ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2022

Cuộc lễ Vinh quy của Cha Giuse Phạm Văn Thiên

 CUỘC LỄ VINH QUI CỦA CHA GIUSE THIÊN

Tại Đất-đỏ (Bà rịa) ngày 4 Avril 1934

Cuộc lễ Vinh qui nầy là nhờ có cha sở và quới chức trong họ, các dì phước và cha mẹ bà con của cha mới đồng tâm hiệp lực, chẳng nệ tốn của hao công, nên ra vẻ long trọng.

Ngày áp, từ 12 giờ tới 4 giờ rưỡi chiều. Bổn đạo già trẻ kéo tới dập dìu thật đông. 3 giờ đánh chuông chập nhứt tựu tại sân nhà thờ, 3 giờ rưỡi lo sắp hàng thứ tự. 4 giờ chuông hiệp nhì đi hai hàng thẳng tới ngã ba lộ nhà nước rồi quay đầu trở về đứng đợi giờ cha mới về. Còn hai bên thì người ngoại đông hết sức, lớp đứng dưới đất, lớp trèo trên cây, lớp kiếm chỗ gò cao ngóng đợi, chen chơn không lọt. Có hai cậu lính y phục hẳn hòi, coi chừng ngừa dẹp. Hồi xe chưa tới, thì còn ngăn được, mà khi xe về tới thì hai bên tràn vào, xô đùa, bất kể lính, cai. Chung hết lương giáo cở ngoài 2 ngàn người.

Đúng giờ cha mới hẹn thì xe tới, có hai cha bổn hương là cha Joachim Thông và cha Ambroise Nhứt với hai thầy năm sáu quê ở Dinh xuống xe. Sẵn đó có dọn áo lễ cho cha mới và thầy năm thầy sáu, mặc liền cùng theo kiệu chậm rãi vô tới nhà thờ. Có trống đại cổ của làng đánh đưa theo, còn nhà thờ 3 chuông cứ kêu tiếp rước. Đàng rộng lớn đủ 2 xe hơi tránh, mà khi ấy chẳng còn một chỗ trống. Thật thiên hạ chốn rẫy bái mà tiếp rước thầy cả Chúa cách trọng như một Giám mục. Đáng khen cho làng Đất-đỏ.

Khi kiệu cha tới nhà thờ, thì thẳng lên bàn thờ làm phép lành trọng thể. Giữa phép lành hát kinh cám tạ ơn Chúa nghe cách khởi hoàn động lòng. Trong nhà thờ căn giữa bổn đạo quì chật hết, còn hai bên người ngoại cũng nghẹt. Dám xin Chúa vì phép lành cha mới làm tại họ Đất-đỏ đầu hết, ban ơn cho kẻ có tội, kẻ nguội lạnh trở lại. Cho kẻ lành sốt sắng thêm, cho kẻ ngoại giáo nhìn biết Chúa, hầu sau sum vầy một quê thật cùng nhau ngợi khen Chúa đời đời.

Mãn phép lành rồi tan, cha mới lên nhà mừng cha sở và các cha khách một chút; rồi về nhà mình. Ở nhà có ba làng cùng bà con hai bên nội, ngoại chực đợi hầu chào mừng cha và dưng của lễ.

Cha mới bước vô nhà, trẻ xướng bài ca mừng, trước mặt cha, bà con để của lễ cách trọng kiểu annam, như khi đi cho quan lớn, Xong bài hát, cha đứng dậy mời cha mẹ ngồi, rồi tỏ ít lời cám công ơn cha mẹ mình đã lo cho con học hành, chẳng sợ bề hao tổn, rày mới có sự vui như vầy. - Cha Giuse thật có phước lắm. Nhiều cha ngày Vinh qui thì kẻ gặp cha không mẹ, kẻ thấy mẹ mất cha, kẻ chẳng còn song thân chi cả. Thật đáng tủi! mà trong cuộc vui nầy, lời cha nói làm cho nhiều kẻ động lòng, nước mắt nhỏ sa! Sa vì chẳng phải tủi phận mồ côi! Sa vì mắt nhìn cha mẹ đặng phước thấy con, cùng đặng phước anh em sum toàn và hai bề nội ngoại, cô bác hai bên, Sa lụy ngọc đó là vì nức lòng mừng cho cha. Nguyện cho hai ông bà sống lâu nhìn con dấu yêu cho thỏa, cùng nên gương tốt cho nhiều gia thất bắt chước dưng con cho Đ C T hầu làm sáng danh Người.

Cha cũng dưng đôi lời cám ơn 2 bên bà con, có lòng chẳng nệ cực khổ lo sắm dọn nhiều đồ đạc mà dưng. Cha nói nhiều chẳng đặng, vì bởi lòng mừng quá sức nên lấy nước mắt thay mà thôi.

Ba làng: Phước-thọ, Phước-tị, Thạnh-mỷ cũng đem nhiều của lễ cách trọng thể dưng cho cha khi ấy nữa. Cha đáp đôi lời cám ơn làng. Sau mời cả ba làng dự yến. Lại mời các cha dùng cơm tối.

Qua chánh ngày là thứ tư, 4 Avril, gần 7 giờ, 2 cha bổn hương là cha J. Thông và cha A. Nhứt tới nhà cha mới mặc áo lễ làm thầy năm thầy sáu giúp. Ngoài sân bổn đạo, đồng nhi sắp hàng cầm cờ, cầm bông chực rước vào nhà thờ làm lễ cám ơn Chúa. Khi kiệu đi thì thấy ngoài đường người ngoại cũng đông nghẹt như chiều hôm qua, tới nhà thờ ngừng lại chụp hình chút, rồi thẳng lên bàn thờ làm lễ hát trọng thể. Phép lành chiều hôm qua và lễ hát hôm nay đồng phi hát nhiều kinh hay lắm. Đáng khen dì tập và trẻ, hết lòng chịu cực tập nhiều ngày mệt mỏi! Sau Evang, cha Phaolồ Đạt là chánh sở Bàrịa, giảng một bài hiến cha mới, giục nhiều gia thất noi gương cho con mình làm tông đồ Chúa, cùng bày vẽ quờn chức thầy cả trọng là làm sao, cuối cùng, cha chúc nguyền cho cha mới sốt sắng làm việc Chúa và cùng chúc mừng cho cha mẹ bà con của cha mới sống lâu dài ở thế, sau lãnh phước trọng Chúa dành để trên trời...

Giờ rước lễ, bổn đạo rước cũng đông. Rồi lễ quới chức mời hết các cha cùng cha mới và thầy năm thầy sáu ở họ Dinh lại nhà trường, hầu trẻ đọc bài mừng. Bài mừng thì hai phe, phe nam ca nhiều bài giọng và văn hay. Phe nữ thì dì phước lo. Sắp nhiều bài dài và trở nhiều giọng hay lắm. Xong rồi cha mới đứng dậy, cám ơn trước cha sở và các cha.

Cha mới có mời nhiều cha khách khác, mà bị đàng xa nên kiếu nhiều, phải chẳng trúng tuần đầu tháng chắc đi đông. Dầu đi chẳng đặng mặc lòng, có cha cũng gởi lễ mọn chút ít chung vui với cha. Sau cha mới cám ơn quới chức họ Dinh chẳng nại đàng xa mà chung cuộc vui và quới chức cùng bổn đạo họ Đất đỏ có lòng tưởng phụ giúp cho cuộc lễ ra xinh. Lại cám ơn các dì. Đoạn cám ơn hai bên nam nữ có công lớp hát lớp dọn. Sau hết cha ban phép lành rồi mời cả thảy quới chức 2 họ tới nhà cha dùng chút tiệc lấy thảo. Đứng trưa mời các cha vầy tiệc tại nhà cha mới. Trẻ nữ lại còn ca một bài trước tiệc rất hay. Sau hết chúc cho quới chức họ Dinh và Đất-đỏ cùng các ông các bà, bổn đạo và hương thức các làng, hết thảy có lòng tựu chầu lễ nầy, đặng vạn vạn sự lành nơi tay phép tắc Đ C T đời nầy và đời sau.

M. Hạnh.

. Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1934

 

 


Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

Đám táng Cha Giuse Nguyễn Tri Thơ

Táng xác Cha Giuse Thơ

Sớm mai ngày thứ ba 18-1-27, trên tháp nhà thờ họ Phó-hài, vang tiếng chuông trầm, tai nghe phát chạnh lòng cám cảnh, đó là tiếng chuông rao lễ Qui lăng.

Bổn đạo các họ xung quanh, Kim-ngọc, Phan-thiết, Phú-hội, Tầm-hưng và Rạng, đã tựu tề chực sẵn, Cha Phêrô Ngôn ở Kim-ngọc, coi họ Phó-hài, cha Lefebvre chánh sở Phan-thiết cùng cha phó Fran-cois Nhơn, cha Delagnes Thủ ngân trường Latinh Saigon, cha Phaolồ Quang giáo sư trường Latinh, cha Phaolồ Đạt nhà in Tân-định, thầy sáu Tiên cùng dì phước dạy hai trường Phan-thiết và Kim-ngọc đến chầu lễ. Nhà thờ họ Phó-hài ngày nay không đủ chứa. Sáu giờ một khắc hát lễ Qui lăng trọng thể. Lễ đoạn, bổn đạo sắp cờ giàn ra trước, đồng nhi, dì phước, các cha đều đưa cha Giuse đến phần mộ nơi đất thánh họ Phó-hài.

Nhờ cha Phêrô Ngôn sắp đặt, và bổn đạo của người tại họ Phó-hài hết sức trang công, nên cuộc tống táng rất oai nghi long trọng, tưởng thuở nay chốn nầy chưa hề thấy như vậy. Ông Hộ Thi chẳng nệ hao tổn, xây kim tĩnh toàn đá núi, dưng hòm sao chắc chắn, và thỉnh rạp xứng đáng cùng thiết đãi ai nấy, cho toàn cuộc tống chung. Từ thứ bảy cho tới sớm mai thứ ba, quới chức cùng bổn đạo Phó-hài thay phiên canh xác, cùng cầu lễ luôn ngày luôn đêm; bổn đạo các họ gần cũng đua nhau tới viếng xác cùng cầu nguyện. Ấy là việc yêu người kẻ có đạo làm cho cha Giuse lần sau hết rất đáng ký bia.

Nguyện cho cha tới thiên đàng tiêu sái. Amen!

COMMUNIQUÉ DE L'ÉVECHÉ

Monseigneur recommande aux prières du Clergé et des Fidèles le Père Joseph Thơ décédé à Phó hài (district de Phan thiết) le samedi 15 Janvier 1927.

Cha Giuse Thơ sanh ra năm 1848 tại họ Mỷ hảo, gần Thủ dầu một. Người đã sang học tại trường lớn Pinăng, chịu chức thầy cả tại Saigon ngày 16 Mars 1878 cùng làm giáo sư tại trường Latinh Saigon. Đến năm 1881 người đổi lên coi họ Thủ đức, năm 1887 làm cha sở họ Búng. Từ năm 1894 cho tới năm 1915 người ở tại họ Cái mơng trên 20 năm. Người coi sóc họ Cái thia gần 1 năm rồi đổi qua Ngủ hiệp là năm 1916, người là cha sở thứ nhứt họ nầy. Tháng Février 1918 người về nghỉ tại Lương hòa, qua năm sau người hưu trí về Chí hòa. Tháng Novembre 1926 người xin ra ngoài Phó hài, trông cậy sẽ giúp dạy mấy người chầu nhưng, song thấy sức lực mòn thì người muốn chết tại Phó hài và an táng tại đó.

R. I. P.

*************************

. Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1927

 

 

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

Họ Tân Hưng

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------------

HỌ TÂN HƯNG

Hai làng : Tân Hưng và Trung Hưng, Hạt Gia Định.

-------------------------

1 - Gốc lập Họ

Trong năm 1861 cha Puginier sau làm Đức cha Hà Nội khi ấy giúp tạm Địa phận Saigon, coi họ Thị Nghè cùng lo mở mang việc giảng đạo tới Hóc Môn, Cha đã làm cho ông Trần tử Ca trở lại đạo chịu phép rửa tội, ông nầy khi ấy là hương chức tại làng Hanh Thông Tây, kế đó Nhà nước Langsa đặt người lên làm cai tổng.

Từ ấy thì ông Trần tử Ca thăng chức mau lắm, sau đã làm Đốc phủ sứ, và người hằng dùng dịp tốt mà khuyên bảo dân sự vô đạo, cho nên đã có nhiều kẻ nghe theo mà xin thọ giáo. Bỡi vậy khi cha Lý (Galy) tới thế cho cha Puginier, thì đã lập chỗ ở đặng tại Bà Điểm, cùng lo dạy những chầu nhưng đạo mới ở lãi rải mấy nơi từ Gò Vắp tới Hóc Môn.

Cha Lý rửa tội cho người chầu nhưng đầu hết ở tại Tân Hưng là một ký lục của ông Đốc phủ Ca, tên là thầy Nguơn, đã lên làm phó cai tổng Bình Thạnh Hạ, là trong năm 1869. Khi ấy có bà Lành là cựu bà nhứt Nhà phước Cái Mơn, cha Lý xin bà tới ở Tân Hưng đặng dạy vợ con thầy Nguơn học đạo, và sau khi cha Lý qua đời rồi, thì cha Vĩnh (Le Vincent) đã rửa tội cho vợ con thầy ấy. Nhờ bà Lành lo lắng dạy dỗ nên có bảy tám nhà khác bà con với vợ chồng thầy Nguơn đã trở lại đạo, cha Thành rửa tội cho những kẻ ấy trong năm 1871 và năm 1874.

Cho nên gốc họ Tân Hưng đã lập ra là từ đó.

II. – Các cha coi Họ

Vậy trong đời Đức cha Gioang cai trị Địa phận, thì cha Lý trong năm 1869 đã rửa tội cho người bổn đạo đầu hết, cùng mở việc giảng dạy tại làng Tân Hưng.

Kế đó cha Thành và cha Vĩnh từ năm 1869 tới năm 1874 ở tại Bà Điểm cùng là tại Hóc Môn qua lại Tân Hưng mà dạy dỗ mấy người mới vào đạo, số khi ấy đã tới trăm; có cất một cái nhà thờ lợp bằng tranh năm 1872, bổn đạo tựu lại đó mà nghe cha giảng dạy, cùng là hiệp nhau tại nhà trường của bà Lành và chị bà đã lập; bà thì lo dạy đồng nhi và chầu nhưng lớn học kinh phần lẽ đạo. Gần nhà thờ và nhà trường thì có cất một nhà lá để khi cha tới họ thì ở đó, chỗ miếng đất cất nhà thờ, nhà trường và nhà cha sở là đất của một người ngoại đã dưng, là cha của xã Thiện, người nầy sau đã vô đạo, một người bổn đạo khác là ông câu Đủ đã dưng miếng đất đặng mươi sào, để làm đất thánh.

Qua năm 1874, đời Đức cha Mỹ (Mgr. Colomber), thì cha Báu (Leprince) đổi lại thế cho cha Vĩnh; cha Báu ở tại Hóc Môn cùng cứ lệ như mấy cha trước, mỗi tháng thì tới viếng họ Tân Hưng một lần. Khi ấy sổ bổn đạo dầu không đặng chóng thêm nhiều, mà thật thảy đều sốt sắng, mỗi Chúa nhựt thì hiệp nhau đi bộ với bà Lành đặng tới hoặc tại Bà Điểm, hoặc tại Tân Đông mà xem lễ, đàng đi cách xa năm sáu ngàn thước.

Tới năm 1877 cha Điều đổi lại thế cho cha Báu. Khi ấy ông Đốc phủ Ca lập một chợ tại làng Trung Hưng kêu là chợ Cầu hay là chợ Mới ngang làng Tân Hưng, và cất nhà cữa cho con là Trần tử Dực ở tại chợ ấy, cùng năng lui tới ở tại đó. Ông Đốc thấy nhà thờ ở xa quá, mới tính với cha Điều đặng dời nhà thờ lại cho gần hơn; cho nên đã mua một miếng đất chừng một mẫu, giá 150 quan tiền, chỗ cách xa chợ cũng bằng cách xóm có đạo Tân Hưng, cho nên là ở giữa hai nơi, cùng dưng miếng đất ấy cho cha đặng cất nhà thờ. Vậy cha Điều lấy đá gạch đồn Thuận Kiều đã phá ra, của quan Đốc phủ cho, mà làm một nhà thờ trên lợp ngói tại chỗ đó, lại cũng cất một nhà lá cho cha ở khi tới viếng, và một nhà cho bà Lành và chị người ở cùng làm nhà trường luôn. Còn chính họ cha Điều ở thường là Hóc Môn. Khi ấy số bổn đạo tại Tân Hưng đặng 140 người.

Trong lúc ấy có một đứa gái ngoại đau một bệnh lạ, không thuốc nào trị được, ai nấy đều nói là nó bị quỉ phá, mà nhờ bà Lành đi đọc kinh cầu nguyện cho, nên nó đã đặng mạnh lại; xã Thiện là cha đứa gái nầy, và nội gia thất nhờ đó mà tin kính Chúa cùng trở lại đạo hết.

Qua năm 1881 cha Thạch đổi lại thế cho cha Điều, và cũng ở tại Hóc Môn như mấy cha trước, cùng đi qua lại viếng mấy họ là Bà Điểm, Mỹ Huề, Tân Đông và Tân Hưng; cha Thạch đã đặt lên tại Tân Hưng mười người chức việc, hai ông câu, bốn người biện và bốn người giáp; (Trần tử Dực là con ông Đốc phủ Ca và Nguyễn hữu Giêng là hai ông câu ) đứng đầu trong họ.

Còn bà Lành thì cứ lo việc dạy dỗ tại trường họ cho tới chết là năm 1883, bổn đạo đều trọng kính bà lắm, vì gần hết thảy đều nhờ bà dạy dỗ học đạo. Đức cha Mỹ, đã xuất của riêng ngài mà dạy xây mồ mả của bà tại họ Tân Hưng, bà nầy hồi bắt đạo đã phải tù ngục và đòn bọng vì danh Chúa tại khám Vĩnh Long, trước khi Nhà nước Langsa chưa thu nhập tĩnh ấy.

Khi cha Thạch ở tại Hóc Môn, ngày Chúa nhựt 8 Février 1885 cha làm lễ tại Tân Hưng, có ông Đốc phủ Ca tới xem lễ tại đó. Sau lễ rồi thì ông nầy nói chuyện với con là Trần tử Dực và chỉ một khoảng đất trống giữa hai cây xoài trồng phía sau nhà thờ mà rằng: Cha muốn con chôn xác cha tại chỗ nầy, nên bây giờ con hãy lo đào huyệt cho sẵn đi. Trần tử Dực nghe cha mình nói vậy thì bộ buồn mà trả lời rằng: Chuyện gì mà cha lo chết, cha còn sức khỏe mạnh giỏi, nói chi tới việc mả mồ, để sau đã. Ông Đốc phủ rằng: “Mà cha nói cho con rõ, cha muốn con chôn xác cha tại đó, vì cha biết chắc ngày giờ cha chết không còn bao lâu, lại con cũng phải đào luôn hai cái huyệt, một cái cho cha, một cái cho mẹ con nữa.”

Mà thật sự quan Đốc nầy thấy trước thì ứng nghiệm, vì chiều ngày ấy thì người trở về Hóc Môn, và lối 8 giờ tối thì đã phải quân ngụy giết cùng đốt phá nhà cữa tan hoang, còn bà Đốc thì bị lửa cháy mà chết thiêu trong nhà.

Qua ngày sau, có quan Nguyên Soái và các quan tại tĩnh tới đưa xác ông Đốc và bạn người cách trọng thể qua nhà thờ Tân Hưng, lại có một cơ lính bộ và lính thủy theo hầu xác, vì quan Đốc phủ đã đặng thưởng thọ Ngũ đẳng bửu tinh (Chevalier de la Légion d’honneur). Làm các lễ phép tại nhà thờ rồi, thì đem chôn xác hai ông bà tại nơi chính mình quan Đốc phủ đã chỉ hôm qua đó.

Một việc nầy đáng ghi lại nữa, là xác bà Đốc phủ đã phải lửa cháy, mà trong mấy ngón tay còn vấn chuỗi lần hột, và áo Đ C Bà người mang trên cổ cũng còn y nguyên, không có bị cháy hay là nám chút nào hết. Mồ mả hai ông bà thì con cháu người đã xây lắp tốt lành, bây giờ còn đó, nên dấu nhắc lại cho hậu lai, kẻ Chúa đã dùng mà gieo trồng đạo thánh Chúa trong miền ấy.

Quân ngụy cũng đã đốt nhà thờ và nhà cha sở, chúng nó tưởng là có cha Thạch ở nhà; thời may bữa đó làm lễ tại Tân Hưng rồi thì cha ra Saigon, phải mà trở về Hốc Môn thì cũng đã phải chúng nó giết chẳng sai. Nhiều nhà bổn đạo tại họ cũng phải quân ngụy đốt phá, cho nên ai nấy đều chạy trốn; và sau đó thì cha Thạch bỏ Hóc Môn mà qua ở tại họ Tân Hưng, thì có mươi gia thất theo cha, mà về cất nhà cữa tại Tân Hưng, là lối giữa tháng Février năm 1885.

Vậy trước thì bà Lành chết, sau Ông Đốc phủ Ca bị giết, cho nên có nhiều chầu nhưng đạo mới non gan nhát sợ, đã bỏ đạo mà trở về ngoại. Dầu vậy trong kỳ lấy sổ năm 1887-1888 cha Thạch ghi cho sở Tân Hưng số 248 người có đạo.

Nhà thờ nhỏ bằng gạch của cha Điều làm, đã hư gần sập, cho nên trong năm 1888 và 1889 cha Thạch đã cất một nhà khác, nửa bằng gạch nửa bằng cây ván, trên lợp ngói, tạm đỡ làm nhà thờ cho tới năm 1908, bổn đạo kẻ giúp của người giúp công mà làm nhà thờ tạm ấy.

Cha Thạch tính lo làm nhà thờ mới lớn tốt, nên trong năm 1894 đã khởi sự đào hầm xây nền, chẳng hay qua cuối năm 1895 thì cha đổi đi và cha Thông (Gerber ) đổi lại; số bổn đạo khi ấy được 256 người.

Đức cha Để (Mgr. Dépierre) đổi cha Thông lại Tân Hưng, có ý lập họ nầy làm chánh địa sở. Vậy trong năm 1896 cha đã cất trường học và nhà phước bằng ngói gạch, lại qua năm 1897 cha cất một nhà để nuôi trẻ mồ côi cũng bằng ngói, cùng cất nhà cha sở cột cây trên lợp tranh.

Cha tính làm nhà thờ cho lớn tốt hơn cái họa đồ của cha Thạch đã làm, mà tiền bạc không đủ, cho nên từ năm 1895 tới năm 1907 cha lo thâu góp đặng mà làm, bổn đạo nội họ Tân Hưng góp được một số 1633$; cha xin các cha trong địa phận giúp đặng 8000$; còn bao nhiêu nửa cọng chung hết thảy tới 21.000$ thì là của nhà ông Denis Lê-phát-An dưng, vì trong năm 1907 ông nầy đã đặng ơn lạ Đức Mẹ thành Lourdes chữa cho thuyên bịnh; nên người đã hứa giúp bạc mà làm nhà thờ họ Tân Hưng cho rồi, đặng dưng kính cho Đ. C. Bà chẳng hề mắc tội tổ tông, mà tạ ơn Đức Mẹ.

Nhờ đó cho nên công việc làm nhà thờ đã đặng mau hoàn thành, ngày 20 Février năm 1908 thì rồi. Nhà thờ vừa rồi thì cha Thông mệt đau, nên đã về tây nghỉ, và cha Sắc (Cransac) đổi lại Tân Hưng cùng lo sắp đặt các công cuộc phía trong nhà thờ; qua ngày 10 Mars 1908, Đức cha Mão (Mgr. Mossard) đã làm phép nhà thờ mới ấy, bổn đạo ai nấy đều vui mầng hớn hở, vì rày trong họ có nhà thờ lớn rực rỡ tốt lành.

Nhà thờ nầy làm theo kiểu Rôma, bề dài được 32 thước, bề ngang rộng đặng 16 thước, ở trong có ba lòng căn, trên nóc đều tô da trời, cho nên sánh lại thì không thua mấy nhà thờ nhiều họ lớn trong Địa phận.

Cha Sắc coi họ Tân Hưng cho tới năm 1912, rồi thì cha Matthêu Chiểu đổi lại, và ở đó cho tới năm 1916 (Juillet). Bây giờ thì cha Marôcô  Châu ở tại họ Tân Hưng.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

 

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

Lược biên sự tích Cha Phêrô Nguyễn Nghi Sao

LƯỢC BIÊN SỰ TÍCH

CHA VÊRÔ NGUYỄN NGHI SAO

----------------------

Thương hỡi! mạng người đời nào khác ngọn đèn, gió tạt qua đà mất dạng. Đã hay sanh ký tử qui, dầu vậy ai không tiếc người hiền ngỏ!

Hôm mồng 4 tháng giêng tây năm nay, cha Vêrô Nguyễn nghi Sao tị trần mà về cùng Chúa. Người sinh ra ngày 24 tháng 10 năm 1865, cha mẹ cũng trang bảo hộ, mà nhứt là biết giữ đạo, ân cần lo cho con cái biết đàng lành từ niên ấu.

Cha Sao là con trưởng nam, noi gương cha mẹ, nên từ bé đã mộ đàng phước đức. tuổi vừa 12 thì xin cha mẹ mà vào trường Latinh ở Cái Nhum, cách vài năm lại lên trường Sài Gòn. Mấy năm ở trường, người cứ thêm lòng đạo, chí thú việc học hành. Ở giữa anh em hằng giữ lòng hòa nhã, trên thuận dưới an; nên ai tới gần người càng thêm mến đức.

Mấy năm còn làm thầy cúi đầu vưng lịnh Bề trên, ra lặn lội mở mang nước Chúa, lao khổ không nài; có gặp chuyện khó lại vui, cứ 1ấy câu vưng ý cha làm mà giải muộn.

Qua năm 1896 người chịu chức thầy cả, đoạn ra làm cha phó giúp họ Đất Đỏ ba năm; rồi tách ra coi họ Cù Mi bốn năm. Đó rồi lại vưng lời Bề trên về coi họ Tân Triều. Người làm việc tại đây cho tới ngày thệ thế, được ước chừng 6 năm rưỡi.

Vã mấy năm người coi bọ, thì người ân cần việc Chúa không sá tới thân mình, cứ một tiếng: Cực thì cực, không sao, miễn là sáng danh Chúa thì thôi, ở giữa đoàn chiên, người bền một lòng nhịn nhục; bởi vậy, nhiều tay cứng cỏi, mà thấy người từ hậu, nó phải chịu thua: Ấy là nhu nhược thắng cang cường.

Lúc còn đang nông công mở nước Chúa, bỗng nghe tiếng Chúa đòi về thưa gởi. Người thọ bịnh, nằm không tới nửa tuần mà phải bỏ thế.

Ít ngày trước, người thấy trong mình khó ở, nhưng vậy cũng cứ lo dọn trẻ rước lễ vỡ lòng. Chính ngày bao đồng, là 1 Janvier, thì có cha phó Chợ Quán lên giúp. Cha đã hết sức chịu, mà cùng giả mặt vui, kẻo buồn trong họ. Đến tới đêm đỏ, dọn bài gẫm rồi, người giã cha Chợ Quán đi nghỉ; vô phòng ít giờ cha Chợ Quán nghe động, bèn dậy thắp đèn vào thăm, thấy người nhào lộn, bộ đau đớn quá; người xin cha Chợ Quán về phòng nghỉ, cơn rét chút không có làm sao. Cha Chợ Quán tin bằng lời, trở về phòng. Sáng dậy, qua hỏi, thì người nằm ngó, chớ không nói gì nữa. Cha Chợ Quán thấy chứng bịnh lạ: đau sao không chịu nói gì hết; thuốc bổn đạo đem tới uống, bịnh càng tăng. Cha Chợ Quán giao người cho quới chức lo, còn ngài lật đật trở về Sài Gòn đem tin. Cha sở Xóm Chiếu hay, bèn tốc tã lên rước về. Tới nhà trường, đem lên nhà thương, cha cứ tê mê cho tới chiều ngày 4 Janvier, người tị trấn lối 6 giờ 15 phút. Bà mẹ lên kịp giờ người hấp hối. Trúng lúc nầy các cha tây cấm phòng, nên năng lên xuống viếng thăm, canh giờ. Chiều mồng 5, đem xác cha về nhà thờ; các cha gần đủ mặt tề tựu hát kinh rồi, đưa lên đất thánh, gần nhà thờ Chí Hòa.

Hỡi ôi!

Cơ tạo khéo cày vần!

Gẫm cuộc trần thảm não!

Long vân năng hiệp tán

Suy ngãi đạo sầu thương.

Nhớ ngọc hữu:

Tâm tình đại độ,

Tánh nết từ nhường

Trọn niềm tin ngãi với tri âm.

Tríu trăn chí thiết:

Vẹn tiết lễ nhơn cùng thân ngoại,

Yêu đãi mọi đường.

Những tưởng doan bằng hữu còn dài,

Trong khoái dạ vui amn một chỗ,

Nào hay số mạng sinh đã vån

Rất đau lòng li biệt hai phương !

Ôi!

Chuỗi sầu khôn kể,

Cơn lụy khó lường.

Giả đưa Ngọc Hữu tới Thiên đàng,

Hưởng phước lành muôn đời vĩnh thọ!

Xin nhớ lương bằng còn địa cảnh,

Cầu thánh sủng thường xuống an khương.

Nay văn.

Kim Bằng Cảm Khốc

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1910

 


Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

Lễ Vàng Cha Phêrô Đoàn Công Triệu tại Họ Nha Ràm

LỄ VÀNG CHA PHÊRÔ ĐOÀN CÔNG TRIỆU

(Tại họ Nha-ràm)

Chánh ngày 18 Février 1926, bổn đạo họ chánh Nha-ràm và các họ xung quanh của cha Phêrô Đoàn-công-Triệu coi sóc là: Họ Vạn-phước, Phước-khánh, Mỹ-điền, Cần-đước, Cần-giuộc, Bà-đắc, Rạch-chanh và Long-định đều tựu hiệp. Tám giờ sáng khi xe hơi Saigon đi rước các cha đã đến. Thì kế tiếp theo hai xe hơi Gia-định xuống, 1 xe của ông Đốc Tuấn, chở bà con và gia quyến, 1 xe Camion nữa chở bọn nhạc Gia-định và mấy người ở Nha-ràm lên làm ăn ở miệt Saigon và Gia-định. Có mấy thầy Dòng và Dì phước bà con cùng là con cái của cha Phêrô cho đi tu cũng tựu đến.

Đúng 8 giờ rưởi khỉ sự, các cha rước cha Phêrô Triệu lên nhà thờ làm lễ, có nhạc theo đánh. Xem lễ tới đọc Evang rồi, thì cha Phaolồ Đạt lên giảng một bài nói về đấng làm thầy cả và nhắc lại công lao của cha Phêrô trong 46 năm trường ở hạt Phước-lộc, đoạn cha Phêrô làm lễ tiếp cho đến hoàn thành.

Đây tôi kể sơ qua cuộc tiếp mừng cha: Trước hết cũng nhờ có cha phó là cha Nguyễn-tấn-Sử, khéo sắp đặt dọn dẹp cuộc Lễ Vàng. Tại nhà cha sở dọn một tòa nghi tiết, trên hết có treo một mũ triều thiên, thả thòng tụi xuống đủ màu, ở trước đó một thánh thiên thần cầm tấm giấy băng đề: “Vạn tuế Cha Phêrô” dưới để kiển, bông hoa, cờ xí rực rỡ. Trước hết bổn đạo nam nữ họ Nha-ràm cùng các họ xung quanh đọc bài ca ngâm thánh thót, trổi giọng mừng vui xem ra như chủ chăn ngồi giữa, còn cả đoàn chiên bao phủ xung quanh. Đọc dứt các bài thì cha Phêrô đứng dậy làm phép lành và trả lời cám ơn công trình các cha khó nhọc đang xa mà đến, cám ơn hết thảy các bổn đạo xa gần. Ngài xin Chúa hằng xuống phước cho các con chiên mình. Cha tiếc một đều trong hạt Phước-lộc ít trổ sinh ra cho nhiều đấng làm thầy cả.

Cha Phêrô dứt lời kế cha Nuôi đứng dậy thay mặt các cha và trong bổn đạo, Ngài nói vắn tắt ít lời vì Ngài khi làm thầy phó tế có ở Nha-ràm, Ngài cám ơn Chúa vì hằng gìn giữ cha đặng mạnh giỏi đến rày, sau thì khuyên bổn đạo trung tín cùng chủ chăn mình cho đến cùng. Cha dứt lời kế ông Nguyễn đức Tuấn, là người quê hương ở Nha-ràm thay mặt cho bà con anh em và mấy người cũng gốc gác ở hạt Phước-lộc, bây giờ đi tha phương làm ăn, mà có đôi lời cùng cha Phêrô. Trước hết thì cám ơn cha vì dày công khó với bổn đạo từ thuở ông bà cha mẹ đến bây giờ, đã 46 năm trường, biết mấy ngàn ơn phước rưới khắp nơi nơi, biết mấy ngàn lần nhọc nhằn cay đắng, sau thì xin lỗi cha vì trong bầy chiên cũng có kẻ xiêu lạc cũng có kẻ lầm lỗi mất lòng chủ chăn, nên xin cha rộng tình thương xót thứ tha và sau hết thì chúc cho cha trường thọ sống lâu hơn nữa, ước ao cho cha đến lễ Ngọc. Trong lúc ông Đốc nói thì thiên hạ thảy động lòng, đều sa nước mắt, nói dứt lời thì hết thảy lạy cha hai lạy.

Cha Phêrô cùng cầm nước mắt chẳng đặng, vội vàng đứng dậy trả lời dịu dàng êm ái. Ngài cám ơn các con chiên ở xa mà về vầy hiệp nhau, sau thì cám ơn ông Đốc vì hết lòng lo cho cuộc lễ nầy nên nghi tiết, sau hết cha buồn một đều là các con phải xiêu lạc kiếm thế làm ăn, nên họ Nha-ram phải là lần bớt người lo lắng và bớt số bổn đạo. Người ước ao làm sao cho đặng sum vầy như trước. Dứt lời cha quì gối chấp tay cách khiêm nhượng xin các cha chúc ban phép lành cho Người. Kế bọn nhạc Gia-định trổi tiếng xướng ca rộn ràng inh ỏi, một chặp thì M. Nguyễn -ỷ-Thành ra đứng giữa đọc một bài chúc mừng chánh tế đã đến lễ Ngũ tuần. Trước là mửug vì nay được đến chúc mừng cha, gần 50 năm ở miệt Phước-lộc biết bao nhiêu công lao khó nhọc nay đã 83 tuổi, lụm cụm, đầu bạc, răng rụng, tai điếc mắt lờ mình gầy tuổi hạc, sánh cha như cây đại thọ che cho kẻ hành lý ẩn dưới gốc cây cao cả. Cha như ngọn đèn giữa gió mà chẳng lạt xao, cha vững bền cầm lái thuyền hội thánh mà thẳng vào tới bến, rồi thì xin lỗi cho các con chiên cứng cổ cứng đầu, sau hết cầu chúc cho cha trường thọ bá niên hầu sau đặng kẻ chăn cùng đoàn chiên sum vầy trên nước thiên đàng.

Đọc dứt bài thì nhạc ca hát đánh tiếp một chặp nữa, kế sau hết, một trò nhỏ là Gioan Bt Toản ra giữa đọc một bài Ca suôn thanh thao, dạn dĩ mừng thần phụ Phêrô đã đến Lễ Vàng, cha đã noi gương thánh bổn mạng mình, vì thánh Phêrô xưa là người chài lưới cá, sau Chúa chọn làm tông đồ cả. Còn cha Phêrô cùng là tông đồ đời nay, hơn 50 năm chèo chống lên xuống trong mấy họ đã kể trước, đặng mà chài lưới bổn đạo trong hạt Phước-lộc. hầu dìu dắc mà đem tới nơi an nhàn tiêu sái là nước thiên đàng, đọc dứt bài thì ca nhạc tiểp luôn cho đến mãn cuộc mừng, quá 12 giờ trưa.

Mừng xong rồi thì cha Phêrô mời các cha và mấy ông mấy thầy dự tiệc tại nhà cha, có một đều cũng là ngộ, là cha đãi ăn ba cách, trước hết là đồ tây rồi ăn đồ annam, sau hết thì ăn đồ chả. Đến từng chóc thì uống sâm banh dưng chúc vạn tuế cho cha lần sau hết. - Còn về bổn đạo xa gần thì đại tiệc trong hai cái nhà riêng trong họ.

Mãn tiệc xong thì các cha nghỉ một chút, tới hai giờ rưỡi chiều chụp hình các cha và bổn đạo, đến 3 giờ rưỡi thì xe hơi đưa các cha về và bổn đạo ai nấy phỉ tình hoan lạc lãi rãi cũng ra về.

Nguyễn-tâm-Chánh,

MỪNG LỄ NGŨ -TUẦN TẠI HỌ NHA-RÀM

Mừng vì Thần-sứ, mừng chánh tế đã đến lễ Ngũ-Tuần. Kính lạy Phụ-thân, chúng con thật hoan hỉ lẫy lừng, vì đặng phước đến chúc mừng thần phụ. Năm mươi năm công trình gồm đủ, đấng chăn lành gìn giữ bầy chiên. Dầm nắng mưa cực nhọc chẳng ưu phiền, miền Phước-lộc ruổi tìm con chiên lạc. Tám mươi ba thu mình gầy tuổi hạc, răng chẳng còn đầu thì bạc phê phê. Cha nay như cây đại thọ nhành lá sum sê, che cho người hành lý ẩn dựa kề nơi cội cả. Dễ sợ chi thiên quang nắng hạ, ym mát thay miệng ca hát, tay khảy cầm. Nay chúng con cám nghĩa tình thâm; toại lòng thay như nắng cả gặp mưa dầm, phỉ dạ bảy tợ cá kia trầm dưới vực. Năm mươi năm trường nhọc nhằn hết sức, muôn ngàn và phước rưới khắp mọi nơi. Xin Chúa trên nhuần gội trả công người, ban ơn đặng chứa chan hồn và xác. Lòng kính Chúa yêu người vặc vặc, dạ khử trần lánh tục phao phao. Cha như đèn giữa gió chẳng tạt chẳng xao, bền lái vững thẳng xông vào tới bến. Đường chông gai sỏi sành diệu viễn, nẻo gập ghình lên xuống quanh co. Ơn Chúa trên gìn giữ lắng lo, cho thần phụ ấm no hồn xác. Hởi thương thay! lại ra phụ bạc, mà kẻ chài nhiều lúc ưu sầu. Cũng bởi chiên cứng cổ cứng đầu, làm nhiều lần ngậm cay uống đắng. Chúng tử nay dốc tình khấn khấn, cha nhơn từ xin khấn thứ tha. Con sấp minh cúi lạy xin cha, rộng tình dung thứ lỗi đà bấy lâu. Mừng cha rồi nghĩ lại thêm sầu, cha lụm cụm bạc đầu tai điếc. Công ơn cha kể sao cho xiết, biết lấy chi báo đáp nghĩa dày. Đấng đại tướng lão lai tuổi hạc. Chúng con vầy ca nhạc mừng vui. Xin ơn trên gìn giữ dưỡng nuôi, cho cha đặng thái bình nơi Phước-lộc. Chúc cho cha an nhàn vóc ngọc, cầu phụ thân trường thọ bá niên. Ở đời nầy dìu dắc đoàn chiên, hầu sau đặng thượng thiên an nghỉ. Cha cùng con sum vầy hoan hỉ, ngợi khen Chúa tể phỉ chí muôn đời.

Chúng tử đồng bái

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1926

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

Họ Thị Nghè

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

----------------------------

ĐỊA SỞ HỌ THỊ NGHÈ

----------------------------

I. - Gốc lập họ.

Họ Thị Nghè lập ra đã lâu năm, hồi cựu trào, song không rõ là năm nào, đời nào; hỏi mấy người già cả trong họ, thì ai cũng nói họ Thị Nghè đã có lâu trước mà thôi; còn ai đã lập và khi nào, thì không người nào biết. Vậy phần nhiều mấy họ xung quanh Saigon đã lập ra là khi binh lính Langsa lấy đặng thành Saigon (1859); thì những bổn đạo ở mấy nơi khác phải bắt bớ, nên đã đề huề thê tử trốn lên ở xung quanh Saigon, nương đục theo bóng cờ tam sắc nhà nước Langsa, cho đặng ở an làm ăn giữ đạo, khỏi lo sợ phải các quan annam bắt bớ nữa. Lúc ấy thì họ Thị Nghè đã có trước rồi, vì khi cha Delpech (Định) đến nhậm sở trong năm 1873, thì nghe ông trùm tại họ, trước là học trò của Đức thầy Vêrô, đã kể lại như vầy: Khi ấy nhà Đức thầy Vêrô ở chỗ trại lính làm thuốc đạn trái phá bây giờ, và Đức thầy qua lại Thị Nghè mà ngồi tòa, làm phước.

Khi ấy cũng có một nhà thờ tại họ, vì trong sách cha Louvet (Ngôn) làm (La Cochinchine Religieuse) có nói hồi Đức thầy tạ thế tại Qui Nhơn, thì vua Gia Long đã dạy đem xác người về Saigon, để tại dinh Giám mục, cho bổn đạo xa gần khắp nơi trong Địa phận đến mà đọc kinh cầu hồn cho Đức thầy. Sớm mai thì có cha làm lễ hát trọng thể tại nơi để xác, lễ rồi thì có giảng nhắc tích và công việc lúc Đức thầy đã làm; chiều lại bổn đạo ai nấy kéo qua nhà thờ họ Thị Nghè, mà hát kinh, cầu hồn cho Đức thầy.

Vua Gia Long vì lòng cảm mến những công ơn Đức thầy và trò đã phò trợ giúp mình, cho nên hằng tỏ ra lòng thương yêu kẻ có đạo; vậy nhà thờ và bổn đạo tại Thị Nghè đều đặng bình an; song khi vua Gia Long qua đời, vua Minh Mạng kế vị, thì lại nổi cơn bắt đạo; kẻ ngoại ở Thị Nghè lên soán lấy nhà thờ mà làm chùa; như vậy lâu năm, cho tới khi binh Langsa hãm đặng thành Saigon, thì bổn đạo trong họ biết mình đặng vững thế, không còn sợ gì nữa, nên đã soán lại cái chùa ấy cùng sửa lại mà làm nhà thờ, lại có nhờ một người có đạo giàu có, quí danh là ông chánh Giáo, dưng cho nhà chung một cái nhà tốt lắm; khi ấy Đức cha Lefèbvre mới sai cha Triêm tới nhậm họ Thị Nghè, vậy cha đã cất một nhà thờ kiểu an-nam, theo đời ấy thì, nhà thờ nầy tốt lành xứng đáng lắm. Ông chánh Giáo lại có một người anh tên Mười, làm trùm họ, ông nầy dưng một khoảnh đất rộng lớn, nhà thờ đã cất trên miếng đất ấy; cách lâu sau, nhà thờ dời lại chỗ nhà cha sở bây giờ; trong năm 1873 khi cha Delpeel tới nhậm họ Thị Nghè, thì nhà thờ cũng còn chỗ đó, cho đến năm 1890, thì cha đã dời lại, cùng đã xây dựng nhà thờ mới đang còn tại họ bây giờ đó.

II. – Các cha coi họ.

Cha coi họ Thị Nghè đầu hết là cha Triêm, Đức cha Lefèbvre đã sai người nhậm họ nầy lối năm 1854: Khi cha Triêm ở đó thì cha đã lập họ Cầu Bông, vì đã có một ít nhà bổn đạo ở tại Cầu Bông, mà không có nhà thờ; vậy cha Triêm mua một miếng đất gần mả quan thượng công, trước tòa bố Gia Định, cùng cất một nhà thờ nhỏ cho bổn đạo tựu tới đọc kinh, và xem lễ khi cha đến họ. Sau nhà thờ nầy đã dời về chỗ khác, nơi đất dài theo đàng xe lửa Saigon - Hóc Môn. Khi Đức cha Gioang đổi cho Delpech (Định) về Thị Nghè trong năm 1873, thì nhà thờ họ Cầu Bông còn ở chỗ đó. Cách hai năm sau, nhờ lòng rộng rãi của một nhà giàu có dưng bạc (nhà Lái Sáng); nên đã làm nhà thờ khác tốt hơn trước bội phần, mà bỡi cột cây nên đã phải mối ăn mau hư; vậy đã làm nhà thờ lại; cho tới năm 1911, trong khi cha Phaolồ Qui coi họ Cầu Bông, thì cha đã lo xây dựng nhà thờ mới như thấy bây giờ.

Cha Triêm coi họ Thị Nghè và Cầu Bông trong 5 năm, rồi đổi xuống Mỹ tho, và đã qua đời tại đó.

Khi cha Triêm đi rồi thì không có cha nào đổi lại ở quyết tại Thị Nghè, song khi thì cha nầy, khi thì cha kia ở mấy nơi khác đến ở tạm coi họ mà thôi.

Vậy trước hết là cha Puginier (sau lên làm Đức cha tại Hà Nội), cha ở bên tây qua năm 1858, bề trên sai người đi giảng đạo Địa phận Tonkin phía tây, mà bỡi cơn bắt đạo cho nên cha đi tới chốn không được, phải ở tạm lâu bên Hồng Kông. Vậy khi nhà nước Langsa lấy thành Saigon rồi cùng lập các việc đã an; thì Đức cha Lefèbvre mới viết thư cho bà bề trên các bà phước dòng ông thánh Phaolồ, mới lập tại Hồng Kông, mà xin cho ba bà sang qua Nam Kỳ, Bà bề trên bằng lòng và vui lòng cho như ý Đức cha, song bà muốn cho có một cha đi tàu với mấy bà mà sang qua. Vậy bề trên đã sai cha Puginier đi với các bà, cùng sang tới Nam Kỳ là năm 1860. Cha Puginier sức lực mạnh mẽ cùng sốt sắng việc giảng đạo lắm, nên Đức cha tỏ ý muốn cho người coi mấy họ xung quanh Saigon, thì người vui lòng chịu liền; vậy Đức cha đã giao cho người họ Thị Nghè, Cầu Bông, Gò Vắp và An Nhơn; trong lúc cha Puginier lo lắng các việc trong mấy họ nầy, thì cha đã đặng sự hởi dạ vui lòng, là làm cho cả gia thất quan Phủ Ca trở lại đạo hết.

Cách sau đó, thì cha Puginier đã đi ra Địa phận mình ngoài Tonkin

Khi cha Puginier đi rồi, thì cha Colombert (Đức cha Mỹ) khi ấy làm cha coi việc và ký lục cho Đức cha Gioang (Mgr. Miche), cha ở tại dinh Đức cha, cùng qua lại họ Thị Nghè và Cầu Bông mà làm lễ, ngồi tòa, làm các phép cho bổn đạo, chớ không có ở tại Thị Nghè.

Cho tới năm 1867 Đức cha Gioang (Mgr. Miche) đặt cha Gentillon (Phi) làm cha sở họ Thị Nghè, nhưng mà cha ở đó không đặng bao lâu; vì lâm bệnh nặng, nên cha phải qua Hồng Kông mà dưỡng bịnh, cùng đã qua đời tại bên ấy.

Kế đó thì có mấy cha về Địa phận khác, giúp coi tạm họ Thị Nghè một ít lâu mà thôi, là cha Pineau, và cha Gauthier.

Sau thì có cha Martin (Mátthinho) làm cha sở họ Thị Nghè, và là một cha tây ở tại họ lâu hơn các cha tây trước, cha ở đó từ tăm 1869 tới năm 1873.

Vậy tới năm 1873 thì cha Martin phải về tây dưỡng bịnh, thì Đức cha Gioang đã đổi cha Delpech (Định) khi ấy đang coi họ Chợ Lớn về làm cha sở họ Thị Nghè,

Khi cha Delpech (Định) tới nhậm sở Thị Nghè, thì nhà cha sở vững chắc, xứng đáng, còn nhà thờ thì đã hư tệ lắm, gần sập, vì cất đã lâu, đời cha Triêm ở tại đó; vậy cha Delpech tính lo làm lại, cha bèn xin cùng Đức cha Colombert (Mỹ) khi ấy mới lên kế vì Đức cha Gioang (Mgr. Miche) cho bạc giúp đặng mà làm, vì lúc ấy Nhà nước còn cấp cho Nhà chung mỗi năm một số bạc để làm nhà thờ cùng là sửa lại mấy nhà thờ hư. Vậy theo tờ cha Delpech xin, thì Đức cha Colombert sai cha Montmayeur với cha De Kerlan, vô Thị Nghè đặng mà xem coi có phải nhà thờ hư lắm, cần kíp phải sửa lại chăng. Hai cha xem xét rồi về kể lại các đều, thì Đức cha hứa sẽ cho cha Delpech bạc đặng mà làm. Chẳng hay kế vài tháng Đức cha đổi cha Delpech lên họ Tha La, và cha Greset ở Tha La đổi lại Thị Nghè, vì cha nầy yếu hay đau.

Khi cha Greset về Thị Nghè là lối cuối tháng Decembre năm 1876. thì Đức cha cũng hứa cấp bạc cho mà làm nhà thờ lại, như đã hứa cùng cha Delpech trước. Vậy cha Greset làm một nhà thờ tạm riêng ra cái cũ, xây vách gạch hai bên chắc chắn, tưởng làm đỡ vậy mà đợi bạc Đức cha đặng làm nhà thờ tốt hơn, song sau Đức cha thấy nhà thờ ấy vững bền đặng lâu, nên đã lấy bạc hứa cho nhà thờ họ Thị Nghè, cho cha Errard làm nhà thờ họ Bà rịa, tưởng để sau nữa sẽ cho họ Thị Nghè.

Chẳng hay bước qua năm 1882 thi Nhà nước không còn giúp Nhà chung nữa, bỡi vậy cho nên hết còn trông bạc cấp cho, nhà thờ tạm của cha Gréset làm phải để vậy hơn 15 năm.

Cha Gréset ở họ Thị Nghè cho tới tháng Février năm 1879, rồi thì đổi vô họ Chợ Quán, và cha Fougerouse (Phụng) đổi về Thị Nghè, và ở đó cho tới năm 1885; trong khi ấy thì cha Delpech đang ở lại họ Mặc Bắc, đã bị rủi ro mà phải đau, nên cần phải về Saigon cho gần các quan thầy thuốc. Vậy Đức cha đã dạy cha Delpech về họ Thị Nghè cùng đổi cha Fougerouse xuống Mặc Bắc.

Cha Delpech trở về Thị Nghè phen nầy thì ở đó luôn cho tới chết, không còn đổi đi đâu nữa, tính lại thì chỉ ở tại họ Thị Nghè hơn 26 năm. Bây giờ thì cha Lioger (Lủy) đang làm cha sở coi họ Thị Nghè.

III. – Nhà Thương Thị Nghè

Trong năm 1875 thì Nhà nước đã bãi các bà, không cho giúp tại nhà thương Chợ Quán nữa, thì Bà Mẹ nhứt các bà dòng ông thánh Phaolồ, đã lấy tiền bạc trong nhà dòng mà cất một nhà thương tại Thị Nghè, Đã hơn 40 năm nay nhà thương nầy hằng sinh nhiều ích lợi thiêng liêng, cứu đặng nhiều ngàn bịnh hoạn ngoại giáo nhờ phần rỗi mình. Mỗi năm số ước tới 200 người ngoại đặng chịu phép rửa tội khi gần chết tại nhà thương, cho nên phần nhiều bịnh đến mà xin chữa thuốc phần xác, mà đặng gặp sự sống lại phần hồn, bỡi vậy chốn nương nhờ khi yếu liệt đau đớn, đã nên cữa lên trời cho những kẻ ấy.

Ban đầu thì Nhà nước còn phụ cấp tiền bạc cho Nhà mồ côi, nên các việc đặng sung thạnh lắm, và sau Nhà nước đã bãi không giúp nữa, bỡi vậy Bà Mẹ nhứt không còn giúp bạc cho nhà thương đặng nữa, cho nên nhà thường phải ăn ở tiết kiệm bớt sở phí cho có đủ mà cầm vững luôn.

Thường khi cha mẹ những con trẻ ngoại đem con mình đau tới nhà thương mà cho các bà, nên phần nhiều các trẻ nầy đều đặng chịu phép rửa tội trước khi chết mà bay thẳng lên trời. Mỗi năm những hài nhi đặng chịu phép rửa tội như vậy số hơn 200, mà cách mấy năm trước đây thì số ấy sụt xuống bớt lần; song trông cậy sự sốt sống và lòng đạo đức các bà giúp tại nhà thương, thì việc nầy sẽ đặng sung thạnh mà chớ.

III. – Cha Định (Delpech) về tây, rồi trở qua làm nhà thờ

Khi cha Định ở Mặc Bắc mà đi ngựa qua họ Rạch Lọp, và đã bị rủi ro nên phải mang bịnh, thì Đức cha Mỹ (Mgr. Colombert), đổi người về Thị Nghè cho gần quan thầy chữa thuốc cho, nhưng mà bịnh không dứt, nên cha phải xin về Tây đặng dưỡng. Cha Định đã kể lại, nói sự người phải trở về quê nhà, chắc là bỡi lời cầu nguyện của mẹ người kêu xin. Bà nầy đã ước ao hết lòng cho trong gia thất mình có một người đặng làm thầy cả, nên đã cho con học latinh khi còn ở nhà, sau gởi vô nhà trường Latinh Montauban; từ ấy mẹ hằng cứ kêu cầu luôn, cho con mình đặng ơn bền đỗ, cho đến khi thấy con đặng chịn chức thứ năm, thì mẹ mới đặng vui mừng hởi dạ, mà kế chắc con đã vững bề thuộc về Chúa. Mà bà nầy ước ao cho con đặng làm thầy cả, và ở tại quê nhà, chớ không phải là cho đặng đi giảng đạo phương xa. Dầu vậy khi con là cha Định xin phép mà vào trường Dòng Sai, thì mẹ cũng bằng lòng phú dưng theo thánh ý Chúa, tiếc một đều là không đặng chầu lễ của con làm, và rước lễ bỡi tay con mình.

Vậy khi cha Định sang qua tới Nam Kỳ, thì nghe quan thầy thuốc hay nói về cha rằng: “Người không được mạnh giỏi ở lâu đặng trong xứ nầy đâu” Nên cha đã gởi thơ về quê nhà mà hứa với mẹ, trong chừng mười năm thì người sẽ trở về mà ở gần gũi mẹ cho vui vẻ, cho hết cách biệt phân ly. Bỡi đó cho nên bà nầy hằng nhớ lời con mình hứa luôn, hằng trông đợi cho tới mười năm, qua mười năm lại không thấy con thi hành lời đã hứa, thì mẹ hằng thơ từ mà nhắc lại cho con, con hằng kiếm lẽ khuyên giải mẹ cho bớt trông chờ; song mẹ hằng quyết một cho thấy mặt con, cho nên dầu con nói lẽ nào mẹ cũng chẳng nghe, và lại có hơi phiền trách con nữa, Cho nên cha Định phải xưng thật với mẹ, không phải muốn xin về mà thăm như vậy được đâu; phải chi như có xảy ra việc có lẽ đặng, như đau, về đặng dưỡng bịnh, thì đi mới được. Bà Mẹ đặng thơ con nói thiệt các lệ thể ấy, thì mỗi kỳ tàu đều gởi thơ cho con hay, mà nói mình hằng nguyện xin Chúa cho con một bịnh gì nhẹ nhẹ, cho có cớ đặng mà trở về.

Vậy cha Định đã về Tây dưỡng bịnh. Khi cha về tới quê nhà, ở tại họ mình, thì nương dịp ấy mà xin của bố thí; vì khi cha đi thì lòng cũng hằng nhớ tính lo xây dựng nhà thờ Thị Nghè lại cho xứng đáng. Vậy cha tới nhà nầy nhà kia mà xin, cùng là khi có dịp giảng thì nói trên tòa, nên có nhiều kẻ đã giúp cho cha, lại mẹ người, mỗi khi biểu người viết thơ mà thăm mấy chị em làm bà phước, thì cho người một đồng vàng 20 quan. Cha góp nhóp lần lần như vậy, cho đến khi chừng trở lại Nam Kỳ thì đã đặng một số bạc khá to; mà chẳng hay lại có một sự rủi đã xảy ra, là khi cha đi xuống tàu mà trở qua, thì bị mất hết 1500 quan, số bạc ấy cha bỏ trong túi, mà mất hồi nào không hay.

Cha về tới họ Thị Nghè, thì bổn đạo đều tới mừng rỡ, và cha nói cho ai nấy hay, cha xin mỗi người rộng tay giúp tiền bạc, đặng hiệp với của đã xin bên Tây hầu khởi sự lo mà làm nhà thờ. Bổn đạo ai nấy đều thật đồng lòng lắm, cho nên cách một năm sau, thì nhà thờ xây dựng đã hoàn thành, như còn thấy tại Thị Nghè bây giờ.

IV. - Chuông nhà thờ Thị Nghè.

Có một người buôn bán Langsa lãnh mua một cái chuông giá 600$ cho một nhà thờ bên Maní, mà liệu bề chở qua bên ấy không được, và để trong kho bỏ trong đó lâu cũng khó lòng, nên kiếm phương mà bán đi cho rồi; vậy người ấy đến xin Đức cha Mỹ mua, cùng chịu để lại giá phân nửa mà thôi, Đức cha bèn cho cha Định hay, cùng biểu cha mua cho nhà thờ. Vậy nhờ lòng rộng rãi một người bổn đạo dưng 300$ cho đặng mua, cùng xin đứng đở đầu khi Đức cha làm phép chuông ấy. Nhờ đó nhà thờ Thị Nghè mới đặng có cái chuông thứ nhứt.

Tới cái chuông thứ hai, nhà thờ cũng không hao tổn bao nhiêu. Số là có một người tây coi việc cất nhà cữa tại dinh thành phố Saigon, quen lớn với cha Định; nói cho cha hay, người thấy trong một xó góc tại dinh thành phố, có một cái chuông bỏ đó, bất dụng và vô ích cho Hội đồng thành phố, nên người bày cho cha viết tờ xin Hội đồng để cái chuông ấy lại cho nhà thờ Thị Nghè; vậy Hội đồng thành phố đã ưng như lời cha xin, cùng xin cha phải chịu một số bạc 80$ bỏ vô kho thành phố.

Hai cái chuông ấy kêu lớn lung, mà bỡi đứng cân với nhau, nên kêu có một giọng gần giống nhau, một cái đánh kêu dấu sol một cái thì kêu nửa dấu fa; cho nên cha Định tính gởi hết hai chuông ấy qua tây cho thợ phá ra rồi đúc lại làm ba cái, cho giọng kêu hòa rập với nhau. Kế có cha Linh (Moulins) ở Mỹ Tho tới Thị Nghè, thấy hai cái chuông thì ưng bụng lắm, nên mua lại một cái cho nhà thờ Mỹ Tho. Vậy cha Định lấy bạc bán chuông ấy mà mua hai cái khác nhỏ hơn ở bên tây.

V. – Hai nhà trường họ.

Trường nam và trường nữ họ Thị Nghè đã có từ năm 1870; cha Máttinho (Martin) đã lập. Ban đầu thì để cho hai thầy giáo coi sóc dạy dỗ đồng nhi nam và nữ, song các việc xem ra đều chẳng đặng thạnh. Cho tới chừng giao cho hai bà phước annam ở tại nhà thương lãnh dạy, thì mọi sự đều đổi và trở nên mau mắn.

Năm 1910 thì có hơn 100 học trò học hai trường ấy, lại phải có ba bà đặng dạy mới đủ, đồng nhi nữ thì bà có dạy thêu thùa may vá nữa. Bây giờ thì có một thầy dạy trường nam, còn các bà thì lo trường nữ.

Sở phí và tiền lương cho thầy và các bà thì nhà thờ chịu lấy. Song cũng nên nói luôn ra đây, phần nhiều cha mẹ các trẻ đồng nhi, tổn hao xài phí sự vô ích thì không tiếc, mà ít ai tưởng tới sự trượng hệ là việc dạy dỗ, nên khi phải bố thí mà giúp hai trường họ thì chẳng mở tay ra rộng là bao nhiêu,

Cha Định (Delpech) trong năm 1911 đã ghi lại một sự đáng mừng cho họ Thị Nghè: Cha nói Bà Mẹ nhứt Nhà Kín nói với cha, trong các họ Địa phận, thì họ Thị Nghè có nhi nữ đi tu vào Nhà Kín đông hơn; khi ấy số đã được năm người rồi. Thật là một sự đáng khen đáng mừng cho trong họ. Còn đi tu tại Nhà Trắng cũng được năm người, và có vài ba người nữa đi nhà phước Chợ Quán và Thủ Thiêm.

VI. - Á thánh Lộc. Nhà trường Latinh tại Thị Nghè.

Trong sách cha Lộ (Launay) đã làm mà kể truyện 35 đứng Đáng kính trung thần Thiên Chúa, thì đã có kể tích cha Lộc đã phải đổ máu ra vì danh Chúa. Nên không cần kể lại đủ truyện của đấng Á thánh nầy. Trong nhiều năm cha Lộc đã cai quản xem sóc Nhà trường nhỏ Latinh lập tại họ Thị Nghè, và sau đã phải bị bắt tại nhà thầy Ngôn, cùng chịu trảm quyết đổ máu mình ra vì đạo Chúa.

Cha Phaolồ Lộc đã đặng Đức Giáo Tông Lêô XIII phong lên bực Đáng kính ngày 13 Février 1879, và Đức Giáo Tông Piô X đã tặng lên bực Á thánh trong ngày 2 Mai 1909.

Trong những cơn bắt đạo thì Nhà trường Latinh phải chia ra nhiều nơi trong địa phận, không thể mà hiệp các học trò lại một chỗ cho được như bây giờ. Đây kể sơ qua về Nhà trường đã lập tại Thị Nghè cho ai nấy rõ thì sự thế nào. Hai cái nhà lá nhỏ cất giữa đồng ruộng, đất thấp bùn lầy nước ròng thì đi dưới bùn, nước lớn thì phải xắn ống quần mà lội; lại cọp hùm cũng hay lai vãng, một phen bắt heo của Nhà trường mà ăn; lại hễ khi có động dụng, quan quân tới bắt, thì bỏ mà chạy trốn hết. Như khi Cha bề trên Vị (Wibaux) tiếp cai quản Nhà trường tại Thị Nghè, thì một lần nghe tin quân lính sẽ tới vây nhà trường giết cha giết học trò cùng cướp phá; thì cha liền dạy chở đồ đạc cần dùng xuống ghe, mà đi trốn qua Xóm Chiếu, song bỡi ghe nhỏ, chở cha và học trò cùng đồ đạc nên khẳm quá gần chìm; vậy có một học trò lớn mới tính để cõng cha mà lội bộ, vài người nữa thì khiêng vác mấy thùng đồ lễ, đặng cho ghe nhẹ chở mấy trò kia đi cho tới nơi. Vậy trò lớn ấy cõng cha bề trên Vị lội băng qua ruộng đầy nước minh mông, mà đi tới Xóm Chiếu bình an, với mấy trò vác đồ, ghe chở học trò cũng tới nơi. Trò lớn mà cõng cha bề trên Vị đó là cha Vêrô Triệu, bây giờ là cha sở họ Nha Ràm.

(Chung về họ Thị Nghè)

. Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

 

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

Linh mục Giuse Trần Hữu Khánh

 Linh mục Giuse Trần Hữu Khánh

-         Sinh năm 1890

-         Tại họ Bến Tre

-         Thụ phong Linh mục ngày 13. 03. 1920, tại Chủng viện Sài Gòn, do Đức cha Victor-Charles Quinton (Tôn)

-         Linh mục địa phận Tây Đàng Trong

-         Tháng 04. 1920 – tháng 02. 1921: Phó sở Mặc Bắc

-         Tháng 02. 1921 – tháng 03. 1922: Phó sở Búng

-         Tháng 03. 1922 – tháng 05. 1928: Phó sở Phan Thiết (tháng 11. 1925 tạm thế Cù Mi cho cha Giuse Lễ đi chữa bịnh)

-         Tháng 05. 1928 – tháng 03. 1930: Giáo sư  ở Chủng viện Sài Gòn

-         Tháng 03. 1930 – tháng 09. 1937: Phó sở Lương Hòa. Coi sóc họ Lương Hòa Hạ

-         Tháng 09. 1937 – tháng 10. 1941: Cha sở họ Giồng Miễu và Thạnh Phú

-         Tháng 10. 1941 – ? :   Cha sở họ Trà Vinh

-         Năm 1951 – năm 1963: Cha sở họ Cái Mơn

-         Qua đời ngày 27. 01. 1976

-         Hưởng thọ 86 tuổi. 56 năm Linh mục

-         Mai táng tại đất thánh Tân Ngãi (Vĩnh Long)