ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Electoral Votes là quy trình, không phải là "lực lượng"!

 Bầu cử Tổng thống Mỹ:

ELECTORAL VOTES LÀ QUI TRÌNH, KHÔNG PHẢI LÀ "LỰC LƯỢNG"!
* Những ai từng đọc fb tôi thì đã hiểu Electoral votes, Electoral colleges cần phải dịch ra sao cho đúng với BẢN CHẤT NỀN DÂN CHỦ. Đối với quí bạn nào lần đầu đọc fb tôi thì... hãy khoan dịch tiếng Việt, tạm dùng nguyên xi tiếng Mỹ "electoral votes", "electoral colleges" cái đã (cuối bài sẽ hiểu).

I/ "HIỂU SAI MỘT LI, ĐI LẠC MỘT DẶM" NẾU QUÊN BÉNG NỀN TẢNG LIÊN BANG CỦA NƯỚC MỸ:
1) Về đặc trưng của Tổng thống chế (Presidential system):
Đây là hệ thống chánh trị mà nguyên thủ quốc gia (Tổng thống) được bầu từ lá phiếu phổ thông của cử tri. Bất luận là quốc gia đơn nhứt (không hợp thành từ các tiểu bang) như nước Pháp, Đại Hàn, Đài Loan (Trung Hoa dân quốc) hay quốc gia liên bang như nước Mỹ, hết thảy đều DỰA TRÊN LÁ PHIẾU PHỔ THÔNG của cử tri (popular votes)!
Không có ông to bà lớn nào được phép chen vô để thay mặt cử tri mà bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống hết.

Đọc tới đây, ắt sẽ có quí bạn thắc mắc: ủa, ở Mỹ nghe nói electoral votes, chớ không thèm nghía tới popular votes, mới quyết định ai làm Tổng thống?

Nước Mỹ là một quốc gia dân chủ, một mẫu mực về nền dân chủ (thành thử mới có "America Dream", "Giấc mơ Mỹ" mà cư dân ở các nước khác đều nhắc tới, đều... mơ), họ hết sức tôn trọng lá phiếu của người dân! Thủng thẳng ở phần kế tiếp, tôi sẽ xin giải thích cái danh xưng "electoral votes" thực chất là gì, và bầu Tổng thống Mỹ hoàn toàn dựa trên nền tảng popular votes đó đa!

2) Sẵn đây, mở ngoặc ghi chú: Ở Tổng thống chế (Presidential system), nguyên thủ quốc gia do dân bầu; trong khi đó ở Đại nghị chế (Congressional system), nguyên thủ (Thủ tướng) do nghị sĩ Quốc hội bầu ra. Nghĩa là người dân chỉ bỏ phiếu bầu ra những nghị sĩ (ở CHXHCN VN gọi là "đại biểu Quốc hội"), sau đó các nghị sĩ - tức là những đại diện THỰC THỤ của cử tri (do cử tri bầu) - họp lại bỏ phiếu chọn ra Thủ tướng.
Quí bạn thấy gì?
Nếu chọn bầu cử theo Đại nghị chế thì mới có "đại cử tri" ("đại cử tri" nghĩa là: "đại diện/đại biểu cho cử tri") mà thôi - "đại cử tri" ở đây chính là các nghị sĩ! Còn nếu đã chọn bầu cử theo Tổng thống chế thì không có "đại cử tri" gì ráo trọi.
Đừng lẫn lộn khái niệm, đem râu ông cắm cằm bà, coi dị hợm lắm luôn.

3) Đây, nói tới phần chánh yếu mà nhiều, khá nhiều người không chú ý, quên béng đi, thành thử "hiểu sai một li, đi lạc một dặm":
3a - Nước Mỹ là một quốc gia hợp thành từ 50 tiểu bang (states) lận! Các tiểu bang đều BÌNH ĐẲNG với nhau: phải TÔN TRỌNG quyền chọn lựa của cử tri trong TỪNG TIỂU BANG, tức là việc kiểm phiếu bầu của cử tri phổ thông (popular votes) phải được "đúc kết" theo mỗi tiểu bang!

Nếu gộp phiếu toàn nước Mỹ (50 tiểu bang) để kiểm phiếu chung, ta nói dễ ợt, lẹ làng hết sức. Nhưng, khi trộn chung số phiếu của cử tri ở những tiểu bang nhỏ vào chung với số phiếu của cử tri ở những tiểu bang lớn, điều gì xảy ra?

