ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Về "Cầu nối đơn âm" độc đáo trong tiếng Việt

 "Tiếng Việt rằng gọi là yêu. Nhưng hiểu tiếng Việt phiêu diêu chập chờn". Có hiểu thì yêu mới bền.

VỀ "CẦU NỐI ĐƠN ÂM" ĐỘC ĐÁO TRONG TIẾNG VIỆT
Đây mượn chuyện "cách viết tắt" mà nói, tỉ như "Liên minh Âu châu", viết tắt "Liên Âu" là hợp cách; nhưng "Liên bang Soviet" mà viết tắt "Liên Xô" thì, thực ra, không hợp cách trong tiếng Việt gì ráo!
Để qua đây, cùng nhau GHI NHỚ một đặc trưng của TIẾNG VIỆT vô tình đã bị chính nhiều người trong chúng ta quên béng!
&1&
Xin nói ngay cho lẹ làng:
I) Đặc trưng về âm tiết:
Các ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... là ĐA ÂM, tức một chữ (word) có nhiều hơn 1 âm tiết, có thể là 2, là 3.v.v... âm tiết. Ví dụ: Liberty (1 chữ) nhưng có đến 3 âm tiết.
Còn tiếng Việt chúng ta là ĐƠN ÂM, tức một chữ (word) chỉ có 1 âm tiết, gọn bâng.

II) Kế đó, hãy nhớ qui tắc viết rút gọn trong ngôn ngữ:
Viết tắt là viết RÚT GỌN SỐ CHỮ (từ nhiều chữ rút xuống còn ít chữ). "Chữ" (word) là đơn vị cơ bản, thành thử 1 chữ (1 word) là tối giản nhứt khi rút gọn.

RÚT GỌN SỐ CHỮ, CHỚ KHÔNG ĐƯỢC RÚT GỌN ÂM TIẾT, tức không được phép "chặt chém" một con chữ (word) ra làm 2, làm 3 ... để "rút gân rút xương" cho gọn.

&2&
Thì đây, coi qua mấy tỉ dụ.
Quốc gia ở Nam Á, mang tên ghi bằng tiếng Anh, là "India" (1 CHỮ, gồm 3 âm tiết). Có được phép chặt con chữ này ra các âm tiết rồi rút gọn theo âm tiết, gọi thành nước..."In", được không? Không. Coi dị hợm hết biết, không được chấp nhận. Bởi vì, nhắc lại, "India" chỉ là 1 CHỮ (word) nên không thể rút ngắn hơn được nữa.

"India", quí bạn đều biết, đó là nước Ấn Độ. Hai chữ "Ấn Độ" này, từ đâu? Là người Việt chủ động mượn chữ Hán để làm CẦU NỐI: "India" =>   (người Tàu đọc "Yìn Dù"), sau đó đọc hoàn toàn bằng âm Việt: ở đây, âm Việt của hai chữ này là "Ấn Độ".

Quí bạn chú ý: "India", trong tiếng Anh, chỉ là 1 chữ (word) mà thôi, nên không được phép rút ngắn hơn nữa.
Nhưng khi Việt hóa đọc thành "Ấn Độ" (2 chữ), thành thử chúng ta hoàn toàn có quyền rút gọn từ 2 chữ xuống còn 1 chữ: "Ấn"!

* Tỉ dụ khác nữa. Quốc gia "Russia", ở đây ghi bằng tiếng Anh, chỉ là 1 chữ (gồm 3 âm tiết). Không thể rút gọn bằng cách băm chặt âm tiết để gọi là nước..."Rus".
Giải pháp được chọn là Việt hóa - thông qua CẦU NỐI như ri: Russia => 
  , rồi đọc bằng âm Việt là "Nga La Tư" - đó, rõ rành "Russia" (1 chữ) không thể rút gọn, nhưng khi chuyển sang "Nga La Tư" (3 chữ) thì chúng ta mặc sức mà rút gọn thành "Nga" (1 chữ).
Bấy lâu nay chúng ta gọi nước "Nga", nước "Ấn" gọn bâng (chớ không đọc nước "Russia", nước "India" dài dòng làm chi, mắc mệt), là nhờ qui tắc Việt hóa thông qua cầu nối diễn giải trên.

Chúng ta đang nhìn thấy một "Qui tắc vàng": CHUYỂN NHỮNG NGÔN NGỮ ĐA ÂM (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha...) TRỞ THÀNH ĐƠN ÂM (VIỆT HÓA) => giúp cho việc viết tắt trở nên hợp lý hơn hẳn!

&3&
* Trở lại với "European Union":
"Union" nghĩa là liên minh / liên kết; cái chữ này rõ rành rồi, khỏi bàn. Còn "Europe" (adjective của Europe là "european")?
"Europe" chỉ là 1 chữ (word) nên không thể rút ngắn hơn, không được phép giờ trò đao phủ đem con chữ "Europe" ra chặt đôi thành "Eu", "rope" gì ráo.

Vậy nên, cần phải áp dụng QUI TẮC VÀNG "chuyển ngôn ngữ đa âm thành tiếng Việt đơn âm" thì mới có thể rút gọn HỢP LÝ, MẠCH LẠC.
Cũng dùng cầu nối như ri: "Europe" => 
  => âm Việt đọc là "Âu châu". Thành thử "European Union" dịch là "Liên minh Âu châu".
Nhắc lại: cách viết tắt trong ngôn ngữ là rút gọn về SỐ CHỮ. Từ 4 chữ "Liên minh Âu châu" được phép viết tắt thành 2 chữ "Liên Âu" là vì vậy.

* Bây giờ, mới nói đến tên gọi một quốc gia to đùng (nay không còn hộ khẩu trên đời) là "Union of Soviet Socialist Republics" (5 chữ). Khi viết tắt (nghĩa là rút gọn từ nhiều chữ xuống ít chữ), tiếng Anh ghi tối giản còn 2 chữ là "Soviet Union".
Viết tắt "SOVIET UNION" - chớ không ai đi viết tắt thành... "SO UNION" hết (tức là chặt đứt con chữ "SO/VIET" ra làm đôi, xài "SO", quăng "VIET" cho chó gặm). Người ta không tùy hứng ngớ ngẩn đến vậy trong chữ nghĩa.

Vậy mà, ở VN bấy lâu lại viết tắt kiểu ba rọi, nửa nạc nửa mỡ: "Liên Xô"! Liên bang rút gọn thành "Liên", cái này rõ rồi, ổn thỏa. Nhưng Xô-viết (phiên âm từ "Soviet", tiếng Nga: совет) mà rút gọn chỉ còn ... "Xô" thì trớt hướt! Nhắc lại: Soviet (Xô-viết) chỉ là 1 chữ (gồm 2 âm tiết) và chữ này có nghĩa.

Coi, hồi xảy ra phong trào Xô-viết ở Nghệ An và Hà Tĩnh, người ta viết như ri: "Xô-viết Nghệ Tĩnh" chớ đâu ai viết tắt kiểu ba rọi là .. "Xô Nghệ Tĩnh" (chặt đôi "Xô-viết", xài "Xô" thôi), làm gì có cái xô cái xiếc gì ở đây!

Ngẫm nghĩ để hiểu rằng, hồi xưa các thế hệ người Việt vẫn còn biết đâu là sự hợp lý trong cách viết tắt (để không rơi vào sự ngớ ngẩn)!

* Mà về sau này, trong ngôn ngữ TIẾNG VIỆT chúng ta, còn xảy ra sự đứt đoạn trong "cầu nối chuyển ngữ" nên lặc lè nhiều thứ!
Tỉ như "Europe" nhờ cầu nối chuyển ngữ mà Việt hóa thành "Âu châu", "European Union" thành "Liên Âu" gọn bâng, đến giờ vẫn dùng cách dịch này.
NHƯNG, "Soviet Union" lẽ ra cũng có thể chuyển ngữ Việt hóa, như kiểu dịch "Liên Âu", đâu khó. "Soviet" (1 chữ), mượn cầu nối 
   , âm Việt của mấy chữ này là "Tô Duy Ai" (3 chữ).
"Soviet" chỉ là 1 chữ nên không thể băm nát con chữ mà rút gọn kiểu ba rọi (phiên âm "Xô-viết", nên nhớ có dấu gạch nối "-" để cho biết đây chỉ là 1 chữ trong danh từ gốc); trong khi "Tô Duy Ai" 3 chữ nên có thể rút gọn thành số chữ tối giản "Tô" (1 chữ) (giống như "Nga La Tư" => "Nga"; "Bồ Đào Nha" => "Bồ").
"Liên bang Soviet", Việt hóa thành "Liên Tô" - gọn gàng và đúng nguyên tắc văn phạm trong việc rút gọn từ ngữ.

Tôi biết, bây giờ mà viết "Liên Tô" thì mắc công giải thích, thành thử tôi viết "Liên bang Soviet" hoặc "Liên Soviet" (chớ không "Liên... Xô").

* THAY LỜI MUỐN NÓI:

1/ Các ngôn ngữ đa âm khi chuyển ngữ vào trong văn bản tiếng Việt thì cần phải "nhập gia tùy tục", nghĩa là Việt hóa thông qua "cầu nối đơn âm" - như đã diễn giải trong bài.

2/ Tiếng Việt chúng ta không quá giàu có, nhưng vẫn đầy đủ năng lực để chuyển ngữ. Tiếc thay, năng lực chuyển ngữ của TIẾNG VIỆT bị hậu bối phụ bạc hoặc quên béng.

Khi quên mất năng lực chuyển ngữ độc đáo của TIẾNG VIỆT qua "cầu nối đơn âm", ắt phải xảy ra những cách viết tắt kiểu ba rọi (viết tắt "chặt chém" con chữ làm đôi, làm ba, tùy hứng).

Bây giờ nhiều người trong chúng ta không biết đến "Việt hóa qua cầu nối", thôi thì... cũng không cần băn khoăn. Chí ít là cần biết không vô tình viết tắt lớ ngớ là được rồi! - mà câu chuyện chữ nghĩa "Liên bang Soviet" chớ không "Liên Xô" là một tỉ dụ.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt



 



 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét