ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

Họ Rạch Thiên - Họ Bàu Công - Họ Bàu Tre - Họ Mỹ Khánh - Họ Bến Nẩy

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------------

HỌ RẠCH THIÊN

Về sở Tha La

-------------------------

Lập họ nầy lối năm 1868 đời cha Son (P. Le Vincent) và cha Thành coi họ Tha La. - Số là trong làng có đôi ba người lập đội quản hà hiếp dân sự, ép người ta vào bọn nó, nên có ba bốn mươi người sợ, mới rủ nhau lên Tha La xin vào đạo cho khỏi phải hiếp đáp.

Ban đầu đọc kinh xem lễ tại nhà ông hương Thới, cách chín mười năm cha Điện mới cất nhà thờ.

Có một chuyện cũng lạ, cha Triệu hãy còn nhớ, vì cha cũng đã có coi họ ấy. Số là có hai đứa ngoại xe củi ngang qua nhà thờ, một đứa phát lên mà nói chơi với thằng kia, và nói phạm thượng đến Đức Mẹ; thằng nọ rầy biểu đừng nói bậy Bà phạt chết, thằng kia cười tuồng khinh dễ, cách vài ngày thằng đó bị sét đánh chết đang khi nó mót củi ngoài đồng.

Gần hai mươi năm đầu, không cha nào ở họ nầy, cha ở Tha La lên xuống mà thôi, có lúc có các dì phước Chợ Quán dạy đó, khi khác thì có mấy thầy trường La tinh, cũng có thầy giảng thay đổi nhau mà dạy.

Đến năm 1897, cha Bổn mới chịu chức thầy cả, lên ở đó chừng hai năm, sau lại dời ra họ Tân Hòa. Số bổn đạo càng thêm mà lần hồi bỏ đạo cũng nhiều. Theo sổ năm 1917 thì bổn đạo còn đặng 119 người.

Họ nầy có ba trinh nữ đi nhà phước Chợ Quán.

---------------------

Họ Bàu Công

Về sở Tha La

---------------------

Ông hương Trận là người đạo dòng, quê ở Thủ Dầu Một, rối, nên bỏ đạo mà đi ở trong xứ kẻ ngoại, sau đem vợ con về ở tại ấp Bàu Công cũng đã lâu, tới đời cha Bổn ở Rạch Thiên thì ông ấy mới trở lại và lo đem vợ con vào đạo hết; cho nên họ Bàu Công là con, rễ, cháu chắt ông Trận mà thôi, hết thảy hơn bốn mươi người, - Ông ấy trở lại cùng giữ đạo khá sốt sắng, sau đã qua đời, còn vợ con lại đó, kẻ ngoại xung quanh không ai vô đạo, nhờ nội mấy con cháu ông ấy mỗi năm sinh thêm một hai đứa nhỏ mà thôi.

-------------------

Họ Bàu Tre

Về sở Tha La

-------------------

Lối năm 1840 thì có một người đạo dòng Thủ Dầu Một tên là Cao văn Cải, bỏ xứ mà qua ở tại Bàu Tre làm ăn, buổi ấy còn đời cựu trào. Ông nầy ở đây đã hơn 25 năm giữa kẻ ngoại, đạo thì không bỏ mà cũng không giữ, may phước là còn lo cho con cái chịu phép Rửa tội. Đến lối năm 1867 hay là 1868, cha Thành đến đó mà gặp ông Cải nầy, thì cha tới lui lo cho nhà ông ấy giữ đạo. Ít lâu sau cha ở lại đó đặng bảy tám tháng mà lo giảng dạy lập họ; khi ấy người ta trở lại đạo đặng chừng vài mươi. Chưa có nhà thờ, nên cha ở tại nhà ông Cải. Khi cha Thành đổi đi thì cha Son ở Tha La lên xuống mà lo cho họ nầy, lúc ấy mới cất một nhà thờ nhỏ, lợp tranh. Chừng cha Son đổi đi thì mấy cha đổi về Tha La cũng lên xuống mà coi họ Bàu Tre, mấy cha ấy là cha Phụng, cha Dư, cha Triệu, cha Tài, người ta có kể tên cha Trí, cha Báu, mà chưa có cha nào ở luôn tại Bàu Tre.

Đời cha Triệu có cất một nhà thờ ngói, lúc ấy bổn đạo đặng chừng 80 người. Sau cha Đậu ở đó đặng 4 năm, rồi bỏ hơn 2 năm, cha sở Tha La lên xuống coi như trước.

Cách 2 năm ấy thì cha Sang đổi lại đó là năm 1899; ở đó đặng 4 năm; sau cha Chiểu đến thế cho cha Sang lối năm 1902, Cha đã cất nhà thờ lại, nhỏ mà vển van sạch sẽ, khi ấy số bổn đạo đặng 115 người.

Năm 1906 cha Chiểu đổi đi, thì cha Biểu tới thế, cha ở đó gần đặng 4 năm rồi cũng đổi, khi cha ra đi thì số bổn đạo đặng 135 người. Bỡi nhà thờ cha Chiểu cất không cột giữa, có ý yếu xiêu, vậy cha Biểu phải hạ xuống mà làm lại, cha cũng cất nhà thờ Mỹ Khánh lại nữa. Bổn mạng nhà thờ nầy là Ông thánh Giude. Cha Biểu đổi đi Phú Hiệp, cách ít lâu cha Thích đổi lại, mà không ở Bàu Tre, cha ở tại Mỹ Khánh đến nay.

------------------

Họ Mỹ Khánh

Về sở Tha La

------------------

Có một người đạo dòng tên là Nguyễn văn Ngãi ở họ Thủ Thiêm, đến ở Mỹ Khánh chung cùng với kẻ ngoại cho khỏi cơn bắt bớ; đến đây lối năm 1847 và ở vậy chừng 20 năm, thì cha Thành mới gặp nhà ông Ngãi, nên cha ở Tha La lên xuống mà lo cho ông, và rửa tội cho con cái người. Kẻ ngoại nghe giảng dạy xin vô đạo đặng chừng bảy tám mươi. Cha Son đã cất một nhà thờ nhỏ lợp tranh.

Lâu nay không có cha sở ở luôn tại họ, buổi ban đầu thì các cha Tha La lên xuống coi, chừng có cha ở tại Bàu Tre, thì họ Mỹ Khánh về cha Bàu Tre coi luôn. Đến năm 1916, cha Thích mới về ở tại Mỹ Khánh cho tới bây giờ, số bổn đạo đặng 218 người. Mấy họ nầy thật là đồng khô cỏ cháy, người ta nghèo khổ lắm, ít người ngoại trở lại đạo, nhờ lớp con cái bổn đạo sinh ra lần hồi mà thêm số.

Gần Mỹ Khánh có một họ khác kêu là Suối Gụt, khi trước có một cái nhà thờ nhỏ gần một bên lộ đi Trảng Bàng Tây Ninh, đã có nhiều lớp thầy nhà trường Latinh dạy dỗ buổi trước; mà bỡi người ta nghèo, không điền đất chi, nên lần hồi bỏ đạo nhiều. Sau đã phá nhà thờ nhỏ ấy, còn lại đôi ba nhà bổn đạo, thì nhập về họ Mỹ Khánh.

-------------------

Họ Bến Nẩy

Về sở Tha La

-------------------

Họ nầy hồi trước về sở Hóc Môn, đến sau mới chia về cha sở Bàu Tre coi; số bổn đạo ước chừng 30 người. Gốc là có một người có đạo tên Nguyễn văn Ý quê ở Lái Thiêu, theo vợ ngoại về trú ngụ nơi nầy, người có làm làng, cho nên đời ông Đốc phủ Ca trở lại đạo và làm chủ quận tại Hóc Môn thì đã khuyên lơn hương Ý trở lại, cũng có nhiều thầy trường Latinh đến dạy dỗ an ủi kẻ ngoại vô đạo.

Đời thầy Tri dạy đó thì có cất một nhà thờ nhỏ lợp ngói, lâu năm mối ăn hư sập nên phải cất lại một cái khác trên lợp tranh cho đến bây giờ.

Cũng bỡi nghèo nên người ta bê trễ việc đạo, còn ước đặng sáu bảy nhà giữ đạo khá khá mà thôi.

Nhà thờ cất trong đất ông Ý chớ chẳng có đất điền chi của Nhà Chung.

Các cha ở Bàu Tre Mỹ Khánh lâu lâu xuống làm lễ ngồi tòa làm phước một đôi ngày rồi về.

Người ta tại đó nghèo nàn, không có bề thế mà làm ăn, cho nên số bổn đạo không tấn thêm.

(Chung về Địa sở Tha La)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1918

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét