của chữ dịch và chữ cao rất giống nhau: chúng chỉ khác nhau ở nét phẩy phía trên bên trái của chữ mà thôi. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển của Thiều Chửu, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng đều phiên âm đúng chữ đang xét là cao và đều giảng cao hoàn là “ngoại thận = hòn dái” (Đào Duy Anh), “hòn dái” (Nguyễn Quốc Hùng), “hạt dái” (Thiều Chửu).

Trớ trêu là ngày nay hầu như không ai nói cao hoàn mà chỉ nói dịch hoàn. Hai tiếng này đã được Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên giảng là “hai hòn dái của đàn ông và của một số động vật giống đực”. Còn Từ điển tiếng Việt 1992 thì ghi: “Dịch hoàn, d.x tinh hoàn” mà tinh hoàn thì được giảng là “cơ quan sinh ra tế bào sinh dục đực”. Rõ ràng là dùng từ sai đấy nhưng chẳng biết có ai muốn sửa lại cho đúng hay không.

Kiến thức ngày nay, số 114, ngày 15-7-1993

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

Tại sao biểu tượng SEA Games XVII 1993 tổ chức tại Singapore lại là con sư tử?

 ĐỘC GIẢ: Tại sao biểu tượng SEA Games XVII 1993 tổ chức tại Singapore lại là con sư tử?

AN CHI: Vì SEA Games lần này được tổ chức tại singapore mà Singapore có nghĩa là Thành phố Sư tử. Singapore (tiếng Anh) Singapour (tiếng Pháp) là phiên âm từ tiếng Mã Lai Singapura, vẫn được xem là bắt nguồn từ tiếng Sanskrit Siṃhapura, trong đó Siṃha là sư tử còn pura là thành phố (trong tiếng Mã Lai hiện nay singa là sư tử còn thành phố thì lại là puri). Tuy nhiên, có người đã đưa ra một nguyên từ khác cho nguồn gốc của Singapura. Marc Reinhorn, đã cho rằng dó là tiếng Sanskrit Śṛṅgapura (1) nghĩa là Thành phố Mũi Đất. Tiếng Sanskrit Śṛṅga có nghĩa là sừng, mũi nhọn, đỉnh, mũi đất, vv.. Kiến giải này không phải không có lý vì Srngapura có cấu tạo và ý nghĩa giống như tên Thành phố Mũi Đất của Nam Phi mà tiếng Afrikaans (tiếng Hà Lan nói ở quốc gia Nam Phi và là một trong những ngôn ngữ chính thức ở nước này) là Kaapstad còn tiếng Anh là Cape Town (Caap = cap = mũi đất; stad = town = thành phố). Nhưng chính người Singapore lại chọn cách giải thích thứ nhất nên biểu tượng của SEA Games 1993 mới là con sư tử.

 


1.     Dictionnaire laotien-Français, tome 1, Paris, 1970, p.607, art, sinkapo

Kiến thức ngày nay, số 113, 7-1993

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Nước “cam lồ” là nước gì?

 ĐỘC GIẢ: Nước “cam lồ” là nước gì?

AN CHI: Cam lồ là âm xưa của cam lộ (so sánh lõa lồ ~ lõa lộ, lăng loan ~ lăng loạn, mồ (mả) ~ mộ, vv.). Theo nghĩa đen thì camngọt còn lộsương. Người ta thường cứ theo nghĩa đen mà giảng rằng cam lộ là một thứ “sương ngọt làm mát dịu lòng người”. Nhưng lộ không chỉ có nghĩa là sương mà còn có nghĩa là thứ rượu thơm ngon (Từ hải: tửu vị phương hương giả chi xưng) như trong mai quế lộ, tường chi lộ, vv.. Vậy cam lộ ở đây là một thứ rượu ngon ngọt. Hai tiếng cam lộ đã được người Trung Hoa dùng để dịch tiếng Sanskrit amrta mà nghĩa gốc là bất tử (a = phi, bất + mrta = chết). Amrta là hình thức tỉnh lược của amrta-rasa có nghĩa là trường sinh tửu, bất tử lộ (amrta = bất tử + rasa = thức uống). Trong huyền thoại Ấn Độ, amrta là một thứ rượu có quyền năng kỳ bí được tạo ra khi các vị thần hoặc các con quỉ đánh cho biển sữa dậy lên. Tiếng Anh và tiếng Pháp phiên âm thành amrita. Vậy cam lộ, dịch từ tiếng Sanskrit amrta, có nghĩa là rượu trường sinh. Người Trung Hoa cũng còn phiên âm từ Sanskrit này thành a mật lý đa. Đoàn Trung Còn đã viết về cam lộ như sau: “Cũng dịch là Bất-tử-tửu (Thuốc rượu uống chẳng chết), Trường-sanh-tửu (Thuốc rượu uống vào sống mãi), Thiên tửu (Thuốc rượu của chư Thiên). Ấy là thứ thuốc nước ngon ngọt, thơm tho, linh diệu, để làm đồ uống của chư Thiên, chư Thần: cam-lộ là chất thuốc Tiên, thuốc Phật, ngon ngọt và linh diệu hơn các thuốc phàm, hễ rưới lên mình ai thì người ấy dứt hết bệnh tật, dầu sắp chết cũng được sống lại.”(1) Amrta thường được so sánh với chất ambrosia (tiếng Pháp: ambroisie) là thức ăn của các vị thần trong huyền thoại Hy Lạp. Ai ăn được nó thì sẽ được trẻ, đẹp vĩnh viễn; các nữ thần còn dùng nó làm mỹ phẩm. Thần Zeus cũng dung nó để xức những lọn tóc quăn của mình nữa. Chú ý: ambrosia là một danh từ phái sinh từ ambrotos có cấu tạo giống hệt như amrta, nghĩa là = a (phi, bất) + mbrotos (nay là brotos = chết).

 


1.     Phật học từ điển, quyển nhất, 1992, tr.312 – 313.

Kiến thức ngày nay, số 113, 7-1993

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

Do tích gì mà người Anh lại gọi chú rể (bridegroom) là người giữ ngựa (groom) của cô dâu (bride)?. Có chuyện gì na ná chuyện anh hoàng tế (rể của vua) được gọi là phò mã chăng?

 ĐỘC GIẢ: Do tích gì mà người Anh lại gọi chú rể (bridegroom) là người giữ ngựa (groom) của cô dâu (bride)?. Có chuyện gì na ná chuyện anh hoàng tế (rể của vua) được gọi là phò mã chăng?

AN CHI: Ở đây không có chuyện gì na ná chuyện đó vì bridegroom xét theo từ nguyên vốn không phải là chú giữ ngựa của cô dâu. Hình thái cổ đại của nó là brydguma. Bryd là cô dâu còn guma là người đàn ông, người anh hùng. Vậy brydguma là bậc tu mi của nàng dâu, là đấng anh hùng của nàng. Hình thái cổ đại này đã diễn tiến một cách tự nhiên sang hình thái trung đại tảo kỳ là brudgume, rồi mạt kỳ là bridegrome. Đến đây thì bắt đầu xảy ra sự cố: gome dần dần không còn được người Anh sử dụng như một hình vị độc lập nữa. Cuối cùng, ngoại trừ ở bridegrome, nó đã không còn được phân bố trong cấu trúc từ pháp hoặc cú pháp nào khác. Vì không còn biết đến nó nữa nên ngay cả trong bridegrome người Anh cũng không cảm nhận được rằng nó là một thành tố có nghĩa. Trong ý thức của họ, đó chỉ là bridegrome bị nói sai đi vì grome (= người giữ ngựa) mới có nghĩa còn gome thì không. Và họ đã “phục hồi” dạng bridegrome theo kiểu từ nguyên dân gian (folk etymology) đó mà không thể ngờ rằng đây chỉ là một hình thái tiếm lập (intrusive). Do grome trở thành groom – y như lome (khung cửi) thành loom, blome (hoa) thành bloom, brome (cây chổi) thành broom, vv.. nên bridegrome đã trở thành bridegroom như đang biết hiện nay.
Vậy cứ theo hình thái hiện đại mà phân tích thì bridegroom quả là anh chàng giữ ngựa của cô dâu nhưng xét theo từ nguyên thì đó chỉ có thể là người anh hùng của nàng mà thôi.
Kiến thức ngày nay, số 113, 7-1993