ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021

Vai trò của Giám mục Bá Đa Lộc trong cuộc nội chiến tại Đại Việt cuối thê kỷ XVIII

 VAI TRÒ CỦA GIÁM MỤC BÁ ĐA LỘC

TRONG CUỘC NỘI CHIẾN TẠI ĐẠI VIỆT CUỐI THẾ KỶ XVIII

Trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 30 năm giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn (1771-1802), Giám mục Bá Đa Lộc là người phương Tây có mặt lâu nhất, từ năm 1776 đến ngày ông qua đời (1799). Ông sát cánhvới chúa Nguyễn Ánh từ thập niên 1780 cho đến những ngày cuộc nội chiến đã nghiêng phần thắng lợi về phía nhà Nguyễn. Song vị trí của Bá Đa Lộc trong cuộc chiến giằng co đó như thế nào, nhất là mối quan hệ giữa ông ta với Nguyễn Ánh ra sao, có nhiều sự miêu tả, nhận định khác nhau, trong đó phần lớn sách báo thường phóng đại vai trò của vị giám mục này.

Tháng 7.1774, Giám mục Bá Đa Lộc rời Pondichéry, thuộc địa Pháp tại Ấn Độ, cùng 4 giáo sĩ châu Âu và 9 chủng sinh đi Macao, tại đây, ông ta cho in một sách về giáo lý Cơ Đốc giáo bằng chữ quốc ngữ. Những năm 1775-1776, ông ta đến sinh sống khi thì ở Hà Tiên, khi thì ở Phnom Penh (Chân Lạp) và gặp gỡ chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần lần đầu rồi sát cánh cùng người còn sót lại của dòng chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh.

Sau thất bại trong sứ mạng do Nguyễn Ánh giao phó tại Pháp vào những năm 1785-1787, Giám mục Bá Đa Lộc trở lại Đại Việt vào tháng 7.1789 và tham gia vào cuộc nội chiến ác liệt giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn. Trong thời gian đầu ngay sau khi ông ta về tới Gia Định, sự bất đồng giữa ông ta và chúa Nguyễn Ánh bộc lộ rất rõ, ít nhất trên hai khía cạnh:

- Về đời sống tâm linh của người Việt, cụ thể là vấn đề quỳ lạy và thờ cúng ông bà, tổ tiên.

- Cách điều hành cuộc chiến chống lại nhà Tây Sơn.

Về vấn đề thứ nhất, trong một bài viết dài 82 trang nhan đề “Documents relatifs à l’époque de Gia Long” (Tư liệu liên quan đến thời kỳ Gia Long) in trong Tập san trường Viễn Đông Bác Cổ năm 1912 (1), cây bút Léopold Cadière, chủ biên tờ Tập san Đô thành Hiếu cổ (2), đã xác định có chuyện hoàng tử Cảnh khước từ việc quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên, không chịu đi chùa và bài trừ việc cúng phẩm vật cho ông bà (3). L. Cadière cũng cho in lại bức thư đề ngày 11.8.1789 của giáo sĩ Boisserand kể lại cuộc thảo luận giữa chúa Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc về vấn đề thờ cúng ông bà.

Qua bài tường thuật này, người ta biết rằng Bá Đa Lộc lên tiếng chỉ trích tục thờ cúng ông bà và Nguyễn Ánh đã trả lời ông ta như sau: ” Ta nhất thiết phải thờ cúng cha mẹ, và cái cách ta trình bày với thượng sư về điều này, theo ta không có gì lố bịch cả. Đó là căn bản nền giáo dục của chúng ta; nó gợi cho những đứa trẻ ở tuổi đời non nớt lòng hiếu thảo, và nó mang lại cho các bậc cha mẹ thứ quyền hành mà nếu không có thì họ sẽ không ngăn chặn được tình trạng rối loạn trong gia đình…” (Cadière - tlđd, trang 20-21).

Trong bài viết của mình, linh mục L. Cadière cũng nêu rõ mưu đồ của Bá Đa Lộc khi bàn về đời sống tâm linh với chúa Nguyễn: “Đây là lý do lớn nhất đã dẫn dắt giám mục Adran (4). Mục tiêu của tất cả những cuộc vận động của ông, đích nhắm duy nhất của cả đời ông, là sự cải đạo (sang Cơ Đốc giáo) của người dân Đại Việt thông qua sự cải đạo của vị chúa mà ông đang gắn bó. Ông muốn loại bỏ những trở lực đã ngăn cản ông thực hiện mong muốn này …” (5). Dù đã thành công phần nào với hoàng tử Cảnh, song với một Nguyễn Ánh đã trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm, mọi mưu toan của Bá Đa Lộc đã vấp phải một bức tường thành kiên cố.

