ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Đây là cái bẫy để sau nầy phải học tiếng Tàu?

ĐÂU LÀ CÁI BẪY ĐỂ SAU NÀY PHẢI HỌC TIẾNG TÀU ?

Ở đây tôi nói ngay nếu ai đó học tiếng Tàu để giao dịch, cũng như học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, hết thảy là chuyện bình thường của mỗi cá nhân. Stt này được viết là nhằm khuyến cáo chúng ta hãy lưu ý về một vấn đề HỆ TRỌNG TRONG KHO TÀNG NGÔN NGỮ của NGƯỜI VIỆT - nếu sa vào cái "bẫy" công kích việc học/đọc/viết Hán-Việt (tôi ưng gọi là "Việt-Hán" hơn, để nhấn mạnh chúng ta đọc âm Việt khi mượn vỏ văn tự chữ Hán).

Cái bẫy đó như thế nào?

1/ Trong trường học thảy đều có giảng giải về âm Việt-Hán (là chỉ mượn vỏ chữ Hán mà đọc bằng tiếng Việt). Còn nhớ chăng, hay là quên béng, trả chữ lại cho thầy hết ráo?

Tôi ngỡ ngàng nhận ra hiện nay có nhiều người không hiểu gì hết - chẳng hạn, khi gọi tên các nước là "Phi Luật Tân", "Úc", "Ý", "Tây Ban Nha", "Thụy Điển", "Ba Tây", "Á Căn Đình", "Tân Gia Ba", "Bồ Đào Nha", "Thổ Nhĩ Kỳ"... thì tưởng là bắt chước Hán.

Lại phải nhắc tới nhắc lui, đó là phát âm bằng tiếng Việt (chớ làm gì có phát âm tiếng Tàu ở đây?).

Các danh nhân kiệt xuất của nước Việt như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... đều dùng chữ Tàu (Hán tự) để viết "Nam quốc sơn hà", "Hịch tướng sĩ", "Bình Ngô đại cáo"; vậy Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt là bắt chước Tàu à?

Có ngớ ngẩn lắm mới nghĩ "bại não" cỡ đó!

2/ Mời quí bạn đọc tiếp (để từ đây sẽ hiểu vì sao tôi cảnh báo về "cái bẫy" mà tôi nêu ở tít bài này):

南國山河南帝居

截然分定在天書

如何逆虜來侵犯

汝等行看取敗虚

Trên đây là chữ Tàu (Hán tự) rõ mười mươi. Viết gì vậy?

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phận định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"

Đây là bài thơ "Nam quốc sơn hà" (南國山河), được gọi là "bài thơ Thần", xuất hiện vào thời Lý dùng để cổ võ ý chí chiến đấu chống giặc Tống từ phương Bắc xâm lấn bờ cõi nước Việt.

Chúng ta đang đọc bài thơ trên bằng tiếng Việt (do dựa vào mặt chữ Hán, nên gọi là "âm Việt-Hán"). Nếu dùng bình phong "trong sáng tiếng Việt" để qui chụp "nhái theo Hán tự" rồi tìm đủ mọi cách bức tử, chuyện gì sẽ xảy ra?

Không còn ai dám theo học để biết đọc bằng tiếng Việt trong Hán tự, tới lúc đó khi tìm hiểu kho tàng thư tịch về lịch sử, văn thơ của nước Việt ngàn năm - nhìn vô toàn chữ Hán, nhưng không còn biết đọc bằng tiếng Việt ra làm sao => Bắt buộc phải học/đọc bằng tiếng Tàu chớ còn gì nữa!

