ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

Tại sao văn hóa lễ hội Miền Nam khác với Miền Bắc ?

VĂN HÓA LỄ HỘI MIỀN NAM TẠI SAO KHÁC MIỀN BẮC ?

Kỳ 2: KINH NGHIỆM LỄ HỘI MIỀN NAM: TRẢ LỄ HỘI VỀ CHO NHÂN DÂN

(Bài gốc của Tiến sĩ Trần Công Tâm & kỳ 1, theo đường dẫn cuối stt này) (*)

Liệu có thể khôi phục được những giá trị cũ (ở các lễ hội miền Bắc) để xây dựng niềm tin cho người dân không?

"Việc xây dựng trở lại là hiếm hoi khi niềm tin đã đổ vỡ! Hiện lễ hội đang là một bức tranh hỗn loạn, dù vẫn có những yếu tố tốt đẹp, khi không ai còn chia sẻ với nhau được nữa." (Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn)

*&*

* "Tính cộng đồng tự quản trong lễ hội Nam Bộ rất cao. Trong khi đó ở miền Bắc, tính tự quản rất thấp do bị lợi dụng hoặc bị chính quyền địa phương can thiệp" (TS Nguyễn Trí Nguyên)

* Văn hoá của lưu dân Việt trên đất Nam Bộ, ngay buổi đầu vốn đã là một nền văn hoá “biên ngoại”, ít chịu sự ảnh hưởng rõ ràng và trực tiếp từ văn hoá Tống Nho “chính thống” miền Bắc.

Ngược lại, thế hệ Nho gia đầu tiên ở Nam Bộ tiêu biểu là Võ Trường Toản, chịu ảnh hưởng mạnh của Minh Nho - chủ trương “Tri ngôn dưỡng khí”, “Tri hành hợp nhất” và đề cao đạo nghĩa, trọng thực tiễn, học để thực nghiệp.

Vì vậy, họ sẵn sàng tự nguyện tiếp nhận các yếu tố văn hóa Chàm, Hoa Minh Hương và Khmer tôn vinh những giá trị tốt đẹp, có ý nghĩa bảo an đối với người dân.

Thái độ này là nền tảng cho phong cách NĂNG ĐỘNG, CỞI MỞ, DỄ DUNG HỢP VÀ BAO DUNG trong giao tiếp văn hoá của người Việt ở Nam Bộ.

* Người miền Nam thường cố gắng tách biệt rành mạch nơi làm ăn và nơi thờ cúng, và KHÔNG tìm cách kiếm tiền nơi thờ cúng!

Hiện nay, truyền thống chung của nhiều lễ hội miền Nam, là người tham dự được ăn uống, thậm chí nghỉ ngơi miễn phí. Đóng góp tùy tâm.

Có những lễ hội qui mô rất lớn thu hút hàng triệu người tham dự như lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương), lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang) và Lễ giỗ Nguyễn Trung Trực.

Lễ hội Nguyễn Trung Trực là một hình mẫu đẹp, được tổ chức hàng năm vào các ngày 26, 27 và 28/08 âm lịch tại Kiên Giang.

Đây là một lễ hội vừa có tính dân gian cúng giỗ một nhân thần, vừa có tính lịch sử tưởng niệm một nhân vật lịch sử, vừa có tính chất tôn giáo (kết hợp ba trong một).

Vì đây cũng là dịp bà con Phật Giáo Hòa Hảo suy tôn (ngài Nguyễn Trung Trực là "Thượng đẳng đại thần" trong Bửu Sơn Kỳ Hương, trong Phật Giáo Hòa Hảo).

Trước lễ hội, hàng vạn người đưa công đức về. Công đức là tiền, hoa quả, bánh trái, gạo, thịt, rau quả… Ở đây có Ban cộng đồng tự quản do dân bầu lên, có sổ sách thu chi minh bạch. Trong lễ hội, số vốn công đức mang về có thể nuôi cơm cho 2 vạn người ăn trong 5-10 ngày.

* NHÌN CHUNG, trên toàn cảnh các lễ hội hiện nay:

Cần trả lễ hội về cho nhân dân, để những chủ thể lễ hội tự quản tài chính.

Vai trò nhà nước ở đây là không can thiệp vào công việc nội bộ, mà là công nhận Ban tự quản do dân bầu ra.

-----------------------------------------------------------

(*) Bài kỳ 1: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1141942326239746

(*) Nguồn bài gốc: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1141539349356914&id=100005025792996).



Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2021

Tại sao văn hóa lễ hội Miền Nam khác với Miền Bắc ?

 TẠI SAO VĂN HÓA LỄ HỘI MIỀN NAM KHÁC MIỀN BẮC ?

(Nguồn bài của Tiến sĩ Trần Công Tâm, sinh trưởng ngoài Bắc, có đường dẫn cuối stt này. Trích đăng, tạm chia ra hai kỳ) (*)

Kỳ 1: LỄ HỘI Ở MIỀN NAM KHÔNG "HIẾN TẾ" BẠO LỰC

Sự khác biệt trong văn hóa lễ hội Nam Bắc, theo tôi, có nguồn gốc sâu xa từ sự khác biệt văn hóa giữa xứ Đàng Trong và xứ Đàng Ngoài, vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1600-1792).

Trong quá trình Nam tiến, đầu thế kỷ 17 khi đặt chân lên đất Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng và các cộng sự đã cương quyết BỎ LẠI một vài truyền thống Thăng Long Lê Trịnh - gồm thói hư học khoa bảng (học chỉ vì bằng cấp để làm quan); thói trọng nông ức thương; thói cảnh vẻ cửa quyền của cư dân và thói độc tôn, độc ngã, độc quyền Tống Nho của sĩ phu Thăng Long …

* Yếu tố TÔN GIÁO VĂN HÓA:

Phải nói rằng Phật giáo Đại thừa ở Đàng Trong (gần với Phật giáo Đại thừa nguyên bản, không pha lẫn tín ngưỡng dân gian), khi vào Nam Bộ hòa nhập khá nhuần nhuyễn với Phật giáo nguyên thủy Theravada của người Khmer. Nhờ đó, PHẬT GIÁO miền Nam nói chung trở nên bao dung, giản dị và phát triển rộng rãi hơn, và làm tiền đề cho việc hình thành các khuynh hướng Phật giáo khác ngoài Phật giáo truyền thống.

Một trong những thể hiện tiêu biểu của Phật giáo thực nghiệp, là Phật giáo HÒA HẢO tại đồng bằng sông Cửu Long. Về nhiều phương diện, hoàn toàn có thể coi Phật giáo Hòa Hảo là một hình thức "Tin Lành trong Phật giáo".

Cũng do tính chất đa nguyên tín ngưỡng, dễ dung hợp và bao dung của văn hóa miền Nam, mà ngay cả CÔNG GIÁO ở xứ Đàng Trong, và sau này là Nam Bộ, cũng ít bị kỳ thị và áp chế hơn nhiều so với Đàng Ngoài, Bắc Bộ. Chẳng hạn, ở miền Nam không có phong trào “bình Tây sát Tả”! Nhờ đó, Công Giáo phát triển mạnh hơn, đặc biệt sau 1954, khi có thêm cộng đồng Công giáo di cư từ miền Bắc.

Có lẽ đó cũng là nguyên nhân tại sao ở miền Nam TỈ LỆ CÁC LỄ HỘI TÔN GIÁO trong toàn bộ tổng số các lễ hội CAO HƠN rõ rệt so với miền Bắc.

Điều này có thể nhận thấy qua so sánh cơ cấu lễ hội hai tỉnh Cà Mau (miền Nam) và Hải Dương (miền Bắc). Tỉnh Cà Mau có tổng số 119 lễ hội, trong đó lễ hội tôn giáo có đến 79, còn lễ hội dân gian chỉ là 40. Trong khi đó, tỉnh Hải Dương có tổng cộng 723 lễ hội, thì lễ hội tôn giáo chỉ là 7, còn lễ hội dân gian lại có số lượng rất lớn đến 715.

*&*

Ảnh hưởng mạnh mẽ của các tôn giáo đã góp phần HẠN CHẾ MÊ TÍN DỊ ĐOAN trong các tín ngưỡng dân gian, lại cộng thêm tính thực tế của người làm ăn, nên ở miền Nam KHÔNG có các lễ hội đặc trưng thuần túy nông nghiệp có tính chất hiến tế BẠO LỰC, gắn với các từ "Chém", "Đâm", "Chọi", "Cướp"...

Thay cho Chọi trâu Đồ Sơn, ở miền Nam có Đua bò An Giang với kết thúc “có hậu’’ cho các tay bò đua (không bị giết mổ xẻ thịt đem bán, mà được thưởng những khẩu phần ăn hậu hĩnh).

Đồng thời, ở miền Nam cũng KHÔNG có các lễ hội có tính chất tranh đoạt, đối kháng quyết liệt nhằm CƯỚP “miếng giữa làng” (ấn, phết) theo tinh thần cửa Khổng sân Trình truyền thống như ở miền Bắc.

Đó là điểm khác biệt nổi bật, đáng lưu ý - trong văn hóa lễ hội của người miền Nam, so với miền Bắc!

----------------------------------------------------------------------

* Kỳ sau: Nhiều lễ hội miền Nam tổ chức ăn uống, nghỉ ngơi miễn phí, không hỗn loạn - vì sao?

(*) Nguồn bài gốc: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1141539349356914&id=100005025792996).

Hình ảnh: Lễ hội Đua bò An Giang diễn ra trong sự vui vẻ;

Kết thúc lễ hội Đồ Sơn là giết, xẻ thịt ngay lập tức những con trâu vừa được đem ra chọi, đem bán hốt bạc;

Cảnh hỗn loạn cướp ấn ở lễ hội đền Trần.




Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Từ cái chữ ra mạch sử

 TỪ CÁI CHỮ RA MẠCH SỬ

(stt xuất phát từ câu hỏi: "Phnom Penh, sao gọi là Nam Vang"?)

Ta nói việc chuyển ngữ Việt hóa là mượn cầu nối chữ Hán. Tỉ như Norway, chữ Hán ghi là , âm Việt-Hán là "Na Uy" đó đa! Người Tàu đọc là /Nuó wēi/ tức họ phiên âm (đọc na ná) với Norway; nhưng người Việt đọc khác hẳn, là "Na Uy" thì đây không phải là phiên âm nữa (âm đọc khác xa so với Norway) mà là chuyển ngữ Việt hóa. Vậy đó, Phnom Penh 金邊, âm Việt-Hán là "Kim Biên".

Ủa, sao không nói "Kim Biên"? Hai chữ "Nam Vang" từ đâu ra?

NAM VANG là tên gọi do vua quan người Việt đặt ra!

Vào năm 1835, lúc bấy giờ vua Minh Mạng đã cử Trương Minh Giảng tiến binh và sáp nhập Chân Lạp vào nước Đại Nam. Chân Lạp được đổi thành "Trấn Tây thành" (鎮西城), chỉ là một Trấn của nước Đại Nam mà thôi.

Việc cai trị tại "Trấn Tây thành" (Chân Lạp) đều do quan Việt sắp đặt, còn người Khmer tại đây chỉ đảm nhiệm việc nhỏ.

Trấn Tây Thành (Chân Lạp) được chia ra làm 33 phủ và 2 huyện. Hết thảy đều đặt tên Việt (không dùng tiếng Khmer). Phnom Penh đổi sang tên mới, gọi là "Nam Vang" - sự vẻ vang của nước Nam (Đại Nam).

Thời bấy giờ, kinh đô của Chân Lạp là Oudong (đây là kinh đô cuối cùng trước khi vương triều Khmer thiên đô về Phnom Penh vào năm 1866). Trong giai đoạn Chân Lạp sáp nhập vào nước Đại Nam, Oudong cũng đổi sang tên mới, gọi là "Tầm Vu" .

Việc sáp nhập Chân Lạp trở thành một "trấn" của nước Đại Nam khá ngắn ngủi, từ năm 1835 đến năm 1841.

Người Việt ở Sài Gòn, ở miền Tây hiện nay vẫn còn nhiều người theo thói quen gọi Phnom Penh là NAM VANG.

---------------------------------------------------------

Quí bạn vào Google, gõ "Trấn Tây thành" để biết chi tiết.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt