ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

Sự tích Cha Vincentê Nguyễn Vinh Phú

SỰ TÍCH CHA VINCENTÊ PHÚ

--------------------

Năm 1890 học trò trường Latinh Saigon bị cúm, cha Vincentê về nhà phụ ấm nghỉ, thì cha người biểu thôi, ở nhà làm thầy thuốc, song người không nghe, cứ giữ lời ông thánh Phaolồ: “Tôi không nghe tiếng bà con máu thịt”

Năm 1897 người chịu chức linh mục, Đức cha sai người xuống Mỹ Tho làm phó đi các họ: Xoài Mút, Chợ Bưng, Vỉnh Kim, Xoài Hột, rồi đổi qua Kinh Điều coi mấy họ Phú Đức, Phú Túc, Quới Sơn. Cách 4 năm người xuống cữa Balai coi họ Vũng Luông. Bổn đạo họ nầy là những người hạ bạc, cũng có bổn đạo nghèo khổ ở An Đức, và mấy họ nhỏ về cù lao Phú Đức xuống ở làm củi, lần hồi cất nhà lập xóm. Cha phải làm lưới chài đóng đáy cho dễ bề trợ dân cùng khỏi ở không. Chẳng may bão năm thìn 1904 phá tán nhà cữa bổn đạo, xô nhà thờ lụi hết. Cha con liệu điệu chở đồ xuống ghe xuống xuồng, ngược sông Balai tìm đất khẩn cho dân độ hồ khẩu. Cha thấy cuộc đất Kiến Vàng (Cánh Giàng) rộng lớn, thì cha lên Mỹ Tho vay mượn đặng khẩn đất và khai phá 100 mẫu ruộng. Chốn mới nầy là ổ cọp là tổ ăn cướp, đầy những chà là, mấm, vẹt, cóc kèn, bụi bờ dày bịt. Trọn trong mười bảy năm cha con xúm xít cực khổ, năm nào nước mặn lửng sớm thì cha phải lên Mỹ, lớp mượn lớp xin, đặng mua bắp bẹ về cho cha và dân ăn, để dành lúa làm mùa tới. Cha đốc dân trồng bí, trồng khoai ăn đỡ ngặt, cha cũng ăn như dân; bỡi xa chợ thì cũng phải đặt đó kiếm cá, tôm tép ăn cho đỡ tốn hao. Cha đem nhà thờ cũ Vũng Luông về làm nhà ở, và lo cất nhà thờ lợp lá su sơ. Cha ham việc hát xướng dọn dẹp nhà thờ cho xứng đáng oai quờn Chúa cả trời đất, giữa dân ngoại giáo, nên cha tập nội họ tưởng gẫm phe nam, phe nữ rập ràng khoan thay. Cha xin cha già Đường dưng cho họ một cái chuông cũng vừa. Hễ nghe chuông sớm tối, thì ai nấy phải bắt đầu đọc kinh không đặng bỏ. Mùa khô thì tối phải tựu vào nhà thờ đọc kinh chung, mùa ướt thì mỗi tuần một lần. Thật là thói rất lành. Dẫu nghèo khổ, cha cũng chẳng nệ tốn kém, rước Đức Cha tới tại họ xức trán đặng hai lần; cờ xí trống phách, pháo, nhạc, lọng kiệu, rước đưa đi tới ngàn thước.

Bỡi cha nhơn từ rộng rãi, nên trong họ đều nhờ nhỏi cha và thương cha lắm. Cha bỏ Kiến Vàng đã bốn năm, mà cũng như mới đổi, giàu nghèo cũng còn ngậm cơm cha và nhà cữa còn ở đất cha khai phá. Mấy năm cha ở Kiến Vàng, các cha lân cận vì tình cha cũng tới lui thăm viếng giúp cấm phòng, khi cha Villeneuve lại nhậm họ Vang Quới và các họ nhỏ, cũng hết lòng kính và thương cha như anh em ruột, đi đâu cũng ghé cha bàn tỉnh, giúp đỡ tiền bạc, cho chác của kia vật nọ, vì biết cha nghèo cực lắm. Cha cũng còn phải coi hai họ là Giồng Tre, và Cù Lao Lá. Đi Giồng Tre thì liền đàng đi ngựa, còn Cù Lao thì phải đi ghe ngược sóng ngược gió. Năm nào tới lễ Sinh nhựt cha cũng lo bong thủy lục đặng đi Cù Lao, cùng chịu các phần tổn phí, cho các họ đủ cơm nước đặng hiệp nhau cho dễ. Có năm cha dọn kiệu Chúa hài đồng, bỡi không nơi cao cho thiên thần bảo, nên mới trèo lên nhánh chưn bầu, rủi gãy té chụp đè mục đồng. Ai cũng tức cười, vì không sao hết.

