Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022
Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022
Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022
Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022
Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022
MA-Ó 1934
MA-Ó 1934
----------------
Tiếng Ma-ó đây chẳng phải
là ma quỉ gì, hiện lên mà la hét đâu! Song là một họ có đạo, ở tĩnh Phan-rý, về
địa sở Phan-thiết. Cha Phaolồ Nguyễn thông Lý làm Cha sở.
Nhớ cách hai năm nay, lối
tháng Mai, trong N. K. Đ. P. có in một tin dây thép của cha Phaolồ, gởi cho Đức
cha hay: “Bão tố đánh sập nhà thờ”. - Đó rồi các tay làm phước cả địa phận
Saigon, mà cũng có chỗ có, chỗ không; họ nhiều, họ ít; kẻ ít, người nhiều, gởi
tiền bạc cho cha; góp gió làm bão, bão nầy, không phải làm sập nhà thờ nữa,
song là bão cất nhà thờ. - Trước hết, cha lo cất cái nhà thờ tạm, bằng tranh rạ,
cho có chỗ nơi, để bổn đạo đọc kinh, xem lễ, và tiện để mà lo tạo lập thánh đường
mới, Nhín nhúc, tiện tặn, mua các đồ vật liệu, mà xây lại một đền thờ mới, và
làm lễ đầu tay trong nhà thờ ấy, cùng một ngày mà nhà thờ cũ sập, đã hai năm rồi.
Ý cha muốn rước Đức cha làm phép nhà thờ, khi ban phép Thêm sức trong địa sở
Phan-thiết, lối cuối năm nầy. Song vì Công đồng Hà-nội, nên Đức cha dạy làm
phép cho rồi.
Vậy, ngày thứ hai 8
Octobre 1934 làm phép; song cha muốn cho anh em bổn đạo, lo nhờ Toàn xá, thì
trước khi ăn khánh-tán nhà thờ, cấm phòng ba ngày, Chúa nhựt lễ Môi-khôi để M.
T. C. phiên.
Chiều Chúa nhựt khi phép
lành rồi, thiên hạ coi lăng xăng, nhộn nhàng, các họ lần lần đến... Sáng thứ
hai: chuông trống inh ỏi, bổn đạo đọc kinh xong; lối sáu giờ Cha Anrê Nuôi, bổn
sở Tầm-hưng, khỉ sự làm phép nhà thờ, làm lễ. Đó đã xong cuộc Khánh thành nhà
thờ mới họ Ma-ó.
Đây, kẻ viết bài nầy, xin
kể ít đều về cha Phaolồ, để tỏ lòng biết ơn Cha; vì đã lao công khó nhọc với
con chiên bổn đạo, nơi miền Phan thiết; thật là lòng dạ một Đấng Tông đồ!.
Đây xin kể theo thứ tự,
chớ năm tháng gì, quên ráo! Khi cha Phaolồ mãn làm phó Phan-thiết, thì ra riêng
ở họ Kim-ngọc, nhà cữa thì cất từ hồi các cha Bình-định, nên một ngày một cao
tuổi; các cha ở trước cũng đã thấy, và đã lo; cha Giuse Bổn lo cột; cha H.
Barré lo làm gạch; cha thì lo xay nền, rồi để đó mà ngó... vì thiếu anh hai,
thì không ai làm gì được! Song cha Phaolồ thì khác, nhín nhúc tiện tặn, mà cũng
không đủ đâu là đâu; phần nhà thờ một ngày một lão mão, mấy cơn gió lớn mưa to,
sợ cho tánh mạng cha con ghe ngày; cha bàn tính với cha Sion, khi đã làm chánh
sở Phan-thiết, cha coi túi lại, chẳng đủ đâu là đâu, cha đành biểu khoan! Cha
Phaolồ về, hiệp các anh em bổn đạo, dạy phải xuất công cùng của, ai nấy vui lòng;
kẻ ít người nhiều, cùng công lao sau nữa, song cũng chẳng ra chi; cha phải xuất
thân đi Saigon kiếm chác. Chúa thương! nhờ lòng rộng rãi giáo hữu Saigon, hễ hụt
lại chạy vô. Bỡi công cha khó nhọc: nên nay họ Kim-ngọc có một nhà thờ khá rộng,
sở Phan-thiết khi ấy, có một mình họ Kim-ngọc có nhà thờ mới trước hết, ai cũng
trầm trồ, ai cũng khen ngợi, nhứt là họ Kim-ngọc hết sức vui mừng cùng cám mến
cha, tới ngày nay, mà họ còn nhắc; ấy “Hổ tử lưu bì, nhơn tử lưu danh”. Song
cha Phaolồ chưa tử! Tử sao được, họ Ma-ó còn nằm chờ cha đó! - Các anh học trò
Latinh về tháng nghỉ, thấy cha ốm quá, thì hỏi sao cho không mập? Cha cười mà
nói, để làm nhà thờ rồi sẽ mập! Nhà thờ rồi đời cố lỷ nào, mà cha cũng vẫn còn ốm.
Cha còn lo dời nhà vuông (tiếng Bình-định kêu vậy, chỉ nhà các cha, thường cất
vuông, lại thường vắng các cha) lẫm lúa, và nhà các Dì; đoạn lo xin Dì Chợ-quán
dạy, đâu đó an bài; tưởng đâu cha nghỉ mà hưởng. Chẳng bao lâu, lịnh trên dạy
cha đi Ma-ó, cha cúi đầu vưng phục; nghe tin trong họ làm đơn, vô Đức cha kêu
xin, song vô hiệu. Ngày cha từ giã, khóc thôi là khóc...
Tới Ma-ó, nhà thờ cha
Giuse Lễ cất, cũng còn khá, song chật, lại ở bên kia sông, khó bề đi đứng; lần
hồi cho dời về phía bên nầy, nhà cha, nhà các dì, đoạn xin dì Chợ-quán; đặng
nhà thờ mới cha con vui mừng, rồi cha bắt đầu lo cất nhà thờ mấy họ nhỏ, vì
cũng là cựu trào, nên xếu mếu hết: Phan-rý port Hòa-lương; nhà thờ Sông-lũy còn
khá, lại túi cha xu cũng cạn, nên sửa lại cho vển vang.
Bây giờ cha mới tính
trong bụng rằng: Âu là nghỉ đặng. Song bụng Đấng Tông đồ, lại còn lo mở đạo Mọi;
cha con đề huề đem cây, đem rạ, lên núi, cất nhà thờ đầu trên nữa; Mọi lo làm
ruộng, hơn là lo giữ đạo !... Tưởng đâu đã hết việc, ai hay ngọn gió vô tình
ngày tháng Mai, nó vỡ nhà thờ, nó xô bốn vách, ngã nhào sạch bách; mấy tượng ảnh
gãy cổ sứt tay; sáng ngày mở cữa ra, chôi cha! thấy mà thảm, hết phương, đi
đánh dây thép cho xong! con tạo xay vần, cha lo cất nhà Chúa mãi.
Có kẻ hỏi Cha: Bộ tiền
cha nhiều lắm hay sao, mà cha cất nhà thờ mãi đi vậy? - Cũng là nhờ lòng rộng
rãi của giáo hữu. - Cha có duyên lắm, nên người ta cho cha nhiều chớ gì! – Có kẻ
thật là hảo tâm: nói một tiếng, năm chục, bảy chục, một trăm có; có người thấy
mình đi tới nhà, họ đà dớn dác; vô tới nhà, nó bắt nghẹn ngào quá! phải chi
mình đói, chắc là cũng không nói làm chi, song vì việc Chúa, nói đại, xin làm
việc Chúa, chớ chẳng xin chi cho mình, vậy mà mấy người bọc kẹo, máy kẻ
nuôi rít, họ hiểu, họ hớt trước: Năm nay... tháng nầy... dầu vậy cũng
rán tằn hắng, chớ không lẽ ra không; thấy ông chủ, bà chủ, chẳng nói chi, đi và
mở tủ, bụng mầng thầm: không lư, chớ cũng chắc là phật Nam vang, có lắm nữa
cũng là công tố hộ, ai dè một hai đồng lấy thảo với cha, thật lúc nầy túng quá!
Cha nói tới đó, rồi thêm, thật không lấy cũng ngặt, vì mình đã xin người ta, song
trong lòng buồn lắm. Bây giờ có nhà thờ nào hư nữa, thì giao cho Đức cha, chớ
đi xin mất cỡ quá!!! Tôi tưởng: ấy là cha nói lẽ vậy, vì nội sở của cha, nhà thờ
mới hết!
Bây giờ họ Ma-ó có nhà thờ
mới, lại rộng lớn hơn hồi trước nữa, cao ráo vển vang, đó cũng là nhờ cha lành,
đành mất cỡ, chịu hổ ngươi, vì lòng sốt sắng, vì đạo, vì Chúa mà chớ!
D
Ji-v-Ring (Annam)
.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm
1934
Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022
Họ Chợ Quán
KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ
ĐỊA
PHẬN NAM KỲ
-----------------
PHẦN
PHỤ THÊM
------------------
I.
- Tích Cố Du bị bắt và chịu tử đạo
(rút
trong Bổn tích 52 Đấng đáng kính trung thần Thiên Chúa)
------------------
Trong năm 1833, vua Minh
Mạng hạ chỉ cấm đạo Thiên Chúa trong nước Annam và bắt đạo nhặt nhiệm lắm, thì
lúc ấy Cố Du đang ẩn tại Mặc Bắc. Qua năm 1834, khi Chánh vệ Khôi chiếm được
thành Gia Định rồi, thì quyết bắt cố Du đặng mà ép người khuyến dụ bổn đạo theo
phe nó, nên nó sai quân lính xuống Mặc Bắc đi tầm soát bắt cố Du dẫn về Gia Định.
Ban đầu thì Chánh vệ Khôi
để người ở yên tại họ Chợ Quán, cũng như giam lỏng người. Cố Du ở đó được ít
lâu, cứ lo việc dạy dỗ bổn đạo và đi thăm viếng mấy họ ở gần Chợ Quán. Chừng
Chánh vệ Khôi nghe binh vua Minh Mạng sai vô dẹp loạn đã gần tới Saigon, thì
sai quan quân đem ngựa voi vô Chợ Quán rước cố Du vào thành có ý cho đặng người
ký tên những thơ nó đã viết sẵn, mà dễ khuyên bổn đạo theo phe nó, song Chánh vệ
Khôi làm thế nào thì cố Du cũng từ chối không chịu, đến đỗi khi nó bắt ép người
quá, thì người nổi giận, nên liều mạng lấy mấy bổn thơ để trên bàn mà bỏ vào lửa
cho cháy tiêu hết. Chánh vệ Khôi ép cố Du không đặng phen đó, thì tính cầm người
lại trong thành để thủng thẳng sẽ ép người phen khác. Cố Du bị ngụy khôi cầm
trong thành được chừng 18 tháng, đến sớm mai bữa 8 Septembre 1835, khi người
còn đang làm lễ thì nghe tiếng quân lính xôn xao đâm chém thiên hạ rên giết om
sòm, người lo làm dứt mùa lễ, mới vừa cởi đồ lễ ra, thì lính áp vô đánh người một
cây ngang lưng, người té quị xuống đất, lính xúm lại xiềng người mà bỏ vào
trong củi nhỏ hẹp, đặng để sau giải về kinh (Huế) cho vua quan tra xét. Khi đó
quân lính chém giết trói hai ngàn người đã bị ngụy Khôi bắt cầm trong thành,
trong số ấy thì có 66 người có đạo, mà đờn bà con nít đã hơn 40. Còn năm sáu tướng
ngụy, thì lính cũng bắt riêng lại để giải về kinh một lượt với cố Du.
Vua quan nghe nói quân
lính bắt cố Du ở trong thành, thì nghị quyết cho người a tùng với ngụy Khôi,
nên đã tra hạch kềm khảo người nhiều cách hung dữ độc ác lắm, mà cật vấn người
nhiều phen về đều ấy, song người cứ khắn khắn một lời mà xưng ngay ra rằng:
“Tôi là thầy cả đến xứ nầy cho đặng giảng đạo Thiên Chúa, thì tôi chỉ là một việc giảng đạo mà thôi, chẳng biết
chi tới việc quân ngụy và không có ăn thua gì với chúng nó bao giờ, song bỡi ngụy
Khôi đã bắt tôi mà cầm ở trong thành, không thể nào thoát được nên quân lính
vua đã gặp tôi tại đó”.
Quan làm hết sức, song
không bắt ra được lý nào mà đoán tội người a tùng với ngụy Khôi, thì quan lại
trở qua bắt tội người về việc giảng đạo Thiên Chúa, là đều quốc cấm, và ép người
khóa quá bỏ đạo, thì người tỏ dấu khinh dễ những lời quan ép và nói rằng: “Chính
mình tôi là thầy cả đến đây cho đặng rao truyền đạo thánh Chúa cho thiên hạ, mà
có lẽ nào tôi lại đi làm đều quái gở như vậy, mà quan ép cho uổng công.”
Sau hết quan phải chịu
thua mà chạy sớ tâu vua tự sự trước sau. cũng có thêm nhiều chuyện dối trá phi
lý mà cáo người có đạo theo một bụng với quân ngụy Khôi, nên vua phê án xử cố
Du phải chịu bá đao, là hình khổ rất độc địa khốn nạn dữ dằn quá sức. Người đã
bị xử bá đao tại Huế ngày 30 Novembre 1835, và sau hết vua quan dạy lý hình phân
thay người ra làm bốn khúc mà thả trôi sông, còn đầu người thì bêu ba bữa giữa
thành, rồi lại đem giã nát mà đổ xuống sông.
Toà thánh xét vụ cố Du chịu
tử đạo và đã tặng phong người lên hàng có lộc (Á Thánh) ngày 27 Mai 1900.
-------------------
II.
Tích Á Thánh Phaolồ Hạnh tử đạo
(rút
trong Bổn tích 52 Đấng đáng kính trung thần Thiên Chúa)
------------------
Phaolồ Hạnh là người đạo
dòng ở tại Chợ Quán. Nguyên quê quán tổ phụ người hồi tiền nhựt ở xứ Tân Triều,
thuộc tĩnh Biên Hoà, đến sau song thân người dời xuống Chợ Quán ở lập gia cư tại
đó đã lâu năm trước khi binh tây qua lấy Saigon, và đã sinh đẻ người tại Chợ
Quán trong năm 1826-1827. Ông Hạnh là con ông Thầy Xoay, thuở xuân thời đã hùn
hiệp với một người bạn hữu mà sanh phương buôn bán tầm lợi chút đỉnh, đến sau
người lại nhập với hai người anh ruột tên Thành và tên Ngãi.
Buổi ấy thiên hạ đồn tiếng
ba anh em ông Hạnh không được chơn chính ngay lành cho mấy; có kẻ lại nói ông Hạnh
trử dưỡng và luyện tập những trẻ bợm nữa. Tiếng thiên hạ đồn thì như vậy, còn
người bạn hữu đã hùn buôn bán với ông Hạnh buổi trước thì quả quyết rằng:
“Trong lúc hai anh em hùn hiệp buôn bán chung cùng với nhau thì ông Hạnh hằng
ăn ở ngay ngắn thật thà trong mọi việc, chẳng bao giờ thấy dấu gì gian dối vạy
vò chút nào”. Bỡi đó nên không dám chắc sự thiên hạ đồn chơn giả thế nào.
Đến sau có một lần người
ta đến giữa quan mà cáo ba anh em về sự ấy, thì quan dạy bắt đem tới tĩnh mà
tra khảo. Khi quan cật vấn về vụ người ta cáo, thì ba anh em nói năng đối nại
cách chửng chàng lắm, chẳng có ngập ngừng hay là có dấu sợ lệnh chút nào nên
quan hồ nghi mà tra hỏi tiên cáo lại cho rõ, thì đàng nọ nói lính quính không
ra vàm, cho nên quan tra xét không ra mối, phải đuổi hai đàng về hết.
Dẫu vậy mặc lòng, thiên hạ
cũng còn đồn tiếng ông Hạnh về nhiều chuyện khác nữa, không hiểu chuyện thiệt dối
làm sao. Người ta nói có một bà kia, là người bổn đạo Chợ Quán, tên là bà Hồng,
bị ăn trộm, rồi bà nầy thuật chuyện đầu đuôi cho ông Hạnh rõ, thì người ngăm đe
ngăn đón biểu sắp bợm đừng có động phạm tới nhà nào ở xóm Chợ Quán, song chúng
nó cũng bất đếm, nên lần khác chúng nó đến quơ hết áo quần của một người bổn đạo
khác trong họ. Chừng ông Hạnh hay được, thì người bắt tụi bợm phải đem trả để lại
cho nhà ấy đủ hết, nên chúng nó giận dữ, quyết lòng báo thù, bèn rủ nhau đứng
đơn tới quan mà cáo rằng: - “Ông Hạnh đã dẫn lộ cho binh tây lên lấy đồn Cây
Mai.”. Khi đó có xã Trị làm thôn trưởng đương niên trong làng, với một người
khác, tên là xã Dệt, cũng đứng làm chứng theo bọn nó.
Bỡi vậy nên quan dạy bắt
ông Hạnh dẫn lên đồn Bà Quẹo mà tra khảo, song khi quan cật vấn người về vụ bị
cáo, thì người đối nại cách dạn dĩ hẳn hòi mà rằng: “Tôi có quen lớn ăn thua gì
với Tây bao giờ, mà nói tôi dẫn lộ cho Tây; còn Tây ở đâu thì tôi cũng không biết,
mà tôi làm thế nào mà dẫn lộ cho được”, - Dầu quan tra khảo ngăm đe thế nào thì
người cũng cứ một lời ấy mà thôi, còn tiên cáo thì chẳng có bằng cớ gì mà làm
chứng về vụ chúng nó cáo người, cho nên quan không biết bắt lý nào mà tra khảo
vụ ấy cho ra mối được.
Song bỡi ý Chúa soi khiến
thế nào không hiểu, nên khi tra vụ ông Hạnh bị cáo không ra mối, thì quan ấy lại
trở qua việc đạo mà hỏi người như sau nầy: “Tao nghe nói mầy với tụi anh em mầy
ở xóm Chợ Quán, bây theo đạo Datô phải không?”
Từ hồi ông Hạnh mới đến
trước mặt quan cho tới khi đó, người đã đối nại cách dạn dĩ vững vàng thể nào về
vụ người bị cáo, thì khi nghe tra hỏi tới việc đạo Thiên Chúa, người lại càng
thêm chắc gan bạo dạn hơn nữa mà đáp lại rằng: “Quả thật như lời quan nói, tôi
là người giữ đạo Thiên Chúa thuở nay.”.
Quan liền ép người khóa
quá bỏ đạo, song người chẳng chịu, thì quan dạy đánh đòn, người cũng chắc một
lòng, chẳng chịu xuất giáo, thì quan dạy lý hình đem kềm nguội mà rứt từ miếng
thịt, người cũng chẳng nao lòng chút nào. Quan thấy vậy thì dạy lính đem bỏ người
vào ngục, để chờ một đôi ngày, họa may người có nao lòng mà chịu khóa quá
chăng.
Qua bữa sau quan dạy dẫn
ông Hạnh ra mà tra khảo và ép người khóa quá một bận nữa, song người cũng cứ một
lòng như trước, nên quan dạy lý hình nướng kềm cho đỏ mà bắt thịt người, thì
người cũng chẳng nao núng chút nào. Quan thấy vậy thì nổi hành hung, dạy lính
đem đe đem búa, rồi biểu lý hình kéo chơn người ra mà dần nát hai ống chơn, coi
người có chịu xuất giáo chăng, song ông Hạnh cũng cam lòng chịu hình khổ rất độc
ác dữ dằn ấy, mà chẳng chịu khóa quá.
Khi quan thấy ông Hạnh chắc
gan dường ấy, thì chẳng còn thế nào mà ép người bỏ đạo được nữa, nên qua phải
khép án xử trảm quyết người.
Đến ngày 28 tháng năm tây
năm 1859, khi quân lính dẫn ông Hạnh đi chốn pháp trường, dọc đàng gặp một người
kia, thấy ông nầy bị hình khổ khốn nạn, đến đỗi phải kéo lết hai chơn, đi không
được nữa, thì người ấy động lòng thương xót, liền trao cho ông Hạnh sáu đồng tiền
điều mà biểu người cho tả đao đặng dặn nó chém một lưỡi gơm cho ngon, cho bớt sự
đau đớn cực lực trong giờ sau hết.
Khi tới chỗ pháp trường
thì ông Hạnh cũng chẳng có dấu sợ hãi chút nào, người một vững lòng chịu chết
vì đạo thánh Chúa, cho nên dầu mà người bị thiên hạ nói người hồi tiền nhựt là
một tay gian dối xảo trá mặc lòng, những kẻ ấy cũng phải hiểu, đến ngày nay người
đã sẵn lòng chịu gia hình khốn nạn cùng chịu đổ máu mình mà xưng đạo thánh Chúa
ra trước mặt thiên hạ, thì máu ấy đã rửa sạch các tiền khiên người, và chúc ấy
người đã được nghe tiếng Chúa phán cùng người, như xưa đã phán cùng kẻ trộm
lành rằng: “Thật hôm nay mầy sẽ được lên nơi vui vẻ cùng Tao,”.
Khi ông Hạnh chịu tử đạo
rồi, thì quân lính chôn nguời gần nơi chỗ đã chém người, song đến sau bỡi đất
chài lở lộn xộn, nên mất dấu không tìm hài cốt người được.
Tòa thánh đã xét vụ ông Hạnh
chịu tử vì đạo, thì đã tặng phong người lên bực Đáng kính ngày 13 tháng hai tây
năm 1879, đoạn đến sau đã tặng người lên hàng Có lộc trong ngày 22 tháng năm tây
năm 1909.
-----------------
III.
– Tích ông Antôn Thiện bị bắt.
(rút
trong Bổn tích 52 Đấng đáng kính trung thần Thiên Chúa)
------------------
Ông Antôn Hồ chí Thiện là
con ông Hồ chí Nghĩa, nhà đạo dòng quê quán tại xứ Sa Đéc, thuở 21 tuổi người
đến cưới vợ tại Chợ Quán, và sau ở lập gia cư tại đó luôn. Vợ người là bà Maria
Huỳnh thị Điều, là con ông trùm Huy, ở họ Chợ Quán.
Ông Antôn Thiện tánh nết
hiền từ, siêng năng sốt sắng việc đọc kinh xem lễ, và xưng tội rước lễ thường,
người chẳng biết rượu trà cờ bạc, cũng chẳng hề khi nào mở miệng mà nói một lời
gì thô tục khó nghe, lại tánh ý ăn ở với anh em bà con không bao giờ mất lòng
ai.
Khi binh tây qua lấy
Saigon rồi là tháng hai tây năm 1859, mà chưa lấy tới miệt trên, nên bổn đạo Chợ
Quán ở không yên, nhiều người chạy qua Xóm Chiếu, mấy người con ông trùm Huy cũng
đã chạy đi hết, còn một mình vợ chồng ông Thiện ở lại Chợ Quán mà thôi. Ông nầy
có một anh ruột làm thầy cả (là cha Hạp), năm ấy đang coi họ Bà Rịa, mà ở đó
quan quân tầm soát bắt bớ nhặt nhiệm lắm, không thể ẩn được, nên cha Hạp phải
chạy lên Chợ Quán trú tại nhà ông trùm Huy được ít lâu. Chừng ở Chợ Quán không
yên; cha Hạp phải dời đi nơi khác, thì người cậy em là ông Thiện lo đem đồ lễ của
người qua Xóm Chiếu mà gởi. Ông Thiện biết việc đem đồ lễ ấy đi là việc rất hiểm
nghèo lắm, song nếu để im lìm tại Chợ Quán rồi rủi quan quân bắt được đồ nầy
trong nhà nào thì khốn tai cho nhà ấy, và sợ cha Hạp không khỏi chết nữa, nên
người thọ lãnh đem đồ lễ đi gởi, và lo xếp gói sẵn trong mo cau, đến tối người
đem giấu dưới đáy ghe lường, còn trên thì chất đầy những trầu cau, giả là ghe
đi buôn bán, rồi lén chèo ghe đi ra vàm. Từ trong nhà đi ra gần tới cầu Bà Đô bằng
an, tưởng có lẽ đi luôn được, nên người lén chèo tuốt ra cầu, không dè có kẻ đã
mạch cho lính giữ ngoài vàm hay rồi, nên khi ghe người chèo ra vừa tới giữa
sông thì lính kêu ghe ghé, người nói ghe đi bán trầu cau, chúng nó không nghe,
bắt trở lại xuống xét ghe, lục được đồ lễ gói sắp ở dưới trầu cau, thì lính
trói ké người lại mà dẫn lên đồn nộp cho quan. Theo sắc chỉ vua Tự Đức, thì tội
ông nầy xử trảm quyết.
Đến sáng ngày quan khỉ sự
xử đánh đòn ông Thiện 50 trượng mà tra khảo về những đồ lễ người giấu dưới ghe,
vì quan quân hồ nghi người là thầy cả.
Khi bà vợ nghe tin người
đã bị bắt dẫn lên đồn rồi, thì lật đật đi theo đến đó mà nghe coi công việc thể
nào. - Chừng bà vợ lên tới nơi thì thấy ông Thiện mang một cái gông to lớn nặng
nề lắm, lại người bị đòn trượng bịnh quá, còn nằm dưới đất, vì khi quân lính
kéo hai cánh tay người mà giăng nọc, thì chúng nó kéo rán quá sức, đến đỗi đã
rách da lòi gân nách ra, còn trọn cái bàn trôn thì bị đòn khoét móc hết thịt,
nên đau đớn cực lực quá lẽ, mà quan tra chưa ra mối nào nên dạy đem cầm ngục
người lại, đặng tra khảo phen khác, song người chổi dậy không nổi, lính phải lôi
đại người vào ngục.
Không rõ lúc sau ông Thiện
đã bị tấn khảo mấy lần nữa. Song bỡi người trượng bịnh mà chẳng ai nuôi dưỡng
thuốc men gì, có một mình bà vợ tới lui thăm viếng, giấu đem cho một hai chút
thuốc, và nhờ mấy người bị cầm ngục một lượt đó giúp đỡ chút đỉnh mà thôi, nên
bịnh người một ngày một thêm, người bị cầm tù được chừng một tháng thì phải chết
trong ngục, rồi quan dạy đem xác người bỏ xó bụi ở phía ngoài đồn. Qua bữa sau,
bà vợ nghe tin ông Thiện đã chết trong tù, thì chạy mượn ít người bà con xóm diềng
đi giúp với mình lên đồn xin lãnh xác đem về chôn trong đất riêng, gần bên nhà
thầy Sáu ở bây giờ, đến nay mồ mả cũng còn tại đó.
Tòa thánh xét vụ ông
Antôn Thiện bị bắt bớ, đòn bọng, gông cùm, tấn khảo cho đến chết vì đạo Thánh
Chúa, thì Đức Giáo Tông Lêô XIII đã tặng phong người lên bực Đáng kính
(Vénérable) trong ngày 13 Février 1879.
Trong bổn tích “35 đấng
đáng kính trung thần Thiên Chúa” của cha Launay làm, thì không nói rõ hồi ông
Antôn Thiện chở đồ lễ đem đi gởi, có ai đi dưới ghe, hay là người đi một mình,
mà nghe trong thân tộc nói khi đó có bà vợ với người chị dâu, hai bà ẳm đứa con
nhỏ đi theo dưới ghe, nên hai chị em hiểu rõ công chuyện lúc đó mà thuật lại rằng:
Khi lính kêu ghe ghé, thì ghe ông Thiện đã chèo qua được hơn nửa sông cái, ước
như người chèo bươn cho tới mé bên kia sông đặng nhảy lên bờ là chạy trốn thì
được lắm, lính không thể theo kịp, song bỡi ý Chúa định làm sao không biết, nên
khiến cho người quay ghe trở lại mà phải bị bắt. Lại nói khi lính xét bắt được
đồ lễ giấu dưới ghe, thì nó lột khăn chế ông Thiện đang bịt trên đầu mà trói ké
người lại, và nói với nhau rằng: “Chắc thằng cha nầy là đạo trường, mà nó giả dạng
chèo ghe đi bán trầu cau đặng có trốn đây,”.
Ông Thiện nói: “Tôi không
phải là đạo trưởng,”
Lính đánh người và nói:
“Mầy đừng chối, mầy không phải là đạo trường, vậy chớ đồ mầy chở đây là của ai ?”
- Ông Thiện: “Đồ của đạo
trường.”
- Lính hỏi: “Đạo trường ở
đâu,”
- Ông Thiện: “Đi đâu
không biết,”
Lính đánh người mà hạch hỏi
không ra chuyện gì, song chúng nó quả quyết người là đạo trưởng, nên bắt người
bận đồ lễ; người không chịu thì nó lại đánh người thêm nữa, rồi lấy đồ lễ mang
đại vô cho người mà dẫn lên đồn nạp cho quan.
--------------------
IV.
- Tích ông biện Phượng và ông biện Du bị bắt
(Tích
nầy lấy theo bổn tích của ông Phủ Minh và ông Huyện Sáu đã làm trước)
--------------------
Ông biện Phượng (Vinhxentê)
và ông biện Du là hai anh em ruột, con ông Trịnh khánh Vân, nhà đạo dòng ở tại
Chợ Quán, thuở cựu trào cả hai anh em có ra giúp việc nhà nước annam, làm chức
biện trạm, nên trong buổi cấm kín thì hai người đã thừa dịp ấy mà cấp tờ phái
cho những ghe chở các cha ở sở nầy sang sở khác, cho khỏi bị mấy phần thủ ngăn
trở tra xét. Hai anh em làm việc trạm đặng ít năm, rồi sau xin thôi, về nhà lo
dạy học trò và làm thuốc; ông biện Phượng có làm biện họ cho tới khi bị nạn.
Nguyên tích nhà đất của
hai ông biện nầy ở giáp ranh của tên chức Giám, là người ngoại đạo, thì hai
đàng cũng đã ghe phen phàn nàn trách cứ nhau trong việc lấn ranh lấn đất, mới
sanh sự cừu thù nhau, mà thuở đời cựu trào thì người ngoại thường hay húng hiếp
con nhà có đạo, cho nên tên chức Giám thừa cơ trong quốc gia biến loạn mà xúi
hai đứa con trai, tên là danh Triều và danh Hiệu (Ông phủ Minh và ông huyện
Sáu, thì nói hai người con chức Giám tên Triều và tên Hiệu, còn những người cố
cựu trong họ thì nói rằng: Chức Giám có hai người con trai tên Triều và tên
Năng mà thôi. Song tưởng tên Hiệu cũng gọi là tên Năng, vì annam thường hay đặt
hai ba tên.) làm đơn lên tĩnh mà cáo với quan rằng: “Hai anh em ông biện Phượng
và biện Du, một người thì cỡi ngựa, một người đi bộ mà dẫn đường cho binh
Langsa lên lấy đồn Cây Mai,”. Bỡi đó cho nên quan tĩnh dạy bắt hai ông biện nầy
đóng gông cầm tù trên đồn mà tra hạch, khảo lược hình khổ ghe phen, và đòi làng
tổng hương chức đến mà cật vấn về vụ hai ông biện nầy bị cáo. Phải chi còn cha
Đoan thì người rõ biết chuyện tích về hai ông nầy lắm, vì khi Tòa thánh dạy tra
xét về các đấng tử đạo trong Nam Kỳ, thì cha Đoan có khai báo rõ ràng về vụ hai
ông nầy, nên đã lấy cốt một lượt với á thánh Gẫm. Bây giờ thì biên theo lời
trong thân tộc của hai ông nầy mà thôi. Khi quan tra hỏi chứng nhơn, thì mỗi
người trong hương thức làng tổng đều khai “không thấy hai ông biện ấy làm đều
như vậy, cho nên quan tra vấn không ra mối nào hết, thì quan lại trở qua bắt tội
về việc có đạo Datô và dạy phải khóa quá thập tự thì tha cho về, song hai anh
em không chịu xuất giáo, cho nên quan dạy đánh đòn văng da xé thịt và làm nhiều
cách độc ác dữ dằn lắm, lại bắt ông biện Phượng mang một cái gông thiết diệp to
lớn nặng nề quá sức, (Gông thiết diệp là gông to lớn mà có đóng kềm sắt lá nặng
nề lắm), nhưng vậy hai anh em cũng chẳng sờn lòng, cho nên sau hết quan phải
lên án trảm quyết mà gởi về kinh (Huế) cho vua xem xét, thì vua phê án rằng:
“Phàm như có đạo Datô mà không chịu xuất giáo, thi hành trảm quyết”. Khi quan tĩnh
được sớ ngoài kinh gởi vô, chưa kịp thi hành, kế binh tây kéo lên lấy đồn Chí
Hòa (kêu là đồn Tân Thứ), thì quan quân vỡ chạy và dẫn hai anh em ông biện Phượng
và mấy tội nhơn có đạo còn cầm trong đồn đem lên tại truông Ổ-gà (Hốc Môn) mà
chém, rồi dập bậy lối đó mà chạy.
Đến khi bà biện Phượng
nghe tin hai anh em ông biện đã bị xử rồi, thì bà nầy đến khóc lóc xin cha Đoan
lo phương thế, mà đem xác hai anh em về; vì nguyên tích là tại cha Doan có gởi
một con ngựa cho hai anh em ông biện Phượng nuôi, cho nên hai đứa con chức Giám
mới lấy cớ ấy mà cáo gian cho hai ông nầy phải bị xử trảm. Bỡi đó cho nên cha
Đoan phải giả dạng mà ăn mặc giống như một “ông quan cựu trào, và người phải
đích thân ra đi với một ít người bổn đạo, giả làm bộ hạ ông quan ấy, rồi dắc nhau
lên tại chỗ đã chém hai anh em ông biện Phượng mà tìm xác đem về chôn tại nền
nhà thờ cũ, là chỗ cất nhà thờ họ bây giờ, đến sau Đức cha dạy lấy cốt đem để tại
nhà trường Latinh cho tới bây giờ cũng còn đó.
Người làm bổn tích nầy là
hậu sanh, nên không rõ được nguyên gốc hồi ông biện Phượng và ông biện Du bị bắt
và bị xử đoán thế nào, song nhờ có con cháu hai ông ấy thuật lại mọi việc đầu
đuôi như vậy, thì mới hiểu mà doãn tích lại, mà từ đó tới nay chưa nghe tin Tòa
thánh xét về vụ hai ông biện nầy làm sao, nên việc ấy không nói chắc được thế
nào..
---------------------
V.
- Tích ông Mátthêu Gẫm tử đạo
--------------------
Tích nầy thì nhiều người
bổn đạo đã hiểu rõ, lại vì ông Lái Gẫm không phải là bổn đạo Chợ Quán, nên
không cần doãn tích lại cho đủ đầu đuôi gốc ngọn làm chi, song bỡi khi quan xử
ông Lái Gẫm rồi, đã táng xác người tại Chợ Quán, nên phải nhắc sơ lại nội khúc ấy
mà thôi.
Nguyên tích khi ông
Mátthêu Gẫm đã bị vua quan lên án trảm quyết người, thì đến ngày 11 tháng năm
tây năm 1847 quân lính dẫn người ra tại dãy bánh tráng mà xử, (Dãy bánh tráng ở
miệt Chợ Đũi, lối xóm các chú khách trồng cải bây giờ, phía gần đường đi lên
trường Đua). Lúc ấy cha Bề trên Thán đang ở tại Chợ Quán, đã trộm ẩn giữa thiên
hạ đô hội mà đi theo tới chỗ pháp trường, cho đặng ban phép giải tội lòng lành
cho ông Lái Gẫm, như lời ông nầy đã xin trước, và cha Bề trên Thán cũng đã hứa
chắc sự ấy với người nữa, nên đang lúc còn đi dọc đàng, thì ông Gẫm ngó quanh
quất kiếm cha Bề trên, và khi thấy người đi lộn xộn giữa thiên hạ thì ông Gẫm
cúi đầu ra dấu cám ơn người.
Khi đến chốn pháp trường,
ông Gẫm xin quan cho phép mình làm việc riêng một chút, đoạn người ngó cha Thán
rồi quì gối cúi đầu xuống đất mà đánh ngực ăn năn tội, thì cha Thán ban phép Giải
tội cho người trong lúc ấy.
Đoạn người ngồi lại cho
quân lính cưa cái gông người còn mang trong cổ, rồi người xin quan dạy lính đừng
có trói người vào trụ, để tự nhiên vậy mà chém, người và nói và quì xuống thẳng
gối, nhướng cổ lên cho tả đao chém, song tả đao không chịu, vì nói luật nước dạy
phải trói; cũng một khi ấy quan ra hiệu lệnh chém, mà tả đao chém hai phát trước
không đứt, qua phát thứ ba mới rơi đầu.
Khi xử xong rồi, thì hội
Tống chung Chợ Quán võng xác ông Matthêu Gẫm đem về, đoạn cha Thán biểu người
ta may đầu dính lại với xác mà liệm về hòm người đã mua sẵn, rồi đem táng tại đồng
Mật Cật (đồng tập trận). Đến khi yên giặc rồi, cha Đoan lo dời xác ông Gẫm về
chôn lại gần nền nhà thờ cũ, là chỗ cất nhà thờ họ Chợ Quán bây giờ. Đến sau Đức
cha dạy lấy hài cốt người đem về để tại nhà trường Latinh Saigon.
Tòa thánh xét vụ ông
Matthêu Gẫm tử đạo và đã tặng phong người lên hàng Có lộc ngày 27 Mai 1900, và
khi đó Đức cha mới cho phép phân phát hài cốt Á thánh Gẫm trong mấy nhà thờ lớn
cho bổn đạo tôn kính.
----------------------
VI.
- Tích cha Chữ bị bắt hụt
----------------------
Nghe nhiều người tuổi tác
cố cựu trong họ thuật chuyện sau nầy: Cách chừng đôi ba năm trước khi binh
Langsa vô lấy Saigon, lúc cha Chữ đang ẩn tại Chợ Quán, ở nhà ông trùm Xuân,
(năm 1857-1858), có một đêm kia trong nhà đã dọn sẵn đồ lễ đặng đến khuya cha
làm lễ, thình lình lối chín mười giờ tối, trong nhà nghe kêu cữa biểu mở cho
mau, lịnh ngoài thành dạy vô có việc. Ông trùm và bà trùm nghe nói sợ hết hồn,
vì hiểu là có kẻ mạch cho quan biết nhà mình chứa thầy cả, lại vì nhằm lúc có
cha Chữ đang ở trong nhà, khó bề tháo trúc. Bà trùm hết lòng kêu xin Đức Mẹ cứu
giúp trong cơn ngặt nghèo ấy, nhờ ơn trên soi trí mở lòng cho hai ông bà luận
được một kế hay, nên bà trùm hối cha Chữ thay áo mà mặt đồ cụt đặng giả là con
cái tôi tớ trong nhà, và biểu người ta đem giấu đồ lễ cho mau, rồi ông trùm biểu
người đi ra mở cữa ngỏ, thì ở ngoài dộng cữa thúc mở cho mau, làm cho ai nấy đều
sợ quính.
Khi mở cữa ngõ ra, thì có
ông Hạp Cang với đôi ba người vô. Ông trùm Xuân bước ra chào các ông, thì có chừng
hơn một chục lính kéo vô bao vây bốn phía nhà; ông trùm hỏi các ông đến có việc
chi ?
Ông Hạp Cang nói: “Người
ta cáo ông già có chứa đạo trưởng trong nhà, nên lịnh ngoài thành dạy vô xét bắt.”
Ông trùm nói: “Tôi có chứa
đạo trưởng nào bao giờ ở đâu.
Hạp Cang: Nếu không có
thì để cho người ta xét nhà.
Ông Trùm: Việc có hay là
không thì một ngày một rõ, các ông muốn xét nhà tôi thì thủng thẳng sẽ xét, song
bỡi tôi là con dân ở trong làng, dầu bị gì cũng xin các ông để cho tôi đi mời
quan thầy của tôi đến đây đã, rồi các ông sẽ xét.
Hạp Cang: Có muốn mời việc
làng thì đi đi cho mau.
Và ông Trùm kêu trong
nhà: “Thằng Tư, thằng Bảy, hai đứa bây bưng trầu rượu, đi mời chú xã lại cho
mau bây giờ, nói có việc cần, nghe không con!
Hồi ông Trùm đang nói
chuyện với ông Hạp Cang ở ngoài sân, thì trong nhà bà trùm nói cho cha Chữ với
bảy Long, (Bảy Long là con riêng bà Mô, là vợ sau của ông Trùm Xuân,) hiểu rõ
mưu kế hai ông bà đã luận với nhau cho đặng phi tang, cho nên khi cha Chữ với bảy
Long nghe ông trùm kêu”Thằng Tư, thằng Bảy”, thì hai người lên tiếng dạ,
rồi bảy Long cầm đèn ra đi trước, cha Chữ giả là con ông Trùm, bưng khay trầu
rượu đi theo sau, cả hai người mặc áo quần vắn. Chừng hai người ra khỏi nhà,
thì đi thẳng lại nhà Tư Trường, (Tư Trường là con ông Trùm Xuân, hồi đó ở chỗ
miếng đất trống phía trước nhà bà Tư Thủ ở bây giờ,) hối tư Trường lấy áo quần
cha chữ mặc hồi đó mà bận vô cho y một sắc, đặng thế lại cho cha Chữ đi trốn, rồi
tư Trường với bảy Long đi lại mời xã Dệt, (Xã Dệt là thôn trưởng đương niên,
khi đó ở chỗ đất tám Lễ, phía trên cầu sắt ở giữa đường đi xuống nhà đèn khí,
bây giờ bán lại cho ông Phủ Năm,) và nói tự sự trước sau như vậy, thì ông xã lo
sợ thất vía hồn kinh, vì nếu chẳng may mà người ta xét bắt được đạo trường ở
trong làng mình, thì phải bị tội vạ cả làng, không phải việc chơi, song khi xã
Dệt nghe nói cha Chữ đã thoát thân ra khỏi nhà và đi trốn rồi, thì mới tỉnh hồn
lại mà sắm sửa ra đi.
Trong lúc hai người đi mời
ông xã, thì ông Trùm nghĩ bây giờ cha Chữ đã thoát thân khỏi rồi, mà đồ lễ hãy
còn trong nhà; không thể đem giấu đi đâu mà phi tang cho được, cũng là một đều
rất khó, nên ông Trùm năn nỉ lo lót với Hạp Cang cho dễ tính việc.
Chừng hai người đi mời
ông xã trở về tới nhà, thì có một lão trong mấy người ở ngoài thành vô đó, có ý
hồ nghi, nên chỉ tư Trường mà nói: “Thằng đi hồi nãy coi bộ không phải thằng nầy
mà”.
Ông Trùm Xuân nói: “Tôi
có hai đứa con ở trong nhà, tôi sai đi hồi sớm đó, chớ có đứa nào khác ở đâu”.
Xã Dệt nghe vậy cũng ứng
lên quả quyết rằng: “Hai đứa đi mời tôi đó, thì trong làng tôi biết chắc chắn
là thằng tư Trường với thằng bảy Long là con ông già nầy, chứ không phải đứa
nào lạ”.
Ông Hạp Cang nghe vậy
cũng tính phui pha cho rồi, không cần tra hạch làm chi cho dông dài, nó lên tiếng
hỏi ông Trùm: “Vậy bây giờ có việc làng tới đó, ông già đà chịu cho người ta
xét nhà hay là chưa?
Ông Trùm: “Các ông muốn
xét thì xét.”
Chừng đội Thậm, là người
đi xét, vô nhà đi soát cùng hết mà không thấy người nào lạ mặt, song khi lục
trong giường thì thấy có đồ lễ giấu dưới chiếu, cho nên đội Thậm tri hô lên rằng:
“Xét không có người mà có đồ”, lại đòi bắt ông Trùm, thì ông Hạp Cang nói: “Đồ
của ông già mà bắt ổng làm chi, lại lịnh ngoài thành sai đi xét mà bắt người,
không ai biểu bắt đồ, như xét không có người thì thôi, để về tin lại đã, chừng
nào có biểu bắt đồ thì sẽ hay”.
Mấy ông ấy còn đang ca đó
một hồi, rồi dắc nhau ra về. Chừng mấy ổng đi khuất thì trong nhà lo dọn hết đồ
lễ, sách vở, ảnh tượng đem gởi cho mấy nhà ở gần, vì sợ tụi đó có trở lại chăng;
đến sáng ngày đem giấu tại nhà biện Thiết, ở xóm trên.
Qua bữa sau, ai nấy đều sợ
mấy ông ở ngoài thành trở vô nữa, song đặng bình yên luôn, không ai lai vãng gì
hết. Còn cha Chữ thì hồi đó trốn đi đâu mất không biết, cách lâu sau mới trở về
Chợ Quán một phen nữa.
-------------------
VII.
– Tích bà Hai Huệ bị đày.
-------------------
Bà Têrêsa Trịnh thị Huệ
là con đầu lòng ông Trịnh khánh Vân, nhà đạo dòng ở tại Chợ Quán, Bà nầy là chị
ruột ông biện Phượng và ông biện Du, thuở trên 30 tuổi làm bạn với ông thầy
Xuân là người đạo dòng, làm thầy thuốc, đã có một đời vợ trước, và có một người
con trai, tên Minh, cho đi học tại nhà trường Pinăng; các quan annam biết rõ đều
ấy, nên có ý muốn bắt ông thầy Xuân nhiều phen, song bỡi ông nầy làm thuốc có
danh, và thường khi có hốt thuốc cho các quan tại Gia Định, nên các quan tin cậy
lắm, để vậy mà nhờ người. Đến tháng hai tây năm 1859, khi nghe tin tàu chiến
Langsa vô tới Cần Giờ, thì các quan làm mưu sai người đi rước ông thầy Xuân vào
dinh mình, đặng coi mạch hốt thuốc cho quan Thượng, khi đó ở tại chỗ tòa bố Gia
Định (Bà Chiểu) bây giờ, sự thật thì quan Thượng chẳng có đau ốm gì, nên khi
ông thầy Xuân vào dinh rồi, các quan dạy bắt người mang gông và dẫn ra mà tấn
khảo, về vụ cho con đi tây, và ép người khóa quá bỏ đạo, song ông nầy vững lòng
chẳng chịu khóa quá, nên bị cầm ngục luôn tại đó. Cũng trong lúc ấy, quan dạy bắt
bà hai Huệ, là vợ ông thầy Xuân, mà cầm ngục, đến khi binh tây lên lấy Saigon,
thì các quan dạy điệu hai ông bà lên tĩnh Biên Hòa mà cầm tại đó. Cách ít lâu
sau, các quan dạy thích tự cho bà hai Huệ và đày bà nầy ra Ải Lao, ở miệt Lạng
Sơn Cao Bằng, Bà Huệ bị ở đó năm sáu năm, chừng yên giặc rồi mới đặng trở về
quê quán, và đến tuổi già đã qua đời tại Chợ Quán.
Còn ông thầy Xuân, thì
qua năm sau các quan lên án trảm quyết vì tội theo đạo Datô bất khẳng xuất
giáo, mà nhứt là vì tội cho con đi học bên nhà trường Pinăng, và đã xử người tại
Biên Hòa trong tháng chạp năm 1860.
Còn thầy Minh là con ông
thầy Xuân, đến sau trở về xứ được ít lâu, rủi mang bịnh điếc, phải về thế gian,
lo đôi bạn và ở tại Thủ Đức. Vợ người tên thị Sáu Đông, là con ông Lái Thu, ở tại
Chợ Quán.
----------------------
VIII.
- Tích bà bảy Hiệp thoát khỏi chết thiêu trong ngục.
----------------------
Bà Lucia Trịnh thị Hiệp,
là con ông Trịnh khánh Văn, và là em ruột bà hai Huệ, ông biện Phượng và ông biện
Du, cả thảy là người bổn đạo Chợ Quán. Thuở xuân thời bà nầy làm bạn với ông biện
Huỳnh và theo chồng về ở tại Bà Rịa.
Khi binh tây lại lấy
Saigon rồi được hơn một năm, đến tháng tám tây 1861, ở Bà Rịa quan quân tầm
soát bắt hết thảy bổn đạo, bất luận đờn ông đờn bà, mà thích tự và cầm trong ngục,
xung quanh ngục thì chất bổi lên sẵn, chờ khi binh tây tới thì đốt ngục thiêu sống
những kẻ bị cầm trong đó. Bà bảy Hiệp cũng đã bị thích tự hai bên bàn tang và bị
cầm ngục với hai ba đứa con nhỏ, cùng các người bổn đạo khác. Đến ngày mồng 7
tháng giêng tây năm 1862, khi tàu chiến Langsa vô tới lối Cỏ May, thì quan dạy
đốt ngục thiêu sống bổn đạo trong đó nhiều lắm. Bên ngục đờn bà, thì nhờ có đội
đề lao và lính canh ngục có nhơn, vì thấy nhiều người có con nhỏ tội nghiệp,
nên trộm lịnh mở cữa ngục cho nhiều người thoát ra khỏi được, song phần nhiều
cũng đã bị chết thiêu trong đó. Bà bảy Hiệp nhờ dịp ấy mà thoát ra khỏi được, song
cũng đã bị cháy một ít. Đến sau bà nầy trở về Chợ Quán, và nhờ ơn Chúa, đã sống
cho tới ngoài 90 tuổi, mới qua đời trong năm 1917.
--------------------
IX,
-Tích bà năm Đỏ được ra khỏi ngục hình
--------------------
Bà Huỳnh thị Đỏ, là con ông
Trùm Huy, ở tại Chợ Quán; bà nầy là chị vợ ông Antôn Hồ chí Thiện (Đấng Đáng
Kính), thuở xuân thời làm bạn với ông Nguyễn văn Thiện, là con ông Cả Toan, ở Đồng
Môn (Biên Hòa) và đã theo chồng về ở Đồng Môn. Đến năm 1860-1861 quan tĩnh Biên
Hòa dạy bắt hết thảy bổn đạo mà cầm ngục, bất luận đờn ông đờn bà, nên bà năm Đỏ
cũng đã bị bắt cầm trong khám đường với nhiều người đờn bà khác tại Biên Hòa.
Trong lúc mấy bà nầy bị cầm tại khám, thì có một đứa con nhỏ của quan tĩnh bị
phong độc nặng lắm, chạy thuốc hết sức mà nó không khá, nên quan ấy chẳng biết
liệu thế nào mà cứu con mình cho khỏi chết. Chừng hết phương thì quan ấy nhớ lại
những Datô mình đã bắt cầm trong khám đường, có khi nó có phép gì hay mà cứu
con mình được chăng, nên người đòi đội đề lao mà biểu hỏi coi trong những đờn
bà Datô đó, có ai biết phương nào mà cứu được con mình, thì sẽ tha cho hết thảy
được phản hồi quê quán.
Khi đội đề lao vô khám đường
hỏi như vậy, thì trong những đờn bà bị cầm tại đó không ai biết thuốc gì mà cứu
con quan tĩnh, song bà năm Đỏ biểu mấy bà kia cầu xin Đức Mẹ ban ơn riêng giúp
mình làm nên việc ấy, thì chị em mình sẽ được trở về quê quán. Nói đoạn bà nầy
phụng mạng ra đi và dặn mấy chị em ở trong khám đọc kinh cầu Đ C Bà, mà xin Đức
Mẹ cho mình làm đắc việc. Vốn bà nầy không biết thuốc men gì, song bỡi lòng tin
cậy Đức Mẹ sẽ giúp mình, nên phụng mạng ra đi với đội đề lao, và khi vừa ra khỏi
khám, gặp một bụi cỏ gì đó không biết, thì người nhổ bụi cỏ bỏ vào miệng mà
nhai và thầm khi kêu ơi trên. Khi đến nơi, bà nầy giổ nước cây cỏ đang nhai vào
miệng đứa nhỏ cho nó nuốt được một hai chút, còn bao nhiêu thì người lấy mà rơi
miệng nó. Cách qua một giây, con quan tĩnh khá lần, và nội ngày ấy nó mạnh lại
như thường, nên quan tĩnh giữ lời hứa mà tha cho hết thảy những đờn bà đang bị
cầm trong khám đường được trở về quê quán. Bỡi đó nên bà năm Đỏ và mấy chị em hết
lòng cám ơn Đức Mẹ đã làm phép lạ mà cứu mình ra khỏi ngục hình.
Chung
về Họ Chợ Quán.
.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm
1919
Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022
Họ Chợ Quán
KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ
ĐỊA
PHẬN NAM KỲ
-----------------
HỌ
CHỢ QUÁN (tiếp theo)
-----------------
Gốc tích Nhà phước Chợ
Quán
-----------------
Năm 1841 Đức cha Thể (Mgr.
Cuénot ) hội các cha trong Địa phận mà công luận tại Gò Thị, và khi mãn kỳ hội
rồi, thì người phong chức cho Đức cha Ngãi Đôminicô (Mgr. Lefèbvre) tại đó, và
phú cho Đức cha Ngãi lo việc cai trị phía trong Đồng Nai, nghĩa là Lục tĩnh Nam
Kỳ và Cao Mên, cách ít lâu sau, Đức cha Ngãi xin Đức cha Thể cho ít người nhà
phước Bình Định vô Đồng Nai mà lập nhà phước annam trong mấy họ lớn. Hồi ban
sơ, Đức cha Thể cho vô năm người, là: bà Tìm, bà Tạ, bà Nghĩa, bà Búp và bà Hề.
Lúc mới vô thì mấy bà nầy
ở tại Chợ Quán, nơi nhà bà Điểm, khi đó ở nửa phần miếng đất thầy Minh Jacques ở
bây giờ, phía giáp ranh đất nhà thờ nhằm lúc cha Lợi già đang coi họ (năm 1842-1843).
Cách ít ngày, việc làng tới tra gạn chủ nhà, thì bà Điểm làm khai mà nhận năm
người ấy là con cháu mình ở phương xa tới thăm, nên làng không tra hạch nữa,
song mấy người ấy sợ ở Chợ Quán không yên, nên xin Đức cha cho phép đi ở nơi
khác, thì Đức cha dạy đi lên miệt Tân Triều mà lập nhà phước tại đó. Đức cha
Đôminicô hết lòng lo lắng và nhờ ơn Chúa giúp, thì chẳng khỏi bao lâu, nữ nhi ở
các nơi xin vào nhà phước được ba bốn mươi người.
Đến năm 1848, vua Tự Đức
giáng chỉ bắt bổn đạo và dạy triệt phá nhiều nơi thánh đường cùng nhà trường,
nhà phước, nên các chị nhà phước ở Tân Triều phải chạy tán lạc hết, kẻ thì trở
về quê quán mình mà tị nạn, người thì chạy tới họ nầy họ khác mà ẩn ánh. Nhơn
lúc ấy có năm ba người đến trú tại Chợ Quán, và cất nhà ở trong đất bà Điểm.
Nhà cất sụt vô phía trong vườn trầu cau, và mấy người ở đó lo để tằm, làm nghề
canh cửi vá may, lại nhờ một hai người bổn đạo nhơn đức rộng rãi dưng cúng giúp
đỡ tiền bạc lúa gạo, thì cũng vừa đủ dùng. Cách ăn ở bề ngoài của mấy người ấy,
cũng như người thế gian thường, chẳng có dấu chi lạ, nên làng xóm để ở yên, lần
lần đến sau tăng số được chừng vài mươi người.
Lúc ban sơ thì bà Quyền
coi các chị nhà phước, đến sau bà Quyền đổi đi Cái Mơng giao lại cho bà Bạch coi,
chừng bà Bạch đi Bà Rịa thì bà Đồng lên coi các chị được ít lâu, kế tới lúc
binh tây lại lấy Saigon (năm 1859) thì ở Chợ Quán không yên, nên các chị nhà
phước chạy tán lạc, còn lại đuợc năm bảy người dắc nhau chạy qua trú tại Xóm
Chiếu, ở gần bên Đức cha Đôminicô. Cách ít lâu sau, dời về ở tại Khánh Hội hồi
xưa kêu là Cầu Chông, và đã lập nhà phước tại đó, lại cũng có lập nhà trường Latinh
nhỏ gần một bên đó nữa. Cách qua một đôi năm sau, Đức cha bàn tính cùng các cha
về sự nhà trường Latinh và nhà phước ở gần nhau thì bất tiện nhiều bề, lại vì
chỗ Cầu Chông có nhiều người ngoại đạo hoang đàng lắm, nên Đức cha nhứt định phải
dời đi nơi khác.
Khi đó Đức cha Ngãi có hỏi
cha Tôma Đoan coi phải lập nhà phước nơi nào cho tiện và ở giữa bổn đạo, thì
cha Đoan nói họ Chợ Quán có lẽ tiện hơn, vì bổn đạo ở xung quanh là người đạo
dòng, đạo cũ, lại bỡi việc giặc trong lục tĩnh Nam Kỳ chưa yên, nên lập nhà phước
tại Chợ Quán thì tiện nhiều bề, vì gần quan tây và gần trại lính tây ở tại Miễu
hội đồng (Camp des Mares); lại quan cai trại lính ấy là người có đạo đức và yêu
mến cha Đoan lắm, năng tới lui thăm viếng cha Đoan và hứa hẹn mình còn ở tại đó
bao lâu khi sẽ binh vực gìn giữ họ Chợ Quán luôn.
Cha Đoan thừa dịp quan ấy
đang yêu vì mà xin mấy cái đình và nhà người ta chạy giặc bỏ hoang lối gần Miễu
hội đồng, đặng dỡ đem về lọc lấy cây cột tốt mà cất nhà thờ và nhà phước, nên
trong năm 1861-1862, khi người cất nhà thờ họ và nhà ở mới vừa xong, thì người
lo dời nhà phước về Chợ Quán ở đỡ hai cái nhà lá người đã cất năm trước tại chỗ
đất nhà phước bây giờ, có ý thủng thẳng sẽ cất ngói, song chưa kịp làm thì người
đã phải đổi đi nơi khác.
Năm nhà phước mới trở về
Chợ Quán, thì bà Loan coi các chị được ít tháng, rồi kế sau là bà Thắm (bà Thắm
là người gốc tại Chợ Quán).
Cũng có một phần nhà phước
Chợ Quán nguyên gốc buổi trước ở nhà phước Tân Triều, đến năm binh tây vô lấy
Saigon thì ở Tân Triều bị quan annam tầm soát bắt bớ đốt phá nhà cữa tan hoang,
cho nên các chị nhà phước đã chạy tán lạc hết, còn lại chừng mười lăm người đem
nhau chạy xuống trú miệt Bến Thành (Saigon) và cất nhà ở tại Chợ Vải, là chỗ đường
Charner bây giờ (từ lối Tòa tạp tụng sấp xuống tới sông cái).
Đến sau Đức cha và các
cha xét về sự nhà phước annam ở nơi ấy bất tiện nhiều thế lắm, nên Đức cha dạy
phải dời đi nơi khác, thì khi đó nhà phước chia nhau ra làm hai phần, một phần
đi qua Thủ Thiêm, còn một phần thì nhập vào nhà phước Chợ Quán, nhằm lúc bà Thắm
đang làm bà nhứt và cha Ba (P. Barou) coi họ (1863-1866), khi đó nhà phước
trong nầy được chừng vài mươi người.
Cách ích lâu sau, bà Thắm
đi nhà Kín, thì bà Hớn với bà Gương quyền coi nhà phước cho đến khi bà Lành, là
người nhà phước Cái Mơng lên làm bà nhứt tại Chợ Quán.
Bấy lâu trước thì mấy chị
nhà phước còn bới tóc và ăn bận như người thường thế gian đời ấy, chẳng có dấu
gì riêng, mặc áo thùng rộng tay, vạt vắn xuống tới ngang đầu gối, hoặc áo trắng
hay là áo đen tùy lớp; đến khi bà Lành lên làm bà nhứt, nhằm năm cha Long coi họ
(P. Bouillevaux) 1867-1874, thì cha Bề trên Quí (P. Gernot) mới ra luật lệ cắt
tóc, đội lúp và mặc áo dài cho tới bây giờ.
Tuy bà Lành làm bà nhứt,
song bỡi người mắc đi dạy chầu nhưng miệt Hóc Môn, Bà Điểm, v. v., nên người
giao việc nhà phước cho bà Hòa là bà nhì coi sóc, lâu lâu người trở về thăm một
đôi ngày rồi cũng đi nữa.
Nguyên hồi xưa đất nhà
phước ở hẹp hòi lắm, phía trong thì có một khoảnh bề ngang từ vách tường phía
sau nhà từng ra tới nửa phần cái nền nhà thờ nhà phước bây giờ, bề dài thì có nội
cái nền nhà từng bây giờ mà thôi; còn phía ngoài thì có một miếng đất giáp luôn
theo đó, bằng bề ngang cái nền nhà thờ bây giờ chạy dài ra tới cữa ngõ, xung
quanh là đất rừng có chủ; còn từ chỗ nhà cơm nhà bếp bây giờ sấp ra tới hàng
rào phía bên đường mới, thì buổi trước có một cái bàu rau muống lớn, đến sau
nhà phước lo bồi lấp lần lần mới ra bình địa, và mua thêm mấy chỗ đất kế cận mà
mở lần ra, nên bây giờ mới được rộng rãi như vậy.
Trong năm 1863-1864 cha
Ba có cất cho nhà phước một nhà thờ bằng ngói, cây cột tầm thường, phía ngoài
nhà các chị áo đen bây giờ, là chỗ gần bàu rau muống hồi đó chưa lấp; còn dựa
mé bàu, là lối thân trong nhà trử lúa bây giờ, thì có cất một cái nhà ngói để
dùng làm nhà may. Lúc ấy cha Ba cũng đã cất lại cho nhà phước một cái nhà ở bằng
ngói, tại chỗ nhà từng bây giờ, nhà nầy nguyên gốc là nhà lẫm của ông thầy Xuân,
ở Thủ Đức, đã cho nhà phước.
Đến sau bà nhứt Lành mắc
đi dạy và lo lập họ nhiều chỗ xa không lo việc coi sóc nhà phước được, nên Bề
trên chọn bà Hòa, là bà nhì, lên làm bà nhứt.
Bấy lâu trước thì nhà phước
lo việc may và thêu dệt mà thôi, đến năm 1874, cha Liêu (P. Dumoulin) quyền coi
họ một ít tháng, thì người khỉ sự dạy các chị nhà phước học chữ và tập viết mỗi
ngày hai buổi.
Khi cha Ngãi (P. Derval)
đổi về coi họ Chợ Quán (1875-1879), nhằm lúc bà Hòa làm bà nhứt, thì người lo cất
lại cho nhà phước một nhà thờ khác, cũng bằng ngói theo kiểu annam, rộng rãi
hơn và cây cột cao lớn chắc chắn hơn nhà thờ cũ, bốn phía xây vách gạch; nhà thờ
nầy cất gần chỗ nhà thờ nhà phước bây giờ mà day mặt tiền qua phía nhà thờ họ;
còn nhà thờ cũ thì để dùng làm nhà thương cho nhà phước và nuôi con nít người
ta gởi ở học trong nhà phước. Lúc nầy số các chị được 60 người.
Cha Ngãi cũng có cất một
cái nhà từng cho nhà phước ở. Cây ván làm nhà nầy thì mua của Lái Triều, ở Tây
Ninh, lớp bán lớp cho.
Khi cất nhà nầy xong rồi,
thì Đức cha Đôminicô có đòi bà nhứt Hòa mà cho một cái xác nhà ươm bằng gạch
ngói, của cha Từ (P. Roy) đã cất buổi trước tại Xóm Chiếu, mà bị hư sập, nên bà
nhứt về biểu các dì các chị trong nhà lo ghe bạn đi qua Xóm Chiếu mà dỡ nhà ươm
đó, lấy đá lấy gạch ngói đem về làm công việc trong nhà phước,
Trong hai ba năm nhà phước
lo cất nhà ở, thì nhờ của bá gia dưng cúng giúp đỡ, còn lúa gạo thì ông trùm
Lưu cho và cũng giúp tiền bạc nữa; lại trong lúc làm nhà nầy và lúc nhà phước
đi dỡ lò ươm bên Xóm Chiếu mà đem về, thì ông Trùm Lưu đã cho ghe bạn đi giúp
cho nhà phước và người cũng đã ra công coi sóc giùm mọi việc cho đến khi hoàn
thành; lại cũng có nhiều người trong bổn đạo theo giúp công việc cho nhà phước
trong lúc ấy nữa.
Cha Ngãi có cất thêm một
cái nhà ngói thân trong cữa ngõ nhà phước, rồi ngăng ra một phía để làm nhà
khách, còn một phía làm nhà trường cho nhà phước dạy đồng nhi nữ học chữ quốc
ngữ và học kinh, học sách phần. Đến sau cha Tài (P. Hamm) đổi về coi họ Chợ
Quán (1882-1886) thì có dạy học may, học thêu, học mạn vớ, đương vớ bằng chỉ laine và dạy dệt chiếu; năm cha Tài ở
coi họ, thì có một bà đầm tây ở Chợ Lớn đến dạy giúp được bảy tám tháng.
Năm cha Ngãi còn ở coi họ,
thì người có mua một số đất ở trong họ, để làm đất thánh riêng cho nhà phước
cho tới bây giờ.
Khi cha Ngãi đổi đi nơi
khác và cha Hòa về coi họ Chợ Quán (1879 -1882), thì bà nhứt Hòa phát bịnh xin
nghỉ, nên bà Vì lên làm bà nhứt (1881-1888).
Cha Hòa ân cần dạy dỗ các
chị, chẳng những là về phần hồn mà thôi, song người cũng lo lắng dạy dỗ về việc
phần xác nữa, nên người ép phải học phép toán, tập viết và tập hát lễ. Đến sau
cha Tài cho hai chị đi xuống Cái Mơng học đờn, và người sửa tập nhà phước hát
giọng nhỏ tiếng, lại có tập thêm một lớp nhi nữ trong họ hát giúp với nhà phước
nữa. Qua năm 1885 có cha Thiết (P. Boutier) đến tập giúp nữa, và từ đó đến sau
thì nhà phước cứ giữ nề nếp ấy mà tập nối nhau cho tới bây giờ.
Đến tháng tám tây năm 1888,
nhằm lúc cha Y đang coi họ, bà Vì phát bịnh liệt không làm việc được nữa, nên
người xin nghỉ, thì khi đó nhà phước chọn bà Mai lên làm bề trên cho tới bây giờ.
Khi cha Y (P. Errard) đổi
về làm cha sở họ Chợ Quán (1887-1891) thì người dời nhà trường đồng nhi nữ ra
ngoài họ, không để lộn xộn trong nhà phước nữa, lại người cũng lo xây vách tường
dựa đường phía mặt tiền nhà phước, và người đã dở nhà thờ cũ của nhà phước mà
xây nền nhà thờ mới. Lúc nầy số các chị nhà phước được chừng 80 người..
Đến năm 1891, khi cha Y
đi về tây rồi, thì cha Mão (P. Mossard) là Đức cha chánh bây giờ, đổi về làm
cha sở họ Chợ Quán (1894-1898). Qua năm 1892 người mới Io cất cho nhà phước một
nhà thờ mới cao lớn rộng rãi, nội tâm làm cữa kiến ngũ sắc, tô trần nóc và sơn
vẽ bông hoa xem đẹp lắm, lại từ trên tới dưới đều lót gạch bông hết thảy, ấy là
nhà thờ của nhà phước bây giờ. Khi cất nhà thờ xong rồi, thì cha Mão lo cất nhà
thương cho nhà phước; nhà nầy xây nền đá cao ráo, vách gạch và cữa nẻo theo kiểu
nhà tây, lại người cũng đã mua sắm cho nhà phước những đồ cần dùng trong nhà
thương ấy.
Khi cha Bề trên Cao (P.
Delignon) về coi họ Chợ Quán (1898-1913), thì nhà phước tăng số gần 100 người.
Đến năm 1903 cha Bề trên
Cao cất lại cái nhà cơm và nhà bếp cho nhà phước bằng gạch ngói, rồi cách ít
năm sau thì nhà phước lo xây vách tường ngăng phía bên nhà thờ họ. Đến năm
1908-1909, cha Bề trên lo tập nhà phước hát lễ theo giọng hát đời ông thánh
Ghêrêgoriô (Chant Grégorien) và sửa
cách đọc chữ latinh theo gốc bên Rôma.
Đến tháng Août 1913, Đức cha đổi của Bính (P. Laurent)
ở Cái Bè về làm cha sở Chợ Quán, thì qua năm 1916 cha Bính lo sửa lại nhiều chỗ
trong nhà ở của nhà phước và mở nới thêm hai đầu nhà từng cho ra rộng rãi hơn.
Đến năm 1917 thì nhà phước
đã cất lại cái nhà khách ngoài bằng gạch ngói theo kiểu nhà tây, rộng rãi cao
ráo hơn mấy nhà khách trước, và chia hai ra, một phía làm nhà khách, còn một
phía thì để nuôi con nít người ta gởi ở học.
Bấy lâu trước thì các cha
sở lo dạy nhà phước học cho biết đủ những chuyện cần mà đi dạy đồng nhi các họ
mà thôi; đến năm 1911-1912, nhà nước ra luật buộc những thầy dạy học trò các
nơi trong lục tĩnh Nam Kỳ, bất luận đờn ông hay là đờn bà, phải đi thi cho có bằng
cấp nhà nước, thì mới được phép dạy, nên nhà phước phải mướn thầy giáo dạy học
đặng mỗi năm đi thi theo luật nhà nước,
Đến năm 1918, số các dì
các chị hết thảy là 130 người. Thi đậu có bằng cấp được 75 người và đi dạy con
trẻ các họ được 27 chỗ .
Chung
về gốc tích Nhà phước Chợ Quán.
.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919