ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

Đám táng Micae Võ văn Trường

Đám táng Micae Võ văn Trường

(Thầy dạy trường câm Lái-thiêu)

----------------------------

Ngày thứ bảy, 9 Décembre 1939, 6 giờ tối, nghe chuông trầm nhà thờ Lái-thiêu đổ giọng bi ai, báo tin có kẻ mới qua đời; người người đều nói: thôi rồi, ông thầy trường câm nay lìa trần! Nhà thờ đều mau mau dưng kinh nguyện cho ông Micae Võ văn Trường mới qua đời, xin cho mau về nới tiêu sái. Ông Micae Võ văn Trường thọ 69 tuổi.

Trong “Nam Kỳ Địa Phận’ sô 1.572 và 1.573, ra ngày 7 và 14 Septembre 1939, có tường thuật việc gầy dựng trường câm thứ nhứt tại Lái-thiêu; gốc gác là nhờ nơi lòng rộng rãi cha Henri Azémar xuất tiền túi ra gởi trò Micae Võ văn Trường, là trẻ điếc và câm, qua học bên Pháp, đến khi thành thân, người trở về quê hương giúp cha mà dạy lại kẻ câm khác.

Trò Micae xuất thân sang Pháp mà học, hồi đó 10 tuổi, qua nhà anh cha Azémar lo lắng mọi chuyện, cho nhập trường câm ở Rodez. Lúc học tập ở trường, thầy giáo khen, anh em chuộng. Có gan dạ, bền chí, siêng học. Tuổi đó, thuở đó mà dám lìa quê sang Pháp thì không thường. khi đó là năm 1880. 6 năm sau 1886, thì thành tài, lại trở về Lái-thiêu giúp cha Azémar; khi thì dạy tại Lái-thiêu, có lúc dời về Gia-định thì lại theo mà giúp dạy đó; hằng chăm chú lo việc dạy trẻ điếc câm vô phước. Biết bao nhiêu trẻ nhờ thầy Micae Trường nầy mà bớt sự vô phước buồn rầu!

Cứ đeo đuổi một việc ấy cho tới ngày sau hết, đếm ngược ngoài 45 năm – Micae nầy là dấu tích cha Azémar trối lại cho họ Lái-thiêu và địa phận Saigon; làm rỡ danh họ, hữu ích địa phận. Thật mang ơn cha Azémar biết bao nhiêu! Mà công khó ông giáo sư Micae chẳng biết mấy!

Cha Azémar qua đời, 9 Juin 1895, khi đó Micae cũng vẫn bền đỗ giúp việc, đối với cha nào, người cũng vui lòng phụ sự luôn. Trải qua nào các cha: Ernest Verney, Henri Hay, Henri Sion và bây giờ cha Phêrô Tròn. Người vui lòng giúp, dầu cao niên lớn tuổi mệt nhọc, cũng một lòng hăng hái như thanh niên. Lương bổng có bao nhiêu, chút đỉnh đủ nuôi mình, thì lấy làm đủ dùng: Làng Tân-thới mỗi tháng đóng  10 đồng bạc. Hội Phước thiện ở Saigon (L. A. M. A. S) cho thêm mỗi tháng 5 đồng.

Bạn của người qua đời đã lâu, cứ ở vậy, mà chuyên việc mình và nuôi con khôn lớn, có tư thất đủ dùng. Micae mất đi rồi, ấy là mất một người để làm ích lợi cho trẻ vô phước điếc câm, dầu có kẻ khác nối nghiệp.

Phận trẻ câm nhỏ đã có 2 bà phước học bên Pháp ở trường Nogent le Rotrou (Eure et Loir), nên cứ tấn tới tiếp việc cách phát đạt mau chóng hơn. Mà tội nghiệp cho phận câm lớn, từ đây còn ai lãnh dạy chúng nó nữa!

Bỡi vậy ai có trẻ câm, lo gởi liền từ còn nhỏ, đừng để lớn quá 12 tuổi khó dạy lắm.

Việc làm của Micae là việc âm thầm với Chúa, người lại là kẻ giữ miệng không nói khoe, mà vì sự ái nhơn thì tỏ bằng việc làm, nên thế nào cũng rõ. “Hữu xạ tự nhiên hương”, vậy quan trên đã lo ban thưởng Médaille cho người hữu công; đây là việc quan Đốc học Gia-định đã dò xét và tâu xin. Mà thật đã được như sở cầu. Người khiêm nhượng và âm thầm, thì chết cũng khiêm nhượng và yên lặng. Médaille bậc hạng nhì công ghiệp, đã ban tại tại Dalat 19 Juillet 1939. Song vì quan trên đa đoan chưa định ngày gắn, kế hay tin qua đời, thì mới đem xuống cho bà con đặng xem. Nên người chẳng có đeo nó mà khoe khi nào trong đời. Mà thôi, người từ sự vinh sang thế gian, mà chực lãnh khuê bài Chúa ban thưởng là phước Thiên đàng.

Trong tháng Novembre. Micae Trường đau sơ sài không lấy chi làm nặng, song vì lớn tuổi thì bịnh gia tăng. Đến tháng Decembre thì nặng, thầy thuốc annam chạy. Còn ăn uống chút đỉnh. Trong nhà hết trông cậy, vậy ngày thứ năm trước lễ Đức Mẹ, thì rước cha ban các phép, và chịu Viaticô. Gương mặt người vẫn vui vẻ, tay cầm chuỗi luôn. Trên đầu để tượng Đức bà cứu giúp, bên bàn thì ảnh chuộc tội; cách người nhẫn nhịn, chịu cơn đau bịnh cuối cùng rất vui lòng và có đức tin lắm –Ai trong bà con bổn đạo tới thăm, thì chấp tay xá, chỉ cám ơn.

Sau hết thì người mòn mõi mà qua đời 9 Decembre 1939. Rày đặng gặp cha Henri Azemar trên trời, cha con sẽ nói đặng vui vẻ thong thả, chẳng còn dùng dấu ra bộ tịch chi nữa.

Vừa qua đời, khi đó là thứ bảy, thì cha sở Lái-thiêu có đánh dây thép cho Đức cha Saigon, quan chủ tĩnh Thủ-dầu-một, quan đốc học chánh Gia-định dặng hay Micae Võ văn Trường qua đời. Sáng thứ hai, quan chủ tĩnh Thủ-dầu-một là M. Wolf có xuống tại nhà mà trao bằng cấp cho em của Micae Trường là Võ văn Cao. Ngài để bằng cấp và khuê bài trước ảnh chuộc tội trước quan tài, rảy nước thánh, nguyện kinh chút và nói cho anh em con cháu trong nhà rõ: “Quan lớn có đặng bằng cấp Hànội gởi lại, song vì nhiều công việc, chưa kịp định ngày gắn khuê bài, nay mới đặng tin cha sở Lái-thiêu cho hay Võ văn Trường qua đời, thì quan lớn đem Médaille xuống, để con cháu nhớ dấu tích người có công giúp trẻ câm lâu năm.”

Ngày thứ ba, 6 giờ, đoàn trẻ câm nam nữ trong họ để tang, cùng con cháu, nhiều bổn đạo, và có cha, bà phước, nhiều viên chức, đến rước linh cửu đến nhà thờ. Dọc đường tiếng kinh nguyện, hòa tiếng nhạc ai bi cho đến nhà thờ, rước và làm lễ - Chánh tế cha sở Lái-thiêu, có thầy năm thầy sáu giúp – Có mấy cha xung quanh đến chầu lễ. Trên ghế dọn riêng ở cung thánh có Đức Giám mục Saigon đến chầu. Ghế các quan: có quan chánh chủ tĩnh Thủ-dầu-một, Đốc học chánh Gia-định, và một ít ông lớn trong ty sở theo dự.

Lễ tất, Đức cha, các quan, các cha, anh em bổn đạo đồng đưa linh cửu đến huyệt, để cầu nguyện và tự giã ông phen sau chót.

Thật là một đám tang xác long trọng, tưởng thuở giờ tại Lái-thiêu chưa có đủ chức sắc đạo đời như vậy.

Thôi, tới đây xin giã từ ông Micae Võ văn Trường một phen sau hết, đất huyệt vùi lấp hài cốt ông, mà không vùi lấp đặng công khó ông mấy mươi năm trời khó nhọc với phận sự trong việc giáo huấn trẻ câm. Trước mặt đời ông sống và làm việc cách âm thầm thinh lặng, mà công nghiệp ông Chúa sẽ cao rao mà ban thưởng trên Thiên đàng. Nay trông cậy ông đã đặng ca tụng Chúa với thần thánh muôn kiếp.

In memoriá æterná Justus !

Người lành sẽ được nhớ đời !

F. X. Lê vĩnh Khương

Nguồn: Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1588, ngày 28. 12. 1939


Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1575, ngày 28 tháng 9 năm 1939

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Sự tích trường câm Lái-thiêu

Sự tích trường câm Lái-thiêu

(Thủ-dầu-một)

---------------------

Người gầy dựng trường câm tại Lái-thiêu (Thủ-dầu-một), là cha Henri Azémar, năm 1880, là thầy bổn sở họ Lái-thiêu. Cha Henri Azémar là một thầy cả có dạ nhiệt thành, ân cần lo tròn phận sự tông đồ, Bề trền đã phú thác cho cha và giàu lòng bác ái, hết sức thương yêu và giúp đỡ kẻ tật nguyền vô phước.

Trong trường họ Lái-thiêu, khi đó có một học trò câm và điếc, tên là Võ văn Trường, tác chừng 9 hay là 10 tuổi, nó cũng đến trường theo mấy trò khác đi học chữ và sách đạo Thiên Chúa. Cha Henri Azémar thấy trò câm và điếc ấy thì xót thương, vì ở xứ nầy không có trường chuyên môn dạy kẻ câm, biết làm sao mà dạy nó học cho được!

Bên quê nhà của cha tại Rodez sẵn có trường riêng cho kẻ câm và điếc, cha bèn ngụ ý, kêu cha mẹ trò câm đến mà giải bày cùng an ủi cha mẹ bằng lòng giao nó cho cha gánh lo gởi qua Tây học, sở phí và các cuộc cha vui lòng chịu hết; cha cũng khuyến khích cha mẹ nó mà rằng: Thiên sanh nhơn hà vô lộc, hữu kỳ tật tất hữu kỳ tài. Mai sau nó ăn học thành tài, trở về xứ sở, thì cha mẹ và nó đặng nhờ và sẽ làm ích cho những đứa vô phước mang tật điếc cùng câm như nó. Nghe lời cha giải bày khuyến khích lại thấy cho có lòng thương xót thân phận con mình vô phước; hai ông bà là người đạo đức vâng thuận mà giao phú con mình cho cha lo lắng cho nó đi học bên tây.

Tính xong với cha mẹ trò câm là Võ văn Sơnthị Điểu, rồi thì cha liền viết thơ cho người anh của cha tại Rodez, tỏ bày sự cha muốn cậy anh phụ lo cho trò câm vô học tại trường ở Rodez, mọi phần phí tổn thì cha chịu hết -  Người anh của cha, vì tình Huynh đệ, lòng thương em đi giảng đạo xứ xa, nay có dịp may để cho anh em thơ từ qua lại thường năng, và thấy trò câm là đứa của em mình gởi gắm, thì cũng đặng dịp nhớ đến em mà an ủi lòng cho bớt buồn. Vậy nên người anh trả lời cho em biết anh vui lòng chịu lời phú thác mà lo cho trò câm ăn học.

Đặng lời như cởi tấc lòng, cha Henri Azémar liền đi trình bày việc mình toan tính cho Đức Giám mục địa phận là Đức cha Isidore Colombert, và xin ngài ban phép thi hành – Đức Giám mục thấy việc lành đáng khen và sẽ sinh ích cho nhiều kẻ vô phước, mang phải tật điếc và câm. Trong xứ nầy kẻ vô phần, phải chịu tật nầy thi ai ai cũng coi như người vô dụng, không ai lo tới, không kẻ màng đến. Vậy Đức cha vui lòng cho phép cha Azémar thi hành sự cha đã toan tính.

Đặng Bề trên nhận lời, thì cha Azémar mầng lòng, mau mau lo sắm rương tráp, và lo cho nó giấy thông hành cùng giấy tàu, cho trò câm đi qua học bên tây – May đâu có cha quen về Tây, thì cha Azémar gởi gắm trò âm cho cha ấy chăm nom trong lúc ở dưới tàu.

Qua tới Marseille thì có anh cha đón rước đem về Rodez. Anh cha thấy trẻ con Annam câm và điếc, mà vui vẻ dạn dĩ, thì thương như con và lo gởi nó cho thấy trường câm. Thầy dạy học, thấy trò câm nhu mì, khiêm nhượng, vui vẻ, tử tế với anh em bạn học, cũng siêng năng ham học, thì thấy mầng thầm và đem lòng hi vọng lắm – Bỡi nó không buồn bả, không nhớ cha mẹ quê nhà, một ham mộ sự học, nên trò Trường mau đặng tấn phát. Thầy dạy viết thơ cho cha Azémar hay , trò câm của cha đặng mạnh giỏi và học mau tấn tới, thì cha mừng và thông tin cho cha mẹ nó đặng vui lòng và an tâm, vì con mình rày hết dốt nát, bây giờ nó biết viết thơ tiếng pháp rành rẻ và ký tên: Võ văn Câm! Thuở giờ không có ai câm mà đặng phước như như câm Trường vậy; ấy Chúa thưởng lòng cha Azémar sốt sắng thương lo cho kẻ bịnh tật nghèo nàn!

Ngày giờ chóng qua, trò câm học bên Rodez đã đặng 6 năm, viết tiếng Pháp rành rẻ, ngặt nói và không nghe đặng. Tiếc một điều là nó không học đặng một nghề gì riêng, như vẽ vời, đánh máy chữ hay là toán pháp.

Qua năm 1886, mãn 6 năm trời, thì cha Azémar gởi thơ cho bề trên trường câm, mà xin cho Trường về xứ sở nó. Lúc đó trò Trường đã học đủ lẽ đạo, đã xưng tội rước lễ và Thêm sức vừa xong. Bề trên trường liệu nó về đặng và viết thơ trả lời cho cha Azémar hay.

Khi về đến quê nhà thì ai nấy vui mừng lắm; song có một mình cha Azémar nói chuyện đặng với trò câm; cha viết tiếng pháp hay là dùng 2 con mắt hay là 2 tay mà làm dấu. cha lại phải chịu khó học những dấu của trò câm tả ra bằng tiếng Pháp. Và cha dạy nó viết chữ quốc ngữ, bỏ dấu cho trúng, thành thử nó như người Pháp học tiếng Annam với người annam!

Sau khi câm Trường học viết tiếng Annam rành rẻ rồi, thì cha Henri Azémar xin Nhà nước cho phép khai trường câm. Nhà nước và Hội đồng Quản hạt có lòng rộng rãi cho phép khai trường và ban cho số tiền phụ cấp giúp đở. Cha Azémar làm xong việc; khi ấy là năm 1890. Thuở đầu tiên có chừng 7 hay là 8 trò câm trai và 8 hay là 9 trò câm gái. Cha Azémar mua một sở ruộng chừng 30 mẫu ở làng Trường lộc (Gò-công - Thủ-đức) cũng kêu là Tắc-Bà-Đỏ. Nhờ huê lợi miếng ruộng nầy, và nhờ Nhà nước phụ cấp để nuôi học trò câm ăn học và bồi bổ nhà trường. Những học trò câm đầu tiên khi ấy còn sống đến rày; nhiều đứa biết viết và thuộc dấu rồi trở về giúp cha mẹ làm ăn, và cũng có đôi bạn cũng sanh con cái, mà không câm, về phần câm Trường, thì cha đã lo đôi bạn cho nó là Agnes Điều, gái nầy không câm, song có tật lảng tai. Vợ chồng có 6 đứa con, bây giờ còn sống đặng 1 trai 2 gái. Có đôi bạn và con cháu không câm điếc.

Năm 1915, cha Azémar xin quan chủ tĩnh Thủ-dầu-một là ông Quesnel ban tiền phụ cấp mỗi tháng 12$, thì quan chủ tĩnh cấp ban cho mỗi năm 100$ - Làng Bình Nhâm 100$ - Làng Tân Thới 150$, như đã thấy trong sổ giáp lai còn lưu lại.

Năm 1895, ngày 9 Juin, cha Henri Azémar qua đời – Đức cha Dépierre giao cho cha Ernest Verney, giáo sư trường Latinh, coi họ và trường câm Lái-thiêu – Cha E. Verney, dầu yếu đuối, không đặng mạnh, song cha cũng vui lòng và sốt sắng ân cần lo cho học trò trường câm, cũng như cha Henri Azémar. Bây giờ người lo cho có Dì phước Thủ-thiêm dạy câm gái, còn câm trai thì có thầy giảng Cái-nhum; câm nam chừng 5 hay là 6 đứa, câm gái chừng 3 hay là 4 đứa.

Chừng đến năm 1899 hay là 1900, không biết tại sao mà cha giao học trò trường câm chon am cho thầy dòng Tabert ở Tân-định, rồi ít lâu sau sang qua Gia-định. Có câm Võ văn Trường phụ giúp thầy dòng dạy học trò câm – Cách 3 hay là 4 năm sau, các trò câm đều thôi học ráo, trường trống, không còn 1 trò nào học, hoặc nó về nhà cha mẹ nó, hoặc trở về Lái-thiêu học lại như trước.

Đến sau vì có đều trắc trở, nên thầy giảng Cái-nhum và mấy dì phước thôi dạy Lái-thiêu mà trở về nhà dòng mình. Lúc đó, trường họ và trường câm không người coi sóc chăm nom dạy dỗ, nên lộn xộn bất tiện lắm. phần cha Verney đa đoan nhiểu việc, và hay đau ốm, nên cha xin bà Mẹ nhà phước trắng (Mère provincial), phú giao cho các bà sửa soạn nhà cữa. bà mẹ giao cho bà Antoinette làm bề trên và có 6 bà bổn xứ Annam phụ giúp; các bà ở luôn cả năm, dễ bề chăm nom học trò và nhà trường. lại các Bà sẵn giàu lòng yêu người, nên thương và lo cho mấy trò câm như mẹ lo cho con cái mình vậy – Khi bà Antoinette qua đời rồi, thì có bà Grabriel nối thế; Bà vì có quen biết nhiều người tây, nên năng đặng mấy kẻ ấy đến thăm trường, cùng mướn trò câm gái thêu và may y phục tây; Bà hết lòng lo thương cho trẻ câm, hay tìm dịp cho nó làm việc khi có giờ rảnh. Khi đó số học trò câm được chừng 15 hay 16 đứa.

Cha Ernest Verney qua đời ngày 19 Mars 1915, thì Đức cha Mossard đặt cha Henry Hay coi họ và trường câm – Cha Hay có lòng rộng rãi, đã mua một sở ruộng chừng 30 mẫu tại Bãi-xan, để lấy huê lợi mà giúp trẻ câm; mỗi năm thâu đặng chừng 7 hay là 8 thiên lúa.

Qua năm 1926, ngày 8 Juin, Henry Hay lại qua đời, thì có cha Henri Sion thay thế. Trong khoản cha Sion coi họ và trường câm, thì không có thay đổi, thêm bớt gì, mọi việc trường câm y như bấy lâu trước.

Đến năm 1931, Đức cha Durmotier đổi cha Sion đi coi họ Phú-riềng thuộc tĩnh Biên-hòa, và giao cho cha Pierre Tròn coi họ và trường câm Lái-thiêu cho tới bây giờ (1939).

Năm 1933, Đức cha đi viếng trường câm; thấy trẻ câm nam nữ ở gân nhau, nhà các bà thì riêng ra, cách ăn ở không thứ tự phân biệt, thì Đức cha dạy cất nhà riêng cho câm nam như thấy bây giờ; Nhà rộng ở đặng chừng 50 người có dư, có đủ phòng ngủ; phòng học, phòng để cho các bà; có nhà bếp, có nhà điện, khoản hoát xem coi sạch sẽ, thị tứ lắm.

Qua năm 1931, bà François là Bề trên các bà về dòng thánh Phaolồ, có lòng ái mộ lo lắng giúp mấy trẻ câm từ 7 tuổi đến 12 hay là 13 tuổi; bà có gởi hai bà người bổn xứ Annam qua học tại Nogent le Rotrou (Eure et Loir) về dòng Đức Bà chẳng hề mắc tội tổ tông, để học dấu câm. Nơi nhà dòng ấy có trường câm dạy theo cách Méthode Belge kim thời. Có tấm gương lớn để trước mặt, muốn cho hiểu vật chi, thì chỉ trong hình vẽ, có sách sẵn. Rồi thầy nói, hả miệng, bẻ miệng cách nào, học trog câm xem trong kiến mà nhái lợi. Khi hai bà Annam ấy học đặng rồi thì  năm 1936 trở về Saigon và đặng bà mẹ Provinciale sai lên dạy trường câm Lái-thiêu cho đén ngày nay (sœurs Simone et Monica).

Có hai cách dạy trong trường câm; Mấy trò câm từ 7 đến 13 tuổi, thì dạy nói, viết làm dấu; mấy trò câm nầy miệng lưỡi còn dễ học nói đặng.

Còm mấy trò lớn tuổi hơn, 14, 15 tuổi sấp lên, đứa nào điếc mà còn nghe được chút ít thì học nói đặng rõ hơn. Còn như điếc ngắt quá, thì khó mà học nói cho rõ đặng. vậy mấy đứa lớn tuổi  từ 14 tuổi sấp lên, thì dạy viết, dạy làm dấu. Việc dạy trẻ câm thật rất cam go, khó nhọc, vì phải nhịn nhục, phải bền chí. Phải chi dễ bề dạy tập kẻ câm, thì ắt là đã có trường câm nhiều nơi khác rồi. Dầu việc dạy câm nói là đều cực lòng khó nhọc, nhưng có đều làm cho thầy dạy vui, là thấy trò câm ham nói và ra sức chăm chỉ ngó miệng thầy dạy.

Quan Giám-đốc ty Giáo-huấn ở Gia-định có đến viếng và xét trường, ngài hứa sẽ xin Chánh phủ ban thưởng huy chương cho giáo sư trường câm, vì đã dày công khó nhọc lâu nay. Quan phó soái và Phu-nhân cũng có đến xem xét trường, và đã rộng lòng bố thí rất nhiều, để cho trẻ câm học hành và vui chơi. Có ông chánh Hội trưởng “Hội trợ giúp phụ cấp xã hội” đến xem xét và thấy trường câm Lái-thiêu là một việc tốt lành đáng bố thí phụ giúp, để an ủi và nuôi dưỡng dạy dỗ trẻ câm phải số phận vô phước tật nguyền.

Nhờ có lịnh quan trên dạy, nên các làng lo gởi đứa câm lớn, nhỏ, ngoại, đạo đến trường, cả thảy đều đặng thâu nhập vào trường hết; bỡi đó nên số trò câm càng ngày càng gia tang. Lại vì nghe nói trường có dạy câm nói đặng, nên kẻ có con câm thì lo gởi vô trường; ngày nào nhập trường cũng đặng. Lại hễ khi nó học vừa đủ biết, thì cũng cho nó về nhà giúp đỡ cha mẹ, khi nó xin. Không buộc trò câm phải theo đạo, một để nó thong thả trong sự tín ngưỡng chọn lựa lấy; trừ ra mấy đứa nào cha mẹ nó bằng lòng cho luôn cho chủ trường.

Khuyên ai nấy có con vô phước câm điếc, hãy mau lo gởi vô trường, cho nó ăn học, mà nhờ tấm thân, kẻo phải thiệt thòi tội nghiệp! Vì sẵn nay có trường riêng và có Nhà nước rộng rãi khoan hồng phụ cấp, để nuôi dưỡng dạy dỗ mấy trẻ vô phước điếc câm.

Đời văn minh, mấy trẻ con không tật nguyền câm điếc, thì có phước đi học nơi trường lớn nhỏ, trường làng, trương tổng, trưỡng tĩnh, mai sau học đặng thành tài, thì đặng thông minh, độ thân và vinh hạnh. Còn mấy trẻ điếc câm thì xem ra như đồ vô dụng, không ai màng tới. Song Đấng Tạo hóa nhơn từ vô cùng là Người đã cho có ông L’abbé de l’Epée là người phương tây đã tìm đặng cách dạy đứa câm và điếc nói đặng, nghe đặng và viết đặng. Thật rất nên cám ơn đội trên và khen tài kẻ kinh nghiệm dạy dỗ thế ấy.

Ngày nay bên xứ Nam-kỳ nầy đặng có trường câm, để chăm lo cho phận kẻ điếc câm, đặng nuôi dưỡng, học hành cho biết viết, biết nói cùng nghe hiểu đặng, thì thật rất hữu ích cho người annam có con vô phước mang phải tật câm điếc.Ấy cũng nhờ cha H. Azémar rất đáng kính và đáng mến yêu, vì bỡi ngài có lòng hay yêu thương người, có lòng rộng rãi và chẳng quản nhọc công, tốn của, mà gầy dựng cho có một ngôi trường câm.

Sau hết xin ai nấy có gặp nhà nào có con điếc và câm, như là người ngoại thì mách bảo cho họ đem con phú thác cho trường câm nuôi dưỡng dạy dỗ; hoặc đến nhà các cha sở ở mấy họ có đạo, mà xin cha lo gởi giùm. Các cha sẵn lòng giúp luôn. Hay là muốn rõ đều chi, cứ gởi thơ ngay cho cha sở họ Lái-thiêu.

Monsieur le Cure de Láithiêu

Post. Lái-thiêu – (Cochinchine)

Fr. X. Lê-vĩnh-Khương

Nguồn: Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1572 và 1573, năm 1939


Báo Nam Kỳ Địa Phận, số 1574, ngày 21 tháng 9 năm 1939