Năm 1912 cha lập thêm họ Cù Lao Lá trên, chẳng may 1913 gió lớn thổi nhà thờ sập ngã xuống. Nhà cha ở tại Kiến Vàng cũng sập, nhà thờ lá cũng tốc hết, cha con lo tu bổ lại. Mấy năm cha ở Kiến Vàng, vì xa chợ nên mỗi tháng phải mướn ghe, đi tàu lên Mỹ Tho đặng mua đồ cần dùng, cùng lo việc riêng: tiền tàu tiền ghe ít là năm đồng mỗi chuyến. Cha cần mẫn lo khai phá khuôn đất Kiến Vàng: bờ ngay thẳng rộng lớn, trồng chưn bầu (trâm bầu) cho im mát và có củi chụm. Cha lựa phần xấu mà làm, còn phần tốt thì cho các con mướn rẻ mắt mà kiếm ăn.

Đức cha biết cha đã mệt mỏi, thì đem cha về Đất Đỏ. Cha về họ Đất Đỏ ngày thứ tư tuần thánh năm 1919, chở theo mình có ba cái rương đồ lễ áo quần, với hai valises, còn bao nhiêu cha chia cho các con tại Kiến Vàng hết.

Bấy lâu cha coi họ nhỏ, nay về họ lớn có hơn 1000 bổn đạo, cha liền tra tay làm các việc cũng như một cha còn trẻ. Rảnh việc dạy học trò, thì cha lo giồi mài hát xướng tập đờn, viết bản đờn, tập kia sang tập nọ, kinh hát đôi ba phần. Một cha trẻ quen thạo, thì chẳng nặng gì, mà cha già yếu, bỏ hát bỏ đờn trên 20 năm, mà còn lẽ nào tập đi sửa lại, thật công phu rất dày.

Cha dọn dẹp đất thánh cho có rào giậu và một khuôn cữa đá xanh, giữa dựng một bia thánh giá bằng ciment armé. Cha đã phố khuyến trong họ cho có mà làm đất thánh, và mua đặng một cây đờn cho xứng họ lớn. Cha còn xây lại hai khuôn cữa ngỏ vòng rào nhà thờ, cho có thứ tự khỏi kẻ ra người vô ban đêm. Cha muốn dọn dẹp nhà thờ cho trang hoàng, mà không đặng, vì xưa đã cất tuy chắc mà thấp thỏi lắm. Lần nào cha lên Bàrịa thấy dọn dẹp, thì cũng nói nhà thờ Đất Đỏ dọn vậy không đặng. Các cha bản sở cũng đốc cha lo làm nhà thờ mới. Nhứt là buổi cha Phaolồ Nhượng còn sanh tiền, cha không thấy tiền bạc đâu mà làm cho nổi, nên mới xin phép Đức cha trong tháng Septembre 1922 cho lập hội trong họ, chung cọng kẻ ít người nhiều, lâu lâu thành số bạc muôn mới dám tra tay.

Từ ngày thi hành góp đặng hai kỳ, kế cha li trần! ai ai cũng trông cha còn sống mà lo việc cho toàn hảo, như lòng cha sở ước.

Từ khi cha về coi họ Đất Đỏ, cha cũng đã đau một phen, tưởng không còn sức gánh vác; mà cha cũng gượng thuốc men cho khá, kẻo cực cho bề trên trong lúc eo hẹp các cha. Cha hay cảm, hay rét, nhứt là từ tháng Septembre năm ngoái, Đức Cha đổi cha sở Xuyên Mộc về Hồi Xuân, cha phải gánh thêm hai họ nhỏ cách xa 22 ngàn thước, chuyến nào cha đi làm lễ về thì mỏi mê đôi ba ngày, có khi trót tuần. Từ đây cha mới nói rằng: Bấy lâu tôi biết tôi già, mà chưa rõ; đi Xuyên Mộc về mới biết rõ, sợ e ăn chịu chẳng bao lâu. Như cứ vậy hoài khi phải xin đổi, hay là phải hưu trí. Than thì than, chớ cha cũng liệu phương tiện đi thăm hai họ nhỏ không bỏ, cũng không dám cho bề trên biết.

Cách một tháng trước khi cha chết, là ngày 27 Février, cha còn lo dọn dẹp làm lễ hát cho cha Phaolồ Nhượng và cha Thoma Nhựt rất trọng thể, làm đủ lễ nhạc. Có tám cha đến chầu lễ, cha còn coi cho đồng nhi hát ba phần rập ràng trong hai bữa. Chẳng dè cha coi hát ba phần lần nầy là lần sau hết, cách một tháng nữa cũng hát tiếp lại nữa, hát tới bốn phần (có phần khóc) mà cha nằm trở mặt ra im lìm không còn nghe chi nữa! Ngày 16 Mars cha phát nóng nảy đau mình quá cực; tưởng là cảm gió, không hay là trái trời, cha nói già rồi trái gì nữa. Bỡi vậy không rước thầy trái, cách một tuần mới hay mà trễ rồi, bị hơi, bị lặm, trái mọc trạt mình như về cơm cháy, đen thui, nhứt nhói quá sức.

Đức Cha nghe tin cha đau nặng thì thảm não cũng làm Tam nhựt, kính á thánh Minh và các á thánh Linh mục bổn quốc tử đạo, cầu nguyện cho cha an thuyên.

Đức Cha cũng xin cha sở Bàrịa liệu phương trợ giúp cha cho dễ chịu và mau mạnh. Trong ngoài có chín mười người giúp đỡ cha, thuốc men. Bà nhứt nhà phước Thủ Thiêm cũng sẵn lòng cho hai Dì nên trái rồi, vào ra nuôi cha.

Nội họ tối bữa nào cũng tựu lại nhà thờ, làm việc bảy sự cầu cho cha sở mình, cả ngày chong đèn bàn thờ Đức Mẹ. Cha sở Bàrịa cũng xin họ cầu nguyện cho cha. Hết thảy đều cậy trông phép Chúa, quan thầy thuốc tây đến thăm cha ba lần, đều lắc đầu, thầy thuốc annam cũng chê hết. Cha cực lực trót tuần, chẳng than một tiếng, lột da rát rao quá đỗi.

Chiều thứ sáu trước lễ lá, tôi đến có ý ở giúp cha luôn, vào thăm cha, cha hỏi tôi tưởng cha làm sao. Tôi ngậm ngùi làm thinh, vì hai năm cha còn ở Kiến Vàng tôi có dạy trong mấy họ của cha, đã mến cha rồi, và từ bốn năm cha về Đất Đỏ hằng tới lại giúp đỡ cha khi mệt mỏi, đã gần gũi cha, nay hết trông gặp cha cho lâu nữa, phần thấy trong họ ai thăm cha cũng sa nước mắt. Sáng Chúa nhựt lễ Lá cha xin tôi đem Mình Chúa, tôi gởi lời cho mấy người giúp cha, thưa với cha như cha xin rước lễ Viaticô, thì tôi đem liền, còn như cha xin rước lễ thường thì xin cha đợi, vì bịnh cha phải sợ cho kẻ khác, cha vui lòng chịu vậy.

Qua một giờ trưa cha mệt hơn thường, tôi lên an ủi cha dọn mình. Đúng bốn giờ tôi xin cha xưng tội, cha giục lòng ăn năn cùng lặp đi lặp lại rằng: Tôi buồn, tôi xưng hết các tội, cha nói nhiều không đặng vì mê mệt, và trái chận cứng cuốn họng, Tôi sửa soạn ban phép giải tội ba bốn lần, cha cứ nhắm tay biểu đợi đợi, cách nửa giờ cha chắp tay đánh ngực, tôi đọc và làm phép giải tội cho cha; cả mình tôi run sợ vì thấy giờ sau hết đã cho là kinh hãi!. Tôi hỏi cha bằng an không, cha nói bằng an, sẵn rồi. Tôi an ủi cha về đời sau, cha muốn khóc mà khóc không nổi, vì trái mọc sít con mắt cha. Cha và tôi dùng tiếng Latinh và Langsa cho dễ hơn, cha hối lấy áo surplisstola mặc vô, cha còn biểu lấy áo dòng mặc nữa, tôi xin cha thôi, vì tay cha sưng lớn, lại mặc áo dòng ngoài áo surplis stola sao đặng.

Rước lễ xong cha nằm xuống chịu phép xức dầu, nội đêm Chúa nhựt nầy chộn rộn quá, tứ phía nghe những tiếng khóc than; đèn trên lầu chong sáng cả đêm.

Mười giờ thứ hai tôi lên thăm cha, cha nói đã tới giờ, tới thì Chúa rồi. Tôi giục lòng cha trông cậy Chúa, thì cha nói tôi trông cậy ba lần và thêm in resurrectionem mortuorum, vì đã dưng hết cho Chúa, đã làm tôi Chúa trong... cha quên 26 năm thì tôi nói 26 năm, cha gật đầu. Tôi thấy bổn đạo khóc quá, thì tôi hỏi cha đi kẻ liệt không, cha nói không, tôi hỏi cha làm lễ Phục sinh ở đâu, cha rán giơ tay lên mà không nổi cùng nói ở trên trời; tôi còn hỏi nữa, cha làm lễ nhạc ngày thứ năm tuần thánh không, cha cũng nói không. Rồi cha nắm tay từ giã tôi, cùng xin tôi cho Đức Cha, cho cha Bàrịa và các cha hay đặng cầu nguyện cho cha khi cha chết rồi. Tôi xin cha đừng lo chi mấy đều ấy, sau hết cha xin tôi cầu nguyện cho cha, tôi cũng xin lại thì cha ừ. Một giờ trưa cha hối họ đọc kinh cho cha nghe, tôi cũng đọc các kinh theo lễ nhạc Hội thánh.

Cha làm xung chừng 2 giờ rưỡi đồng hồ, rồi yếu lần, 6 giờ rưởi cha còn hôn ảnh chuộc tội lần sau hết, rồi bất tỉnh; độ 9 giờ rưởi cha hoi hóp. Thấy xuất mồ hôi, tôi liền đọc tiếp các kinh đưa vừa rồi cha tắt hơi, thiếu một khắc nữa 10 giờ. Mở các cữa nhà cha ở xong, ba chuông trên tháp liền vang vầy một chặp, rồi đổ giọng trầm, báo tin cho đạo ngoại biết cha Vincentê dã lìa thế! Thảy đều rúng động. Họ tựu lại cầu lễ cho cha, cùng liệu phần tống táng, lao xao trót đêm tới sáng. Mà tội nghiệp! Cha mang bịnh nầy ai cũng sợ hơi, không dám đến gần, ở xa mà khóc.

Sáng tôi làm lễ hát cho cha, quan chủ tĩnh sai quan thầy thuốc tây xuống coi việc tẩn liệm cha cho hắn hòi, kẻo lây cho kẻ khác. Đổ mười thùng vôi bột vào săng trên dưới đón hơi, rồi đem quan tài vô nhà thờ, các họ tựu lại cầu lễ cho cha liên tiếp. Thầy thuốc còn lo việc khử độc, dạy phất giấy nhựt trình nội từng nhà cha

cho kín, đốt năm kilos sanh, bít các cữa lại hết để luôn 20 ngày, mới cho mở. Coi rất nên buồn bực!.

Đức Cha đặng dây thép cha đã qua đời, thì đánh dây thép lại nói Ngài đi mai táng cha chẳng đặng, vì mắc thứ năm tuần Thánh. Các cha cũng mắc lo họ mình nội tuần nầy không đi đặng, nên sáng thứ tư đúng 6 giờ có mình cha sở Bàrịa đến làm lễ hát trọng thể, cùng đưa cha ra phần mộ.

Cha đã công khó với họ, nên đã lo đủ đều mà xây kim tỉnh cho cha, năm thợ xây trót đêm mới kịp. Cha nằm trước cây thánh giá lớn trong đất thánh với các con, mà đợi ngày sống lại vinh hiển.

Xưa cha vào Đất Đỏ trúng thứ tư Tuần Thánh, nay cách 4 năm cha ra đất thánh cùng một ngày.

Tên cha chỉ giàu có, mà thật khó khăn, cha chết rồi, mở tủ không thấy dư đồng nào. Vì có bao nhiêu thì cha dùng nuôi dưỡng giúp đỡ người ta: Lớp cha cho mượn mà họ chưa trả, may phước cha còn thiếu đủ chút đỉnh, mấy chỗ cha giùm giúp có trả đủ, thì đủ ăn đủ chung vậy.

(Chung)

PAUL X.

Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1923

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

Sự tích Cha Bề trên Liễu

Sự tích Cha Bề trên Liễu

-----------------

Cha Pierre-Marie Lallement

Vêrô-Maria LALLEMENT sinh ra năm 1850, trong tĩnh Loire Inferieure, tại Pouliguen, ở sát mé biển Océan Atlantique. Khi đã đến tuổi, thì người vào trường tại thành Nantes, học sử kinh, cách vật mấy năm, đua tranh cùng kẻ trang tác chẳng chịu thua ai; song lòng không tham danh vọng đời nầy; nên đã giã từ thế sự mà vào hàng Hội thánh. Người chịu chức thầy cả khi đặng 24 tuổi. Cách ít tháng sau, dầu cha mẹ anh em khóc lóc, thì người cũng bứt ra mà đi, sang kinh thành Paris, vào trường Dòng Sai, tế lễ mình mà qua rốt cõi Đông Dương, giảng truyền đạo thánh cho sáng danh Chúa và cứu linh hồn người ta.

Ở tại trường ấy một năm, đoạn bề trên sai người qua Nam Kỳ, người lên đàng mà sang đây cùng một lượt với cha Thượng (Génibrel), và cha Giáo (Ritter), là ngày 30 Juin 1875. Vừa tới nơi thì Đức Cha Mĩ cho người đi học tiếng tại Bà Rịa và Cái Mơng; qua năm 1877 thì người đổi về Nhà Trường dạy chữ nghĩa văn chương và cách vật trong vòng bốn năm. Đang khi ấy người cũng lãnh việc lo tập học trò hát xướng, cùng giúp dạy lẽ đạo trong trường thầy dòng (Collège d’Adran) cùng lo về Nhà Phước Kín.

Qua năm 1880 thì người lại đổi lên Tha La, kế trở xuống coi họ Tân Định, mà chẳng đặng bao lâu lại phải sang Biên Hòa, ở chừng bảy năm, thì người lại đổi xuống Vĩnh Long đầu năm 1887, mà ở đó cho đến khi tạ thế. Năm 1901 Đức Cha Mão đã đặt người lên là Bề trên.

Việc bổn phận thì người làm hẳn hòi kỷ lưỡng, chẳng kỳ trọng hèn, chẳng khinh, chẳng trễ việc nào sốt. Mà nhứt là người ái mộ mở mang đạo thánh. Trong hai mươi năm dư người coi sở Vĩnh Long thì ân cần lập thêm họ nhỏ, lo cho có các thầy Nhà Trường giúp người mà dạy chỗ nọ chỗ kia, kiếm thêm chầu nhưng, nên coi trong sổ chầu nhưng xưa đã in ra, thì thường thấy Vĩnh Long thắng số đạo mới chịu phép rửa tội.

Người ngay chính thẳng phép, chẳng thiên tư; kẻ không biết thì đồn rằng gắt gỏng, song biết người cho thiệt thì phải mến thương; ai ngay thật tin cậy, thì người yêu dấu và lo giúp tận tình. Bỡi vậy tuần trước, khi đặng tin cha đau nặng, thì con cái trong họ và cha phó tuôn rơi châu lụy, vì sợ phải lìa cách cha lành; và khi đặng tin người qua đời, thì có kẻ bỏ hết mọi việc, tuốt lên Sài Gòn có ý xin chở xác người về mai táng trong nhà thờ người đã cất.

Người lo giúp linh hồn kẻ khác, mà chẳng quên phận mình; chẳng khi nào ở không nhưng; rảnh việc họ thì người ở trong nhà thờ chầu Chúa, hay là lo xem sách vở ở nhà. Người siêng học những sách anh danh về bác vật, cách vật, phong hóa và phép trị linh hồn; nhứt thiết người ưa học sách các thánh sư latinh, người đọc, gẫm, dịch ra và giải nghĩa nữa.

Một sự người ước ao lắm là lo cho con nhà An Nam đặng có những sách hay trong tiếng bổn quốc, cho đặng ham coi, ham học. Khi người gặp đặng kẻ thông thuộc lịch lãm và sẵn lòng, thì người cậy giúp người mà diễn sách tây ra tiếng quốc âm cho đặng tấn phát việc ấy. Người cũng đã thử mà chép một hai truyện và làm sách phần ngày Lễ và sách Tiểu kỳ hoa ông thánh Phanxicô, cho đặng giúp bổn đạo. Khi Đức Cha lập tờ “Nam Kỳ Địa Phận”, thì người mừng rỡ lắm, và sẵn lòng giúp mà chỉ bảo thế thần, cho đặng giục lòng bổn đạo ham xem những bài khéo viết tiếng êm.

Đang lúc lo toan nhiều đều, chẳng hay Chúa lên tiếng gọi người về quê mà ban thưởng.

Người yếu tì vị hay đau. Song thường khi, đau ít lâu, rồi lại mạnh; phen nầy người tưởng thuốc cũng trị đặng như mọi khi, nên đau đã hai tháng mà chẳng lo chi mấy. Song bịnh lần lần dủ nhựt dủ tăng, quan thầy lo trị hết lòng mà vô ích. Tới ngày 19 Décembre thì có tin rằng bịnh trượng cửu tử nhứt sanh; Đức Cha bèn đi thăm, trông cậy tại Sài Gòn có quan thầy Angier cao tay, may chữa đặng; nên chở người về Sài Gòn. Chiều 22 tới nơi thì vào nhà thương lập tức, mà người đã yếu sức quá, chẳng còn nói năng đặng nữa. Qua bữa sau người chịu các phép bí tích, và ngày 24, chín giờ ban mai, linh hồn người ra khỏi xác về chầu lễ Sinh Nhựt trên trời, sống đặng 58, giảng đạo tại Nam Kỳ hơn 33 năm.

Chiều lễ cả, các cha xung quanh tựu lại tại Nhà Trường, đưa xác người vào Lăng Cha Cả, mà mai táng tại đó làm một cùng các cha Dòng Sai.

Xin cha Bề trên về chầu Chúa vinh quang an nhàn tự tại, hãy nhớ đến con cái Cha còn đang lao lực ở chốn cách đày và cầu bàu cho các con Nam Kỳ đặng trung thành kính Chúa, hầu ngày sau cũng đặng hiệp vầy cõi thọ muôn đời.

Mátthêu Đức

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1909

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

Sự tích Cha Gioang Nguyễn Phi Long

 Sự tích Cha Gioang Nguyễn Phi Long

-----------------

Nên lấy lời Sách Thánh nầy rằng: “Lạy Chúa, tôi đã trông cậy Chúa, thì tôi chẳng hề phải thẹn thuồng xấu hổ đời đời” mà nói về cha Gioang Nguyễn Phi Long, là linh mục bổn quốc mới sinh thì, hôm 17 Avril nầy.

Thật cha Gioang nầy là kẻ đã tin cậy Chúa hết lòng: từ thuở niên ấu cho đến khi chết, người đã phú trót mọi việc trong tay Chúa sở định. Biết mấy cơn gian nan hiểm trở, biết mấy lần đã phải ngậm chua nuốt đắng! Song người khắng khắng một bề rằng: trên trời có Chúa sẽ trả công cho phô người vác thánh giá theo chơn Chúa, chẳng hề sau chậy.

Cha Gioang quê ở Tân Xuân (Thủ Ngữ); thuở nhỏ người vào dưng mình cho Chúa, học tại trường Latinh Sài Gòn. Học đặng mười tám năm, bề trên giao cho người cả Bưng Tầm Lạc, bắt từ sông Bến Lức qua đến sông Thủ Dầu Một, lặng lội giáo huấn mấy xứ luôn ba năm: nào Rạch Thiên, Rạch Gần, Trợ Bí, Bàu Công; nào Bến Nẩy, Bến Cỏ, Bàu Tre, Mỹ Khánh, Suối Cụt, Trảng Bàn, người đi đã đủ. Ban đầu còn dù còn nón, đến sau phải đi đầu trần mà chịu.

Khỏi ba năm bề trên đòi về trường, phong chức cho người và dần dần sau người đã đặng chịu chức thầy cả, là năm 1887 tháng Septembre.

