ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2020

Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa: đây là bàn cờ giữa "hỗn mang" với viễn kiến công lý...

CHỦ QUYỀN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA, QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA: ĐÂY LÀ BÀN CỜ GIỮA "HỖN MANG" VỚI VIỄN KIẾN CÔNG LÝ...

(Đây ghi chú tổng quan thôi, còn đi sâu thì không lạm bàn vì thuộc thẩm quyền của giới luật gia công pháp quốc tế & giới nghiên cứu chuyên sâu Biển Đông)

A/ DẪN NHẬP: Đơn cử vài dẫn chứng về hiện trạng tạm gọi "hỗn mang".
* Thuộc quần đảo SPRATLY ISLANDS (tiếng Việt chúng ta gọi "Trường Sa"): Đảo Pag-Asa theo tiếng Filipino, hiện nay Phi Luật Tân kiểm soát. Tiếng Việt gọi là đảo Thị Tứ; tiếng Tàu gọi là Zhong Ye (
: đảo Trung Nghiệp).
Đảo Tai Ping (
太平: đảo Thái Bình) do Đài Loan kiểm soát. Tiếng Việt gọi là đảo Ba Bình; tiếng Filipino gọi là đảo Ligaw.
Đảo Pulau Layang-Layang (tiếng Malay) hiện nay Mã Lai kiểm soát. Tiếng Việt gọi là đảo đá Hoa Lau; tiếng Tàu gọi là Dan Wan (
弹丸: Đạn Hoàn).

Vài dẫn chứng nêu trên để thấy chủ quyền của không ít đảo thuộc quần đảo Spratly (Trường Sa) vẫn đang nằm trong sự tranh chấp đa phương, có Việt Nam, có Trung Hoa, có Phi Luật Tân, rồi Mã Lai.v.v...

* Thuộc quần đảo PARACEL ISLANDS (tiếng Việt chúng ta gọi là "Hoàng Sa"): chẳng hạn, có đảo lớn nhứt là Phú Lâm, còn người Tàu gọi là Yong Xing (永興: đảo Vĩnh Hưng) do Trung Cộng (CHND Trung Hoa) chiếm đóng hồi năm 1956. Rồi tới năm 1974, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa lọt vào tay Trung Cộng...

Ắt hẳn nhiều quí bạn sẽ thắc mắc: cơ sự ra sao mà nhiều nước can dự trong tranh chấp chủ quyền nơi biển Đông? Hỗn mang cỡ đó, vậy luật pháp quốc tế ở đâu mà không "huýt" còi?

B/ HIỆP ƯỚC SAN FRANCISCO 1951: "LỬNG LƠ CON CÁ VÀNG"
Liên quan đến vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Paracel (Hoàng Sa), Spratly (Trường Sa), lần đầu tiên ở cấp độ đa quốc gia, đó là Hội nghị San Francisco vào năm 1951. Hội nghị này giải quyết vấn đề "hậu Đệ nhị thế chiến" đối với những lãnh thổ, lãnh hải từng bị quân phiệt Nhựt Bổn chiếm đóng.

B1) Bối cảnh:
- Mỹ mời Trung Hoa dân quốc (Đài Loan) tham dự nhưng Liên bang Soviet bác bỏ; ngược lại Mỹ bác bỏ phái đoàn CHND Trung Hoa (Trung Cộng) theo đề nghị của Soviet. Rốt cuộc, cả hai thực thế chánh trị "China" này đều không có mặt tại Hội nghị.
- Phái đoàn của thực thể chánh trị với danh xưng "Quốc gia Việt Nam" ("State of Viet Nam", thủ đô đặt tại Sài Gòn, quốc kỳ là cờ vàng ba vạch đỏ) được chấp thuận dự Hội nghị, thay mặt cho quyền lợi nhân dân Việt Nam.

B2) Diễn biến liên quan:
- Hội nghị bác bỏ không giao Hoàng Sa, Trường Sa cho CHND Trung Hoa (Trung Cộng);
- Thủ tướng Trần Văn Hữu của Quốc gia VN tuyên cáo về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tuyên cáo này không có quốc gia nào phản đối, được ghi vào Phụ lục của Hiệp ước San Francisco 1951.
- Văn bản chính thức của Hiệp ước San Francisco ("Treaty of San Francisco 1951"), ở Điều 2 khoản f ghi: "Nhựt Bổn từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Paracel và Spratly".
NHƯNG, Hiệp ước San Francisco KHÔNG XÁC ĐỊNH rõ rành Nhựt Bổn sẽ phải trao trả Paracel (Hoàng Sa), Spratly (Trường Sa) cho quốc gia nào.

Cả hai quần đảo này, vào thời Nhựt Bổn chiếm đóng (1945), Nhựt đem sáp nhập vào Đài Loan hết ráo!
Tuy nhiên, trước đó thì hai quần đảo này thuộc Việt Nam do Pháp cai trị (rồi Nhật đảo chánh Pháp, và chiếm đóng hai quần đảo).

Thấy gì?
Hội nghị San Francisco 1951 "không phản đối" tuyên cáo của Việt Nam đối với chủ quyền Hoàng Sa/Trường Sa, nghĩa là: Việt Nam vẫn có đầy đủ tư cách để yêu cầu một Tòa án quốc tế phân xử về chủ quyền (Hội nghị San Francisco bỏ lửng, không thể "phán quyết" về chủ quyền của Việt Nam) - khác với Trung Cộng là bị Hội nghị bác bỏ hoàn toàn, không giao Hoàng Sa/Trường Sa cho Trung Cộng!

B3) HỆ QUẢ (cũng có thể gọi là "hệ lụy" từ khoảng trống pháp lý tại Điều 2 khoản f):
* Hiệp ước San Francisco kêu bằng là "lửng lơ con cá vàng" về vấn đề chủ quyền. Thành thử về sau này Đài Loan (Trung Hoa dân quốc, không phải Trung cộng), rồi Phi Luật Tân, Mã Lai đều đua nhau ... "kiểm soát" các đảo trong quần đảo Spratly (Trường Sa).

Cũng bởi tình hình "hỗn mang" nên, vào tháng 2 và tháng 3 năm 1974, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa bấy giờ là ông Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho hải quân mở chiến dịch "Trần Hưng Đạo 48" đổ quân càng được nhiều đảo càng tốt! Kết quả là Việt Nam kiểm soát được nhiều đảo nhứt (so với các quốc gia khác) trong quần đảo Trường Sa.

Hiện nay Việt Nam kiểm soát được 21 thực thể địa lý (khái niệm "thực thể địa lý" dùng chỉ chung cho đảo nổi, đảo chìm, đảo đá, đảo san hô...), Phi Luật Tân 10, Mã Lai 7, Đài Loan 2, và Trung Cộng 7 (trong đó có Gạc Ma, hết thảy 7 thực thể địa lý này Trung Cộng cưỡng chiếm vào năm 1988).

* Nói nào ngay, quốc gia nào cũng đều trưng ra hồ sơ minh chứng cho chủ quyền của mình đối với những đảo thuộc Hoàng Sa/Trường Sa. Và hồ sơ của Việt Nam được cho là "đầy đủ", "hợp lý" hơn những quốc gia khác.
NHƯNG, nói cho cùng, hồ sơ chỉ thực sự có "sức nặng" khi đưa ra Tòa án quốc tế. Hoặc là dùng hồ sơ đi kèm với áp lực kinh tế / quân sự (vào một lúc nào đó?) trong đàm phán song phương (với Phi, Mã, Đài) để tranh thắng thua chủ quyền các đảo.

C/ ĐỐI DIỆN VỚI BẮC KINH:
Bắc Kinh viện dẫn vì họ không được tham dự Hội nghị San Francisco 1951 nên họ có quyền từ chối không tuân thủ những kết luận từ Hội nghị.
Thành thử Bắc Kinh đã cho quân chiếm lấy đảo Phú Lâm vào năm 1956, rồi vào đầu năm 1974 thì nuốt trọn toàn bộ quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh gọi là Xi Sha (
西 : Tây Sa).

Chưa hết Bắc Kinh còn cho rằng toàn bộ quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nan Sha ( : Nam Sa) là thuộc chủ quyền của họ "không thể chối cãi, không thể phủ nhận".

Bèn nhớ rằng, Hiệp định Geneve 1954 rồi Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam, cả hai Hiệp định đều có bút ký của Bắc Kinh. Theo đó, Bắc Kinh phải tôn trọng lãnh thổ (đi kèm với lãnh hải) thuộc quyền kiểm soát của người Việt Nam vào thời điểm 1954, và thời điểm 1973.
Đó là thực tế lịch sử rõ ràng, thời hiện đại, chớ không phải xưa lắc vào thời quân chủ làm gì cho rối trí.
Cả hai Hiệp định ràng buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm về sự cam kết của họ, đúng không?

Nguồn:Nguyễn - Chương Mt

Hình ảnh: Bia chủ quyền Trường Sa do Việt Nam Cộng hòa dựng trên đảo Song Tử Tây.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét