ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Electoral Votes là quy trình, không phải là "lực lượng"!

 Bầu cử Tổng thống Mỹ:

ELECTORAL VOTES LÀ QUI TRÌNH, KHÔNG PHẢI LÀ "LỰC LƯỢNG"!
* Những ai từng đọc fb tôi thì đã hiểu Electoral votes, Electoral colleges cần phải dịch ra sao cho đúng với BẢN CHẤT NỀN DÂN CHỦ. Đối với quí bạn nào lần đầu đọc fb tôi thì... hãy khoan dịch tiếng Việt, tạm dùng nguyên xi tiếng Mỹ "electoral votes", "electoral colleges" cái đã (cuối bài sẽ hiểu).

I/ "HIỂU SAI MỘT LI, ĐI LẠC MỘT DẶM" NẾU QUÊN BÉNG NỀN TẢNG LIÊN BANG CỦA NƯỚC MỸ:
1) Về đặc trưng của Tổng thống chế (Presidential system):
Đây là hệ thống chánh trị mà nguyên thủ quốc gia (Tổng thống) được bầu từ lá phiếu phổ thông của cử tri. Bất luận là quốc gia đơn nhứt (không hợp thành từ các tiểu bang) như nước Pháp, Đại Hàn, Đài Loan (Trung Hoa dân quốc) hay quốc gia liên bang như nước Mỹ, hết thảy đều DỰA TRÊN LÁ PHIẾU PHỔ THÔNG của cử tri (popular votes)!
Không có ông to bà lớn nào được phép chen vô để thay mặt cử tri mà bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống hết.

Đọc tới đây, ắt sẽ có quí bạn thắc mắc: ủa, ở Mỹ nghe nói electoral votes, chớ không thèm nghía tới popular votes, mới quyết định ai làm Tổng thống?

Nước Mỹ là một quốc gia dân chủ, một mẫu mực về nền dân chủ (thành thử mới có "America Dream", "Giấc mơ Mỹ" mà cư dân ở các nước khác đều nhắc tới, đều... mơ), họ hết sức tôn trọng lá phiếu của người dân! Thủng thẳng ở phần kế tiếp, tôi sẽ xin giải thích cái danh xưng "electoral votes" thực chất là gì, và bầu Tổng thống Mỹ hoàn toàn dựa trên nền tảng popular votes đó đa!

2) Sẵn đây, mở ngoặc ghi chú: Ở Tổng thống chế (Presidential system), nguyên thủ quốc gia do dân bầu; trong khi đó ở Đại nghị chế (Congressional system), nguyên thủ (Thủ tướng) do nghị sĩ Quốc hội bầu ra. Nghĩa là người dân chỉ bỏ phiếu bầu ra những nghị sĩ (ở CHXHCN VN gọi là "đại biểu Quốc hội"), sau đó các nghị sĩ - tức là những đại diện THỰC THỤ của cử tri (do cử tri bầu) - họp lại bỏ phiếu chọn ra Thủ tướng.
Quí bạn thấy gì?
Nếu chọn bầu cử theo Đại nghị chế thì mới có "đại cử tri" ("đại cử tri" nghĩa là: "đại diện/đại biểu cho cử tri") mà thôi - "đại cử tri" ở đây chính là các nghị sĩ! Còn nếu đã chọn bầu cử theo Tổng thống chế thì không có "đại cử tri" gì ráo trọi.
Đừng lẫn lộn khái niệm, đem râu ông cắm cằm bà, coi dị hợm lắm luôn.

3) Đây, nói tới phần chánh yếu mà nhiều, khá nhiều người không chú ý, quên béng đi, thành thử "hiểu sai một li, đi lạc một dặm":
3a - Nước Mỹ là một quốc gia hợp thành từ 50 tiểu bang (states) lận! Các tiểu bang đều BÌNH ĐẲNG với nhau: phải TÔN TRỌNG quyền chọn lựa của cử tri trong TỪNG TIỂU BANG, tức là việc kiểm phiếu bầu của cử tri phổ thông (popular votes) phải được "đúc kết" theo mỗi tiểu bang!

Nếu gộp phiếu toàn nước Mỹ (50 tiểu bang) để kiểm phiếu chung, ta nói dễ ợt, lẹ làng hết sức. Nhưng, khi trộn chung số phiếu của cử tri ở những tiểu bang nhỏ vào chung với số phiếu của cử tri ở những tiểu bang lớn, điều gì xảy ra?

Sự chọn lựa của cử tri tiểu bang lớn sẽ "nuốt chửng" cử tri của tiểu bang nhỏ (ít dân hơn). Hệ quả là sẽ dẫn đến sự ly khai của nhiều tiểu bang ít dân, rời khỏi nước Mỹ (vì họ không được bình đẳng, không được kiểm phiếu độc lập thể hiện ý chí của người dân trong tiểu bang của họ, mà phải gộp chung).

Tầm viễn kiến chánh trị cũng như sự độc đáo trong nền dân chủ Mỹ là: tôn trọng quyền tự quyết, quyền bầu chọn của người dân trong từng tiểu bang!

3b - Đơn cử kỳ bầu cử 2016 cho dễ hình dung.
Kỳ đó, tiểu bang Oregon bà Hillary Clinton được nhiều phiếu cử tri phổ thông (popular votes) hơn ông Donald Trump, tức là người dân Oregon chọn bà Hillary làm Tổng thống.
Trong khi đó, tiểu bang Arizona thì ông Donald Trump được cử tri bỏ phiếu nhiều hơn, tức người dân Arizona ưng ông Donald Trump làm Tổng thống.

Quí bạn chú ý: sự chiến thắng của các ứng viên đều DỰA TRÊN LÁ PHIẾU PHỔ THÔNG (popular votes), chính người dân trong từng TIỂU BANG thể hiện ý chí chọn lựa của mình.

II/ ELECTORAL VOTES LÀ QUI TRÌNH, KHÔNG PHẢI "CỬ TRI"
1) Sự chọn lựa ứng viên nào làm Tổng thống, như vậy, được thể hiện qua các kết quả kiểm phiếu CỬ TRI PHỔ THÔNG (popular votes) từ 50 tiểu bang. Tức là có tới 50 kết quả bầu Tổng thống tùy vào ý chí chọn lựa độc lập của cử tri từng tiểu bang.
(Ngoài ra, còn có một khu vực đặc biệt cũng được kiểm phiếu độc lập, đó là Khu vực Columbia "Districts of Columbia" nơi đặt thủ đô Washington)

Vậy, phải chăng ứng viên nào đắc cử Tổng thống ở nhiều tiểu bang hơn thì trở thành Tổng thống toàn nước Mỹ? Là thắng cử quá bán, thắng tại 26 tiểu bang, thì đăng quang?
Không thể tính toán số học kiểu đó, bởi vì có những tiểu bang đông cử tri, có tiểu bang ít cử tri hơn.

Vậy, bài toán đặt ra: làm cách nào để "chấm điểm" sự chiến thắng của mỗi ứng viên được hợp lý nhứt?

2) Đến đây, tôi xin mời quí bạn nhớ lại (nếu đã đọc) hoặc chưa thì vào đọc bài về: Nền tảng Quốc hội Lưỡng viện Mỹ , để tỏ tường: số lượng nghị sĩ (Thượng nghị sĩ + Dân biểu Quốc hội Mỹ) phân bổ hợp lý cho từng tiểu bang được dựa trên nguyên tắc DÂN CHỦ BÌNH ĐẲNG kết hợp với nguyên tắc DÂN CHỦ THEO ĐA SỐ.
Tiểu bang Oregon 7 vị nghị sĩ, Arizon 11 vị, California 55 vị, Texas 38 vị, Florida 29 vị... là vì vậy.

3) Chìa khóa "chấm điểm" sự chiến thắng của ứng viên tranh cử Presidential Election tại mỗi tiểu bang, như vậy, đã được tìm ra, rất hợp lý:

Số nghị sĩ (TNS Senator + Dân biểu Representatives) của mỗi tiểu bang được qui đổi thành SỐ LƯỢNG phiếu "chấm điểm", gọi là Electoral votes (nghĩa là "Phiếu tuyển cử", còn được gọi "Presidential votes": "phiếu Tổng thống").

Ở đây là SỐ LƯỢNG (số phiếu electoral votes), hoàn toàn KHÔNG có "ông to bà lớn" nào từ trời rơi xuống làm đại diện mà thay quyền bầu cử của người dân hết.

Tiểu bang Oregon có 7 electoral votes. Bà Hillary hồi năm 2016 đắc cử tại Oregon => NGAY LẬP TỨC bà Hillary nhận được 7 electoral votes (7 phiếu Tổng thống) của Oregon.
Tiểu bang Arizona được qui đổi có được 11 electoral votes. Ông Trump được người dân Arizona bầu chọn làm TT => NGAY LẬP TỨC ông Trump nhận được 11 electoral votes (11 phiếu Tổng thống) của Arizona.v.v...

* NHẬN ĐỊNH:
A) Bầu Tổng thống Mỹ, nên nhớ, là được kiểm phiếu độc lập trong MỖI TIỂU BANG.
Việc thắng cử ở mỗi tiểu bang HOÀN TOÀN DỰA TRÊN LÁ PHIẾU CỦA NGƯỜI DÂN (popular votes).

B) Việc sử dụng electoral votes (phiếu tuyển cử, còn gọi là "Phiếu Tổng thống") thuần túy là một qui trình, một thể thức mà thôi, dùng để "chấm điểm" kết quả thắng cử ở mỗi tiểu bang.

Nền tảng của electoral votes:
- Dựa trên phiếu bầu của dân (popular votes), nghĩa là ứng viên phải thắng cử bởi phiếu cử tri phổ thông thì mới "ôm" được số phiếu electoral votes. Không được dân bầu thì cũng "trắng tay" electoral votes luôn!
- SỐ PHIẾU electoral votes, như phân tích ở trên, thể hiện nguyên tắc DÂN CHỦ THEO ĐA SỐ & nguyên tắc DÂN CHỦ BÌNH ĐẲNG.

=> Tóm lại, thể thức bầu cử Tổng thống Mỹ đã được nghiên cứu thấu đáo và thành hình hàng trăm năm. Đây là một mẫu mực về thiết chế dân chủ chánh trị ("dân chủ đa số" + "dân chủ bình đẳng")!

Đến đây ắt quí bạn đã hiểu:
Mọi luận điệu hô hào không kiểm phiếu độc lập theo từng tiểu bang / kéo theo hủy bỏ electoral votes ... thì không phải là "nâng cao dân chủ" như một số tuyên truyền lếu láo của đám "dân chủ ba rọi" - MÀ mưu đồ đàng sau, kỳ thực, là nhằm làm cho nước Mỹ phân rã, tan đàn xẻ nghé giữa các tiểu bang ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-------------------------------------------------------------------------------
PHỤ CHÚ: Ồ, còn Electoral Colleges? Đây là những đoàn Tuyển cử, còn gọi là "đoàn cử tri danh dự" (chớ không phải đại diện cử tri phổ thông, không phải "đại cử tri"), họp lại bỏ phiếu vào giữa tháng 12 sau khi ĐÃ có kết quả CHÍNH THỨC (biết tỏng ai trở thành Tổng thống rồi) từ đầu tháng 11.

Bỏ phiếu, nhưng KHÔNG CÓ THẨM QUYỀN THAY ĐỔI KẾT QUẢ BẦU CỬ. Vậy, đây là cuộc bỏ phiếu kiểu gì? Mắc gì phải rình rang họp lại?

Dựa theo Hiến pháp Mỹ, tôi xin giải thích về Electoral Colleges trong một stt kế tiếp.




 NÓI TIẾP VỀ THỂ THỨC BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ

* Electoral votes là "Phiếu tuyển cử" (còn gọi là Presidential votes: phiếu Tổng thống, hoặc State's votes: phiếu Tiểu bang), thuần túy là một qui trình / thể thức qui đổi từ kết quả kiểm phiếu CỬ TRI PHỔ THÔNG (Popular votes) TRONG MỖI TIỂU BANG (không phải là "lực lượng", không có ông to bà lớn đại cử tri gì ở đây hết - như cách dịch bấy lâu đã làm cho hiểu sai lạc về nền dân chủ tiên phong của nước Mỹ). Mời quí bạn đọc bài này cho tỏ tường: Bầu cử Tổng thống Mỹ, trước khi đọc tiếp stt dưới đây:

1/ Tiểu bang California có nhiều Phiếu Tuyển cử (electoral votes) nhứt: 55 phiếu, và có một số tiểu bang được qui đổi số Phiếu Tuyển cử tối thiểu là 3 phiếu. Toàn bộ 50 tiểu bang có 535 Phiếu Tuyển cử, thêm 3 Phiếu của Đặc khu Columbia (District of Columbia, nơi đặt Thủ đô Washington), tổng cộng là 538 Phiếu.
Hiến pháp Mỹ qui định: ứng viên nào nhiều Phiếu Tuyển cử nhứt, ĐÔNG THỜI phải đạt quá bán (tức đạt được từ 270 Electoral votes trở lên) thì đắc cử Tổng thống!

Tức là, vẫn có thể xảy ra 2 tình huống như sau:
a) Ứng viên A và B đạt số phiếu bằng nhau là mỗi người 269 Phiếu [A + B = 538 Phiếu].

b) Ứng viên A đạt nhiều phiếu nhứt trong các ứng viên tranh cử (nên nhớ: ứng cử TT Mỹ ngoài hai đảng lớn là Cộng hòa, Dân chủ thì vẫn có thể có một vài ứng viên thuộc đảng khác hoặc phi đảng phái), nhưng A chẳng hạn chỉ đạt 269 Phiếu (chưa đạt số phiếu qui định đắc cử là 270). Trong khi đó ứng viên B ít hơn đạt 266 Phiếu, ứng viên C đạt 3 Phiếu [tổng cộng A + B + C = 538 Phiếu];

Nếu rơi vào trường hợp a hoặc b nêu trên, lúc đó - theo Hiến pháp Mỹ qui định - việc bầu Tổng thống mới phải giao cho Hạ Viện bỏ phiếu. Còn Phó Tổng thống giao cho Thượng viện bỏ phiếu.

2/ Việc qui đổi thành Phiếu Tuyển cử (electoral votes) có hai cách: qui đổi "bloc voting", hoặc qui đổi "proportional voting". Hiến pháp Mỹ dành quyền chọn lựa cho mỗi tiểu bang.

* 48 tiểu bang chọn cách qui đổi "bloc voting" (qui đổi nguyên gói), còn gọi là "winner-take-all" (người chiến thắng nhận trọn số Phiếu Tuyển cử của tiểu bang).
Tỉ như hồi năm 2016, ông Trump thắng cử tại tiểu bang Florida => 29 Phiếu Tuyển cử phân bổ cho Florida được tính cho ông Trump. Còn bà Hillary thắng cử tại tiểu bang New York, tiểu bang này cũng được phân bổ 29 Phiếu Tuyển cử, do đó 29 Phiếu ở đây thuộc về bà Hillary...

Sở dĩ 48 tiểu bang đều chọn cách thức "bloc voting" vì phù hợp với thông lệ bầu Tổng thống ở các nước. Mỗi tiểu bang ở Mỹ được xem như một "quốc gia" (State), và quí bạn biết rồi đó: ứng viên nào nhiều phiếu bầu hơn hết thì đương nhiên trở thành nguyên thủ. Chớ không đời nào "sân si" ứng viên A chẳng hạn được 70% phiếu bầu / B được 30% thì A làm Tổng thống của 70% cử tri, còn B trở thành ... Tổng thống của 30% cử tri.

Nguyên tắc "winner-take-all" được chọn, là vì vậy.

* Dù vậy, còn lại 2 tiểu bang là Nebraska và Maine lại ưng chọn cách "qui đổi theo tỉ lệ" (proportional voting). Theo đó:
a) Ứng viên nào thắng cử tại tiểu bang (tức được tổng cộng nhiều phiếu cử tri phổ thông hơn trong toàn tiểu bang): qui đổi 2 Electoral votes cho ứng viên thắng cử.
b) Kế tiếp, xét theo từng khu vực bầu cử ("Congressional District"). Ở Nebraska có 3 khu CD; ở Maine có 2 khu CD.
Ứng viên nào có số phiếu bầu phổ thông cao hơn trong mỗi khu CD => qui đổi "lụm" 1 phiếu Electoral vote tại khu đó.

Hồi năm 2016, bà Hillary thắng cử tại Maine => a) bà Hillary ngay lập tức nhận được 2 Electoral votes; b) xét đến 2 khu CD trong tiểu bang: bà Hillary thắng cử 1 khu CD, do đó bà Hillary có được tổng cộng là 3 Electoral votes (2+1). Trong khi ông Trump chỉ thắng cử tại 1 khu CD còn lại, nên ông Trump lụm được 1 Electoral vote.

Hồi năm 2008, ứng viên McCain thắng cử tại tiểu bang Nebraska => a) ông McCain ngay lập tức nhận được 2 Electoral votes; b) xét đến 3 khu CD trong Nebraksa: McCain thắng cử tại 2 khu CD, do đó ông McCain có được tổng cộng là 4 Electoral votes (2+2). Trong khi đó Obama chỉ thắng cử tại 1 khu CD, nên Obama lụm được 1 Electoral vote.

* Danh sách ứng viên tranh cử Tổng thống vào 3/11/2020:
Theo thông báo từ Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC: Federal Election Commission), có tổng cộng 4 ứng viên:

Ông Donald Trump, Tổng thống đương nhiệm bên đảng Cộng hòa;
Ông Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ;
Ông Howie Hawkins, ứng viên đảng Xanh (Green Party);
Bà Jo Jorgensen, ứng viên đảng Tự do (Libertarian Party).

(Rapper da đen Kanye West không nộp hồ sơ tranh cử đúng thời hạn nên bị loại)

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

 

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Nền tảng của Quốc hội Lưỡng viện Mỹ

 Ngày 3/11/2020 sắp tới đây, không chỉ có bầu cử TỔNG THỐNG mà còn bầu toàn bộ 435 Dân biểu Hạ viện khóa mới, bầu 33 Thượng nghị sĩ (1/3 số thượng nghị sĩ tại Thượng viện), bầu 13 Thống đốc (11 trong 50 Thống đốc tiểu bang + 2 Thống đốc lãnh thổ American Samoa, Puerto Rico). Chánh trường nước Mỹ sẽ biến động sâu rộng trong đợt bầu cử tháng 11 này!

NỀN TẢNG CỦA QUỐC HỘI LƯỠNG VIỆN MỸ

Là hài hòa giữa "nguyên tắc dân chủ bình đẳng" và "nguyên tắc dân chủ theo đa số".
* THƯỢNG VIỆN (Senate) được dựa trên nguyên tắc "DÂN CHỦ BÌNH ĐẲNG" giữa các tiểu bang (States), tiểu bang lớn không được quyền lấn át tiểu bang nhỏ.
Thành thử Hiến pháp Mỹ qui định cử tri của mỗi tiểu bang, bất luận lớn nhỏ, đều được quyền bầu ra 2 Thượng nghị sĩ (Senators) có mặt trong Thượng viện liên bang.
Cả thảy 50 tiểu bang, 2 senators x 50 states, có tổng cộng là 100 Thượng nghị sĩ trong Thượng viện nước Mỹ.

* HẠ VIỆN (House of Representatives) được dựa trên nguyên tắc "DÂN CHỦ THEO ĐA SỐ". Bởi vì nếu chỉ có mỗi nguyên tắc "dân chủ bình đẳng" giữa các tiểu bang, nói nào ngay, những tiểu bang đông dân mà bị "cào bằng" với tiểu bang ít dân là không hợp lý.
Thành thử phải đi kèm với "dân chủ đa số": tiểu bang đông cử tri được quyền có số lượng Dân biểu (có mặt trong Hạ viện liên bang) nhiều hơn tiểu bang ít cử tri.
Tiểu bang California có nhiều Dân biểu nhứt (53), kế đó là tiểu bang Texas (36), những tiểu bang có số Dân biểu tối thiểu (1 Dân biểu) là Montana, North Dakota, South Dakota, Alaska...

Toàn nước Mỹ có cả thảy 435 Dân biểu trong Hạ Viện liên bang.

I/ TIÊU CHUẨN BẦU THƯỢNG NGHỊ SĨ, DÂN BIỂU LIÊN BANG
A) Nước Mỹ có một nền dân chủ chánh trị hết sức cởi mở:
- Chỉ cần có quốc tịch Mỹ (dĩ nhiên), tối thiểu là 7 năm (nếu muốn tranh cử làm Dân biểu liên bang, 25 tuổi trở lên) hoặc 9 năm (nếu tranh cử vào Thượng viện, 30 tuổi trở lên). Hoàn toàn không buộc phải sinh ra ở Mỹ (điều kiện "sinh ra ở Mỹ" chỉ áp dụng đối với những ai muốn tranh cử Tổng thống)!
- Ứng viên tự do chọn lựa đảng phái, hoặc độc lập không theo đảng nào ráo trọi: hết thảy đều bình đẳng về quyền ứng cử vào Thượng viện, Hạ viện.

Quan trọng là tài năng thuyết phục cử tri tới mức nào về "chương trình quốc kế dân sinh" để họ chịu bỏ phiếu bầu hay không (và, dĩ nhiên, phải có tài cán huy động tiền bạc tài trợ để bước vào đường đua tranh cử).

B) Hiến pháp Mỹ cho phép các Thượng nghị sĩ, Dân biểu trong lúc tại vị đều được hưởng đặc quyền "miễn trừ hình sự"! Tức là không bị bắt giữ trong hầu hết các tình huống - ngoại trừ phạm tội phản quốc (dĩ nhiên, phải tống giam rồi) và một số trọng tội được qui định hẳn hòi trong luật pháp.

Hiến pháp Mỹ đồng thời bảo đảm quyền tự do tranh luận tại Quốc hội lưỡng viện. Kể cả những phát biểu mang tính chất phỉ báng, nhục mạ thì... cũng không bị truy tố! Thành thử quí bạn vẫn thường đọc thấy, được xem qua video những phát biểu tại Hạ Viện, Thượng Viện kêu bằng là "đểu giả", "khốn nạn" hết sức. Nhưng, ngặt cái, Dân biểu & Thượng nghị sĩ được Hiến pháp bảo vệ, không bị đưa ra tòa vì lời lẽ nhục mạ, phỉ báng.

Biết vậy, đặng quí bạn đừng thắc mắc vì sao có một số Dân biểu, Thượng nghị sĩ cứ làm tới mà không bị bóp cái mồm thối lại. Thôi thì ... hãy thản nhiên coi diễn tuồng. Vậy đi.

Tuy nhiên, tại mỗi Viện cũng thường soạn ra một số quy định nhằm hạn chế hoặc có biện pháp chế tài đối với các Dân biểu, Thượng nghị sĩ vi phạm ("chế tài", chớ không truy tố; chế tài ra sao thì đó không thuộc chủ đề của bài viết này).

II/ BẦU CỬ HẠ VIỆN MỸ THÁNG 11/2020:
* Cả thảy nước Mỹ có 435 "khu vực Quốc hội" ("Congessional Districts": CD). Ở mỗi khu CD cử tri chỉ bầu ra 1 Dân biểu, tổng cộng là 435 Dân biểu sẽ có mặt trong Hạ viện liên bang.
Mỗi khu CD được phân bổ dựa trên dân số (tiến hành điều tra dân số mỗi 10 năm một lần). Theo đó, hiện nay mỗi khu CD có bình quân 710.000 người.

Tiểu bang Texas, do vậy, được phân bổ thành 36 khu CD; California có 53 khu CD; Pennsylvania có 18 khu CD; tiểu bang New York có 27 khu CD... Ở một vài tiểu bang ít dân, thậm chí ít hơn số bình quân (710.000 người/khu CD), thì vẫn được phép bầu ra 1 Dân biểu.

Tới đây, ắt quí bạn thấy rồi đó, mỗi Dân biểu (trong Hạ viện) chỉ do cử tri trong khu CD của họ bầu ra mà thôi! Nói cách khác, mỗi Dân biểu chỉ đại diện cho một cộng đồng nhỏ, thành thử nhiệm kỳ của họ khá ngắn (2 năm, rồi dứt, phải ứng cử trở lại).
Như Nancy Pelosi là Dân biểu chỉ đại diện cho nhúm cử tri (hơn 700,000 người thôi) thuộc khu CD số 12 nằm trong tiểu bang California (toàn tiểu bang này có 53 khu CD).

Mỗi Dân biểu chỉ do số lượng cử tri giới hạn (hơn 700 ngàn người) bầu ra. Nhưng do sự móc ngoéo đảng phái, tỉ như 232 Dân biểu trong đảng Dân chủ liên kết với nhau, lại tạo thành một quyền lực "đánh hùa", không thể coi thường được.
Như câu thành ngữ: trước "quần hồ" (tập thể sói cáo) thì "mãnh hổ" cũng mệt bở hơi tai lắm đa.

III/ BẦU CỬ THƯỢNG VIỆN MỸ THÁNG 11/2020:

Ở tầm cao hơn, khó khăn hơn, ứng viên muốn trở thành Thượng nghị sĩ thì phải chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của cử tri TIỂU BANG (khác với Dân biểu Hạ viện chỉ do cử tri của mỗi khu vực CD bỏ phiếu mà thôi).
Thành thử nhiệm kỳ của Thượng nghị sĩ (senator) được dài hơn, là 6 năm.
Thượng viện hiện nay đang có 53 senators đảng Cộng hòa, 45 senators đảng Dân chủ, 2 senators độc lập phi đảng phái. Tổng cộng 100 senators.

Bầu cử vào Thượng viện được tiến hành "cuốn chiếu", cứ 2 năm bầu lại 1/3 số Thượng nghị sĩ mãn nhiệm kỳ (khác với Hạ viện, cứ 2 năm bầu toàn bộ, kêu bằng là "xóa bàn làm lại" hết ráo).
Năm nay, ngày 3 tháng 11, sẽ bỏ phiếu bầu 33 Thượng nghị sĩ.

* TÓM LẠI:
- Bầu Tổng thống: cử tri toàn nước Mỹ đi bỏ phiếu, tại 50 tiểu bang; kiểm phiếu theo từng tiểu bang, rồi "đúc kết" lại theo qui trình chấm điểm "electoral votes".
CHÚ Ý: Số phiếu cử tri phổ thông (popular votes) được KIỂM PHIẾU ĐỘC LẬP THEO TỪNG TIỂU BANG, sau đó được qui đổi thành số electoral votes dành cho người thắng cử tại tiểu bang.

- Bầu Thượng nghị sĩ: kỳ này chỉ bầu 33 vị, thành thử chỉ có cử tri của 33 tiểu bang (theo danh sách đính kèm: *) mới phải bận rộn bỏ phiếu chọn thượng nghị sĩ.
- Bầu toàn bộ Hạ viện: cử tri đi bầu tại 435 khu CD - chú ý: cử tri từng khu CD chỉ bỏ phiếu cho Dân biểu nào ứng cử tại khu CD đó mà thôi.

Bất luận bầu Tổng thống, bầu Thượng nghị sĩ, bầu Dân biểu ĐỀU DO LÁ PHIẾU CỦA NGƯỜI DÂN MỸ (Popular votes; riêng ở bầu cử Tổng thống thì có sự qui đổi "chấm điểm" electoral votes VẪN PHẢI DỰA TRÊN PHIẾU BẦU POPULAR VOTES) ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
--------------------------------------------------------------------
(*) 33 tiểu bang sau: Alabama, Alaska, Arkansas, Colorado, Delaware, Georgia, Idaho, Illinois, Iowa, Kansas, Kentucky, Louisiana, Maine, Massachusetts, Michigan, Minnesota, Mississippi, Montana, Nebraska, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, North Carolina, Oklahoma, Oregon, Rhode Island, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Texas, Virginia, West Virginia, và Wyoming.



 

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa: đây là bàn cờ giữa "hỗn mang" với viễn kiến công lý...

CHỦ QUYỀN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA, QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA: ĐÂY LÀ BÀN CỜ GIỮA "HỖN MANG" VỚI VIỄN KIẾN CÔNG LÝ...

(Đây ghi chú tổng quan thôi, còn đi sâu thì không lạm bàn vì thuộc thẩm quyền của giới luật gia công pháp quốc tế & giới nghiên cứu chuyên sâu Biển Đông)

A/ DẪN NHẬP: Đơn cử vài dẫn chứng về hiện trạng tạm gọi "hỗn mang".
* Thuộc quần đảo SPRATLY ISLANDS (tiếng Việt chúng ta gọi "Trường Sa"): Đảo Pag-Asa theo tiếng Filipino, hiện nay Phi Luật Tân kiểm soát. Tiếng Việt gọi là đảo Thị Tứ; tiếng Tàu gọi là Zhong Ye (
: đảo Trung Nghiệp).
Đảo Tai Ping (
太平: đảo Thái Bình) do Đài Loan kiểm soát. Tiếng Việt gọi là đảo Ba Bình; tiếng Filipino gọi là đảo Ligaw.
Đảo Pulau Layang-Layang (tiếng Malay) hiện nay Mã Lai kiểm soát. Tiếng Việt gọi là đảo đá Hoa Lau; tiếng Tàu gọi là Dan Wan (
弹丸: Đạn Hoàn).

Vài dẫn chứng nêu trên để thấy chủ quyền của không ít đảo thuộc quần đảo Spratly (Trường Sa) vẫn đang nằm trong sự tranh chấp đa phương, có Việt Nam, có Trung Hoa, có Phi Luật Tân, rồi Mã Lai.v.v...

* Thuộc quần đảo PARACEL ISLANDS (tiếng Việt chúng ta gọi là "Hoàng Sa"): chẳng hạn, có đảo lớn nhứt là Phú Lâm, còn người Tàu gọi là Yong Xing (永興: đảo Vĩnh Hưng) do Trung Cộng (CHND Trung Hoa) chiếm đóng hồi năm 1956. Rồi tới năm 1974, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa lọt vào tay Trung Cộng...

Ắt hẳn nhiều quí bạn sẽ thắc mắc: cơ sự ra sao mà nhiều nước can dự trong tranh chấp chủ quyền nơi biển Đông? Hỗn mang cỡ đó, vậy luật pháp quốc tế ở đâu mà không "huýt" còi?

B/ HIỆP ƯỚC SAN FRANCISCO 1951: "LỬNG LƠ CON CÁ VÀNG"
Liên quan đến vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Paracel (Hoàng Sa), Spratly (Trường Sa), lần đầu tiên ở cấp độ đa quốc gia, đó là Hội nghị San Francisco vào năm 1951. Hội nghị này giải quyết vấn đề "hậu Đệ nhị thế chiến" đối với những lãnh thổ, lãnh hải từng bị quân phiệt Nhựt Bổn chiếm đóng.

B1) Bối cảnh:
- Mỹ mời Trung Hoa dân quốc (Đài Loan) tham dự nhưng Liên bang Soviet bác bỏ; ngược lại Mỹ bác bỏ phái đoàn CHND Trung Hoa (Trung Cộng) theo đề nghị của Soviet. Rốt cuộc, cả hai thực thế chánh trị "China" này đều không có mặt tại Hội nghị.
- Phái đoàn của thực thể chánh trị với danh xưng "Quốc gia Việt Nam" ("State of Viet Nam", thủ đô đặt tại Sài Gòn, quốc kỳ là cờ vàng ba vạch đỏ) được chấp thuận dự Hội nghị, thay mặt cho quyền lợi nhân dân Việt Nam.

B2) Diễn biến liên quan:
- Hội nghị bác bỏ không giao Hoàng Sa, Trường Sa cho CHND Trung Hoa (Trung Cộng);
- Thủ tướng Trần Văn Hữu của Quốc gia VN tuyên cáo về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tuyên cáo này không có quốc gia nào phản đối, được ghi vào Phụ lục của Hiệp ước San Francisco 1951.
- Văn bản chính thức của Hiệp ước San Francisco ("Treaty of San Francisco 1951"), ở Điều 2 khoản f ghi: "Nhựt Bổn từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Paracel và Spratly".
NHƯNG, Hiệp ước San Francisco KHÔNG XÁC ĐỊNH rõ rành Nhựt Bổn sẽ phải trao trả Paracel (Hoàng Sa), Spratly (Trường Sa) cho quốc gia nào.

Cả hai quần đảo này, vào thời Nhựt Bổn chiếm đóng (1945), Nhựt đem sáp nhập vào Đài Loan hết ráo!
Tuy nhiên, trước đó thì hai quần đảo này thuộc Việt Nam do Pháp cai trị (rồi Nhật đảo chánh Pháp, và chiếm đóng hai quần đảo).

Thấy gì?
Hội nghị San Francisco 1951 "không phản đối" tuyên cáo của Việt Nam đối với chủ quyền Hoàng Sa/Trường Sa, nghĩa là: Việt Nam vẫn có đầy đủ tư cách để yêu cầu một Tòa án quốc tế phân xử về chủ quyền (Hội nghị San Francisco bỏ lửng, không thể "phán quyết" về chủ quyền của Việt Nam) - khác với Trung Cộng là bị Hội nghị bác bỏ hoàn toàn, không giao Hoàng Sa/Trường Sa cho Trung Cộng!

B3) HỆ QUẢ (cũng có thể gọi là "hệ lụy" từ khoảng trống pháp lý tại Điều 2 khoản f):
* Hiệp ước San Francisco kêu bằng là "lửng lơ con cá vàng" về vấn đề chủ quyền. Thành thử về sau này Đài Loan (Trung Hoa dân quốc, không phải Trung cộng), rồi Phi Luật Tân, Mã Lai đều đua nhau ... "kiểm soát" các đảo trong quần đảo Spratly (Trường Sa).

Cũng bởi tình hình "hỗn mang" nên, vào tháng 2 và tháng 3 năm 1974, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa bấy giờ là ông Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho hải quân mở chiến dịch "Trần Hưng Đạo 48" đổ quân càng được nhiều đảo càng tốt! Kết quả là Việt Nam kiểm soát được nhiều đảo nhứt (so với các quốc gia khác) trong quần đảo Trường Sa.

Hiện nay Việt Nam kiểm soát được 21 thực thể địa lý (khái niệm "thực thể địa lý" dùng chỉ chung cho đảo nổi, đảo chìm, đảo đá, đảo san hô...), Phi Luật Tân 10, Mã Lai 7, Đài Loan 2, và Trung Cộng 7 (trong đó có Gạc Ma, hết thảy 7 thực thể địa lý này Trung Cộng cưỡng chiếm vào năm 1988).

* Nói nào ngay, quốc gia nào cũng đều trưng ra hồ sơ minh chứng cho chủ quyền của mình đối với những đảo thuộc Hoàng Sa/Trường Sa. Và hồ sơ của Việt Nam được cho là "đầy đủ", "hợp lý" hơn những quốc gia khác.
NHƯNG, nói cho cùng, hồ sơ chỉ thực sự có "sức nặng" khi đưa ra Tòa án quốc tế. Hoặc là dùng hồ sơ đi kèm với áp lực kinh tế / quân sự (vào một lúc nào đó?) trong đàm phán song phương (với Phi, Mã, Đài) để tranh thắng thua chủ quyền các đảo.

C/ ĐỐI DIỆN VỚI BẮC KINH:
Bắc Kinh viện dẫn vì họ không được tham dự Hội nghị San Francisco 1951 nên họ có quyền từ chối không tuân thủ những kết luận từ Hội nghị.
Thành thử Bắc Kinh đã cho quân chiếm lấy đảo Phú Lâm vào năm 1956, rồi vào đầu năm 1974 thì nuốt trọn toàn bộ quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh gọi là Xi Sha (
西 : Tây Sa).

Chưa hết Bắc Kinh còn cho rằng toàn bộ quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nan Sha ( : Nam Sa) là thuộc chủ quyền của họ "không thể chối cãi, không thể phủ nhận".

Bèn nhớ rằng, Hiệp định Geneve 1954 rồi Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam, cả hai Hiệp định đều có bút ký của Bắc Kinh. Theo đó, Bắc Kinh phải tôn trọng lãnh thổ (đi kèm với lãnh hải) thuộc quyền kiểm soát của người Việt Nam vào thời điểm 1954, và thời điểm 1973.
Đó là thực tế lịch sử rõ ràng, thời hiện đại, chớ không phải xưa lắc vào thời quân chủ làm gì cho rối trí.
Cả hai Hiệp định ràng buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm về sự cam kết của họ, đúng không?

Nguồn:Nguyễn - Chương Mt

Hình ảnh: Bia chủ quyền Trường Sa do Việt Nam Cộng hòa dựng trên đảo Song Tử Tây.






Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Từ đâu mà có cách chuyển ngữ sang tiếng Việt là: 'Cộng Hòa", "Tự Do" ?

 TỪ ĐÂU MÀ CÓ CÁCH CHUYỂN NGỮ SANG TIẾNG VIỆT LÀ: "CỘNG HÒA", "TỰ DO" ?

Thường nghe câu "dựa vào truyền thống" để làm kim chỉ nam, nhưng gặp phải những khái niệm thiết yếu mà trong truyền thống không có, biết lấy gì mà dựa? Thì... lấy nền văn minh phương Tây mà dựa, hơn nữa còn đề cao.

1/ Thì đó, khái niệm về thiết chế "REPUBLIC"! Thiết chế này xuất hiện trong nền văn minh phương Tây, theo đó mọi người trong cộng đồng cùng chung vai gánh sức và chọn ra người cai trị bằng hình thức bỏ phiếu. Thiết chế này không dành đặc quyền cho vua chúa, không dành đặc quyền cho ý thức hệ chánh trị hoặc tôn giáo nào trong việc mưu cầu lợi ích cho đất nước.
Trong khi đó, ở các nước phương Đông như Nhựt, Tàu, Việt suốt hàng ngàn năm quân chủ trước kia KHÔNG hề tồn tại thiết chế như vậy, nên không có thuật ngữ nào tương đương với "Republic" hết!

Theo khảo cứu của Giáo sư Vĩnh Sính (giảng dạy tại Gia Nã Đại, Nhựt Bổn), ở châu Á người Nhựt đi tiên phong trong tiếp xúc với các nước phương Tây. Họ đứng trước thách thức là chuyển ngữ từ ngôn ngữ bên phương Tây sang chữ Kanji ("Hán tự", theo cách gọi của người Nhựt).
Chính người Nhựt đã tìm hiểu khái niệm "Republic", sau đó họ dùng chữ
ghép với chữ lại với nhau - để cố gắng chuyển tải ý nghĩa của một thiết chế chánh trị du nhập từ văn minh Tây phương ("Republic").

Giới sĩ phu Trung Hoa mượn lại cách chuyển ngữ từ người Nhựt: "Republic" là . Kế tiếp giới sĩ phu Việt Nam cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20 qua việc đọc sách Hán văn đã dùng luôn "Republic" nghĩa là , đọc theo âm Việt-Hán của chúng ta là: "CỘNG HÒA".

2/ Còn "LIBERTY"?

Giá trị cao nhứt của MỖI MỘT CÁ NHÂN là "Liberty", có thể thấy giá trị này trong Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ năm 1776. Tại sao? Là vì, trong văn hóa Kitô giáo mà khởi thủy nước Mỹ chịu ảnh hưởng sâu đậm, theo đó mỗi một con người mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa và Thiên Chúa đã ban cho con người một đặc tính cao trọng của chính Thiên Chúa là: "Liberty" - như Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ và những văn bản hệ trọng nhứt của Mỹ đã xác tín, đã tuyên cáo.

Ở những nước như Nhựt, Tàu, Việt không nằm trong bối cảnh văn minh Kitô giáo (Christianity), hẳn nhiên không thấu triệt / chia sẻ quan niệm cơ bản "con người là hình ảnh của Thiên Chúa". Mà chỉ quen với khái niệm "Ý vua là ý Trời". Dù vậy, lần lượt trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20, cũng minh định giá trị cao nhứt của con người là "Liberty".

Ý niệm "Liberty" xuất hiện trong bối cảnh văn hóa khác hẳn với bối cảnh các nước Nhựt, Việt, Tàu suốt ngàn năm... nên rất khó có một thuật ngữ tương đương trong Hán tự (là văn tự dùng chung cho Tàu, Nhựt, Việt cả ngàn năm).
Rốt cuộc, hai chữ
đã được chọn để chuyển ngữ cho "Liberty".
Đọc theo âm Việt-Hán của
là: "TỰ DO".

Ngày nay chúng ta đã quá quen khi dịch "Republic" là Cộng Hòa, "Liberty" là Tự Do - và chúng ta cần nhớ là thuật từ "Republic" & "Liberty" không có sẵn thuật từ tương đương trong thư tịch Hán tự xưa, công lao này do người Nhựt đã suy nghĩ rồi tìm ra cách ghép một số chữ Hán (Kan-ji) để diễn đạt, chuyển ngữ.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt



 

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Về "Cầu nối đơn âm" độc đáo trong tiếng Việt

 "Tiếng Việt rằng gọi là yêu. Nhưng hiểu tiếng Việt phiêu diêu chập chờn". Có hiểu thì yêu mới bền.

VỀ "CẦU NỐI ĐƠN ÂM" ĐỘC ĐÁO TRONG TIẾNG VIỆT
Đây mượn chuyện "cách viết tắt" mà nói, tỉ như "Liên minh Âu châu", viết tắt "Liên Âu" là hợp cách; nhưng "Liên bang Soviet" mà viết tắt "Liên Xô" thì, thực ra, không hợp cách trong tiếng Việt gì ráo!
Để qua đây, cùng nhau GHI NHỚ một đặc trưng của TIẾNG VIỆT vô tình đã bị chính nhiều người trong chúng ta quên béng!
&1&
Xin nói ngay cho lẹ làng:
I) Đặc trưng về âm tiết:
Các ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... là ĐA ÂM, tức một chữ (word) có nhiều hơn 1 âm tiết, có thể là 2, là 3.v.v... âm tiết. Ví dụ: Liberty (1 chữ) nhưng có đến 3 âm tiết.
Còn tiếng Việt chúng ta là ĐƠN ÂM, tức một chữ (word) chỉ có 1 âm tiết, gọn bâng.

II) Kế đó, hãy nhớ qui tắc viết rút gọn trong ngôn ngữ:
Viết tắt là viết RÚT GỌN SỐ CHỮ (từ nhiều chữ rút xuống còn ít chữ). "Chữ" (word) là đơn vị cơ bản, thành thử 1 chữ (1 word) là tối giản nhứt khi rút gọn.

RÚT GỌN SỐ CHỮ, CHỚ KHÔNG ĐƯỢC RÚT GỌN ÂM TIẾT, tức không được phép "chặt chém" một con chữ (word) ra làm 2, làm 3 ... để "rút gân rút xương" cho gọn.

&2&
Thì đây, coi qua mấy tỉ dụ.
Quốc gia ở Nam Á, mang tên ghi bằng tiếng Anh, là "India" (1 CHỮ, gồm 3 âm tiết). Có được phép chặt con chữ này ra các âm tiết rồi rút gọn theo âm tiết, gọi thành nước..."In", được không? Không. Coi dị hợm hết biết, không được chấp nhận. Bởi vì, nhắc lại, "India" chỉ là 1 CHỮ (word) nên không thể rút ngắn hơn được nữa.

"India", quí bạn đều biết, đó là nước Ấn Độ. Hai chữ "Ấn Độ" này, từ đâu? Là người Việt chủ động mượn chữ Hán để làm CẦU NỐI: "India" =>   (người Tàu đọc "Yìn Dù"), sau đó đọc hoàn toàn bằng âm Việt: ở đây, âm Việt của hai chữ này là "Ấn Độ".

Quí bạn chú ý: "India", trong tiếng Anh, chỉ là 1 chữ (word) mà thôi, nên không được phép rút ngắn hơn nữa.
Nhưng khi Việt hóa đọc thành "Ấn Độ" (2 chữ), thành thử chúng ta hoàn toàn có quyền rút gọn từ 2 chữ xuống còn 1 chữ: "Ấn"!

* Tỉ dụ khác nữa. Quốc gia "Russia", ở đây ghi bằng tiếng Anh, chỉ là 1 chữ (gồm 3 âm tiết). Không thể rút gọn bằng cách băm chặt âm tiết để gọi là nước..."Rus".
Giải pháp được chọn là Việt hóa - thông qua CẦU NỐI như ri: Russia => 
  , rồi đọc bằng âm Việt là "Nga La Tư" - đó, rõ rành "Russia" (1 chữ) không thể rút gọn, nhưng khi chuyển sang "Nga La Tư" (3 chữ) thì chúng ta mặc sức mà rút gọn thành "Nga" (1 chữ).
Bấy lâu nay chúng ta gọi nước "Nga", nước "Ấn" gọn bâng (chớ không đọc nước "Russia", nước "India" dài dòng làm chi, mắc mệt), là nhờ qui tắc Việt hóa thông qua cầu nối diễn giải trên.

Chúng ta đang nhìn thấy một "Qui tắc vàng": CHUYỂN NHỮNG NGÔN NGỮ ĐA ÂM (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha...) TRỞ THÀNH ĐƠN ÂM (VIỆT HÓA) => giúp cho việc viết tắt trở nên hợp lý hơn hẳn!

&3&
* Trở lại với "European Union":
"Union" nghĩa là liên minh / liên kết; cái chữ này rõ rành rồi, khỏi bàn. Còn "Europe" (adjective của Europe là "european")?
"Europe" chỉ là 1 chữ (word) nên không thể rút ngắn hơn, không được phép giờ trò đao phủ đem con chữ "Europe" ra chặt đôi thành "Eu", "rope" gì ráo.

Vậy nên, cần phải áp dụng QUI TẮC VÀNG "chuyển ngôn ngữ đa âm thành tiếng Việt đơn âm" thì mới có thể rút gọn HỢP LÝ, MẠCH LẠC.
Cũng dùng cầu nối như ri: "Europe" => 
  => âm Việt đọc là "Âu châu". Thành thử "European Union" dịch là "Liên minh Âu châu".
Nhắc lại: cách viết tắt trong ngôn ngữ là rút gọn về SỐ CHỮ. Từ 4 chữ "Liên minh Âu châu" được phép viết tắt thành 2 chữ "Liên Âu" là vì vậy.

* Bây giờ, mới nói đến tên gọi một quốc gia to đùng (nay không còn hộ khẩu trên đời) là "Union of Soviet Socialist Republics" (5 chữ). Khi viết tắt (nghĩa là rút gọn từ nhiều chữ xuống ít chữ), tiếng Anh ghi tối giản còn 2 chữ là "Soviet Union".
Viết tắt "SOVIET UNION" - chớ không ai đi viết tắt thành... "SO UNION" hết (tức là chặt đứt con chữ "SO/VIET" ra làm đôi, xài "SO", quăng "VIET" cho chó gặm). Người ta không tùy hứng ngớ ngẩn đến vậy trong chữ nghĩa.

Vậy mà, ở VN bấy lâu lại viết tắt kiểu ba rọi, nửa nạc nửa mỡ: "Liên Xô"! Liên bang rút gọn thành "Liên", cái này rõ rồi, ổn thỏa. Nhưng Xô-viết (phiên âm từ "Soviet", tiếng Nga: совет) mà rút gọn chỉ còn ... "Xô" thì trớt hướt! Nhắc lại: Soviet (Xô-viết) chỉ là 1 chữ (gồm 2 âm tiết) và chữ này có nghĩa.

Coi, hồi xảy ra phong trào Xô-viết ở Nghệ An và Hà Tĩnh, người ta viết như ri: "Xô-viết Nghệ Tĩnh" chớ đâu ai viết tắt kiểu ba rọi là .. "Xô Nghệ Tĩnh" (chặt đôi "Xô-viết", xài "Xô" thôi), làm gì có cái xô cái xiếc gì ở đây!

Ngẫm nghĩ để hiểu rằng, hồi xưa các thế hệ người Việt vẫn còn biết đâu là sự hợp lý trong cách viết tắt (để không rơi vào sự ngớ ngẩn)!

* Mà về sau này, trong ngôn ngữ TIẾNG VIỆT chúng ta, còn xảy ra sự đứt đoạn trong "cầu nối chuyển ngữ" nên lặc lè nhiều thứ!
Tỉ như "Europe" nhờ cầu nối chuyển ngữ mà Việt hóa thành "Âu châu", "European Union" thành "Liên Âu" gọn bâng, đến giờ vẫn dùng cách dịch này.
NHƯNG, "Soviet Union" lẽ ra cũng có thể chuyển ngữ Việt hóa, như kiểu dịch "Liên Âu", đâu khó. "Soviet" (1 chữ), mượn cầu nối 
   , âm Việt của mấy chữ này là "Tô Duy Ai" (3 chữ).
"Soviet" chỉ là 1 chữ nên không thể băm nát con chữ mà rút gọn kiểu ba rọi (phiên âm "Xô-viết", nên nhớ có dấu gạch nối "-" để cho biết đây chỉ là 1 chữ trong danh từ gốc); trong khi "Tô Duy Ai" 3 chữ nên có thể rút gọn thành số chữ tối giản "Tô" (1 chữ) (giống như "Nga La Tư" => "Nga"; "Bồ Đào Nha" => "Bồ").
"Liên bang Soviet", Việt hóa thành "Liên Tô" - gọn gàng và đúng nguyên tắc văn phạm trong việc rút gọn từ ngữ.

Tôi biết, bây giờ mà viết "Liên Tô" thì mắc công giải thích, thành thử tôi viết "Liên bang Soviet" hoặc "Liên Soviet" (chớ không "Liên... Xô").

* THAY LỜI MUỐN NÓI:

1/ Các ngôn ngữ đa âm khi chuyển ngữ vào trong văn bản tiếng Việt thì cần phải "nhập gia tùy tục", nghĩa là Việt hóa thông qua "cầu nối đơn âm" - như đã diễn giải trong bài.

2/ Tiếng Việt chúng ta không quá giàu có, nhưng vẫn đầy đủ năng lực để chuyển ngữ. Tiếc thay, năng lực chuyển ngữ của TIẾNG VIỆT bị hậu bối phụ bạc hoặc quên béng.

Khi quên mất năng lực chuyển ngữ độc đáo của TIẾNG VIỆT qua "cầu nối đơn âm", ắt phải xảy ra những cách viết tắt kiểu ba rọi (viết tắt "chặt chém" con chữ làm đôi, làm ba, tùy hứng).

Bây giờ nhiều người trong chúng ta không biết đến "Việt hóa qua cầu nối", thôi thì... cũng không cần băn khoăn. Chí ít là cần biết không vô tình viết tắt lớ ngớ là được rồi! - mà câu chuyện chữ nghĩa "Liên bang Soviet" chớ không "Liên Xô" là một tỉ dụ.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt



 



 

 

 


Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

Tưởng vui thống nhứt, ai ngờ tang thương: Sông Phú Xuân nhuộm máu, trở thành "Sông Hương"

 "Bầu ơi thương lấy bí cùng!

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"...

Câu ca dao nói về tình đoàn kết? Thực ra, đó lại là tiếng ca rỉ máu của đau thương ai oán, của đợi chờ khắc khoải hãy làm ơn vì cái nghĩa "chung giàn" mà thương nhau!
Câu ca dao, có lẽ đã vọng từ một biến cố lịch sử, để phải nhớ, phải khắc ghi:

TƯỞNG VUI THỐNG NHỨT, AI NGỜ TANG THƯƠNG!

Đó là biến cố bắt đầu từ tháng 10 năm 1744, chúa Trịnh Sâm sai thuộc tướng mang bốn vạn quân của miền bắc Đàng Ngoài tấn công vô miền nam Đàng Trong.
Sau khoảng 170 năm tách biệt một cõi, Đàng Trong đã mở rộng địa giới cho tới Cà Mau và phát triển thịnh vượng. Nhưng vào đời chúa Nguyễn Phúc Khoát rồi Nguyễn Phúc Thuần (chúa Nguyễn cuối cùng) thì suy yếu.
Chúa Trịnh ra bài hịch phủ dụ là chỉ nhằm loại bỏ quyền thần Trương Phúc Loan bấy giờ đang thao túng triều chính trong miền nam. Thấy vậy, các quan chức đại thần trong triều Nguyễn bèn loại bỏ Loan, sắp xếp lại "nội các", với hi vọng chúa Trịnh giữ lời tuyên bố trong bài hịch mà ... dừng tiến quân.
Nào ngờ mắc vô bẫy của chúa Trịnh hết ráo!

Cuối tháng 1/1775 quân miền bắc chiếm được kinh đô của miền nam Đàng Trong (bấy giờ là Phú Xuân).
Buổi ban đầu kinh đô Đàng Trong lột vô tay chúa Trịnh, "tuy người ta vẫn thấy nguyên vẹn các phe phái, nhưng các vai trò sắp phải đối bộ mặt. Bởi vì chúa Trịnh chỉ bận tâm trong toan tính đồng hóa vùng đất vừa chiếm được" (Tạ Chí Đại Trường, "Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802").

Người dân Phú Xuân bấy giờ tự an ủi với nhau: dù sao đi nữa đất nước cũng được thống nhứt... Nho sĩ Mai Chiêu Tư làm biểu văn nịnh các quan từ Thăng Long vô miền nam, ví các đại quan ngoài bắc tài giỏi ... sánh với các quan thái thú, thứ sử của Hán Đường thuở xưa!

Niềm vui thống nhứt chưa bao lâu, người dân Đàng Trong té sấp mặt khi phải chịu sự sách nhiễu của đa phần quan quân thuộc bên thắng trận. Bọn quan quân đó rủ nhau phá dỡ nhà rường của vua quan chúa Nguyễn, chiếm lấy những đồ vật tinh xảo, đem chở ra bắc.
Nạn tham những hối lộ tràn lan.
Quan quân Đàng Ngoài coi trời bằng vung, và coi người dân tại kinh đô của miền nam như cỏ rác.

* SÔNG PHÚ XUÂN NHUỘM MÁU, TRỞ THÀNH "SÔNG HƯƠNG"

Người dân Phú Xuân ngỡ ngàng. Người Đàng Trong, cũng như người Đàng Ngoài, đều là dân nước Việt nhưng cách hành xử của quan quân Đàng Ngoài không có chút gì mang tình nghĩa đồng bào. Bọn họ hệt như một lực lượng chiếm đóng.

Chỉ trong vòng một con giáp thôi, từ 1774 đến năm 1786, người dân Phú Xuân ta thán, oán khí ngất trời.
Thời may có phong trào Tây Sơn dựng nghiệp tại Bình Định ngày càng mạnh, tới năm 1786 thì Tây Sơn thốc binh đánh quan quân Đàng Ngoài chiếm đóng Phú Xuân.

Người dân đã tiếp tay cho Tây Sơn đuổi quan quân của Đàng Ngoài ra khỏi kinh đô của miền nam!

Chiến trận diễn ra khốc liệt khiến cho dòng sông Phú Xuân nhuộm đỏ máu.
... Dọc theo dòng sông là những bàn hương cúng cô hồn tập thể, rồi thả bè có hoa quả & thắp hương, về ban đêm dòng sông như đỏ rực lên.

Khách đi đò dọc, từ Ngã ba Sình ngược lên, thường nói chở họ tới "dòng sông có thắp hương nhiều", "tới cửa sông nhiều hương", để rồi việc nuốt âm trong ngôn ngữ khách thương hồ gọn lại là "tới sông hương". Sông Phú Xuân lần hồi gọi thành "sông Hương".

Trong thư tịch cổ trước năm 1786, chỉ ghi tên sông Phú Xuân (còn gọi là sông Linh Giang, sông Kim Trà) chớ không có tên "sông Hương". Về sau này, Hương giang (sông Hương) đã được mặc lấy ý nghĩa thi vị mà phủ lên nỗi ai oán trong cuộc chiếm đóng của Đàng Ngoài, phủ lên nỗi đau thương ngất trời trong cuộc nội chiến...

"Bầu ơi thương lấy bí cùng!
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".

Còn nhớ, hay đã quên rồi? ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt



 

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Sài Gòn mến yêu, Đàng Trong mến yêu

 SÀI GÒN MẾN YÊU, ĐÀNG TRONG MẾN YÊU

* Tỏ tường về địa danh “Sài Gòn”;
* Hiểu thêm về cá tánh phóng khoáng tại ĐÀNG TRONG - đó là: cởi mở, không "bức tử / trục xuất ngôn ngữ" mà có sự đón nhận, tôn trọng địa danh của những tộc người bản địa!
&&&
I/ Dẫn nhập lai rai chơi:
Có những vị đoán ngày xưa vùng đất Sài Gòn có nhiều "cây gòn", nhưng gòn chỉ là một trong những loại cây có mặt bình thường tại đây, chẳng nhiều tới mức để phải trở thành địa danh (vậy, “Sài" nghĩa là gì?, có người diễn giải là “củi” nhưng không thấy chứng tích ngôn ngữ nào ở miền Nam gọi "củi" là... "sài" hết trơn).

Lại có kiểu suy đoán ngược: dùng chữ Hán để giải thích địa danh. Lối suy đoán này khá phổ biến. Tại sao nói suy đoán ngược?
Bởi vì, nhiều người giải thích "ngữ nghĩa" đã quên mất một đặc trưng hết sức quan trọng ở Nam Kỳ.

II/ ĐẶC ĐIỂM "NGOẠI VĂN HÓA HÁN TỰ":
1) Nơi đây là vùng đất - trước khi người Việt (rồi người Hoa) - vào khai khẩn, trong rất nhiều thế kỷ là thuộc Chân Lạp (trước đó nữa, xửa xưa, là vương quốc Phù Nam). Thành thử địa danh trong nhiều đời trước kia là tiếng Khmer (Chân Lạp), có một số vùng theo dòng lịch sử còn có sự giao lưu với tiếng Xiêm La (Thái Lan), tiếng Mã Lai... (số này chiếm ít, tỉ lệ phần lớn vẫn là từ tiếng Khmer).

2) Nơi đây là vùng đất, trong nhiều đời (trước khi người Việt, lẫn Hoa, xuất hiện) - xin chú ý - không nằm trong văn hóa Hán tự! Đây là đặc điểm khác với vùng đất miền Trung (một phần) và miền Bắc (quen sống ngàn năm trong văn hóa Hán tự). Thành thử nguồn gốc của nhiều địa danh ở Nam Kỳ ngày xửa xưa không định danh bằng chữ Hán.

3) Qui luật trong việc gọi địa danh ở Nam Kỳ được gọi là "qui luật tiếp biến ngôn ngữ":
Phần lớn từ tiếng Khmer => sau đó lưu dân Việt tiếp nhận, đọc theo, rồi biến âm theo cách đọc bằng tiếng (nói) Việt => ghi lại trên văn bản bằng Hán tự (nên nhớ: trước khi có chữ Quốc ngữ, hết thảy đều ghi chép bằng chữ Hán).

III/ VỀ ĐỊA DANH "SÀI GÒN":
1) Trước đây khi còn là lãnh thổ của Chân Lạp (Chen La), tên gọi nơi vùng này ghi bằng tiếng Khmer (bên tiếng Anh phiên âm, ghi là “Prey Nokor”):
ព្រៃ នគរ - nghĩa là “vương quốc của rừng”, vì nơi đây ngày xưa còn rừng rậm, hoang dã.
Người Khmer đọc
ព្រៃ (Prey) gần gần với /rai/; đọc នគរ (Nokor): lướt nhẹ "no", còn "kor" thì /k/ đọc hao hao âm /g/ của tiếng Việt, nghe gần giống với /gòr/.

2) Tiếp biến qua cách đọc của người Việt:
Năm 1620, vua Chân Lạp là Chey Chettha II lấy công chúa Ngọc Vạn, ái nữ của chúa Nguyễn Phước Nguyên, mở ra cơ hội cho người Việt thâm nhập vào đồng bằng châu thổ sông Mekong bấy giờ thuộc Chân Lạp. Vào năm 1623, vua Chey Chettha II cho phép chúa Nguyễn mở một đồn thu thuế ở vùng Prey Nokor
ព្រៃ នគរ.

Theo qui luật tiếp biến ngôn ngữ, người Việt đọc trại thành /rài gòn/, rồi theo thời gian thành: /sài gòn/. Nghĩa gốc của âm “Sài Gòn”, xin nhắc lại, là “vương quốc của rừng”.

3) Qui phạm hóa bằng Hán tự:
Mãi hơn nửa thế kỷ sau - nhấn mạnh, hơn 50 năm sau - mới xuất hiện người Hoa tại vùng Prey Nokor "Sài Gòn".

Đó là vào năm 1679, chúa Nguyễn đã cho Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch gốc Quảng Đông kéo hơn 3.000 người vào định cư, lập nghiệp tại vùng lãnh thổ này. Với ưu thế về tổ chức, họ đã đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang của lưu dân người Việt (đã có mặt từ trước đó ít nhứt nửa thế kỷ) có hiệu quả hơn.

Họ (người Hoa gốc Quảng Đông) nghe người Việt đọc tên vùng này là “Sài Gòn" => Họ phiên âm qua tiếng Quảng Đông, đọc hao hao, là "Sài Côn" / “Sai Kung” (lưu ý: /k/ được người Quảng Đông phát âm gần với /g/, nếu phiên âm một cách nôm na thì người Hoa đọc là "Xây Gồng").
"Sai Kung" ("Xây Gồng") được người Hoa ghi bằng chữ Hán là
西
(ở đây dùng chữ Hán để ghi âm, hoàn toàn không mang nghĩa)

* Tóm lại:
Từ tiếng Khmer
ព្រៃ នគរ (Prey Nokor), diễn ra sự tiếp biến qua âm Việt là: “Sài Gòn”. Người Quảng Đông đọc mài mại “sài gòn” thành “sai kung”, ghi bằng chữ Hán là 西 .

(Hai chữ 西 , nếu đọc theo âm Việt-Hán, là “Tây Cống”. Nhiều người đời sau lại đi suy luận ngược, tưởng “Tây Cống” mang lấy ý nghĩa của địa danh. Kỳ thực, đây thuần túy là tiến trình ghi âm mà thôi.

Không ít người tưởng rằng có hai chữ 西 xuất hiện trước, người Quảng Đông đọc "Xây Gồng", rồi người Việt đọc theo thành "Sài Gòn". Tưởng vậy là tưởng bở, là trớt hướt!
Bởi vì không lẽ người Việt có mặt trước người Hoa cả nửa thế kỷ, nhưng lúc đó người Việt ù ù cạc cạc không biết gọi tên vùng đất này là gì hay sao, mà ú ớ như ngọng, dốt đặc tới mức phải đợi người Hoa tới thì mới biết đàng mà gọi tên "Sài Gòn"?)

IV/ CÁ TÁNH PHÓNG KHOÁNG TẠI ĐÀNG TRONG:
Ở Nam Kỳ, còn có hàng loạt địa danh như thành phố Châu Đốc, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, thành phố Mỹ Tho ... - hết thảy đều lấy từ tên gốc trong tiếng Khmer (rồi biến âm theo cách nói của người Việt). Đó là chưa kể còn những địa danh cấp huyện, cấp xã, ấp này kia nữa cũng mang dấu tích tiếp biến ngôn ngữ từ tiếng Khmer.

Ở miền Trung, địa danh như thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rí, Phan Rang, Phan Thiết ... - hết thảy đều có gốc từ tiếng Cham của tộc người bản địa nơi đây.

Hãy cùng nhau ngược dòng lịch sử, thuở phân lập Đàng Trong của 9 đời Chúa Nguyễn (kể từ những thập niên đầu thế kỷ 17): một cõi mình ên, từ Quảng Bình (phía nam sông Gianh trở vô) rồi mở rộng dần về phương Nam cho tới Cà Mau.

Thấy gì? Khí chất táo bạo, phiêu lưu đi lập nghiệp, không chấp nhận sống trong những lề thói cứng nhắc nơi lũy tre làng và triều chính quan phương... đã trở thành động lực để xác lập - theo dòng thời gian - một không gian văn hóa mới, một sinh khí văn hóa mới!

Ở đó, không có chỗ cho sự khệnh khạng mà phải là, nên là, sự hòa đồng, phóng khoáng.
Ngay trong cách gọi địa danh.

Không "bức tử", "trục xuất" hàng loạt để áp đặt, mà vẫn có những nơi này nơi kia được giữ lại / theo đúng cách gọi địa danh của những chủ nhân gốc: là người Chăm dọc theo miền Trung, là người Khmer ở vùng Thủy Chân Lạp (đổi tên thành "Nam Kỳ", dưới đời vua Minh Mạng năm 1832).

ĐÀNG TRONG mến yêu, là như vậy đó. Chứng kiến sự giao thoa, tiếp biến ngôn ngữ lẫn nhau chớ không "bức tử", "tận diệt" ./.
------------------------------------------------------------------
(Sẵn đây, nhắc lại:
Hồi xửa xưa, lúc Ngô Quyền mở đầu thời kỳ tự chủ, rồi nhà Đinh, rồi đến Lý Thái Tổ khởi đầu nhà Lý đặt tên nước "Đại Việt" - vào thời điểm của vua Lý Thái Tổ, Đại Việt chỉ đến Hà Tĩnh là biên giới cực Nam. Lãnh thổ của tộc Việt chỉ đến Hà Tĩnh thì dứt.

Còn từ Quảng Bình trở vô, suốt chiều dài miền Trung, là lãnh thổ của một quốc gia hoàn toàn khác: quốc gia của tộc người Cham.
Còn vùng đất mà sau này là Nam Kỳ vốn là lãnh thổ của nước Phù Nam, rồi nước Chân Lạp của tộc người Khmer.

Lãnh thổ mở cõi, theo dòng thời gian, gồm cả giải pháp "hòa hiếu" (sáp nhập đất đai bằng "hôn nhân chánh trị", bằng sự cống nạp) lẫn giải pháp xâm chiếm quân sự khốc liệt, đầu rơi máu chảy.

Xét về dữ kiện khách quan, khi truy xuất về nguồn gốc lãnh thổ, ĐÀNG TRONG (từ Quảng Bình đến Cà Mau) là sáp nhập lãnh thổ của tộc người Cham và lãnh thổ của tộc người Khmer!

Tức, ĐÀNG TRONG thành hình trên một không gian tích hợp PHONG PHÚ của vùng văn hóa gọi là "văn hóa Đông Nam Á", không thuần văn hóa "Nho giáo / Hán tự" khô cứng.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-----------------------------------------------------------------
Hình ảnh: Ngôi chùa Khmer xưa tại Sài Gòn (Prey Nokor
ព្រៃ នគរ )