ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

Đức Tin là lý trí cộng với mạc khải (*)

 Tiến sĩ Francis Collins:

ĐỨC TIN LÀ LÝ TRÍ CỘNG VỚI MẠC KHẢI (*)

*&*

Tôi là một nhà khoa học, và là một người tin vào Ki-tô giáo, tôi thấy không có sự mâu thuẫn giữa những quan điểm đó về thế giới.

Là người phụ trách Dự án Bản đồ gen người (Human Genome Project – HGP), tôi đã dẫn đầu một nhóm các nhà khoa học quốc tế để xác định trình tự của 3.1 tỉ mẫu cặp gốc trong bộ gen người, phương pháp xác định trình tự DNA riêng của chúng tôi.

Là một tín hữu, tôi thấy DNA - phân tử thông tin của tất cả các sinh vật sống - như là cách biểu hiện của Thiên Chúa, và sự phức tạp hoàn hảo của chính cơ thể chúng ta và những cái khác nữa trong thiên nhiên như là một sự phản chiếu Chương trình của Thiên Chúa.

*&*

Là một sinh viên tốt nghiệp ngành vật lý trong những năm 1970, tôi từng là một người vô thần, không có lý do gì để tìm kiếm sự tồn tại của bất cứ những chân lý nào ngoài toán học, vật lý và hóa học.

Nhưng sau đó tôi đã đi học về y khoa, và bắt gặp nhiều tình cảnh sống và chết bên cạnh những bệnh nhân của tôi. Bị tác động bởi một trong những bệnh nhân, người đã hỏi tôi "Ông tin vào điều gì, thưa bác sĩ?", tôi đã bắt đầu tìm kiếm câu trả lời.

Tôi đã phải thừa nhận rằng khoa học, cái mà tôi đã rất yêu thích, trở nên bất lực để trả lời những câu hỏi như: "Ý nghĩa của cuộc sống là gì?", "Tại sao tôi có mặt ở đây?", “Tại sao những vật thể cố định trong vũ trụ lại có thể điều chỉnh theo một cách hoàn hảo nhứt có thể, để thích ứng với sự thay đổi đa dạng của cuộc sống?”, "Tại sao con người có ý thức đạo đức?", "Điều gì xảy ra sau khi chúng ta chết?".v.v...

*&*

Nếu lý trí không thôi thì không đủ và không thể minh chứng sự hiện diện của Thiên Chúa. ĐỨC TIN là lý trí cộng với mạc khải, và phần mặc khải đòi hỏi chúng ta hiểu bằng tâm linh cùng với tâm trí.

Bạn phải nghe nhạc, đừng chỉ đọc những lời ghi chép trên giấy.

Cuối cùng, sự tiến triển của Đức Tin là cần thiết cho mỗi chúng ta./.

--------------------------------------------------------

(*) MẠC KHẢI ( ) & MẶC KHẢI ( ): Hai chữ này được dùng một cách tương đương.

Mạc khải ( ) là sự tác động trong yên lặng của Thiên Chúa làm bộc lộ những điều vượt tầm hiểu biết của con người.

Mặc khải ( ) có nghĩa là mở ra cho biết một điều thiêng liêng mầu nhiệm trong sự tĩnh lặng mà lý trí con người không thể giải thích được.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt



 

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Lẽ nào cam tâm lỗi đạo với tiền nhân?

 LẼ NÀO CAM TÂM LỖI ĐẠO VỚI TIỀN NHÂN ?

Tượng đài là cách minh thị giữa trời đất về dòng chảy lịch sử, cho thấy tâm tình nhớ ơn bao đời tiền nhân.

- Tại đô thị lớn nhứt VN hiện nay, chỉ vỏn vẹn 4 tượng đài danh nhân chống giặc phương Bắc xâm lược...!

- Những danh nhân lỗi lạc dựng xây Gia Định - Sài Gòn, trung tâm của toàn cõi Nam kỳ lục tỉnh: tượng đài ở đâu?

&1&

* Bốn tượng đài danh nhân có công trạng chống lại giặc phương Bắc xâm lược, được dựng tại Sài Gòn, là: Trần Hưng Đạo (bến Bạch Đằng), Quang Trung (trước chợ Nguyễn Tri Phương), Lê Lợi (bùng binh Cây Gõ), Trần Nguyên Hãn (trước chợ Bến Thành) (*). Cả 4 tượng đài này đều được xây trước năm 1975, khi Sài Gòn vẫn còn giữ tên Sài Gòn.

Để rồi... về sau này, khi Sài Gòn đã đổi tên thành TPHCM, xảy ra chuyện là hai tượng đài phải "di dời": tượng Lê Lợi biến mất khỏi bùng binh Cây Gõ, tượng Trần Nguyên Hãn không còn thấy tại bùng binh trước chợ Bến Thành!

* Sài Gòn nói riêng, Nam kỳ lục tỉnh nói chung, là cõi đất mới sáp nhập vào nước Việt từ thế kỷ 17. Bao thế hệ sinh ra và lớn lên tại Nam Kỳ dưới thời các chúa Nguyễn, và sau này dưới thời Nhà Nguyễn, hết thảy đều nằm ngoài những thời kỳ đụng độ với giặc xâm lược phương Bắc (từ Trung Hoa).

Có cần nêu gương cảnh báo trước HIỂM HỌA PHƯƠNG BẮC không? Hỏi, tức là trả lời. Thành thử phải viện dẫn, phải tạc tượng ghi ơn những bực anh hùng người Việt sinh trưởng từ miền khác.

Như Nguyễn Huệ (QUANG TRUNG) đã dẹp tan giặc Thanh. Như LÊ LỢI, như TRẦN NGUYÊN HÃN đã chiến đấu chống giặc Minh. Như TRẦN HƯNG ĐẠO đánh giặc Nguyên tan tác...

Hết thảy giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Thanh đều là giặc từ bên Trung Hoa tràn sang xâm lược nước Việt.

&2&

Nếu nhìn tượng đài để phần nào hình dung vài đường nét chính trong dòng chảy lịch sử, ắt phải ngỡ ngàng: tpHCM (đổi tên từ Sài Gòn từ năm 1976) ... "từ trên trời rơi xuống" thì phải?

Sao không trân trọng dựng nên tượng đài Chúa Tiên (NGUYỄN HOÀNG), người khởi lập Đàng Trong - mà từ việc định cõi này mới mở rộng gồm cả vùng đất phương Nam về sau?

Rồi những bực danh nhân làm tổng trấn Gia Định thành (mang danh "Gia Định thành" nhưng cai quản cả vùng Nam kỳ) như LÊ VĂN DUYỆT, TRƯƠNG TẤN BỬU, NGUYỄN HUỲNH ĐỨC - thảy đều có công trạng lỗi lạc làm cho vùng đất phương Nam trở nên trù phú. Sao không có tượng đài Trương Tấn Bửu, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức?

Trên lãnh vực giáo dục, văn hóa tại đất Sài Gòn-Gia Định này, nổi bật với nho sư VÕ TRƯỜNG TOẢN đi tiên phong mở trường dạy học đào tạo bao nhân tài; với TRƯƠNG VĨNH KÝ nhà bác học tài danh với công trạng phổ biến chữ Quốc ngữ. Quá xứng đáng để hậu bối chúng ta phải tạc tượng ghi ơn.

Không nhớ tới, dựng tượng đài cho thực UY NGHI NƠI QUẢNG TRƯỜNG của các vị: Chúa Nguyễn Hoàng, Trương Tấn Bửu, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Võ Trường Toản, Trương Vĩnh Ký - thì liệu hậu sinh được mấy phần thành người? ./.

---------------------------------------------------------

(*): còn có tượng Phù Đổng thiên vương, dù gì, cũng còn mang tính chất "huyền sử"; tượng An Dương Vương, nói cho cùng, vẫn còn tranh luận về "huyền sử mờ mịt" tới đâu; chỉ có 4 tượng đài dẫn trong bài là rõ rành về mặt chính sử.

Tượng Trần Hưng Đạo

Tượng Quang Trung

Tượng Lê Lợi (bùng binh Cây Gõ) biến mất, đâu rồi?

Tượng Lê Lợi (bùng binh Cây Gõ) biến mất, đâu rồi?

Nguồn:  Nguyễn - Chương Mt

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

Lai rai chữ nghĩa: Hệt như kiến bò quanh miệng chén

Lai rai chữ nghĩa

HỆT NHƯ KIẾN BÒ QUANH MIỆNG CHÉN

1/ "Chứng minh nhân dân"...

Nói nào ngay, hồi ban đầu ở miền Nam khi thấy thẻ ghi "Chứng minh nhân dân" là đã thấy mắc cười. Vì sao?

Làm người dân (nhân dân) là chuyện đương nhiên từ đời tám hoánh, hễ đẻ ra đời trong một quốc gia (chớ không phải trên hoang đảo vô danh) đương nhiên là "nhân dân" (人民) rồi, mắc gì phải "làm cho sáng tỏ" (nghĩa của hai chữ "chứng minh" )?

Nhưng, dù thấy cái chữ "chứng minh nhân dân" kỳ cục, cũng đành chịu. Chỉ nhủ thầm trong bụng, rồi cũng sẽ tới lúc họ thấy ra cái sự kỳ cục này.

Quả nhiên, bây giờ đã đổi sang gọi là thẻ "Căn cước công dân"!

"Căn cước" ( ) nghĩa là xác minh nền tảng, "công dân" (公民 ) - ừa, đến một độ tuổi nào đó thì mỗi người mới có quyền bầu cử và ứng cử chớ! Luật hiện hành ở VN: đủ 14 tuổi trở lên thì được cấp Căn cước công dân; đặng chuẩn bị cho việc bầu cử (đủ 18 tuổi trở lên) và ứng cử (đủ 21 tuổi trở lên).

Hai chữ "Căn cước", cách đây cả nửa thế kỷ, ở miền Nam (trước 1975) đã dùng như rứa rồi. Rốt cuộc, "đổi mới" là trở lại cái hồi xưa đã dùng - và dùng chữ rất đúng.

2/ "Sân bay"...

Trước 1975, ở Sài Gòn có "Phi cảng Tân Sơn Nhứt", hai chữ "phi cảng" dùng để dịch cho chữ "Airport". Đùng một cái, sau 1975, đổi thành chữ "Sân bay".

Nhiều người tưởng "sân bay" cho nó... "trong sáng" thuần Việt, thay vì gọi "phi cảng" ( ). Tưởng vậy là tưởng bở. Đó, sao không gọi "đường to / đường lớn" cho gọi là thuần Việt, mà cứ phải gọi là "đại lộ" (大路)?

Thấy chữ "sân bay" là mắc cười, nhưng bấm bụng đành chịu. Chỉ nhủ thầm, rồi cũng sẽ tới lúc họ thấy ra cái sự nông nổi về ý nghĩa khi dùng hai chữ "sân bay".

Quả nhiên, sau mấy chục năm ù lì, rốt cuộc cũng đổi sang gọi một cách chính thức là: "Cảng hàng không" ( ), không còn ghi hai chữ "sân bay" to đùng nữa! Bởi vì "port" (trong "airport") đâu phải là "sân" mà là CẢNG ().

Chữ "Cảng" (trong "phi cảng"), cách đây cả nửa thế kỷ, ở miền Nam (trước 1975) đã dùng rồi. Rốt cuộc, "đổi mới" là trở lại cái hồi xưa đã dùng - và dùng chữ rất đúng.

Ương bướng làm chi cho mắc mệt, vậy trời? Chỉ mấy con chữ mà không hiểu nổi / không chịu hiểu, để loanh quanh cả nửa thế kỷ rồi trở lại cách dùng chữ như xưa kia từng dùng ./.

-------------------------------------------------------------

 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2021

Tây hóa = thoát Tàu

 TÂY HÓA = THOÁT TÀU

(trích bài của TS Lương Hoài Nam: "Cùng học Tây, tại sao người Nhật thành công, còn người Việt thì chưa?" https://www.facebook.com/xoaixiu/posts/10213803510269780).

Tôi nói: "Văn minh có nghĩa là Tây", một số người sẽ bảo tôi sính Tây. Nhưng hãy trả lời câu hỏi nếu ngoài VN, mỗi người được chọn thêm một nước nữa để cư trú và làm việc thì bạn sẽ chọn nước nào? Tôi dám chắc đa số sẽ chọn một "nước Tây" (ở châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, New Zealand), không mấy ai chọn một nước châu Á, càng không mấy ai chọn một nước Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh.

*&*

* Trong 500 năm trở lại đây, châu Âu đã lật đổ phương Đông một cách toàn diện về mức độ phát triển và văn minh.

* "Tây hóa", trong bối cảnh lịch sử & văn hóa của Nhựt Bổn trước đây và Việt Nam hiện nay, đi đôi với "thoát Tàu". Vì nếu không "thoát Tàu", tức nếu không thoát khỏi di chứng của văn hóa hủ nho Khổng giáo, thì không tài nào văn minh được!

* "Tây học" ở Nhựt Bổn vốn là một cuộc duy tân cả hai chiều trên xuống, dưới lên, theo nhu cầu của cả giới cầm quyền và người dân. Tự người Nhựt sùng Tây, sính Tây, việc bỏ Tết âm ăn Tết dương chỉ là một việc nhỏ trong cả phong trào "theo Tây" đó.

Khổng giáo là một nguyên nhân rất lớn cản trở quá trình tiếp thu văn hoá phương Tây; đó là lý do tại sao ở Nhựt Bổn quá trình Duy tân theo "Tây học" diễn ra song song với bài trừ Khổng giáo, có vai trò rất lớn của những trí thức như Fukuzawa (người được in ảnh lên tờ tiền có mệnh giá lớn nhất của Nhựt Bổn bây giờ)!

Trong tác phẩm Khuyến học, ông Fukuzawa viết: "Tôi phải nói thế này, chẳng cần phải nể nang Khổng Tử gì sất. Họ đã rao giảng những lời sai trái".

Khổng và Tây về cơ bản đối nghịch nhau. Khổng dạy làm cha phải "từ", làm con phải "hiếu". Còn Tây bảo, nếu cha mà không "từ", không biết nuôi dạy con cho tốt, thì nhà nước tách con khỏi cha, giao cho người khác nuôi, con không phải sống với người cha hư hỏng.

Tây thích công bằng, bình đẳng.

* "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín" - theo ngôn từ dùng trong Khổng giáo - thực ra là các giá trị đạo đức phổ quát của nhân loại, không phải của riêng Khổng giáo. Các nước không theo Khổng giáo cũng có các giá trị tương tự.

* Khổng giáo là một trong những nguyên nhân làm cho văn hóa Trung Hoa trở nên ù lì, ít chịu thay đổi.

Trong khi đó, một viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội TQ phát biểu: "Trong vòng 20 năm qua, chúng tôi đã hiểu ra rằng TRÁI TIM CỦA NỀN VĂN HÓA PHƯƠNG TÂY chính là tôn giáo: ĐẠO THIÊN CHÚA. Nền tảng của đạo lý Thiên chúa giáo trong cuộc sống xã hội và văn hoá đã làm nảy nở nền chánh trị đề cao giá trị Tự Do".

* Người Việt cũng "Tây học", từ thời Pháp thuộc, nhưng việc "Tây học" của người Việt bấy giờ chỉ giới hạn trong số ít quan lại làm việc cho Pháp và giới trí thức thị thành có quan hệ với người Pháp. Ở nông thôn, văn hoá đậm màu sắc Khổng giáo vẫn chi phối đời sống của người dân.

... Duy Tân văn hoá, tuy nhiên, luôn gặp cản trở rất lớn từ các lực lượng thủ cựu trong xã hội VN. Các quy kết kiểu "sùng Tây", "sính Tây", "phản bội truyền thống", "phá hủy văn hoá" sẵn sàng chụp lên đầu bất kỳ người cách tân nào.

Về cơ bản không khác đám samurai thủ cựu ở Nhựt Bổn hồi xưa là mấy. Đám này đã ngăn cản không ít người Nhựt thuộc phái Duy tân "Tây học".

Nhưng một nước Nhựt mới đã thắng.

--------------------------------------------------------------

Hình ảnh: Người Nhựt đậm đà bản sắc lễ hội trong Tết đầu năm (chọn Tết dương lịch, bỏ Tết âm lịch);

Fuzukawa trên tờ giấy bạc bên Nhựt hiện nay.



Nguồn: Nguyễn - Chương Mt