ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2022

Gốc tích họ Hựu Thành

 GỐC TÍCH HỌ HỰU THÀNH

---------------

Họ Hựu-Thành đã sáng lập trên bốn chục năm nay, rày mới thạnh hành tấn phát.

Tiên khởi trào cha Phụng (Fougerouse) thọ lãnh coi họ Mặc-Bắc 1ối năm 1887, thì có vài ba làng thuộc về Tổng Thành-trị (Cần-thơ) mỗi làng độ chừng mười lăm hai chục nóc gia, đến Mặc-bắc xin theo đạo Thiên Chúa.

Cha bèn lo tính cùng Đức Cha Colombert và Cha Thiriet, là bề trên nhà trường Latinh cho thầy đến dạy. Bề trên tính xong cho thầy tư Khánh, là Cha sở đương kim họ Cầu-Kho, đến dạy tại Rạch-tra, thuộc về làng Tích-Khánh, sau có thầy tư Kinh đến thế, song chưa rửa tội đặng người nào thì đà tan nát.

Còn làng Vĩnh-thuận thì bề trên cho thầy Lê-hiền-Lắm đến giúp, và làng Long-thành, bây giờ kêu Hựu-thành thì về phần thầy năm Trường dạy.

Sau khi thầy Lê-hiền-Lắm thọ quờn Chánh tế, thì Đức Cha sai ngài giúp Cha Fougerouse tại Mặc-bắc cùng lên xuống coi hai họ Hựu-thành và Vĩnh-thuận, Lúc ấy tôi mới ra nhà trường, nên theo ở học trò giúp ngài.

Khi thầy Năm Trượng về nhà trường, thì bề trên cho thầy Tư Chữ xuống thế. Cách ít lâu Cha Lê-hiển-Lắm lo rửa tội Vĩnh-thuận hơn vài mươi và Hựu-thành được vài chục. Kế mãn kỳ thầy tư Chữ về nhà trường, thì bề trên cho thầy hai Nghị đến thế. Lúc ấy tôi đặng 17 tuổi, nên Cha kiếm một trò giúp lễ thế cho tôi là trò Antôn Luật, sau Cha cho đi nhà trường, khi làm thầy cả xuống dạy tại Hựu-thành, Còn phần tôi bỏ ra lo việc cơm nước cùng việc nhà.

Từ buổi thầy hai Nghị trở về nhà trường, thì không có thầy nào đến thế. May gặp thầy bảy Nhan là thầy Giảng hồi hưu, Cha Lê-hiền-Lắm rủ lên Hựu-thành dạy thế thầy hai Nghị và làm ruộng chút ít sanh nhai.

Bỡi họa vô đơn chí, phước bất tùng lai, Cha con lên xuống cũng không thấy tấn phát. Nhờ có một người kia ở Chợ-Quán xuống Cần-thơ lập cơ chỉ tại Tham-tướng. người nầy là bản sở với Cha Lắm, lại có vốn, nên Cha tạm mượn ít nhiều bạc và lúa, đem về giùm lúa cho chầu nhưng ăn, lớp lo đắp nền nhà thờ. Ai ngờ nhơn nguyện như thử mà thiên ý vị nhiên, Cha bèn trở về Mặc-Bắc.

Đây tôi xin kể lại những đấng có công khó với họ Hựu-thành,

1.     Thầy năm Trượng lo cất nhà thờ cùng dạy dỗ sau trở về nhà trường chịu chức sáu, chưa kịp chịu chức thầy cả thì đã ly trần.

2.     Thầy tư Chữ xuống thế thầy năm Trượng, đến sau trở về nhà trường lâm bịnh, hồi quê tại Búng ở một mình trót đời cho đến khi quá vãng.

3.     Thầy hai Nghị là anh ruột cha Khánh đến giúp Hựu-thành, khi trở về nhà trường thọ chức ba, kế lâm bịnh trở về Mặc-bắc, sau từ trần cùng an táng tại đó.

4.     Cha Lê-hiền-Lắm quê ở tại Búng, khi chịu chức sáu dạy tại Vĩnh-thuận và khi thọ quờn chánh tế về Mặc-bắc, lên xuống coi hai họ Vĩnh-thuận và Hựu-thành. Khi thấy sự bất thành, Cha xin Đức Cha Dépierre đổi về Rạch-Lọp sau cũng qua đời,

5.     Thầy bảy Nhan, thầy dòng Cái-Nhum hồi hưu quê ở Mặc-bắc, theo giúp Cha Lắm tại Hựu-thành, sau có đôi bạn về Rạch-giá lo bề sanh nhai.

Qua năm 1890, lối tháng Avril, Cha Desseaume (Nguơn) đến làm Cha sở họ Bông-bót, từ đó sấp về sau, hai họ Hựu-thành và Vĩnh-thuận sát nhập về phần sở họ Bông-bót coi sóc. Ngày 1ụn tháng qua Vĩnh-thuận, Hựu-thành vẫn còn hư nát cho đến khi cha đi.

Qua tháng Décembre 1895 bề trên dạy cha Ignatiô Thích đến thế; khi ngài tới nghe lại công lao khó nhọc các thầy và mấy Cha lo Hựu-thành, thì ngài thân hành đến đó dụ dỗ bổn đạo chầu nhưng, ngài chẳng nệ tổn của lao công, lớp treo điền mua đất giúp bổn đạo, lớp lo cất nhà thờ xin thầy đến dạy.

Lịnh trên sai thầy Antôn Luật, là cha sở đương kim họ Lương-hòa-thượng, lúc làm thầy đến dạy tại Hựu-thành. Cha Ignatiô những ước mong lập lại họ mới, song thấy bất thành, nên Cha đành trở mắt, lo bán đất lại cho kẻ khác kế Cha đổi đi. Qua năm 1901, lối tháng Novembre, Bề trên cho cha Boismery đến coi họ Bông-bót tới cha đổi đi, thì Hựu-thành vẫn còn y nguy chưa ra sao.

Lối tháng Octobre 1904 Cha De Coopman đến coi họ Bông-bót, khi ấy bên Hựu-thành nghe nói có bè “Thiên-địa-hội” gọi là hủi; trong dân ai không theo nó thì phải bỏ xứ, còn bổn đạo thì bị áp chế khó bề sanh huợt, túng phải tìm phương tẩu thoát, chỉ còn sót gia thất ông Võ-văn-Vàng, cũng người có đạo khôn ngoan mưu trí, song chịu không thấu, nên buộc lòng cầm điển cố đất mà đi ẩn ánh cả đôi ba năm. Đến sau ông trở về chuộc đất, thì trong làng bầu cử ông làm Hương Quản.

Thừa dịp khử trừ, nên ông soát trong làng cùng hai bên kinh cho biết bè thiện-địa-hội; đoạn ông xuống Bông-bót tỏ đầu đuôi bọn ấy cho Cha De Coopman; ngài mới rõ bỡi bè rối nầy làm cho con chiên phải tan tác. Cha bèn chạy giấy lên quan chủ tĩnh Cần-thơ, xin cho cò bót cùng lính tráng chực hờ từ Trà-côn, Trà-ngoa, Hựu-thành và Thạnh-phú, đoạn chỉ đâu bắt đó, cũng như bắt cọng sản đời nay; bè hủi tan tác, trong làng mới an. Nhờ Cha De Coopman phụ lực, nên trong làng bàu cử ông Võ-Văn-Vàng làm Xã-trưởng cùng đặng sắm súng, song chẳng bao lâu Cha đổi về Rạch-lọp.

Qua tháng Septembre 1906, bề trên cho Cha Thaddée Phi đến giúp họ Bông-Bót, trong vòng sáu bảy năm, nhưng Hựu-thành vẫn còn biệt tin cho đến khi ngài đi.

Lối tháng Août năm 1913, bề trên cho cha Boxberger đến coi họ Bông-bót, kế nhằm lúc đại chiến “Pháp-Đức” năm 1914 tới 1918. ngài ra thân giúp nước về Tây, sau đã tử trận tại chiến trường.

Đến tháng Juillet 1914, lịnh trên sai Cha Phêrô Cần đến nhậm họ Bông-bót, trong khoảng chín mười năm, cũng không nghe nói tới Hựu-thành.

Khi Cha Phêrô đổi về Cái-đôi thì bề trên dạy Cha Ignatiô Thích trở lại một lần nữa, lối tháng Août 1923, song cũng chẳng nghe nói tới Hựu-thành tới khi ngài đi,

Qua tháng Janvier 1924, Đức cha cho cha Micae Giàu đến làm sở họ Bông-bót; khi ấy ông Võ Văn Vàng đến xin cha lập lại họ Hựu-thành, vì có nhiều kẻ muốn giữ đạo. Cha sẵn lòng, luôn dịp có cây nhà thờ cũ Bông-bót mới dở ra, ngài đem qua Hựu-thành dựng trong đất ông Võ-văn-Vàng; đoạn cha xin thầy Latinh đến dạy. Bề trên cho thầy Phanxicô Nhơn là cha phó, tại Mặc-bắc bây giờ, lúc còn làm thầy đến dạy. Cách ít lâu cha Micae gỡ rối cùng rửa tội gần hai mươi người. Khi cha Micae đổi về Lagi rồi, thì bề trên cho cha Giuse Thơ về nhậm họ Bông-bót, lối tháng Avril 1929. Trong khoản ba năm, cha qua lại Hựu-thành, những thấy bất kham một ngày một lụn, nhà thờ rách nát, đạo hạnh lôi thôi, nên cha ngã lòng sai người qua dỡ nhà thờ chở về Bông-bót. Vậy Hựu-thành từ đó tới giờ trên 40 năm nhưng chưa thạnh hành tấn phát.

Nào hay ngày nay là ngày “Nước Cha trị đến”, là ngày lương tâm mỗi người chốn nầy thúc giục ai ai phải lo khảo cứu phần rỗi mình. Vậy lúc tháng ba Annam 1931, có ít người chốn nầy đến cùng cha Giuse mà xin vào sổ giữ đạo, cha bèn lo cây tạo lập nhà thờ, xin thầy đến dạy, từ đó về sau sổ người vô đạo thêm tính gần hai trăm. Khi ấy dân sự Trà-mẹt cũng đua nhau đến xin vào đạo; cha chẳng nệ hao công tốn của, mau mau lo cây cất nhà thờ. Đoạn Bề trên cho thầy Thaddée Tích đến dạy tại Hựu-thành; còn Trà-mẹt thì cha sở cậy thầy Jean Baptiste Thới dạy tạm ít lâu, đặng cha xin Thầy Cái-nhum đến. Lối tháng Mars 1932, cha Bề trên gởi hai thầy xuống dạy hai họ mới, là thầy Léon và thầy Philippe.... Nhưng bỡi cha yếu bịnh nên lịnh trên cho cha Phanxicô Quờn đến thế coi họ Bông-bót cho ngài đi nghỉ, nay ngài coi sóc họ Tây-ninh.

Lối tháng Janvier 1933 cha Phanxicô thọ lãnh quờn làm bổn sở họ Bông-bót, thì phần sở cha coi là họ Kinh-long-hội và hai họ mới Hựu-thành và Trà-mẹt.

Từ ngày cha tra tay vào gánh, thì lo nông trang các thầy dạy dỗ, cùng khuyên bổn đạo chầu nhưng ân cần học đạo, đặng cha định ngày cho rửa tội. Bỡi nhờ lòng sốt sắng các thầy, và lòng siêng năng bổn đạo mới; nên chẳng bao lâu thấy sự tấn phát, cha bèn định ngày 20 và 21 Juin 1933 rửa tội cho chầu nhưng Trà-mẹt, Hựu-thành. Đáng nhớ thay công khó cha Phanxicô, từ ngày lãnh coi hai họ mới, thì thường qua lại an ủi con chiên lạc, lớp lo sắm vật kia vật nọ cho họ mới. Nhứt là từ buổi ngài định ngày rửa tội cho hai họ, thì ngài càng lo hơn nữa, nào là lo chạy tiền bạc cho đặng tán thành cuộc lễ, lớp lo mua vải bô để phân phát cho những chầu nhưng nghèo, đến đỗi quên ăn quên nghỉ, nói tắt một đều là công lao khó nhọc của ngài nên tích nhớ nghìn thu.

Đây tôi tin nói qua cuộc rửa tội tại Hựu-thành. - Chiều ngày 19 Juin, bổn đạo các nơi, nào là Bông-bót, Kinh long-hội và Mặc-bắc, tề tựu đủ tại Trà-mẹt đặng giúp cầm đầu. Qua ngày 20 Juin, nội buổi sớm mai, cuộc rửa tội Trà-mẹt đã hoàn thành, và mọi người đã dùng bữa xong, thì lải rải kéo nhau xuống Hựu-thành, vì còn giúp cầm đầu ngày 21 Juin tại đó. Phần các cha còn tạm nghỉ tại Thánh đàng Trà-mẹt, lối ba bốn giờ chiều, có xe hơi đưa xuống.

Khi xe các cha vừa đến nơi, thì trống phách pháo lói nổi lên vang lừng, có bọn tài tử Annam trổi giọng chào mầng rước các cha. Nhà thờ thì thấy dọn rực rỡ nguy nga. Trước thánh đàng dọn hai nhà tiệc đối diện hai bên, cả hai đều tô điểm trang hoàng, cờ xí bông hoa, thảo long khuông biển, lớp chữ, lớp bông, lớp vẽ rồng phụng theo kiểu kim thời.

Đáng khen cho người sắp đặt, mỗi món đều đối nhau. Trước hai nhà tiệc có cửa tam quan, chính giữa để ảnh Đức Bà, chung quanh kết giồi bông hoa khéo léo. Hai bên song môn: nào là khuông biển, lớp dùng chử Hán, lớp chữ quấc âm; bên mầng Thánh tẩy đại lễ, nọ chúc vạn tuế cho hội Giáo công, Từ năm giờ chiều sấp về tối, các nẻo đàng, bên nầy sông và bên kia sông, kẻ lương người giáo, lớn bé trẻ già, dắc nhau đến Thánh đàng dự lễ. Ngó xuống mé sông, xuồng ghe ken nhau chật nứt như bến chợ. - Mặt trời vừa khuất, thì thánh đàng và hai nhà tiệc đèn thắp lên sáng trưng. Trong nhà thờ nào là đờn Harmonium và đờn Violon trổi giọng chào mầng quí khách.

Đúng bảy giờ sau khi nhựt một, các cha dùng bữa tại nhà tiệc, cũng đãi luôn bổn đạo gần xa đến tán thành cuộc lễ. Trong buổi tiệc có Orchestre Mặc-bắc giúp vui, hòa nhiều bài rất nên để ý.

Đang khi các cha cùng quí khách dùng bữa, tai nghe tiếng trống cùng đồng la thúc giục, tưởng cuộc múa lân, mắt trực thấy đèn đuốc sáng trưng, nghe lại là họ mới Thới-hòa, chưng thủy lục cùng lễ vật hiến cho họ mới Hựu-thành, tỏ lòng mầng nhau như long-vân ngư thủy. Tức thì trống pháo nhà thờ nổi lên chào bạn đồng giáo, có lòng chiếu cố đến nhau; đoạn mời luôn nhập tiệc, Tiệc rồi xin giải tán vì ngày mai còn mệt.

Qua bữa sau còn đông hơn nữa, từ rạng đông cho tới sáng: ngó qua Trà-mẹt và Trà-côn, nào là trẻ già lớn bé, y phục đoan trang, băng ngang đường đồng qua Hựu-thành xem lễ.

Từ bốn giờ sấp về sáng, các cha toan làm phép rửa tội thay nhau làm lễ cùng lót lòng trước. Đến 5 giờ, trống nhà thờ nổi lên, bổn đạo đâu đó lần lần tựu tới; đoạn lo sắp hàng thứ tự, đồng nhi nam về phần Cha Giuse Hai rửa, đồng nhi nữ về phần cha Trà-ôn, Còn người già và kẻ có đôi bạn về phần cha sở Mặc-bắc rửa. Chầu nhưng chịu phép rửa tội cả thảy 116 người, Đang khi rửa tội tới kinh Tin kính, đồng nhi Bông-bót xướng kinh J’engageai và khi rửa tội rồi hát kinh Je suis Chrétien.

Khi đã hườn tất các cuộc, thì đờn Violon và đờn Harmonium trổi giọng hân hoan, chúc mầng cho hội Giáo công. Đoạn cha sở Bông-bót ra làm lễ nhạc theo Octava Mình Thánh Chúa. Trong mùa lễ đồng nhi Bông-bót và mấy người Mặc-bắc cùng hai thầy dòng phân câu hát cho tới mãn lễ.– Ngày đó có trên 100 người chịu ơn trọng, trong đó có ông và bà phủ Yên. Đáng khen cho lòng nhiệt thành hai ông bà, chẳng nệ xa xuôi, hao công tốn của, đến hiệp đồng cọng lạc cùng bổn đạo Hựu-thành, chúc cho hai ông bà đặng trọn câu vinh-khánh và ghi công nghiệp vào sổ thường sinh. Khi Misa lễ tất, thì cha Phanxicô xuống bàn thờ xướng kinh Te Deum cho đến Uratiô sau hết. Đoạn cha Giuse Hai làm phép giao cho mười mấy đôi. Xong rồi cha Trà-ôn giảng một bài ý vị nghĩa lý thâm trầm, gồm đủ ba phép Bí tích mới chịu ngày nay, khi cha dứt bài, thì gần 10 giờ, đoạn bổn đạo lo tạ ơn Chúa, – Khi bổn đạo đã cám ơn Chúa xong thì tựu nhau tại nhà tiệc đặng cám ơn các cha cùng chư quan quí khách đến tán thành cuộc lễ. - Khi các cha hiệp nhau đủ mặt, thì đồng nhi nhỏ xướng nhiều bài cám ơn cha sở Mặc-bắc, cùng tạ ơn công lao khó nhọc cha Phanxicô và hai cha, cùng chư quí quan khách, có lòng hạ cố đến hỉ hạ cùng đoàn chiên thơ. Đoạn cha sở Mặc-bắc mở lời khuyên bảo đạo mới siêng năng, bền bỉ ân cần việc đạo chớ nên rủn chí sờn lòng, dầu lúc phong ba cũng như hồi yên ổn. Hoàn tất các cuộc thì gần 11 giờ, đoạn các cha dùng bữa, còn bổn đạo cũng lo cơm nước. Xong xui thì lo giải tán kẻ đi ghe người đi bộ ai về nhà nấy; phần các cha thì có xe đưa về.

M. Th. H.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1933

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

Cha Simon (Sĩ)

Cha Simon

Cha Simon, Paul-Marcel

Kính thăm ông chủ bút Nam Kỳ, xin ông ấn hành ít lời tôi đây, thì tôi hết lòng cám ơn ông.

Số là xưa tôi quen biết Cha Simon (Sĩ) lắm, nay người tạ thế, tôi tủi vì không gặp đặng người một phen sau hết mà từ giã đôi lời. Vốn cha có đức yêu người trổi xa hơn các nhơn đức khác. Tôi ở với người hai năm thì đã thấy rõ đều ấy. Vốn người chẳng phải là thầy thuốc, song trong nhà trử đủ các thứ thuốc: Thuốc uống, thuốc thoa, thuốc đặt, vân vân. Mỗi sớm mai khi làm lễ rồi, thì người đi cho thuốc, dầu ngoại dầu đạo, kẻ bịnh nầy người tật kia, hằng ra sức giúp đỡ mọi người. Hễ kẻ khó khăn bịnh hoạn, thì là bạn hữu người hết thảy. Chẳng những đi cho thuốc trong nhà người ta, mà lại nuôi người tật bịnh trong nhà; dầu bịnh lở lói hôi thúi thể nào, thì cũng không nhờm gớm; một tay người rửa rái rịt đặt không để cho ai làm. – Kẻ khó khăn thì người giúp tiền của, chỉ phương thế làm ăn, hoặc đem về nuôi trong nhà, lo lập gia cư cho nó. Ai xin giúp sự gì, nếu người làm đặng, thì không khi nào từ chối.

Người rộng rãi cùng mọi người, mà nhặt nhiệm với mình. Không khi nào ở không, hễ xong việc bổn phận, là làm phước, dạy dỗ rồi, thì ra làm ngoài vườn, đầu đội nón lá buôn, tay cầm cuốc. Dầu trời nắng cũng chẳng nghỉ, chẳng lo cho thân xác chút nào.

Người ở đất Nam Kỳ gần 40 năm, mà số phận lao đao, đến nhậm họ nào, thì những mảng lo làm nhà thờ nhà thánh, hoặc tu bổ sửa sang không khi nào yên.

Lúc chia kẻ nam người bắc, người không bỏ qua dịp nào, mà chẳng viếng thăm tôi cùng vui mừng chuyện vãn. Nay biết thuở nào cho gặp lại! Nguyện cho cha cõi thọ vĩnh an.

Bấy lâu tình ngãi thiết cùng nhau,

Một phút lìa tan, dạ lắm đau,

Lời nói thật thà, ai chẳng rõ?

Việc làm giúp chúng, kẻ cùng đâu?

Bốn mười năm nhọc nhằn công chuyện,

Chín tháng dư nằm liệt quá lâu,

Công thể ấy rày có về hưởng thọ,

Xin dưng tình cũ, chút lời cầu.

Cầu Kho

---------------------------------------------------------------------------

Cha Sĩ qua đời

-----------

Cha Sĩ (Simon) sinh tại Saône-et-Loire năm 1844, sang giảng đạo tại Nam Kỳ đầu năm 1869, đã biệt trần lúc tám giờ ban mai tại Thánh Trường, ngày mồng 10 Décembre.

Mấy sở người nhậm lúc sanh tiền là: Sài Gòn, Cái Bè, Mặc Bắc, Tây Ninh, Cap S.-Jacques và Dầu Giây.

Xưa lao khỏ bốn mươi thu vì đạo thánh, nay đức đủ công dày Chúa rước về. Nhớ khi bịnh hoạn lòng hằng cang đảm, chịu quá một năm trời chẳng thấy thở than. Ấy là thật dạ anh hùng tráng sĩ, hết lòng trung cùng Chúa cho đến cùng.

Vậy Bổn Quán xin hiệp một lòng cùng quí hữu mà thương tiếc và khẩn cầu cho cha.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1909

 

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2022

Cha Giuse Phan Văn Bổn

 LINH MỤC BỔN QUỐC ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

Sinh ra ………….. năm 1862.

Chịu chức ngày 12 Mars 1897.

Qua đời ngày 25 Mars 1911.

------------------

Giude Phan văn Bổn sinh tại Chợ Quán, năm Chúa giáng sanh 1862; nhằm năm nước Annam làm lời hòa ước cùng nước Langsa, nên Hội thánh Nam Kỳ qua khỏi một trận dông tố dữ dằng, đến đỗi theo lẽ đời, tưởng đã chạm tột đáy biển. Trong mấy cơn bắt đạo, nhứt là nội ba bốn mươi năm sau hết, sự gian nan khốn khó đã làm cho nhiều nhà giáo hữu nên tinh ròng như vàng vào lửa; hình khổ cùng máu các thánh tử đạo đã làm cho nhiều gia đạo thêm lòng tin cậy vững vàng, cùng lòng sốt sắng kính mến. Nhà Giude kể đặng vào số những nhà tốt lành thể ấy: là nhà con dòng cháu giống, đức tin cùng lòng kính Chúa yêu người truyền tử lưu tôn.

Khi Giude nên chừng 14 tuổi, độ năm 1876, thì cha mẹ cho đi học trường d’Adran, là trường Thầy Dòng lập tại Saigon đã được 10 năm. Thuở ấy cha mẹ Giude đề huề thê tử đi lập nghiệp tại Phú Quới, thường kêu là Sóc Sải, thuộc về sở Bến Tre.

Đang lúc Giude ăn học tại d’Adran, thì đã làm một việc, xem ra là việc con nít chơi, song việc ấy tỏ lòng người hay thương giúp kẻ khác là thể nào. Số là bữa kia học trò đi dạo trong Hạnh Thông Tây, đàng đi chừng 8 dặm, thuở ấy chưa có đàng sá xe cộ như bây giờ. Bận về lại bị mưa, nên có một trò nhỏ đi không nổi, thì Giude ra công mà cõng và xin một trò khác giúp mình, mà cõng trẻ ấy về cho tới nhà.

Song kẻ Chúa gọi, dầu đi ngã nào, thì Chúa cũng dẫn cho tới nơi Chúa đã gọi, Chúa gọi Giude làm Thầy cả, thì Chúa cũng đem Giude tới nơi, lo đặng làm Thầy cả. Vậy đầu năm 1878, thì Giude vào trường latinh; khi ấy người lớn tuổi hơn các anh em bạn mới vào. Kêu trường latinh, vì trường ấy dạy tiếng latinh. Song chính tên trường đã là Seminarium, nghĩa là nơi để ương nhiều giống nhiều cây cho sởn sơ tươi tốt, hầu đem trồng nơi khác. Vậy Giude vào đó, “chẳng khác nào như cây mọc theo dòng nước” (Ps. 1, 3), đượm nhuần im mát, tốt phân tốt nước: là tốt ơn thánh Chúa, tốt lời giảng dạy, tốt tay vun trồng săn sóc, làm cho mình trổ sinh bông trái thiêng liêng cho Hội thánh đặng nhờ.

Giude ở nhà Chúa, đêm ngày chuyên việc học hành, cùng trau giồi đức hạnh. Trí người không phải là sáng láng cao sâu, mà cũng không phải là tối tăm thấp thỏi; song bỡi người khiêm nhượng, ít dám tin mình, cho nên hay nhút nhát ngập ngừng, chậm thông chậm hiểu. Mà việc học hành, thì người siêng năng ít ai dám ví; xét theo công lao khó nhọc cùng sự chí thú ân cần, thì Giude trổi hơn nhiều người trong chúng bạn.

Giude ít trí, mà được tài khác bù chí: là tài biết xét biết suy nhằm lý nhằm luật, mà độ lời nói việc làm cùng cách ăn thói ở cho phải niềm phải cách. Lại người có chí khí mạnh mẽ vững bền, khó nhọc bao nhiêu cũng sấn sướt cho được sự mình đã quyết. Cho nên học dở, mà hóa hay là sự làm vậy: Labor improbus omnia vincit: Chí công mài sắt, chầy ngày nên kim, Kim là kim may, mà nói được Giude đã nên kim, là nên ngọc vàng châu báu trong Hội thánh Đ C T.

*********

Bằng về đức hạnh, thì Giude hằng ra sức tập tành từ nhỏ cho đến lớn; vì người hiểu nhơn đức là hữu ích trong hết mọi việc: “Pietas ad ommia utilis est” (I Tim. 4, 8), nhứt là trong các việc thuộc về quờn chức Linh mục.

Người có lòng nhịn nhục hiền lành lắm, chẳng hề làm mất lòng ai bao giờ; đến đỗi có kẻ nói sự hiển lành xem ra là đều tự nhiên trong bổn tánh người. Mấy năm người làm thầy, thì đi dạy nội sở Vĩnh Long: khi thì Sa Co, khi thì Hiếu Nhơn, Hiếu Hòa, xây đi vần lại mấy họ ấy luôn; vì bổn đạo thương người lắm, nên mỗi năm mỗi xin đích danh thầy Bổn mà thôi. Có một lần cha Bề trên Lallement hỏi họ, sao xin thầy Bổn hoài, thì họ thưa rằng: Thầy ấy thật là nhơn đức, hiền lành, chúng con thương lắm. Chẳng những người có đạo, mà lại kẻ ngoại cũng thương mến người. Tại Trà Luộc, gần họ Sa Co, có tên hương giáo ngoại cao rao với thiên hạ rằng: Thiệt ông thầy Sa Co hiền lành quá đi, tôi dám chắc ông chẳng hề giận ai bao giờ..

Khi người coi họ Rạch Thiên, thì đã ở Tha La ba bốn tháng, thế cho cha sở đi dưỡng bịnh. Có một lần người về Rạch Thiên, có ý ở đó ít ngày mà lo việc họ. Đi bộ hết ba giờ, vừa tới Rạch Thiên, thì có người trên Tha La xuống rước đi kẻ liệt. Người lật đật nhảy lên ngựa, đi được nửa đàng, bị một đám mưa lớn lắm, lại ngựa đổ chứng không chịu đi, nên người phải xuống mà dắc nó về cho tới Tha La. Tới nơi, gặp người liệt đang ngồi tỉnh queo, nói mình bị một cử rét mới hết, chớ không bịnh chi cho trượng. Người dời gót trở ra, bằng an vui vẻ, không trách một lời, không tỏ chút gì phiền muộn. Họ Tha La thương người lắm.

Bỡi cả đời Giude những nhịn nhục hiền lành, cho nên tới đâu thì người ta mến đó. Chẳng qua là sự hiền lành chiếm đặng lòng thiên hạ: “Benti mites, quoniam ipsi possidebunt terram” (Matth. 5, 4 ). Terra là đất trên trời, mà nhiều đấng thông minh cùng cắt nghĩa là lòng con người dưới thế.

**********

Giude giữ luật nhà trường nhặt nhiệm mọi đàng. Chẳng ai rủ người làm đều gì sái lề luật đặng. Khi nào người sợ mất lòng thì rằng: Làm cái đó làm chi nà! Ai rủ đi chơi chỗ nào luật cấm, thì người rằng: Đi chỗ đó làm chi nà! Trong lớp học, có một tên ngồi gần người, hay chơi hay phá cùng rắn rỏi lắm, mà chẳng khi nào nó rủ người chơi hay là nói chuyện với nó được, cho nên nó không ưa. Song hễ tới ngày phải chọn người nhơn đức hơn trong lớp, thì nó cứ chọn Giude.

Một lần kia, khi ấy người có việc giữ vườn, cùng hái trái trong vườn cho học trò ăn; nhằm mùa xoài chín, hái giỏ nọ qua giỏ kia, lại nhằm bữa áp lễ lớn, người giúp dọn cả ngày mệt nhọc hết sức, vì tánh người hay xốc vác, chẳng kể mệt mỏi nặng nề. Sẵn dịp hai ba anh học trò giúp người, mà vựa trái vào kho; mấy anh ấy bảo người ăn ít trái cho khỏe, đặng mình nhờ luôn thể. Thì người chẳng chịu mà rằng: Ăn sái giờ sợ chẳng lành, rủi trúng thực khó lòng lắm, các anh. Các anh muốn ăn, thì tôi không cấm; song có luật cấm, mà luật thì trọng hơn tôi. Mấy anh kia nghe vậy, thì chẳng dám động tới. Khen cho Giude khéo pha sự hiền lành cùng lòng nghiêm thẳng; người giữ luật nhặt, mà chẳng cang xẳng với ai: “omnia fortiter et suaviter.

Bỡi Giude “trung tín trong việc nhỏ, thì Đ C T đã đặt người quản hay việc lớn” (Matth. 25. 21). Mà khi đã lãnh quờn cao chức trọng, thì bất kì việc trọng việc hèn, người càng ân cần trung tín hơn nữa, Tích sau nầy làm chứng người lo làm việc bổn phận mình kỹ cang là dường nào.

Số là có một lần người tới họ kia, nghỉ trong phòng thánh, lối ba giờ rưởi khuya, thì thức dậy mà dọn mình làm lễ. Bấy giờ người hay kẻ trộm đang bắt ngựa của người; song người làm thinh, cứ lo việc nguyện gẫm, làm lễ, cùng cám ơn bằng an sốt sắng, rồi thì người mới đọc lại chuyện ăn trộm bắt ngựa. Cha kia hỏi sao không hô lên tức thì, cho khỏi mất, hay là có mất thì cũng dễ tìm. Người trá lời rằng: Sợ lộn xộn lo ra, làm lễ không đặng. Người hiểu một con ngựa không đáng bao nhiêu, mà làm một lễ Misa cho sốt sắng thì là vô giá! Song Chúa chẳng để cho kẻ tận trung cùng Chúa bị thiệt: ngựa đã mất thì kiếm được nội ngày ấy.

****

Giude có lòng khiêm nhượng khác thường. Cả đời người ra sức bắt chước thánh bổn mạng người, mà ăn ở nhỏ nhoi thật thà, không khoe mẻ phô trương, không tiếng tăm rần rộ; một lui cui làm việc bổn phận mình trước mặt Chúa, không cầu danh lợi, chẳng kể chê khen. Người đã gặp nhiều sự gian nan sỉ nhục, mà người cam chịu bằng lòng, không tỏ hình buồn giận ai. Dầu khi tới lớp lớn, thì ghe phen đức khiêm nhượng người đã phải chịu thử nặng nề, mà người cùng toàn công thắng trận. Cho tới khi làm thầy, hễ sự gì người hiểu không kịp, thì người không hổ mặt mà đi hỏi kẻ khác, có khi nhằm kẻ nhỏ hơn mình xa lắm.

Có một cha khen người rằng: “Người có lòng khiêm nhượng thật, vì trong họ cũng có kẻ làm sỉ nhục cho người, mà người chịu bằng lòng và cứ vui cười với kẻ ấy, chẳng hề phàn nàn với ai trong họ về sự lỗi kẻ ấy chút nào”

***

Giude có đức yêu người, cùng sẵn lòng chịu cực chịu khó giúp đỡ mọi người. Năm 1890 nhà trường latinh bị bịnh cúm nặng lắm. Cả và nhà trường đau hết, có một mình thầy Giude và hai ba thầy khỏi mà thôi; thì thầy Giude làm đầu, mà giúp việc giặt quần giặt áo, bưng cơm bưng cháo, cùng làm nhiều việc khó chịu hơn nữa, đến đỗi và làm và mửa, mệt nhọc hết sức, nhiều bữa đi gần không nổi, song người cũng sốt sắng vui mừng mà làm các việc ấy lâu ngày.

Tháng nghỉ, người hay ở lại nhà trường. Nhằm lúc các cha cấm phòng, thì thầy Giude ưa việc giúp đỡ các cha; lãnh đồ mà giặt, phơi xếp tử tế, rồi tối lại đem trả cho mỗi một cha. Bao lâu còn ở nhà trường, thì người cứ việc lành ấy cho đến khi làm Thầy cả.

Còn khi làm thầy mà đi dạy, thì người chịu cực hơn nữa. Thường khi về Vĩnh Long mà xem lễ Chúa nhựt, thì ban đêm người ta cầm chèo, để cho bạn ngủ, kẻo sáng ngày nó xem lễ ngủ gục mà bị quở. Người lội lặn làng nọ xứ kia, mà an ủi dạy dỗ người ta, cho kẻ ngoại đặng trở lại đạo, cho kẻ có đạo biết đàng thờ phượng kính mến Đ C T. Mà nhứt là khi chịu chức Thầy cả rồi, Giude có lòng yêu người là thể nào, thì sau nầy sẽ thấy.

***

Bằng về sự sốt sắng kính mến Chúa, cùng việc tấn tới trong đàng trọn lành, thì có một mình Chúa biết Giude ân cần lo lắng dường nào. Song thấy một hai việc người làm, cùng cách ăn thói ở bề ngoài, thì cũng phỏng được ít nhiều. Khi đọc kinh xem lễ, cùng làm các việc thiêng liêng, thì người làm một cách nết na sốt sắng lắm, con mắt ngó xuống luôn luôn. Cho nên có kẻ rắn mắt, gọi người là lim dim. Lần kia có kẻ dùng tiếng ấy mà nhạo người, thì người cũng chẳng hổ ngươi, một cứ ăn ở một mực như trước.

Có một cha khác khen người rằng: “Còn nói chi đến sự người sốt sắng siêng lo việc linh hồn – vita interior -, thật người là gương sáng láng. Khi còn làm thầy, mấy lần rước lễ rồi, tôi hay ngó người mà cám ơn. Thấy mặt mũi người đầm thắm, hình cầm trí cầm lòng, cám ơn cách tin cậy kính mến khác thường, dường như mê man trong việc nói khó cùng Chúa. Tôi thấy vậy thì động lòng hết sức.”

Phương chi khi đã làm Thầy cả, thì người càng lo dùng mọi việc thiêng liêng, mà giữ lửa kính mến Chúa trong lòng, cùng tấn tới trong đàng trọn lành là thể nào hơn nữa. Thấy bộ tịch người cùng cách ăn nết ở, thì hiểu được người hằng ở trước mặt Chúa, và Chúa hằng ở cùng người.

Việc bổn phận riêng, thì người ân cần nhiệm nhặt lắm. Nói qua một việc, thì đủ hiếu người có lòng trung tín mạnh mẽ, mà làm các việc thiêng liêng là thể nào. Người đã quyết định học Sách đoán mỗi ngày một giờ, thì người đã giữ trọn niềm. Dầu đa đoan trăm việc nặng nề, như sẽ thấy sau nầy, thì người cũng chẳng bỏ học; trừ ra khi đi họ nhỏ, hay là gấp rúc lắm, học không được một giờ, thì người cũng rán mà đọc ít nhiều.

Vậy Giude dựa nơi cung thánh, như Samuel xưa dựa cữa đền thờ, đêm ngày chuyên việc học hành, cùng lo vun quén nền nhơn cội đức. Thỉnh thoảng một ngày một tấn tới, một lâu một lớn lên và hồn và xác, trên đẹp lòng Chúa, dưới thuận lòng trăm họ: Puerautem proficiebat atque crescebat, et placebat tam Domino quam honinibus” ( I REG. 2, 26 ). Lần hồi ngày lụn tháng qua, mỗi năm mỗi bước lên phẩm trật Hội thánh. Bước lên bước nào, thì người càng lo bề tấn tới trong bực trọn lành, cho xứng đáng chức phận mình mới chịu. Sau hết, ngày 12 Mars 1897, người thợ quờn Chánh tế, quyết tế lễ mình mà làm cho sáng danh Chúa, cùng cứu linh hồn thiên hạ.

Cha Giude chịu chức đoạn, thì Bề trên sai đi coi họ Rạch Thiên, thuộc về sở Tha La. Rạch Thiên là họ đạo mới, nhơn số chưa mấy người. Nhà ở là một nhà vuôn nhỏ nhoi chật hẹp lắm; một thầy ở mà dạy, thì còn gọi là hẹp hòi. Mà người cũng an phận khó khăn thiếu thốn trăm đàng. Người hết lòng lo lắng đi tìm chiên lạc, cùng  làm hết sức cho kẻ ngoại trở lại đạo Chúa. Lúc ấy người cũng năng qua lại Bàu Công, mà lo việc lập họ ấy; đàng đi chừng 8, 9 dặm, mà cực khổ khó đi hết sức. Mùa mưa thì Bàu Công nên như một cù lao, tư bề nước ngập bốn năm tất, có chỗ năm bảy tất; muốn đi tới nơi, thì nhiều khi phải lội 2, 3 dặm đàng. Mà người chẳng quản chi nhọc nhằn thân thể, một liều mình mà lo cho danh Cha cả sáng.

Cách vài năm, thì Bề trên lại giao cho người coi họ Tân Hòa, thường kêu là Rạch Gốc, cũng là họ mới lập: nhơn số bổn đạo chừng 180, gần hết thảy là đạo dòng, bỡi các nơi đến đó, mà kiếm công việc làm ăn. Nhà thờ thì khó khăn lắm, cột kèo chi đều bằng tre hết, mà cũng gần sập.

Khi ấy cha Giude còn ở Rạch Thiên, mà người chịu khó ra vô Tân Hòa gần mỗi một ngày, cho đặng lo việc cất nhà thờ mới. Rạch Thiên đi Tân Hòa chừng 5 dặm, mà chẳng có đàng sá như bây giờ; song người cũng lặn lội đêm ngày, mà lo cho có nhà thờ cho xứng đáng việc thờ phượng Chúa.

Sau hết người dời về ở Tân Hòa, lo trăm phương ngàn cách mới xong việc nhà thờ. Rồi qua việc cất nhà mà ở, cũng là cực khổ trần ai; vì trăm việc đều sơ khởi đầu tay, mà họ thì nghèo cực thiếu thốn ghe đàng. Mà người cũng cất được một cái nhà sạch sẽ gói gắm, Nay nhà thờ nhà cha còn đó, hằng tung hô công lao khó nhọc người chịu, và của người nhín ăn nhín mặc mà đổ vào đó kể chẳng xiết

Việc đền thánh cùng nhà ở xong rồi, thì người tìm phương cho bổn đạo lập nghiệp làm ăn. Người mượn bạc nhà chung, mà giùm cho bổn đạo, thúc việc làm che đạp mía. Khi ấy bổn đạo ai ai điều lắc đầu, ít ai tin cậy, ít kẻ lo làm; thì người làm gương, ra tay vỡ đất, trồng mía, dựng che, cho người ta ham mà làm. Vạn sự khởi đầu nan người cực khổ với đoàn chiên chẳng lưỡi nào kể đặng, bày nghề nọ nghiệp kia, cho giáo hữu có công ăn chuyện làm mà chi độ, cùng lập họ cho sung. Sở hụi hao tốn cũng nhiều, việc người làm cũng là lớn việc; mà bỡi người sấn sướt vững bền, cho nên xong xuôi công việc. Cách ít năm người huờn đủ số cho nhà chung, đoạn trong họ nổi đặng ít lò che; bổn đạo phá rừng vỡ đất, trồng mía trồng khoai, lập vườn làm rẫy, thì người thôi làm, để mối lợi cho giáo hữu nhờ, người một làm chút đỉnh đủ nuôi gia tướng trong nhà, và kẻ mồ côi của người bao bọc mà thôi.

Lần hồi họ Tân Hoà một ngày một tăng số, bổn đạo phấn chấn việc hồn việc xác. Khi ấy cha Giude lại toan một việc rất trọng rất cần cho con nhà giáo hữu, là lập trường cho đồng nhi nam nữ. Song lấy đâu mà cất nhà trường, lấy đâu mà cấp dưỡng thầy dạy? Họ thì mới lập, huê lợi chưa đủ mà xuất phát trong việc nhà thờ; còn bổn đạo cũng mới tra tay lập nghiệp. Khi gầy việc lập trường, người đi xin từ nhà, trót một năm, mà góp được có 15 đồng bạc. Song người không ngã lòng, một gắng công ra sức mà làm cho được. Trường ấy hãy còn cho tới bây giờ, nên dấu tích lòng người keo sơn bền vững, và chẳng nệ cực khổ lao phiền.

Còn việc linh hồn, thì người hết lòng sốt sắng lo cho đoàn chiên no ấm mọi đàng: viếng đầu trên xóm dưới, giục giã giáo nhơn ân cần việc đạo đức, thúc hối xưng tội chịu lễ, mỗi ngày mỗi dạy Sách phần cho trẻ nhỏ, chẳng bỏ bữa nào. Người lo giúp bổn đạo làm ăn, là khi rảnh rang việc linh hồn; mà có giúp phần xác, thì cũng vì một ý cho giáo hữu dễ lo việc linh hồn, có một ý mở mang đạo thánh, cùng làm cho sáng danh Đ C T mà chớ.

Người có lòng thương bổn đạo hết tình; nhứt là kẻ liệt lào, thì người hằng sớm viếng tối thăm, lo thuốc men phần hồn phần xác cho đến khi qua đời. Có một lần người than vãn cùng cha kia rằng: Tôi thấy sách Rituale dạy về việc bổn phận Thầy cả giúp đỡ kẻ liệt, thì tôi sợ; vì kẻ liệt phải nhờ ta hơn hết mọi người!

Bề rộng rãi thương giúp kẻ khó, thì nói sao cho cùng. Tuy người chẳng phải là giàu có gì, song cũng có thế mà bố thí làm lành luôn luôn. Chẳng có ai tới cậy mượn, hay là xin giúp việc gì, mà người chẳng giúp. Người cũng nói với một cha khác rằng: Ta làm Thầy cả, thì ta cũng phải coi cho tới cái bếp của con chiên nữa, thì mới trọn đạo làm cha!

Bỡi người có tiếng nhơn từ hiền hậu, cho nên kẻ mồ côi cô độc chạy đến nhà người mà nương tựa. Bao nhiêu, người cũng nuôi hết: bịnh hoạn đói rách, thì người lo thuốc men cơm áo, đoạn dạy cho biết công ăn chuyện làm, rồi lo đôi bạn cùng lo cho ai nấy có nhà cữa bề thế mà làm ăn. Những người ấy rày hãy còn đó, hằng nhắc nhở ngợi khen cha lành chẳng xiết.

Cha Giude ở Tân Hoà gần được 8 năm, Nhà thờ, nhà cha, nhà trường, mọi việc xong xuôi. Bổn đạo đông đảo vui mừng, ai ai đều an cư lạc nghiệp, trên thuận dưới hòa, hạp ưa dường cá nước; cha thương con chí thiết, con mến cha tận tình, tưởng nhiều năm phụ tử sum vầy, ai hay ý Chúa phân định cho cha làm sáng danh Người nơi khác. Lịnh trên đổi người ra sở Phan Thiết, thì ai kể cho xiết lòng giáo hữu đau đớn xót xa là dường nào! Già trẻ khóc lóc như mưa, sầu thảm thiết tha như gà mất mẹ. Về phần cha, tuy đau lòng như dao cắt, mà người cúi đầu vưng lịnh, chẳng dám than thở một lời, cùng làm hết sức mà an ủi bổn đạo an lòng vưng theo ý Chúa.

Ngày 18 Septembre 1907 đưa cha xuống thuyền, cùng bằng đưa ra đất thánh, than van kêu khóc ai kể cho cùng! Cuộc phân li buổi trước vừa phai, bỗng đâu nghe tin cha đã biệt trần phân rẽ. Một anh giáp đi rao cho bổn đạo hay tin buồn rầu thể ấy. Rao tới đâu thì người ta khóc đó, rồi chạy tới nhà thờ nhà cha mà khóc. Bổn đạo chẳng biết lấy chi ơn đền ngãi trả, bèn đậu nhau kẻ ít người nhiều, mà xin cho cha một lễ hát trọng thể; lại mỗi nhà mỗi cầu hồn cho cha lâu ngày, và xin lễ riêng cho cha nữa.

Cha Giude coi họ Tân Hòa, Rạch Thiên và Bàu Công đặng 10 năm rưởi, từ 1897 tới 1907. Từ khi người đến nhậm sở cho đến khi đổi đi, theo sổ nạp cho Đức Cha hằng năm, thì số bổn đạo ba họ gióng lại như sau nầy:

Tân Hòa               Rạch Thiên           Bàu Công

Mars. . . . ..1897 =           180.......                          35........                 0

Septembre 1907 =           380.......                          135 ........               35 (1)

(1) Ai ai cũng biết việc lập họ đời nay là việc rất khó. Kẻ ngoại chẳng còn đua nhau vào đạo như xưa.

Ngày 28 Septembre 1907 cha Giude xuống tàu đi Phan Thiết, ở đó ít ngày; đoạn đi Sông Lũy, là họ người phải ở, mà coi họ Phan Rý, Ma Ó, Đồng Mới và Hòa Lương. Sở Phan Thiết bấy lâu thuộc về Địa Phận Qui Nhơn, mới sáp về Địa Phận Nam Kỳ năm 1907. Xứ ấy tư bề những rừng rú núi non; cọp voi chẳng thiếu, muông dữ chỉn ghê, lại đàng sá cheo leo huyền viễn. Từ Phan Thiết ra Sông Lũy là 50 dặm đàng, từ Sông Lũy đi Phan Rý 30 dặm.

Lạ cảnh, lạ quê, lạ người, lạ thói; mà cha Giude cũng vui vẻ như thường, cũng mạnh mẽ sốt sắng, cũng siêng lo phần hồn phần xác bổn đạo như khi ở Tân Hòa. Song cực hơn khi ở Tân Hòa quá bội, vì việc đi họ, đi kẻ liệt rất đỗi xa xuôi; lại của ăn chỗ ở cũng thất thường cam khổ nhiều bề.

Người đi ngựa không phải là giỏi, song bỡi gan dạ mạnh mẽ cùng hay chịu khó, cho nên cũng gọi được là giỏi. Người cứ luân phiên viếng thăm các họ: đi thì đi ngựa, đàng thì đàng xa dặm thẳm, mà phải đem đủ đồ mà làm lễ cùng làm các phép. Mấy tháng đầu, bỡi có một tấm đá thánh, nên người kiếm thế mà mang trên mình, như đeo một ảnh vây rất lớn và rất nặng nề. Người giấu lắm, mà cha kia hay được, nên hỏi sao không để cho học trò mang, thì người rằng: Nó mang không nổi; lại có một tấm, rủi bể, mình làm lễ không đặng.

Ghe phen ngựa ném người dọc đàng, mà người cũng hăm hở nhảy lên đi mãi. Nhiều lần cũng gặp cọp giữa rừng, mà người cũng chẳng sợ, chẳng âu, chẳng bỏ việc bổn phận mình. Có kẻ hỏi sao người không sợ, thì người trả lời rằng: Mình ở trong tay Chúa, Chúa định làm sao thì nên làm vậy.

Đang khi ở Sông Lũy, thì cha Giude làm một việc yêu người rất nên bia tạc bằng vàng. Cha David, là cha sở Phan Rý, thuật lại như sau nầy: “Năm 1908, khi tôi đổi ra Phan Rý, thì cha Giude còn coi họ Sông Lũy. Có một lần cha dắc tôi đi thăm một trai kia chừng 16, 17 tuổi. Cả và mình nó đầy những vít tích gớm ghê, nhứt là  phía sau lưng lở lói thúi tha khó chịu hết sức. Giòi rúc rỉa, làm cho thịt nó rớt ra từ khi từ miếng, bay mùi tanh hôi sặc sụa quá chừng. Ai ai đều bỏ, chẳng ai thèm ngó, cũng không dám lại gần. Cha Giude đem nó về, để trong một cái chòi bỏ hoang, cũng gần nhà thờ. Mỗi buổi sớm mai, và mỗi buổi chiều cha đi thăm nó, đem đồ cho nó ăn, dọn dẹp cái chòi nó ở, sửa soạn cái chỗ nó nằm, lo ngọn đèn bếp lửa. Rồi người cúi xuống mà gạc giòi ra, đoạn rửa rái cùng rịt một nơi thương tích một cách kĩ lưỡng mến yêu, cùng nhịn nhục hiền lành khôn xiết, ai ai trầm trồ cảm động, cùng lấy làm giương rất tốt rất lành. Về phần tôi, tôi thấy vậy, thì tôi đem  lòng tôn kính người hết sức, vì người biết hạ mình, mà làm việc yêu người lạ lùng thể ấy. Con trẻ đã đặng ơn người thương yêu giúp đỡ dường ấy, bây giờ còn sống, vít tích đã lành; song bỡi nó đã đau nhiều quá, nên không trông nó sẽ được sức lực mạnh mẽ bao nhiêu.”

Ấy là công việc cha Giude đã làm: đêm ngày những liều thân liều sức vì đoàn chiên Chúa, chẳng kể cam khổ nhọc nhằn, không lo lao tâm tiêu tử. Song dây cung giương hoài, thì lâu lâu nó phải giạc. Phần thì tuổi tác một ngày một thêm, thì sức lực một khi một bớt. Bề trên thấy vậy thì chạnh lòng, cho nên đổi người về Kim Ngọc, cho bớt dãi dầu sương nắng, cho bớt cực khổ xa xuôi.

Vậy ngày 12 Avril 1909 cha Giude về Kim Ngọc, coi họ Tầm Hưng và Phan Thành, ba họ, sổ bổn đạo được 932 linh hồn. Song một Thầy cả siêng năng sốt sắng, thì tới đâu cũng sốt sắng siêng năng. Ở đời là nơi phải đi, là chỗ phải làm, phải tấn luôn luôn; có một khi về nước thiên đàng, mới chịu nghỉ ngơi mà chớ. Cha Giude về Kim Ngọc là họ đạo dòng, thì người bấu lo cho giáo hữu nên người đạo đức hẳn hòi. Người lập hội con Đ C Bà, lập hội ông thánh Giude, cho đặng hội hiệp đồng nhi nam nữ, mà dạy dỗ kềm thúc việc giữ mình thanh tịnh sốt sắng, cùng tấn tới trong đàng nhơn đức trọn lành.

Nhà thờ Kim Ngọc hòng xiêu ngã, người toan bề tái tạo; nhà thờ Tầm Hưng hư nhiều chỗ, người lo việc sửa sang. Miệng nói, thì tay làm: người nổi lò hầm gạch. Năm nay khởi công xây nền nhà thờ Kim Ngọc, gạch đặng ba muôn, kế giờ chết đến, ngưng mọi công việc người làm. Thiệt là tử trận vinh hiển giữa chốn chiến trường, thiệt là chết vì danh Chúa đang khi tay cầm con vác!

***

Cha Giude đau, mà không ai biết là đau, vì cứ gắng gượng chịu khó, cứ công việc hằng ngày; chừng ngã ra, làm không nổi thì mới chịu thôi. Người không than, không nói với ai; dầu đau đớn lắm, cũng làm thinh mà chịu. Người sợ làm cực cho người ta lắm. Ai hỏi, thì người cứ nói nhẹ, khá, không làm sao; cho nên khó biết bịnh người nặng nhẹ thể nào.

Từ hôm đầu năm nay, thì người đau cũng đã nhiều; song người không biết tới thuốc men, cũng không lo dưỡng bịnh. Cho nên cha Masseron, là cha sở Phan Thiết, cho đi rước người, và dạy người phải về Phan Thiết, mà lo thuốc thang cho người. Người về Phan Thiết nhằm ngày Chúa nhựt 5 Mars, kế ngày 13 Mars Đức Cha cũng ra đó mà nghỉ; cho nên người được phước ở với Đức Cha lâu ngày, và sinh thì trong tay Đức Cha nữa.

Cha Giude ở Phan Thiết trọn 20 ngày, cha sở hết lòng lo lắng cho người. Song không dè bịnh nặng, vì bề ngoài không thấy người đau đớn chi cho lắm, một nghe người nói khá hoài. Cho đến khi biết được là bịnh nặng, thì việc đã rồi. Bịnh người là hư lở trong ruột và sinh hạ huyết, kêu là trường phong hạ huyết (ulcération des intestins). Chạy đủ thầy Tây, Annam, Chệc, mà vô phương điều trị. Đem về Saigon thì không đặng, vì người đã hết sức rồi.

Cho tới ngày thứ sáu, 24 Mars, là áp ngày người qua đời, thì người còn nói nhẹ. Cha sở nhắc người dọn mình chịu lễ ngày thứ bảy, 25 Mars, thì người vui mừng ưng chịu. Lối ba bốn giờ sáng Đức Cha và cha sở vào thăm, thì thấy người mệt lắm, nói gần chẳng ra tiếng. Song tưởng cũng chưa làm sao, vì ngờ là bịnh làm xung một hồi mà thôi; đoạn cha sở đem Mình Thánh Chúa cho người. Cả buổi sớm mai cha sở ở một bên người luôn, thấy người đã khác sắc thì hết trông, nên xin Đức Cha xức dầu thánh cho người. Đức Cha xức dầu, cùng ban phép đại xá.

Nội buổi sớm mai thứ bảy ấy, thì người hạ huyết nhiều lần, và mỗi một lần là những máu bầm nhiều lắm. Người đau đớn mệt nhọc hết sức, song tỉnh táo cùng cam chịu bằng lòng. Qua 12 giờ trưa, linh hồn người ra khỏi xác, mà về cùng Chúa, cách êm ái dịu dàng, không ngặt mình, không hấp hối chút nào, nhằm ngày thứ bảy, 25 Mars, lễ Truyền tin cho Rất Thánh Đ C Bà,

Đức Mẹ khấng đem tin lành cho tôi tớ đã hết lòng thành kính Đức Mẹ trọn đời, cùng rước người về thiên đàng mà hưởng phước muôn đời cùng Đức Mẹ. Ngày sau, nhằm Chúa nhựt 26 Mars, lễ rồi thì đem xác người vào nhà thờ Phan Thiết, cho giáo hữu cầu hồn. Bốn giờ chiều bổn đạo Kim Ngọc khiên xác người về họ mình, để trong nhà thờ một đêm; qua ngày thứ hai, 27 Mars, cha sở Phan Thiết hát lễ, Đức Cha làm phép xác, đoạn mai táng tại đất thánh Kim Ngọc. Người nằm nhờ giữa bổn đạo người đã tận tình yêu mến, nhịn nhục, mà chờ ngày sống lại hiển vang đời đời.

Cha Giude hưởng thọ 49 năm, làm Thầy cả 14 năm và 13 ngày; tuổi chưa già, mà công nghiệp phước đức đã già: “Consummatus in brevi, explevit tempora multa” (Sap. 4, 13). Thật là một Thầy cả đích đáng Thầy cả, tiếng quen dùng gọi là Thầy cả thánh!.

Cha sở Phan Thiết tóm lại ít lời về việc người làm từ hồi ở Tân Hòa cho đến khi chết, đoạn thêm rằng: “Cả đời cha Giude nhịn nhục hiền lành thể nào, thì khi chết cũng an lành nhịn nhục thể ấy. Người với tôi, ở cùng nhau 12 năm trời, không khi nào thì người làm đều chỉ đáng trách; những siêng năng sốt sắng, vưng lời chịu lụy, giữ luật hẳn hòi, làm mọi việc bổn phận tận tình chín chắn. Hàng đạc đức ai ai đều thương, trong giáo hữu mọi người đều mến. Cho nên chắc Đ C T cũng thương mến người, và bây giờ người hưởng mặt Chúa thanh nhàn vui vẻ vô cùng”

Thôi, giả từ cha yêu dấu, dưng bấy lời nhắc tánh hạnh cha, cho phỉ tình thương nhớ. Nguyện cho cha tự tại thanh nhàn trên đất phước! Thế gian nầy là chỗ qua đàng, kẻ trước người sau, nay mai hai ta lại hiệp. Xin cha khẩn cầu cho tiểu đệ đồng liêu, đặng nối gót theo cha mà đi đàng công chánh, cùng đặng sanh thuận tử an, hầu hưởng phước cùng cha muôn đời tiêu sái!

“Moriatur anima mea morte justorum,

et fiant novissima mea horum similia!” (Num. 23, 10).

J. B. TÒNG

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1911

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

Họ Lương Hòa

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

-----------------

KỂ GỐC TÍCH HỌ LƯƠNG HOÀ

-----------------

Nguyên gốc khởi sự lập Họ Lương-hoà là buổi cha Điện chịu chức Thầy cả; rồi cha đi coi nhiều họ cùng lập họ nhiều nơi; cha có 1ập họ Rạch-cá, Rạch-thiên, Rạch-gốc và Đức-hoà. .

Lúc đó thuở đạo cấm kín nên cha không ở đâu là yên chỗ, khi ấy cũng có nhiều người ở Chợ-quán và Đồng-môn, trốn đi tản lạc mé miệt Tây-ninh và Tha-la..

Vậy lối năm (1862-1863) cha Điện đến tại làng Hựu-thạnh (Bây giờ thuộc hạt Chợ lớn tổng Cầu an hạ). Cha đến đây là chỗ người ta còn ngoại, và khi đã có một người tên là ông hai Xá già cả mà tánh tình lương thiện tử tế lắm, song hãy còn ngoại muốn theo đạo; nên cha đến ở ngụ trong nhà ông hai Xá, ước chừng đôi tháng, cha dạy lẽ đạo cho ông, cũng khuyên lơn lối xóm đó; như là ông hương Bích, ông xã Mò, ông Viễn, ông Gồng, ông Đời có ba người con là ông Thoàn ông Hùng và bà Lừa, (Bà nầy bây giờ còn) và vợ chồng ông tham Phú, con là Xuân và Thu, (Bà Thu bây giờ còn) cùng nhiều nhà muốn theo đạo, nhớ không hết; như là ông Lý cũng muốn trở lại đạo nữa..

Nên khi ấy cha vui mừng mới tính với ông xã Mò cho cha một khoản đất cất nhà cha ở, cũng trong lúc đó thì cha lại cất thêm cái nhà thờ tạm kế bên nhà cha, nên nhà thờ cha cất tại đất xã Mò, thân dưới vàm Rạch ông Quản khi xưa..

Cha ở đây ước chừng hai ba năm, cha rửa tội cũng đặng nhiều người; khi ấy cha Bình làm thầy tư hay là thầy năm, về ở một năm tại Hựu-thạnh mà dạy chầu nhưng, đặng cha đi lập họ Đức-hoà, và cũng, một ít lâu cha cất nhà thờ Đức-hoà bây giờ còn cái nền đó. Sau cha đi viếng mấy họ cha lập, như là Rạch-thiên, Rach-cá, Tha-la, thì cha lại gặp bà thầy Bản cùng con cái bà: là Lễ, Nhạc, Ca, (Bà Ca là vợ ông câu Pho, bây giờ ở họ Tân-hoà, Rạch-gốc). Vậy cha mới biểu bà thầy Bản về Hựu-thạnh mà dạy mấy người chầu nhưng thế cho cha, khi đó thầy Nhạc còn nhỏ theo cha giúp lễ; cũng trong lúc ấy cha có gặp một người đi Latinh Pi-năng ra, tên là Nguyễn-văn-Nhờ nên cha chọn làm thầy mà dạy, trong lúc ấy cũng có thầy Danh ở Pinăng về dạy nữa. (Thầy Danh là cậu của Đại cả cựu Cường còn bây giờ)..

Cách ít lâu tại Hựu-thạnh thêm người có đạo; ấy là ơn Chúa kêu các kẻ lầm lạc trở về cùng một Hội thánh như có tích sau nầy:

Số là có hai vợ chồng ông thợ Suy còn ngoại: giữ việc thờ Phật chín chắn lắm, và người lương thiện, gốc ở Bình-ảnh về cất nhà tại làng Xương-thạnh thuộc hạt Tân-an, ngang sông Vàm cỏ (Vaico oriental) làng Hựu-thạnh; hai ông bà có chiếc ghe cui nhỏ hay đi sỉ trầu Bến-tranh lên miệt chợ Rạch-nhum, Rạch-thiên mà bán; thường khi hay ghé chỗ có nhà thờ mà xem coi; Nhứt là trúng kỳ các cha giảng dạy bổn đạo thì ông nầy ưa nghe lắm, lâu trễ nước hay là trễ mua bán chẳng cần.

Kế ít lâu hai ông bà về nhà bàn tính rằng: người đàng nội biết kính thờ ông Chúa nên có sự thương yêu nhau, như lời ông cha giảng hôm trước đó... mình thật thà ở đây kẻ ngoại hà hiếp quá... Vậy hai ông bà đem thê tử qua làng Hựu-thạnh lạy cha Điện mà theo đạo cách mạnh mẽ, nên từ đó về sau hai ông bà giữ đạo chín chắn cho đến cùng còn nhà cữa bỏ hết. (Con cháu ông nầy bây giờ cũng còn) ấy là ơn Chúa gọi thêm số kẻ theo Chúa, nên khi ấy bổn đạo cũng gần trăm người..

Trong lúc nầy thì cha ít khi ở nhà, cha đi lập họ thêm cùng đi viếng họ. Đến năm 1865 cha Điện trở lên Tha-la coi thế họ cho cha Y (P. Errard) tới tháng Novembre 1868, khi ấy cha Điện lo cất nhà thờ Rạch-thiên; kế một ít lâu về thăm họ Hựu-thạnh và ngồi tòa làm phước cho họ, ở đôi tuần rồi cũng đi. Đến năm 1869 cha trở lên Rạch-gốc mà lập họ tại đó; là chỗ làng Mỹ-thạnh-đông, Tổng Cửu-cư-thượng, hạt Tân-an thì cũng có nhiều người theo cha lên Rạch-gốc, như là bà Bản, và ông thợ Suy cũng theo cha lên xuống.

Vậy họ Hựu-thạnh cha không ở thường như mấy năm trước, nên bổn đạo buồn ý, kẻ về Tha-la, người đi Rạch-gốc, Thạch-nhum, cùng làm ăn nơi khác, kẻ chết người còn sống thì nguội lạnh trễ nải, vì đạo mới đức tin chưa đủ, nên lần lần bớt số bổn đạo, còn nhà thờ hư trống.

Cách ba bốn năm cha trở xuống, cha nghe tin rằng: lúc cha đi thì để kẻ ngoại cột trâu nơi nhà thờ, vậy cha la quở thì có kẻ lại ghét cha... phần thì cha trở lại ở, thấy kẻ đi tứ tán nơi khác, nên lúc nầy cha buồn lắm !!

Khi ấy cha tính lập họ lại, cùng biểu một ít người ở Tha-la, Rạch-gốc, Rạch-nhum trở xuống, như là thê tử ông thợ Suy, thê tử bà Bản, hai vợ chồng ông Trị và bà năm Báu với ông Hiệu người làm tổng khâu cho cha trở xuống một lần nữa, mà bao chiếm ít mẫu đất rừng thân dưới làng Hựu-thạnh cách cũng ước chừng vài ba khúc sông là chỗ ngoi rạch thuở xưa hươu nai ở nhiều lắm. nên bây giờ tục kêu là Rạch-hóc-nai..

Cha lên ở đó, chỗ nầy buổi ấy kêu rằng: làng Lương-Điền chưa có ai ở, lại chỗ rừng hoang cọp hùm muỗi mòng nhiều lắm.

Cha lo yên xong và qui mộ bổn đạo Hựu-thạnh về, cùng nhiều người đến bao chiếm đất làm rẫy cấy hái lần lần cho đặng có thể làm ăn mà giữ đạo, khi đó cha lo dạy dỗ thêm người trở lại; lúc ấy cha cũng hay lên xuống Chợ-quán thăm cha Đoan mà bàn tính về việc lập làng Lương-Điền sửa hiệu lại là Lương-hoà, cùng chọn chỗ đất cất nhà thờ, có khi cha Đoan cũng lên thăm cha Điện ở một ít lâu mà coi địa thế đặng tính phụ với cha Điện cho an chuyện.

Vậy khi đã tính an chuyện về sự xin phép nhà nước lập làng Lương Hoà lối năm 1873 là năm Quí-Dậu đời vua Tự Đức trị 26 năm.

Lúc cha ở tại vàm Hóc-nai, có tích ông Lý ở Hựu-thạnh xuống làm rẫy nơi đất Thông-Thiệt là chỗ đất sáu Ngọc mua ở bây giờ: sớm mai ổng ra cày rồi; lúc thả cày ổng vô trong lùm choại hái rau; cọp rằn vắc khăn ra chụp, ổng cự và thùi lui rủi vấp nhằm gò mối nên té, cọp chụp tha chạy; khi ấy ông Đời la lên, cùng lối xóm chạy cho cha Điện hay; cha đi tiếp cứu mà chẳng đặng: ổng chết; cọp ăn hết một đùi, nên lối xóm người ta chôn ổng nơi mé trong rừng, sau cha gài bẫy bắt được cọp ấy..

Ngày lụn tháng qua chẳng bao lâu cha Điện thọ bịnh đau khá, nên cha trở về họ Chợ -quán ở tại nhà ông trùm Lưu là anh cha: Ông Trùm nuôi cha mười bữa thì cha qua đời. Nhằm năm cha Ngải (P. Derval) coi họ Chợ-quán, và lúc ấy có cha Hiệu (P. Humbert) ở học tiếng Annam và người đã giúp giữ linh hồn cho cha Điện. là năm 1875 (năm Ất-Hợi).

II - Cùng một năm ấy; khi cha Điện qua đời rồi, thì cha Đoan lên coi chánh sở họ Lương-hoà, nên cha lo cất nhà thờ tạm cột chôn, cất tại vàm Rạch trảng nơi gò xoài đất bà Trùm Hậu ở bây giờ; rồi cha lo bao chiếm cứ khẩn các sở đất thêm lối dưới gần giáp ranh làng An Thạnh, lại một sở trên vàm Rạch-nổ, lúc ấy cha lo khai phá làm rẫy lập vườn cho có huê lợi mà cất nhà thờ tử tế hơn.

Kế ít lâu người ta ở miệt Thủ, Búng, Lái-thiêu, Rạch-đào, Vạn-phước, Đồng-môn đến khẩn đất khai phá rừng mà lập vườn lần lần sung thạnh, bán có huê lợi khá, cha mới toan tính với quới chức như là ông Câu Tiếng, Biện Tấn, Biện Dương v. v. là những ông làm việc họ khi đó. Còn chức việc làng lúc ấy là xã Địch, cả Chấc, xã Gồng, xã Lễ, v. v..

Vậy cha bàn soạn định chỗ đất cất nhà thờ, và trường học, cùng ký một sở đất Thánh yên xong, cha mới ra tiền bạc phụ giúp, lớp cha quyên tiền bạc trong họ mà mua cây ván cất nhà thờ ngói theo kiểu Annam, chỗ miếng đất trên vàm Rạch-nổ và làm trường học luôn tiếp; lại chọn một ít người cùng trong buổi đó làm thầy dạy học, như là thầy Điều, thầy Hậu, v, v.

Đến năm 1876-1877, Đức Giáo Tông Piô IX mở kho toàn xá Jubilêô, lúc ấy cha thối thúc bổn đạo làm nhà thờ vừa yên, thì cha ân cần giảng dạy cấm phòng toàn xá, và kiệu ảnh xung quanh nhà thờ vô tới đất thánh, cùng làm phép dựng cây Thánh giá bề cao ước chừng bốn năm thước tây, sự sắp đặt cũng long trọng xinh đẹp theo đời ấy.

Sau nầy cha cũng có lập thêm nhiều họ như là Thủ-đoàn, Bình-thành, Bình-nghị, Đăng-mỷ, cùng nhiều họ cha đã lập trước khi cha chưa về đến Lương-hoà.

Có lần kia cha nghe tin rằng: Quân ngụy sẽ nổi dậy đốt phá nhà thờ các nơi, và bắt giết kẻ có đạo hết, vì nó nói rằng: quân gia tô đàng nội theo tây. Cha nghe tin như vậy, mới bày kế biểu bổn đạo đào ao đắp lủy, xung quanh nhà thờ, dưới ao thì vạt dáo cặm xiêng, làm như cái đồn phòng ngừa quân nghịch.

Số là năm 1884 trên Cao-mên dấy ngụy, nên nhà nước Langsa kéo binh lên viện tiếp; lúc ấy lính ngự trại tại Saigon còn ít quá: khi ấy tên Nguyễn-văn-Bường thấy sơ lậu làm vậy, kéo cờ ngụy, tối Chúa nhựt mùng 8 Février, 24 tháng chạp năm Giáp-thân; quân ngụy ấy đem nhau tới Hóc-môn mà giết quan Đốc phủ Ca và đốt nha môn, nó cũng quyết giết bổn đạo nữa; nó đốt nhà thờ Hóc-môn lúc cha Thạch coi họ. Khi ấy cha Đoan cho tin quan Tổng-đốc-Lộc hay, quan Đốc lên phát cho một khẩu súng đồng, và mười lăm cây súng một lòng, để trước cữa nhà thờ mà ngữ, cùng dạy sắp đặt chức việc làng và việc họ đều phải canh giữ nghiêm nhặt, còn quan Đốc đi tầm soát các nẻo, nên kẻ dữ đều kinh khủng tiêu tan đi hết..

Nhờ ơn Chúa che thở sự chộn rộn đi qua. Kế ít lâu bổn đạo trong họ có thế làm ăn, và nhiều người đến ở lần lần thêm số bổn đạo nên đông; xem lễ trong nhà thờ đều chật hết; khi ấy cha mới toan tính như sau nầy.

Số là năm tây vô lấy Nam-kỳ (Năm ấy là năm 1858 tháng Septembre đến 16 Février, 3 chiếc tàu binh Langsa lần vô lấy đồn ngoài vàm, bữa 18 kéo lên Saigon.), khi ấy người ta ở Chợ-quán, Chợ-đủi, đều chạy bỏ nhà cữa hư hoang, kẻ mất người đi tứ tán: vậy năm 1862 cha Đoan còn ở Chợ-quán, cha xin nhà nước cho cha bốn cái đình bỏ hoang khi ấy. Nhà nước bằng lòng cho, nên cha mướn thợ hạ triệt đem về lọc lại làm nhà thờ Chợ-quán, tại miếng đất ngay trước cữa nhà bà Huyện Sáu bây giờ.

Đến năm 1888 cha Y (P. Errard) ở Bàrịa đổi về coi họ Chợ-quán và cha cất nhà thờ mới rồi.

Vậy lối năm 1892 cha Đoan lên Chợ-quán mà mua cây nhà thờ cũ khi xưa; lúc ấy cha sở Chợ-quán tính với quới chức bằng lòng bán cho họ Lương-hoà; nhơn dịp ấy cha Đoan lo tấn tới... mà làm nhà thờ lại cho nghi tiết rộng rãi hơn; vậy cha ra tiền bạc phụ giúp, lớp cha khuyên bổn đạo ra công rán sức ân cần rộng rãi mà làm việc cả thể cho có nhà thờ lớn, lúc ấy cha mướn người ta lên dỡ nhà thờ cũ Chợ-quán chở về mà lọc lại, cùng lo mua cây thêm và gạch ngói, mà làm nhà thờ, cha Đậu vẽ kiểu, và lúc đó cha Đậu lên ở phụ giúp nhà thờ với cha Đoan.

Khi ấy làm nhà thờ nửa chừng vì tiền bạc thiếu khuyết, nên cha phải đi phổ quyến các họ cho thêm mà làm thành việc cho dễ coi.

Vậy khi đó đã dựng nhà thờ lớn lợp ngói móc, mặt tiền xây gạch phong tô chỉ niển coi cách kiểu tây, mé vách cung thánh thì cũng xây gạch phong tô và lót gạch tàu nơi trong cung thánh mà thôi, thì đã đuối tiền bạc nữa, nên cha phải đình lại, nhưng mà có chỗ làm lễ đặng.

Lúc thiếu tiền không đủ làm vách hai bên, nên cha mua trần mà che đỡ, tuy là nhà thờ chưa được trọn lành mặc dầu, song buổi đó họ quê mà được nhà thờ ngói kiểu tây thì rất quí là dường nào. Lúc năm 1890 cha già Tuyết ở Phước-lý xin hưu trí về nghỉ tại Lương-hoà.

Lúc cha Đoàn làm nhà thờ vừa yên, một ít lâu thì lại gặp sự may. Số là có một lần kia ông lái Triều thả bè cây theo sông Vàm-cỏ (Vaico oriental) trên Tây-ninh xuống lỡ nước ghé tại nhà thờ Lương-hoà mà xem lễ, rồi ra thăm cha, vì là ông lái quen biết cha khi ở họ Chợ-quán.

Vậy cha tiếp chào hỏi cùng truyện vãn với ông lái: cha mới than rằng: bổn đạo trong họ nầy, nhiều nhà ở xa quá, đánh trống có khi không nghe, chớ chi được cái chuông nho nhỏ, tiếng nghe xa có lẽ giúp bổn đạo nhiều hơn; ông lái nghe mấy lời cha than ghi nhớ vào lòng để đó.

Nguyên ông lái Phaolồ Lê văn Triều là người gốc ở họ Chợ-quán, thuở sơ phát lập họ Tây-ninh, thì ông đã lên ở đó đầu hết, tánh tình ổng lương thiện lắm, và hay làm việc lành phước đức nhiều nơi, nghe nói rằng: khi ông lên ở họ Tây-ninh ông đã lo lắng trong họ cùng dưng tiền bạc làm nhà thờ Tây-ninh là buổi cha Sĩ (Père Simon) coi họ lối năm 1887-1888, lúc đó ông ra tiền bạc mà xin cha sở Tây-ninh đặt ba cái chuông trộng mà dưng cho nhà thờ Tây-ninh để tiếng chuông kêu động trời mà nhắc lòng con nhà giáo hữu.

Vậy khi ông lái ngồi bè xuống ghé Lương-hòa thăm cha Đoan, ổng nghe cha than ổng động lòng, nên khi ổng bán hết cây trở về thuật truyền lại cho cha sở Tây-ninh nghe mấy lời: tính bớt một cái chuông để cho họ Lương-hòa; cha sở suy nghĩ rồi bằng lòng, nên khi ấy Lương-hòa mới được một cái chuông ông lái Triều dâng, (còn để hiệu là Tây-ninh hội 1887,) Đó là khi ông thả bè chuyến sau, ông lái chở cái chuông mà cho, và lại cho thêm ba cây dầu tròn, và một khúc sao chuôn, nên nhờ vậy cha Đoan tính mướn thợ đóng một cái bàn thờ thánh chắc chắn và khéo.

Vậy họ Lượng-hòa đã có nhà thờ và trường học xong rồi; cha mới định dở nhà thờ cũ lọc lại với cây ông lái Triều cho mà làm nhà thờ Bình-nghị và Bình-Thành.

Kế ít lâu cha Đoan nghe tin cha Khánh là anh cha thọ bịnh !... nên cha Đoan mới đem về mà lo lắng cho đến khi cha Khánh qua đời là năm 1898 và đã táng cha Khánh nơi đất thánh Lương-hòa.

Cha già Đoan đã lo cho bổn đạo chẳng những phần rỗi linh hồn mà thôi đâu; song cha lại còn lo cho bổn đạo kẻ đơn cô có thế làm ăn, cùng bày biến việc trồng trỉa lập vườn: trồng mía, trồng dâu, khoai gà, ổi tây, bòn bon, trái vải, kẻ nghèo cha lại giúp vốn; nói tắt một lời: việc làng họ thuở đó cha hay chỉ bày phân đoán dạy lẽ công, ai ai đều phải vưng kính lịnh cha, chẳng dám sai ngoa những đều chi hết, cha lại ra công dạy chữ nhu, ai muốn học cha sẵn lòng chỉ vẽ mọi đều, trong họ nầy cũng có nhiều người: như là ông trùm nhì Viên, và thầy hai Phước hãy còn bây giờ, khi trước cha cũng dạy chữ nhu cùng nước thầy phân ra án mạch. Cha có ý sau nầy có người biết làm thuốc mà giúp nhau; lúc ấy cha cũng sắm kệ bổ thuốc mà làm, để chữa người bịnh hoạn trong họ, có khi kẻ ở phương xa nghe tiếng cha làm thuốc có danh, nên nhiều người uống thuốc cha đều mạnh giỏi; các cha có đau đớn uống thuốc tây không chịu, thì cũng đến họ nầy tìm cha mà uống thuốc.

Như khi đó cha già Thành cũng hay lên nhiều lần mà uống thuốc cha Đoan có khi ở luôn năm bảy tháng một năm cùng giúp họ nữa.

Tuy cha Đoan coi sở chánh họ Lương-hòa, song khi đó cha đã cai nhiều họ nhỏ, như là: Bình-Thành, Thủ-Đoàn, Bình-Nghị, Rạch-chanh v, v.

Vậy đến năm 1895 cha Đoan già yếu xin hưu trí, đi nghỉ tại họ Tân-Định, cũng giúp cha Génibrel mà làm cuốn Tự vị lớn Anna-mite-Français và dịch ra nhiều sách trọn ba năm, sau cha trở về Lương-hòa cũng làm thuốc cho đến năm 1904.

III. Khi cha Đoan xin hưu trí thì Đức cha Để (Mgr. Dépierre) chọn cho Bửu thế coi họ đặng sáu bảy tháng. Kế cha đổi.

IV. Cũng trong năm Ất-mùi cha Gia ở họ Chà-và đổi về coi chánh sở họ Lương-hòa.

Lúc cha Bửu và cha Gia mới lên coi họ Lương-hòa quới chức và bổn đạo đến mầng cha: khi đó có Bà Thầy Bản già cả lắm ra xướng đọc thuộc lòng một Bài mầng đời xưa như sau nầy ..

Bài Mừng

 “Cúi cầu con lạy mầng cha, tình thương giáo hữu nhọc nhằn quí thể tìm đến họ nầy, chúng con bấy chầy bấy lâu khao khát, mừng đà khoái lạc mừng thấy mặt cha, mừng thảy mừng thay mừng thay là mừng; Mầng cha mới đến con mừng vô số, nguyện xin ơn Chúa, giúp cha sống lâu, sống cho bạc đầu, bạc râu răng rụng, xác hồn khoẻ mạnh, giảng đạo Chúa Trời, ngày sau hết đời, về quê Thiên Chúa, chịu lời phán hứa ớ con trung thần, cha sắm thiên đàng, để cho con thảo, đời đời vạn thọ hưởng phước vô biên, ớ cha trung hiền cha đã về đây lạy cha một lạy ...”

Khi cha Gia coi họ một ít lâu, cha thấy nhà thờ còn trống trải treo trần hai bên, và cánh sau chái chưa có, nên bất tiện. Qua năm sau cha mới ra tiền bạc phụ giúp, và khuyên bổn đạo rán nông sức với cha cho có đủ tiền bạc, mà làm cữa sổ và xây vách hai bên với mé sau, lại lót gạch tàu thêm từ cung thánh sấp xuống cho tất hết cả trong nhà thờ, còn hai bên hàng ba giam đó.

Cũng trong lúc ấy cha xin cha Bề trên Cao (P. Delignon) coi họ Chợ quán cho nhà phước lên dạy học. Vậy Bà nhứt Chợ quán chọn dì Thâm, dì Cang lên Lương-hòa dạy học trò trước hết.

Mọi việc an bài, cha lại lập vườn mướn người cuốc phát trồng trỉa mì, thơm, cau, mít, lại mua trâu, bò, làm ruộng bộn bề, cha làm vườn coi sung thạnh lắm, nên cũng có ích lợi cho nhà chung, bỡi vậy mỗi lần nhà phước nghỉ dạy về, cha cho thơm chở ém khoan đà khẩm lứ.

Kế ít lâu sau, cha cất một cái nhà cha ở một căn hai chái lợp tranh và mướn chẻ trúc đương líp làm vách, bốn phía coi cũng xinh.

Lúc đó Thầy năm Hiệp có cho nhà thờ một cái đèn Harmonium nhỏ, xong xuôi mọi việc ít lâu, cha xin Bề trên cho thầy đến dạy phụ giúp cha, mà lo đồng nhi rước lễ và chịu phép Thêm sức; khi đó có cha Cơ còn làm Thầy năm hay thầy sáu có đến dạy, sau cũng có cha Khánh làm Thầy năm về dạy nữa.

Đến năm 1901 Đức Giáo Tông Lêô thứ XIII, mở kho Toàn xá Jubilêô, lúc ấy cha lo ân cần giảng dạy cho bổn đạo cấm phòng mà chịu ơn Toàn xá; kế ít lâu cũng trong năm ấy lại đặng một ơn Toàn xá về Đức Bà thì có bày cuộc kiệu ảnh rất long trọng lắm, trọn ba bốn ngày; lúc ấy cha sắm thêm một cặp chơn đèn ba ngọn, và một cặp năm ngọn mạ vàng kiểu bên tây.

Có lần kia nhằm chiều Chúa nhựt 16 tháng ba Annam năm Giáp-Thìn, bị một trận bão rất dữ dằn khắp xứ ai ai đều cũng biết rõ; lúc ấy nhà cha Gia sập xuống rạch kế một bên, cha phải chạy lại nhà cha già Đoan mà ngụ, còn nhà thờ mé sau chái gió mạnh bay tốc ngói rớt xuống hết, vách tường mé xông sau bàn thờ chánh nứt răng đồ đạc hư hao đi nhiều, còn nhà cha Đoan xiêu. và tốc sấp nóc, hai cha chịu gió mưa lạnh một đêm tối bữa ấy; cách ít tháng thì cha Gia cất nhà cha lại cũng chỗ nền đó cho đến bây giờ, và sửa lợp mé sau chái nhà thờ, và hạ triệt vách tường phía sau cùng dọn dẹp an bài; kế ít lâu cũng trong năm ấy cha Gia lo về lễ Ngũ tuần cha già Đoan, khi đó cha Dược và cha Chiểu cùng các cha lo và bày cuộc lễ ấy; trong họ Lương-hòa từ thuở nay mới dọn lễ nầy là lớn lắm, vì cũng nói đặng các cha Bổn quấc xứ Nam-kỳ có một cha già Thomas Đoan hưởng lễ Ngũ tuần trước hết mà thôi..

Vui buồn đắp đỗi đà liên tiếp, ôi! chẳng bao lâu cha Đoan thọ bịnh nặng và qua đời ngày 30 tháng Novembre 1904 xác cha táng nơi nhà thờ Lương-hòa.

Cách ít lâu cha Gia mới tính rằng: nhà trường ở tại nhà thờ, mà từ thân trên Rạch ông đối xuống cho tới nhà thờ thì đường đi trên hai giờ đồng hồ; vậy thời con nít phía trên đi học xa quá: lúc ấy sẵn dịp cha mới mua một sở đất của Lê văn Bằng bán lại cho cha lối tháng Octobre 1905. Cha mới tính làm một cái nhà trường tạm, cất trên sở đất ấy, và cha chọn hai người làm thầy giáo dạy, khi đó thầy Kỳ và thầy Hoa dạy.

Vậy ít lâu nhà trường đã hư, nên cha mới tính lại rằng: để cho con nít đi học, mà sự nghe dạy bất tiện; vậy cha bãi trường ấy, và cha tính để sau sẽ làm hai nhà trường tại nhà thờ mà thôi.

Lúc cha đi biên sổ họ cha thấy bổn đạo đã đông có trên ngàn rưởi, cha vui mừng, khuyên bổn đạo về sự kính thờ Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu, nên lúc ấy bổn đạo đua nhau sốt sắng rước 1ễ thứ sáu đầu tháng có trên đôi trăm người giáo hữu như vậy thường, nên cha phải ngồi tòa làm phước luôn và lại thêm việc cho phải mệt nhọc lắm.

Có lần kia cha đi cấm phòng rồi, ngồi ghe đi luôn xuống Giồng rùm; rủi bị đổi tàu cản ngang bụng cha mạnh lắm, trong khi cha ra đứng trước mũi ghe, lúc đó bị gió và nước chảy mạnh quá cha trở đường không kịp, tưởng khi ấy cha phải chết; song nhờ Ơn Chúa che chở đổi tàu liền đứt rả ra nên cha mới khỏi chết; song từ đó về sau cha mang bịnh..

Kế ít lâu cha xin Đức cha (Mgr. Mossard) cho cha phụ giúp, vậy lối năm 1907 cha Trình lên giúp họ, khi ấy cha Trình sắp đặt chọn người làm Câu đồng, và Biện đồng nhi nam nữ đều có thứ tự lớp lang; cha Trình giúp họ đặng một năm thì cha đổi.

Đến sau cha Gia nhóm quới chức tính rằng: Bấy lâu nay mỗi năm, phải góp tiền mỗi nhà có con đi học, cho đặng có số bạc ấy mà trả tiền Dì phước dạy; có năm thì góp đủ, có năm thiếu cha phải châm vô; nay sẵn dịp Biện Trung chịu bán một sở đất dưới Rạch-nổ, (tục kêu là đất cù lao).

Vậy cha định góp tiền bạc cả trong họ mà mua sở đất ấy, lấy huê lợi thay vì tiền góp mỗi năm mà trả cho Dì phước dạy học trò, thì tiện hơn; nên từ đó về sau không góp tiền thầy nữa.

Trong lúc năm Mậu-Thân (1908) lại xảy ra một sự rủi, lối tháng ba tháng tư năm ấy, Dì Thi sấy cau, than đã bọn rồi; lúc bốn giờ chiều, Dì biểu học trò xúc tro bọn ấy mà đỗ nơi chái nhà trường mé hướng tây. Đến lúc sáu bẩy giờ tối bữa ấy; có gió nam thổi lòn vào đống tro, phún than đốm bắt qua vách nhà trường phát cháy quá lẽ: khi ấy có ông năm Đá quê ở Rạch-chanh lên bán chiếu lở nước đậu ghe trước cầu nhà thờ, ông thấy lửa phát cháy, chạy lên leo nóc nhà và tốc sấp nóc, song dây kẽm cột chặt ông làm không nổi bị cháy râu nám mình; ông có lòng tốt mà chữa không lại; khi ấy trống chuông nổi lên bổn đạo chạy tới đông vầy, mà chữa hết sức không nổi, lửa bắt qua cháy luôn nhà phước nhà kho, đều tiêu ráo; bỡi vì lúc đó vựa lúa cha để đở tại nhà trường, nên khi đã bổn đạo lo chữa vựa lúa và cái chuông tại trường học, lại lo đem đồ ra.

Kế ít lâu cha tính làm nhà phước lại, và cất nhà trường một căn hai chái lợp lá đóng vách thượng song hạ bản; cất phía bên hữu, ngang nhà thờ.

Đến năm 1910 cha Gia tính với quới chức khuyên tiền bạc lo mua cây ván bời lời mà làm tấm vách xông mé sau nhà thờ cho tử tế, lại đóng thêm la-phông trước bàn thờ chánh coi cho đẹp, mà sửa sang dọn lễ Tam nhựt kính các Thánh Tử Đạo; khi đó cha Đạt còn làm Thầy sáu có về coi dọn lễ, cha có vẽ một bức Á thánh Quí rất khéo, và dọn lễ rất long trọng lắm; lúc đó cha Tòng lên dự lễ, cha thấy bổn đạo đua nhau làm việc lành kính mến Trái Tim Chúa sốt sắng; đến sau cha cho một tượng ảnh Trái Tim bề cao trên một thước tây rất khéo bây giờ còn.

Kế ít lâu cha Gia tính quới chức mà rằng: cha Tòng đã cho họ Lương-hòa một ảnh Trái Tim lớn có khi gần trăm rưởi hai trăm đồng, cha đã gởi bên tây mua rồi.

Vậy quới chức phải tính làm sao góp tiền cho đặng mua một cái đèn Harmonium lớn mà ngợi khen Trái Tim Chúa; khi ấy đua nhau đậu tiền bạc kẻ ít người nhiều tùy sức mà đưa cho cha gởi mua bên tây một cái đờn, đờn ấy bây giờ hãy còn; đờn ấy cũng trên ba trăm đồng; lại cha mua ba cặp chơn đèn lớn xi vàng, và một ảnh Chuộc tội lớn kiểu bên tây..

Cách năm sau cha thấy bổn đạo thêm đông, ngày lễ cả xem lễ chật nhà thờ không chỗ đủ, nên cha tính dở tấm vách tường cữa cái nhà thờ, mà đem cữa cái ra nơi cung nguyệt mặt tiền, lại xây thêm một cái tam quang trước cữa mặt tiền kẻo mưa tạc, và luôn dịp xây gạch viền nền cùng lót gạch tàu hai bên hàng ba nhà thờ. Kế ít lâu cha lại mướn thợ lọc mấy cây cột nhà trường bị cháy nám hư đó mà bào sửa lại làm một cái nhà khách trước cữa nhà cha bây giờ hãy còn.

Đến năm 1912 cha Luật đổi về phụ giúp họ Lương-hòa, lúc ấy cha Luật ân cần lo lắng ngồi tòa giảng dạy, nên bổn đạo thêm số kẻ đi đầu tháng hơn bội nhiều, cha Luật đã ở giúp họ một năm, thì cha đổi đi Thủ-thiêm; kế cha Phanxicô Vàng (gốc ở Cái Nhum) đổi coi thế lại lối tháng Juillet 1913. Cha Vàng giúp họ Lương-hòa đâu chừng hai ba tháng cha đổi đi, vì cha bịnh yếu lắm.

Vậy lại tháng Octobre 1913 cha Tâm đổi lên giúp họ Lương-hòa, lúc ấy cha Gia lo làm thêm một nhà trường ba căn hai chái lợp lá, đóng vách thượng song hạ bản dưới lót gạch tàu, chừa bốn cữa; cất tại vàm Rạch-cụt lối cây bàng lớn. Kế cuối năm sau cha Gia đau đi nằm nhà thương; khi ấy cha Tâm lo lắng dạy đồng nhi rước lễ và chịu phép Thêm sức.

Vậy lối tháng Février 1915 cha Quờn đau mới khá về dưỡng bịnh tại Lương-hòa cho tới tháng Mars thì Đức cha định cha Quờn giúp họ luôn; còn cha Tâm đổi đi Phú-Thuận..

Cha Quờn ở giúp họ một ít lâu lại xảy một việc: Số là mấy năm giặc cả thể Đại-Pháp chinh chiến với Alơmăn thì quân ngụy tùng dịp mà làm sự tác tệ nơi Sàigòn, Chợ lớn, lúc ấy nhà nước Langsa tầm bắt mà xử tử chết bắn cũng nhiều, còn các nẻo nó dán giấy hăm dọa, nên làng phúc bẩm quan chánh hay; truyền cho làng phải lo siêng năng tuần túc.

Khi ấy cha Gia lên tỏ bày cho Đức cha rõ; Đức cha cho mượn năm sáu cây súng đem về phòng ngừa quân nghịch; lúc ấy cha Gia lo thôi thúc bổn đạo thay phiên canh giữ nhà thờ, còn cha Quờn sắp đặt tập binh thơ đồ trận mà đi tuần túc trọn hai ba tháng; có lần kia lúc 12 giờ khuya, cả xung quanh chơn trời đều sáng đỏ ghê sợ, nên bổn đạo thấy vậy, mới leo lên cao ngóng coi thấy lửa đỏ bốn phía hòng tới, khi ấy tưởng kẻ nghịch gần đến; cha Gia lo sợ! kêu tên chầu nhưng là danh Chắc rửa tội hồi một giờ khuya, lúc ấy cha Quờn biểu bổn đạo cứ việc tấn tới coi thế nào đừng sợ, ai ngờ giống gì không rõ, tùng dịp mà làm sự tác tệ làm vậy, nên bổn đạo đều rõ chẳng sợ, cứ việc lo canh tuần y như cựu lệ..

Nhờ ơn Chúa che chở, chẳng bao lâu sự chộn rộn đã qua; cha Gia mới tính mở thêm một nhà trường nam, cất đối ngang với trường nữ, nên lúc ấy cha Quờn đứng coi làm nhà trường, cũng cất ba căn hai chái lợp lá, trên đóng mành mành, dưới đóng ván tấp và lót gạch tàu chừa bốn cữa, cất trường ấy kế mé sông, ngang nhà cha sở.

Vậy họ Lương-hòa thuở trước là rừng bụi và ít kẻ có đạo; rày đã đông người giáo hữu, và nhiều người dâng mình đi tu nhà trường Latinh, nhà dòng Cái-nhum, kẻ đi nhà phước Chợ-quán, người đi nhà phước Cái-nhum, nhà-trắng, nhà-kín; lại họ nầy đặng hai ông Thầy cả, là Phaolồ Đoàn thanh Xuân và cha Raphae Nguyễn minh Linh, một ít lâu đây sẽ đặng một thầy cả nữa.

Lối năm 1916 -1917 quan chánh tham biện L'helgoualc'h Chợ-lớn định đào kinh cũ bên Rạch-tra trổ vàm ra sông (Vaico oriental) cho xuôi nước; khi ấy quan Trường Tiền lên phóng cặm bông tiêu ra vàm Rạch-nổ, lúc đó cha Gia xin quan Trường Tiền 1ấy lòng thương xót dời nới lên, vì cha sợ đất nhà thờ chẻ ra, và lại đất thánh phải hư hại; khi ấy quan Trường Tiền lấy lòng rộng rãi thương xót chế nới lên trúng nhằm sở đất bà Cơ (Bà già Thầy Phước.)

Vậy trong năm ấy chiếc xáng đem lên đào phủng xong yên, thì tưởng rằng: khi đó cha Gia lên Đức cha mà bày tỏ việc cách trở bất tiện về sự con nít phía trên đi học cách giang đò qua kinh sáng, nhiều khi phải hiểm nghèo lúc sóng gió.

Cách ít lâu Đức cha Tôn (Mgr. Quinton) lên xem xét sổ Bổn đạo phía trên phần đông hơn mé dưới, nên phải cất một nhà thờ chánh trên nầy, vì nhà thờ cũ phía dưới đã lún gần hư.

Vậy cha Gia xin Đức cha định cất nhà thờ phía trên tại chỗ đất Lê văn Bằng bán lại cho cha lối năm 1905 đó.

Khi ấy Đức cha bắt từ đất nầy đi bộ xuống cho tới kinh Lanh-quách mà độ đường đất chia hai; phải cất nhà thờ nơi giữa bổn đạo mới tiện, rồi Đức cha xin nhóm quới chức mà hỏi riêng từ người, Đức cha định như vậy: quới chức bằng lòng hay là phải theo ý cha sở ?.

Khi Đức cha hỏi thì để trên bàn một hộp đạn chì, chờ cho mỗi người thưa trả lời riêng, thì Đức cha lấy ra từ viên đạn, khi ấy mỗi người đều thưa rằng: Việc bề trên nhứt định lẽ nào thì chúng con xin vưng theo ý, song chúng con tưởng rằng: cất nhà thờ phía trên giữa bổn đạo, chắc bổn đạo mỗi người đều vui lòng hơn; vậy Đức cha nắm mỗi viên đạn ấy và đưa cho cha sở coi mà nói rằng: Mỗi viên đạn bằng lòng hết, khi ấy cha sở không hiểu, Đức cha mới nói rằng: mỗi ông chức việc đều rập một tiếng muốn cất nhà thờ nơi giữa họ..

Yên việc mới nhứt định mua một sở đất ông chủ Long, song có đều bất tiện, mới dời xuống sở đất ông Tấn và một sở đất Biện Bường, hai chủ nầy chịu dâng và bán cho nhà thờ.

Mỗi việc xong, Đức cha định cha sở phải lên coi làm nhà thờ, khi ấy cha sở buồn vì sau này sẽ phân rẽ con cái mình ra, thì Đức cha định cha Quờn lên coi làm nhà thờ, và nhà trường nơi đất mới mua đó.

Lại Đức cha cắt nghĩa rằng: không phải là chia họ Lương-hòa đâu, nhơn vì đường đất đã dài, nên phải có hai nhà thờ và trường học, cho tiện bề bổn đạo xem lễ và con nít đi học cho khỏi cách giang đò; nhưng mà phải chọn số bổn đạo phần đông hơn từ kinh Lanh-quách sấp lên nơi giữa họ mà cất nhà thờ lớn, gọi rằng là nhà thờ chánh sở; đến sau Đức cha cắt nghĩa thêm mà rằng: Tuy là một Lương-hoà, song phải thêm hai tiếng thượng, hạ, cho hiểu.

Mọi việc yên xong, cha Gia định cho một trường học cất tại vàm Rạch-cụt, lại một trường học cất một căn hai chái lối bên hữu ngang nhà thờ.

Vậy cha Quờn biểu bổn đạo Lương-hoà (Thượng) xuống hạ triệt hai trường học chở về nơi đất mới mua, lúc ấy cha khuyên bổn đạo họ trên phải lấy lòng rộng rãi ra công và ra tiền bạc kẻ ít người nhiều mà trả bạc đất, và có dư thì phụ trợ nơi Tái tạo thánh đàng.

Trong khi ấy cha Quờn định cất nhà trường lớn dựng lên và đốn cau phụ thêm hai ba căn nữa, để làm nhà thờ tạm; còn nhà trường nhỏ cất kế đó để cho Dì phước ở, lại cha mua cây thêm làm một trường học ba căn hai chái nhỏ lợp lá, lại đóng ba bàn thờ và bàn dậm; sắp đặt vừa yên, đến ngày Chúa nhựt bổn đạo tới xem lễ thấy như vậy mỗi người đều động lòng ra nước mắt.

Khi đó có cha già Thơ lên ở đỡ sau chái nhà thờ với cha Quờn. Cách ít tuần lễ bổn đạo thấy vậy, mới đem đồ dâng cúng cho nhà thờ: như là ông câu Danh dưng một tượng ảnh Đức Bà môi khôi, bề cao ước chừng sáu bảy tất. Tám Kiều dâng ảnh chuộc tội đồng, và một cặp chọn đèn ba ngọn, một cặp năm ngọn. Bà năm Mừng cho đôi cây vải bông.

Sau thầy Lân đi lên Cầu-kho viếng thăm mấy người quen biết và than... cùng thuật chuyện nhà thờ mới tạo, và xin lấy lòng thương xót nhà thờ, nên mấy người quen biết ấy động lòng dâng cúng tiền bạc cho nhà thờ trên cũng bội nhiều. Thầy Lân liền biên vào sổ, và đem tiền bạc ấy về trình cùng cha Quờn rõ; khi ấy cha có viết thư trả lời và cám ơn mấy người dâng cúng.

Nhờ tiền dâng cúng ấy Thầy Lân làm số xuất mua vải may cờ cùng ren may màn. Ba cặp chơn đèn thạch cao mạ vàng kiểu tây, và bản cờ, lại một tượng ảnh Trái Tim, và một tượng ảnh ông thánh Giuse.

Vậy khi Thầy Lân đem về tới, thì ông Hương Duơn thối tiền mà dâng ảnh Trái Tim, còn Biện Lý dâng ảnh thánh Giuse cho nhà thờ cùng trả bạc lại cho cha Quờn, vậy số bạc ấy còn; nhờ đó nên cha cũng sắm thêm một ít món đồ cần kíp cho nhà thờ khi đó luôn.

Kế ít lâu cha cất nhà cha ở, làm ba căn hai chái, trên đóng mành mành, dưới đóng vách tấp, lót gạch tàu, nhà ấy bây giờ còn đó.

Vậy lúc sau cha ra bạc mua ba cặp chơn đèn lớn bằng đồng xi vàng, và một ảnh chuộc tội, kiểu tây, còn Biện An dâng một Hào-quang, Bà Biện Bường dâng khăn choàn làm phép lành, và áo nhà tạm.

Qua năm sau cha xin bổn đạo lấy lòng rộng rãi đến giúp công cuốc đất nhà thờ đặng trồng mía, sau bán lấy huê lợi đặng làm nhà thờ. Vậy khi cha nhứt định sửa sang chọn chỗ đất cất nhà thờ lớn thì cha có biểu thầy Lân vẽ một tấm (Plan) gởi cho Đức cha coi, ưng chịu.

Đến năm 1921 Đức cha Tôn (Mgr. Victor Carôlô Quinton) lập Hội Tái-tạo-thánh-đàng-bần-tiện, vậy Đức cha phán chỉ cất nhà thờ Lương-hoà (thượng) thì Đức cha định xuất bạc Hội ấy hai ngàn đồng (2000$) mà cho nhà thờ, và hễ làm nhà thờ yên rồi, thì mỗi năm phải làm lễ cho hội ấy theo luật chỉ.

Vậy khi cha Quờn đặng tin Đức cha thì lúc ấy cha lo mua tràm biểu bổn đạo đóng cừ vừa rồi, lại mua súc vên vên mướn thợ cưa để liệt địa trên đầu cây cừ xong, kế ít lâu xảy ra một việc đáng buồn!

Số là cha Gia thọ bịnh đau nặng, nên cha Quờn phải lên xuống mà lo giúp cha cho đến ngày 12 tháng Mars 1920 thì cha Gia qua đời! xác cha táng tại đất thánh Lương-hoà.

Vậy từ ngày cha Gia qua đời rồi, thì cha Quờn phải lên xuống làm lễ ngày Chúa nhựt trọn năm tuần, cho đến ngày Đức cha định cha Quờn trở xuống giúp coi Lương-hoà (hạ) là ngày 14 Avril 1920.

V. - Trọn một ngày cha Tròn ở Giồng-Rùm đổi lên coi họ chánh sở Lương-hoà.

Cách ít lâu thì cha Tròn lo mua tre đóng cừ nối tiếp nền nhà thờ, lại nới thêm rộng và cha mua vôi, cát, đá, mướn thợ xây nền, cùng đặt người chở đất đắp nền nhà thờ, vừa xong là lối năm 1921; vậy số làm ấy, lớp cha ra tiền bạc, lớp cha khuyên bổn đạo một ít, lớp cha xuất tiền nhà chung, lại khi đó cũng có cha Lộc (Guéguend) phụ giúp nữa. Cùng lúc ấy cha tính Quới chức đặt Lái Tây-ninh bè cây chò-chỉ; kế ít lâu cha Xuân sẵn lòng lo phụ giúp về việc cây cha chọn tốt hơn, nên cho biểu hồi lái Tây-ninh; Hay đâu mấy năm ấy cha phải sự rủi ro chẳng thành như ý cha sở nguyện.

Khi cha Quờn giúp họ Lương-hoà (hạ) kế ít lâu Đức cha định cha lo mướn thợ hạ triệt nhà thờ cũ lúc hư yên xong, cha biểu thợ lấy cây nhà thờ cũ lọc lại nối thêm hai ba căn liên tiếp nơi nhà trường cất kế mé sông bên nhà cha sở đó, và lấy ngói cũ lợp lại nhà trường, để làm nhà thờ tạm, và dọn dẹp sắp đặt an bài.

Đến năm 1922-1923 cha đổi đi coi họ Mỷ-hội, kế cha Diên về giúp họ Lương-hòa (hạ). Đến năm 1923-1924 cha Tròn ra tiền bạc mua cây mướn thợ làm một nhà trường năm căn hai chái, trên đóng mành mành, dưới đóng ván tấp; song năm ấy cha phải sự rủi ro lại thêm đều bất tiện; nên ít lâu cha tính rằng: Nhà thờ tạm mé bên nhà phước đã hư; vậy cha lo mua cây mướn thợ nối thêm nhà trường năm căn cho ra rộng rãi để làm nhà thờ tạm.

Còn nền nhà thờ lớn đã xây rồi giam đó; để nhượng cây làm nhà thờ Lương-hoà (hạ).

Khi cha làm nhà thờ tạm lại rồi, cha ra tiền bạc mua một tượng ảnh Trái Tim lớn, và một tượng Đức Bà, với một tượng ảnh thánh Giuse, và hai ông Thiên thần, bây giờ để chầu Chúa trên bàn thờ chánh, lại mười bốn chặng đàng, và mấy lá cờ treo có hình, lại 8 cái đèn treo. Còn tám Kiều dâng một bộ hài đồng lớn.

Kế ít lâu cha tính quới chức khuyên bổn đạo lấy lòng rộng rãi ra tiền bạc cha mua cây ván mướn thợ đóng ghế dài cho bổn đạo tiện bề xem lễ.

Số bổn đạo họ Lương-hoà rày đã thêm người giáo hữu sở trên đặng 1500 người; sở dưới đặng 1050 người.

Vậy họ Lương-hoà mới đây lại đặng gặp sự may: Số là năm 1927 cha Phan lấy lòng rộng rãi thương xót cho một cái chuông thuộc về nhà thờ trên; còn Bà năm Tuy là em cha, ở họ Cầu-kho, Bà lấy lòng rộng rãi thương giúp cho một cái chuông thuộc về nhà thờ dưới; hai cái chuông để tiếng kêu động trời mà nhắc lòng con nhà giáo hữu.

Khi cha Diên về giúp họ Lương-hoà (hạ) thì cha lo trồng mía mà bán; lớp cha làm lò đường cho có huê lợi làm nhà thờ, song mấy năm ấy sự mua bán chẳng đặng thạnh mấy nhưng mà cha cũng nông sức lo và thối thúc quới chức, bổn đạo, ân cần lo lắng với cha, từ hôm tháng Janvier 1926 khởi sự nhứt định lo làm nhà thờ.

Lúc ấy cha đã tính với quới chức sang cây nhà thờ trên đem về cùng lo đóng cừ xây nền xong, cha giam nghỉ ít lâu.

Vậy đã bước qua năm 1928 thì cha lo tấn tới dựng nhà thờ xây gạch phong tô, mặt tiền nhà thờ rất tốt; cha Đạt vẽ kiểu và coi phụ giúp với cha.

Đến năm 1929 Đức cha định cha Tròn đổi coi họ Lái-thiêu.

VI. - Vậy ngày 30 Juillet cha Luật ở Phước-khánh đổi về coi chánh sở họ Lương-hoà.

Khi cha ở yên rồi thì cha đi viếng họ, cũng khuyên lơn trong họ lo về việc làm nhà thờ lớn, vì cái nền làm đã lâu.

Đến ngày Chúa nhựt mùng 8 Septembre cha xin nhóm đại hội mà khuyến tiền bạc cùng đọc tờ cổ động thúc giục giáo hữu lo ân cần hiệp ý với cha cho đặng làm nên việc.

Vậy ngày mùng 3 Novembre 1929 thì cha lo mua cây cột chò, và các thứ cây, cùng gạch, cát, đá mua sẵn rồi...

Còn cha André Diên đã làm nhà thờ Lương-hoà (hạ) vừa yên kế cha đổi đi coi họ Tân-qui; ngày 25 Mars 1930 thì cha lìa họ.

Kế Đức cha định cha Giude Khánh ở nhà trường Latinh đổi về thế giúp họ Lương-hoà (hạ) là ngày 28 Mars 1930.

Chung.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1930