ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

Đàng Trong lo mở cõi, (trong khi Đàng Ngoài lo đấu đá quyền lực)

Quá khứ không thấu đáo, tương lai ắt nông nổi

ĐÀNG TRONG LO MỞ CÕI
(trong khi ĐÀNG NGOÀI CHỈ LO ĐẤU ĐÁ QUYỀN LỰC)
* Có thì phải nói là có, chớ không thể nhắm mắt trước sự thực lịch sử mà giở trò "ăn cháo đá bát".
Xem bản đồ năm 1802 Hoàng đế Gia Long hợp nhứt sơn hà, lập ra Nhà Nguyễn (Hình 1: hàng trên, trái). Ắt sẽ có quí bạn thắc mắc: ủa, phía Tây Bắc sao bị "lõm" (không giống với bản đồ nước VN hiện nay)?
&1&
Quí bạn có biết, ròng rã hơn 170 năm phân thành Đàng Ngoài và Đàng Trong (trước khi hợp nhứt): Ở Đàng Trong, các đời Chúa Nguyễn (là các bậc tiền nhân trong phả hệ vua Gia Long nhà Nguyễn), đặt kinh đô tại Phú Xuân, đã MỞ CÕI NAM TIẾN ĐẾN TẬN CÀ MAU!
Trong khi đó ở Đàng Ngoài, tại kinh đô Thăng Long chỉ LOAY HOAY TRANH GIÀNH QUYỀN LỰC (vua Lê Chúa Trịnh, Chúa Bầu...), DẬM CHÂN TẠI CHỖ không mở cõi sau khi đã phân thành hai Đàng.
(Hình 2: xem bản đồ năm 1757, hàng trên, phải)

* GHI CHÚ:
Phú Xuân đổ công sức mở cõi, trong khi Thăng Long chăm bẳm rình rập, chực chờ cơ hội để xua quân cướp lấy thành quả mở mang đất nước của Chúa Nguyễn suốt hơn một thế kỷ rưỡi. Thừa lúc Chúa Nguyễn suy yếu (1774), quân Lê - Trịnh vượt tuyến, tràn vào cưỡng chiếm kinh thành Phú Xuân trong mười năm (1774-1785).
Người dân Phú Xuân không thể ngờ quân Lê - Trịnh cùng chung ngôn ngữ tiếng Việt nhưng hành xử không mang tình đồng bào. Sử ghi bấy giờ tiếng than khóc dậy vang đất trời.
Thời may, vào năm 1786 Tây Sơn củng cố binh lực, từ Qui Nhơn đánh ra Phú Xuân, dẹp tan quân Lê - Trịnh phải chạy trở ngược ra Đàng Ngoài.

&2&
Ngược dòng thời gian xa lắc...
Vào năm 968 khi Đinh Tiên Hoàng đặt tên nước "Đại Cồ Việt" thì lãnh thổ nước ta bấy giờ cũng "lõm" một phần ở Tây Bắc.
(xem Hình 3: bản đồ hàng dưới, trái)

Cho tới tận nhà Hậu Lê sau này, trước khi phân chia Đàng Ngoài / Đàng Trong, lãnh thổ nước Việt vẫn "lõm" một phần Tây Bắc.
(xem Hình 4: bản đồ năm 1479, hàng dưới, giữa)

Nói cách khác, một phần Tây Bắc (nói theo địa danh bây giờ cho dễ hình dung, gồm phần lớn vùng đất Lai Châu, Điện Biên và một phần Lào Cai) - về đại thể (có xê dịch chỗ này chỗ kia trong suốt mấy trăm năm) là không thuộc lãnh thổ nước Việt.

Triều đình Thăng Long không mở cõi để sáp nhập một phần Tây Bắc vào lãnh thổ nước Việt. Chỉ mở theo trục Nam tiến, triều đình Thăng Long mở cõi tới Bình Định là chấm dứt vai trò lịch sử.

* GHI CHÚ:
Quí bạn thử hình dung: nếu Nguyễn Hoàng không nuôi hùng khí phiêu lưu, không dám xưng cõi mình ên mà bằng lòng sống trong bã vinh hoa nơi triều đình Thăng Long bấy giờ đã không còn thịnh trị như đời Lý - Trần, rơi vào vòng xoáy tranh giành chức tước, hết sức hủ lậu, VẬY chuyện gì xảy ra?

Nước Việt cũng chỉ dừng lại nơi Bình Định là dứt.
Nhắc lại: Vào đời nhà Đinh, cõi cực nam chỉ tới Xứ Nghệ. Rồi trong suốt hàng mấy trăm năm kế tiếp dài đăng đẳng, qua các đời Lý - Trần - Hậu Lê, cuộc Nam tiến chỉ có thể mở thêm từ Quảng Bình tới Bình Định, rất chậm chạp.

Việc mở cõi GẦN GẤP ĐÔI lãnh thổ - thêm Phú Yên cho đến hết các tỉnh miền Trung, rồi mở cõi toàn bộ miền Nam! Đây hoàn toàn thuộc về công trạng của các Chúa Nguyễn (triều đình PHÚ XUÂN).

&3&
Sáp nhập một phần lãnh thổ Tây Bắc vào Việt Nam, lúc nào?

Vào năm 1895, người Pháp - do họ cầm trịch toàn bộ Liên bang Đông Dương nên tùy nghi "điều chỉnh" cắt chỗ này, thêm chỗ kia cho ba nước VN, Lào, Cambodia... - đã đưa về phần lớn nay gọi là vùng đất Lai Châu, Điện Biên, một phần Lào Cai thuộc lãnh thổ VN!
(xem Hình 5, hàng dưới, phải).

Ở đây không đi vào các chi tiết biến động từng năm cũng như lý do vì sao người Pháp thực hiện "cắt/đắp" lãnh thổ (trong từng khu vực).
Bản đồ lãnh thổ VN (như đang thấy hiện nay) thì được định hình cơ bản vào năm 1905 sau khi người Pháp sáp nhập vùng Tây nguyên (trước đó là những tiểu quốc tự trị) vào nước Việt.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt







 

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020

Gọi tên “Nam Kỳ lục tỉnh” dễ mến hết sức: Hoài vọng, hãnh diện về truyền thống nơi đây!

* Lối "giảng dạy" lệch lạc kiểu gì mà khiến cho không ít thế hệ sau này tưởng tên gọi "Nam Kỳ lục tỉnh" là do Tây đặt ra (?). Nên biết, Tây vào thì làm gì còn "lục" (6), mà lên tới con số 20 đó đa.

A) Như trên fb này tôi đã từng ghi chú, "NAM KỲ" là danh xưng do chính người Việt đặt ra (hồi năm 1832, trước cả nửa thế kỷ khi Tây xâm chiếm toàn cõi 1884), Tây vô thì Tây đặt tên bằng tiếng Tây, họ gọi là "Cochinchine".
Thêm điều này nữa, quí bạn chú ý, "NAM KỲ LỤC TỈNH" tức gồm 6 tỉnh. Đến lúc Tây vô thì đâu còn 6 tỉnh rộng rinh, mà Tây chia ra thành 20 tỉnh!

Đây, 6 tỉnh gốc của Nam Kỳ ("Nam Kỳ lục tỉnh" , tôi ghi bằng CHỮ IN HOA) => chia thành 20 tỉnh của "Cochinchine" (là tên Tây áp vô, gọi thay cho hai chữ "Nam Kỳ" đã có sẵn từ hơn nửa thế kỷ trước):

1/ GIA ĐỊNH: chia thành 5 tỉnh gọi là Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Gò Công.
2/ BIÊN HÒA: chia thành 3 tỉnh gọi là Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một.
3/ ĐỊNH TƯỜNG: đổi tên thành Mỹ Tho.
4/ VĨNH LONG: chia thành 3 tỉnh gọi là Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh.
5/ AN GIANG: chia thành 5 tỉnh gọi là Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Sóc Trăng, Cần Thơ.
6/ HÀ TIÊN: chia thành 3 tỉnh gọi là Hà Tiên, Rạch Giá, Bạc Liêu.

Đó là cách mà người Pháp phân chia tỉnh vào năm 1899. Trước đó, người Pháp phân chia Nam Kỳ thành "hạt" (arrondissement) lúc thì 27 hạt, lúc thu gọn còn 18 hạt, rồi lại nâng lên 19 hạt... Tới năm 1899, người Pháp đổi "hạt" thành "tỉnh" (province) - cách gọi "tỉnh" () được đặt ra từ đời Hoàng đế Minh Mạng (1832), tới năm 1899 này người Pháp mới dùng lại chữ "tỉnh" (viết tiếng Pháp là "province") nhưng thay vì 6 (lục tỉnh) thì trở thành 20 tỉnh lận.

Về sau, cũng dưới thời Pháp, còn thay đổi một vài lần nữa (đặt thêm tỉnh mới, rồi lại bớt đi).v.v...

B) Người Pháp khi đặt sự cai trị lên vùng đất phương Nam này, họ đâu muốn giữ "lục tỉnh" y như cái thuở vùng này còn độc lập. Mà họ đặt ra rất nhiều tỉnh mới, không còn "lục" gì ráo trọi.

Nhưng, người dân Nam Kỳ vẫn hoài vọng "lục tỉnh" miết - như một cách lưu luyến với truyền thống của cha ông.
Tỉ như hồi năm 1907, ở Sài Gòn xuất bản tờ báo mang tên "Lục tỉnh tân văn" (số báo đầu tiên ra ngày 15/1/1907), chủ bút là ông Trần Chánh Chiếu (Gilbert Chiếu). Ta nói, lúc này cái tên "Lục tỉnh" đâu còn trong thực địa nữa, nhưng vẫn lấy hai chữ "LỤC TỈNH" làm tên báo hẳn hòi vậy đó!

Nói nào ngay, trong việc này thì người Pháp họ lịch sự mà tôn trọng cái sự hoài vọng đó - chớ không bày trò cấm đoán, không "bức tử" những gì đã từng hiện hữu trong lịch sử vùng đất nơi đây và lưu lại trong tâm trí người dân bản xứ.

Cái tên gọi "Nam Kỳ lục tỉnh" nghe dễ mến hết sức, khơi gợi ngọn nguồn, làm sao quên cho nổi? Chỉ có những kẻ mang tâm địa hèn kém thì mới hả hê khi "bức tử" tên gọi ngày xưa mà thôi.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
---------------------------------------------------------------------
Hình ảnh (hàng dưới): Báo Lục tỉnh tân văn; tòa soạn báo Lục tỉnh tân văn tại Sài Gòn 1907.




 

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Ba cái chữ “Vô”, “Bất”, “Phi” làm rối trí, mắc mệt!

Cái chữ nếu hiểu chưa được trúng, khái niệm đi kèm theo chữ ắt phải lệch đi ít nhiều! "Vô" , "bất" , "phi" - khi dịch qua tiếng Việt, cho gọn gàng, thảy đều dịch là: "Không".

Đọc sách báo thấy "bất () bạo động", được dịch là "không bạo động". Ủa, sao không thấy ghi là phong trào "vô () bạo động" hè?

Bởi vì "bất", phi", "vô" - thực ra có sự khác biệt nhau.
&1&
Chúng ta thường nghe câu "phi thương bất phú", thường được dịch là "không đi buôn thì không giàu được".
Ở phạm vi cá nhân, ủa, mấy siêu cầu thủ, siêu sao tài tử điện ảnh ca nhạc, cát-sê, lương bổng của họ đã làm cho họ giàu, rất giàu chớ không cần mần nghề buôn bán gì hết. Vậy, đâu phải không đi buôn thì không giàu?

Cái chữ "PHI", thực ra, nghĩa là "KHÔNG kể đến / không thừa nhận", là "except" (loại trừ, trừ phi) => "Phi thương bất phú", hiểu đúng là "nếu không thừa nhận thương mại (buôn bán) / nếu loại trừ thương mại thì không thể giàu lên được" : rất đúng, khi khảo sát trong phạm vi một quốc gia!
Một đất nước mà không phát triển kinh tế hàng hóa (kinh tế thương mại), đất nước đó không cách chi khá lên được.

&2&
"BẤT"
, là từ chối giá trị / đặc điểm nào đó có thể thủ đắc.
Còn "VÔ"
thì đối lập/tương phản hoàn toàn với "hữu" . "Hữu" là "có" <=> "vô" là "không có" (không thủ đắc)! Nói cách khác, đối lập chan chát với "hữu" là "vô" (chớ không phải "bất", "phi").

Tỉ dụ sau đây cho tỏ hơn sự dị biệt giữa "phi", "bất", "vô" - mặc dù về đại thể đều tạm hiểu là "không":
Khi ta nói "phi nhân", tức là LOẠI TRỪ lòng nhân đạo trong ứng xử;

Còn "bất nhân" là, dù thủ đắc ý thức về hành xử nhân đạo, nhưng từ chối, KHÔNG CẦN ĐẾN lòng nhân đạo;

Trong khi "vô nhân đạo" tệ hại ở chỗ KHÔNG CÓ nhận thức gì ráo về lòng nhân! (những kẻ vô nhân đạo chúng sẽ... thắc mắc mà hỏi nhau, "nhân đạo là gì rứa hè?").

&3&
Đã là xung đột xô xát, chẳng hạn giữa đoàn biểu tình với cảnh sát, bao giờ cũng xảy ra những hành vi có tính bạo lực / bạo động ít nhiều. Không tài nào "vô (
) bạo động" được ráo trọi.

Quí bạn chú ý: trên thế giới có phong trào tranh đấu "bất () bạo động", tức là KHÔNG CẦN ĐẾN / KHÔNG NHỨT THIẾT phải bạo động trong phương châm / tôn chỉ của phong trào - chớ không phải là tuyệt đối "không có", không phải là "vô". Thành thử không ai đi gọi là phong trào "vô bạo động" hết - vì nó không thực, và nực cười lắm đa!

"Bất bạo động" đâu có nghĩa là người dân Đông Đức (thời còn tồn tại Cộng hòa dân chủ Đức) phải làm đơn kiến nghị năn nỉ các anh cảnh sát cho tụi em được đi qua mấy cánh cổng dọc bức tường Berlin. Cảnh sát vứt kiến nghị vô thùng rác. Vậy, làm gì? Viết tiếp kiến nghị xin các anh rủ lòng thương. Lại bị vứt vô thùng rác. Lại viết kiến nghị nữa, cho mỏi tay luôn.

Thay vì ngu ngục viết kiến nghị mỏi tay (rồi bị quăng cục lơ, vứt vô thùng rác), người dân Đông Đức đổ xuống đường, dùng búa đập phá Bức tường Berlin. Hoặc trong phong trào biểu tình tại Hương Cảng, người dân ném đá, bắn đá, ném gậy gộc... Rõ ràng dùng búa, ném đá là hành vi có tính bạo lực chớ còn gì nữa. Nhưng phong trào biểu tình Hương Cảng, rồi đập đổ "Bức tường Berlin" đều được gọi là "phong trào bất bạo động".

Bởi vì, nhắc lại, đây là "bất bạo động" chớ không phải "vô bạo động".

Căn bản nhứt trong khái niệm "bất bạo động" là không chọn giải pháp võ lực quân sự, không võ trang súng ống. Còn lại, các biện pháp khác đều được tùy nghi sử dụng để tạo áp lực (bãi công, bãi thị, biểu tình...).

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Thành phần cư dân nào khẩn hoang lập ấp đất phương Nam (tức "Nam Kỳ", theo cách gọi thời vua Minh Mạng sau này)?

 Kỳ 2: Những điều còn hiểu sai về đĩnh cõi đất phương Nam

Thành phần cư dân nào khẩn hoang lập ấp đất phương Nam (tức "Nam Kỳ", theo cách gọi thời vua Minh Mạng sau này)?


Trước hết, xin có mấy dòng chú thích. Về mặt địa lý, nước Việt có ba miền: miền Nam, miền Trung, miền Bắc; còn về mặt phân chia địa giới chánh trị thì có hai miền: miền NAM, miền BẮC (đây dùng chữ in hoa, cho dễ phân biệt so với miền theo địa lý ghi chữ in thường).
Tỉ như NAM - BẮC giai đoạn 1954-1975; và giai đoạn xưa kia là NAM (Nam hà, phía Nam sông Gianh trở vô, tức Đàng Trong) - BẮC (Bắc hà, phía Bắc sông Gianh trở ra, tức Đàng Ngoài) kéo dài hơn một thế kỷ rưỡi lận.

A) Nhắc lại việc phân tranh Đàng Trong với Đàng Ngoài: khi nổ ra cuộc chiến tranh đầu tiên giữa hai Đàng vào năm 1625 (cả thảy có bảy cuộc đại chiến), kể từ lúc đó hai Đàng đoạn giao, chấm dứt thông thương đi lại.

Tỉ như những ai sinh ra đời ở ngoài BẮC trong năm 1625 và được cha mẹ kịp đưa vô trong NAM (trước thời điểm hai Đàng "đóng cửa", chấm dứt qua lại). Vậy, tính cho tới năm 1658 (chính thức mở đất, với qui mô lớn, tiến vào Thủy Chân Lạp), thế hệ đó được ngoài 30 tuổi, đang sức trai tráng. Còn cha mẹ của họ thì cũng đã lớn tuổi.

Thành thử trong giai đoạn đầu tiến vào Thủy Chân Lạp, ngoài những người sinh ra tại Đàng Trong (miền NAM), còn có giới trai tráng ngoài 30 tuổi (và một phần thuộc thế hệ lớn tuổi hơn) sinh ra ngoài BẮC.

NHƯNG, quí bạn chú ý: trong suốt cả trăm năm sau đó định cõi ở vùng Thủy Chân Lạp (1658-1757), nghĩa là dài lắm, lâu lắm.
Thành thử các thế hệ kế tiếp (ra đời sau năm 1625) đi khai phá Thủy Chân Lạp là đều được SINH RA & LỚN LÊN tại Đàng Trong (miền NAM) hết thảy!

Việc mở cõi miền Nam (Thủy Chân Lạp) SUỐT MỘT TRĂM NĂM, do vậy, cần được phân tích một cách khoa học là:
* Chỉ trong giai đoạn khẩn hoang ban đầu thôi, mới có cư dân sinh ra tại miền BẮC (nhưng kịp đi vô miền NAM trước năm 1625);
* Tuyệt đại đa số các thế hệ định cõi nơi Thủy Chân Lạp sau đó, là những cư dân được SINH RA & LỚN LÊN trong miền NAM.
(bao gồm những thế hệ sinh ra tại một số tỉnh miền Trung thuộc Đàng Trong, cùng với những thế hệ cư dân sinh ra trên miền đất mới ở phương Nam).

B) Quí bạn thường nghe nói "mở cõi là do di dân từ BẮC vào", hãy ngẫm cho kỹ, là hết sức phiến diện, hời hợt.

Nhắc lại: đây đang nói về mở cõi Thủy Chân Lạp từ 1658 (chớ không nói mở cõi ở miền Trung trước đó).
Trong suốt trăm năm định cõi, kể từ năm 1658 đến năm 1757, đâu có ai sinh ra ở miền BẮC (Đàng Ngoài) mà "vượt biên" vô NAM (Đàng Trong) được nữa!

Công trạng khẩn hoang lập ấp ở miền Nam (vùng Thủy Chân Lạp) - công trạng chủ yếu, chiếm tuyệt đại đa số - là thuộc về các thế hệ cư dân sinh ra tại Đàng Trong (miền NAM)!

[Cư dân ngoài BẮC, mãi cho đến khi đất nước hợp nhứt vào năm 1802 thì mới có sự thông thương trở lại, để có thể di chuyển với qui mô lớn vào trong NAM]

C) Sẵn đây nói qua về "Ngũ Quảng":
Vào thế kỷ 17, "Ngũ Quảng" gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (vùng Thừa Thiên-Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi.
(đừng nhầm lẫn với "tỉnh Quảng Đức" nằm trên cao nguyên, dưới thời Việt Nam cộng hòa vào thế kỷ 20 về sau, tỉnh Quảng Đức chính là tỉnh Đắc Nông hiện nay)

Còn Quảng Bình? Về địa lý, Quảng Bình thuộc về miền Trung; nhưng về địa giới chánh trị thời phân tranh thì hầu hết tỉnh Quảng Bình là thuộc miền NAM (Đàng Trong) trong suốt hơn một thế kỷ rưỡi!

(Thời gian Quảng Bình thuộc miền NAM, như vậy, lâu gấp 7-8 lần so với giai đoạn ngắn 1954-1975 mãi về sau này khi Quảng Bình thuộc miền BẮC)

Cần nhấn mạnh dữ kiện trên, bởi vì hiện nay bị ... "lệch sử" khi phán rằng Nguyễn Hữu Cảnh - theo lệnh Chúa Nguyễn vào an định vùng Đồng Nai, Gia Định, lập Dinh Trấn Biên (năm 1698) - là người miền BẮC (?) vì ông sinh ra và lớn lên tại Quảng Bình.
Cái này kêu bằng là "râu ông cắm cằm bà", đi lấy cách gọi của thế kỷ 20 đem áp ngược lên thế kỷ 17 đó đa!

Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650, nghĩa là sau khi hai Đàng đã chấm dứt qua lại được một phần tư thế kỷ rồi.
Sinh quán Quảng Bình của ông, hẳn nhiên là miền Trung (về địa lý), nằm hoàn toàn về phía Nam sông Gianh. Tức đây thuộc về miền NAM (Đàng Trong).

Ông là tướng của triều đình Phú Xuân (không phải triều đình Thăng Long), ở trong NAM (không phải ngoài BẮC), thành thử ông được Chúa Nguyễn sai phái cất quân vào vùng Thủy Chân Lạp là vì vậy.

D) CÔNG SỨC CỦA NGƯỜI HOA TRONG VIỆC ĐỊNH CÕI

Lưu dân người Việt xuôi từ miền Trung bắt đầu vào vùng Thủy Chân Lạp để khai khẩn Đồng Nai, Gia Định... Trong khi đó, từ cực Nam (Hà Tiên, Cà Mau) lại có một cuộc định cõi đi trở ngược lên. Do Chúa Nguyễn thực hiện? Không. Mà do công trạng của Mạc Cửu, cùng với con ông là Mạc Thiên Tích.

Mạc Cửu là người Quảng Đông, đưa gia quyến và tùy tùng vào tận đến kinh đô Oudong, và được vua Chân Lạp giao cho vùng Hà Tiên (gọi theo tên hiện nay cho dễ hình dung) để lập nghiệp. Mạc Cửu giỏi giang trong việc kinh tế, ông đã biến Hà Tiên trở thành một thương cảng nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á đầu thế kỷ 18.
Đến lượt Mạc Thiên Tích mở mang thêm Cà Mau, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cần Thơ...

Bấy giờ quân Xiêm La (Thái Lan) thường xuyên từ vịnh Thái Lan đổ bộ vào cướp phá. Cha con Mạc Cửu cầu viện vua Chân Lạp nhưng Chân Lạp đã suy yếu. Họ bèn xin nội thuộc, dâng những vùng đất mà họ khai khẩn đem sáp nhập vào Đàng Trong của Chúa Nguyễn (đổi lại, chúa Nguyễn cam kết bảo vệ họ Mạc trước những đợt tấn công của Xiêm La).

Quí bạn thử hình dung: giả sử cha con họ Mạc hồi đó chấp nhận dâng những vùng đất (nêu trên) & xin nội thuộc triều đình Xiêm La? Mũi Cà Mau, rồi "thập cảnh Hà Tiên" biến thành đất Thái hết trơn. Và rồi... bây giờ chúng ta đi tới Cần Thơ, có nước phải làm chiếu khán (visa) nhập cảnh Thái Lan đó đa.

Vậy nên, mới thấy hết công trạng của Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích trong việc mở rộng lãnh thổ cho nước Việt.

Thiệt tình, người Tàu mà như họ Mạc thì đáng mến, đáng trọng gấp ngàn lần so với những kẻ mang xác Việt nhưng vong bản, phản quốc.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-------------------------------------------------------------------------
Hình ảnh: Tượng Nguyễn Hữu Cảnh ở Đồng Nai.
Tượng Mạc Cửu ở Hà Tiên.





 

 

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Những điều còn hiểu sai về định cõi đất phương Nam

Cho tới giờ này vẫn còn không ít người hiểu trớt huớt về công cuộc định cõi đất phương Nam ("Nam Bộ" theo cách gọi dưới thời VNDCCH, rồi thời CHXHCN VN). Thành thử xin ghi chú mấy điểm, mong quí bạn từ đó mà tìm hiểu cho tỏ tường hơn nếu thực lòng yêu quí miền đất phương Nam.

A/ MỘT THẾ KỶ ĐỊNH CÕI BẰNG "PHƯƠNG THỨC HÒA BÌNH":
* Kể từ năm 1658 cho đến năm 1757 (hoàn tất cuộc mở cõi đất phương Nam), cuộc định cõi này về cơ bản là "phương thức hòa bình". Được hiểu là: các Chúa Nguyễn không đưa quân đội cưỡng chiếm (khác với quá trình xâm chiếm, sáp nhập Chiêm Thành) / KHÔNG xảy ra CHIẾN TRANH NGAY TẠI VÙNG THỦY CHÂN LẠP (sau này, thời Nhà Nguyễn gọi "Nam Kỳ", còn bây giờ gọi "Nam Bộ").
Mà do một số đời vua bên Vương quốc Chân Lạp ("Chenla", kinh đô tại Oudong - cách Phnom Penh thủ đô hiện nay bên Cambodia khoảng hơn 30km về phía Tây Bắc) lần lượt CẮT ĐẤT / DÂNG ĐẤT.

* Lý do cắt đất, dâng đất? Do các đời Chúa Nguyễn thực hiện nhiều kế sách: "ngoại giao hôn nhân" (gả con gái cho vua Chân Lạp) / giúp đỡ vua Chân Lạp chống lại quân Xiêm (Thái Lan) / hậu thuẫn phe phái trong cuộc đấu đá giành ngôi vua bên Chân Lạp. Kết quả là một số đời vua Chân Lạp đã cắt đất kết thân / cắt đất đáp tạ/ cắt đất cầu hòa.

* Hết thảy những lần cắt đất, dâng đất đều thuộc Thủy Chân Lạp vì cả vùng này đất thấp, canh tác không thuận lợi so với Lục Chân Lạp (là lãnh thổ chánh yếu của Vương quốc Chân Lạp), dân số Khmer cũng tương đối ít, thành thử "đất rộng người thưa" mà các vua Chân Lạp không thể khai thác hết.

Chú ý: Một thế kỷ chính thức định cõi về phương Nam, sáp nhập vùng THỦY CHÂN LẠP vào Đàng Trong (1658-1757), đã được hoàn tất dưới thời CÁC CHÚA NGUYỄN rồi đa!

(xin phân biệt rạch ròi, đừng ba chớp ba nháng gộp luôn thời kỳ Nhà Nguyễn mãi về sau, như vua Minh Mạng hồi năm 1835 đưa quân sang phía Tây, lấn chiếm Lục Chân Lạp nhưng chỉ được sáu năm thì rút quân trở về).

B/ GHI CHÚ VỀ QUÁ TRÌNH TIẾN VÀO THỦY CHÂN LẠP:

Việc sáp nhập lãnh thổ Thủy Chân Lạp không phải theo lối cuốn chiếu đi dần xuống phía Nam, mà sáp nhập "kiểu da beo" - tỉ như Cà Mau lại sáp nhập trước Tân An, Gò Công...

1) NĂM 1658: Thời điểm vua Chân Lạp đồng ý hợp thức hóa chủ quyền của Chúa Nguyễn tại vùng Đồng Nai.

Để hiểu tiến trình này, có một dữ kiện không thể bỏ qua: trước đó, vào năm 1620 chúa Nguyễn Phước Nguyên đem gả ái nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II.
Dưới sự bảo trợ của Hoàng hậu Ngọc Vạn, lưu dân người Việt từ một số tỉnh miền Trung (thuộc Đàng Trong) được nhà vua Chân Lạp đồng ý cho vào khai khẩn vùng Đồng Nai...

Triều đình Chân Lạp liên tục rơi vào tranh chấp quyền lực. Đây chỉ nói vắn tắt.
... Năm 1640, quan phụ chính Prah Outey đưa con mình là Ang Non I lên ngôi; nhưng sau đó năm 1642 một người con của vua Chey Chetta II lật đổ để lên ngôi và xưng hiệu Ponhea Chan I (sử Việt chuyển ngữ, gọi là "Nặc Ông Chân").
Phe cánh Ang Non I nhờ bà Hoàng thái hậu Ngọc Vạn cầu viện chúa Nguyễn Phước Tần (chúa Hiền).
Tháng 10/1658, chúa Hiền đưa quân vào kinh đô Chân Lạp, bắt được quốc vương Ponhea Chan I (Nặc Ông Chân). Con trai của Thái hậu Ngọc Vạn với tiên đế Chey Chetta II được lên ngôi vua.
Đáp lại, vùng Đồng Nai được giao cho chúa Nguyễn cai quản.

2) NĂM 1691: Thẩm quyền cai quản vùng Prey Nokor (sau này gọi là "Sài Gòn") thuộc về chúa Nguyễn.

Trước đó, 1674 Ang Saur (Nặc Ông Thu) lên ngôi Chính vương lấy niên hiệu Chey Chetta IV, tại kinh đô Oudong. Mặt khác, Ang Non (Nặc Ông Nộn) - con trai thứ của Ngọc Vạn với tiên đế Chey Chetta II - được làm Thứ vương, thủ phủ tại Prey Nokor.
Năm 1691, vua Nặc Ông Nộn tại Prey Nokor (Sài Gòn) qua đời, và chủ quyền vùng này bấy giờ được chuyển giao cho Chúa Nguyễn (dòng họ ngoại của vua Nặc Ông Nộn).

3) NĂM 1698:
Chúa Nguyễn Phước Châu (chúa Minh) sai Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào nam kinh lược, sắp xếp lại bộ máy hành chánh, chính thức dựng nên Dinh Trấn Biên (Gia định, bao gồm Sài Gòn, và vùng Đồng Nai).

4) NĂM 1708: vùng Hà Tiên sáp nhập vào Đàng Trong.

Trong quá trình sáp nhập đất phương Nam, một công trạng rất đặc biệt phải kể đến là công trạng của cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ!
Mạc Cửu là người Tàu, quen gọi là "người Minh hương", trốn khỏi Quảng Đông (vì trung thành với nhà Minh, không chịu khuất phục sự cai trị của nhà Mãn Thanh). Mạc Cửu kéo gia quyến cùng tùy tùng, binh lính giong buồm vào tận đến Chân Lạp năm 1671, yết kiến vua Ang Saur (Nặc Ông Thu). Nhà vua giao cho Mạc Cửu cai quản vùng sau này gọi là Hà Tiên.

Mạc Cửu chấn hưng kinh tế thịnh vượng, biến Hà Tiên trở thành một thương cảng nổi tiếng vùng Đông Nam Á thời bấy giờ. Xiêm La (Thái Lan) liên tục dòm ngó, đưa quân đến cướp bóc. Mạc Cửu nhiều lần xin triều đình Chân Lạp bảo vệ nhưng vương triều Chân Lạp đang suy yếu nên không thể đáp ứng được lời cầu viện từ Mạc Cửu.

Năm 1708 Mạc Cửu xin nội thuộc, sáp nhập Hà Tiên vào Đàng Trong của chúa Nguyễn. Tiện lợi cho đôi bên: Chúa Nguyễn có thêm vùng lãnh thổ (kêu bằng là "từ trên trời rơi xuống"), trong khi giang sơn do Mạc Cửu gầy dựng được bảo đảm bởi sức mạnh quân sự của Chúa Nguyễn.

* Từ NĂM 1736 đến NĂM 1739: Mạc Thiên Tứ (con trai của Mạc Cửu) khai phá thêm vùng đất Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ (gọi theo tên hiện nay cho dễ hình dung), và cũng xin sáp nhập những vùng này vào lãnh thổ Đàng Trong để nhận được sự bảo vệ từ quân đội của Chúa Nguyễn.

5) Cũng từ những cuộc can thiệp quân sự của Chúa Nguyễn giúp Chân Lạp chống lại quân Xiêm / hoặc tranh chấp phe phái và nhờ chúa Nguyễn giúp giành ngôi vua tại Oudong... đã lần lượt diễn ra những việc cắt đất, dâng đất:

Năm 1732, vua Satha II (Nặc Tha) dâng vùng Peam Mesar (Mỹ Tho), Longhôr (Long Hồ, tức Vĩnh Long);

Năm 1755, vua Ang Tong (Nặc Ông Nguyên) dâng vùng đất Tân An, Gò Công (Long An, Tiền Giang ngày nay);

Năm 1757, vua Nặc Nhuận dâng 2 xứ Preah Trapeang và Basac (vùng đất Trà Vinh và Sóc Trăng);
Sau khi Nặc Nhuận chết, chúa Nguyễn đã hỗ trợ Nặc Ông Tôn (Outey II) lên ngôi và bảo vệ trước sự tấn công của Xiêm La. Vua Nặc Ông Tôn đã dâng vùng đất (nay gọi là) Châu Đốc, Sa Đéc...

Công cuộc sáp nhập toàn bộ vùng Thủy Chân Lạp hoàn tất cơ bản, trong năm 1757.

C/ HỆ QUẢ:
Để gọi cho toàn vùng Thủy Chân Lạp, vào năm 1832 vua Minh Mạng đã định danh xưng: đây là "NAM KỲ".

Vào năm 1873 triều đình Cambodia ("Chenla" đã đổi thành "Cambodia") có đưa ra yêu cầu với chánh quyền thuộc địa Pháp giao vùng Nam Kỳ trở về Cambodia. Nhưng phía Pháp từ chối, vì thực tế lịch sử cho thấy quá trình sáp nhập là do chính các đời vua Chân Lạp đã đồng thuận cắt đất / dâng đất lần lượt cho triều đình Phú Xuân (Đàng Trong) !

Thành thử chỉ có sự điều chỉnh biên giới: Long An vào thời Nam Kỳ lục tỉnh (thời vua Minh Mạng) là "lồi" nhưng Pháp đã khoét một phần lõm, giao cho Cambodia (trở thành tỉnh Svay Rieng theo cách gọi hiện nay);
Hà Tiên thời Nam Kỳ lục tỉnh (thời vua Minh Mạng) kéo dài qua phần đất Cambodia nhưng Pháp cắt một phần giao lại cho Cambodia (trở thành tỉnh Kampot, Kep theo cách gọi hiện nay)...





Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
--------------------------------------------------------------------------
Kỳ sau: Nói cho rõ về CÔNG SỨC KHẨN HOANG ĐẤT PHƯƠNG NAM