Sự tích Cha Gioang Nguyễn Phi Long
-----------------
Nên lấy lời Sách Thánh nầy rằng: “Lạy Chúa, tôi đã trông cậy Chúa, thì tôi chẳng hề phải thẹn thuồng xấu hổ đời đời” mà nói về cha Gioang Nguyễn Phi Long, là linh mục bổn quốc mới sinh thì, hôm 17 Avril nầy.
Thật cha Gioang nầy là kẻ đã tin cậy Chúa hết lòng: từ thuở niên ấu cho đến khi chết, người đã phú trót mọi việc trong tay Chúa sở định. Biết mấy cơn gian nan hiểm trở, biết mấy lần đã phải ngậm chua nuốt đắng! Song người khắng khắng một bề rằng: trên trời có Chúa sẽ trả công cho phô người vác thánh giá theo chơn Chúa, chẳng hề sai chậy.
Cha Gioang quê ở Tân Xuân (Thủ Ngữ); thuở nhỏ người vào dưng mình cho Chúa, học tại trường Latinh Sài Gòn. Học đặng mười tám năm, bề trên giao cho người cả Bưng Tầm Lạc, bắt từ sông Bến Lức qua đến sông Thủ Dầu Một, lặng lội giáo huấn mấy xứ luôn ba năm: nào Rạch Thiên, Rạch Gần, Trợ Bí, Bàu Công; nào Bến Nẩy, Bến Cỏ, Bàu Tre, Mỹ Khánh, Suối Cụt, Trảng Bàn, người đi đã đủ. Ban đầu còn dù còn nón, đến sau phải đi đầu trần mà chịu.
Khỏi ba năm bề trên đòi về trường, phong chức cho người và dần dần sau người đã đặng chịu chức thầy cả, là năm 1887 tháng Septembre.
Chịu chức thầy cả đoạn, Đức cha sai người trấn nhậm mấy họ nhỏ theo sông Vĩnh Long đi xuống: họ An Hương, họ Mỹ Điền, họ Thủy Thuận; coi lên đến Cái Tàu Hạ, xép Mù U, Nha Mân. Người làm việc trong địa sở Vĩnh Long 14 năm trọn, lập họ Cái Muối, Cái Ớt, Cái Dâu, Phụng Đức. Bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu của cải, người rải phân cho chầu nhưng, đạo mới, chẳng khi nào người để trong nhà đặng hơn 15 đồng bạc bao giờ. Ghe lần người đã thiếu thốn, anh em khuyên người phải dự phòng, thì người đáp lại rằng: của Chúa vô cùng; ta tin cậy Chúa, thì Chúa chẳng bỏ ta.
Có lần kia người hết lúa ăn, bèn đi Vĩnh Long vay đặng một chục giạ, chở về; nội trong một giờ, bổn đạo chạy tới chia nhau hết sạch; người phải trở xuống, đi Bãi Xan mà lo lớp khác, chẳng phàn nàn một tiếng.
Đức rộng rãi người đã lớn, mà còn lòng hiền lành nhịn nhục người lại trổi hơn nữa.
Người ở với kẻ bề trên thì hết lòng cung kính khâm phục; kẻ bề dưới người đầy lòng thương yêu; vuối liên hữu thì tràn lòng hòa thuận, chẳng khi nào thấy người tỏ mặt giận ai hay là ai thấy người làm mất lòng đều chi. Mà khen nhứt là chẳng khi nào người nói về lỗi kẻ khác bao giờ. Người nhịn nhục và hiền lành mọi bề, đến đỗi năm Toàn xá kia, bề trên sai người đi giảng cấm phòng họ nọ, thế cho một thầy linh mục phải trở việc. Người vưng lời đi tới nơi, thì kẻ lớn trong hàng các chức rảy xua người nặng nề trước mặt. Song người hằng bằng tịnh cứ làm việc bổn phận vui lòng, nên kẻ nghịch người đã phải thua, mà ăn năn hối cải, lo việc toàn xá.
Mười mấy năm lao lực những chạy Tần chạy Sở, nuôi đoàn chiên Chúa và hồn và xác, nên đã hao mòn mệt nhọc, bề trên bèn định người đi nơi khác để dưỡng sức lại một thí. Song hỡi ôi! Thánh ý Chúa chẳng muốn cho vai người rời thánh giá. Người đến chỗ mới chưa đặng bao lâu lại phải dời sang nơi khác. Người đổi đi Long Kiên (tĩnh Bà Rịa), là chốn trệ khí, rừng cao, nước độc, ai đến đó đều phải mang bịnh mà chẳng lo thôi rồi, thì ắt sao cũng phải bỏ mình mà chớ.
Cha Gioang vừa tới Long Kiên vài tuần, thì đã phải mang lấy bịnh rét luôn, cho tới chết, không tháng nào dứt đặng. Sắc diện người một ngày một ra vàng vọt, da thịt người càng lâu càng rút, ai thấy thì đều đoán người chẳng sống đặng bao lâu nữa. Dầu vậy người cũng chẳng nỡ than một lời, tỏ lòng ao ước cho khỏi chốn cực khổ. Ý Chúa sở định thể nào, thì người vui lòng lãnh vậy.
Hôm sau lễ Phục Sinh nầy, trời nóng nực, người mệt nhọc hơn, tính nghỉ ít bữa cho khoản khoát, thì người đã đi Vĩnh Long, có ý thăm mấy họ người đã lập xưa mà an ủi đôi lời, vì rày đã phải mồ côi cách bạn xa thầy. Người vừa đến Cái Muối bèn thọ bịnh mà sinh thì!
Hỡi ôi! người đời thấp thoản bóng đèn hoa,
Mới thấy đó phút liền khuất đó!!!
Lương Bằng
KÍNH ĐIẾU CHA NGUYỄN PHI LONG NHỨT ĐỀ
-----------------
Ông trời ôi, số phận mần răn?
Long Kiên rày đà mất kẻ chăn!
Cái Muối đam thân vùi mất tích,
Vĩnh Long gởi cốt táng yên lăng,
Trẻ hài chạnh nhớ lời khuyên nhủ,
Bà Phước buồn rầu chẳng nói năng,
Thăm bấy tử sanh, sanh bất tử!
Ôi thôi! Thánh ý biết mần răn!
Hỡi ôi!
Cầu Kho
------------------------------
.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1909
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét