ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

Xin có đôi lời góp ý về: Chuyện Đông chuyện Tây trên Kiến thức ngày nay, số 98, có giải đáp về câu “Dán bùa l. mèo”.


ĐỘC GIẢ: Chuyện Đông chuyện Tây trên Kiến thức ngày nay, số 98, có giải đáp về câu “Dán bùa l. mèo”. Xin có đôi lời góp ý như sau. Cái đầu hồi nhà, miền Bắc gọi là vỉ ruồi, miền Trung gọi là khu bị, miền Nam cơ nơi gọi là khu đĩ. Chưa nghe ai gọi đó là cái l. mèo. Câu “Dán bùa l. mèo” bắt nguồn từ một chuyện cổ kể rằng họ hàng nhà chuột họp đại hội bàn cách tiêu diệt giống mèo là kể thù truyền kiếp của chúng. Một con chuột già bày cách đi tìm một phù thủy cao tay xin một lá bùa triệt sản để dán vào bộ phận sinh dục của con mèo cái cho mèo tịt đẻ. Bùa đem về rồi nhưng chẳng có con chuột nào dám xung phong đi làm cái nhiệm vụ hết sức vinh quang mà nguy hiểm đó nên rốt cuộc họa diệt chủng vẫn lơ lửng trên đầu. vì thế câu “dán bùa l. mèo” mới chỉ việc làm không đến nơi đến chốn. Còn về việc dán bùa trong nhà thì người dán là chủ nhà và chỗ dán là cây đòn dông chứ không là cái đầu hồi.

AN CHI: Vẫn có người gọi đó là l. mèo! Chẳng hạn Lê Văn Đức trong Việt Nam tự điển đã ghi và giảng như sau:“l. mèo. Đầu hồi. Góc giụm hình tam giác nơi hai mái nhà giáp nhau”. Chính cái dáng “góc giụm hình tam giác” đã gợi ý cho người bình dân gọi nó là cái l. mèo đấy. Miền Bắc gọi đầu hồi là đầu hồi, còn vỉ ruồi (= đầu hồi) là một hiện tượng lâm thời thuộc về lời nói chứ không phải là một đơn vị từ vựng cố định. Vỉ ruồi theo nghĩa đen xuất hiện trong phong trào vệ sinh yêu nước tại chiến khu Việt Bắc và một số vùng tự do khác thời kháng chiến chống Pháp. Người ta đan những cái vỉ nhỏ bằng tre, cỡ bàn tay và thường là hình tam giác, để đập ruồi nên mới gọi là vỉ ruồi. Một ít người đã dùng lối ẩn dụ mà gọi cái đầu hồi nhà là vỉ ruồi nhưng đây tuyệt nhiên không hề là một cách gọi phổ biến. Đến như khu bịkhu đĩ thì đây lại là hai lối nói trại của thu kỉ (Xem, chẳng hạn, sđd, của Lê Văn Đức hoặc Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của) mà lối nói trại này suy đến cùng cũng là do ảnh hưởng gián tiếp của l. trong l. mèo (các từ khu, đít, trôn đều có thể dùng theo uyển ngữ để chỉ cái l.).
“Chuyện cổ” mà ông đã kể lại để giải thích sự ra đời của câu “dán bùa l. mèo” không phải là xuất xứ đích thực của thành ngữ này. Đó là lối giải thích mà ngữ học gọi là từ nguyên dân gian. Phàm khi người ta chưa hiểu được xuất xứ đích thực của một hiện tượng từ vựng thì người ta đặt ra một câu chuyện có liên quan đến nghĩa của từng yếu tố cấu thành nó để giải thích nguồn gốc của nó. Câu chuyện đó thường rất thú vị nhưng nó lại chẳng có liên quan gì đến nguồn gốc đích thực của đơn vị từ vựng đang xét cả.
 Về vấn đề người dán bùa và chỗ dán bùa mà ông đã nêu, để trả lời, chúng tôi xin trích dẫn Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương như sau: “Cách thức và những phong tục về sự làm nhà thực là bách quang thập sắc; từ nhà nghèo đến nhà giàu, từ miền này sang miền khác, nhất là xứ Bắc với xứ Trung và xứ Nam, ta thấy khác nhau rất nhiều”(1). Vậy không thể lấy những điều do ông nêu lên mà làm tiêu chuẩn để đánh giá đúng sai được.