Sự chọn lựa của cử tri tiểu bang lớn sẽ "nuốt chửng" cử tri của tiểu bang nhỏ (ít dân hơn). Hệ quả là sẽ dẫn đến sự ly khai của nhiều tiểu bang ít dân, rời khỏi nước Mỹ (vì họ không được bình đẳng, không được kiểm phiếu độc lập thể hiện ý chí của người dân trong tiểu bang của họ, mà phải gộp chung).

Tầm viễn kiến chánh trị cũng như sự độc đáo trong nền dân chủ Mỹ là: tôn trọng quyền tự quyết, quyền bầu chọn của người dân trong từng tiểu bang!

3b - Đơn cử kỳ bầu cử 2016 cho dễ hình dung.
Kỳ đó, tiểu bang Oregon bà Hillary Clinton được nhiều phiếu cử tri phổ thông (popular votes) hơn ông Donald Trump, tức là người dân Oregon chọn bà Hillary làm Tổng thống.
Trong khi đó, tiểu bang Arizona thì ông Donald Trump được cử tri bỏ phiếu nhiều hơn, tức người dân Arizona ưng ông Donald Trump làm Tổng thống.

Quí bạn chú ý: sự chiến thắng của các ứng viên đều DỰA TRÊN LÁ PHIẾU PHỔ THÔNG (popular votes), chính người dân trong từng TIỂU BANG thể hiện ý chí chọn lựa của mình.

II/ ELECTORAL VOTES LÀ QUI TRÌNH, KHÔNG PHẢI "CỬ TRI"
1) Sự chọn lựa ứng viên nào làm Tổng thống, như vậy, được thể hiện qua các kết quả kiểm phiếu CỬ TRI PHỔ THÔNG (popular votes) từ 50 tiểu bang. Tức là có tới 50 kết quả bầu Tổng thống tùy vào ý chí chọn lựa độc lập của cử tri từng tiểu bang.
(Ngoài ra, còn có một khu vực đặc biệt cũng được kiểm phiếu độc lập, đó là Khu vực Columbia "Districts of Columbia" nơi đặt thủ đô Washington)

Vậy, phải chăng ứng viên nào đắc cử Tổng thống ở nhiều tiểu bang hơn thì trở thành Tổng thống toàn nước Mỹ? Là thắng cử quá bán, thắng tại 26 tiểu bang, thì đăng quang?
Không thể tính toán số học kiểu đó, bởi vì có những tiểu bang đông cử tri, có tiểu bang ít cử tri hơn.

Vậy, bài toán đặt ra: làm cách nào để "chấm điểm" sự chiến thắng của mỗi ứng viên được hợp lý nhứt?

2) Đến đây, tôi xin mời quí bạn nhớ lại (nếu đã đọc) hoặc chưa thì vào đọc bài về: Nền tảng Quốc hội Lưỡng viện Mỹ , để tỏ tường: số lượng nghị sĩ (Thượng nghị sĩ + Dân biểu Quốc hội Mỹ) phân bổ hợp lý cho từng tiểu bang được dựa trên nguyên tắc DÂN CHỦ BÌNH ĐẲNG kết hợp với nguyên tắc DÂN CHỦ THEO ĐA SỐ.
Tiểu bang Oregon 7 vị nghị sĩ, Arizon 11 vị, California 55 vị, Texas 38 vị, Florida 29 vị... là vì vậy.

3) Chìa khóa "chấm điểm" sự chiến thắng của ứng viên tranh cử Presidential Election tại mỗi tiểu bang, như vậy, đã được tìm ra, rất hợp lý:

Số nghị sĩ (TNS Senator + Dân biểu Representatives) của mỗi tiểu bang được qui đổi thành SỐ LƯỢNG phiếu "chấm điểm", gọi là Electoral votes (nghĩa là "Phiếu tuyển cử", còn được gọi "Presidential votes": "phiếu Tổng thống").

Ở đây là SỐ LƯỢNG (số phiếu electoral votes), hoàn toàn KHÔNG có "ông to bà lớn" nào từ trời rơi xuống làm đại diện mà thay quyền bầu cử của người dân hết.

Tiểu bang Oregon có 7 electoral votes. Bà Hillary hồi năm 2016 đắc cử tại Oregon => NGAY LẬP TỨC bà Hillary nhận được 7 electoral votes (7 phiếu Tổng thống) của Oregon.
Tiểu bang Arizona được qui đổi có được 11 electoral votes. Ông Trump được người dân Arizona bầu chọn làm TT => NGAY LẬP TỨC ông Trump nhận được 11 electoral votes (11 phiếu Tổng thống) của Arizona.v.v...

* NHẬN ĐỊNH:
A) Bầu Tổng thống Mỹ, nên nhớ, là được kiểm phiếu độc lập trong MỖI TIỂU BANG.
Việc thắng cử ở mỗi tiểu bang HOÀN TOÀN DỰA TRÊN LÁ PHIẾU CỦA NGƯỜI DÂN (popular votes).

B) Việc sử dụng electoral votes (phiếu tuyển cử, còn gọi là "Phiếu Tổng thống") thuần túy là một qui trình, một thể thức mà thôi, dùng để "chấm điểm" kết quả thắng cử ở mỗi tiểu bang.

Nền tảng của electoral votes:
- Dựa trên phiếu bầu của dân (popular votes), nghĩa là ứng viên phải thắng cử bởi phiếu cử tri phổ thông thì mới "ôm" được số phiếu electoral votes. Không được dân bầu thì cũng "trắng tay" electoral votes luôn!
- SỐ PHIẾU electoral votes, như phân tích ở trên, thể hiện nguyên tắc DÂN CHỦ THEO ĐA SỐ & nguyên tắc DÂN CHỦ BÌNH ĐẲNG.

=> Tóm lại, thể thức bầu cử Tổng thống Mỹ đã được nghiên cứu thấu đáo và thành hình hàng trăm năm. Đây là một mẫu mực về thiết chế dân chủ chánh trị ("dân chủ đa số" + "dân chủ bình đẳng")!

Đến đây ắt quí bạn đã hiểu:
Mọi luận điệu hô hào không kiểm phiếu độc lập theo từng tiểu bang / kéo theo hủy bỏ electoral votes ... thì không phải là "nâng cao dân chủ" như một số tuyên truyền lếu láo của đám "dân chủ ba rọi" - MÀ mưu đồ đàng sau, kỳ thực, là nhằm làm cho nước Mỹ phân rã, tan đàn xẻ nghé giữa các tiểu bang ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-------------------------------------------------------------------------------
PHỤ CHÚ: Ồ, còn Electoral Colleges? Đây là những đoàn Tuyển cử, còn gọi là "đoàn cử tri danh dự" (chớ không phải đại diện cử tri phổ thông, không phải "đại cử tri"), họp lại bỏ phiếu vào giữa tháng 12 sau khi ĐÃ có kết quả CHÍNH THỨC (biết tỏng ai trở thành Tổng thống rồi) từ đầu tháng 11.

Bỏ phiếu, nhưng KHÔNG CÓ THẨM QUYỀN THAY ĐỔI KẾT QUẢ BẦU CỬ. Vậy, đây là cuộc bỏ phiếu kiểu gì? Mắc gì phải rình rang họp lại?

Dựa theo Hiến pháp Mỹ, tôi xin giải thích về Electoral Colleges trong một stt kế tiếp.




 NÓI TIẾP VỀ THỂ THỨC BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ

* Electoral votes là "Phiếu tuyển cử" (còn gọi là Presidential votes: phiếu Tổng thống, hoặc State's votes: phiếu Tiểu bang), thuần túy là một qui trình / thể thức qui đổi từ kết quả kiểm phiếu CỬ TRI PHỔ THÔNG (Popular votes) TRONG MỖI TIỂU BANG (không phải là "lực lượng", không có ông to bà lớn đại cử tri gì ở đây hết - như cách dịch bấy lâu đã làm cho hiểu sai lạc về nền dân chủ tiên phong của nước Mỹ). Mời quí bạn đọc bài này cho tỏ tường: Bầu cử Tổng thống Mỹ, trước khi đọc tiếp stt dưới đây:

1/ Tiểu bang California có nhiều Phiếu Tuyển cử (electoral votes) nhứt: 55 phiếu, và có một số tiểu bang được qui đổi số Phiếu Tuyển cử tối thiểu là 3 phiếu. Toàn bộ 50 tiểu bang có 535 Phiếu Tuyển cử, thêm 3 Phiếu của Đặc khu Columbia (District of Columbia, nơi đặt Thủ đô Washington), tổng cộng là 538 Phiếu.
Hiến pháp Mỹ qui định: ứng viên nào nhiều Phiếu Tuyển cử nhứt, ĐÔNG THỜI phải đạt quá bán (tức đạt được từ 270 Electoral votes trở lên) thì đắc cử Tổng thống!

Tức là, vẫn có thể xảy ra 2 tình huống như sau:
a) Ứng viên A và B đạt số phiếu bằng nhau là mỗi người 269 Phiếu [A + B = 538 Phiếu].

b) Ứng viên A đạt nhiều phiếu nhứt trong các ứng viên tranh cử (nên nhớ: ứng cử TT Mỹ ngoài hai đảng lớn là Cộng hòa, Dân chủ thì vẫn có thể có một vài ứng viên thuộc đảng khác hoặc phi đảng phái), nhưng A chẳng hạn chỉ đạt 269 Phiếu (chưa đạt số phiếu qui định đắc cử là 270). Trong khi đó ứng viên B ít hơn đạt 266 Phiếu, ứng viên C đạt 3 Phiếu [tổng cộng A + B + C = 538 Phiếu];

Nếu rơi vào trường hợp a hoặc b nêu trên, lúc đó - theo Hiến pháp Mỹ qui định - việc bầu Tổng thống mới phải giao cho Hạ Viện bỏ phiếu. Còn Phó Tổng thống giao cho Thượng viện bỏ phiếu.

2/ Việc qui đổi thành Phiếu Tuyển cử (electoral votes) có hai cách: qui đổi "bloc voting", hoặc qui đổi "proportional voting". Hiến pháp Mỹ dành quyền chọn lựa cho mỗi tiểu bang.

* 48 tiểu bang chọn cách qui đổi "bloc voting" (qui đổi nguyên gói), còn gọi là "winner-take-all" (người chiến thắng nhận trọn số Phiếu Tuyển cử của tiểu bang).
Tỉ như hồi năm 2016, ông Trump thắng cử tại tiểu bang Florida => 29 Phiếu Tuyển cử phân bổ cho Florida được tính cho ông Trump. Còn bà Hillary thắng cử tại tiểu bang New York, tiểu bang này cũng được phân bổ 29 Phiếu Tuyển cử, do đó 29 Phiếu ở đây thuộc về bà Hillary...

Sở dĩ 48 tiểu bang đều chọn cách thức "bloc voting" vì phù hợp với thông lệ bầu Tổng thống ở các nước. Mỗi tiểu bang ở Mỹ được xem như một "quốc gia" (State), và quí bạn biết rồi đó: ứng viên nào nhiều phiếu bầu hơn hết thì đương nhiên trở thành nguyên thủ. Chớ không đời nào "sân si" ứng viên A chẳng hạn được 70% phiếu bầu / B được 30% thì A làm Tổng thống của 70% cử tri, còn B trở thành ... Tổng thống của 30% cử tri.

Nguyên tắc "winner-take-all" được chọn, là vì vậy.

* Dù vậy, còn lại 2 tiểu bang là Nebraska và Maine lại ưng chọn cách "qui đổi theo tỉ lệ" (proportional voting). Theo đó:
a) Ứng viên nào thắng cử tại tiểu bang (tức được tổng cộng nhiều phiếu cử tri phổ thông hơn trong toàn tiểu bang): qui đổi 2 Electoral votes cho ứng viên thắng cử.
b) Kế tiếp, xét theo từng khu vực bầu cử ("Congressional District"). Ở Nebraska có 3 khu CD; ở Maine có 2 khu CD.
Ứng viên nào có số phiếu bầu phổ thông cao hơn trong mỗi khu CD => qui đổi "lụm" 1 phiếu Electoral vote tại khu đó.

Hồi năm 2016, bà Hillary thắng cử tại Maine => a) bà Hillary ngay lập tức nhận được 2 Electoral votes; b) xét đến 2 khu CD trong tiểu bang: bà Hillary thắng cử 1 khu CD, do đó bà Hillary có được tổng cộng là 3 Electoral votes (2+1). Trong khi ông Trump chỉ thắng cử tại 1 khu CD còn lại, nên ông Trump lụm được 1 Electoral vote.

Hồi năm 2008, ứng viên McCain thắng cử tại tiểu bang Nebraska => a) ông McCain ngay lập tức nhận được 2 Electoral votes; b) xét đến 3 khu CD trong Nebraksa: McCain thắng cử tại 2 khu CD, do đó ông McCain có được tổng cộng là 4 Electoral votes (2+2). Trong khi đó Obama chỉ thắng cử tại 1 khu CD, nên Obama lụm được 1 Electoral vote.

* Danh sách ứng viên tranh cử Tổng thống vào 3/11/2020:
Theo thông báo từ Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC: Federal Election Commission), có tổng cộng 4 ứng viên:

Ông Donald Trump, Tổng thống đương nhiệm bên đảng Cộng hòa;
Ông Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ;
Ông Howie Hawkins, ứng viên đảng Xanh (Green Party);
Bà Jo Jorgensen, ứng viên đảng Tự do (Libertarian Party).

(Rapper da đen Kanye West không nộp hồ sơ tranh cử đúng thời hạn nên bị loại)

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét