ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

Áo dài, Quốc phục Việt: Nam - Khăn đóng, Nữ - đội Mấn

 ÁO DÀI, QUỐC PHỤC VIỆT:

NAM - KHĂN ĐÓNG, NỮ - ĐỘI MẤN

* Coi đi, chân dung vua Hàm Nghi trong trang phục áo dài khăn đóng; hoàng hậu Nam Phương mặc áo dài đội mấn. Toát lên thần thái tự trọng và tự tôn trong trang phục truyền thống của dân Việt. Tuyệt đẹp!
* Hồi năm 2006 Hà Nội đăng cai hội nghị APEC. Dùng trang phục gì cho chủ nhà và cho các khách mời? Mặc vest thì không có nét riêng của "chủ nhà" Việt Nam. Hay là mặc đại cán bốn túi, giống như thời kỳ các nhà lãnh đạo VNDCCH toàn đại cán hết ráo? Ngặt cái, mặc đại cán - nói cho cùng - là đặc trưng bên Tàu chớ không phải Việt.

Các chuyên viên ở Vụ Mỹ thuật (Bộ Văn hóa) bàn với nhau là may áo dài. Lúc đó có người e ngại: mặc áo dài thì có khác nào ... lặp lại phong cách trang phục của Tổng thống Ngô Đình Diệm thời Đệ nhứt Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam trước kia. Tổng thống Ngô Đình Diệm thời đó mỗi khi tiếp quốc khách, tỉ như tiếp Quốc vương Thái Bhumipol qua thăm Sài Gòn 1960, ông đều mặc áo dài khăn đóng một cách long trọng.

Sao, trang phục đúng với bản sắc truyền thống của người Việt mà "e ngại"? Thành thử hồi APEC 2006, cuối cùng, cũng xuất hiện áo dài (thiết kế có nhiều màu).

* Áo dài trở thành QUỐC PHỤC VIỆT, thật tuyệt, nhưng đã nói thì nói cho tới đầu tới đũa như sau:
Áo dài không thôi, cũng đẹp, NHƯNG trong những cuộc gặp trang trọng, lịch lãm thì đàn ông phải có KHĂN ĐÓNG & đàn bà phải ĐỘI MẤN thì mới đúng lễ thức truyền thống, làm nổi bật bản sắc Việt trong trang phục đó đa!

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
---------------------------------------------------------------------
Hình ảnh: (hình thứ nhứt) Hoàng hậu Nam Phương trong quốc phục Việt (áo dài, đội mấn) khi đến thăm Vatican năm 1939;

(hình thứ nhì) Vua Hàm Nghi;
(hình thứ ba) Tổng thống Ngô Đình Diệm tiếp đón Quốc vương Thái Bhumipol 1960;
(hình thứ tư) Khách mời tại APEC 2006 mặc áo dài theo thiết kế của "chủ nhà Việt Nam".






 

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

Tên gọi các Giáo phận Công giáo tại Việt Nam

 Ghi chú đôi điều...

* Tổng giáo phận tpHCM (Arcidiocesi di Hôchiminh Ville), xin chú ý, là nằm trong GIÁO TỈNH SÀI GÒN (Provincia ecclesiastica di Saigon)!
* Có một số "dân chủ viên" làm ra vẻ thân thiết với Công giáo nhưng, bất chợt, lại đưa ra những "giải thích" xuyên tạc Công giáo.
Stt này ghi chú lai rai, qua đó cho thấy sự ngô nghê trong "giải thích" của dân chủ viên (VietmocRATs).

A/ Cả thảy ở Việt Nam hiện nay có 27 giáo phận. Bên Công giáo phân chia giáo phận dựa theo địa giới hành chánh hiện hành? KHÔNG PHẢI VẬY. Mà có sự phân chia khác biệt, độc lập với "bên đời".

* Xem bản đồ đính kèm, để thấy địa giới & cách gọi tên của các Giáo phận là không hẳn hoàn toàn trùng khớp với địa giới tỉnh thành hiện nay.

Chẳng hạn "Giáo phận Bùi Chu", làm gì trên đất nước này có tỉnh gọi là "Bùi Chu"? Giáo phận Bùi Chu nhỏ hơn địa giới của tỉnh Nam Định (giáo phận Bùi Chu chỉ gồm 6 huyện trong 9 huyện của tỉnh Nam Định, và thêm một phần của thành phố Nam Định). Bùi Chu là một tên gọi xưa ơi là xưa, dù vậy vẫn được dùng để định danh cho một Giáo phận hiện nay.

Hoặc, "Giáo phận Cần Thơ" đã định danh từ trước 1975. Sau "ngày tiếp quản", khoảng năm 1976 thì Cần Thơ không còn là tỉnh mình ên mà sáp nhập và đổi tên thành tỉnh Hậu Giang. Nhưng, Giáo phận Cần Thơ không đổi tên theo là "giáo phận Hậu Giang", mà vẫn giữ như trước.
(hiện nay Cần Thơ không còn nhập cục trong Hậu Giang nữa, mà đã lấy lại vị thế là "Thành phố Cần Thơ").

B/ Còn "Tổng giáo phận tpHCM" thì sao? Cũng không ăn khớp cho lắm so với địa giới hành chánh của tpHCM. Đó, huyện Củ Chi thuộc tpHCM, nhưng lại không thuộc "Tổng giáo phận tpHCM" mà thuộc về Giáo phận Phú Cường.
Ở trong nước khi giao dịch giấy tờ, ghi là "Tổng giáo phận tpHCM". Nhưng trong sinh hoạt hội đoàn, phổ biến nhứt lại là tên gọi "Tổng giáo phận Sài Gòn". Ở nước VN thời nay nó vậy, linh động, ứng biến đủ kiểu.

Quí bạn có biết, tên gọi "Tổng giáo phận tpHCM" được dùng ngay trong văn bản từ Tòa thánh Vatican? Là: "Arcidiocesi di Hôchiminh Ville". Nhưng đồng thời cũng được định danh rõ rành "Arcidiocesi di Hôchiminh Ville" là nằm trong GIÁO TỈNH SÀI GÒN (Provincia ecclesiastica di Saigon).
Nói cách khác, bao trùm lên trên "Tổng giáo phận tpHCM" là Giáo tỉnh Sài Gòn!

Đối với những tín hữu Công giáo Việt Nam, hết thảy cần biết mạch lạc như trên, để có ứng xử thích hợp trong tâm tình hiệp thông với Tòa thánh Vatican (không để cho "dân chủ viên" thọc gậy bánh xe, kích động gây chia rẽ).

C/ Có 27 Giáo phận, thuộc về 3 GIÁO TỈNH (Provincia ecclesiastica) - là Giáo tỉnh Hà Nội, Giáo tỉnh Huế, và Giáo tỉnh Sài Gòn.

GIÁO TỈNH SÀI GÒN gồm: 1/ Tổng giáo phận tpHCM, 2/ giáo phận Đà Lạt, 3/ giáo phận Phan Thiết, 4/ giáo phận Bà Rịa, 5/ giáo phận Xuân Lộc, 6/ giáo phận Phú Cường, 7/ giáo phận Mỹ Tho, 8/ giáo phận Vĩnh Long, 9/ giáo phận Cần Thơ, và 10/ giáo phận Long Xuyên.

GIÁO TỈNH HUẾ gồm: 1/ Tổng giáo phận Huế, 2/ giáo phận Đà Nẵng, 3/ giáo phận Qui Nhơn, 4/ giáo phận Nha Trang, 5/ giáo phận Kon Tum, và 6/ giáo phận Ban Mê Thuột.

GIÁO TỈNH HÀ NỘI gồm: 1/ Tổng giáo phận Hà Nội, 2/giáo phận Hưng Hóa, 3/ giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng, 4/ giáo phận Bắc Ninh, 5/ giáo phận Hải Phòng, 6/ giáo phận Thái Bình, 7/ giáo phận Bùi Chu, 8/ giáo phận Phát Diệm, 9/ giáo phận Thanh Hóa, 10/ giáo phận Vinh, và 11/ giáo phận Hà Tĩnh.

D/ Tôi đọc thấy một số "dân chủ viên" khen Công giáo hiện nay có hệ thống tổ chức chặt chẽ, với thiết chế quân chủ (nhà nước trung tâm là Vatican) với các Hồng Y lãnh đạo từng giáo hội mỗi quốc gia. "Khen" bề mặt mà kỳ thực là sự xuyên tạc, nhưng xuyên tạc hết sức ngớ ngẩn!

Làm gì có sự kế tục "quân chủ" ở đây? Vị lãnh đạo cao nhứt của Giáo hội Công giáo hoàn vũ là đức Giáo tông (người Công giáo thường gọi một cách trân trọng là "Papa", "Pope", "Đức Thánh Cha"): tước vị này hiện nay được bầu chọn bởi Hồng Y đoàn họp lại để bỏ phiếu - chớ làm gì có "nối ngôi" mặc định, kiểu quân chủ?

Càng ngớ ngẩn khi "dân chủ viên" khẳng định các Hồng Y được phân bổ quyền lực cầm trịch tại từng giáo hội địa phương. Đây, nói ngay về Hội đồng giám mục Việt Nam (HĐGM VN). Các ngài họp lại để bầu ra các ủy ban, bầu ra chức vị Chủ tịch & Phó Chủ tịch theo nhiệm kỳ. Việc bầu chọn này hoàn toàn tùy thuộc vào sự chọn lựa TỰ DO của các vị giám mục địa phương (làm gì có sự "cài cắm" Hồng Y nắm quyền!).

Ở Việt Nam vào lúc này có hai Hồng Y là Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, và Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - nhưng hai ngài đâu có "cầm trịch lãnh đạo" - theo lối nói bừa của dân chủ viên.

Chủ tịch HĐGMVN, qua bầu chọn trong các vị giám mục, hiện nay là Giám mục Giu-se Nguyễn Chí Linh (Tổng giáo phận Huế), Phó Chủ tịch HĐGM là Giám mục Giu-se Nguyễn Năng (Tổng giáo phận Sài Gòn).

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-------------------------------------------
Bản đồ 27 Giáo phận tại VN (hình 1);
Các vị Hồng Y, Giám mục VN đương nhiệm (hình 2);
GM Giu-se Nguyễn Chí Linh (Tổng giáo phận Huế, được bầu làm Chủ tịch HĐGM VN), GM Giu-se Nguyễn Năng (Tổng giáo phận Sài Gòn, được bầu làm Phó Chủ tịch HĐGM VN) (hình 3).




Thứ Năm, 10 tháng 12, 2020

Ý nghĩa thực sự của lá cờ Đức Quốc Xã?

 Ý nghĩa thực sự của lá cờ Đức Quốc Xã? Có người nói như ri: "đó là chữ vạn ngược”, người khác thì nói "chữ thập ngoặc". Trời đất, cái hình nó như vậy, có mắt ắt phải thấy. Quan trọng là phải biết vận dụng trí não để tìm hiểu tại sao lá cờ sử dụng biểu tượng đó.

BIỂU TƯỢNG QUỐC XÃ KHÔNG PHẢI "SWASTIKA"! VẬY, NGHĨA GÌ?
Nhiều thập niên qua mọi người ở VN vẫn nghĩ và vẫn nói rằng biểu tượng trên lá cờ Quốc xã Đức là "chữ vạn (SWASTIKA)...ngược". Cách diễn đạt "chữ vạn ngược" này chẳng qua để ráng gọi là... phân biệt với chữ vạn (swastika) trong Phật giáo. Chữ "vạn" hay "vạn ngược", thực ra, cũng rứa - chỉ cần xoay đổi chiều, xoay đổi hệ qui chiếu thì giống nhau làm một.

Tôi lấy làm khó hiểu: quái, Đức Quốc Xã có biết gì về "swastika" bên Phật giáo/Ấn Độ giáo mà lấy biểu tượng này? Mà giả sử họ lấy "chữ vạn", là nhằm biểu thị cái gì trong chủ thuyết của Hitler? Chẳng thấy ai phân tích, mà chúng ta cứ à uôm với nhau bảo rằng cờ Đức Quốc xã là "chữ vạn"... ngược!

Đến bây giờ tôi mới biết, và ngạc nhiên vô kể, khi đọc được một khảo cứu của tiến sĩ sử học Rex Curry. Ông cũng đồng thời là nhà biểu tượng học (symbologist). Theo diễn giải của Rex Curry, Đức Quốc Xã chưa bao giờ gọi biểu tượng trên lá cờ của họ là "Swastika", mà biểu tượng này - thực ra - tương đồng với một dấu hiệu của người Đức thời cổ xưa, dùng thay cho mẫu tự "S"! ("resembles an ancient German rune used for the letter S").

Mẫu tự S ở đây là mẫu tự đầu tiên của chữ "Sozialismus", viết theo tiếng Đức (tức "Socialism") (the "S" letters stand for "Socialism")!

Bởi vì, NAZI (Quốc Xã) là cách gọi tắt từ "Nationalsozialismus" ("Chủ nghĩa xã hội quốc gia"). Và tên gọi chính thức của đảng phái do gã đồ tể Hitler cầm trịch là đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei).

Xin nhắc lại, theo TS Rex Curry, biểu tượng trên lá cờ Đức Quốc xã là biểu tượng của “chữ S”! Cờ Đức Quốc Xã là “cờ chữ S” (“Sozialismus").

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt





 

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

Giản dị

 Đang thời... mắc dịch, ở nhà, thủng thẳng mà hồi tưởng đủ thứ.

GIẢN DỊ

Tỉ như chuyện này, lúc đưa con gái ra thăm Huế sau khi cháu tốt nghiệp RMIT (Royal Melbourne Institute of Technology) cách đây một số năm lận. Về Kim Long cho con gái biết nơi tôi ra đời.
Rồi tôi mướn một chiếc xe gắn máy, hai cha con tha hồ phóng xe đi hết nơi này nơi kia. Nhứt là phải lặn lội tới tận Lăng Gia Long nằm xa tít, thắp hương tưởng niệm tiền nhân. Xứ Đàng Trong (kéo dài tới tận Cà Mau) là nhờ công trạng các đời Chúa Nguyễn, và Hoàng đế Gia Long là hậu duệ của chính các ngài Chúa Nguyễn.
Lăng Gia Long vắng khách nhàn du , ít hơn hẳn so với các lăng vua Minh Mạng, Khải Định. Có thể vì nơi đây xa xôi, cũng có thể vì lòng người nhạt phai chăng? Nói gì thì nói, ăn quả nên nhớ kẻ trồng cây.

Rồi tôi cũng ưng cho con lặn lội sơn khê, vào tận Huyền Không Sơn Thượng để hít thở không khí trong lành. Đây thuộc Phật giáo Nam tông. Tôi tới đây cũng một số lần rồi, thầy Viên Minh thuộc Tổ đình Bửu Long (ở quận 9, Sài Gòn) - mà tôi thi thoảng (cũng ít) tới thăm - lúc trước thầy khai phá Huyền Không nơi đây.
Nói nào ngay, tôi chuộng sự giản dị. Nào chỉ ở Phật giáo Nam Tông, mà xuôi về miền Tây còn là Bửu Sơn Kỳ Hương, là Phật giáo Hòa Hảo, rồi thầy Ba ẩn sĩ trên núi ở Châu Đốc... - hết thảy không chấp nhận thói đốt vàng mã, rồi cũng không ưng cái tập quán thả chim phóng sanh (mỗi lần vào dịp lễ thả chim phóng sanh mà tôi thấy nơi nhiều chùa Bắc tông, ấy là lúc chim bị gài bẫy, bị cướp đoạt sự tự do nhiều nhứt để đem bán).

Bắc tông ưng gọi mình là "đại thừa" và gọi Nam tông là "tiểu thừa". Mắc giống gì phân biệt cỗ xe lớn cỗ xe nhỏ. Bên Nam tông không nhận mình là "tiểu thừa", mà có người ưng gọi là "Phật giáo nguyên thủy" (Theravada) hơn.

Thôi, khỏi tranh chấp cao thấp, lớn nhỏ làm gì, kêu bằng Nam tông và Bắc tông, cho gọn gàng.
Nam tông thì mới có mặt tại VN vào thập niên 30-40 của thế kỷ 20 mà thôi, theo ngả Cambodia, Thái Lan, Miến Điện. Du nhập vô miền Nam nước Việt trước, rồi mới tỏa ngược ra miền Trung, miền Bắc (*).

Có phải các chùa Bắc tông, nhứt là ở ngoài Bắc, đều chịu ảnh hưởng Tàu mà sinh ra tập tục đốt vàng mã, thả chim phóng sanh? Lại thêm mấy tục cúng sao giải hạn, giải vong...
Kêu bằng là mê tín dị đoan hết sức!

Trong miền Nam, không nói đâu xa là Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quí thuộc phái Lâm Tế, tuy là Bắc tông nhưng Sư Ông không bao giờ cho đốt vàng mã, "chim phóng sanh" cũng không.
Mà sao tôi biết? Thì Đại lão Hòa thượng là người trong gia đình, Sư Ông là ông nội bên vợ tôi.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-------------------------------------------------------------------------------
* Để rõ hơn, xem website http://phatgiaonguyenthuy.com/
128 chùa Phật giáo Nguyên thủy được phân bổ như sau:
Đồng Nai (28 chùa), tpHCM (22 chùa), Bà Rịa-Vũng Tàu (17), Tiền Giang (8), Vĩnh Long (7), Thừa Thiên-Huế (7), Bình Dương (5), Trà Vinh (4), Quảng Nam (4), Bình Phước (3), Cần Thơ (3), Khánh Hòa (3), Hà Nội (3), Long An (2), Bến Tre (2), Lâm Đồng (2), Daklak (2), Kiên Giang (1), Bình Thuận (1), Bình Định (1), tp Đà Nẵng (1), Thái Bình (1), Bắc Ninh (1).

Hình ảnh: Chùa Huyền Không Sơn Thượng (Huế), Phật giáo Hòa Hảo ở Chợ Mới (Long Xuyên).





 

 

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

Vì sao nước Mỹ chọn "Liberty" làm giá trị nền tảng, không phải "Democracy"?

 Vì sao nước Mỹ chọn "Liberty" làm giá trị nền tảng, không phải "Democracy"?

Có TỰ DO (LIBERTY), ắt sẽ có Dân Chủ (Democracy)!
Nhưng có Dân Chủ, thì vẫn có thể Nô lệ / chưa hoàn toàn toàn TỰ DO

Quí bạn cần biết tiêu ngữ (motto) của nước Mỹ tôn vinh 3 giá trị nền tảng sau: "Liberty" - "E Pluribus Unum" - "In God we trust". Đây nói "Liberty" (TỰ DO) trước, còn hai giá trị còn lại đề cập cuối stt này. Bạn thấy rồi đó, nước Mỹ không đưa vào ý niệm "Democracy" (Dân Chủ). Vì sao vậy?

&1&
Theo dòng lịch sử nước Mỹ, trong vụ kiện nổi tiếng Dred Scott với Sandford trong năm 1857, Tòa án tối cao với 7 vị chánh ản của đảng Dân Chủ bỏ phiếu ủng hộ chế độ nô lệ trong khi chỉ có 2 vị chánh án đảng Cộng Hòa phản đối. Sự đối kháng này đã dẫn tới cuộc nội chiến. Tổng thống Abraham Lincoln (đảng Cộng Hòa) của bên thắng cuộc, sau đó, đã ban hành đạo luật giải phóng chế độ nô lệ.

Có lẽ nhiều người sẽ lấy làm khó hiểu tại sao đảng Dân Chủ ủng hộ chế độ nô lệ, vào thế kỷ 19, dường như đi ngược với tôn chỉ "Dân Chủ" thì phải? Ồ, không, vẫn là dân chủ - nếu bạn hiểu đúng khái niệm này.
Khác với quân chủ (thẩm quyền quyết định nằm ở nhà vua), thiết chế dân chủ khẳng định thẩm quyền nằm ở các lá phiếu của người dân. Vấn đề ở chỗ: những ai được xem là "dân", nói rõ hơn, những ai được định nghĩa là "công dân"?

Tòa án trong vụ kiện lừng danh nêu trên, khi đó, họ phán quyết: "nô lệ không phải là công dân, họ là tài sản". Những người thủ đắc quyền công dân (ngoại trừ nô lệ vì được xem là "tài sản"), họ được quyền bỏ phiếu, do đó rõ ràng là quyền làm chủ vẫn thuộc về công dân đó đa - hay nói cách khác, họ đang thực thi dân chủ (chớ đâu phải quân chủ)!

&2&
Nô lệ, theo quan điểm đảng Dân Chủ (hồi thế kỷ 19), không phải là "Dân" - NHƯNG, xin nhấn mạnh, nô lệ vẫn là NGƯỜI, là những con người.

Mỗi con người ("NHÂN") trong chúng ta đều có hai chiều kích, gồm chiều kích hàng ngang, còn gọi là "chiều kích xã hội", tương quan giữa con người với nhau trong xã hội/quốc gia;
và chiều kích hàng dọc, tức tương quan với chính mình (suy xét Lương tâm) và với những thực tại siêu nhiên, tâm linh (tôn giáo, tín ngưỡng là một hình thái biểu hiện cho chiều kích này).

Theo chiều kích hàng ngang, "NHÂN" trở thành "Dân", mỗi con người khi ấy được hiểu là sinh thế xã hội / sinh thể chánh trị. Tức "Dân" là một khía cạnh trong cuộc sống của "NHÂN".
Còn "NHÂN" thì rộng hơn ý niệm "Dân", vì gồm không chỉ chiều kích hàng ngang mà còn cả chiều kích hàng dọc.

Một khi giản lược con người chỉ còn là sinh thể xã hội/sinh thể chánh trị (theo chiều kích hàng ngang), "NHÂN" chỉ còn là "Dân" - mà do vậy, tùy bối cảnh chánh trị, ý niệm "Dân" khó tránh khỏi sự thiên lệch, chọn lọc, phân loại theo môi trường giai cấp này kia...

Mỗi con người cần được nhìn nhận là "NHÂN", nhấn mạnh "Nhân Bản" (lấy con người là gốc): con người được nhìn toàn diện cả chiều kích hàng ngang lẫn hàng dọc! Vậy, đâu là giá trị nền tảng của "NHÂN"? Đó chính là TỰ DO (Liberty) mà nhờ đó, phẩm giá con người được tôn trọng và triển nở.

&3&
Dừng một chút, bạn thử nghĩ về cách định danh chẳng hạn "Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên", "Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào"..., đều chua thêm chữ "Dân chủ" vào trong tên gọi quốc gia. Khi nhấn mạnh "Dân chủ", như đã diễn giải ở trên, là CHỈ nhấn mạnh tới mức giản lược con người chỉ còn là sinh thể chánh trị mà thôi (thậm chí trở thành "công cụ")!

Tức chỉ còn là chiều kích hàng ngang ("Dân") thay vì phải thực sự Nhân Bản gồm cả chiều kích hàng dọc trong mỗi con người.

&4&
Bạn đâu bao giờ nghe/thấy cách định danh như "nước Dân chủ Pháp", "nước Dân chủ Ý", "nước Dân chủ Mỹ"... Hết thảy đều được định danh hết sức cô đọng là: "CỘNG HÒA".
Đến đây, quí bạn sẽ hiểu giá trị thứ nhì mà nước Mỹ đề cao: "E Pluribus Unum" - cụm chữ Latin này mang nghĩa "one from many parts", "từ nhiều nên một". Nghĩa là: "CỘNG HÒA" - mọi người cùng hợp tác làm việc với nhau.

&5&
Giá trị thứ ba của nước Mỹ, đó là minh định đây là quốc gia của tôn giáo, quốc gia của tín ngưỡng: "In God we trust".
Chữ "God", trong bối cảnh văn hóa của nước Mỹ thời lập quốc, hoàn toàn mang ý nghĩa là "Thiên Chúa". Theo tiến trình phát triển về sau, câu "In God we trust" được quảng diễn trở thành sự xác tín dựa trên Đức tin tôn giáo mỗi người.

Vì sao phải nhấn mạnh vào ĐỨC TIN? Vì nếu Đức Tin tôn giáo bị cấm đoán, con người ("Nhân") bị cắt xén chiều kích hàng dọc, giản lược ngay lập tức chỉ còn là "Dân"! - mà "Dân" thì tùy vào quan niệm của nhà cầm quyền có sự phân loại, "dán nhãn" được phép là "dân" ("công dân") hay không, hoặc là "công dân" loại hai, loại ba; phân biệt giai cấp và đấu đá giai cấp...

Hiện nay dân Mỹ có đức tin vào các tôn giáo chiếm khoảng 85% dân số, trong đó Kitô giáo (Tin Lành, Công giáo) chiếm khoảng 74%, Do Thái giáo 2%, Islam 1%, ngoài ra còn có rất nhiều tôn giáo khác...

TÓM LẠI:
Khi nhìn con người là "Nhân" chớ không chỉ là "Dân", ắt phải đề cao và tôn trọng TỰ DO. Có Tự Do, như vậy, mới bảo đảm được việc thực thi dân chủ ở chiều sâu nhứt!

Gắn liền với TỰ DO (Liberty) là tinh thần CỘNG HÒA ("E Pluribus Unum") và giá trị ĐỨC TIN (tâm linh) sâu xa cho cuộc hiện hữu của mỗi con người ("In God we trust").

Chẳng phải khơi khơi mà nước Mỹ chọn lọc và đề cao 3 giá trị nền tảng nhứt: LIBERTY - "E PLURIBUS UNUM" - "IN GOD WE TRUST".
Tức là: TỰ DO - CỘNG HÒA - ĐỨC TIN.

Nguồn:Nguyễn - Chương Mt





Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

Cuộc lễ Ngũ tuần Chánh tế Cha Félix Frison (Hoàng) là Cha sở họ Mặc-bắc

CUỘC LỄ NGŨ TUẦN CHÁNH TẾ

Cha Félix Frison (Hoàng) là Cha sở họ Mặc-bắc ngày 20 Novembre 1935

------------------------------------------

Trước khi chấm mực cho ngòi viết tỏa cuộc lễ nầy, thì lòng tôi rất ái ngại, e mất thì giờ mà đọc cùng sợ trách thầm rằng: khéo ăn cơm mới mà nói chuyện cũ, đã qua ba tháng mấy rồi, nên ai thèm coi chi; song xin độc giả chịu phiền miễn thứ cho tôi thỏ thẻ một ít lời, trước là sáng danh Chúa, rạng danh cho địa phận Saigon, sau cũng đẹp mặt nở mày cho họ Mặc-bắc, vì Chúa đoái thương con Nam-Việt, mở lòng cho cha Frison mạnh lòng lìa cha mẹ, bỏ anh em là máu thịt, cùng quê hương mến yêu, mà qua Nam-kỳ lo cho sáng danh Chúa. Địa phận Saigon đặng một vị thừa sai, làm việc trong vòng 50 năm, lấy làm danh vọng biết là dường nào, vì trong các đấng thừa sai bên Langsa qua Nam-kỳ, không mấy cha mà sống tới lễ nầy; tôi nhớ có mấy cha sau đây là: Cha Bề trên Gernot, Cha Bề trên Montmayeur, Cha Abonnel, Cha Sidot, Cha Laurent, sau đây là Cha Frison; trong mấy trăm mà có bấy nhiêu cha tới lễ nầy, âu là địa phận lấy làm có phước mà đặng một vị thừa sai trường thọ! Họ Mặc-bắc đặng một đấng chăn ở lâu dài, coi sóc chăm nom, mở mang việc phần hồn phần xác, hằng nghe lời giảng dạy khuyên răn, xưng tội rước lễ, cùng đặng chịu các phép bí tích no nê dẫy đầy; phần xác phần đời có sự chi trắc trở, thì cha giúp đỡ cùng lo sắp đặt nhà cữa trong sở Mặc-bắc. Vậy xin chư vị khán quan N.K.Đ.P chịu khó mất một ít phút coi chơi giải trí mà hiệp với tôi cám ơn Chúa và vui mừng cho địa phận Saigon cùng họ Mặc-bắc.

Vậy Félix Frison sinh ra 1862, bỡi cha mẹ đạo đức, muốn cho con mình ngày sau giúp việc đạo thánh, thấy bề thế gian chán ngán, khó lo việc linh hồn, nên hai ông bà nguyện trông cho con khi lớn lên như ý mình hi vọng! Mà quả thật vậy, khi Félix còn nhỏ thì tánh tình đã ưa muốn việc sẽ làm đến sau, ưa giúp đỡ cha sở trong họ; lúc học trường họ, hết giờ học thì lúc thúc xung quanh, trông cho cha sở kêu biểu làm việc gì thì lấy làm vui,  nhiều lần hễ vắng mặt không có ở nhà, cha mẹ cho tới nhà cha sở, thì có Félix; ưa ham giúp lễ, thấy cha sở mặc áo lễ, Félix mĩm cười khoái chi lắm, đứng sau vuốt ve xa xa, cách mong ước phải chi mình đặng vậy.

Cha sở dọ tánh tình Félix ám hạp, liền cho vào trường Latinh nhỏ khi đặng 10 tuổi là 1872. Lúc ấy Félix nghe cha sở cho vào trường như đã xin nhiều lần, thì lấy làm vui, phần cha mẹ lại càng hứng chí, nên lo sắm sanh mọi sự cần dùng trong trường.

Vào trường, thì tuy Félix nhỏ tuổi, song chăm nom nghe lời cha dạy lớp bề ngoài, bề trong thì vưng lời chịu lụy cha linh hồn, tập bề nhơn đức, nên bề học hành tấn tới mà bề nhơn đức lại càng tấn tới hơn nữa.

Qua năm 1880, thì Félix được tuyển bổ vào trường Latinh lớn: lòng hớn hở, đặng mặc áo dòng, đi đứng ra vào lấy làm ngộ nghĩnh vui cười lắm. Một lần kia nghe các thầy bạn học nói việc giảng đạo bên xứ xa, là việc đẹp lòng Chúa lắm, cũng như tử đạo sống, vì phải lìa cha mẹ bỏ quê vức, ra thân đi hi hinh mạng sống vì Chúa, âu là lòng Félix khi ấy phát lửa kính mến Chúa, muốn trẩy đi xứ xa mà mở mang nước Chúa, bèn bàn tính cùng cha linh hồn, người ưng ý, dạy phải tỏ cùng cha mẹ hay: cha mẹ đặng tin con muốn vậy, dầu yêu thương con, song vưng ý Chúa, dưng con cho Chúa, dầu ở đâu cũng sẵn lòng, Félix đặng tin cha mẹ ưng chịu, sự mình đã sẵn lòng, nên vui mừng khôn xiết! bèn xin vào nhà trường Hội giảng đạo tại Paris là năm 1882. Đặng vào trường thì thầy Félix lo tu bổ kinh hồn hầu chờ ngày chịu chức thầy cả, lo khí giái mà ra trận. Vậy người đặng bề trên kêu người chịu chức thầy cả, người rất vui mừng, mong ước cho mau tới ngày hòng trẩy đi, vậy đã chịu chức thầy cả 27 Septembre 1885. Chịu chức rồi người về thăm cha mẹ bà con xứ sở một lần sau hết, giã từ mà chờ lịnh bề trên bỗ đi xứ xa, Hởi ơi! Ngày ấy trở nên ngày đau thương, buồn thảm cho cả hai bên ai nói cho cùng! Một đang phải mất con lìa anh em, không trông thấy nữa, một đàng ra đi không rõ sẽ bỏ thây bên xứ xa lạ hay là sẽ ra làm sao, nên hai đàng như gươm dao đâm vào ruột! song bỡi ý muốn cho danh Chúa cả sáng, nên phải bằng lòng để cho ra đi, phải liều mình tế lễ sự đau thương, sấn bước vào trường lãnh lịnh, khi ấy Bề trên định bổ người đi địa phận Saigon – lo giã từ các cha cùng các thầy – cuộc giã từ nầy cách làm cùng kinh giọng hát rất nghiêm trang thâm trầm động lòng lắm, ai thấy và nghe khó nỗi cầm nước mắt.

Vậy người xuống tàu đến Saigon là 6 Janvier 1886, đời Đức cha Isiđôrô Colombert. Đức cha định cho cha đi Cái-nhum học tiếng annam đặng một tháng, rồi lên làm giáo sư Taberd cùng lo họ Chợ-đũi cho tới tháng Août năm ấy; đoạn xuống Cái-mơng học tiếng annam gần một năm, sau trở về Taberd lại cho đến cuối 1887. Từ Janvier 1888 cho đến tháng Janvier 1889, làm giáo sư trường Latinh. Qua 30 Janvier 1889 đi Tha-la coi họ. Đến 1 Septembre 1891, trở lại Cái-mơng, phụ giúp cha Bề trên Gernot (Quí) coi địa sở Cái-mơng, khi ấy còn gồm cả địa sở Bến-tre. Cuối Janvier 1894, đặng lịnh Đức cha đổi làm cha sở họ Bến-tre, lúc ấy Bến-tre đã tách riêng làm một địa sở, không còn nhập về Cái-mơng.

Mồng 8 Decembre 1895, người đổi về làm cha sở họ Búng, ở đó đặng 4 năm, lại đổi về làm cha sở họ Mặc-bắc là 20 Fevrier 1900 thế cho cha Soullard. Vậy từ ngày bước chơn lên đất Nam-kỳ cho đến ngày lãnh họ Mặc-bắc, đã 16 năm trải qua mấy họ, những chuyên lo phận sự mình, đầu hết thì lo học tiếng annam, học ngày học đêm, bỡi ham học nên mau chóng giảng dạy đặng. Các việc trong các họ đã trải qua thì tận tình lo lắng hết lòng, dầu cực khổ vui buồn Bề trên dạy đi đâu cứ vưng lời; bỡi vưng lời nên Chúa thưởng đời nầy sống đến ăn lễ Vàng mà còn cưỡi ngựa chạy vo vo.

Khi người tới lãnh họ, thấy nhà Presbytère, nhà trường, nhà các dì ở, cái nào cũng cao niên hết; song Presbytère nền và gạch còn chắc, nên lo thay cây sửa lại cho ra mới, còn trường nam, trường nữ, nhà các dì phước ở thì lo cất lại mới hết, lẫm lúa cũng mới; kế plafond nhà thờ hư thì người cho sửa lại, làm bằng sắt chắn chắn, luôn dịp cũng xây thêm hai tháp cao vọi vọi và mua 6 chuông của cha Moreau để lại, đem lên tháp, ngày lễ cả đỗ vang dậy, kêu mời, nhắc lòng trí mọi người trễ nãi biếng nhác nhớ phận sự mình.

Trước nhà thờ có ao hồ, thì người liệu phương xây núi giữa mà kính tôn Đức Mẹ, có bàn thờ làm lễ đặng, và cũng có lập Hội Môi-khôi, trong mỗi ngày Chúa nhựt đầu tháng đều có dịp mà nhớ đến Đức Mẹ. Người thấy nữ nhi đông, lại miệt Basse Cochinchine không có chỗ mà dọn tập nữ nhi muốn vào tu trì cho dễ, bớt tốn, thì bàn tính cùng Bề trên và Bà mẹ nhà Saint enfance Saigon lo lập một Jevénat cho nữ nhi tại đó và miệt Bãi-xan, Chà-và, Giồng-rùm, Trà-vinh cùng mấy họ xung quanh, đặng rước kẻ dọn dưng mình cho Chúa; ý kiến cũng hay, vì lo sẵn sau vào nhà lớn thì đã thông thạo nhiều điều. Đoạn cha lo tu bổ nhà các dì Annamites de la Croix ở dạy con nít trước, ra vên vang mát mẽ, xứng chỗ rước nữ nhi vào nhà tập, cũng lo cho các nữ nhi vào nhà trắng, Cái-mơn, Chợ-quán bộn bàn, và lo gởi học trò vào trường Latinh Saigon. Trào người làm cha sở, thì đặng cha Pierre Xứ; J. Bte Nhạn; Antoine Luật; J. Bte Doan; André Sử; J. Bte Bạch; Jean Sinh cùng Paul Bạch chịu chức hồi hương vinh qui v.v, rày còn ít thầy và học trò trường nhỏ cũng khá khá.

Nhà thờ, nhà cha sở, nhà trường, nhà phước các họ xung quanh như: Rạch-lọp, Tân-thành, Tiểu-cần, Bông-bót, thêm nhà thờ Rạch-vồn cũng một tay người lo tạo lập. Lạ điều nầy, là trong vòng 35 năm ở Mặc-bắc, không mấy khi nghe đau lặt vặt, không bao giờ thấy dùng khăn hỉ mũi, có một lúc người bị sung tê và bị ruột dư phải mỗ, điều dưỡng ít ngày và sau Bề trên định phải về tây nghỉ ít tháng; chừng trở về bổn đạo lo cuộc rước rất náo nhiệt, từ thuở nay Mặc-bắc chẳng bao giờ mà có cuộc như vậy, đã có thuật lại trong N.K.Đ.P

Cha chả! tôi đã đi lạc đề rồi, nói rằng: Lễ vàng, mà đi thôi nào bên tây, rảo miền trên miệt dưới gì đủ mững mà chưa thấy gì là Lễ Vàng. Xin chư vị miễn chấp. Trong họ thấy cha có lòng lo lắng cho mình cả hồn cả xác, tận tâm tận lực, thì phải tính làm sao cho phải đạo phụ tử tình thâm. Vậy trước lễ vàng cũng có phái người đi coi cuộc lễ Vàng của cha sở Chợ-quán cách thức dọn đặng sau gô kiểu được phần nào hay phần nấy; lại cũng chung phần nhau lo góp tiền làm một phần ruộng  để sau lấy lợi mà dọn cuộc lễ Vàng cho long trọng, ý kiến cũng đặng, song l’homme propose Dieu dispose, việc nầy không kết quả bao nhiêu. Lúc cấm phòng các cha bổn quốc tháng Juillet 1935, các cha xứ sở Mặc-bắc, nghe nói phong phanh sẽ mừng lễ Vàng cha sở Mặc-bắc đúng ngày chịu chức là 27 Septembre, song dời trúng ngày lễ Félix là bổn mạng cha cho dễ bề, bớt mưa dong; song trong họ có bề không hiệp ý, nên buổi tối nọ trong Séminaire, lúc còn cấm phòng, các cha Mặc-bắc hiệp lại bàn tính phải làm sao giải tán cái không khí bất hiệp ý đó, mà lo cho hòa hiệp lại chung cùng với nhau, hầu lo cuộc hiếu thảo cùng kẻ chăn đã dày công phu. Vậy bàn bàn nói nói một hồi ra ý kiến nầy: anh em bạn thầy cả Mặc-bắc phải tựu về cho đủ mặt, dầu ai không thuận ý, thấy chúng ta ở cách trở mà đồng một ý lo tính cuộc lễ thì xung độc phừng gan cho mấy, cũng phải giải độc êm phổi. Vậy đã cho cha Joseph Hải hay mà tin lại trong quới chức và bổn đạo, ngày 21 tháng Août, chúng tôi sẽ tựu đủ mặt mà lo cuộc lễ Vàng.

Đến ngày đã định, đủ mặt các cha gần hết, xin ra mắt với quới chức và bổn đạo cũng khá đông nơi trường học: Cha Nhạn quyền doyen, vì cha Xứ bịnh hoạn nên vắng mặt, diễn thuyết giải tán mấy cái ung độc, nên đã bỏ thăm đặt bàn trị sự (comité) mà lo. Mà thật cũng nhờ vậy, nên cuộc lễ ra xứng đáng trong chốn thôn quê… Xong rồi, lên nhà cha sở dùng cơm trưa, một điều lạ, không hẹn không tính trước, mà số các cha ngày ấy là 12 đấng, cha sở nữa là 13, nên vui vui cười cười ngó nhau hớn hở, vì tự thuở nay, chẳng bao giờ Mặc-bắc mà các cha về đủ mặt vậy. Cha sở ngày ấy coi thêm kilo bộn và coi màu trẻ hơn một thí; cơm rồi từ giã đâu về đó.

Vậy mấy membres trong comite lo phó quyên tiền bạc, công dân thì bổn đạo phụ lực, cha sở vui lòng cho một số lúa hơn vài thiên ăn dọn; củi lá ra cồn của nhà thờ, cây làm nhà tiệc thì mỗi vườn bổn đạo ở đất nhà thờ, mỗi nhà ít cây. Một cây làm chẳng lên non, ba cây giụm lại nên hòn núi cao, nhờ nhiều người, nhứt là hai cha phó là: Giuse Hai và Phêrô Thới làm thủ bổn, đốc phách chỉ biểu, nên nhà thờ sơn phết lại ra vẽ mới mang, cờ xí sắm thêm mấy lòng căn: banderoles dây qua dây lại, cột cờ trước mặt tiền nhà thờ gió thổi phất phơ, coi vẽ long trọng lắm. Có sắm 1 bộ đồ lễ đủ Chasuble và dalmatiques drap d’or cùng banquettes, dưng dùng trong cuộc lễ: banquettes theo kiểu kim thời coi phải thế đẹp mắt, thợ tại xứ làm. Đờn hát thì do cha Félix Trình tập luyện, đôi ba phần nghe thâm trầm, khá lắm; công phu người lo tập rèn rất dày, mà cũng phải, mấy thuở mà có ông nội vậy, nên đổ mồ hôi, sôi nước nước miếng cũng không phiền. (Cha Frison là Parrain của ông già cha Trinh).

Nhà tiệc có Façade tam quan, coi cao vọi vọi, oai nghi rộng rãi; nhà ngang để đãi Đức cha và các cha, cùng khách viên chức, có lót ván răm, plafond có đính bông hoa coi đoàn hoàn; xung quanh trên có mấy câu chữ Latinh, langsa, annam ám hạp cuộc lễ Ngũ tuần; mỗi đầu cột, có niên hiệu: ngày sinh, vào trường, chịu chức, qua Nam-kỳ, ở các họ của Jubilaire; còn trong ba nhà khác đã người thường và trong họ không ván răm chớ cũng trao giồi lộng lượt; ngang sau thì để nấu nướng; bò heo sẵn, hết con nầy vật con khác, có nhà tròn riêng cho dạ nhạc Cái-bông giúp vui.

Trường học nam, thì dùng cho các cha nghỉ đêm, đâu đó có người phải giữ phần việc bổn phận. Tại ngã tư trước, cách nhà thờ độ 100 thước, có làm một khải hoàn môn tứ giác, coi lịch sự, tốn kém công phu cũng nhiều. Ngày 18 các cha quê quán Mặc-bắc lần lượt tới, sáng bữa 19 bổn đạo chào mừng, hát nhiều bài kể công phu cha lành: kể lúc vui, giọng hỉ hoan, lúc buồn giọng bi ai, vui buồn lẫn lộn pha nhau, mà nhắc các việc cha đã lo lao lực vì con chiên, khi lành mạnh, khi đau mổ xẻ, đi Đalat, đi Tây, mà lòng còn ở lại với con chiên, trông mong cho mau về gặp mặt, nay gặp cuộc, tỏ phụ tử tình thâm. Đoạn cả ngày nhập tiệc, bàn nầy dứt lui, kế dọn bàn khác liên miên, đến đỗi kẻ dọn phải xiểu: nội ngày ấy các cha cùng quới chức mấy họ trong sở đã mời, thì lãi rãi ô tô này kế ô tô kia đem tới, trưa thì bộn bàn rồi. Bữa cơm tối có trên 40 cha tây nam! đang dùng cơm tối, thì có Chánh  phó Tham Biện Trà-vinh, cùng một vị quan langsa đến chúc mừng lễ Vàng; lúc ấy cũng có cộ đèn, lính lon con gần sáu bảy chục, có bong hình cha, khiêng đi lẫn quẩn sau lưng cha, cha ngoái lại thấy thì la, có đâu vậy, có đâu vậy! làm cho ai nấy reo cười lộn ruột, nhứt là các cha nơi bàn cơm, thì tay chỉ miệng cười om sòm, nhờ Đức cha đã tỏ bày mà xin Đức Giáo Tông ban cho, khi ấy cha Frison lộ vẽ hoan hỉ, song bỡi mừng quá nên rưng rưng đi lận!

Đoạn xuống trường nam mặc áo lễ: Cha Antoine Luật làm Diacre; Cha J. Bte Bạch làm Sous-diacre; Cha Gioan Sinh làm Cérémoniaire; Cha Paul Bạch làm Thuriféraire; Đức cha cũng xuống mặc rochet mà hiệp procession cũng các cha lên nhà thờ; đồng nhi nam nữ thì lúp tràng hoa, nhành lá, lính tráng quới chức sắp hàng rước, chuống đổ trên tháp inh ỏi; tới trước cấp lên nhà thờ ngừng lại, thợ chụp hình ráp giành nhau mà họa làm kỷ niệm.

Vào trong nhà thờ, người ta đã chật như nêm, kẻ nào chưa vô, thì hết vô đặng, nhạc thổi bản hân hoan rước, đâu đó an lạc đoạn, thì trên Tribune đờn bắt lên, bọn hát xướng Quid retribuam Domino 2 phần, nghe thâm trầm ý vị, ám hạp cuộc lễ; kế cha J. Bte Nhạn lên tòa đọc thơ Tòa thánh gởi ban phép lành Đức Giáo Tông, ai nấy lấy làm cảm động! nhứt là cha Jubilaire, vì nhớ Đức Giáo Tông không quên tông đồ hy sinh mạng sống mà làm việc trong vườn Hội thánh Đức Chúa Trời đã 50 năm, bỏ cha mẹ bà con quê vức mà lo mở mang nước Chúa, nên đã gởi phép lành mà thưởng. Đoạn cha mở bài nhắc giáp 100 năm Á thánh Marchand (Du) đã dàu công gieo vãi hột giống trong đất Nam-kỳ, hột giống quí tốt hơn hết là đổ máu ra như có lời: Sanguis Martyrum semen Christia-norum est . Đoạn ngài đãn tiểu sử cha Frison từ nhỏ cho đến qua Nam-kỳ 50 năm, nhứt là các việc tại họ Mặc-bắc trong vòng 35 năm.

Giảng dứt lời khi sự làm lễ Messe chantée; khá khen: hễ ăn lễ vàng thì sao cũng lụm cụm, song lễ hát chửng chàng, duy co hai tay rung mà thôi. Trong mùa lễ thì hát đôi ba phần nghe cũng khoái tai. Lễ rồi gần 10 giờ, đoạn thỉnh Đức cha cũng mời cha sở và các cha cũng xuống nhà tiệc chào mừng. Đồng nhi nam đọc trước, nhiều bài giọng hay, Hormonium, violon flute đưa theo ăn rập, kế đồng như nữ cũng đọc bài, rồi có 3 trẻ nữ nho nhỏ 9, 10 tuổi dialogue; đứa thì giả đò không biết cuộc gì mà có Đức cha, các cha cùng thiên hạ tới đông đắn vầy; đứa lại trả lời, cơ khổ, sao em không biết, không hay; kìa đã mấy tháng trời các cha quê quán mình về bàn soạn, rồi quới chức, bổn đạo hiệp mà lo don dẹp mừng lễ Vàng của cha sở… vân vân. Cách nói dạn dĩ ở trước mặt mọi người; lóng tai mà nghe nó nói, ai nấy cười cười vui vẻ, và có lúc cũng hát mà cầu nguyện cho cha sở cùng nhiều đều nói có duyên, uổng một đều, là phải chi cho nó ăn mặc đồ lạ lạ một chút, thì coi ngộ hơn. Khá khen các bà dòng ông thánh Phaolồ rèn tập. Kế bổn đạo Bông-bót cũng xin dự đọc ít bài mừng cám ơn cha. – Rồi nhập tiệc là quá 11 giờ. Bàn tiệc Đức cha và các cha Tây Nam gần 60, có một ít viên quan: Đốc phủ Tố, Hội đồng Phát, v.v Bàn bên kia các Bà dòng thánh Phaolồ chừng 30; ngang đó thì các dì phước đen: Thủ-thiêm, Chợ-quán,  Cái-mơn, Cái-Nhum chừng 40. Ấy là những đấng vì tình công khó, mến yêu quen biết chí thiết, nên đến mà dự cuộc vui mừng hỉ hoan nầy. Bên bàn Đức cha và các cha thì đồ tây ròng, Menu hẵn hùi, mỗi đấng thì có cây quạt giấy nho nhỏ có in ngày Ngũ tuần làm kỷ niệm. Tới tuần sâm-banh, Đức cha đứng dậy nói ít lời mừng chúc cho cha Frison, người nhắc lại có một lúc cha Frison cũng vào hàng đặng tuyển cử làm giám mục…cầu chúc cho cha hồn an xác mạnh mà tới noces de Diamond – ad multos annos …vỗ tay lốp bốp dậy bàn tiệc.

Đoạn cha Frison đứng dậy rất mũi lòng, ngài thấy Đức cha, các cha đông đủ: kẻ nam người bắc, lớp địa phận Saigon, thêm ít cha Cambodge và một cha Laos quen thuộc, nói ít lời cám ơn Đức cha và các đấng đã vì tình mình, chẳng nệ đàng xa dặm thẳm, đến chung vui cám đội ơn Chúa với mình – người rất đội ơn, xin Chúa trả công, ai nấy nơi bàn vỗ tay lốp bốp, ngồi xuống, chuyện chuyện vui vui mà dùng chén vui cho rồi. Ra khỏi nhà tiệc là gần 2 giờ.

Ấy dón lại ít điều về lễ Ngũ tuần cha Frison, cũng có điều khuyết điểm, xin chư vị độc giả miễn chấp, vì tôi không dè mà phải viết ra, song bỡi thấy đã lâu, không ai nói tới, một cuộc chưa bao giờ có ở xứ Mặc-bắc, là một họ lớn trong địa phận, làm thinh cũng ngùi ngùi. Vậy rạng danh đạo thánh Chúa, đặng một tông đồ trong vòng 50 năm chẵn lo mở mang nước người cho thạnh vượng, ắt Chúa cao cả ngự trên thiên cung, thấy vậy, thêm ơn thánh sủng cho người đời nầy mà nhứt là đời sau.

Hội thánh Roma thấy một tướng sốt sắng ân cần trung tín trong nữa thế kỷ này, đánh dẹp xác thịt ma quỉ thế gian, nội ngoại qui về một ràn cùng một kẻ chăn, phần đời thì gần médaille, còn phần đạo thì gởi medaille thiêng liêng là phép lành Tòa thánh, âu là Hội thánh gặp một tướng như vậy, không nói ra,  chớ gởi phép lành là chứng lòng rất hỉ hoan, mang ơn khôn cùng.

Hội giảng đạo ngoại quốc đặng một vị Thừa sai lâu dài bền bỉ trong mấy mươi năm, nghe tin mừng lễ nầy, thì lòng đầy hứng chí hân hoan, vì trong kẻ sang xứ xa lạ nước, phong cảnh nghịch, khó bề mà sống dến tuổi nầy, nên lấy làm quí báu lắm.

Hội thánh Nam-kỳ: nhứt là Đức cha đang kim trị, thì hớn hở nói sao cho xiết! đã bốn trào giám mục rồi: là Đức cha Colombert, Đức cha Dépierre, Đức cha Mossard, Đức cha Quinton không đặng phước mừng lễ Vàng cha Frison, nay người gặp hội như vầy, dầu xa xuôi nhiều việc buộc ràng, song ráng đến mà tỏ lòng hỉ hoan cọng lạc cho mãn cuộc tiệc.

Địa phận Saigon rất vui mừng, vì đặng một vị linh mục Thừa sai làm việc trong vòng 50 năm, mà khỏi phải phiền hà kêu trách. Xét theo phần đời, một người làm việc liên tiếp trong nhà nước, hay sở nào mặc lòng, mà làm lâu năm như vầy đoàn hoàn, ất sẽ được phần thưởng rất lớn, và nhà nước hay là sở ấy lấy làm hạnh phước biết chừng nào, tiếng khen ngợi lẫy lừng! nay địa phận cũng vậy, ngày ấy các cha dầu xa cách tới Đalat, cũng tuột xuống đất Mặc-bắc mà mừng tỏ sự hỉ hoan cùng đồng bào với mình.

Các họ đã đặng phước cha Félix trải qua, dẫu đã lâu mặc lòng: làm một lễ misa mà thôi, cũng đủ sẽ nhớ lại mà lấy làm vui mừng cùng cầu chúc cho cha, huống chi kẻ đã đặng phước người rửa tội, giảng dạy, ban các phép bí tích khác, cùng ở lâu nhứt là họ Mặc-bắc, thì lưỡi nào nói cho cùng, cắt nghĩa sao cho hết, ơn sâu ngãi trọng! nên nghe tin cuộc lễ ắt là hứng tâm khoái chí, dầu tổn bao khó nhọc cũng chẳng nài, miễn cho đặng ơn đền nghĩa đáp thì mới phỉ lòng

Vạn tuế cho Hội thánh Roma, trông ước cho có nhiều đấng sống đến mừng lễ Vàng.

Vạn tuế cho Hội giảng đạo ngoại quốc, chúc gặp lựa đặng nhiều kẻ sống đến tuổi nầy.

Vạn tuế cho Đức cha Isiđôrô, trong đời người mong cho gặp đặng nhiều tay gặt sống mà mừng như cuộc lễ nầy.

Vạn tuế cho địa phận Nam-kỳ, vì đặng phước rước cha Félix lo trong vườn tận tâm tận lực trong vòng 50 năm.

Vạn tuế cho họ Mặc-bắc, vì đặng kẻ chăn 35 năm chẵn, đầy dẫy chứa chan ơn thiêng liêng bỡi tay người ban xuống, trông mong cho đến ngày lễ ngọc.

(Chung)

A.   Luật

Báo Nam Kỳ Địa Phận, năm 1936.

…cha Félix Frison, Chánh sở Búng trong gần 5 năm, người đã để lại Búng tiếng vang cho đến ngày hôm nay…


Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2020

Ghi chú lịch sử thời kỳ độc lập, thoát khỏi ách phương Bắc: NỀN CỜ VÀNG HIỆN HỮU TRẢI DÀI GẦN 900 NĂM NỀN CỜ ĐỎ HIỆN HỮU HƠN 50 NĂM

 Ghi chú lịch sử thời kỳ độc lập, thoát khỏi ách phương Bắc:

NỀN CỜ VÀNG HIỆN HỮU TRẢI DÀI GẦN 900 NĂM
NỀN CỜ ĐỎ HIỆN HỮU HƠN 50 NĂM

Đây, đề cập thời kỳ trong gần một ngàn năm nước Việt tự chủ - kể từ năm 928 khi Ngô Quyền dựng nền độc lập cho tới năm 1884 (chính thức bước vào giai đoạn Pháp thuộc trên toàn lãnh thổ nước Việt). Đây là thời kỳ độc lập lâu dài nhứt (chỉ bị đứt đoạn một lần, ngắn ngủn, giai đoạn Hồ - Minh 1400-1427): tính ra độc lập khỏi ách cai trị của phương Bắc được khoảng 920 năm, DÀI HƠN 9 THẾ KỶ!

* Trải dài qua rất nhiều triều đại - dưới thời nhà Ngô, nhà Đinh, qua nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê, thời chúa Nguyễn/chúa Trịnh phân tranh, rồi thời nhà Nguyễn (cho đến năm 1884), cờ nước đều chọn NỀN VÀNG - trên nền cờ vàng có ký tự ghi tên triều đại.
NỀN CỜ VÀNG, như vậy, hiện diện được những 866 năm (gần 9 thế kỷ).

NỀN CỜ ĐỎ cũng có mặt trong lịch sử xưa kia, là dưới triều đại Tiền Lê (980-1009) 29 năm và dưới thời Tây Sơn (1778-1802) được 24 năm, gộp chung lại là 53 năm.

* Vậy nên, nền cờ đỏ được tiền nhân sử dụng, kêu bằng là "truyền thống 5,8%" (trong 920 năm thời kỳ quân chủ).

Còn nền cờ vàng rõ rành là một sự chọn lựa lịch sử lâu dài, ta nói là "truyền thống 94,2%" (trong 920 năm độc lập khỏi phương Bắc).

* Không ít người cho rằng chọn nền vàng vì đó là "màu sắc của vua chúa". Nhưng, Lê Đại Hành rồi Quang Trung rõ rành là vua nhưng đâu chọn màu vàng.

Lại nữa, tỉ như bên Tàu, hoàng đế nhà Tống chọn nền cờ màu xanh tím, kế đó nhà Nguyên chọn nền cờ màu xanh lợt - hết thảy cũng là quân chủ phong kiến mà họ đâu chọn màu vàng "vua chúa"!

* Phương Nam thuộc hành Hỏa, về màu sắc của Hỏa là đỏ. Khi chọn nền đỏ, một vài vua đời xưa nhấn mạnh nước Việt nằm về phương Nam.

Trong khi đó, màu vàng là màu của hành Thổ, mà hành Thổ là hành trung tâm trong Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, và Thổ).
Thành thử hầu hết các triều đại tiền nhân chúng ta chọn nền vàng tượng trưng cho hành Thổ trung tâm, là nhằm khẳng định tư thế rạng rỡ của nước Việt ./.
Nguồn: Nguyễn - Chương Mt


Cờ Chúa Nguyễn
Cờ Chúa Trịnh

Cờ nhà Đinh
Cở nhà Hậu Lê
Cờ nhà Lý

Cờ nhà Ngô
Cờ nhà Trần
Cờ nhà Nguyễn
Cờ nhà Tống (bên Tàu)
Cờ nhà Nguyên (bên Tàu)