ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020

"State" là "Quốc" 國, mặt khác còn dịch :State" là "Tiểu Bang" 小 邦 - vì sao?

 "STATE" LÀ "QUỐC" , mặt khác còn dịch "STATE" LÀ "TIỂU BANG" - vì sao?

(ghi chú về cách chuyển ngữ trước khi nói đến thời sự bầu cử tại Mỹ)

1) "STATE" = "QUỐC" ()
Cái nghĩa thường thấy, "state" là "quốc", là "nước" - như State of Israel, State of Kuwait, State of Libya... Và "United States of America" nghĩa là "Hợp chúng quốc Mỹ" (nước Mỹ được hợp thành từ nhiều "quốc"). Ở đây, "STATE" rõ rành là "QUỐC".
Cách nào đó, ta có thể nói "nước (quốc: state) California", "nước Texas"... hợp thành một nước lớn hơn là MỸ. Nhưng, như vậy thì nhìn thấy lung tung quá xá "nước".

2) Thành thử có người dịch "state" (trong nước Mỹ) là "bang" cho dễ nhìn.
Nhưng (lại "nhưng" nữa!), quí bạn chú ý, chúng ta gọi "quốc", rồi "bang" - những chữ này đều lấy từ chữ Hán (mà đọc theo âm Việt), thành thử phải hiểu "quốc", "bang" nghĩa là gì.

"Bang" được mặc định mang nghĩa tương đồng với "nước", như "lân bang" tức là nước láng giềng: nước Tàu là lân bang phía Bắc, nước Lào là lân bang phía Tây Bắc, nước Cao Miên là lân bang phía Tây Nam của nước Việt chúng ta.

Còn nghĩa gốc của chữ "Bang"? Lãnh thổ lớn gọi là "Bang" , lãnh thổ nhỏ hơn thì gọi là "Quốc" - như Lỗ quốc 魯國, Tề quốc 齊國...

Thành thử quí bạn thấy ở nước Nhựt Bổn gồm 8 vùng miền, trong đó có vùng miền họ gọi là "Chugoku" (nghĩa là "Trung Quốc"), "Shikoku" (nghĩa là "Tứ Quốc") - vì "quốc" tức là lãnh thổ nhỏ nên họ mới gọi như rứa.

3) "STATE" = "TIỂU BANG"

Các nước trên thế giới hiện nay, chúng ta đều gọi là... "Quốc" (quốc gia) hết thảy. Chẳng hạn nước Hàn tức "Hàn Quốc", nước Mỹ tức "Mỹ Quốc".

Mà dưới "Quốc", hợp thành "Quốc", thì không thể gọi là "Bang" được! - bởi vì nghĩa đúng của "Bang" là rộng lớn hơn "Quốc" (như dẫn giải trên).
Đó là lý do vì sao mà ở miền Nam VN trước 30/4/1975, chữ nghĩa thường được tìm hiểu một cách thấu đáo, nên giới trí thức thời kỳ đó đã chuyển ngữ "state" (trong nước Mỹ) chỉ là "tiểu bang" mà thôi.

Stt này dẫn giải nhằm giúp quí bạn hiểu sự hợp lý trong cách dịch "tiểu bang Texas", "tiểu bang Florida", "tiểu bang California"... được sử dụng trong sách báo ở miền NAM VN trước 1975 (từ Quảng Trị cho đến Cà Mau).

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2020

Chữ một đáng, Nghĩa một nẻo

 CHỮ MỘT ĐÀNG, NGHĨA MỘT NẺO

Có người bình luận về việc Mỹ không chịu gọi Tập Cận Bình là "Chủ tịch nước" (mà chỉ gọi "Tổng bí thư"), cho rằng Mỹ cũng... tào lao, xứ sở người ta ưng gọi "Chủ tịch" thì kệ, mắc gì xía vô, không công nhận? Té ra cũng tại mấy báo mạng giựt tít là: Mỹ đưa ra dự luật hủy bỏ danh xưng "Chủ tịch nước" của Tập Cận Bình. Trời đất, đâu có cái vụ này! Trong khi tôi viết rành rẽ trên fb: CHẤM DỨT VIỆC GỌI TẬP CẬN BÌNH LÀ "PRESIDENT", theo một dự luật vừa trình tại Hạ viện có tên "The Name the Enemy Act" (tạm dịch "Định danh kẻ thù": https://www.facebook.com/nguyenchuong158/…/1012586065842040…)

Người Mỹ yêu cầu chấm dứt việc gọi Tập Cận Bình là "PRESIDENT". Chớ người Mỹ họ đâu ghi... tiếng Việt là "Chủ tịch nước". Tưởng "Chủ tịch nước" là đồng nghĩa với "President" hay sao? Tưởng vậy là tưởng bở!

1) Coi, tiếng Tàu họ đang gọi Tập Cận Bình là gì? Họ ghi: , âm Việt của hai chữ này là "Chủ tịch".
"Tịch"
nghĩa gốc là cái chiếu, như “trúc tịch” 竹席 là chiếu tre. Ngày xưa người ta trải chiếu ra ngồi, thành thử "tịch" còn mang nghĩa là "chỗ ngồi".
Ngồi chiếu để làm việc, nên "tịch" còn mang nghĩa là "chức vị".
"Chủ tịch"
: người ngồi đầu chiếu, ngồi ở chỗ chánh yếu trong một cuộc họp, và được dùng với nghĩa rộng hơn là thủ đắc chiếc "ghế" chủ chốt, đứng đầu trong một tổ chức (đảng phái, hội đoàn, cơ quan...).

Tiếng Anh có danh xưng "Chairperson" (chairman, chairwoman), coi đi, là khớp với nghĩa của chữ "Chủ tịch" đó đa.

2) Trong khi đó, bà Thái Anh Văn tái đắc cử hồi đầu năm 2020 với chức danh được người Đài Loan ghi: . Âm Việt của hai chữ này đọc là TỔNG THỐNG.
"Tổng"
là chung, toàn bộ; "Thống" là lãnh đạo, thống lĩnh ( ). Gọi đầy đủ là "Tổng thống lĩnh", nhưng thường được gọi cho gọn mà vẫn đúng nghĩa là: "Tổng thống".

Ghi bằng tiếng Anh là: "PRESIDENT Tsai Ing Wen" (Tổng thống Thái Anh Văn).

(Mở ngoặc: "TỔNG THỐNG (lĩnh)" là cách chuyển ngữ của người Hoa, và người Việt chúng ta. Còn người Hàn họ gọi khác một chút nhưng vẫn đồng nghĩa: "Đại thống lĩnh" , hoặc gọn hơn là "ĐẠI THỐNG", tiếng Hàn đọc "Dae Tong (Nyeong)". Như "Dae Tong (Nyeong) Moon Jae-in", "ĐẠI THỐNG (lĩnh) Moon Jae-in" = "President Moon Jae-in")

TỒNG THỐNG (hoặc Đại Thống, theo cách định danh của người Hàn), như vậy, là chức danh của nguyên thủ quốc gia do dân bầu! Rõ rành rành người dân Đài Loan đi bỏ phiếu bầu cho bà Thái Anh Văn; người dân Đại Hàn đã bầu cho ông Moon Jae-in trở thành người đứng đầu đất nước.

Mỹ cũng vậy, và danh xưng nguyên thủ do dân bầu (theo từng tiểu bang, rồi tổng hợp kết quả từ 50 tiểu bang) được gọi là: PRESIDENT.

3) Ông Tập Cận Bình trở thành nguyên thủ - có phải do lá phiếu của dân bầu cho ổng? Không!
Mà ... do "đại biểu Quốc hội" bầu.
Bên Trung cộng họ gọi ông Tập là
(Chủ tịch), chớ họ đâu có gọi Tập là (Tổng thống).
Tiếng Anh cũng có hẳn những danh xưng khác biệt, tương ứng, là: "Chairperson", "President".

* Từ quan điểm của người Mỹ, ngay lúc này chỉ xoáy vào chế độ Bắc Kinh thôi: Tập Cận Bình KHÔNG phải là "PRESIDENT"!

Kêu bằng là chữ một đàng mà nghĩa một nẻo, đánh lộn sòng khái niệm ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-----------------------------------------------------------------------------------
Bà Thái Anh Văn rõ rành là PRESIDENT (Tổng thống:
); trong khi Tập Cận Bình là Chairperson (Chủ tịch: ).



 

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Hãy nhìn lịch sử quê mẹ Việt Nam không thiên kiến

 HÃY NHÌN LỊCH SỬ QUÊ MẸ VIỆT NAM KHÔNG THIÊN KIẾN

Trước hết, cần phải nhìn dòng chảy sự kiện lịch sử như nó đã từng xảy ra. Bằng cái nhìn thuần túy lý tính, ở một số trường hợp còn là cái nhìn theo công pháp quốc tế.
Sự thật lịch sử không phải là "viên thuốc an thần" cho bất cứ quan điểm chánh trị nào.

A/ Với sự thoái vị của vua Bảo Đại (25/8/1945), nhà nước quân chủ Đại Nam chấm dứt. Xuất hiện thể chế Việt Nam Dân chủ cộng hòa (Democratic Republic of Vietnam).

B/ Éo le ở chỗ: chính phủ VNDCCH dù nhận được sự thoái vị từ Bảo Đại, và dù tuyên bố độc lập vào 2/9/1945, nhưng Đồng Minh không công nhận.
Vì sao?
Chiếu theo những qui định của khối Đồng Minh (Hội nghị Teheran, Hội nghị Yalta, Hội nghị Postdam) về việc giải giáp phe Trục trên phạm vi thế giới, trong đó có quân phiệt Nhựt:
/1/ Những chính phủ nào (trong các nước bị quân phiệt Nhựt chiếm đóng) đã được thành lập chính thức & từng hiện hữu độc lập TRƯỚC thời điểm Nhựt tuyên bố đầu hàng Đồng Minh (trước ngày 15/8/1945) => Đồng Minh công nhận (như trường hợp Trung Hoa Dân quốc);

/2/ Đồng Minh không công nhận nếu rơi vào 2 trường hợp sau:
(2a) Không công nhận những chính phủ thành lập dưới sự bảo trợ của Nhật. Như Mãn Châu quốc với hoàng đế Phổ Nghi. Như “Đế Quốc Việt Nam” của chính phủ Trần Trọng Kim thành lập tháng 3/1945 dưới sự bảo trợ của Nhật, giả sử vẫn còn tiếp tục hiện hữu tức nếu không xảy ra sự kiện Việt Minh cướp chính quyền 19/8 đi nữa, chính phủ Trần Trọng Kim vẫn không được Đồng Minh công nhận;

(2b) Không công nhận những chính phủ nào thành lập SAU thời điểm Nhật đã đầu hàng Đồng Minh (sau ngày 15/8/1945), tức thời điểm rơi vào “khoảng trống quyền lực”. Như trường hợp chính phủ VNDCCH.

C/ Đối với những quốc gia rơi vào trường hợp /2/ => Đồng Minh dùng phương án giải giáp và phân chia khu vực để ỦY NHIỆM quản trị tạm thời trong một số năm; sau đó sẽ thực hiện việc giao lại chủ quyền cho những chính phủ bản xứ (nằm trong những thỏa thuận có liên quan đến các quốc gia thuộc khối Đồng Minh).
Như nước Đức, bán đảo Cao Ly (Korean peninsula), Việt Nam.

Tại Đức: Các khu vực miền tây do Pháp, Anh và Hoa Kỳ quản trị, sau đó vào tháng 5/1949 hợp nhứt hình thành CHLB Đức; khu vực miền Đông do Liên bang Soviet quản trị, đến tháng 10/1949 ra đời CHDC Đức.

Bán đảo Cao Ly: khu vực miền bắc vĩ tuyến 38 do Soviet quản trị, miền Nam do Hoa Kỳ quản trị, sau đó vào năm 1948 sự quản trị của Đồng Minh được giao lại cho 2 nhà nước bản xứ là CHDCND Triều Tiên (miền bắc), Đại Hàn Dân quốc (miền nam).

Tại Việt Nam: Đồng Minh vào giải giáp và quản trị, miền bắc vĩ tuyến 16 giao cho Trung Hoa Dân quốc, miền Nam giao cho Anh. Sau đó, việc quản trị này được Trung Hoa Dân quốc lẫn Anh thỏa thuận giao lại cho Pháp.

LƯU Ý: Vai trò của Pháp trong giai đoạn này là một quốc gia được khối Đồng Minh ủy nhiệm quản trị lãnh thổ VN, chớ không còn tư cách của một nhà nước thuộc địa Pháp như trước đây nữa (thời kỳ từ Hòa ước Patenotre 1884 đến lúc bị Nhựt đảo chính, 1884-1945). Chỉ có chức danh Cao Ủy Pháp (High Commissioner) chớ không còn tồn tại Toàn quyền Pháp như trước.

Thể chế VNDCCH bấy giờ được xem là một thực thể chính trị, đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương với Pháp nhằm thương lượng về thẩm quyền chính thức của chính phủ VNDCCH.
Hiệp ước Sơ bộ được ký, theo đó VNDCCH được công nhận là "một quốc gia tự do, nằm trong Liên Hiệp Pháp".

Nhưng sự gãy đổ chóng vánh Hiệp ước Sơ bộ sau đó, dẫn đến việc chính phủ VNDCCH rút vào khu vực rừng núi, và Pháp rút lại sự công nhận tư cách VNDCCH như "một quốc gia".

Từ 1945 cho đến cuối năm 1949, không có bất cứ quốc gia nào (kể cả Liên bang Soviet) công nhận VNDCCH!

D/ Tóm lại, trên bình diện công pháp quốc tế, từ tháng 8/1945 cho đến năm 1949, Việt Nam là lãnh thổ thuộc thẩm quyền Đồng Minh ủy nhiệm cai quản (giao cho Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch, Anh, sau đó giao trọn cho Pháp), không hiện hữu VNDCCH như một quốc gia (mà như một thực thể chính trị).

E/ Pháp nuôi dưỡng mục đích kéo dài vô thời hạn sự quản trị ủy nhiệm đối với Việt Nam. Tuy nhiên, căn cứ vào các Hiệp định của Đồng Minh - là sau một thời gian quản trị, phải giao lại chủ quyền đối với các nhà nước bản xứ (như Mỹ và Liên bang Soviet đã thực hiện tại Đức, tại bán đảo Cao Ly), Pháp không thể trì hoãn:
Thành thử Hiệp ước Élysée ra đời, đánh dấu sự xuất hiện Quốc Gia Việt Nam (State of Vietnam) ngày 8/3/1949, thủ đô đặt tại Sài Gòn.
Đến đầu năm 1950, có 35 quốc gia công nhận Quốc Gia Việt Nam (QGVN).

F/ Trước tình thế vừa kể, khối cộng sản lập tức công nhận VNDCCH như là một quốc gia (thủ đô của chính phủ VNDCCH nằm ở vùng rừng núi Tuyên Quang). Đầu tiên là Trung Cộng của Mao Trạch Đông vào đầu tháng 1/1950, Liên bang Soviet mãi cho đến lúc này mới công nhận VNDCCH (vào cuối tháng 1/1950), kế tiếp là một số nước Đông Âu... Tổng cộng khoảng 10 quốc gia công nhận VNDCCH.

G/ Chính phủ QGVN dựa vào sức mạnh quân sự của "đồng minh Pháp" để duy trì hoạt động của bộ máy chính quyền, và chịu sự chi phối của người Pháp trong khá nhiều công việc nội trị.
Dù vậy, trong giai đoạn 1949-1954 (trước Hội nghị Geneve), chính phủ Quốc Gia Việt Nam được công nhận là đại diện hợp pháp duy nhứt của nước Việt Nam. Do đó, quốc tế mời QGVN tham dự Hội nghị đa quốc gia San Francisco 1951.

Với tư cách pháp nhân chính thức, chính phủ của QGVN đã minh định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
(tại Hội nghị này, đề nghị của Liên bang Soviet giao Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Cộng bị bác bỏ)

H/ Chính phủ VNDCCH đã vận động được quần chúng tham gia cuộc chiến chống lại sự cai trị ủy nhiệm của Pháp, và rồi tạo được một chiến thắng trí mạng đối với Pháp tại Điện Biên Phủ.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ, thể chế VNDCCH lần đầu tiên có tiếng nói tại một hội nghị đa quốc gia, đó là Hội nghị Geneve 1954.
Chính phủ VNDCCH sở hữu chủ quyền lãnh thổ phía bắc vĩ tuyến 17. Chính phủ QGVN sở hữu chủ quyền lãnh thổ phía nam vĩ tuyến 17.
(năm 1955, QGVN giải thể, trao lại thẩm quyền cho thể chế Việt Nam Cộng Hòa)

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-------------------------------------------------------------------------------
Chính phủ VNDCCH họp tại căn cứ địa Tuyên Quang;
Phái đoàn QGVN có mặt tại Hội nghị San Francisco 1951.

 







Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

Bao giờ ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng được chọn là "Ngày phụ nữ Việt Nam"?

 BAO GIỜ NGÀY KỶ NIỆM HAI BÀ TRƯNG ĐƯỢC CHỌN LÀ "NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM"?

1/ Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, vào tháng 12/1977, đã ra một Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên nên tổ chức/cử hành lễ kỷ niệm tôn vinh nữ quyền "VÀO BẤT CỪ NGÀY NÀO TRONG NĂM, PHÙ HỢP VỚI TRUYỀN THỐNG QUỐC GIA VÀ LỊCH SỬ CỦA MỖI NƯỚC" ("on any day of the year", "in accordance with their historical and national traditions").

Vì sao Liên Hiệp Quốc đề nghị mỗi nước nên dựa vào truyền thống lịch sử của mỗi dân tộc mà chọn ngày tôn vinh nữ giới?
Bởi vì vẻ đẹp nơi nữ giới, cũng như nữ quyền, ai đời lại bắt đóng khung theo một mô hình từ bên ngoài áp vào, khiến cho não trạng bị "đồng phục hóa" khắp nơi trên thế giới hay sao!

2/ Dựa theo TRUYỀN THỐNG lịch sử & văn hóa của mỗi dân tộc, đối với nước Việt chúng ta, quả không có gì ý nghĩa & giá trị nào hơn so với việc chọn ngày lễ tưởng nhớ HAI BÀ TRƯNG (lễ giỗ vào ngày 6 tháng 2 âm lịch hàng năm) làm ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam!
Qua việc chống ngoại xâm là giặc Đông Hán phương bắc, Hai Bà Trưng nêu cao truyền thống "Giặc đến nhà đàn bà phải đánh" rất độc đáo của dân tộc Việt!

Rất hiếm quốc gia trên thế giới có được sự khởi đầu chống ngoại xâm trong lịch sử ngàn năm lại do giới nữ lưu chủ xướng như nước Việt chúng ta, rất đáng hãnh diện!
Thêm nữa, là vì thương chồng mà Trưng Trắc dấy binh.
Vậy là "tình nhà, nợ nước" vẹn toàn đôi ngả. Tuyệt đẹp về hình ảnh nữ giới nước Việt, đúng không?

3/ Nói nào ngay, hồi trước 1975 ở miền Nam Việt Nam đã chọn ngày lễ tưởng nhớ Hai Bà Trưng làm "Ngày phụ nữ Việt Nam".

Hàng năm tới dịp kỷ niệm "Ngày phụ nữ Việt Nam", nữ sinh trường Nữ trung học Trưng Vương và trường Nữ trung học Gia Long được chọn để "hóa thân" thành Trưng Trắc, Trưng Nhị [hình 1: từ trên xuống dưới]
Vì là ngày dành cho nữ giới nên có các cuộc thi "công, dung, ngôn, hạnh", đủ hết.

Như thi "Em bé đẹp", các bà mẹ bồng con đến thi. Có một lần, trong hàng khách danh dự, bà Maha Thiri Thudamma Daw Khin Kyi, người Miến Điện (Burma, về sau gọi là Myanmar) cũng tới dự. Bà tặng hoa cho một bà mẹ thắng giải [hình 2: bà Khin Kyi đứng bên trái trong bức hình]
Bạn có biết bà Khin Kyi là ai không? Năm ấy con gái của bà mới 15 tuổi, bà Khin Kyi khéo nuôi con nên người, sau này con gái của bà trở thành nhân vật nổi tiếng, chính là Aung San Suu Kyi.

Rồi thi viết văn [hình 3: nữ sinh Phạm Thị Nguyệt trường trung học Huỳnh Khương Ninh đoạt giải trong một lần tổ chức mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam, cũng là ngày tưởng nhớ Hai Bà Trưng]

Rồi hợp ca bản "Trưng Nữ vương" [hinh 4], thi thêu thùa [hình 5]

Bao giờ ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng được chọn làm Ngày Phụ nữ Việt Nam (trong bối cảnh thể chế hiện nay)?

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt








 

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020

Thiếu nhạy bén lịch sử ắt dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường!

 THIẾU BÉN NHẠY LỊCH SỬ ẮT DẪN ĐẾN NHIỀU HỆ LỤY KHÓ LƯỜNG!

&1&

Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử bên Tàu (cho tới trước khi xảy ra "Cách mạng Song thập" 10/10/1911), hoàn toàn KHÔNG có vương triều nào sử dụng hai chữ "Trung quốc " hoặc "Trung Hoa 中華" làm tên gọi quốc gia (國名 : quốc danh) một cách chính thức hết!

(Lưu ý: tránh nhầm lẫn với việc thư tịch thời xưa có ghi 中華, trong việc phân định lãnh thổ khu vực này kia, NHƯNG chưa bao giờ trở thành tên gọi quốc gia chính thức)

* Khác với nước Việt bên cạnh tên gọi vương triều luôn luôn có quốc danh (tên nước), ở bên Tàu mỗi vương triều lấy tên gọi triều đại của họ làm thành tên nước luôn! Tỉ dụ: nhà Tần/nước Tần , nhà Hán/nước Hán , nước Sở , nước Tề ..., rồi Đại Tống , Đại Minh , Đại Thanh .

* "Trung Hoa" 中華 trở thành tên gọi quốc gia sau cuộc Cách mạng Song thập (10/10/1911), lật đổ Đại Thanh, lập nên nước cộng hòa đầu tiên bên Tàu ("Trung Hoa dân quốc" 中華民國).
* Còn "Trung quốc"
? Sau khi thành lập thể chế cộng sản (1/10/1949), về quốc danh đầy đủ là "Trung Hoa nhân dân cộng hòa quốc" 华人民共和 ; tuy nhiên nhà cầm quyền Bắc Kinh ưng xưng danh là "Trung quốc".

Tóm lại, tên nước chính thức "Trung Hoa" chỉ bắt đầu từ năm 1911 mà thôi. Trong thời gian thể chế "Trung Hoa dân quốc" hiện diện tại đại lục (1911-1949) và sau đó tại lãnh thổ Đài Loan (1950 đến nay), họ luôn xưng "TRUNG HOA" (chớ không xưng "Trung quốc")!
Thành thử nếu nghe xưng "Trung quốc"
- quốc danh này còn muộn hơn, chỉ xuất hiện từ năm 1950 - hiểu ngay: đó là lãnh thổ nước Tàu xã hội chủ nghĩa!

&2&
Không bén nhạy trong lịch sử, thành thử nhiều vị viết sách ở Việt Nam đã lộn tùng phèo trong khi biên dịch, râu ông đem cắm cằm bà. Tỉ dụ: đọc sách thấy ghi "Ming Dynasty, Qing Dynasty in China", bèn dịch "Triều đại nhà Minh, triều đại nhà Thanh bên Trung Quốc".

Hả, "Trung quốc" gì ở đây? Tên nước "Trung quốc" , xin nhắc lại, đẻ về sau này lận, mới xuất hiện từ 1949-1950 thôi, đem úp chụp lên các thời đại xưa là trật lất.

Ủa, "China" không dịch thành "Trung quốc", vậy biết dịch sao bây giờ?
2.1) Nên biết rằng, chữ "CHINA" theo sử gia Martino Martini đã xuất hiện trong cách gọi của phương Tây ít nhứt từ thế kỷ 16, trong khi danh xưng quốc gia chính thức gọi là
"Trung quốc" thì tận năm 1949-1950 mới xuất hiện.
Tức là chữ "Trung Quốc" không đồng nghĩa với chữ "China" gì hết trơn hết trọi!

("CHINA" có nghĩa gốc mượn từ chữ "Tần" , phát âm Ch'in, vấn đề này sẽ hầu chuyện kỹ hơn trong một bài khác).

2.2) Nếu "China" xuất hiện trong những vấn đề/sự kiện thời sự của nhà cầm quyền Bắc Kinh hiện nay, dịch thành "Trung quốc" thì được (vì chế độ này tự xưng "Trung quốc" mà).

NHƯNG, trở lại với ví dụ "Ming Dynasty in China...", nếu dịch thành "Triều đình nhà Minh bên Trung Quốc" là râu ông cắm cằm bà, là trồng chuối ngược, đi lộn đầu.
Vậy, dịch sao?

Trong cuốn "Việt Nam Sử lược" (biên khảo sử đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, năm 1920), sử gia Trần Trọng Kim đã dùng cách gọi "nước TÀU" đâu ra đó. Cụ Trần Trọng Kim viết: "bên nước TÀU trải qua nhiều triều đại như Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh..."
Chỉ vì hiện nay cách gọi "nước Tàu" bỗng dưng bị khai tử trong sách báo chánh thống, thành thử bí rị không biết đường mà dịch chữ "China" cho ăn khớp với bối cảnh lịch sử xưa.

2.3) Đối đế lắm, nếu không được dùng chữ "nước Tàu" trong sách báo VN hiện nay, theo tôi, nên dịch "China" thành "Trung Hoa". Chẳng hạn, "Ming Dynasty in China" thì dịch thành "Nhà Minh bên Trung Hoa".
Ủa, quốc danh (national name) "Trung Hoa"
中華 dù xuất hiện sớm hơn so với quốc danh "Trung quốc" , nói nào ngay, cũng đều "ra ràng" trong thế kỷ 20 thôi mà?

Ở đây, áp dụng tính chất đối ứng trong chuyển ngữ.
Bạn thấy "Cộng hòa nhân dân Trung Hoa", quốc tế họ ghi: "People's Republic of China". Thấy gì? "CHINA" <=> "TRUNG HOA". Không phải "China" nghĩa là "Trung Hoa" (nhắc lại: "China" mang nghĩa gốc là "Tần"), mà "China" mang tính đối ứng với chữ "Trung Hoa".
Thành thử khi quốc tế họ viết gọn lỏn "China" thì, do tính đối ứng, chỉ có thể được hiểu là "Trung Hoa"
中華 thôi!

&3&
Cái sự lộn xộn, rối nùi trên sách báo khi viết/dịch "China" thành "Trung Quốc" ráo trọi bất kể bối cảnh lịch sử trước hoặc sau năm 1949-1950, đã và đang làm cho trí hiểu của công chúng Việt Nam bị lệch lạc hết!
Mọi người nhầm tưởng "Trung quốc" là ... tên nước chính thức từ ngàn đời của quốc gia phương Bắc, chớ đâu dè cái tên "Trung quốc"
chỉ là sản phẩm của nhà cầm quyền Bắc Kinh đặt ra từ 1949-1950 mà thôi.

Hãy chú ý: thiếu bén nhạy lịch sử ắt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy khó đoán cho người VN chúng ta!

 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt



Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

Ghi chú thêm: "THỐNG" là gì? "TỊCH" là gì?

 Ghi chú thêm: "THỐNG" là gì? "TỊCH" là gì?

* Như đã hầu chuyện lai rai bằng 2 stt đã đưa lên fb, chức danh của người đứng đầu quốc gia được gọi là: "TỔNG THỐNG", trong tiếng Hoa là . Tỉ như President Tsai Ing-wen, tiếng Hoa: 蔡英文, tiếng Việt: Tổng thống Thái Anh Văn.
Nhưng người Nhựt họ không dùng chữ
(Tổng thống), mà họ dùng chữ 大統領 (ĐẠI THỐNG LÃNH) để chuyển ngữ cho "President". Thành thử tiếng Nhựt không ghi " 蔡英文" (Tổng thống Thái Anh Văn), mà họ gọi: "大統領 蔡英文" (Đại thống lãnh Thái Anh Văn).
Người Hàn cũng gọi "Đại thống lãnh" như cách gọi của Nhựt Bổn.

Hai cách gọi tuy khác nhau, nhưng về ý nghĩa lại khá tương đồng với nhau.
"Tổng"
(trong "Tổng thống") nghĩa là: hợp lại, nắm toàn bộ.
"Đại"
(trong "Đại thống lãnh") nghĩa là: lớn lao, trọng yếu, cao cả.
"THỐNG"
(Tổng THỐNG / Đại THỐNG lãnh), nghĩa là: đứng đầu, lãnh đạo, thống soái, thống lãnh, điều khiển mọi việc.

"Tổng thống" / "Đại thống lãnh" là danh xưng dành cho người lãnh đạo trọng yếu và toàn bộ. Thành thử trong một quốc gia, danh xưng rỡ ràng "Tổng thống" (hoặc "Đại thống lãnh") là chỉ có một, là duy nhứt, không nhầm lẫn vào đâu được.

* Còn "TỊCH" (trong "Chủ tịch"), nghĩa là gì?
"Tịch"
, nghĩa gốc là cái chiếu ("trúc tịch" 竹席 chiếu tre). Ngày xưa giải chiếu xuống đất mà ngồi, nên "tịch" còn mang lấy ý nghĩa là "chỗ ngồi". Thêm nữa, ngày xưa giải chiếu để làm việc nên "tịch" mang thêm nghĩa nữa, là "chức vị".
Vậy nên, "tịch"
là: chức vị / chỗ ngồi / cái chiếu.

"Chủ" , nằm trong tương quan chủ/khách, chủ/tớ, và mang nghĩa rộng hơn, đó là: người lãnh đạo.
"Chủ tịch"
主席, nghĩa là: chỗ ngồi của người lãnh đạo / chức vị của người lãnh đạo.

Quí bạn thấy rồi đó, "chủ tịch" mang phạm vi nghĩa "chức vị của người lãnh đạo" rất chung chung: nếu chỉ gọi "chủ tịch" khơi khơi thì không biết chức vị lãnh đạo ở cấp nào (phường? quận? thành phố? quốc gia?), chức vị lãnh đạo ở ngành nào (chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng? hay là chủ tịch ủy ban sinh đẻ có kế hoạch?...). Thành thử muốn nói đó là người đứng đầu quốc gia thì phải ghi rõ "CHỦ TỊCH nước".

