ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

Họ Rạch Thiên - Họ Bàu Công - Họ Bàu Tre - Họ Mỹ Khánh - Họ Bến Nẩy

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------------

HỌ RẠCH THIÊN

Về sở Tha La

-------------------------

Lập họ nầy lối năm 1868 đời cha Son (P. Le Vincent) và cha Thành coi họ Tha La. - Số là trong làng có đôi ba người lập đội quản hà hiếp dân sự, ép người ta vào bọn nó, nên có ba bốn mươi người sợ, mới rủ nhau lên Tha La xin vào đạo cho khỏi phải hiếp đáp.

Ban đầu đọc kinh xem lễ tại nhà ông hương Thới, cách chín mười năm cha Điện mới cất nhà thờ.

Có một chuyện cũng lạ, cha Triệu hãy còn nhớ, vì cha cũng đã có coi họ ấy. Số là có hai đứa ngoại xe củi ngang qua nhà thờ, một đứa phát lên mà nói chơi với thằng kia, và nói phạm thượng đến Đức Mẹ; thằng nọ rầy biểu đừng nói bậy Bà phạt chết, thằng kia cười tuồng khinh dễ, cách vài ngày thằng đó bị sét đánh chết đang khi nó mót củi ngoài đồng.

Gần hai mươi năm đầu, không cha nào ở họ nầy, cha ở Tha La lên xuống mà thôi, có lúc có các dì phước Chợ Quán dạy đó, khi khác thì có mấy thầy trường La tinh, cũng có thầy giảng thay đổi nhau mà dạy.

Đến năm 1897, cha Bổn mới chịu chức thầy cả, lên ở đó chừng hai năm, sau lại dời ra họ Tân Hòa. Số bổn đạo càng thêm mà lần hồi bỏ đạo cũng nhiều. Theo sổ năm 1917 thì bổn đạo còn đặng 119 người.

Họ nầy có ba trinh nữ đi nhà phước Chợ Quán.

---------------------

Họ Bàu Công

Về sở Tha La

---------------------

Ông hương Trận là người đạo dòng, quê ở Thủ Dầu Một, rối, nên bỏ đạo mà đi ở trong xứ kẻ ngoại, sau đem vợ con về ở tại ấp Bàu Công cũng đã lâu, tới đời cha Bổn ở Rạch Thiên thì ông ấy mới trở lại và lo đem vợ con vào đạo hết; cho nên họ Bàu Công là con, rễ, cháu chắt ông Trận mà thôi, hết thảy hơn bốn mươi người, - Ông ấy trở lại cùng giữ đạo khá sốt sắng, sau đã qua đời, còn vợ con lại đó, kẻ ngoại xung quanh không ai vô đạo, nhờ nội mấy con cháu ông ấy mỗi năm sinh thêm một hai đứa nhỏ mà thôi.

-------------------

Họ Bàu Tre

Về sở Tha La

-------------------

Lối năm 1840 thì có một người đạo dòng Thủ Dầu Một tên là Cao văn Cải, bỏ xứ mà qua ở tại Bàu Tre làm ăn, buổi ấy còn đời cựu trào. Ông nầy ở đây đã hơn 25 năm giữa kẻ ngoại, đạo thì không bỏ mà cũng không giữ, may phước là còn lo cho con cái chịu phép Rửa tội. Đến lối năm 1867 hay là 1868, cha Thành đến đó mà gặp ông Cải nầy, thì cha tới lui lo cho nhà ông ấy giữ đạo. Ít lâu sau cha ở lại đó đặng bảy tám tháng mà lo giảng dạy lập họ; khi ấy người ta trở lại đạo đặng chừng vài mươi. Chưa có nhà thờ, nên cha ở tại nhà ông Cải. Khi cha Thành đổi đi thì cha Son ở Tha La lên xuống mà lo cho họ nầy, lúc ấy mới cất một nhà thờ nhỏ, lợp tranh. Chừng cha Son đổi đi thì mấy cha đổi về Tha La cũng lên xuống mà coi họ Bàu Tre, mấy cha ấy là cha Phụng, cha Dư, cha Triệu, cha Tài, người ta có kể tên cha Trí, cha Báu, mà chưa có cha nào ở luôn tại Bàu Tre.

Đời cha Triệu có cất một nhà thờ ngói, lúc ấy bổn đạo đặng chừng 80 người. Sau cha Đậu ở đó đặng 4 năm, rồi bỏ hơn 2 năm, cha sở Tha La lên xuống coi như trước.

Cách 2 năm ấy thì cha Sang đổi lại đó là năm 1899; ở đó đặng 4 năm; sau cha Chiểu đến thế cho cha Sang lối năm 1902, Cha đã cất nhà thờ lại, nhỏ mà vển van sạch sẽ, khi ấy số bổn đạo đặng 115 người.

Năm 1906 cha Chiểu đổi đi, thì cha Biểu tới thế, cha ở đó gần đặng 4 năm rồi cũng đổi, khi cha ra đi thì số bổn đạo đặng 135 người. Bỡi nhà thờ cha Chiểu cất không cột giữa, có ý yếu xiêu, vậy cha Biểu phải hạ xuống mà làm lại, cha cũng cất nhà thờ Mỹ Khánh lại nữa. Bổn mạng nhà thờ nầy là Ông thánh Giude. Cha Biểu đổi đi Phú Hiệp, cách ít lâu cha Thích đổi lại, mà không ở Bàu Tre, cha ở tại Mỹ Khánh đến nay.

------------------

Họ Mỹ Khánh

Về sở Tha La

------------------

Có một người đạo dòng tên là Nguyễn văn Ngãi ở họ Thủ Thiêm, đến ở Mỹ Khánh chung cùng với kẻ ngoại cho khỏi cơn bắt bớ; đến đây lối năm 1847 và ở vậy chừng 20 năm, thì cha Thành mới gặp nhà ông Ngãi, nên cha ở Tha La lên xuống mà lo cho ông, và rửa tội cho con cái người. Kẻ ngoại nghe giảng dạy xin vô đạo đặng chừng bảy tám mươi. Cha Son đã cất một nhà thờ nhỏ lợp tranh.

Lâu nay không có cha sở ở luôn tại họ, buổi ban đầu thì các cha Tha La lên xuống coi, chừng có cha ở tại Bàu Tre, thì họ Mỹ Khánh về cha Bàu Tre coi luôn. Đến năm 1916, cha Thích mới về ở tại Mỹ Khánh cho tới bây giờ, số bổn đạo đặng 218 người. Mấy họ nầy thật là đồng khô cỏ cháy, người ta nghèo khổ lắm, ít người ngoại trở lại đạo, nhờ lớp con cái bổn đạo sinh ra lần hồi mà thêm số.

Gần Mỹ Khánh có một họ khác kêu là Suối Gụt, khi trước có một cái nhà thờ nhỏ gần một bên lộ đi Trảng Bàng Tây Ninh, đã có nhiều lớp thầy nhà trường Latinh dạy dỗ buổi trước; mà bỡi người ta nghèo, không điền đất chi, nên lần hồi bỏ đạo nhiều. Sau đã phá nhà thờ nhỏ ấy, còn lại đôi ba nhà bổn đạo, thì nhập về họ Mỹ Khánh.

-------------------

Họ Bến Nẩy

Về sở Tha La

-------------------

Họ nầy hồi trước về sở Hóc Môn, đến sau mới chia về cha sở Bàu Tre coi; số bổn đạo ước chừng 30 người. Gốc là có một người có đạo tên Nguyễn văn Ý quê ở Lái Thiêu, theo vợ ngoại về trú ngụ nơi nầy, người có làm làng, cho nên đời ông Đốc phủ Ca trở lại đạo và làm chủ quận tại Hóc Môn thì đã khuyên lơn hương Ý trở lại, cũng có nhiều thầy trường Latinh đến dạy dỗ an ủi kẻ ngoại vô đạo.

Đời thầy Tri dạy đó thì có cất một nhà thờ nhỏ lợp ngói, lâu năm mối ăn hư sập nên phải cất lại một cái khác trên lợp tranh cho đến bây giờ.

Cũng bỡi nghèo nên người ta bê trễ việc đạo, còn ước đặng sáu bảy nhà giữ đạo khá khá mà thôi.

Nhà thờ cất trong đất ông Ý chớ chẳng có đất điền chi của Nhà Chung.

Các cha ở Bàu Tre Mỹ Khánh lâu lâu xuống làm lễ ngồi tòa làm phước một đôi ngày rồi về.

Người ta tại đó nghèo nàn, không có bề thế mà làm ăn, cho nên số bổn đạo không tấn thêm.

(Chung về Địa sở Tha La)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1918

 

 

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Họ Tân Hòa

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------------

HỌ TÂN HÒA

Về sở Tha La

-------------------------

I. – Gốc tích họ Tân Hòa, hay kêu là Rạch Gốc.

Trước hết lược qua ít tiếng về họ Rạch Gốc cũ. Họ nầy thiệt ở tại Rạch Gốc, vô vàm một đỗi chừng vài trăm thước, mà cái rạch quanh quanh lộn lộn đi coi lâu hoắc.

Lối năm 1869 có cha Điện ở Hựu Thạnh, thân dưới vàm kinh trở qua Rạch Tra trên Tân Qui một đỗi; Hựu Thạnh bây giờ cũng còn bổn đạo nhập về họ Lương Hòa. Cha Điện lên làng Mỹ Thạnh Đông, tổng Cửu Cư Thượng về hạt Tân An kiếm chỗ mà lập họ, cha rủ đặng một ít nhà có đạo xứ khác đem lên đó, sau có ít người ngoại trở lại, hết thảy và mới và cũ chừng 40 người. Đã khẩn đất tại Rạch Gốc mà làm ruộng bờ đấp khi đó bây giờ hãy còn dấu thấy đặng, cái nền nhà thờ cũng còn dạng.

Cách ba bốn năm cha Điện xuống Lương Hòa mà lo lập họ đó với cha Đoan; bổn đạo Rạch Gốc lớp thì theo cha, lớp thì trôi chỗ khác, lớp thì bỏ đạo, đất chỗ nhà thờ và bổn đạo ở ra đất hoang như trước, còn lại có 4 cây xoài, kêu là xoài cha Điện, cho nên kẻ ngoại đã khẩn đất ấy.

Cách 20 năm sau mới lập họ Tân Hòa (Rạch Gốc mới), thì cha Bổn đã mua 10 mẫu đất ấy lại cho nhà thờ, mà không huê lợi chi hết, làm ruộng cũng không ra gì, nó ném về giồng mà lại có sỏi lồi lên nữa,

Bây giờ sang qua gốc tích họ Tân Hòa, người ta cũng quen kêu là Rạch Gốc, vì là trúng khúc sông đó, chớ là Gạch Gốc thì ở mé bên kia. về làng Mỹ Thạnh Đông, thuộc hạt Tân An, còn nhà thờ bây giờ ở mé bên nầy về làng Hiệp Hòa, tổng Cầu An Thượng, hạt Chợ Lớn, kêu là họ Tân Hòa, theo tên Ấp.

Lối năm 1891 cha Hoàng (P. Frison) còn đang coi sở Tha La và Rạch Thiên, thấy điền thổ có ít không đủ cho thiên hạ làm ăn, còn dọc theo mé sông cái hai bên còn hoang vu rừng bụi; cha bèn lo khẩn ban chiếm từ vàm Rạch Thiên thẳng xuống tới rạch Thủ Định xuống tới Rạch Sâu; còn bên Mỹ Thạnh thì cha cũng xin khẩn bao chiếm từ dưới rạch Cầu Sập xuống tới Rạch Kính. Trước hết cha lo đem đặng một ít nhà bổn đạo Rạch Thiên ra đó, bây giờ còn lại con cái ông Cứng, ông nầy có công lao khó nhọc cũng nhiều, nên sau đã đặng cử làm ông trùm họ; cách ít lâu người đã qua đời bình an trước mặt cha sở mới làm các phép Bí tích cho ổng hãy còn đứng đó, Cha Hoàng khởi công chưa đặng bao lâu, kế đổi đi chỗ khác.

Cha Quang (P. Clair) đổi lại coi sở Tha La lo tiếp theo, cha chẳng những tốn công mà lại tốn của, tiền bạc phát ra như nước mà giùm giúp họ mới nầy, cùng mấy họ trong sở nữa. Cha rủ đặng nhiều người có đạo bên Thủ, Búng, Bình Sơn, Lái Thiêu, Tân Qui, và Tha La nữa, đem đến ở họ Tân Hòa mà chia đất cho mỗi người lo vỡ làm rẫy làm vườn.

Năm 1893 số người ta đến đó chừng ba bốn mươi. Ban đầu đọc kinh xem lễ tại nhà ông Cứng, chưa có nhà thờ nhà thánh chi. Vạn sự khởi đầu nan, cực khổ trăm đàng, muỗi nhiều quá nói không xiết, sức bực bây giờ đây đã khai phá trống trải hơn, mà ai lạ tới đó ngủ trần không mùng thử mà coi; huống chi khi ấy còn rừng bụi. Nghe nói có một lần cha Quang xuống mà không đem mùng, bị muỗi cắn quá chịu không nói, người ta un khói, ngột cha chịu không được, mà bỡi đi đàng cũng mệt nên buồn ngủ, không ai có mùng mà dưng cho cha; vậy họ đem cái nóp xin cha vô nóp mà ngủ. Annam ta người không quen ngủ nóp còn lấy làm khó thay huống chi là người tây; cực chẳng đã cho rán chun vô, ngột quá lật đật chun ra, làm vậy cả đêm cam go biết là chừng nào. Còn đàng sá chưa có, phải lội bưng sinh nẫy, có nhiều chỗ ông Cứng phải cõng cha; khỏi bưng tới mấy chỗ gò lại bị bón tranh, cha la lên rằng gai nhiều quá, ông Cứng phải cõng nữa. Hai cha con lận đận lao đao với nhau; cả hai rày cũng đã qua đời hết, trông cậy nay đã gặp nhau trên nước thiên đàng mà vui mừng cùng nhau, nếu có nhắc lại mấy chuyện đó được chắc vui lắm, mà thật đó là công nghiệp cả và hai, đã cam lòng chịu nhọc nhằn mà lo việc mở mang nước Chúa,

Năm 1894 cha Tròn làm cha phó sở Tha La đã xuống Tân Hòa cất một cái nhà thờ; cột kèo xiên trính cả thảy là tre, cũng như mấy chú khách cất giá cái mà xây nhà vậy, và cha lên xuống làm lễ tại họ.

II. – Các cha coi họ

Tháng Mars 1895 Đức cha cho cha già Nhu đến ở tại họ Tân Hòa, cha ở đó cho đến tháng Septembre 1898, cha đã cất một nhà ở, vuông nhỏ cột mù u, kèo dừa, đồ dưới Cái Nhum Mâng Thít chở lên, sau nhà nầy đã phải cháy. Cha góp con nít tụ tại nhà cha mà học, lại cha cũng lo lập vườn trồng trỉa nhiều, đi xin dừa, cau, miệt Cái Mơn, Cái Nhum đem lên trồng cho bổn đạo coi gương mà làm theo,

Khi cha Nhu đổi đi thì cha Bổn đang ở Rạch Thiên ra vô coi họ và lo cất nhà thờ khác khá hơn nhà thờ cũ, cột cây, lợp tranh, vách trét đất, ban đầu bốn căn một chái, lần lần thêm ra hai căn nữa, sau hết phải phá mà làm nhà thờ lớn hơn.

May! đời cha Bổn ra vô Tân Hòa Rạch Thiên có ý dễ, vì nhờ cha Tuyển (P. Thévenin) đã xin nhà nước đào đặng một cái kinh, từ sông cái ăn vô tới mé giồng, dưới thì kinh trên thì lộ, đi bộ đi ghe cũng đặng.

Qua năm 1899, cha Bổn ra ở luôn tại Tân Hòa; nhờ cha Quang (P. Clair) đổ bạc ngàn ra mà giúp, cho nên người ta đến càng ngày càng đông làm ăn tấn phát lắm. Cha Bổn lại lo bày ra nghề trồng mía làm lò đường, là lò thứ nhứt trong nơi ấy; người ta thấy vậy ham làm lung lắm. Đến năm Thìn 1904 bị bão lụt, vườn tược hư  hao nhiều, có kẻ hết vốn bỏ mà đi, thì lớp khác lại tới.

Cách ba năm, tháng Septembre 1907, Đức cha đổi cha Bổn ra Sông Lũy về sở Phan Thiết mới lãnh. Bổn đạo rầu rĩ khóc lóc biết là chừng nào, vì mất cha rất yêu dấu, nên liều mạng đâm đơn xin Đức cha đôi ba phen, làm cho Đức cha phải quở. Bỡi họ mến cha Bổn quá, nên nói một hai tiếng mất lòng cha sở tân mới đổi lại.

Cha Bổn ra Sông Lũy thì cha Sang đổi lại coi họ Tân Hòa đặng 18 tháng, tới tháng Mai 1909, thì cha Sang đổi lên Long Kiên về sở Bà Rịa.

Cha Thắng đổi lại họ Tân Hòa ngày 16 Mai 1909. Theo sổ năm ấy thì số bổn đạo tại họ đặng 435 người. Họ càng ngày càng đông, nhà thờ thêm chật, mà huê lợi không có đồng nào, nên cha Thắng xin phép trồng mía dựng lò đường, kiếm thuê lợi mà lo cho nhà thờ. Từ năm Thìn cho đến khi ấy bổn đạo ra như ngã lòng, không còn làm phấn chấn như trước, lại thêm mất cha Bổn rất yêu dấu, phần thì vốn liếng bão lụt giựt hết, gượng lại chưa nỗi, nên người ta nghèo. Cha thúc hối giục giã người ta lo trồng mía, thấy cha làm lung, người ta phấn chấn lại, nên mới toan tính lo làm nhà thờ mới. Nhà Chung giúp đặng một phần, còn ba phần cha con lần hồi với nhau chịu cực khổ, kẻ có nhiều bố thí nhiều, kẻ có ít bố thí ít, mà ai ai cũng dưng công mà làm. Tiền bạc không có bao nhiêu, thêm trúng năm khởi giặc cho nên đồ gì cũng mắt. Khỉ sự xây nền nhà thờ 24 Août 1914. Qua ngày 2 Juillet 1915 làm lễ nhứt trong nhà thờ mới, nhà thờ coi vển van cũng vừa xứng cho họ, song sợ một ít năm nữa chật.

Nhà thờ vừa rồi còn phải lo nhà cha sở cho tử tế hơn, vì nhà cũ tệ lậu lắm, cho nên cha đã khởi công lo mua đá mua cây, việc còn đang lo nửa chừng kế Đức cha đổi cha Thắng lên Tha La là ngày 26 Juillet 1916. Khi đó số bổn đạo đã đặng 662 người.

Cha Thắng đã xin nhà phước Chợ Quán dạy trường họ Tân Hòa, kể từ năm 1913; khi trước là thầy giáo dạy.

Họ Tân Hòa đặng một thầy cả, là cha Phanxicô Xavie Trần công Quờn, đang làm phó sở tại họ Lương Hòa.

Có hai đồng nhi nữ vào Nhà Trắng, và ba người ở nhà phước Chợ Quán.

Cha Tuyển đổi lại thế cho cha Thắng là ngày 10 Août 1916 tới bây giờ.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1918

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

Họ Tha la

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

------------------------

ĐỊA SỞ HỌ THA LA

-----------------------

I. – Gốc tích họ Tha La

Cuối đời Gia Long và đầu đời Minh Mạng, có nhiều người giáo hữu, cho đặng trốn tránh cơn bắt đạo và cho khỏi kẻ ngoại hà hiếp xéo xắc, thì đã đem nhau lánh ẩn phía nam tĩnh Tây Ninh; ở hiu quạnh trong rừng bụi theo mé bàu bưng sình nẩy ăn ra sông Vàm Cỏ Đông (sông Tây Ninh). Cách ít lâu, sau khi Ngụy Khôi nổi lên mà chiếm lấy Saigon, lối năm 1833 thì có một người đạo đức sốt sắng, tên là câu Trí, tính lo tom góp mấy người bổn đạo tan tác bên nầy bên kia như vậy, đặng hiệp lại làm một họ.

Vậy năm 1836 hay là 1837 câu Trí đã vầy hiệp đặng ít nhiều; ấy là gốc sinh ra họ Tha La bây giờ. Ban đầu số không đặng bao nhiêu, mà kẻ thì có vợ ngoại, lần hồi đem đặng mấy đờn bà ấy trở lại, nên thêm số bổn đạo. Từ đó cho đến măm 1862 thì nhờ như vậy; là vợ ngoại trở lại, lớp thì sinh sản con cái, chứ chẳng có mấy người ngoại mà vào đạo.

Lúc ấy thật là rừng hoang cỏ rậm, nên mỗi người lo dọn đặng chỗ nào thì trồng trặc chỗ nấy và chiếm cứ luôn mà làm chủ, cho đến khi nhà nước Langsa lấy đặng Nam Kỳ và sắp đặt yên bày rồi, thì những người chủ đất ấy mới xin đem tên vào địa bộ mà làm chủ bền vững lâu dài.

Hai chỗ tựu hiệp với nhau mà đọc kinh nguyện buổi ấy, thì chẳng phải là nơi có nhà thờ bây giờ. Khi thì nhóm tại Lò Mo, phía bên tả đàng đi Lộc Giang và Chợ Lớn, khi thì tựu tại Trường Đà ném về phía bắc, cách đường lộ đi Tây Ninh bây giờ đó chừng đôi ba ngàn thước.

Qua lối năm 1840 mới dời nhà thờ về chỗ bây giờ đây. Đến năm 1860 mới có cha sở ở tại họ Tha La, lúc trước khi thì cha Tây khi thì cha Ta ở các nơi tùng dịp đến thăm viếng, ngồi tòa làm phước, dạy dỗ một đôi khi.

Năm 1873 cha Fougerouse (cha Phụng) mới lập nhà trường dạy con nít, ban đầu mướn thầy giáo dạy, qua năm sau 1874 cha Dư đổi lại mới giao cho các dì nhà phước annam dạy chung nam nữ lâu năm, đến sau mới chia hai trường nam nữ ra, thầy giáo dạy trường nam, các dì cứ dạy trường nữ luôn cho đến bây giờ.

II. – Gốc lập họ Tha La

Ông câu Trí thật đáng gọi là người lập họ Tha La. Quê người ở Huế vô Nam Kỳ làm ăn; người đến ở tại Bà Trà gần họ Búng về hạt Thủ Dầu Một, làm ăn bằng tịnh đặng ít lâu, kế có hai đảng ăn cướp nghịch thù với nhau nên đánh lộn tợ như một đám giặc chòm, chém giết nhau, nhiều đứa phải vong mạng, nó bèn đem mấy xác chết ấy mà quăng vào đất ông Trí, rồi tri hô lên rằng ông ấy giết người; việc oan ức làm vậy, mà người bị tù hết 12 năm tại Bà Quẹo. Đến lúc Ngụy Khôi lấy đặng Saigon năm 1833, thừa dịp đó ông Trí thoát đặng mà trốn lên ở tại Suối Đá, gần chơn núi Bà Đen; ở đó ba bốn năm, đoạn mới xuống Tha La lo bề góp nhóp anh em bổn đạo lạc loài tứ tán mà qui về làm một họ, người rủ đặng biện Nguơn đang ở tại Bàu Nâu ở giữa kẻ ngoại, cho nên bề đạo hạnh đã bơ thờ nguội lạnh, mà khi về Tha La thì đã giữ đạo tử tế lại. Đến sau con trai người là ông Cao đã làm ông trùm họ, rủ đặng trùm Hiệp khi đó ở tại Rạch Thiên, cùng thêm một người nữa là ông huyện Viên và anh em là Trà, Tría, Rẫy, Ruộng và Tròn, hương Quả và em là phó Dành ở Lộc Giang; hai anh em nầy khi mới về Tha La thì hãy còn ngoại; lại có ông tổng Phương, ông Long, đến sau ông nầy đã làm ông trùm họ, gốc ở Bải Xan; hai ông nầy vầy hiệp về đây cho khỏi kẻ ngoại rình mò bắt buộc. Hai người ở hai xóm xa nhau chừng vài ba ngàn thước. Ông Phương đùm đậu tại Lò Mo, bên tả đường lộ đi Lộc Giang và Chợ Lớn, bên nầy rạch Trảng Bàng. Ông Long ở tại Trường Đà, gần lộ đi Tây Ninh.

Mấy năm đầu thì chẳng có cha nào tới Tha La, cho nên bổn đạo muốn xưng tội chịu lễ thì phải đi qua Lái Thiêu hay là xuống Chợ Quán; đến chừng lối năm 1840 thì các cha mới đến ngồi tòa làm phước tại họ. Các cha ấy hoặc ở Chợ Quán, Lái Thiêu, hay là ở họ khác tùy dịp tới lui mà giúp bổn đạo, kẻ già cả còn nhắc lại một ít cha, là cha Hiển, cha già Tam, cha Lợi, cha Thông và cha Niên; cha Dư có tới một lần với cha Pernot. Khi ấy chẳng có nhà cha sở, cũng không có nhà thờ cho thật, nên các cha quen ở nhà biện Viên (là huyện Viên) lối năm 1853. Cha Dư đã làm chứng rằng: Các cha ít khi đến viếng họ Tha La, cho nên nếu có điều chi thì bổn đạo phải xuống Chợ Quán, hay là qua Lái Thiêu cùng là Thủ Dầu Một, mà tính công việc.

Cha Tại và cha Duông có ở Tha La một ít lâu, song cũng không có nhà ở chắc chỗ nào, người ta cũng nói lúc đó có cha già Quờn ở tại Gò Xoài lên xuống coi họ Tha La.

Đến năm 1858 hay là 1859 không biết cớ di làm sao mà ông câu Trí và con ổng là câu Thế (đến sau đã làm ông trùm họ), và rễ ổng là ông trùm Long lại với biện Viên, hết thảy bị bắt bỏ tù rồi thả ra; sau bắt lại một lần nữa; phen nầy ông câu Trí già cả yếu đuối, phần thì chịu cực khổ thiếu thốn mọi đàng nên người đã qua đời trong khám. Người ta đã lãnh xác người đem về mai táng trong đất thánh bây giờ; đến sau trùm Thế là con người, cũng nằm một bên cha mình. Ông câu Trí qua đời rồi một ít lâu thì quan thả ba người kia ra, có kẻ nói là nhằm khi Langsa tới Saigon, kẻ thì nói thả trước.

Năm 1860 hay là 1861, cha Resombes (cha Hạnh) lãnh coi họ Tha La, người là cha sở thứ nhứt ở luôn tại Họ, cũng chưa có nhà cha sở, nên cha ở tại nhà hương Quả.

Cuối năm 1862, kẻ ngoại có lòng hềm thù cha Hạnh, nên kéo nhau đánh phá họ Tha La, đốt nhà thờ và lầu chuông, lại đốt phá gần hết các nhà bổn đạo, cha con lo chạy trốn chỗ nọ chỗ kia, may phước chẳng có ai bị giết, song đồ đạc gì thì kẻ ngoại cướp giật hay là đốt cháy tang hoang hết; lầu chuông cháy sập, chuông rớt xuống bể ra. Khi việc đã qua rồi thì nhà nước langsa phạt làng Lộc Giang, cùng dạy thường cho nhà thờ một cái đại đồng chung mà thế lại cái chuông: rày đại đồng chung ấy hãy còn tại nhà thờ họ, kêu bằng chuông tử, vì để dùng mà đánh rao cho trong họ hay, khi có người bổn đạo tại họ mới sinh thì.

III. – Các cha coi họ

Tháng Septembre năm 1863 cha Y (P. Errard) đến coi họ, đã cất nhà thờ lại và làm một nhà ở đơn sơ, cha coi họ cho đến năm 1865.

Cha Điện đổi lại thế cho cha Y, và ở đó cho đến tháng Novembre năm 1868.

Qua tháng Décembre 1868, thì cha Son (P. Vincent) đến Tha La với cha Thành làm cha phó, đã cất nhà thờ lại chỗ trước nhà cha sở bây giờ, một cái nhà tranh dài đậm đuộc, một đầu làm nhà thờ, đầu nọ cha sở ở. Năm 1863 số bốn đạo có 299 người mà thôi. Đời cha Điện và cha Son, LangSa qua Nam Kỳ rồi cho nên người ta xin vô đạo đông, hai cha ấy rửa tội cho chầu nhưng nhiều, lúc ấy số bổn đạo mới thêm.

Chừng cha Son đổi đi thì cha Phụng (P. Fougerouse) đổi lại thế, lối tháng Septembre năm 1870. Lúc nầy mới gầy dựng đặng một nhà trường cho con nít đi học, ban đầu có thầy giáo dạy.

Cha Dư thế cho cha Phụng tháng Mars năm 1874, cha đã lập xong hai trường nam nữ, và giao cho dì phước dạy; cha coi họ gần đặng hai năm; tới tháng Septembre 1875 thì cha đổi đi chỗ khác.

Cha Triệu đến thế, cũng có cha Hòa (P. Greset) và cha Thành (lần thứ hai); song hai cha nầy ở đó có một ít tháng rồi đổi đi.

Năm 1876 cha Định (P. Delpech) đổi lại Tha La; cha ăn nói khéo léo bặt thiệp và giỏi lo việc đời, lại thêm sốt sắng ái mộ phần rỗi người ta lắm, trông sẽ làm cho họ Tha La đặng sung thạnh mau. Song rủi, ở không bao lâu, cha đến đó tháng Décembre năm 1876, qua tháng Mars 1878 lại đổi đi chỗ khác. Cha Sĩ (P. Simon) thế cho cha Định. Bao lâu cha Định ở Tha La thì có cha Triệu phụ giúp mà lo nội sở, cho đến khi cha Nghiêm (P. Creusot) đổi lại, bấy giờ cha Sĩ lên lập họ Tây Ninh. Cha Nghiêm coi họ từ tháng Juin 1879 tới tháng Mars 1880, đoạn xuống Bàu Tre.

Cha Liễu (P. Lallement) lãnh coi họ có ít tháng mà thôi, là từ Mars tới Août 1880, rồi giao lại cho cha Tài (P. Hamm) chừng hơn một năm, là từ tháng Août 1880 tới Novembre 1881.

Cha Bính (P. Laurent) thế cho cha Tài 1881, khi cha đến đó thì số bổn đạo đã đông, song việc nhà cữa sơ lậu: nhà thờ, nhà cha sập hết; bổn đạo chẳng có đất điền bao nhiêu, đặng một ít nhà đủ ăn, còn bao nhiêu thì nghèo lắm. Cha toan tính gầy dựng nhà thờ, nhà ở, song cơ hội làm vậy biết lấy đâu mà làm. Cha một cậy trông Chúa, lại nhờ Đức Cha Mỹ (Mgr. Colombert) hứa cho 400$. Cha bèn khởi công lo cất nhà thờ. Cũng may, bổn đạo khi đó rộng rãi, không mấy nhà giàu, song ai nấy đua nhau mà dưng làm nhà Chúa, Ông huyện Viên dưng 2200$, bà Thọ 300$, hương Quả 250$, tổng Phương 120$, nội họ góp nhau đặng 340$. Cũng có ít người họ khác rộng lòng cúng thí, hiệp cọng hết thảy đặng 3950$. Cuối năm 1885 nhà thờ hoàn thành, thiếu có 250$ mà thôi. Bỡi ông huyện Viên rộng rãi dưng gần hết của mình mà làm nhà thờ, cho nên Đức cha Mỹ đã ban phép chôn xác người trong nhà thờ và bạn người (năm nay 1918 hãy còn sống), cũng sẽ đặng mai táng trong nhà thờ nữa, hầu trả ơn cho hai ông bà. Đã chọn Đ C Bà chẳng hề mắc tội tổ tông làm bổn mạng nhà thờ, có dựng một hình ảnh Đ C Bà Lourdes trên bàn thờ chánh.

Đến sau cha Ròng (P. Masseron) đã đặt ảnh R. T. Trái Tim Đ. C. G thế lại, và cha Du (P. Guillou), đã để hình Đ. C. Bà cho họ Tây Ninh.

Cha Bính mạnh mẽ sắn sướt lắm, làm nhà thờ rồi còn phải lo nhà cha sở nữa; vậy vừa trả dứt 250$ nợ làm nhà thờ, cha liền ra tay làm nhà ở. Bổn đạo thấy cha sở có công khó làm nhà thờ xứng đáng cho Chúa, nên mấy nhà giàu ra tay dưng cúng tiền bạc phụ cho cha làm nhà ở. Tháng Septembre 1887 nhà cha sở bây giờ đó đã hoàn thành.

Năm sau 1888 cha xin tiền mua chuông, ông huyện Viên dưng chuông nhứt 300$, bà Thọ dưng chuông nhì 200$, thầy Giêng là anh ông câu Dược dưng chuông ba 150$. Song cha Bính không đặng hưởng, vì chuông mua chưa đem về, cha đã đổi đi Cái Bè.

Cha Hoàng (P. Frison ) thế cha Bính, đã lãnh ba cái chuông song cũng rủi, tàu chở chuông về tới Aden bị chìm, chuông xuống biển uống nước mặn, trục lên cho đặng tốn hết 232 đồng nữa, đem về đến nơi cha Hoàng lo làm lầu, xin làm phép và treo lên ở đó cho đến bây giờ.

Nhờ cha giục giã thúc hối thì bổn đạo mới vỡ đất bên kia rạch Trảng Bàng, nay thành ruộng, bổn đạo và nhà thờ nhờ chút đỉnh đó làm huê lợi, song rày đất ấy một ngày một xấu, bốn năm năm nay thất mùa hoài.

Cha lại lo lập họ Tân Hoà người ta quen kêu là họ Rạch Gốc, có ý đem bổn đạo Rạch Thiên ra ở dọc theo hai bên mé sông cái, vừa toan tính kế cha đổi đi họ khác.

Tháng Septembre 1891, cha Quang (P. Clair) đổi lại, cha liều công liều của mà lo việc giảng đạo. Dầu đã lớn tuổi, lại yếu đuối bịnh hoạn, song chẳng quản chi, một rảo ruông cùng xứ, kiếm họa may đặng linh hồn nào mà đem về ràn chiên Chúa. Hẳn thật công lao khó nhọc cha chẳng ra vô ích đâu, vì trong sổ năm 1894 và 1896 đầy tên người ngoại trở lại đạo. Cha đem nhiều người đến ở tại họ Tân Hòa, và từ đây mới gầy nên họ ấy, mà càng ngày càng sum; đến năm 1917 thì họ Tân Hòa đặng 662 người.

Cha Quang chẳng những là lo cho có chầu nhưng đạo mới, mà lại ra công khẩn đất giúp tiền bạc cho nó làm ăn, vì nghĩ rằng: Tại nghèo cho nên nhiều kẻ thua buồn mà bỏ đạo. Người bị lường gạt không biết là bao nhiêu mà kể, song cũng còn đặng nhiều ích lợi vững bền, là có nhiều người đạo mới khi ấy, rày nên đạo hạnh sốt sắng tại họ Tha La và Tân Hòa. Có lớp thì trôi nổi bình bồng, nhưng vậy cũng không mất hết đâu; có kẻ đến Sôm Rôm, Tây Ninh, Nàng Gình, cái lớp mất biệt thì ít hơn.

Buổi ấy có cha Hay (P. Hay) cha Sáng (P. Soullard) và cha Ròng (P. Masseron) thay đổi nhau tới đó học tập, nhờ gương cha Quang và lời cha chỉ dẫn, nên các cha mới ấy lấy lòng sốt sắng liều công liều của mà lo việc linh hồn người ta.

Từ năm 1894 đến 1897 có cha Tròn phụ giúp với cha Quang và cha Tuyển (P. Thévenin) mà lo mở mang họ Rạch Thiên và Tân Hòa.

Đến năm 1895 thì cha Nhu tới ở tại họ Tân Hòa; khi đó bổn đạo đặng chừng vài trăm.

Cha Ròng đã quen biết họ Tha La, vì đã ở với cha Quang đặng 6 tháng, nay đổi lại thế cho cha Tuyển, nhằm tháng Juin 1899, và coi họ cho đến tháng Août 1907. Cha khôn khéo giỏi lo, cho nên họ tấn phát nhiều; có một đều rất khó mà cha lo đặng, là bắt con nít đi học được luôn. Mấy bợm cờ bạc đều ghê cha hết, những trai hoang đều khép nép. Cha quyết lòng lo cho con chiên mình có ruộng đất mà làm ăn cho khỏi nghèo nàn đói khát, nên cha đã xin khẩn một số đất lớn làm trên vàm Nàng Gình, song bỡi có đều trắc trở nên việc không thành. Hụt sở đất đó, cha hãy còn muốn lo thể khác, cho đặng lập họ dọc theo mé sông cái, nếu đặng việc thì sẽ sinh bề lợi cho sở Tha La lắm. Biết bao nhiêu người có đạo bỡi nghèo nàn thốn thiếu, trốn tránh dọc theo mé sông cái mà làm ăn, xa nhà thờ nhà thánh, lần hồi đạo hạnh bê trễ, sau hết bỏ luôn. Phải chi có thế nào lập đặng một hai họ dọc theo sông cái, ắt là đem đặng nhiều người trở lại, cùng thêm đặng chầu nhưng đạo mới nữa. Coi như họ Lương Hòa và Tân Hòa (Rạch Gốc) có bao lâu đâu, mà nay đã nên họ lớn,

Qua tháng Août 1907, Đức cha dời cha Ròng ra coi một sở lớn mới lãnh là Phan Thiết, và đem cha Du (P. Guillou ) đang ở Tây Ninh vô coi họ Tha La thế cho cha Ròng. Cha sốt sắng ái mộ phần rỗi người ta, nên lo đầu nầy đầu kia, kiếm tìm chầu nhưng đạo mới, bỡi lo quá thì hết sức, sinh bịnh, qua tháng Mai 1909 cha đi Hồng Kông dưỡng sức mà không lại, nên phải về Tây mà dưỡng.

Khi ấy cha Cơ ở Tây Ninh xuống coi họ Tha La thế, từ tháng Septembre cho đến cuối năm.

Đầu năm 1910, cha Tôn (P. Quinton) đang ở Nhà Trường đổi ra coi họ Tha La, Trong họ có nhiều người trễ nải, bỏ mùa Phục Sinh, cha sốt sắng ân cần đi an ủi từ người, khuyên bảo nó đi xưng tội. Cha đã lo cấm phòng chung trong họ, lại cấm phòng riêng cho đồng nhi nam nữ; đã làm Tam Nhựt kinh lễ kính các vì Á thánh Nam Kỳ, nhờ đó những kẻ ngủ mê mới thức dậy, người nguội lạnh nên sốt sắng; cha dìu dắc những kẻ sốt sắng nên trọn lành. Cha lo lập Hội con cái Đ. C. Bà mà gìn giữ đồng nhi nữ; lập Hội học trò giúp lễ, cùng toan lập Hội giúp đồng nhi nam, và Hội bà thánh Annà có ý lo cho kẻ làm mẹ biết dạy dỗ con cái. Song ý Chúa định cha phải làm việc cao trọng cả thể hơn, không phải cho một mình sở Tha La nhờ mà thôi, mà lại cho cả và Địa Phận nhờ nữa, cho nên Chúa soi sáng cho các cha bỏ thăm chọn cha lên chức Giám mục, và Đức Thánh Phapha Pio thứ X đã châu phê chọn cha làm Giám mục Laranda, làm Đức cha phó Địa phận Saigon, chịu chức Giám mục ngày 15 Avril 1913

Cha Đavít (P. David) thế cho Đức cha phó lãnh coi sở Tha La, từ năm 1913 tới tháng Juillet 1916, Đức cha đổi cha Đavít về trường Latinh mà dạy học trò, cùng coi Nhà Trắng thế cho cha Humbert (cha Hiệu) đã qua đời.

Đức cha đã dời cha Thắng đang ở họ Tân Hòa lên coi họ Tha La.

Họ nầy đã dưng cho địa phận một thầy cả, là cha Phanxicô Xavie Truyền đang coi họ Vũng Tàu bây giờ. Một thầy phó tế chết tại nhà Trường là thầy Đệ, một thầy chết đang làm thầy tư là thầy Vở. Có hai thầy ở Nhà Dòng Cái Nhum. Nhiều đồng nhi nữ đi nhà phước, tại Thủ Thiêm bà Hiếm làm bà nhứt một kỳ rồi, kẻ thì ở nhà phước Chợ Quán, Cái Nhum, và nhà phước Trắng nữa.

Họ Tha La khác thể tổ ong, đong đầy quá bay tràn ra chỗ khác, bổn đạo bỡi nghèo, càng ngày càng đông, số con nít sinh ra mỗi năm thêm nhiều, ít khi chết, kẻ lớn phần nhiều hơn thì chết già, ít chết bịnh, đất đai hẹp, cho nên cũng túa ra chỗ nọ chỗ kia làm ăn mà ở khắp cùng mấy họ, Tây Ninh, Sôm Rôm, Tà Ky, Nàng Gình, Trà Béc, Tân Hòa và Búng Trai, trôi cho tới Ô Môn, Rạch Giá. Bỡi vậy từ năm 1908 cho tới 1917, có hơn 200 người bỏ họ mà đi kiếm chỗ làm ăn. Phải chi có bề làm ăn và đất điền đủ, chắc họ Tha La mau tấn số lắm.

(Chung về họ Tha La)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1918

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022

Sự tích Cha Giacôbê Bùi Kỷ Lập

 SỰ TÍCH CHA GIACÔBÊ BÙI KỶ LẬP QUA ĐỜI

Hỡi ôi!

Ông Giacôbê BÙI KỶ LẬP tuế thứ là 75. Khi 28 tuổi thì chịu chức quyền linh quan, giúp việc đạo dư 47 năm trường, nay tạ thế, là ngày 14 Février 1910 tại nhà trường Latinh Sài Gòn.

Vẫn 1863 (không rõ ngày tháng nào) Đức Cha Ngãi (Mgr. Lefebvre) truyền chức chánh tế cho người, đoạn giao phó cho người coi sóc các họ phía Sông Sau, từ Cồn Nhiêm, Bò Ót, Cần Say, Năng Gù, Cái Vừng, cho đến Châu Đốc, vân vân (vì lúc ấy các đấng chăn sóc hi hiểu lắm). Vậy dễ hiểu người phải chịu khó nhọc, cực lực là thể nào.

Nhơn buổi ấy binh quan Đại Pháp đã chiếm cứ hai tĩnh trên nầy rồi, là Biên Hòa, Gia Định, còn mấy tĩnh dưới, là Mỹ Tho, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên còn thu thuộc về triều đình. Tuy hai nhà nước đã hòa hảo cùng nhau mặc lòng, song cũng còn nhiều bọn xưng mình ứng ngãi, hằm hằm cự địch; nhưng kỳ trung là những đoàn phỉ cướp, gian hùng, vân vân, nên cha Bùi Kỷ, khi đi viếng họ, thì phải đi cách nhà quan, những thuyền ghe, những trạo phu, đại cổ, tiểu cổ, súng, mác, trường côn, đủ cả; những bọn kia thấy, chẳng chi đặng, người cũng năng lên tĩnh, hoặc Vĩnh Long, hoặc Châu Đốc mà viếng thăm các quan an nam, quan Thanh trượng kính người lắm; bỡi đó miệng thiên hạ gọi người là ông lớn Hậu Giang.

Đến sau ba tĩnh trên luôn nhập về Đại Pháp quyền, thì Đức Cha Gioang (Mgr. Miche) khuyên người về hạt Cái Mơng. Lúc trấn họ nầy, khi nhậm sở kia, lần qua Quảng Điền, Mai Phốp; ở đây, phần tuổi cao, bịnh nhọc, Đức Cha Mỹ (Mgr. Colombert) bèn khuyên người về Cầu Kho mà chuyên lo sở nhà thương Chợ Quán (Aumô-nier ) cũng dư mấy năm, nhưng bỡi tuế bất ngả diên, nên càng sinh yếu đuối, đi đứng không vững. Bề trên bèn cho người hưu trí về ở nhà dưỡng lão, tại Chí Hòa, là nhà con cái ông Lê phát Đạt đã rộng khâm tiến. Vậy cha Bùi Kỷ Lập đã tạm yên đây, cũng là 5, 6 năm, nay rủi ro té nặng, không phương y dược, mà tị trần như doän trước đây.

Vậy xin anh em ta, hãy nhớ mà cầu nguyện cho người đặng đến thật nơi vĩnh lạc đời đời tiêu sái.

Vậy bấy lời, tôi xin phần ưu phiền, với quí vị cổ bằng, chí hữu, cùng xin bi điếu nhứt đề:

Cảm tình Linh Phụ rất dày công,

Du cũ riêng phần, mặn lạt xong.

Tức bấy! thoát trần ai khá nhễ,

Buồn thay! cuộc thể kẻ nào thông!

Công linh dường ấy, công linh trọng;

Phước đức chừng nầy, phước đức không!

Thảm nỗi đời ôi! trong nháy mắt!

Thôi xin lượng Chúa đoái thương ông.

Ỷ ôi!

P. N. CẦU KHO

----------------------

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1910

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2022

Tích hạnh Dì Isave Khanh

 NHÀ PHƯỚC CÁI MONG

Tích hạnh Dì Isave Khanh

-------------------

Ai bỏ cữa nhà cha mẹ, anh em chị em, vườn ruộng vì danh Tao, thì sẽ đặng lãnh bằng trăm và sẽ đặng sống đời đời (Math, XIX, 29.).

Xét đi suy lại lời đó cho chính đính, thì thấy quả thật có nhiều kẻ dưng mình cho Chúa, dầu nam nhơn, hoặc phụ nữ, đành bỏ hết mọi sự đời mà làm tôi Chúa, làm cho sáng danh Chúa, thì rất có phước: Ở đời nầy đặng trăm bề an nhàn khoái lạc, và đời sau trông hưởng sự sống thật đời đời trên cõi thường sinh.

Hôm ngày 22 tháng Mai, gần cuối tháng Đ C Bà thì nhà phước Cái Mơng mất một dì, cũng nên gọi là của báu trong nhà phước: là dì Isave Khanh.

Isave sinh ra tại họ Mặc Bắc trong năm 1866. Cha mẹ đạo đức ân cần lo lắng cho con cái, nên đã dạy dỗ Isave nầy biết kính sợ Đ C T, từ thuở niên ấu, cùng ái mộ dưng mình làm tôi tá Chúa trong nhà viện tu; nên khi Isave vừa nên 15 tuổi thì đã xin vào nhà phước Cái Mơng, nhằm ngày 17 Décembre năm 1881. Khi Isave vào nhà phước rồi thì hết lòng lo lắng trau giồi đức hạnh, vưng lời chịu lụy mọi đàng, nắm giữ luật nhà chín chắn, nên vừa đặng 20 tuổi, ở nhà phước chưa đầy năm năm mà Bề trên đã cho khấn hứa nhằm lễ Đ C Bà Môi khôi năm 1886..

Hai mươi tuổi là lúc nhiều nhi nữ ở đời bay nhảy, ong bướm, lo kiếm chỗ sang giàu sung sướng mà gởi thân, thì Isave quì trước bàn thờ đành lòng tự ý dưng mình cho Chúa, khấn giữ đức sạch sẽ, khó khăn, vưng lời chịu lụy. Ấy là ngày phước lộc cho dì Isave, ngày kết ngãi thiêng liêng làm bạn cùng Đ C G, ngày dì Isave chọn phần nhứt mà chẳng ai cất lấy đặng.

Ôi! Những ơn đầy dẫy chứa chan Chúa tuôn xuống cho con dấu yêu ngày ấy thể nào thì không ai biết đặng, có một mình Chúa rõ thấu mà thôi. Mà từ ngày ấy đến nay thì dì Isave thật là một nữ tu sốt sắng, nên gương tốt cho chị em học đòi bắt chước.

Dì khấn hứa rồi thì Bề trên định cho dì dạy trường nữ họ Cái Mơng, ban đầu làm nhỏ dạy phụ ít năm, sau làm lớn cứ dạy đó luôn cho đến khi chết, dạy trọn 38 năm trời.

Ai ai cũng hiểu việc dạy dỗ con nít là việc nặng nề khó nhọc; tập rèn dạy dỗ ít năm, nó vừa theo ý mình thì kế rước lễ, xức trán mà mãn học về giúp cha mẹ, phải lo dạy tập lớp khác, mà dì cứ vậy luôn 38 năm. Dạy mẹ, dạy con rồi dạy cho tới cháu nữa, năm nay có năm mười đứa học trò, vốn bà nội bà ngoại nó là học trò dì hồi trước. Dì có tính dịu dàng nhịn nhục lắm, cho nên học trò thương, cha mẹ nó cũng mến cái đức của dì. Dì cần mẫn việc dạy dỗ lắm, kiếm cách nầy thế kia mà dạy cho học trò mau thông mau giỏi. Ngày nghỉ dì cũng chẳng ở không, lo đóng tập, gạch giấy, đồ chữ sẵn cho học trò viết theo. Việc ca hát ngợi khen Chúa thì dì thích ý lắm, cho nên hễ nghe kinh nào có dấu có phần hay, cha nọ cha kia mới đặt ra, dầu khó mấy dì cũng tìm kiếm và ra sức chịu khó tập luyện cho đặng, hầu hát mà khong khen Chúa. Chẳng những là ân cần dạy chữ cho mau thông mau thuộc, mà còn lo dạy may vá, thêu thùa, đờn hát nữa. Bỡi đó thường năm Bề trên quen cho mấy dì mới khấn hứa đi dạy với dì, có ý cho học tập cách dạy dỗ.

Lại mỗi năm khi mấy dì dạy các nơi tựu về, thì Bề trên định cho dì Isave coi sổ sách cùng hỏi các dì về cách dạy dỗ thể nào. nếu có đều chi chẳng trúng, chẳng tiện mấy, thì dì chỉ cho mà dạy cho mau..

Việc trọng hơn nữa là lo dọn con nít xưng tội, rước lễ vỡ lòng, chịu phép xức trán, thì dì ân cần lo lắng hết sức, lại dạy biểu rõ ràng, có nhiều cha cũng khen. Bỡi dì dạy tại họ đã lâu năm lắm, cho nên đồng nhi nữ lớn nhỏ đều vưng phục mến yêu; tới tháng Đ C Bà hay là lễ gì lớn thì đồng nhi cũng cậy mượn dì chỉ vẽ cho nó cách dọn dẹp sắp đặt cho vển vang rực rỡ, Dì hằng vui lòng giúp nó như mẹ với con.

Mỗi ngày Chúa nhựt lễ cả, hai buổi đọc kinh trong nhà thờ họ thì có dì ở đó luôn; đồng nhi lớn nhỏ mặc lòng, nếu có sái phép đều gì thì dì quở phạt mà chẳng có đứa nào co cượng kình chống, vì vốn nó là học trò cựu tân của dì.

Hôm ngày Chúa nhựt 18 Mai, sớm mai dì cũng còn đi xem lễ mà coi đồng nhi như mọi khi, song trong mình đã mệt mỏi hết sức, giờ chết gần đến mà không kể; trưa bữa ấy thì rét một cử nặng lắm, rồi mệt luôn cho đến chết. Khuya đêm 21 thì dì chịu phép xức dầu thánh, qua ngày 22 quá tám giờ tối thì dì tắt hơi bằng an trong tay Chúa. Nghe dì Isave chết thì nội nhà phước đều sa nước mắt khóc than thương tiếc, mấy dì mấy cô mấy chị là học trò của dì càng xót xa hơn nữa.

Trong họ cũng thông phần buồn tiếc dì lắm, nhất là học trò cựu tân của dì, lao nhao lố nhố khóc kể lu bù. Ba cậu đồng nhi là học trò của dì xưa bèn đứng ra quyên tiền kẻ ít người nhiều, hầu xin lễ hát lớn mà đền ơn trả ngãi cho phỉ tình học trò.

Cha sở họ cũng là cha Bề trên coi sóc nhà phước, biết dì có công lao khó nhọc nhiều năm, và thấy trong họ biết ơn trả ngãi cho dì như vậy, cho nên định đem xác dì lên nhà thờ họ mà làm lễ hát trọng, cho có chỗ đủ cho người ta chầu lễ, nhà thờ nhà phước chứa không hết bổn đạo xem lễ ngày ấy. Có một đều coi động lòng lắm, là thấy học trò nữ nhỏ áo trắng lúp trắng lớp cầm cờ đen, lớp lại cầm đèn đi trước quan tài, coi ra như một đám tang chế lớn, đứa nào đứa nấy khóc lu bù, tay cầm cờ, cầm đèn, tay lau nước mắt, thấy mà thảm. Lễ hát xong làm phép xác rồi đưa vô đất thánh của nhà phước, người ta đi đưa đông lắm.

Ấy quả thật như lời Chúa đã phán: Ai bỏ cữa nhà cha mẹ anh em chị em điền viên vì danh Chúa, thì đặng lãnh lại bằng trăm bằng ngàn và sẽ đặng sống đời đời nữa. Dì Isave Khanh đã đặng y như vậy: Bề trên cùng kẻ già cả thương dì như cha mẹ thương con. Học trò tân cựu mến dì như con mến mẹ, chị em trong nhà phước kính vì dì như chị yêu dấu, Dì đặng an nhàn khoái lạc trong nhà Chúa 43 năm, dầu phần xác ốm yếu song chẳng bao giờ phàn nàn năn nỉ ỉ ôi, việc bổn phận ân cần lo lắng một mực từ nhỏ cho đến chết, chẳng bớt lòng ái mộ sốt sắng việc dạy dỗ; đã đành bỏ hết của đời mà dưng mình làm tôi Chúa cho đến chết; cho nên Chúa cũng để dành mũ triều châu báu xứng đôi cùng công nghiệp dì.

Hỡi những nữ viện tu trong nhà phước, hãy coi lấy đó mà học đòi bắt chước. Hỡi nhi nữ đạo đức muốn dưng mình cho Chúa, hãy xem gương đó mà dõi theo.

Tôi quì chầu lễ cho dì thì tôi bắt nhớ lại công lao khó nhọc cha Bề trên, thật cha khéo vung phân tưới nước, ân cần dạy dỗ ủi an tập luyện, cho nên nhà phước Cái Mơng mới đặng trổ ra nhiều hoa thơm tho mà dưng cho Chúa. Lại cha khéo chọn lựa sắp đặt việc bổn phận cho các dì, dì nào việc gì, thì ám hạp vừa sức dì ấy. Cha đã định cho dì Isave Khanh dạy trường nữ tại họ Cái Mơng thì nhắm lắm. Con mà dễ dạy ấy là mũ triều cho cha. Trông cậy cha con sẽ gặp nhau trên cõi thường sinh đời đời.

Chúng tôi cậy vì danh Chúa nhơn từ xin cho dì Isave kíp vào nơi tiêu sái hưởng Chúa đời đời.

Phaolồ, Linh mục.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1924

 

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

Họ Gia Định

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ.

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-------------------------

HỌ CẦU BÔNG

Tĩnh Gia Định

-------------------------

I. – Gốc lập Họ 

Họ nầy đã có cũng giống như nhiều họ khác xung quanh Saigon, là lối năm 1860 khi binh Langsa đã nhập thành Saigon rồi, thì con nhà giáo hữu ở các nơi phải quan cựu trào hành và bắt bớ, cho nên mới bỏ xứ sở mà chạy trốn lên Saigon, hầu cho gần gũi binh tân trào thì chẳng còn sợ phải ai bắt bớ vì đạo, khi ấy là trong đời Đức cha Đôminicô.

Vậy ban đầu thì có một ít gia thất bổn đạo tới ngụ gần rạch Cầu Bông bên kia của thành Saigon, sau thì có nhiều nhà khác tới ở nữa, cho nên chẳng bao lâu số bổn đạo ngụ đó hơn ngàn người, cất nhà cữa ở theo mấy khoảnh đất trống kế rạch. Khi ấy có cất một nhà thờ, gần chỗ mả quan Thượng Công, và có kẻ nói, nhà thờ ấy đã cất tại chỗ tòa bố bây giờ.

Cách ít lâu sau đó thì số bổn đạo bớt lần, vì phần nhiều, khi nhà nước Langsa thống trị an rồi, thì ai nấy trở về xứ sở mình đã bỏ nhà trốn đi; phần thì cái rạch Cầu Bông nước hay ngập tràn hoài, nên có nhiều kẻ bỏ chỗ đó mà đi qua ở Tân Định; cho nên số bổn đạo còn đâu chừng vài trăm mà thôi. Trong lúc ấy hương chức làng Bình Hòa xin dời nhà thờ đi chỗ khác, thì cha Triêm là cha sở họ Cầu Bông đầu hết, cùng coi luôn họ Thị Nghè (1860-1867), cha đã mua một miếng đất gần rạch Cầu Bông giá là 30 quan tiền, và có một người bổn đạo ở Búng dưng một cái nhà ngói, thì cha đã lấy nhà ấy cùng làm thêm rộng mà làm nhà thờ, là trong năm 1867.

II. - Các cha coi họ.

Vậy cha Triêm coi họ Cầu Bông đầu hết như đã kể trên, cho tới chừng cha đổi đi thì cha Mỷ (sau lên làm Đức cha, Mgr. Colombert) khi ấy đang làm ký lục cho Đức cha Gioang, cha ở tại dinh Đức cha cùng coi họ nầy, qua lại làm phước làm lễ là trong năm 1867. Kế đó thì cha Phi (P. Gentillon) và cha Pineau ở Thị Nghè và coi luôn họ Cầu Bông. Qua năm 1869 thì cha Máttinho (P. Martin) đổi lại Thị Nghề cùng coi họ Cầu Bông cho tới năm 1873. Trong tháng Octobre năm 1873, thì cha Định (P. Delpech) đổi lại Thị Nghè thế cho cha Máttinho, và coi họ Cầu Bông, cho tới 10 Décembre 1876.

Trong năm 1875 thì cất nhà thờ Cầu Bông lại, vì nhà thờ trước đời cha Triêm làm, đã hư sập, một gia thất giàu có đã dưng bạc mà làm nhà thờ nầy, công cuộc hết thảy không quá một ngàn đồng bạc. Nhà thờ nầy sau đã sửa đi sửa lại và vững bền đó lâu lắm, cho tới năm 1911 thì cha Phaolồ Qui làm cha sở Cầu Bông mới xây dựng nhà thờ tốt lành như thấy bây giờ.

Khi cha Định đổi đi Tha La thì Cầu Bông nhập về họ Tân Định cho tới năm 1878, kế cha Hòa (P. Greset) về Thị Nghè cùng kiêm họ Cầu Bông như các cha trước. Cha Hòa muốn làm một cái đàng tắt ở Thị Nghè đi qua Cầu Bông cho gần, mà làm không thành. Trong đời cha nầy thì đã lập trường cho đồng nhi nam nữ tại Cầu Bông; lại cũng trong lúc ấy có nhiều trẻ nam nữ đã xin đi tu trong nhà trường nhà phước; mấy kẻ đi nhà trường thì còn lại một người tới chức thầy cả mà thôi, là cha Thao, con ông trùm tại họ. Cha Hoà ở Thị Nghè tới năm 1879 thì đổi đi, và cha Phụng (P. Fougerouse) đổi lại. Cách ít năm sau cha Định đang ở họ Mặc Băc, đi ngựa xuống Rạch Lọp mà phải rủi ro sanh bịnh hoạn, xa quan thầy, khó bề chạy thuốc men, nên Đức cha Mỷ đổi cha Phụng xuống Mặc Bắc, đặng cho cha Định về Thị Nghè cho gần quan thầy, là trong năm 1884. Cha về Thị Nghè mà bịnh không dứt, trở đi trở lại, cho nên cha phải về Tây là ngày 22 Avril 1887. Trong lúc cha Định dưỡng bịnh bên Tây một năm, thì cha Bổn (P. Abonnel) khi ấy đang dạy tại trường Latinh, mỗi Chúa nhựt lễ cả thì qua làm lễ tại họ Cầu Bông, còn cha Đường ở Thị Nghè thì lo về kẻ liệt họ Cầu Bông. Cũng trong lúc đó thì mới có mấy dì nhà phước Chợ Quán lãnh dạy trường nam nữ tại họ, trước thì giao cho thầy. Chừng cha Định trở qua là trong năm 1888, thì cha với cha phó sở ở Thị Nghè coi luôn họ Cầu Bông như trước.

Huê lợi đất nhà thờ mỗi năm không bao nhiêu, và từ khi sở xe lửa Saigon-Gòvắp làm đàng chạy qua mấy chỗ đất của nhà thờ thì thuê lợi bớt hết nhiều. Dầu vậy, huê lợi kém, mà số bổn đạo đặng thêm, vì là nơi ở gần Saigon, dễ kiếm công việc làm ăn, cho nên có bổn đạo ở mấy chỗ khác trong Lục tĩnh, cùng là ở ngoài Annam (Trung Kỳ), đến ở tại Gia Định Cầu Bông, mà làm công việc tại Saigon.

Vậy họ Cầu Bông hay là Gia Định từ trước cho tới năm 1897 thì là họ nhánh sở Thị Nghè, cha ở Thị Nghè qua lại làm phước, làm lễ cùng là xem sóc các việc trong họ mà thôi, chớ không có ở luôn tại họ. Đến đời Đức cha Đễ (Mgr. Dépierre) thì Đức cha mới đặt cha Lương (P. Lambert) làm cha sở và ở tại Cầu Bông.

Trong năm 1897 Đức cha Đễ đặt cho Lương khi ấy đang tùng sở Thị Nghè; qua làm cha sở Cầu Bông và ở luôn tại đó. Cho nên cha Lương là cha sở thứ nhứt họ nầy. Vậy cha về đó lo lắng sửa nhà thờ lại, cất nhà cha sở còn tới bây giờ, cùng sắp đặt các việc trong họ.

Qua năm 1899 thì Đức cha Mão (Mgr. Mossard) đổi cha Nguơn (P. Desseaume) về Cầu Bông, cha coi họ nầy trong chín năm, cất trường học, và đào cái rạch nhỏ ăn hiệp với rạch Cầu Bông tới chợ Gia Định. Cha Nguơn cũng đã tính lo làm nhà thờ mới, vì nhà thờ cũ chật hẹp quá, không đủ chỗ cho bổn đạo, nên cha có mua đá đặng dựng nền, mà rồi tính lại tiền bạc không đủ mà làm, vậy cha phải bằng lòng sửa nhà thờ cũ cho rộng hơn mà thôi, thâu phòng áo lễ vô, làm thêm mái hiên trước mặt tiền nới ra, làm đặng bấy nhiêu, chớ không thể mà làm sự gì cả thể hơn nữa, rồi thì kế cha phải đổi đi. Khi cha ở đó thì có cho nhiều trinh nữ đi nhà phước Chợ Quán, bây giờ thảy đều làm dì cùng đi dạy trong mấy họ.

Cha Nguơn đổi đi rồi thì cha Phaolồ Qui tới coi họ Cầu Bông là năm 1908; cha Qui đã ở dạy tại trường Latinh lâu lắm, chừng trong mình có bịnh hay đau, thì cha lãnh coi họ nầy, cha đã lo lắng hết mực cho trong họ nên tốt, chẳng nài công khó giảng khuyên dạy dỗ, nhiều giáo hữu lỗi luật điều Hội thánh, thì cha ra sức ủi an, nên cha về đó trong ít tháng thì làm cho phần hồn phần xác bổn đạo đều đặng sung thạnh, chẳng còn ai rối rắm, bớt kẻ trễ nải. Cha đang còn nong nả lo lắng các việc kế đau hơn, nên Đức cha đổi cha lên Chí Hoà là trong tháng Avril năm 1910, và cha Bộ (P. Bosvieux) coi họ Cầu Bông, cho tới tháng Juin năm 1911 thì cha Qui trở lại Cầu Bông như trước, và khởi sự làm nhà thờ mới, xay nền, xay vách lên được nữa chừng, kế tiền bạc hết, nên phải ngưng công việc, cho đến năm 1913 mới làm hoàn thành. Đức cha Mão đã làm là khánh tán trọng thể nhà thờ nầy ngày 28 tháng Mai năm ấy. Cha Phaolồ Qui làm cha sở họ Cầu Bông cho đến ngày cha sinh thì là 1 Août 1914.

Khi cha Qui qua đời rồi thì cha Binh coi họ Cầu Bông 2 năm, chừng cha Binh đổi qua Chợ Đủi, thì Cầu Bông lại nhập về sở Thị Nghè là trong năm 1915. Cho đến năm 1916 ngày 23 Juillet thì cha Tôma Thi đổi lại làm cha sở Cầu Bông-Gia Định cho tới bây giờ.

Họ Gò Vắp trước thì thuộc về sở An Nhơn, mà kể từ tháng Août 1917 thì Đức cha giao lại cho sở Gia Định như khi xưa, nên cha sở Cầu Bông phải coi luôn họ Gò Vắp nữa.

Tại họ Cầu Bông-Gia Định có hai dì phước Chợ Quán dạy trường nam và trường nữ, bổn đạo trong họ phần nhiều nghèo, song cũng rán theo sức mình mà phụ giúp cho hai trường và tiền cấp cho mấy dì ở dạy.

Số bổn đạo tại họ trong năm 1909 thì được 450 người, qua năm 1910 thì lại thêm tới 512. Bây giờ thì số đặng 600.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

 


 [A1]

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Sự tích Cha Phaolô Nguyễn Văn Qui

 SỰ TÍCH CHA PHAOLỒ QUI (tiếp theo)

In memoria æterna erit justus (Ps. exi, 7).

Kẻ lành đặng người ta nhớ muôn đời

Bỡi người nẩm nẩm nớp nớp mà giữ mình luôn trước mặt Chúa, bỡi người hằng chuyên đàng hãm mình bề trong bề ngoài, bỡi người lo hạ mình khiêm nhượng, thì dễ hiểu người yêu chuộng và gìn giữ đức thanh tịnh sạch sẽ là thế nào.

Ta không kể lại được hết các nhơn đưa người đã tập tành, và đã nên thành thuộc làu thông cũng nên thầy mà dẫn dạy kẻ khác. Ta muốn nhắc lại một đều người ta thường không kể, là cha Phaolồ hằng chín chắn mà dùng ngày giờ cho nên, chẳng để hư hao một giây phút. Ta thấy trước nầy những sách người đã chép và đã in ra. Còn nhiều sách khác người cũng đã làm rồi, mà chưa in đặng. Lại có sách người đã khỉ sự làm, mà không thành, vì phải yếu sức mà ngừng lại. Những sách vở nhiều thứ làm vậy, người đã chép không phải đang lúc thành thơi, rảnh rang công việc, song là giữa khi người phải chuyên lo việc dạy dỗ xem sóc học trò, đang phải làm phước làm phận hay là giảng dạy bổn đạo. Nhưng bỡi người biết tiện tặn ngày giờ, biết sắp đặt mọi việc cho có thứ tự trúng giờ trúng khắc, biết siêng năng và hay hãm mình ghét xác, chẳng chịu cho nó ngừng tay vô lối, nên đã có đủ ngày giờ, mà làm nhiều điều thể ấy, mà cũng không trễ bỏ hay là chậm hưỡn một chút nào trong những việc bổn phận phải làm hằng ngày.

Có một sách cả thể người đã gầy ra, và đặt tên là sách một khắc, vì mỗi ngày người lo về sách ấy nội một khắc đồng hồ mà thôi, từ khi làm lễ rồi cho tới giờ lót lòng. Sách ấy là Tự điển chữ Tàu, mà người dịch ra nôm quốc ngữ và tiếng langsa, cùng sắp lại theo A.B.C. quốc ngữ. Hềm vì người không sức đủ mà làm cho rồi: người làm chừng hơn ba năm, thì Chúa để cho người yếu liệt quá, nên người tưởng ý Chúa muốn cho người bỏ việc ấy, thì người dẹp lại một nơi. Đến sau người tiếc, vì thấy ích lợi rất trọng sách ấy phải sinh ra cho người bổn quốc và gìn giữ tiếng an nam cho chính đính nghĩa lý và chắc chắn cách viết cách dùng, thì người đã ngỏ lời cùng một vị thông minh thượng phẩm, là ông đốc phủ Của, và đem sách cho ông ấy coi. Ông nầy kiểm sát, thì cả hãi mà khen ngợi vô hồi, vì không dè có kẻ đã tra tay gầy việc thông minh cả thể đại ích dường ấy. Quan đốc lấy làm thích ý lắm, nên đã dưng mình mà tiếp theo sách cha Phaolồ, toan viết cho rồi. Cha mừng rỡ, vì trông cậy đứng thông minh không để việc mình làm nửa chừng mà ra vô ích. Chẳng hay cách một vài năm Chúa đã đem ông ấy khỏi địa cầu, mà công việc chưa hoàn thành, phải ngưng lại một phen nữa. Từ ấy không hẳn sách nầy về tay ai lãnh và rày ra làm sao.

Cha Phaolồ biết chất lót ngày giờ mà viết lách thể ấy, thì người lại cùng khéo lo hơn nữa mà dùng ngày giờ cho đặng lập và tích trữ công nghiệp trong kho tàng trên trời; bất kỳ việc gì người làm, bất luận giây phút nào người dùng, thảy đều nên của rất châu báu mà dưng cho Chúa và đáng chúa nhậm: các ngày trong đời người đã đặng no đầy (Ps., LXXII, 10 ), chẳng có ngày nào lưng vơi, chẳng có ngày nào lổng trống.

Cho đặng tập luyện các nhơn đức ấy và tấn tới càng ngày càng hơn thì người đã nhờ ơn Chúa ban trong phép bí tích, mà cũng nhờ người hằng lo dùng phương thể cần kíp cho đặng bền đỗ luôn. Hằng ngày sớm mai thức dậy, trước khi bước lên bàn thờ mà tế lễ Chúa, thì người lo việc nguyện gẫm. Người gọi việc ấy là nhúm lửa. Bỡi mỗi ngày người lo nhúm lửa thế ấy, cho nên trót ngày lửa thánh kính mến Chúa hằng cháy lên mạnh ngọn trong lòng người, mà thiêu đốt những bợn nhơ bỡi tình tư dục cùng tính yếu đuối tự nhiên, và thúc hối người thêm sốt sắng mà bước tới trong đàng trọn lành chẳng khi dừng. Trong giờ nguyện gẫm thì nhứt thiết người lo xét những việc sẽ làm và dốc lòng một cách chắc chắn rõ ràng, chỉ những khi, những thế mình phải dùng cho đặng giữ đều đã dốc lòng. Cho nên dầu khi phải sự khô khan, thì linh hồn cũng đặng tẩn ích luôn. Người trung tín mà giữ việc trọng cẩn nầy, chẳng sót khi nào, dầu đang khi yếu mệt đau đớn, dầu khi mắc bua việc gấp rúc, cũng chẳng bỏ chẳng bớt.

Việc nguyện gẫm rất cần cho đặng giữ sự sốt sắng trong lòng ta, và giúp ta mà tấn tới trong đàng lành; song một mình việc ấy mà thôi thì chưa đủ, nếu chẳng thêm sự xét mình riêng một hay là hai lần mỗi ngày. Cha Phaolồ trót đời hằng trung tín mà giữ thêm sự thứ hai nầy. Lúc người còn là thầy, phải coi trẻ nhỏ trong giờ học, ai có ý thì thấy đặng mỗi ngày, một ít phút trước giờ ăn cơm trưa, người đi qua đi lại trong nhà học mà chăm chỉ hơn thường, cách một lát, người lấy tập giấy nhỏ trong túi mà ghi một hai chữ, rồi cất lại trong túi: không ngày nào mà bỏ qua việc ấy. Đó là người xét mình trưa. Buổi tối trên nhà ngủ, trước khi nằm xuống, thì thấy người quì gối nơi đầu giường mà nguyện một chặp, đoạn cúi xuống hôn đất, mà phạt tạ vì những lỗi đã phạm trong cả và ngày. Xem những đều người dặn bảo trong sách Tu Sĩ thì hẳn người chuộng việc xét mình riêng nầy và lấy làm cần là thể nào. Các thầy dạy đàng thiêng liêng đều kể là việc đại cái, cha Phaolồ cũng lấy làm mẹo mực chắc chắn cho mình mà giữ luôn. Khi làm thầy cả rồi, cho đến mãn đời, thì người bền lòng một trật, mà giữ mọi đều như hồi người còn làm thầy trong nhà trường chẳng đổi thay chút nào. Con trẻ theo đàng nào, thì lên chừng già cùng chẳng ra khỏi đàng ấy (PROV,, XXII, 6). Người đã học luật phép khôn ngoan nầy cách đành rành ắt chất, người cũng truyền lại y nguy, chẳng tham, chẳng bớt (SAP., VII, 13). Bao lâu người còn ở trong nhà trường, thì bấy lâu những nhắc đi nhắc lại chung riêng cho con cái, em út, là học trò người cả thảy, cho đặng hẳn dạ và lo luyện tập mình như vậy.

Đang lúc người chuyên việc dạy dỗ, thì sức người càng ngày càng mòn. Đức Cha thấy vậy, thì định cho người ngưng tay mà đi nghỉ hầu dưỡng bịnh. Lúc ấy gần cuối năm 1907, cũng trúng lối giáp hai mươi lăm năm người chịu chức chánh tế. Họ Mỹ Tho nương dịp đã gầy dọn dẹp trọng thể mà làm lễ bạc, cám ơn Chúa đã nhắc con đầu lòng mình lên quờn linh mục. Ý Chúa nhiệm mầu sắp đặt mọi sự khôn ngoan, ta không hiểu đặng; vì trước họ ấy có đông học trò đi Nhà trường, mà khi làm lễ bạc nầy, thì chẳng còn một tên học trò nào sốt, hầu nối dòng thiêng liêng trong cung thánh. Cho tới rày chẳng thấy một ai dưng con cho Chúa nữa... Xin cha rày về chầu Chúa, ngỏ lời cầu bàu cho đất Mỹ Tho đặng gội nhuần ơn thánh, mà sinh ra trái thiêng liêng khác, giống như trái chiếng, và sai trái hầu làm sáng danh Chúa, vì chẳng phải tại ai muốn, hay là chạy ngược chạy xuôi mà đặng, một tại Chúa thương xót ban ơn mà thôi (RoM., IX, 16).

Cha Phaolồ nghỉ việc dạy dỗ trong nhà trường, thì xem ra khỏe lại đặng chút đỉnh, nên Đức Cha giao cho người lãnh một họ nhỏ gần Sài Gòn, vừa sức người gánh nổi, là họ Gia Định. Họ ấy đặng chừng bốn năm trăm bổn đạo lớn nhỏ, Người vui lòng mà lãnh việc xem sóc con chiên, vì từ ngày làm linh mục, đã hai mươi lăm năm, người chưa đặng lo việc ấy, những mảng dạy dỗ học trò trong Nhà trường. Người ở đó chẳng đặng bao lâu, thì bề trên định người phải đổi sang qua họ Môi Khôi – là Chí Hòa, - cho đặng lo về nhà các cha An Nam dưỡng lão cùng dưỡng bịnh, và lo việc họ nầy, vì bổn đạo kém số hơn nữa, nên xem ra nhẹ gánh hơn. Là năm 1910, tháng Avril. Người cũng một lòng vưng lịnh mà đi, dầu biết có sự khó dễ, song ý Chúa thì hơn ý riêng mình. Qua năm 1911, người lại phải trở về nhậm họ Gia Định, mà ở đó cho đến khi Chúa kêu về họ hằng sống trên trời...

Từ ngày người lãnh việc linh hồn người ta, thì người dùng hết trí lòng mình, sức lực cùng sự sống mình mà lo lắng về con chiên đêm ngày. Trước đây đã nói về sự người ân cần việc giảng dạy, dầu lúc mệt mỏi yếu đuối người cũng chẳng bỏ qua khi nào. Mà người đã từng biết, lời mình giảng dạy mà thôi chẳng sinh đặng ích nào sốt: Thầy trồng, Apollo tới, mà là Đ C T cho cây mọc lên lớn (1 Co., III, 6), cho nên người những chạy đến cùng Chúa mà nguyện xin cho con chiên mình đặng nên béo tốt, dùng sự cầu nguyện, nhứt là đang lúc ở trên bàn thờ, mà làm cho trọn việc bổn phận mình, là ở giữa Chúa và linh hồn người ta, đến cùng Chúa mà than thở kêu xin ơn thần lực cho các linh hồn Chúa đã nẩy phú cho mình chăn giữ, đoạn day lại truyền chỉ ý Chúa cho đoàn chiên hiểu biết mà vưng cứ; đến cùng Chúa mà nài nỉ cầu bầu xin ơn thống hối, đoạn day lại kiếm tìm chiên lạc, mà dắc về cùng Chúa; đến cùng Chúa mà khẩn cầu mọi ơn lành cho người ta đặng nhờ chẳng những về phần hồn mà lại về phần xác nữa.

Trong đoàn chiên chẳng khỏi pha lộn một ít con dê, làm cho người phải ưu phiền cay đắng, nó cứng đầu co cương, chẳng biết nghe lời khuyên lơn an ủi, chẳng suy nhớ lời thánh Phaolô dặn: Anh em hãy vưng lời những đứng coi sóc anh em, hầu phục tùng các đứng ấy; vì chưng các đứng ấy canh giữ đêm ngày, như hòng phải trả lẽ về linh hồn anh em, ngõ cho các đứng ấy vui lòng mà làm việc nầy, chẳng phải than khóc, vì nếu kẻ ấy khóc than, thì đều nầy chẳng sinh ich lợi cho anh em đâu (HEBR., XIII, 17). Lại có khi nó thêm phản nghịch mà cự địch tỏ tường, cùng mắng chưởi làm xấu hổ cho người. Mà người cứ noi gương Quan thầy mình, là Đấng chăn chiên cả, mà nhịn nhục hiền lành, khi nghi bị mắng nhiếc thì chẳng mắng nhiếc lại; khi phải cực khốn thì chẳng ngâm đe ( I PET., II, 23 ), chẳng bớt lo lắng mến thương, lại cứ cầu bàu cho nó trước mặt Chúa, dầu khi dọn chết cũng chưa quên, cho nên đã đặng thấy nó hồi tâm trở lại, khi người hòng ra khỏi thế nầy.

Người lo giúp bổn đạo nhứt là nơi toà cáo giải; những lời giảng chung chẳng làm ích cho bằng những lời dạy riêng cho trúng theo bổn phận mỗi một người, theo tính tình, ý tứ, tùy lúc vui buồn, bằng an hay là phải cơn xao xiển. Vì vậy bất luận ngày nào, giờ nào, dầu khi người mắc công chuyện gì hay là mệt mỏi, hễ có ai xin làm phước, người liền vội vàng đi liền. Tới ngày phán xét chung ta sẽ thấy được bao nhiêu linh hồn nhờ người dạy dỗ thể ấy mà dứt chừa đàng trái, bao nhiêu linh hồn đặng thêm sốt sắng, đặng nên thánh. Tao đã chọn bây, và đặt bây cho bây đi và làm cho ra trái, và cho trái bây sinh ra đặng bền bĩ (JOAN., XV, 16). Ấy là những trái ngon ngọt tốt lành, bền vững cha Phaolồ đã sinh ra cho Chúa.

Có kẻ trách người sao có dễ dàng quá làm vậy, không chỉ giờ cho người ta đến xưng tội, không trừ ra giờ phải nghỉ ngơi. Thì người hay đáp lại những lẽ nầy: “Ơn Chúa chẳng có chờ đợi; ơn đi qua, sợ không trở lại, Time Jesum transeuntem, et non revertentem... Mình bắt nó chờ, có khi nó ngã lòng, chẳng chờ, và chẳng thèm đến nữa... Chúng ta làm thầy cả không phải cho đặng tìm sự dễ, sự sướng cho mình, song một làm thầy cả cho đặng làm ích cho linh hồn người ta... Tôi mắc nợ cùng các linh hồn, Omnibus debitor sum; nợ đòi bao giờ, phải trả bấy giờ, không thì níu lưng... Nếu mình xin, mình có muốn cho người ta bắt mình chờ không ?...”

Bỡi người sẵn lòng giúp việc linh hồn thể ấy, và người từng trải đàng trọn lành, hay thương kẻ có tội, dạy bảo những lời khôn ngoan cho vừa sức ai nấy, cho nên chẳng những là con chiên người đến cùng người mà thôi, lại những người ở xa, thuộc về họ khác, cũng đến mà xưng tội và chọn người làm cha thiêng liêng mà xem sóc, sửa dạy, dìu dắc mình trong nẻo kính mến Chúa, chẳng nệ đàng xa xuôi trắc trở. Cũng có kẻ lạ ở nơi khác, khi gần chết thì xin rước cho được người, mà xưng tội lần sau hết; mà dầu khó lòng, dầu là ngoài việc bổn phận, thì người cũng chẳng từ chối, lại vui lòng chịu mệt mõi cho đặng đem một linh hồn trở về nghĩa cùng Chúa.

Việc thương giúp kẻ mong sinh thì thể ấy, người kể là một việc rất trọng trong bổn phận linh mục đang chăn giữ đoàn chiên; cho nên người ân cần lắm, hẳn thật giúp người ta khi sống, khi mạnh khỏe, mà trong giờ sau hết chẳng thêm cẩn quyển lo lắng, thì không trọn việc, có khi phải mất mọi ích đã làm trước, vì phước họa đời đời tại một giờ chết mà thôi. Dầu rước kẻ liệt giờ nào, thì người cũng sẵn luôn, đêm cũng như ngày. Khi đã làm xong các phép bí tích sau hết, thì người chưa lấy làm đủ, còn năng tới lui thăm viếng, an ủi, nhắc nhở: dầu mắc việc gì, người chẳng bỏ qua việc bổn phận ấy; dầu có kẻ lo lắng giúp đỡ các hồn, thì người cũng cứ giữ, cứ viếng thăm luôn, vì ai thì có phần nấy, việc kẻ khác làm chẳng chuẩn cho ta khỏi làm việc bổn phận ta. Người thường nói rằng: “Dầu chẳng cần, thì cũng là việc bổn phận buộc, không nên bỏ. Lại có mặt thầy cả, thì sinh ích luôn, vì Chúa ban ơn riêng, thầy cả đến nơi nào thì đem ơn lành Chúa theo đó. Một sự thầy cả tới, có khi ngăn đón đặng nhiều chước cám dỗ...)

Có một đều người lo giữ, mà trong bổn đạo ít kẻ biết, ít kẻ lơ là năng làm phép giải tội lại cho kẻ liệt. Nên nhiều khi người ta lấy làm lạ, và kẻ liệt cũng không hiểu, không muốn lo mà rằng: “Không cần; con mới xưng tội, mới chịu đủ các phép... Con bằng an, không có gì hết” mà chẳng xét, dầu mới chịu phép giải tội, có khi cũng đã phạm tội lại đặng bề trong, vì là giờ ma qui làm hết sức mà cướp linh hồn, cho nên có khi là cần kíp phải chịu phép giải tội lại. Mà dầu không phạm thêm tội gì mới, thì phép giải tội rửa thêm linh hồn cho sạch hơn nữa, ta được thêm vạ mà bớt sự đền tội, và nhứt là thêm sức thiêng liêng cho linh hồn đặng mạnh hơn mà cự địch và thắng chiến những cơn cám dỗ trong giờ nguy hiểm ấy, và đặng dễ mà giục lòng tin, cậy, kính mến, ăn năn, hầu thêm công nghiệp dẫy đầy hơn nữa. Cho nên cha Phaolồ an ủi, dạy dỗ, cắt nghĩa, thì kẻ liệt thường vui lòng vưng nghe.

Cho đặng chết lành, thì phải sống lành; vì vậy người làm hết sức cho con chiên mình đặng đầy sự sống thiêng liêng càng ngày càng thêm, ut vitam habeant, et abundantius habeant (JOAN., X, 10). Sự an ủi, dạy dỗ, thì chưa đủ, nếu chẳng có Chúa thì ta chẳng đặng làm nên sự gì sốt (JOAN., XV, 5), nên người lo thôi thúc giục giã ai nấy tới cùng Đ C G trong phép Thánh Thể, rước Chúa vào lòng cho đặng hiệp làm một cùng Chúa, cho đặng nhờ sức Chúa trong mọi việc làm, cho đặng sống bỡi sự sống Chúa, Người dùng mọi dịp cho đặng cắt nghĩa Sắc chỉ Đức Giáo Tông Piô thứ X về sự rước lễ hằng ngày, cho ai nấy tỏ rõ ý Đ C G và ý Hội thánh, mà đem lòng sốt sắng, tin cậy, hầu lo giữ theo cho đặng ích như Đ C G ước ao. Người cũng không bỏ quên con nít là phần trọng trong đoàn chiên, một cứ theo lời Tòa thánh phân định mà lo cho nó đặng rước lễ sớm, và ái mộ sốt sắng cho đặng đến ăn của thiêng liêng nầy mà thêm sức mạnh trong linh hồn. Người chỉ công lo lắng cho nó biết dọn mình theo sức, cho nó giữ mình thanh sạch, cho nó biết giục lòng tin, cậy, kính mến, ăn năn, ao ước mà đến cùng Chúa.

Một que củi cháy một mình thì chẳng đặng nóng mấy, lại dễ tắt, một đống củi lớn cháy nóng hơn và bền ngọn hơn, miễn là có kẻ giụm lại cho thường. Cha Phaolồ muốn thâu hiệp các linh hồn sốt sắng lại gần nhau, cho để giữ lửa thiêng liêng, cho nóng nảy, cho bền bỉ lâu dài, thì người toan lập hội trong địa sở người. Lòng người kính mến Trái Tim Đ C G cách riêng – và đã vào hội Trái Tim khi còn làm thầy ở Nhà trường, - nên người toan dưng hội người ước ao lập thể ấy cho Trái Tim Chúa. Người muốn cho việc nên chắc chắn và sinh phần ích thiêng liêng và nhờ các Ân tứ, nên đã xin phép Bề trên, đoạn gởi thơ bên Tây, mà xin cùng ông đầu Hội đã lập sẵn, đã có Tòa thánh chiếu nhận, ban phép cho người đặng lập Hội Trái Tim tại họ Gia Định, mà đặng thông công trong mọi ơn Tòa thánh ban cho Hội chánh tại Rôma. Người đã phải tính toán, lo thơ từ đơn trạng lâu ngày lâu tháng cho đặng đủ mọi phép cần. Khi đặng như lòng sở nguyện, thì người chẳng những muốn cho con chiên mình nhờ mà thôi, cũng kêu mời bổn đạo các họ xa gần đến thông công. Trước khi người ra khỏi đời nầy, thì Đ C G đã cho người đặng sự vui mừng sau hết, là biên tên gần sáu trăm người vào sổ kẻ dưng mình làm tôi Rất thánh Trái Tim Chúa cách riêng, nên như của lễ trọng tốt, thơm tho, vừa ý Chúa, mà dưng cho Chúa, trước khi dứt việc chăn giữ con chiên ở thế nầy. Vì ngày 21 Juin 1914, người làm lễ Rất thánh Trái Tim trọng thể, và rán gượng giảng một bài sau hết mà khai Hội ấy, như lời di ngôn để lại cho con cái mình; lễ rồi người nằm xuống cho đến chết, không còn làm việc gì đặng nữa.

Hội Trái Tim nầy đã nên như đền thánh thiêng liêng người lập và trối lại cho họ Gia Định, mà cũng có đền thánh bên ngoài bằng đá gạch sắt gỗ, người đã cất mà để lại nữa. Khi người đến tại Gia Định mà nhậm họ phiên thứ nhứt, năm 1908, thì nhà thờ đã mục nát hòng sập, phải lo tái tạo, Xưa người lo chạy tiền mà in sách vở, thì lấy làm thánh giá nặng, rày phải lo kiếm cho đủ tổn phí mà cất nhà thờ, là việc đồ sộ nhiều phần hơn, thì biết là bao nhiêu đàng cam go! Song người cũng vui lòng kề vai, đang còn yếu sức mà người cũng đi phổ khuyến chỗ nầy chỗ kia, không nài mệt mỏi, cho có đủ tiền mà làm, vì bổn đạo trong họ không sức giúp đặng bao nhiêu, phần đông hơn phải đi làm thuê mướn mà độ hồ khẩu. Có lần người đi mệt nhọc cả ngày, mà không đặng bao nhiêu, cũng chẳng buồn bực, cũng không ngã lòng. Có kẻ hỏi rằng: “Cha xin như thế, đời nào cho có đủ mà làm?” Người rằng: “Việc Chúa, để Chúa lo,” - Kẻ khác rằng: “Cha bịnh hoạn yếu đuối làm vậy, thì làm sao cho nổi?” Người rằng: “Không nổi thì Chúa giao cho kẻ khác, Chúa không cần gì ta; chừng hết sức thì thôi.” Lòng người tin cậy Chúa đã thắng hết mọi sự khó, mọi đều ngăn trở.

Nơi cất nhà thờ bấy lâu nay, thì chẳng ai ưng, vì là đất thấp sình lầy, hay ngập, ướt át, xấu khí, lại khó nỗi xây nền cho chắc. Dời đi chốn khác thì lại bất tiện, vì chỗ có thể cất nhà thờ đặng thì xa xóm bổn đạo; mà muốn cho gần gũi, thì kiếm đất không ra. Tính tới tính lui, ngày qua tháng lụn, chưa nhứt định đặng cho cất chỗ nào, thì cha đã phải bề trên đổi qua Chí Hòa. Năm sau phản hồi mới quyết làm nhà thờ lại nơi nền cũ.

Tiền bạc chưa góp đặng bao nhiêu, mà nhà thờ cũ khỉ sự sập, không còn dùng đặng, nên Đức Cha dạy cất trại làm nhà thờ tạm, và tra tay gầy việc dỡ nhà cũ, đào lỗ, xây nền, tới đâu hay đó. Vách lên nửa chừng hết tiền, phải ngưng lại, cho đến năm 1913 làm mới hoàn thành. Bỡi cha Phaolồ tin cậy Chúa, phú hết mọi sự cho Chúa liệu, thì Chúa chẳng thể cho lòng tin cậy ấy hư không; Chúa sắp đặt mọi sự trúng giờ, trúng cách Chúa tiền định. Cho nên dầu nửa chừng, bạc hết, cha cũng không áy náy, không sờn lòng, cũng chẳng bồn chồn, chẳng lật đật, cứ an lòng trông cậy một thế, mà lo và làm theo sức một cách bằng tịnh luôn. Chừng mọi sự xong xả, sổ sách tính rồi, thì chẳng dư chẳng thiếu, chẳng chi tốn một chút nợ nào; ấy là trúng y như lời người nói: “Việc Chúa, để Chúa lo”

Đèn kia thắp cháy luôn, lần hồi phải lụn. Cha Phaolồ làm việc luôn trót đời, sức phải hao mòn. Cũng nên lấy làm lạ vì người sống đặng cho đến gần sáu mươi tuổi, vì người bịnh loạn yếu đuối, không ai trông người sống lâu đặng và chính mình người hằng dọn mình chết luôn. Mà lòng người có một sự ước ao riêng, là chết theo cha bề trên Thi, là cha linh hồn người, đã lo lắng xem sóc người từ bé, dìu dắc người cho đến chức thầy cả, dạy dỗ tập luyện người trong đàng nẻo Chúa, làm mẫu gương và mẹo mực người trong mọi sự. Từ ngày cha bề trên Thi tạ thế, là mồng 9 Aout 1897, thì hằng năm cha Phaolồ trông người về rước mình đi trong ngày ấy, và dọn mình chực sẵn luôn, Cha trông lắm nhứt là năm thứ mười, 1907; song hụt hoài. Năm 1909, người làm cha sở Gia Định, thấy trong mình khá hơn thường, khó bề chờ đợi cha bề trên rước ngày ấy, nên đã dọn dẹp làm lễ hát trong nhà cho người, và mời Đức Cha và hơn ba chục cha tới mà chầu lễ.

Chúa để cho người phải trông đợi nhiều năm, Song Chúa đã ban cho người đặng sự lòng người ao ước, và miệng người tỏ ý mình muốn, thì Chúa chẳng để cho người phải hụt (Ps , XA, 2). Vậy năm nay cha Phaolồ càng bớt sức nhiều hơn mọi năm khác; người đi ở nhà thương Nhà trường nhiều lần mà lo thuốc men, song chứng bịnh không chịu giảm. Mà người cũng cứ làm việc bổn phận, không bỏ. Ta đã thấy người lo cho xong việc lập Hội Trái Tim; đến ngày lễ ấy thì người làm lễ trọng thể, đoạn giảng (cũng như hồi còn đủ sức)  mà mở Hội. Lễ ấy là lễ sau hết người làm cho bổn đạo, bài giảng ấy cũng như lời trối, Lễ rồi người chẳng còn sức nữa, chứng bịnh thúc tới, nên người phải đi nằm nhà thương, là ngày 22 Juin.

Quan thầy hiểu trong thân thể người đã hư hao tàn bại cả, không còn thể làm chi được, một chờ giờ lâm chung mà thôi. Nghe tin nầy thì lòng cha Phaolồ vui mừng, vì thấy gần ngày bỏ tù rạc xác phàm mà về quê thật, mà nghỉ ngơi đời đời. Người một chỉ lo dọn mình mà ra trước tòa phán xét.

Chúa đã định cho người còn phải chịu sự đau đớn trong bốn mươi ngày trọn, mà luyện người cho nên tinh sạch mọi đàng. Những sự đau đớn ấy bao phủ người tư bề, mà người bằng tịnh vui mặt luôn, chẳng hề phàn nàn năn nỉ bao giờ. Dầu mệt thể nào người cũng rán nói khó cùng những kẻ đến viếng thăm, tỏ lòng biết ơn kẻ ấy. Đều nầy chắc cũng giúp người mà bỏ ý riêng mình càng thêm nhiều hơn khi khác; vì hằng ngày có ghe kẻ tới lui thăm viếng, hoặc trong anh em thầy cả tây nam, hoặc là con cái trong họ người, có khi là những người quen lớn thiết nghĩa, nên ghe phen khó bề nghĩ an. Một hai người tới viếng thăm, vì lòng thảo muốn hỏi thăm, muốn nói chuyện vãn lâu dài, mà không nhớ làm vậy thì nhọc mệt cho người bịnh; dầu vậy cha cũng chẳng nói một lời nào, hay là tỏ dấu nào cho kẻ ấy biết mình phải cực lực. Có khi có kẻ tới trúng lúc người mệt nhiều, kẻ canh bịnh chẳng cho vào thăm, thì lại tức mình giận hờn, mà chẳng xét nếu mình thật lòng mến thương người bịnh, thì trước hết lo cho người đặng nghỉ an,  chẳng dám làm điều gì mà nhọc cho người, mới tliệt là thảo; muốn cho đặng phỉ dạ mình, mà không lo mệt bịnh, thì ấy là thương ai?

Đ C G xưa phán rằng: Chừng nào Tao lên khỏi đất thì Tao sẽ kéo mọi sự lên cùng Tao (JOAN, XI, 32), là khi Chúa chịu treo lên cao trên thánh giá mà chịu sự thương khó, hầu chuộc tội đời, thì Chúa kéo lòng mọi người đến cùng mình, cho ai nấy nhìn biết và kính mến Người. Đầy tớ Chúa khi phải nằm trên giường liệt nặng phen nầy, cũng bắt chước Chúa dưng mọi sự khốn khó mình mà đền tội con chiên. Người nói cùng một ít người trong bổn đạo rằng: “Nếu cha đau nặng đây là cho đặng đền tội trong họ,” Phải tưởng Chúa đã nhậm sự đền tội nầy, vì đã ban cho đầy tớ mình, trong cơn khốn cực ấy, có sức mà kéo đến cùng mình những kẻ cứng cỏi bấy lâu người không sức an ủi được. Người nhắn với kẻ đến thăm phải về biểu tên nầy tên kia lo ăn năn trở lại. Mà những kẻ nghịch tặc, khi nghe tin người đau nặng, liền động lòng chạy đến khóc lóc, lạy lục, xin người thứ tha sự lỗi, rồi quì gối đọc kinh cầu nguyện. Nói sao xiết sự vui trong linh hồn người khi thấy chiên lạc trở về ràn! sự vui khoái mừng rỡ nầy làm cho người quên đau đớn trong chứng bịnh, mà cám ơn Chúa hết lòng.

Có một tên kia bấy lâu quen thói vui lỗ miệng, mà nằm đàng nằm sá, người an ủi, khuyên lơn, dỗ dành, la rầy, quở trách, cũng không hề chịu nghe lời mà chừa tính xấu; nay thấy cha bịnh nặng, cửu tử nhứt sanh, nghe các thầy chạy hết, thì chạnh lòng toàn phương cứu giúp cha, vì mình cũng thuộc lãm nghề làm thuốc. Vậy tên ấy đến ra măt, xin tuần mạch. Cha dùng dịp sau hết nầy mà chữa tật khốn nạn nó. Vậy người nói cùng nó, biểu phải kiêng cử, lo chừa nết xấu đủ một tháng, không còn rượu chè nữa, người mới chịu nó làm thuốc cứu người. Tên ấy hứa chịu sửa mình, người mới cho phép bắt mạch.

Nay cha đã khoản rồi, mà tên nầy có giữ lời đã hứa cùng người trong kỳ mạng một ấy hay chăng? Xin vì công nghiệp cha và lời cha khẩn cầu nguyện giúp cho người nầy cùng những kẻ khác đã nghe lời cha dạy bảo mà trở lại cùng Chúa, đặng bền chí nhớ và giữ mọi đều cha đã trối cho đến mãn đời, hầu sau đặng gặp cha lại trên trời.

Từ ngày người thọ binh phen sau hết nầy, thì có cha Philípphe Sau, là em người, đến giúp người luôn ngày luôn đêm; dầu có kẻ chực sẵn mà lo mọi sự, thì cha Philípphê cũng chẳng hề lấy làm đủ, chính mình người lo lắng, mới an dạ phỉ tình, trông chịu khó với anh, hoặc may Chúa thương để anh ở lại thêm ít lâu ở đời nầy.

Không phải một mình người ước ao thế ấy, các anh em thầy cả, những nhà tu đã mang ơn người giúp đỡ dạy dỗ bấy lâu, con cái người trong họ Gia Định, bổn đạo các họ khác đã quen biết, đã nhờ nhỏi ơn người, cũng đồng tình áo bão thương tiếc, và ước ao cho người đặng mạnh lại mà sống thêm, nên đâu đó rập một lòng mà cầu khẩn kêu nài cùng Chúa, chỗ thì đọc kinh lần hột chung, người thì kêu xin riêng, nhiều nơi làm việc cửu nhựt cầu cùng Rất thánh Trái Tim, cùng Đức Mẹ cho người đặng thuyên bịnh.

Cha thì kính mến Chúa, khao khát cho đến giờ khám xác người rã ra, để linh hồn bay lên hiệp cùng Chúa, nhưng bỡi thấy xung quanh mình ai nấy gắn vó níu cầm, thì khó nỗi liệu. Người phải lưỡng lự như thánh Phaolồ xưa: Rày Chúa Khirixitô sẽ đặng sáng danh trong xác thầy, cũng như mọi khi, dầu cho thầy sống, dầu cho thầy chết cũng vậy. Vì sống cho thầy là Chúa Khirixitô, mà chết là phần lợi. Nếu thầy ở lại trong xác mà sống thêm, mà sinh đặng phần ích bỡi công việc thầy làm, thì thầy cũng chẳng biết phải chọn phần nào. Cả hai bên đều thúc hối thầy cả hai, bên thì thầy náo nức thoát khỏi xác nầy mà ở cùng Chúa Khirixitô, vì đó là phần nhứt cho thầy; bên thì lại muốn ở lại trong xác, vì phần ấy cần cho anh em hơn. (PHIL., 1, 20 et se 99.) Mà người không nói thêm đặng như thánh bổn mạng người: Mà thầy có ý tin cậy, biết thầy sẽ nán lại và ở với anh em hết thảy dài ngày, cho anh em đặng tấn ích, cho anh em đặng vui mừng trong đức tin, ngõ cho lòng anh em đặng khoái lạc tràn trề trong Chúa Khirixitô, vì thầy, khi thầy sẽ trở về cùng anh em , vì người biết sức trong mình đã mòn hao, cầm không đậu, và các kẻ làu thông chuyện bịnh hoạn không trông thuốc nào cứu đặng. Vì vậy người phú mình theo ý Chúa, vui lòng tế lễ mạng sống mình cho Chúa, cũng như đã tế lễ sự mạnh khỏe mình bấy lâu nay; để mặc ý Chúa phân định.

Hằng ngày người chịu Mình Thánh Chúa, dầu đã mệt mỏi hết sức, cũng rán chỗi dậy mà rước Chúa, tỏ lòng tin kính sốt sắng tốt lạ. Mà lần lần người không còn sức mà nuốt trót hình bánh nhỏ, phải trao cho người phân nửa mà thôi; sau hết còn phải bẻ tư ra, mà trao cho người một góc tư hình bánh, người mới có sức nuốt được.

Khi người biết không lẽ qua khỏi đặng, thì người nói cùng của Philipphê rằng: “Thôi em, không còn trông gì nữa... Em về lấy bộ đồ tím đem qua cho sẵn... hãy phú mọi sự trong tay Chúa... em chớ buồn rầu, chớ cầm anh lại làm chi... Anh biết, khi anh chết rồi, em cực lắm...” Người và nói và rưng rưng nước mắt. Đoạn người ở lặng, thầm thì kêu xin cho đặng vưng theo ý Chúa.

Ngày mồng 3 Juillet; bịnh trở nặng, nên đã làm phép xức dầu thánh cho người, qua ngày sau người chịu Viatico bỡi tay em người.

Đoạn bịnh lại huỡn, chẳng thúc nhặt... Trong lúc các cha An Nam cấm phòng, thì người xem ra đủ sức và tiếp trước anh em đến viếng thăm, và cũng nói chuyện vãn thong thả, chẳng phải đuối sức. Nên có kẻ trộm tưởng phen nầy người cũng số còn sống thêm đặng, nên thêm cầu nguyện và trông Đ C Bà thành Lourdes cho người, ngày chót tại Hội Thánh Thể tại thành ấy. Song người khác nào một đèn đã hết dầu, tim đang cháy lụn, một hai giây phút tỏ ngọn hơn, đoạn lại bớt sáng.

Mấy ngày sau hết, người bị nhiều cữ rét nặng. Mỗi lần, người thầm thì kêu: “Ớ Mẹ ôi! ớ Mẹ, xin giúp con !...” Ghe phen người đưa tay lên, như muốn ôm lấy vật gì vậy.

Qua tối mồng 1 Aout, người làm xung một phen sau hết: xác phải đau đớn nhức nhối mệt mỏi lắm, mà trí người hằng tỉnh táo luôn, mỗi lần kêu Chúa, người đều nghe tỏ và gặc đầu. Chính mình người biểu đọc kinh dõi và kinh đưa. Đoạn người cúi đầu xuống, rồi mở con mắt trực chỉ lên trời mà thở dài, cách chừng một khắc đồng hồ thì linh hồn lìa xác cách êm ái, như người nằm ngủ quên vậy. Khi ấy là 9 giờ rưỡi, tối mồng 1 Aoùt.

Bấy lâu người đã trông đợi cha bề trên Thi về rước người đi: có lễ tưởng người đã đặng như lòng mơ ước trong mười bảy năm, vì còn thiếu chừng bẩy giờ mà thôi, thì trúng ngày, trúng giờ cha bề trên Thi đã chết mười bảy năm trước. Trông rày cha con yêu dấu gặp nhau lại trong sự vui vẻ và vinh hiển Chúa, và bầu bạn cùng nhau đời đời.

Cả ngày Chúa nhựt, 2 Aoùt, bổn đạo xa gần, (vì dịp đi viếng Nhà thờ Nhà Phước Kín mà nhờ đại xá,) hay tin cha Phaolồ qua đời, thì tuôn đến Nhà trường mà cầu lễ cho người, nhứt là bổn đạo Gia Định, là con chiên của người..

Chẳng cần phải nói tình thương tiếc ai nấy đều tỏ ra khi đặng tin phiền não nầy, vì trong cả và địa phận ta, chẳng có họ nào mà bổn đạo chẳng biết danh cha Phaolồ, mà chẳng cảm mến, kính trọng công nghiệp và nhơn đức người. Chẳng những một Địa phận nầy, mà mấy Địa phận xung quanh cũng tỏ lòng mến yêu thương tiếc. - Trong giấy tờ người để lại, thì gặp mấy chữ Đức Cha Đamiano, trị Địa phận Bình Định, đã gởi cho ngtrời, tỏ lòng áo não, vì nghe tin người liệt nặng, và chúc cho người đặng chết bằng an trong ơn nghĩa Chúa, lại xin người “khi về cùng Chúa, thì giúp lời cầu nguyện cho các linh mục mình và cho Đức Cha nữa”. (Em cha Phaolồ hết tình cảm đội ơn Đức Cha, vì lòng lân mẫn đã khấng nhớ và tỏ lòng yêu chuộng anh mình dường ấy.)

Bổn đạo Gia Định muốn đền ơn trả thảo mà giữ xác cha mình lại trong nhà thờ họ, cho gần gũi con cái, và đi xin Đức Cha ban phép. Song bỡi trước khi qua đời, cha đã xin cùng Đức Cha để người nằm chung với anh em thầy cả bổn quốc trong đất thánh gần nhà thờ Môi Khôi, tại Chí Hoà, nên Đức Cha phải cứ theo ý cha đã trối. Một ban phép cho bổn đạo, chiều Chúa nhựt, rước xác cha về trong họ, mà giữ trong nhà thờ cho đến khi mai táng, bổn đạo phải vưng.

Việc rước xác, đưa xác cha, đã có cha Phanxicô Xavie doãn lại trong "Nam Kỳ Địa Phận", số 292, ngày 20 Aoùt trước đây.

Đã hẳn chép hạnh cha Phaolồ là việc lớn lao, dầu tôi biết mình ít sức, lại kém giờ ngày, khó thể hỏi han, hầu kể lại mọi điều cho xứng đáng, nhưng vậy tôi đã cả lòng lãnh việc ấy, mà đền ơn trả thảo cho cha yêu dấu. Xin những kẻ quen biết và thiết nghĩa dong tình, khi thấy tôi bỏ sót nhiều đều phải kể lại mà không nói tới; những kẻ ấy thuộc tánh hạnh cha, rõ tâm tình cha hơn tôi, thì xin nhiêu thứ, vì tôi chẳng nói lại đều gì mà kẻ ấy chẳng biết tường tận trước, chỉ biên ký lại một hai chút để nhớ đời, và cho những kẻ chẳng quen lớn đặng hẳn, cũng có ý cho kẻ hậu sanh, ai xem được, có lẽ sinh lòng ái mộ bắt chước mà kính mến Chúa và nói gương cha mà tấn tới trong đàng lành. Vì chưng tuy cha ở bực cao cả về đấng tế lễ Chúa, nhưng mà trong việc cha làm, thì ai nấy cũng noi theo được mà học đòi bắt chước. Vốn cha chẳng làm sự gì lạ, chỉ làm những việc thường như kẻ khác, công nghiệp cha là tại làm việc thường mà làm một cách chẳng thường, một cách tốt lạ, bỡi lòng mến Chúa, làm vì ý siêu tính, theo đức tin, cho nên dầu việc nhỏ mọn cũng nên quí giá trước mặt Chúa, cũng làm cho người đặng thêm đẹp lòng Chúa nhiều, làm cho người tấn tới trong sự trọn lành dài bước; về sự ấy bất luận ai, trong đấng bực nào, cũng đều bắt chước đặng,

Ớ cha yêu dấu, cha đã đấu chiến trận lành, cha đã đi trót cùng đàng thánh, cha đã nắm giữ đức tin toàn hảo, rày Chúa đoán xét công bình đã đem cha về quê thật, mà ban cho cha mũ triều công chính đã dành để cho cha. Xin cha ngõ lời nguyện xin cùng Chúa cho đất Nam Kỳ nầy đâu đó đều đặng nhờ yếng sáng lời Evang, mà trót nên ràn chiên Chúa, chẳng còn một ai phục tùng luật phép ma quỉ; xin cho kẻ ngủ quên trong đàng tội lỗi, đặng giật mình thức dậy, hối cải ăn năn, sửa mình, đền tội; xin cho kẻ lành đặng thêm sốt sắng một ngày một hơn, và bền đỗ đến cùng; xin cho những linh hồn cha đã mến yêu, dạy dỗ, ủi an, xem sóc, đặng nhớ lời cha nhủ bảo mà giữ mọi đều cần mẫn trung tín chẳng khuây; xin cho các nhà viện tu đặng thêm đông số và thêm sốt sắng đua tranh trong đàng trọn lành; xin cho hai họ cha đã chăn giữ đặng cứ mẹo mực cha đã giảng truyền; xin cho Hội Trái Tim, là út của cha, đặng lớn lên, đặng thêm sức mà an ủi lòng Chúa; xin cho Nhà trường Latinh đặng nên như cây trồng theo dòng nước, sai trái, cho các trẻ đông đảo trong chốn thánh ấy theo ngõ cha đã đi, mà luyện tập các nhơn đức cần kíp, hầu mai sau nên thầy cả thánh nối nghiệp cha; xin cha cho đất Mỹ Tho đặng đượm nhuần ơn thánh, trổ sinh nhiều bông trái tốt, làm sáng danh Chúa, đặng chúa chọn vào nhà Chúa mà làm của lễ thanh sạch đẹp đẽ; xin cho các em cha trong chức thánh, một quê Định Tường, đặng theo bén gót anh cả, làm kiệt lực trong vườn nho Chúa; sau hết xin cho con mọn đặng chạy theo mùi thơm nhơn đức cha, Obsecro, ut fiat in me duplex spiritus tuus, cho con biết kính mến Chúa và nhen lửa kính mến trong lòng kẻ khác, cho con biết đi và chỉ đàng trọn lành cho những linh hồn Chúa đã chuộc lại, cho con biết chết cho mình và làm cho kẻ khác đặng sống trong Chúa. Amen.

(hết)

Mátthêu Đức.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1914