Mối bất đồng thứ hai cũng khá gay gắt. Giữa năm 1790, quân Nguyễn Ánh đã chiếm được Bình Thuận, Bá Đa Lộc muốn ông nhân dịp này đánh thốc ra dinh lũy của nhà Tây Sơn ở Qui Nhơn song Nguyễn Ánh còn chần chừ. Sự bất đồng lên đến đỉnh điểm khiến cho vị giáo sĩ này bộc lộ hết với giáo sĩ Letondal trong một bức thư đề ngày 14.9.1791: “ …Nhà vua đã không lợi dụng những phương tiện có được để chiến đấu chống kẻ thù, ông đã để cho họ có thì giờ giải tỏa nỗi sợ hãi và tin chắc rằng tất cả những gì mà người ta nói về sự giúp đỡ của người châu Âu chỉ là ảo tưởng”(6) .

Một số cây bút giải thích sự bức xúc của vị giám mục xuất phát từ nỗi lo sợ quân Tây Sơn sẽ phản công về phía Nam, số phận của ông ta và giáo dân Cơ Đốc giáo sẽ gặp nguy hiểm. Điều lo ngại này không phải là không có lý, vì theo một số nhà nghiên cứu, trong đó có giáo sư người Mỹ George Dutton (7), chính sách khắc nghiệt của nhà Tây Sơn đối với Cơ Đốc giáo không có tính thuần túy tôn giáo mà chủ yếu vì các giáo sĩ đang ủng hộ mạnh mẽ lực lượng đối kháng với họ là quân đội của chúa Nguyễn.

Tháng ba AL năm 1793, chúa Nguyễn lập hoàng tử Cảnh làm Đông cung Thái tử, “dựng nhà Thái học, đặt một Đông cung phụ đạo, 2 thị giảng, 8 hàn lâm thị học, 6 Quốc tử giám thị học, mỗi ngày hai buổi họp các quan đốc học ở nhà thái học để giảng bàn kinh sử” (8). Ngô Tùng Châu được cử làm Đông cung phụ đạo, Đông cung thị giảng là hai trong ba “Gia Định tam gia”: Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định. Không thấy chính sử nói gì đến vai trò của Bá Đa Lộc vào lúc này.

Những năm 1793-1794, vị giám mục cũng không tham gia các cuộc hành quân, ông dịch cho chúa Nguyễn một số tác phẩm cổ điển phương Tây về kỹ thuật quân sự, cách xây dựng công sự. Tuy nhiên đến năm 1795 thì mọi việc thay đổi theo một chiều hướng khác, Bá Đa Lộc tiếp tục đề cập đến chuyện ra đi, lần này nguyên nhân là sự chống đối công khai hay ngấm ngầm của phần lớn quan lại dưới trướng Nguyễn Ánh đối với ông ta.

Trong bức thư đề ngày 30.5.1795 gửi cho giáo sĩ Boiret, ông ta kể rằng có đến 19 cận thần của chúa Nguyễn, trong đó có một vị hoàng thân, đã dâng biểu thỉnh cầu chúa cắt đứt mọi quan hệ giữa ông ta và Hoàng thái tử Cảnh và giao hoàn toàn việc dạy dổ Thái tử cho các quan lại Việt (9). Chi tiết này phù hợp với một đoạn trong sách Hoàng Việt Long Hưng Chí của Ngô Giáp Đậu, thuộc dòng Ngô gia văn phái:” Bá Đa Lộc từng bảo hộ Đông cung Cảnh sang Tây, lại được dự bàn việc binh nhung nơi màn trướng, cậy mình có nhiều công lao nên có ý phóng túng kiêu ngạo, từng bị Trần Đại Luật dâng sớ hạch tội, xin vương thượng mượn kiếm trời chém đầu đi. Nhưng Thế tổ dụ rằng: Bá Đa Lộc đánh đông dẹp bắc, là người ngu xuẩn trí trá, nhưng có thể sai khiến được, hãy tạm để đó đã”(10)

Có thể cũng do mối tị hiềm giữa Bá Đa Lộc và các đại thần của chúa Nguyễn mà chúa không để ông ta ở lại phủ để bàn việc triều chính, cử ông ta đi theo hoàng thái tử Cảnh trong gần suốt thời gian những năm 1793 -1799.

***

Với những dữ kiện trên, có thể tóm lại mấy ý chính về vai trò của Giám mục Bá Đa Lộc vào những năm nội chiến 1789-1799 (theo nhận định chủ quan của người viết):

* Bá Đa Lộc có công giúp chúa Nguyễn trong những ngày đầu gian khổ, khi phải trốn lánh cuộc truy sát của quân Tây Sơn. Tuy nhiên, nhiều cây bút Pháp, trong đó có Charles B. Maybon, tác giả quyển “Histoire moderne du pays d’Annam 1592-1920 – Paris 1920” và linh mục Léopold Cadière, chủ bút Tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH), đã đề cao một cách quá đáng vai trò của Giám mục Bá Đa Lộc trong thời kỳ này nhằm gián tiếp nói rằng nếu không có ông, cơ nghiệp của nhà Nguyễn sẽ không thể tồn tại như chúng ta đã thấy.

Những người Pháp trên quên rằng vào thời khoảng những năm 1777-1782, lực lượng nhà Nguyễn vẫn còn trong tình trạng thường xuyên được tăng cường, bổ sung và đã nhiều lần lấy lại đất Gia Định từ trong tay nhà Tây Sơn. Vào nửa sau năm 1788, khi Bá Đa Lộc và những người Pháp từ Pondichéry chưa sang Đại Việt thì quân đội của chúa Nguyễn Ánh đã đánh bật lực lượng nhà Tây Sơn ra khỏi đất Gia Định và làm chủ vùng đất này cho đến khi cuộc nội chiến kết thúc.

Công đáng kể nhất của Bá Đa Lộc là vận động tài chánh tại Pondichéry vào những năm 1788-1789 và chiêu mộ một số người Pháp có chuyên môn về giúp chúa Nguyễn Ánh, tăng cường năng lực chiến đấu của đạo quân nhà Nguyễn vốn đã tạo được ưu thế trong cuộc chiến

* Trong thời gian 10 năm, từ 1789 đến 1799, ngoài mấy năm đầu có sự bất đồng giữa chúa Nguyễn và Bá Đa Lộc, từ năm 1793 trở đi, với phần lớn thời gian sống cạnh Hoàng Thái tử Cảnh trong cương vị trấn thủ thành Sài Gòn và thành Diên Khánh, Bá Đa Lộc cũng không chứng tỏ được gì khi sát cạnh vị Đông cung Thái tử đã có những đại thần bậc nhất của chúa như Đông cung Phụ đạo Ngô Tùng Châu, Đông cung Thị giảng Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định.

Sự kình chống khá công khai và gay gắt của đa số cận thần của chúa Nguyễn đối với Bá Đa Lộc từ năm 1795 trở đi đã gần như vô hiệu hóa mọi toan tính và những việc cần làm của vị giám mục này.

* Trong mối quan hệ với Giám mục Bá Đa Lộc và các sĩ quan, chuyên viên Pháp theo giúp mình, chúa Nguyễn Ánh luôn cư xử có tình với họ, song ông luôn biết chứng tỏ là một người suy nghĩ, hành động độc lập và cương quyết, không ai dễ dàng khuất phục ý chí của ông. Ông biết tận dụng năng lực của họ, song ông không hề giao cho họ một vai trò quyết định nào.

Một vài cây bút Pháp cũng tỏ ra quá đáng khi cho sự hiện diện của một nhúm sĩ quan và chuyên viên Pháp trên là có tính quyết định cho cuộc chiến. Trên thực tế, nhân tố chính của cuộc chiến vẫn là những danh tướng người Việt như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Huỳnh Đức…, những người đã lập nên nhiều chiến công có tính quyết định, nhất là trận Thị Nại năm 1801.

* Ngoài ra, cung cách giáo dục con của chúa Nguyễn Ánh cũng đáng được nhắc nhở. Phong làm Đông cung Thái tử không phải để sống trên nhung lụa chờ ngày kế vị, mà phải cầm quân xông pha trận mạc. Kinh nghiệm những tháng năm lăn lộn trên ranh giới giữa cái sống và cái chết từ khi còn là một cậu thiếu niên 15 tuổi đã tập cho ông một thói quen luôn phấn đấu vượt qua nghịch cảnh và ông đã buộc người sắp kế vị ông cũng phải như thế.

(Phần tiếp theo của bài này là “Lễ tang Giám mục Bá Đa Lộc tại Sài Gòn năm 1799”, có in trọn bài trong sách “Xã hội Việt Nam thời Lê-Nguyễn”, sẽ phát hành vào những ngày đầu năm mới 2021)

Lê Nguyễn

26.12.2020

CƯỚC CHÚ:

1) Bulletin de l’École Française d’Extrême-Orient (BEFEO)

2) Bulletin des Amis du Vieux Hue (BAVH)

3) Tài liệu đã dẫn, trang 22

4) Tức Bá Đa Lộc

5) Léopold Cadière – tlđd – tr. 23

6) Georges Taboulet – La Geste Française en Indochine – Paris 1955, tr. 216

7) Giáo sư Đại học Mỹ, tác giả tập sách The Tây Sơn Uprising (Cuộc nổi dậy

của nhà Tây Sơn)-

8) Đại Nam Thực Lục – Tập Một – NXB Giáo Dục – tr. 291

9) G. Taboulet – sđd – tr. 222

10) Ngô Giáp Đậu - sđd – NXB Văn Học – Hà Nội 1993 – tr. 235-236

 Vua Gia Long (1762 – 1820)


 Chân dung Hoàng tử Cảnh qua nét vẽ của Maupérin, họa sĩ cung đình Pháp, năm 1787

Chân dung Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine, Evêque d'Adran) (1741-1799) qua nét vẽ của Maupérin (1787)

 

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

"Nói ngược", nảy nòi từ đâu?

 Đây, lai rai chữ nghĩa cho nhẹ đầu chơi...

"NÓI NGƯỢC", NẢY NÒI TỪ ĐÂU?

* "Bảo đảm" hay "đảm bảo", cái nào đúng? Cả hai đều đúng, nhưng nói "bảo đảm" là theo cách của người Việt, và "đảm bảo" là rập khuôn theo cách của cán bộ người Tàu!

Người Việt chúng ta nói "đơn giản", trong khi cán bộ Tàu lại nói "giản đơn" .

Người Việt nói "thành hình", cán bộ Tàu lại nói "hình thành" .

Nhớ lại một ví dụ rất nổi tiếng với chúng ta, đó là người Việt mình quen nói "vợ chồng", chớ không nói "chồng vợ" 夫妻 (phu thê) theo kiểu của người Tàu ưa dùng. Người Việt mình nói "ít nhiều", còn Tàu ưng nói "đa thiểu" (nhiều ít) 多少

* Tại sao chúng ta đã có lối nói là "bảo đảm", "đơn giản", "thành hình"... mà không dùng, lại đi NÓI NGƯỢC thành "đảm bảo", "giản đơn", "hình thành"..., rập khuôn cách nói của Tàu?

Từ lúc nào nảy nòi sự rập khuôn này? Có lẽ vào thập niên 50, ở miền Bắc, với sự có mặt của các cố vấn Tàu để "cố vấn" cuộc Cải cách ruộng đất làm chấn động giềng mối nơi làng xã, khá nhiều "lời ăn tiếng nói" của cán bộ Tàu (chế độ Mao) cũng xâm nhập trong lòng xã hội miền Bắc.

Những chữ như "đảm bảo" / "giản đơn" / "hình thành" chiếm thế thượng phong, đẩy những chữ của tiền nhân người Việt: "bảo đảm" / "đơn giản" / "thành hình" quen dùng bao đời trước đây phải lịm dần rồi lãng quên rồi sao?

Sau ngày 30/4/1975, những chữ nói ngược (dẫn trên) tràn vô miền Nam ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

Thế giới không việc gì phải gọi "Zhong Guo" (Trung quốc: nước Giữa), mà gọi - và chỉ gọi - là: "China"!

 THẾ GIỚI KHÔNG VIỆC GÌ PHẢI GỌI "ZHONG GUO" (Trung quốc: nước Giữa), MÀ GỌI - VÀ CHỈ GỌI - LÀ: "CHINA"! ###

&1&

Chúng ta gọi tên nước là "Việt Nam", thế giới họ không cần tìm hiểu nghĩa của hai chữ làm chi cho mắc mệt mà họ dựa vô cách phát âm của chúng ta mà ghi (trong tiếng Anh) là: "Vietnam" (không có dấu, và viết dính hai chữ lại với nhau).

Trong khi đó, bên nước Tàu đại lục họ gọi đầy đủ tên nước họ là "Zhōng huá rén mín gòng hé guó" (华人民共和国, Trung Hoa nhân dân cộng hòa quốc). Thế giới họ ghi thành "The People's Republic of China".

Ủa, sao họ không dựa vô phát âm của người Tàu mà ghi thẳng tên nước là ZHONGHUA, The People's Republic of ZHONGHUA (giống như cách thức ghi tên nước "Vietnam" vậy đó)? Mà ghi thành cái tên lạ hoắc, phát âm khác xa một trời một vực, là CHINA?

&2&

Từ bao giờ có cách ghi là "China", và "China" nghĩa là cái giống gì?

Cách gọi "China" đã được tìm thấy vào giữa thế kỷ 16, do Richard Eden chuyển ngữ sang tiếng Anh - từ "Chīn" trong tài liệu tiếng Bồ Đào Nhà của nhà thám hiểm Duarte Barbosa. Căn nguyên của "Chīn" (China), theo giải thích của sử gia Martino Martini, còn lâu đời hơn nữa.

Số là xửa xưa nước Ấn Độ đã có mối giao thương với nhà Tần (Tần Thủy Hoàng, năm 221- năm 206 trước Chúa giáng sinh). Sau này người phương Tây giao tiếp với Ấn rồi sử dụng cách định danh "Ch'in" mà người Ấn ghi lại - phiên âm của chữ .

Chữ , đọc theo âm Việt, là "Tần" (nhà Tần) đó đa!

&3&

Nếu dịch sát nghĩa của "The People's Republic of China" sẽ là "Cộng hòa nhân dân Tần"! Nghe ... lạ tai lắm đa (nhưng đúng về ý nghĩa).

So sánh "Trung Hoa nhân dân cộng hòa quốc" <=> The People's Republic of China, rõ rành "CHINA" thì tương ứng với "TRUNG HOA" => thành thử "China" mang nghĩa-đối-ứng là và chỉ là "Trung Hoa" thôi (chớ không tương ứng với "trung quốc" gì ráo trọi)!

Nhắc lại, đối ứng với "China" là "Trung Hoa" - còn nghĩa đúng nhứt / sát sườn nhứt: "China" nghĩa là "Tần"!

Vậy là, quốc gia sở tại gọi tên nước một đàng (Zhonghua: "Trung Hoa"), thế giới họ gọi một nẻo (China: "Tần").

(Đây không phải biệt lệ, chẳng hạn, "Korea". Quốc gia phía Bắc trên bán đảo này - Korean peninsula - gọi tên nước là "Triều Tiên" (Cho Sŏn); trong tiếng Anh ghi... "People's Democratic Republic of KOREA" (chớ không ghi "People's Democratic Republic of CHOSON"). Dịch sát nghĩa sẽ là "Cộng hòa dân chủ nhân dân Cao Ly" ("Korea" là từ "Koryŏ" , tức "Cao Ly", là tên nước xưa kia trong thời quân chủ).

&4&

Chế độ cộng sản Bắc Kinh ưng gọi tắt tên nước là "Zhong Guo" 中国 ("Trung quốc" = "nước Giữa"). Thời xa xưa thì có thể sống trong hoang tưởng là "nước Giữa" trong cõi thiên hạ; nhưng với kiến thức địa lý thế giới hiện nay, thảy ai cũng biết "CHINA" không thể là nước Giữa gì ráo trọi.

Chế độ Bắc Kinh xưng "Zhong Guo", thể chế hiện hành tại VN cũng gọi theo cách của Bắc Kinh, là "trung quốc".

Trong khi đó, đa phần thế giới chẳng ai màng tới việc phải gọi xứ sở này là "Zhong Guo" (trung quốc: "nước Giữa") hết ráo, mà đã và đang gọi chỉ là "CHINA" thôi.

(nhắc lại: nghĩa đúng của "China" là "Tần" chớ không ... nước Giữa gì ráo)

* Người VN chúng ta sẽ gọi ra sao?

1/ Gọi là "Trung Hoa", hay "Hoa quốc" (tương tự với cách gọi "Đại Hàn" hoặc "Hàn quốc");

2/ nước Tàu (trong cuốn Việt Nam sử lược, biên khảo sử đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, Trần Trọng Kim đã dùng cách gọi "nước Tàu", "người Tàu".

TÀU, đây là cách gọi rất gọn gàng mà khoa học, tôi sẽ viết kỹ về việc này.

-----------------------------------------------------------------

* Ghi chú thêm: Ồ, người Nhựt cũng gọi là "Chugoku" ("Trung quốc") kia mà?

Té ra người Nhựt chẳng phải chìu theo cách gọi của chế độ Bắc Kinh tự sướng là "nước Giữa" (trung quốc). Mà bởi vì họ quen miệng: danh xưng "Chugoku" té ra là tên của 1 trong 9 vùng địa lý của nước Nhựt! Vùng "Trung quốc" (Chugoku) nằm ở tận cùng phía tây trên đảo Bản Châu (Honshu).

Nói cách khác, "Trung quốc" (Chugoku) ở đây thuộc nước Nhựt.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

Những người Việt nam đầu tiên được chụp ảnh chân dung là ai?

 NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM ĐẦU TIÊN

ĐƯỢC CHỤP ẢNH CHÂN DUNG LÀ AI?

Trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam, Chánh sứ Phan Thanh Giản, Phó sứ Phạm Phú Thứ, Bồi sứ Ngụy Khắc Đản trong sứ bộ VN sang Pháp năm 1863 được xem là những người Việt đầu tiên được chụp ảnh chân dung cá nhân. Vào thập niên 1920, ảnh của ba vị được Tập san Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue – BAVH) đăng tải trên số 1 năm 1926, kỹ thuật in tráng thời đó khiến ảnh trông không rõ nét. Ngoài ba vị này, hầu như không ai nhìn thấy ảnh chân dung chụp riêng của các thành viên khác trong sứ bộ. Mãi đến gần đây, Thư viện quốc gia Pháp (BNF) mới công bố gần 70 bức ảnh chân dung của nhiều thành viên trong sứ bộ VN tại Pháp năm 1863 đã được một nhà nhiếp ảnh thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris thực hiện. Đây quả là một nguồn tư liệu bằng hình ảnh quý giá còn được lưu trữ đến ngày nay, song có nhiều điều cần làm rõ để những hiểu biết về chúng được trọn vẹn hơn.

***

Có thể nói mà không sợ nhầm lẫn rằng sứ bộ Việt Nam tại Pháp năm 1863 là những người Việt đầu tiên được chụp ảnh chân dung cá nhân, thế nhưng ngoài ba vị lãnh đạo sứ bộ, còn có bao nhiêu người được chụp ảnh nữa thì từ lâu đó vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. May mắn là trong thời gian vừa qua, lời giải đáp đã đến từ Thư viện Quốc gia Pháp khi cơ quan này cho công bố toàn bộ bộ ảnh do nhà nhiếp ảnh Jacques-Philippe Potteau (1807-1876) chụp sứ bộ VN.

Theo Tây hành nhật ký của Phó sứ Phạm Phú Thứ, khi mời sứ bộ chụp ảnh, có lẽ sợ rằng các vị khách từ chối, các viên chức Pháp nói thác là cần có ảnh để trình cho Pháp hoàng Napoléon III xem trước trong thời gian ông còn đang kinh lý xa kinh thành Paris. Song trên thực tế, qua nội dung kế hoạch công bố của Thư viện Quốc gia Pháp, người ta biết rằng trong ba năm đầu tiên của thập niên 1860, trong khuôn khổ kế hoạch nghiên cứu về nhân chủng học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris, nhà nhiếp ảnh Potteau trực thuộc cơ quan này đã chụp ảnh cho cả ba sứ bộ đến từ ba nước khác nhau, một từ Xiêm (Thái Lan) năm 1861, một từ Nhật Bản năm 1862 và sứ bộ VN năm 1863.

Như vậy, điều đầu tiên có thể khẳng định là mục đích chính của việc phía Pháp khẩn khoản xin chụp ảnh sứ bộ Việt Nam là nhằm phục vụ yêu cầu nghiên cứu về mặt nhân chủng học các dân tộc Á Đông của họ. Dù sao, cũng nhờ thế mà ngày nay chúng ta có được những hình ảnh quý báu của tiền nhân cách nay hơn 150 năm.

* Bộ ảnh Potteau chụp cho sứ bộ VN có 69 ảnh, mỗi người chụp từ 1 đến 3 kiểu ảnh, tất cả được trình bày trong 47 khung ảnh đánh số thứ tự từ 1 đến 47. Như vậy có những khung ảnh chứa đến 2 ảnh, thường là chụp một người ở hai tư thế nhìn nghiêng (profil) và nhìn thẳng (face), song cũng có khung ảnh chụp hai người khác nhau.

* Phần chú thích bằng tiếng Pháp ở mỗi ảnh đều được mở đầu bằng cụm từ “Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863” (Sứ bộ Việt Nam tại Paris năm 1863); kế đó là tên người được chụp ảnh hầu như không được ghi lại đúng theo cách đọc của người Việt, ví dụ như tên chánh sứ Phan Thanh Giản được ghi là Phan-Thong-Gian; tên Phó sứ Phạm Phú Thứ ghi là Phan-Plu-Thu; tên Bồi sứ Ngụy Khắc Đản ghi là Nguy-Kai-Dan. Sau tên là nhiều chi tiết khác về nhân vật như tuổi, sinh quán, chức vụ và phẩm trật nếu là quan lại. Điều này nói lên sự tìm hiểu tỉ mỉ của nhà nhiếp ảnh Potteau cũng như các viên chức thuộc Phòng thí nghiệm nhân chủng học Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris.

* Song sự tỉ mỉ của họ cũng để lộ ra những khuyết điểm cần được làm rõ về bộ ảnh cực quý này trong lịch sử Việt Nam vào thời kỳ phôi thai của kỹ thuật nhiếp ảnh. Trước hết là sự ngộ nhận về thành phần của những người được chụp ảnh mà Potteau đánh đồng là “sứ bộ Việt Nam tại Paris”, vì không phải ai trong số họ cũng là thành viên của sứ bộ. Tiêu biểu nhất về sự ngộ nhận này là gia đình bà Nguyễn Thị Sen (hay Nguyễn Thị Liên), vợ góa ông Philippe Vannier (1762-1842), là một trong những người Pháp đã góp nhiều công sức với chúa Nguyễn Ánh trong cuộc nội chiến với nhà Tây Sơn. Vannier được Nguyễn Ánh-Gia Long đặt tên là Nguyễn Văn Chấn, được phong chức Chưởng cơ (tòng nhị phẩm), tước Chấn võ hầu. Ngày 12.11.1811, Vannier làm lễ cưới cô Magdeleine Nguyễn Thị Sen, sinh năm 1791, con một gia đình giáo dân Thiên chúa tại phường Thợ Đúc, Huế.

Năm 1824, Vannier đưa cả gia đình về cư ngụ tại Lorient (Pháp), từ đó trong lòng bà Sen luôn nung nấu niềm hoài hương, muốn trở về thăm lại quê cũ, được chồng hứa hẹn, song lời hứa này chưa thực hiện được thì Vannier qua đời vào năm 1842. Khi sứ bộ Việt Nam đến Paris thì bà Sen và các con đã xa quê gần 40 năm ròng, được tin này, bà cùng cô con gái Marie Vannier, 40 tuổi, tức tốc từ Lorient đi lên Paris thăm sứ bộ. Sự việc này được Phạm Phú Thứ ghi lại trong Tây hành nhật ký như sau:

”… Buổi chiều hôm ấy có người vợ viên quản thuyền Phénix ngày trước, tên là Nguyễn Văn Chấn, nhũ danh là Thị Sen, cùng con gái tên là Ma-Duy (Marie) từ thành phố Lô-di-ăng (Lorient) tìm tới sứ quán…Khi thấy người bổn quốc, bà ấy không sao nén được mối cảm động, hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng…” (tạp chí Văn Đàn Sài Gòn 1960).

Hai mẹ con người phụ nữ đáng thương này còn nán lại nhà trọ ở Paris cả tháng trời, chờ đến khi sứ bộ rời hẳn nơi đây để tiễn chân rồi mới chịu về Lorient. Trong bộ ảnh của Potteau vừa được Thư viện Quốc gia Pháp công bố, có ảnh của bà Sen và hai người con là Michel Vannier (tên Việt là Nguyễn Văn Lễ), con trai trưởng của bà và Vannier, và Marie Vannier, con gái của hai người. Tuy nhiên trong những ảnh trên, Potteau ghi chú tên của bà Sen là Sam-Diam, dưới ảnh của Michel Vannier, ghi tên mẹ cũng là Sam-Diam, nhưng dưới ảnh của Marie Vannier, lại ghi tên mẹ là Seu-Dong. Điều này đã khiến cho có người ngộ nhận là Philippe Vannier có hai người vợ khác nhau, bà Sam-Dian sinh ra Michel Vannier và bà Seu-Dong sinh ra Marie Vannier. Đây là một sai sót của nhà nhiếp ảnh Potteau và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris trong việc phiên âm tên người được chụp ảnh, vì trên thực tế hai tên Sam-Diam và Seu-Dong đều là của bà Nguyễn Thị Sen.

Trong nhiều tài liệu của người Pháp viết về cuộc hôn nhân Việt-Pháp này, tên bà Sen được viết là Sen-Dong, ghép từ tên riêng của bà là Sen với tên Dõng là tên của thân phụ bà, ông Nguyễn Văn Dõng. Do đó cần hiểu rằng, trong bộ ảnh vừa được Thư viện Quốc gia Pháp công bố, hai tên Sam-Diam và Seu-Dong đều thuộc về một người là bà Nguyễn Thị Sen, và cả ba không dính dáng gì đến chuyến công tác của sứ bộ hết.

* Trong số những người không thuộc sứ bộ nhưng có ảnh chụp trong bộ ảnh, có hai du học sinh sống tại Sài Gòn, từng là học sinh của trường d’Adran, một là Simon Của, 17 tuổi, hai là Trần Văn Luông, có tài liệu ghi là Trần Tử Long, con trai ông Phủ Bình Long (nay là Hóc Môn) Trần Tử Ca, người bị nghĩa quân sát hại năm 1885. Đây có lẽ là hai trong số những du học sinh đầu tiên của Việt Nam được sang Pháp học.

* Điểm đặc biệt thú vị là nhờ có bộ ảnh mới được công bố này mà chúng ta lần đầu tiên nhìn thấy được chân dung Tôn Thọ Tường, một viên chức trong bộ máy chính quyền thực dân Pháp với ngạch Phủ, đồng thời là một nhà thơ nổi tiếng của nửa sau thế kỷ 19, với những cuộc xướng họa thơ cùng cử nhân Phan Văn Trị, nguyên Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt, được lịch sử văn học ghi lại một cách trân trọng.

Trong tác phẩm “Tôn Thọ Tường” (Nhà in Ngày Nay – Hà Nội 1942), tác giả Khuông Việt đã dành nhiểu công sức để sưu tầm tài liệu về thân thế và sự nghiệp nhân vật này, mà cũng chỉ giới thiệu được những tấm ảnh chụp ngôi mộ và bia mộ của ông tại làng Phú Nhuận (nay thuộc quận Phú Nhuận) mà thôi.

Theo Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ, toán viên chức được Soái phủ Nam kỳ cử tháp tùng để hỗ trợ sứ bộ Phan Thanh Giản ngoài một người Pháp chính gốc là Đại úy Rieunier (Lý A Nhe), còn có 4 người Việt, gồm hai thông ngôn là Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Văn San và hai ký lục là Tôn Thọ Tường và Phan Quang Hiệu. Dưới bức ảnh Tôn Thọ Tường, nhà nhiếp ảnh Potteau đã chú thích nguyên văn như sau: “Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Bâ-Thuang, 38 ans. Annamite né à Saïgon. (Annam), 1er lettré de l'Ambassadeur et préfet de Saïgon; assis de face en grand costume ». Sở dĩ chúng tôi xác quyết đấy là ảnh Tôn Thọ Tường vì các lẽ :

- Trong cách tự xưng danh của Tôn Thọ Tường, thậm chí trong các văn kiện bổ nhiệm của chính quyền Pháp, thường chỉ ghi là Ba Tường hay Phủ Ba Tường, không mấy khi ghi đúng tên họ chính thức. Từ Bâ-Thuang trong chú thích ảnh của Potteau là phiên âm từ từ Ba Tường.

- Khi chụp ảnh, Tôn Thọ Tường đúng 38 tuổi (1825-1863)

- Tôn Thọ Tường sinh tại Sài Gòn, làm Tri phủ (préfet) tại Sài Gòn và giữ chức Ký lục (lettré) trong phái bộ Pháp. Các chi tiết về cuộc đời ông đều khớp với chú thích của Potteau.

* Bộ ảnh có thể giúp nhiều gia đình tại Huế và một vài nơi khác tìm thấy hình ảnh của tổ tiên mình, với các chi tiết rõ ràng về tuổi tác, sinh quán như các ông: Nguyễn Hữu Thận, võ quan, tòng ngũ phẩm; Nguyễn Hữu Cấp, võ quan, tòng ngũ phẩm; Hồ Văn Long, quan văn, tòng ngũ phẩm; Tạ Huệ Kế, văn quan bộ Hộ, chánh lục phẩm….Hầu hết các văn võ quan vào thời kỳ này đều búi tóc như tập quán của người Việt từ thế kỷ 19 trở về trước, thậm chí trong bộ ảnh có anh lính tên Guyên (Nguyên?) sở hữu mái tóc dài 1,58 mét.

Hi vọng trong tương lai, bộ ảnh này còn hé lộ nhiều chi tiết thú vị hơn nữa về một thời khoảng lịch sử cách nay hơn 150 năm.

Lê Nguyễn

25.9.2016


Chánh sứ Phan Thanh Giản (1796-1867). Chú thích ảnh ghi cụ Phan 68 tuổi, có lẽ căn cứ vào tuổi ta do cụ thông báo.
(nguyên văn chú thích ảnh gốc "Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Phan Thong Gian, 68 ans. Annamite né à Vinh Lony (Cochinchine) 1er Ambassadeur, .jpg"

Phó sứ Phạm Phú Thứ, Tham tri bộ Lại, tòng nhị phẩm
(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Phan-Plu-Thu, 44 ans, 2ème ambassadeur. 1er secrétaire du ministère de l'intérieur, mandarin de 2ème degré, 2ème Classe)

Bồi sứ Ngụy Khắc Đản, Án sát sứ, chánh tứ phẩm (chú thích ảnh là tòng tam phẩm)
(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Nguy-Kai-Dan, 48 ans. 3ème ambassadeur. Mandarin du 3ème degré, 2ème Classe. jpg)

Bà Nguyễn Thị Sen (Liên), vợ góa của Philippe Vannier (Nguyễn Văn Chấn)
(1863. Sam-Diam, 75 ans, Cochinchinoise née à Hué, fille de Mandarin et Vve de Mr. Vannier 2 .jpg)

Michel Vannier, con trai của bà Nguyễn Thị Sen và Philippe Vannier.
(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Michel Vannier, 51 ans, né à Hué de Sam-Diam cochinchinoise, et de Mr. Vannier, .jpg)

Marie Vannier, con gái bà Nguyễn Thị Sen và Vannier. Bộ áo cô Marie Vannier và bà Nguyễn Thị Sen mặc lúc chụp ảnh được vua Minh Mạng tặng khi họ còn ở Việt Nam.
(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Marie Vannier, 40 ans, née à Hué de Seu-Dong cochinchinoise, et de Mr Vannier .jpg)

Nguyễn Văn San, thông ngôn thuộc phái bộ Pháp tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản.
(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Pétrus-Sang, 35 ans. Annamite du Tonkin. C'est lui qui a servi d'interprète à l'amiral Bonnard pour signer la paix en avril 1863)

Phủ Tôn Thọ Tường, ký lục thuộc phái bộ Pháp tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản
(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Bâ-Thuang, 38 ans. Annamite né à Saïgon. (Annam), 1er lettré de l'Ambassadeur et préfet de Saïgon; assis de face en grand costume)

Võ quan Nguyễn Hữu Thận, phẩm trật tòng ngũ phẩm
(Nguyên Hîm Thân. 30 ans né à Hué (Annam). Capitaine de la garde impériale, Mandarin de 5ème degré, 2ème Classe. En grand costume)

Trần Tử Luông, du học sinh, con trai huyện Trần Tử Ca (sau được thăng Đốc Phủ sứ)
(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Tran-van-Luong. 17 ans, annamite né à Saïgon, fils du préfet de Saïgon - face)

Một lính thợ với quân phục đương thời
(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Hieû, 45 ans. Annamite né à Hué (Annam), militaire ouvrier (uniforme de simple soldat))

Anh lính Việt có mái tóc dài 1,58m
(Ambassade Cochinchinoise à Paris. 1863. Guyên, 36 ans. Annamite né à Thia-Thien (Annam). Caporal militaire, ouvrier. Ses cheveux ont 1m58 de long)