ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

Vì sao trân trọng gọi là "CHỮ QUỐC NGỮ"?

 VÌ SAO TRÂN TRỌNG GỌI LÀ "CHỮ QUỐC NGỮ" ?

* Kỳ thực vẫn còn nhiều người hiện nay chưa tỏ vì sao gọi "chữ Quốc ngữ". Có hiểu thì mới yêu quí thực lòng.

* Các giáo sĩ người Bồ Đào Nha thuộc dòng Tên (Công giáo) có công trạng đặt nền móng tạo lập chữ Quốc ngữ.

&1&

Khi các giáo sĩ dòng Tên người Bồ đến Đàng Trong (từ Quảng Bình trở vô phương Nam) vào năm 1615, họ không tìm cách "áp đặt" tiếng Bồ mà - trái lại - họ cố gắng tìm hiểu người bản xứ nói tiếng Việt ra sao, để từ đó suy nghĩ cách ký âm tiếng Việt theo hệ chữ Latin. Người có công tiên phong là giáo sĩ Francisco de Pina, tạo nền móng "chữ viết cho tiếng An Nam".

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) đến Đàng Trong, năm 1624, học tiếng Việt và học bộ chữ mà Francisco de Pina đã gầy dựng. Sau đó, năm 1627, giáo sĩ Đắc Lộ ra Đàng Ngoài (miền Bắc) vừa truyền giáo vừa phổ biến "chữ viết cho tiếng An Nam", thâu thập, bổ sung lời ăn tiếng nói của người ngoài bắc.

Tắt một lời, "chữ viết cho tiếng An Nam" (về sau gọi là "chữ Quốc ngữ") bắt đầu từ Đàng Trong, rồi mới lan ra Đàng Ngoài (miền Bắc)! Việc tạo ra một bộ chữ RIÊNG cho người bản xứ (người Việt) là công trình ĐỘC ĐÁO của các vị giáo sĩ dòng Tên!

Năm 1773 dòng Tên rời khỏi nước Việt, và mãi hơn 80 năm sau là năm 1858 người Pháp mới can dự vào lịch sử VN trong lãnh vực chánh trị.

Thấy gì? Chữ Quốc ngữ, do các vị giáo sĩ dòng Tên đặt nền móng từ những thập niên ĐẦU THẾ KỶ 17 xa lắc, hoàn toàn thuộc về lãnh vực ngôn ngữ học & tôn giáo, không liên can gì đến xung đột thế tục chánh trị (khi thực dân Pháp vào xâm chiếm nước Việt là GIỮA THẾ KỶ 19, độ sai biệt thời gian so với thời điểm các vị giáo sĩ dòng Tên vào truyền đạo là những 250 năm lận).

Cần hiểu đúng với dữ kiện lịch sử khách quan nêu trên, không bị mắc lỡm bởi trò "gắp lửa bỏ tay người" của một số kẻ "nghiên kíu" thiếu lương thiện (họ vu cáo giáo sĩ đặt ra chữ Quốc ngữ để... rước Tây, cách biệt tới 250 năm, bắn đại bác còn không tới, khó vậy mà bọn họ cũng vu cáo cho bằng được).

&2&

Vì sao bộ chữ do các giáo sĩ Bồ soạn ra cho người Việt được gọi trân trọng: "CHỮ QUỐC NGỮ"?

A) Cả ngàn năm, nhiều triều đại nước Việt đều mượn chữ Hán làm văn tự chính thức. Nói cách khác, chữ Hán không phải hệ chữ chỉ dành riêng cho người Việt (nên không thể gọi là "quốc ngữ").

Tỉ như, khi tiền nhân chúng ta viết dòng chữ Hán " ", hẳn nhiên người Hoa nhìn vào mặt chữ này là họ HIỂU nghĩa ráo trọi! Khác nhau nằm ở tiếng nói, ở QUỐC ÂM mà thôi.

Người Việt đọc là: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư"

Người Hoa Bắc Kinh đọc: / Nán guó shān hé nán dì jū /

B) Chúng ta dùng hệ chữ "abc", được dựa trên ký tự Latin (nói cho chính xác hơn là dựa trên bộ chữ Bồ Đào Nha của các giáo sĩ dòng Tên, mà chữ Bồ cũng xuất phát từ ký tự Latin).

Thử viết lại câu trên:

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư".

Người Bồ, người Pháp... nhìn vô mặt chữ của câu thơ trên, họ hiểu không? KHÔNG. Muốn hiểu được, họ phải học bộ chữ mà người VN chúng ta sử dụng.

Bộ chữ mà chỉ có người VN (và những ai học tiếng Việt) mới hiểu, tức bộ chữ này đã trở thành BỘ CHỮ VIỆT, đã trở thành CHỮ QUỐC NGỮ của RIÊNG người VN chúng ta!

Hãy cùng nhau nhớ như vậy (ngoại trừ những kẻ thiếu lương thiện tri thức)!

C) CHỮ QUỐC NGỮ còn hay gấp bội, khi chứa được TOÀN BỘ QUỐC ÂM (tức "tiếng nói Việt").

Khi xưa, viết , người Việt đọc thành "sơn" (người Tàu Bắc Kinh đọc khác: "shān"). Cái chữ này không thể phát âm là "núi" (dù đồng nghĩa với "sơn").

Tiếng Việt mà phát âm là "sơn" thì được ghi lại bằng chữ Hán ; nhưng tiếng Việt phát âm là "núi" thì không chứa trong Hán tự mà phải lang thang bên ngoài văn tự, tồn tại trong khẩu ngữ của tiền nhân chúng ta.

Bây giờ, trong chữ Quốc ngữ, cả "sơn" lẫn "núi" đều được ghi lại, đều được ôm ấp trong lòng chữ Quốc ngữ, không còn phải lang thang nơi khẩu ngữ nữa.

Kể chuyện gánh hát cho vui. Hồi năm 1928, Phước George (Bạch công tử) lập gánh Huỳnh Kỳ cho Cô Phùng Há tài danh làm đào chánh. "Huỳnh Kỳ" là nói theo kiểu người Việt ở miền Nam (hai chữ Hán này, người Hoa Quảng Đông nói "wòng kì", người Hoa Bắc Kinh kêu "hoảng xỉ"). Gánh hát lừng danh, đi tới đâu báo hiệu bằng cách treo hàng loạt cờ màu vàng (nghĩa của "huỳnh kỳ" là cờ màu vàng).

Phát âm là "Huỳnh Kỳ" (hoặc "Hoàng Kỳ" theo kiểu nói ngoài Bắc) thì được ghi lại bằng chữ Hán: . Nhưng, phát âm là "cờ vàng" thì bó tay, không chứa trong Hán tự.

Thời may, "cờ vàng" không phải lang thang nơi khẩu ngữ người Việt mà được ghi lại/ ký âm đâu ra đó trong chữ Quốc ngữ, cùng song hành đề huề với chữ "huỳnh kỳ".

Thấy gì? Hết thảy các lối nói trong tiếng Việt (QUỐC ÂM) đều có mặt trong CHỮ QUỐC NGỮ.

&3&

Hãy cùng nhau tri ân các vị giáo sĩ dòng Tên, nhứt là đối với Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes. Các ngài dựa trên chữ Bồ, chữ Latin mà đặt ra một bộ chữ cho tiếng Việt, đặc biệt tới mức... những người Bồ, Latin đồng hương với các ngài nhìn vào bộ chữ mới này cũng không thể nào hiểu được (nếu không học)!

Bởi vì đây là TẶNG PHẨM NGÔN NGỮ được DÀNH RIÊNG CHO NGƯỜI VIỆT mà thôi (Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes trong những bức thư, hồi ký của họ đều coi nước Việt là "quê hương thứ hai, mến yêu" tận trong tâm khảm) ./.




Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

Lai rai chữ nghĩa: Vương - Đế

Lai rai chữ nghĩa...

VƯƠNG là vua / nhưng nhiều khi không phải vua

ĐẾ luôn luôn là vua / nhưng không phải là "Vương"

("Vương", "Đế" là cách gọi theo âm Việt- Hán, còn "Vua" là lối nói thuần Việt)

1/ Nhiều người Việt mình quen nghĩ hễ "Vương" tức là vua.

Khi Ngô Quyền xây nền độc lập tự chủ vào năm 938, ông xưng là "Ngô Vương" , được hiểu là vua Ngô Quyền (ở đây, gọi "vua" là đúng).

NHƯNG, danh tướng Hưng Đạo vương lẫy lừng với những chiến thắng trước quân Nguyên, "vương" ở đây đâu phải là "vua" (không ai gọi là "vua... Hưng Đạo" hết)!

2/ Trong hệ thống tước hiệu thời quân chủ, thứ bậc từ cao xuống thấp: Đế , Vương , Công , Hầu , Bá , Tử , Nam .

Tỉ dụ thời Trần, ở vị trí cao nhứt là "Đế", như Nhân Tôn hoàng đế . Hoàng Đế Trần Nhân Tôn phong tước cho Trần Hưng Đạo là "vương" ("Hưng Đạo đại vương" ).

Ngoài Trần Quốc Tuấn được ban tặng danh hiệu "Hưng Đạo vương", còn có thể kể đến Trần Quang Khải được phong "Chiêu Minh vương", Trần Nhật Duật là "Chiêu Văn vương"...

Thời nhà Nguyễn, cao nhứt cũng là "Đế" như Gia Long hoàng đế , Minh Mạng hoàng đế ... Dưới "đế" có các "vương", như Nguyễn Phước Miên Trinh được phong "Tuy Lý vương", Nguyễn Phước Miên Thẩm được phong "Tùng Thiện vương"...

Trong NỘI BỘ một quốc gia, danh xưng ĐẾ là vua một nước, còn VƯƠNG không phải vua mà chỉ là một tước hiệu cao quý nhưng xếp dưới "Đế".

Nếu trong giai đoạn nào đó không có xưng "Đế", chỉ gọi "Vương" - như Ngô Vương, thì "Vương" mới có nghĩa là vua.

3/ Xét trong mối BANG GIAO giữa các nước thời quân chủ:

Quốc gia nào có được vài nước khác triều cống, quốc gia đó mới xưng ĐẾ; những nước ở bậc thấp hơn thì xưng VƯƠNG.

Nước Tàu họ xưng "ĐẾ" đối với các nước chung quanh, trong khi đó nước Việt thuở xưa vì chấp nhận lệ triều cống cho nước Tàu nên chấp nhận Tàu ban tước "VƯƠNG" - như "An Nam quốc vương" , đến thời vua Gia Long thì đổi là "Việt Nam quốc vương"

Đến lượt nước Việt, vì có được vài nước triều cống nên vua nước Việt xưng "ĐẾ" và ban tước VƯƠNG cho vài quốc gia đến triều cống. Như nhà Lê xưng "Đế", và ban tước "Vương" cho Chiêm Thành gọi là "Chiêm Thành quốc vương" , ban tước "Vương" cho Lão Qua (Lào) gọi là "Lão Qua quốc vương" ...

Hoặc như hoàng đế nhà Nguyễn ban tước "Vương" cho Chân Lạp (Cambodia sau này) gọi là "Chân Lạp quốc vương" ...

4/ "Đế", nhìn chung, là cao nhứt, cao hơn "Vương" một bậc. Xưng "Đế" là khi quốc gia đó có được một vài nước làm phiên thuộc hoặc triều cống.

Tuy nhiên, vào tháng 3/1945 khi Bảo Đại ra Tuyên cáo độc lập, thành lập chánh phủ Trần Trọng Kim, đã đặt tên nước là: "Việt Nam đế quốc" . Ủa, vào lúc bấy giờ nước VN làm gì còn một quốc gia nào triều cống hoặc phiên thuộc mà gọi "Đế" ("đế quốc")?

Cách gọi "Đế", vậy là không còn bị đóng khung trong lối hiểu xửa xưa nữa. Mà "Đế" được hiểu ở đây là bậc cao nhứt (cao hơn "Vương") trong khẳng định tư thế của đất nước!

(Nhiều em học sinh, sinh viên đời nay không được tìm hiểu về "Đế", "Vương" trong cách xưng hô theo dòng lịch sử, thành thử ngơ ngác trước tên gọi "Việt Nam đế quốc". "Đế" , như vừa nói trên, mang tính chất tich cực, tự hào, chớ không dính gì đến imperialism, "chủ nghĩa đế quốc" mang màu tiêu cực)

5/ Khi xài chữ Hán (đọc theo âm Việt-Hán), giữa ĐẾ và VƯƠNG có sự khác nhau và khá .... rắc rối. Nguyên thủ một quốc gia tự gọi mình là "Vương" khi bang giao với nước ở bậc cao hơn, nhưng lại xưng "Đế" trong bang giao với nước ở bậc thấp hơn.

* Trong khi đó, tiếng thuần Việt (không phải Việt-Hán) có cách gọi hết sức gọn gàng mà bình đẳng trong bang giao các nước.

Gọi là "VUA", để chỉ người đứng đầu (nguyên thủ) của một triều đại quân chủ - bất luận đó là "Đế" bên Tàu cũng gọi "vua" (vua Tống, vua Minh, vua Thanh), hoặc "Vương" của nước nhỏ hơn cũng gọi "vua" luôn (vua Chân Lạp, vua Chiêm Thành)!

"Vua" được ghi bằng chữ Nôm: 𤤰, mượn chữ Hán mà lắp ghép theo kiểu người Việt, thành thử người Tàu nhìn vô mặt chữ này... bù trất, không hiểu.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 


Thứ Ba, 6 tháng 7, 2021

" Dân tộc Kinh" là...cái quái gì vậy ?

 "DÂN TỘC KINH" LÀ ... CÁI QUÁI GÌ VẬY?

Hồi năm 2018, bên Pháp bỗng nảy nòi một dự án về "Hội Tộc Kinh" tại vùng Bussy Saint Georges, kêu gọi cộng đồng người Việt hải ngoại cùng chung tay xây dựng, hướng về cội nguồn (nguồn nào?). Ngay lập tức, "Hội Tộc Kinh" đã gặp phải phản ứng gay gắt trước sự đánh đồng lộn sòng giữa người Việt với khái niệm "người Kinh" ("Kinh tộc") nằm ở bên Tàu!

"Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến mấy chữ "dân tộc Kinh", thật kinh hoàng, kinh dị đến kinh hãi!" - một bác trọng tuổi, là người VN ở bên Pháp, cho biết. Bác rời khỏi đất nước VN vào năm 1975, chớ nếu còn ở miền Nam VN sau năm 1975 thì đã phải nghe đến mục "Dân tộc" của sơ yếu lý lịch nếu tộc Việt thì phải ghi là... "Kinh"!

&1&

Trước kia chúng ta có sử dụng chữ "Kinh/Thượng" là để chỉ đặc điểm cư trú của các cộng đồng - người Kinh là những người sống vùng kinh thành (*), rồi mở rộng để chỉ người ở miền xuôi; còn người Thượng là trên cao, sống ở miền ngược, cao nguyên.

Để dễ so sánh hơn nữa, ví dụ ta quen nói "người Sài Gòn", "người Huế", "người Hà Nội", nhưng đâu ai ngớ ngẩn nghĩ rằng có "dân tộc Sài Gòn", "dân tộc Huế", "dân tộc Hà Nội"!

Nhầm lẫn giữa "người" với "dân tộc" là nhầm lẫn buồn cười, nhầm lẫn hết sức sơ đẳng.

Vậy nên, khái niệm "người Kinh" TẠI VIỆT NAM từ bao đời trước đây (nhấn mạnh "tại VN", để chút nữa sẽ biết ... bên Tàu thì ngược đời hẳn) thuộc về ý nghĩa các cộng đồng (community) chớ không mang ý nghĩa về dân tộc học (ethnic)!

Lịch sử ngàn đời nước Việt chúng ta ghi các tộc Âu Việt , Lạc Việt , chớ làm gì có "Âu Kinh", "Lạc Kinh". Ai dám nói có dân tộc "Lạc Kinh", "Âu Kinh", đưa dẫn chứng ra đi?

&2&

Bên Tàu thì nảy nòi ra khái niệm... "Kinh tộc" (tộc người Kinh)! Gốc gác cách đây vài thế kỷ trước, có một số người Việt từ nước Việt qua sinh sống ở vùng Tam Đảo (Vạn Vĩ, Vu Đầu, Sơn Tâm), còn gọi là Kinh Đảo , nay thuộc Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, TQ).

Nhưng Tàu không tôn trọng gọi đúng gốc gác là "người Việt" (Việt tộc ), mà họ đổi tên, gọi thiểu số tộc Việt (từ nước Việt qua) vì sống ở Kinh Đảo nên gọi thành "Kinh tộc" ("người Kinh").

(Sẵn đây mở ngoặc nói thêm: "Kinh" ở đây cùng tự dạng trong chữ "kinh thành", nhưng đừng hí hửng "kinh thành" sang cả gì ráo, sống ở tỉnh biên cương Quảng Tây mà kinh thành nỗi gì, đâu phải sống ở Bắc Kinh hay Nam Kinh! "Kinh" vì sống ở địa danh mang tên "Kinh Đảo".

Bạn có biết, "kinh" còn có một nghĩa nữa, nghe thảm hết sức: "kinh" là bãi tha ma, hoang vắng. Số là mồ mả quan nhà Tấn thởi xửa xưa đều chôn ở vùng Cửu Kinh , thành thử về sau hễ gọi "cửu kinh" được hiểu là bãi tha ma, chữ "kinh" ở đây đồng nghĩa với chữ "nguyên" cũng dùng để chỉ hoang địa.)

&3&

Lại có ý kiến biện bạch mọi người sống trên nước Việt Nam thì gọi là người Việt, nên phải định danh "dân tộc Kinh" để có sự khác nhau với dân tộc Cham, dân tộc Banah, dân tộc J'rai, dân tộc H'Mông, dân tộc Tày... Ở đây, lại thêm một nhầm lẫn nữa!

Như tôi đã lưu ý, cách xài chữ "người" dễ bị nhầm lẫn (đã và đang nhầm lẫn) với chữ "dân tộc"! Khi ta nói "tất cả chúng ta đều là NGƯỜI Việt", thì "người" ở đây nằm trong mạch nghĩa là "cộng đồng" (community) tức cùng cư trú trên địa bàn là nước Việt, chớ không phải tất cả mọi người dân cùng một TỘC Việt (ethnic).

THAY LỜI KẾT

Câu chuyện về "Hội Tộc Kinh" (ở đầu bài viết), hệt như gáo nước lạnh để may ra những ai còn lơ ngơ sẽ tỉnh người! Lẽ ra cái mà bên Tàu gọi là "Kinh tộc" phải được sửa lại cho đúng gốc gác là "Việt tộc", mà thôi, chuyện bên xứ Tàu thì mặc xác họ ưng gọi gì thì gọi.

Còn ở nước Việt Nam, hàng ngàn năm trong lịch sử chúng ta đều gọi, chẳng hạn, "Lạc Việt" ( ). Xin nhắc lại, không ai đi biến khái niệm "Kinh" như là cộng đồng cư trú (community) trở thành tộc người (ethnic), không ai đi gọi "Lạc Kinh" hết.

Hay là... lạc thần kinh rồi, thành ra nông nổi hết trơn hết trọi.

Nhắc lại: "Kinh" hiểu như cộng đồng (community) thì trước năm 75 ở miền Nam có gọi; NHƯNG danh từ "Kinh" hiểu như một tộc người (ethnic) thì hoàn toàn không!

CHỈ có bên Tàu gọi "tộc Kinh" mà tôi đã diễn giải trong bài mà thôi.

Chẳng hiểu từ lúc nào "sự nhầm lẫn" này được đem vào nước Việt?

Ai có ý kiến phân tích / phản biện bài viết của tôi, bằng những cứ liệu xác đáng, xin giúp cho tôi, giúp cho mọi người.

----------------------------------------------------------------------

(*) Năm 1256, đời Trần, triều đình mở khoa thi lấy Kinh trạng nguyên và Trại trạng nguyên. Kinh trạng nguyên là các sĩ tử cư ngụ ở những vùng gần kinh đô Thăng Long; Trại trạng nguyên là những sĩ tử ở xa kinh đô, đến từ hai địa phương Thanh Hoa và Nghệ An.

Vậy là đã rõ: "Kinh" chỉ mang ý nghĩa về địa bàn cư trú, không ai dớ dẩn giải nghĩa sai lệch "Kinh" là định danh của một dân tộc.

- Hình ảnh "Hội Tộc Kinh";

- Thành phố Pleiku, người sống nơi đây đều là "người Thượng" (nghĩa là ở vùng cao, chỉ về địa bàn cư trú) nhưng phần lớn đều là người Việt, cùng sống chung với người J'rai, Bahnar...



Nguồn:Nguyễn - Chương Mt

 

Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

" Trưng Trắc", " Trưng Nhị" trên đảo Sumatra

 * "TRƯNG TRẮC", "TRƯNG NHỊ" TRÊN ĐẢO SUMATRA

Giói nghiên cứu của Nam Dương (Indonesia) đưa ra giả thuyết tộc người Minangkabau đến từ nước Việt cổ xưa. Theo đó, vào mùa xuân năm 43, một số tướng lĩnh của Hai Bà Trưng cùng tùy tùng, gia quyến không chịu khuất phục giặc Hán, đã chạy về phương Nam và cuối năm 43 họ giong thuyền ra biển. Những đợt gió mùa Đông Bắc đã đẩy thuyền của họ dạt vào eo biển Malacca. Tiếp đó, họ định cư tại khu vực phía Tây đảo Sumatra.

Tộc người Minangkabau theo chế độ thị tộc mẫu hệ. Người nữ giữ quyền thừa kế trong thị tộc, gọi là “Turun Cicik”; em gái của Turun Cicik nằm trong hàng thừa kế thứ hai gọi là “Turun Nyi”. Hai danh xưng này gần gũi về mặt ngữ âm trong cách đọc “Trưng Trắc”, “Trưng Nhị” của người Việt xưa.

Bấy lâu nay tại VN, người ta khó tìm ra lời giải thích thỏa đáng cho cách gọi "Trưng Trắc". Họ Trưng? Không tìm đâu ra dấu vết hiện hữu của dòng họ nào gọi là "Trưng" cả! Cách gọi của người Minangkabau trên đảo Sumatra dường như đưa ra lời giải đáp: "Trưng" là danh xưng về tước hiệu, không phải họ.

* "CHIM LẠC" TRÊN ĐẢO BORNEO

Tổ tiên người Dayak đã di cư từ lục địa châu Á ra đảo còn xa xưa hơn nữa, cách đây khoảng 3.000 năm.

Bạn có nhớ, hình người đội mũ lông chim trên hoa văn trống đồng Đông Sơn? Trên thực địa chẳng tìm thấy dấu vết tộc người nào ở VN còn đội mũ lông chim cả!

Khám phá bất ngờ đầy thú vị khi đặt chân lên Borneo: người Dayak tại đây sử dụng mũ được kết bằng những chiếc lông chim dài.

Và, còn độc đáo hơn nữa là hai linh vật trong truyền thuyết về sự ra đời của tộc người Dayak: RỒNG và CHIM THẦN!

Đặc điểm này đâu khác gì so với cư dân Việt cổ luôn coi mình là “con Rồng cháu Tiên”, tôn vinh chim Lạc.

* "NHÀ SÀN HÌNH THUYỀN" TRÊN ĐẢO SULAWESI

Kiểu “nhà sàn hình thuyền” được khắc trên trống đồng Đông Sơn có mái cong lên như hai đầu mũi thuyền (ở hai đầu nhà có hai cột chống và ở giữa có kê thang để lên sàn) là một kiểu kiến trúc gây băn khoăn cho giới nghiên cứu. Các dữ liệu lịch sử lẫn dữ liệu thực địa về kiểu “nhà sàn hình thuyền”, không còn tìm thấy tại Việt Nam!

Trong khi đó, trên đảo Sulawesi, nhìn thấy nhà sàn của tộc người Toraja, không khỏi ngỡ ngàng: dường như "nhà thuyền" từ trống đồng Đông Sơn đang hiện hình lừng lững trước mắt!

Nhà sàn hình thuyền là một đặc điểm thu hút du khách đến với Sulawesi hiện nay.

THAY LỜI KẾT

Đi xa, để tìm thấy hình bóng cội nguồn được lưu giữ - bất chấp thăng trầm biển dâu...

Theo một qui luật phổ biến, những lưu dân thường cố gắng giữ lại một số đặc trưng về ngôn ngữ, kiến trúc, về tập tục nguyên bản của “cố hương” (trong khi đó tại nguyên quán do biến thiên thời gian hàng trăm năm, ngàn năm và do giao lưu văn hóa đã dẫn đến việc xáo trộn kiến trúc, tập tục, thậm chí biến mất…).

---------------------------------------------------------

- "Turun Cicik" (có thể là biến âm của "Trưng Trắc"), người nữ đứng đầu một thị tộc (trong hình, đứng thứ ba từ trái sang) với trang phục khác hẳn xung quanh.

- Mũ đội "chim thần" của người Dayak.

- "Nhà sàn hình thuyền" trên đảo Sulawesi.




Nguồn: Nguyễn - Chương Mt