Trong khi đó, gọi "TỔNG THỐNG" (hoặc "ĐẠI THỐNG LÃNH") - ý nghĩa của danh xưng này rất cụ thể - thì không nhầm lẫn, hiểu ngay đó là người đứng đầu một quốc gia.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
------------------------------------------------------------------------------
Hình ảnh: President Tsai Ing-wen / President Xi Jinping =>
"President" khi chuyển ngữ qua tiếng Hoa, tiếng Việt, tiếng Nhựt... lại dùng cách gọi khác nhau:
蔡英文 Tổng thống Thái Anh Văn.
主席 习近平 Chủ tịch (nước) Tập Cận Bình.

Người Nhựt cũng dùng chữ 主席 (Chủ tịch) để nói về Tập Cận Bình; nhưng về "President Tsai Ing-wen" thì người Nhựt dùng chữ 大統領 (Đại thống lãnh): 大統領 蔡英文 (Đại thống lãnh Thái Anh Văn).



 

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2020

Ai có công dựng nước? Không phải Hùng Vương

 Nhà cách mạng lỗi lạc Phan Bội Châu:

AI CÓ CÔNG DỰNG NƯỚC? KHÔNG PHẢI HÙNG VƯƠNG

Cách đây 86 năm, chí sĩ ái quốc lỗi lạc Phan Bội Châu đã phải gióng tiếng: "Sách xưa có câu "Vô trưng bất tín", nghĩa là không có chứng cớ thì không lấy gì làm tin được"! (từ bài "Ai là tổ nước ta? Người nước ta với sử nước ta", đăng trên báo Tiếng Dân ngày 6/1/1934). Từ kỷ Hồng Bàng, Lạc Long Quân, cho đến Hùng vương 18 đời, theo phân tích của chí sĩ Phan Bội Châu, "hết thảy là truyện truyền văn, chớ không biết có thiệt hay không".

Đặc biệt, lời cảnh báo của cụ Phan Bội Châu rất đáng để cho chúng ta phải ngẫm nghĩ:
"Than ôi, gần hai ngàn năm bưng bít ở trong rừng thần non quỷ của người nước Tàu. Chẳng biết Việt Thường là cái gì, chẳng biết Giao Chỉ là cái gì, chỉ cúi đầu nghe theo nước "con Trời", họ bảo ta thế nào, ta cũng nghe theo như vậy!"

Đừng đắm mình trong lối suy nghĩ “theo thuyết thần bí HUYỄN HOẶC” nữa, mà “cần phải căn cứ vào sự thực" - là những nhân vật có thật, những sự kiện có thật.
Sự thực khởi nguồn của việc dựng nước, theo quan điểm của cụ Phan Bội Châu, là “đến bà Trưng Nữ Vương thì mới thấy có một người bắt đầu chống cự với nước Tàu, mà khiến cho chúng ta được cái vinh dự độc lập"!
Các bộ chính sử (Hậu Hán thư, Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư) ghi chép sự kiện Hai Bà dấy binh khởi nghĩa năm 40, dựng nước độc lập, tồn tại đến năm 43.

Cần nhấn mạnh: việc dựng nước của Hai Bà Trưng là sự kiện có thật, hoàn toàn tương phản với tính chất "HUYỄN HOẶC" (chữ của Phan Bội Châu) của Hùng vương dựng nước 18 đời. Do đó, cụ Phan viết: "Căn cứ trên sự thực lịch sử thì tôi nhất định nhận bà Trưng Nữ Vương là thủy tổ".

Hẳn nhiên, giới sử học sẽ cần phải tranh luận ai xứng đáng để gọi là người dựng nên nước Việt. Và cho dù ai đi nữa thì nên nhớ rằng: lịch sử là phải dựa trên những sự kiện, nhân vật & hành trạng của nhân vật được kiểm chứng rõ rành là CÓ THẬT, không còn hồ nghi!

Việc nuôi dưỡng "huyền thoại", "truyền thuyết mông lung" là thuộc về lãnh vực nghiên cứu văn hóa học, có sự tôn trọng và thận trọng vì thuộc tín ngưỡng.
Nhưng đừng đem "râu ông cắm cằm bà" vào trong lãnh vực sử học - một bộ môn khoa học ghi chép về những SỰ KIỆN & NHÂN VẬT CÓ THẬT.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
----------------------------------------------------------------------
Kỳ 2: Tục thờ cúng Hùng Vương có từ lúc nào?
Vì sao ở Đàng Trong do các Chúa Nguyễn dựng nghiệp, trong suốt hơn 170 năm rất dài, KHÔNG có tục thờ cúng Hùng Vương?

(Hình ảnh chụp lại bài báo của cụ Phan Bội Châu)