ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Những điều còn hiểu sai về định cõi đất phương Nam

Cho tới giờ này vẫn còn không ít người hiểu trớt huớt về công cuộc định cõi đất phương Nam ("Nam Bộ" theo cách gọi dưới thời VNDCCH, rồi thời CHXHCN VN). Thành thử xin ghi chú mấy điểm, mong quí bạn từ đó mà tìm hiểu cho tỏ tường hơn nếu thực lòng yêu quí miền đất phương Nam.

A/ MỘT THẾ KỶ ĐỊNH CÕI BẰNG "PHƯƠNG THỨC HÒA BÌNH":
* Kể từ năm 1658 cho đến năm 1757 (hoàn tất cuộc mở cõi đất phương Nam), cuộc định cõi này về cơ bản là "phương thức hòa bình". Được hiểu là: các Chúa Nguyễn không đưa quân đội cưỡng chiếm (khác với quá trình xâm chiếm, sáp nhập Chiêm Thành) / KHÔNG xảy ra CHIẾN TRANH NGAY TẠI VÙNG THỦY CHÂN LẠP (sau này, thời Nhà Nguyễn gọi "Nam Kỳ", còn bây giờ gọi "Nam Bộ").
Mà do một số đời vua bên Vương quốc Chân Lạp ("Chenla", kinh đô tại Oudong - cách Phnom Penh thủ đô hiện nay bên Cambodia khoảng hơn 30km về phía Tây Bắc) lần lượt CẮT ĐẤT / DÂNG ĐẤT.

* Lý do cắt đất, dâng đất? Do các đời Chúa Nguyễn thực hiện nhiều kế sách: "ngoại giao hôn nhân" (gả con gái cho vua Chân Lạp) / giúp đỡ vua Chân Lạp chống lại quân Xiêm (Thái Lan) / hậu thuẫn phe phái trong cuộc đấu đá giành ngôi vua bên Chân Lạp. Kết quả là một số đời vua Chân Lạp đã cắt đất kết thân / cắt đất đáp tạ/ cắt đất cầu hòa.

* Hết thảy những lần cắt đất, dâng đất đều thuộc Thủy Chân Lạp vì cả vùng này đất thấp, canh tác không thuận lợi so với Lục Chân Lạp (là lãnh thổ chánh yếu của Vương quốc Chân Lạp), dân số Khmer cũng tương đối ít, thành thử "đất rộng người thưa" mà các vua Chân Lạp không thể khai thác hết.

Chú ý: Một thế kỷ chính thức định cõi về phương Nam, sáp nhập vùng THỦY CHÂN LẠP vào Đàng Trong (1658-1757), đã được hoàn tất dưới thời CÁC CHÚA NGUYỄN rồi đa!

(xin phân biệt rạch ròi, đừng ba chớp ba nháng gộp luôn thời kỳ Nhà Nguyễn mãi về sau, như vua Minh Mạng hồi năm 1835 đưa quân sang phía Tây, lấn chiếm Lục Chân Lạp nhưng chỉ được sáu năm thì rút quân trở về).

B/ GHI CHÚ VỀ QUÁ TRÌNH TIẾN VÀO THỦY CHÂN LẠP:

Việc sáp nhập lãnh thổ Thủy Chân Lạp không phải theo lối cuốn chiếu đi dần xuống phía Nam, mà sáp nhập "kiểu da beo" - tỉ như Cà Mau lại sáp nhập trước Tân An, Gò Công...

1) NĂM 1658: Thời điểm vua Chân Lạp đồng ý hợp thức hóa chủ quyền của Chúa Nguyễn tại vùng Đồng Nai.

Để hiểu tiến trình này, có một dữ kiện không thể bỏ qua: trước đó, vào năm 1620 chúa Nguyễn Phước Nguyên đem gả ái nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II.
Dưới sự bảo trợ của Hoàng hậu Ngọc Vạn, lưu dân người Việt từ một số tỉnh miền Trung (thuộc Đàng Trong) được nhà vua Chân Lạp đồng ý cho vào khai khẩn vùng Đồng Nai...

Triều đình Chân Lạp liên tục rơi vào tranh chấp quyền lực. Đây chỉ nói vắn tắt.
... Năm 1640, quan phụ chính Prah Outey đưa con mình là Ang Non I lên ngôi; nhưng sau đó năm 1642 một người con của vua Chey Chetta II lật đổ để lên ngôi và xưng hiệu Ponhea Chan I (sử Việt chuyển ngữ, gọi là "Nặc Ông Chân").
Phe cánh Ang Non I nhờ bà Hoàng thái hậu Ngọc Vạn cầu viện chúa Nguyễn Phước Tần (chúa Hiền).
Tháng 10/1658, chúa Hiền đưa quân vào kinh đô Chân Lạp, bắt được quốc vương Ponhea Chan I (Nặc Ông Chân). Con trai của Thái hậu Ngọc Vạn với tiên đế Chey Chetta II được lên ngôi vua.
Đáp lại, vùng Đồng Nai được giao cho chúa Nguyễn cai quản.

2) NĂM 1691: Thẩm quyền cai quản vùng Prey Nokor (sau này gọi là "Sài Gòn") thuộc về chúa Nguyễn.

Trước đó, 1674 Ang Saur (Nặc Ông Thu) lên ngôi Chính vương lấy niên hiệu Chey Chetta IV, tại kinh đô Oudong. Mặt khác, Ang Non (Nặc Ông Nộn) - con trai thứ của Ngọc Vạn với tiên đế Chey Chetta II - được làm Thứ vương, thủ phủ tại Prey Nokor.
Năm 1691, vua Nặc Ông Nộn tại Prey Nokor (Sài Gòn) qua đời, và chủ quyền vùng này bấy giờ được chuyển giao cho Chúa Nguyễn (dòng họ ngoại của vua Nặc Ông Nộn).

3) NĂM 1698:
Chúa Nguyễn Phước Châu (chúa Minh) sai Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào nam kinh lược, sắp xếp lại bộ máy hành chánh, chính thức dựng nên Dinh Trấn Biên (Gia định, bao gồm Sài Gòn, và vùng Đồng Nai).

4) NĂM 1708: vùng Hà Tiên sáp nhập vào Đàng Trong.

Trong quá trình sáp nhập đất phương Nam, một công trạng rất đặc biệt phải kể đến là công trạng của cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ!
Mạc Cửu là người Tàu, quen gọi là "người Minh hương", trốn khỏi Quảng Đông (vì trung thành với nhà Minh, không chịu khuất phục sự cai trị của nhà Mãn Thanh). Mạc Cửu kéo gia quyến cùng tùy tùng, binh lính giong buồm vào tận đến Chân Lạp năm 1671, yết kiến vua Ang Saur (Nặc Ông Thu). Nhà vua giao cho Mạc Cửu cai quản vùng sau này gọi là Hà Tiên.

Mạc Cửu chấn hưng kinh tế thịnh vượng, biến Hà Tiên trở thành một thương cảng nổi tiếng vùng Đông Nam Á thời bấy giờ. Xiêm La (Thái Lan) liên tục dòm ngó, đưa quân đến cướp bóc. Mạc Cửu nhiều lần xin triều đình Chân Lạp bảo vệ nhưng vương triều Chân Lạp đang suy yếu nên không thể đáp ứng được lời cầu viện từ Mạc Cửu.

Năm 1708 Mạc Cửu xin nội thuộc, sáp nhập Hà Tiên vào Đàng Trong của chúa Nguyễn. Tiện lợi cho đôi bên: Chúa Nguyễn có thêm vùng lãnh thổ (kêu bằng là "từ trên trời rơi xuống"), trong khi giang sơn do Mạc Cửu gầy dựng được bảo đảm bởi sức mạnh quân sự của Chúa Nguyễn.

* Từ NĂM 1736 đến NĂM 1739: Mạc Thiên Tứ (con trai của Mạc Cửu) khai phá thêm vùng đất Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ (gọi theo tên hiện nay cho dễ hình dung), và cũng xin sáp nhập những vùng này vào lãnh thổ Đàng Trong để nhận được sự bảo vệ từ quân đội của Chúa Nguyễn.

5) Cũng từ những cuộc can thiệp quân sự của Chúa Nguyễn giúp Chân Lạp chống lại quân Xiêm / hoặc tranh chấp phe phái và nhờ chúa Nguyễn giúp giành ngôi vua tại Oudong... đã lần lượt diễn ra những việc cắt đất, dâng đất:

Năm 1732, vua Satha II (Nặc Tha) dâng vùng Peam Mesar (Mỹ Tho), Longhôr (Long Hồ, tức Vĩnh Long);

Năm 1755, vua Ang Tong (Nặc Ông Nguyên) dâng vùng đất Tân An, Gò Công (Long An, Tiền Giang ngày nay);

Năm 1757, vua Nặc Nhuận dâng 2 xứ Preah Trapeang và Basac (vùng đất Trà Vinh và Sóc Trăng);
Sau khi Nặc Nhuận chết, chúa Nguyễn đã hỗ trợ Nặc Ông Tôn (Outey II) lên ngôi và bảo vệ trước sự tấn công của Xiêm La. Vua Nặc Ông Tôn đã dâng vùng đất (nay gọi là) Châu Đốc, Sa Đéc...

Công cuộc sáp nhập toàn bộ vùng Thủy Chân Lạp hoàn tất cơ bản, trong năm 1757.

C/ HỆ QUẢ:
Để gọi cho toàn vùng Thủy Chân Lạp, vào năm 1832 vua Minh Mạng đã định danh xưng: đây là "NAM KỲ".

Vào năm 1873 triều đình Cambodia ("Chenla" đã đổi thành "Cambodia") có đưa ra yêu cầu với chánh quyền thuộc địa Pháp giao vùng Nam Kỳ trở về Cambodia. Nhưng phía Pháp từ chối, vì thực tế lịch sử cho thấy quá trình sáp nhập là do chính các đời vua Chân Lạp đã đồng thuận cắt đất / dâng đất lần lượt cho triều đình Phú Xuân (Đàng Trong) !

Thành thử chỉ có sự điều chỉnh biên giới: Long An vào thời Nam Kỳ lục tỉnh (thời vua Minh Mạng) là "lồi" nhưng Pháp đã khoét một phần lõm, giao cho Cambodia (trở thành tỉnh Svay Rieng theo cách gọi hiện nay);
Hà Tiên thời Nam Kỳ lục tỉnh (thời vua Minh Mạng) kéo dài qua phần đất Cambodia nhưng Pháp cắt một phần giao lại cho Cambodia (trở thành tỉnh Kampot, Kep theo cách gọi hiện nay)...





Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
--------------------------------------------------------------------------
Kỳ sau: Nói cho rõ về CÔNG SỨC KHẨN HOANG ĐẤT PHƯƠNG NAM

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét