ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

Lai rai chữ nghĩa: Hệt như kiến bò quanh miệng chén

Lai rai chữ nghĩa

HỆT NHƯ KIẾN BÒ QUANH MIỆNG CHÉN

1/ "Chứng minh nhân dân"...

Nói nào ngay, hồi ban đầu ở miền Nam khi thấy thẻ ghi "Chứng minh nhân dân" là đã thấy mắc cười. Vì sao?

Làm người dân (nhân dân) là chuyện đương nhiên từ đời tám hoánh, hễ đẻ ra đời trong một quốc gia (chớ không phải trên hoang đảo vô danh) đương nhiên là "nhân dân" (人民) rồi, mắc gì phải "làm cho sáng tỏ" (nghĩa của hai chữ "chứng minh" )?

Nhưng, dù thấy cái chữ "chứng minh nhân dân" kỳ cục, cũng đành chịu. Chỉ nhủ thầm trong bụng, rồi cũng sẽ tới lúc họ thấy ra cái sự kỳ cục này.

Quả nhiên, bây giờ đã đổi sang gọi là thẻ "Căn cước công dân"!

"Căn cước" ( ) nghĩa là xác minh nền tảng, "công dân" (公民 ) - ừa, đến một độ tuổi nào đó thì mỗi người mới có quyền bầu cử và ứng cử chớ! Luật hiện hành ở VN: đủ 14 tuổi trở lên thì được cấp Căn cước công dân; đặng chuẩn bị cho việc bầu cử (đủ 18 tuổi trở lên) và ứng cử (đủ 21 tuổi trở lên).

Hai chữ "Căn cước", cách đây cả nửa thế kỷ, ở miền Nam (trước 1975) đã dùng như rứa rồi. Rốt cuộc, "đổi mới" là trở lại cái hồi xưa đã dùng - và dùng chữ rất đúng.

2/ "Sân bay"...

Trước 1975, ở Sài Gòn có "Phi cảng Tân Sơn Nhứt", hai chữ "phi cảng" dùng để dịch cho chữ "Airport". Đùng một cái, sau 1975, đổi thành chữ "Sân bay".

Nhiều người tưởng "sân bay" cho nó... "trong sáng" thuần Việt, thay vì gọi "phi cảng" ( ). Tưởng vậy là tưởng bở. Đó, sao không gọi "đường to / đường lớn" cho gọi là thuần Việt, mà cứ phải gọi là "đại lộ" (大路)?

Thấy chữ "sân bay" là mắc cười, nhưng bấm bụng đành chịu. Chỉ nhủ thầm, rồi cũng sẽ tới lúc họ thấy ra cái sự nông nổi về ý nghĩa khi dùng hai chữ "sân bay".

Quả nhiên, sau mấy chục năm ù lì, rốt cuộc cũng đổi sang gọi một cách chính thức là: "Cảng hàng không" ( ), không còn ghi hai chữ "sân bay" to đùng nữa! Bởi vì "port" (trong "airport") đâu phải là "sân" mà là CẢNG ().

Chữ "Cảng" (trong "phi cảng"), cách đây cả nửa thế kỷ, ở miền Nam (trước 1975) đã dùng rồi. Rốt cuộc, "đổi mới" là trở lại cái hồi xưa đã dùng - và dùng chữ rất đúng.

Ương bướng làm chi cho mắc mệt, vậy trời? Chỉ mấy con chữ mà không hiểu nổi / không chịu hiểu, để loanh quanh cả nửa thế kỷ rồi trở lại cách dùng chữ như xưa kia từng dùng ./.

-------------------------------------------------------------

 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét