ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

Họ Tây Ninh

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------------

ĐỊA SỞ HỌ TÂY NINH

-------------------------

(…)

II

Khi cha Báu đi rồi, thì có cha Du (P. Guillou) đổi lại nhậm sở là năm 1904. Người tận tâm tận lực, lên đèo xuống ải, trèo non lặn suối vì con chiên, lo thâu góp những người bổn đạo trôi nổi tứ tán đôi nơi, kẻ vô ở theo chơn núi, người ra ở theo mé sông Vàm Cỏ. Cha hủy thân cũng bằng thí của, để mua lửa mến Chúa, yêu người, mà đốt cho Tây Ninh đặng sốt lại; vì lúc ấy họ Tây Ninh và mấy họ nhánh xem ra nguội lạnh bê trễ quá. Thánh Phaolồ xưa gởi thơ cho bổn đạo Rôma mà rằng: Nào là người Grêcô, cùng dân man di mọi rợ, kẻ thông minh trí huệ cùng là dại khờ dốt nát, thảy đều mắc nợ cùng các thứ người ấy cả thảy. Cha cầm mấy lời ấy như gương soi, nên đôn đảo chạy ngược về xuôi, chầu nhưng, đạo mới, đạo cũ ở đầu non góc núi, chốn nào hiểm hóc cũng tìm cho ra. Bỡi cha những liều mình, chẳng kể tấm thân, gội sương chải gió, vì ham phần rỗi con chiên, nên lần hồi sức lực hao mòn phần xác, yếu bịnh; cha phải vưng ý Bề trên từ giã đoàn chiên mà đi dưỡng bịnh bên Hồng Kông. Ở đó ít lâu, thấy bịnh không khá, nên phải trở về Tây nhờ thanh khí quê nhà, đặng thuyên bịnh cùng bổ sức, hầu trở qua mà lo việc giúp linh hồn cho nong nả nữa.

Trong lúc cha Du coi họ Tây Ninh, thì cha cũng đã lo lắng cho họ Nàng Gình như mấy cha trước. Người quyết ý lập một họ nhánh tại Thanh Điền, mà công việc không thành. Thanh Điền là một làng lớn phía tây, liền đường bộ, cách Tây Ninh chừng 7 ngàn thước. Thấy có ít nhà có đạo Tha La tới đó ngụ làm ăn, cha muốn dùng dịp mà mở họ, nên lo cất nhà, xin thầy tới cầm cốt dạy dỗ con nít bất kỳ đạo ngoại, làm quen với người lớn, nói việc đạo lý, cha cũng năng ra vô thăm viếng. Song lâu lâu thấy rõ việc không kham, vì mấy người có đạo tới đó là dân đào tị, trốn nợ nần, gạt cha giúp hết sức rồi bỏ đi nơi khác, người nào còn ở lại thì noi thói vô đạo cho thong thả, gương tốt không bày, thấy những cả lòng phạm luật Chúa, cãi lời cha, nên lần hồi họ Thanh Điền tiêu hết, còn lại một nhà ông hương Để mà thôi, nhà nầy cứ một lòng giữ nghĩa Chúa và lãnh coi giùm miếng đất Nhà Chung cha đã mua ngày trước đặng lập họ.

Cha Du coi sở Tây Ninh đặng 3 năm, chừng đi dưỡng định thì cha Cơ thế là năm 1907.

Cha Cơ vừa lãnh họ, liền ra tay tính việc, lo sắp đặt sửa sang lại mọi sự đâu đó thứ tự lớp lang. Lo cử chức việc trong họ, vì từ ngày mà mới khỉ sự có họ Tây Ninh, chưa có người nào là chánh chức việc để giúp đỡ cha sở. Đời cha có ông phủ Lâm ngọc Đàng đổi về tòa bố Tây Ninh. Bỡi ông là người đạo đức, ở hết lòng với cha cùng ái mộ sự sáng danh Chúa; vì vậy cha đặt người lên làm ông câu, bàn tính mà bầu cử thêm ít ông biện, giáp, cho có người chuông trống cùng xướng kinh trong nhà thờ,

Việc bề ngoài với bổn đạo vừa có thứ tự. Cha ra tay lo nhà Chúa ngự, Với nhà thờ xưa lợp ngói âm dương, cây cột làm theo đồng tiền, nên lâu năm nhiều cây mối mọt ăn cả, nóc nhà thờ nhiều chỗ lủng lỗ dột nát. Cha cất tiếng lên kêu người trong họ và ít nhà bổn đạo họ khác, mở rộng tay giúp người tu bổ đền thánh. Bổn đạo tuy ít nhơn số và chẳng mấy ai rộng xây trong nhà; song bỡi việc làm cho Chúa, tốn chi chẳng nại, nên đã đậu góp với nhau đặng hơn 4 trăm đồng. Nhờ đó cha mới thay nóc nhà thờ và sửa lại trên dưới vển vang.

Cuối đời cha Báu thì nhà cha sở đã sập, nên cha Cơ phải lo làm nhà ấy lại. Người đã lo kham mà không về ở đó, để cho người tây mướn cho nhà thờ có lợi chút đỉnh, từ ấy cho tới bây giờ. Còn các cha thì ở nhờ nhà ông Lái Triều đã dâng để cho các dì ở dạy học trò.

Trong đời cha Cơ việc đạo Tây Ninh gặp nhiều cuộc rỡ ràng. Đức Cha tới Xức trán cùng viếng họ đôi phen. Cuộc Tam Nhựt Lễ Kính các vị Á thánh tử đạo annam đã đặng làm trọng thể hết sức. Ngày ấy đủ mặt các viên quan tây, nam, chung cùng hỉ lạc. Nói được cha chìu theo ý mọi người mà kéo ai nấy về với Chúa. Mỗi ngày Chúa Nhựt, Lễ cả, thì viên quan lính tráng tới xem lễ đờn ca xướng hát, hởi lòng bổn đạo.

Người lo việc Tây Ninh hơn 7 năm; đến tháng Novembre 1913 thì Đức Cha đổi người xuống coi họ lớn Cái Nhum, người phải phụng linh từ giả con cái cùng giao lại cho cha Phaolồ Đạt là ngày 28 tháng ấy. Trong vòng 7 năm cha Cơ coi họ Tây Ninh, thì có cách khoản trong chừng 8 tháng cha phải đi coi giúp họ Tha La thế cho cha Du, bịnh phải đi nghỉ. Đang khi đó thì có cha Binh coi tạm họ Tây Ninh.

III

Vậy ngày 28 tháng Novembre 1913, cha Đạt đổi lại Tây Ninh, cha đã ân cần lo cho họ chánh mà cũng không quên mấy họ nhỏ. Đấng chăn cùng đoàn chiên vừa nghe cũng hiểu biết nhau trong vòng chừng bảy tám tháng, kế phải vưng lịnh Bề trên trở lại Nhà trường, dạy dỗ xem sóc những trẻ lêvita mình đã từ giã năm trước.

Bấy giờ là tháng Juillet năm 1914, cha Báu (P. Brugidou) tới nhậm sở. Tưởng người ở đặng lâu dài mà mở mang nước Chúa. Hay đâu giặc nổi đất quê nhà, nên tới Février 1915, Bề trên dời người vô Nhà trường, có ý ở gần kinh thành cho người dễ trả nợ nước. Và thật bỡi người còn trẻ tuổi, nên qua năm sau đó người phải tùng binh như các anh em bổn xã Langsa, cùng đã về quê hương mà giúp nơi đàng trận.

Khi cha Báu đi là tháng Février 1915, có lịnh Đức cha dạy cha Đàng về thế, mà bỡi cha ấy mắc giao lãnh việc sở mình, lên gấp không đặng; thì Đức cha có cho cha Nhiệm coi họ đỡ đôi tuần. Qua nửa tháng Mars 1915, cha Đàng mới lên tới, lãnh việc cho đến ngày nay.

Việc đạo Tây Ninh mở mang đã 30 năm nay, mà so sánh cùng các họ khác thì chẳng lấy chi làm tấn phát. Hỏi vì ý làm sao vậy?. Có phải là tại thiếu người coi sóc, hay là những đấng chăn chiên không lo cho hảo tâm tận lực? - Ta phải tưởng là tại nhiều lẽ khác. Trước hết Tây Ninh phát ra thị thiềng mau quá. Dân sự ở theo chợ búa , ham chơi bời, trà rượu, bội bè; gương lành ít có, gương xấu tràn trề, kẻ ngoại đạo là hết 9 phần, người có đạo coi không đặng một. Cũng còn người bổn đạo họ khác lải rãi tới ở Tây Ninh, mà bỡi muốn ở thong dong, bỏ các dấu có đạo, ở theo xóm kẻ ngoại, cho nên không cha thầy nào biết mà lo tới được. Những người giữ đạo hẳn hòi mà có tới đất Tây Ninh, thì chẳng mấy nhà chí quyết lập nghiệp làm ăn, bỡi cuộc làm ăn chốn nầy cũng là thắt thẻo lắm. Đất nhà nước cho khẩn thì không thiếu gì, mà hễ có vở ra làm một đôi mùa, rồi nó ra khô hốc, công của phải tốn nhiều mà chẳng thấy lợi là bao nhiêu. Tại đó nhiều người thối chí mới trôi đi nơi khác.

Vậy như đã kể lại trước nầy, thì bổn đạo thuở đầu là chừng vài mươi. Tới nay là 30 năm rồi mà xem lại sổ năm 1917 đặng có 200 bổn đạo mà thôi, đó là kể hết và người rối rắm kẻ trễ nải. Còn như có kể hết những người có đạo nói mình thuộc về Tây Ninh mà trôi nỗi ở theo bờ sông Vàm Cỏ, cũng là người đi đi lại lại dưới ghe thì hết thảy chừng 250 người.

Xét lại các việc thì thấy Chúa rất thương xót họ Tây Ninh, vì buổi ban sơ Chúa đã khiến cho ông Lái Phaolồ Lê văn Triều tới ngụ đất nầy, đề nên rường cột trong Họ. Việc làm ăn phần xác thật là giỏi lo. Chẳng phải người có ý thâu tích của cải làm gì, một có ý cho đặng rộng tay mà lo việc Chúa cho mau thành. Đôi khi thấy ý con cháu như thấy ông sao không lo hậu. Người rõ biết nên hay nói với con cháu tiếng nầy; Con cháu đừng trông ông làm giàu, để của lại cho con cháu xài phá vô ích. Ông lo tích ân tích đức cho con cháu nhờ lâu dài!

Mười mẫu đất cha Sĩ khẩn, có một tay hai cha con khai phá, lập ra vườn thơm, xoài, mít, chuối, đủ món cần dùng. Khi cha Sĩ toan lo cất nhà thờ ông Lái càng ân cần lo lắng phụ trợ, chẳng nệ công, không tiếc của, miễn là cho rỡ ràng danh thánh Chúa, mới phỉ lòng.

Việc lành cần kíp ông lái lấy làm chưa đủ, người nghĩ họ Tây Ninh tuy là nhỏ lắm mặc dầu, song cũng là họ chánh tĩnh, ở giữa đất nước người bổn xứ rất dị đoan, tối sớm nghe những tiếng buồn bực mấy đại đồng chung rền tứ hướng. Người bèn ra tiền bạc xin cha sở đặt ba cái chuông trộng mà dưng cho nhà thờ, để tiếng chuông kêu động trời mà nhắc nhở con nhà giáo hữu và xua tà mị dị đoan.

Buổi ấy cha sở mới xin các dì Nhà phước Chợ Quán lên giúp; ông Lái thấy nhà các dì ở xịch xạt trống trước hở sau, nên dưng nhà mình để cho các dì ở, còn mình thì lo cất nhà khác. Từ đời cha Du nhà cha sở đã hư sập, các cha mới về ở tại nhà ông Lái đã dưng đó cho tới bây giờ.

Ông Lái chẳng lo giúp một họ mình mà thôi đâu; song mấy lần thả bè đi bán, mà có gặp dịp giúp đỡ họ nào, người chẳng bỏ qua. Lần kia ông Lái ngồi bè tới Lương Hòa, ghé lên bờ xem lễ và thăm cha sở. Người nghe cha sở than rằng: Bổn đạo trong họ nhiều nhà ở xa quá, đánh trống có khi không nghe; chớ phải chi được cái chuông nhỏ nhỏ, tiếng nghe xa có lẽ giúp bổn đạo nhiều hơn. Nghe vậy ghi lòng, chừng trở về tỏ bày cho cha sở mình mấy lời, tính bớt một cái chuông để dưng cho họ Lương Hòa. Cha suy nghĩ rồi bằng lòng, nên họ Lương Hòa mới đặng cái chuông. Người cũng còn giúp nhiều nhà thờ, nhà phước mấy họ khác nữa. hoặc cây cột, hoặc tiền bạc. Nhiều lần vợ con muốn biết người dưng cúng vật gì cho họ nào, thì người rằng: Tôi lo cho vợ con hằng ngày dùng đủ, còn việc làm cho Chúa nói đi nói lại làm chi.

Qua năm 1894, âu là Chúa xem người như trái đã muồi về việc phước đức, nên gởi cơn bịnh cho người chống về chầu Chúa.

Bề trên tỏ lòng cám mến ơn ông Lái, nên cho phép con cháu xây đặng riêng một bên nhà thờ mà táng xác người, và sau cũng sẽ chôn bà Lái tại đó nữa,

Bà nầy sống cho tới năm 1915, già cả lụm cụm, Nhà Chung có xuất ra ít nhiều giúp bà, lại gần mỗi năm Đức cha có gởi tiền riêng mà xin lễ cho ông Lái.

Khi bà Lái ngả bịnh, con cháu đem đi uống thuốc trong nhà quê, bà đã qua đời cùng nằm tại đất con cháu, không đặng phước chung phần mộ với ông Lái.

Ấy hai ông bà nên gương bia tạc cho người giáo hữu quyết tình thờ Chúa; phần đời có khi cũng thốn thiếu gian nan như kẻ khác, mà phần hồn đặng trúng lời Thánh Linh rằng: Linh hồn người lành ở chơn tay Chúa, giờ tử định không chi xao xiến, kẻ chẳng hiểu thấy vậy gọi rằng đã chết, song thật là kẻ ấy vào chốn nghĩ an!

------------------

ĐỊA SỞ HỌ TÂY NINH

-------------------

Họ Nàng Gình

------------------

Nàng Gình là một họ nhánh về sở Tây Ninh. Theo địa đồ nó ở ném về hướng tây, dọc theo mé hữu sông Vàm Cỏ, và cách thành Tây Ninh chừng 20 ngàn thước.

Nghe tên Nàng Gình thì đủ hiểu buổi trước nó là về đất Cao Mên, rày sáp nhập về Lục tĩnh, lấy tên làng Hòa Hội. Họ nầy ở chính giữa ranh chia hai Địa phận Saigon và Nam Vang.

Họ nầy lập ra cũng gần một lượt với họ Tây Ninh: vì khi cha Sĩ về lãnh họ Tây Ninh, sắp đặt việc họ trong năm bảy tháng vừa an; cha nghe nói tại Nàng Gình thường có bổn đạo họ khác, nhứt là người Tha La trôi tới làm ăn đổi chác với người đàng thổ. Nghe vậy cha băng ngàn tìm lên thăm viếng; người xem xét địa cảnh coi thế mở mang được, vì là chỗ đầu nước. Tại Tha La bổn đạo càng ngày càng thêm số, đất ra chật hẹp sẽ trôi lên đó. Bổn đạo địa phận trong có gặp sự gì khó với mên man sẽ bỏ đất thổ mà ra đó. Suy nghĩ các việc như vậy, nhắm có thể cậm cờ Thánh giá Chúa tại đó mà soán lấy đất bụt thần. Cha trở về Tây Ninh xin cùng quan cho khẩn 6 mẫu đất tại vàm Nàng Gình, để có chỗ cất nhà thờ và cho bổn đạo đỡ buổi đầu. Khi đó có ông trùm Sử đã lên ở lập nghiệp. Cha và ông trùm lo qui đặng mấy nhà có đạo số đặng chừng vài mươi; rồi cha con nhơn công ra của cất một nhà thờ nhỏ. Nhà thờ nầy chịu cũng đặng mươi năm, tới đời cha Báu (P. Leprince) thì ngã sập. Sau cha Du đã ra công dựng lại, mà bỡi cây cột dã hư chịu chẳng đặng bao lâu; nên qua tới đời cha Cơ thì có phổ khuyến ít nhiều mà cất lại một nhà thờ trên lợp tranh còn lại tới ngày nay. Từ đó tới giờ hễ cha nào lãnh sở thì cũng lên xuống lo cho họ Nàng Gình.

Đời Đức cha phó, lúc đang còn làm chánh sở Tha La, ngài có lên thăm họ Nàng Gình đôi khi, xem xét địa cuộc coi có lẽ sau nầy sẽ nên họ lớn đặng, nên đã lo mua thêm 45 mẫu đất cũng gần vàm, để sau nầy có chỗ cho bổn đạo hay là chầu nhưng ở lập nghiệp.

Họ nầy lập ra cũng lâu, mà nhơn số bổn đạo chẳng mấy thêm. Buổi ban sơ là chừng 20 người, rày xem sổ lại thì nhơn số đại tiểu chừng trong 100.

Sự đó cũng tại nhiều lẽ. Trước hết là vì chẳng có linh mục ở gần cho thường, nên nhiều người có đạo sợ lên ở đó mà phải chết hụt. Còn đồng nhi nam nữ thì một đôi năm mới có thầy Nhà trường Latinh hoặc Nhà dòng Cái Nhum lên giúp một kỳ năm ba tháng lo dọn bao đồng Xức trán rồi giao lại cho cha sở. Còn lẽ khác nữa là mình yếu thế hộ thân, vì ở giáp ranh đất mên man; tánh người đàng thổ rất đỗi khó dò; đang khi buôn bán đổi chác với nhau tử tế, vụt đổi ý, nổi dậy cả sốc, dao, mác, cung tên đem nhau ra xóm annam hò hét cáp duồng là đánh annam; như việc đã xảy đôi khi. Cho nên bổn đạo vì lo sợ chuyện như vậy mà ít dám làm ăn cho lớn, còn bổn đạo họ khác nghe nói thế ấy thì nhát gan không dám tới ở. Tại đó họ nầy chưa được mở mang theo ý bề trên sở nguyện.

-----------------

Họ Tà Lọt

-----------------

Họ Tà Lọt nầy mới lập chừng 8 năm nay, buổi cha Cơ coi họ Tây Ninh lên xuống giúp họ Nàng Gình, đàng sông đi xa thẩm thẩm. Thiên hạ ở theo mé sông Vàm Cỏ khá đông. Cha ước chớ phải chi mở được một họ ở cho cận đàng; trước là đem người có đạo trễ nải ở theo mé sông đặng trở lại, sau là mở việc dạy dỗ chầu nhưng đạo mới. Vậy cha đã bàn tính cùng cha Đavít lúc ấy làm chánh sở Tha La, mà mua ít mẫu đất theo mé sông. Lại cũng có quan Đốc phủ Nghiêm giúp sức, cha lo khẩn đất đặng để cho bổn đạo làm ăn.

Họ nầy mới gầy dựng, nên chưa rõ sẽ ra làm sao. Đang bây giờ có kẻ nhà quan Đốc phủ Nghiêm và mấy nhà bổn đạo khác, thì số hết thảy chừng 20 người. Trông cậy như phải là thánh ý Chúa định, thì Chúa sẽ liệu mọi sự cho sáng danh Người.

--------------------

Họ Thanh Điền

--------------------

Như ta đã kể lại trước nầy: Thanh Điền là một làng lớn phía tây, liền đường bộ, ở cách Tây Ninh chừng 7000 thước. Đời cha Sĩ có ít người bổn đạo Tha La tới ngụ đó, cha muốn dùng dịp ấy mà mở đạo tại Thanh Điền, nên đã mua ít mẫu đất để cất nhà dạy và có chỗ cho bổn đạo ở làm ăn, đặng lần hồi đem người ngoại giáo trở lại. Qua đời cha Du, bỡi người cần lo quá, nên cất nhà kinh, xin thầy tới dạy, coi tưởng đã thành việc được, chẳng dè lần lần thấy rõ những người có đạo tới đó là hoang đàng, hoặc trốn nợ nần, chẳng nên gương tốt, mà còn thêm cãi bỏ luật Chúa chán chường. Còn kẻ ngoại khi thấy cậy hỏi cha dễ, chừng hết thế giúp nó đặng thì không tưởng tới việc đạo nữa. Bây giờ số người có đạo ở tại đó còn được chừng mươi lăm người.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1918

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

Họ Bãi Xan

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

HỌ BÃI-XAN

Từ lúc khởi lập tới sang kiêm thời

-----------------

I. - Gốc tích họ Bãi-xan từ năm 1780 tới năm 1808.

Nghe tiếng: Bãi xan thì ai ai cũng hiểu là chỗ mé sông có sóng gió ba đào chuyển động. Mà thật tới mùa gió chướng, trên đầu Cùlao-bàng nước chảy qua cuộn cuộn và gió mạnh đánh bước vào mé Bãi-xan, làm sanh sóng lớn. Mỗi năm, lúc gần Tết Annam, ghe buôn chở hàng đi ngang đó, nhiều chiếc phải chìm, dưa hấu, dừa xiêm gì trôi lỉnh ghỉnh!. Dầu tàu bè chạy mùa đó cũng thất kinh, vì nhớ chiếc Pluvier, năm 1903, chìm ngang vàm Láng thé, bộ hành lớn bé bỏ mạng cũng nhiều, còn hàng hóa mất tiêu hết thảy!

Bây giờ nói đến họ Bãi-xan, bề dài từ vàm Láng thé, theo mé sông lớn Cổ-chiên, chạy thấu khỏi ranh làng Mỷ-hiệp; còn bề ngang ăn riết vô một cái giồng nhỏ, kêu là: Giồng tượng. Đến trước Thánh Đường thì tẻ ra làm ba nhánh, là: Giồng lớn, Giồng nhánh và Giồng giữa, đó là địa đồ nội họ Bãi-xan.

Đây nói sang qua lúc lập họ: Lối năm 1780, lúc giặc Tây-sơn phá rối thiên hạ, thì có nhiều người bổn đạo các nơi tới lập họ nầy, mà nhứt là người Cái-bông tới ở. Mà Cái-bông là một chỗ ở phía nam xứ Ba-tri, gần vàm sông Hàm luông, muốn kêu cho trúng thì chỗ ấy là: Gành mù-u. Chốn nầy là chỗ dân Bình-thuận và Bình-định ưa vô trú ở mần ăn trong Nam-kỳ.

Người đến Bãi-xan đầu hết là ông Bốn, bỡi ông muốn lập nghiệp mần ăn thì chăm lo khai phá đất, mà bỡi thấy đất nầy chật hẹp, chẳng đủ sức ông mần, nên ít lần ông bỏ Bãi-xan mà xuống Giồng-rùm ở dưới. Kế tới phiên bà con cùng người quen của ông Bốn cũng tuôn đến Bãi-xan, là ông Ký và ông Đẩu, song có một mình ông Đẩu biết chế độ việc lập họ, cho nên ông đáng kể là kẻ tạo lập họ nầy.

Vốn người cha ông Đẩu là ông Nguyễn-văn-Siêu thuở ấy có nhiều người yêu chuộng, vì ông làm Thầy lương y giúp việc quan Thượng Bộ ngồi tại Ba giồng. Ông Siêu làu thông chữ tàu, nên dạy con người nào cũng hay chữ, lại nữa ông đã dưng một con trai vào trường Latinh giúp việc Chúa. Mà thuở ấy phải gởi con vô Xiêm, vì bỡi trong nước Annam chẳng có đặng yên, nên phải lập trường chung Latinh ở tại đó.

Trò Latinh trẻ nầy đến sau có tên là: Cha Phaolồ và có công giúp Đức Thầy Phêrô cùng Đức Nguyễn Ánh trong nhiều việc cả thể lắm, theo lời trong sử nói rằng: "Ce fut un prêtre puissant en oeuvres et en paroles.”.  Người là một thầy cả có tài làm mọi việc và tiếng nói ai ai cũng nghe lời.

Vì chăng bỡi ông Đẩu có thân thế cùng quan Huyện Vũng-liêm, vì chưng em gái người kết bạn với quan Huyện, cho nên nhờ đó mà ông Đẩu đến sau lo chuyện lập làng xong xuôi mọi nỗi.

Vốn ông Đẩu sanh ra hết thảy là năm người con: Người trưởng nam tên ông Lượng, có con là bà Sử, bà Lài, rồi bà Sử sanh ra Trùm Thân là ông già cha Các làm thầy Đạc đức;

Còn bà Lài sanh biện Qui còn con cháu bây giờ ở Bãi-xan.

Người thứ ba tên bà Đài là gái ở vậy không con, chừng bà mạng chung, anh em bà đồng dưng đất ruộng gia tài bà, chỗ cất Thánh Đường Bãi-xan bây giờ.

Người thứ tư là ông Tường, có con là bà Thị và Câu Tứ, là ông già cha Cường và Trùm Doan mới chết ít năm nay.

Người thứ năm tên bà Mỹ là bà ngoại cha Phêrô Quờn và Trùm Nghị mới chết đây.

Người con út là bà Nữ, là bà Giáo Trực, biện Nguyên, năm Nhẩn bây giờ.

Đã nói xong về gia thất ông Đẩu, còn phải nói đến chi ông Lại đồng Bường, cũng ở Cái-bông mà đến Bãi-xan, Chi nầy đông đắn tới tám anh em: Người thứ hai tên Bường, thứ ba tên Tự, thứ tư tên Mây, thứ năm tên Oai, thứ sáu tên Nhu, thứ bảy tên Minh, thứ tám tên Mẫn và người út tên Năng.

Ông Đẩu tương phân cho chi nầy phần đất cần mé sông cái, chổ vàm rạch Giồng tượng, chỗ nầy nhiều lần phải nguy hiểm vì dễ cho quân cướp biển xông vào phá hại. Trong các chi mới lại đây thì có ông Khả là người mạnh mẽ gan dạ hơn hết, một mình ông dùng trâu khai phá đất, mà hết thảy bà con xúm lại mần không bằng. Khi đã làm nhiều việc, trưa mệt mỏi, có người ta nói ông uống một lần hết một tĩn nước mới đã khát cho !..

Còn trong phần rẩy-trên thì có ông Lê-ngọc-Lành là quan cựu ở Huế, bị giặc Tây-sơn, nên trốn và ở Cù-lao-tây một ít lâu, rồi khi vua Gia-long đã toàn công thắng trận thì gia thất đông đắn nầy đến ở Bãi-xan đây.

Ông Lê-ngọc-Lành sanh con cái đông: Người trưởng nam tên ông Lịch, có con là bà Lành là bà ngoại cả Xến ở họ Cần thơ.

Người thứ ba là bà Lãm, bà nầy sanh đặng năm con: Một là bà Phượng; hai là bà Dưỡng; ba là bà Gương là bà ngoại ông Trùm Ngoạn ở họ Chợ-đũi;

Bốn là bà Tàu, sanh bà Loan, thầy phó Kiểng ở Vĩnh-long, bà Sánh là mẹ phủ Thiệt, phủ Thuận, sau hết là ông phán Nam là Trùm cựu họ Bến-tre nữa;

Năm là ông Tây, sau cãi tên lại là Cả Quế. Người thứ tư tên ông Xang, có con là ông Nguơn, ông nầy sanh đặng 12 người con, người nào sống cũng trường thọ bỡi cách ăn ở hiền từ, như ông sáu Tấn là ông Trùm họ Giồng-rùm đến chừng quá 80 tuổi mới chết; bây giờ còn sót ba người ở Bãixan: Ông năm Quờn 86 tuổi; bà bảy Lực là vợ ông Trùm Tý 84 tuổi và bà út Lợi cũng quá 70 mà còn mạnh giỏi cả ba.

Người thứ năm là ông Xê sanh con trai bảy người là: Ông Thứ, ông Thanh, ông Thơ về ở Rạch-dầu, là ông nội cha Vạng, ông Hợi, ông Mùa là Ông già biện Út, ông nầy lúc cấm kín có công giấu ẩn các cha và cố chính Hòa (R. P. Borelle) đã chết tại nhà ông Mùa, năm 1860;

Ông thứ bảy là biện Màng sang về ở Cái-mơng, có con là bà hai Mẫn còn sống bây giờ,

Sau hết con út là ông Đặng là cha tham Hài, ba Quí ở Bãi-xan.

Thật dòng họ Lê nầy còn đông đắn lắm, nội họ Bãi-xan kể hết cũng có trót ngàn nam phụ lão ấu bỡi dòng ấy mà ra.

Dưới rẫy dưới, gần vàm Láng thé, có ông Phạm-văn Minh là cha bà Điều, khi đã điệu gia thất ông về Bãi-xan rồi thì đã khai phá trót năm chục mẫu đất. Còn một ít gia thất nữa cũng về Bãi-xan lúc khởi đầu nan lập họ, là gia thất ông cả Huyên, ông Của, ông Xuyên, ông Tần, ông Long sau về làm ông Trùm họ Tha-la và ông Ẩn là ông nội Cha Truyền. Bỡi đó cho nên, theo lời người ta nói, thì họ Bãi-xan lúc ban đầu số bổn đạo chừng một trăm rưỡi người. Phô kẻ ấy tới ở Bãi-xan xong rồi thì chí thú tra tay làm việc cực khổ biết bao nhiêu; nào muỗi mòng cọp heo gì cũng làm cho vỡ chạy, cho tới tượng voi cùng kinh hãi nữa. Mà sự kẻ ấy ưa kiếm tìm hơn của ăn là sự bằng an trong họ, lúc giặc giả ít có lắm!. Lúc ấy ở Bãi-xan đặng khỏi bắt lính, khỏi sưu thuế, còn mấy làng ngoại cũng vì nể, chẳng ép bổn đạo giúp việc dị đoan.

Bỡi ở Bãi-xan đặng bình an vậy thì làm cho nhiều người có đạo ai nấy đua nhau tuôn đến, cho nên chưa tới hai mươi năm, mà số bổn đạo họ nầy đặng chừng sáu trăm nam phụ lão ấu.

Lúc ấy, theo việc Nước thì họ Bãi-xan thuộc về Làng Đức-mỷ, ăn dài theo sông cái, từ Rạch Láng thé cho đến vàm Rạch Vũng-liêm.

Trong năm 1800, có một ít người ngoại sẵn lòng tính với nhau mà chia Làng Đức-mỷ ra làm hai, đặng lập một Làng mới, lấy hiệu là Làng Bình-hòa, song hoặc bỡi lập làng lật đật quá, hay là vì lẽ nào khác chẳng rõ, nên lập Làng Bình-hòa, là nơi bổn đạo tựu ở, có sáu năm thì tiêu mất hiệu làng.

Bấy giờ có ông cả Đẩu hiệp đồng với ông Bốn mà lập làng cho xong, rồi đặt tên là Làng Phước-toàn, lối đầu đời vua Thiệu trị, năm 1840. Đến sau đổi tiếng Phước-toàn mà đặt lại là Làng Phước-hãi cho tới năm 1819, lúc Phước-hãi, Long-thới giáp ranh sáp lại một làng thì đặt tên là làng Phước-thới cho tới bây giờ.

Vốn tiếng Phước-toàn là gồm trọn phước lộc, thì vua chẳng chút ưng chịu cho Làng, nói có một Ngôi Thiên Tử đặng toàn phước mà thôi, nên phải đổi hiệu làng, đặt lại Phước-hãi là vậy đó. Lại nữa vua dạy làng phải thỉnh “Sắc thần” và lập một đình kính trọng thần ấy. Cái đình nầy đã cất tại chỗ nhà bà câu Mỷ ở bây giờ, song bỡi bổn đạo bỏ phế chẳng lo tu bổ, nên chẳng có bao lâu cái đình hư mất. Còn sắc thần cất tại nhà ông chủ Tứ, rủi bị ngọn lửa cháy cũng đã hóa ra tro.

Vốn làng nầy khi đó có người bổn đạo ở mà thôi và có ông cả Đẩu làm đầu thì đặng thạnh mậu và bền vững trong 30 năm, lúc cấm đạo Thiên Chúa.

Mà họ Bãi-xan lúc đó có nhà thờ, có thầy cả đến giúp họ hay chăng?. Dầu mấy người đang sống bây giờ chẳng ai nhớ rõ, song quả thật là có các thầy Dòng ông thánh Phanxicô ở Cái-nhum biết tỏ tại họ Bãi-san có 600 bổn đạo, vì nhiều họ có giao lân gả cưới với nhau cùng lại dời sang chỗ ở nữa. Và lối năm 1815, có Cố Phan, người Dòng ông thánh Phanxicô ở Cái-nhum có đến giúp họ Bãi-xan nầy.

Lại nữa, cha Phaolồ là em cả Đẩu có năng về Bãi-san thăm bà con, thì luôn dịp cũng chỉ biểu cho anh mình đem lòng yêu chuộng trắn triếu các cha hội Giảng đạo ngoại quốc.

Lối năm 1827 cũng có Cố Chính (R. P. Gagelin) và Cố Phương (R. P. Odorico) có đến viếng họ Bãi-xan nầy nữa.

---------------------

II.- Truyện xảy ra trong Họ.

Sổ các cha đã giúp họ Bãi xan.

Cha Điền. Trong số các thầy cả bốn quấc cùng Hội Dòng Sai lại Bãi xan đây mà giúp họ, thì có cha Điền là người thứ nhứt có cất nhà ở lâu. Có kẻ nói cha ấy thuộc về Dòng ông thánh Phanxicô, song chẳng có chắc mấy, lại cũng chẳng ai rõ người đến Bãi xan là khi nào, mà chắc một đều là cha Điền đến ở Bãi xan trước cơn bắt đạo dữ dằn Minh mạng hoành hành năm 1832. Có lẽ lời nói đây là chắc, vì trước cơn bắt đạo, tại Bãi xan đây có một nhà thờ cha nầy cất, rồi tới lúc bắt đạo phải phá tiêu năm 1833. Nhà thờ nầy cất cao cẳng giống nhà người thổ, cất tại chỗ vựa lúa Bãi xan bây giờ. Các bổn đạo lớn nhỏ đã chung lo cất nhà thờ ấy tùy phận sự mỗi người. Còn muốn cho ghe dễ tới lui và nhứt là cho có nước uống thấu đến nhà cha, thì họ đào thêm rạch Giồng tượng vô thấu con giồng chừng 400 thước nữa. Những người có dư như ông Điểu, ông hương Nhu, ông Trùm Tường thì nuôi ăn cho bọn làm đất. .

Lúc cất nhà thờ vừa rồi, liền đem sang đồ thờ bên ông Trùm Tường về nhà mới là: mấy cái bàn thờ, màn trướng, áo lễ và ảnh chuộc tội cùng một ít món khác nữa. Mấy đồ thờ kể đó, có một phần là của cha Phaolồ, lúc cha ở họ Cái đôi (thuộc về tĩnh Long-xuyên) đau liệt gần chết, thì cha trối cho cháu mình là Trùm Tường đặng dùng tại nhà thờ họ Bãi xan, Lúc đó ông đã qua đời, thì ông Lại-đồng-Tự kế tiếp. Ông nầy làm chức ông cả lại làm Trùm họ, mà bỡi ông có công khó nhiều, nên Bề trên cho người làm trùm Phủ. Bổn đạo lúc đó chẳng những lo cho có nhà thờ, mà lại cũng lo cho nhà thờ có huê lợi..

Đây còn ba tờ dưng cúng đất. Tờ thứ nhứt chép rằng: “Chúng tôi ký tên sau đây bằng lòng dưng cúng cho Thánh Đường một miếng đất 72 tầm và một miếng nữa 40 tầm, là phần gia tài của thị Đài là gái ở vậy và chết không có cháu con, miễn xin cầu  nguyện cho 10 linh hồn thì đủ!

Ký tên}Trùm Tường. Danh Luận. Thị Mỷ. Thị Nhi.

Chứng Làng}        Xã đương niên: Huyên.

                             Xã cựu : Tư.

Từ thứ hai thì rằng: “Chúng tôi đồng ký tên dưng cho Thánh Đường: một miếng Giồng 50 tầm (chỗ nhà thờ bây giờ) và một miếng Giồng nữa 4 công (chỗ đất thánh bây giờ) cùng của thị Đài nói tên trong tờ trước. Xin cha coi sóc họ mỗi năm làm hai lễ Misa trong 10 năm thì đủ số.”

 Ký tên}Trùm Tường. Danh Luận. Thị Mỷ. Thị Nhi.

Chứng Làng}        Xã đương niên: Huyên.

                             Xã cựu : Tư.

Đề ngày mồng 7 tháng 2 Annam, năm 1832. Minh mạng Thập tam niên.

Tờ thứ ba truyền lại rằng: “Chúng tôi đồng ký tên dưng cho Thánh Đường 10 mẫu đất ruộng của thị Loan là bà chúng tôi đã chết, đặng lấy huê lợi làm việc phước đức.”

Ký tên}Toán .Thi. Nên. Hiệp. Danh. Cơ

Chứng Làng}        Xã đương niên: Huyên.

                             Xã cựu : Tư.

Đề ngày 13 tháng 10 Annam, Minh Mạng thập tam niên,

Lo việc thờ phượng Chúa vừa yên trong họ, kế có chiếu chỉ đầu hết cơn bắt đạo cả thể, nhằm mồng 6 Janvier 1833, rồi có lính Huyện Vũng liêm sai đến triệt hạ Thánh đường Bãi xan. Đang lúc phá nhà thờ, có một tên lính tình cờ bị vít thì nó cứ chưởi miết mà nói rằng: “Datô có phép linh thật, nên việc nầy chẳng dễ gì đâu”. Đến khi lính phá xong đi mất thì bổn đạo lật đật chôn cột nhà thờ dưới ao một bên đó, có ý để sau cất nhà thờ lại, song khỏi 30 năm cơn bắt đạo, lúc cha Hiển vào đến Bãi xan, thì bỗn đạo dở cột đem lên, mà cây mục hết trơn chẳng dùng được việc gì nữa.

Còn cố Du (R. P. Marchand) có đi đến viếng họ Bãi xan trong năm 1830 và có ở ít ngày với cha Điền. Đến năm 1834, cha nầy trốn cơn bắt đạo và ở Cái nhum chẳng yên mấy thì đến trốn ẩn tại Bãi xan, rồi lần lần đi xuống Giồng rùm, Thâu râu, Rạch rập.

Một ngày nọ, đang lúc lính tìm bắt cố Du thì chúng nó gặp cha Điền. Mà bỡi chẳng kiếm được miếng ngon hơn thì miếng thường nó cũng ních. Nó liền trói quách cha lại mà hỏi cho biết cố Du trốn đâu thì cha Điền đáp lại câu nầy: “Các người kiếm ông cha, mà cha đó là tôi đây.” Người có ý nói vậy cho quan cai hết lo tìm cố Du thì cố có giờ mà trốn cho kín. Quan thấy cha Điền nói trớ trinh vậy thì giận mà rằng: “Mà chẳng phải là ta kiếm chú, ta một kiếm thầy đạo Tây mà thôi.” Cha Điền nghe vậy chẳng có rối trí, tức thì cãi lại mà quả quyết mình cũng là thầy đạo người tây thật.

Bỡi vậy, phải mà bổn đạo chẳng có lật đật chung nhau góp tiền khá mà lo cho quan thả cha Điền, thì cha cũng chẳng yên đặng lúc ấy. Còn cha Phêrô Phanxicô Xavie Thán, trước đã bị đày tại Long-xuyên, đến lúc xử trảm Á thánh Lái Gẫm ở hiện diện đó, cũng có tới ở Bãi xan với cha Điền một ít lâu, vì có lãnh đến cầm đầu rửa tội cho ông Hương sư Tám sanh năm 1834.

Vốn cha Điền trước khi đến Bãi xan thì người làm việc trong họ Đất đỏ, ngày nọ người qua Lái thiêu viếng Đức cha ở đó thì người gặp hai người học Latinh, mà thầy Hạp một mình ở tại Búng giúp cha Giáo, Đức cha (Monseigneur Taberd) muốn thử hai người coi tánh ý thế nào, thì giao cả hai cho cha Điền và khiến đem thẳng về Bãi xan. Lúc ấy thầy Hạp đã đặng 30 tuổi và đã chịu bốn chức nhỏ rồi, còn người kia tên Châu, 20 tuổi, quê ở Đất đỏ và chưa có chịu chức nào..

Khi cả hai vào đến Bãi xan thì thầy Hạp làm thầy dạy con nít, còn chú Châu lo việc làm từ, kêu là Từ Chua. Song le hai người Latinh nầy, hoặc bỡi chẳng ưa làm thầy cả, hoặc bỡi bị cơn khốn khó mà phát sợ, nên chẳng có bền. Cả hai bèn cưới vợ ở Bãi xan và lập nên gia thất đông đắn. Từ Chua có một con gái đi tu nhà phước Cái mơng. Mà hai người Latinh nầy hằng ngày ở trung tín với cha Điền lắm và lo lắng mọi việc cho cha cho đến khi người qua đời, năm 1840.

Vậy cha Điền đã ở Bãi xan gần mười lăm năm trọn, đến cơn bắt đạo phá rối, cha ở trong nhà chẳng yên, cha liền vào nhà các chức lớn mà trốn ẩn, là nhà Hương Nhu và ông Trùm Tường con ông cả Đẩu.

Còn ông Trùm Tự, khi đã già cả và yếu đuối mệt nhọc thì về ẩn dật tại Cái mơng với mấy con gái người gả trển.

Đến lúc Ngụy Khôi thất trận và ngoài trào nghi cho bổn đạo theo phe nó, thì số bổn đạo phải bỏ Bải xan cũng nhiều mà lo liệu lánh ẩn: kẻ thì đến ở họ khác, người thì rải rát chung ở với kẻ ngoại.

Lúc ấy cha thầy làm lễ trong nhà riêng bổn đạo, ngoài đàng thì có kẻ canh gác ra vào các nẻo, mà hễ trong nhà nghe ra dấu chi nghi hoặc, thì lật đật góp đồ thờ vô trong rương đem chôn liền xuống đất. Khi cha Điền đã cao niên lớn tuổi và bị bịnh suyễn không thuyên, thì đã qua đời tại Bãi xan, bổn đạo táng xác người nơi đất thánh họ.

Lối năm 1887, cha sở Báu (R. P. Leprince) muốn lấy cốt cha Điền đem trong nhà thờ, thì đã hỏi mấy ông già cả cho biết chổ mồ mả người ở đâu, thì có ông Tham Trị tuổi đã quá tám mươi chỉ chỗ đã táng người. Song khi đào lên thì xác cha chẳng còn chút gì sót lại, gặp được có một Ảnh chuộc tội người ta nói là của cha Điền, nên mới biết đào thiệt trúng chỗ đã táng xác cha.

Vậy đã góp hết đất đồ chổ mả ấy, rồi lấy một cái hòm nhỏ bỏ vô làm một cùng hài cốt cố chính Hòa (R P. Borelle) và của cha Hiển mà đem chôn trong nhà thờ, thuở ấy ở gần mé sông cái.

2. Cha Gioang Thiềng.

Từ năm 1840 tới năm 1846. Trước khi cha nầy lãnh coi sóc họ Bãi xan thì người ở Cái nhum lo coi một nhà in nhỏ. Tại Bãi xan, cha thường ngày ở ẩn trong nhà ông Trùm Tường đương niên làm Hương cả trong làng. Khi có ai đến rước cha đi làm phước kẻ liệt, thì người hay mặc áo dân làm mướn mà đi, trên vai thì vác cái cần câu, rồi đến bàu vùng nào cũng ghé, cho kẻ qua lại thấy tưởng là người đi câu. Lúc nào rảnh việc thì cha làm lặt vặt ngoài vườn. Người ta còn nhớ cha Thiềng mỗi tuần làm lễ có ngày Chúa nhựt mà thôi, vì người có ý phạt mình đã ở rộng rãi quá mà giải tội cho một người cho vay ăn lời tỏ tường trong họ.

Đang lúc cha nầy lo giúp Bãi xan, thì có tên Thiềng, Bích, Hào và Đương, là con cháu ông Khả, đã dưng cho Thánh Đường một sở ruộng 12 mẫu, là phần gia tài Trần thị Hội chết không con. Đến sau, lúc Langsa qua lấy Nam kỳ, thì các quan Annam bắt cha nầy và lên án tử tại Mỹtho, song bỡi cha già cả, 88 tuổi, nên các quan đổi án tử mà xử đày chung thân tại Bà rịa, ở đó cha phải mang gông cực khổ và đã chết năm 1861.

3. Cha Lôrensô Lân.

Cha nầy ở Mặc bắc mà đến Bãi xan lúc ban đầu đời vua Tự Đức, thấy có chiếu chỉ Đức vua mới tha đạo, thì người tưởng làm sao cũng đặng đem kẻ ngã lòng cùng người có đạo ở giữa kẻ ngoại về cùng Hội thánh. Vậy khi đã giải tội lỗi kẻ ấy rồi, thì tập họ năng tới lui chịu các phép Bí tích. Song rất nên vô phước; vì cách ít tháng sau khởi cơn bắt đạo lại cách dữ dằn hơn ban đầu mới khởi sự.

Mà cho đặng giúp đỡ người thì có thầy Hiển đã chịu chức thánh rồi và ông trùm Tường là ông nội cha Cường cũng là cháu cha Phaolồ nữa. Ông Trùm Tường chẳng những nuôi chứa cha Lân mà lại làm việc bổn phận ông Trùm sốt sắng lắm: Hễ tối lại thì người đi thăm mỗi nhà coi có đọc kinh chung với nhau chăng, mà thường phải đọc kinh thầm nhỏ tiếng vì sợ kẻ ngoại hay ắt là sanh chuyện! Sự ông nầy cần chuyên lo hơn, là ngăn trở kẻ ngoại chẳng cho lại họ Bãi xan, kẻo sanh chia lòng trí bổn đạo mà chẳng còn đặng bằng an trọn hảo.

Chính mình ông Trùm đã dưng cúng đất ruộng cho nhà thờ và hễ có dịp thì người khuyên mời trong bổn đạo phải có người ở cho đại độ mà giúp việc thờ phượng Chúa nữa. Bỡi đó trong năm 1847, Thiệu Trị thất niên, ngày mồng 2 tháng năm Annam, có tên: Trường, Thắng, Hiếu, Quí và Bổn là con ông Của đã làm tờ dưng 3 mẫu ruộng cho Thánh đường làm của.

Sau hết, đến giờ Chúa định thì ông Trùm Tường đã chết trong năm 1854.

4. Cha Á thánh Philipphê Minh năm 1850.

Vốn Đức cha Đôminicô (Monseigneur Lefèbvre) phải ép mình trốn ẩn trong mấy tĩnh trên, thì để cho cố chính Hòa (R.P. Borelle) coi sóc các cha trong mấy tính dưới. Người ở tại Cái nhum mà lo tập tành con trẻ đặng gởi về trường Latinh ở Pinăng. Còn cha Minh thì lãnh lịnh đi ban phép Thêm sức các nơi. Người tới Bãi xan thì trốn ẩn trong nhà ông câu Tị và nhà ông thầy Thanh ở Rẫy trên, Cha nầy ở Bãi xan giúp họ 1ối chừng đặng 3 năm mà thôi. Hồi đó có ông cả Huyên coi sóc thì bổn đạo cất một nhà thờ nhỏ lợp lá, ở gần nhà bà Xuyên: bỡi bà nầy muốn cho thiên hạ đừng biết nhà đó là nhà thờ thì bà để tằm ở đó, song chỗ nhà nầy là nơi cha Minh thường làm lễ Misa. Có cha Bình là học trò cha Minh còn nhớ thường có giúp lễ cho cha tại đó. Họ thuật lại, nói cha Minh hễ lúc nào có giờ rảnh thì người hay đi đánh chim cu đặng nghỉ chơi cho khuây lãng. Khi Bề trên sai cha Minh xuống Mặc bắc mà thế cho cha Lựu và bị quan bắt tại nhà ông Trùm, thì 12 người nhà phước Annam nhờ trời tối mà trốn đặng, thì hết thảy chạy về Bãi xan. Ban đầu họ ẩn mình trong nhà ông Nhu, rồi sau qua nhà ông Huê, ở một ít năm. Trong các người nhà phước ấy thì có người con gái của cả Huyên tên là Bà Hạt.

5. Cha Phêrô Tuyết. Năm 1854.

Đang lúc nầy là thì khốn khó tới một ngày một thêm. Bỡi cha Minh bị bắt, tại nhà ông Trùm Lựu thì làm cho quới chức các họ phải run sợ cho mình.

Ai ai cũng biết rằng: Hễ mình lo giấu ẩn các cha thì là liều mình chết, nhứt thiết là các chức lớn thì họ xem xét hơn mấy người khác. Bỡi đó các cha phải đổi nhà luôn luôn. Ban đầu cha Tuyết trốn tại nhà ông chủ Cư, sau qua ở nhà ông Lại-đồng-Văn. Ở đó cha lo dọn con nít rước lễ Bao đồng và cho bổn dạo chịu các phép Bí tích. Trong năm 1854, có bà Tô-thị-Thọ làm từ dưng cho Thánh Đường một số ruộng hơn 20 mẫu, là phần của em bà là ông Cai thôn Lý chết chẳng có cháu con, còn bà vợ là Nguyễn thị Sữ có chồng khác. Qua năm 1855, các bà con bà Mỷ là bà ngoại cha Quờn còn dưng cho Thánh Đường 5 mẫu ruộng nữa và một chỗ đất Giồng làm đất thánh họ Bãi xan nên lớn rộng..

Qua tháng Juillet năm 1860, nhằm hồi bắt đạo đáng sợ hãi hơn hết, đang lúc cố chính Hòa cấm phòng cho các cha Annam là: cha Tuyết, cha Nhơn và cha Hiển trong nhà ông Mùa, bà Keo, thình lình cố chính xán bịnh nặng, thầy thuốc Annam kêu rằng: Bịnh trái. Xán bịnh cách ít ngày, cố Hòa đã chịu các phép Bí tích sau hết và đã chết tại nhà nầy. Vậy cho đặng khỏi kẻ ngoại thấy thì ban đêm lén sai họ đi mua hòm, song bỡi chẳng toan tính trước, nên mua cái hòm vắn quá chẳng vừa. Bỡi vậy thầy Thoại phải lựa trong nhà một bộ ván tốt bằng gõ đặng đóng hòm mà táng xác cố Borelle. Chôn xác cũng chôn ban đêm trong vườn hai ông bà ấy, lại muốn cho khỏi tay dân tọc mạch, thì hai ông bà trồng trên mả một đám rau răm và một lảnh gừng cho khuất.

Cách hai mươi lăm năm sau, cha sở Báu (R. P. Leprince) lấy hài cốt cố chính Hòa mà đem về trong nhà thờ gần mé sông cái. Bằng về cây gậy vàng trong mấy món đồ của cố Borelle, thì chắc ban đêm ăn trộm đã lén lấy mất chẳng còn.

(…)

1. Họ Long hòa.

Làng Long hòa nầy ở gần mé rạch Láng thé có một ít nhà có đạo về rải rác ở đây. Thấy vậy, cha mua một miếng đất, rồi cất một nhà thờ lá, song bị chúng oán mà đốt đi, đoạn cha nầy lập lại. Sau nhờ có biện Thinh chí tình giúp đỡ, thì cha đã gom đặng một ít nhà có đạo và có ít nhà ngoại trở lại ở họ nhỏ nầy, trong mấy nhà ấy có nhà Văn công Nhưng cũng xin trở lại, cho nên chẳng khỏi hai năm thì cha Lại rửa tội đặng hai chục chầu nhưng trong họ.

2. Họ Long thuận

Làng nầy cũng là một làng nằm trong ngọn nhánh rạch Láng thé. Trong các gia thất mới trở lại đạo ở đó, thì có gia thất ông Tham Sung là đáng hơn hết. Ông nầy đã bán một miếng đất ruộng hơn 30 mẫu đặng lập họ, Cha Nghi (R. P. Martin) ra tiền mua chỗ đất đó, rồi dưng lại làm của nuôi học trò trường Latinh.

3. Họ Đức mỷ

Ở phía tây làng nầy có miếng đất rộng chưa khai phá, thiên hạ giành nhau mà khẩn cho đặng nhờ ngày sau. Cha Lân thấy bổn đạo thiếu đất mần, nên đốc Biện Tây xin khấn đất ấy. Mà rủi thay! Biện Tây bị kẻ ngoại ganh gỗ kiện thưa, lại thêm thất nữa không có huê lợi. Mấy người chầu nhưng mới, nó vay lúa ăn mần rồi chẳng trả đặng cho Biện Tây một hột, nên ông Biện phải buông đất nầy đi. Dẫu vậy cái nhà thờ đã cất cho bổn đạo mới cũng còn lại tại chỗ, và dầu họ đã đi bớt, song cũng còn một ít chầu nhưng đủ mà làm cho họ Đức mỷ còn bền lại.

4. Họ Đức Hòa.

Làng nầy là làng ngoại ở trong rạch Cái hóp cũng ở miệt phía Nam chợ Vũng liêm.

Nguyên có một người ngoại tên Thiết nghe tiếng cha sở Lân và bỡi quyết xin cha giúp mình đặng chống kình cùng một người ngoại khác, nên đến xin cha binh vực nó, cha nghe ngó thì biểu nó phải tính cùng một ít gia quyến mà theo đạo thì cha bảo bọc binh vực cho, mà thật quả đã có y như vậy. Ngày nay họ Đức hòa thật là sung lắm, phần xác bổn đạo làm đủ ăn, phần hồn cũng lo sốt sắng hơn mấy họ nhỏ khác trong sở Bãi xan.

5. Họ Càng-long.

Chỗ nầy là một miếng giồng rộng minh mông cùng đông nhơn số lắm.

Lúc ấy cha Lân cũng làm hết sức và có xin Thầy Quận đến giúp người, song dẫu có lòng tốt bao nhiêu, cũng chẳng làm cho đạo thánh châm gốc rễ nơi Càng long đặng. Dầu vậy, cha Lân bỡi muốn làm cho Càng long được ít chủ theo đạo, thì cũng lấy bạc của cha Nghi (R. P. Martin) mà mua đặng 62 mẫu ruộng, sau cũng để cho trường Latinh.

Thật cha Lân tính phương thế rất trúng là biểu người ta mua ruộng hoặc chính mình cha cũng mua mà cho bổn đạo mới ở, vì chúng nó đã nghèo, lại bị kẻ ngoại gièm chê ganh gỗ, bỡi vậy, nếu cha chẳng giúp đỡ, thì nó biết nhờ ai mà làm ăn cùng giữ đạo cho đặng..

Trong mấy thầy trường Latinh cha Lân xin đến dạy các họ nhỏ Bãi xan lúc mới lập thì kể tên được: Thầy Đặng, thầy Ngọc, thầy My, thầy Đa, thầy Hào, thầy Xứ, thầy Cơ và thầy Qui.

Mà việc thứ nhứt cha Lân quyết lo, là việc cai trị họ Bãi xan. Khi cha về họ một ít năm, thì dân rượu chè, cờ bạc; dân kiện thưa, trộm cướp cũng đều phải sửa mình bằng không thì phải cất gánh đi chỗ khác.

Làm cho được việc thật là sự khó nhọc lắm, song bỡi cha Lân biết khôn ngoan chế độ thì đã sửa Bãi xan bình an vẹn toàn.

Bằng về việc sửa sang nhà cữa thì có nhiều điều đáng cha lo: Trước hết, nhà thờ đã nhỏ quá và cũng là gần hư. Nhà cha sở thì ở không đặng nữa, vì cận mé sông cái, một mai phải lở xuống sông. .

Bỡi vậy cha tính phải dời sang nơi khác mà kẻ tính được, người tính không. Sau hết cha lấy trí khôn ngoan mà nhứt định bỏ mé sông lớn mà dời nhà thờ về trong giồng, nơi đất chi ông Cả Tường dưng là chỗ: trước cơn bắt đạo, đã cất cái nhà thờ đầu hết, năm 1830.

Vậy người lấy trí biện luận mà kiếm số tiền cần dùng, đặng cất một nhà thờ lớn chừng 10 ngàn đồng. Cha tiện tặn thâu góp cùng tìm mọi cách thế cho có số tiền, đến đỗi chưa đầy ba năm mà lập nhà thờ đã xong xuôi hết. Đến năm 1896, có Đức cha Để (Mgr. Dépierre) đến làm phép nhà thờ mới nầy, chọn lấy Bổn Mạng là: “ Thánh Thất Hội”,— Cha Lân dùng cây thau lau mà làm gần hết cái nhà thờ, lúc ấy chẳng ai ngờ là thứ cây tốt, mà thật là cây quí, vì mối chẳng ăn thau lau, nên nhà thờ bền lâu đặng.

Đến năm 1899, cha mua ba cái chuông treo lên trên tháp nhà thờ, làm cho rỡ ràng trong họ thêm nữa.

Làm nhà thờ xong xả, cha liền lo cất nhà cha. Người lấy cây đồ nhà thờ cũ bỏ ra, mà đã làm đặng một cái nhà lớn khoản khoát, tốn hết 3 ngàn đồng.

Cha cũng dùng cây vựa lúa cũ mà làm một cái nhà cho các dì phước Cái mơng ở, đặng cứ dạy nhi nữ trong họ như đã làm nhiều năm trước.

Còn việc Hài đồng lúc ấy cũng phấn chấn, vì có một năm họ bị trái giống dữ dằn. Nhiều đứa con nít kẻ ngoại nên trái giống thì họ bỏ, cha liền cho người ta lo đem về thuốc men cứu nó, rồi phú cho các nhà có đạo nuôi. Về việc bờ cõi trong họ thì có Nhà nước cho cha công xâu, nên cha đắp bờ bao từ phía ruộng, trước là cho thuận tiện mùa màng, sau cho bổn đạo dễ di đọc kinh xem lễ cùng cho con trẻ đi học, lại cho các cha đi kẻ liệt khỏi lội bùn trơn trợt lấm láp như bấy lâu nay.

Đây nhắc riêng về ông trùm Phạm cử Não, dẫu ông chưa lớn tuổi, mà làm chức Hương cả trong làng và làm Trùm nhứt trong họ.

Vã, nếu cha Lân đã đặng sửa sang cách ăn thói ở và nhà cữa, bờ cõi trong họ Bãi xan đàng hoàn như vậy, thì nói đặng: Ông Trùm Não đã có thông phần phân nửa việc của cha. Hẳn thật cha thì biểu bày, sắp đặt, chỉ về, còn sự tẻ mẽ thi hành cho thành công việc thì thiệt là phần ông Trùm lo. Cha Lân có để một lời rất quí về ông trùm Não mà rằng: “Ông trùm là người bằng an”. Mà thật rõ ràng ông trùm có vậy: hễ khi nào ông thấy có hai người bất thuận nhau, thì ban đêm ông lén đến riêng với hai người mà khuyên giải hòa yêu nhau lại. Hoặc cha sở có quở trách ai thì ông trùm lại riêng với người ấy mà cắt nghĩa cho nó hiểu, đặng nó bằng lòng vưng phục đấng bề trên.

Trong 10 năm cha Lân coi họ Bãi xan, thì cha có cho con trẻ đi trường Latinh nhiều, còn nhi nữ cha cho đi nhà phước cùng chẳng thiếu chi, nhứt là đi tu nhà phước trắng.

Cha Lân đang lo lắng làm việc trong họ, tình cờ người xán bịnh làm cho người cực chẳng đã phải trở về Tây mà cầu thầy uống thuốc, nhằm tháng Novembre, năm 1901.

13. Cha Ba (R. P. Bar) năm 1901.

Cha Lân thọ bịnh thì cha Ba đến ở Bãi xan. Cha nầy thấy cha Lân đang lo mần mấy cái nhà cần dùng mà chưa xong chưa đủ thì người làm cho rồi. Vậy cha Ba lo cất hai nhà trường tốt, một cái dạy trò nam, cái kia đã làm trường nữ. Người lo cho con nít giữ phận năng tới trường và sửa đương cách thầy giáo dạy học, nhứt là trong hai năm, lúc cha Trang (R. P. Tranier) làm cha phó Bãi xan, thì trong Địa phận có hai trường Bãi xan đây trổi hơn mấy trường khác. Bằng việc sắp đặt về phần thiêng liêng thì cha cần chuyên cho bổn đạo nên sốt sắng, nhứt là việc rước lễ ngày thứ sáu đầu tháng thì họ Bãi xan giữ hẳn hòi.

Cha sốt sắng xem coi cùng mở mang các họ nhỏ trong sở, nhứt là họ Đức hòa và Đức mỷ có bổn đạo sung, đến đỗi cha xin đặng Đức cha cho cha Thông ở luôn tại Đức mỷ.

Lúc ấy cha quyết chí lập một họ mới tại Phú phong, trong đất Thị Hoén dưng cho nhà thờ, song tình cờ cha phát bịnh nặng, làm cha phải bằng lòng ép mình về Tây, theo lý đoán quan thầy buộc cha như vậy. Thật ai hiểu cho thấu cha chịu khó thế nào mà ngăn ngừa việc cờ bạc trong họ: Hễ cha nghe chỗ nào có đám cờ bạc thì cha âu lo áy náy, ngày đêm chẳng nghỉ, một làm thế nào cho tan đám ấy mới thôi.

Việc bổn đạo mần ăn, cha tận tình lo lắng lắm: Kẻ nào chẳng có ruộng mần thì cha cho mần đất nhà chung mà cũng còn nhiều người thiếu đất. Bỡi vậy, cha đã lo giúp nhiều gia thất mua ruộng của kẻ ngoại mấy làng lân cận bán.

Mà dầu cha lo lắng thế nào cũng còn thiếu đất, vì bổn đạo ở chật cả họ,

Bỡi đó, có nhiều gia thất phải dời sang nơi khác, trong các họ địa phận Nam vang là: Bãi giá, Trà lồng, Trà cú, Rừng cấm mà kiếm thế mần ăn.

Đến năm 1907, khi ông Trùm Não qua đời rồi, thì cha Ba đặt ông Trùm Gioang là em ruột cho Cường lên làm Trùm nhứt trong họ.

(Chung)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1927

 

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

Sơ lược Hạnh tích Cha Tôma Nguyễn Vi Sâm

SƠ LƯỢC HẠNH TÍCH CHA THOMAS NGUYỄN VI SÂM

Linh mục Bổn quốc

Sinh ra năm Chúa giáng sanh 1850,

Chịu chức thầy cả ngày 29 Mai 1880,

Qua đời ngày 18 Juillet 1929

--------------------

Cha Thomas Nguyễn-vi-Sâm sinh ra năm Chúa giáng sanh 1880, (Canh tuất) tại họ Cái nhum, (Chợ-lách). Cha người tên là Gioan Baotixita Nguyễn Vị, mẹ là Maria Quế, cả hai là người đạo đức sốt sắng, làm bổn đạo thường. Ông bà sanh ra đặng ba người con trai mà thôi, là: Thomas Sâm, J. B. Linh và Giuse Thất; em út người chết sớm, thuở còn học trường thầy dòng d'Adran.

Thomas vô phước, vì phải mồ côi cha mẹ sớm lắm, lúc tân trào vừa xuống trấn tĩnh Vĩnh-long, thì trong làng dộn dực quá, nên ông bà phải đem con lên tĩnh mà trú tạm ít lâu, kế mẹ người lâm bịnh nặng mà qua đời tại Vĩnh-long.

Đến sau cuộc loạn lạc đã yên tịnh, thì ông già người cũng lo đem con mình trở lại quán cũ, về xứ sở ở chưa được bao lâu, kế thân phụ người lâm bịnh mà qua đời nữa. Nên đầu đuôi chỉ còn lại anh em thơ ấu mà thôi. Dẫu vậy mà Chúa còn thương che chở, là cho hai anh em còn lại một Dì ruột tên là Maria Liễu, bà nầy là bạn của Đấng đáng kính Phêrô Dinh tử đạo, cùng là mẹ của Maria Long ở nhà kín Saigon (Seur St Pierre).

Lại Thomas nầy còn một người chú bà con ở Thủ-thiêm, làm chứng chắc và dẫn tông tích như vầy:

Gốc ông nội của Thomas ở Nghệ-An, ông nầy sinh 13 người con, không rõ mấy trai mấy gái, mà nói chắc rằng: “Có 3 người làm thầy cả về Địa phận Nghệ-an, còn ông già của Thomas thì vô Nam-kỳ mà mua bán làm ăn và lo đôi bạn trong nầy.”

Đến sau Bà Maria Liễu là dì ruột của Thomas, thấy bà con chạy giặc tán lạc hết, nên dì phải đem con và cháu dấu yêu mình lên trú tạm tại Chợ-quán, vì Thomas còn 2, 3 dì ruột có đôi bạn ở đó.

Lên ở Chợ-quán ít lâu, thì nhằm dịp bao đồng, nên Thomas và người chị bạn dì người, là Maria Long, cả hai lo việc xưng tội bao đồng, đoạn chị Long bỡi ơn Chúa kêu gọi, bèn xin Đức cha mà vào nhà kín, khi ấy Maria Long nên 16 tuổi. Còn Thomas thì theo các cha ở Thị-nghè để lo dọn mình chịu phép Thêm sức.

Rủ nhau đi tu hết, còn lại hai dì cháu mà thôi, mới dìu dắc trở về Cái nhum, em của Thomas là J. B. Linh, đi làm thuê làm mướn mà nuôi dì cho đến chết và lo chôn cất tại Cái nhum.

Thomas chịu phép Thêm sức đoạn, nhờ ơn Chúa Thánh Thần chỉ dẫn, thì xin Đức cha mà đi học Latinh. Nhơn dịp ghe bàu chở đồ nhà chung qua Phố mới, nên Đức cha đã gởi 8 trò đi một lượt, là trò Lý, Sâm và Gia, qua trường Latinh tại Pinăng mà học hành.

Khi Thomas học hết lớp cách vật tại trường Pinăng đoạn, bề trên dạy người trở về địa phận mình, là thánh trường bây giờ tại Saigon, mà học Lý đoán, hầu dọn mình chịu chức thầy cả.

Vậy Thomas khởi công đọc sách đoán, cùng chịu 2 chức dưới: Lúc Thomas làm thầy hai, thì bề trên sai Thomas đi dạy tại Bà-rịa, người có dạy 1 lớp bao đồng đông lắm, mà trong lớp bao đồng nầy, có một người nhờ ơn Thầy Thomas dạy dỗ kỷ cang, mà chịu lễ vở lòng nên, rày đặng ơn Chúa kêu gọi làm thầy cả, cha nầy hãy còn sức khỏe cho đến bây giờ, đang ở Cầu bông (Gia-định). Thầy Thomas dạy tại Bà-rịa là năm 1873, - đời cha de Noioberne làm cha sở.

Đoạn kế thầy Thomas trở về nhà trường học lo dọn mình chịu chức 3, chức 4, thì bề trên kêu người dạy lớp sách mẹo, (Professeur) tại thánh trường, những học trò khi thầy Thomas dạy lớp, thì còn một mình cha Đặng làm thầy cả.

Đang lúc tháng nghỉ, thầy Thomas cũng về Cái nhum một đôi khi mà thăm quê quán, mà nhứt là thăm dì và thăm em mình ở tại dó.

Khi bề trên đã thử thầy Thomas xong đoạn, thì kêu dọn mình chịu chức thứ năm, lúc ấy cha Sanh (Père Colson) ở tại họ Cái nhum, đã rao Thomas 3 lần trong nhà thờ theo luật Hội thánh.

Chịu chức xong đoạn, thì bề trên sai thầy Thomas đi dạy Tây-ninh, đang lúc người đi dạy làm vậy, thì người ăn ở cần kiệm nhín nhúc, tích thiểu thành đa, để mà giúp đỡ em mình mồ côi, hầu lo việc đôi bạn, vừa lo đôi bạn xong thì thôi, dặn biểu em làm ăn cho tử tế vì người không giúp nữa, một giúp sức thiêng liêng là đọc kinh cầu nguyện mà thôi.

Mà Chúa đã phù hộ em của Thomas cách lạ, sanh đặng mười đứa con, 7 trai 3 gái, và cần kiệm nên đủ ăn đủ mặc, tuy cô thế, mà bỡi có trí và nhờ ơn Chúa phù hộ thì lập thân nên, lo lập vườn tược chí thú lắm; nên gương cho kẻ mồ côi noi đòi bắt chước.

Đến tháng Mars năm 1880 thì bề trên kêu thầy sáu Thomas lo dọn mình chịu chức thầy cả, rồi cũng trở về Cái nhum mà Vinh qui bái tổ, song làm cách đơn sơ lắm, tùy theo phận khó khăn hèn hạ, mồ côi cô độc.

I.Người đã lãnh quờn linh mục bỡi tay Đức cha Mỹ (Mgr. Colombert.) đoạn Đức cha sai cha Thomas xuống Mặc-bắc, mà giúp cha Delpech làm cha sở Mặc-bắc khi ấy.

II.Ở Mặc-bắc 2 năm, thì kế lịnh Đức cha dời cha Thomas lên trấn họ Cái-bè 2 năm, lúc ấy quan Tổng Đốc Lộc còn sanh tiền.

III. Cha Thomas coi họ Cái-bè 2 năm, kế Đức cha đổi người xuống Giồng giá, giúp cha Sidot coi họ Cái bông, rồi kế lịnh trên rút cha Sidot, thì lại dời cha Thomas lên coi họ Cái bông thế.

VI. Cha Thomas trấn nhậm tại Cái bông lâu hơn các chỗ, coi sóc đoàn chiên Chúa ở đó trọn 12 năm. Làm nhiều việc còn dấu tích: cất nhà thờ Giồng giá, đến năm Thìn (1904) bị bão to nên sập, rày cha sở Cái bông cất lại, song cũng còn giữ dấu tích bàn thờ người đã xây và cột người sắm khi ấy. Người làm tháp nhà thờ Cái bông đặng treo chuông, bỡi vì cha Sidot cất nhà thờ vừa rồi, thì mắc đổi lên Biên hòa, nên cha Thomas Sâm kế tiếp mà xây tháp cùng cất nhà trường học, cất nhà vựa để lúa, vân vân.

Còn về của tiền, thì cha Thomas xem dường thể phi trần, coi như đồ rơm rác, không để lòng dính bén chút nào, có bao nhiêu giúp đỡ kẻ khó khăn đói rách, cho nên bổn đạo nào nghèo cực khốn nạn thì chọn người làm cha, mà lại mến đức người lắm; người có tánh hiền từ, song cũng có tính nóng nảy thật, mà mau nguội, nói được người là cha kẻ khó khăn.

Những người chầu nhưng đạo mới, thì lại càng yêu mến cha hơn, người quen nói rằng: “muốn câu được cá to cá lớn, thì phải tốn mồi.” Nên tính số chầu nhưng của cha, thì năm nào cũng chời.

Về những nhà có ăn thì người khỏi săn sóc, vì người biết có Chúa săn sóc; còn phần Thomas thì lo săn sóc con chiên nghèo nàn khốn nạn. Mấy con chiên khó khăn của cha khi ở Cái bông quen gọi cha như vầy: 1. Cha Thomas dạy dỗ, 2. Sửa phạt, 3. làm gương lành, 4. Dưỡng nuôi, còn sánh với các cha ở trước, thì các cha trước là cha, mà Thomas ở với con chiên như mẹ.

V. Cha Thomas ở họ Cái bông 12 năm, thì Đức cha đổi lần lên Cái sơn 3 năm, mà khi đổi, người phải đi thình lình, sợ nói bổn đạo biết, thì làm cực trí cho những con chiên còn non yếu.

VI. Cha Thomas ở Cái sơn ba năm, cũng chịu ghe sự khốn khó, nhứt là chịu bù mắt cả ngày thâu đêm cắn rứt, và cũng chịu nhiều sự gian nan tân khổ khác nữa..

VII. Kế lịnh Đức cha Mão (Mgr. Mossard) đổi người qua kinh Cần chông, tục kêu là kinh cha Đậu hay là kinh Long hội, ở tại kinh nầy 5 năm. Chốn nầy đồng khô cỏ cháy, ăn uống cực khổ lắm, dẫu cho có tiền cũng không biết mua chi, nên người nhín nuôi kẻ khó khăn đói rách, những người vào hạng đói rách đến xin, thì cha sẵn lòng giúp đỡ, chớ không ngã lòng, vì cha Thomas quen nói như vậy hoài mà rằng: “muốn câu được cá lớn, thì trước mình phải chịu cá nhỏ phá mồi, mai sau gặp vận sẽ được cá to. - Các cha rập một tiếng: người hãm xác mình quá lẽ, tại ăn khô hạn thì tì vị teo lại, nên yếu sức gượng lâu không nổi.

VIII. Đức cha nghe đồn thổi thấu tai, bèn dời người trở về Gò vắp ở 3 năm. Lúc cha Thomas về đây, thì trong mình yếu nhược, song người rán gượng lắm, cho đến khi hết sức thì mới chịu thôi.

Khi người còn coi họ Gò vắp, thì trúng nhằm lúc phong bực có lộc cho năm đấng tử vì đạo Annam, tuy trong mình cha Thomas ốm bịnh, hay mệt, sưng chơn, ăn uống không đặng; mà cũng rán làm Tam nhựt kinh lễ, Người xin phép Đức cha, thì Đức cha nói với cha Thomas rằng: “nếu cha mệt thì thôi, không cần”.

Cha Thomas thưa Đức cha rằng: bịnh thì mặc bịnh mà cũng phải rán, là vì họ Gò vắp có phước, đặng một đấng thánh tử vì đạo đã sinh ra tại Gò vắp, nên họ nầy cũng phải mang ơn chác ngãi đấng thánh mới thọ phong, quới danh là Phêrô Lựu, linh mục bổn quấc.

Tánh cha Thomas hồi còn trẻ làm sao, thì khi trở về già cũng vậy. Bổn đạo Gò vấp có ít, khi cha đổi về đó thì có chừng 200 người, mà là dân tứ chiếng, có một ít người gốc ở tại đó, đặng đi làm việc mấy sở ngoài Saigon mà kiếm ăn. Có nhiều người không đi xưng tội chịu lễ, cha hỏi sao vậy con? Thưa cha, con nghèo chí tử không áo mà đi lo việc riêng cho đặng, thì cha Thomas liền mua vải mà phát liền và hối may lập tức, và dạy đi lo việc riêng cho mau, bổn đạo thấy lòng cha linh hồn hay thương lo cho con chiên mình cách chí thiết, như mẹ lo cho con ruột vậy, thì cảm động mà thêm lòng kính mến Chúa, nên lúc làm Tam nhựt kinh 1ễ tại họ Gò vắp, thì bổn đạo trở lại nhiều lắm.

IX. Kế Lễ lá năm 1912, thì cha Thomas phát bịnh, rán gượng mà làm lễ vừa rồi, liền té xỉu xuống đất, nên xin Đức cha đi dưỡng bịnh tại nhà cha sở Xóm chiếu trọn 3, 4 tháng, ở đó có ý dưỡng bịnh cho khá đặng xin Đức cha cho ở họ nhỏ, rán mà giúp việc Chúa cho đến khi hết sức thì mới thôi.

X. Thoms thấy bịnh không giảm, gượng không lại, bèn tính với Đức cha mà về Chí hòa ở tại nhà dưỡng lão các cha hưu trí, cùng tính ở luôn tại đó.

XI. Đầu tháng Avril 1913, cha Thomas sanh bịnh hay mệt, thì nhà chung đã lo xây huyệt cho sẵn, để dành mà chờ ngày giờ Chúa kêu rằng: “Euge, Serve bone et fidelis ... intra in gaudium Domini tui,” ớ đầy tớ lành và trung hiếu, hãy vào mà vui mầng cùng Chúa mầy.

Song nhờ ơn Chúa thì cha Thomas đặng khỏe mạnh lại lần lần, là ý Chúa muốn cho đầy tớ Người lập thêm nhiều công nghiệp dưới thế nầy, hầu đặng no đầy phước đức. Vậy lối tháng Août năm 1927 thì Đức cha Dumortier đã đem cha Thomas trở lại họ An-nhơn mà coi sóc đoàn chiên Chúa trong họ ấy, thế cha già Thích, cho đến ngày 13 Juin năm nay, thì người phát chứng bịnh thũng, chơn cẳng đều sưng phù, sức lực yếu nhược, nên người mới lo trở về nhà dưỡng lão Chí-hòa, hầu dọn mình chết bằng an trong Chúa.

Đến 8 giờ rưởi tối ngày 18 Juillet, thì người càng yếu liệt hơn nữa, nên cha Antoine Huề đã làm phép xức dầu thánh và cha Mátthêo Chiểu đem Viatico cho người, cách 10 phút sau thì người sinh thì bằng an.

Cha Thomas Sâm thật là hạnh phước, vì người qua đời nhằm dịp các đấng linh mục bổn quấc cấm phòng hằng năm, nên sáng ngày 19 các cha ra phòng, đều tựu lên Chí-hòa mà chầu lễ, cầu cho các linh mục bổn quấc đã qua đời, thì người cũng đặng hưởng nhờ 1ễ Misa ấy, lại các anh em bạn thầy cả cũng đặng viếng xác người lần sau hết.

Sáng ngày 20, lối 7 giờ, thì có Đức Giám mục địa phận và các linh mục bổn quấc đã tựu lại Chí-hòa mà chầu lễ cùng đưa linh cữu người đến phần mộ, nghỉ an nơi đất thánh các linh mục bổn quấc. Có giáo hữu Gò-vắp và An-nhơn cũng đến mà chầu lễ và giã từ cha lành phen sau hết, hầu đáp bồi ơn nghĩa người đã coi sóc hai họ ấy.

XII. Cha Thomas Nguyễn-vi-Sâm hưởng thọ 79 tuổi. Làm việc Tông đồ đặng bốn mươi chín năm: các việc hành vi trót đời người, thì tóm lại trong hai nhơn đức rất quí, cha Thomas đã giữ: 1. là kính mến Chúa trên hết mọi sự, II. thương hết mọi người, nhứt là có lòng yêu kẻ khó khăn cách riêng. Vì cha nhớ hẵn hòi lời thánh Tobia xưa dặn con mình mà rằng: “Misere pauperum, ut Deus tui misereatur.” Con hãy thương kẻ nghèo khó, cho Đức Chúa Trời thương xót con.

Con ơi trọn đời con hãy nhớ đến Đ. C. T., mà giữ mình cho lắm, kẻo sa phạm tội lỗi; chớ hề bỏ lời Đ. C. T. phán dạy; con hãy lấy phần của con mà làm phước cho kẻ bần nhơn; khi con xem thấy kẻ khó khăn ăn mày, thì chớ trở mặt đi làm chi; vì chưng con có lòng nhìn lấy kẻ khó khăn, thì Đ. C. T. sẽ nhìn lấy con như làm vậy; con có sức bao nhiêu, thì hãy yêu người bấy nhiêu; nếu có nhiều của, thì hãy lấy lòng rộng rãi làm phước, ví bằng có ít thì hãy lấy lòng vui mầng mà làm phước ít, thì con sẽ đặng công nghiệp chẳng sai; vì chưng sự bố thí giúp kẻ khó khăn, thì cứu linh hồn cho khỏi tội, và khỏi khốn nạn, cùng khỏi sa xuống chốn tối tăm mù mịt u ám.

Ấy vậy tôi là kẻ mang ơn cha Thomas dạy dỗ, rày người đã về chầu Chúa, tôi xin lược biên đôi lời về hạnh tích người cho độc giả xem, ngõ thêm lòng mến phục và noi gương bắt chước; tôi nói đây là sơ lược những sự tôi biết mà thôi, một mình Chúa thấu biết mọi sự sau trước tỏ tường mà chớ.

Cha Thomas là con mồ côi sớm lắm, không cha mẹ dạy dỗ, mà khi còn học gặp được những gương lành truyện thánh, thì chíp để vào lòng, in trong trí khấn khấn, mà giữ theo lời các thánh tổ tông dạy bảo, giữ như vậy mà thành thân danh, không kể chi chức quờn danh vọng, vì nó sẽ biến đi như khói; in trí như vậy thì trong cậy ngày sau sẽ đặng chắc phần rỗi, sẽ đặng đứng vững trước tòa Chúa phán xét, như lời thánh hiền Tôbia đã doãn lại trước.

Xem truyện tích nầy làm cho anh em giáo hữu phải giảm bớt coi sách truyện bày đặt vì nó làm cho hư trí con nít, dầu người lớn thì cũng không khỏi nữa.

Để mua sấm truyền cũ, sấm truyền mới và hạnh các thánh mà xem.

(Chung)

Thomas Thi, linh mục.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1929

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2022

Hạnh tích Cha Carôlô Thạnh

 HẠNH TÍCH CHA CARÔLÔ THẠNH

---------------------

Cha Carôlô Thạnh sanh ra tại Cái mơng ngày 17 Août 1900, Đến ngày 21 thì người chịu phép rửa tội, chính mình cha Bề trên Quí (Gernot) đã cầm đầu cùng trối lại cho người cái tên thánh xinh tốt của mình là Carôlô, (Charles.) Hằng năm đến ngày 24 Août thì cha Carôlô quen làm một ít việc lành riêng mà kính nhớ ngày sinh nhựt mình (anniversaire de Naissance). Tôi hỏi sao lại không mầng trúng ngày sanh ra là 17 Août thì người nói ngày ấy không vui vì còn mắc tội tổ tông. Người cùng năng khoe mình vì đặng một bõ đỡ đầu và một thánh bổn mạng họa hiếm. Trong khi chuyện vãn cùng thơ từ thì người năng xưng mình là Carôlô, như mấy lời vui về người mới viết trong một cái thơ kia rằng: “... Trên nầy (Saigon) mọi sự y nguyên, nhà cữa, phố phường, xe cộ cũng còn không chi lạ, chỉ có một đều lạ là cha Carôlô bây giờ tu lắm, ít khi ra ngoài mà coi xem thiên hạ...”

Cha Carôlô Thạnh sanh ra bỡi nhà danh giá, đạo đức, cùng giàu có. Ông thân người quí danh là Hương sư Tinh. Lòng đạo đức cùng tính khoan từ rộng rãi của ông ai ai đều dư biết, đây không cần tô điểm nhiều lời làm chi. Hai ông bà rất đông con cái, mà trước kia chỉ còn có năm người, mà trong số năm ấy rày lại phải mất một người đáng tiếc hơn hết. Tánh hạnh Carôlô buổi nhỏ thì ta thấy đặng nơi mấy lời đơn sơ của chị sáu người viết rằng: “Lúc em con còn nhỏ thì bổn tánh vui, dễ dạy, ham học. Hễ con đi học thì mẹ con ở nhà dạy em con học chữ in, khi học về thì mẹ con biểu con viết chữ bằng viết chì, cho hai em con đồ theo. Khi mẹ con qua đời rồi thì cha con lo cho em con đi học,... sáng trí, sớm thuộc kinh giúp lễ, và mỗi ngày đi xem lễ, rồi về mới đi học...”

II

Học trò lớp thứ tám mới vào trường Latinh ngày 20 Février 1910 đặng cả thảy là 85 trò. Trong đó có một trò nhỏ tuổi hơn hết, gương mặt rất thiệt thà có hai đồng tiền, cặp mắt hí hí, đó là trò Carôlô Thạnh, mới nên chín tuổi rưởi. Ấy cũng như một đám cây tơ, chúa vườn mới bứng đem trồng trong đất Seminarium. Cách mười lăm năm sau, trong số 85 nầy chỉ còn có 7, mà trong bảy ấy thì còn gặp lại cái cây tơ hơn hết năm xưa, mà nay lại coi bộ dìm dà mạnh mẽ sởn sơ hơn hết.

Âu là có nhiều kẻ muốn biết coi trong 15 năm ấy cây tơ nầy đã lớn lên cách nào, dưới bóng ai, những tay nào đã tái bồi vung quén, mấy lần phải nắng táp mưa sa, mấy phen gặp khí nhuần sương hậu? Tắt rằng: Nhiều kẻ muốn rõ biết từ thuở tuổi xuân; và phần tôi là lãnh việc tỏ vẽ hạnh người cho ai nấy biết. Song viết tới khoản nầy thì tôi lấy làm ái ngại cùng toan dừng bút lại mà suy nghĩ, tấn thối lưỡng nan, vì chưng xét một bề thì cả tiểu hạnh của học sĩ đơn sơ nầy gần chẳng có sự gì mà nói, mà có nói thì người ta nói là chuyện con nít; song cho chúng tôi, ớ Carôlô rất dấu yêu, cho chúng tôi thì 15 năm ấy có giá dường nào! 15 năm ấy chứa biết bao nhiêu dấu tích dịu dàng quí trọng bút nào mà tả cho cùng. Ai là thầy cả khi đọc đến câu: Ad Deum qui loetificat juventutem meam mà chẳng mủi lòng cám cảnh, Người ta hỏi 15 năm ấy có cái gì? Ôi! Có biết bao nhiêu cái vui! Biết bao nhiêu cái buồn!... biết bao nhiêu cái sợ!... biết bao nhiêu cái mến!... biết bao nhiêu cái vọng ước sở cầu. Bao nhiêu ơn Chúa, bao nhiêu sức ta, ơ Carôlô!

Tới đây thì tôi lại xét tôi viết đây chẳng phải là viết cho kẻ tộc mạch muốn coi muốn đọc tích lạ. Kẻ muốn đọc tích lạ thì hãy kiếm nơi tiểu thuyết, nhựt trình, song tôi viết đây là viết cho những người thân thuộc quen biết cùng kẻ ái yêu tri kỉ của cha Carolô. Là kẻ bỡi thương nên muốn biết từng đều nhỏ mọn, muốn biết tới tâm tình ý kiến của cha hầu tạc dạ mến thương người. Phần tôi xưng mình là kẻ  “Tri âm” nghĩa là rõ biết người, thì tôi phải tỏ vẽ một đôi đều về tánh hạnh người trong vòng 15 năm ấy; và đó là hạnh thật của người; vì trong ba năm làm thầy cả người ra làm sao thì là ở tại 15 năm đó. Tel séminariste, tel Prêtre.

Cha Carôlô càng thêm tuổi thì mọi sự cũng đều thêm một cách êm ái tự nhiên không chi lạ: xác thêm sức lực, trí thêm mở mang, lòng thêm đạo đức, tánh tình thêm vui vẻ ôn hòa. Đang khi xác thêm lớn thì trí khôn người cũng lớn đua theo. Trong một hai năm đầu thì sự học hành của trò nhỏ nầy vốn tầm thường, song càng ngày trí người càng mở ra minh mẫn sáng láng cũng tấn phát một cách dễ dàng tự nhiên, xem hình không ra sức bao nhiêu. Khi tới lớp nhì thì người cũng chiếm phần thưởng excellence thứ nhì.

Trong mấy năm ở trường lớn ai ai cũng đều khen thầy Carôlô rất có trí thông minh sắc sảo, xét trúng đoán mau; làm cho những đấng dạy dỗ người đầy lòng trông cậy người sẽ nên một thầy cả thông thái về sau. Thương ôi! nào hay rày một phút mà gió đánh mây tang, huê trôi nước chảy!

Cho kẻ muốn làm thầy cả thì sự mạnh khỏe cần, sự thông thái cần hơn và nhơn đức cần hơn hết. Mọi sự khác thảy qua mà nhơn đức còn, và nó còn theo cha Carôlô cho đến đời đời. Sức lực cùng trí sáng là ơn riêng Chúa, có hồi ta muốn mà không đặng; song sự nhơn đức có phần ở tại nơi ta. Đã nói Carôlô càng thêm tuổi càng thêm đức hạnh, mà đức hạnh người cũng đã lớn lên, một cách êm ái tự nhiên như phần xác cùng phần trí người; đến đỗi ngó sơ qua thì tưởng bổn tánh người vốn hướng chìu về đàng phước đức tự nhiên. Song kẻ lâu năm đã đi một đàng cùng người và rõ biết người thì phải xưng rằng: đó là ơn riêng Chúa và Carôlô có phần nhiều trong việc khó nhọc nầy. Vì bổn tánh tự nhiên người thì chìu về sự thong thả ham vui và nhẹ tính hơn là ép mình chịu khó.

Muốn rõ nhơn đức thì phải xét cái nguồn. Mà nguồn đức hạnh của cha Carôlô ở tại sự người có lòng kính mến Phép Thánh Thể cùng Đức Mẹ cách riêng. Thuở ở nhà trường người đã nên gương về sự siêng năng viếng Mình Thánh Chúa. Mấy ngày nghỉ ai kiếm người mà không thấy, nếu vào nhà thờ ắt gặp người. Trong những thơ từ gởi cho anh em bạn học lúc tháng nghỉ càng thấy tâm tình sốt sắng người tỏ rõ. Người năng gọi phép Thánh Thể là nơi kẻ thiết tình hội hiệp cùng gặp gỡ nhau trong những ngày phân cách; là thiết tỏa buộc kẻ tri âm... và dặn phải tìm nhau trong Trái Tim Chúa.

Song cái đức xinh tốt hơn hết của cha Carôlô là sự người có lòng kính mến Đức Mẹ, kính mến Đức Mẹ hết tình. Từ thuở còn ở trường nhỏ thì Carôlô đã theo kiểu thức của đấng chơn phước Grignion de Montfort mà làm lời khấn dưng trót thân mình cùng mọi công nghiệp của cái hồn xác trót đời cho Nữ vương thiên đàng, muốn định liệu thể nào, phân phát cho ai mặt thửa. Trọn đời người chẳng bỏ qua ngày nào mà chẳng làm một hai việc riêng dưng kính Mẹ mình. Cuốn lịch của người có âm đầy những ngày phải khỉ sự kinh Neuvaines chín ngày trước các lễ trọng về Chúa cùng Đức mẹ, và biết bao nhiêu lần người có công nhắc nhở chúng tôi cho khỏi quên những Neuvaines tốt lành nầy. Những bài giảng người tập làm đầu hết thì cũng đều về Đức Mẹ và cái bài sau hết người giảng tại Chợ-đũi một ít ngày trước khi chết thì cũng dường trối Mẹ yêu dấu người lại cho thế gian. Người nói với đồng nhi rằng: “Cha trối lại cho chúng con nam nữ một dấu tích nầy: là mỗi ngày ban tối và ban sáng chúng con hãy dưng ba kinh kính mừng cho Đức Mẹ mà xin ơn giữ mình vẹn sạch mọi đàng tội lỗi cho đến trọn đời. – Chắt là cha Carôlô đã xin ơn ấy cho mình trước hết!

Ấy bỡi cha Carôlô thật lòng kính mến Chúa và Đức Mẹ thì người đã đặng ơn giữ các nhơn đức theo bực người, một cách rất dễ, chớ tôi không nói một cách trọn lành. Mà thật sự cha Carôlô hằng lo luyện tập các nhơn đức một cách đơn sơ kín nhiệm, cùng lấy sự vui vẻ như màn che đậy bề ngoài, khó mà thấy đặng. Người nói đặng như văn sĩ Louis Veuillot rằng: “Muốn rõ biết tôi thì phải đọc những thơ từ của tôi.” Những bức thơ từ của cha Carôlô thật như tấm gương sáng chiếu giọi linh hồn tốt lành người.

Đã nói về đức hạnh thì cần xin nói thêm một tiếng về tánh nết. Lời tục ngữ langsa nói: “Un saint triste est un triste saint.” Phần cha Carôlô thì khỏi sợ vào hàng thánh mới nói đó; vì tánh tình người vui vẻ tề nhường, mau mắn bặt thiệp, mà cũng hằng đơn sơ thiệt tình, hay lẹ làng giúp đỡ, cách chuyện vãn phở lở vui tai. Lại thêm có tâm tình thiết ái, hay thương hay mến, mau cảm mau động. Song trong một bức chơn dung cần phải có chỗ trắng chỗ đen, thì mới ra hình. Muốn vẽ hạnh cha Carôlô cho giống thật thì cần phải giữ mấy chỗ bóng đen cũng bằng chỗ trắng; phải bắt chước văn sĩ De Montalembert mà “Ne dissimule aucune tache, afin d'avoir le droit de ne voiler aucune gloire,” là chẳng giấu một đém lỗi nào, hầu đặng phép tỏ bày mọi đều vang hiển hành người chẳng đậy cái nào. Trong tánh hạnh cha Carôlô thì tôi chỉ nghe người ta trách hai đều (deux taches) hai đém: Một là nói người hay nói quá. Tại sao hay nói mà trách, là vì lời ngạn ngữ văn: đa ngôn đa quá, nhiều lời nhiều lỗi. Song cho cha Carôlô thì ai ai cũng chịu là một exceptio, nghĩa là nhiều lời mà ít lỗi. Vì cha hay chuyện vãn là bỡi tánh tình vui vẻ, muốn vui lòng ai nấy mà quên mình, song bình sanh người chẳng chịu đàm tiếu phàn nàn chê bai trách móc ai, không ưa nói việc kể khác, bằng có nói thì nói đến mà khen ngợi thôi. Nói nhiều mà dè dặt; cho xe hơi chạy mau mà không ủi gốc sao. Đáng khen, song khuyên đừng bắt chước. - Cái đém thứ hai là họ nói tánh cha sao dễ dàng quá lẽ, cùng mau tin lòng người ta, và không muốn thấy những sự lỗi kẻ khác mà người phải thấy. Ở đây chính mình cha Carôlô cũng chịu người có lỗi trong sự đó, song người chỉ trả lời rằng: “Biết sao bây giờ! vì tánh tôi hay thương!”

Đó là hạnh tích, hay là nói cho trúng, đó là một hai nét đại cái trong tích hạnh cha Carôlô trót mười lăm năm ăn nơi cữa thánh. Đó là bức chơn dung của người đẹp đẽ mà bỡi thợ vẽ bất tài làm cho ra thô kệt lem luốc không đặng rõ. Xin quí đấng trong thân tộc cha Carôlô cùng những hàng quyến thức tri âm cố hữu của cha rộng tình miễn chấp.

Số sau sẽ tiếp thêm cho toàn bức tượng người từ khi thọ quyền chánh tế cho đến ngày cha an giấc ngàn thu, để lại giữa đám cỏ xanh một vùng đất trắng! Để lại cho những kẻ thiết tình yêu mến một khối tang phiền!

Mười lăm năm khắc kỷ tu thân, xôi kinh nấu sử, chẳng qua là cho đặng dọn mình mà đến một ngày kia, là ngày Carôlô hội chín tuổi đà nhón gót trông mong, mà sau hết nhờ ơn Chúa thì ngày sở nguyện ấy đã đến cho người, nhằm là 14 Mars 1925; Thầy Carôlô thăng quờn Chánh tế khỉ mới đặng 24 tuổi rưởi. Âu là tấc lòng đạc đức thanh niên nầy khi ấy ví dường một hồ nước xuân lúc tan sương, các cái cảm tình trong cái đêm dài 15 năm: yêu, ghét, vui, buồn, mừng, lo, thương, giận... gặp cái rạng đông 14 Mars nầy mà tan hết, để lại mặt nước trong xanh không chút gợn. Rồi đây tuy ngày đại phước nầy sẽ qua như các ngày khác, mà cái sự xúc tình cảm mến dịu ngọt của thầy cả mới nầy lâu ngày còn phưởng phất chẳng phai. .

Lúc ở trường lớn, khi đã đặng chịu chức cắt tóc rồi thì mỗi ngày sau khi rước lễ, thầy Carôlô hằng đọc lại cái kinh: “Domine... qui ostendisti nobis viam novam...” là kinh riêng của phẩm cắt tóc, để mà nói lại cùng Chúa sự vui mừng khoái lạc lòng mình trong ngày đặng chọn Chúa làm phần gia nghiệp. Rồi mỗi khi tới ngày giáp năm của bước đầu hết ấy thì người làm Neuvaine trước để tỏ lòng thảo lão biết ơn trên, Vậy nếu khi mới đặng bước lên cấp đầu mà lòng hứng vui đỗi ấy, thì ngày đặng lên cấp thang sau hết thì sẽ nói làm sao? Người chỉ nói một lời: “Quid retribuam Domino.”

Một ít lâu sau, khi cha Carôlô suy lại những ơn đại cái Chúa ban trong đời người thì mủi lòng bèn lấy viết chép ghi cho nhớ, bắt từ ơn phép Rửa tội tới ngày chánh tế thọ phong. Người chép kỉ từng năm tháng ngày mình đã chịu phép rửa tội, rước lễ vỡ lòng, chịu phép Thêm sức, vào trường Latinh, xuống trường lớn, chịu chức cắt tóc cùng sáu chức dưới cho tới chức thầy cả. Khi viết tới câu sau hết: “Ordonné Prêtre le 14 Mars 1925”, thì âu là người động tình bỡ ngỡ mà hỏi mình rằng: Còn ngày nào gọi là ngày đáng ghi nhớ nữa?- Hết rồi... mà không!... Còn một ngày nữa, là ngày chết!. Mà chừng nào? Tới đây cha Carôlô lại hạ bút mà viết rõ ràng bấy lời rằng: “Et mort??? (quel jour)!!! Priez beaucoup!” nghĩa là: “còn chết? chừng nào ?!! phải cầu nguyện cho lắm!”

Ớ Carôlô cái ngày cha muốn biết để chép ghi luôn thể mà không biết đặng thì rày đã qua rồi, là ngày 9 Avril 1928, mà là kẻ khác ghi giùm cho cha, vì tay cha không còn chép ghi đặng nữa! Là ngày kết cuộc tông đồ của cha lại chẵn ba năm.

Tuy là một khoản vắn või ba năm, mà bỡi cha Carôlô đã dùng nên, thì đã bia lại đặng một gương thầy cả thanh niên tốt lành đáng mến.

Tới khoản nầy tôi khỏi nói nữa, vì chưng ngọn đèn kia bấy giờ đi ra khỏi thúng mà đặt nơi cao: để tại Mặc-bắc một năm và nơi trường Latinh hai năm, Bỡi đặt nơi cao thì lắm kẻ thấy; mà tánh con người hễ thấy thì hay nói không nín lặng; mà họ nói làm sao? Kẻ thì rằng: “Cha thông minh, nhơn đức. Tánh tình cha vui vẻ đãi bui mà cũng đơn sơ thật dạ.” Người thì nói: “cha rất yêu người, mau tay giúp đỡ lẹ làng, có lòng rộng rãi, hòa nhã, tế nhường...” Kẻ khác rằng: “Cha khôn ngoan bặt thiệp, biết ở đời, biết đối đãi với người thiên hạ... Lời cha giảng dạy ủi an thâm trầm lý sự...” Đó là lời thiên hạ, mà xét lại thì họ không có nói cái gì lạ, chẳng qua đó là tiếng dội (écho) của 15 năm nói trước đây mà chớ.

Còn với bạn đồng liêu thầy cả thì dễ hiểu cha Carôlô bằng thật dạ thật tình là thể nào, Người viết rằng: “Tous les jours j’offreau bon Dieu une heure de l'Office pour demander aux prêtres, surtout les jeunes, la prudence dans les actions et le bon jugement dans ses entreprises,... Mỗi ngày tôi đang cùng Chúa một giờ kinh nguyện hầu xin cho phô hàng Đạc đức, nhứt là những đấng thanh niên, xin cho phô đấng ấy đặng sự khôn ngoan trong mọi việc làm cùng đoán phân chính đính trong mọi đều toan liệu.”

Ai ngó sơ qua thì tưởng cái đời vắn või cha Carôlô đầy sự vui vẻ, kính yêu, phước lộc, không thường biết sự chua cay; song tưởng vậy là sai. Con người sinh ra hầu chịu khó. Ai chưa từng chịu khó thì chưa gọi thành nhơn, huống lựa là thầy cả. Lúc làm giáo sư ở trường Latinh người có viết bấy lời rằng: “Phần tôi ở đây coi hình vui vẻ khoái lạc, song hỡi ôi! ở xa coi tợ như tiên, lại gần mới thấy trần phiền đắng cay, đã gặp đủ đều làm cho tôi đau đớn cực lòng chẳng còn muốn ở trần gian nầy nữa. Thánh giá Chúa rất đáng yêu mến dường nào.

Cha Carôlô càng đi gần đến cùng đàng dương thế thì xem ra tâm tình càng thêm thiết yếu cùng để lại nhiều tiếng lạ lùng làm cho những kẻ nghe biết đều ngậm ngùi thương tiếc. Cách một đôi tháng trước khi chết người có dịp đi thăm mồ một thầy bạn học xưa, tới nơi thấy mồ thì người mủi lòng mà nói rằng: “Nay tao, mai nầy, nay thầy mai tôi.” - Trong bức thơ kia gởi cho bạn hữu thì người để bấy lời như trối mà rằng: “Thôi, bon courage, bien cher père, rán làm việc mình cho phấn chấn hết lòng, chừng nào hết đời nầy chúng tôi mới vui vẻ thật. Đức Mẹ xưa một tay bồng Chúa một tay quét nhà, chúng tôi cũng vậy. Amen.”

Rồi lại thêm mấy lời vui vẻ mà cũng kỳ lạ rằng: “Đã làm thơ nầy tại trường Latinh ngày mồng tám tháng... nhằm năm thứ ba về quờn Thầy cả ta.”

Lúc sửa soạn đi Phan thiết, dầu chưa tới kỳ xưng tội thường mà người cũng đi, hỏi tại sao người nói đi xa phải lo dọn mình. Cha phó Phan-thiết là cha François Nhơn thuật lại rằng: Nội buổi chiều khi cha Carôlô ở tại Phan-thiết thì người tỏ bộ vui vẻ lạ thường, vốn người có dịp tắm biển cũng thường và không ham cho mấy, mà bữa đó lại cứ nói chuyện tắm biển luôn. Đi xe lửa thì người cũng mua giấy tấm biển Billet Bains de Mer, cùng năng nói đi nói lại rằng: mình quyết ra đây ngày nay mà tắm biển hầu giải hết mọi đều lao lực. Buổi chiều ấy trước khi đi tắm thì người vào nhà thờ viếng Mình Thánh Chúa trót giờ. Lúc sửa soạn đi xuống biển thì người nói cùng cha F. Nhơn rằng: Chẳng biết tại sao từ khi ra tới đây tôi lấy làm vui vẻ khoái lạc quá. Tôi đi đây ai nghe cũng can, có cha rầy tôi không đặng thì rằng: Cha không nghe lời, để phen nầy cha ra bỏ xác ngoài Phan-thiết mà coi! Lúc xuống tắm người cũng rủ cha sở Ma-ó, mà cha không chịu đi thì cha Carôlô nói chơi rằng: Không tắm thì ít nữa xuống ngồi đây có bị gì giải tội cho người ta!” Hỡi ôi! nào hay nội trong mươi phút thì mọi lời trước nầy đều ứng nghiệm cả!

Cha Carôlô đã chết vì một việc can đảm anh hào! chết cho đặng cứu anh em. Buổi sanh tiền cái cây nầy đã nghiên chìu vì sự yêu người, nay cũng ngã trên một việc yêu người.

Thôi, bấy lời đơn sơ thô kệch mà cũng tận tình dưng kính cha Carôlô rất dấu yêu, hầu trọn lời giao cùng nhau thuở trước. Xưa cha đã nói rằng: Bao giờ hết đời nầy mới vui vẻ thật. Ớ Carôlô, sự vui thật nầy ngày nào cha đã đến rồi xin cha chớ nỡ quên những kẻ thiết tình rất đông, còn đang khóc thương cha nơi đất khách, mà chờ ngày tái hiệp long vân.

Mười tám năm trời nghĩa triển trang,

Nhơn sao cho vội trẩy lên đàng!

tâm hoài cảm người xông trận!

Chánh điện tiêu dao kẻ khởi hoàn;

Thạnh thới vinh ba, đây chóng hết,

Quyền hào vĩnh thọ, đó cữu tràng;

Huởn công bút tả tình thương bạn,

Năng ước hiệp phù cõi hỉ hoan.

J. B. Huởn, prêtre.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1928