1. Nxb.Bốn phương, Sài Gòn, không ghi năm, tr.179.

Kiến thức ngày nay, số 106, ngày 15-4-1993

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2020

Xin góp ý cho mục Chuyện Đông chuyện Tây ở Kiến thức ngày nay, số 98 như sau: Tiếng Pháp Ouïes de poisson và tiếng Anh the gills of a fish là khứu giác của cá. Trừ tác giả Chuyện Đông chuyện Tây, không có ai nói tai con cá là mang của nó cả.

ĐỘC GIẢ: Xin góp ý cho mục Chuyện Đông chuyện TâyKiến thức ngày nay, số 98 như sau: Tiếng Pháp Ouïes de poisson và tiếng Anh the gills of a fish là khứu giác của cá. Trừ tác giả Chuyện Đông chuyện Tây, không có ai nói tai con cá là mang của nó cả.

AN CHI: Ouïes de poissonthe gills of a fish chính là mang cá. Riêng tiếng Pháp Ouïes thì có nghĩa gốc là thính giác chứ không phải “khứu giác”. Vẫn biết trừ chúng tôi ra không ai nói tai là mang cá nhưng xin được thưa thêm như sau. Con “cá vức bốn tai” trong Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa mà chúng tôi đã dẫn chính là con cá mà Hán ngữ gọi là tứ tai lô, nghĩa là “cá lô bốn mang”. Ba tiếng tứ tai lô đã được Từ hải giảng như sau: “Một loại cá lô, dài khoảng bốn, năm tấc (tấc Tàu – AC), miệng rộng đầu to, hai cái mang bành rộng ra, để lộ những đường vân đỏ tía, tựa như là có bốn mang (tứ tai) cho nên gọi là cá lô bốn mang (tứ tai lô), tục gọi là cá bốn mang (tứ tai ngư). Từ hải còn dẫn thêm Chính tự thông như sau: “Cá lô ở mọi nơi đều (chỉ có) hai mang, riêng (cá lô) Tùng Giang thì (có) bốn mang”. Trong thế giới động vật, có một nhóm gọi là nhóm bốn mang, tiếng Pháp là tétrabranche, thì tiếng Hán gọi là tứ tai loại. Từ những điều trên đây suy ra, cá vức bốn tai chính là cá vức bốn mang. Không thể nào khác thế được. Vậy, dù chỉ một mình chúng tôi nói, thì tai ở đây vẫn cứ là mang đó thôi!

Kiến thức ngày nay, số 106, ngày 15-4-1993


Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

Phận gái mười hai bến nước.


ĐỘC GIẢ: Mục Chuyện Đông chuyện Tây trên Kiến thức ngày nay, số 95 đã không giải đáp dứt khoát thành ngữ “mười hai bến nước” mà chỉ mới xác định cách giảng của Huình-Tịnh Paulus Của “hợp lý hơn” cách hiểu do ông Triệu Văn Cẩn đã nêu, còn có thể hiểu “mười hai bến nước” là 12 nghề nghiệp trong xã hội ta ngày xưa: sĩ, nông, công, thương, nho, y, lý, bốc, ngư, tiều, canh, mục hoặc là 12 tuổi tính theo thập nhi chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, vv..

AN CHI: Trên Kiến thức ngày nay, số 95, chúng tôi có nói rằng đây là chuyện do từ nguyên dân gian gây ra nhưng vì vấn đề hơi phức tạp nên chúng tôi có hẹn đến một dịp khác sẽ trình bày rõ. Nay xin nói vắn tắt như sau. Hai danh từ bếnthuyền vẫn được dùng theo ẩn dụ để chỉ người con gái và người con trai trong quan hệ đính ước, hẹn hò. Từ cách dùng này, đi xa thêm một bước, bến lại được dùng để chỉ số phận của cá nhân, thường là phụ nữ, trong quan hệ nhân duyên. Chữ nhân ở đây viết nhân duyên được Mathews’ Chinese-English Dictionary giảng là “the fate or influence which brings lovers together “nghĩa là “số phận hoặc ảnh hưởng găn bó (hai) người yêu nhau”. Bến Nước trong thành ngữ mười hai bến nước chính là thức nhân duyên này. Nhưng trong tiếng Hán lại còn một thứ nhân duyên khác, với chữ nhân viết là . Đây là nhân duyên của nhà Phật mà cũng quyển từ điển trên đã giảng như sau: “the cause which produces effects in a future life” nghĩa là “cái nhân tạo ra những cái quả trong kiếp sau”. Theo điển lý nhà Phật thì có tất cả mười hai nhân duyên, tiếng Hán gọi là thập nhị nhân duyên. Do cách hiểu theo từ nguyên dân gian – mà vì khuôn khổ giới hạn, chúng tôi cũng không thể nói kỹ tại đây – nên người ta mới đánh tráo thứ nhân duyên của thần Ái tình vào chỗ thứ nhân duyên của nhà Phật mà diễn nôm thập nhị nhân duyên thành mười hai bến nước. Hóa cho nên chỉ có hai bến như Huình-Tịnh Paulus Của đã nói “hoặc gặp bến trong, hoặc gặp bến đục (…) may thì nhờ, rủi thì chịu” đó mà thôi. Từ điển gia của chúng ta đã không thấy được hiện tượng từ nguyên dân gian nên mới viết rằng “tiếng nói mười hai bến nước là nói cho có vần”. Nhưng ông vẫn rất đúng ở chỗ ông không thừa nhận rằng ở đây hai tiếng mười hai có ý nghĩa xác thực như khi chúng được phân bố cho những ngôn cảnh bình thường khác. Để cho rõ hơn, chúng tôi xin được nhắc đến lý thuyết hữu quan của nhà từ nguyên học tiên phong hiện đại người Pháp là Pierre Guiraud trong cuốn Les locutions françaises (Paris 1973). Đó là chương V mang tiêu đề “Accidents linguistiques” (Các sự cố ngôn ngữ) trong đó tác giả đã bàn đến những sự đan chéo hình thức (croisements de forms) và những sự lan truyền ý nghĩa (contaminations de sens) giữa các thành ngữ và từ ngữ với nhau. Phàm đối với các thành ngữ hóc búa kiểu mười hai bên nước mà khi nghiên cứu lại không xét đến các hiện tượng trên đây thì khó lòng tìm ra sự thật. Ở đây, nhân duyên của thần Ái tình đã lây nghĩa cho nhân duyên của nhà Phật nên mới tạo ra lối nói oái ăm đó. Mười hai thành phần đã kể ra chỉ là kết quả của một sự liệt kê trùng lặp cốt tìm cho đủ con số vì nho cũng là canh cũng là nông. Hiểu theo nghĩa rộng, nho, y, lý, bốc cũng lại là cả. Mười hai địa chi cũng không liên quan gì đến thành ngữ đang xét.

Kiến thức ngày nay, số 106, ngày 15-4-1993

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

Tại sao người ta lại ghép tên con chim (có cánh, để trứng) với tên cho chuột (có vú, đẻ con) thành tiếng đôi “chim chuột” để chỉ chuyện trai gái ve vãn, tán tỉnh nhau?


AN CHI: Tại sao người ta lại ghép tên con chim (có cánh, để trứng) với tên cho chuột (có vú, đẻ con) thành tiếng đôi “chim chuột” để chỉ chuyện trai gái ve vãn, tán tỉnh nhau?

AN CHI: Hai con vật hữu quan, một con thuộc lớp chim, một con thuộc lớp có vú, tất nhiên không thể” tình tự” với nhau được. Đó là xét về sinh vật học. Còn xét về từ nguyên thì chim chuột cũng không phải là một tổ hợp được tạo ra theo qui tắc cấu tạo từ ghép đẳng lập của tiếng Việt. Nó chỉ là kết quả của một sự dịch nghĩa từ các thành tố của một địa danh Trung Hoa: Điểu Thử Đồng Huyệt (= Chim Chuột Cùng Hang), cũng gọi tắt là Điểu Thử (= Chim Chuột).
Đó là tên một ngọn núi trong dãy Tần Lĩnh, nằm ở phía Tây huyện Vị Nguyên, phủ Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Núi này có tên như thế là vì dân chúng ở địa phương đã quan sát được hiện tượng chim chuột ở cùng một hang. Giống chim đó có tên là đồ hoặc mộc nhi chu còn giống chuột đó có tên là đột hoặc ngột nhi thử. Sách Cam Túc chí chép: “Đất Lương Châu có con ngột nhi thử, giống như con chuột, có con chim tên là mộc chi nhu, giống như con sẻ, thường cùng con ngột nhi thử ở chung một hang. Đó chính là (chim) đồ (chuột) đột nhưng chỉ là tên xưa tên nay khác nhau mà thôi”. Vậy con mộc nhi chu, tức con chim đồ, chỉ là kẻ sống nhờ ở hang của con ngột nhi thử, tức con chuột đột. Giữa chúng không thể có quan hệ “tình cảm” hoặc “tính dục” được.
Nhưng cháu mười hai đời của Khổng Tử là khổng An Quốc, khi chú giải Kinh thư, đã giảng bốn tiếng như sau: “Chim (và) chuột cùng nhau làm (con) trống (con) mái (Chúng tôi nhấn mạnh – AC) cùng chung hang sống ở núi này, (vì vậy) mới gọi tên núi là Chim Chuột”. Từ xưa, đã có nhiều người cực lực bác bỏ cách giải thích này của họ Khổng, chẳng hạn như Đỗ Ngạn Đạt và Trương Án đều quả quyết rằng đó không phải là chuyện đực cái hoặc trống mái giữa chim chuột.
Tuy nhiên nhà nho Việt Nam thì lại tin tưởng ở nhà chú giải họ Khổng. Khổng Tử là Đức Thánh thì Khổng An Quốc cháu ngài cũng phải là một quyền uy. Bậc quyền uy này đã giảng rằng “điểu thử đồng huyệt” là chuyện trống mái giữa chim và chuột thì việc nhà nho Việt Nam dịch hai tiếng điểu thử thành chim chuột để chỉ chuyện tán tỉnh, ve vãn giữa trai gái cũng là điều rất tự nhiên.

Kiến thức ngày nay, số 105, ngày 1-4-1993

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2020

Gà rán ““hăm-bu-gơ” là món ăn như thế nào mà bài “Con gà trong ngôn ngữ dân gian” (Kiến thức ngày nay, số Xuân Quý Dậu) đã nhắc đến? “Hăm-bu-gơ” là gì?


ĐỘC GIẢ: Gà rán ““hăm-bu-gơ” là món ăn như thế nào mà bài “Con gà trong ngôn ngữ dân gian” (Kiến thức ngày nay, số Xuân Quý Dậu) đã nhắc đến? “Hăm-bu-gơ” là gì?

AN CHI: Đó là tác giả nói theo lời … quảng cảo của “Nhà hàng gà rán hăm bu gơ” trên truyền hình! Còn món hăm-bu-gơ chính cống, tiếng Anh nói ở Mỹ (American English) là hamburger (hæmbɜ:ɡə) thì lại là món Hamburg steak, nghĩa là thịt miếng kiểu đặc biệt của Hamburg, một thành phố cảng nổi danh của nước Đức. Dân Mỹ xem ra không thích nói Hamburg steak nên đã gọi món ăn đó là hamburger. Đây là món thịt bò bằm nhuyễn làm thành miếng rồi nướng lên. Món này thường được cặp vào bánh sandwich để ăn cho nên bây giờ bánh sandwich có cặp miếng Hamburg steak cũng được gọi luôn là hamburger.
Điều oái ăm là sau khi danh từ này ra đời thì người Mỹ không thấy được cấu tạo của nó là hamburg + er mà lại thấy rằng hamburger = ham + burger, vì trong tiếng Anh ham có nghĩa là giăm-bông, là bắp đùi (của súc vật). Do đó burger đã được xem là một hình vị và với “hình vị” này người ta còn tạo ra nào là fishburger (món burger cá), cheeseburger (món burger phó-mát), vv.. Thậm chí có nhà sản xuất như hiệu Moore còn gọi món đặc sản của mình là Moonreburger nữa. Và bây giờ người ta còn có thêm các từ tân tạo, McBurger, Kebab Burger và Kiwi Burger nữa (Xem “Cả thế giới nhai bánh mì thịt McDonald’s”, Kiến thức ngày nay, số 103, tr.94 – 98.)

Kiến thức ngày nay, số 105, ngày 1-4-1993

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

Tại sao gọi là “La Hán”? Có tất cả 16 vị hay 18 vị. Xin cho biết tên của mỗi vị.