Chịu chức thầy cả đoạn, Đức cha sai người trấn nhậm mấy họ nhỏ theo sông Vĩnh Long đi xuống: họ An Hương, họ Mỹ Điền, họ Thủy Thuận; coi lên đến Cái Tàu Hạ, xép Mù U, Nha Mân. Người làm việc trong địa sở Vĩnh Long 14 năm trọn, lập họ Cái Muối, Cái Ớt, Cái Dâu, Phụng Đức. Bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu của cải, người rải phân cho chầu nhưng, đạo mới, chẳng khi nào người để trong nhà đặng hơn 15 đồng bạc bao giờ. Ghe lần người đã thiếu thốn, anh em khuyên người phải dự phòng, thì người đáp lại rằng: của Chúa vô cùng; ta tin cậy Chúa, thì Chúa chẳng bỏ ta.

Có lần kia người hết lúa ăn, bèn đi Vĩnh Long vay đặng một chục giạ, chở về; nội trong một giờ, bổn đạo chạy tới chia nhau hết sạch; người phải trở xuống, đi Bãi Xan mà lo lớp khác, chẳng phàn nàn một tiếng.

Đức rộng rãi người đã lớn, mà còn lòng hiền lành nhịn nhục người lại trổi hơn nữa.

Người ở với kẻ bề trên thì hết lòng cung kính khâm phục; kẻ bề dưới người đầy lòng thương yêu; vuối liên hữu thì tràn lòng hòa thuận, chẳng khi nào thấy người tỏ mặt giận ai hay là ai thấy người làm mất lòng đều chi. Mà khen nhứt là chẳng khi nào người nói về lỗi kẻ khác bao giờ. Người nhịn nhục và hiền lành mọi bề, đến đỗi năm Toàn xá kia, bề trên sai người đi giảng cấm phòng họ nọ, thế cho một thầy linh mục phải trở việc. Người vưng lời đi tới nơi, thì kẻ lớn trong hàng các chức rảy xua người nặng nề trước mặt. Song người hằng bằng tịnh cứ làm việc bổn phận vui lòng, nên kẻ nghịch người đã phải thua, mà ăn năn hối cải, lo việc toàn xá.

Mười mấy năm lao lực những chạy Tần chạy Sở, nuôi đoàn chiên Chúa và hồn và xác, nên đã hao mòn mệt nhọc, bề trên bèn định người đi nơi khác để dưỡng sức lại một thí. Song hỡi ôi! Thánh ý Chúa chẳng muốn cho vai người rời thánh giá. Người đến chỗ mới chưa đặng bao lâu lại phải dời sang nơi khác. Người đổi đi Long Kiên (tĩnh Bà Rịa), là chốn trệ khí, rừng cao, nước độc, ai đến đó đều phải mang bịnh mà chẳng lo thôi rồi, thì ắt sao cũng phải bỏ mình mà chớ.

Cha Gioang vừa tới Long Kiên vài tuần, thì đã phải mang lấy bịnh rét luôn, cho tới chết, không tháng nào dứt đặng. Sắc diện người một ngày một ra vàng vọt, da thịt người càng lâu càng rút, ai thấy thì đều đoán người chẳng sống đặng bao lâu nữa. Dầu vậy người cũng chẳng nỡ than một lời, tỏ lòng ao ước cho khỏi chốn cực khổ. Ý Chúa sở định thể nào, thì người vui lòng lãnh vậy.

Hôm sau lễ Phục Sinh nầy, trời nóng nực, người mệt nhọc hơn, tính nghỉ ít bữa cho khoản khoát, thì người đã đi Vĩnh Long, có ý thăm mấy họ người đã lập xưa mà an ủi đôi lời, vì rày đã phải mồ côi cách bạn xa thầy. Người vừa đến Cái Muối bèn thọ bịnh mà sinh thì!

Hỡi ôi! người đời thấp thoản bóng đèn hoa,

Mới thấy đó phút liền khuất đó!!!

Lương Bằng

KÍNH ĐIẾU CHA NGUYỄN PHI LONG NHỨT ĐỀ

-----------------

Ông trời ôi, số phận mần răn?

Long Kiên rày đà mất kẻ chăn!

Cái Muối đam thân vùi mất tích,

Vĩnh Long gởi cốt táng yên lăng,

Trẻ hài chạnh nhớ lời khuyên nhủ,

Bà Phước buồn rầu chẳng nói năng,

 

Thăm bấy tử sanh, sanh bất tử!

Ôi thôi! Thánh ý biết mần răn!

Hỡi ôi!

Cầu Kho

------------------------------

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1909