ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

Linh mục Matthêu Phan Văn Luật

Linh mục Matthêu Phan Văn Luật 

-       

-         Sinh năm 1915

-         Tại họ Hanh Thông Tây

-         Học Tiểu Chủng viện và Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

-         Chịu chức Cắt tóc ngày 13. 03. 1937, do Đức cha Isiđôrô Dumortier

-         Chịu chức 2 ngày 25. 03. 1939, do Đức cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục

-         Chịu chức 3 & 4 ngày 23. 09. 1939, Đức cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục

-         Chịu chức 5 ngày 21. 09. 1940, Đức cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục

-         Chịu chức Phó tế ngày 29. 03. 1041, do Đức cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục

-         Thụ phong Linh mục ngày 20. 09. 1941 do Đức cha Jean Cassaigne

-         Tháng 10. 1941 – tháng 6. 1943: Phó sở Đất Đỏ

-         Tháng 6. 1943 – 1946: Phó sở Búng

-         Từ năm 1947 đến thời gian nào không rõ ?: Phó sở Cái Nhum – Chợ Lách, coi sóc họ Ngũ Hiệp.

-         Đau bệnh và qua đời tại họ Gia Định

-         Mai táng tại đất thánh họ Gia Định.

 

 

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2021

Ba miền, hai miền và...chuyện "bake"

 BA KỲ, HAI MIỀN và ... CHUYỆN "BAKE"

&1&

Giảng dạy kiểu này có nước làm hại não đám trẻ: "Pháp chia nước ta ra làm 3 kỳ (Bắc Kỳ / Trung Kỳ / Nam Kỳ), thực hiện chính sách chia để trị". Đặt tên "Bắc Kỳ" , "Trung Kỳ" , "Nam Kỳ" là dưới thời vua Minh Mạng vào năm 1832, trước cả nửa thế kỷ khi Pháp mon men đến nước Việt, "dạy lịch sử" hay "dạy lệch sử"?

Sau vụ ký Hòa ước Patenotre 1884, rồi thiết lập Liên bang Đông Dương, Pháp họ đặt tên tiếng Tây rành rành cho ba vùng là: "Tonkin", "Annam", "Cochinchine". Mà ba vùng này về đại thể "ăn" với địa giới của BA KỲ đã có sẵn trên lãnh thổ VN cả nửa thế kỷ!

Bởi nhiều em học trong trường tưởng "Kỳ" là do Tây đặt nên khi nghe nhắc tới, tỉ dụ "Nam Kỳ", thì hô cái chữ đó mang dấu ấn thuộc địa. Tiền nhân nước Việt đặt tên, mà đi nói do thực dân, có khác nào mấy vị đang giảng dạy cho học sinh xúc xiểm đối với ông bà tiên tổ!

&2&

Trước khi xuất hiện tên gọi "Nam Kỳ/ Trung Kỳ/ Bắc Kỳ", trong thời phân tranh chỉ có tên gọi HAI MIỀN thôi, là: NAM (Nam hà, từ phía nam sông Gianh trở vô, tức "Đàng Trong") và BẮC (Bắc hà, từ phía bắc sông Gianh trở ra, tức "Đàng Ngoài").

Hơn một trăm bảy mươi năm (1600-1775) chia đôi đất nước, với hai triều đình khác nhau, kinh tế và nhứt là văn hóa tiến triển dị biệt đã dẫn đến nhân tâm cũng dị biệt!

Biến cố kết thúc cuộc phân tranh Trịnh / Nguyễn, vào đầu năm 1775 khi quân Trịnh chiếm được kinh đô Phú Xuân của chúa Nguyễn, tưởng là cơ hội để hàn gắn sự ly tán hai miền.

Dè đâu, chỉ trong vòng mươi năm cai quản Phú Xuân 1775 - 1786, quân Trịnh của miền BẮC đã tận lực vơ vét, cư xử tàn tệ khiến cho người dân Phú Xuân của miền NAM không tin nổi nơi mắt mình: rành rành cũng là người Việt với nhau, mà quân Trịnh hoạnh họe hệt như lực lượng ngoại bang chiếm đóng!

Lòng dân hai miền chưa kịp hàn gắn, lại bị giáng một đòn chí mạng, gây chấn thương tâm lý nặng nề!

(thời may quân Tây Sơn vào năm 1786 đã tấn công chiếm Phú Xuân, đuổi quân Trịnh trở ra ngoài Bắc)

&3&

Đất nước hợp nhứt (vua Gia Long lên ngôi năm 1802), mở ra một hi vọng hàn gắn lòng dân sau đằng đẵng hai trăm năm phân ly. Dè đâu, mới tám mươi năm hợp nhứt thôi, nước Việt một lần nữa bị phân rã!

Khi người Pháp chiếm ưu thế tuyệt đối qua Hòa ước Patenotre 1884, nước Việt không phải phân đôi mà phân thành ba vùng tách biệt: Tonkin, Annam, Cochinchine.

Chiến tranh liên miên, mà ĐỊNH MỆNH GẮN LIỀN VỚI CHIẾN TRANH LÀ SỰ NGỜ VỰC, LUÔN LÀ NGỜ VỰC.

&4&

Giai đoạn 1954-1975, tiền lệ hùng cứ từng cõi riêng của giai đoạn Đàng Trong / Đàng Ngoài, lại được tái lập. Cũng gọi thành hai miền: NAM và BẮC.

Phần lớn tỉnh Quảng Bình, trong hơn 170 năm (1600-1775), sống trong tâm thức thuộc về miền NAM phóng khoáng (Nam hà, phía nam sông Gianh trở vô, tức "Đàng Trong").

Cũng Quảng Bình, trong 21 năm ngắn ngủn (1954-1975), lại trở thành miền BẮC (phía bắc sông Bến Hải trở ra).

Cách nào đó, Quảng Bình đã trở thành "ẩn dụ của định mệnh" bất toàn và bất ổn của sử nước Việt.

&5&

Cho tôi được quí mến hết thảy cả ba danh xưng: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, bởi vì đó là tên gọi của chính tiền nhân người Việt chúng ta đặt ra.

Còn "bake"? Tôi ưng chọn sự giải thích như sau hơn:

- "ke", liên tưởng ngay lập tức tới "xạo ke".

- "ba": trong tiếng Việt có một số trường hợp khi thêm "ba" là nhấn mạnh ý nghĩa tiêu cực. Tỉ dụ: "lăng nhăng" đã tệ => "ba lăng nhăng" còn tệ dữ; "trợn trạo" coi không ổn => "ba trợn ba trạo" thì quá xá bất ổn.

"Bake" là xạo hết biết, là nói dối không ngượng mồm.

Kẻ nào bị "bake hóa" tức kẻ đó nhiễm cái tật nói xạo hết thuốc chữa, nhiễm cái thói nói dối không biết ngượng mồm ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

--------------------------------------------------------------

Hình ảnh sông Gianh:

Quảng Bình trở thành "ẩn dụ của định mệnh" bất toàn và bất ổn của sử nước Việt.



 

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Phụng Dưỡng

 Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Phụng Dưỡng

 

-         Sinh ngày 11. 10. 1902

-         Tại: Họ đạo Tha La

-         Năm 1914: học ở Tiểu chủng viện Sài Gòn

-         Năm 1922: học ở Đại chủng viện Sài Gòn

-         Chịu phép cắt tóc ngày 17.09.1924

-         Thụ phong Linh mục ngày 25. 05. 1929, tại Nhà thờ Chánh Sài Gòn

-         Tháng 06. 1929 – tháng 03. 1931: Phó sở Búng

-         Tháng 03.1931 – tháng 06.1938: Cha sở họ Cầu Ngang.

-         Tháng 06. 1938 – tháng 05. 1940:  Chánh sở Tân Qui và quản họ Tân Đông

-         Qua đời ngày 21. 05. 1940, hưởng dương 38 tuổi

-         Mai táng tại Đất thánh các Linh mục Chí Hòa



Phần mộ cha J.B Dưỡng

 

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta

 EMMANUEL: THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

* Vì sao xuất hiện sự tẩy chay Emmanuel?

Noel có gốc từ tiếng Latinh nātālis (diēs) có nghĩa là "(ngày) sinh". Trước đó nữa, Noel được truy nguyên là chữ viết tắt của từ “Emma-nu-el”. Chữ “Emmanuel” trong nguyên văn Hebrew là עִמָּנוּאֵל, là một danh từ kép gồm hai chữ אֵל (El – Thiên Chúa) và עִמָּנוּ (Immānū – với chúng ta). Danh hiệu Emmanuel có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Xuất xứ của danh từ này đã được tiên tri Isaiah nói đến, để chỉ về Đấng Messiah – Đấng Cứu Thế. “Nầy một trinh nữ sẽ mang thai, sinh một con trai và được gọi là Em-ma-nu-ên” (sách Isaiah đoạn 7 câu 14; Is 7,14) [bên Tin Lành ghi là Ê-sai]. Và được ghi trong Phúc âm theo thánh Mátthêu đoạn 1 câu 23 (Mt 1, 23) [bên Tin Lành ghi là Ma-thi-ơ].

Mời quí bạn đọc những dòng suy niệm sau (*):

*&*

Khi Đấng Messiah đến trong trần gian này, Ngài không hiện đến (như thiên thần Gabriel báo tin cho Đức Mẹ). Ngài cũng không hiện xuống như Chúa Thánh Thần, bằng lửa hiện xuống trên các tông đồ hay bằng gió mạnh lùa vào nhà các ông đang ở. Nhưng Đấng Messiah – Đấng Cứu Thế đã Ở CÙNG CHÚNG TA.

“Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” là một ân huệ, là một quà tặng vô giá. Thiên Chúa không hiện xuống rồi lại về trời; Thiên Chúa không hiện đến rồi lại biến đi, nhưng Thiên Chúa đã LÀM NGƯỜI và ở cùng chúng ta.

Không những Ngài ở cùng chúng ta, mà Chúa Giêsu còn phán với các tông đồ trước khi Ngài lên trời, rằng: “Này đây, Thầy Ở CÙNG các con mọi ngày CHO ĐẾN TẬN THẾ" (Mt 28,20).

*&*

(…) Thời đại của chúng ta, như một số các nhà tư tưởng cũng như tu đức học đã nhận xét, rằng “Ngày xưa Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Còn ngày nay con người dựng nên Thiên Chúa theo hình ảnh của chính họ".

Trong thời đại hiện nay, người ta dựng nên một Thiên Chúa mà bản quyền sự sống của Ngài chỉ là tác phẩm cho người ta biến đổi và người ta có quyền tự tung tự tác.

Con người ngày nay sinh ra một Thiên Chúa trong đầu óc của mình, trong định kiến của mình, trong ý riêng của mình và vì thế, khi Đấng Cứu Thế đến khác với chính kiến của họ, họ không chấp nhận.

Những người Do Thái ngày xưa đã giết một Đấng Messiah mà không nằm trong hoài bão của họ, không nằm trong ý tưởng mà họ đã tưởng tượng, cho nên họ đã tẩy chay và giết chết Ngài. Nếu hôm nay người ta vẫn tiếp tục định kiến, vẫn tiếp tục những ốc đảo ích kỷ như vậy, họ vẫn tiếp tục giết Chúa, tẩy chay Chúa.

*&*

Emmanuel – "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" là một điệp khúc, điệp khúc của tình yêu thương vang lên trong mọi thời đại, trong mọi nơi, mọi lúc.

Tại sao "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" lại không phải là món quà vô giá để phân phát cho tất cả mọi người mọi thời đại? Bởi vì ai cũng nghèo túng vì tình yêu thương, vì ai cũng là người nghèo khó vì thiếu ơn Chúa.

Hãy nhớ lời thánh Phaolô khuyên, và đây chính là điểm mà người Kitô hữu nên ngẩng cao đầu thực hiện: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôsê đoạn 3 câu 2; Cl 3,2).

Người ta hướng về những sự dưới đất cho nên người ta tẩy chay Emmanuel.

Còn người nào đón nhận những sự trên trời thì người đó đón nhận Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Sự đón nhận phải xuất phát từ trong đáy lòng mình trước, khi mà chúng ta khát khao mong đợi một Thiên Chúa làm người, và Thiên Chúa làm người lại ban bố cho chúng ta hiến chương Nước Trời, mà ngay từ hiến chương thứ nhất đã nhắc đến: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” (Mt 5,3).

*&*

Nghèo khó không phải là người nghèo hèn, người đi ăn xin. Tinh thần nghèo khó là một sự dấn thân, là một sự cho đi hơn là nhận lãnh: “Là hiến thân thì được nhận lãnh. Quên mình thì gặp lại bản thân” (Thánh Phanxicô Assisi).

Emmanuel là một điệp khúc của tình yêu thương vang lên để nhắc nhở chúng ta. Hãy từ bỏ ý riêng của mình, hãy ra khỏi con người vật chất của mình để sống như Thiên Chúa là yêu thương, là phục vụ, là hiến trao đến tận cùng.

Ngày hôm nay, điệp khúc Emmanuel lại tiếp tục vang lên. Xin đừng để điệp khúc chỉ trong trí óc của chúng ta, mà hãy đọng lại trong con tim.

Đừng chỉ vang lên trong thánh đường này nhưng đi về gia đình, đi vào môi trường xã hội mình đang sống.

Emmanuel là hạnh phúc, là tình yêu, là sự sống, là sự trao ban cho tất cả những ai đang khát mong đợi chờ và xây dựng trong lòng mình một ý tưởng về một Thiên Chúa làm người ở cùng chúng ta - khi người ta biết sẵn sàng "xin vâng" như Đức Maria.

Emmanuel – "Thiên Chúa ở cùng" trong những hang dẫu là hang dành cho bò lừa và hôi tanh, nhưng hang ấy trống rỗng chứ không phải là chật chội với đầy ắp những tiền của, tham vọng ích kỷ chen chúc nhau khiến cho Chúa không còn chỗ trọ.

Giờ đây chính Thiên Chúa đã đến và đi vào hang cùng ngõ hẻm ấy, những nơi hôi hám và xa lạ đó trở nên thân thuộc - bởi vì Thiên Chúa Ở CÙNG CHÚNG TA.

Lạy Đấng Emmanuel,

Xin đừng để ai trong chúng con

lại rơi vào tình trạng như những người Do Thái

đón chờ rồi lại tẩy chay để giết chết,

khát khao lên án rồi lại quay lưng lại

với chính Đấng mà mình mong đợi.

Nhưng xin cho chúng con mở rộng lòng ngay từ hôm nay

để khi Chúa đến

chúng con nhận ra món quà vô giá

được tặng ban cho thế trần.

Tình yêu thương vô cùng được hóa thành nhục thể

bằng xương bằng thịt, bằng Lời Hằng Sống

để có thể đi vào từng gia đình,

từng tế bào của mỗi cá nhân chúng con. Amen.

----------------------------------------------------------

(*) Suy niệm của Lm. Phêrô Hồng Phúc: https://www.facebook.com/gxthanhtamhonai/posts/497713620366456/

 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt



Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Tản mạn mấy dòng: CHÚA CỨU ĐỘ, vì sao?

 Tản mạn mấy dòng: CHÚA CỨU ĐỘ, VÌ SAO?

* Ta nói, ngàn xưa cho đến hiện nay, có không biết cơ man kẻ bơi trên dòng sông trần gian này bị lả sức, thấy bắt tội. Thấy vậy, có người bèn chỉ cho nhân thế đang lặn ngụp thấy một cái bè vượt sóng để mà leo lên, tự lực chèo chống thì ắt hẳn sẽ giải cứu được thân phận.

Ngặt cái, đâu phải ai cũng đủ sức để bơi tới chiếc bè kia; thành thử có nhiều, rất nhiều kẻ trần gian đã đuối sức mà đành phải chìm lỉm giữa dòng sông.

* Lại nói đến sự xuất hiện của một vị vì thương nhân thế có quá nhiều kẻ yếu sức trước phong ba tục lụy, nên thay vì chỉ dẫn chiếc bè, vị đó đã chấp nhận nhảy xuống dòng sông để ra tay kéo những kẻ yếu sức đưa lên bờ. Vị đó là Jesus Christ, Đấng Cứu độ.

Nếu chỉ nương nhờ vào “Thiên tính” / “Thần tính”, vị đó đã có thể đứng từ trên cao để ban phát phép lạ; nhưng không chỉ vậy, vị đó đã mặc lấy hình hài con người thì cũng đồng thời mặc lấy “Nhân tính” – tức trực tiếp cảm nghiệm hỉ, nộ, ái, ố của nhân loại, cũng phải chịu đớn đau, khổ nạn.

Để thấu cảm mọi cung bậc của kiếp người.

Mà nhờ vậy, kiếp người được vực dậy, được thánh hóa.

(ngày 25/12/2020)

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt 

 





 

Lễ Bạc cha Phaolồ Xuân

Lễ Bạc cha Phaolồ Xuân

Cha Phaolô Xuân năm 1931. Ảnh: Lm. Longinô Nguyễn Thới Mậu

---------------------

Mới lần thứ nhứt, ở họ Tân-Hưng (Gia-định) có cuộc lễ Bạc (Noces d’Argent) của vị Linh mục bổn sở là cha Paul Đoàn-thanh-Xuân, ngài trấn nhậm họ nầy đã 9 năm trường, nay nhơn dịp lễ Đức Bà chẳng hề mắc tội Tổ tông là lễ bổn mạng nhà thờ và cũng là ngày cho đồng nhi trong họ rước lễ trọng thể, nên ngài cử hành luôn lễ Bạc để tạ ơn Chúa, vì người đã gìn giữ cha trong vòng 25 năm thăng chức Linh mục đặng vẹn toàn hồn xác - Cuộc lễ tuy đơn sơ những có vẽ trang nghiêm và cảm động nhiều!

Vậy sớm mai Chúa nhựt vừa qua, sau một hồi chuông khai mạc cuộc lễ, đúng 7 giờ khởi sự rước cha bổn sở và đồng nhi vào nhà thờ. Bọn hát nhi nam do M. Pétrus Chánh chỉ huy, xướng kinh “Benedictus” nghe rất khởi hoàn. Cha Paul Xuân mặc áo lễ trắng tay cầm cây bông bạc, chậm rãi tiến vào thánh đàng, trông gương mặt ngài rất bằng tịnh và cảm động!

Trước khi hành lễ, cha Paul Hiền, phó sở Thủ-dầu-một, giảng một bài nghe thật hay và đầy ý vị.

Trước hết ngài khuyên lơn đồng nhi sắp chịu lễ trọng thể hãy dọn mình mà lãnh lấy ơn Chúa ban. Sau ngài nói về quờn chức Linh mục và công khó của cha Paul Xuân trong vòng 25 năm hiến thân làm việc Chúa, nhứt là trong 9 năm coi họ Tân-hưng và 6,7 họ ngánh nữa.

Giảng đoạn cha Paul Xuân thân hành lễ trọng.

Sau lễ, bổn đạo nam nữ chào mừng cha như thường những lễ Bạc xưa nay. Nhơn dịp nầy Nam-kỳ Địa-phận xin chúc cha sở Tân-hưng đặng sống tới lễ vàng sang lễ Ngọc, ngõ làm ích cho Hội thánh Viêt-nam.

---------------------------------

Báo Nam Kỳ địa phận, số 1626, ngày 04 tháng 12 năm 1940.