ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

Có phải thi hào Tagore của Ấn Độ cũng còn là một nhà hoạt động tôn giáo nổi tiếng hay không?

 ĐỘC GIẢ: Có phải thi hào Tagore của Ấn Độ cũng còn là một nhà hoạt động tôn giáo nổi tiếng hay không?

AN CHI: Chúng tôi không được biết về hoạt động tôn giáo của văn hào Tagore. Tagore văn hào là Rabindranāth, sanh tại Calcutta năm 1861, mất tại Sāntiniketan năm 1941, được giải Nobel năm 1913. Có thể đó là Debendranāth Tagore, cha của Rabindranāth. Debendranāth Tagore (1818 – 1905) là một nhà cải cách Ấn giáo. Năm 1841, ông đã gia nhập Hội Bà La Môn (Brāhmasamāj) do Rām Mohun Roy sáng lập tại Calcutta năm 1828 rồi trở thành một trong những người lãnh đạo của tổ chức này. Ông chủ trương quay trở về với hình thái nguyên thủy của đạo Bà La Môn mà lý thuyết cổ xưa đã được trình bày trong kinh Veda và trong Upanishad. Vì vậy mà đến năm 1865 thì đã xảy ra chia rẽ và tổ chức mới do Debendranāth lãnh đạo được đặt tên là Adi Brāhmasamãj nghĩa là Hội Bà La Môn nguyên thủy. Trong suốt 30 năm cuối của cuộc đời mình Debendranāth đã trở thành một tu sĩ ẩn cư.

Kiến thức ngày nay, số 122, ngày 1-11-1993

Từ “giá” trong chữ Hán nghĩa là lấy chồng (xuất giá, tái giá), tại sao người Nam mình lại nói người ở góa (chết chồng) là “giá”?

 ĐỘC GIẢ: Từ “giá” trong chữ Hán nghĩa là lấy chồng (xuất giá, tái giá), tại sao người Nam mình lại nói người ở góa (chết chồng) là “giá”?

AN CHI: Sở dĩ bạn đã nghe như thế là vì người Nam phát âm các âm d, gi, và v như nhau. Thực ra người phụ nữ góa chồng trong Nam gọi là đàn bà vá. Từ đã được Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng như sau: “Lẻ-loi, không vào bọn với ai cả: Con hát vá – độc thân, một mình, không có vợ hoặc chồng hay cặp vợ chồng chưa có con: còn son-vá. Cũng gọi góa hoặc hóa, chết chồng hay chết vợ: đàn bà vá, anh vá vợ”.

Kiến thức ngày nay, số 122, ngày 1-11-1993

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

Có phải hoàng đế Nã Phá Luân đã nói câu “Ta đã đến, ta đã thấy, ta đã thắng” hay không? Ông đã nói câu này trong trường hợp nào?

 ĐỘC GIẢ: Có phải hoàng đế Nã Phá Luân đã nói câu “Ta đã đến, ta đã thấy, ta đã thắng” hay không? Ông đã nói câu này trong trường hợp nào?

AN CHI: Người đã nói câu này không phải là Napoléon I (Nã Phá Luân). Đó là Julius Caesar (tiếng Pháp: Jules Caesar), quan chấp chính và quan độc tài La Mã cổ đại (100 – 44 tr. CN).

Caesar đã nói câu đó sau khi đánh tan quân của Pharnacae II, vua xứ Bosphore vùng Crimée. Bosphore là một vương quốc Hy Lạp thành lập từ thế kỷ V tr. CN, đến năm 63 tr. CN thì bị La Mã bảo hộ. Chiến thắng đó của Caesar diễn ra sau khi ông đã đánh bại quân Ai Cập và chiếm đoạt vợ của vua Ptolemaeus XV là Cleopatra (tiếng Pháp: Cléopâtre) rồi đem nàng đi theo trong một cuộc du ngoạn trên sông Nil kéo dài đến hai tháng. Khi biết được tin Pharnacae II muốn cởi bỏ ách bảo hộ của La Mã, Caesar đã làm một cuộc hành quân chớp nhoáng. Ông rời Ai Cập, vượt biển đến Antiochia (trên đất Thổ Nhĩ Kỳ), chỉnh đốn lại đạo quân nhỏ của mình rồi lấy một quân đoàn của Deiotaros, vượt qua Tarsus (cũng trên đất Thổ Nhĩ Kỳ), đi xuyên suốt vùng cao nguyên Anatolia và bất ngờ cắm trại ngay trước chiến tuyến của Pharnacae II. Vì quyết quét sạch quân La Mã nên Pharnacae II đã cho đoàn chiến xa của mình đánh xung kích nhưng đoàn quân của Caesar chiến đấu rất gan dạ nên đã đánh tan quân của Pharnacae II. Caesar đã thông báo cho Viện nguyên lão biết chiến thắng chớp nhoáng này của mình bằng câu “Veni, vidi, vici” nghĩa là “Ta đã đến, ta đã thấy, ta đã thắng”. Đó là vào ngày 2 tháng 8 năm 47 tr. CN.

Vậy câu nói trên đây không phải là của Napoléon. Tuy nhiên, vị hoàng đế này của nước Pháp cũng có một câu nói nổi tiếng trong khi chỉ huy một chiến dịch ở nước ngoài. Bấy giờ, ông chưa là hoàng đế. Uỷ ban Đốc chính (Directoire) muốn tống khứ Napoléon nên đã trao cho ông quyền chỉ huy một đạo quân viễn chinh sang Ai Cập (1798 – 1799). Trên xứ sở của các vị pha-ra-ông. Napoléon đã nói với quân sĩ: “Du haut de ces pyramides, quarante siècles vous contemplent” nghĩa là Từ trên đỉnh các kim tự tháp này, bốn mươi thế kỷ đang chiêm ngưỡng các ngươi”.

Liên quan đến các kim tự tháp và các vị pha-ra-ông, xin cung cấp thêm nhận định lý thú và hoàn toàn xác đáng về Napoléon của Anne Terry White: “ Ngay từ trước cuộc xuất phát đi Ai Cập, ông đã định xong các kế hoạch nghiên cứu khảo cổ học về xứ sở này và đã tập hợp được một ê-kíp các nhà bác học đi theo đoàn quân của mình. Nhờ ông mà khoa học Ai Cập sắp sữa ra đời” (Les grandes découvertes de l’archeologie , trad, fr., Paris, sans date, p.53.

Kiến thức ngày nay, số 122, ngày 1-11-1993

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Tam quân là những quân nào? Có đồng nghĩa với ba quân hay không?

ĐỘC GIẢ: Tam quân là những quân nào? Có đồng nghĩa với ba quân hay không?

AN CHI: Tam quân cũng chính là ba quân và có các nghĩa sau đây:

- Chỉ tả quân, trung quân và hữu quân.

- Theo chế dộ nhà Châu (Chu), một quân có 12.500 người. Vậy ba quân (tam quân) có 12.500 x 3 = 37.500 người,

- Chỉ quân sĩ nói chung;

- Chỉ tiền quân, trung quân và hậu quân.

Nghĩa sau cùng ít thấy ở từ điển của người Trung Hoa nhưng lại thấy ở từ điển của người Việt Nam, chẳng hạn Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng hoặc Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên.

Kiến thức ngày nay, số 122, ngày 1-11-1993


Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

Lục lễ trong việc cưới hỏi là những lễ nào?

 ĐỘC GIẢ: Lục lễ trong việc cưới hỏi là những lễ nào?

AN CHI: Lục lễ là: nạp thái (nhà trai nhờ mối đến nhà gái tỏ ý đã kén chọn con gái nhà ấy), vấn danh (nhờ mối hỏi tên họ và ngày sanh tháng đẻ của cô gái đó), nạp cát (báo cho nhà gái biết đã bói được quẻ tốt và việc hôn nhân đã nhất định), nạp trưng hay nạp tệ (đem sính lễ đến nhà gái để làm lễ từ đường), thỉnh kỳ (xin ngày rước dâu), và thân nghinh (rước dâu)

Kiến thức ngày nay, số 122, ngày 1-11-1993

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020

Hai tiếng “truy tiến” chỉ cuất hiện trên báo chỉ hai lần trong dịp hai Đại lão Hòa thượng liễu đạo. Tại sao không truy điệu mà lại dùng truy tiến.

ĐỘC GIẢ: Hai tiếng “truy tiến” chỉ cuất hiện trên báo chỉ hai lần trong dịp hai Đại lão Hòa thượng liễu đạo. Tại sao không truy điệu mà lại dùng truy tiến.

AN CHI: Truy điệu không có màu sắc tôn giáo, còn truy tiến là một lối nói riêng bên Phật giáo. Nó đồng nghĩa với truy phước và được Từ hải giảng như sau: “Vì người chết mà làm công đức để cho người đó được phước gọi là truy phước, cũng gọi truy tiến” (Vị tử giả tác công đức sử kỳ hoạch phúc viết truy phúc, dịch vân truy tiến). Vì truy tiến có hàm ý cầu phước còn truy điệu thì không, nên bên Phật giáo mới dùng truy tiến mà không dùng truy điệu.

Kiến thức ngày nay, số 122, ngày 1-11-1993 

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

Tại Thành phố HCM, có một số nơi thờ cúng gọi là Chùa Ông, Chùa Bà. Nghe nói Chùa Ông thờ Quan Công còn Chùa Bà thì thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Vậy Thiên Hậu Thánh Mẫu là ai?

 ĐỘC GIẢ: Tại Thành phố HCM, có một số nơi thờ cúng gọi là Chùa Ông, Chùa Bà. Nghe nói Chùa Ông thờ Quan Công còn Chùa Bà thì thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Vậy Thiên Hậu Thánh Mẫu là ai?

AN CHI: Chùa Ông mà người Quảng Đông gọi là Quán Tây miếu (Quan Đế miếu) thì thờ Quan Công còn Chùa Bà mà họ gọi là Phò miễu (Bà miếu) thì thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu. Tuy nhiên, theo lời học giả Vương Hồng Sển, cũng có nơi gọi là Phò miễu (= miếu Bà) nhưng không thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, mà lại thờ bà Chúa Thai sanh, coi về sanh đẻ (1).
Tương truyền bà Thiên Hậu là người huyện Bồ Điền, tỉnh Phước Kiến bên Trung Quốc. Bà sinh vào đời Tống, là con gái thứ sáu của Lâm Nguyện. Mới lọt lòng, bà đã phát hào quang rực rỡ và tỏa hương thơm kỳ lạ. Ngay khi bà hãy còn nhỏ, anh bà đi buôn đường biển, gặp gió to sóng cả nguy hiểm đến tính mạng, bà nhắm mắt định thần mà biết được rồi và xuất thần đi cứu anh thoát nạn. Lúc lớn lên, bà có thể cỡi chiếu bay trên biển hoặc đằng vân mà đi ra các đảo xa. Sau khi thăng, bà thường khoác áo bào màu đỏ bay lượn trên biển. Tương truyền bà đã thăng vào năm tròn hai mươi tuổi. Vào các đời Tống, Nguyên, Minh bà đều có nhiều lần hiển hiện rất là linh thiêng. Người đi biển thường thờ bà và khấn bà để được độ cho thuận buồm xuối gió. Theo Từ nguyên thì bà được phong là Thiên Phi vào đời Vĩnh Lạc nhà Minh, sau lại được phong Thiên Hậu, được lập đền thờ tại kinh đô. Còn Từ hải thì lại chép rằng bà được phong Thiên Phi, sau gia phong Thiên Hậu vào đời Khang Hy nhà Thanh.
Học giả Vương Hồng Sển lại chép rằng bà húy là Mi Châu, người Bồ Dương, sinh nhằm ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thân (1044) Đời Tống Nhân Tông là con của Lâm Tích Khánh. Tám tuổi biết đọc. Mười một tuổi tu Phật. Mười ba tuổi thọ lãnh thiên thơ: thần Võ Y xuống cho một bộ Nguyên vi bí quyết. Ngoài ra, bà còn tìm được dưới giếng cạn một xấp cổ thư khác. Bà coi theo đó mà tập luyện rồi đắc đạo. Được phong Thiên Hậu Thánh Mẫu năm Canh Dần niên hiệu Đại Quan đời Tống tức năm 1110 (2).
Có thể là trong lời kể của nhiều người khác sẽ còn có những chỗ dị đồng khác nữa. Đây không phải là chuyện lạ: khi mà cuộc đời của một nhân vật đã đi vào truyền thuyết, nó có thể có những dị bản.


1. Xem Sài Gòn năm xưa, Thành phố HCM, 1991, TR.199.
2. Xem sđd, tr.201-302

Kiến thức ngày nay, số 122, ngày 1-11-1993

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2020

Một mai ai đứng bên kinh, Ai phò giá triệu, ai rinh quan tài? Bên kinh đã có con trai, Giá triệu con gái, quan tài nàng dâu. Bài này vẫn nghe hát ru em như vậy, có đúng nguyên văn của người xưa hay không? “Kinh” có nghĩa gì khác hơn con sông đào? Sao lại rinh quan tài? Cả bài có ý nghĩa gì?

 ĐỘC GIẢ: Một mai ai đứng bên kinh, Ai phò giá triệu, ai rinh quan tài? Bên kinh đã có con trai, Giá triệu con gái, quan tài nàng dâu. Bài này vẫn nghe hát ru em như vậy, có đúng nguyên văn của người xưa hay không? “Kinh” có nghĩa gì khác hơn con sông đào? Sao lại rinh quan tài? Cả bài có ý nghĩa gì?

AN CHI: Nguyên văn hai câu đầu là:

Một mai ai đứng minh tinh

Ai phò giá triệu, ai nghinh quan tài?

Minh tinh, trong Nam còn gọi là tấm triệu, là dải lụa dài ghi tên họ, tuổi tác, chức tước, ngày từ trần, vv.. của người chết, treo trên một cái giàn nhỏ có đòn khiêng, thường gọi là cái giá triệu, để khiêng đi trước quan tài khi đưa đám tang. Vậy đứng minh tinh là có tên trên tấm minh tinh, nghĩa là đã chết. Nghinh (nghênh) là đón rước. Nghinh quan tài là bưng cái bát hương đi thụt lùi phía trước quan tài để dẫn đường. Còn phò giá triệu là chống gậy tang đi bên cái giá triệu để hộ tống. Nghinh quan tàiphò giá triệu là bổn phận của con trai trưởng (hoặc con trai) và của cháu đích tôn (hoặc cháu nội trai). Vậy “đứng bên kinh” và “rinh quan tài” chỉ là do tam sao thất bản mà ra.

Theo chúng tôi, bài này vốn chỉ có hai câu đầu và đây là lời của người vợ không sanh nở nói với chồng: Thiếp đã không có con, nếu chàng không nghe lời khuyên của thiếp mà cưới cợ lẽ (để kiếm một vài mụn con) thì mai kia, khi chàng về với ông bà, ai sẽ là người nghinh quan tài, ai sẽ là người phò giá triệu cho chàng đây?

Tiếng ai trong câu thứ nhất là một đại từ phiếm chỉ, có nghĩa của đại từ nhân xưng ngôi thứ hai (vợ nói với chồng) còn hai tiếng ai trong câu thứ hai mới thực sự là đại từ nghi vấn. Câu thứ nhất nêu giả thuyết cho sự việc xảy ra ở câu thứ hai. Sau khi hai câu đầu bị tam sao thất bản rồi thì chúng mới được nối bằng hai câu sau, có thể do lối hò đối đáp mà ra. Vì hai câu đầu đã bị truyền miệng sai nên hai câu sau cũng không thể chặt chẽ và rành mạch về mặt ý nghĩa được, nhất là câu “bên kinh đã có con trai”.

 Kiến thức ngày nay, số 122, ngày 1-11-1993