ĐỘC GIẢ: Tại sao gọi là “La Hán”? Có tất cả 16 vị hay 18 vị. Xin cho biết tên của mỗi vị.

AN CHI: Về hai tiếng La Hán, sau đây là lời giảng của hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi:
“ Vào chùa Việt Nam, chúng ta thường thấy tượng mưới tám vị đứng gần nhau, mặt mũi trông sắc sảo dữ tợn. Đó là tượng mười tám vị La Hán, vốn là những tên tướng cướp, về sau gặp được duyên may, được giác ngộ quy y theo Phật và chứng quả A La Hán (…) Chùa Tây Phương (tỉnh Hà Tây)(1) có tượng 18 vị La Hán rất độc đáo. Đay là tích mười tám La Hán theo một huyền thoại của Trung Quốc, bởi vì truyện mười tám tên cướp tu thành La Hán xảy ra ở Trung Hoa. (Ba chỗ in nghiêng là do chúng tôi nhấn mạnh – AC). Còn ở Ấn Độ, không thấy nói đến tích này. (2)
Thực ra, các vị La Hán không những không phải là người Trung Hoa mà họ cũng chẳng phải vốn là những tướng cướp, mặt mũi của họ cũng không dữ tợn mà lại nhân hậu và trông rất khắc khổ.
La Hán là dạng tắt của ba tiếng A La Hán mà người Trung Hoa đã dùng để phiên âm tính từ tiếng Sanskrit arhant (Hình thái ở cấp tuyệt đối arhattatma), mà nghĩa gốc là đáng tôn kính, được dùng để chỉ những bậc tu hành đắc đạo dưới hàng Bồ Tát. Tiếng Anh và tiếng Pháp thường phiên thành arhat. Người ta cho rằng La Hán là các vị đệ tử của Phật tuy đã đắc đạo nhưng vẫn sống ở trần gian để tế đọ chúng sinh. Hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi viết rằng chuyện  mười tám vị La Hán xuất xứ từ một huyền thoại Trung Hoa “còn ở Ấn Độ, không thấy nói đến tích này”. Thực ra các vị La Hán đều mang tên bằng tiếng Sanskrit là một phương ngữ cổ đến mấy nghìn năm của Ấn Độ. Tên của các vị đã được chép trong Pháp trụ ký của Nan Đề Mật Đa La như sau: 1. Tân Độ la Bạt La Đọa, 2. Già Nặc Già Phạt Sa, 3. Già Nặc Bạt Ly Dọa Ám, 4. Tô Tấn Đà, 5. Nặc Cự Đa, 6. Bạt Đà La, 7. Già Lý Già, 8. Phạt Đồ La Phát Đa La, 9. Tuất Bát Già, 10. Bán Thác Già, 11. La Hồ La, 12. Na Già Tê, 13. Nhân Kiệt Đà, 14. Phạt Na Ba Tư, 15. A Thị Đa, 16. Chú Đồ Bán Thác Già. Danh sách trên đây là tên của các vị La Hán mà người Trung Hoa đã phiên âm từ tiếng Sanskrit. Tất cả 16 vị.
Sở dĩ có ý kiến cho rằng tất cả có 18 vị La Hán là vì vào thời Tống, người thích vẽ chuyện đã thêm vào hai tên Khánh Hữu và Tân Đầu Lô mà không biết rằng Tân Đồ Lô chỉ là một dạng phiên âm hơi khác của Tân Độ La (Bạt La Đọa) còn Khánh Hữu thì chỉ là dịch nghĩa của Nan Đề Mật Đa La. Khánh = mừng là dịch nghĩa của Nandi (Nan Đề = người được vui mừng) còn Hữu = bạn là dịch nghĩa của Mitra (Mật Đa La = bạn). Mà Nandi – mitra (Nan Đề Mật Đa La) tức Khánh Hữu chỉ là tác giả của Pháp trụ ký đã nói ở trên chứ không phải là một vị La Hán trong danh sách đang xét. Vậy tất cả chỉ có 16 vị mà thôi.
 

1.     Từ năm 2008 đã nhập vào thành phố Hà Nội
2.     Từ điển Phật học Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr.432.

Kiến thức ngày nay, số 105, ngày 1-4-1993