Chúng ta, tới lúc đó, sẽ phải đọc 4 câu trong bài thơ Thần chống giặc Tống bằng... tiếng Tàu:

"Nán guó shān hé nán dì jū

Jié rán fēn dìng zài tiān shū

Rú hé nì lǔ lái qīn fàn

Rǔ děng xíng kàn qǔ bài xū"

Quí bạn có muốn sau này rơi vào tình trạng là phải đọc bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà" bằng...tiếng Tàu "Nán Quó Shān Hé" hay không? (bởi vì âm Việt-Hán đã bị bức tử chết tươi)

3/

TIẾNG VIỆT của chúng ta hàng ngàn đời nay có tới 2 kho tàng: Kho tàng tiếng Việt nội Hán tự (Hán tự được đọc bằng tiếng Việt, nhắc lại để nhớ: không phải đọc tiếng Tàu) - tỉ như "mẫu tử", "thanh thiên", "thực phạn"... ; và kho tàng tiếng Việt ngoại Hán tự (tiếng Việt nằm bên ngoài Hán tự) - tỉ như "mẹ con", "trời xanh", "ăn cơm"...

Cùng nhau đọc lại bài thơ bằng tiếng Việt (thuộc kho tàng "tiếng Việt nội Hán tự"):

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phận định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"

Và đây là "tiếng Việt ngoại Hán tự":

"Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời"

* THAY LỜI KẾT LUẬN

Những ai mượn vỏ bọc "làm trong sáng tiếng Việt" nhằm kích động bức tử âm Việt-Hán trong kho tàng TIẾNG VIỆT, thực chất là cái bẫy để tới một lúc nào đó... chúng ta bị buộc phải học đọc bằng tiếng Tàu (mà tôi đã phân tích trong bài).

Kho tàng tiếng Việt nội Hán tự (âm Việt-Hán), theo giới nghiên cứu ngôn ngữ khảo sát, chiếm ít nhứt từ 60% trở lên trong tiếng Việt mà chúng ta đang dùng hiện nay. Nếu... bức tử, tức là chúng ta đã tự cắt đi phân nửa cơ thể ngôn ngữ tiếng Việt.

Làm như vậy là khôn hay dại ?

------------------------------------------------------------------

Nguyễn - Chương MtNguồn:  

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

Bà Triệu thuộc dòng dõi của Triệu Đà (Triệu Võ Đế)

 BÀ TRIỆU THUỘC DÒNG DÕI CỦA TRIỆU ĐÀ (TRIỆU VÕ ĐẾ)

* Luận về chữ nghĩa: Anh Thư / Anh Hùng.

&1&

"Đầu voi phất ngọn cờ vàng...", câu thơ trong Đại Nam quốc sử diễn ca, tôn vinh BÀ TRIỆU - tên thật là Triệu Thị Trinh, sống vào thế kỷ thứ 3 (225–248). Theo sử liệu, xin quí bạn chú ý: Bà Triệu thuộc dòng dõi của Triệu Võ Đế (TRIỆU ĐÀ) (*), đây là vị hoàng đế lập ra nước Nam Việt mà lãnh thổ bao trùm đồng bằng sông Hồng lẫn Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây).

Nguyễn Trãi, trong "Bình Ngô đại cáo", đã trân trọng nhắc đến: "Từ TRIỆU, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng ĐẾ một phương" (Triệu mà xưng Đế, chính là Triệu Võ Đế). Trước đó, vào thời Trần, vị Anh hùng dận tộc Trần Hưng Đạo cũng đã ngưỡng vọng gọi Triệu Võ Đế (Triệu Đà) là "vị Đế đầu tiên của nước Việt"!

&2&

Chỉ mới khoảng 60 năm trở lại đây thôi, từ thập niên 60 ở miền Bắc chuyển sang kết án Triệu Đà là "giặc" (!), và sau tháng 4/1975 thì ở miền Nam cũng phải rập theo quan điểm ném đá.

Quí bạn cần lưu ý giùm rằng: chỉ trong vòng 60 năm rất ngắn ngủn so với lịch sử dân tộc mới có sự "đổi chiều" như vậy mà thôi.

Còn trong suốt chiều dài hàng mấy trăm năm, hàng bao thế kỷ từ đời Trần (Trần Hưng Đạo), rồi Nguyễn Trãi (đời Hậu Lê) đều truy nhận Triệu Đà là vị Đế trong dòng sử Việt.

Nếu "quán triệt" quan điểm của những người chép sử đời nay (kết án Triệu Đà) thì Trần Hưng Đạo lẫn Nguyễn Trãi hóa ra là "mê muội" đã nhận "giặc" (Triệu Đà) làm tiền bối hay sao?

Bạn chọn sự "mê muội" của anh hùng Trần Hưng Đạo kiệt xuất, của Nguyễn Trãi lỗi lạc, hay bạn đi theo cách giải thích của “đỉnh cao trí tuệ”? Tùy bạn, ở đây tôi miễn tranh luận.

Còn tôi, nguyện đi theo sự "mê muội" của cụ Nguyễn Trãi.

Để được tôn vinh Bà Triệu bất chấp... hồ sơ lý lịch của bà thuộc dòng dõi "giặc" Triệu Đà!

&3&

Khi nước Nam Việt sụp đổ, con cháu của Triệu Đà đã chạy xuôi về phương Nam, đến Thanh Hóa trú ngụ. Họ kết giao với người Mường, và sau nhiều đời đã trở thành một dòng họ thanh thế tại Na Sơn xứ Mường.

Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) đã tiếp nối truyền thống tổ tiên mà dấy binh khởi nghĩa chống lại giặc Đông Ngô. Bà được gọi là một ANH THƯ lẫm liệt của nước Việt!

*&*

Sẵn đây, giải thích chữ nghĩa chút đỉnh.

ANH THƯ" dùng để chỉ người tài giỏi thuộc nữ giới. Còn "ANH HÙNG" dùng để chỉ người tài giỏi thuộc nam giới.

("anh" là tài giỏi; "thư" là chim mái; "hùng" là chim trống)

Vậy, kêu "nữ anh hùng" - mà "hùng" thuộc giống đực, đi ghi chú thêm chữ "nữ" - tức là ... lưỡng tính hay sao?

Tuy nhiên, quí bạn vẫn thấy người ta dùng danh xưng "nữ anh hùng". Lý do? Theo giới khảo cứu, đây thuộc về tiềm thức "trọng nam khinh nữ" chi phối trong ngôn ngữ cả Đông lẫn Tây.

Nói chút qua tiếng Anh để dễ hình dung:

"MAN" nghĩa là đờn ông, đồng thời còn mang nghĩa khái quát là "người/con người" - đây là dấu vết của "trọng nam khinh nữ", thành thử "MAN" được coi là đại biểu chung cho con người luôn.

Sau này, trong tiếng Anh thiên về việc dùng chữ "PERSON" với ý nghĩa là "người/con người". Người nam thì "male person", người nữ là "female person" (không dùng "man" với ý nghĩa bao quát nữa, mà chỉ còn cái nghĩa "đờn ông" đối trọng với "đờn bà" là "woman").

Để bình đẳng giới đâu ra đó, không gì hay cho bằng là dùng danh xưng "ANH THƯ" để chỉ người nữ kiệt xuất, hay ơi là hay! Như Bà Triệu, Bà Trưng - ngày trước trong cách gọi của người Việt chúng ta - đây là những vị ANH THƯ ./.

-------------------------------------------------

(*): Tôi ghi chú vắn tắt, để mọi người yêu sử Việt thì hãy chịu khó tìm hiểu. Cơ bản nhứt, hãy vào Google tìm "Triệu Thị Trinh", "Bà Triệu" là có nêu những nguồn tài liệu dẫn chứng điều tôi ghi chú.


Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

 

 

 

 

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

Ngụy biện của trường phái "cuồng phiên âm"!

 NGỤY BIỆN CỦA TRƯỜNG PHÁI "CUỒNG PHIÊN ÂM"!

* Phiên âm KHÁC với chuyển ngữ Việt hóa.

* Gọi "cuồng phiên âm" tức là đã đẩy phiên âm - một hiện tượng ngôn ngữ bình thường - đi quá xa, tới mức dị hợm khiến cho tiếng Việt hệt như tiếng "nước lạ" nào đó hoặc hệt như người "cõi trên"...Tắt một lời, "cuồng phiên âm" phá rối tiếng Việt!

&1&

Trước hết, phải nói ngay, phiên âm là một hiện tượng hết sức bình thường trong mọi ngôn ngữ. Và các dân tộc đều có những cách phát âm khác nhau tới mức ... phiên âm không tài nào chính xác được.

Người Việt khi đụng phải nhiều ngôn ngữ bên phương Tây họ phát âm: /æ/; /∫/; /t∫/ ; /θ/... thì bó tay, phiên âm cho có cái gọi là "phiên âm" thôi, gần giống, hao hao, chớ không tài nào giống hệt được!

Người Nhựt Bổn họ không có âm /v/, thành thử khi phiên âm hai chữ "Việt Nam" họ viết thành "Beto Namu" (ベトナム), đọc lên nghe khác xa lắc so với nguyên ngữ (trong tiếng Việt).

Người Tàu phiên âm, chẳng hạn tên cầu thủ "Beckham", họ đọc mài mại như ri: “Pậy-cựa Khan-mủ (Beckham: ).

Phiên âm "Beto Namu", dù khác với "Việt Nam", cũng không sao hết trơn, vì người Nhựt họ phiên âm - nên nhớ - là cho người Nhựt đọc.

Phiên âm "Pậy-cựa Khan-mủ" cũng vậy, người Tàu phiên âm là để cho người Tàu đọc với nhau.

Trở lại với người Việt. Tỉ dụ "săm" là phiên âm từ tiếng Pháp "chambre", có âm "rờ" nhẹ phía sau nhưng phiên âm tiếng Việt không cần ghi; "envelope" cũng tiếng Pháp khi phiên âm qua tiếng Việt chỉ còn gọi là "lốp" (chỉ giữ vần "lope" nhưng bỏ luôn âm "pờ" nhẹ phía sau).

Phiên âm như vậy không chết ông tây nào hết. Bởi vì người Việt phiên âm là để cho người Việt đọc, và đọc xuôi miệng.

&2&

Mời quí bạn đọc đoạn sau (tôi chép lại từ trên mạng): "Nhật gọi Việt Nam là Bê tô Na mự, Trung Quốc gọi Bec-kham là Pậy-cưa Khan-mủ, thì các anh cũng bảo họ (phiên âm) là ngu si dốt nát à?", để từ đó dẫn tới lập luận khệnh khạng như ri: "Các anh phải hiểu rằng việc phiên âm là rất cần thiết", phiên âm là "cách phát âm đã Việt hóa", "lấy tiếng Việt làm gốc đi".

Lập luận dẫn trên khá tiêu biểu của phái mà tôi gọi là "cuồng phiên âm". Như tôi đã dẫn giải ở &1&, phiên âm là một hiện tượng bình thường trong mọi ngôn ngữ, nhưng từ sự bình thường mà đánh đồng với "rất cần thiết" là đánh tráo khái niệm.

Càng trật hơn, thậm chí ấu trĩ, khi đánh đồng việc phiên âm với "Việt hóa".

Xin phân tích:

2.1/ Căn bản của mọi thứ phiên âm là phải theo ĐÚNG với cách phát âm và phép viết chính tả của TIẾNG VIỆT.

Xin được nhắc lại: trong phần lớn phiên âm là không tài nào đúng so với nguyên ngữ được hết; do đó không đặt vấn đề phiên âm đúng/sai so với nguyên ngữ.

NHƯNG, nên nhớ phiên âm sang tiếng Việt là để cho người Việt đọc, thành thử phiên âm buộc phải ĐÚNG VỚI TIẾNG VIỆT (đúng với cách phát âm và chính tả của tiếng Việt).

2.2/ Mời đọc tỉ dụ sau:

(a) Oa-sinh-tơn, Các Mác, Lê-nin, Đi-mi-tơ-rốp, ca sĩ Lây-đi Ga-ga, Ki-li-ơ Mi-nô-guy...

(b) Ô-xtrây-li-a, Mát-xcơ-va, ca sĩ Rát-xcan, nhà văn Se-rơ-nhi-áp-xki...

Dãy tỉ dụ (a), dù trong đó có những chữ đọc thấy ngồ ngộ, nhưng đều là ghi phiên âm theo đúng chính tả/phát âm của tiếng Việt.

Dãy tỉ dụ (b) là ... người "cõi trên" phiên âm tiếng Việt! Tại sao nói vậy? Chính tả/phát âm trong TIẾNG VIỆT (nhấn mạnh: không phải chính tả của tiếng nước ngoài) KHÔNG có sự kết hợp hai phụ âm đi liền kiểu như "xc" (trong "xcơ", "xcan"), "xk" (trong "xki"), "xt" (trong "xtrây")!

Giáo sư Cao Xuân Hạo đã từng chỉ rõ những cái sai (dẫn trên), nhưng cho tới hiện nay cái sai vẫn cứ sai, ù lì, không chịu sửa!

Muốn phát âm cho đúng tiếng Việt, phải là: "Mát-xơ-cơ-va", "Ô-xơ-trây-li-a"; hoặc bỏ quách âm "gió" (/s/) chỉ ghi: "Mát-cơ-va", "Ô-trây-li-a". Đó, mấy vị phiên âm "Các Mác" từ Karl Marx, mấy vị đâu cần ghi âm cuốn lưỡi /l/, ghi âm gió /x/ làm gì cho nó rườm rà.

Viết sai lè lè, không khớp với cách phát âm/chính tả trong tiếng Việt, như "Mát-XCơ-va", "Ô-XTrây-li-a", mà vẫn không chịu sửa, mà đòi vỗ ngực như vậy là "Việt hóa" thì đi quá xa của sự khôi hài!

Đòi "lấy tiếng Việt làm gốc" theo kiểu viết xcơ, xtrây, xcan, xki... thì phá gốc rồi còn gì!

&3&

Phiên âm là cố gắng đọc mài mại, gần giống tới mức có thể được khi so với nguyên ngữ (nhắc lại: đa phần phiên âm không thể đúng/chính xác so với cách phát âm của nguyên ngữ tiếng nước ngoài).

Từ tiếng Anh "Australia" mà ghi thành "Ố-xơ-trây-lia" thì đây là phiên âm; còn ghi là "Úc Đại Lợi" (rút gọn thành "Úc"), đây là Việt hóa.

"Russia" / "Россия" nếu phiên âm tạm ghi là "Rớt-xia", còn khi gọi là nước "Nga" (rút gọn từ "Nga La Tư"), đây đích thị là Việt hóa.

Nhiều người tưởng "phiên âm" là Việt hóa, cũng chỉ vì thấy phiên âm được ghi bằng văn tự Quốc ngữ, nhưng phiên âm chỉ đơn thuần là động tác chuyển âm (chuyển trên bề mặt âm thanh mà thôi), còn Việt hóa là chuyển ngữ hoàn toàn! "Rớt-xia" chỉ là chuyển âm cho gần giống với "Russia", còn "Nga" mới là chuyển ngữ Việt hóa rành rọt.

Có cái này tréo cẳng ngỗng lắm đa:

"Săm" là phiên âm từ "chambre", "lốp" là phiên âm và đọc rút gọn từ "enveloppe". Trong khi đó, "ruột xe" ("săm"), "vỏ xe" ("lốp") mới là thuần tiếng Việt, là chuyển ngữ hẳn hòi.

Trong tiếng Việt, ưu tiên chuyển ngữ tiếng Việt so với phiên âm là điều hợp lý hơn hết, vì như vậy mới thực sự tôn trọng năng lực chuyển ngữ của tiếng Việt!

Vậy mà, khi nghe đài truyền hình quốc gia VTV cứ nói "săm" với "lốp" thay vì phải là "ruột / vỏ xe"! Họ lẫn lộn giữa đài địa phương Hà Nội (quen gọi "săm", "lốp") với đài quốc gia - nghĩa là một đài phải lấy tiêu chí là chọn những cách gọi Việt hóa, thuần Việt bất luận miền nam hay miền bắc.


Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

"Ưu tiên tiếng Việt" là vậy sao?

 "ƯU TIÊN TIẾNG VIỆT" LÀ VẬY SAO?

Nếu có hai chữ cùng một nghĩa nhưng đều là phiên âm, tỉ như từ tiếng Pháp "savon", người miền Nam phiên âm thành "xà bông" còn người miền Bắc gọi thành "xà phòng"; cả hai chữ "xà bông", "xà phòng" xài sao cũng được hết.

NHƯNG, nếu có hai chữ cũng dùng để chỉ một sự vật, đồ vật, một đàng phiên âm, một đàng là tiếng Việt hẳn hoi, ưu tiên dùng chữ nào?

Dĩ nhiên, phải dùng tiếng Việt thay vì dùng phiên âm, vì như vậy mới thực sự thượng tôn tiếng Việt!

&1&

Ở đây, tôi đơn cử mấy chữ như sau : "săm", "lốp", "phanh", "ô tô". Hết thảy đều là chữ phiên âm (hoặc phiên âm rút gọn) từ tiếng Pháp, lần lượt như sau: "chambre", "enveloppe", "frein", "automobile". Ở nhiều địa phương ngoài Bắc, người dân lẫn « nhà đài » quen dùng những chữ phiên âm như rứa, tôi tôn trọng thói quen này.

Nói vậy, để quí bạn nào ở ngoài Bắc không bực khi tôi sắp viết ra những điều dưới đây. Xin nhắc lại : thói quen tại địa phương thì cứ dùng.

Nhưng, ở đây, tôi đề cập đài truyền hình VTV về danh nghĩa là đài cấp quốc gia. Mà đã là cấp quốc gia thì phải bình đẳng mọi miền (nam, trung, bắc) chớ không biến thành diễn ngôn chiếu cố cho riêng miền nào.

Trong vấn đề ngôn ngữ, giữa việc phiên âm với chuyển ngữ (Việt hóa) thì PHẢI chọn lựa ưu tiên cho chuyển ngữ Việt hóa !

&2&

Thấy gì, ở VTV? Ra rả đọc theo phiên âm : « săm », « lốp », « phanh », « ô tô » ; trong khi đó, ở miền Nam đã có sự chuyển ngữ tiếng Việt, lần lượt là : « ruột », « vỏ », « thắng », « xe hơi ». Sao cứ chăm bẳm phiên âm theo thói quen của một vài nơi ở ngoài Bắc, mà không ưu tiên cho kho tàng TIẾNG VIỆT chung ?

Đó là chưa kể việc cắt gọt trụi lủi «automobile» chỉ còn là « auto», phiên âm thành «ô tô» là một sự què cụt về nghĩa!

«Ô tô» không thôi, đâu mang nghĩa rõ ràng là chiếc xe! Bởi vì «auto», trong nguyên ngữ, là tiếp đầu ngữ (préfixe) mang nghĩa «tự» (soi-même / self) – chẳng hạn «automobile" là "tự di chuyển», «động cơ tự động», nhưng «autobiographie» lại là «tự truyện», «tiểu sử tự viết»…

Ông A nói có « một ô tô », ồ, ông ta có một chiếc xe hay là… có một cuốn tự truyện - đều bắt đầu từ cách gọi « ô tô » (auto)?

Trong khi ở miền Nam, « automobile » được chuyển ngữ rất rõ, không gây ra sự mơ hồ, đó là « chiếc XE hơi ».

&3&

Tắt một lời, hễ vùng, miền nào có cách dùng tiếng Việt thông minh thay vì "phiên âm" nôm na (bất luận miền nam, miền trung hay miền bắc), đều phải ưu tiên trên hết.

Cứ vỗ ngực "yêu quý tiếng Việt", trong khi quên bẵng cách dùng chữ Việt hóa, mà không biết ngượng hay sao ? ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt