ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Con đẻ ra cha, cháu đẻ ra ông!

 Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu sống khôn thác thiêng, cụ thử ghé về dương gian đọc người ta bây giờ viết về cụ: "Nhà văn nổi tiếng tại Nam Bộ", ắt cụ phải giật mình. "Bây viết Nam Bộ là cái giống gì? Thuở sanh tiền, ta chớ hề nghe nói tới chữ đó. Nó ... nằm ở đâu?".

&1&
Phải nói về danh xưng "ba miền" cho có đầu có đũa cái đã. Gọi ba miền Bắc, Trung, Nam là từ hồi nào? Thì từ lúc có ... ba miền chớ chi!
Có nghĩa là hồi thời vua Lê Thánh Tôn nước Việt mới tới đèo Cả (giữa Phú Yên với Khánh Hòa) nên không có "ba miền". Đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh, tuy Đàng Trong mở rộng đến Cà Mau nhưng hùng cứ một cõi, không ăn nhập với Đàng Ngoài, thành thử cũng không thành "ba miền".

Chỉ sau khi vua Gia Long thống nhứt sơn hà thì lãnh thổ chữ S mới xôm tụ, đề huề bắc / trung / nam.

1808, vua Gia Long định lại bờ cõi mà phân địa giới khu vực: ngoài khu vực kinh thành ở miền trung, chia làm hai miền bắc nam: khu vực phía bắc gọi là "Bắc Thành", khu vực phía Nam gọi là "Gia Định Thành" (không gọi Nam thành) bao trùm toàn miền nam gồm 5 trấn (Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh, An Giang).

2/ Đến cột mốc "1832" mới thực đáng chú ý hơn.
* Chú ý thứ nhứt: Vua Minh Mạng phân ranh địa giới thành các TỈNH, và khái niệm "tỉnh" được xài cho đến hiện nay (không còn xài cách gọi "đạo", "dinh", "trấn"... của bao nhiêu đời xửa xưa gì ráo trọi)! Suốt 188 năm (tính cho đến năm 2020), địa giới mỗi tỉnh mỗi thời - dĩ nhiên - có thay đổi (nhập vào, tách ra, đổi tên gọi búa xua).

* Chú ý thứ nhì: Dưới thời vua Minh Mạng xuất hiện cách gọi ba miền là Bắc Kỳ, Trung Kỳ (hồi đó gọi tỉ mỉ hơn: Hữu Kỳ, Trực Kỳ nằm nơi kinh đô, và Tả Kỳ - gộp chung là "Trung Kỳ"), và Nam Kỳ (toàn miền nam gồm 6 tỉnh, nên bà con quen gọi "Nam Kỳ Lục tỉnh": Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên).

3/ Sử sách rõ rành như vậy, nhưng chẳng hiểu từ đâu nảy nòi lối viết bừa phứa. Tỉ như: "cách gọi Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ xuất hiện dưới thời Pháp thuộc", "cách gọi này mang dấu ấn thuộc địa"... nhằm gây ngộ nhận & ác cảm xung quanh cách gọi "ba Kỳ".

Tây vào VN, họ định danh ba miền bằng tiếng Tây "Tonkin", "Annam", "Cochinchine", làm gì có miếng tiếng Việt nào ở trỏng, hả?
Trong khi đó, người Việt vẫn thủy chung mà giữ cách gọi chính thức của tiền nhân - bằng tiếng Việt rành rành là "Bắc Kỳ", "Trung Kỳ", "Nam Kỳ".

Viết sử sai bét như trên, của ông bà mình đem gán cho tây, cầm bằng giết sử! Giết kiểu sau đây còn ghê hơn nữa: "vua Bảo Đại vào tháng 3/1945 đổi sang gọi Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ vì gọi Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ mang tính chất kỳ thị vùng miền" (?).

4/ Cách gọi Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ là do tiền nhân triều Nguyễn đặt ra, nói vua Bảo Đại "bỏ đi vì nó mang tính kỳ thị vùng miền" có khác nào vua Bảo Đại chửi tông tổ? Cái này gọi là "gắp lửa bỏ tay người"!

Theo hồi ký của cụ Trần Trọng Kim, vua Bảo Đại vào tháng 3/1945 có đổi sang gọi "Bộ" thay vì "Kỳ", nhưng không phải với lý do của giới "giết sử" bịa ra.
Nhựt Bổn sau khi đảo chính Pháp, cầm trịch, và nghe nói thống sứ Nhựt Nashimura là người đổi CÁCH GỌI TRUYỀN THỐNG "Kỳ (Bắc, Trung, Nam)" của người Việt sang cách gọi "Bộ (Bắc, Trung, Nam)" hết ráo.

Người Nhựt, về sau, chấp thuận cho vua Bảo Đại lập chánh phủ riêng của người VN (tức chánh phủ Trần Trọng Kim). Chánh phủ của vua Bảo Đại vuốt mặt cũng phải nể mũi, không đổi "Bộ" trở lại thành "Kỳ", trong khi đó dồn công sức thực hiện một số cải cách, chẳng hạn, trong giáo dục...
Chánh phủ này chỉ hiện hữu mấy tháng ngắn ngủi, rồi dứt.

Nhà nước VNDCCH, sau đó, sử dụng cách gọi "Bộ", nghe riết tới nay.

5/ Nghe riết đến mức nhiều người tưởng "Nam Bộ" là cách gọi ... có từ thuở mở cõi miền Nam. Tưởng vậy là tưởng bở.
Hai chữ "Nam Bộ" - nhắc cho nhớ - chỉ xuất hiện được vài chục năm thôi giữa dòng lịch sử hơn ba trăm năm của đất phương Nam (với nhiều tên gọi về vùng đất này, trong đó danh xưng "Nam Kỳ lục tỉnh" có tuổi đời cách đây 188 năm, gần hai thế kỷ).

Bởi vậy, không thể viết: "Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn nổi tiếng tại Nam Bộ". Viết cho đàng hoàng, cho tử tế, nên là: "NĐC là nhà văn nổi tiếng tại Nam Kỳ lục tỉnh" (rồi chú thích "nay gọi là Nam Bộ"). Bởi cụ đồ Chiểu tạ thế năm 1888, bấy giờ là Nam Kỳ, mãi 57 năm sau mới nảy nòi ra cái tên gọi "Nam Bộ"!

Lấy cách gọi của giới cầm quyền đời sau trùm lên đầu cách gọi của tiền nhân, có khác nào "con đẻ ra cha, cháu đẻ ra ông"!


Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Hà Nội thủ đô cả nước Việt Nam, thực ra, mới được 45 năm. Thăng Long: Kinh đô cả nước Đại Việt, thực ra, chưa đầy 600 năm.

 HÀ NỘI: THỦ ĐÔ CẢ NƯỚC VN HÌNH CHỮ S, THỰC RA, MỚI ĐƯỢC 45 NĂM

THĂNG LONG: KINH ĐÔ CẢ NƯỚC ĐẠI VIỆT, THỰC RA, CHƯA ĐẦY 600 NĂM

Đây không phải rảnh hơi đi so đo ít nhiều năm. Mà lịch sử nếu nhìn cho kỹ, kỹ được chút nào tốt chút đó, lại giúp rút ra nhận định HỮU ÍCH CHO sự đầu tư "trúng khía" khi nhìn về TƯƠNG LAI chung của quê hương chúng ta...
&1&
Quí bạn chú ý: (a) đây đề cập thủ đô của CẢ NƯỚC - tức thủ đô của một nước Việt toàn vẹn (không đề cập những lúc là thủ đô của một phần nước Việt); và (b) phải thủ đắc được chủ quyền thực tế ("de facto")!
HÀ NỘI:
Vào năm 1832 đời vua Minh Mạng, nơi từng là kinh kỳ ở ngoài Bắc được đổi tên mới, gọi là "Hà Nội"
. Quí bạn chú ý, với danh xưng mới "Hà Nội", ngay từ đầu Hà Nội đã KHÔNG còn là kinh đô mà chỉ là trung tâm của phía Bắc thôi.

Kinh đô của cả nước Việt là Huế.
(Huế là kinh đô ĐẦU TIÊN của một nước Việt trải dài từ Móng Cái cho đến Cà Mau theo đường cong chữ S; và là kinh đô cả nước trong 82 năm, 1802-1884.
Sau năm 1884 thì không còn thủ đắc chủ quyền lãnh thổ toàn vẹn vì Pháp đã xâm chiếm...)

* Trong giai đoạn ngắn, từ tháng 9/1945 đến cuối tháng 12/1946, thực thể chánh trị VNDCCH (VN dân chủ cộng hòa) tuy có mặt tại Hà Nội NHƯNG thực tế là không thủ đắc được chủ quyền toàn vẹn!
Là bởi vì, theo Hiệp ước Postdam, khối Đồng Minh (Mỹ, Anh, Soviet, Pháp, Trung Hoa...) được quyền cai quản ủy nhiệm đối với những quốc gia là thuộc địa của quân phiệt Nhựt Bổn, và phân công cai quản ủy nhiệm trong một thời gian để dàn xếp với giới chính khách bản địa trong tiến trình đi tới trao trả độc lập...
Nói cách khác, Đồng Minh được phép thủ đắc CHỦ QUYỀN (tạm thời) trên lãnh thổ quốc gia mà họ vào tiếp quản.

(vào cuối năm 1946, thực thể VNDCCH phải rời khỏi Hà Nội, rút vào căn cứ địa để thực hiện giải pháp võ trang quân sự)

* Từ năm 1954 đến 1975, Hà Nội là thủ đô trên thực tế của phân nửa nước VN thôi (là thủ đô của miền Bắc trong thể chế VNDCCH; còn ở miền Nam theo thể chế VN Cộng hòa).

* Chỉ từ sau năm 1975 cho tới nay (2020), Hà Nội mới trở thành thủ đô trên thực tế (de facto) của cả nước VN.

(Như vậy, Huế trở thành kinh đô cả nước VN được 82 năm; còn Hà Nội trở thành thủ đô chung của nước VN đang ở "cột mốc" 45 năm)

&2&
THĂNG LONG / ĐÔNG KINH:
2a) Vào năm 1010, vua Lý Thái Tổ định đô & đặt tên cho chốn kinh đô là "Thăng Long"
昇龍. Đến năm 1400, khi nhà Hồ chấp chánh, kinh đô dời vào Thanh Hóa (sau đó, từ 1407 nước ta rơi vào ách đô hộ của giặc Minh phương Bắc).

Tính ra, từ 1010 đến 1400, Thăng Long là kinh đô nước Đại Việt được 390 năm.

2b) Lê Thái Tổ giành được chủ quyền đất nước sau khi đánh đuổi giặc Minh, và lập ra nhà Hậu Lê - từ năm 1428 (kinh đô Thăng Long được đổi tên là "Đông Kinh" 東京).

Và rồi xảy ra phân tranh Đàng Trong - Đàng Ngoài, khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng với mưu định tách khỏi sự khống chế của triều đình nhà Lê đóng ở Thăng Long (Đông Kinh). Thực sự hùng cứ một phương, là vào năm 1627 dưới đời Chúa Nguyễn Phước Nguyên (con của Chúa Tiên) khi nổ ra chiến tranh giữa hai Đàng, dứt dạt đường ai nấy đi.
Đàng Trong của Chúa Nguyễn đặt kinh đô tại Phú Xuân, định cõi mình ên.

Thành thử Thăng Long (Đông Kinh) từ năm 1627 trở đi chỉ còn là kinh đô Đàng Ngoài của vua Lê (chúa Trịnh).

Tính ra, từ năm 1428 (bắt đầu nhà Hậu Lê) cho đến năm 1627, Thăng Long (Đông Kinh) là kinh đô trên thực tế (de facto) của cả nước Việt được 199 năm.

Cả thảy, 2a+2b = 589 năm là thời gian mà Thăng Long thủ đắc vai trò kinh đô của toàn nước Đại Việt.
Cũng cần ghi chú: Đại Việt chỉ gồm miền Bắc và một phần miền Trung (nhỏ hơn nước Việt Nam sau này, gồm miền Bắc, toàn bộ miền Trung, và miền Nam).

&3&
Tôi nhớ hồi năm 2010, lúc đó chào mừng "Thăng Long (Hà Nội) 1000 năm kinh đô/thủ đô" (capital). Ghi vậy là ghi cho có "số đẹp" thôi, ghi đúng phải là "Cách đây 1000 năm Thăng Long được chọn làm kinh đô".
Thêm hai chữ "cách đây", chớ tổng toàn bộ thời gian nơi đây trở thành capital trong THỰC TẾ (de facto) CỦA CẢ NƯỚC thì, thực ra, không tới ngàn năm.

Như diễn giải ở phần trên, Thăng Long được 589 năm + Hà Nội đang là 45 năm.

* Có một dữ kiện lịch sử sau, để phải chú ý: Thăng Long đã đánh mất vai trò kinh đô thực tế CỦA CẢ NƯỚC từ năm 1627 cho đến lúc trở lại vai trò này (với tên gọi Hà Nội) vào năm 1975, khoảng cách lên đến 348 năm là rất dài, dài thăm thẳm!

Ta nói, kinh đô (thủ đô) theo lẽ thường là nơi thu hút tinh hoa cả nước, đủ các lãnh vực đổ về. Nhưng, Thăng Long (Hà Nội) suốt gần ba thế kỷ rưỡi không còn thủ đắc vai trò kinh đô (thủ đô) của cả nước; thành thử ưu thế thu hút tinh hoa đã bị phai lợt, bị mài mòn, bị đánh mất nhiều, rất nhiều.

Phải chăng do thời gian "ngủ đông" quá dài những ba thế kỷ rưỡi, mà Hà Nội trong 45 năm qua dù trở lại làm thủ đô, vẫn không tạo lập nổi sự thu hút tinh hoa (khi so với tpHCM)?

Hà Nội, dĩ nhiên, là trung tâm quyền lực chánh trị nhưng vai trò trung tâm về kinh tế, công nghệ giải trí, văn hóa... vẫn đang phải xếp sau tpHCM (tên gọi trước 1975 là "Sài Gòn") ./.


Nguồn:Nguyễn - Chương Mt

 

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

“Đàng Trong/ Đàng Ngoài”, vì sao gọi vậy?

* Xu thế phát triển của nước Việt để lại dấu ấn sâu đậm trong ngôn ngữ!

DẪN NHẬP: Ta nói: "lên", "xuống" là dựa vào tương quan độ cao với nhau, như "lên cao nguyên", "xuống đồng bằng"; rồi tỉ như từ Long An mà đi Sài Gòn thì gọi "lên Sài Gòn" (SG ở thế đất cao hơn), ngược lại thì gọi "xuống Long An". Đây là dữ kiện địa lý khách quan, rõ rành, dễ giải thích hết sức.
Cũng vậy, phương hướng Nam - Bắc - Đông - Tây là danh từ khách quan, thuần túy chỉ phương hướng; hoàn toàn không có tính chất "trong / ngoài" đem gắn với phương hướng địa lý gì ráo.

NHƯNG, từ lúc nào lại xuất hiện cách gọi "TRONG NAM" (đi vào/vô trong Nam), "NGOÀI BẮC" (đi ra ngoài Bắc)? Vì sao lại mặc định miền Nam là "trong" / còn miền Bắc là "ngoài"?
Kỳ thực, cách gọi này mang tính lịch sử thú vị hết sức, xuất hiện theo dòng lịch sử nước Việt.

1/ "ĐÀNG", NGHĨA LÀ GÌ?
"Trong / Ngoài" bao giờ cũng là "trong/ngoài" so với cái gì, "trong/ngoài" của cái gì. Ở đây, "trong/ngoài" của "ĐÀNG" (Đàng Trong, Đàng Ngoài). Ồ, "Đàng" nghĩa mần răng?

1a) Tôi thấy nhiều người tranh cãi như mổ bò, mỗi người mỗi phách giải nghĩa chữ "Đàng" khác nhau. Ủa, mắc giống gì lại "cãi" nhau? Làm như họ quên béng rằng, trong tiếng Việt có những chữ (word) mang cùng lúc nhiều nghĩa, chớ đâu phải chỉ mỗi một nghĩa, chớ đâu thể bị ép phải có một nghĩa mà thôi!

Tỉ dụ, "nhà" nghĩa là... căn nhà; nhưng "nhà Nguyễn" thì đâu phải là căn nhà nữa mà "nhà" ở đây mang nghĩa là "triều đại". Rồi, ông bạn giới thiệu bà xã của ổng: "đây là nhà tôi", tức "nhà" lại mang nghĩa là người phối ngẫu đó đa.
Vậy, để hiểu đúng nghĩa của "nhà" thì phải đặt trong ngữ cảnh, đặng hiểu "nhà" mang nghĩa nào mới đúng, mới thích hợp nhứt.

1b) "ĐÀNG", cũng vậy. Cũng lai rai nghĩa chớ không chỉ một.

* "Đàng" nghĩa là đường, con đường. Người dân miền Trung, miền Nam quen gọi "đường" là "đàng", tỉ như "lên đàng" tức "lên đường".

Trên Wikipedia, ghi "Đàng Trong" , "Đàng Ngoài" , cái chữ "Đàng" (đường) ở đây nghĩa là "lối đi trong đình viện". Vậy, Đàng Trong là... lối đi ở trong, Đàng Ngoài là lối đi ở ngoài. Ủa, đó là lối đi nào, là con đường nào mà khiến cho một vùng lãnh thổ nằm mé trong lối đi (Đàng Trong) còn lãnh thổ kia thì nằm mé ngoài lối đi (Đàng Ngoài)? Lối đi lên trời hay lối đi xuống biển?
Sách sử không thấy ghi.
Ta nói wikipedia chỉ là "tự điển mở", tham khảo sơ khởi thôi thì được, chớ tin vô thì có nước bán lúa giống.

* "Đàng" (đường) mà viết như ri , nghĩa là nơi chốn trang trọng để làm lễ, tế lễ; là chốn uy nghi, rực rỡ. Tỉ như "thiên đàng" ("thiên đường") 天堂.

Nhưng "Đàng Trong" / "Đàng Ngoài" chắc là không phải bên trong / bên ngoài của cái chốn tế lễ nào đó rồi đa! Chỗ nào mà tế lễ dữ vậy?

* "Đàng" là phía, chỉ phương hướng, tỉ như "đàng này", "đàng kia".
Vậy, Đàng Trong / Đàng Ngoài là... phía trong / phía ngoài. Ủa, phía trong / phía ngoài của cái gì?

* "Đàng" là vùng, khu vực. Tỉ như "Đàng Thổ". Quí bạn biết Đàng Thổ ở đâu không? Hồi chúa Nguyễn gả ái nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp, có yêu cầu vua Chân Lạp cho phép chúa Nguyễn được thu thuế ở vùng Sài Gòn (gọi theo tên bây giờ cho dễ hình dung), bấy giờ còn đang khai khẩn. "Đàng Thổ" là khu vực để thu thuế điền thổ.

Nếu áp dụng cách giải nghĩa "Đàng" là vùng/khu vực, vậy "Đàng Trong" / "Đàng Ngoài" là vùng trong, vùng ngoài. Ồ, trong và ngoài của ... vùng nào, chỗ mô? vùng trong, vùng ngoài của cái gì rứa?

* Như đã nói, một chữ trong tiếng Việt có thể có rất nhiều nghĩa. Dẫn giải ở trên cho thấy "Đàng" mang khá nhiều nghĩa, thành thử đừng lấy cái nghĩa này đem "bức tử" cái nghĩa kia, tội cho tiếng Việt lắm đa. Mà tùy ngữ cảnh để hiểu.

Vậy, "Đàng" - trong ĐÀNG TRONG / ĐÀNG NGOÀI - còn cái nghĩa gì nữa không?
Đáp rằng: Có.

1c) "Đàng" (đường) được viết như ri: , nghĩa là con đê, bờ đê, tỉ như đê sông 河塘, đê biển 海塘.
Đàng Trong
, Đàng Ngoài tức là phía bên trong con đê, phía bên ngoài con đê. Được gắn với lịch sử phân tranh giữa chúa Nguyễn với vua Lê chúa Trịnh!

Sau cuộc chiến đầu tiên (vào năm 1625), Chúa Nguyễn nhận được một kế sách phòng thủ do Đào Duy Từ dâng lên, theo đó đắp đê kiên cố tạo thành hệ thống lũy. Năm 1630 Đào Duy Từ khởi công xây đắp các lũy - lũy Trường Dục, lũy Nhật Lệ, lũy Trường Sa (đều thuộc tỉnh Quảng Bình), gọi chung là "Lũy Thầy".
Nhờ hệ thống Lũy Thầy này mà các đời Chúa Nguyễn chống lại cuộc xâm lấn từ phía Bắc một cách hữu hiệu, và an tâm định cõi / mở mang lãnh thổ xuôi về phương Nam cho tới Cà Mau trong suốt hơn một thế kỷ rưỡi!

Lãnh thổ nằm về phía trong Lũy Thầy, mạn Nam, từ đây được gọi là ĐÀNG TRONG; lãnh thổ nằm bên ngoài Lũy Thầy, ở mạn Bắc, gọi là ĐÀNG NGOÀI.

(Vậy nên, nhắc lại, trong wikipedia ghi "Đàng" "lối đi" thì không hợp lý cho bằng "Đàng" nghĩa là "bờ đê", gắn với dữ kiện lịch sử là xây đắp Lũy Thầy. Giữa hai ký tự này khác nghĩa nhưng viết gần giống nhau, thành thử dễ bị ... râu ông cắm cằm bà đó đa!)
----------------------------------------------------------------------------
Một số hình ảnh của Lũy Thầy còn sót lại tới hiện nay.





Con lợn của Epicure nghĩa là gì? Và chữ Epicure là tên của ai?

 ĐỘC GIẢ: Con lợn của Epicure nghĩa là gì? Và chữ Epicure là tên của ai?

AN CHI: Epicure là một triết gia người Hy Lạp, sinh tại Samos (có thuyết nói là Athènes) năm 341 tr.CN. Cha ông, Néaclès, là một nhà giáo. Nối nghiệp cha, năm 311 tr. CN ông mở trường dạy học ở Mytilène, trên đảo Lesbos. Năm 310 tr. CN, ông dời đến Lampsaque. Năm 306 tr. CN, ông đến Athènes. Tại đây ông đã tậu một khu vườn để mở trường. Do đó mà trường phái của Epicure đã được gọi là trường phái Vườn tược (tiếng Pháp: école du jardin). Ông mất năm 270 tr. CN, thọ 71 tuổi. Epicure đã từng viết đến 300 chuyện luận nhưng tất cả đều thất truyền, ngoại trừ một vài bức thư và một số câu trích dẫn.

Con lợn của Epicure – dịch tự tiếng Pháp pourceau d’Epicure – là một danh ngữ dùng để chỉ đồ đệ của chủ nghĩa khoái lạc, nói nôm na là kẻ đam mê tửu sắc. Sở dĩ có lối nói này là vì người đời, khởi đầu là người đồng thời với Epicure, đã cho rằng ông rao giảng sự tận hưởng niềm vui xác thịt và những khoái cảm do giác quan đem lại. Có kẻ như Timocrate còn nói vu rằng Epicure đã mửa một ngày hai lần vì ăn uống quá no say, lại còn kể rằng ông đã tiêu xài cả một kho báu cho mỗi bữa ăn. Thực tế thì lại khác hẳn.

Ngày nay các nhà nghiên cứu đã đánh giá đúng con người và tư tưởng của Epicure. Jean Brun chẳng hạn, nhấn mạnh rằng một người đã biết hài lòng với chỉ bánh mì và nước lã, đã viết thư bảo môn đệ gửi đến cho mình một hủ nhỏ phó-mát để “chè chén”, đã sống đạm bạc đến mức gần như khổ hạnh thì làm sao có thể rao giảng chủ nghĩa khoái lạc được(1).

Còn chính Epicure thì đã nói về học thuyết của mình như sau: “Khi chúng tôi nói rằng niềm khoái lạc là điều thiện tối thượng, chúng tôi không nghĩ đến những sự thỏa thuê liên quan đến sự hưởng thụ vật chất như một vài người đã nói vì họ không đồng ý với học thuyết của chúng tôi hoặc vì họ hiểu sai nó. Niềm khoái lạc mà chúng tôi nói đây liên quan đến sự bất tồn tại của nạn đau đớn thể xác và nỗi xáo động tâm hồn(2). Nói về vai trò của Epicure, J.Brun viết: “Đó là một con người đã từng chiêm nghiệm sâu sắc về sự suy đồi và về các dạng khác nhau của chứng cuồng loạn tập thể (…) Ông muốn chỉ rõ cho con người rằng vì họ là những kẻ tác tạo ra sự sụp đổ của bản thân cho nên họ phải có khả năng trở thành những người làm chủ vân mệnh của chính mình”(3).

 Cá nhân chúng tôi thì lại rất tâm dắc với câu sau đây của Epicure: “Tôi hởi lòng hởi dạ vì khoái cảm xác thịt khi tôi tự nuôi sống mình bằng bánh mì và nước lã”(4)

 


1. Xem L’epicurisme, Paris, 1974, p.27.

2. Dẫn theo J.Brun, sđd, , tr.94.

3. Sđd, tr.112.

4. Dẫn theo J.Brun, sđd, tr.95.

 Kiến thức ngày nay, số 112, ngày 1-7-1993

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

Chữ nghĩa gắn với lịch sử, và…thoát khỏi lịch sử

Ta nói, ngôn ngữ không phải là bộ môn toán học thực đúng răm rắp, nhiều lúc "kỳ cục" lắm đa. Mời đọc lai rai cho biết.

1) KOREA (SOUTH / NORTH KOREA): Bây giờ quí bạn đọc tiếng Anh ghi "South/North Korea" thì biết muốn nói xứ sở nào rồi. Mà... "Korea" nghĩa mần răng? "Korea" là phiên âm từ cách đọc của người xứ sở kim chi "Koryŏ" hoặc "Goryeo", thuở xưa được viết bằng Hán tự như ri: . Âm Việt của hai chữ này là: Cao Ly.

Tên gọi "Cao Ly" (Korea) là quốc danh của một vương quốc hồi nẳm (thế kỷ 10 đến thế kỷ 15).
Thời hiện đại, người dân ở bển còn đặt tên nước của họ là "Korea" (Cao Ly) không? KHÔNG.
Phía Nam đặt tên nước là "Dae-han"
; âm Việt của hai chữ Hán này là: "Đại Hàn", còn có cách gọi khác là "Hàn Quốc".
Phía Bắc gọi tên nước của họ là "Cho-sǒn"
; âm Việt của hai chữ Hán này là: "Triều Tiên".

Chúng ta, người VN, hiện nay đang gọi "Hàn Quốc" (Đại Hàn), "Triều Tiên", là rất đúng với tên nước do người bản địa ở bển đặt.
Nhưng, trong tiếng Anh thì vẫn "South / North Korea", nghĩa là "Nam / Bắc Cao Ly", không khớp với tên quốc gia hiện nay của người ta gì ráo trọi! Kêu bằng là... thoát khỏi lịch sử luôn, không tương ứng với thời điểm lịch sử, lấy tên đời xưa đem gọi cho đời nay.

Có sao không? Thì đó... không sao hết trơn! Người Hàn gọi tên nước đời nay của họ một đàng, quốc tế gọi một nẻo. Và người Hàn cũng không sân si trước quốc danh (tên nước) của họ nhưng quốc tế gọi trật chìa, khỏi giận làm chi cho khỏe.

Tuy rằng gọi không khớp, NHƯNG "South Korea" / "North Korea" thì cũng vẫn biết vị trí quốc gia đó rõ rành nằm ở đâu. Vậy là ôkê!

Ngôn ngữ được phép "co giãn", kỳ khôi vậy đó.

* Bèn nói qua chuyện nước DO THÁI:
Nhiều bạn cắc cớ hỏi: "Israel", sao gọi thành "Do Thái"? Kỳ thực, danh xưng "Do Thái" đã rất quen thuộc từ lâu, lâu lắm, và vẫn còn những mối liên hệ cho tới hiện nay.

Thuở xưa, nơi vùng Tiểu Á-Trung Đông, đã từng hiện hữu một vương quốc xưng danh là "Kingdom of Judah". Cái chữ "Judah" khi chuyển ngữ bằng Hán tự - nên nhớ: nước Việt chúng ta chỉ mới thông dụng chữ Quốc ngữ vào vài thập niên đầu thế kỷ 20 mà thôi, trước đó là mượn chữ Hán để làm văn tự trong triều chính, trong học thuật, ghi chép.v.v... - thì ghi như sau: Judah => . Âm Việt của hai chữ này đọc là: "Do Thái".

Vậy đó, tên gọi "Do Thái" là từ chữ "Judah" chớ không phải từ chữ "Israel" (chuyển âm Viêt-Hán nghe chơi, "Israel" sẽ thành "Dĩ Sắc Liệt").
Nhưng, như nói ở phần trên: "Korea", tên xưa vẫn được dùng mà còn dùng lấn lướt luôn mới ghê - trong cách gọi của quốc tế.
Cũng vậy, gọi "nước Do Thái" là cách gọi quen thuộc lắm đối với người VN trong nhiều thập niên...
Chưa kể tên gọi của tôn giáo mà đa số người dân xứ bển đều tin theo, là: "Judaism" (gốc từ chữ "Judah": "Do Thái"), tức "Do Thái giáo" - chớ người ta không sửa thành "Israeli religion".

Tôi ưng gọi "nước Do Thái" cho nhứt quán, rập ràng với "Do Thái giáo". Bởi vì, nói vậy chớ, có không ít người bây giờ chỉ nghe quen "quốc gia Israel" - rồi tới chừng nghe "Do Thái giáo" thì không biết "Do Thái" là xứ mô, nằm chỗ nào trên bản đồ.

3) Nói chuyện gần hơn nữa, nước CAO MIÊN:
Tôi đọc thấy ở một vài văn bản giải thích rằng không gọi "Cao Miên" vì có tính chất miệt thị. Hả? Không hiểu gì về lịch sử, về ngôn ngữ mà phán bừa, chỉ đạo bậy.

Theo dòng lịch sử của quốc gia láng giềng Tây Nam, hiện nay là "Kingdom of Cambodia", họ đã từng gọi tên nước (ghi tiếng Anh cho dễ so sánh) là "Khmer Empire". Đó là một đế quốc vô cùng rộng lớn, từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 15, trùm lên phần lớn nước Lào, Miến Điện, rồi choàng qua Thái Lan... Trong sử sách nước ta ghi " ", nghĩa là "Cao Miên đế quốc". Danh xưng "Khmer", chuyển âm tiếng Việt là "Cao Miên" đó đa!

Tức "Cao Miên" là một danh xưng đầy hãnh diện của ngưòi dân ở bển (chớ miệt thị gì ở trỏng, bắt chán cho mấy ông chỉ đạo bậy, phán bừa theo cảm tính bề nổi!).

Cho đến hiện nay, người dân bển họ vẫn xưng danh là "người Khmer" (tức "người Cao Miên", người Miên).

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

"Tuần" là gì?

Nhân tôi vừa mới trải qua sinh nhựt, có bạn nói tôi "sáu bó", rồi có em inbox hỏi "ngày xưa chúc thọ lục tuần" là răng? Lai rai cái chữ chút đỉnh chơi.

Tuần, theo dương lịch hiện giờ, có 7 ngày; vậy, lục tuần là... 6x7=42 ngày chớ nhiêu mà thọ cái giống gì. 42 ngày tuổi còn bú vú mẹ chùn chụt.

Tuần , theo âm lịch đời xưa, có 10 ngày; một tháng (âm lịch) có ba tuần (thượng tuần 上旬, trung tuần 中旬, hạ tuần 下旬). Ủa, vậy thì 6x10=60 ngày, cũng mới có hai tháng tuổi, cũng còn bú vú mẹ chùn chụt, sao gọi là "mừng thọ"?

Là bởi vì dựa theo một truyền thuyết, kể vắn tắt thôi: hồi xưa có người lạc lên cõi tiên, đi du ngoạn du hí du ... đủ thứ ở trển ba tuần trăng (ba mươi ngày), tới chừng về lại trần gian thì giựt mình. Bạn bè cùng tuổi ngày xưa giờ già khú đế hết trơn.
Té ra một ngày trên cõi tiên bằng một năm dưới trần thế. Một tuần ở trển (tuần trăng: 10 ngày) bằng mười năm dưới trần thế.

Lục tuần là 60 ngày, mà ngày ở cõi tiên, tính ra là 60 năm dưới trần.
Ông bà mình ngày xưa nói năng lịch sự lắm đa. Kêu "mừng 60 năm" thì không gì đặc biệt, thuần túy số học khô khan. Nhưng kêu "mừng lục tuần" là ngụ ý chúc mừng được sống trên cõi tiên, được hưởng phước tiên!

Vậy đó. Bây giờ sống trong thiên đường xã hội chủ nghĩa tại VN, thành thử phước tiên hết ráo. Con nít mười tuổi ở vùng cao đi học bằng cách đu dây qua sông, rủi đứt dây, qua đời thì... hưởng phước "nhứt tuần" đó đa.

* TUẦN : đi xem xét (tuần tra/tuần hành )
* TUẦN
: hết một vòng, hết một lượt; như "tuần trà", "tuần rượu" : (nhất tuần: uống hết lượt thứ nhất)

Vài dòng trên viết lai rai (chớ còn nhiều "tuần" mang nghĩa khác nữa).

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

"Lục tuần", vì sao trở nên đặc biệt?

Bữa hổm tôi đưa lên fb giải nghĩa chữ "tuần" , trong âm lịch, là "10 ngày", và nghĩa bóng là "10 năm" (dựa theo một điển tích xưa), thành thử chúc thọ "lục tuần" là chúc thọ "60 năm".

Âm lịch dựa theo thập can 十干 và thập nhị chi 十二支, để đặt tên gọi cho năm. Tỉ như năm 2020 này là năm Canh Tý (Canh thuộc "thập can", Tý thuộc "thập nhị chi"). Và, quí bạn ắt đã biết, phải 60 năm sau thì mới lặp lại đúng Can Chi y hệt, tỉ như 2020 là năm Canh Tý thì phải tới năm 2080 mới trở lại năm Canh Tý.

Một đời người giỏi lắm chỉ được 1 lần lặp lại đúng Can Chi y hệt năm ra đời, tức bạn được 60 tuổi: đi tròn một vòng chu kỳ "hoa giáp" 花甲. Có người chưa tới 60 tuổi thì đã chuyển hộ khẩu qua cõi âm rồi, tức chưa được một "hoa giáp". Và cũng chẳng có ai sống đến 120 tuổi để được... lặp 2 lần "hoa giáp" hết trơn.

Thành thử hồi xưa, khi một người thọ 60 tuổi, "lục tuần" thì tổ chức một nghi lễ ăn mừng đặc biệt gọi là "lễ ĐÁO TUẾ" , tức "trở lại Can Chi của năm sinh ra đời".
Đời người giỏi lắm chỉ được 1 lần ĐÁO TUẾ mà thôi, chớ hiếm có ai sống thọ tới 120 tuổi để được hai lần "đáo tuế". Và... nhiều người chưa được 1 lần "đáo tuế" thì đã thác về thế giới bên kia rồi.

Sống thọ 70 tuổi gọi là "thất tuần", 80 tuổi là "bát tuần", 90 tuổi là "cửu tuần"...; nhưng không còn gọi là "đáo tuế", chỉ ĐÁO TUẾ vào năm 60 tuổi (lục tuần) mà thôi.
Thời xưa, sống 50 tuổi cũng đã gọi là già, được mừng thọ "ngũ tuần".

Nhưng, nhắc lại, bởi thọ 60 tuổi thì có lễ ĐÁO TUẾ nên "lục tuần" trở thành một ấn tượng khó phai là vậy đó đa!

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Hiện tượng giao thoa ngôn ngữ & văn hóa rất dặc biệt: Gọi "thứ Hai", "thứ Ba", "thứ Tư"..., sao không thấy "thứ Nhứt (nhất)"? Gọi "CHỦ nhựt (nhật)" hay gọi "CHÚA nhựt (nhật) (*)"?

 1/ Trong ngôn ngữ phương Tây như tiếng Anh, tiếng Pháp, rồi tiếng Nhựt ở Đông Á họ gọi tên cho các ngày trong tuần như sau:

Monday (Anh) / lundi (Pháp) / Getsu-yō-bi (Nhựt Bổn) tức "Nguyệt diệu nhựt": ngày Mặt Trăng;
Tuesday / mardi / Ka-yō-bi: ngày sao Hỏa;
Wednesday / mercredi / Sui-yō-bi: ngày sao Thủy;
Thursday / jeudi / Moku-yō-bi: ngày sao Mộc;
Friday / vendredi / Kin-yō-bi: ngày sao Kim;
Saturday / samedi / Do-yō-bi: ngày sao Thổ;
Sunday / dimanche / Nichi-yō-bi: ngày Mặt Trời.

Không chỉ Anh, Pháp mà cả Ý, Tây Ban Nha, Đức...- các nước phương Tây, và kể luôn Nhựt Bổn đều dùng tên gọi của các thiên thể để đặt tên cho các ngày trong tuần (gắn liền với các sự tích thần thoại bên phương Tây; stt này không đề cập những sự tích cũng như vì sao Nhựt Bổn lại gọi y như phương Tây).
Không nước nào dùng số thứ tự để gọi các ngày trong tuần, như người Việt chúng ta.

2/ Từ đâu mà người Việt lại dùng số thứ tự để gọi - thứ Hai, thứ Ba,..., thứ Bảy?
2a) "Tuần gồm 7 ngày" là sự sắp đặt thời gian theo dương lịch. Trước kia, khi người Việt chưa biết đến dương lịch mà chỉ dùng âm lịch thì "tuần"
có nghĩa là 10 ngày - trong một tháng 30 ngày chia ra "thượng tuần", "trung tuần", "hạ tuần".
Người Việt biết đến dương lịch của phương Tây, lúc nào? Đó là vào đầu thế kỷ 17, khi các tu sĩ Dòng Tên đến Đàng Trong để truyền đạo Công giáo (sau đó, mở rộng địa hạt truyền giáo ra Đàng Ngoài). Ở đây, chúng ta cần hiểu cho tỏ một vài dữ kiện lịch sử, để đừng ngộ nhận ở mức sơ đẳng nữa:

* Trong suốt thời kỳ đầu của truyền giáo, nhứt là - xin nhấn mạnh - trong buổi bình minh của việc xây dựng chữ Quốc ngữ, đa số các tu sĩ là người Bồ Đào Nha, một số ít là người Ý đều thuộc Dòng Tên. Trong số đó, đặc biệt phải kể đến tu sĩ Francisco de Pina, ngài là người khởi tạo nên hệ thống ký âm tiếng Việt dựa trên bộ chữ Bồ Đào Nha (vì chữ Bồ Đào Nha có gốc từ hệ thống văn tự biểu âm Latinh, thành thử chúng ta quen nói là dựa trên bộ chữ cái Latinh).

* Linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ, 1591-1660) cũng thuộc Dòng Tên, ngài đã tiếp nhận công trình ký âm tiếng Việt của Francisco de Pina để hoàn thiện hơn. Lm Đắc Lộ biên soạn cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La" (VBL), ủa, tại sao ngài không soạn "tự điển Việt - Pháp - La"?
Bởi vì, xin chú ý, Lm Đắc Lộ đâu phải là công dân nước Pháp mà biểu ngài viết tiếng Pháp!
Quê quán của ngài là Avignon thuộc lãnh thổ của quốc gia bấy giờ mang tên "Stato della Chiesa" ("Quốc gia Giáo hội"), đâu phải là nước Pháp mà nói ngài là công dân Pháp? Avignon chỉ thuộc về nước Pháp vào năm 1791, tức sau khi Lm Đắc Lộ đã qua đời những 130 năm, hơn một thế kỷ về sau lận!

Thêm nữa, rất đáng chú ý, "ngôn ngữ phương Tây" thịnh nhứt ở nước Việt, trong thế kỷ 17, là tiếng Bồ Đào Nha (ngôn ngữ mẹ đẻ của đa số các giáo sĩ). Tiếng Pháp, người Pháp thì mãi về sau lận, họ mới có mặt trên nước Việt.

2b) Ngày đầu tuần "Monday" (tiếng Anh đang phổ dụng hiện nay cho tiện đối chiếu), trong tiếng Bồ là "segunda feira". Cứ vậy nối tiếp: "terça" (Tuesday), "quarta" (Wednesday), "quinta" (Thursday), "sexta" (Friday)... Mà quí bạn biết không, "segunda", "terça", "quarta", "quinta", "sexta"... có nghĩa là "thứ hai", "thứ ba", "thứ tư", "thứ năm", "thứ sáu"... đó đa!

Tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ duy nhứt ở phương Tây gọi tên ngày trong tuần THEO SỐ THỨ TỰ, không đặt tên theo các thiên thể / sự tích thần thoại (như Pháp, Tây Ban Nha, Anh...). Thành thử các giáo sĩ Dòng Tên (với sự cộng tác của những tín hữu Công giáo người Việt), vào thế kỷ 17, đã dịch nghĩa từ tiếng Bồ sang tiếng Việt mà gọi các ngày trong tuần cũng theo số thứ tự: thứ Hai (segunda), thứ Ba (terça), thứ Tư (quarta), thứ Năm (quinta), thứ Sáu (sexta), thứ Bảy (septima)!

[riêng thứ Bảy, ngoài chữ "septima" thì người Bồ còn dùng chữ "sábado" và "sábado" được dùng phổ biến hơn hẳn; "sábado" nghĩa là ngày sabbath, ngày thứ bảy theo lối nói của người Do Thái]

3/ Còn "ngày thứ nhứt (nhất)"? Cách gọi "Chúa nhựt" / "Chủ nhựt" từ đâu ra?
3a) Trong cuốn "Phép giảng tám ngày" (PGTN) và trong Tự điển VBL của Lm Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), có ghi: "ngày thứ nhứt" (dịch nghĩa "prima" trong tiếng Bồ), còn gọi là "ngày Dominh", ngày kế tiếp là "thứ Hai" (segunda)... Vào thời kỳ đầu định danh bằng tiếng Việt cho các ngày trong tuần theo dương lịch, CHƯA XUẤT HIỆN cách gọi "Chúa nhựt / Chủ nhựt".

"Ngày Dominh"? "Dominh" (có nơi ghi "Duminh") phiên âm từ tiếng Bồ "domingo", danh từ này lại có gốc từ tiếng Latinh "dominīcus" nghĩa là "ngày của Thượng Đế".
"Ngày Dominh" và "ngày thứ nhứt" là một, nhưng lối gọi "ngày Dominh" phổ biến hơn.

3b) Trong cuốn Tự điển của Lm Taberd, vào thế kỷ 19, không còn xuất hiện lối gọi "ngày Dominh" nữa mà thay vào đó là "ngày Chúa nhựt". Trong cuốn "Tiểu tự điển Pháp - Việt" của học giả Trương Vĩnh Ký, thế kỷ 19, ghi "Dimanche : ngày chúa nhựt".

Như vậy, "Chúa nhựt" là lối gọi có thể xuất hiện SAU thế kỷ 17 (nhưng chính xác vào lúc nào thì không rõ) và, dĩ nhiên, là TRƯỚC khi có Từ điển của Lm Taberd & Trương Vĩnh Ký trong thế kỷ 19 (từ điển ghi lại những gì đã xuất hiện trước đó trong ngôn ngữ).

Còn "Chủ nhựt"? Theo từ điển của Trương Vĩnh Ký, năm 1886, ông ghi: "dimanche: ngày chúa nhựt". Vậy, lối gọi "chủ nhựt" không thể xuất hiện trước năm 1886 cuối thế kỷ 19, mà xuất hiện vào thời điểm nào đó trong thế kỷ 20.

Tóm lại, để gọi tên cho "Sunday", trong tiếng Việt đã lần lượt trải qua các lối gọi theo dòng lịch sử: "ngày thứ nhứt" => "ngày Dominh" => "Chúa nhựt" => "Chủ nhựt".
Trong thực tế hiện nay lối gọi "Chúa nhựt" vẫn còn hiện diện, bên cạnh lối gọi "Chủ nhựt" (ngày càng phổ dụng hơn).

4/ "CHÚA", trong "Chúa nhựt", đây là hiện tượng bản địa hóa ngôn ngữ (chỉ có trong tiếng Việt)!

Từ việc phiên âm "ngày Dominh" (domingo), chuyển sang dịch đúng nghĩa là "ngày của Thượng Đế". Nhưng tại sao Thượng Đế, trong tiếng Việt, lại có cách gọi là "CHÚA" / "ngày của CHÚA" (Chúa nhựt)?

Kitô giáo bên Trung Hoa lẫn bên Nhựt Bổn, họ xưng tụng Đấng Tạo hóa bằng hai chữ: 天主 - tiếng Tàu đọc /tiān zhǔ/, tiếng Nhựt đọc /ten shu/, âm Việt của hai chữ này là "Thiên Chủ". Sao, Kitô giáo ở VN không gọi "Thiên Chủ" mà lại gọi thành "Thiên Chúa"?

Ở đây, cách gọi "Chúa" (trong "Thiên Chúa") cho thấy hiện tượng bản địa hóa ngôn ngữ hết sức đặc biệt, dựa theo dấu ấn lịch sử của nước Việt:

Thời kỳ các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến truyền giáo, nước Việt phân chia thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Nắm giữ quyền lực cao nhứt, được gọi là: "Chúa" . Ở Đàng Trong có chúa Nguyễn, còn Đàng Ngoài là chúa Trịnh (vua Lê chỉ có hư danh, không thực quyền).

Thành thử Đấng Tạo hóa, nắm giữ quyền bính cao nhứt khắp trời đất, được diễn giải trong tiếng Việt là: "Chúa (Trời)" (Thiên Chúa).
Nhắc lại: bên Nhựt, bên Tàu họ đều gọi "Thiên Chủ"
天主; NHƯNG cũng ký tự này, ở VN, "Chủ" được chuyển thành "Chúa", và chỉ ở VN mới có cách gọi là "Thiên Chúa" mà thôi.

Phiên âm "ngày Dominh" được chuyển nghĩa sang cách gọi "ngày của Chúa" (Chúa nhựt) là vì vậy.

Nhắc lại: cùng một ký tự , ở tiếng Việt có hai cách đọc: "chúa" / "chủ". Thành thử "Chúa nhựt" hay "Chủ nhựt" thì cũng cùng một cách viết (trong Hán tự): 主日.

THAY LỜI KẾT:
Nước Việt và nước Bồ xa xôi cách trở, một đàng ở Đông Nam Á còn một đàng ở tuốt Nam Âu, nhưng trên thế giới chỉ có 2 ngôn ngữ này - TIẾNG VIỆT và TIẾNG BỒ - là có sự gặp gỡ, giống nhau trong cách gọi:

* Tên các ngày trong tuần được đặt theo số thứ tự; đầu tuần làm việc là thứ Hai ("Segunda");
* Ngày thứ nhứt được gọi là "Chúa nhựt/Chủ nhựt" (tiếng Bồ "Domingo" mang nghĩa tương tự)
--------------------------------------------------------------------------------
Phụ chú: Tiếng Tàu có nhiều cách thức để gọi tên cho các ngày trong tuần; trong đó cũng có cách dùng số thứ tự để đặt tên. NHƯNG khác về cách thức đếm số: đầu tuần làm việc được gọi là "tinh kỳ nhứt" (ngày thứ nhứt), trong khi tiếng Việt & tiếng Bồ là "thứ Hai" (segunda); ngày cuối tuần gọi là "tinh kỳ lục" (ngày thứ sáu) trong khi tiếng Việt là "thứ Bảy".

Chúa nhựt (Chủ nhựt) trong tiếng Việt, bên tiếng Hoa gọi "Tinh kỳ thiên" (ngày của Trời).

(*): Nội dung stt trên được tham chiếu từ một khảo luận của Nguyễn Cung Thông (Melbourne, Úc)
------------------------------------------------

Nguồn: Nguyễn-Chương Mt

Hình ảnh một giáo đường tại Lisbon (Bồ Đào Nha), Nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn (Việt Nam)

 


Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Hạnh tích Cha Benoît Thuận

 HẠNH TÍCH CHA BENOÎT

(P.P HENRI DENIS CỐ THUẬN)

TỔ PHỤ:

DÒNG PHƯỚC SƠN, THỦ ĐỨC, GIA ĐỊNH.

DÒNG CHÂU SƠN NHO QUAN, NINH BÌNH.

DÒNG CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG, TUYÊN ĐỨC.

DÒNG PHƯỚC LÝ, NHƠN TRẠCH, BIÊN HOÀ.

Dilectus Deo et hominibus:

Cujus memoria in benedictione est

(Eccli. 45)

Một đấng Chúa yêu, người mến

Ai nhớ đến cũng đều ngợi khen.

 

Nihil obstat:

F.M. Bernard Mendiboure

Tu viện trưởng Thánh Mẫu Phước Sơn

Vĩnh Linh, Quảng Trị

Die 21 Martii 1943

 

Imprimatur

Franciscus Maria Lemasle

Vic . Apost. De Huế

Apud Huế, die 28 Junii 1943

  

Imrprimatur

F.X. Trần Thanh Khâm

Episc. Aux. et Vic. Gen

Saigon ngày 15-4-1968

 

TỰA

của Đức cha Hồ Ngọc Cẩn

Ai đọc đến hạnh tích Cha Benoît Tổ Phụ dòng Phước Sơn, thì tự nhiên nhớ lại lời thánh Bernardino, nói về thánh Giuse rằng: “Trong những ơn riêng Đức Chúa Trời quen ban cho loài hữu trí, thì thường có luật chung này: “là khi ơn Chúa muốn chọn ai để làm một việc gì riêng hay là để nên một bậc nào trọng, thì Chúa ban cho người ấy mọi ơn, không những cần cho người ấy được làm nên việc Chúa phó và ở xứng bậc Chúa chọn, lại làm cho người ấy được vẻ vang trong đại vị mình”!

Nay ta thấy nơi Cha Benoît cũng như thế: trước khi Người tra tay lập dòng và lập dòng cho người Việt Nam thì: “đã có những điều chiếu lộ ra nơi tính tình tư cách của Người, không những sau sẽ nên một thầy dòng đích đáng, lại là một thầy dòng để rèn đúc nên thầy dòng xứng người Việt Nam. Chúa đã ban cho người từ thuở bé những xu hướng cùng tính tình thích hợp với bậc tu trì. Thích nói về Chúa, thích đọc kinh cầu nguyện, tính vốn hay nói, lại cũng nói hay; nhưng cũng thích một sự làm thinh lẳng lặng. Tính hăng hái lại cũng hiên ngang, cái gì đã ước muốn thì cố sao cho được, ấy là một tư cách cần phải có mới làm nên việc vĩ đại. Đối với đức hãm mình chịu khó, thì cha Benoît càng đặc biệt: lại sự chịu khó hãm mình trong đồ ăn áo mặc ở nơi cha Benoît thì rất hoạ hiếm ở nơi người Âu Châu, nhưng đối với dân Việt Nam thì mới là thích hợp. Khi người toan lập một dòng khổ hạnh cho người Việt nam thì người quen nói rằng: “Đồ ăn áo mặc dòng khổ hạnh Trappe bên Tây thì sung sướng hơn nhà giầu bên Nam. Vậy nếu Việt Nam vào dòng Trappe theo luật phép bên Tây thì không còn gì là khổ hạnh. Cho nên phải có một dòng khổ hạnh riêng cho người Việt Nam mới đáng gọi là dòng khổ hạnh. Chúa đã ban cho người được chí khí, lại được một tì vị xứng với thực phẩm Việt Nam, để rèn đúc nên thầy dòng khổ hạnh Việt Nam.

Nhờ khuôn rất khôn khéo ấy, nên đã 25 năm nay, bởi hai nhà dòng Phước Sơn, Châu Sơn, đã rèn đúc nên nhiều thầy dòng bởi nòi giống Việt Nam, tu trì khổ hạnh xứng với người Việt Nam. Nay hai nhà ấy giống như hai nhánh bởi một cây đã trổ sinh hoa quả sum suê bởi một tổ phụ mà sinh ra con cái sum vầy, ắt ta phải mượn lời Thánh kinh mà cất tiếng lên rằng: “Trông xem dòng dõi phải hỏi đến tiền nhân mà ngợi khen vinh danh tổ phụ, Laudemus viros gloriosos et parentes nostros in generatione sua” (Eccl. 44,2) cho được ngợi khen vinh danh tổ phụ hai nhà dòng Phước Sơn, Châu Sơn thì không gì thích hợp bằng chép ra hạnh tích Người.

Ta trông rằng kẻ đọc hạnh tích này, dù ở bậc nào cũng động lòng mến đàng phúc đức và bắt chước được ít nhiều điều hay sự tốt.

 Mong thay!

Bùi chu, ngày 20 Juin 1943

Dominique Hồ Ngọc cẩn

Giám mục. [1]

Đức Thánh Cha Paulo VI Ban sắc chính thức lập Chi Dòng Thánh Gia 6-X-64

CÙNG ĐỘC GIẢ

Phương ngôn rằng: mẹ hát con khen. Trúng lắm! Mẹ hát dở con cũng khen, phương chi mẹ hát hay, con không khen, sao tròn chữ hiếu?

Viết cuốn hạnh tích Cha quí yêu tổ phụ chúng tôi, chắc không khỏi bị tiếng phẩm bình: mẹ hát con khen. Mặc dầu, đứng trên phê phán, với nét bút bình dân, ôm mối hy vọng đền đáp muôn một: “Công cha như núi Thái sơn” chúng tôi không ngại ký chép tập nhỏ này. Nó thoát thai bằng những kiến văn cảm tưởng phác hoạ bức chân dung tuy không hoàn bị, song đích thực của Đấng đã trải nắng gội mưa, hao tâm tổn tứ để tái sinh chúng tôi trong đời sống mới.

Không dám sánh mình với môn đệ Chúa đã dùng ngòi bút vô ngộ chép thánh sử Ngài, chúng tôi chỉ xin mượn lời thánh Gioan nói về Chúa Giêsu để áp dụng vào Đấng Tổ Phụ chúng tôi.

Ông thánh viết: “Những sự xảy ra từ kỳ thuỷ, ta đã tai nghe mắt thấy, đã nhận định rõ ràng, tay ta đã đá đến Lời hằng sống, tính hạnh Ngài đã biểu lộ, ta đã mục kích và minh chứng”[2].

Nay chúng tôi cũng có thể nói được: Những sự xảy ra ngay từ đầu tiên, thì nhiều người trong chúng tôi hiện còn bình sinh[3] đã tai nghe mắt thấy, đã nhận định rõ ràng, tay chúng tôi đã đá đến Đấng lấy Lời hằng sống Phúc Âm mà di dưỡng chúng tôi trót 15 xuân trường. Tính hạnh Ngài, cách Ngài hành vi cử chỉ, đã bày tỏ trước mắt chúng tôi. Kẻ ít người nhiều, ai cũng đã được nghe Cha lành thuật lại truyện cũ tích xưa, nên bây giờ chúng tôi chứng kiến.

Lại những chứng thơ quí hoá do các Đấng quen biết Ngài, hoặc cựu giáo sư, hoặc đồng nghiệp giáo sư hay cựu sinh viên của Ngài đã gửi đến chứng thực những điều các Đấng đã mục kích.

Hơn nữa, nhờ có 265 bức thơ Ngài đã viết cho ông cụ thân sinh và bà kế mẫu, hai ông bà còn giữ lại cả. Khi Ngài mệnh chung rồi, linh mục Golliot, Đấng đã nhận Ngài làm con thiêng liêng lại gửi các thư  ấy cho chúng tôi. Thật là những tài liệu quí báu giúp chúng tôi quá phần nửa trong công cuộc này.

Mấy lời thánh Gioan viết trên đây chưa hết ý, ông thánh còn nói thêm: “Sự ta đã mục kích và minh chứng cùng đưa tin cho anh em được sống đời đời nơi Đức Chúa Cha…vv... cho anh em được cùng ta bầu bạn, là bầu bạn cùng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Giêsu Kitô…. và ta viết các sự ấy để anh em được vui mừng”[4].

Những lời đó rất thích hợp, với nguyện vọng tha thiết của chúng tôi khi viết cuốn tiểu sử này là:

Chúng tôi nguyện ước cho cuốn hạnh tích Cha Benoît lọt vào tay anh chị em chưa Công giáo, để nhờ ơn Chúa cảm kích, anh chị em thấy tấm lòng Cha chúng tôi nhiệt liệt yêu thương mà qui thuận tòng giáo cho được “sống đời đời”.

Cùng anh chị em công giáo, ước chi mấy trang sách này đến với ơn thánh triệu thúc đẩy anh chị em vào tu các dòng nam nữ, để cùng “bầu bạn mật thiết với Chúa Kitô bạn Chí Thánh”.

Lời sau ông thánh kết rằng: “Ta viết cho anh chị em được vui mừng”. Cũng vậy, chúng tôi viết tập nhỏ mọn này không ngoài mục đích chia vui cùng chư tôn độc giả, nhất là với các quí vị ân nhân bản Dòng. Thấm thoát thoi đưa, nay đã vừa 50 xuân chẵn kể từ khi Cha Tổ phụ chúng tôi tra tay trồng cây cải nhiệm trên núi Phước (năm 1918-1968), rồi cha Bernard Tu Viện trưởng đệ thứ tỉa nhánh đem trồng ngoài Châu Sơn Núi Ngọc Bắc Việt năm 1936 đến 1951, nhánh thứ hai ở Phước Lý miền nam. Mà quí vị ân nhân chúng tôi chúng tôi các Ngài đã đóng vai vai những cụ Apollo mới, đầy lòng quảng đại, giơ tay ngọc tưới thứ nước mầu, nhờ ơn Chúa ban cây cội cây nhánh rườm rà đua nở, ngành là sum sê, chim trời ríu rít. Ngạn ngữ rằng: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” thế là vui. Mặc dầu thánh Phaolo nói: “tôi trồng, Apollo tưới, kẻ trồng kẻ tưới không kể là chi, mọi sự đều nhờ ơn Chúa ban cho cây phát triển[5].

Nhưng ông thánh lại tiếp ngay: “kẻ trồng kẻ tưới đều được công riêng tuỳ huân lao mình”[6].

Bởi đó chúng tôi viết ra hạnh tích Cha Tổ Phụ chi Dòng, trước là để tỏ tình đoàn con hiếu thảo, sau là cùng chia vui với các ngài, quí vị ân nhân, chứng tỏ tấm lòng chúng tôi ghi ân nhớ nghĩa.

Nguyện xin Chúa nhân lành trả công vô cùng ở trên trời cho các ngài vậy.

PHƯỚC SƠN

FF.M.E.

 

Đức Giáo Hoàng Benedicto XV ban sắc chuẩn y cho Đức Cha Lý lập Dòng Đức Bà Việt Nam trên núi Phước, 11-X-1918

Danh sách các cha, các thầy được diễm phúc sống với Cha Tổ Phụ, hiện còn sống, thuộc ba nhà:

Nhà PHƯỚC SƠN

Tên / Ngày vào dòng

Fm. MICHAEL Trần văn Biện 14-9-18

Fm. J. BAPTISTA Nguyễn Văn Toán 06-8-24

Fm. JOACHIM Nguyễn Văn Cẩn  6-1-25

Fm. HIERONYMUS Trần văn Năm 10-1-26

RRDD. EMMANUEL Chu Kim Tuyến  21-3-28

Fm. CAROLUS Lê văn Mẫn 7-6-28

Fm. JACOBUS Võ văn Mậu 26-1-29

Fm. HILARION Nguyễn Văn Lan 29-1-29

Fm. BARNABAS Lê văn Thạc 21-5-29

Fm. ALOYSIUS GONZAGA Lê vinh Diện 29-6-29

Fm. BRUNO Trần năng Thiện 8-9-29

RP. ALBERRICUS Trần văn Nhơn 21-6-32

Fm. ALBERTUS Nguyễn văn Liên 21-9-32

Fm. STEPHANUS HARDINGUS Nguyễn văn Ban 19-8-33

Nhà CHÂU SƠN (Bắc)

 Tên / ngày vào dòng

 Fm. PETRUS Nguyễn văn Hồng                       1924

RP. ROBERTUS Vũ xuân Trụ 1925

PLRP. PHILIPPUS Trần văn Năng                   1929

Nhà CHÂU SƠN (Nam)

Tên  / ngày vào dòng

 Fm. BARTHOLOMEUS Đinh Văn Khoá         1922

Fm. ANTONIUS Nguyễn văn Tấn                    1924

RP. BERCHMANS Nguyễn văn Thảo (vào Đệ tử 1931).

Nhà PHƯỚC LÝ

Tên / ngày vào dòng

RP. AUGUSTINUS Nguyễn văn Cựu 2-2-24

RRDD. STANISLAUS Trương đình Vang       8-9-24

Fm. VINCENTIUS Nguyễn văn Tình               25-12-24

Fm. PAULINUS Trần quốc Công                      19-3-30

Fm. PASCHALIS Võ Mạnh                              31-9-31

Fm. CLEMENS Trần văn Nhân                         19-8-33

Đức Cha Già Lý ban sắc chính thức lập Dòng Đức Bà Việt Nam ngày 21-III-1920

Cụ Lớn Quận Công Nguyễn Hữu Bài cho đất lập Dòng và mấy năm
 đầu mới sơ khai Quận Công tiếp tế nhiều

HẠNH TÍCH CHA BENOÎT

 Chia làm hai phần:

 Phần I: Từ khi cha Benoît sinh ra đến khi lập Dòng:  1880-1918.

 Phần II: Từ khi Ngài lập dòng đến khi qua đời: 1918-1933.

 Phụ thêm phần III: Từ khi qua đời đến bây giờ: 1933-1968.

PHẦN THỨ NHẤT

Từ khi cha Benoît sinh ra đến khi lập Dòng: 1880-1918.

CHƯƠNG I

 Gia đình Ông Bà Denis – Henri ra chào đời – Hai Ông Bà sốt sắng dạy con

Hồi năm 1870 ở bên Pháp, ở làng Vimille, xa thành Boulogne sur Mer chừng 7 cây số, có một gia đình hai vợ chồng son, nghèo túng phần xác, song phú túc phần hồn, ông chồng tên là Henri Cyrille Denis, bà vợ tên là Anne Marie Geffroy. Ơ đồng nội khó bề sinh sống, hai ông bà đem nhau lên tỉnh Boulogne thuê một căn nhà ở phố Chemin-Vert kiếm kế sinh nhai. Song ngặt vì vốn liếng không mấy, công nghệ cũng chẳng hay, nên phải xoay nghề làm bánh mì.

Trong các thành thị lớn phải có những lò bánh mì to, hằng ngày xe chở bánh đi các phố phát bánh biên sổ cuối tháng thâu tiền, song cũng không thiếu những hàng bánh nhỏ bán rong, con nhà thợ thuyền mua một vài cái với tiền mặt đề con nhà hàng có đồng ra đồng vào, như hàng bánh của ông bà Denis đây. – Con ăn đầy tớ không có, ông bà phải tay làm hàm nhai. Ông ở nhà thấu bột nướng bánh, bà xách bị bánh đi khắp phố bán rong. Ơn Chúa thương cho hằng ngày túc dụng. Lần hồ mua được chiếc xe độc mã, ông lại kiêm cả việc đánh xe đi bán bánh các vùng phụ cận.

Ông bà đẹp duyên cầm sắt đã lâu mà không con, đêm ngày những chay kiêng nài xin Chúa ban chút miêu duệ khi tóc hoa da mồi. Cầu được ước thấy ngày 17 tháng 08 năm 1880, bà Geffroy mãn nguyệt khai hoa, sinh cho ông Denis một trai dĩnh ngộ. Khi ấy hai ông bà vui mừng hết chỗ nói, khác nào Tổ Phụ Abraham và bà Sara vui khoái khi Chúa cho sinh được Isaac vậy.

Khỏi ít ngày ông bà đem con đến nhà thờ chịu phép thánh Tẩy, dâng con cho Chúa và đặt cho con thánh hiệu là Henri.

Trẻ Henri phải chăng là Isaac, Chúa chọn làm Tổ phụ dân riêng Người? Nên Chúa soi lòng cho cha mẹ sớm huấn luyện con những đức tính cần cho công việc Người sẽ uỷ thác. Bà Geffroy đạo đức sánh tầy bà Aleta thân mẫu thánh tổ Bênađô. Bà siêng năng dạy con đọc kinh cầu nguyện và ái mộ sự đọc kinh cầu nguyện. Như lời Henri viết trong tập nhật ký tôi có phước vì ngay từ thơ ấu đã được mẹ cho biết ham mộ sự đọc kinh cầu nguyện “Phúc đức tại mẫu là thế”!

Ông Denis không chịu thua lòng sốt sắng của bà. Dẫu hằng ngày phải thức khuya dậy sớm thấu bột đốt lò nướng bánh, mà kinh hạt ông không bao giờ bê trễ. Tinh mờ sáng ông gọi mẹ con dậy đọc kinh. Rồi bắt phải nín lặng ba giờ luôn để cầm trí nguyện gẫm (chính ngài kể lại).

Những khi đi đánh xe bán bánh chung quanh thành, phải qua một đồi nhỏ có đền thánh giá, ông thường dừng xe xuống, xuống quì cầu nguyện lâu. Khi Henri lên năm sáu tuổi, có lần ông cũng đem theo để tập quì cầu nguyện trước tượng Thánh Giá.

Ông đọc kinh nhiều mà làm việc cũng hung, làm việc đến quên ăn quên ngủ (thư 43) quên lo cho mình (47). Ông thường nói với vợ con: “làm hàng bánh thì có việc luôn, khi việc này lúc việc nọ (thư 169). Song không phải ông ham tiềm mà tham việc, ông chỉ nhằm vào mục đích duy nhất là thi hành luật Chúa: phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có bánh ăn! Ông cũng làm việc để cứu trợ phần nào những nỗi thống khổ nhân loại. Nhiều lần ông sai Henri đem của làm phúc bố thí, cốt tập cho con biết thương đồng loại và khinh chê bạc tiền (thư 58).

CHƯƠNG II

Henri đi học – Có lòng mến mẹ – Bà Geffroy qua đời – Ông Denis tái hôn – Tích người Do Thái – Ông Denis đem trẻ Henri về quê.

Trẻ Henri cứ hấp thụ luồng không khí êm đềm đạo đức ấy mà lớn lên trên gối mẹ, đến chừng sáu bẩy tuổi thì cha mẹ cho vào trường các Sư huynh La-san. Trí khôn sắc sảo, tính khí lanh lợi, Henri lại ngoan nguỳ đạo đức, các thầy không ai không đem lòng mến thương. Henri tiêm nhiễm trí ý thầy dòng từ ấy. Thấy các vị giáo sư khen con thông minh đạo hạnh, bà Geffroy càng yêu mến lo lắng cho con, ngày ngày đi bán bánh trưa tối ghé nhà trường dắt con về.

Phần Henri yêu mến mẹ chí thiết, hễ đi học về là cứ quấn quít bên mẹ, lúc đọc sách, lúc kể truyện hoặc khoe bài vở được điểm tốt cho mẹ xem. Nhà ông bà Denis thuê có hai tầng, ông bắt Henri ở tầng trên yên ắng tiện bề đèn sách. Ban đêm có chuyện chi thì kéo dây chuông cho mẹ lên. Henri lấy làm cực vì phải xa mẹ ban đêm nên hay lập kế gọi mẹ, khi thì kêu đau răng đau bụng, lúc lại van nhức đầu sổ mũi, sao cho mẹ ở với mình là được. Nhưng Henri hay sợ cha, vì ông Henri dầu rất thương con song ít nói, bộ tịch lại nghiêm trang, sống cuộc đời nội tâm luôn với Chúa. Ông lại hay tập cho con nên can đảm, có lần ở tầng trên ông cầm hai tay con giơ ra mà bảo: “yên, giẫy thì thả xuống!” (chính ngài thuật lại).

Henri với cội thung huyên sống đời ấm cúng, yêu nhau nồng hậu. Ai ngờ thế sự đổi thay, hoa kia mới nở mà nay đã tàn! Hân hoan ví chẳng tày gang, biển dương phẳng lặng đổi sang sóng kình. Bà Geffroy đang mạnh khoẻ, bỗng ngoạ bệnh. Hai cha con bỏ hết công việc tìm thầy chạy thuốc. Nhưng bệnh của bà chẳng những không thuyên, lại ngày một trầm trọng. Henri dẹp hết sách vở đồ chơi lại một góc, chỉ quấn quít luôn bên giường mẹ. Phần bà Geffroy biết bệnh mình không qua khỏi, bà đau đớn phần xác, lại thêm cực phần lòng, cực vì thương chồng thương con; song đầy lòng đạo đức, bà cúi đầu vâng theo thánh ý Chúa, phú dâng chồng con trong tay Người, rồi dọn mình nhắm mắt thở hơi cuối cùng. Bấy giờ là năm 1888, Henri lên 8 tuổi, vừa đủ trí khôn cảm thấy những nỗi ưu phiền, châu luỵ, của ngày tang tóc, ngày con mất mẹ.

Ông Denis tơ vò chín khúc, nhất là thương hại cho con một yêu dấu, gặp cảnh gia đình thanh bạch, bấy lâu được bà hiền mẫu ấp ủ mà nay lại phải thân cô thế yếu. Hiện trạng ấy dun dủi ông đến việc tái hôn.

Ông hết sức cầu xin Chúa cho người bạn trăm năm vừa ý Chúa. Sau mấy tháng suy hơn tính thiệt ; khi đoạn tang bà rồi cực chẳng đã ông phải tái duyên để có người trấn tĩnh khi tắt lửa tối đèn và dưỡng dục con yêu dấu.

Theo lẽ thường, Henri phải cựa vì tránh sao khỏi câu: “dì ghẻ con chồng!” thoát sao khỏi nỗi cay nghiệt vì nàng Agar với Isaac, vì cửa miệng thường nói! “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ có thương con chồng?” Thậy vậy; song luật chung, cũng có luật trừ, nên phương ngôn lại có câu: “Mấy đời bắt cá tay không, ai ngờ dì ghẻ con chồng thương nhau!”.

Nhờ ơn Chúa ban cho ông Denis tái hôn, được một bà đạo đức tốt lành, không kém bà Geffroy. Từ khi bước chân về, bà nhận con trẻ Henri làm con và thương yêu lo lắng cho, như chính con đẻ của bà, nhất là vì bà không được mụn con nào, nên bao tình thương trong trái tim bà đều trút cả lên đầu Henri. Trước khi rước bà về, ông Denis đã khôn khéo dạy cho con biết cách xử sự với bà kế mẫu, nên cậu hết tình âu yếm bà như chính thân mẫu mình vậy. Về sau khi Henri làm linh mục qua Việt Nam viết thư về thăm bà, thì hằng dùng những kiểu nói tận tình chí thiết, đọc thơ ai không biết tưởng người con rất hiếu thảo viết cho thân mẫu rất yêu quí của mình.

Bà này có lẽ quen việc tề gia, nên nhiều lần khuyên ông Denis xây nhà mà ở hơn là thuê nhà trả tiền tháng. Song vì mộ mến đức khó khăn tiết kiệm, ông cứ trả lời quanh cho vui, như rằng: “Mình có trông sống được chín trăm tuổi như cụ Mathusalem đâu mà xây nhà! (thư 157). Những mẩu chuyện đó in sâu và tâm khảm Henri (thư 58).

Gần nhà ông có một người Do thái phú hộ, thấy trẻ Henri sáng trí lanh lợi, tướng mạo anh hùng, thì yêu thương lắm. Bác ta nghĩ: “thằng này coi bộ tướng tá, mai sau có thể biến thành một tay lợi hại không vừa, song rủi gặp cảnh gia đình quẫn bách, lại thêm nỗi mẹ ghẻ con chồng, khó trông công thành danh toại; chi bằng ta đứng ra bảo lãnh cho nó xây dựng cơ đồ.” Ôm mối hy vọng đó, bác ta đến nói ông bà Denis xin giúp tiền học phí cho Henri, sau có làm nên danh phận trả ơn thế nào cũng được.

Ông Denis là người trọng đức khinh tài, lòng tin mạnh mẽ, không chấp nhận việc ấy, song cứ tiếp khách cho qua buổi. Khách về rồi ông bà cùng nhau bàn tính: “Thôi thà con mình chịu dốt, chẳng thà nó mất đức tin. Nó còn trẻ người non dạ, nếu đem trao vào tay người Do thái bảo lãnh, thông thái tài giỏi đã chắc đâu, mà ngay bây giờ đẩy liều nó vào cõi chết phần hồn! Mình túng thì túng chớ, Chúa nhân lành đâu nỡ bỏ kẻ trông cậy Người. “hoàng thiên bất phụ hảo tâm-nhân”. Bàn tính vậy ông liền đi gặp người Do thái cám ơn và từ khước một cách lịch sự.

Quả thật, Henri học hành ngày một súc tiến, hai năm sau thi đậu tiểu học, được nhà nước cấp học bổng.

Bấy lâu ở trường các Sư Huynh, Henri cũng đã học kinh bổn song khi lên 9 năm 1889 mới chính thức học đạo lý trong trường cha sở dưới quyền điều khiển của cha phó giám đốc quí hiệu Eloy (Cha này sau nhập hội các cha Dòng-sai qua Việt Nam địa phận Vinh rồi thăng quyền Giám mục biểu hiệu là Đức Cha Bắc (Monseigneur Eloy).

Độ hạ tuần thánh tư 1892 Henri theo cha mẹ về Wimile dọn mình rước lễ vỡ lòng và làm phép Thêm Sức. Ở đó cậu đi học đạo lý với cha bổn sở mỹ-tự Billot. Cha có tính vui vẻ dạy nhiều điều hay. Henri thích lắm, thường tìm những câu thắc mắc xin cha phân giải cho vui cha rất hài lòng, tặng cho cậu cái biệt danh là thầy thần học nhỏ của ngài (thư 156). Sau này sẽ thấy câu nói chơi của cha Billot nên lời tiên tri cho cuộc đời Henri thế nào.

CHƯƠNG III

Henri rước lễ vỡ lòng – Vào Tiểu Chủng Viện – Ông Denis đi thăm con – Henri làm y tá – Kỳ nghỉ hè – dạy học trẻ – Chuyện người nước Anh

Henri về Wimille một năm thì được rước lễ vỡ lòng và chịu phép Thêm Sức, dịp lễ Mình Thánh tháng 6 - 1893. Cũng kỳ niên giải năm ấy Cha Golliot và giáo sư Tiểu chủng viện thành Boulogne bạn đồng liêu vời cha Eloy, cũng là người làng Wimille, thấy thầy thần học nhỏ của cha Billot, nết na đức hạnh, trí tuệ thông minh, thì muốn nhận cho đi nhà trường. Cha đến tỏ bày ý kiến với ông bà Denis. Không ngần ngại, ông vui mừng tạ ơn Chúa, ký thác con cho cha để ngài lo liệu cho nhập Tiểu chủng viện. Tự thâm tâm linh hồn, Henri nghe tiếng Chúa kêu gọi như thánh Phêrô: “Hãy theo Thầy”.. cậu vĩnh biệt ngay cái trần tục xa hoa với bao hứa hẹn của đời sống. Cậu Henri nay đã thành chú Henri Denis[7]. Chú trọ học nhà cha sở và mãn tháng hè theo cha Golliot về Tiểu chủng viện. Trung thành với lời cha dặn khi mẹ tắt hơi, từ nay xa nhà thì Denis nhận Đức Mẹ làm mẹ thật với hết tình mến yêu tha thiết. Mỗi khi nhớ mẹ dưới đất thì lại giục lòng mến Mẹ trên trời.

Denis đi rồi thì ông bà lại dọn dẹp trở về Boulogne, đêm ngày những bùi ngùi thương nhớ, định tâm có ngày đi thăm con.

Vốn ông Denis biết con có tính hiếu thắng, ưa hành ngơi lộng lẫy nên muốn nhờ dịp đi thăm này mà dạy con bài học khiêm nhường. Ông xuất hành với bộ áo rất xoàng, mang đôi giày cũ rích, đến nơi xin gặp chú Henri Denis.

Với cặp mắt đầy châu luỵ, Denis bước ra gặp cha, vì thấy cha ăn mặc lôi thôi thì buồn, hổ ngươi với chúng bạn. Bắt được điểm yếu của con ông ngồi phệt ngay xuống xó nhà gọi con đến nói chuyện. Thẹn đỏ mặt, chú xụt xùi nói: “Thưa cha, có bàn ghế kia sao cha không ngồi lại ngồi phệt ngay xuống đó? Họ cười cha con mình chết!”. Nghiêm nghị đưa mắt nhìn con, ông đáp: “họ cười thì để mười cái răng ra chớ sao mà sợ. Đức Chúa Giêsu có sợ người ta cười đâu? Bàn ghế để kính những vị quí khách, cha con mình hèn ngồi đâu cũng được!”. Tích ấy chú Denis nhớ trọn đời, thuật đi thuật lại không chán.

Chú Denis rất hiếu học, lại bắt chước cha hâm mộ việc thủ công nên thấy trò nào nhác tự nhiên không bằng lòng – Trong Tiểu chủng viện cha bề trên cử chú làm khán hộ. Một hôm giữa mùa đông tuyết sa lạnh ngắt, chú vào nhà liệt thấy mấy trò nằm chơi coi bộ làm bệnh kiếu học. Denis ta miệng chúm chím cười, tay mở phanh các cửa ra nói: “Các anh đau cần phải có khí tốt!”. Mấy trò đau kêu la xin đóng cửa. Bác khán hộ nhất định một hai không. Hai bên quay đấu khẩu. Bà Phước coi bệnh nhân phải đem việc trình Bề trên. Ngài bật cười xử cho khán hộ ta đắc thắng!

Một năm qua kỳ niên giải tới, Denis về thăm cha mẹ, chú tự làm một thời khắc biểu: giờ thì đọc kinh xem lễ, giờ thì giúp cha khấu bột làm bánh, giờ thì lại đi cắt cỏ ngựa hoặc theo mẹ ra bờ biển hái rau. Chiều tới, chú thường dạy trẻ láng giềng, thế tất họ cũng chi độ ít nhiều đỡ tiền xe pháo sách vở. Chúa nhật lễ nghỉ Denis xin phép cha mẹ đi thăm viếng kẻ khó khăn liệt lào.

Gần nhà gia đình ông bà Denis có một gia đình nước Anh giầu sang đạo đức, hai vợ chồng và ba đứa con. Buổi tinh sương mọi người thức dậy đọc kinh xem lễ, rồi chia nhau mỗi người đem một vali thực phẩm đi trợ cấp những gia đình bần bách. Tối đến, cả gia đình lại thâu hiệp xem sách, đọc kinh rồi đi nghỉ. Ngày qua tháng lại công việc chỉ có bấy nhiêu. Được ít lâu bên Anh có việc, cả gia đình bên ấy phải về để lại cho nhà ông Denis mối luyến tiếc không nhỏ vì bấy lâu thân cận nhờ nhau: bà con xa đâu bằng láng giềng gần! Khi mới qua bên Pháp, ông làm giấy thuê sáu năm và trả tiền mặt. Ai ngờ bất hạnh ở được bốn năm phải về. Ông tưởng ai cũng thật thà như mình nên không lấy biên lai. Ông về được ít tháng thì người Pháp tham tâm nọ viết thư sang đòi tiền một lần nữa và đe nếu không trả sẽ đưa ra toà.

Được thơ, người Anh đem đủ số bạc sang trả. Cha con ông Denis biết rõ câu chuyện tức giận vô cùng, bảo người ấy có đi kiện thì mình sẽ minh chứng sự thật. Nhưng người Anh đáp: “cảm ơn ông vô cùng! Dám xin ông nhớ lời Chúa phán: ai vả bay má hữu thì hãy giơ luôn má tả, ai lấy áo ngoài thì đưa luôn cả áo trong! Phần tôi phải trả hai lần như thế nữa tôi cũng bằng lòng. Tôi không ra nghèo hơn vì sự ấy còn người Pháp nọ cũng không vì đó mà nên giầu.” (thư 67)

Tấm gương ấy quyết định cho Denis một lòng khinh chê tiền bạc đến triệt để: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.

CHƯƠNG IV

Chú Denis mãn Tiểu Chủng Viện – Thi tú tài phần 1 – Đi Lille dọn tú tài phần 2 – Xin cha mẹ cho nhập Hội Dòng Thừa Sai Paris – Thụ phong linh mục – Được bài sang Việt Nam – Giây phút phân ly.

Nhật nguyệt thoi đưa, chú Denis đã mãn sáu năm Tiểu Chủng Viện nay soạn đi thi tú tài I. Ơn Chúa thương, chú được chiếm bảng vàng danh dự. Đậu rồi, cha Golliot lại cho tòng học tại trường cao đẳng thành Lille để dọn tú tài phần II. Song rủi, vì vui chúng vui bạn, trước khi vào vấn đáp họ có đãi cho một chén Café pha rượu mùi, Denis chếnh choáng trượt mất! Xét theo lực học, chú phải đậu quán quân, song ý Chúa nhiệm mầu không cho chú lên được hết bậc thang sĩ hoạn kẻo ngọn sóng thời gian lôi cuốn.

Thế thường trượt khoá này bầy khoá khác, có hữu chí mới cách thành. Song chú Denis nhất định thôi không theo đòi nghiên bút nữa. Tự thẩm cung linh hồn chú nghe tiếng Chúa gọi: “Cha khát, Cha khát các linh hồn!” Denis mường tượng như thấy triệu triệu linh hồn suy vong trong biển lửa hoả hào. Chú không cầm mình được nên định xin cha mẹ cho nhập hội Dòng Thừa Sai Paris.

Thế ra chú Denis thi không đậu thì phẫn chí đi tu à! Không, ý tưởng tốt lành ấy đã in vào trí não chú Denis ngay từ khi học lớp năm. Số là kỳ nghỉ hè đầu tiên, chú về xứ thì không thấy cha Eloy cựu giáo sư đạo lý khi trước, hỏi ra mới biết cha được ơn kêu gọi làm tông đồ ngoại quốc, nên đã xin phép Đức cha địa phận cho nhập Hội Dòng sai Paris.

Hoá ra cái ý tưởng đi giảng đạo cho dân ngoại cứ phảnh phất trong trí não chú Denis; thế là Chúa đã dùng ơn lành cha Eloy mà gieo ơn thiên triệu vào lòng chú Denis, hợp câu ví: “Lời nói dỗ dành, gương lành kéo đi” (exempla trahunt, verba movent). Cha Eloy tập thử một năm thì được bài sang Việt Nam, địa phận Vinh như đã nói trên.

Vậy chú Denis bỏ Lille trở về Boulogne để bàn việc ấy với cha Golliot. Vì là một việc đại sự, bỏ quê cha đất tổ, liều thân thí mệnh nơi cõi lạ phương xa để cứu vãn sinh linh cho Chúa, chú Denis suy xét kỹ và cầu nguyện nhiều, rồi đi thưa cha Golliot một vị linh mục khôn ngoan trong việc hướng dẫn thiêng liêng; nghe chú tỏ bày ý kiến, cha thấy rõ Chúa muốn chọn con thiêng liêng mình làm khí cụ mang Danh Thánh Chúa đến viễn phương. Không chút do dự, cha biểu đồng tình ngay. Cám ơn Chúa, thế là Denis chỉ còn phải xin phép cha mẹ nữa là xong.

Việc này gay nhất. Than ôi! Cha sinh mẹ dưỡng đức cù lao lấy lượng nào đong! Ngàn đời không báo đáp nổi chữ hiếu trung! Denis là con một, gia phong lại quẫn bách. Cha mẹ đặt hết hy vọng vào tài trí con, mà nay con nỡ đành tâm cắt đứt dây gia đình! Những ý tưởng ấy nổi lên như sóng trùng dương trong lòng Denis, xâu xé con tim chú ra trăm mảnh. Bổng nảy ra trong trí lời Chúa phán: “Kẻ yêu mến cha mẹ hơn Ta thì chẳng đáng làm đầy tớ Ta!”. Chú Denis như tỉnh giấc chiêm bao, lửa kính Chúa ái nhân ngùn ngụt bốc cháy. Rồi một chiều sau cơm tối, chú mạnh dạn nói: “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, nếu đẹp ý cha mẹ thì xin ban phép cho con đi Balê nhập Hội Dòng thừa sai, vì con nghe thấy rõ tiếng Chúa gọi con”.

Thoạt nghe hai ông bà rời rụng chân tay. Bà Denis với chú tuy không phải khúc ruột liền, song là kế mẫu thực danh chứ không phải như ai có tiếng mà không có miếng. Phần ông Denis thương con hơn mình, song không chịu thua lòng đạo đức của con. Hai ông bà cố sức trấn tĩnh như hiến tế con một cho Chúa như thánh Tổ Abraham. Sau mấy phút đàm đạo, ông nhả ra một lời vàng ngọc như lưỡi gươm giết chết người cũ trong chú Denis, ông rằng: “ừ con đi đâu thì đi, làm chi thì làm song đừng kiêu ngạo, nghe con!”. Ôi lời khuyên đáng giá ngàn vàng, bao hàm cụ thể con đường thiêng liêng. Chúa phán: “Không Cha chúng con không làm chi được”[8]. Và thánh Tông đồ tuyên ngôn: “Có ơn Chúa giúp tôi làm được mọi sự” (Phil 4,13). Mà ơn Chúa chỉ ban cho kẻ khiêm nhường, trái lại, người chống với kẻ kiêu ngạo (Gac 4,6; 1Pr 5,5). Sau mới thấy lời khuyên quí báu ấy sinh mỹ quả cho chú Denis dường nào.

Chú Denis được phép song thân rồi, thì sửa soạn hành lý, từ giã bà con thân thuộc đáp xe hoả đi Balê nhập đại chủng viện các cha Dòng Thừa Sai. Thế là từ nay chú Denis đã trở nên thầy. Khi thầy tòng học ở đó, năm nào ông Denis cũng đến thăm con với bộ áo xoàng xĩnh để nhắc nhở con đức khó khăn và khiêm nhường là hai nhân đức ông đặc biệt luyện tập cho con.

Theo lời các đấng đồng liêu minh chứng, thầy Denis khi ấy được liệt vào sổ sinh viên hạng nhất. Trong hành vi cử chỉ không có chi khiến các Đấng bề trên hồ nghi về ơn kêu gọi của Thầy. Thầy nghiêm trang đứng đắn, song vui vẻ, bạn đồng nghiệp ai cũng mến thương. Thầy đạo đức, sốt sắng, sáng trí, thông minh hơn các chủng sinh. Sở trường khoa âm nhạc và đàn hát, thầy lại đọc Latin rất mau rất rõ.

Sau khoa triết lý và thần học, ngày 07 tháng 03 năm 1903, lễ Thánh Thomas, giữa cảnh huy hoàng lộng lẫy đền thờ Đại chủng viện Balê, thầy sáu Denis thụ phong linh mục. Chúa thánh thần phán: “từ nay con là linh mục vô chung theo phẩm trật Melchisedech”.

Thụ phong rồi cha dọn mình lãnh bài sai. Cha mơ ước sang giảng đạo bên Caoly để chịu lạnh, vì mùa đông hàn tử biểu có khi xuống tới 30 độ dưới, đó là trót ý nguyện của cha. Song thánh trí Chúa nhiệm mầu, từ thưở đời đời đã chọn cha Denis cho dân Việt Nam. Cha bề trên Đại chủng viện Dòng sai Balê viết tờ sai cha Denis qua Việt Nam địa phận Huế. Fiat! Con xin vâng!

Cha về thăm bản quán lần sau hết, đoạn đi Lille từ giã một gia đình ân nhân (Hyacinthe-Louvier) đã giúp cha theo đuổi sách đèn. Ngài nóng lòng sang Việt Nam cho mau, nên vội vàng trở về Balê. Sửa soạn đồ song là ngày 29 tháng 04 năm 1903 để đi Marseille. Khi ấy ông Denis đến Balê gặp con lần sau hết. Ông vào Đại chủng viện, đứng dưới thang chờ con xuống.

Giây phút phân ly, giây phút châu luỵ. Cha con áp má nhau: dòng châu bên nọ gợi suối luỵ bên kia. Cái hôn âu yếm, Cái hôn đau đớn! Cha Denis ấp úng không nói ra lời. Ông Denis chỉ nói được một câu: “Con đi mà nhớ rằng làm việc cho Chúa không bao giờ quá”.

Chúc ngôn quí báu dường nào! Thật là cả một rương vàng cha trối cho con.

Đồng hồ điểm 8 giờ tối! Một tiếng còi rúc! Cha Denis từ giã Marseille, bỏ lại đàng sau quê hương thứ nhất, để trèo sóng chém gió tiến tới quê hương thứ hai. Con tàu rẽ sóng. Trời trời…nước nước…mây mây, đăng trình thiên lý không ngày hồi hương! Đức kính Chúa nhân ái lọt nước mắt cho cha Denis, đem cha đến nơi tận hiến tính mạng để làm hiển danh Chúa trong công cuộc truyền giáo.

CHƯƠNG V

Cha Denis xuống tàu qua Việt Nam – Học tiếng ở Kim Long – Làm giáo sư Chủng Viện An Ninh

Cha Benoît Thuận

Cứ theo tâm tình cha Denis mà luận thì từ ngay bước chân xuống tàu, hằng giây hằng phút cha những khát vọng thấy đất phước lạc đời đời sẽ nên quê hương thứ hai cho cha. Đầy lòng hoan hỉ cha bắt chước Á Thánh Ven (Bienhereux Théophane Vénard) chào mừng đất Việt Nam đã bao phen thấm nhuần máu đào các vị liệt thánh Tử đạo.

Cha Denis đến Đà Nẵng ngày 31 tháng Đức Bà 1903 gặp lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Vạn sự xuất ư thiên. Chúa quan phòng từ muôn thuở đã chọn cha Denis làm một việc đại sự trên đất con Rồng Cháu Tiên, là lập Dòng Đức Bà Việt Nam, xây đền thờ thiêng liêng cho Đức Chúa Thánh Thần ngự trong nhiều linh hồn, nên Chúa đã liệu cho cha tới Việt Nam ngày ấy tháng ấy. Cha phó thác cuộc đời trên giải đất Lạc Hồng trong tay Đức Mẹ, xin Người chuyển cầu Đức Chúa Thánh Thần cho được chu toàn theo mệnh lệnh Chúa.

Cha vào nhà chung Đà Nẵng nghỉ một ngày, thâu xếp đồ đạc xin cố giữ việc gửi ra Huế theo chuyến xà lúp hằng tuần, vì bấy giờ chưa có xe lửa xe hơi.

Hôm sau cha khởi hành ra Huế, tháng hè nắng chang chang mà cha cuốc bộ 40 cây số, từ sáng đến tối mới đến Lăng Cô, biên thuỳ địa phận Huế. May quá! Cha sở Lăng Cô khi ấy là cha cố giáo Nhơn (R.P. Mendiboure). Hai cha cùng nhau gặp gỡ tay bắt mặt hôn. Đàm đạo một lúc thì tới giờ dùng bữa tối, thế là bữa cơm Việt nam thứ nhất cha Denis dùng là của cố Nhơn hậu đãi. Các tin tức địa phận Huế cha biết được trước hết là nghe cố Nhơn nói, những cách thức phong tục Việt nam cha biết được lần thứ nhất cũng là nhờ cố Nhơn chỉ vẽ. Cha nghỉ đó mười ngày rồi xin cố Nhơn đưa ra Huế.

Thánh ý Chúa nhiệm mầu vô lượng! Ai ngờ cách 17 năm mà hai cha lại cùng nhau một nhà xum hiệp, không những mười ngày mà lại hơn mười năm. Cha Denis mang ơn một thì trả nghĩa mười, cách 17 năm sau cha lại nuôi nấng chỉ vẽ cho cố Nhơn là con thiêng liêng mình, như thánh Tổ Benađô đối với cụ thân sinh vậy. Khi Benađô xin vào dòng Xitô, ai ngờ Benađô sau lại lập dòng Claravalle và ông Tesceline thân phụ ngài sẽ vào dòng nhận con làm cha!.

Từ Lăng Cô đến Huế hai cha con phải đi dịch độ. Tới Nước ngọt ghé thăm cha Chánh, hôm sau đi đò từ Cầu-hai ra Huế. Cố Nhơn đưa cha Denis lên chào Đức Cha biểu hiệu Đức Cha Lộc (Monseigneur Gaspar) dinh thự ngài khi ấy còn ở Phú Xuân, Đức Cha đặt tên cho cha Denis là cố Thuận: “Thuận theo thánh ý Chúa!”. Như xưa thiên thần đổi tên Giacop là Israel (sức mạnh Chúa), thì cả hai: Israel và cố Thuận đã giữ trọn nghĩa “danh hiệu xứng kỳ đức”.

Gặp Đức cha rồi cố Nhơn, cố Thuận bắt tay từ giã: cố Nhơn trở về Lăng Cô, cố Thuận nghỉ tại dinh Đức cha mấy ngày rồi Đức cha sai đi giúp cố Chính Đăng và học tiếng ở Kim Long. Ngài khát vọng làm việc tông đồ nên đêm ngày cứ mải miết học tiếng Việt Nam.

Hai cố tận tình thiết nghĩa, cố Thuận tôn trọng cố Chính như cha, cố Chính thương mến cố Thuận như con. Song cố Thuận khi ấy còn thanh xuân, hay nói, thấy cố Chính tuổi tác ít nói thì tự nhiên buồn. Nên cố Chính hay tìm dịp cho cố Thuận vui. Ngài có tủ sách cũ, đôi khi đưa một quyển cho cố Thuận mà nói: “Tôi có quyển sách mới mua đây hay lắm, cha lấy mà coi!” song thật sự cũng cũ từ ông bành tổ nào, song cố Chính lú lẫn tưởng là mới. cố Thuận thấy cố Chính thương mình thì càng mến yêu ngài hơn, đôi khi ngài cũng đánh lừa cố Chính cho vui, là sách cố Chính đưa thì ngài coi qua loa, rồi chờ lúc cố Chính đi khỏi, đem trả lại trên bàn viết ngài, cách vài ngày cố Chính lại lấy cũng quyển ấy đưa cho cố Thuận mà rằng: “Tôi có quyền sách khá mới mua đây, cha lấy mà con hay lắm!”

Cố Thuận ở Kim Long ít tháng, Đức Cha thấy ngài khá tiếng Việt thì bổ đi làm giáo sư chủng viện An ninh. Trường này có bốn lớp, học tám năm, mỗi lớp hai năm. Cố bề trên Hoà (R.P. Gigard) cử cha giáo Thuận dạy lớp một là lớp Văn chương và Tu từ (Litterature et Rhétorique).

Theo chứng thơ các cha gởi đến, cha giáo Thuận là một vị giáo sư biệt tài, một tay anh hùng đại đảm. Với học lực uyên bác, cha cự điểm về nhiều phương diện xứng đối một nhà hiền nhân quân tử. Nhờ ngài mà Tiểu chủng viện An Ninh biết được nhiều khoa học khúc mắt như: Đại số học, kỷ hà học, vạn vật học,. vv (Prosodic, latine). Ngài nói vấn đề nào nghe cũng xuôi, dặm chữ nào nghe cũng khéo, nói truyện mấy giờ nghe cũng không nhàm. Dạy món nào là quán xuyến món ấy, xứng câu “Thầy dạy nẩy vàng”. Ngài chịu khó dọn bài, chấm bài, cắt nghĩa kỹ càng, chuyên bề thực hành hơn lý thuyết.

Trong giờ học cha nói hay pha trò cho vui, khiến lớp học nên sầm uất hoạt động nhất là khi thấy học trò buồn. Trò giỏi thì không khen, trò nhác thì hay nói chua cay để sửa dạy, như rằng: “Trong lớp không mấy ai nhác mà chú là nhất hạng! Chú làm bài có được ba phút không? Người ta đã nhai cho rồi mà nuốt không vô! Văn chương chú đặt như khoai dở vô cùng, mấy thằng giữ trâu bò ngoài đồng có làm còn hơn chú!”. Nhưng xong giờ học lại vui vẻ như thường như không có truyện chi vậy. Bài làm phải lo kịp giờ không thì phải làm lại hết. Ngài quen nói: “thời giờ nó như cao xu, kéo ra chừng nào cũng được Vite! Vite! Ngài rất tằn tiện thời giờ cho ngài và cho học sinh, không bao giờ làm hư một giây phút. Học với Ngài ai cũng nhận thấy mình tấn tới gấp hai gấp ba so với các cha giáo khác, vì ngài hết sức áp dụng phương pháp sư phạm phổ thông.

Theo khoa triết lý: ai sáng trí thì cũng nóng tính. Điều đó rất thật nơi cha giáo Thuận. Ngài hăng hái nóng nẩy như lửa thánh. Học ra học, chơi ra chơi. Chú nào bị phạt mà còn cãi thì ngài cứ phạt thêm hai ba lần, hết cãi mới thôi. Song cha rất thương học trò, xử đãi cách công minh không tây vị. Dầu Đức Cha Ngô Đình Thục anh tuấn lỗi lạc nhất, mà đối với ngài chú Thục khi ấy cũng như một chú đội sổ.

Đôi khi mệt nhọc đau yếu mà cha cũng gắng dạy học, có lần vừa đi vừa mửa, hễ nghe chuông là cắp sách chạy, không bỏ một giờ trả bài nào!

Cha giáo Thuận lại kiêm việc đờn hát ca nhạc. Đời ngài, tiểu chủng viện An Ninh nổi tiếng trong việc đờn hát nhất. Các ngày Chúa nhật lễ trọng hát âm nhạc ba bốn phần. Cha có tài tập hát, thích ca nhạc, hơi sai là biết, ngài xuất tiền mua hết các dụng cụ bát âm Việt Nam. Cha tập hát hăng nồng như lửa cháy, thích làm lễ hát như thơ ngài viết cho song thân có câu rằng: “Con thích làm lễ hát, vì hát thì dễ suy gẫm hơn đọc.  (Trích thư cha Lê Thiện Bá, Lễ Hữu Luyến, Bùi Văn Tịch, Cha Kinh, Cha Thuận.v.v)

Cha giáo Thuận chăm học tiếng Việt Nam, và Chữ Hán. Cố Mẫn (R.P.Maunier) đồng giáo sư với ngài chứng minh: “Chính tối hôm cố Thuận đến An Ninh, ngài tỏ ý muốn mượn sách gì hay để học tiếng Việt Nam. Tôi đưa cho ngài một tập thơ 40 trang, 21 bài. Ngài đêm về phòng thắp đèn mở sách, hai tay ôm đầu, đọc đi đọc lại hết rồi mới đi nghỉ, sáng sau lót lòng xong ngài đem trả lại. Tôi hỏi: “sao, không thích sao mà trả?- Đã coi hết rồi! Không tin, tôi cầm tập thơ hỏi mấy câu thì ngài đáp trơn ngay! Cái trí khôn thần tình chưa!”

Cố Thuận lại chuyên riêng chữ Hán, như thơ ngài gửi cho phụ mẫu rằng: “Kỳ niên giải này con định không đi chơi đâu cả, chỉ ở nhà đóng cửa đọc chữ Hán thôi. Cha mẹ không biết rằng: cái chữ Hán nó dở dang quá đi, phải quên nó 20 lần đã rồi mới nhớ được sao? Có lần ngài viết thơ cho cha mẹ ký tên bằng chữ Hán: Thuận ký. Bởi ngài vừa sáng trí vừa hiếu học nên đầu năm 1907 cố Bề trên cử ngài dạy Chữ Hán cả bốn lớp. Một ông Tây vừa dạy văn chương, tu từ, vừa kiêm cả đờn hát, vừa chuyện Việt ngữ, lại học chữ Hán có bốn năm mà dạy cả một trường danh tiếng như trường An Ninh, quả thật là sự hãn hữu! Hiếm có. (Chứng thư các cha)

Cố Thuận làm việc nhiều mà lại dùng vật thực rất ít và rất thanh đạm. Buổi mai chỉ vài ba củ khoai là xong. Món chi dọn trước mặt thì ngài dùng món ấy, thường là rau, măng. Ngài không dùng thịt, cá trứng trừ những hoàn cảnh đặc biệt khi ấy ngài cũng dùng ít hết sức, còn các thứ rượu và hút thuốc thì không bao giờ. Các chú biết ngài thích rau, măng, thì hay đặt những món đó gần ngài. Mười phút xong bữa cơm cố Thuận, một bát nước trà xuông kết liễu: thế là rồi! Đoạn cha vòng tay nghe sách hoặc suy gẫm, nếu là ngày nói chuyện thì ngài đem sách riêng mà xem. Mỗi đêm cha chỉ nghỉ 5 giờ, không có giờ nghỉ trưa; lúc đó cha vào nhà thờ viếng mình thánh. Các ngày thứ sáu quanh năm và trót mùa chay cả, ngài giữ chay rất ngặt. Bởi cha hãm mình quá nên ốm –o gầy- gò song không bao giờ sao nhãng việc nhiệm vụ. Học trò thấy cha hãm mình thì cũng bắt chước, sau cố Bề trên biết thì cấm hẳn.(Trích thư các cha; Lê Thiện Bá, Lê Hữu Luyến)

Cố Thuận theo gương cha mẹ, mến yêu đức khó khăn và khinh chê tiền bạc. Các cựu học sinh minh chứng: trong phòng ngài chỉ có một bàn viết xấu, vài ba cái ghế xấu, một giường nhỏ, không nệm, gối đầu bằng cục gỗ, một cái tủ đời thượng cổ, vài ba bộ quần áo vải thô, năm bảy quan tiền cho kẻ khó, một ghế quỳ nhỏ, một kệ để sách. Trên tường treo một mẩu ảnh thánh giá, một ảnh Đức mẹ chỉ bảo đàng lành, ngoại giả không thấy vật chi trao giồi mỹ thuật. Quanh năm cha vốn đi chân không mùa nào cha cũng chỉ mang một áo lót vải thô với một áo dài đen vải dù rất mỏng. Ngài quen nói: “Hai dư một”hễ hư mua cái mới vất cái cũ đi, trừ quần áo thì phải có cái thay đổi. Bao nhiều tiền lễ ngài gửi cho cha mẹ gần hết, chỉ để dư ít chút làm phước cho kẻ khó khăn. Đồ thờ phượng cha cũng ướp nực hương trần đức khó khăn: Cha giữ rất sạch sẽ tinh vi song không có chút chi là hào nhoáng.

Cha giáo Thuận giữ nết na nghiêm chỉnh lắm. Ngài giữ bậc khiêm nhường thứ XII trong luật thánh Tổ Bênêdicto kỹ lắm, bất kỳ đi đâu ở đâu, ngài quen giữ thái độ đầu cúi xuống, hai tay  tréo lại, cặp mắt ngó xuống, không trông ngang ngửa. Không bao giờ cha tiếp khách phụ nữ, dầu các bậc quý phu nhân, hay ra lẽ nọ lẽ kia kiếu không đi ăn tiệc, không chơi Dôminô, không tắm biển, ngồi ghế không dựa; dựa lưng vào ghế thì ngài cho là dong dưỡng xác thịt. Học trò thấy gương ngài thì bắt chước  như thơ ngài viết cho cha mẹ rằng: “tuần này học trò con vào phòng. Nếu cha mẹ thấy các chúng đi lại trong nhà thì chắc cha mẹ sẽ cho là những thầy dòng nhỏ, vì các chúng đi nghiêm trang mắt ngó xuống vừa đi vừa sốt sắng lần hột”

Ngài ra sức làm mọi việc hàng ngày tử tế để nên thánh, như thơ ngài viết:

An Ninh 18 tháng 10-1907

Vive Jesus par Marie!

Lạy cha mẹ yêu dấu!

“Một giờ rưỡi đồng hồ vừa rồi, con đã kêu đủ thứ tiếng: Pháp, Việt, Hán, La… Vừa hết giờ dạy học, con vội về nghỉ, nói chuyện với cha mẹ đôi chút. Xin cha mẹ lo giữ mình cho khoẻ, cha mẹ biết rằng: nếu cha mẹ liều mình để phải đau yếu thì lỗi đức thương yêu nặng nề như núi! Phần con không cần chi phải giữ cho khỏi phạm tội ấy, vì dầu con gầy còm như con tu hú, con còn khoẻ như cái cầu mới, và mạnh bằng nửa tá người Thổ – Nhĩ – Kỳ rất lực lượng! Không chút bệnh tật chi trong mình con, dầu hơi đau, dầu một chút cũng không!”

“Hằng ngày con cứ làm chút việc thường thường của con một cách thủng thẳng bằng an như cha mẹ đó, nghĩa là con liệu đi nghỉ sớm, độ 9 rưỡi, 10 giờ, có khi đến 11 giờ. Rồi mai sớm gà gáy lần thứ I độ 3 rưỡi, tư giờ, con dậy nguyện gẫm, nghĩa là cầu xin với Chúa, nói chuyện với Ngài. 6 giờ kém 15 con đi làm lễ, cám ơn, đọc kinh, xem sách thiêng liêng. 7 giờ rưỡi lót lòng rồi dọn bài; dậy học rồi lại dọn bài khác, dậy giờ sau xong là đến giờ cơm. Cơm trưa rồi, con vào nhà thờ chầu Mình Thánh nói truyện với Chúa đó là lúc con nói truyện với Ngài về cha mẹ. Song, con về dọn bài dậy buổi chiều, dậy rồi con lại vào nhà thờ đọc kinh nhật khoá và đi đàng thánh giá tuỳ ngày. Khi các chú làm việc thủ công thì con làm thuốc cho kẻ liệt. Lúc đó hết các thứ bệnh đến tìm con; chú thì ghẻ, chú thì đau mụt, chú thì đau rét, chú khác đau mắt, chú khác nữa đau bụng, vân vân thôi, mà ít khi con không tìm được cách nào chữa họ, cám ơn Chúa! Rồi kẻ liệt ngoài cũng đến xin thuốc. Mỗi ngày con làm bác sĩ chừng nửa giờ hơn kém tuỳ ngày. Làm thuốc xong con đọc sách thánh ít phút, đoạn chấm bài tập hoặc bài thi, thế là tối đến giờ cơm. Cơm xong con lại xem sách, đọc kinh rồi đi nghỉ. Đó là hết một ngày cuộc đời của con. Xin cha mẹ cầu cho con luôn”

Con yêu dấu của cha mẹ:

Henri Dennis ký.

Một đặc điểm nơi cố Thuận là yêu mến người Việt Nam. Điều ấy hiển hiện trong các thơ ngài gửi cho song thân, như rằng: “Xin cha mẹ cầu nguyện nhiều cho người Việt Nam yêu dấu của con. Càng ngày càng thương mến người Việt Nam của con, không khi nào con nghĩ đến sự bỏ Việt – Nam mà về Pháp. Con mới đến Phủ – cam giúp giải tội. Xứ Phủ – cam toàn đạo cũ, được linh 2.500 nhân danh,  mà không ai bỏ rước lễ mùa Phục sinh, hầu hết xưng tội một tháng hay hai tuần một lần. Ôi vạn tuế cho Việt Nam! Việt Nam muôn năm!”

Cha lại rất ưa thích thói tục Việt Nam, chăm xem lịch sử địa phận Huế và Việt Nam. Ngài đội nón lá, đi dép quai chéo, vắt khăn trên vai, nhất là ưng áo tơi lá Việt Nam. Ngài viết thư rằng : “ Thưa cha mẹ, kỳ này mưa quá sức, không lẽ đi ra ngoài một bước là không ướt đến xương, dầu cầm dù, dầu mang áo tơi cũng ướt, chỉ có áo tơi lá của Việt Nam là không ướt. Có lẽ thứ áo có sơn dầu của lính thuỷ Boulogne không ướt, song con cũng không thích bằng áo tơi lá Việt Nam. Muôn năm áo tơi lá Việt Nam! Muôn năm Việt Nam nữa !

Thơ khác rằng : “Lạy cha mẹ yêu dấu, con xin chúc mừng tân xuân cha mẹ, thế là cha mẹ thấy con Việt Nam hoá ngày một hơn. Tết Tây không vui khoái cho con nữa, con chỉ cảm thấy sự vui trong ngày xuân thủ Lạc Hồng. Khí hậu Việt Nam nóng lắm, người ta hay ốm đau, hay mắc bệnh bần – huyết ( anémie ). Mặc lòng dầu ốm đau, dầu bần – huyết, dầu nóng lạnh, dầu chi chi đi nữa thì Việt Nam cũng là xứ tốt nhất thiên hạ; còn trường An – Ninh thì lại là nơi vui nhất dưới gầm trời, chỉ trừ ra cái phòng nhỏ của cha mẹ ở Boulogne ! Mùa hạ thì ở đây nói được là bị nướng. Đêm vừa rồi gió tây thổi như bão; chính là một thứ nóng quá sức, thở không được. Mặc lòng cũng muôn năm cho nước Việt Nam !”

Bởi cha giáo Thuận yêu mến nước Việt Nam như vậy nên cũng ưng thích đi giảng đạo cho người Việt Nam như sẽ kể sau đây.

CHƯƠNG VI

Cha Giáo Thuận coi xứ nước mặn – Theo Đức Cha đi kinh lược miền Thượng Du – Nhận xứ  nước mặn – Lẽ tấn phong Đức Cha Lý – Dùng năm phương pháp để mở đạo – Rửa tội họ Lập – Yên – Trùng – Tu Nhà Thờ Nước Mặn.

Theo chứng thơ các cha gởi đến, thì cha giáo Thuận ước ao đi mở nước Chúa hơn làm giáo sư chủng viện. Nhất là từ kỳ niên giải năm 1906, Ngài theo Đức Cha đi kinh lược miền rừng cho đến Lao –Bảo, gặp nhiều người đồng bào Thượng chưa tòng giáo, ngài động lòng thương muốn qui thuận họ về cùng Chúa. Ngài viết thơ cho cha mẹ rằng : “Lạy cha mẹ yêu dấu, con gặp vô số người Thượng, họ sợ ma quỉ quá trí tưởng tượng : đau đầu một chút thì họ cho là ma bóp, đau chân là tại ma làm, đau bụng là tại ma vật. Nếu gặp hùm, cọp, tây – ngưu thì liền vội về cúng ma lạy quỉ kẻo khốn. Bởi vậy nếu có ai gieo rắc hột giống Phúc âm thì chắc được kết quả trăm phần trăm ! Mới đây đã có 20 người xin theo đạo trời cho khỏi ma quỉ khuấy – khuất”.

Kỳ niên giải năm sau là 1907, cha sở họ Trài bị đau đi nhà thương điều dưỡng, xin cha giáo Thuận đến giúp một tháng rưỡi. Ngài rất bằng lòng, vội vàng đến dạy kinh bổn đạo lý, chăm cho trẻ rước lễ vỡ lòng, như thơ ngài viết :

“Con khởi sự dạy kinh bổn đạo lý, song có nhiều đứa dốt quá lẽ, vừa đây có đứa nói; Chúa bị đau rét mà chết: Đứa khác rằng : Thiên đàng có quỉ, hoả ngục có các thánh! Đứa khác nữa rằng : Phạm tội trọng rồi thì không khỏi được nữa! Phải nói đi nói lại một điều trăm ngàn lần mà nó chưa nhớ, khổ quá đi mất cha mẹ ạ, có khi con phát – xung phát – gắt mà cũng không xong, song con trông cậy thế nào nó cũng hiểu đủ cho được lên thiên đàng, thế là con không mất thời giờ vậy.”

Thơ sau rằng : “Địa phận Huế bây giờ trống ngôi : Đức Cha Gaspar ngọa bệnh về Tây điều dưỡng, thầy thuốc bảo phải thôi việc hẳn, nên ngài đã xin Toà Thánh cho từ chức. Đức Thánh Cha nhận lời. Nay địa phận Huế đang mong một vị tân Giám mục, khi đó chắc các cha sẽ thuyên chuyển nhiều, con hy vọng sẽ được ra ngoài mở nước Chúa, song ở đây hay ở đâu con cũng lấy làm tử – tế luôn. Con xin thú với cha mẹ rằng con không tiếc vì đã sang Việt – Nam, mà lại nếu con được chọn nơi ở, thì con chọn nơi truyền bá Phúc âm thôi. Cố Chính biết con ước ao lo việc truyền giáo nên hỏi con có thật lấy sự ở nhà trường làm ngại chăng. Con trả lời : “Như con nghĩ, con lấy sự ở nhà trường làm tốt lắm, song nếu cha sai con đi giảng đạo thì con rất bằng lòng !”

Từ đó Cha giáo Thuận còn ở nhà trường nửa năm nữa, đến lễ sinh nhật năm ấy (1907) ngài viết thơ cho cha mẹ rằng : “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, thương hại thay cho người ngoại giáo, lễ Sinh nhật năm nay cũng còn chưa phải cho họ! Chúa xuống thế đã gần 2000 năm, mà còn biết bao kẻ chưa nhận biết Người! Khi con suy sự ấy, thì cái phòng giáo sư của con đây nên như cái ngục cho con! Con ước ao mở miệng là hết sức về Chúa cho những kẻ chưa nhận biết Người được trở lại kẻo sa hoả ngục thì tội nghiệp quá! Chắc năm sau đây con sẽ được làm cố đi giảng đạo, hoặc cho người chợ hay người thượng, được vậy, con thoả lòng biết bao! Thế nhưng nếu Chúa muốn con cứ ở lại nhà trường thì con cũng rất bằng lòng. Xin  Cha mẹ cầu nguyện cho con và cho kẻ ngoại .”

Chúa thấy cha giáo Thuận nhiệt tâm cứu vãn sinh linh như vậy không thể cầm mình được, nên chẳng đợi được năm sau, bèn là vừa sang tháng Giêng năm 1908, Chúa đã soi lòng cố chính Ý đang làm bề trên địa phận bấy giờ sai cha Thuận đi coi họ Nước Mặn (Thừa Lưu ).

Cầu được ước thấy, bấy lâu cha giáo Thuận chỉ những khát vọng làm tông đồ truyền giáo, nay được phép thì vui mừng khoái lạc như cá gặp nước. Cha vừa được bài sai thì tức tốc bỏ khảo hạch các chú, dọn đồ trong ba tiếng đồng hồ rồi xuống đò đi ngay.

Tới Nước Mặn thượng tuần tháng giêng 1908. Đến nơi ngài chịu khó học thêm tiếng Việt Nam, uốn giọng uốn lưỡi cho ra kiểu cách người bổn xứ. Ai cũng minh chứng ít thấy người Âu nói sõi tiếng Việt như ngài. Ngài nhờ sách “Lục súc tranh công” của vua Tự Đức mà học tiếng và dịch quyển sách ấy ra Pháp văn.

Từ khi cha giáo Thuận đến Nước Mặn, công việc xảy ra thể nào chắc ngài cũng viết thơ kể chuyện cho song thân, nhưng không biết vì sao trong các thơ cha Golliot gởi cho chúng tôi thì không có những thơ cha giáo Thuận gởi từ tháng Giêng đến tháng 5 tức là gần năm tháng.

Lá thơ đề 30 tháng 5, 1908 thì rằng : “Đức tân Giám mục địa phận Huế ngọc hiệu là Đức Cha Lý (Monseigneur Allys) mới thụ phong, do Đức Cha Mossart địa phận Saigon chủ sự, Đức Cha Boushut địa phận Cao Mên và Đức Cha Marcou địa phận Phát Diệm thụ phong. Lễ tấn phong cực kỳ lộng lẫy. Ba ngày trước khắp thành Huế pháo nổ đì đùng, có diễn kịch và thiết tiệc cho tất cả mọi đấng bậc quý khách đến dự. Hầu hết các ông Tây thành phố Huế đều hiện diện, các quan tứ trụ thượng thơ Nam Triều cũng túc số. Cuộc lễ linh đình rất kích động tâm hồn kẻ ngoại, vì xưa các đấng giảng đạo phải ẩn lánh nơi nọ nơi kia, các giáo hữu phải hiệp nhau trộm vụng trong hang cùng ngõ hẻm, mà nay khác xa biết chừng nào !

Đức tân Giám Mục nói đi nói lại ngài sẽ thúc giục các cha chuyên lo việc truyền giáo. Vấn đề ấy hầu như mới, vì Đức Cha Gaspar chỉ khuyến khích các cha liệu cho giáo hữu nên tốt. Chung qui : Đức Cha cựu thì muốn cho các cha nên cha bổn sở, còn Đức Cha tân thì lại muốn cho các cha nên vị thừa sai. Điều ấy rất thích hợp với chủ đích của con. Xin cha mẹ cầu nguyện cho địa phận con, nhất là cho họ con, xem ra khô - khan nhất, song con sẽ nỗ lực cải – tạo họ.”

Thật vậy, cha giáo Thuận áp dụng rất nhiều phương thế nào việc truyền giáo, đây xin kể ít nhiều phương thế chính.

Cha giáo Thuận thi hành phương pháp của thánh Tông đồ : Bởi nghe mà tin :  “Fides ex auditu”  nên tiên vàn ngài chịu khó dạy kinh bổn đạo lý, khi thì trẻ con lúc thì chầu nhưng. Thường ngài dạy từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối và từ 8 giờ tối đến 11 giờ khuya, tất cả chừng 11 hay 12 giờ. Ngài viết thơ kể truyện ấy :

“ Lạy cha mẹ rất yêu dấu, con đang dạy 62 người kẻ ngoại để chịu phép Thánh tẩy và dọn một lớp trẻ rước lễ vỡ lòng. Tuần trước con đã rửa tội một bà lão 85 tuổi. Bà đến xin trở lại mà rằng : Trời bắt tôi phải tòng giáo! Song rủi trời không cho bà thính tai, muốn nói chi với bà phải la lối hết sức. Mặc lòng nhờ ơn Chúa bà đã thuộc đủ điều cần cho được lãnh phép Thánh Tẩy. Con cũng dạy một bà lão khác 82 tuổi mê muội lắm, song may không điếc như bà trước. Việc dạy kinh bổn và đạo lý là việc không vui mấy, hoạ mới được một ngày vui. Con mới rửa tội được 6 người lớn và mấy đứa trẻ, đó là ít trận con thắng được với con cựu xà.

“Con viết thơ này giữa một lũ 60 đứa trẻ, chúng nó đang học kinh bổn om – sòm chung quanh con và nhờ lúc con mắc viết đây mà tập võ ngầm với nhau dưới bàn con. Con nói một lũ trẻ vì ở đây người lớn nhiều khi cũng ăn ở như trẻ con, nếu không coi luôn thì người lớn cũng chơi như con nít : các bà thì cãi nhau về giá lúa, giá gạo, các ông thì hỏi nhau về giá thuốc, thuốc ngon thuốc lạt. Đang cãi lẫy chuyện trò với nhau mà thấy bóng cha sở đến thì họ lại la kinh bổn om sòm. Nếu quở trách họ sao làm vậy thì họ trả lời : Bẩm không ạ, chúng con có nói chuyện chi đâu, chúng con cãi lẽ đạo với nhau đó thôi!

Cái phòng con dạy học đây trường khoát vuông vức 5 thước tây, ở giữa có bàn ghế con ngồi, còn họ thì ngồi dưới đất, đàn ông bên hữu đàn bà bên tả, con nít thì bận áo da “mốt Adong Evà”, chạy quanh khắp chỗ, rúc cả vào gầm bàn con, có đứa rung chân bàn, có đứa làm việc tự nhiên xông mùi khó chịu khắp cả nhà. Các ông thì hút thuốc, khói bay cuồn cuộn chung quanh con, các bà thì ăn trầu nhổ nước cốt đỏ lòm như máu. Đó cha mẹ xem cái phòng dạy học của con khác xa phòng khách các ông hào phú, các vị tước công biết chừng nào! Thế nhưng trong phòng tồi tàn này, con với những người nghèo khó bàn nhau về những điều hệ trọng gấp mấy những truyện nói trong các phòng khách lộng lẫy! Con không thể bộc lộ được sự vui sướng khi thấy họ mở mắt nhìn con, ngạc nhiên vì nghe con nói Chúa lân mẫn vô cùng đã từ trời cao xuống đất thấp, chết ô nhục trên khổ giá để cứu với sinh linh mà còn biết bao kẻ chưa nhận biết Người!

“Công việc chiếm nhiều thời giờ nhất của con là dạy kinh bổn cho giáo hữu tân tòng, song than hỡi ! họ không sáng trí mấy! Nhất là có ba bà lão già quá 70 tuổi! tội nghiệp các bà, phải chịu hết các sự khó thế gian này mới thuộc được mấy kinh! Khi con dạy kinh bổn cho họ hơn 10 tiếng đồng hồ rồi thì con chạy chung quanh bên tả bên hữu một chặp cho khuây. Thấy mình mệt muốn nghỉ thì con tự bảo : Hỡi Henri Denis, nếu mày không làm thầy cả thì mày phải làm anh hàng bánh, nên mày phải làm việc cho gắt, phải làm việc đi, nghỉ chi mà nghỉ! Vạn tuế các cha bổn sở, và cũng vạn tuế các ông hàng bánh nữa!”

Phướng pháp thứ hai: cha giáo Thuận quen làm để giảng đạo là năng đi thăm viếng các sở, các họ như chúa chiên tỉnh thức canh giữ đoàn chiên. Ngài viết thơ cho cha mẹ rằng:

“Không khi nào con mắc việc bằng kỳ này, con phải đi thăm các họ, hôm nay ở Lập – Yên, tối mai con sẽ ngủ ở Phú – Gia. Tội nghiệp cho con ngựa của con, chắc có ngày cả nó cả con sẽ đổ! Đến đâu thì con khuyên bảo họ năng xưng tội rước lễ, khi con về thì lòng đầy vui sướng !”

Ngài lại đi thăm riêng từng nhà để trực tiếp an ủi như thơ ngài viết : “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, con đi thăm bổn đạo, con đến từng nhà một. Mỗi nhà con cho một ảnh Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành, tràng hạt áo Đức Bà, đoạn con nói ít lời an ủi họ. Gần nhà con có một trường học cho trẻ con học kinh bổn. Thường ngày có năm sáu mươi trẻ đến học, con dạy nó học khá rồi : nào kinh tối sáng ngày thường, ngắm đàng thánh giá, nào là lần chuỗi Môi khôi, chuỗi Bẩy sự, kinh cầu.v.v.., chắc trẻ con người lớn bên Tây không thuộc nhiều kinh bằng trẻ nhỏ của con đâu! Có đứa thuộc lòng cả sách kinh bổn từ đầu đến cuối. Muôn năm Việt Nam! Xin cha mẹ cầu nguyện cho Việt Nam yêu dấu của con!”

Phương pháp thứ ba : Cha giáo Thuận quen làm thuốc cho kẻ đau yếu bất kỳ lương giáo. Ngài viết thơ rằng : “Lạy cha mẹ thân mến, nhà con ở càng ngày nên như nhà thương, hơn bù kém mỗi ngày ít nhất cũng có 50 người đến xin thuốc, phần nhiều là mụt nhọt ung thư, máu mủ thối tha thôi hám lắm, nên thường khi làm thuốc rồi con phải thay đồ. Con tốn rất nhiều thuốc cho họ, phần nhiều là bệnh nhân ngoại giáo, nên khi con chữa bệnh phần xác thì con xin Chúa chữa tật linh hồn họ. Chắc lời cầu xin của con không ra vô ích, xin cha mẹ cũng cầu nguyện cho các bệnh nhân của con.”

Một thầy trợ giáo cựu nghĩa tử của ngài làm chứng: “Thường ngài hay mua thuốc về cứu giúp bệnh nhân, ai đau thương tích gì đến xin ngài làm thuốc thì chính tay ngài múc nước chùi rửa làm thuốc một cách rất chu đáo.”

Khi ốm đau ngài chữa thuốc như vậy, đến lúc chết có khi ngài thân hành liệm xác và cho tiền mai táng như chứng thơ rằng: “Họ con nay phải dịch thiên thời thổ tả, chết mất mười người, con cũng bị song nhờ ơn Chúa đã khá. Người ta thất kinh đến nổi không an dám liệm xác kẻ chết, chính tay con phải ôm xác bỏ vào quan tài, đậy nắp đóng đinh rồi bỏ tiền thuê người đem đi chôn!”

Phương thế thứ bốn : Cha giáo Thuận thương giúp kẻ nghèo khó, Ngài thật đã nên cha kẻ khó khăn. Về diều ấy các cha nhiệt liệt tán dương, như rằng : “Cố Thuận ra làm bổn sở thì giúp đỡ con chiên đến nỗi hết tiền. Nhiều lần trong tủ không còn “Một trự ăn sáu”, mà người ta cứu đến xin mãi, ngài phải thâm nợ nhà chung 1.000$, khi lập Dòng rồi còn mắc 300$ (Trích thơ các cha: Cha Thắng, cha Bá, cha Kinh, cha Luyến.)

Thầy Micael chúng tôi, nghĩa tử của ngài chứng minh: Người thương yêu kẻ khó khăn hết sức. Hằng ngày kẻ khó đến xin luôn mà chưa hề thấy cha để ai về tay không. Có nhiều lần ngài bố thí hết không còn một trự, đầu bếp đến xin tiền chợ thì ngài bảo ra xóm mượn đỡ. Trong họ có ông biện năng cho ngài vay lúc năm ba quan như vậy. Khi đi làm các phép sau hết ngài cũng bỏ hai ba quan tiền vào tráp để có gặp nhà nghèo khó thì giúp đỡ. Một người kia rước ngài đi kẻ liệt, làm cho chính ngài cũng phải tức cười. Vốn nhà ấy đã quen đến xin ngài giúp, xin mãi sợ hổ ngươi, nhân lúc trong mình hơi mệt sai con đi rước cha xức dầu. Ngài vội vã bỏ hai quan tiền vào tráp ra đi. Đến nhà ngài hỏi kẻ liệt đâu! Trong nhà trả lời : Mới đi ra đó! Ngài bỡ ngỡ, ngồi một lúc thấy kẻ liệt đi đâu về. Ngài an ủi đoạn mở tráp cho hai quan tiền, chúc bằng an ra về, cười mưu sâu kẻ liệt!

Chính ngài cũng viết thơ rằng : “Con viết thơ này trong phòng tối, con phải đóng cửa lại kẻo họ khuấy  con luôn. Một đôi khi con biết rõ thất nó giả đò túng thì con từ chối không cho, song thường thì con cứ cho luôn. Con đã hao tốn nhiều lắm. Con không tiếc chi cả song có khi con buồn vì bị “khánh kiệt”, tức thì Chúa lại giúp con ngay, như mới hôm qua có người vô danh gửi cho con 50$, trước đây mấy tháng cũng có người nặc danh gửi cho con bằng ấy. Thế tất là Chúa chứ ai? Muôn năm Chúa. Vậy thì cha mẹ biết muốn có tiền phải làm gì? Phải làm hai việc : Đừng tiêu tiền bạc vô ích và khinh chê nó tận đáy lòng. Phần con hằng tận tụy giữ hai điều ấy.

Chung quanh con đầy những người nghèo túng, họ đến xin con giúp. Từ sáng đến giờ mới hai tiếng đồng hồ mà con đã cho hết bốn năm quan tiền rồi. Có nhiều người muốn trở lại, song nghèo túng quá, con phải giúp họ ăn học, mà con cũng quá túng phải vay mất hơn 1000 phật lăng. Xin cha mẹ đừng nói với ai vì thường người ta không thích kẻ mắc nợ. Hiện nay có nhiều người xin trở lại, song con không dám nhận nữa vì không có tiền trợ cấp cho họ.”

Thơ khác Ngài viết : “ Lạy cha mẹ rất yêu dấu, bổn đạo con càng ngày càng đói, họ phải tha hương cầu thực. Con phải đóng cửa phòng lại không cho ai vào nữa vì hết tiền rồi! Ai đến xin con bảo họ xuống bếp cho mỗi người hai chén cơm thôi. Không thiếu người xin trở lại, song 10 người con chỉ nhận một. Dầu thế càng ngày con càng mắc nợ, nếu sang năm Đức Cha không đổi con đi thì con cũng phải xin kẻo chết mà đem theo hai ba ngàn bạc nợ thì khổ quá. Cha mẹ biết con đã khởi sự bạc đầu rồi không? Năm ngoái còn bạc ít năm nay đã trắng phớ ra rồi. Còn râu con thì nó rụng rồi nó lại mọc, mọc rồi nó lại rụng, thế là nó cũng kỳ cục như con! Con mới dịch xong một quyển sách, cũng kiếm được ít xu. Nhà in họ hứa cho con được năm hoặc tám chục, bấy nhiêu không là bao song cũng giúp con đút – nút ít nhiều lỗ nợ. Con còn dọn hai ba quyển nữa bằng tiếng Việt – Nam hoặc chữ Hán và dịch sử ký nhà Nguyễn, song dài lắm, con mới dịch xong một phần về đời XVII thôi. Làm các việc ấy chẳng vui đâu, cực chẳng đã con mới phải làm để kiếm tiền giúp kẻ bần hàn kẻo nó chết đói. Ôi cuộc đời con nó buồn dường nào! bao giờ con được về Thiên đàng cho vui chút!”

Cũng vì uốn cứu trợ kẻ khó và mua vui cho họ mà cha giáo Thuận hay mở cuộc lễ linh đình, hoặc dọn tiệc cho người ta ăn uống: đó là phương pháp thứ năm. Thường niên dịp lễ Sinh nhật ngài quen cho bổn đạo ăn tiệc ban đêm mừng Chúa Hài Đồng, như thơ ngài viết : “Lạy cha mẹ yêu dấu của con, lễ Sinh nhật ở họ con vui lắm, Lễ nửa đêm được 190 người rước lễ, lễ tất con cho họ ăn mừng Chúa Hài Đồng có 310 người ăn, không kể đàn bàn con nít. Con đã hạ 1 trâu, 1 heo và 15 thúng gạo xôi.”

Cha cũng dốc sức dọn hang đá máng cỏ, làm các thứ đèn, đốt cây bông cây hoa. Trong thơ viết cho song thân ngài nó : “lạy cha mẹ rất yêu dấu, bên Pháp người ta đi đạo từng mấy thế kỷ rồi nên dầu nhà thờ không trang hoàng lộng lẫy, cờ xí xanh đỏ thì người ta cũng đi nhà thờ, song ở họ con đây hầu hết là bổn đạo tân tòng cả, họ mới đi dạo hôm qua, nên rất cần sự trọng thể bề ngoài kẻo bên lương họ chê cười; Bên đạo buồn quá! Con đã mua 400 cái nồi đất và mồ hóng để đốt cây bông cây hoa, con bắt làm đèn giấy ngũ sắc lớn nhỏ đủ thứ. Lễ Sinh nhật, các trung nam trung nữ hát vãn hay vô cùng. Họ thay đổi nhau hát trót ngày thâu đêm. Hang đá làm bằng tre trát đất, trồng cây cối rêu cỏ chung quanh giống hệt hang thiên tạo ngó thần tình lắm! Năm nay lễ Sinh nhật trời nóng quá lẽ, có cha giáo Nhơn (R.P. Mendiboure) giáo sư trường thần học đến chơi, con  mời ngài hát lễ nửa đêm mà ngài đổ mồ hôi như tắm. Ôi! Thế những khối tuyết bên Pháp bây giờ  ở đâu mà ở đây nóng thế này ?”

Khi Đức Cha đến kinh lược thì Cha giáo Thuận đón rước linh đình lắm, như thơ rằng “Tuần vừa rồi, Đức Cha đến kinh lược họ con, con đã cho bổn đạo ra đón tận nhà ga. Đám rước dài kể mấy cây số, có lính 200 người sắp hàng ngũ, nào cờ quạt gươm trường, nào bát âm phường trống, nào lọng xanh, lọng vàng  tàn quạt che rập trời, trống chiêng đánh vang cùng trời đất. Bốn trống đại cổ, mỗi cái hai người khiêng nặng, đánh gióng đôi với bộ chiêng cồng, điểm theo tiếng pháo nổ đì đùng kinh thiên động địa.

Đức Cha an tọa rồi dọn bữa tiệc đại thể mầng Ngài, bữa tiệc kể ngàn món, xin cha mẹ nghe cho rõ : 2 bò, 2 heo, 25 thùng gạo tẻ, 10 thúng gạo xôi. Các làng ngoại giáo phụ cận cùng với chánh, phó tổng lý – trưởng cùng mang đồ lỡi đến mầng Đức Cha. Một sự đáng khen nhất là đám đông người ăn như thế mà không một tiếng cãi nhau vì con đã cấm không được uống rượu, đe nếu ai uống rượu thì phạt rất nặng, trừ ra kẻ ngoại thì con cho uống ít nhiều. Khi Đức Cha trẩy rồi con mới cho mấy ông chức việc có đạo mỗi ông một chén nhỏ thôi. Đức Cha thỏa lòng lắm, lúc họ đến mừng, Ngài nói không đâu nghênh tiếp Ngài long trọng bằng họ chúng con đây. Đức Cha nói vậy cũng có lẽ, Tạ ơn Chúa!”

Cha Giáo Thuận về Nước Mặn được hơn một năm thì họ Lập Yên xin tòng giáo. Ngài vui sướng như gặp trân châu. Dầu họ ấy ở về miền sơn lâm chướng khí, lại thêm hùm, beo, khái, cọp, thì Ngài cũng thân hành để dạy, ôm theo một nguồn khoái trá như thơ Ngài viết : “Lạy cha mẹ rất dấu yêu, con đang ở một nơi sơn cước, giữa những thú dữ hùm, beo, lợn lòi, nai, mang, nhưng con không ở một mình đâu, có 20 người ở với con, họ mới trở lại đang học đạo. Cái nhà con đang ở đây trường 6 thước, ngang 5 thước, cao 4 thước, vừa làm nhà thờ, nhà ngủ, nhà cơm, nhà bếp v.v… mọi sự đều ở trong nhà đó cả, trên lợp tranh chung quanh ghép sậy, đây con vẽ bản đồ cho cha mẹ xem: Gian giữa làm bàn thờ, giường con nằm ở dưới sập bàn thờ, bên tả có giường cho đàn ông, góc trong để hòm đồ lễ, bên hữu kê giường cho đàn bà, xó trong thì làm bếp .v.v… Thật là một đền đài nguy nga rực rỡ, cha mẹ tìm khắp nước Pháp cũng không gặp được đền nào như vậy, thế nhưng cha mẹ cũng không tìm được ai có phước hơn Henri  của cha mẹ bây giờ. – Trót ngày từ sáng đến tối con chỉ nói với họ về Đức Chúa Trời mà thôi. Con thấy họ lần lần đổi nên kẻ có đạo một cách trông thấy. – Mà cha mẹ đừng lo về con, con ở đây có đủ mọi sự cần, muốn chi được nấy. – Vạn tuế Chúa, cám ơn Chúa ! Hằng ngày con ăn đồ mỹ vị như vua thượng vị, như sáng nay con ăn cơm với nấm, trưa hôm nay thì cơm với cá mắm, trưa bữa qua thì cơm với thịt thỏ rừng, sáng hôm qua thì cơm với gà rừng, hôm kia thì ăn cơm với thịt vịt trời, thế nhưng tối hôm nay thì sẽ ăn cơm với cơm thôi. Ha ! ha !  Cha mẹ lầm to, tưởng con ở đây chết đói ư ? Không, con không chết đói mà con lại sắp vào sổ những người cân nặng 100 ký, chỉ thiếu 46 ký nữa thôi!

Thôi, từ giã cha mẹ, con đi nói  với họ ít lời về Đức Mẹ. Chớ gì con được lòng mến Đức Mẹ Maria, họ đạo mới này con sẽ dâng kính Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành. Con yêu của cha mẹ. H. Denis.

Ngài ra sức dạy kinh bổn, ít tháng đã rửa tội được. Ngày họ chịu phép Thánh tẩy, cha làm trọng thể hết sức cho sáng danh Chúa để chinh phục lòng dân ngoại.  Ngài viết thơ rằng “Con đã rửa tội họ Lập Yên rồi. Con làm linh đình số một : Có phường bát âm, hai người thổi quyển, một người thổi kèn quân (clairon) bằng gỗ, một người đánh trống, một người đánh tam, người khác gõ nhịp bằng sừng trâu hay ho nhịp nhàng như hội kèn Chính phủ vậy. Rồi con lại thuê máy hát Việt Nam. Máy hát đó là của một người Việt Nam con rước đến. Cho anh ta một bữa cơm và ba quan tiền, thế là bổn đạo con được nghe hay tuyệt ! Song, còn một điều vui hơn nữa là con đã hạ thủ một xừ heo, nấu năm thúng gạo xôi, còn trầu cau thì nhai như ý!  Nhà thờ thì con trần thiết màn ảnh cờ xí đỏ xanh con đã mượn của Cha “La Force” (Cha La Force là cha Lực, ngài dịch theo chữ Hán) con mời Ngài và Cha Droit (Cha Droit là Cha Chánh) cả ba chúng con đã đánh một bữa tiệc đại thể, nhất là có ba củ khoai tây ở Huế người ta gửi cho con làm giống thì hai Cha bàn với con đem trồng nó vào nồi, thế là mưa gió mấy cũng không sợ mất giống. Rồi các hương chức cũng đến chia vui, họ biếu cho ít chục trứng, con đã hộ một bữa tiệc phỉ chí, có mười chén mười đĩa, Thế là Lập yên nay đã thành họ đạo. Nguyện xin cho hạt giống ấy đâm rể nảy mầm, trong vai năm nữa cả làng đều tòng giáo.

Rửa tội Lập Yên rồi, cha giáo Thuận lo tu bổ nhà thờ Nước Mặn. Trong việc này Ngài còn tỏ lòng nhiệt thành hơn nữa: Chẳng những quyên tiền, sắm sửa vật liệu, điều khiển nhân công, lại chính Ngài cũng thân hành đi rú làm săng. Ngài viết thơ: “Lạy cha mẹ rất dấu yêu, con đã nhận được 50 quan tiền tây cha mẹ gửi, con xin hết lòng cảm ơn. Con sẽ dùng tiền ấy mà sửa chữa nhà thờ. Con đã mua 4 vạn ngói, mỗi vạn 32$ cả đài tải thành 35$. Giáo hữu đã góp được 200 thúng vỏ hầu để nấu vôi, song còn phải mua ít là chừng ấy nữa, lại phải mua ít là 10$ than. Săng thì họ mới làm được 50 phiến, còn phải mua chừng 30 phiến !”

Thơ sau rằng: “Con mắc coi thợ sửa nhà thờ: Thợ mộc, thợ nề vô số, phải luôn luôn để mắt kẻo họ làm sai. Con vừa làm ông đốc công vừa làm người thầu khoán, vừa là cai “culi” và nhiều khi làm “culi” nữa. Thợ mộc Việt Nam có hơi kém, song thợ nề giỏi lắm, còn thợ chạm thì đặc biệt. Trước, con định sửa lại thôi, nay mới biết phải làm lại hết vì mối ăn sạch cả. Ngày mai con sẽ cùng với 20 người đi rú làm gỗ, chúng con định làm 30 súc. Chính phép phải nộp thuế cửa rừng mất 125 quan tiền tây, song con đã xin phép kiểm lâm cho chặt nhưng không!”

Đi rú về Ngài viết “Con đã đi rú làm gỗ về đây, phải đi bộ 20 cây số, cả đi cả về 40 cây! một dịp đi dạo cũng khá! Tuy thương hại cho cái chân của con bị thứ đỉa cắn nát cả. Nó bám đầy trên ngọn cỏ, lá cây, không thể bước một bước mà không bị nó bám vào, nên cứ đi chừng 15 phút là phải đứng lại gỡ nó ra. Người ta trị thứ đỉa này bằng một thứ thuốc riêng chế bằng vôi và muối bỏ trong cái ống tre, lấy cai tăm bôi một chút vào miệng nó, nó liền nhả ra ngay. Giống đỉa này có cái tài riêng chui vào các kẽ ngón chân mà cắn, no rồi mới nhả ra, thấy máu chảy mới biết. Nó cắn không đau song hay sinh mụt lâu khỏi lắm. Hôm nay con đã thuê trâu đến rú kéo gỗ, phải thuê làm một đàng mới cho trâu kéo, làm con đàng ấy, con phải tốn mất 25 quan. Rồi từ chân núi tới nơi còn phải đi 12 cây số nữa. Công việc bề bộn, e con phải hư óc, nhất là hư bạc tiền. Có lẽ phải tốn đến 800$, tức là 200 quan tiền tây. Làm một nhà thờ mà tốn chừng ấy, một Cha sở bên Tây nghe vậy phải nực cười, song con không cười chút nào, mà con cũng không khóc đâu! Nhờ ơn Chúa, mấy ngày nay có nhiều người xin trở lại, toàn là những tay sừng sỏ cự phú và ghét đạo xưa nay. Cám ơn Chúa quá! Khốn nạn! mấy người làm săng gỗ cho con họ đo sai bậy cả, phải làm thêm 10 cái kèo khác. Thương hại cho cái ví tiền rỗng không của con, đã khó chó cắn thêm là vậy! Tội nghiệp quá!“

Cha giáo Thuận có bao nhiêu tiền đều đổ dốc vào việc tu bổ nhà Chúa, lại còn đeo thêm nhiều nợ, đến nỗi nhà chung không dám cho vay nữa. Nghe vậy, Đức Cha muốn đổi Ngài về tiểu chủng viện lại, song Ngài cứ bình thản không muốn ở chỗ này hơn chỗ kia. Đồng thời Chúa hé cửa lòng ngài cho thấy thoáng qua  việc Chúa sẽ uỷ thác sau này, như Ngài viết : “Thưa cha mẹ rất yêu dấu, có lẽ Chúa sắp kêu gọi con làm một việc khác, việc nào cũng được, luôn luôn vạn tuế Chúa!”. Cha giáo Thuận thấy túi rỗng không thì hoảng sợ, gia tăng việc dịch sách để thoát vòng cương toả. Khi ấy ngài đã dịch được hai quyền chữ Hán ra Pháp văn, mỗi quyển được chừng 200 phật lăng, đem chi dụng vào Nhà  thờ và đạo mới hết. Cha là tiếp tục dọn một cuốn sách tiếng Việt cũng giá trị 200 phật lăng; rồi dịch sử ký Việt Nam bằng chữ Hán ra chữ Pháp.

Đọc tới đây chắc đọc giả nghĩ: Ông Tây mà thông chữ Hán quá! Dịch nổi một pho sử, thì chữ Hán phải giỏi đến thế nào? Phải! Cha giáo Thuận sở trường chữ Hán ngay khi mới qua Việt Nam, khi làm giáo sư chủng viện An - Ninh ngài cứ tiếp tục học, sau về Nước Mặn cứ còn theo đuổi, nên đã biến thành một cụ đồ nho! với chữ Hán cha giáo Thuận mưu ích cho người ta rất nhiều. Ngài viết: “Lạy cha mẹ rất dấu yêu, tuần vừa rồi ở bờ biển Phú Hỡi gần nhà thờ họ con, thấy một chú Tàu ôm tấm ván dạt vào bờ đã thoi hóp gần chết. Họ chạy ra vớt lên đem về đổ hồ đổ cháo cho thì dần dần tỉnh lại. Chú ta không biết tiếng Việt Nam  đã rồi, con phải dùng chữ Hán mới biết công việc của chú.

Nguyên chú là người ngư phủ Quảng Đông, một hôm ngồi tấm ván bơi đi thăm lưới, chẳng may sóng đánh bạt đi, mười hai ngày lênh đênh trên mặt biển không chi ăn uống. Vợ chú mới chết để lại sáu đứa con thơ.v.v. Con bảo người ta đem chú đến quan công sứ trình bày công chuyện, quan truyền cho chú một cái thuyền nhỏ và lương thực để bơi về Quảng Đông.

Ấy cha giáo Thuận tốt dạ thương giúp người lương, kẻ giáo, phần hồn, phần xác mà có kẻ vong ân bội nghĩa, dĩ ân trả oán. Một thầy trợ giáo môn sinh của cha thuật lại: “Khi ngài coi sóc họ nước mặn đã nên gương nhịn nhục người khác thường. Ngài kiêm thêm ba họ nhánh là: Phú Gia, Phú Hỡi và Châu Mới. Một hôm đến phiên ngài đi làm lễ họ Châu Mới, cách nước mặn bốn cây số, phải đi qua một cái cầu tre. Khi ngài cưỡi ngựa đến cầu, trong làng có người ghét đạo biết ngài xuống làm lễ, nó chạy ra rút cầu quăng đi, song ngài cứ bình tĩnh đặt ngựa lội xuống, may nhờ nước cạn ngài qua được bình an rồi cứ đi thẳng tới nhà thờ không la quở một tiếng.

 Năm khác ngài đi làm lễ minh niên cũng cho họ Châu mới. Tối ba mươi rạng mồng một, thói quen kẻ ngoại hay lên nêu. Ngài dùng cơm tối đoạn ông Câu đến thưa: có một nhà trong họ có ý muốn bỏ đạo, lên nêu tại nhà nó. Nghe vậy động lòng thương con chiên xiêu lạc ngài bảo thắp đèn đi với ngài. Đến nơi cha an ủi khuyên lơn, dạy hạ nêu xuống, xong nó không nghe. Ngài bèn tìm dao chạy ra chặt cây nêu hai ba lát. Cả nhà chúng chạy ra lấy roi lấy gậy đánh ngài lu bù, quăng cái đèn ngài đi. Ngài cứ bình tĩnh tìm đèn thắp ra về. Bổn dạo vội chạy đến nhà thờ thúc trống kêu cứu. Chức việc làng Châu mới đến lạy thưa: con dại cái mang, dám xin cha đại xá. Đang ngày minh niên xử chưa được xin truyền lại qua dịp nguyên đán, làng sẽ sửa tội đứa ngỗ ngịch. Cha nghe vậy làm thinh, chỉ giơ tay bị trọng thương cho làng xem đoạn cho làng về. Sau tết không nghe ai nói đến, Ngài cũng bỏ qua; lâu lâu có người nhắc thì cha rằng: không can chi.

Hạnh tích ấy cùng nhiều tích khác chứng minh Ngài rất hiền lành, nhịn nhục. 

CHƯƠNG VII

Đức Cha sai cố Mới đến học tiếng và giúp Cha Giáo Thuận,

Cha Giáo Thuận đi giảng Cấm Phòng Dòng Sư Huynh La San và Nhà Phước- Mấy tích truyện

Đức Cha thấy công việc cha giáo Thuận ngày một xúc tiến thì sai cố Mới đến giúp và học tiếng luôn thể. Cha hết sức nhã nhặn chiều ý cố Mới cũng như cha phó Việt Nam của ngài, cha viết thư cho song thân rằng: “Đức Cha sai một cố Mới đến giúp con và học tiếng, chiều nay con sẽ đi cửa Hàn đón Ngài, quý danh là Cha Rey (Cố Phú) thế là nay con đã nên cố già rồi, sắp phải gánh việc chỉ vẽ cho cố Mới, mau mau con phải sinh hoạt đứng đắn ra điệu cố già chớ. Con đã cho một người bổn đạo đi Huế học bếp Tây, kẻo cha Phó mới không chịu nổi bếp Việt Nam của con, lại là bếp Việt Nam nghèo túng. Hàng ngày con ăn cơm với chút cá lẹp và đĩa rau chấm nước mắm. Đôi khi cũng được miếng thịt heo, có khi được cánh gà rừng hoặc miếng thịt nai, hoạ hoằn cũng được cái cẳng voi, úi chà ngon tuyệt! Song có bữa chỉ có vài hột vịt lộn! Vậy thì nay con sẽ có bếp pha tây pha nam, song xem chừng hễ cố phó con chịu nổi bếp bản dân, thì con lại đưa Ngài về mốt Việt Nam, vì bếp Việt Nam là ngon nhất hạng.

Cố Mới này quê ở Haute-Loire, xuân thu mới có 26 đã đi lính hai năm; ngài khác tính con lắm, song con hy vọng ngài với con sẽ ý hiệp tâm đầu.

Thật vậy hai cố khác tính nhau, song cố Thuận ra sức chiều ý cố Phú, như chính thơ cố Phú viết cho chúng tôi: “tôi thú thật tôi không làm cho cố Thuận được hài lòng mấy. Tôi mới học tiếng Việt Nam được mấy tháng mà ngài muốn tôi nói xuôi sao được? Tôi nhớ sao nói vậy mà ngài cũng vui lòng luôn. Tính ngài nóng như lửa cháy, song cũng mau tắt. Ngài sắc trí lắm, nên mau hiểu sự lỗi của mình khi đã biết thì tự hạ cách đơn sơ khiêm nhường lắm.”

Cha giáo Thuận viết về cố Phú “Cha phó Rey của con đã biết tiếng Việt Nam đủ rồi; ngài lịch sự vui vẻ lắm, thật là một vị  linh mục rất thánh, hằng tìm cách dấu ẩn các tài năng của mình, không bao giờ nói về mình hoặc về việc mình làm sự khó khăn mình chịu. Con tưởng chày kíp ngài sẽ làm cha sở Nước Mặn thay con. Phần con sẽ đi đâu mặc thánh ý Chúa, đi đâu ở đâu con cũng làm tử tế luôn.”

Hai năm sau Đức Cha thuyên chuyển cố Phú đi nơi khác, cha giáo Thuận viết: “Lạy mẹ rất dấu yêu, cha phó Rey đã bỏ con rồi, Đức cha đổi ngài ra Quảng Trị cách Nước Mặn một trăm cây số! Nay chỉ một mình con thì lại quay về bếp nam theo cảnh nhà nghèo, vì ăn “mốt” Việt Nam hợp tỳ vị con cách lạ. Hai năm nay con phải dùng bếp bán tây bán nam không hợp cho bao tử con chút nào. Từ nay mỗi bữa chỉ mỗi khúc cá con-con giầm chút nước mắm là đủ cho con nuốt trôi mấy đọi cơm khổng lồ kia.”

Thầy Michael chúng tôi, nghĩa tử của ngài, cũng kể một tích lại làm gương khiêm nhường cách lạ: Thường có thói quen các ngày chủ nhật chức việc các họ lẻ về xem lễ rồi vào hầu cha sở trình việc họ. Một hôm đến giờ cơm mà chưa xong việc, cố Thuận cứ ngồi nói tiếp. Các chú lên dọn bàn thì ngài bảo thủng thẳng đã. Các chú đi thưa cha phó Lược thì cha phó không bằng lòng. Một hồi lâu xong việc, dọn cơm lên mời cha phó sang dùng bữa. Làm phép bàn xong cha Lược cầm vịm cơm nói: “Cơm nguội như vậy ăn sao được? Họ nhóm mặc họ, đến giờ dùng bữa thì cứ đi, đợi họ làm cơm canh nguội cả!”

Cha giáo Thuận vội đứng lên xin lỗi : “Nay lỡ rồi xin cha bỏ qua, tự hậu không dám nữa!” tật là gương khiêm nhường hiếm có, nhất là ngài dốc lòng mà giữ như vậy, vì từ đó đến ngày Chúa nhật chức việc các họ đến thì ngài cho ăn cơm, rồi mới bàn tính việc họ.

Ngài cho cha phó nói vậy rất phải, về sau ngài viết thơ khen cha phó ấy rằng: “… Cha phó Nam của con đã bỏ con rồi. Đức cha sai ngài đi giúp một cố đang đau nặng. Con tiếc ngài quá vì thật là một linh mục thánh. Cách ngài ăn ở làm gương sáng mưu ích cho người ta hơn lời người giảng dậy.”

Đức cha thấy cách cha giáo Thuận sinh hoạt nêu gương sáng cho mọi người thì dậy ngài đi giảng cấm phòng nhiều nơi, nhất là trường sư Huynh Lasan Huế và cho nhà Phước như thơ ngài viết: “ … Đức Cha dạy con đi giảng cấm phòng cho trường sư Huynh Lasan Huế. Con chưa giảng tiếng Pháp bao giờ, nay là lần thứ nhất, con phải giảng tất cả 12 bài. Đến tháng Đức Bà thì con lại đi giảng cho nhà Phước. Ôi khi con giảng bấy nhiêu bài mà con chưa sửa mình thì con sẽ bị phán xét nặng lắm!”.

Thơ khác rằng: “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, con hối hả viết mấy chữ hầu cha mẹ trước khi con đi ngủ để ngủ cho ngon hơn. Mấy ngày nay con mắc dọn bài giảng để tuần sau giảng cấm phòng cho nhà Phước. Cha mẹ có biết Việt Nam có nhà Phước không? Con tưởng con đã nói chuyện với cha mẹ về nhà Phước Việt Nam rồi. Mặc lòng con nói lại. Trong cả địa phận Huế có 5 nhà, chừng 200 chị. Họ ăn mặc như người Việt Nam thường, song áo dài hơn và thụng tay, không để tóc, chỉ khác đàn bà thường bấy nhiêu thôi. Kẻ còn đang tập, thử, thì mặc áo trắng, kẻ tập thử rồi mặc áo đen. Nghề nghiệp của họ là làm tơ lụa và dệt vải. Tuy họ không khấn đức khó khăn. Song họ thật khó khăn lắm. Chừng 3-4 năm một lần chọn bà Bề trên lại, họ vâng lời bà Bề trên cũng khá lắm. Luật phép không nhiệm nhặt mấy; nố luật họ cho là nhặt hơn cả là không được nói ngoài giờ nói chuyện. Tuy họ chưa có ai là bà “đại thánh”, ít là con chưa thấy, song con chắc họ đẹp lòng Chúa lắm, đẹp mắt Chúa lắm. Họ không ở luôn trong luỹ cấm như nhà kín, vì có người phải đi bán thuốc và tìm kiếm kẻ ngoại đạo rình sinh thì mà rửa tội, lại có người đi bán lụa bán vải họ đã dệt. Xưa kia họ là nhà Phước Mến Thánh Giá, song nay chỉ gọi chống là nhà Phước thôi. Mỗi nhà được quyền tự chủ, không có bà Bề trên chung. À, con quên họ còn làm bánh lễ và giặt đồ lễ giúp các cha. Ở đây người ta đều kể họ là các bà thánh và cho là những ngươi thạo nghề buôn bán thượng hạng. Buôn bán là nghề quý nhất nơi đàn bà Việt Nam. Nên khi một anh chàng nào muốn hỏi vợ, thì tiên vàn tìm cho được một người biết mua rẻ bán mắc, hễ được điều ấy rồi thì cô ấy xấu như bẩy mối tội đầu, anh chàng cũng lấy vì đã mãn nguyện rồi! Hễ được người vợ như thế thì không sợ chết đói. Chính con cũng thấy ít nhiều đàn bà như vậy, lưng vốn họ chỉ có hai ba quan, buôn bán hằng ngày, mà đủ nuôi cả gia đình mấy miệng ăn đầu năm chí cuối. Thôi mười giờ rồi, con buồn ngủ quá! Lậy cha mẹ bonne nuit, bonne nuit!”

Tháng sau ngài viết: “Nay con soạn giảng cấm phòng cho trường Sư Huynh và nhà Phước lần hai. Xin cha mẹ cầu cùng Chúa cho nói về Người cho kha khá để các thầy các chị thêm lòng kính mến Người hơn nữa. Khi giảng cho nhà Phước con tưởng con đã nói giảo-hoạt khá vì khi ấy con đau không ăn chi được hết nên con đã giảng một bài về ích lợi sự ăn chay”.

Cha giáo Thuận tu chỉnh nhà thờ trị sở xong thì quay ra sửa chữa hoặc làm thêm các nhà thờ họ lẻ. Ngài hết lòng rộng rãi với Chúa thì Chúa cũng giữ gìn Ngài và công việc Ngài. Ba tích sau đây cha viết chứng minh:

“Tuần rồi một đàn voi 20 con đến ruộng họ con, may phước các ông đến muộn, lúa má cắt hái đã xong. Có bắn được một con bán 6$, tính ra mỗi gánh thịt giá một su! Thương hại cho Thuỷ Yên một làng kẻ ngoại gần đây, họ xây một cái chùa đẹp lắm, phí tổn mấy trăm bạc. Không biết vì sao ông thần dùng miệng một phù thuỷ cao tay bảo là: Ngài không ưng ở đó nữa, phải làm cái khác gần chân núi. Thời buổi cơ cận eo hẹp làng buồn quá song phải tuân ý ngài, bỏ tiền tay cất chùa. Song việc là rước bụt ra đặt yên vị. Hôm sau có một bác voi khổng lồ đến bẻ cửa, sô tường phá dường thờ lấy vòi quăng tượng bụt ra 100 thước. Làng thất kinh kéo nhau rước bụt về, làm lễ phạt tạ rồi quyên tiền sửa chùa lại, đặt bụt lên vị cũ. Hai tháng sau “xừ voi” lại đến phá cửa sô tường vặn gẫy cổ đức bụt. Tức giận vô cùng nhưng biết làm sao? Làng lại rước xác bụt và đầu về gắn lại, làm lễ thống hối rồi bỏ tiền sửa chùa lần thứ 3, khênh bụt đặt ngự toà vàng chổm chệ. Chú tượng ra không chịu thua, lại đến lần nữa, có khi tại chùa làm vướng lối nó đi, lần này bác ta phá bình địa, mấy cái cột bẻ gẫy hết, tượng bụt thì chú đập tan không gắn lại được! Mà lạ! Ngay bên chùa ấy có một nhà thờ lợp tranh của họ lẻ con. Nếu bác tượng muốn phá thì chỉ dựa vào là xong, thế mà chúng không động chi đến. Tuần sau một đàn 16 con kếch xù lại kéo đến sân nhà thờ nghỉ mát mà không hại chi, dầu một cái tranh nhà thờ, hơn nữa dầu một lá rau cũng không động tới!”

Thơ khác rằng: “Tối qua con suýt bị rắn hổ đất cắn chết  (rắn hổ đất là cobra- capollo, thứ rắn độc cắn chết người). Số là chung quanh nhà con có đào lãnh, ra vào đi qua cầu. Tối qua con ở nhà thờ về qua cầu như nghe tiếng chó gừ gừ muốn cắn, con tưởng chó dại. Về lấy súng và kêu thêm người nhà, chúng con tìm chung quanh một chập thấy một chú rắn đen thui cất đầu lên. Ai nấy sô nhau chạy, con chạy trước hết. Mọi người hô nhau về lấy đèn lấy gậy ra đánh chết con rắn kẻo không ai dám đi nhà thờ nhất là ban đêm. Tìm 15 phút không thấy, con kêu chó ra. Chú nhẩy ngay xuống hầm sung săng tả hữu song không thấy gì, mọi người tưởng bác xà đã thoát nên lửng thửng ra về. Không thất vọng, chó ta cứ chạy tìm. 5 phút sau nghe chó sủa dữ tợn, quả chú đang chạy quanh con rắn. Thấy đông người tới, chó ta thêm gan cắn ngay bác rắn vất lên bờ. Lập tức mấy chục cây gậy  đón tiếp bác, con thân hành sử chảm! Bác rắn to độ 6-7 phân, dài một thước rưỡi. Họ nói nó cắn ai thì chết ngay, “ngay” của họ là hai ba giờ. Giết rắn song thì họ táng xác nó vào nồi. May không phải ngày thứ sáu, không thì phải giảng một bài ăn thịt ngày kiêng! Bên Việt Nam họ biết dùng của lắm, không bỏ phí cái chi. Dư luận công chúng nói: bị rắn cắn là điềm dữ, như bị trời đánh. Nếu một cha bị thì ô danh sự đạo. May con đã thoát!”

Chuyện thứ ba: “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, Chúa nhật vừa rồi xuýt nữa con chết. Hôm ấy con đi thăm một cha để xưng tội. Trời nắng như thiêu, con cỡi ngựa, một tay cầm dù một tay cầm chuỗi lần hột, thả cương cho ngựa đi bước một. Bổng … huỵch một cái! Nó trượt chân bổ con cũng ngã theo, chúi đầu xuống hố sâu, dù đi đàng dù nón đi đàng nón, con nằm tơ hơ giữa trời, chân thì mắc trên bàn đạp đến hai ba phút mới gỡ ra. Con tưởng xế tai bể óc uất máu chết ngay. Song lạ thay con dậy bằng an không chi hết. Chắc là thiên thần bản mệnh đã gìn giữ con nên mới an toàn. Xin cha mẹ cám ơn Ngài thế con!”

Cha bổn sở Nước Mặn đang tiến hành công việc thì Đức Cha cho biết ngài sẽ tái cử cha về chủng viện An Ninh. Bình tĩnh mà nói: cha giáo Thuận tự nhiên chán ngán, lo thâu xếp cho yên để đảm nhận chức khác. Xong trái lại, chẳng những không phế trễ, cha lại súc tiến mạnh mẽ hơn. Ngài viết:… “Con sắp đổi nơi, vì Đức Cha cho biết ngài sẽ sai con về tiểu chủng viện lại, song chưa tìm được cha nào thế con, nên con còn phải ở lại đây. Vừa được thơ Đức Cha con liền cho đòi chức việc họ mà bảo: Cha sở không đổi thì con chiên phải sửa, chớ chẳng khô khan như trước! Tức tốc họ sai xâu vác mỏ đi rao khắp làng: “chiềng làng nước quan viên thượng hạ, có lệnh cha sở chuyền đến Chúa nhật này hết mọi người nam phụ lão ấu phải đi lễ, nghe giảng những điều can hệ, bầu chức việc mới và xem lại bổn luật làng”. Cho chắc việc, họ sai xâu mời riêng từng nhà. Quả thật Chúa nhật họ đi đông vô số, bên đàn ông thì còn vừa vừa, bên đàn bà thì chật ních, chen nhau như cá nằm trong hộp, không bao giờ đông như thế. Quá cảm động nói không ra lời, lễ xong con mới giảng được. Đầu hết con trưng đức Khổng Tử: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo! Nhược hoàn bất báo, thời thần vị đáo: làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ, nếu chưa thưởng chưa phạt là tại thời giờ chưa đến!” con có ý bảo họ: nếu họ không muốn cho con bỏ họ, đi tìm con chiên trung tín hơn thì họ phải mau mau cải thiện đời sống mới đáng Chúa thương. Hôm sau chức việc hội đàm lấy tình thiệt nói với con: Thưa cha, xưa rày việc họ không được xuôi mấy, con họ không sốt sắng hăng nồng, có lẽ vì cha quá nhân từ không biết dùng roi, cha lại không để chức việc làm chi, một mình cha cáng đáng mọi sự! Thưa cha mẹ, con xin nhận lỗi và hứa cải quá, họ cũng dốc lòng canh tân. Con cho mỗi ông một chén rượu suông và cơi trầu làm tờ giao hảo. Thật vậy, từ ấy đến nay họ khá hơn nhiều. Xin cha mẹ cầu cho họ được bền đỗ, nhất là cho họ được thêm đức tin, vì họ biết đạo, song không tin cho đủ.”

CHƯƠNG VIII

Cha Giáo Thuận tái nhận chức Giáo sư- Mở  mang việc học, việc hát-  Đổi tính, bớt nóng- Ông thân ngài thường thụ huy chương- Đi Hồng Kông cấm phòng- Ông thân ngài qua đời- Đi thăm Đức Cha Eloy

Cha giáo Thuận ở Nước Mặn được năm năm thì Đức Cha tuyển ngài về nhận chức giáo sư chủng viện An Ninh lần thứ hai vào khoảng trung tuần tháng 2-1913. Ngài viết thơ đưa tin rằng: “ Lạy cha mẹ rất yêu dấu, một tin rất mới là con không ở Nước Mặn nữa, con đã về An- Ninh nhận việc con đã bỏ năm năm. Thế là cha mẹ không sợ con bị hùm ăn, cọp nuốt hoặc chết đói nữa. Bây giờ con được bằng an, ở trong phòng làm việc một ông giáo. Song khi con bỏ Nước Mặn yêu dấu của con thì con đã khóc hết nước mắt. Họ cũng vậy: mọi người đều khóc như mưa. Nam phụ lão ấu kéo đến từ giã và cám ơn con. Kẻ ngoại cũng đến, họ tỏ lòng thương tiếc con lắm, nhiều người muốn làm tờ ái mộ xin Đức Cha cho con ở lại. Mặc thánh ý Chúa! Phần con đã trình Đức Cha nếu đẹp ý ngài thì đừng sai con về nhà trường nữa, song ngài không theo ý con. Vậy thì càng tốt! Trong năm nay con ở Nước Mặn đã rửa tội hơn bốn trăm người dậy kinh bổn đạo lý một số rất đông con trẻ, sửa lại một nhà thờ ngói, và nhiếu nhà thờ tranh. Cám ơn Chúa! Con đã ở nhà trường năm năm rồi, bây giờ ở mấy năm nữa? Nếu Chúa muốn thì ngàn năm! Nếu đẹp ý Người thì một ngày sao cũng được! Con cám ơn Chúa luôn vì đã sai con đi truyền giáo và trong địa phận này.”

Cha giáo Thuận về đến An Ninh thì cha Bề trên lại cử ngài dậy lớp I và kiêm âm nhạc. Đờn hát là cái sở thích của cha. Khi lập dòng rồi có lần ngài nói: “Bỏ âm nhạc là một sự hãm mình quá lớn cho cha”. Ngài vận động mua thêm đờn thêm sách, các bài dạo đờn Ngài biết tập hát theo cung điệu mau chậm vui buồn. Các ngày Chúa Nhật lễ trọng đều có hai ba bài âm nhạc, ngài tập hát rất là kỹ càng, hai ba tuần trước. Tắt rằng: cha Thuận đã vẽ cho học sinh biết cách cầu nguyện khi hát xướng. Bis orat qui bene cantat: hát hay là cầu nguyện hai lần. Bài cha tập đầu tiên là bài ca nhập lễ Chúa Nhật: Laetare. Ngài bảo một chú xướng, rồi cả trường hát theo. Hát được vài câu ngài gõ bàn, quở: “các chú mớ, có phải hát mô có!” Rồi ngài nhẩy phắt ra giữa nhà, một tay ôm quần ngang bụng, một tay cầm sách, tự xướng tự hát: Laetare Jerusalem et conventum. Miệng hát, tay, đầu và nửa mình đánh nhịp giọng rôm rả tươi chon, thần sắc như phâng phâng lửa dậy, ai nấy như chết sống lại! (Trích thư cha Kinh.)

Cha giáo Thuận lại mở mang học vấn: mua thêm sách Việt Pháp, sách khoa học. Kỳ ngài ở trường An Ninh lần thứ hai này học trò lên một trình độ khá cao, biết rất nhiều điều. Nói được ngài là vị giáo sư kim thời, biết tiến triển theo phong trào học vấn. Năm năm cha ở Nước Mặn đã học thêm tiếng Việt, chữ Hán, nên giảng dạy thâm thuý, nói năng lợi khẩu, học trò tấn tới hơn  nhiều. Có cha làm chứng: “Cố Thuận thông tiếng Việt, nói hay, hiểu tài không mấy người tha hương bì kịp. Một hôm gần tết ngài ra bài cho học trò viết thơ xin tiền. Lúc xuống trả bài chú nào ngài cũng chê, ví dụ rằng: “Chú nì, chú học tu từ rồi mà viết thơ như ri thì ai cho chú tiền? Mấy bác nhà quê họ không học chi mà nói hay hơn chú nhiều! Vì vậy mà cha ở Nước Mặn kỳ tết bao nhiêu tiền cũng hết, vì họ đến xin nói hay lắm, chi cũng phải cho!” Lần khác ngài bảo chú kia: “chú nì chú người Việt Nam, mà nói tiếng Việt Nam rứa đó.” Những lời ấy cho ta hay cha giáo Thuận là một vị giáo sư anh danh Pháp – Việt -  Hoa. (Trích thư các cha Lê Thiện Bá, Lê Hữu Luyến, Bùi Văn Tịch.)

Kỳ này cha giáo Thuận dạy cách hăng nồng hơn, song cũng cầm mình bớt nóng hơn trước nhiều. Có cha rằng: cha Benoît kiêu ngạo và nóng nẩy quá lẽ, song bởi ngài chí quyết sửa mình và ổn định hai tính ấy cho được, nên Chúa thương cho ngài nên thánh, sau ra thiêm nhường hiền lành cách lạ, đến nỗi nhiều khi có chú cự lại, nói nhiều câu sóc óc ma ngài cứ làm thinh chỉ bắt vào nhà thờ chầu Mình Thánh, lại tha hết các hình phạt. Nghe các chú nói: Ngài đã quyết đi lập Dòng nên mới hãm dẹp tính nóng như vậy. Nhiều khi ngài kìm hãm tính nóng đến nỗi đỏ mặt tía tai, chân tay run rẩy. Chúng tôi học với ngài một năm mà sợ thất kinh, có chú sợ quá mắc bệnh. Thế mà 10 phần nóng đã bớt chín rối đó! Song có điều là người quở phạt rồi thôi không in trí, hết nóng lại tử tế với mọi chú như thường. Hễ ai nói ngài kêu ngạo thì dầu xung giận khó chịu mấy ngài cũng cầm mình lập tức vì nhớ lời cha mình dặn: “đi đâu thì đi mà đừng kiêu ngạo”. (Trích thư cha Thuận)

Tích sau đây chứng minh điều đó, chính cha Kinh thuật lại: “Ngày lễ Phục sinh hát bài Benedictus hai phần. Tôi làm solo, đến mấy dấu cao hát không nổi, luống uống hát bậy. Lễ rồi, ngài kêu cả hội hát lên phòng. Vừa thấy tôi ngài la: “chú nhác nhớn khinh thị không lo tập, cứ hát tầm bậy”. Tôi tính đáp lại: Thưa cha mai này con mắc giúp bài, phải ăn hối hả rồi tập đi tập lại, các chú nghe thấy cả, tại chú đánh đờn cao quá con lên không nổi thành hát bậy! Song tôi vừa nói được hai tiếng: “Thưa cha”, ngài liền tiếp: “chú chống cột một ngày” (chống cột là hình phạt khá nặng ở trường An Ninh) lẽ ra tôi phải làm thinh chịu, song tính kiêu ngạo chẳng chịu thua, tôi liền nói: “Thưa cha”  ngài lại tiếp: “chú chống cột hai ngày”, cha chả! Nổi kiêu ngạo tôi nói gắt lên: “Thưa cha!” ngài thấy tôi kiêu ngạo thì nổi xung không cho tôi đáp, tiếp luôn: “chú chống cột 3 ngày!”. Tôi còn muốn cãi, song mấy chú đứng gần kéo lại. Ngài ra oai thịnh nộ quát to: “cái thằng bằng “hột mít” mà quá kêu ngạo!”. Đoạn ngài giao bài âm nhạc Regina caeli ba phần, dạy tập riêng chừng 15 phút rồi hiệp lại tập chung. Tôi làm đầu phần một, đem mấy chú phần ấy đến ngồi ngoài vách ngang cửa sổ bàn viết ngài. Tôi cố tập phần của tôi, cho mau rồi nói to lên: “Ai cũng kiêu ngạo cả, ai cũng muốn hơn, thì để cho người ta nói phải trái thế nào đã, có đáng tội rồi sẽ phạt, ỷ thế muốn phạt ai thì phạt sao?”

Ngài ngồi khít cửa sổ chắc là nghe thấy hết mọi lời tôi nói, song ngài làm thinh, thì ngài đã phải nhịn “ cái thằng hột mít này” dường nào! Chưa hết đâu! Đến khi cả 3 hợp lại, bài ấy láy lại tiếng ora ora, ora pro nobis nhiều lần, ngài thì không quen uốn lưỡi chữ “R”, nên ngài thường đọc “ oga pgo nobis”. Gặp dịp may tôi quyết làm nghịch, rán đốc phách chằn mạnh mấy tiếng: oga oga, oga pgo nobis… Lẽ ra sẵn quyển sách hát trong tay ngài nện cho năm bảy cái u đầu chảy máu. Mà không! Ai ngờ ngài lại rán sức uốn lưỡi đọc chữ R, song vì không quen nên đọc quá mạnh thành ra hai chữ R: orora, orora. Tôi lại được thêm một dịp: miệng cứ hát, mắt cứ liếc ngài còn hai tay thu dưới bấm bẹo mấy chú hai bên kẻo họ vô ý không nghe rõ mấy tiếng orora của ngài. Tập hát xong kéo nhau xuống nhà học, đi được mấy bước ngài ở trong phòng kêu tôi lại. Cả hội hát lo sợ thì thầm với nhau: chắc ngài cho lão này về. (Về là về thế gian.) ai ngờ tới phòng ngài nói cách êm dịu: thôi cha tha chống cột, đều chú phải vào nhà thờ đọc 5 kinh lậy Cha 5 kinh Kính mừng xin Đức Mẹ cho bớt kiêu ngạo nóng nẩy nghe! - Ôi! Nếu không phải ông thánh thì cũng là ông khác thường thế tục! Ngài đã tha cho tôi thật lòng, tha cách đại độ, vì cách mấy ngày tôi giúp kẻ liệt phải lên phòng ngài lấy thuốc, ngài lại chuyện vãn vui vẻ như thường và cuối năm không lấy  “nốt” (note) về việc ấy! Và tôi làm linh mục đây.

Cũng cha Kinh kể lại luôn hai tích sau đây: “Lần kia đến phiên tôi giúp lễ cố Thuận. Dọn chén mở sách song ngài xuống khởi sự đọc Confessio: in nomie Patris… Introibo ad altare Dei - Tôi thưa: Ad Deum qui laetificat… đến câu thứ hai ngài đọc nhỏ quá tôi không nghe chi hết, không biết ngài đọc chi, đọc rồi chưa không biết phải thưa câu nào, nên tôi làm thinh, ngài cũng đứng sững. Khi ấy ngài có “tếch” cho một đá lăn đùng ra cũng phải chớ! Song không! Ngài cứ đứng yên chừng vài phút mới bảo lên lấy sách cho ngài coi rồi mới tiếp tục đọc, từ ấy về sau ngài đọc to hơn.”

Tích nữa: Hễ cố Thuận vào nhà thờ thì quỳ gối hai tay chấp hoặc vòng lại, đầu cúi xuống, chăm chỉ một bề không máy động. Lòng trí cha đầy đức tin, cậy, khiêm nhường, kính mến Chúa tha thiết, tắt rằng đầy sự sống bề trong. Bởi đó dễ hiểu ngài đố kỵ sự cười chơi vô phép trong nhà thờ. Một lần hát kinh cầu làm việc tháng Đức Mẹ tôi làm solo. Các câu khác thì dấu cao, đến câu Regina sine labe originali concepta, phải hạ cung xuống mà lủi một sạc dài 12 tiếng; vừa đến tiếng Nali tôi cười bùng lên, cả nhà thờ các cha các chú đều cười hùa theo, chỉ có một mình cố Thuận là không lại buồn giận vì sự vô phép trước thánh nhan Chúa. Làm việc tháng Đức Mẹ song ngài ra đứng trước cửa nhà thờ chờ sẵn, tôi vừa ló đầu ra ngài đón ngay một câu; “chú chống cột một ngày!”. Ngài có ý định phạt tôi vô phép mà ước chừng có ý thử xem cái thằng “hột mít” đã hết cái tật “cung cò” chưa. Song phen này tôi “cụt vốn” lại cũng  “thất náy”,  nên đành làm thinh đi bầu bạn với cột nhà lầu đang khi các chú chơi đùa ngoài cổng. Có chú đi qua nhạo tôi: “phen này đã chịu chưa.” Song cha Bề trên Girard thương hại vì cho là đồ con nít nhẹ dạ nên ngài đi tìm cố Thuận nói chuyện một hồi, nửa giờ sau cố Thuận kêu tôi nói; thôi cha tha, chạy chơi với các chú! Mầng quýnh tôi vội ra nổng, có mấy chú lại nói: răng mà ra đó? Tôi nói phách ngay: thì cái tài ngoại giao của ta chớ răng.

Chung quy: Cố Thuận xem bớt nóng nhiều, tính nết ra thuần hậu, ít phạt, ít lấy nốt, vì đã quen chịu khổ cực ngoài họ, thấy sự khác biệt giữa sự vâng lời của học trò và bổn đạo nên biết thương học trò. Ngài nói: đối với bổn đạo và chầu nhưng thì các chú là thiên thần. Ngài viết “Con không dấu cha mẹ, thật con yêu mến các chú con lắm, thương hết tình, hết sức con, con cảm ơn Chúa đã cho con lại về nhà trường ở với các chú.”

Cha giáo Thuận tái nhận chức giáo sư ít tháng thì được tin chính phủ Pháp ban khuê bài huy chương trọng thưởng ông Denis đã hao tổn sức lực trong việc binh đao kỳ Pháp - Đức chiến tranh 1870. Hết lòng mừng rỡ cha giáo Thuận viết thơ chia vui cùng song thân: “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, con được tin nhà nước ban khuê bài thưởng công cha khó nhọc kỳ đại chiến 1870, con lấy làm hạnh phúc vô cùng. Song thấy nhà nước biết rõ huân - nghiệp cha tiên phong mặt trận Borny bắn hết 28 bao đạn rồi bằng an nghỉ giữa chốn chiến trường không kể đạn bắn vi vu súng nổ đì đùng vang trời dậy đất, ắt còn thưởng cha bội hậu hơn nữa. Nhưng được hoa mừng hoa, được nụ mầng nụ: muôn năm nước Pháp! Con đã kính tiếp thơ và bóng của cha. Con lật đật đem cho các cha và học trò xem rồi gặp ai khoe nấy, đoạn con gấp vào sách kinh và coi đi coi lại luôn. Mẹ nói bức ảnh cha con bộ - diện coi xảo quyệt à!- không, con thấy tướng mạo cha con tử tế lắm, tử tế mọi đàng! Con chỉ biểu đồng tình với mẹ một chút là coi trong mắt và mép cha con có chút síu bắt hồ nghi là người xảo quyệt tí chút. Song không hề chi: sự mọi người và con đều thấy, là cha con đầy lòng nhân hậu, dáng điệu thông minh cặp mắt hiền từ bình an lắm. Bức ảnh cha tuyệt trần nhất là cái huy chương càng thêm duyên cho bức ảnh, khác thể một vị đại tướng hồi hưu! Mặc lòng con cũng xin phê bình đôi chút là cái nền bức ảnh trắng quá, mà hình cha thì lại quá đen có lẽ tại cái tường trắng quá phải, còn cái ghế cha toan ngồi thì như cái đế tượng hay cái cột “lomet” bên đường! Cha Girard bề trên nhà trường gửi lời mừng cha, xin cha cầu nguyện cho ngài và học trò ngài.

Cha giáo Thuận viết thơ mừng ông thân sinh ngày 01 tháng 06 năm 1913 thì ngày sau được phép Đức Cha đi Hồng Kông cấm phòng. Hỡi ơi! Cuộc đời thay đổi, đổi thay, hôm, qua vui khoái hôm nay lại buồn! Cha giáo Thuận vừa tới Hồng Kông hạ tuần tháng 6 thì được ai tín ông thân sinh ly trần! Ngài vội chia buồn với bà kế mẫu: “Thưa mẹ rất đáng mến thương và yêu dấu của con, bức ai tín rất buồn sầu cho con mới tới. Con xin cúi đầu thuận theo ý Chúa phân định. Con đã ở nhà thở chót buổi chiều nay đễ cầu nguyện cho cha rất yêu dấu của con. Sáng mai 18, các cha ở đây đều làm lễ cho linh hồn người. Riêng phần con sẽ làm một tháng lễ Gregoriana, rồi khi về nhà trường sẽ xin cho cha một lễ mồ trọng thể nữa.

Còn phần mẹ thì sao, mẹ rất yêu dấu? Bây giờ còn một mình mẹ! Cúi xin Chúa nhân lành gìn giữ săn sóc mẹ hơn! Nhất là cho mẹ kính mến và làm tôi Người hơn khi nào hết vì chỉ một sự ấy đáng kể. Phần cha con bấy lâu không khi nào người giàu có, song chắc bây giờ người lên nhà đại phú rồi, ít là người sẽ được vậy. Xưa người đã làm việc nhiều thì bây giờ được nghỉ, đã chịu khó nhiều thì bây giờ được phước. Nên chắc người sẽ cầu cho mẹ con ta:” thơ sau rằng: “Không cần nói mẹ cũng hiểu: khi con suy gẫm và cầu nguyện, con hằng nhớ đến cha luôn. Con để bức ảnh người trên bàn viết con, khi con ra vào thì bái kiến người và cầu nguyện cho người một lời. Có lẽ bởi con yêu mến người quá nên con lầm, cho người thật là một ông thánh! Con thú thật với mẹ; bức chân dung người đặt trên bàn viết con có sức thúc dục con bứơc tới đàng nhân đức hơn hẳn vị thánh nào hết, trừ ảnh Chúa, Đức Mẹ. Lạy Chúa xin ban cho con được nên hiền lành khiêm nhượng, đầy lòng thương xót như cha con, xin ban cho mẹ con bằng lòng chịu khó và kính mến Chúa ngày một thêm hơn.”

Cha giáo Thuận cấm phòng một tháng thì đáp tầu về Việt Nam. Dọc đàng có ghé thăm đức cha Bắc (Mgr Eloy) Giám Mục địa phận Vinh, là cha phó xứ bản - quán ngài xưa: “Mẹ biết con đi thăm Đức Cha Eloy. Ôi! Thật là một  vị Giám Mục hảo hạng, dung nhan đẹp đẽ hình vóc oai thể cao lớn, tướng mạo khôi ngô, bộ râu đã dài lại đen nhánh, các cha, các cố và con chiên bổn đạo thẩy đều mến phục lắm, chắc ngài làm ích cho địa phận nhiều, con đã hầu chuyện ngài lâu giờ… Rồi từ nơi ngài về đây con đường quan lộ 300 cây số cũng khá cực nhất là, 50 cây số sau hết, con phải cuốc bộ trên cát, trời nắng như lửa đốt, ối chà mệt hết sức mệt… hôm nay con đã khá rồi… Một chút sự cực đó làm cho con nhớ rằng: Mẹ con ta chưa phải ở thiên đàng, nhưng không bao lâu nữa, đang khi trông đợi thì ta hằng ra sức kính mến Chúa hết lòng, vì Người thương yêu ta chừng nào.

Về tới An Ninh cha được nhiều thơ kể việc từ trần của thân phụ, đọc các thơ xong, ngài viết cho bà kế mẫu: “ Lạy mẹ rất yêu dấu ai cũng nói ba con qua đời như một đấng thánh! Nếu vậy mẹ con ta không nên buồn vì người đang hưởng phúc lạc cõi tiêu diêu, còn chi mà buồn? Mẹ con ta chỉ phải cầu xin được lòng mến Chúa như Ba, chầy kíp cũng sẽ đồng vinh phước cùng người. Mẹ xem Chúa nhân lành thương ta dường nào! Người lo cho ta mọi sự. Nhà ta nghèo mà mọi người đều tỏ lòng thương đến dự đám cất xác ba. Người đã dược hưởng hết các đặc ân đạo thánh. Một người giáo hữu, phép đạo có thể làm gì cho, thì cha con đều được cả, thiết tưởng dầu Đức Thánh Cha băng hà thì cũng không thể làm chi hơn được. Phần xác thì có lương y đến chữa. Tuy bà con họ đương mình không bao lăm mà dám tống - chung đông vô số, nhất là đông các linh mục, tu sĩ nam nữ. Ôi cám ơn Chúa dường nào! Đến hai mươi tháng 6 này con sẽ làm lễ dỗ cho ba con, tự nhiên con sẽ nhớ đến mẹ cách riêng. Con năng nhớ đến Ba con hầu luôn luôn, nguyên sự nhớ đến người đủ giúp con cầu nguyện, làm việc, ở nhân từ, đơn sơ giúp con bằng lòng chịu mệt nhọc, chịu khó khăn thiết thốn. Ôi bao giờ con mới được nên giống Ba con! Con cầu nguyện cho người, song con tin chắc người đang cầu bầu cho mẹ con ta. Mẹ ơi hãy can đảm, thiên đàng là của ta.”

CHƯƠNG IX

Còn nói thêm về đức tính cha giáo Thuận, nhất là 5 năm sau hết trước khi lập dòng, theo như thư các cha làm chứng- kiêm chức quản lý.

Trước đã nói cha giáo Thuận hãm mình rất nhiệm nhặt, hồi làm giáo sư kỳ thứ nhất. Kỳ này cha lại tăng gia khắc khổ hơn nữa. Các cha làm chứng: một năm trước khi lập dòng, nhiều bữa buổi mai buổi tối ngài chỉ dùng một chén càfê, một trái chuối hay một vài lát mứt, có khi ngài giả bộ lấy vịm cơm rớt vào chén, làm chi qua quýt cho bề trên biết là ăn, rồi ra dấu cho các chú cất đi. Đến sau cha Bề trên biết song làm thinh thì buổi mai, buổi tối ngài không dùng chi, nhưng cũng xuống nhà cơm hoặc xem sách hay nghe sách và nói chuyện vui vẻ với các cha. Bữa trưa ngài dùng ít và mau lắm. Mùa chay thì ngài giữ trọn 40 ngày rất nhặt song cứ làm việc hăng hái in thường. Ngài chỉ dùng rau, măng, nhiều bữa chỉ dùng cơm không, nhất là một năm trước lập dòng. Các chú giúp bàn thấy vậy, chỉ chỏ nhau mà cười, cha giáo Thuận chọc chơi lại: “Chú cười cha, e cha cắt mũi đa!” rồi ngài cũng cười. Về phòng ở thì rất đơn sơ như đã nói trước. Ngài không có mùng muỗi cha Bề trên thấy muỗi cắn ngài đầy mặt mũi chân tay thì bảo may mùng cho ngài, song không biết ban đêm ngài có dùng không. Học sinh thấy ngài hãm mình thì cười cho vui, dần dần thi nhau bắt chước. Có chú trong 4 năm chỉ ăn cơm nể hoặc cơm muối mắm dưa cải, sau cha Bề trên biết thì cấm nhặt. Cách cha giáo Thuận ăn ở khổ hạnh đã đổi chủng viện ra tu viện. Nếu ngài cổ động các chú theo ngài tu rú kể năm bảy chục! (Trích thư các cha Bá, Tịch, Luyến).

Ngài hãm mình nhiệm nhặt song không mất sự bằng an vui  vẻ, trái lại cha rất lịch sự nhã nhặn với mọi người. Ngài có tài tiếp khách, hễ ông Tây nào đến thăm nhà trường thì cố Bề trên Hoà cho mời cả cố Thuận ra, nói chuyện mấy phút rồi thì cha Bề trên cáo từ để mình cố Thuận tiếp khách. Nhiều ông tây nói chuyện với ngài lấy làm thích thú, say mê cách ngài nói chuyện. Ngay người Việt Nam cũng vậy, nhiều người đến hầu chuyện ngài trở về tắc lưỡi ngợi khen, cha nói chuyện rôm rả, có tài dậm câu hay chuyện cổ khôi hài, gặp cha một lần, thì đem lòng mến phục. Một cha viết: “Ngài có tài khẩu thiệt, đọc latinh rất mau, rất rõ; nói chuyện cũng rất khéo, muốn nói vui cười lúc nào cũng được, song chẳng bao giờ nghe ngài nói một lời thô tháp”. Bởi ngài có tính lanh lẹ vui vẻ, nên hàng năm đến lễ thánh Giuse bổn mạng cha Bề trên nhà trường thì các cha quen xin ngài đặt tuồng cho các chú diễn, vì tuồng ngài đặt hay nhất, nói ra ít câu đã làm cho ai nấy cười nôn ruột, bổ ngả bổ nghiêng, trúng như tôn chỉ trong Kinh Thánh ngài quen nhắc lại khi dậy học: “Hãy làm tôi Chúa cho vui vẻ: Servite Domino in laetitia.[9]

Cha giáo Thuận còn có một đức tính rất là quý lá ý mạnh mẽ. Ngài năng thúc dục học trò: “Sau này làm cha rồi phải làm ba điều: “Lập hai họ đạo; xây hai nhà thờ; chép hai quyển sách, sau cùng liệu sao ít là vào trong câu tóm chung Lịch Tử Đạo: “Et alibi aliorum plurimorum, sanctorum, martyrum et confessirum, atque sanctarum virginum: Lại nơi khác còn nhiều thánh tử đạo, ẩn tu và đồng trinh nữa”. Thế đã rõ ý ngài muốn nên thánh, nếu không  đích danh thì ít là vào hàng thánh chung. Khi xem lịch thấy ngày nào không có lễ thánh thì phải nói: “ngày này, bữa sau Hội thánh sẽ đặt lễ tôi  đây!”.  Có lần ngài giảng cho các cha về đức tin rằng: “Giả không có Chúa thì tôi đây cũng là cộng sản hay là chi rồi!”. Bởi vậy đã rõ ngài không chịu được, cái chi lôi thôi, hễ đã quyết nên thánh thì chịu khó hết sức cho được, như lời cố Mẫn là cha linh hướng ngài rằng: “Tôi tưởng các thánh đời xưa cũng không hãm mình chịu khó hơn cố Thuận” .

 Ý chí ngài mạnh mẽ đến nỗi có lần ngài nói: “Nếu không có thiên đàng thì phải làm cộng sản!”.  Điều đó hiệp ý lời ngài viết trong thơ rằng: “Thưa mẹ tất yêu dấu, con được tin cha Billot qua đời, thì con đau đớn thương tiếc ngài lắm, con sẽ làm lễ và cầu nguyện cho ngài nhiều. Con còn nhớ những điều ngài dạy con xưa hay quá sức. Khi con là thầy lý đoán nhỏ của ngài… May phước cha Golliot đã cho con vào trường, không thì con tưởng chắc thầy lý đoán nhỏ của cha  Billot nay đã biến thành một thằng quỷ khổng lồ rồi!”

 Vốn tính ngài hăng hái, song có điều khuyết điểm là lấy thước tài năng của mình mà đo kẻ khác, nên nhiều khi học trò  phải ca thán vì theo không kịp. Song khi ai nói cho  ngài điều khuyết điểm đó thì ngài ra sức sửa mình.

Bởi cha giáo Thuận có ý chí mạnh mẽ đàng nhân đức ngài càng xúc tiến phi thường. Ngài hay than thở: Cả ngày, những sao lãng, chỉ có lúc dọn mình làm lễ, trong khi làm lễ và giờ cán ơn sau lễ là thiên đàng. Cha Thuận làm chứng: “Lúc làm lễ thường thấy mặt ngài đỏ. Làm lể song ngài quỳ  một bề, mặt ngó xuống. Chính tôi buổi sáng lên xin phép, gõ cửa vào thấy người cầm cuốn sách ngồi ở giường nguyện gẫm sau khi làm lễ hai mắt lù bù giọt lệ nhỏ xa.” Ngài đọc kinh nhật tụng, dọn mình làm lễ và cám ơn sốt sắng lắm. Kinh nhật tụng thì ngài đọc đúng giờ và đọc trong nhà thờ với dáng điệu trang nghiêm và cầm trí sốt sắng đến nỗi học sinh vào mà ngài không biết. Nhiều người ban sáng không thấy ngài xuống lót lòng. Có khi lên phòng thấy ngài đứng sững, gõ cửa đôi ba lần mới biết. Cơm chưa xong ngài lên nhà thờ cầu nguyện lâu, có khi hai giờ chiều mới ra dọn bài. Cha Kinh nói: “Trưa nào tôi lên nhà thờ tập đàn cũng thấy ngài quỳ đó luôn”.

Cha Chất nói mạnh mẽ hơn: “Cha Benoît là đấng thật sốt sắng kính mến Chúa hết lòng và phi thường, lại rất ái mộ phần rỗi người ta. Câu thánh vịnh rằng: Ascentiones in corde suo disposuit  (ps, 83,5,6). Người xếp đặt các bậc nhân đức trong lòng để xúc tiến.” Tôi thiết tưởng thấy nhiều điều như vậy nơi mình cha Benoît ngài đổi tính nết cách lạ lùng và nên trọn lành mau chóng; đầu hết có tính hay thay đổi ít nhiều, sau ra đằm thắm khôn ngoan trước có  hơi nóng nẩy, sau ra hiền lành dịu dàng khác thường.”

Một cha kết thúc: Tôi xin theo trí khôn một linh mục biết đàng nhân đức ít nhiều mà nói: Cố Thuận là một đấng thánh, vì thấy ngài có sự sống bề trong rõ ràng lắm, các ý chỉ của ngài khi làm việc rất siêu nhiên, các việc ngài làm không ai bắt được lỗi gì, lời ngài nói cả đời không ai nghe thấy tiếng gì không xứng miệng đấng làm thầy. Còn khi ngài dậy dỗ có nói một hai lời khiến học sinh lấy làm cay đắng, song đó là bản tánh tự nhiên, lại mục đích là sửa dậy, nên cũng là những lời tốt.”

Lòng đạo đức của cha giáo Thuận còn biểu lộ trong cách ăn ở bề ngoài. Ngài thích lớp lang thứ tự, đâu ra đó. Một hôm ngài nói với cha giáo Cẩn: Các chú ở nhà thờ lớp nào ra lớp ấy, tôi cho là khó coi lắm, ví có chú lớp một lớp hai thấp bé, có chú lớp ba lớp bốn cao giò. Tôi muốn sắp thứ tự cao thấp, ai thấp quỳ trước ai cao quỳ sau, bất cần lớp nào! Rồi ngài đi xin cố Bề trên song cố trả lời: “Xưa nay đặt theo lớp cũng không ai nói chi, rầy cứ vậy không việc chi mà thay đổi”. Ý Bề trên là ý Chúa, cố Thuận vui lòng tuân theo. (Trích thư Đức Cha Hồ).

Ngài khó khăn thật, song chẳng chịu được sự gì lây bây, đồ đoàn phải cho đắc hoạch. Trong chủng viện cố Bề trên Hoà đã cao niên, vốn tính thủ cựu, cố Mẫn quản lý tính lây bây, dầu quần cũng phơi trên bao lơn! Dưới nhà cơm có một cái bàn để đĩa, chén, muỗng, nĩa, cơm, song thì mọi sự cũng để trên bàn ấy. Lại khi ra rượu được bao nhiêu chai thì để cả trong thùng có trấu cho chai khỏi đụng chạm nhau, mỗi lần lấy rượu phải bới trấu  bất tiện lắm. Con mắt thứ tự sạch sẽ cố Thuận không chịu được nên định lừa dịp để tẩy chay cái bàn và cái thùng đó. Nhân dịp cố bề trên và cố Mẫn đi cấm phòng. Theo thói, khi bề trên đi khỏi lâu ngày các cha các chú tề tựu đưa chân, kính chúc khang ninh thường lệ. Khi các chú vừa nói mấy lời từ giã đưa chân Bề trên thì ngài tươi cười nói: “Chúng con ở lại bằng an, cầu nguyện cho hai cha đi cấm phòng sốt sắng”. Đoạn ngài quay mặt lại cho cố Thuận nói: cha uỷ nhiệm cố Thuận làm bề trên chúng con một tuần này, chúng con phải vâng lệnh cố như bề trên vậy.” Cố Thuận đáp: có thật cho tôi làm bề trên tuần này chăng?” Cố bề trên Hoà không nghi ngờ đáp: “Làm bề trên thật chớ sao?” nói  đoạn hai cha xuất hành.

Cố Thuận nói với cha giáo Cẩn: “Tôi được thăng quyền bề trên một tuần tôi phải kíp làm hai điều tôi quyết định! Tôi cho tìm thợ mộc đóng một cái bàn trong nhà cơm, có ba hộc để muỗng nĩa, giao đũa và khăn lau, trên có kệ để ly chén. Rồi đóng một cái giá để chai rượu, một cái để gác chai không, bỏ trong thùng như bấy lâu coi không được”.

Ngài liền kêu thợ mộc đến vẽ kiễu mẫu cho, và bảo làm cả hai cái trong tuần này, phải kêu hai ba thợ nữa làm cho chóng. Mấy ông thợ làm tất lực, vừa xong hôm trước thì hôm sau bề trên về.

Các cha và các chú đến mừng, bề trên hỏi ở nhà bình an chăng, có chi lạ không? Các chú nghe có chi lạ không, thì cười! Ngài hỏi câu ấy cũng như thường mọi khi chớ chưa biết có việc chi, xong vì thấy các Chú cười, thì ngài phát hồ nghi có điều chi đó. Bấy giờ Cố Thuận mới trình bày: “Nhờ ơn Cha Bề trên ban phép cho tôi làm Bề Trên trong một tuần, tôi đã làm được hai việc lạ: là đóng một cái bàn để dưới nhà cơm và một cái giá để rượu trong phòng đồ!”.

Cố Bề trên dù không muốn cũng phải chịu, biết làm sao được, vì đã ban toàn quyền Bề trên cho Cố Thuận rồi! Bấy giờ Ngài mới biết mình mắc mưu Cố Thuận. (Trích thư Đức Cha Hồ).

CHƯƠNG X

Kiêm chức quản lý- Đi Lào-Cha Thích vào Tiểu chủng viện Cụ thượng Phước Môn- Đức Cha Lý– Đi lính- Mấy tháng sau hết ở An Ninh.

Bấy lâu cố Mẫn giáo sư lớp VII lớp VIII và kiêm chức quản lý song vì thời buổi chiến tranh (1914-1918), chủng viện không nhận thêm lớp mới, đàng khác họ Thanh Hương khuyết cha bổn sở nên cố Mẫn đắc cử làm bổn sở họ ấy. Cố Mẫn đi  rồi cố Thuận kiêm chức quản lý thế ngài. Từ nay cha giáo Thuận không nói được là vô phận sự nữa. Con mắt thứ tự của ngài sẽ thấy nhiều điều phải chỉnh đốn, song ngài phải khôn ngoan biết từ từ hành động, kẻo ra con người hấp tấp. Trước tiên cha mua săng gỗ, kêu thợ sửa nhà quét vôi. Đàng khác cha sai người làm vườn trồng đủ thứ rau đậu cà phê, hồ tiêu, khoai lang, chè, mít… Không để hở đám đất nào. Giữ chức quản lý trong thời buổi chiến tranh không phải việc dễ! Bấy giờ là năm 1917, học sinh đi nghỉ hè tháng 6 rồi, cha phải dọn nhà và lương thực cho 70 cha đến cấm phòng. Đức Cha dạy phải tiết kiệm hết sức, dọn món ăn theo tình cảnh chiến tranh. Song như vậy thì cha quản lý không vui với các cha được! Nên cha giáo Thuận tất lực xoay sở, cứ từ nhà xuống bếp, từ bếp ra vườn, không lúc nào rảnh. (Trích thư Đức Cha Hồ).

Các cha đến cấm phòng, thì cha giáo Thuận làm bổn sở Nhĩ Hạ, coi kẻ liệt giúp ba họ trong một tuần. Song thì ngài đi thẳng lên Lào tìm giáo hữu Việt Nam cho họ xưng tội rước lễ. Ngài viết thư cho bà kế mẫu: “…Con đem theo đây các đồ cho cuộc xuất hành trọng thể lên Lào: hai đôi rương nhỏ, đựng đồ lễ và các đồ cần dùng: quần áo, muỗng nĩa…và một đôi giầy rất mới. Mẹ nghĩ xem con sắp sang một tân thế giới”. Khi bước vào làng thứ nhất nước Lào là làng Tchépone, con sẽ gặp bốn Ông Tây, trong bốn ông ấy có một ông là con quan chưởng thuỷ. Có lẽ các ông thấy con đi chân không thì khó chịu, nên cực chẳng đã con phải mua đôi giầy mới ấy, chớ con định xong giặc sẽ hay! Đi Lào về ngài viết: “An ninh ngày 24-8-1917 - Kính thăm mẹ rất yêu dấu, con vừa đi Lào về, vội kính gửi ít hàng thăm mẹ. Nhờ ơn Chúa con đi về bình an, mọi sự đều xuôi thuận. Con ngựa của con đã chạy hơn 700 cây số mà cũng không sao. Con gặp nhiều người Việt Nam đã lâu không được xưng tội rước lẽ mà nay gặp được thầy cả thì họ lấy làm hạnh phúc vô cùng. Con khởi hành ngày 10 tháng 7, đến Savannakhet gần sông Cửu Long là ngày 27. Mùng một tháng 8 con đi xuồng sang Nong-Seng là dinh thự Đức Cha địa phận Lào. Ở đó đến sáng mùng sáu con lại về Savannakhet và hôm sau con về Việt Nam tới Quảng Trị là ngày 17 tháng tám, vừa gặp kỳ đại hội Đức Mẹ La Vang con ở lại thông công tạ ơn Đức Mẹ. Kỳ hội long trọng vô cùng, có linh hơn hai vạn người tứ xứ cùng nhau rước tượng Đưc Mẹ.

Cha giáo Thuận đi Lào về còn dạy tiểu chủng viện một năm nữa (niên khoá 1917-1918). Ngài viết: “Kính thăm mẹ rất yêu dấu học trò con đã tề tựu rồi, năm nay có một chú xuất sắc. Thường học sinh mới vào thì nhỏ mà chú thì đã 28 tuổi! Đó là một giáo sư pháp văn trường trung học nhà nước, đã xin từ chức để nhập học chủng viện. Luật chung không nhận những trò như thế, vì đã có tuổi lại là bổn đạo tân tòng, mới chiu phép thánh tẩy được 6 năm. Song Đức Cha đã mở rộng tay hết sức vì chú đầy công nghiệp. Ông thân sinh chú là cựu Tuần- phủ Quảng Trị làm hết cách không cho chú trở lại; sai lính đánh đòn, tống vào ngục thất, cấm cốc… xử với chú một cách tàn nhẫn mặc lòng chú đã thắng trận toàn công, cứ xin trở lại và ăn ở như một đấng thánh. Chú đã chịu khó nhọc vì đạo, dùng lời nói, chữ viết mà bênh đạo. Đang đóng vai một vị giáo sư trường công, lương bổng hậu, mà chú từ bỏ hết! Các chi tiết ấy làm cho chủng viện ôm mối hy vọng rất lớn: địa phận sẽ được một vị linh mục thánh”. Tức là cha Jean Marie Thích, biệt hiệu Sảng Đình chủ bút báo Vì Chúa.

Thư sau: “…Từ khi tựu trường đến nay, hầu như ngày nào con cũng mất cả buổi chiều mà làm thuốc cho học trò. Học trò mới nhiều chú đem theo ghẻ lở, mụn nhọt đủ thứ, con tìm hết cách mà chữa họ, có chú lành, có chú chưa, nhưng không nặng mấy, không ngăn trở họ ăn học, ngủ nghỉ, và vẫn học được như thường. Khi nào đến giờ làm thuốc, thì phòng con sặc những mùi Phénol và Iodoforme thế thì còn vi trùng nào còn sống được trong phòng con nữa! Con trông cậy mẹ vẫn khoẻ chứ? Nếu mẹ ở đây thì mẹ phải chết nóng vì trời nóng quá lẽ!...Thôi, 10 giờ rồi, con phải đi nằm xem có ngủ được không!Bonne nuit mẹ. Con mở hết các cửa mà vẫn nóng, dầu ra ngoài vườn ngoài sân mà nằm mặc lòng mồ hôi vẫn ra như tắm đó là chút sự cực mà con muốn chịu trăm ngàn lần để cho nước Pháp được trận… Lạy trái tim Đức Chúa Giêsu hãy cứu nước Pháp.

Ở mẹ yêu dấu, ta hãy kính mến Chúa hết lòng, hết sức ta, hằng ngày ta hãy năng suy nhớ đến Người từng trăm, từng ngàn lần, thì dầu xảy ra chi chi thì ta cũng vẫn được phước…” 

À còn một chuyện con chưa nói với mẹ là:

Triều Nam có được một quan Thượng Thơ có đạo, trước làm công bộ Thượng Thơ, nay thăng Thượng Thơ bộ lại tức là Thủ Tướng Cơ mật viện kiêm Thượng Thơ Tài Chánh. Ông là một người công giáo hảo hạng toàn gia đều đạo đức sốt sắng đi lễ hàng ngày, xưng tội chịu lễ luôn, thực là một bức gương sáng lạn treo trước con mắt mọi người người giáo hữu. Một người công giáo mà giữ được chức Thượng Thơ mười ba năm trời rồi, thật là một sự lạ! Vì các quan to cả hai chánh phủ, hễ cụ nào ghét đạo thì đều không ưa ông, tại ông năng đi lễ. Dầu vậy, ông cứ bền lòng giữ đạo sốt sắng thật ông là một “Người Việt Nam đệ nhất”, theo như lời một người nước Anh nói. Con chúc cho ông được giữ chức thủ Tướng lâu dài để phúc ích cho Việt Nam, hỗ trợ cho Pháp và lại không quên Chúa.”

Con chưa khởi sự tập “Te Deum” để hát mừng ngày thắng trận, có lẽ sang năm 1918 con mới tập, nếu đẹp lòng Chúa, thì sang năm sẽ được hát “Te Deum” thắng trận.

Trận mạc chi mà lâu quá lẽ! Mặc lòng nó cũng giúp ta càng ngày càng chê bỏ cái thế gian đê-mạt này: người ta chịu khổ hết sức mà không suy đến quê thật mình là nước Thiên đàng!... phần mẹ con ta hãy kính mến Chúa hết lòng hết sức, thì sẽ được vào thiên đàng ngay từ ở đời này, được vậy thì dầu khổ cực đến đâu ta cũng luôn luôn vui cười tươi tỉnh cả ngày được…

Lạy Chúa, xin cho chúng con kính mến Chúa đến bậc ấy! Con cầu nguyện thế cho mẹ và cho con. Phần mẹ cũng xin cầu cùng Chúa cho con nên thánh mà thôi…

Ngày 10 tháng 12 ngài viết: “Con được thư cha Golliot nói về bệnh tật của mẹ, về sự mẹ cầu nguyện cho địa phận Huế, cùng về sự đầy lòng nhẫn nại xứng người giáo hữu, mà chịu những sự khó Chúa gửi đến cho mẹ…”

Lạy Chúa, con ngợi khen Chúa! Chúa đã để thập giá đè nặng trên vai mẹ con, thì xin Chúa cũng ban cho mẹ con được lòng can đảm mà vác lấy.

Hỡi mẹ yêu dấu, gần đến tết rồi: con xin chúc mẹ một năm tốt lành, một năm thánh thiện! và con có dám chúc thêm một năm đầy phước lạc nữa không? Thưa mẹ, sao lại không dám? Chớ thì khi các thánh được chịu khó, thì chẳng lấy làm có phước hơn ư? Thế mẹ con ta cũng phải nên thánh chứ! Nên con xin chúc lại: chúc mẹ một năm tốt lành, một năm đầy phước lạc, một năm thánh thiện!...

Tuần này Đức Cha đến thăm nhà trường. Ngài là một đấng rất thánh: đau đớn cả đời mà hằng làm việc luôn; thế mà lại không khó nuôi chi hết: chỉ một chén cơm với miếng cá luộc (Poisson cuit à l’eau) là xong bữa; dầu ngày lễ cực trọng, ngài cũng không dùng chi thêm nữa. Mỗi ngày con chỉ tốn cho ngài 5 xu, mà con còn lợi nhiều… hôm lễ Đức Cha thọ phong, có bổn đạo Phú Hộ dâng ngài một cỗ Hậu Sự bằng thứ gỗ rất quí, ngài vui lòng nhận và hứa: mai mốt có ngày sẽ dùng nó. (nguyện xin Chúa cho ngài còn lâu năm nữa mới phải dùng đến!) Thói Việt Nam những nhà giàu có thường hay xây mộ và sắm quan tài sẵn; nên một người con hiếu thảo, thì thường sắm sẵn quan tài cho cha mẹ, vì thế khi vào những nhà Việt Nam khá giả thì thường thấy hai cỗ Hậu Sự năm sẵn đó, chờ một ngày kia sẽ rước hai ông bà vào năm nghỉ giấc trăm năm.

Nhưng bên Tây ta thì khác hẳn mẹ nhỉ! Họ không hay nói đến chuyện chết, mà lại ra sức tránh những sự làm cho họ nhớ đến sự chết nữa. Như vậy có tốn hơn không? Con tưởng không. Không cần chi phải làm cách tỏ ra mình muốn cho sự chết đến, hay là không muốn thì nó cũng đến miễn là có lòng mến Chúa và hết lòng làm tôi Người, thì khi giáp mặt sự chết, sẽ nói được cùng nó rằng: “tao khinh dể mày!” hoặc nói cách khác hơn nữa, như các thánh rằng: “ở sự chết hãy đến với mau, cho ta được về thiên đàng mến Chúa, biết Chúa, và làm tôi Người đời đời!...”

Hơn nữa đến lượt con, con sẽ kêu rằng: “vạn tuế cho sự chết!”. Thế có lẽ mẹ nói: nay con đã ra người Việt Nam quá rồi chăng? Dạ! Vậy thì con xin nói lại: “vạn tuế cho sự chết!...” sự sống càng tràng thọ thì mẹ còn ta càng lập nhiều công: ta hãy kiếm thêm vốn cho nhiều, để đời sau hưởng lời lãi…”

Tiếp thư sau: “…trong thư sau hết mẹ hỏi con có bằng lòng làm cho mẹ một tháng lễ liên tiếp, là lễ gregorien chăng? Con bằng lòng lắm chứ. Không những một tháng mà thôi, con trông cậy lại có nhiều lễ khác nữa. Thế nhưng không phải ngay bây giờ, không phải sắp sửa mẹ nhỉ. Con cầu xin Chúa cho mẹ sống lâu nữa để mẹ lập nhiều công vì trên thiên đàng ta chỉ còn giờ nghỉ mà thôi.

Mà là thật! Mới đây con viết cho mẹ, không biết sao con đã nói đến sự chết; thư con vừa gửi, thì được thơ mẹ, cũng nói về sự chết. Có phải người tin dị đoan, thì cho là điềm dữ: không mẹ chết, thì con chết đó. Nhưng phần con thì cho là một sự tương ngộ bất ngờ, và cũng là một dấu tỏ ra: cả hai mẹ con ta đều năng suy đến một sự hệ trong nhất trong đời là ơn thiện tử. Vả năng suy đến sự chết cũng không ngăn trở ta sống bằng an, khoẻ mạnh và lâu dài nhưng thánh ý Chúa muốn.

À, còn một tin mới rất con quên nói, là con giết được một con cọp đại khổng lồ, mới trong vòng 2, 3 tháng mà nó đã sát hại của người ta linh sáu chục con bò! Người ta sợ hãi lắm.

Nhưng mẹ đừng sợ, con đã giết nó mà không rời chân khỏi phòng một bước. Số là chú cọp ta đã bắt một con bò, ăn phần nửa còn để dành lại bữa sau, người ta tìm được, đến tin cho con, con liền sai một người đem 40 grammes sublimé corrosif bỏ vào một miếng thịt khâu lại rồi để lẫn với thịt và xương khác… đoạn đem đặt lại chỗ cũ. Đến đêm chú cọp ta trở về dùng tiệc, nuốt trôi hết cả thịt lẫn xương cùng với 40 grammes sublimé corrosif một cách ngon lành.

Sáng ra chừng 9-10 giờ, họ kéo nhau đi xem, thấy ăn hết sạch, họ mừng quá, liền cùng nhau đi tìm, theo họ nói, thì nó phải chết gần bờ suối, vì ăn rồi thì đi tìm suối uống nước; nên họ cứ theo bờ suối mà đi, xa hết sức mà không thấy chi cả. Hay đâu cọp ta đã nằm chết ngay chỗ ăn, chừng 100 mét thôi… nằm cứng, hai mắt trợn trừng, hai hàm răng nhe, cái mồm há hốc… nó thật dễ sợ! Những cây cối chung quanh gẫy tan nát cả đất thì cày nên, chắc là tại thuốc độc kia làm cho chú phải đau đớn đứt ruột đòi cơn, nên đã phá cây cày đất như thế. Họ vui mừng quá khiêng về nộp quan Công Sứ, được thưởng 15 đồng. Thôi từ giã mẹ.

Henri Denis là kẻ đánh thuốc cọp ký.

Nhật nguyệt thoi đưa, nay đã bước sang năm 1918 các cha minh chứng: từ đây đến tháng7 là lúc khởi sự lập dòng, cha giáo Thuận càng ăn ở sốt sắng nhiệm nhặt, khiêm nhường. Ngài tập dậy sớm, xem sách luật dòng thánh Benedicto luôn. Nói cho thật: thời kỳ ở tiểu chủng viện lần thứ hai này nhất là mấy tháng sau hết, là buổi cha Benoît ở nhà tập! Lòng người chỉ tưởng về ơn thiên triệu, Chúa sắp kêu gọi. Điệu cách nói phô, ăn ở nhiệm nhặt im lặng năng ăn chay… đều tỏ ra ngài muốn lập dòng hơn dạy học. Cha hay cầm lòng cầm trí lâu giờ. Nhiều khi học trò đi dạo thấy ngài ngồi trước nhà, cầm trí nhắm mắt, đi dạo về còn thấy ngài ngồi nhắm mắt đó: nhất là khi ngài dọn luật dòng, thì năng thấy ngài vào nhà thờ quỳ trước Mình Thánh mấy giờ luôn, có khi trót buổi chiều đến tối. Cha tập đức khiêm nhường cách riêng vì cha quí trọng đức ấy nhứt. Không bao giờ ngài nói khoe mình hoặc khinh dể kẻ khác. Có lần ngài kể chuyện gia đình mình nghèo khó, ngài nói: cha năng ra bờ biển hái rau với mẹ; lúc theo học, kỳ niên giải cha cũng xin dậy học trẻ làng xóm để kiếm tiền mua sách vở và chi dụng. Ngài nói về ông thân sinh rằng: “Ông thân sinh cha quê mùa thật thà lắm, khi đến thăm cha ở nhà trường thì không chịu ngồi ghế, cứ ngồi “chò hỏ” dưới thềm, làm các chú các thầy cứ chọc cha mà cười, cha hổ ngươi đã bưa!”. Ấy đã rõ hễ sự gì làm vinh danh ngài thì không nghe ngài nói đến, còn sự gì làm cho ngài có dịp hạ mình xuống thì ngài thuật lại cách vui vẻ tự nhiên.

(Trích thư các cha Thuận, Luyến, Bá, Kinh, Tịch v..vv)

Đang khi cha giáo Thuận chăm chỉ nào tập dậy sớm, nào chép luật dòng, nào ăn chay nhiệm nhặt, thì Chúa lại cho ngài được dịp lập thêm công, là dùng nhà nước đòi ngài ra lính. Cha viết thư rằng: “Huế ngày 8-3-1918. Thăm mẹ rất yêu dấu, kẻ viết thư cho mẹ đây là một người lính làm việc ở bệnh viện Huế, làm việc mà không làm chi hết, người lính ấy tức là Henri của mẹ đây! Thưa mẹ, nay con cũng phải đi lính, song mẹ đừng khóc vì con đi lính chỉ có tám ngày, cách 3 tháng lại đi 8 ngày nữa, cứ vậy thôi… song đi lính thì đi thế nào? Uý cha! Ước chi mẹ biết! Tiên vàn công văn đòi con đi lính đến Cửa Tùng muộn quá, thành ra 8 ngày con đã lợi được một, vì lẽ ra con phải hiện diện ở trại lính sáng thứ hai, song con phải đi đàng nên chiều thứ 3 mới tới Huế. Con đi gặp ông Thiếu tá, ông Đại uý và các viên chức, họ đều xử rất tử tế với con rồi phát cho con một bộ áo lính, con lệ khệ  mang về nhà chung thế là 8 ngày con đã xong 2 rồi! Sáng sau là thứ 4 con đóng bộ đàng hoàn đi vào bệnh viện, vì họ đã cử con làm y tá. Đến nơi con giơ tay chào mấy ông Đốc. Các ông là những vị tráng kiện, lực học uyên bác đã đi trận về, ngực lấp lánh đấy khuê bai huy chương họ chỉ con làm việc ở viện bào chế. Con liền đi gặp bác sĩ, ông hỏi con : Thế cha muốn tôi cho cha làm chi trong tám ngày này? Xin tuỳ lượng bác sĩ! Vậy thì ngày ngày cha đến đây, đôi khi đi dạo coi khắp viện bào chế này, thế là đủ, còn hôm nay thì việc cha là rồi   đó, xin mời cha về nghỉ! 8 ngày hết 3 rồi, mà con chưa làm chi. Hôm qua là thứ năm con đến riễu quanh đồ- đoàn thuốc men một lượt chừng nửa giờ rồi về, đó là ngày thứ 4. Hôm nay con vừa đến, khởi sự làm một việc vui quá! Việc chi? Đó là viết một bức thư cho mẹ, là bức thư này đây! Viết rồi con sẽ bắt chước các lính khác mà nói: Thôi về, mai sớm hay! Con đóng một bộ áo lính vải kaki, cúc vàng sáng nhoáng, cổ áo đính hai mỏ neo đỏ, đội cái mũ trắng bóng, điểm thêm cái mỏ neo đồng suy vàng óng ánh. Con không có gương soi, không biết mình thế nào, song đức cha và các cha đều nói: Ngó bộ con chững chạc lắm; có tướng quan võ! Thế nhưng con sắp bỏ cái việc cực nhọc này, thứ 3 tuần sau thì hết. Rồi đến tháng 6 lại khởi sự 8 ngày khác.”

Thơ nữa đề ngày 13-6-1918 rằng: “Nay con lại đăng lính đóng đồn ở bệnh viện Huế, 8 ngày nữa. Con nhờ dịp rảnh rang này mà viết thư thăm mẹ. Thế tàu bay có năng đến Boulogne nữa không? Đêm nào thanh trời, nhất là khi có trăng thì con lo cho mẹ quá,  chắc mẹ nghỉ không an, thành ra con nghỉ cũng không được. Nguyện xin Chúa phù hộ che chở mẹ, cho mẹ được kính mến ngài hơn để vui lòng chịu mọi nỗi thống khổ Chúa gửi đến trong thời buổi chiến tranh này. Phần con hằng bình an mạnh khoẻ, chỉ thiếu một chút nữa là nếu con được kính mến Chúa hơn chút thì hoàn toàn mãn nguyện. Niên học gần xong, đến 24 tháng 6 học trò đi nghỉ.  Phần con năm nay không đi Lào nữa, con sẽ lợi dụng kỳ niên giải này để lập dòng Xitô Việt Nam.

Vậy cha giáo Thuận có ý kiến lập dòng từ bao giờ, ngài khởi công lập dòng thể nào, công việc vĩ đại ngài xây dựng được thịnh đạt cho tới ngày nay làm sao thì sẽ viết trong phần thứ hai sau này.

PHẦN HAI

Từ khi cha Benoît lập dòng đến khi tạ thế  1918-1933

CHƯƠNG I

Cha giáo Thuận có ý kiến lập dòng từ bao giờ

Hai ba năm đầu khi Dòng mới sơ khai có nghe dư luận trong địa phận Huế bình phẩm rằng: Cố Thuận có tính hay thay đổi; đang làm giáo sư, thì xin ra giảng đạo, giảng đạo mấy năm không xuôi, xin về nhà trường lại, ở nhà trường ít lâu lại chán, xin đi lập dòng. Có thật không?

Xin giải đáp làm hai vấn đề:

1.Cha giáo Thuận có tính hay thay đổi không?

2.Có phải tại Ngài hay thay đổi, làm chi cũng chán, rồi sau mới quay ra việc lập dòng chăng?

Vấn đề thứ nhất, chúng tôi không dám quyết đàng nào, chỉ xin bằng vào thơ các cha gửi đến và chính thư ngài gởi cho song thân, rồi xin đề tuỳ lượng độc giả xét nghĩ.

Trước hết Đức Cha Hồ, đồng thời giáo sư tiểu chủng viện An Ninh với Ngài, hạ bút ngọc ban thơ chứng, xin phép nguyên văn như sau:

“Cha Benoît, tu viện trưởng tiên khởi cũng là đấng sáng lập Dòng Đức Bà Việt Nam tại Phước Sơn, khi chưa lập dòng, tục gọi là Cố Thuận (R.P. Denis) khi lập dòng rồi, nhiều kẻ quen gọi là dòng Cố Thuận. Dầu lúc Ngài là Cố Thuận, dầu lúc Ngài là Cha Benoît, tôi cũng đã được hân hạnh quen biết Ngài, chẳng những quen biết, lại còn thiết nghĩa. Nhờ sự thiết nghĩa ấy, chúng tôi năng cùng nhau bàn bạc về việc nhà dòng, lại nhiều khi nói pha trò mà sửa lỗi nhau. Nhiều khi ngài củ rũ tôi vào một tay với ngài để lập dòng ngài toan lập, song tôi trả lời: “Tôi đang đợi một mệnh lệnh bề trên dành cho tôi, tôi không thể theo cha được”. Tôi nói vậy vì khi ấy Đức Cha già Lý đã cho tôi hay ngài sắp gọi tôi vào Huế lập Dòng Rất Thánh Trái Tim, song việc ấy tôi còn phải giữ kín. Vậy tôi đã thiết nghĩa với Cố Thuận từ khi ngài ở Nước Mặn, đổi ra làm giáo sư An Ninh năm 1913, và từ đó ở cùng nhau đến khi ngài xuất thân lập dòng. Ngài vui miệng một đôi khi nói về mình, lại tôi đã nghe mắt thấy thì cũng biết được ít nhiều điều về ngài thế thường nhân vô thập toàn, nơi cha Benoît cũng vậy. Tôi hân hạnh tán dương tài Đức Cha, song cũng không ngại nói mấy điều khiếm khuyết của Ngài. Chính ngài cũng thú nhận với tôi điều ấy rằng: “Mấy điều khuyết điểm tôi đã phương trở tôi nhiều trong việc  lập dòng”. Ngài còn nói mạnh mẽ hơn: “Nết xấu tôi đã làm nhiều cố bớt tin tôi, muốn cản trở tôi trong việc lập dòng. Họ in trí tôi có tính hiếu kỳ, hay thay đổi”. Tôi hỏi sao vậy? Ngài đáp: “Bởi tôi đang làm giáo sư nhà trường, nghe các cố đi dạy chầu-nhưng mở nước Chúa, thì thích lắm, xin đi. Cố Chính liền cho tôi đi Nước Mặn. Bởi hăng nồng theo tuổi trẻ, lại chưa quen tính chầu nhưng, vì khi mới qua Việt nam làm Cha phó ở Kim Long toàn bổn đạo dòng khi không biết chi về tính bổn đạo mới, tôi quá tin các chúng, có bao nhiêu tiền bạc thì đổ ra hết, sau khốn nỗi chẳng hiệu quả gì lại xảy ra việc này việc khác, nên tôi thua buồn xin Đức Cha cho khỏi ở chầu nhưng. Đức Cha già Lý lại dạy tôi về tiểu chủng viện. Có vậy mà họ yên trí tôi hay thay đổi. Nếu tôi không bị in trí, thì đã được lập dòng tại đất nhà chung ở Ba-trục gần Thanh Tân. Khi ấy Cố Soái (R.P.Chaiget) làm cha sở Thanh Tân, quản thủ cả Ba-trục, ngài sợ tôi lập dòng bất thành nên ngăn trở Đức Cha không cho lập tại đó. Cố Kính (R.P. Bonnin) cũng hợp tính với tôi và thương tôi lắm, năng cho bạc tiền khi nhiều khi ít, song khi tôi được phép lập dòng đến xin giúp, thì Ngài không cho, lại rằng: “thì là làm chi đặng tê nê!” (cách nói: thì là…, tê nê, là cách nói riêng của cố Kính). Đức Cha Hồ lại tiếp: “Ấy, điều khuyết điểm nơi cha Benoît là tính hay thua buồn mà thua buồn thì sinh chán ngán muốn đổi việc, nên mang tiếng hay thay đổi. Tính ấy rất nghịch cùng bậc tu sĩ, vậy mà ngài đã toàn thắng, vững chí lập dòng cho đến thành công, thì càng làm cho ngài vang hiển hơn nữa. Cố Soái vì in trí Ngài hay thay đổi, đến giờ lâm chung, như muốn làm việc đền tội và tỏ tình thân thiện với Ngài, thì đã trối mấy tủ sách cho tu viện Phước Sơn, (trích thơ Đức cha Hồ).

Viết cho song thân, chính ngài cũng nói: “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, đã mấy ngày con tìm chút giờ để viết hầu cha mẹ, mà nay mới được! Cha mẹ thế nào. không đau yếu chớ? Cha mẹ nói cha mẹ không thiếu chi có thật không…Hôm lễ Phục sinh ở đây nóng quá có lẽ song hai ngày sau lại lạnh quéo. Thời tiết ở đây thật kỳ, có lẽ tại thế mà làm cho con thay đổi luôn: hơi chút cũng đủ làm cho con buồn, đang buồn lại vui ngay được: thay đổi luôn như vậy khiến những người ở với con phải cực lắm. Bởi vậy những người thương mến con và năng tha thứ cho con, thật là những ông Thánh!

Trong thơ khác ngài rằng: “Thời tiết ở đây cũng giống như con, nói trúng hơn thì con giống như nó: khi vui khi buồn, hôm nay trời vui thì con cũng vui, kỳ quá!”

Trái lại nhiều đấng khác: cựu sinh viên, hoặc quen biết ngài thì chủ trương: cha Benoît có tính cương quyết khác thường, muốn chi thì làm được, lại có tánh kiên nhẫn ít người sánh kịp, dầu phải gian nan cực khổ mấy cũng thắng nổi luôn. Chính ngài nhiều lần nói để sửa dạy các chú: Mình sinh ở đời phải làm việc chi lưu danh vạn đại, đừng có chết là hết, dầu có phải đày đi Lao Bảo cũng cứ làm.

Vậy cha giáo Thuận có tính hay thay đổi chăng? Xin kính nhường độc giả kết luận.

Vấn đề thứ hai: Có phải là cha giáo Thuận hay thay đổi mới quay ra việc lập dòng, dường như lập dòng là việc tình cờ, là hiệu quả của tính hay thay đổi của ngài ư- Dám quyết: hẳn không! Vì ý tưởng lập dòng đã hiện tượng trong trí não ngài ít là từ khi được bài sai sang Việt Nam, rồi từ ấy ngài hằng nuôi ý tưởng ấy trong tâm khảm đợi thời giờ Chúa cho xuất hiện ra.

Chúng tôi xin trưng chứng: Trong phần I, chương IV đã kể rằng:

Thụ phong linh mục rồi được bài sai sang Việt Nam, trước khi qua đây, ngài về thăm cha mẹ lần sau hết, có đi thành Lille từ giã gia đình bà Hyacinthe Louvier.

Khi ngài qua đời rồi cha Bề Trên Bernard lên nối quyền, gởi ai tín cho gia đình Louvier, bà phúc đáp như sau:

“Lạy cha đáng kính, con đã được thơ cha Bề Trên tốt lành Benoît sai một thầy viết ngày 21-7-1933 đưa tin cho chúng con biết: Chúa đã khép án tử cho Ngài! Thơ ấy ngài đã ký, có lẽ là chữ ký sau hết! Nay được tin ngài từ trần, chúng con đau đớn lắm. Chúng con quen biết ngài đã lâu, ngay từ khi tòng học tiểu chủng viện. Trước khi sang Việt Nam, Ngài đến từ giã chúng con lần sau hết, Ngài tỏ ý kiến tốt lành là muốn làm thầy dòng và giúp đào luyện cho có thầy dòng Việt Nam.

Đó là chứng chắc chắn, ngay khi còn ở chủng viện, cha giáo Thuận đã được ơn Chúa ban cho muốn làm thầy dòng, và giúp lập dòng ở địa phận truyền giáo.

Sang Việt Nam rồi, trong 265 lá thư gửi cho song thân, cha hằng nhắc lại ý tưởng ấy. Bức thư thứ I đề ngày 13– 8 -1906 (Ngài sang Việt Nam ngày 31-5-1905). Tất nhiên ba năm đầu Ngài đã viết nhiều thơ thăm cha mẹ song khi ấy hai ông bà chưa nghĩ đến việc giữ thơ lại, nên không rõ lời lẽ viết thế nào, nhưng trong 265 lá thơ do cha Golliot gửi cho chúng tôi, thì nhiều cái Ngài nói đến vấn đề ấy. Ngài ước ao cha mẹ thấy các chú nhỏ là tượng trưng thầy dòng: đi đứng nghiêm trang, cặp mắt trông xuống, vừa đi vừa sốt sắng lần hạt thì chắc khi ấy Ngài đã đọc luật thánh Tổ Bênêdicto, vì trong đoạn VII thánh luật kể 12 bậc khiêm nhường; bậc thứ XII dạy thầy dòng không những phải khiêm nhường thật trong lòng, lại còn phải tỏ ra cách điệu hình dáng bề ngoài bất luận chỗ nào, đầu phải cúi xuống mắt trông đất v.v.

Vả như thơ các cha minh chứng, Ngài đã khởi sự tập bậc khiêm nhường XII ngay từ hồi làm giáo sư chủng viện An Ninh lần thứ nhất cho rằng: Ngài đi đâu thì hai tay khoanh trước ngực: đầu cúi xuống, mắt trông đất, như người Publicanô trong Phúc Âm. Thế đã rõ cái ý tưởng lập dòng nó hằng phảng phất trong óc cha khi ấy.

Các thơ cha viết cho song thân hồi ấy năng nói đến sứ mệnh Chúa dành riêng cho ngài. Ngài năng than thở với cha mẹ: “Địa phận Huế có dòng Kín rồi, còn dòng Nam lo việc nguyện gẫm hãm mình thì chưa”. Ngài tỏ với cha mẹ ước ao lập dòng Nam riêng cho Việt Nam nhất là cho những người có thiện chí, muốn dâng mình cho Chúa mà thiếu phương tiện. Người Việt Nam hiểu tiếng “Thầy Dòng” là kẻ chuyên việc nguyện gẫm hãm mình hơn là giao tiếp với đời. Xin dòng Trappe hoặc Chartreuse sang cũng được, song không bạc tiền, không ruộng đất, lấy chi cấp dưỡng cho họ? Người Việt Nam cần một dòng nam để sản xuất những thánh hiển tu như thánh Hilarion chớ không phải như thánh Vincentê đệ Phaolô!

Ngài rất hiểu tâm lý người Việt: ai cũng muốn có dòng nguyện gẫm hãm mình như dòng Trappe hay là Chartreux giữa dân chúng. Ngài khẩn khoản xin cha mẹ hằng ngày đọc kinh cầu xin Đức Mẹ thành Boulogne-sur-Mer cho được đạt ý nguyện, là sáng lập dòng Nam lo việc nguyện gẫm hãm mình trên đất Việt.

Vả từ khi cha giáo Thuận mở lời xin phép lập dòng đến khi Đức Cha chuẩn y, phải trải qua một quãng thời gian dài 9 năm. Cha khởi sự một năm sau khi về Nước Mặn, là năm 1909, tình cha con đang âu yếm mặn nồng, kẻ ngoại đang xin trở lại đông, chưa rửa tội họ Lập Yên, chưa sửa nhà thờ Nước Mặn, thế có phải là chán ngán việc giảng đạo, mới sinh ra ý tưởng lập dòng chăng?

Trung tuần tháng 2-1911, cố Phú về giúp Ngài, làm chứng: “Cố Thuận hay than thở: Việt Nam có dòng Nữ sao lại không có dòng Nam? Đàn bà xứ này sinh hoạt chung với nhau được, sao đàn ông lại không? Ngài hay xin tôi kể chuyện dòng Trappe Đức Bà xuống tuyết (Notre Dame des Neiges), để học theo mà lập dòng nam Trappe hoàn toàn người Việt Nam, tuy nhận cả người Tây, song Tây Nam đề sinh hoạt như người Việt Nam nghèo khó”.

Công việc Cố Thuận làm khi ấy đang xúc tiến, hai cha phó, một Tây một Nam, cha Tây mới về đang vui vẻ mặn nồng, câu chuyện Pháp rôm như pháo nổ. Ngài nói hay, lại cũng hay nói, thế mà câu chuyện khi ấy luôn luôn chuyển sang ý tưởng lập dòng. Ngài những nóng lòng sốt ruột cho có dòng Nam nguyện gẫm hãm mình, tức là dòng giữ miệng làm thinh.

Khi cha giáo Thuận dạy trường An Ninh lần thứ 2, (trung tuần tháng 2 -1913) thì hay nói chuyện với cố Văn (R.V.Delvaux) và cố Mẫn (R.P.Maunier) về sự Nước Việt Nam chưa có dòng Nam, cố Mẫn thích dòng Phanxicô, còn ngài và cố Văn lại thích con cái thánh Bênêdicto. (trích thư cố Delvaux).

Kỳ niên giải năm 1916, ngài với cố Văn đi thăm các cha ở Bãi Trời, dọc dàng chỉ đàm đạo về sự lập dòng, Ngài cứ phàn nàn Đông Dương chưa có dòng Nam: vậy mấy cố mấy cha Việt Nam hãy cùng nhau làm thầy dòng coi thử, vì Đức Cha khao khát có dòng nguyện gẫm ở đây.

Thế đã rõ ý tưởng lập dòng không phải tình cờ phát hiện trong trí não ngài, do tính hay thay đổi thua buồn vì công việc giảng đạo không xuôi, bèn là một ơn thánh triệu đặc biệt Chúa dành cho cố Thuận từ thuở đời đời. Chúa cho ý kiến ấy hiện tượng trong ký ức ngài đã từ lâu, đợi thời giờ cho xuất hiện cách êm đềm mạnh mẽ. Tất nhiên Chúa đã cho ngài suy xét kỹ càng chín chắn lâu ngày rồi mới dám mở lời xin phép Đức Cha. Trong vòng chín năm xin đi xin lại nhiều lần, dầu bị Đức Cha khước từ, Ngài cứ vững một lòng vàng đá, thế có phải việc lập dòng là hiệu quả tính hay thay đổi của ngài chăng?

Kết luận: ý tưởng lập dòng của cha giáo Thuận khác nào hạt cải nhỏ, trước khi mọc lên cây xanh tốt rườm rà đã phải vượt qua nhiều quãng thời gian; phải mưa gió nóng lạnh, chịu ánh mặt trời làm cho thối nát , rồi mới mọc lên cây tươi tốt khắp gần xa, chim trời liệng tới ríu rít trên ngành.

Việc lập dòng của cha giáo Thuận cũng vậy: Từ lâu Chúa soi sáng cho ngài nghĩ đến sự lập một dòng nguyện gẫm hãm mình trong địa phận truyền giáo. Ngài suy đi xét lại kỹ càng, cầu xin ơn soi sáng, bàn hỏi cha linh hướng rồi mới dám thân thưa cùng Đức Cha. Đức Cha dạy mời dòng ngoại quốc sang. Vâng lời Đức Cha, ngài viết thơ mời dòng Trappe: Tàu, Nhật, Tây: rút cuộc không dòng nào ưng. Sau hết ngài mới dám xin Đức Cha ban phép lập thử.

CHƯƠNG II

Cha giáo Thuận khởi sự lập dòng- Công chuyện xảy ra từ khi được phép Đức Cha đến khi khởi sự làm nhà trên núi Phước.

Đức Cha già Lý, một vị Giám Mục nhân đức có tiếng, vốn từ lâu những ước ao cho địa phận Huế có một dòng Nam khổ tu chuyện việc nguyện gẫm hãm mình, thấy cha giáo Thuận xin điều ấy, thì ngài rất vui mừng. Nhưng theo sự khôn ngoan, Đức Cha phải bảo cha giáo Thuận mời dòng ngoại quốc đến. Công việc bất thành; thì Đức Cha ái ngại; không cho cố Thuận lập thử thì tiếc, vì may nhờ ơn Chúa ngài làm nên thì quí biết bao! Nếu chẳng may, công việc không đến chỗ thành đạt thì tội vạ ai gánh?

Hai đàng tiến thoái lưỡng nan! Ròng rã chín xuân trường, cứ lần lữa rày mai, Đức Cha chưa chuẩn y lời cha giáo Thuận thỉnh cầu. Phần cha ơn Chúa thúc đẩy mạnh, nên thượng tuần tháng 12–1917, ngài đánh bạo xin một lần nữa. Phen này Đức Cha đành lòng cho thử và ban phép chọn nơi nào tuỳ ý, muốn lập ở Ba-trục là đất nhà chung cũng được.

Hết sức vui mừng, học sinh đi nghỉ rồi, cha giáo Thuận vội vào Huế xem sở Ba-trục, song bị cố Soái ngăn trở. Ba-trục là đất nhà chung, song thuộc quyền cố Soái quản thủ, Ngài sợ cố Thuận không dựng nổi cơ đồ, nên trình Đức Cha huyền lại đã. Theo sự khôn ngoan, Đức Cha phải nghe cố Soái. Thế là cha giáo Thuận đành phải cúi đầu “thuận” theo ý Chúa, vâng lời Đức Cha trở về An Ninh dạy học 6 tháng nữa cho hết niên học.

Sáu tháng ấy, ngài ăn ở khiêm nhường nhiệm nhặt hơn thường, năng thư từ hỏi han, tìm đất lập dòng, nhiều đấng nghe biết Đức Cha đã ban phép cho ngài lập dòng, thì ban lời chua cay chê trách. Chính Đức Cha, xem ra cũng có ý thử Ngài, nên dầu đã ban phép, song cũng nói cách ra như không tin cậy, như thư cha Lê Hữu Luyến làm chứng: “Ngày sau hết các chú lên chào, cha con thầy trò cùng nhau từ giã, thì ngài buồn và nói: Đức Cha nói với cha rằng: “cho phép lập dòng, có được thì hay, nếu bất thành, thì phải để nơi ấy lại cho địa phận, rồi đi Lào hay đi mô thì đi”. Đức Cha nói thế vì kỳ hè năm trước ngài đã xin đi Lào giúp bổn đạo Việt Nam. Như đã kể trong phần I.

Nghe Đức Cha và nhiều đấng ban lời cay cực như thế, tự nhiên cha giáo Thuận phải buồn, sinh tủi phận nếu không ơn Chúa thì Ngài chán nản ngã lòng.

Song như theo cố Phú, cha phó cựu của ngài làm chứng thì luôn luôn ngài trông cậy Chúa, phú dâng mọi sự trong tay Chúa và Đức Mẹ. Thư rằng: “Tôi nói với ngài nhiều lần: cha nên đi thăm một nhà dòng Trappe nào mà coi cho biết cách thức thế nào đã, rồi mới nên khởi sự. Song có lẽ Đức Cha không cho. Mặc lòng ngài hằng trông cậy vào Chúa, muốn cho sáng danh Chúa, như lời ngài năng nói với tôi: “Việc con toan làm, nếu đẹp lòng Chúa, thì chắc sẽ thành công, bằng không thì con chịu hỏng việc, trong mọi sự con hằng phú dâng trong tay Chúa và Đức Mẹ”.

Đối với cha giáo Thuận, Đức Cha thật là một người cha nhân từ khôn ngoan: trước mặt Đức Cha nói một hai lời cay đắng như trên song sau lưng thì thường sai cố chính Giáo (sau thăng quyền Giám Mục, quí hiệu Đức Cha Giáo, Mgr Chabanon) ra An Ninh đem ngài đi tìm đất.

Khi cố Chính đến An Ninh, cha giáo Thuận đang đau rét, nhưng vì cố Chính mắc việc vội về, nên không kể đau ốm, cha giáo Thuận cứ gắng đi theo cố Chính, hai cha hai ngựa thắng đi coi sở Gia Bình. Đến nơi, thấy cây cối rậm rạp, nghe nói chỗ ấy nước độc ma thiêng, ở đó chỉ vài ba ngày đau rét chết! Nghe vậy ngã lòng, hai cha trở về An Ninh.

Đang khi ấy Đức Cha viết thơ xin Quan Cụ Phước Môn tìm giúp đất lập dòng. Quan cụ phúc đáp: bằng lòng dâng một cây số vuông trong đất Phước Sơn, muốn chọn chỗ nào mặc ý, trừ những chỗ đã khai khẩn rồi.

Được thư, Đức Cha rất vui mừng, thân hành ra An Ninh chia vui với hai cha, có ý đi xem sở Phước Sơn, để tỏ lòng biết ơn Quan Cụ. Đến An Ninh Đức Cha gặp hai cha vừa đi Gia Bình về, cũng đang tính đi Phước sơn, nếu được sẽ viết thơ xin Quan Cụ. Nghe Đức Cha nói Cụ cho rồi thì Cha giáo Thuận vui mừng ra nước mắt.

Hôm sau, mồng 5-7-1918, cha theo Đức Cha và cố Chính đi đò lên thăm đất Phước Sơn. Một sự bất ngờ và rất thích hợp, là cha giáo Thuận đi thăm đất lập Dòng Đức Mẹ, chính trong tuần lễ Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave.

Con thuyền bì bõm, nước sông xao. Đò cập bến họ Phước Sơn. Đức Cha, cha giáo Thuận và cố Chính đổ bộ ngược lên thăm đất. Đi một quãng chừng nửa cây số, thấy toàn đồi tranh, đất sỏi, Đức Cha ngã lòng thở dài: “Chỗ này làm chi ăn sống người mà lập dòng đây! Thôi coi làm chi nữa”. Nói đoạn ngài trở gót ngọc xuống đò. Trái lại cha giáo Thuận hồn đầy khoái lạc, thấy trước mặt một khoảng rộng mênh mông như một biển đồi, cái thấp cái cao chen nhau sát sạt như lưng rùa, xa tít đến rặng núi xanh, cao ngất trời. Cha bụng bảo dạ: đây thật là đất chảy sữa và mật ong cho những kẻ Chúa chọn!

Ngài xin phép Đức Cha cho đi chút nữa và mời cố Chính đi với, Đức Cha để mặc ý, thì hai cha cứ đi. Càng đi càng thấy toàn sim, muồng, tranh, bổi. Cố chính bật cười thốt ra câu: “Đất đai khô cạn, sỏi sạn thế này, xem! Làm chi nên ăn, thôi về đi Ngân sơn cho rồi!”.

Song cha giáo Thuận mời cố Chính cứ gắng đi quãng nữa. Đến chỗ ngang trường đệ tử Phước Sơn bây giờ, hai cha dừng lại, cha giáo Thuận thích chí song không nói ra, cứ mời cố Chính trở lui coi phía rú Hậu Sơn, tức là vườn thánh Têrêsa bây giờ. Gần đó, có khe suối cuộn quanh mấy đám ruộng xấu, cố Chính ưng ý nói: “Chỗ này xem ra coi được: ruộng có, nước có, xem bộ cha ưng phải!” cha giáo Thuận cũng dạ nhịp theo ý cố Chính, rồi hai cha trở lui xuống đò thì đã quá trưa đến giờ dùng bữa.

Đức Cha hỏi: “Sao, có tìm được đất không?” cha giáo Thuận đáp: “Dạ, xin Đức Cha cho con thử ở đây, hoặc chỗ cố Chính vừa chỉ cho con, hay chỗ nào khác con sẽ tìm nội vùng ấy”. Đức Cha đáp: “mặc ý cha”.

Thế là Phước Sơn thành hình trong lòng cha giáo Thuận một giờ chiều ngày mồng 05-07-1918.

Thuyền nhổ neo, lừ đừ đưa Đức Cha và hai cố về cửa Tùng.

Đến nhà trường cha giáo Thuận lòng vui xác cực, cực vì khi ấy ngài vẫn đau rét, đã từ năm sáu ngày hầu như ngài không ăn uống chi, phải nằm liệt mấy ngày. Đến mồng mười dầu chưa được mạnh ngài cũng gắng vào La Vang viếng Đức Mẹ, ký thác việc đại hệ trong tay Mẹ lành, xin Mẹ ban ơn phù hộ vì từ nay khởi sự vào bước gay go.

Khi ấy cố Lễ (K.P.Lemasle sau thăng quyền Giám mục biểu hiệu Đức Cha Lễ) đã nghỉ chức giáo sư trường thần học Phú Xuân, ra làm bổn sở Cổ Vưu. Cha giáo Thuận đến thăm thì ngài khuyên nên lập dòng ở La Vang cho các thầy nấp bóng Đức Mẹ. Phải, cha giáo Thuận thích sự ấy lắm, ngài đặt trí từ lâu trước rồi, song vì gần Đức Mẹ La Vang thì tự nhiên sẽ gần người ta, mà ý ngài thì muốn gần Đức Mẹ mà xa trần thế, song ngài không nói rõ, chỉ trả lời quanh co: “Lập dòng đây không ruộng đất, sống sao được?”

Khi ở Cổ Vưu ngài viết: “11-7. Thăm mẹ yêu dấu! Dạo này con mắc việc quá, con đã tìm được chỗ lập dòng rồi, thật là một nơi rất mới, rất lạ, con sẽ đến ở dưới chân đồi kia, gần bờ sông, không xa người thượng mấy, nhưng xa người chợ, ở đó, con sẽ thử làm thầy dòng Trappiste, nhưng không phải con ở một mình đâu, đã có 15 người xin theo con, nhưng chắc con chưa có thể nhận cả 15, sẽ nhận thử độ 10 đã…vì chưa có chỗ cho họ ở nhất là chưa có gì cho họ ăn, chúng con sẽ trồng chè, khoai, sắn, thuốc lá.v.v.. nhưng không phải nó mọc lên trong một ngày đâu, đang khi chờ các thứ ấy mọc lên, thì con sẽ đi ăn xin kiếm của nuôi các thầy sẽ đến theo con.

Đó là con mới tính thế thôi, chứ đã có chi đâu…

Ở Cổ Vưu, cha lại về thẳng An Ninh nghỉ ít ngày, trong mình vẫn còn đau rét. Song xem ra ngài nóng lòng nóng ruột hơn nóng rét nên cách 10 ngày lại lên Phước Sơn tìm chỗ nhất định làm nhà. Lần này có hai cha Việt nam tùng hành: cha Yến và cha Tú. Đến nơi ba cha đi riễu hành quanh khắp vùng, rồi hai cha bàn lập dòng ở chỗ Bến than, tức là khoảng nghĩa địa dòng ba và vườn thánh Bênađo bây giờ, vì đất thấp, bằng, lại gần sông. Phần cha giáo Thuận, thì cứ nhất định chỗ đã coi lần trước với cố Chính, tức là nơi có nhà dòng hiện tại, hơi xích vào trong một chút. Coi rồi, ba cha xuống đò dùng cơm và xuôi An Ninh lại.

Đến 24-7-1918 ngài viết:

“Thăm mẹ yêu dấu.

Tuần vừa rồi con lại đi Phước Sơn tìm chỗ nhất định để lập dòng, con đã tìm được một chỗ gần sông, một khoảng đất bằng trên đồi diện tích rộng chừng hơn trăm mét, thế vừa đủ cho những nhà con định làm, chỗ đó cao hơn mặt biển chừng 33 mét, đứng đó xem thấy cả miền Đất Đỏ và Bãi Trời, có thể thấy chủng viện An Ninh con đang ở đây. Các chuyện đó con sẽ nói với mẹ trăm ngàn lần nữa. Từ giã mẹ”.

CHƯƠNG III

Từ khi lên núi Phước phá rừng dọn đất làm nhà đến khi bắt đầu giữ luật.

Cha giáo Thuận lập dòng, khác thể bà mẹ cưu mang con trong dạ dằng dẵng chín tháng trời, những ngóng trông thấy mặt con, song đến ngày đản sinh thì lại bị nhiều nỗi tân toan thống khổ. Người đã cưu mang ý tưởng lập Dòng chín năm trường có lẻ, nay đến ngày phát hiện ý tưởng ấy ra, tức là tái sinh các thầy khổ tu trên núi Phước cũng phải đa đoan nhiều nỗi; bạc tiền chẳng có, lúa gạo lại không, mà công việc thì nhiều, nào phá rừng sẻ rú, nào đào gốc đổ nền.v.v biết liệu làm sao?

Song cha cứ nhắm mắt trông cậy Đức Mẹ rồi bắt tay vào việc. Tiên vàn có người bổn đạo tuổi độ tứ tuần, trước đã giúp cố chính Đăng, tất nhiên cũng quen biết cố Thuận khi làm phó cố chính Đăng ở Kim Long. Cố chính qua đời người ấy lui về quê ít tháng rồi vào giúp việc nhà chung Huế. Nhân lúc ấy gặp cố Thuận đóng lính ở viện bào chế thì sinh lòng cảm phục, nay ngài sửa soạn lập dòng cũng tình nguyện đi theo. Người bổn đạo ấy, tên gọi thầy Chánh, tức là thầy Thaddêô (đã ly trần tại nhà dòng năm 1943). Cha giáo Thuận dùng thầy làm người tâm phúc, làm cánh tay hữu trong việc tạo dựng ngôi nhà tiên khởi bản dòng. Song tiếc thay, thầy không được cái chức “trưởng nam chính hiệu”, vì làm nhà song, cha định nhận môn đệ chính thức thì thầy bị đau xin lui bước, sau mới xin vào lại, thành phải đứng vào hàng “thứ tử”.

Cha sai thầy Chánh đi mua nhà, còn ngài, sáng ngày 25 tháng 7, thuê ít công nhân lên Phước Sơn khởi công phá rừng đào gộc dọn đất làm nhà. Buổi đầu, may nhờ nhà kẻ ngoại tên: ông Hương Quát, dân cư Quan Cụ, cách xa chừng nửa cây số, cha con nhờ bếp nấu cơm và cho nhân công trọ tối. Còn cha cứ vài ngày một lần đi ngựa tự An Ninh sáng đi tối về, cắt đặt  công việc, chính cha cũng xấn tay làm. Song than hỡi! Đất sỏi đá rắn, lại thêm nắng hè, thân cha mình gầy, mặt võ, giơ tay da bọc xương, quốc lấy quốc để không quản nồng nực mặc sức mồ hôi thi nhau chảy theo bộ râu, trông mà thảm hại! (ông Giáp Phảm thuật lại).

Cha con phá rú năm bảy ngày, ngọn đồi xem đã quang quẻ đẹp mắt, bớt sợ hùm cọp, thì mới làm cái rạp để nhân công tạm trú. Ngày mồng 5 tháng 8 lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết nơi Đền thờ cả Đức Mẹ, tinh mơ sáng, cha tự An Ninh đi ngựa lên làm lễ thứ nhất trên núi Phước Sơn trong cái rạp đó. Tất nhiên cha có ý xin Đức Mẹ: xưa Người đã xuống tuyết chỉ nơi phải làm đền thánh kính Mẹ, thì nay cũng xuống ơn soi trí cho biết phải làm nhà thờ dòng Mẹ chỗ nào, hướng nào, nhất là cho được thành công mỹ mãn.

Ra như Đức Mẹ trả lời, là hôm sau, mồng 6 tháng 8, Cố Văn chánh bổn sở Nhu lý gởi dâng dòng mới cái chuông tây nhỏ, với lời cầu chúc mau thịnh đạt.

Lúc đó thầy Chánh mua ở Tân Trài được cái nhà hai gian hai chái, cột gỗ, kèo tre, mọi sự hết gần ba chục quan tiền, kể cả công đài tải. Kỳ ấy bạc bẩy quan năm, thành thử cái nhà giá “ba đồng rưỡi!” cha con vội vàng cất nhà cho kịp lễ Đức Mẹ Mông Triệu thăng thiên. Ngày 12 tháng 8, thấy xuất hiện cái nhà hai gian hai chái mái tranh vách đất: đó là ngôi nhà tiên khởi của dòng Đức Bà Việt nam trên núi Phước, như nôi tre tróng sậy mẹ sắm để đặt con.

Xong nhà, thì ngày 14 tháng 8, cha giáo Thuận với người môn đệ đầu tiên, thâu xếp đồ đạc lên Phước Sơn khai mạc cuộc đời mới. Nói là thâu xếp đồ đạc, song thật chẳng có chi: trót gia tài của cha một người gánh còn nhẹ. Cần nhất là đồ lễ thì đã đưa lên sáng mồng 5 làm lễ Đức Mẹ  xuống tuyết, chỉ còn mấy bộ áo lễ, vài cặp quần áo cũ vá, vài ba chiếc chiếu, mấy quyển sách long gáy rách bìa. Đồ cơm là ít bát chén muỗng nĩa pha tây pha nam.

Vật thực là của cố Hoà (R.P. Girard) bề trên chủng viện An Ninh cho, vì ngài là cha linh hướng của cha. Cố Hoà thương ngài hơn cha mẹ thương con đẻ, khi con đi ở riêng thì chia của cho xong vì là của nhà trường, nên cố Bề trên chỉ có thể cấp dưỡng ít vậy thôi: một thúng gạo, một âu ruốc, một đọi muối vài cái nồi, một con dao và một con gà trống gáy hiệu.

Bắt chước thánh tổ Bênêdictô lập dòng trên núi Cassinô, cha giáo Thuận đặt hết hy vọng vào Cha trên trời, xin Người nuôi nấng con cái hèn mọn trên núi Phước, cũng như Người hằng cung cấp vật thực cho chim trời cá biển.

Đò rời bến cửa Tùng sáng sớm ngày 14 tháng 8, cha giáo Thuận ra ngồi mũi đò ngắm cảnh thiên nhiên, với chí quyết của Kha Luân Bố đi tìm tân thế giới, với trung kiên của A Lịch Sơn chỉ núi thề sông triệt để thi hành sứ mệnh Chúa ủy nhiệm.

Đò cập bến, cha con vui vẻ gánh đồ lên dọn bàn thờ mừng lễ Đức Mẹ. Cha tặng cho nhà mới đó đủ thứ tên: nhà thờ, nhà ngủ, nhà cơm, nhà kho, nhà bếp, bàn yết của cha và phòng đồ lễ: mọi sự đều ở trong nhà ấy. Hai căn giữa thì một căn làm nhà thờ, căn kia nhà ngủ nhà cơm, chái hữu để chõng cha nghỉ và hai hòm đồ lễ. Chái tả thúng gạo, nồi niêu mắm muối v.v. và lồng con gà trống.

Sáng sau đại lễ Đức Bà mông triệu thăng thiên, cha dâng lễ lạc thành dòng mới, có đông người đến dự. “Đông” nghĩa là sánh với tình cảnh nhà dòng khi ấy; ít nhân công với ông thợ cả và người môn đệ đầu lòng của cha.

Lễ tất cha con ăn tiệc theo hoàn cảnh mắm ruốc mừng lễ Đức Mẹ, khánh thành dòng mới, và hồi công thợ. Tiệc xong thợ thuyền các tán, chỉ còn hai cha con với mấy người nhân công.

Tới giờ nấu ăn, cha con nhân công xúm nhau mỗi người một việc xong thì dọn ra cha con cùng nhau đồng bàn. Ăn rồi lại cùng nhau tay cuốc tay rựa đốn phá đánh gốc chung quanh nhà cho khỏi hùm cọp ẩn núp.

Ngày 22-8 cha viết: “Thăm mẹ yêu dấu. Đã tám ngày con đang ở trong một ngôi nhà nhỏ, con làm tạm, để sau làm nhà bếp, thật là một nhà khó khăn hết sức. Con ở đây với một người đang cùng với con tập làm thầy dòng và mấy nhân công con thuê làm việc: đốn gốc sẻ rú.  Nhờ ơn Chúa chúng con còn khoẻ cả… con đã khởi sự tập làm việc, cuốc đất chặt cây, chặt bổi, là những cây nho nhỏ đủ thứ mọc đầy chung quanh nhà con mới làm… con làm chưa được cứng cát mạnh mẽ mấy, nhưng lần lần sẽ quen… con còn muôn vàn điều muốn nói với mẹ, nhưng để dành sau, nay nói chuyện thiên đàng đôi chút. Vậy xin mẹ cầu nguyện cho thầy dòng của con và cho con với. Nếu có thể được, cũng xin mẹ nhờ người ta cầu nguyện cho với nữa. Phần con, con hằng xin Chúa nhân lành ban cho mẹ được mến Người càng ngày càng hơn. Henri Denis.”

Lần lần Chúa ban môn đệ cứ rải rác xin vào, song bền đỗ theo cha thì ít, nản chí hồi tục thì nhiều. Trong số môn đệ, có một người đáng kể, xin lược qua câu chuyện như sau:

Ông là cháu vua Minh Mệnh, tôn xưng “Mệ Thuyền”, nhiều độc giả nhất là người Bắc phải bật cười tự hỏi: “Mệ” là tên đàn bà sao lại đặt cho đàn ông?

Nguyên vì đời Hiếu Vũ hiếm con trai, hễ sinh hoàng nam thi kiêng cữ không được gọi là “Ông” phải gọi như là con gái. Vậy con các Ông Hoàng Bà Chúa thì kêu là “Mệ”, còn chữ “Mụ” thì gọi về hàng cháu.

Song chính quí chức của Hoàng tộc thì Đức Minh Mạng đã đặt một bài thơ để gọi con cháu chính thống của Ngài, đã chạm trong bản kim sách, gọi là “Đế hệ thơ”:

Thơ rằng:

Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh

Bảo Quí Định Long Trường

Hiền Năng Kham Kế Thuật

Thế Thoại Quốc Gia Xương.

Vậy Hoàng phái cứ thứ tự mà lấy một chữ trong câu thơ mà đặt trước tên mình tùy là con hay cháu hoặc chút hay chít.v. v .

Cám ơn Chúa đã ban cho Hoàng phái được cha Bửu Đồng, cha Bửu Hiệp là hai anh em con Cụ Ưng Trạo và Cha Bữu Dưỡng con Cụ Ưng Trình, ba Cha hàng Bửu gần ngôi báu hơn Bảo Đại về hàng Vĩnh (Vĩnh Thuỵ) Nguyện xin Chúa ban thêm nhiều Đấng nữa, cho sáng danh Ngài.

“Mệ Thuyền” kể chuyện đây là cháu đức Minh Mệnh, chính danh là Hường Thuyền song gọi là Mệ Thuyền vì lẽ nói trên. Mệ xưa kia là thầy chùa sùng phật lắm, song đã trở lại đạo Thiên Chúa, tiếng tăm đồn thổi khắp gần xa. Cố Thụân hết lòng mừng rỡ, làm quen với Mệ ngay khi còn ở Nước Mặn. Mệ cũng giúp cha học tiếng Việt Nam, nay nghe cha lập dòng thì tình nguyện xin làm môn đệ. Theo danh sách bản dòng thì Mệ Thuyền đứng vào thứ chín. Song tiếc thay, thân già sức yếu, không kham nổi các điều nhiệm nhặt lại thêm sơn lâm chướng khí. Mệ đau yếu luôn nên đành phải lui bước hồi quê đi nhà thương điều trị. Bệnh tình ngày một trầm trọng đưa Mệ đến bước thọ chung, đang khi quay mặt về núi Phước với lòng hoài bão thiết tha, và hàng châu lụy đứt nối.

“Mệ” rất tiếc vì khi ấy chưa có nhà thờ để Mình Thánh Chúa, mà tâm sự với chính nguồn mách sự an ủi, Mệ đã nhất định trở lại Phước Sơn khi Phước Sơn đã có Chúa ngự trị trong nhà thờ!  Song rủi khi có Chúa Giêsu trong nhà tạm thì Mệ đã về chầu Chúa trên trời.

Đang khi Mệ tĩnh dưỡng, dầu lúc ở bệnh viện, dầu khi về nhà, nhiều lần cha đến trấn tĩnh ủi an. Ông Ưng Trạo thân sinh Cha Bửu Đồng, quí tử của Mệ, có cho chúng tôi ít hàng:

“Thầy con đã cao niên, lại phần xác không được mạnh, vì lúc ở đạo Phật đã hành hạ xác quá, sơn lâm chướng khí không chịu nổi phải về điều dưỡng tại bệnh viện. Đến khi lâm bệnh nặng, liệt giường gần một năm, thì cố Thuận vẫn vô thăm viếng an ủi, Ngài thật là một tông đồ rất hăng hái, một thầy dòng rất nhiệm nhặt. Chúng con chỉ ước trông chóng đến ngày toà thánh đêm tên ngài vào sổ các thánh”.

Tiếng đồn cố Thuận lập dòng bay khắp địa phận, vì chính là kỳ niên giải các chú đi đâu, thì đầu câu chuyện là nói về cố Thuận lập dòng, thiên hạ phê phán, kẻ thế này, người thế nọ, khen cũng lắm mà chê cũng nhiều. Chê rằng: cố Thuận hay thay đổi. Rồi rủ nhau đi xem dòng mới. Khách đến Phước Sơn ngày một đông, bổn đạo nhiều, các cha cũng lắm, nguyên một ngày 28-8-1918 có năm cha tới. Như thư cố Văn viết: “Ngày 28-8, tôi đi Vạn Thiện thăm cố Du (R.P.Kaichinger) hôm sau đi An hoà thăm cố Niềm (R.P.Nayer) bảo làm thịt con thỏ đem đi Phước Sơn. Cố Du Cha Lập và cha Hồ đi trước, mười phút sau thì tôi đến sau cùng là Cố Niềm. Cả năm cha cùng với cha Denis ăn bữa tiệc trong cái nhà “Rộc” nhỏ xíu ngài mới làm, dài bốn thước rộng ba thước rưỡi. Đó là lần sau hết, cha Denis dùng thịt và rượu”

Quí khách đến thăm, ngoài lòng thiện cảm chắc cũng còn tiếp tế dòng mới ít nhiều trước khi rời gót. Nên nội tháng chín là từ khi khai mạc dòng mới được một tháng mà cha Denis đã làm thêm được một cái nhà khác, trước khi đóng lính lần thứ hai, như chứng thư ngài viết ngày 10-9-1918: “Thăm mẹ rất yêu dấu, con lại ra lính lần nữa đây, nên con dư giờ viết thư thăm mẹ. Có lẽ đã lâu mẹ không được tin gì về con? Dạo này con mắc việc quá lẽ, đến nỗi con thấy một ngày nó qua đi mau như một giờ, một tuần mau như một ngày, nên con quên trăm ngàn việc. Khi nào lập thành dòng thì sẽ có giờ giấc hẳn hoi: có giờ đọc kinh, giờ làm việc và ngày nào cũng có giờ rảnh. Giờ nào làm việc giờ nấy thì mới hay.

Tuần sau, con sẽ có một nhà mới, nhà ấy con định dùng làm nhà cơm sau này, nhưng bây giờ thì dùng làm mọi việc: làm nhà thờ, nhà cơm, nhà ngủ, nhà hội chung… Còn cái nhà nhỏ con làm đầu hết kia, thì sẽ dùng nguyên để làm nhà bếp thôi. Chúng con không giàu mấy. Mẹ ôi! Con chắc chưa hề bao giờ mẹ thấy một cái nhà nhỏ mọn khó khăn như nhà chúng con đây. Thế nhưng, Chúa nhân lành hằng ban cho chúng con ở trong cái nhà nhỏ khó khăn này mà lấy làm phước lạc vui vẻ vô cùng, đến nỗi con sợ con vui khoái quá chăng. Vả cái việc nhỏ mọn con mới tổ chức đây xem ra xuôi thuận quá, làm cho con bắt lo sợ, vì họ thường nói: “Khởi đầu xuôi thì đuôi hay hỏng”.

Ủa! Con nói chi vậy! Cần gì mà lo lắng! Chúng con làm việc đây, là làm việc Chúa, thế tất không làm hư mất ngày giờ. Nếu Chúa nhân lành không muốn cho nên việc, thì chúng con cũng không ưng cho thành công đó: là mọi ý chỉ của con.

Từ khi chúng con cùng nhau bước vào “VƯỜN ĐỊA ĐÀNG” này thì mọi sự xuôi thuận lắm. Con mạnh luôn, ăn khoẻ bằng bốn người, may phước là cơm được ăn như ý, con không định chừng mực nào cả.

Xin Mẹ cầu nguyện cho chúng con nhiều, tuy dầu chúng con hằng làm việc cho Chúa, nhưng thỉnh thoảng cũng bị cám dỗ lo ra, mà suy đến việc mình hơn nhớ đến Chúa.

Con hằng kết hiệp với Mẹ trong sự yêu mến Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

Con yêu dấu của mẹ. Henri Denis ký.”

Đi lính tám ngày, mãn rồi, cha vừa về, thì cha Delvaux lại đến thăm, như thư cha kể chuyện ấy rằng: “Hồi trung tuần tháng 9 -1918, tôi lại đến Phước Sơn thăm cha Denis lần nữa, thấy công việc ngài làm, tôi bắt lo sợ. Chuyện vãn một chặp, ngài với tôi đi coi những chỗ đất mới vỡ, đi đến chừng ngay trước cửa nhà thờ bây giờ, khi ấy còn rú rí um tùm, ngài nói: “Chiều bữa tê con đi dạo cầm chuỗi lần hột, đến đây gặp con cọp to, nó đứng nhìn con một chặp rồi thủng thẳng quay đi một cách như không sợ hãi chi, như thể muốn xưng mình là chúa đất này vậy”.

(Cha Gilbert Barnabe cũng kể một tích giống như thế, hồi tháng 6,7-1932 khi ngài chưa vào dòng) “Tôi cấm phòng ở Phước Sơn, nghe cha Benoît kể chuyện: một ngày kia cơm tối xong ngài đi bách bộ, có con chó đi theo, đến chỗ ngay trước nhà thờ, bỗng nhiên thấy con chó cúp đuôi chạy lại một cách sợ hãi lắm, ngài trông lên thì thấy con hùm đang chạy lại chực vồ con chó, nhưng chạy đến gần ngài, thì nó đứng lại, rồi thủng thẳng quay đi. Tự nhiên những chuyện như thế ngài không kể lại cho môn đệ nghe kẻo sợ.)

(Tiếp thư Cha Delvaux) Đoạn ngài chỉ cho tôi coi những chỗ ngài toan làm nhà mà rằng: Con tính làm nhà thờ chỗ này, dựng bàn thờ chỗ kia, tiếp đến phòng đồ lễ, sau đó có nhà thờ thánh giá, có tháp chuông, cái chuông cha đã cho, con sẽ treo lên đó, ngay trước thì có nhà hội chung, bên này thì làm nhà ngủ, chia từng phòng, bên kia thì nhà cơm, bên tả đây thì làm nhà khách…

Nghe vậy tôi liền nói: Cha chiêm bao à. Tiên vàn cha hãy lo phá rú đào gộc đã là, nếu cha muốn thi hành ngay cái bản đồ cha dự tính đó, thì phải tới vạn bạc mà cha đã có chưa!

Chưa, con còn mắc 200$ bạc nợ, mặc lòng con sẽ bắt đầu. Nếu đẹp ý Chúa, thì công việc sẽ xuôi. Con làm việc cho Ngài, Ngài là Chủ con là tớ.

Thế phòng cha, cha định chỗ nào?

Con định lấy một phòng ở nhà ngủ bên tả, ở đó gần khách cho tiện.

Con có cái nhà vuông, có lẽ cha dùng được, cha có muốn con dâng?

Cảm ơn cha, cha ban con xin lĩnh.

Tôi về bảo rỡ nhà chở lên cho ngài, chừng ngoài 20 tháng 9, thì ngài làm xong…”

Thật vậy, như thư cha chúng tôi viết ngày 28-9-1918 cho bà kế mẫu rằng: “Mẹ yêu dấu, con viết ba chữ kính thăm mẹ, trông cậy mẹ hằng khoẻ luôn và không phải cực vì chuyện giặc giã nữa, con trông cậy thế, và hằng cầu xin Chúa ban cho như vậy. Bây giờ nói đến chuyện con. Chúng con chưa khởi sự làm thầy dòng Trappiste, còn đang đóng vai mấy người làm vườn, mấy chú nông phu đạo đức tử tế đó thôi, chừng vài tuần nữa, có lẽ chúng con sẽ giữ luật nhặt hơn chút. Chúng con đã có ba cái nhà. Con nói ba cái nhà, mà có lẽ mẹ nói ba “cái lều” ba “cái chòi”, vì con không biết bên Tây người ta sẽ dùng tiếng nào mà gọi ba cái nhà của chúng con đây.”

Lập dòng mới được một tháng, mà ba cái nhà kế tiếp cất lên. Đó là sản phẩm lòng quảng đại các quí ân nhân giơ tay ngọc làm việc nghĩa, mỗi khi đến viếng. Theo chứng thơ ông Huỳnh văn Sỹ cựu môn đệ của cha: “Mấy tháng đầu ngài chỉ lo làm nhà, còn tiền bạc thì ngài cứ nói: “Chúa sẽ liệu”. Thật vậy, khi cha lên Phước Sơn còn mắc nhà chung 300$ mà Chúa trang trải xong xuôi như lòng ngài sở cậy. Song ngài phải ngậm đắng nuốt cay giữa trăm ngàn tiếng mỉa mai. Có kẻ khinh chê việc ngài đến nỗi dám nói: “Ai cho cố Thuận lập dòng một xu là uổng một xu”. Đứng trước chén tân toan, cha phó dâng mọi sự trong tay Cha chí ái với đức tin cậy như đứa con thơ”. (Thư ông Huỳnh văn Sỹ)

Khi ấy vườn đã làm nhiều, trồng đủ thứ: khoai, đậu, bắp, mít, café, đậu phụng.v.v tất nhiên phải có trâu bò. Lòng rộng rãi quan Cụ Phước Môn đã cho một con trâu, ông chủ khách sạn Đồng Hới (Mr Logoz) cho ba con bò ba con dê. Cha nhận việc chăn dê, còn trâu bò thì mấy môn đệ nhỏ tuổi phải chia phiên.

Một hôm đến phiên thầy Bửu Liêu là cháu Mệ Thuyền chẳng may để trâu bò ăn lúa người ta. Họ đến thưa, cha liền chiếu theo luật thánh tổ phụ Bênêdictô phạt thầy mấy chục roi làm các thầy tán đảm. Vốn trong thánh tổ có dạy: “Ai lỗi nặng thì phải rút phép thông công, còn kẻ thiếu niên không hiểu sự rút phép thông công là hình phạt nặng thế nào thì phạt ăn chay cho nhặt, hoặc phạt đòn cho đau, để nó sửa mình”. Cha Denis có tính nóng đã sẵn, lại đầy lòng kính Chúa ái nhân, thấy người ta phải thiệt vì trâu bò nhà dòng thì cầm mình không được nên đã thi hành thánh luật theo nghĩa chữ, song chỉ duy nhất có một lần ấy thôi.

Từ đó cha lại nhận việc chăn trâu bò. Khi súc vật thêm nhiều thì ngài chỉ mấy thầy “trưởng thượng” giúp ngài. Hiện nay còn hai thầy được phước đồng nghiệp mục thụ với cha: thầy Michael (Phước Sơn) và thầy Batôlômêô (Châu sơn). Đến trưa các thầy về lấy cơm đem ra cha con ngồi dưới gốc cây mà dùng, đồng thời ngài kể chuyện sách thánh hoặc hạnh thánh cho các thầy nghe. Thường đang lúc giữ trâu bò cha đọc kinh nguyện gẫm hay đọc sách thiêng liêng.

Chức mục đồng này cha giáo Thuận với các môn đệ đã giữ năm sáu năm đầu, sau thấy bất tiện thì cha thuê người ngoài lo việc ấy.

Trước đã nói: dòng mới được ba cái nhà cho mấy người làm vườn đạo đức ở, vì bấy lâu cha để môn đệ  chuyện vãn tự do, hút thuốc như ý, mặc thích nằm ngồi, chưa bắt giữ luật lệ vì mọi sự còn thiếu thốn.

Nhưng nay đã tàm tạm được, nên cha định ngày 11 tháng 10, lễ Đức Bà làm Mẹ Đức Chúa Trời thì khởi sự giữ luật, tập làm thầy dòng. Song đến ngày ấy cũng chưa thi hành được, vì mọi sự còn lộn xộn quá, phải giãn đến ngày mồng 01 tháng 11.

CHƯƠNG IV

Từ khi bắt đầu giữ luật đến ngày cha mặc áo dòng 1-11-1918    2-11-1919

Cố Benoît Thuận

Ngày mồng 01 tháng 11–1918, ngày lịch sử đã đến, một ngày rất vui, song cũng là một ngày rất buồn.

Một ngày lịch sử vì là ngày cha làm phép cắt bì và đặt tên cho con. Bấy lâu ngài sinh con ra trên núi Phước mà còn để con thong thả như chưa dâng cho Chúa, chưa bắt con chịu cực theo luật dòng. Nay mới dạy con giữ luật thánh tổ “Abraham-Benedicto” là cắt bì miệng lưỡi; cấm nói cấm hút để xứng tên “thầy dòng”

Thật là một ngày rất vui mừng cho cha, song lại là một ngày rất buồn cho con, buồn vì đau, đau vì không được nói thì ít mà không được hút thì nhiều: Mặt nào mặt ấy ngó buồn thiu chỉ dựa dẫm ngáp dài, chảy nước miếng! Song buồn mấy cũng chỉ 12 tiếng đồng hồ rồi lại qua đi như ngàn ngày vui khác. Thế mới hay: Đời này giả dối bác bôi, vui năm buồn tháng thảy rồi cũng qua.

Thế là từ nay mấy cha con khởi sự tập làm thầy, như thư ngài viết ngày 12 tháng 11 năm 1918.

“Thăm mẹ dấu yêu, con không muốn trì hoãn nữa, ngay từ hôm nay, con xin chúc năm mới mẹ; Năm 1919 sẽ nên một năm tốt lành, năm phước lộc, một năm thánh thiện: Mẹ sẽ dùng trót năm 1919 mà làm cho vui lòng Chúa, hằng ngày mẹ sẽ lập thêm công mới, để sau này càng được chỗ đẹp hơn trên thiên đàng, chỉ có sự ấy đáng kể mà thôi. Đã bốn năm nay mẹ phải chịu cực khổ nhiều vì giặc giã mà còn phải chịu nữa, nhưng có ngày giặc sẽ tan, ta sẽ thắng trận, và có khi đã tan rồi, mà con chưa biết, vì con ở đây xa quá, ít khi được tin tức, sự con biết đã mấy ngày rày là người ta đang trông giặc sắp tan. Cám ơn Chúa Allêluia”.

(Khi người viết thư này, thì nước Pháp đã thắng trận hôm trước rồi, ngày 11 tháng 11-1918).

Mấy thầy dòng tập của con, và con nữa đều khoẻ mạnh luôn, chúng con đang cùng nhau tập nên thầy dòng. Thế chúng con có được việc luôn mãi không? Có lẽ-Nếu đẹp ý Chúa thì được. Nhưng cứ sự thường thì phải lâu, vì chúng con tập với nhau mà không có thầy. Cũng như người ta tập làm thợ mộc mà không có thầy, tuy dầu cũng được nhưng phải lâu ngày, lại làm hư phí săng gỗ cũng nhiều, và sứt mẻ chàng đục không biết bao nhiêu. Chúng con nay cũng thế, cúi xin Chúa nhân lành đến giúp chúng con.

Từ giã mẹ… con yêu của mẹ: Henri Denis.

Tiếp thư sau: “Thăm mẹ yêu dấu,

Thế là giặc đã xong rồi. Cám ơn Chúa! con được tin phước lạc ấy khí muộn, vì con ở xa, lại mấy ngày rày mưa lụt, nước sông to. Cha Bề trên nhà trường đã thuê người đem tin cho con song mất ba ngày người ấy mới đến đây. Cha Bề trên nhà trường đáng mến quá, ngài thật là vĩ đại nhân ngãi của mấy thầy dòng mới, ngài đã gửi đường, càfê và gạo nếp cho chúng con ăn mừng ngày đại thắng. Mà thật, chúng con đã mừng một cách long trọng lắm, con đã cho anh em nói chuyện một ngày rưỡi, vì là một cuộc đại thể hiếm có: “Vạn niên nhất kiến!” Chúng con khoẻ mạnh luôn, đến nỗi con tưởng: “Chúa nhân lành đã làm cho chúng con một phép lạ nho nhỏ. Vì ngay bên kia sông gần đây, người ta đau rét luôn, mà chúng con đây thì khoẻ mạnh hơn xưa kia ở lành khí lành nước. Dầu giặc giã đã xong rồi, mặc lòng, mai con còn phải đi Huế lần nữa, vì họ còn bắt đi lính 10 ngày nữa (période d’instruction). Con tiếc quá vì phải bỏ mấy thầy dòng yêu dấu của con còn đang tập thử, mà phải ở không với nhau 10 ngày như thế, con lấy làm ái ngại lắm. Cúi xin Đức Mẹ gìn giữ mấy thầy dòng của con. Nếu con biết trước, thì có thể liệu cho khỏi phải đi, nhưng vì con ở đây xa quá, khi được tin, thì muộn mất rồi, ở rừng rú có nhiều điều bất tiện rứa đó, nhưng cũng có muôn vàn điều hay, nên ý con còn ước ao ở vào xa trong rú cho được ngàn cây số nữa kia! Cọp mới bắt của chúng con một con bò con, ăn đi phần nửa, con đánh thuốc, nhưng không biết sao nó không về ăn.

Thôi, từ giã mẹ, từ nay không còn giặc giã, không còn tàu bay, không còn đói nữa, thì mẹ cũng không còn đau ốm nữa đó nghe!

Henri yêu dấu của Mẹ.

Cha khen cố Girard Bề trên trường An ninh là một đấng đáng mến cũng nhận là vị ân nhân của dòng mới.

Thật là đúng, vì theo như ông Giáp Phẩm, chức việc họ Phước Sơn làm chứng: “Khi ấy con mới 22 tuổi, ngài nhủ con lên giúp ngài, ngày ngày con đi làm với nhân công, chặt bổi, đào gộc, ngài cũng đi làm với chúng con, nhưng  ngó bộ ông tây, cầm cuốc chưa quen, giơ cuốc thật cao, mà cuốc không đứt rễ cây chi cả, trời nắng tháng năm, nóng hết sức nóng, ngài thì mồ hôi ra, mặt đỏ tía gây, tội nghiệp dễ thương quá… Mà khi ấy làm bất tử, không giờ giấc chi cả, trưa ăn ba hột rồi, chúng con chưa kịp hút điếu thuốc ngài đã thúc đi làm, mà phải đi, vì chính ngài cũng đi, mình ngồi lại không được với ngài.

Ôi chao, ngài nóng hết sức nóng, nhân công sợ thất kinh với ngài, nhưng họ cũng vui lòng làm, vì ngó bộ ngài, họ thương quá. Còn con, thí cứ thứ năm đi An Ninh mùa đồ ăn, xuống đến nơi, thì cố Bề trên Hoà cứ hỏi: “Cố Thuận có khoẻ không? Ngài có ăn được chi không? E ngài ăn ít lắm hè? E ngài chế mất thôi? E ngài chỉ ăn khoai với sắn thôi đó, tội nghiệp quá?” rồi ngài kêu bà lão lo mua đồ lương thực nhà trường mà nói: “Bà nhớ mua cho cố Thuận tử tế nghe! Mua cho đủ, thiếu tiền cứ lên cha mà lấy, kẻo không có chi ăn e ngài chết mất”.

Đồ ăn thì bà ở nhà trường mua, còn gạo thì bên nhà phước lo, họ làm tử tế, rồi cuối tháng cha Bề trên mình trả tiền, đồ ăn nhà trường cũng vậy, cứ tháng ngài trả tiền, ít tháng đầu thì con phải gánh bộ, cực quá! sau ngài sắm được chiếc thuyền nhỏ, thì đỡ, cứ thường tuần chở củi xuống bán, rồi chở gạo lên.

Nhưng xẩy ra: Lần kia nước sống to, chảy mạnh, đò lên trễ quá gần trưa rồi, mà đò chưa lên, gạo thì hết, con thưa ngài: “Thưa cha, đò chưa lên, mà gạo nhà hết rồi, trưa ni lấy chi ăn?” Ngài liền la con: “Thì Chúa sẽ liệu mà, con lo chi vô lối rứa”. Hay đâu chờ mãi quá trưa, cũng chả thấy đò lên, ngài bảo đào sắn luộc. Ôi chao ăn sắn vào, cha con say, nằm đoạ cả ra, mãi gần chiều, đò gạo mới lên, ngài cười và bảo lấy gạo nấu cơm cho các thầy ăn.

Còn cố Bề trên Hoà, thì thật tốt đó, thương cha Bề trên mình hết sức thôi. Có lần đã gần chiều, ngài nhủ con xuống nhà trường, xuống đến nơi đã tối đêm, đóng cửa rồi, con không dám gõ cửa, mai sớm con vô, cố Bề trên hỏi: “Mô mà đi sớm rứa!” Con thưa: “Con xuống khi hôm, đã tối, không dám vô”. Ngài liền nói: “Không, từ nay hễ khi mô xuống cứ vô ngay, dầu tối đêm cũng cứ gõ cửa mà vô, kẻo e sợ có việc chi cần gấp, cố Ngài sai xuống, thì để liệu cho ngài, kẻo tội nghiệp và lại phải vô để kiếm cơm ăn chứ, ở ngoài lấy cơm mô mà ăn”.

(Do ông Giáp Phẩm thuật lại, hiện nay ông di cư ở Võ Đắc, Tỉnh Bình Tuy Địa phận Nha Trang.)

Cha con cứ gạo chợ nước sông như vậy gần một năm. Sau ngài thấy có điều bất tiện nên ra sức mua lúa về xay để kiếm tấm cám cho heo gà. Một hôm mua được ít thúng lúa, song chưa có cối xay, ngài cho đi mượn của ông Xã Hem, bên lương, dân cư Quan Cụ ở xóm bà thánh Têrêsa. Ông xã có hai bà, hôm ấy ông và bà cả đi khỏi bà hai ở nhà. Bà này ăn phải đũa mụ Herodiade, xung ngài lắm, không cho mượn. Họ nói bà xung ngài có lẽ vì đôi khi ngài ra thăm ông xã có ý khuyên trở lại, bà ra chào ngài, ngài không thèm ngó mặt, nên để bụng xung, nay được dịp trả thù cho bõ ghét!

Cha lấy sự ấy làm cực vì nó ở nhờ đất nhà dòng, mà không biết ơn, song ngài cứ làm thinh nhịn chịu, để mụ Herodiade thứ hai ấy ở đất nhà dòng lâu năm đến sau mụ tự ý bỏ đi, ngài không đuổi.

Theo giáo luật, các Đức Giám Mục được quyền ban phép lập dòng song phải đệ sớ tâu Toà Thánh. Khi Đức Cha già Lý đã ban phép cho cha Denis thượng tuần tháng chạp 1917 thì ngày 15 tháng 4 năm 1918 ngài đệ sớ bẩm Đức Hồng Y thượng thơ bộ Tấn Giáo như sau:

 “Bẩm Đức Tể Tướng,

Trong địa phận tôi có một linh mục Dòng Sai, trí khôn sắc sảo và đạo đức lắm, từ mấy năm nay cứ nài xin tôi cho phép tựu hội ít người Việt Nam để cùng nhau sinh hoạt tương tợ theo luật dòng Trappe.

Tôi biết lập một dòng thế ấy là điều rất hữu ích, không những cho nguyên địa phận tôi mà lại cho cả miền Đông Dương nữa. Nhưng theo sự khôn ngoan, tôi chưa dám cho phép thi hành.

Song thấy lòng kiên nhẫn vị Dòng Sai tốt lành ấy: tôi cảm phục, nhất là thấy nhiều người ước ao lập một dòng như vậy. Nên tôi trộm nghĩ đã đến kỳ phải cho phép thử để thi hành ý kiến ấy, nếu thành công, dòng ấy sẽ sinh lợi ích thiêng liêng nhiều cho một số đông thanh niên Việt Nam đang muốn từ  bỏ trần tục theo con đường trọn lành mà tu đức lập công.

Đã từ lâu tôi những ước ao trong địa hạt tôi có một tu viện tổ chức hoàn toàn, được Toà Thánh châu phê luật lệ. Không những ước ao lại muốn thi hành, nên nhiều lần đã viết thơ xin dòng Trappe đến lập trong địa phận tôi, song thơ từ mấy thảy đều vô hiệu. Các lẽ họ ra mạnh đến nỗi khiến chúng tôi không dám gởi thơ xin nữa, không hy vọng Việt Nam được phước tiếp nhận các thầy dòng tốt lành ấy. Song có phải người Việt nam kém tư cách, nên bị thiệt không được hưởng cái phước tu thân như người Tàu người Nhật chăng. Thiết tưởng không! Vậy tôi cả dám cúi xin Đức Ngài rộng lượng thẩm chiếu cho người Việt nam cũng được thông công hạnh phúc tu thân. Tôi dám hy vọng cây non vị linh mục Dòng Sai khởi trồng mai sau nhờ ảnh hưởng sương sa mát mẻ của dòng Trappe hoặc dòng nào khác phù trợ, sẽ biến lên cây đại thọ lớn lao đẹp đẽ, nào ai biết được?

Nếu Đức Ngài chuẩn y và giơ tay giáng phước lành cho việc ấy, nếu việc ấy mai sau được hoàn toàn kết quả, thì lợi ích biết bao cho phần rỗi nhân dân. Bằng chẳng may có thất bại đi nữa, thời chỉ giữ lại mối tiếc thầm vì không thực hiện được một việc định làm nguyên chủ đích cho sáng danh Chúa hơn.

Còn luật lệ dòng mới, như tôi đã nói trên, cũng tương tợ như luật dòng Trappe, song tôi dám đệ sang toà Đức Ngài kiểm duyệt vì trước khi nhất định, tôi muốn cho thử trước xem có khoản nào bất tiện thì châm chước cho vừa.

Bấy lời thành thực, tôi xin hết lòng tùng phục ý chí cao quí Đức Ngài như con thảo thuận.

Muôn trông Đức Ngài chiểu tình chuẩn y.

Ký tên: Eugenio Giuse Allys

PHÚC Y

Của tông toà:

Thượng sớ đến La mã, Đức Hồng Y Thượng Thơ Bộ Tấn Giáo đề tấu Đức Thánh Cha. Đến ngày 11 tháng 10 năm1918 lễ Đức Bà làm Mẹ Đức Chúa Trời. Đức Hồng y ban tờ phúc y như sau:

“Rất trân trọng kính tôn Đức Thầy.

Đọc thơ Đức Thầy, tôi rất hài lòng vì thấy trong địa hạt Đức Thầy có vị linh mục Dòng Sai muốn sáng lập một tu viện cho nam giới bổn quốc, tôi đã thượng tấu bệ ngọc Đức Thánh Cha Hoàng Hiệu Benedicto XV, Đức Thánh Ngài liền châu phê. Để chứng minh Đức Thánh Ngài ngự ban phép lành Toà Thánh cho Đức Thầy.

Xin Đức Thầy chiểu theo luật lệ thi hành cho khôn ngoan ý tứ để dòng ấy khuếch trương khắp cả miền.

Nguyện xin Chúa gìn giữ Đức Thầy thịnh an trường thọ. Nơi đóng ấn.

Thượng thơ Tông Trưởng

Thánh Bộ Tấn Giáo Tông Toà

Ký Tên: Hồng Y Van Rossum

Hồng Y Lorenti Thơ Ký.

 Thơ ngọc Toà Thánh tới Huế ngày nào không rõ, đến trung tuần tháng 02-1919 Đức Cha mới cho Phước Sơn biết tin vui mừng ấy. Từ đó cha Denis càng nóng lòng sốt ruột làm nhà cho mau, để, nếu kịp, đến lễ thánh tổ Bênađô năm ấy, như thư ngài viết 20 tháng 8-1919, cha con được lĩnh áo dòng: “…Mẹ có muốn tin tức của con không? Nhà của con làm chậm lắm, cực quá vì hết tiền. Con trông cậy đến lễ thánh Benado, 20-8, chúng con sẽ được mặc áo Nhà Tập. Con trông cậy rứa, chứ không dám chắc hẳn, vì ở nơi rừng rú này thợ thuyền không sẵn, mà chúng con thì không làm lấy mọi sự được phần con mẹ biết, con không tài chi, làm cu li khiêng đồ, kéo xe bò hoặc cuốc đất, thì con làm được chứ đóng vai thợ nề, thợ mộc, thì chớ trông nghĩ tới.

À, có lẽ con đã nói với mẹ: Đức Thánh Cha đã thông cho Đức Cha chúng con hay: Việc con đang tổ chức đây rất đẹp ý Ngài.

Ấy là sự rất yên ủi chúng con; vì chúng con chưa phải thánh, nên cần phải có sự yên ủi bề ngoài như thế… kẻo chúng con không làm chi được mấy chút. Xin mẹ cầu cho chúng con nhiều nhiều.

Con yêu dấu của mẹ Henrico Denis ký.

Tất nhiên tin mừng Toà thánh châu phê đơn Đức Cha Lý xin phép lập dòng, dần dần đồn ra, các cha hay biết, nên càng năng tới lui thăm viếng. Cha Dominico Trần Phát (tức cha Tổng Đại Diện địa phận Huế hiện thời) viết: … Lối đầu năm 1919, tôi vào thăm dòng mới, thấy có hai, ba cái nhà tranh lúp xúp, cha Benoît, thầy Tadeo, và ít thầy khác vui vẻ tiếp khách hẳn hòi. Trước lễ đầu tay tôi làm ở nhà dòng này, tôi có trình: “Xin dâng lễ này theo ý cha Bề trên và các thầy”. Sau lễ, buổi lót lòng, cha Benoît nói: “Cám ơn cha, cha thăm nhà dòng là dấu cha không “khích bác”, mà lại yêu thương, cám ơn cha nhất là sáng nay cha làm lễ cho dòng mới sơ khai, thì không kinh nào tốt bằng lễ Misa”.

Sau tôi còn đến thăm nhiều lần nữa, và nhờ ơn cấm phòng đã được ngài tiếp cách yêu thương, cùng ban nhiều lời quí hoá… Ngài là bậc đại nhân, người thượng trí, người cực điểm, không chịu việc nhỏ việc tầm thường. Tôi dám tưởng: tính hùng dũng ấy đã làm cho người làm việc vĩ đại, là lập dòng này, và làm cho hoàn toàn đến nỗi hy sinh tính mạng.

Cha Philphê Lê Thiện Bá thêm rằng:

“Ngài vui lắm, trí lanh, hay nói nhiều câu tức cười, ví dụ: lúc tôi ở Di-loan lên thăm nhà dòng… lúc sắp về, thưa ngài rằng: “Cha lập dòng cho kẻ khác, không phải cho con, vì các phòng ngủ cha con nằm đầu từ vách này ngay chân đến vách kia, mà không thẳng được, vì con cao cẳng, nên phòng của cha không vừa cho con”. Ngài đáp tức thì rằng: “Chúng tôi làm nhất luật vậy thôi, ai vô đây dài chân, phải cắt bớt”. Ngài nói vậy rồi cười với nhau vô cùng. Ngài nhanh, sắc trí lắm. Cũng lần đó ngài đem tôi coi ràn bò; nghe tiếng “bép”, tôi nghe kêu, mà không biết tiếng gì. Ngài hỏi: “Cha có nghe chi không? Cọp kêu đó, cha nghe không? Cách chúng tôi chừng ba chục mét thôi.” Tôi sợ bưa, vì buổi mai đó, mới đi coi rú, ăn sim một mình.

Ngài có đức tin mạnh, cậy Chúa, mến Chúa: ai biết tình ngài cang cường hăng hái, mà nay ra nhu mì êm dịu, thì biết ngài thắng mình chừng nào! Việc ngài làm đều là “Actes héroiques” cả. Ngài lập dòng, họ cho là “điên”. Lời Kinh Thánh rằng: Điên các thánh, thế gian thật là dại thật là đúng…” (Trích Thơ Cha Bá).

Lễ thánh cả Giuse năm ấy 1919, cố Nhơn giáo sư trường thần học Phú Xuân ra thăm, chủ sự đại lễ. Ngày ấy dọn tiệc trọng thể hầu cha, một đọi cơm đỏ, một đĩa cá mắm, một chén canh dưa nấu ruốc, món này cha ưng nhất vì mới nếm lần đầu!

Cũng như bao lần trước, cố Thuận lại củ rủ cố Nhơn vào dòng để hiệp tác với mình. Song như thánh Phanxico Xavie với thánh Ignatio, cố Nhơn nghe lời vàng ngọc cố Thuận khuyên mà không bắt mùi, vào tai này ra tai khác nhưng dần dần chí cương quyết cha giáo  Thuận đã chinh phục được lòng cố Nhơn như sẽ kể sau.

Cha Denis viết thư kể câu chuyện  làm ăn khi ấy: “Thăm mẹ yêu dấu của con, tiên vàn con xin nói về vấn đề nhật trình “La Croix”. Đôi khi con được một gói mẹ gửi, song con thú thật: nhiều gói còn năm yên đó. Thôi con xin cám ơn mẹ, xin mẹ đừng gửi nữa, nó vô ích cho con mọi đàng. Mẹ đừng quên: ở trong xó rừng này con đang tập làm thầy dòng, tuy chưa chết, song cũng gần như chết (là chết cho thế gian)

Mẹ hỏi: Hằng ngày con làm chi, ăn chi? Con xin trả lời mẹ: chúng con ở đây gần rừng gần sông, xa làng mạc, sống gần người thượng. Tuy gần rừng rú song cũng năng có người đi lại làm săng gỗ, buôn bán với người thượng. Chúng con đã có mấy cái nhà bằng tre pha gỗ, mái tranh vách bùn. Chúng con đang tính làm nhà thờ toàn gỗ, mái ngói tường gạch.

Nhân số chúng con cả thảy 12 người: 11 người thử làm thầy dòng gọi là “Postulants” và một gia nhân giúp chăn nuôi súc vật. Chúng con đã có ba trâu, ba bò mẹ, ba bò con. 11 con dê, ba chục con gà, song chồn cáo nó bắt gần hết. Vườn ruộng đã vỡ được ít nhiều, song hưu nai nó phá hết, có lẽ phải rào song tốn quá, mặc lòng sau hay. Ban đêm thì nghe cọp kêu quanh nhà, dấu chân nó cùng khắp, song không thấy nó. Cám ơn Chúa, bấy lâu chúng con chưa ai bị chú đả động. Song chúng con phải liệu rào quanh nhà kẻo ban đêm ra ngoài liều mình bị chú vồ.

Việc làm thì hằng ngày chúng con đọc kinh cầu nguyện và làm việc thủ công. Đây là thời khắc thường nhật:

Đêm 2 giờ dậy, 2 giờ đến 4 giờ đọc kinh nguyện gẫm, xem lễ; 4 giờ cám ơn, rảnh: 4 giờ rưỡi đọc kinh, 5 giờ rưỡi làm việc.v.v. tám giờ đi nghỉ.

Mỗi ngày nói chuyện một lần ban tối sau lót lòng, Chúa nhật hai lần sau cơm trưa và cơm tối, lễ trọng ba lần.

Còn đồ ăn thì chúng con ăn chi. Chúng con không ăn mì không uống rượu, không dùng dầu, không bơ, không sữa mỡ đường cũng không. Tắt rằng: những món cần kíp cho bên tây, thì vô vị cho chúng con. Không bao giờ chúng con dùng thịt, cá tươi cũng không. Song cơm ăn thì lại ăn như ý, ăn với muối trắng, muối mè, cá mắm, với trứng, đôi khi với bánh sữa, nếu có. Lại cũng ăn khoai sắn, đậu phụng, chuối, mít, cùng muôn vàn thứ khác ngon vô cùng, mẹ chưa hề được nếm. Nếu mẹ nghĩ chúng con ở đây chết đói thì xin mẹ hãy đến coi! Thường chúng con không đi chợ mua đồ ăn. Bấy nay có người đi trường An Ninh lo lương thực: mỗi tuần một lần, mỗi lần hai quan. Đồ trong vườn thì mới được ăn khoai sắn và môn, các thứ khác chưa được chi hết.

Về y phục, bấy lâu chúng con vẫn mặc áo thường như người bản xứ, có lẽ đến 20 tháng 8 này chúng con khởi sự mặc áo dòng; là một áo trắng dài, một áo vai cũng trắng, khi khấn thì đen, một dây lưng da, đính một bộ chuỗi rất to, ngoài hết thêm một áo dài thụng tay dùng khi đọc kinh xem lễ, các thứ ấy toàn dùng vải trắng.

Còn việc thủ công chúng con làm đủ thứ. Ví dụ: hôm nay ba thầy xe gạch. Con ước ao mẹ đến xem cái xe trâu của chúng con: hai bánh xe là hai tấm gỗ đặc, cắt tròn, không tai hoạ chi hết, toàn là một tấm gỗ dày đặc, cái trục cũng bằng một thứ gỗ rất cứng, tha hồ quay mặc sức…Một thầy làm bếp, một thầy chặt tre, thầy khác bữa qua đau rét, bữa nay nằm coi sách, ba thầy khác đào đất đổ nền nhà thờ, thầy thứ mười kên vách phòng ngủ, còn ông Bề trên thì đang viết thư cho mẹ đây! Thôi từ giã mẹ, con phải làm với các thầy chớ! Mẹ biết; muốn giết người cũ các thầy thì phương hiệu nghiệm nhất là con phải giết người cũ con trước đã. Nhưng mẹ đừng sợ, tuy chúng con giết nhau, con giết mình con, song giết dần dần thôi, nếu Chúa muốn, ngoài năm chục năm nữa con mới chết, con tưởng vậy!

Về lễ lạy, chúng con ở đây giữa rừng rú không chi hết, chỉ một lễ thường làm trong cái nhà nhỏ vừa làm nhà ngủ nhà cơm nhà học.v.v. Một bàn thờ nhỏ bằng gỗ, trên đặt sáu chân nến gỗ, không bông, không ghế quì ghế ngồi, không Vesperae, không phép lành, nhất là không nhà tạm. Xin mẹ thưa cùng Chúa rằng: không có Mình Thánh Người ở với chúng con, thì chúng con cơ cực lắm, xin Người mau mau đến ngự giữa chúng con để chúng con chầu chực hầu hạ kính mến Người hết sức chúng con…”

Bỗng một tin vui xé màn thinh lặng: một cha Tây sẽ đến ở luôn trong dòng, tức là cố Mẫn (R.P. Maunier) quán ở Barjols gần Toulon. Thật là một điều đại phước vì từ nay trong nhà có cha giải tội. Theo giáo luật thì Bề trên không được giải tội cho các thầy. Bấy lâu hằng tuần cha con phải đi xưng tội với các cha phụ cận: An Hoà.v.v. sáng đi tối về. Cuốc bộ chân không như vậy không phải không cực: nay cố Mẫn vào dòng, cha con đỡ bao nỗi chùn chân mỏi gối. Thượng tuần tháng sáu 1919 cố Mẫn tới. Ngài già yếu năng đau, lại làm cha giải tội thường nhật, nên cha Denis định làm cho ngài một cái nhà riêng khá hơn, dùng làm nhà khách các cha luôn thể.

Ngài viết cho bà kế mẫu 24-6-1919: “Thăm mẹ yêu dấu, mẹ xem dầu ở đây cọp vô số, báo cũng nhiều mà con chưa chết, ăn cực mấy, con cũng vẫn mạnh. Dầu phải lo lắng làm nhà ở giữa rừng rú thiếu thốn mọi sự, con cũng vui luôn. Vạn tuế Chúa! Mẹ biết hễ làm tôi Chúa không thiệt bao giờ. Ngài là ông chủ tốt nhất hạng. Chúng con đang làm nhà cho Maunier xong, sẽ cất nhà thờ. Nhà cha Maunier sẽ dùng làm nhà khách cho các cha luôn. Đã hai tuần nay gió nam thổi mạnh, hại mái nhà quá lẽ, nhất là hại nến sáp. Khi làm lễ đóng hết các cửa, mà gió vẫn lùa vào, làm một lễ hao tốn nến sáp bằng ba bốn lễ. Sáp thì mắc, chúng con thì nghèo, thế có cực không? May phước cho cha chúng ta ở trên trời giàu có vô cùng, chúng con cứ trông cậy Người luôn. Chớ chi mọi người trên mặt đất đều chúc tụng ngợi khen thờ lạy và làm tôi Người hết sức như các linh hồn trong luyện ngục và thần thánh trên trời. Xin mẹ luôn luôn cầu nguyện cho chúng con nên thầy dòng thật”.

Bấy lâu nhờ ơn Chúa thương mở lòng các vị ân nhân rộng tay cúng thí. Cha con khó khăn thật, song hằng ngày dùng đủ theo cảnh dân nghèo. Nhiều khi gạo hết mà tiền còn, có khi tiền không còn mà lúa gạo chưa hết. Song từ khi cố Mẫn vào dòng, thì ra như dần dần Chúa rút tay lại. Người ban sự an ủi đàng này thì lại bắt chịu cực đàng khác.

Vào quãng trung tuần tháng bẩy 1919, tiền đã không còn mà lúa gạo cũng gần hết. Cha Denis đành phải xoay đến cách đi công khuyến từng nhà. Ngài vào Huế xin phép Đức Cha cho đi hành khất. Song đi cả ngày không được một trự, dầu những kẻ quen làm ơn trước, nay cũng lơ đi, kẻ khác tỏ bộ lãnh đạm, hoặc nói đưa đẩy cho xong việc. Tối cha về nhà quản lý, trước khi lên giường, cha suy đi nghĩ lại không biết thánh ý Chúa thế nào, vì chỉ ba ngày nữa nhà dòng phải đói. Bên Tây, nhà dòng hết lương thực, đánh chuông lên, người ta cùng nhau đem của tiếp tế, mà đây mình ở trong rú, đánh chuông ai nghe. Bỗng, cạch…cạch, mở ra thấy cố Lựu (R.P. Léculier). Ngài hỏi: “có xin được chi không?” – “Không chi hết, không hiểu vì sao”, cha Denis đáp-“Tại cha không biết xin chứ sao!” vừa nói cố Lựu vừa đưa cho cố Thuận mấy chục bạc và nói:  về dưới tôi nghỉ, mai tôi sẽ đưa đi xin.

Quả thật sáng mai cha Denis đi xin thì tây cho 105$, Nam 288$, cộng là 393$ với 60 thùng lúa.

Ngài viết kể chuyện ấy như sau: “… 29-7-1919.

“Thăm mẹ yêu dấu, độ này thường mưa luôn, con tiếc quá, không có việc chi cho các thầy dòng của con làm trong nhà, nhưng thế nào sau cũng phải có. Con tính sẽ cho các thầy đóng sách, mạ vàng, xuy vàng chén thánh, đan thúng.v.v.. Mẹ có biết nghề chi hãy vẽ cho chúng con với, nghe chi vừa dễ vừa có xu thì vẽ!

Không bao giờ con phải đi ăn mày từng nhà, song nay chúng con cực quá, hết tiền hết gạo, nên tuần rồi con phải bỏ mấy thầy dòng đang tập của con, vào Huế xin Đức Cha cho đi phổ khuyến. Tây cho được 105$, Nam cho được 288$. Thế là chúng con khỏi cực rồi. Với số tiền đó chúng con có thể làm xong nhà thờ! Cám ơn Chúa !

“Thế nhưng lúc con đi xin, không phải mọi người đều tỏ thái độ vui vẻ với con đâu, mặc lòng kẻ nhiều người ít ai cũng cho. Con cũng xin được sáu chục thùng lúa, bấy nhiêu đủ cho hai tháng. Hết hai tháng rồi thì sao? Chúa sẽ liệu, chúng con trông cậy Người.

“Đến lễ thánh Bênađô này chúng con chưa mặc áo dòng được là vì nhà dòng chưa xong, nhất là chưa có vải may áo. Con đã hỏi mua thứ vải xấu nhất ở Huế, mà cũng mắc quá lẽ: may một cái quần phải tốn hết gia tài của con, mà mỗi người phải có hai quần, hai áo tunica, một áo cucula, thứ áo dài rộng thụng tay hết sức. Chúng con phải đợi giàu đã mới mặc áo nhà tập được!”

“Ô! Trót lá thơ, con chỉ nói về tiền bạc! Thôi xin mẹ tha thứ cho con và tin rằng: con khinh dể cái loài bạc tiền đê mạt ấy hết sức. Mà có lẽ tại con khinh dể nó, nên nó hay trốn con. Được! Mặc kệ nó! Con cứ vui luôn, vạn tuế sự vui! Con vào Huế đi xin như vậy làm cho họ biết nhà dòng hèn mọn của con. Họ thương chúng con lắm, nhưng họ sợ không dám đến ở với chúng con, họ bảo; chúng con ở đấy chết đói, hoặc làm việc quá mà giết mình đi.v.v..Các điều ấy không thật chút nào: không bao giờ chúng con hết gạo hẳn, không bao giờ chúng con làm việc mà lòng trí cu li…”

Bĩ cực thái lai. Nay có tiền rồi, cha Denis lại khởi sự kêu thợ làm nhà thờ, đặt săng gỗ, thuê người làm vườn, đông vô số. Cố Văn rằng: “Hồi thượng tuần tháng 8 năm 1919 tôi lại đến Phước Sơn. Quả thật cái bản đồ cha Denis chiêm bao trước mặt tôi năm ngoái mới vừa một năm mà đã thi hành được phần lớn. Xưa rừng rú sỏi sạn, mà nay thấy nhân công làm nhan nhản, 6 con trâu đang kéo súc gỗ Lim lớn kếch. Thợ mộc thợ nề làm việc tấp nập; tiếng chàng đục bào đẽo inh ỏi cả đám rừng xanh. Các phòng ngủ gần kín hết. Tôi đến thì được ở một phòng gần cha Maunier.”

Thật vậy, hợp như thư cha viết ngày 25 tháng 8

“… Nhà dòng hèn mọn của con luôn luôn ở trong sự bằng an vui vẻ. Thường ngày tuy có gặp sự khó này sự cực khác mặc lòng không can chi. Hôm nay chúng con đang trồng môn, là một thứ khoai ngon quá xá, đứng vào giữa khoai tây và khoai lang, ít ngày nữa sẽ trồng sắn. Mai này con sẽ cho đánh xe trâu lên Cà-lơ mua vài quan tiền sắn, củ thì ăn, cây chặt từng khúc mười phân một để trồng. Nếu các “xừ” heo ri (Messieurs les sangliers) không phá hết thì chỉ trong 10 tháng là chúng con được vô số củ.

“Chúng con đang có nhiều thợ làm nhà thờ, hy vọng hai tháng nữa có nhà thờ làm lễ. Nhưng trở trời, nếu có bão thì nhà thờ chúng con lại cúng ông thần “phong”, mặc lòng chúng con trông cậy cha thánh Bênêdictô phù hộ”.

“Tuần này sẽ có hai người vào dòng, thế là tới số 12, xin mẹ cầu cho chúng con nhiều!”… Henri Denis.

Hồi trung tuần tháng chín năm ấy lại được thêm sự an ủi khác là Đức Cha cho cha Tú đến nhà dòng dưỡng lão. Ngài già yếu không giúp chi được mấy, song nguyên sự hằng ngày làm lễ cho các thầy xem đã là một đại ích. Từ đó nhà dòng hằng ngày có ba lễ.

Thơ mồng 2 tháng 10-1919 rằng: “…Việc nhà chúng con vẫn xuôi luôn, sắp có 4 người khác vào dòng, con trông cậy Chúa nhân lành sẽ ban tiền gạo nuôi nấng họ. Tuần này chúng con trồng cây nhiều, nhất là mít, gỗ nó tốt nhất hạng, trái lại to và ngon lắm, đất chúng con trồng mít rất hạp. Chúng con cũng trồng dâu nuôi tằm. Cám ơn Chúa chúng con trồng, xin Chúa cho nó mọc.

“Con vẫn mạnh, mấy thầy dòng tí hon của con cũng khỏe. Chúng con vẫn cứ trồng cây, song mưa quá. Chúng con mới phở ít ruộng ở chân đồi, trông cậy sẽ được ít nhiều lúa. Đô này lúa kém quá, mọi khi hai quan năm một thùng, nay lên sáu quan, e chúng con chết đói! Lẽ ra chúng con chết đói lâu rồi, song một phép lạ Chúa làm, chúng con hằng được no ấm trong tay Người. Hôm nay chúng con có đủ mọi sự cần, còn ngày mai, thì mai sẽ hay, muôn năm Chúa! Chúng con đây thật có phước hơn hết mọi người. Xin mẹ cầu cho chúng con.

Qua năm 1920, ngày 2 tháng giêng, ngài viết:

“Thăm mẹ yêu dấu, con mạnh luôn, vui hết sức vui, con vui đến nỗi con tưởng con sang Việt Nam 17 năm mà không khi nào con có phước bằng bây giờ.”

“Bọn heo ri nay các hắn chưa làm cực cho con vì cây mới trồng. Họ nói bọn nó đã nhất định tấn công cho chúng con chết đói! Các hắn để chúng con trồng, song khi có củ thì các hắn “chén” hết, không những nguyên các hắn, lại còn thỏ chồn và nai, mang nữa.

“Chiều qua con tưởng các Thiên Thần hộ thủ đã gìn giữ chúng con cách lạ: Mấy thầy dòng con đang làm vườn mới phở gần rú, có con chó đi theo. Bác chó đang chạy lăng xăng trong bụi, thình lình chú cọp ở đâu nhảy ra vồ, song vồ hụt. Thất kinh, chó ta cúp đuôi chạy cuốn lại với các thầy, làm họ cũng sợ mà không biết chuyện chi, chỉ một mình con ở sau bụi, thấy rõ chú cọp, cách con có mấy thước, song chú không thèm ngó con, cứ lủi thủi đi, thật vô phép quá! Mặc lòng con làm thinh cho chú, không thèm cái phép lịch sự của chú! Xin mẹ cầu cho chúng con nhiều.

Henri Denis ký.

CHƯƠNG V.

Từ ngày cha mặc áo dòng đến khi cha giáo Nhân vào dòng. 02- 02 -1920  ¦  20 - 8 -1920

Trước đã nói cha Denis nóng lòng sốt ruột làm nhà mau để nếu kịp thì lễ thánh tổ Benado năm ấy (1919) cha con được mặc áo dòng. Song đến lễ cha thánh mà chưa thi hành được ý định: nhà thờ chưa xong nhất là chưa có vải may áo. Thành thử cha phải ép tình đợi mãi đến mùng 02 tháng 02-1920.

Ngay từ đầu năm 1920 cha chuẩn bị cách riêng để lĩnh áo thánh Ngài viết thơ xin nhà kín giúp lời cầu nguyện, không những họ vui lòng, còn xin kiểu áo để may đủ bộ dâng cho ngài.

Cha chọn ngày mồng 02 tháng 02, lễ Thánh Mẫu dâng thánh Tử để mặc áo dòng là điều rất thích hạp, đầy ý nghĩa. Cha dâng mình cho Đức Mẹ xin Đức Mẹ dâng lại cho Đức Chúa Cha, để như Đức Chúa Con, nên con thật Đức Mẹ và nên “Cha đời sau” sinh các kẻ Chúa chọn. Mười ngày trước, cha cấm phòng riêng, tĩnh tâm với Chúa dưới gối Mẹ.

Ngài viết thơ cho bà kế mẫu: “Thưa mẹ rất yêu dấu, một tin rất vui mừng là con sẽ mặc áo dòng ngày lễ Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu vào đền thánh. Thế mẹ tưởng tượng xem Henri yêu dấu của mẹ sẽ ăn bận thế nào? Nó sẽ mặc một áo trắng dài rộng thênh thang và thụng tay, có đính theo một mũ lúp, đó là “mốt” ăn bận khi đọc kinh. Làm lễ thì chân đi dép quai chéo. Khi làm việc thì mẹ coi: nó đang đánh một cái xe trâu, mặc một cái quần rộng ống, một áo trắng dài đến nửa ống chân, một áo vai rủ xuống trước ngực và sau lưng đến đầu gối cũng bằng vải trắng, ngoài nịt đai da nẹp sắt, đeo một cỗ chuỗi hột rất to. Có ảnh Đức Mẹ và hình thánh tổ Benoît rủ xuống. Chân đi đất, đầu đội cái mũ lá hình cái chuông con vẽ đây cho mẹ coi.

“Ấy Henri của mẹ mà vẫn là Henri luôn, vẫn yêu mến mẹ luôn, và luôn luôn yêu mến mẹ hơn nữa, xin mẹ cầu nguyện cho nó vì mẹ biết: mặc áo dòng không làm nên thầy dòng.

“Trước khi mặc áo nhà tập, con xin mẹ tha những điều  con làm mất lòng mẹ khi ở Wimille, Boulogne, khi tòng học ở chủng viện, và từ sang Việt Nam đến bây giờ. Con xin ra việc đền tội là con sẽ đọc kinh cho mẹ nhiều và yêu mến mẹ hơn khi nào hết”.

Con yêu dấu của mẹ: Henri Denis ký.

Ngày vui mừng đã đến, song chữ vui mừng không được tròn: Đức Cha lâm bệnh phải cử cố Bề trên Hoà làm đại diện. Ngài chính thức chủ sự lễ phép mặc áo cho “Thầy dòng tiên khởi” của tu Viện Thánh Mẫu Việt Nam trên núi Phước. Đúng bảy giờ một hồi chuông inh ỏi thâu hiệp mấy cha con khổ tu. Cố Bề trên làm phép áo trao cho cha Denis với câu: Xin Chúa cởi con cho khỏi người cũ và mặc cho con người mới như Chúa đã dựng nên trong sự thánh thiện và sự chân thật. Đó là áo phần rỗi, bảo đảm cụ thể phước trường sinh. Ngày ấy cha hưởng thụ một ơn đại xá, đổi thánh hiệu là Benoît.

Mặc áo rồi, hạ tuần tháng hai cha viết: “Thưa mẹ rất yêu dấu, từ mồng 02 tháng 02 đến nay con đã viết thơ cho mẹ chưa? Con đã giới thiệu hay về thầy Benoît chưa? Con tưởng: rồi phải? Mặc lòng, nếu chưa thì con tin cho mẹ hay: Henri Denis yêu dấu của mẹ đã chết rồi, chết mà không ai khóc, không ai thương. Người ta đã giết nó từ hôm mồng 02 tháng 02 vừa rồi, nay kẻ kế nghiệp nó viết cho mẹ đây kẻ ấy lấy tên là thầy Benoît. Thầy này quen biết mẹ lắm và mến thương mẹ hết sức, ít là thương mến bằng Henri của mẹ hay là hơn nữa, nên mẹ không thiệt chi: Xin mẹ đừng tiếc Henri của mẹ, một xin cho nó chết thật đi để thầy Benoît an tâm thi hành phận sự.

Con đã nói: “Thầy Benoît yêu mến mẹ lắm, thì thầy từ giã mẹ”.

Frère Maria Benoît

“Từ nay mẹ viết thơ thì đề Frère Benoît, Phước Sơn, Cửa Tùng, Việt Nam”

Từ đó cha Benoît luyện tập riêng lớp môn đệ đầu tiên dọn mình mặc áo ngày lễ thánh tổ Benoît, 21 tháng 03 sắp tới. Ôi! Chớ chi mau tới ngày đại phước ấy, đại phước cho mấy cha con, đáng ghi nhớ muôn đời cho cả chi dòng. Cha con bấy lâu đã cùng nhau đông thiên nắng hạ, cơm hẩm gạo lứt, ngậm đắng nuốt cay, những mong đến ngày được phước dự hàng tu sỹ. Cha được rồi muốn chia phước với con, con chưa được muốn đồng phước với cha. Ngày 21 tháng 03 cũng là ngày lịch sử của bản dòng vì chính là ngày Đức Cha hạ bút ban sắc cho Phước Sơn thành lập.

Vốn Đức Cha đã ban phép cho cha Benoît  từ thượng tuần tháng chạp 1917, song ngài chỉ nói bằng miệng, chưa đệ sớ tâu Toà Thánh, chưa có sắc Toà Thánh chuẩn y. Được sắc Tông Toà châu phê rồi, Đức Cha cũng chỉ tin cho biết vậy chớ chưa chính thức ban hành sắc lệnh vì còn để thử.

Nay thấy Bề trên dòng mới đã mặc áo và đang dự bị cho lớp môn đệ đầu tiên thì ngài hy vọng Phước Sơn sẽ tồn tại muôn năm, nên hạ bút ngọc ban sắc như sau:

“Ta là Eugenio Maria Giuse,

“Ơn Đức Chúa Trời và ơn Toà Thánh làm giám mục: Phacusitensi Đại diện Đức Giáo Hoàng cai trị địa phận Huế, đã được phép Toà Thánh ban cho lập dòng mới đội tên là Dòng Đức Bà Việt nam. Vậy ta làm tờ vi bằng này chứng nhận dòng ấy là chính thức thành lập từ ngày 21 tháng 03 dương lịch năm Chúa Giáng Sinh 1920.

“Mục đích chính của dòng là mọi anh em phải chuyên lo nguyện gẫm hãm mình và nên trọn lành: mục đích tuỳ là cầu nguyện cho dân ngoại trở lại.

“Tu luật thì theo bổn luật thánh tổ Benoît và hiến pháp dòng Citeaux nhặt phép theo giáo luật, trừ mấy nố tuỳ tòng đã sửa đổi cho thích hợp với hoàn cảnh thời thế địa phương”.

Làm tờ này tại Phủ Cam, Bổn Toà ngày 19 tháng 3-1920.

Đức thầy Eugenio Maria Giuse Lý, Giám Mục.

Thừa lệnh Đức Cha: Louis Darbon Thơ ký.

Ngày 21 tháng 03 năm 1920, ngày rất đáng mong ước của mấy thầy dòng dọn mình mặc áo, nay đã tới. Bẩy giờ, nổi hồi chuông con, khách bà con các thầy tấp nập tựu đến. Quý khách có cha chánh bổn sở Cổ Vưu (R.P. Lamosle) (sau thăng quyền giám mục biểu hiệu Đức Cha Lễ), nhân dịp ra An Ninh mừng lễ thánh Cả Giuse bổn mạng cố Bề trên nhà trường, nhân tiện đến thăm dòng mới, đồng hành có cố Lịch (R.P.Lefèvre) và cha Hồ ngọc Cẩn, giáo sư chủng viện An Ninh (tức là Đức Cha Việt nam tiên khởi địa Phận Bùi Chu); đi hầu cha Giáo Cẩn có hai chú nhà trường, một chú tên Lê Hữu Từ (sau thăng quyền Giám Mục Phát Diệm)

Khách an toạ rồi, nghiêm trang sáu thầy bước ra, nét mặt tươi như hoa nở, quỳ rập trước mặt cha Bề trên, chung quanh có linh trăm cặp mắt đang chú mục. Cha Bề trên đứng dậy làm phép áo mặc cho lớp con đầu lòng. Đây xin bỏ qua lễ phép mặc áo, sau sẽ có dịp nói rõ hơn. Lãnh áo thánh xong, cùng nhau xúng xính trong bộ áo mới, sáu thầy đến cám ơn Bề trên, cha con hôn mặt tỏ tình âu yếm chí thiết trong Chúa Giêsu.

Quí danh sáu thầy “trưởng thượng” là: Michael Biện, Phaolô Liên, Giuse Thức, Phêrô Huỳnh, Giacôbê Nghĩa và Thađêô Chánh. Chỉ có ba thầy bền đỗ trong áo dòng; Thầy Michael Biện, Giuse Thức, Thađêô Chánh. Hai thầy sau đã nghỉ giấc trăm năm trong Chúa, an táng tại nghĩa địa bản dòng; nay còn thầy Michael, vị thủ chỉ đầu râu tóc chưa bạc.!!!

Lễ phép mặc áo xong, tiếp đến đại lễ, do cố Mẫn chủ sự, chú Lê Hữu Từ giúp hát so lo, đó là lễ hát đầu tiên núi Phước. Một việc đánh bóng cho ngày lễ, là Phúc Âm xong, cha Giáo Cẩn đứng ra giảng một bài rất hùng hồn khen ngợi bậc tu trì, ám chỉ riêng về núi Phước. Nguyên văn bài giảng xin đăng phần phụ lục.

Lễ tất, cha con lại y theo cựu lệ. Phần cha phải chỉ huy công việc, nhất là phải đào luyện các thầy và kiếm bạc tiền để tiếp tục việc xây dựng. Nhà thờ gần xong, trông cậy Đức Cha sẽ đến làm phép.

Ngày mồng 7 tháng 04 cha viết:

“Thăm mẹ rất yêu dấu của con, con viết đôi lời thăm mẹ thôi, không viết dài được vì mắc coi thợ mộc thợ nề nhân công đông vô số, nhất là phải coi sóc đào luyện các thầy và kiếm bạc tiền, con không biết để trí khôn vào việc nào hơn. Rầy con dần dần ra người bất lịch sự trái ý con, vì con bỏ liều biết bao thơ không trả lời được, tại bận quá! Nhà thờ sắp xong, con trông cậy Đức Cha sẽ ra làm phép. Lễ thứ nhất con làm tại nhà thờ mới con sẽ chỉ theo ý Đức Cha Lejeune vì đa số tiền làm nhà thờ, là của ngài cho. Con định chọn Đức Mẹ thành Boulgne làm bổn mạng nhà thờ, con đã có ảnh đóng khuôn đẹp lắm, song không tiền mua gương cho khỏi bụi, mắt quá!

“Lễ thánh tổ Bênêdicto, 21 tháng 03 vừa qua, có sáu thầy mặc áo nhà tập, còn sáu thầy nữa để dành kỳ sau, lễ thánh Phụ Bênado. Xin mẹ cầu cho chúng con với…Con hiệp nhất với mẹ trong rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu

Con yêu dấu của mẹ Fm. Benoît.

Tiếng đồn Đức Cha ban phép lập dòng Phước Sơn dần dần phổ biến kẻ nói thế này người làm thế nọ. Có cha sợ cho vận mệnh Phước Sơn không bền vững vì thiếu phương tiện sinh nhai: ruộng cấy không có đất đồi sỏi sạn, lại thêm làm chi thì nai mang heo ri phá hết, mà giáo luật thì dạy: lập dòng đâu, tiên vàn phải dạy cho các thầy có đủ bề sinh sống. Chắc câu chuyện ấy thấy đến tai Đức Cha, ngài sinh lo ngại, đến nỗi ngỏ ý với cha Benoît: ngài muốn Phước Sơn rời ra Ngân sơn. Có lẽ Đức Cha  cũng bài giãi ý kiến với Cụ Lớn Phước Môn, nên quan cụ vội tin cho cha Benoît: đừng bỏ Phước Sơn rời đi Ngân sơn, cứ ở lại đó cần bao nhiêu ruộng Cụ sẽ liệu cho.

Ngày 14 tháng 04 ngài viết: “… Thăm mẹ yêu dấu, một tin rất mới là chúng con còn ở Phước Sơn đây, cám ơn Chúa! Alêluia! Mẹ biết sao không? –Là vì Đức Cha mới tin cho chúng con hay; ý ngài muốn chúng con bỏ Phước Sơn đi nơi khác, vì ở đây không có ruộng cấy. Song Quan Lớn Nguyễn Hữu Bài, Lại Bộ Thượng Thơ, đã bảo chúng con cứ ở lại đây, cần bao nhiêu ruộng thì ngài sẽ cho. Còn đất của chúng con sỏi sạn thế này, đã rõ quan cụ không thể làm cho tốt hơn, song chúng con phải chịu khó một chút chớ!

“Về sự bỏ đây đi nơi khác, con tưởng đó là chiêm bao, vì nhà thờ con mới làm, phải phá đi sao? mấy cái nhà con đã dựng đây, phải rỡ đem đi 100 cây số sao?

“Nên các cha chủng viện An Ninh và mấy cha Việt Nam chung quanh miền đất đỏ, nghe biết chúng con không muốn đi Ngân Sơn, thì mầng, đến nỗi gửi quà để chứng tỏ mối thịnh tình ấy.

“Chúng con sẽ xây một cái tháp chuông, để đánh dấu muôn đời: “Phước Sơn đại thắng Ngân Sơn”. Tháp chuông con tính xây đó, thấp vừa sức chúng con thôi, cao độ 5 thước. Còn chuông thì sao? thủng thẳng sau hay. Con viết thơ hỏi bên Paris giá hạng chuông 10kg, hoặc 20 kg, rồi sẽ liệu mua. Khi có chuông rồi thì chúng con sẽ có phước hơn hết các thầy dòng thiên hạ!

“Từ giã mẹ, hãy tìm con trong Trái Tim Đ.C.G. thì thấy”.

Tiếp thơ ngày 25 tháng 4: “Con mắc việc quá- viết nửa lá thơ thôi, mau mau chúng con phải thái khoai phơi kẻo thối hết. Giá có bàn thái máy, thì hay, song không có, chúng con phải thái bằng dao, thái rồi phở khô, cất để dành hấp cơm. Đó là một cách tiết kiệm đỡ gạo lắm. Từ khi có khoai thì bớt tốn gạo song tiếc vì heo ri nó ăn mất nhiều, ăn quá phân nửa, đêm nào nó cũng về từng đàn, mười, mười lăm, hai mươi con!

“May phước, năm nay lúa khá bù lại, nai nó về ăn song chúng con đuổi được. Chúng con cũng trồng nhiều thuốc. Con đang mua gỗ làm nhà hội chung, song làm chậm lắm không được mau như ý con muốn”.

“Nơi chúng con ở đây rất tiện chăn nuôi súc vật. Họ mới cho ba con bò; cả thảy được bảy bò, chín trâu, một đàn dê, cũng sắp được ít con chiên. Song mẹ đừng nghĩ: thế là chúng con giàu rồi! Không! Những của ấy không phải của chúng con chút nào. Ngay tiền lễ con làm cũng phải xin phép Đức cha nhường lại cho mẹ. Vì hết mọi sự của cải nhà dòng, động sản hay bất động sản, đều thuộc địa phận Huế. Dầu địa phận chưa hề cho chúng con một xu, cũng là của địa phận. Ngay áo chúng con mặc cũng không phải của chúng con: chúng con sống bởi của người ta bố thí, mà có lẽ còn phải lâu năm như vậy! Chúng con cũng có một thầy đang dệt vải, song không hiểu sao sợi đứt luôn.”

“Đây chúng con cũng chằm nón bán, song đó là một nghề thường, chút xu, mặc dầu cốt để giữ luật, và phải giữ luật ngày một hơn. Xem ra các thầy tử tế cả. Nguyện xin Chúa gìn giữ chúng con trong sự kính mến Người luôn. Xem chừng ma quỉ nó không thích chúng con mấy.

F.M.Benoît

Thơ sau rằng: “Có lẽ con đã nói: Chúng con còn ở lại Phước Sơn đây, thật là đại phước! Thế nhưng, có lẽ không lâu, vì nếu các cha Trappistes sang, chắc họ sẽ không chịu ở đây, mặc lòng chúng con cứ tập ở đây đã”.

“Tuần rồi có một người thợ đúc vào dòng, mới được 25 tuổi, khoẻ mạnh lắm. Nếu thầy bền đỗ, con sẽ cho đúc nồi, rồi dần dần đúc chuông”.

Cha nói: “nếu thầy bền đỗ”, vì không phải mọi người vào Phước Sơn mà bền đỗ cả: về hơn phân nửa, nhất là mấy năm đầu về mất đến hai phần ba. Sao vậy? Có phải bởi nhẹ dạ nhẹ tính, vào dòng mà không suy xét kỹ trước chăng? Có lẽ cũng có, song thường là tại không chịu nổi bề nhiệm nhặt.

Xem như cố Mẫn, một cha đạo đức sốt sắng như kia mà cũng chỉ ở được một năm rồi phải lui gót, ngoảnh cổ trông Phước Sơn với hai hàng châu lệ.


Ngày 15 tháng 06 năm 1920 cha Benoît viết thơ kể chuyện ấy: “…Con xin nhờ thiên thần hộ thủ đem lời kính thăm mẹ. Mẹ đưa tin cha Golliot đau đã khá rồi, cám ơn Chúa quá! May phước ở đây chúng con không có thầy thuốc đại danh sư, nên Chúa chỉ để những bệnh thường vậy. Uống liều thuốc hạ, thuốc mửa là lành, tuy có ngày cũng phải chết, song bây giờ mau khỏi. Mà có phước vì mai ngày được chết, phải không mẹ. Phần con, con không muốn bị cái án giam cầm sống mãi ở trần gian này, dầu được ở một nơi rất tốt như nhà dòng Đức Bà Việt nam Phước Sơn, con cũng không muốn ăn đời ở kiếp mãi đây.

Mẹ hỏi con: Cha Maunier còn ở với chúng con không?

-Không! Đức Cha vừa sai ngài làm bổn sở một xứ nhỏ. Nay chỉ còn một cha Việt Nam là cha Tú; nhưng tuần sau sẽ có một cha khác, rồi sẽ có một cha Tây. Khi ấy chúng con sẽ có 4 thầy cả, hy vọng một cha bằng lòng nhận chức Bề trên thế con. Con không cổ động song ơn kêu gọi không thiếu. Nhiều người xin vào, song con không nhận. Càng ngày con càng hiểu: muốn bền đỗ ở Phước Sơn, thì cần kíp “phải muốn”. Nhiều kẻ đến thử năm sáu tháng rồi ngã lòng, vì phải dậy 2 giờ khuya đọc kinh nhiều, làm việc mãi, giữ miệng làm thinh, cứ luôn luôn vậy. Đàng khác bàn thờ quá đơn sơ, không bông hoa, không đèn nến, không thảm, không đờn, hào quang cũng không, ngày lễ Phục Sinh mà bàn thờ như ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

“Vốn những ông lão như con đây, bàn thờ đẹp hay không, chẳng hệ chi mấy, song những người đương thời thì trai trẻ, sự ấy rất giúp lòng sốt sắng bề ngoài. Nguyện xin Chúa ban cho  những thầy dòng nhỏ xíu của con được thêm sự vui chút.

“Con yêu dấu của mẹ: F.M.Benoît”

Trước đã nói: tuần sau sẽ có một cha vào dòng, thì cha ấy đã đến rồi, quý danh là cha Giuse Trần Văn Chất.

Chính Đức Cha Hồ đã mục kích và kể chuyện ấy như sau:

“…Như một chuyện chính tôi đã thấy, khi công việc xảy ra rồi, cha Benoît với tôi cùng đàm đạo với nhau: chớ vội vui mà vui cũng phải dè. Đó là tích mấy cha con cha Chất vào dòng Phước Sơn. Trước hết, có chú Triệu học trò cha Chất xin vào dòng. Chú đến Phước Sơn thử ít lâu, cha Benoît hy vọng vào chú có ơn kêu gọi. Sau đó ít tuần chú về kể lại câu chuyện thì cha Chất cũng muốn vào dòng. Cha khen ngợi sự ở nhà dòng trước mặt con cái thì lại có một chú 15 tuổi xin theo. Ba cha con thử ở nhà ít lâu, cầu nguyện và suy xét. Phần cha phải xin phép Đức Cha. Khi ấy cha nào xin đi Phước Sơn thì Đức Cha sẵn lòng cho ngay để có người hiệp tác với cha Benoît, nên khi cha Chất xin thì Đức Cha không ngần ngại.

“Được phép Đức Cha rồi, cha Chất gởi thơ cho cha Benoît: ‘Thưa cha, chẳng những con và chú Triệu sẽ vào dòng, lại còn một chú bé 15 tuổi cũng xin vào làm đệ tử nữa”. Được tin cha mừng quá, nói theo một nụ cười: Giỏi chưa! Kéo một “cú” mà được ba con cá.

(Nói tiếp lời Đức Cha Hồ): Ba cha con ở Bố Khê, rốt cùng địa phận, thâu xếp mọi sự lên đường; đến An Ninh tôi đưa lên dòng để đồng hoan cộng lạc. Dịp ấy Cha Chất quyết bỏ thế gian, nên biếu tôi cái lược nhỏ của ngài với câu: Râu ria mặc kệ râu ria, lo chi chải chuốt lược lia cho rồi”.

“Đến nhà dòng cha con vui vẻ. Cha Bề trên cho chú bé thong thả ít ngày giải khuây, ra rú sim móc bỏ mồm như ý. Song qua thời gian ấy phải vào luật phép, chú đâm buồn! Một đêm chú khóc lù bù, tìm đến phòng cha Chất đòi về, ở dòng không được! Cha an ủi về giường ngủ đã, mai hay. Về giường một chặp lại chạy đến khuấy. Ngài trấn tĩnh như lần trước, chú cũng vâng lời về giường. Mấy phút sau lại buồn, chạy đến xin đòi về cho được! Thấy vậy sợ sinh lỗi luật, cha đến trình bề trên. Ngài đến tức tốc ra oai thịnh nộ: “Con muốn ra thì cho ra, đi ngay bây giờ để người ta ngủ, sách gói đi mau!” chú sợ đi ban đêm cọp bắt nên xin ở lại đến sáng. Cha Benoît bảo: “Hễ khuấy lần nữa là đuổi ra ngay”. Tán đảm, chú về nằm yên. Đến sáng cha Chất xin cha Bề trên cho nó về, ngài liền thuê người đem chú trả cho mẹ nó”.

“Cha Chất thấy hai đệ tử mất một thì buồn, cách ít lâu xin cha Bề trên vào Huế khám bệnh: sao ăn không tiêu, khó chịu quá! Ngờ đâu ở Huế ít tháng khi đã thuyên bệnh cha ngã lòng, xin kiếu Phước Sơn! Thấy ngài mau thối chí Đức Cha không bằng lòng, sai vào làm cha sở Lăng cô nói: “Trước khi vào dòng ở rốt địa phận phía Bắc, nay ra khỏi dòng vào rốt địa phận phía Nam!”

“Còn chú Triệu thấy đã lẻ bộ ba, một “tốt ròm” ở lại không dựng nổi bàn cờ, cách ít tuần sau cũng xin xéo!

“Sự vui của cha Benoît nay đã trở nên sự buồn, bởi quá vui mà quên câu “lạc cực sinh ai” vui quá hoá buồn. Nhân dịp ấy ngài dốc lòng hai điều: một là gặp vui đừng vui quá, phải sợ sự buồn bất ngộ; hai là từ nay không nhận cha con một nhà hoặc anh em cật ruột xin vào dòng một trật kẻo xin ngăn trở cho nhau! Chính ngài đã tường thuật tự sự cho tôi và kết thúc: “Nếu chú Triệu đi Phước Sơn một mình chắc được bền đỗ, vì đã thử chú gần một tháng thấy có rất nhiều hy vọng”.

Đó là sự tích Cha Chất vào dòng và kiếu dòng, xảy ra từ hạ tuần tháng sáu đến thượng tuần tháng tám năm 1920.

Kỳ ấy lại có một cha Tây vào dòng như thư cha Benoît đã nói ghé đến trước, tức là cha giáo sư trường thần học Phú xuân, quí hiệu R.P. Martin Mendiboure, tục xưng là cố Nhơn, tức là cha tu viện trưởng đệ nhị bản dòng.

Nguyên hạ tuần tháng sáu năm 1920 khi Đức Cha bổ cố Mẫn đi làm bổn sở Ba-ngoạt rồi, cách mấy hôm gặp cố Nhơn, Đức Cha thở dài nói: “Cha Maunier ở Phước Sơn không xong, tôi sai đi Ba-ngoạt rồi nay còn một mình cha Benoît, chẳng biết có xong không”. Nói vậy, Đức Cha có ý khuyên dục cha giáo Nhơn đi Phước Sơn, vì chắc ngài đã biết cha Benoît nhiều lần khuyên dũ cố Nhơn cho ngài vào dòng. Đức Cha nói dứt lời, cha giáo Nhơn cảm động sinh lòng mến thương cha Benoît, vì chỉ còn một mình ngài trên núi Phước. Đồng thời nhớ lại lời vàng ngọc Cha Benoît khuyên nhiều lần mà không cảm kích, nay tự nhiên thấm thía với dạ cảm phục. Cha tình nguyện xin Đức Cha cho đi Phước Sơn, khác nào tiên tri Isaia vừa nghe tiếng Chúa gọi liền thưa; Này còn đây, con xin đi!

Quyết định là một việc, song ngài còn lo sợ nên muốn cấm phòng một tháng xin ơn Đưc Chúa Thánh Thần chỉ dẫn và thử sức xem sao.

 Qua một tháng, ơn Đấng hay an ủi dìu dắt cha đến chỗ đạp phất trần ai, tận hiến mình cho Chúa trên núi Phước, theo gương thánh Phanxico Xavie tông đồ Phương Đông, sau một tháng biến thành người mới dưới lời khuyến miễn của thánh Ignatio.

Tất nhiên khi ấy Cha Benoît tràn ngập vui khoái, xong “thế gian chưa phải thiên đàng. Vui đây buồn có sẵn sàng theo nhau!”

Cha giáo Nhơn mới cấm phòng được hai tuần thì nhà dòng bị thiêu.

Nguyên nhân là chiều ngày 17 tháng 07 năm 1920, lễ thánh Alêxù, cha Tú đến thưa cha Bề trên : Trình cha mấy bữa nay cứ nghe cọp kêu quanh rú mình, xin cha cho đốt kẻo sợ, nhất là ban đêm anh em ra ngoài cheo leo quá”. Ngài đồng ý.

Phút chốc mạn đồi phía nam nhà ngủ và nhà khách ngọn lửa bốc lên ngụn ngụt, lan dần. Trời im, không ai ngờ đến tai hoạ cháy nhà. Bỗng nổi gió hiu hiu, thổi bật sang phía đông, hắt ngọn lửa bén dài xuống tạt lên mái nhà khách. Trong giây phút hai mái đỏ ngòm giữa lúc trời hanh. Lửa bốc cao ngất trời. Tiếng tre nước nổ lách tách. Chưa đầy 15 phút xong đời nhà khách, và cả cơ nghiệp nhà dòng, duy có đôi hòm chữ thọ của cha giáo Nhơn đang cấm phòng là chạy được.

Cha con ứa hai hàng nước mắt nhìn xem nhà cháy. Các thầy cũng trèo lên mái nhà vệ sinh gần bên rỡ tranh, song nóng quá phải tuột xuống. Lạ thay! Nhà khách và nhà ngủ cũng chung một mái nhà cầu, mà lửa cháy đến mái nhà cầu rồi tắt, tuy không ai chạy chữa. Gần nhà ngủ có vườn khoai từ tốt, cắm choái nhiều, lửa tràn liếm sạch, mà nhà ngủ vẫn còn y nguyên! Nhà vệ sinh gần đó cũng không can chi hết! Là con cháu thánh Gióp, cha Benoît quỳ giữa đàng, giang hai tay, ngửa mặt lên trời, than thở: “Lạy Chúa, Chúa đã ban nay Chúa lại cất, con xin thuận theo ý Chúa!”

Cha Tân kể lại chính cha Benoît một hôm nói với cha Tú: “Cha này, tôi nói tiên tri mà hại cho tôi, chiều mai nhà mình cháy! Mà chiều mai nhà cháy thật! Đó là cái nhà tôi mua bên Thuỷ Ba, có mấy cái kèo chạm trổ. Tôi có nói với bà mẹ nhà kín, thì bà nói phải cho thợ bào đi, song tôi tiếc lại ngại mất công thợ, nay Chúa cho lửa bào quét hết!

Ngày 19 tháng 07, cố Văn (R.P. Delvaux) lên thăm Phước Sơn, cha Benoît kể chuyện nhà cháy cho cha nghe rồi nói thêm: “Thật sự con không có ý làm nhà khách chỗ ấy nên không tiếc, chỉ tiếc bộ xương thánh đức Hồng Y Richard đã cho cha rồi Cha cho con, nay cháy mất tiếc quá! Con sẽ đào đất nền nhà cháy đem đổ nền Vũ-toà nhà thờ, như vậy xương thánh sẽ nằm chỗ nào đó trong nhà thờ chớ không mất.

Cũng chiều ngày ấy, cha viết cho bà kế mẫu: “…Thăm mẹ yêu dấu của con, con viết ba chữ tin cho mẹ hay: cái nhà đẹp nhất của chúng con nay đã biến thành đống tro tàn. Trót cơ nghiệp nhà dòng ở cả trong đó: sách vở, thuốc men, quần áo, vật thực, hột giống thảy thảy đều cháy hết. Mặc lòng chúng con đã hát Magnificat trọng thể tạ ơn Chúa, vì lẽ ra các nhà khác cũng bị đồng một số phận!

“Ít lâu nay nghe tiếng cọp kêu quanh nhà luôn, các thầy sợ, xin đốt rú. Con bằng lòng, ai ngờ lửa bốc cao đến 15 thước. Chúng con tưởng cũng không can chi. Bỗng gió đổi chiều, bay tàn lên mái nhà, thế là xong đời. Song căn phòng nhỏ chúng con ở, một tấm ván và hai chiếc chiếu thì lại không can chi! Muôn năm Chúa! bây giờ con không còn bị cám dỗ mà nói: sách “của con”, bàn viết “của con”, cái dao “của con” nữa! Trừ hai tủ đồ lễ và chén thánh con đem bên Tây sang thì còn, song những của ấy không mắc mấy, lại là của người ta dâng.

“Vạn tuế thánh đức khó khăn! Sau nếu Chúa lại ban sách vở quần áo thuốc men chi nữa, thì thảy là của chung nhà dòng. Dầu vậy chúng con không mất sự bằng an vui vẻ. Bị rủi ro như thế chỉ là dấu Cha nhân hậu tỏ lòng thương con cái: chúng con hằng ngợi khen Chúa và cám ơn Người luôn.

Thôi từ giã mẹ, xin mẹ chớ lo gì về chúng con, chúng con hằng làm tôi Chúa, Chúa là ông chủ tốt nhất hạng, chỉ xin mẹ cầu cho chúng con được nên đầy tớ trung thành. Nay chúng con có 4 thầy cả, trông cậy mai mốt sẽ thêm.”

Con yêu dấu của mẹ F.M Benoît

CHƯƠNG VI

Từ khi cha Giáo Nhơn vào dòng

cho đến khi Đức Cha ban phép ở lại Phước sơn

(20-08–1920 ¦ 05-1921)

Vốn từ đầu cha Tổ Phụ bản dòng định làm nguyên nhà tranh, vách đất cho hợp cảnh nghèo. Nhưng về sau có điều bất tiện, dầu dốc lòng không đốt rú nữa. Song “Cháy nhà vạ lây”, người Thượng họ hay đốt rú, mà nhà dòng còn phải làm thêm, nếu lợp tranh cả ắt nhiều khi cheo leo, không những cháy nhà mà nguy cả đến tính mạng vì người Thượng họ hay đốt rú ban đêm. Nên cha mới đổi ý, nhất định lợp ngói. Cám ơn Chúa! Chẳng vậy nhưng khi rú dữ phải đi bứt tranh lợp nhà như mấy năm đầu thì nguy hiểm biết mấy!

Các Cha đi làm

Trước đã nói cha Chất ở được ít lâu thì xin đi nhà thương khám bệnh. Thượng tuần tháng tám 1920 cha Chất đi, cha giáo Nhơn tiện dịp cũng theo vào Huế lấy đồ ra kịp mặc áo nhà thử lễ thánh Benadô. Hôm ấy thật là ngày đại lễ vì cha giáo Nhơn vào dòng, hai thầy mặc áo nhà tập. Có hai cha Việt nam đến dự, một cha chủ sự hát lễ, một cha giảng bài rất hùng hồn. Chiều chầu phép lành trọng thể song không có hào quang!

Cha giáo Nhơn quán tại miền nam nước Pháp, giáp Tây-Ban-Nha, gần rặng núi Pyrénée, năm ấy (1920) ngài hưởng thọ 46 xuân, sang Việt Nam được 23 năm. Ngài vào dòng thì cha Bề trên đặt làm cha quản lý kinh doanh mọi việc, nhất là vườn ruộng.

Ngày 10 tháng 08–1920 cha Benoît viết cho mẹ:

“Thăm mẹ rất yêu dấu, con xin thiên thần hộ thủ của con sang xin thiên thần hộ thủ của mẹ liệu cho mẹ hôm nay được vui mừng phước lạc hơn khi nào hết.

Chắc mẹ muốn biết tin tức về con. Về sức khoẻ con thì đừng nói đến nữa. Con đang ngồi xe lửa qua sủng khóc lóc này, còn bẩy ngày nữa thì chẵn 40 tuổi! Thế con đi được nữa đàng chưa? Trông cậy! Mặc lòng, khi đã qua một ngày con không tức mình chút nào. Vậy con mạnh luôn, mạnh là mạnh theo sức một thầy dòng Trappe.

“Thời sự: Cọp mới bắt của chúng con hai con chó. Con mèo nhà dòng hóa cáo, xơi mất bốn chục con gà, may thầy nhà bếp mới đánh bẫy được. Độ này khó tìm thợ mộc quá. Họ đồn rằng: ai lên công tác Phước Sơn về thì hoặc chết hoặc đau yếu quá, không làm chi được nữa! Họ nói: vì Phước Sơn “linh”, “linh” nghĩa là có những phép huyền bí đáng sợ. Kẻ ngoại tin lắm, kẻ có đạo cũng tin ít nhiều. Thành thử công việc chúng con phải bỏ đã ba tháng không làm chi mấy.

“Cha Nam ở với chúng con bấy lâu, nay xin về rồi, còn cha Tây thì nhất định ở với chúng con đến chết. Tuần này có ba người vào dòng.

“Từ khi cháy nhà đến nay chưa ai giúp được một xu, song hy vọng sẽ có, nếu Chúa muốn; nếu Ngài không muốn thì con cũng không ưng. Luôn luôn vạn tuế cho sự vui!

“Từ giã mẹ, cầu cho  con với.

“Tái bút: Mẹ nói gì trong thơ! Mẹ tưởng các đấng Bề trên đã giúp con tiền làm nhà dòng sao? – Ôi chao! Các ngài nghèo như chuôt nhà thờ”, lấy gì mà giúp? (Les Superieurs sont pauvres comine des rats d’ église!) và các ngài cũng không rỗi giờ mà nghĩ đến chúng con đây!

“Từ giã mẹ lần nữa.

Ngày 27 tháng 8 ngài viết: “…Thăm mẹ, nhà dòng không chi lạ đáng kể, mọi sự đều xuôi thuận cả.

“Lễ thánh Tổ Benado chúng con mừng trọng thể lắm. Ở nhà cơm chúng con có dọn xôi, đó là của Bề trên nhà trường. Ngày ấy hai thầy mặc áo nhà tập, có bài giảng đại thể. Chiều chầu phép lành trọng thể theo sức chúng con, nghĩa là chầu mà không có hào quang. Có hai cha Việt Nam đến dự, một cha hát lễ, một cha giảng: cha này là vị ân nhân của nhà dòng, ngài mới kiếm cho nhà mớ tiền để đào hào chung quanh nhà cho heo ri khỏi phá.

“Nay chúng con cả thảy 9 người nhà tập, xin mẹ cầu cho chúng con. Việc gay nhất không phải ăn chay, cũng không phải dậy hai giờ khuya, bèn là phải nên thầy dòng: phải tập cho quen suy xét như thầy dòng: điều ấy khó nhất mà chúng con chưa được. Đàng khác lại chẳng ai làm gương cho chúng con. Chớ chi các thầy Trappistes sang luyện tập cho chúng con thì phước dường nào!

“Mấy tháng trước đây nắng luôn, nay đến mùa mưa, chúng con phải mau mau cầy đất trồng thơm, chuối, trà, càphê…vv. Rồi sau lễ các thánh Nam Nữ sẽ làm vườn. Chúng con tính trồng một mẫu đậu, song không biết heo ri nó có để cho chút nào không! Chúng con chưa đào hào xung quanh, sang năm hay. Từ giã mẹ, nguyện xin Chúa ban cho ta kính mến Người một ngày một hơn.

Benoît”.

Qua tháng chín 1920 Đức Cha già Lý ra thăm chủng viện An Ninh, cha Benoît nghe biết thì xuống hầu. Dịp ấy xẩy ra một chuyện chính Đức Cha Hồ mục kích, thuật lại như sau:

“Cha Benoît và hai thầy vào phòng khách nhà trường, cả ba cha con sấp mình lạy Đức Cha theo lối Việt nam. Đức Cha thấy vậy quở: “Làm chi kỳ cục vậy?” Một chặp cha Benoît lại bị Đức Cha trách điều khác, là khi nói chuyện với các cha Việt Nam, ngài cứ xưng mình là “con”! Đức Cha nói: “Nếu đã đặt trong luật khoản “Lạy sát đất” và xưng “con” thì phải bỏ đi, cứ theo thói quen bấy lâu mà chào và xưng “tôi” cũng đủ, cần chi hạ mình xuống quá vậy!”

“Về sự lạy sát đất, cha Benoît muốn giữ y nguyên theo ý thánh luật, song cho khỏi tiếng lạy Đức Cha hoặc lạy ai thì ngài đặt ra câu: Lạy Chúa Kitô trong quý khách “Adoretur Christus in hospite qui et suscipitur”, nên Đức Cha phải chịu vì không thể cấm lạy Chúa Kitô.

“Tôi nhắc lại ít tích về cha Benoît cho anh em được biết tính đức ngài đôi chút. Phần tôi khi lập dòng Hèn Mọn Thánh Tâm ở Trường An thì đã chịu ơn ngài nhiều trong việc bàn hỏi. Ngài cũng chẳng nề chất vấn tôi một đôi điều. Khi ấy thường niên tôi ra thăm nhà dòng vài ba lần để chia vui sẻ buồn với nhau. Bấy giờ hết lúc buồn của ngài rồi, ngài đang chia vui cùng các thánh, xin ngài cũng chia vui ấy cho chúng tôi hết thảy ngày kia trên cõi thọ!”.

( Trích thơ ngọc Đức Cha Hồ)

Thượng tuần tháng 10-1920, cha Benoît đi làm vườn phải lưỡi cuốc va vào chân bị dấu đôi chút. Song vì đang mùa trồng tỉa nên ngài cứ gắng đi làm không kể đau, thế là cái sẩy nẩy cái ung, phải đi nhà thương điều trị. Ngày 22 tháng 11 ngài viết;

“Thăm mẹ yêu dấu, một hôm làm vườn, lưỡi cuốc va vào chân con bị chút xíu, không đến nỗi chi, con bỏ liều không tra thuốc, thành thử nó ra cái mụt lớn phải đi nhà thương Huế năm sáu ngày, vừa mới về đây. Cảm ơn Chúa! Con yêu quí chốn rừng thanh cảnh vắng này hơn khi nào hết!

“Con tưởng con không thể sống ở ngoài thế gian được nữa. Mấy ngày con vừa phải ở ngoài thế gian đó, con lấy làm cực khổ hơn ăn chay trót mùa chay–cả chay dòng lẫn chay Hội Thánh. Con gặp cha nào cũng tiếp đãi con tử tế và thương mến con lắm. Mặc dầu mẹ tính sao, mẹ bỏ con cá vào bình mứt thì nó thích ở đó hay ở trong bình nước lạnh hơn! Phần con, con thích nhà dòng của con hơn, con tiếc vì phải bỏ nhà dòng mà ra ngoài…”

“Lúc con đi khỏi, ở nhà cọp bắt mất con bò con, ăn hết, chỉ còn cái đầu. Các thầy đánh thuốc song bỏ nhiều thuốc quá, nó ăn rồi mửa hết, thế là xôi hỏng bỏng không! Cách hai ngày sau một đôi trâu kéo xe qua sông. Chỗ ấy sông cạn, song nước chảy mạnh và tại người đánh xe không thạo mấy, nên cả xe cả trâu trôi băng hết. May phước người đánh xe thoát nạn, một con trâu bơi lên được, con kia tốt hơn thì trôi mất, tiếc quá! Các chuyện ấy minh chứng đất này không phải thiên đàng, khỏi 50 năm nữa các sự ấy đều bảo nhau qua đi hết, không còn phải nói đến nữa, phải không mẹ? Con xin từ giã”.

Cha đi nhà thương về thì giúp cấm phòng cho cha giáo Nhơn dọn mình mặc áo ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyện Tội (ngày 8 tháng chạp 1920) và đặt thánh hiệu cho ngài là Bênađo. Đó là người nhà tập thứ nhất được phép chuẩn mặc áo dòng khi chưa đến hạn theo hiến pháp bản dòng.

Ngày mồng 6 tháng giêng 1921 ngài viết:

“…Con nói có lẽ mẹ không tin, song rất thật, là một hôm lạnh lắm, con run cả mình, vì áo mỏng, nhà trống tứ vi, của ăn lại kém,..vv mặc dầu , muôn năm ông thần lạnh, vì Chúa nhân từ muốn thế!”

“Chúa nhật vừa qua có bốn cha mới, cựu sinh viên của con đến thăm dòng. Các ngài hát lễ trọng trong cái nhà thờ nhỏ xíu, đánh dấu cho chúng con một ngày vui khôn tả.”

“Hồi 8 giờ tối 31-12 mới rồi có mụ heo ri kéo cả ổ đến phá vườn khoai chúng con ngay bên nhà cơm. Thầy chủ tịch bếp đuổi chị cách lịch sự tử tế, song chị không những không đi, còn hộc lên một cách như thể nói; khoai này là của tao! Thầy đành nổ phát súng. Lũ con tẩu thoát, con mụ đầm nằm vạ lại! Sáng sau đặt mụ lên cái ghế khiêng xuống An Ninh để mụ hầu cơm nhà trường bữa trưa mồng một tết tây…vv. từ giã mẹ”.

Tiện dịp cha xuống chúc xuân cố Bề trên và thăm nhà trường. Khi hai cha cùng nhau truyện vãn trong phòng thì hai ông bà giám đốc thuế quan cũng đến. Hai cha đứng dậy ra tiếp. Hai ông bà bắt tay cố Bề trên rồi quay lại bắt tay cha Benoît. Song khi bà giơ tay thì chẳng những ngài không thèm bắt, lại còn ngoảnh mặt đi. Thẹn đỏ mặt, tức quá, bà đầm nhả ra mấy câu khiếm nhã. Cố Bề trên vội đỡ lời, giới thiệu cho bà: “Đó là một vị thánh tu dòng trên núi Phước, quí hiệu là cha Denis chắc bà đã nghe biết, song vì luật dòng cấm giao tiếp với phụ nữ, chớ không phải ngài khinh dể bà đâu!” Cố Bề trên dứt lời, bà thuế quan chạy lại cúi đầu vái cha Benoît và xin lỗi. Ngài cúi mặt, mỉm cười rồi xin cáo từ đi đọc kinh, để cố Bề trên tiếp khách.

Ngày13 tháng giêng 1921 cha viết: “Chúng con đang có đông thợ nề, thợ mộc, thợ cưa, nên chúng con làm thầy dòng được, nghĩa là được nhiều thời giờ mà đọc kinh. Và mẹ đừng quên: con còn phải dạy la-tinh cho ba thầy, mỗi ngày hai lần con phải dạy đàng thiêng liêng cho cả nhà, tất nhiên phải có giờ dọn. Bởi vậy con thấy một ngày nó chóng qua hết sức, khó tìm được chút giờ rảnh viết thơ cho mẹ. Song may phước! Khi con vào nhà thờ thì được thong dong bằng an mà thưa chuyện cùng Chúa về mẹ. Mẹ ơi! Hôm nay mẹ hãy kính mến Chúa hơn khi nào hết! Chúa thương yêu mẹ dường nào! Mẹ biết: Người hằng lưu ý đến mẹ, hằng tìm cách làm ích cho mẹ. Mẹ không thấy Người, không hiểu biết các sự xẩy ra cho mẹ đều do lòng nhân từ Chúa tỏ dấu thương mẹ. Mẹ xem những con nít, nó có biết mẹ nó hằng tìm cách mưu ích cho nó không? Thế mà sao nó cứ khóc hoài! Chúng tôi cũng con nít thế đó! Trí khôn chúng tôi quá thấp hèn, đức tin chúng tôi quá non nớt, nên trong những việc xẩy ra hằng ngày, chúng tôi không hiểu thánh ý Chúa, bởi vậy cứ khóc luôn! Ôi bao giờ chúng tôi mới được thấy sự sáng?

Từ giã mẹ.

Con yêu dấu của mẹ: F.M.Benoît ký”.

Trước đây trong một bức thơ cha Tổ Phụ có nói: “Từ khi cháy nhà chưa có ai giúp, song trông cậy sẽ có!”

Thật vậy! Cám ơn Chúa là Cha nhân lành tuyệt đối. Người làm thinh cho cháy nhà tranh, rồi mở lòng ân nhân giúp tiền xây nhà ngói, như chứng thơ vừa kể trên. Khi ấy đang làm nhà hội chung, đừng kể nhà thờ, thì nhà ấy là nhà ngói đầu tiên.

Ngày 01 tháng hai 1921 cha viết:

“…Chúng con vừa mới cất một cái nhà: trường 16 thước, khoát 8 thước, có 48 cái cột toàn bằng gỗ lim, và sẽ lợp ngói. Nhà ấy dùng làm nhà hội chung, thư viện, cùng nhiều việc khác. Song còn lâu mới xong và phải trải qua không biết bao gian quan chướng ngại. Các người đã lãnh tiền nhà dòng làm săng gỗ, thì đem đi đánh bạc hết! Đàng khác thợ mộc khó tìm; nay có mai không; mới đây có mấy người đang làm bị đau về mất, rồi họ phao đồn: ai lên Phước sơn cũng bị đau không đi làm đâu được hết… rứa đó mẹ ạ!...”

Đó là những sự cực bởi thiếu săng gỗ, không thuê được thợ, còn sự cực phần xác ngài phải chịu như gánh gạch, gánh cát, cưa gỗ thì ngài không kể. Như những thơ cha Dominique Huỳnh văn Thượng rằng: “Khi ngài đã lên Phước sơn, chúng tôi giữ tình cha con năng đến thăm ngài. Nhiều khi thấy ngài gánh đá, gánh gạch hoặc cưa gỗ với thợ. Chúng tôi thưa ngài: “Cha làm việc như vậy có mệt lắm không?” Ngài rằng: Không chi bổ khoẻ bằng cưa, vì làm cho ngực thở sướng! Giáo hữu lân cận thấy ngài gánh đá, gánh gạch hoặc cưa gỗ thì cầm nước mắt không được. Kháo nhau: “Ông cố mà làm chịu khó ghê”

Đang khi cha con tất lực làm nhà hội chung, bỗng một thơ Đức Cha gởi đến truyền đi Ngân sơn coi đất xem có rời nhà dòng ra đó được không! Ở chương V trước đã kể Đức Cha chỉ ước ao Phước sơn rời đi Ngân sơn, song lần nầy Đức Cha truyền phải đi coi đất và như muốn dòng mới phải rời đi thật!

Thơ Đức Cha khác nào tiếng nổ bên tai, song cha Benoît cúi đầu “Thuận” theo ý Chúa, vui lòng cất gót ra đi. Lúc về cha viết cho bà kế mẫu:

“…Cúi xin Chúa nhân lành ban cho mẹ được vui mừng trong ngày hôm nay và thứ tha cho con vì đã lâu không viết thơ cho mẹ. Con vâng lệnh Đức Cha xuất hành mới về đây. Tới nhà gặp thơ ông Molony nói mẹ buồn! … Thật con không ngoan mấy vì không năng viết thơ cho mẹ, song mẹ hãy tin rằng đó không phải là dấu con không thương mến mẹ, chỉ vì con mắc việc luôn thôi.

“Biết bao chuyện con muốn nói với mẹ hôm nay! Chuyện thứ nhất là con nghe họ nói, song con không tin, mà có lẽ thật, là Đức Mẹ Việt nam sẽ bỏ Phước sơn Là núi Phước mà ra ngự Ngân sơn là núi bạc ở phía Bắc, cách một trăm cây số, thuộc tỉnh Quảng Bình. Bởi vì Đức Cha và hầu hết các cha nghĩ chúng con ở đây không bao giờ làm đủ ăn con tưởng không chắc! Trông nhờ ơn Chúa chớ! nếu đi thì vườn đất chúng con khó nhọc vất vả canh phá đều phải bỏ hết sao? Chúng con vừa mới trồng dâu, mít, và một ngàn cây chè, bây giờ phải bỏ hết mà khai khẩn mà trồng lại nơi khác sao? Mặc dầu con xin cúi đầu “Thuân” theo ý Chúa! Đất Ngân sơn sánh với Phước sơn thì rậm rạp hơn, thuỳ mỹ hơn, song không lành bằng. Thứ năm vừa rồi con đi quanh rú thì cọp cũng xơi một người đang làm mây. Nên chắc ở ngoài ấy cũng như ở đây bà con láng giềng chúng con cũng sẽ là hùm cọp, heo ri…vv. Nghĩa là chúng con phải ý tứ giữ mình, có làm được chi cũng phải canh gác.

“Mặc lòng Đức Cha muốn, ấy là Chúa muốn, còn chi nữa? Thánh ý Chúa là nhất cho chúng con rồi, và cho mẹ nữa, phải không mẹ yêu dấu của con? Trong hết mọi sự xin mẹ hãy thưa cùng Chúa: “Dạ, cảm ơn Chúa!”

“Thôi từ giã mẹ, con yêu dấu của mẹ. FM Benoît.

Cha Benoît đi Ngân sơn về được một tuần thì lại đi chuyến thứ hai, lúc về ngài viết:

“…Một lời kính thăm mẹ, vì là mùa chay, con lại mới đi Ngân sơn về.  Đất chúng con ở không những xấu, lại không ruộng cấy, nên nhiều người bảo: nếu cứ ở đây chúng con sẽ chết đói! Đức Cha cũng tưởng như vậy nên muốn cho chúng con rời đi nơi khác. Đã rõ chúng con ra đó dễ làm ăn, song cũng dễ đau yếu. Vả nếu nay con đổi chỗ, mai mốt Bề trên khác không ưng ý lại đổi nữa thì sao? Rồi nếu các cha dòng Trappe sang, có khi họ lại xách gói chạy chỗ khác, biết bao giờ cùng? Đàng khác không phải chúng con ở đây không làm làm ra ăn! Đã hay phải làm mới có, song chẳng phải chúng con đến đây để làm việc sao? Nên con vừa mới viết thơ hầu Đức Cha: Con tưởng anh em chúng con nên ở lại đây tập cho xong và thử vài ba năm nữa, rồi cha nào làm Bề Trên thế con hoặc các cha Trappistes sang, muốn đi đâu thì đi. Phần con sẵn sàng đi đâu cũng được, vì đi đâu con cũng không mất thiên đàng là đủ rồi!... Đức Cha mới ra thăm trường An Ninh, có khi ngài sẽ đòi con xuống chất vấn công việc. Ngài mới được ngũ hạng bắc đẩu bội tinh: thật ngài quá đáng! Thôi, từ giã mẹ.

 FM. Benoît con yêu dấu của mẹ.

Thượng tuần tháng ba 1921 Đức Cha già Lý ra thăm chủng viện Cố Văn đến hầu: đang khi dùng cơm, Đức Cha có bàn đến chuyện Phước sơn, ngài nói: “Nhất định thế nào Phước sơn phải đi Ngân sơn mới xong!”

Phải, đối với các cha thì Đức Cha nói vậy, song với cha Benoît thì ngài lại để mặc ý, không ép không truyền, tất phải mang lấy trách nhiệm. Bởi vậy dầu đi Ngân Sơn hai lần cha cũng chưa an tâm, còn đi một lần nữa. Lần nầy cha đưa cả cha quản lý Benadô theo.

Song đến nơi, thì hai cha lại không đồng ý: cha ưng chỗ này cha thích chỗ nọ, cha ưa thấp, cha thích cao. Hai cha cứ tề nhường nhau, thành thử lại thêm một điều khó. Cha Benoît không biết tính đường nào.

Về đến nhà, ngày mồng 01 tháng 4, ngài viết: “Thăm mẹ rất yêu dấu, Alleluia! Xin Chúa nhân lành ban  cho mẹ được bằng an vui vẻ, dầu phải đau đớn khổ cực cũng cứ vui luôn! Con vừa đi coi  núi Bạc lần thứ ba về đây. Song con còn ái ngại quá! Nếu Đức Cha phán một lời: “Cha truyền cha buộc con phải đi Ngân sơn”, thì con không chút nghi ngại. Nhưng Đức ngài lại để con tự do định đoạt, tất nhiên con phải gánh hết trọng trách. Đã hay: Phước sơn không phải địa đàng, song thiên đàng cũng không phải ở Ngân sơn!

“Lần này con đem cả cha Bênađô đi với, song đến nơi cả hai lại không biểu đồng tình chỗ nào nhất định: thế lại gây một nỗi khó khăn mới. Bỏ mọi sự ở Phước Sơn, phá nhà cửa đi, để vườn tược lại cho heo ri, nai, khỉ, ra đây lại không biết chọn chỗ nào! Ôi! Con phân bì số phận mấy thầy nhà tập nhỏ bé của con, họ chỉ phải vâng lời là xuôi mọi sự! Chớ chi con được vâng lời thôi! Xin mẹ cầu cho con chút!”

“Thôi đến mùa hè rồi, phước cho mẹ! Đã hay mùa viêm nhiệt không làm cho mẹ trẻ lại, song mẹ không phải lạnh rét nữa thì mẹ có thể đi lễ, đi chầu Mình Thánh, nói khó với Chúa được. Xin Người hãy nên sự vui mừng, sự an ủi sức mạnh cho ta! Người hằng nhìn thấy mẹ con ta cùng nhau mật thiết. Ta hãy gặp nhau trong Thánh Tâm Người. Xin mẹ đọc một kinh trước tượng Đức Mẹ Boulogne cầu nguyện cách riêng cho con biết phải định thế nào trong việc Phước Sơn, Ngân Sơn này…”

FM.Benoît.

Hai cha về rồi, cứ cầu nguyện, bàn tính mà không biết quyết định đàng nào. Tiến thoái lưỡng nan! Không đi thì sợ mất lòng Đức Cha, dầu ngài không truyền hẳn. Song nếu đi thì mọi sự đã làm ở Phước Sơn: nhà thờ mới làm, nhà hội chung mới cất, vườn tược đang ngổn ngang, nay phải bỏ lại hết chẳng phí của sao? Cho rằng ngoài ấy đất tốt dễ làm ăn, song ngay bây giờ lấy tiền đâu mà khởi sự? Chi bằng ở đây đã có sẵn, ở lại chẳng hơn sao?

Nghe cha Bề trên bàn tính, cha quản lý liền bày tỏ ý kiến: “Thưa cha, thôi, ta cứ ở lại đây vì Chúa đã ban mọi sự sẵn sàng, ra ngoài kia chưa chắc chi cả! “In dubio melior est conditio possidentis”. Nguyên cái danh hiệu hai nơi cũng đủ làm ta phải quyết định giữ lấy Phước Sơn là núi Phước, Ngân Sơn là núi Bạc, không lẽ thầy dòng ham bạc mà bỏ Phước, xem ra chướng!”

Vui mừng thay! Thật là một ý tưởng cao quý, một câu nói thượng sách! Khác nào cái “Ba tông” thần cha Benoît vịn lấy mà đứng vững trên núi Phước. Ngài liền viết thơ hầu Đức Cha trình bày mọi sự, đại ý là: “Bẩm lạy Đức Cha, Đức Cha dạy đi coi Ngân sơn, tuân lệnh Đức Cha, con đã đi coi ba lần, đem cả cha quản lý đi theo, hai chúng con đã cùng nhau bàn tính, theo lương tâm trước mặt Chúa, thì lấy sự ở lại Phước Sơn làm hơn. Nay xin trình Đức Cha tự sự, Đức Cha dạy sao, chúng con xin khấu đầu thừa phụng triệt để”.

Đức Cha già Lý đối với Phước Sơn thật là một ông cha rất khôn ngoan đầy lòng thương xót. Con mà không phải con thơ con dại, bèn là con khôn lớn, con đã ở riêng, tất nhiên thương mà không ép uổng, mưu ích cho con, song cũng để mặc con tự định: thế là trọn bổn phận cha. Bấy lâu Đức Cha lo cho tiền đồ Phước Sơn, song không truyền ép uổng, một dạy theo sự khôn ngoan mà tự định. Nay thấy cha Benoît lấy sự ở lại đó làm hơn thì ngài rất bằng lòng.

Được thơ Đức Cha tất nhiên cha Tổ Phụ Phước sơn mừng lắm, song xem ra ngài còn e lệ truyện chi, như chứng thư ngài viết:

“Thăm mẹ rất yêu dấu, sẵn có người phu trạm, con viết một lời kính thăm mẹ. Và kính thăm chi nữa? Kính thăm (đức tin) của con! Con không thấy chi hết!”

“Chúng con đã mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cách trọng thể hết sức. Chúng con mới có một cái hào quang đẹp khá, đến lễ Đưc Chúa Trời Ba Ngôi rồi, thế là cũng khởi sự ăn chay. Con nói ăn chay, chắc lẽ mẹ cười, song con nói thật mà! Con cần phải ăn chay: ăn chay thì con sẽ mạnh hơn nhiều ăn biết ngon.

“May phước đây có khoai có sắn là những thứ mua rẻ tiền đỡ gạo, chớ không thì con hết nghiệp! Phải con thấy mẹ đang cắt khoanh bánh mì quất bơ đưa cho con, rồi mẹ rót chén café trao cho con nữa. Song mẹ yêu dấu ơi, mẹ không thể cắt bánh mì và quẹt bơ kịp cho con, mẹ sẽ hết sức trước khi con còn đói. Và dầu con ăn bánh với bơ con cũng không cân được 100 ký!

“Thôi, phu trạm đang chờ, từ giã mẹ. Con thương mến mẹ hết lòng; hết lòng nghĩa là thương kém Chúa Mẹ, mặc lòng con cũng thương mẹ nhiều, nhiều lắm! FM Benoît.”

Khi được thơ Đức Cha cho bằng lòng cho ở lại Phước sơn, cha Benoît đã gởi thơ chia vui với Cụ Lớn Phước Môn, nên Quan Cụ ra thăm và cho lúa. Ngày mồng 09 tháng 06 năm 1921, cha viết thơ kể truyện rằng:

“…Chúng con mới có người thợ đúc vào dòng, thầy biết đúc ảnh Thánh giá bằng đồng khéo lắm. Song rủi, con không biết, tìm đâu cho ra đồng. Mua bên tây thì không nghĩ tới, mua ở đây thì phải tìm quanh các làng! Thôi!

“Lại có hai thầy địa phận Cao Miên mới vào dòng tử tế lắm, con hy vọng sẽ bền đỗ và nên thầy dòng tốt. (Hai thầy này là do cha Placido đã qua đời ở Châu sơn và cha Mauro Tứ, hiện Đức Cha địa phận Cần thơ)

“Chúng con đây trừ một vài thầy đau rét nhẹ còn thì khoẻ mạnh cả. Phần mẹ thế nào? Mấy thơ ông Molony làm con áy náy. xin Chúa nhân lành gìn giữ mẹ, giúp đỡ mẹ, ban cho mẹ chịu đau đớn mà lấy làm vui. Đó là sự con luôn cầu cho mẹ. Mẹ hãy tin rằng: những sự đau đớn không ra vô ích. Mẹ hãy lãnh nhận, hãy hiệp nhất cùng sự thương khó Chúa Giêsu thì sẽ đền được nhiều tội và lập công đáng thưởng đời sau.

“Con cầu nguyện cho mẹ. Con yêu dấu của mẹ:   

FM. Benoît

“Tái bút: Quan cụ Nguyễn Hữu Bài Lại Bộ Thượng Thơ mới đến thăm chúng con và cho 200 thùng lúa, ngài hứa sau sẽ cho ru.ng. FM. Benoît con mẹ”.

Quan cụ nói: sau sẽ cho, vì những ruộng quan cụ gần nhà dòng thì đã cho dân cư ngài làm rẽ, nếu lấy lại cho nhà dòng thì phải liệu ruộng khác cho họ: bằng không, để họ đói, coi sao được?

Thật vậy, cách ít lâu cụ cho được 15 mẫu.

Về Phước sơn, Ngân sơn, cố văn có viết:

“Cha Benoît nghe Đức Cha nói với các cha: ngài nhất định rời Phước sơn ra ngân Sơn, Song sau Đức Cha đổi ý. Cha Benoît có nói với tôi: chắc là tại bộ hài cốt các thánh tử đạo đã bị cháy rồi tôi cho đào đất nền nhà cháy đổ nền nhà thờ, nên các thánh đã làm Đức Cha đổi ý không bắt Phước sơn rời đi Ngân sơn.

CHƯƠNG VII

Từ khi Đức Cha bằng lòng cho ở lại Phước sơn đến khi Đức Ngài giao Họ Phước sơn cho dòng coi sóc

(thượng tuần tháng 5-1921¦ 03-4-1922)

Hai năm đầu, khi dòng mới khai sinh, xem ra Chúa ở với cha Tổ Phụ như đứa con thơ: có khi để nó kêu khóc cho vui rồi lấy kẹo bánh mà dỗ. Việc nhà dòng Chúa cũng để cho hưng vong thành bại. Như: tích ba cha con Chất vào dòng. Cha giáo Nhơn đang cấm phòng toan vào dòng thì nhà cháy. Cháy nhà rồi, ân nhân giúp tiền xây nhà ngói, thì Đức Cha dạy đi Ngân sơn. Nay việc Ngân sơn vừa yên Quan Cụ mới cho lúa ruộng, cha con thanh thoả một chút thì anh em lại bị đau nhiều, cha quản lý Bernard cũng mệt, sợ cheo leo cho ơn thánh triệu của ngài như cố Mẫn chăng? Một mối lo âu lại đến chiếm cứ tâm hồn cha Tổ Phụ. Ngày 28 tháng sáu 1921 ngài viết:

“…Nhà dòng bị Chúa thử, các thầy đau hết, cha Bernard mệt, con tưởng Đức Cha bắt ngài đi nhà thương… Còn Henri Benoît của mẹ chai đá quá lẽ, mạnh hết sức mạnh! Trừ hai tháng nay con đau cái mụt nơi chân, nên được miễn làm vườn. Mấy ngày nay con lo chữa thuốc riết thì đã khá. Con ước ao được lành mạnh khi Đức Cha đến thăm. Nghe nói Đức Cha không ưng, thấy những sự đau yếu như vậy. Ngài đổ tại luật con ra nhiệm nhặt, của ăn cực quá, con chỉ sợ ngài chế giảm đi mất! Song hy vọng cha thánh Benoît sẽ biện hộ luật Ngài, vì chúng con muốn giữ trọn luật Ngài nên họ nói nhặt quá! Thiên hạ đau yếu thì không sao, hễ chúng con đau, thì họ cho là tội giết người. Phần con không đau thì họ nói: con được ơn sống bách niên nhất lão! Thôi từ giã mẹ.

 FM. Benoît.

Tiếp thơ sau: “Con cầu nguyện cho mẹ hơn mọi khi. Xin Chúa ban cho mẹ được bằng lòng chịu đau đớn và chịu cách vui vẻ. Luyện ngục còn cực hơn bội phần. Trong đó không lập công được nữa. Và sự thương khó Chúa chịu vì ta còn khốn cực hơn muôn phần, không so sánh được, mẹ hãy ngửa mặt trông Thánh giá Chúa mà thân thưa: “Dạ, con xin vâng chịu mọi sự Chúa gởi cho con! Chính lúc con viết thơ cho mẹ đây, con cũng liếc mắt trông xem Chúa trên Thánh giá và thầm thì cầu cho mẹ.”

“Con nói: con cũng như mẹ, nghĩa là con cũng cần phải nói: “Xin vâng theo thánh ý Chúa”, vì mọi sự không xẩy ra như ý con muốn cả đâu! Có người mới viết thơ cho con mà hăm doạ: ý tứ, sẽ có cơn bão táp cả thể đổ xuống trên Phước Sơn!” Con nói: muốn bão mấy thì bão không can chi! Nếu Chúa nhân lành muốn vậy thì còn chi mà sợ?”

Buổi mới sơ khai, cha Bề trên hay sai các thầy lên người thượng mua tranh bổi hoặc đưa nắm ruốc lên đổi khoai sắn về ăn. Cha con nhờ dịp viễn thông ấy mà dần dần đem họ về ánh sáng đức tin. Song khó dường nào! Vì họ chưa bao giờ được ngọn đuốc đức tin chiếu giãi. Họ tin hết mọi sự mà rút cuộc không tin chi hết. Cha năng khuyên giục các thầy cầu nguyện cho họ.

Cách ít ngày cha viết; “…Việc trong nhà thường không chi lạ. Có cố Mẫn mới lên thăm, ngài lên giảng đạo cho người thượng. Tội nghiệp! Họ mang tiếng là Thượng, song nhiều điều họ không Thượng chút nào. Bấy lâu chưa ai giảng đạo miền ấy, xem ra họ không có đạo nào, chỉ sợ ma quỷ và tin dị đoan hết sức.

“Họ năng xuống thăm nhà dòng, khi cho mật ong, lúc cho thuốc lá, hoặc miếng thịt nai, mấy con công…vv. Những của ấy chúng con không dùng, đem biếu nơi khác. Phần chúng con cho họ thuốc súng và đạn, song chớ gì chúng con cho họ được của quí hơn muôn trùng, là được nhận biết và kính mến Chúa là Đấng đã chuộc tội cho họ. Nếu đẹp lòng Chúa, sau nay chúng con sẽ liệu cho họ trở lại, bây giờ thì Đức Cha chưa ban phép.

Con yêu dấu của mẹ: FM. Benoît

Mồng ba tháng tám, 1921 cha viết: “Nhà dòng không chi lạ, trừ ra cọp bắt hai con bò con. Hôm qua thì một con trâu rất to tự nhiên chết không nói vì sao… Tuần rồi mất ba con bò mẹ.. Mặc lòng cảm ơn Chúa luôn! Một người thợ mộc bấy lâu giúp nhà dòng nay mới chết; người khác làm được một năm rồi không đến nữa, thành công việc phải giãn đoạn… Cái nhà cháy năm trước chưa làm lại được. Chúng con mạnh cả, vui vẻ luôn, cảm ơn Chúa! Đến 20 tháng 08 có 5 thầy mặc áo nhà tập, thế là được 16 người nhà tập, song nhà thử thì không mấy ai xin vào nữa. Nhưng sau sẽ có… Xin mẹ cầu cho chúng con, và xin mẹ luôn luôn nói: Dạ, dạ, xin vâng theo thánh ý Chúa”.

“Có lẽ mẹ sẽ được thơ này vào quãng lễ Đức Mẹ Lên Trời, con xin chúc mẹ một lễ tốt đẹp, một lễ phước lạc, một lễ thánh thiện. Mẹ yêu dấu của con ơi, con nói con cầu nguyện cho mẹ hằng ngày, nhất là ngày hôm ấy. Xin Đức Mẹ an ủi mẹ, thêm sức cho mẹ, ban cho mẹ được mến Chúa đến nỗi thích chịu cực chịu khó vì lòng mến Người. Từ giã mẹ!

FM.Benoît”

Trong một bức thư trước cha nói: họ đang đe Phước sơn, phải ý tứ, sẽ có cơn bão táp cả thể đổ xuống. Vậy đêm 13 tháng tám xẩy tích truyện làm cha bắt sợ tưởng cơn cuồng phong đến thật. Hồi 11 giờ đêm ấy, cả nhà đang nghỉ yên. Bỗng chó sủa liên thanh. Ai nấy cứ tưởng như mọi khi: đó là cọp về, rởn óc không ai dám ra. Song cha Bề trên nằm phòng gần cửa, nghe tiếng ồn ào dức lác, ngài liền dậy ra coi. Khi ấy nhà thờ mới làm được một gian đầu, nhà khách chưa có, cổng ngõ cũng không, đứng nhà ngủ trông thẳng ra đàng được, thấy một tốp người đông vô số, đèn đuốc gậy gộc lô nhô, cha tưởng chắc là cộng sản hay giặc cướp đến phá nhà dòng như chúng hăm dọa. Con người cha run lên! Sợ cho con cái phải chết, vì kêu họ dậy đánh thì chắc không xong; bảo chạy trốn thì đêm hôm biết trốn đi đâu, ra rú thì cọp! “ Tránh hùm phải hạm!” Cha phó dâng mọi sự trong tay Chúa rồi cầm Thánh giá bước ra với ý định: chúng muốn giết người thì xin giết một mình ngài, mà tha cho con cái, khác nào thánh Giáo Hoàng Leo Cả xưa ra đón binh vua Attila vậy.

Hay đâu! Ra tới nơi thì cả bọn bỏ gậy gộc, cúi lạy ngài. Bước lại gần thì ra mấy ông chức việc họ Gia bình: ông đội Khương, ông Tôn, ông Quyền..vv. Cả họ Gia-bình. Nam phụ lão ấu. Bật cười, cha hỏi vội vã: mấy ông chức việc và con họ đi đâu đêm hôm tối tăm tội nghiệp thế?

-Lạy cha, xin cứu chúng con, kẻ ngoại họ định giết chúng con! Cha nhớ ngay lại tích năm 1885 họ Gia bình cũng đã bị kẻ ngoại thiêu sinh. Động lòng ái tuất, cha an ủi họ: “Hãy phú dâng mọi sự trong tay Chúa, xin thuận theo Thánh Ý Chúa và trông cậy Người… Chúng con đi nghỉ bình an mai sẽ hay”. Rồi ngài kêu các thầy lấy chiếu đưa ra rạp thợ cho họ tạm trú; may khi ấy rạp bỏ không vì thợ về hết.

Sáng sau ngài bảo cha quản lý cho họ ăn cơm, và sai người cầm thơ đi quan phủ Vĩnh; còn ngài thân hành sang Gia bình. Đến nơi thì gặp cha Lập bổn sở Nam–Tây, coi họ Gia bình cũng vừa đến. Hai cha đàm đạo, biết rõ công truyện rồi, cha Lập cho cha Benoît mượn ngựa thẳng xuống gặp quan Huyện Do linh. Quan hứa sẽ đến dẹp loạn, cha liền về Gia bình đưa tin cho cha sở, rồi cả hai cha ở lại chờ quan. Mãi gần tối không thấy quan Huyện tới, cha Benoît trở về dòng. Để cha Lập ở lại. Cha về nhà đã 8 giờ tối, các thầy soạn đi nghỉ. Hôm ấy là ngày chay Hội Thánh áp lễ Đức Bà Lên Trời, cha cứ làm thinh bóp bụng đi nghỉ không lót lòng chi hết. Vừa nằm được tiếng đồng hồ, thì quan Huyện tới, cha lại niềm nở bước ra. Một điều gay go là phải dọn một phòng ngủ xứng đáng, liệu sao bây giờ? Mặc dầu cha con cũng hết sức dọn dẹp theo tình cảnh khổ tu. Sáng 6 giờ, quan Phủ Vĩnh cũng đến. Lại một việc khó khăn nữa: phải kiếm đồ làm cơm hầu hai quan lớn. Chợ xa nhà không có, kiếm đâu cho ra? Đứng trước cảnh tu khắc khổ, hai quan bùi ngùi cảm động dẫu “Cơm nâu canh sắn” các ngài cũng cho là sơn châu hải vị. Cái câu “Tuỳ phong gia kiệm” được thi hành triệt để!

Hai quan lót lòng xong, cả họ đến trình bày tự sự. Các ngài lấy khẩu cung, rồi ban lời trấn tĩnh: con họ về bằng an, Phủ đường sẽ tra cứu việc cho minh và trừng trị đảng nghịch. Công việc chấm dứt. Hôm ấy đại lễ Đức Mẹ Lên Trời, cha Bề trên cử hành đại lễ tạ ơn Đức Mẹ. Lễ tất, cả họ linh 80 người lại cùng nhau đánh bữa cơm trưa rồi mới các tán. May trong nhà khi ấy có hai trăm thùng lúa Quan cụ mới cho, không thì cũng khó tính!

Ngày 16 tháng 08, cha kể truyện việc ấy như sau: “…Đêm hôm kia chừng 11 giờ, cả một đạo nam, nữ, già, trẻ, chừng 80 người kéo đến nhà dòng. Duyên cớ là kẻ ngoại làng ấy đe giết nên họ chạy đến cầu cứu thánh Tổ Benoît.

“May phước chúng con sẵn gạo và nhờ cái rạp mộc khá rộng họ tạm trú một đêm. Mai sớm, 14 tháng 08, con sang họ ấy, đi mất ba tiếng đồng hồ. Đến nơi thấy các nhà bổn đạo vắng tanh, bên xóm kẻ ngoại thì nghe thúc trống, chức việc hội nhau thảo luận việc khủng bố giáo hữu. Vừa đến nhà thờ con gặp cha sở họ ấy, ngài cho con mượn ngựa đi gặp quan huyện . Quan hứa sẽ liệu trị an. 8 giờ tối con về đến nhà, thì 9 giờ quan huyện đến. Con đã viết thơ cho quan phủ Vĩnh, nên sáng sau quan cũng đến. Cả họ báo cáo với hai quan việc dân làng kẻ ngoại đe khuấy khuất. Hai quan đều hứa sẽ trừ diệt nghịch đảng. Họ xem lễ tạ ơn Đức Mẹ, đánh bữa nữa rồi ai về nhà nấy. Năm 1885 hội giáo này cũng bị kẻ ngoại thiêu sinh hết, tổng số là hơn 800 người mà chỉ còn sót đôi ba. Nay chúng lại muốn làm cỏ phen nữa. Từ giã mẹ,FM. Benoît”

Bấy lâu cha Benoît muốn đào hào quanh nhà để vừa giữ heo ri vừa làm luỹ cấm, song chưa thể được vì không tiền, khi có tiền thì lại muốn làm việc khác. Nhưng từ ngày xẩy ra tích nam phụ lão ấu họ Gia-bình kéo đến nhà dòng mà chưa có chi làm giới hạn cho phụ nữ như giáo luật dạy, nên việc xẩy ra tháng 08, thì tháng 09 cha cho đào hào quanh nhà. Nguyên giáo luật khoán 598 số 2, cấm phụ nữ bất luận tuổi bậc nào, dầu đêm ngày, không được vào trong luỹ cấm, cả gan vi phạm thì lập tức bị vạ tuyệt thông cấm cách thường về quyền Toà Thánh, chỉ trừ những quý phu nhân các vị quốc trưởng đang tại chức như bà hoàng hậu bà tổng thống đi với bọn người hầu mới được vào.

Ngày 19 tháng 09. 1921 cha viết thơ kể chuyện như sau:

“…Chúng con đang đào hào quanh nhà, sâu 1m20 rộng 1m60. Song họ nói: heo ri còn nhẩy được, nên chúng con sẽ đào rộng hơn sâu hơn, nhất định phải giữ cho được khoai sắn mà ăn, chớ bấy lâu vất vả nhiều mà chỉ béo các “sừ” heo ri và thỏ. Cách mấy hôm nay, một người thợ làm nhà đánh bẫy được một chú heo cân năng 100 ký, trị giá 8 đ! Thôi, nói chi về vật chất phẩn thổ đời này? Chẳng bao lâu nó sẽ tiêu tan hết. Ta hay chuyên chú làm sáng danh Chúa, Chúa tác tạo nên ta nguyên vì lý do ấy. Muốn được phước đời này và đời sau thì phải lo làm tôi Người.”

Tiếp thư 26 tháng10: “…Thăm mẹ yêu dấu, mùa lạnh đến rồi, tất nhiên mùa ho cũng đi theo. Mẹ hãy giữ mình, ngồi gần lửa mà lần hạt hoặc nói khó cùng Chúa. Đôi khi xin mẹ nói với Người về thầy dòng, thầy dòng Phước Sơn, vì dầu thầy dòng cũng có Thánh giá không thoát được, mẹ hãy tin điều ấy. Song có Thánh giá là có phước! Con vừa viết câu này thì trạm đem thơ mẹ đến. Con mở ra coi, hay đâu được tin mẹ phải mổ lần thứ hai, thế nên con viết cho mẹ mà nói về Thánh giá là hợp lắm! Xin Chúa ban ơn thêm sức cho mẹ, con cầu cho mẹ hơn mọi khi. Mẹ hãy can đảm, chẳng bao lâu sẽ được về mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời. Khi ấy sẽ bắt đầu lễ mà không bao giờ hết. Lúc chờ đợi, mẹ con ta vui lòng chịu khó đền tội, nếu có thể cũng đền tội cho kẻ khác. Như vậy ta sẽ giúp Chúa cứu các linh hồn. Thế gian không hiểu sự ấy họ chịu khó không công nghiệp, không an ủi. Nếu ta là thánh, thì sự đau khổ ta chịu, nó có một ý nghĩa khác: nó không còn là đau khổ, bèn là sự vui mừng. Lạy Chúa xin ban cho chúng con nếm đau khổ!”

FM. Benoît

Đến 15 tháng giêng ngài viết: “… Hôm qua Đức Cha đến thăm. Thật là một ngày đại lễ cho chúng con. Ngài tỏ bộ vui vẻ lắm. Hai năm đầu nhà dòng mới sơ khai, ngài tưởng chúng con không xong không đủ phương tiện sinh sống. Nhưng cách một năm nay ngài nói: chúng con không những sống được mà lại còn lớn lên. Hôm qua thì ngài nói: chừng hai mươi năm nữa, Phước Sơn sẽ tràn khắp các địa phận đông dương! Chớ gì Đức Cha nói tiên tri! Có lẽ Chúa ban ơn ấy cho ngài thì phải, cũng đáng lắm, vì ngài thật là một đấng thánh. Ngài đã chịu và còn đang chịu nhiều gian nan vì con chiên ngài không ăn chi hết mà sống: không bánh, không cơm, không rượu, không thịt, không chi hết, hầu như ngài chỉ ăn cái không không! Thật ra! Mỗi bữa chỉ dùng chút cá luộc, vài củ khoai cũng luộc thôi. Đâu có đón rước ngài thật dễ, không cần ai cầm áo đuôi (Cappa magna) vì ngài không có, không xe hơi, không tài xế, không đầy tớ, đầu bếp cũng không. Bất kỳ ai làm bếp cho ngài cũng được: chỉ lấy khúc cá và củ khoai bỏ vào nước nấu sôi lên, thế là xong bữa tiệc của ngài rồi! Ăn uống như vậy, đau khổ như kia, mà diện mạo vẫn tươi như hoa nở. Ai có việc chạy đến thì ngài hết sức lo lắng như không có việc chi khác. Ngài sẵn sàng giúp đỡ mọi người dầu việc xem ra quá sức. Mà mẹ chớ quên rằng ngài đã làm lễ thượng thọ thất tuần năm ngoái! Ngài sang Việt nam từ năm 1875 mà chưa về tây lần nào. Nguyện xin Chúa cho ngài trường thọ lâu năm nữa!

“Con muốn nhập dòng Trappe song ngài nói: cứ ở vậy đã, cám ơn Chúa. Mẹ con hãy hiệp nhất trong rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu."

FM. Benoît.

Ngày 22 tháng chạp cha viết: “…Con cầu nguyện cho mẹ, mà mẹ cũng đừng quên con. Đức Cha nói: chúng con đây sống được và sẽ thêm lên nhiều. Con muốn tin sự ấy. Con biết Chúa phép tắc có thể làm được! Song đó là một phép lạ.

“Con vừa mới làm “Tập lược biên” dòng chúng con, vì họ bảo phải làm quảng cáo cho thiên hạ biết dòng mới.

“Cám ơn Chúa, thôi từ giã mẹ. FM. Benoît”

Đã từ một năm, cha Benoît những mong cho chóng xong cái nhà hội chung vì đừng kể nhà thờ thì nhà hội chung quan trọng nhất.


Vui mừng thay nhà ấy đã xong. Cha con khánh thành ngày 26 tháng giêng 1922, lễ thánh Tổ Alberico, tu viện trưởng đệ thứ dòng cả Xitô. Thế là từ nay mỗi ngày hai lần trong cái nhà ấy, cha nhả ngọc phun châu, lấy bánh Phúc-âm di dưỡng linh hồn con cái. Nay hồn ngài thác mà quí thể vẫn còn nằm giữa cái nhà ấy “bên kia vĩ tuyến”. Thế là cha chết mà vẫn nói: Defunctuf adhuc loquitur. Ngày 22 tháng 1, 1922 cha viết: “Thăm mẹ rất yêu dấu con luôn luôn cứ chậm trễ viết thư cho mẹ. Song con đã trã 42 tuổi, tóc đã bạc hết rồi, không sửa mình được nữa, có sửa mình thì cũng không còn được bao lâu. Vậy những lỗi con không có gan mà sửa, thì luyện ngục sẽ tẩy rửa cho con. Hằng ngày và trót ngày, con những suy đến quãng đường sau hết đời tạm con, nay càng có lẽ suy đến vì là 30 tết Việt Nam. Ngày mai mồng 01 tết, chúng con sẽ đặt Mình Thánh chầu cả ngày. Tết sang năm  chúng con hy vọng sẽ đặt Mình Thánh chầu cả đêm. Chúng con ước ao đền bồi phạt tạ Chúa vì những sự dị đoan kẻ ngoại làm trót đêm nay và cả buổi mai. Đó là một đại lễ phượng thờ tổ tiên không một nhà kẻ ngoại nào không dọn giường thờ tổ. Chỉ những nghe trống phách lùng bùng trót đêm. Than ơi! Chúa đã chịu chết cho họ gần 2000 năm rồi, mà họ chưa nhận biết Chúa!

“Hôm nay một ông chức việc đến xin trở lại và một đứa con gái bốn tuổi đã chịu phép thánh tẩy cách kín khi gần chết, thế nó được về thiên đàng cầu cho cha mẹ ngoại của nó!

“Một người thợ mộc quen làm cho nhà dòng mới xin trở lại, chiều nào con cũng dạy ông học đạo. Song bấy nhiêu thấm vào đâu với số kẻ ngoại đông vô cùng kia! Họ không muốn nghe nói về đạo, vừa mở lời nói đến là họ chuồn đi! Họ không muốn xem xét tới, khác nào người mù không muốn nghe nói tới mặt trời. Xin mẹ nguyện cầu cho họ, chung ý với chúng con  xin Chúa ban cho Phương Đông những vị Thừa Sai thánh thiện như thánh Phanxico Xavie. Bây giờ nói đến việc chúng con, mẹ có muốn nghe ít tin mới không? Tin mới nhất: chúng con đã khởi sự ở nhà hội chung hôm qua, 26 tháng giêng 1922 đó là một nhà rất lớn, mái ngói vách tre, rui mè cột kéo bằng gỗ. Tin mới thứ hai: Quan Thượng Bài lại mới cho 200 thùng lúa, bấy nhiêu đủ được hai tháng rưỡi. Chúng con nay tính cả thầy dòng ông lão dòng ba, gia nhân được 30 người. Tin mới thứ ba: là cọp mới bắt của chúng con 4 dê và 1 trâu. Song chúng con đã bắt được cọp rồi chỉ mất bốn lạng thạch tín (Strychnire). Nhà nước thưởng một chục bạc da cọp gửi vào Huế, xương thì con định bán ngoài Bắc, vì họ dùng làm một thứ thuốc rất bổ. Ai muốn bổ sức thì ăn xương cọp; xương cọp không bổ thì còn chi bổ nữa? Thịt nó con cho gia nhân ăn, họ cho là ngon tuyệt! Chú cọp ấy cao 80 phân, dài hai thước rưỡi!... thôi từ giã mẹ!

FM. Benoît.”

Tiếp thơ mồng 08 tháng 3-1922: “Luôn luôn con cứ mạnh như cái cầu mới, con cả dám khuyên mẹ bắt chước gương tốt con mà mạnh như vậy, nghe! Luôn tiện con nhớ đã sáu bẩy năm nay con phải chứng đau đầu quá lẽ, phát điên được! Con phải đi nhà thương xin bác sĩ khám bệnh! Một bác sĩ đại danh khám con kỹ hết sức, từ đỉnh đầu đến bàn chân khám đi khám lại: ông bắt con thở mạnh, giang tay. Sau cùng ông phải thú nhận con còn sống được.”

“Rồi mới đây cách vài năm con đau chân phải đi nhà thương. Họ nói với ông đốc: “Thưa ông, cha dòng ăn cực lắm đó, xin ông nhờ dịp ngài đau chân mà bắt ở lại nhà thương lâu để bổ sức chút…” Vì vậy con lại bị khám lần nữa; phen này họ dùng đến kính hiển vi xem con có vi trùng đau sốt rét, hư máu hoặc sâu sán chi không. Họ làm đủ cách, sau hết cũng phải thú rằng: con còn sống được !

“Đức cha nghe vậy, nói : “Cha chỉ muốn chết luôn, song, rồi cha coi, chưa chết đâu! Tôi cũng thế đã 70 năm nay những xin chết luôn mà cứ sống hoài”.

“Vậy thì Chúa muốn Đức cha trường thọ, con còn sống, nhất là mẹ còn sống lâu nữa, lập công cho nhiều, để chết rồi từ nhà thương các bà bay thẳng về thiên cung…Xin từ giã mẹ.Fm.Benoît.  

CHƯƠNG VIII

Từ khi Đức Cha giao họ Phước sơn cho nhà dòng coi sóc đến khi cha khấn tạm 03-04-1922 đến 21-03-1923

Trước đã nói Quan Cụ Phước Môn trưng đất Phước sơn chiêu dân lập ấp. Dân cư đến ở ngày một đông. Trước phần nhiều là kẻ ngoại, sau họ trở lại dần dần vì ảnh hưởng nhà dòng. Bốn năm qua Quan Cụ xây cho ngôi nhà thờ, mời Đức Cha ra làm phép, song Đức Cha cử cha Bề trên Phước Sơn  đại diện và đồng thời đặt ngài làm bổn sở. Thế là từ đó họ Phước Sơn phần xác vẫn là dân cư quan cụ Phước Môn, song phần hồn lại là con chiên cha Bề trên  dòng Phước Sơn đến ngày nay. Cuộc làm phép nhà thờ cử hành vào ngày mồng 03 tháng 04 năm 1922. Một ngày đại lễ lôi kéo rất đông người đến dự, phần nhiều  là quí khách. Các quan Nam Triều ra gần túc số, có linh 20 cha, cờ quạt trống phách rầm rộ một góc trời. Cha Bề trên đem theo cha quản lý Bernard và bốn thầy giúp lễ. Chính cha Bề trên cử hành đại lễ. Phúc âm xong ngài giảng một bài đại thể tán dương công đức Cụ Ông, Cụ Bà Phước Môn, nương theo lời Chúa phán: “Kẻ làm phúc cho bần nhân một chén nước lã cũng chẳng mất công”. Lời nói hùng hồn, mạnh mẽ, khiến thính giả dầu là kẻ ngoại cũng động lòng thán phục. Song một điều khác kích thích tâm hồn quí khách hơn lễ tất, cha niềm nở thừa tiếp quan khách vui vẻ rồi, đến giờ thiết tiệc cha xin cáo từ, mấy cha con chay lòng về nhà dòng dùng cơm theo luật.


Xong việc cha viết thơ kể chuyện: “…Này con lại còn chậm trễ nữa! Có khi từ lễ thánh tổ Benedicto đến nay con chưa viết cho mẹ bức thư nào… ngày ấy cha Bernard quản lý với chín thầy dòng của con và con đây nữa, khởi sự năm tập thứ ba, là năm tập theo giáo luật cách trọng thể. Vậy năm nay chúng con sẽ ra sức tận tuỵ nên thầy dòng. Mẹ biết con lại mới đóng vai cha sở một họ mới ra đời, con có ý nói họ Phước Sơn. Cụ Lớn Đệ Nhị Triều Nam, vị đại ân nhân nhà Dòng ngày mồng 03 tháng tư đã xin con đi làm phép nhà thờ Cụ mới làm cho họ. Có rất đông người đến dự: các cha được chừng 20, đủ phẩm trật các quan Nam Triều. Con đã giảng một bài chủ ý cho các ông nghe. Tội nghiệp các ngài còn ngoại! Cúi xin Đức Bà nước Nam mau mau đưa các ông trở về cùng Chúa!”…

“Bộ xương cọp trước con định bán ngoài bắc, song chưa kịp thì con đã kính biếu bà lớn Đệ Nhị triều Việt Nam họ dùng xương cọp nấu một thứ thuốc có sức chữa được hết các bệnh.

“Con đã đem cha Bernard và ít thầy dòng hèn mọn của con đi làm phép nhà thờ. Lễ tất, chúng con xin cáo từ không dự tiệc Cụ Lớn thiết mầng các cha và quan khách. Mẹ nghĩ sự ấy có kích động tâm hồn họ hơn bài giảng của con chăng? Vì chúng con đành bỏ nem công chả phượng bữa yến tiệc Quan Cụ đó, về nhà ăn ba hột cơm đỏ với chút muối mè!

Ước chi những vị quan khách ngoại giáo ấy được tiếp xúc với một ông thánh, chắc họ sẽ nhận biết Chúa!

Con từ giã mẹ Fm. Benoît”

Ngày 19 tháng 04, cha viết:… “Alleluia! Này con đã ra khỏi mùa chay, ai nấy đều khoẻ mạnh như ăn đồ bổ hàng ngày! Từ nay đến lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi không phải ăn chay nữa. Đến kỳ ấy thì lại dễ ăn chay vì trời nóng quá không làm việc ở ngoài được, lại nóng nực thì ăn cũng hết ngon. Mùa ấy chúng con sẽ đi rú làm củi, bấy lâu chúng con vẫn làm nghề thợ cưa. Con nói “chúng con” cưa, vì cưa xẻ phải có hai người: hai người ấy một người tên là thầy Benoît có lẽ mẹ  cũng quen biết lắm, còn thầy kia là Maurô thuộc địa phận Cao Miên (Thầy này sau thăng linh mục, tức là cha Tứ địa phận Cần Thơ hiện thời. Có mười người thợ mộc đã lãnh làm nhà cơm, nhà liệt, nhà cha quản lý, chừng một tháng thì rồi, xong lợp tạm bằng tranh đã vì chưa có tiền mua ngói. Xong mấy nhà ấy thì khởi sự làm nhà khách che cái nhà cháy năm kia, rồi làm nhà bếp nhà lẫm v.v...Ôi! còn  biết bao khốn nạn, khốn nạn vì không tiền! Từ giã Mẹ. Fm.Benoît.

 Ngày mồng 07 tháng 06-1922 Cha kể truyện: “Xin Thánh Tâm Đức Chúa Giêsu phù hộ, an ủi mẹ, ban cho mẹ sự bằng an khoái lạc luôn. Con không phải nói con mạnh khoẻ vì Mẹ đã biết. Thiết tưởng con cân không được 50 ký, song chắc con mạnh bằng hai ba người Thổ Nhĩ Kỳ! Mẹ có biết hàng ngày con làm nghề chi không. Con làm một bác thợ cưa. Cưa thì con nghe mạnh và lợi thời giờ lắm. Độ này chúng con cắt mè, món đồ ăn đầu vị của chúng con. Lúa thì được một 1.500 thùng, cám ơn Chúa quá. Vua Việt Nam (Vua Khải Định) mới sang pháp, ngài tính đi La Mã, nên sắm lễ vật tiến Đức Giáo Hoàng. Ngài cũng dự định thăm nhà trường các Cha Dòng-Sai. Có lẽ con đã nói với Mẹ: Vua Việt nam đã lập ngày đại lễ “Hưng Quốc Khánh Niệm” vào mồng hai tháng năm âm lịch, ngày Hoàng Đế Gia Long thống nhất sơn hà, ngày ấy cả triều thần văn võ phải đi dự lễ, chính Đức Vua cũng ngự giá chầu lễ trót giờ. Lễ Hưng Quốc Khánh Niệm năm nay nhằm ngày  Chúa nhật trước lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Nhà thờ Phủ-Cam chật ních, song toàn là quý khách bên lương, bên giáo thì chỉ có chức sắc mới được vào. Mẹ xem, cách đây chẳng bao lâu các vua Viêt nam đã chém giết bổn đạo, mà nay chính Đức vua cũng đi dự lễ!

    Vậy xin mẹ cầu cho các ngài tiến lên bước nữa, tới giếng thánh tẩy- iat! Fiat! chớ gì được như vậy ! Fm.Benoît.

Đến 08 tháng 07 năm 1922 ngài đưa tin: “…Thăm mẹ rất đáng kính! Ôi chào, con đã lo ra! Thay vì viết: Thăm mẹ rất dấu yêu thì con đã viết: Thăm mẹ rất đáng kính! Mặc lòng con không sửa lại nữa, để mẹ cũng được gọi là “Bà rất đáng kính” ít là một lần chớ! Vậy kính thăm mẹ, con lấy làm đại phước nói với mẹ: Trời mưa rồi, hơn tháng nay nắng quá lẽ, lại thêm gió nam thổi như đốt, mấy cây chè của con chết khát cả… Nay mới sống lại, cám ơn Chúa! Con sợ nhất là cho mấy cây chè con mới trồng, vì tương lai nhà dòng. Con hy vọng chúng con sẽ nhờ nó mà sống. Nếu Chúa muốn, chúng con sẽ làm trà tầu, đặt tên là trà Đức Bà Việt Nam. Chừng hai năm nữa hái được. Tự nhiên con sẽ gửi cho mẹ dùng thử, song muốn biết nó ngon giở thế nào thì phải tìm mấy người phản đối nhà dòng cho họ nếm thử mới biết được, chớ hỏi mẹ thì tự nhiên mẹ nói: Trà nhà dòng ngon nhất hạng! Xin mẹ đừng quên cầu cho chúng con, nhất là cầu riêng cho con, vì con vừa làm Bề trên, làm cha nhà tập, vừa làm đốc công xây nhà, lại còn làm cha sở mà con thì không có tư cách gì về các việc ấy! Con yêu dấu của mẹ.

  Fm.Benoît

Ngày 15 tháng 08 năm 1922 cha viết: “…Con xin mừng lễ bổn mạng mẹ, chúc mẹ một lễ sốt sắng thánh thiện. Lẽ ra con phải chúc mẹ một tháng trước, song tại con lo ra vì hằng suy đến Đức Mẹ mọi ngày mỗi năm mừng không biết bao lễ Đức Mẹ, nên khó nhớ riêng ngày lễ Đức Mẹ lên trời là bổn mạng những người tên thánh là Maria. Nếu mẹ nhận tên thánh là Francoise Louise, thì con đỡ quên hơn vì các thánh ấy mỗi năm có một lễ, chớ như lễ Đức Mẹ thì hàng ngày hằng có. Con nói vậy để chữa mình vì con chúc lễ bổn mạng mẹ muộn quá. Song ít là mẹ nhớ con nhớ đến mẹ và cầu cho mẹ nhiều trong ngày lễ Đức Bà lên trời là đủ.

“Sáng nay cọp hắn cũng muốn ăn mừng lễ: dám bắt của chúng con một chú bò con cách vài thước ngay đàng sau nhà.

“Các thầy lành mạnh cả rồi, song còn hai thầy đang ở bệnh viện Huế. Phần con, Henri yêu dấu của mẹ, thì cứ mạnh luôn, hổ ngươi quá đi! Tuần rồi đi chở vôi, con đã chèo luôn 12 tiếng đồng hồ mà không đến nỗi mệt quá! Xin mẹ cầu cho con đừng làm hư phí thời giờ Chúa nhân lành ban cho. Con hằng kết hiệp mật thiết với mẹ trong sự kính mến Đức Chúa Giê su .

Thơ 26-8-1922: “…Không chuyện chi lạ, trừ ra một thầy có chức cắt tóc địa phận Hà Nội mới vào dòng (Thầy Triết) xem ra tử tế, song ốm yếu phải cho làm việc nhẹ. Hai ngày sau lại có thầy trường lớn địa phận Vinh vào. (Thầy Chu) Thầy mạnh khoẻ lắm, nếu cần thì đi cày được. Song con không thích cầy trâu mấy, vì nó đi xiên xẹo méo mó, lại cày bằng gỗ phải sửa luôn và chỉ hơi “gãi” chút xíu mặt đất thôi. Giá được con ngựa và cày tây con thích  hơn. Phần con luôn luôn làm bác thợ cưa, thế mẹ biết phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có cơm ăn, vì là hình phạt Chúa dạy. Chúng con cưa gỗ lim vừa cứng vừa nặng, lại cái cưa Việt nam không được tốt mấy, phải sửa luôn.

“À, con mới học được một nghề nữa, là chèo thuyền không bánh lái, chỉ có nguyên cái chèo, vừa chèo vừa lái một trật. Đó là nghề của con nít mà nay con 42 tuổi đầu rồi, còn phải học! Con được tin mẹ lại đau mắt! Thế là thêm một Thánh giá, một đau khổ! Song đau khổ đời này thì thoát đau khổ đời sau. Mẹ đừng buồn, hãy để Chúa làm việc Chúa người thương mẹ. Người làm chi cho mẹ thì Người biết. Con nói với mẹ thế mà con cũng nói với con như vậy, vì ở đây cũng không thiếu Thánh giá, xin mẹ tin điều ấy. Lại ở đâu mà không có Thánh giá. Ta muốn lên trời mà không phải chết. Chúa cũng  muốn cho ta thế đó, song tại Adong Eva muốn luột khỏi quyền Chúa mà ăn trái cấm, nên bây giờ ta phải đền trái cấm đó. Phải chết thì mới biết ta là không, Chúa là mọi sự. Song Chúa là Cha tốt lành, ta đừng sợ”.

Thơ ngày 13-9-1922 ; “…Con lại đau chân bị ghẻ hờm vì phải một dấu nhẹ rồi bỏ liều không làm thuốc. Đi rú chân không thì hay bị dấu xầy da chảy máu chút chút. Nếu làm thuốc những dấu ấy thì sao cho cùng, nên con bỏ liều, có chỗ lành ngay, có chỗ thành ghẻ gớm thế là con được nghỉ. Nói: con tiếc vì không được đi làm thì nói quá! có lẽ tính biếng nhác của con nó được nhờ chăng! Mặc dầu con muốn lành mau kẻo Đức Cha sắp đến thăm.”

Cha viết ngày mồng 02 tháng 10- 1922: “...Hôm nay lễ kính các thánh Thiên Thần Hộ Thủ, con xin chào kính Thiên Thần Hộ Thủ mẹ, xin Người gìn giữ mẹ luôn. Con cứ đau chân không làm vườn được, phải làm việc trong nhà, quấn chỉ giúp thầy dệt vải. Đó là một nghề để nhớ mình trước mặt Chúa, một nghề không khó, vừa làm vừa nguyện ngẫm được, có khi hơn ở nhà thờ, vì nguyện ngẫm ở nhà thờ lúc hai giờ khuya, thì phải luôn luôn ý tứ kẻo ngủ. Thợ nề đang lợp nhà cơm, dài 20 thước, rộng 8 thước. Khi làm nhà ấy xong mà hoàn công thợ thì chúng con hết nghiệp. Cha quản lý thấy sạch “két” thì lo lắng. Cha Bề trên trường An Ninh đã cho chúng con vay 200đ rồi! Mặc lòng, trông cậy Chúa ! Xin Mẹ cầu cho chúng con một kinh riêng cùng Thánh cả Giuse. Xin Mẹ hằng năng nhớ đến Chúa hơn.


Cố Văn viết ít hàng: “Ngày 05 tháng 08 -1922 tôi lên thăm Phước Sơn. Đến nơi cha Benoît đang mắc việc cần gấp, Ngài mời tôi thăm cha quản lý Bernard. Truyện vãn một lúc Ngài hỏi tôi: “Đó cha có gặp mấy người Cổ-Vưu bán gạch cho nhà dòng họ ra đòi tiền đó không: -Có, họ cùng đi với tôi từ Tiền An lên, đến sở Phước Sơn họ ghé chân nghỉ hút thuốc. Tôi dứt lời, ngài rút ngăn kéo ra, nói: cha coi, bạc chúng tôi chỉ còn 15,20 trự, mà cha Bề trên chúng tôi thì cứ đi quá, như thể ngài có cái “két” đầy bạc ở mô nữa. Tôi đáp: “Cha này, thiết tưởng cha không đọc được kinh Lạy Cha như cha Bề trên đâu! Ngài đọc; xin cha cho chúng tôi rầy hàng ngày dùng đủ. Phần cha thì đọc: xin cha cho chúng con ngày mai và sau này cũng hàng ngày dùng đủ! “Thăm cha quản lý xong, chừng 10 phút sau tôi đến thăm cha Bề trên. Đang cùng nhau truyện vãn, thì có người đem thơ đến. Ngài vội mở, thấy hai tờ bạc trăm người ta gửi cho. Ngài liền dạy đưa cha quản lý, thế là vừa đủ 200đ tiền gạch người ta đến đòi.

Trước đã nói: cha con khởi sự giữ luật từ ngày 01 tháng11 năm 1918. Song sự giữ miệng làm thinh còn hơi rộng: Nghĩa là hàng ngày con được nói chuyện nửa giờ, Chúa nhật hai lần, lễ trọng ba lần đó là một phép rộng cha Benoît chế giảm vào Luật Xitô cho hợp với tính tình non yếu của đệ tử lúc dòng mới sơ khai. Nhưng nay ngài thấy phép rộng ấy không cần nữa, phải rút lại cho hợp luật. Dầu vậy cha còn ái ngại chưa dám quyết định hẳn, nên hội con cái lại hỏi ý kiến từng người bằng cách bỏ vé: Có nên giữ miệng làm thinh nhặt hay là Chúa nhật lễ trọng còn được nói chuyện nửa giờ sau cơm tối cha con khi ấy tổng số 21. Bắt thăm bỏ thẻ xong được 14 phiếu nhất định giữ miệng trọn đời, còn 7 phiếu xin nói chuyện mỗi tuần nửa giờ. Cha vui mừng vì con cái gan dạ muốn giữ trí ý cha. Nhưng tính sao bây giờ? Theo đàng 14 phiếu thì sợ 7 phiếu kia buồn, mà không lẽ lại theo đàng 7 phiếu? Cha bèn cho thử cả hai anh: em tập không được nói chuyện nữa, dầu Chúa nhật lễ trọng; còn anh em thử thì được nói chuyện mỗi tuần nửa giờ sau cơm tối. Khi ấy là thượng tuần tháng 11-1922, như thơ cha viết 13 tháng 11-1922 “…Chúc mẹ một lễ sinh nhật vui vẻ! Con cứ đau chân không đi làm vườn được, mà nay lại chính là mùa làm vườn. Chúng con đã trồng được 2000 cây chè, nếu được thì còn trồng thêm nữa. Không biết con đã nói với mẹ đây chúng con có làm bánh sữa chưa? Song chẳng được bao nhiêu, mỗi ngày mới có ba bốn lít sữa. Chúng con có dùng đôi khi, song nhất là  biếu một cố già 84 tuổi không dùng chi được hết chỉ nhờ chút bánh sữa đó thôi.

“Mới đây con cho các thầy bỏ vé: khi khấn rồi có muốn nói chuyện mỗi tuần nửa giờ hoặc giữ miệng làm thinh nhặt, dầu lễ Phục sinh cũng không được nói. Kết quả là 14 phiếu xin giữ nhặt, còn 7 phiếu xin nói chuyện mỗi tuần nửa giờ. Nếu con tỏ ý trước: Con muốn giữ miệng làm thinh hẳn, thì có lẽ chắc mọi người bỏ vé theo ý con, song vì con không ngỏ ý chi hết, nên còn 7 thầy ưng nói: mặc lòng, đã được hai phần ba muốn giữ miệng nhặt, là dấu họ không sợ giữ miệng cho lắm. Cám ơn Chúa.”

Ngày 27 tháng11 năm 1922 cha viết: “Con xin mừng tuổi mới mẹ xin Chúa nhận lời mẹ cầu xin, ban cho mẹ được lấy Người làm mọi sự cho mẹ. Xin mẹ cũng nguyện cầu ơn ấy cho con và cho mấy thầy dòng của con nữa.”

“Công việc nhà dòng xuôi thuận cả. Quan khâm sứ mới cho chúng con 300 đồng, thưởng công canh phá rừng rú đất hoang. Chúng con được số tiền ấy chính ngày lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, 21 tháng 11: nên chắc là quà Đức Mẹ ban. Mà vừa khéo! Chúng đang mắc nợ không biết tính vào đâu: nợ cố Bề trên chủng viện An Ninh 200 đồng và một người Việt nam 50 đồng. Thật Đức Mẹ khéo tính quá! Xin mẹ cám ơn Đức Mẹ giúp chúng con! Con tin chắc Đức Mẹ mở lòng quan khâm sứ gửi cho chúng con đó.

“Một bác dê nhảy qua cái hào con mới đào, định vô vườn ăn rau, song nhảy hụt sổ ruột chết. Gia nhân mai táng chú vào nồi, đoạn cùng nhau đại phước. Con không tiếc mấy vì nó phá hại lắm. Con ấy nhảy sẩy chân chết, mà những con khác có sợ đâu! Chết thì chết, cứ nhảy! Chúng chết không chừa cứ giữ cùi dừa bánh đa!”

“Con hằng hiệp nhất với Mẹ trong sự yêu mến Chúa Giêsu và Mẹ Maria!”

Thơ ngày 07 tháng giêng năm 1923: …Con luôn luôn mạnh khoẻ. Chân lành rồi, không đau chi nữa. việc nhà cũng xuôi, xong không được vui trọn vì Mẹ biết: dưới đất này không chi hoàn hảo. Mấy ngày nay mưa to gió lớn, lạnh queo, vườn tược cây cối úa cả. Một thầy đau phải đi nhà thương, còn mấy thầy ở nhà thì ma quỷ nó khuấy quá: hết thầy này đến thầy nọ, coi bộ tịch họ buồn thiu, làm con cũng buồn! Vậy phải làm chi? Phải cầu nguyện, phải nhịn nhục, phú dâng mọi sự thuận theo ý Chúa, vì những buồn như vậy không lâu: buồn đó rồi hết đó. Song có điều khác thầy này vừa vui thầy kia lại buồn, thành ra con lại sinh ái ngại. Ôi! Chớ chi con được làm một thầy nhà tập rốt hết thì khỏi lo về việc ai cả! Con nói như vậy để xin mẹ cầu nguyện cho con và cho các thầy hết thảy, vì cả nhà dòng hèn mọn con đây chỉ nội một tuần cũng đủ tan nát hết mà con không thể chống đỡ  lại được cách nào, có khi con lại làm hư mau hơn. Nếu công việc xuôi thuận thì rõ không phải tại con, song là tại Chúa. Càng ngày con càng thấy rõ sự thật, cảm ơn Chúa!

“Còn chuyện chi nữa? à! Chúng con đã khởi sự bán bánh sữa tại Huế. Nếu bán chạy thì chúng con sẽ kiếm được tiền độ thân theo cảnh nghèo…”

Từ giã Mẹ. Fm. Benoît.

CHƯƠNG IX

Từ khi cha khấn tạm 21-03-1923 Đến khi khấn trọng 21-03-1926

Bấy lâu gọi mấy cha con là thầy dòng, song chưa phải thầy dòng thực danh theo giáo luật. Muốn được vậy phải khấn hứa, trước khi khấn phải tập một năm. Dòng nào muốn tập lâu hơn mặc ý, song ít là phải tập một năm theo giáo luật thì việc khấn hứa mới thành. Cha Benoît đã định tập ba năm: một năm Hội thánh, hai năm bản dòng. Nay cả ba năm đã gần xong (1920-1923), cha con cùng nhau sửa soạn khấn hứa.

Cha BENOIT, Cha BERNARD và anh em tiên khởi; hai Cha Mauro, Placido, anh Thaddéo anh Laurend, Phanchico, Micael

Nhân dịp Đức Cha chủ sự lễ phép khấn, cha cũng tính xin ngài truyền chức linh mục cho hai thầy trong dòng và làm phép chuông luôn thể. Hay đâu khi ấy gặp ngay kỳ Đức Cha Lecroart Thanh Tra Toà Thánh miền Đông Dương đang ở Huế, thì Đức Cha địa phận cũng mời ngài ra viếng Phước sơn.

 Được tin, cha con vui mừng khôn xiết, lập tức dọn dẹp trang hoàng cả vật chất lẫn tinh thần. Theo luật phải cấm phòng mười ngày trước khi khấn. Cha Benoît vừa cấm phòng vừa giúp cấm phòng cho con cái, kẻ chịu chức người khấn hứa, kẻ lại lãnh áo dòng. Mọi người đều sốt sắng, nhưng chắc cũng lo ra vì phải dự bị cuộc nghênh tiếp Đấng Đại diện Đức Thánh Cha đến Việt Nam lần đầu tiên.

Chiều ngày 19 tháng 03, lễ thánh Giuse, toe toe mấy tiếng còi xe hơi, xoá tan làn không khí thâm u. Cha con hớn hở nhốn nhác trông nhau, vội vàng áo mão sắp hàng ra rước các vị thượng khách. Cuộc nghênh tiếp có vẻ tôn nghiêm khác nào năm 1131, thánh Tổ Bênado và các thầy Claravalle ra rước Đức Giáo Hoàng Innocentio. Trong hạnh thánh nhân có chép: “Khi Đức Thánh Ngài tạm ngự ở thành Auxerre, có ngự giá thăm nhà dòng Claravalle các thầy ra đón rước. Tiên phong là thầy cầm Thánh giá tiếp đến thánh Bề trên và các thầy đi hai hàng nghiêm trang hát thánh vịnh, cặp mắt chăm chỉ ngó xuống, dầu có Đức Thánh Cha và các Đức Hồng Y hộ giá, các thầy cũng chẳng trông xem, khiến các Đức Ngài phải động lòng đến sa nước mắt…”

Thế Đức Cha Thanh Tra và cha  ký lục có bị cảm kích đến ra lệ vì mấy thầy dòng Phước sơn chăng?–Không biết! Phần bản dòng không dám nhận, rước hai Đức Cha vào nhà thờ giữ lễ nhạc Hội thánh xong, thì rước hai ngài vào nhà hội chung hai Đức Cha an toạ rồi thầy nhạc trưởng ra giữa nhà hát hát bài Phúc âm, kể sự Đức Chúa Giêsu đặt thánh Phêrô làm Giáo Hoàng tiên khởi, trao chìa khoá thiên đàng và ban quyền xét xử. Tất nhiên cha Tổ Phụ dòng Phước sơn có ý tôn xưng cách công khai: Đức Cha Thanh Tra là đại biểu tông toà, cha con đều hết lòng kính yêu tùng phục như chính Đức Thánh Cha hiện diện. Đoạn cả nhà quỳ rập sấp mình lạy hai Đức Cha, rồi hôn nhẫn ngọc thế là xong cuộc nghênh tiếp.

Ngày 21-3-1923, lễ thánh tổ Benoît, Đức Cha già Lý đã kính nhường Đức Cha Thanh Tra chủ sự mọi lễ nhạc. Trước hết làm phép chuông, sau đến cuộc khấn hứa. Thế là chuông vừa được chịu phép thánh bởi chính tay ngọc đấng đại diện Đức Thánh Cha, thì lần thứ nhất nổ tiếng vang dội báo hiệu mừng cha Bề trên Tổ phụ và mấy đệ tử đầu tiên dâng mình cho Chúa, nhận Chúa làm kỷ phần.

Lễ phép khấn cử hành tại nhà hội chung. Đức Cha Thanh Tra đóng phẩm phục, mão ngọc gậy vàng oai nghi ngự giữa, hai bên tả hữu có Đức Cha già Lý và cha ký lục, chung quanh thì quý khách và thân hữu các thầy dòng vô số, chú mục vào các lễ nghi, cha Benoît khiêm-từ bước ra, theo sau có cha quản lý Bernard và bảy thầy khác sắp hàng chữ nhất trước nhan Đấng chủ sự. Cha Benoît tiến lên đọc lời khấn, song thì cha quản lý và các thầy khác tiếp theo. Vinh hạnh thay “của lễ đầu mùa” thượng tiến Chúa do công khó nhọc cha Tổ Phụ gieo vãi vun  trồng! Nay cha con cùng nhau uống chén trường sinh.

Theo lê thường: đó là việc tình cờ gặp may, song thật Chúa đã xe định từ thuở đời đời, cho Đấng Đại diện Đức Thánh Cha nhận lời khấn của mấy thầy dòng tiên khởi tu viện Đức Bà Việt Nam trên núi Phước sơn.

Khấn hứa xong tiếp đến lễ phong chức cho hai vị linh mục tiên khởi bản dòng, quý hiệu là Mauro và Placido, hai cha này chúng tôi đã có lần nhắc tới. Ngày ấy hai cha cũng được lãnh áo dòng với bốn thầy khác, trong số ấy có thầy Martino Châu sơn đã qua đời. Lễ tất hai Đức Cha rời gót ngọc, cha con khởi sự cuộc đời mới.

Khấn hứa rồi cha con mở màn cho đời sống mới. “Mới” đây không phải về cách ăn ở bề ngoài, song là về cách thụ động bề trong bấy lâu khi có ơn nghĩa, làm việc thì được công đáng thưởng đời sau; nhưng từ khi khấn, mọi việc làm theo luật dòng lại được thêm một công mời về đức thờ phượng. Lời khấn làm cho người khấn trở nên người thánh, ắt công việc làm cũng phải làm đẹp mắt Chúa hơn, miễn là trung tín với chức bậc mình. Từ đó cha Benoît càng ra sức chăm chỉ giữ luật đúng từng phẩy từng nét, đồng thời thử xem có điều nào quá nhiệm nhặt cho môn đệ thì phải chế giảm tuỳ công ích.

Tiên vàn xét về luật làm thinh. Trước đã nói: thượng tuần tháng 11-1922, cha bắt thăm hỏi ý kiến các thầy có nên giữ miệng trọn đời hay là cuối tuần còn được nói chuyện nửa giờ. Kết quả: 14 phiếu ưng giữ miệng nhặt còn 7 phiếu nói chuyện giữa giờ, cha liền cho thử cả hai cách, đến khi khấn sẽ xét lại. Từ đó nhà tập giữ miệng nhặt, nhà thử được nói chuyện mỗi tuần nửa giờ. Nay khấn rồi cha lại bắt thăm hỏi ý kiến lần nữa. Song phen này ngược lại: số phiếu nói chuyện mỗi tuần nửa giờ nhiều hơn số phiếu giữ miệng nhặt, nên cực chẳng đã cha phải theo phần thắng số mà nhất định khoản luật này. Là từ đó các ngày Chúa nhật lễ trọng được nói chuyện sau cơm tối. Trừ trót mùa chay thì không.

Từ khi lập dòng cha con vẫn phải chăn trâu, bò, chiên, dê. Việc đó rất ích lợi về đàng thiêng liêng, song sự thiệt hại cũng không nhỏ, có khi lợi bất cập hại. Nên từ khi khấn rồi cha định việc chăn nuôi súc vật phải để lại cho gia nhân, các thầy giữ luật chung nội luỹ cấm cũng vừa rồi. Phần cha không những giữ luật vì ý cao thượng, vì đã khấn buộc mình lại còn để nêu gương cho con cái. Bấy nhiêu lẽ thúc bách ngài giữ luật đến bậc anh hùng.

Về sự dùng vật thực, cha ra sức giữ luật chung mọi đàng. Vốn lương thực của bản dòng đối với người Việt Nam không đến nỗi quá cực, hoặc có quá song không phải luôn, nhưng đối với người âu châu thật quá là một Thánh giá không nhẹ! Thế mà cha vẫn cố nhắm mắt nuốt ngon lành mau chóng cho xong bữa, dầu khi gặp cơm hẩm gạo nứt độn sắn, bắp, khoai, với quả cà mặn, dưa chua!

Thường ngày thứ bảy, thì ngài lại chỉ dùng cơm không. Trong luật thánh tổ Benoît dạy: những người già nua và kẻ niên thiếu không nên bắt giữ luật nhặt trong sự ăn uống. Cha đã theo sự hiền từ khôn ngoan và đức hiền từ thánh Tổ mà châm chước cho các cha Tây, song chính mình ngài thì không bao giờ dùng phép rộng ấy.

Lần kia xẩy ra một câu chuyện: thầy giúp bán có lòng tốt, song cha cho thầy làm cớ khiến ngài phạm luật chung và tội mê ăn, số là: luật dòng cho phép các ngày lễ trọng được làm bánh mứt theo cảnh nhà nghèo dọn ít nhiều cho mọi người bằng nhau. Một hôm gặp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, cha quản lý cho làm bánh sắn mỗi người một cái. Thầy giúp bàn theo lòng tốt tự nhiên yêu kính Bề trên, đặt cho ngài hai cái. Đến giờ dùng bữa, cha khoanh tay cúi đầu, cặp mắt ngó xuống đi vào nhà cơm, không hay trên bàn dọn chi, một hay hai bánh. Làm phép bàn xong khởi sự dùng cơm, bánh mừng lễ Dức Mẹ, bánh sắn không nhân chẳng ngon chi song muốn giữ trí ý Phúc âm, dọn chi ăn nấy, đã hai bánh thì ngài cũng dùng hai mừng lễ không ngờ anh em mỗi người chỉ có một! Dùng xong như mọi khi, cha đưa mắt nhìn xen con cái ăn uống thế nào, có giữ nết na chăng. Ngờ đâu! Trông thầy nào cũng chỉ có một chiếc bánh, mà mình thì đã dùng hai cái rồi! Khi ấy chắc máu nóng ngài bốc sôi nhưng cũng bấm bụng chịu vậy. Cơm xong ngài kêu mấy thầy giúp bàn phạt cho một bữa xiểng liểng vì làm cớ cho ngài lỗi luật và phạm tội mê ăn. Cha còn cứ dạy đi dạy lại: Bề trên chi, Bề trên hai cái bánh! Mà chưa hết đâu! Đến giờ hội chung ban tối, ngài còn giảng cho một bài đại thể để cất gương xấu và tội mê ăn!

Về sự ăn chay. Vốn tự nhiên ăn chay cực cho xác, nên người ta quen nói: phải ăn chay. Phần cha Benoît nói ngược lại: được ăn chay! Vì chẳng những ngài không sợ, lại ham thích trong các thơ cha nói mình cần phải ăn chay, phải ăn chay để rồi ăn cho ngon! Song đến bữa thì ngài lại dùng ít. Trong thơ ngài viết cho bà kế mẫu ngài nói mình ăn mạnh bằng bốn mươi người, song thật thì ngài chỉ dùng bằng một phần tư hay một phần hai anh em. Theo thói khi ấy, dọn cho mỗi người một đọi cơm hai bát úp một, ăn hết được tiếp thêm tuỳ sức. Phần cha không khi nào cho tiếp thêm. Các thầy giúp bàn thấy vậy lần thứ nhất lấy nhiều cho ngài, ngài biết ý thí không dùng hết lại còn la qưở: chúng con lấy cơm cho cha như lấy cho nhân công lực điền!

Từ khi Đức Cha giao họ Phước Sơn cho nhà dòng, như đã kể trong chương VIII, thì các ngày Chúa nhật cha xuống giải tội giảng dạy làm lễ xong mới về nhà dùng cơm. May đàng không xa mấy, chừng hơn nửa giờ. Khi trời đầm ấm mát mẻ có khá, chỉ như tiết đông thiên mưa dầm nắng hạn, chay lòng mà cuốc bộ chân không như thế không phải không cực! Ban đầu cha Bề trên  và cha quản lý cùng nhau thay đổi, sau công việc thêm nhiều và có thêm các cha thì ngài đã đặt cha phó coi họ Phước Sơn thay ngài. Cha Placido trạch đã giữ chức ấy nhiều năm.

Cha Benoît ái mộ công việc thủ công hơn nữa. Đừng kể công việc làm nhà như gánh đá, gánh vôi, cưa gỗ, còn việc thường nhật quanh năm, bất luận việc chi hễ anh em làm là cha không bao giờ bỏ, hoặc việc chung như xay lúa giã gạo, cuốc đất, gánh phân, đi rú, hoặc việc theo phiên tuần: rửa chén bát giúp bàn, giúp bếp, gánh nước. Nhiều lần cha còn phải sang tận Gia-bình, An khê mua lúa mua tre, đi về bốn tiếng đồng hồ. Người quen gánh vác còn cực, huống chi vai ông Tây, mà ông Tây gầy ốm. Một hôm gánh lúa qua chợ Yên-Gia, đồng bào đông vô số ai cũng kêu: ô hô! Kia coi ông Tây gánh lúa! Giỏi chưa đôi khi ngài cùng môn đệ chèo đò xuống cửa Tùng mua muối. Vào nhà ông thương chánh cân muối xong, cha ghé ngay vai gánh xuống đò. Thấy vậy bà đầm thương chánh kêu la gọi bồi ra gánh hộ đỡ!

Tuần giúp bếp thật cực vì có nhiều việc nặng nề. Một mình phải quây nước gánh đổ bể mỗi ngày hai lần, chừng vài chục gánh. Thấy ngài gánh nước thì vừa tức cười: đặt gánh nước lên vai nặng è cổ, nổi gân lên, mặt đỏ tỉa, nhiều khi đòn gánh đè phải râu đau méo miệng, thế mà đi ngay đâu, lại còn đứng rở bác vật tìm trọng lực (pesanteur), xê đi xê lại trên vai cho bằng nhau, không bên nào chúi xuống mới chịu đi cho! Thật là cụ tú già gánh nước! Gánh nước rồi phải đãi gạo, rửa rau, vác củi. Đến giờ thì rỡ cơm xúc vào hai bát úp một đặt cho từng thầy. Thầy đầu bếp nhiều khi tranh làm đỡ ngài mấy việc đãi gạo, rỡ cơm…vv song gánh nước vác củi thì ngài không cho ai giúp bao giờ. Nhiều khi củi hết, trên rú chưa xe về thì phải tự mình đi kiếm lấy chung quanh đồi…

Song việc đi rú chặt củi gay nhất. Thường mỗi tháng một lần vào ngày thứ sáu cả nhà đi làm củi, ngày ấy hát lễ dòng sớm hơn mọi khi. Xong mọi sự cha con sắp hàng một, lớn trước nhỏ sau, tay tả cầm dao cặp nách, tay hữu nếu rảnh thì cầm chuỗi lần hạt hay úp vào ngực chớ không được “Đánh xá” (vung tay). Cha đi trước hướng lộ, con đi theo sau như đạo binh hùng dũng theo quan tướng. Đến nơi, quỳ gối hát kinh chầu Mình Thánh Chúa, kêu xin Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse, Thiên thần bản mạnh và các thánh  bầu cử cho, rồi chia nhau mỗi người chặt mỗi ngả độ một giờ cha Bề trên vỗ tay làm hiệu, mọi người lại hát mấy câu kinh như trước. Lúc này nghe thật cảm động vì ai nấy ở xa nghe ngài hát cung giọng rôm rã thì cũng rán sức hát theo, vang một góc rừng. Gần trưa, các thầy ở nhà gánh lương thực đến, anh em nghe hiệu tựu họp đọc kinh giờ III giờ VI, rồi kẻ chặt lá làm chiếu, người rỡ cơm múc canh. Đến giờ, cha con ngồi lại theo đẳng cấp, đọc kinh làm phép bàn rồi ai nấy vừa dùng cơm vừa nghe sách, cơm sốt canh nóng, vui khoái mà trang nghiêm, như bữa tiệc cá nướng bánh khô mấy tông đồ ngư phủ ngồi xổm cầm thực với Chúa ở hồ  Tiberiade. Cơm xong cha con các tán tìm chỗ nghỉ. Ngài nằm xõng xượt giữa rú, đầu gối khúc cây, úp mũ lên mặt tay cầm bộ chuỗi, không biết ngủ hay đọc kinh. Chừng một giờ, thì hội nhau lần chuỗi và đọc kinh giờ IX. Kinh xong, buổi sáng ai đã chặt được bao nhiêu thì kiếm dây bó lại xấp đống một nơi sau có xe trâu chở về. Việc này gay nhất cho mấy thầy bút nghiên: tìm dây đã cực, bó lại không rồi, sổ trước sụt sau, mà cha thì làm mau như chớp, bó đã tài vác cũng mạnh!

Còn một việc cực khổ hèn hạ nhất thì cha giữ cho mình lâu năm đó việc quét dọn vệ sinh. Ngài không cho cắt phiên, mãi đến khi gần lìa thế, nằm liệt một bề mới trối lại cho con cái. Ngày ngày sáng ra kinh lễ xong, cha xách bình xuống giếng lấy nước về quét dọn nhà vệ sinh rồi mới đi làm việc khác. Không ai tranh được, ai táo bạo thì bị quở liền, trừ khi cha mắc khách hoặc đi khỏi. Trong việc ấy ngài lại giữ đức khó khăn cách lạ, chính ngài đã nói và dạy vẽ con cái: ngài lấy nước về tưới dội chùi rửa nhà vệ sinh, nếu còn dư thì đổ luôn cho hết, rồi về cất bình, đem âu đi lấy nước khác rửa chân tay chớ không dùng nước còn dư vì ngài nói mình đã khấn đức khó khăn thì không được dùng bình chung lấy nước cho mình, phải theo luật chung, đem âu xuống giếng lấy nước. Có khi độc giả cho là quá nhặt, song cha quen giữ đức khó khăn hoàn toàn mọi nét để làm gương cho một số người lương tâm quá rộng!

Công việc đã vậy, còn sự ngủ nghỉ thế nào? theo luật thì tối tám giờ đi nghỉ, đêm hai giờ dậy, Chúa nhật lễ trọng thì dậy 01 giờ 30, hoặc 01 giờ 45 tuỳ nghi. Tất nhiên cha phải giữ luật không bớt ngủ được, song ngài ngủ thế nào? Lối năm 1928, ngài ra Bắc, đến Kẻ sở có gặp chung các thầy Thần học nói chuyện về việc Dòng. Ngài nói: “Trong anh em chúng tôi có nhiều người sốt sắng lắm, tôi làm tướng mà không theo kịp! Có thầy ban đêm ngồi mà ngủ!” vậy khi ấy trong các thầy có ai ngồi mà ngủ không?- không biết, nếu có thì có lẽ cha cũng vào số đó được, song không dám chắc, chỉ rõ một điều là trong mùa đông luật dòng cho dùng mền, mà cha không dùng bao giờ, chỉ dùng hai cái bao tạ, bề ngang sáu tấc, nếu đính lại với nhau thì còn khá, song ngài cứ để vậy: đắp dọc thì không kín, đắp ngang thì hụt đầu hụt đuôi, thành thử lạnh vẫn hoàn lạnh, nhất là tiết đông thiên mưa dầm gió bấc. Nếu cha không ngủ nhiều được, thành ho lao!

Về đức ái nhân, Cha Benoît đã học được đức tính quí hoá ấy nơi ông thân ngài ngay từ lúc non thơ. Mấy năm làm cha sở Nước mặn, Cha đã nên mọi sự cho mọi người như thánh Tông Đồ. Khi ấy Cha chỉ phụ trách phần hồn cho con chiên, lại nhiều kẻ vong ân bạc ngãi, mà ngài còn thương như vậy, phương chi nay làm cha nhà dòng cả xác lẫn hồn, lại thấy con cái đều tỏ tình mến yêu tín  phục, thì lòng âu yếm của cha nồng nàn đến thế nào? lúc bằng an khoẻ mạnh cha lo lắng đã rồi, nhất là khi ốm đau bệnh tật càng săn sóc hơn. Hiện nay cả ba nhà dòng: Phước Sơn, Châu Sơn, Phước Lý, các cha các thầy con cái cựu của ngài còn sống hai mươi lăm vị không một ai không khen ngợi tấm lòng cha đối với con tận tình thân ái.

Khi giúp bàn, ngài để ý xem thầy nào ít ăn thì ngài dạy ăn thêm hoặc bảo dọn đồ ăn cho khá, trái lại thầy nào kén ăn thì ngài la quở để chữa tật bệnh linh hồn. Như có lần một thầy kia không biết tại sao không ăn cơm cháy, xin đổi cơm khác, ngài biết thì la quở: “này chúng con xem, anh X… yểu điệu chưa, không chịu ăn cơm cháy, đòi cơm khác kia!” thầy ta thẹn đỏ mặt vội ra quì chùm hum giữa nhà cơm chịu lỗi, cha tỏ nét hiền từ nói: “thôi con lên ngồi ăn lại cho rồi!”

Lúc dòng mới sơ khai, cha con xuất hành phải dùng áo tơi Việt Nam. May nhờ cha quản lý Bernard vào dòng có đem theo một cái áo khoác (pélerine) còn mới, rồi có người ân nhân cho hai cái nữa một cũ một mới. Cha liền thêm vào hiến pháp câu rằng: “khi đi đàng thì được dùng áo khoác thâm”.

Một hôm trong tháng chạp 1930, trời mưa bụi, cha đi Huế đưa hai thầy đi học làm y tá Phòng y phục đưa ba cái áo khoác, tự nhiên phải đưa kính cái mới và dài. Song vào đến Huế ngài đổi lấy cái cũ, rồi trong mấy ngày ở đó, ba cha con cùng đi với nhau, cha đi trước mang cái áo đã cũ lại vắn, hai con theo sau, xúng xính mỗi người cái áo vừa mới vừa dài!

Thầy Leô Phòng, quê ở Búng, địa phận Phú Cường, đau nặng, cha đã hết sức lo lắng thuốc men cơm cháo, thế mà khi thầy qua đời rồi, ngài cứ phàn nàn; cha săn sóc cho anh Lêô chúng tôi chưa đủ, cha buồn lắm! Cha dốc lòng về sau ai đau nặng, thì lo lắng tận tuỵ hơn. Song ngài chưa được dịp thi hành điều dốc quyết thì đã nghỉ giấc trăm năm.

Khi ấy chưa có nhà thương, song dùng hai ba căn đầu nhà gia nhân rạp thợ làm nơi cứu thương cấp bách. Đêm kia họ khênh đến một bệnh nhân kẻ ngoại. Thầy khán hộ lo kẻ liệt ngoài vào trình cha, ngài liền bảo lấy thuốc kêu cả thầy y tá trong nhà ra, ba cha con xuống hì hục nhóm lửa nấu nước nóng đổ vào chai đặt chung quanh người liệt, không quản nhớp nhúa tanh hôi đêm hôm mất ngủ.

Thật ngài đã nên cha kẻ khó khăn. Mấy năm làm cha Sở Nước Mặn, ngài cho hết tiền bạc rồi thì nấu cơm phát cho họ. Đã rõ khi ấy ngài chẳng những không giàu có, lại mắc nợ tứ tung. Song ngài có đức tin mạnh: cho kẻ khó là cho Chúa vay, Người sẽ trả cả vốn lẫn lời. Phương chi nay ngài làm cha một tu viện, buộc phải giữ thêm luật thánh tổ Benoît: “về khách khứa thì phải tiếp rước cho hết dạ, nhất là kẻ khó khăn, vì tiếp rước kẻ khó khăn thì tiếp rước Đức Chúa Giêsu hơn!” thầy Bathôlômêô (ở Châu Sơn) có gửi ba chữ làm chứng: “Khi con coi nhà khách, nhiều lần thấy ngài cho mỗi người một đồng(bạc 7 quan 50) hoặc năm ba giác, thế mà ngài cứ phàn nàn: “E cha chưa có lòng thương kẻ khó cho đủ, phải đánh ngực ăn năn!” mấy thầy khác cũng đồng một ý.

Phần xác còn vậy, phương chi phần hồn? Ngài lưu tâm cách riêng đến người ngoại giáo. Từ hồi bước chân sang đất Việt, trái tim cha đập một điệu với Thánh Tâm Chúa: cứu vớt sinh linh. Sáng lập chi dòng Phước Sơn, mục đích cầu nguyện cho đất Việt và cả thế giới trở về chính lộ. Trong một lá thơ gửi cho cố Bình (R.P. Radelet, sau vào dòng đội tên là cha Remis qua đời ở Châu Sơn) cha nhấn mạnh về vấn đề ấy. Trích bức thơ sau đây:

“Phước Sơn ngày mồng 1 tháng 8-1924. Lạy cha, mấy người cha muốn cho vào dòng thì con rất vui lòng nhận, vì chúng con sẽ không bao giờ kể là đông quá, con lại ước ao giảng cho khắp đất Việt nghe mấy lời thánh tổ Benađô rằng: sung sướng thì cheo leo cho đức sạch sẽ; lắm của thì dễ mất đức khiêm nhường; nhiều công việc thì bớt lòng sốt sắng; nói nhiều dễ lỗi đức thật thà; giữa thế gian điên đảo khó giữ được lòng kính mến; vậy anh em hãy tránh khỏi Babylon, hãy lo cho linh hồn mình được rỗi!” và con xin thêm rằng: hãy lo cho kẻ ngoại được rỗi nữa! Con thêm mấy lời đó vì mục đích chúng con ở đây là đem phần rỗi cho các linh hồn. Hàng ngày chúng con lần hạt ba chuỗi cầu cho kẻ ngoại. Các kinh chúng con đọc, việc chúng con làm, sự đau khổ chúng con chịu đều dâng lên trước toà Chúa qui về mục đích ấy cả. Mỗi ngày có một thầy trong chúng con chầu Mình Thánh Chúa một giờ, đi đàng thánh giá một lần và đánh tội vừa đánh vừa đọc một kính Miserere, cầu cho kẻ ngoại. Lại hàng tháng các ngày 15, chúng con dâng một lễ Misa, xem lễ và rước lễ cầu cho Viễn Đông trở lại..”

Cha Benoît nhiệt tâm cứu giúp sinh linh thế nào, cứ xem cách ngài hành động khi làm bổn sở Nước Mặn thì rõ. Cha thấy việc tông đồ bề ngoài xem ra ít hiệu lực thì đã vâng ơn Chúa lo nhốt mình trong chốn cổng kín tường cao để làm hậu thuẫn giúp đạo binh tiên phong, mở nước Chúa bằng sự hãm mình cầu nguyện. Cha có đặt một kinh cầu cho dân ngoại Việt Nam trở lại, kinh này đã bành trướng khắp các địa phận nước nhà:

Kinh cầu cho Việt Nam chưa Công Giáo:

“Lạy Chúa Trời lòng lành vô cùng hay thương xót linh hồn kẻ có tội, xin Chúa đoái thương dân Nước Việt Nam đang còn ngồi trong bóng tối tăm ngoại giáo mà đưa về đàng chính lộ  cho khắp nước đều thờ một Chúa mà thôi. Ớ Chúa tôi! Xin Chúa lắng tai nghe tiếng máu muôn vàn đấng tử vì đạo đã đổ rước khắp cả nước này hằng kêu đến cùng Chúa. Xin hãy làm cho những giọt máu ấy đặng trở nên hạt giống tốt lành trổ sinh con nhà có đạo  cho đâu đó đặng thờ Chúa sum vầy.

Lạy Chúa, thưở Chúa mới giáng sinh, Chúa đã kêu gọi ba vua Phương Đông đến thờ lạy Chúa. Lại Chúa cũng đã phán rằng: “Ngày sau sẽ có nhiều kẻ bởi Đông, Tây đến nghỉ ngơi cùng thánh Abraham trên nước Thiên Đàng”. Nay Nước Việt Nam cũng là một cõi phương Đông, đang còn nhiều kẻ chưa hề nhìn biết Đấng Chí Tôn; Xin hãy đưa về cùng Chúa, hầu ngày sau đặng nghỉ ngơi trên nước thiên đàng chúc tụng ngợi khen Chúa đời đời kiếp kiếp. Amen

Lạy Đức Bà Maria là Mẹ riêng Dòng chúng tôi, xin Mẹ nhậm lời chúng tôi nguyện, việc chúng tôi làm, mà đưa lên trước toà Chúa, xin Chúa chịu lấy mà ơn cho dân ngoại giáo Nước Nam đặng trở lại Đạo thánh, làm tôi Chúa cùng làm con Đức Mẹ ở đời nầy, hầu ngày sau  đặng về cùng Chúa và Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng. Amen

CHƯƠNG X

Từ khi khấn trọn (21-03-1926)  đến khi qua đời (25-07-1933)

Qua 3 năm khấn tạm, nay ngày Tận hiến trọn đời đã đến. Trong suốt ba năm Cha đã chuẩn bị với bao lễ vật hy sinh để cùng với toàn thân của Cha hôm nay hiến tế trên bàn thờ Chúa.

Thật là một ngày đại lễ, cảnh cô tịch của núi Phước cũng không khỏi đượm màu tưng bừng náo nhiệt. Rất đông các quan khách khắp nơi tới dự lễ gồm nhiều Linh mục Thừa sai và bổn quốc trong địa phận, cả những vị trước kia nhầm tưởng rằng tính Ngài hay thay đổi khó thành đạt, nay thấy rõ công việc Chúa làm, tỏ vẻ hối hận, cùng nhau đến chia vui và cảm tạ Chúa.

Hôm ấy, lễ Thánh Tổ Benedecto (21–03-1926). Đúng 8 giờ sáng, một hồi chuông ngân vang báo hiệu giờ lễ, mọi người tề tựu tại Nguyện đường Tu Viện. Cố Chính Giáo (T.R.P. Chabanon). Đại diện Đức Cha làm Chủ tế nhận lời khấn sau bài Phúc Âm,Cha Tổ Phụ Dòng Xitô Việt Nam tiến lên trước Vị Đại diện Chúa, lớn tiếng tuyên thệ lời Tận hiến toàn thiêu, trong bầu không khí trang nghiêm và thánh thiện. Từ giây phút này, Cha được đóng ấn danh hiệu tu sĩ đích thực trước mặt Chúa và Giáo Hội. Tiếp đó Cha Quản lý Bernard và hai thầy Niên trưởng: Giacobe Nghĩa và Tadeo Chánh cũng được diễm phúc tận hiến trọn đời kính Chúa.

   Vào thượng tuần tháng Tư năm ấy (1926) Đức Khâm Mạng Ajuti và Đức Cha già Lý thân hành tới thăm Dòng. Xe hơi vừa tới, thầy giữ cổng rất đỗi vui mầng, hoảng hốt chạy vào báo tin mà quên mở cổng khác nào chị Rô-dê xưa, khi nghe tiếng Thánh Phêrô gọi thì mầng quýnh vội chạy vào báo tin mà quên mở cửa cho Thánh nhân (Act.12,13). Sau đó cả cộng đồng Tu Viện, hớn hở áo mũ chỉnh tề hân hoan đón tiếp hai vị Thượng Khách cách trọng thể theo nghi lễ Dòng. Cảnh khổ tu trên Núi Phước đã đem lại cho Đức Khâm Mạng niềm cảm khái vô song. Cha Bề Trên Benoît hết tình con thảo quỳ dưới chân Ngài trình bày mọi sinh hoạt của Tu Viện. Trông hệt như bức ảnh chị Thánh Théresa Hài Đồng Giêsu quỳ dưới chân Đức Giáo Hoàng Léo, xin phép vào nhà kín khi mới 15 tuổi.Trong dịp nầy Đức Khâm Mạng hứa ban cho Dòng một bộ Hài cốt các Thánh để rước kiệu, sau đó ngài đã gửi cho.

Kể từ ngày thành lập, dòng Khổ tu Phước sơn chỉ được mấy địa phận Trung - phần biết tới, nhưng theo ý định Cha là lập Dòng chuyên bề hãm mình cầu nguyện cho cả giòng giống Lạc Hồng. Bởi vậy cuối năm 1927 sang năm 1928, Cha ra Bắc để giới thiệu bản Dòng. Cuộc hành trình này, cùng đi với Cha có Cha Roberto Trụ (Hà nội tức Cha Roberto hiện ở Châu sơn, Bắc-Việt). Trừ những quãng đường phải đi xe lửa, còn thì hai Cha con cứ cuốc bộ và tự mang lấy hành lý, trừ khi mệt quá mới thuê xe tay chở hành lý, rồi hai Cha con theo sau khoanh tay lần hạt; đi tới đâu người ta cũng đua nhau ra xem, vì thấy các ngài ăn mặc kỳ dị, đầu đội nón lá, đi chân không, trông thật cảm động. Tới mỗi địa phận, Cha thường viếng thăm Nhà Chung và các Chủng Viện. Tới Đại Chủng Viện Kẻ Sở (Hà nội), khi gặp gỡ các thầy, Cha thanh minh ngay; mình tới giới thiệu Bản Dòng chứ không phải cổ võ hoặc quyến rủ các thầy vào dòng, tuy nhiên ai được ơn Chúa soi dẫn thì theo. Còn hồ nghi thì cứ ở bậc Chúa đã kêu gọi: “In-dubio melior est conditio possidentis”.

Tới Hà-Nội, Cha vào nhà thờ chánh toà, mấy “Bà đầm” rất đỗi ngạc nhiên trước dung mạo một cố Tây thân hình gầy guộc, ăn mặc vải thô nghèo khó, đi chân không... Đến Tiểu Chủng Viện Hoàng Nguyên, nhằm tuần cấm phòng các thầy Giảng, Cha Bề Trên nhà trường có nhã ý mời Ngài giảng và Ngài đã giảng một bài về 12 bậc khiêm nhường theo quy luật thánh tổ Benedicto. Nghe xong một thầy nói: “Bấy lâu chúng con chỉ nghe tiếng khiêm nhường với khiêm nhường mà chẳng hiểu gì, khác nào như vịt nghe sấm, một bực mà chưa hiểu phương chi 12 bực leo trèo bao giờ cho thấu”

Lúc đi đường Cha không giữ tiền bạc, không đeo đồng hồ, tất cả đều giao cho thầy Roberto giữ. Đâu đâu cũng được tiếp đãi niềm nở và chu đáo: phòng ngủ chiếu đệm, mùng màn, xà bông thơm.v.v. đủ mọi tiện nghi. Song có đấng thuật lại: “Ngài không nằm ngủ trên giường đệm, bèn nằm dưới sàn mà ngủ”. Cha cũng không dùng xà bông thơm; trái lại thầy Roberto quen thói các thầy nhà trường đi đâu người ta dọn chi dùng nấy, nên thầy dùng xà phòng rửa mặt nức mùi thơm, Ngài liền la quở: “Con theo thói thế gian.”

Cuộc giới thiệu này đã mang lại kết quả đẹp, nhiều người xin gia nhập Bản Dòng, Địa Phận Hưng Hoá có: Cha Cúc, ông Giáo Nghị, Thầy Bốn Khoa; Bắc Ninh có anh Tư; Hà Nội: thầy Lêo Trác, thầy Vinh Sơn Chu Kim Tuyến, thầy Maximo Hậu, Cha Phaolô Nhân, thầy Conrado Kỳ, Cha Silvestern Niên; Hải Phòng: Cha Chrisôgno Cương:thầy Raphael: Phát Diệm: thầy Alphongso Khải, thầy Raphael Mẫn và thầy Pio Trí (hai thầy này sau gia nhập Dòng Mỹ Ca, thầy Raphael bị tai nạn bom đã qua đời, còn thầy Pio tức Cha Alberico cựu Bề trên Mỹ Ca). Đặc biệt nhất là địa phận Bùi Chu, Cha được cố Bề trên trường các thầy giảng (cố Tràng Gia) tiếp đón niềm nở và ban phép cho nhiều thầy Giảng vào Dòng, như các thầy: Luca Cát, Sabba Thân, Giaxintô Tín, Bruno Thiện, Barnaba Thạc, Athanasio Triệu... đa số hiện còn sống. Còn hai thầy Felix Thạnh và Simon Vượng đã qua đời tại tu viện Châu sơn (Bắc Việt). Riêng địa phận Vinh có nhiều thầy vào từ trước, như thầy Martino Khanh (sau thụ phong linh mục làm Bề trên Châu Sơn, đã qua đời sau khi đi tù về), Thầy Augustino Cựu (tức cha Quản lý dòng Phước Lý), thầy Phêrô Hồng (hiện còn sống ở Châu sơn Bắc việt).v.v.. và còn về sau thì vào rất nhiều: cha Marcô Châu sơn, cha Hoan, cha Huệ, cha Lâm, cha Hậu, các thầy các chú vô số.

Hạ tuần tháng Hai (1928), Ngài trở về Dòng vừa đúng ngày Ngân Khánh Thụ Phong Linh Mục (7-3-1903-1928 ) và đồng thời chuẩn bị tuần cấm phòng cho ba thầy khấn dịp lễ Thánh Tổ Bênêdicto (21-3-1928), hai thầy khấn tạm: Gioan Bapt. Toán và thầy Stalislao Trương đình Vang (tức Đức Viện Phụ đương kim Tu Viện Phước Lý) và nhất là thầy Michael Biện khấn trọn đời (như chúng tôi đã có dịp nhắc tới nhiều lần, thầy là nghĩa tử yêu dấu đã được cha nuôi từ nhỏ khi còn ở xứ Nước Mặn, cho vào Tiểu Chủng Viện An Ninh học hết lớp ba, rồi khi Cha đi lập Dòng lại xin đi theo Ngài). Cũng ngày hôm ấy hồi 7 giờ sáng thầy Vinh sơn Chu Kim Tuyến Đại chủng sinh Kẻ Sở mặc áo Thỉnh sinh.

Lẽ nhân dịp ngài ra Bắc, danh tiếng đã đồn thổi mãi tới Vân Nam bên Tàu, nên hạ tuần tháng 4, chúa Nhật III sau lễ Phục Sinh, Cố Letourmy thuộc Dòng Thừa sai Paris truyền giáo bên Vân Nam tới gõ cửa tu viện và lãnh áo thỉnh sinh.

Ngày 15-8 năm ấy, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời kỷ niệm Thập chu niên Dòng thành lập, rất đông quan khách tới dự lễ tạ ơn, trong đó có vị thượng khách là cụ Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài với cậu Ấm Nguyễn Hữu Giải.

Hồi 7 giờ có nghi lễ mặc áo nhà tập cho Cố Letourmy, nhận thánh hiệu là Audomarô, và ba thầy nữa: thầy Paulô Liệu, Thomas Chiêu địa phận Vinh, thầy Emmanuel Chu Kim Tuyến Hà Nội. Tiếp đến một việc đáng ghi nhớ; số là thượng tuần tháng 5, một ông thông phán Ty Bưu Điện, ấm tử Cụ Ưng Trình. Phủ Doãn, Thừa Thiên Phủ, đến nhà Dòng xin tòng Giáo và xin vô dòng nữa. một ơn thiên triệu đặc biệt: một ông công chức người lương, con Quan Lớn, thuộc Hoàng Phái, không những xin trở lại, mà còn xin vào dòng nữa. cha Bề Trên hết sức vui mừng nói: nếu có thể rửa tội cho ông được ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời năm nay thì hay quá, kỷ niệm 10 năm lập Dòng, ngày ấy sẽ có Cha Letourmy và một lớp anh em mặc áo nữa. Vì vậy Cha thân hành giúp ông thông phán học giáo lý. Cám ơn Chúa! Ông đã thạo Pháp văn, lại trí tuệ thông minh, kinh bổn đạo lý ông thuộc mau lắm. Thể là được như cha Bề trên mong muốn. Sau lễ phép mặc áo cho cha Audomaro Letourmy và mấy anh em tập rồi thì tiếp nghi lễ ông thông phán chịu phép Thanh Tẩy độ tên thánh Bonifacius và cho mặc áo Thỉnh Sinh. Song tiếc thay trong một năm tập thầy Bonifacius bị chứng tê thấp, đành phải từ biệt Phước Sơn với lòng đầy luyến tiếc. Về sau thầy vào dòng Đaminh tỉnh Lyon, du học Âu Châu và thụ phong linh mục là Cha Bửu Dưỡng. Hôm đó sẵn có thầy phó tế Tadeo Lê Hữu Từ tới cấm phòng quyết định ơn thiên triệu tu dòng, cha Bề trên đã mới thầy làm Phó Tế Đại Lễ và giúp làm phép Thánh Tẩy cho thầy Bửu Dưỡng. Cách tháng sau cũng ngày 15 (tháng 9), lễ Bẩy Sự Thương Khó Đức Mẹ, thầy sáu Lê Hữu Từ vào Dòng lãnh áo Thỉnh sinh: trong buổi lễ có cha Lê hữu Luyến bào huynh và thầy Lê Hữu Huệ bào đệ tham dự. Ngày 19 tháng 12 năm ấy (1928), thầy thụ phong Linh Mục tại Huế do tay Đức Cha Thành (Mgr-Marcou) địa phận Phát Diệm vì Đức Cha Già Lý bị loà mắt. Khi ấy nào ai lưu ý đến chương trình Thiên Chúa quan phòng, 17 năm sau cha Lê Hữu Từ sẽ thăng quyền Giám Mục đệ tứ địa phận Phát Diệm nối quyền Đức Cha Phùng. Lễ truyền chức xong Đức Cha Thành ghé thăm Phước sơn, trong nhà hội, Đức Cha nói một câu ngàn năm bất diệt : “Ecce elongavi fugiens et mansi in solitudine. Exxpectabam eum qui salvum me… fecit quoniam vidi iniquitatem et contradictionem in civitate (ps.54)

“Này tôi chốn xa lên ở trên rừng. Trông ơn Chúa làm cho tôi được rỗi vì ở thành thị tôi thấy chỉ bất lương với bất hoà”.

Ra Bắc rồi, Ngài lại muốn vào Nam. Thượng tuần tháng 10 năm ấy Cha đem theo thầy Lêô Phòng quê miền Nam, làng Búng nay thuộc địa phận Phú Cường. Sang cho tới địa phận Nam Vang (Cao Miên). Đức Cha Antôn Thiện (đương kim Giám Mục Vĩnh Long) có thuật lại ít lời: “Khi ấy tôi là học sinh tiểu chủng viện Cù lao Giêng nhớ một câu Cha Benoît nói: “Dô” Dòng là để tìm Chúa ai gặp được Chúa thì “dui”, ai không gặp Chúa thì buồn nên xin “dề” mà “dì” ít người ra sức tìm Chúa nhưng không gặp, “dì” thế những những người xin “dề” thì nhiều lắm”.

Thầy Lêô Trần Văn Phòng

Lần giới thiệu này kết quả không mấy, địa phận Qui Nhơn có thầy Gonzaga Liêm thầy Celestino Drouai (tức Cha Coelestino hiện ở Châu Sơn), thầy Salêsio Chước. Địa phận Sài gòn có thầy Tìm, thầy Aloysio Lê Vĩnh Điện.

Khi đi giới thiệu trong Nam, ngoài Bắc, thường Ngài đến thăm các Nhà Chung và các trường Đại Tiểu Chủng Viện; nay còn Tiểu Chủng Viện An Ninh địa phận nhà, thầy vì đến thăm, thì Cha tính nhân tiện mầng Cha Tadêô Lê Hữu Từ cựu chủng sinh nhà trường mặc áo Tập sinh đổi thánh hiệu là Anselmo. Hôm ấy ban giáo sư và chủng sinh Trường An Ninh hát lễ, dưới quyền điều khiển của Cha Giáo Thi (tức Đức Tổng Giám Mục Urrutia hiện thời). Sau bài Phúc Âm Cha Larousse Dòng Chúa Cứu Thế giảng bài hùng hồn, tiếp đến lễ nghi khấn trọn của thầy Martino Khanh (tức Cha cựu Quản lý và Bề trên Châu Sơn)

Khi Đức Khâm Mạng Ajuti qua đời rồi thì Đức Drayer thuộc Dòng Phanxicô sang thế. Năm 1929, Chúa Nhật II sau Phục Sinh, Đức Cha Già Lý mời Ngài ra thăm Phước Sơn; dọc đàng từ Tiên An về Dòng, Đức Tân Khâm Mạng và Cha Bề Trên Phước Sơn cùng nhau bàn tính muốn cho Phước Sơn nhập Dòng Trappe hay Dòng nào bên Tây kẻo không bao lâu nữa Đức Cha Già Lý quá vãng;, sau về quyền Đức Cha mới không biết sẽ ra sao; song hai đấng không giám nói thẳng với Đức Cha Già Lý sợ mất lòng Ngài, nhưng khi tới nhà Dòng chính Đức Cha Già Lý lại khai mào trước hai Đấng kia thừa cơ nhấn mạnh vào yếu điểm, thế là sự việc đã đi tới thành công.

Lễ nghi long trọng rước hai Đức Cha vào nhà Hội như thường lệ. Đức Khâm sứ nói một câu rất đáng ghi nhớ: “Levavi oculos meos in montes,unde veniat auxilium mihi”(ps.120): Tôi đã ngước mắt nhìn xem núi thánh, bởi đó Chúa sẽ ban ơn xuống giúp tôi”. Đức Ngài ám chỉ xin Phước sơn cầu nguyện cho Ngài.

Hôm ấy buổi sáng nghỉ việc xác để dọn dẹp sửa soạn rước Đức Khâm Sứ. Buổi chiều, hát giờ IX xong, 3 giờ vác cuốc sắp hàng đi làm cỏ sắn. Trời nắng tháng ba, hai Đức Cha thấy ngó bộ động lòng thương, nên nói với Cha Bề Trên cho các thầy nghỉ một buổi và cho nói chuyện chung; Cha Bề Trên liền gọi thầy Roberto (lo phòng khách) bảo ra tin cho anh em Đức Cha ban phép nghỉ và cho nói chuyện chung đến tối để mầng Đức Khâm Sứ. Thầy Roberto khác nào Giuse được lệnh Cha già Giacob sai đi thăm các anh ở Sichem, vội vã ra đi với nét mặt hớn hở, thấy thầy tới, thay vì nói “kìa lão chiêm bao đang đến”, thì có thầy đã tiên đoán: chắc Đức Cha cho nghỉ, anh Roberto ra gọi về. Đúng thế, thầy Roberto la to: “Đức Cha cho nghỉ và nói chuyện chung đến tối mầng Đức Khâm Sứ”. Đồng thanh reo vang “Deo gratias) tiếp theo một tràng pháo tay ròn rã, cười vui chưa bao giờ có.

Đức Khâm Mạng từ giã Phước Sơn rồi; hôm sau Cha Bề trên hội các thầy hỏi ý kiến muốn nhập Xitô hay Dòng nào bên Tây, hầu hết xin nhập Trappe; Ngài nói: trước đã xin gia nhập, họ không nhận, nay thử lần nữa.

Khi được thơ Dòng Trappe trả lời không nhận thì ngày 04-03-1930, Ngài hội anh em làm đơn xin nhập Xitô Trung-Phép, nhận được đơn Cha Bề- trên Cả Francois Janssens vui lòng chấp thuận và bảo gởi cho Ngài bản Hiến Pháp, Ngài sẽ cử một Viện-Phụ sang tuần viếng khám xét công việc, rồi chờ Đại- Hội quyết định.

Tháng Tư năm 1930, hai Cha người Trung Hoa địa phận Tứ Xuyên xin vào Dòng, là Cha Mạch Đại Quang 52 tuổi và Cha Vương Công Đức 26 tuổi, mới chịu chức. Rủi quá, cách hai tháng Cha Mạch bị bệnh kiết lỵ phải đi nhà thương Huế điều trị  và qua đời tại đó ngày 17 - 6: chính Cha Bề Trên đã vào trông nom săn sóc và thuê đò đưa linh cữu về an táng tại dòng như Hiến Pháp dạy: “Anh em sống có nhau thì chết cũng không rời nhau.” Sau đó  Ngài soạn giảng phòng cho cả nhà và các thầy khấn dịp lễ Cha Thánh Bernardo là thầy Augustino Nguyễn Đình Cựu, thầy Roberto Trụ khấn trọn đời Cha Anselmo Lê Hữu Từ và thầy Emmanuel Chu Kim Tuyến khấn tạm: Cha vương Công Đức (Trung Hoa) mặc áo tập sinh đổi thánh hiệu Thomas; tiếc thay tập được một năm Ngài xin lui bước về Tàu.

Từ khi lập Dòng Cha vẫn kiêm cả chức Tập Sư, và nhà tập viện cũng chưa làm, nay Cha Anselmo khấn rồi, Ngài tính giao cho chức Tập Sư nên phải lo xây cất Tập Viện. Ngài hội anh em khấn và nói: “Bấy lâu chưa có người, Cha phải kiêm cả chức Tập Sư, nay Chúa thương cho thêm anh em mà theo Giáo Luật Tập Viện phải biệt Nhà Khấn, nên chúng tôi phải lo xây Tập Viện” Cha quản lý Bernard nghe  nói vấn đề tiền thì khó chịu, vì trong nhà túng quá, liền nói ngay: “Thì vị chi không tiền mần răng mà xây Nhà Tập, lấy tiền ở mô?” biết tính Ngài đơn sơ cả hội cười âm lên, Cha Bề trên dịu dàng đáp “xin Cha cứ lo khởi công đặt săng gỗ Chúa sẽ cho tiền.” rồi Ngài dạy Thầy Phêrô cắm nền thuê thợ làm 20 phòng. Hay đâu thầy đo thế nào xây nền xong, tính ra 40 phòng, với hai chái thành 48 phòng. Thầy đi thú lỗi với Cha Bề Trên, Ngài cười và nói thánh ý Chúa muốn đó con, thì cứ làm cả 48 phòng.”

Làm Nhà Tập xong, Cha Quả lý  Nhà Chung giữ hoá đơn cho biết Phước Sơn mắc nợ Nhà Chung 2000 đồng vì mua vật liệu làm nhà Tập. May quá, cách ít lâu chính Cha Quản Lý cho biết có người nặc danh đã dâng Phước Sơn 2000 đồng, thế là vừa đủ trả nợ.

Khi Nhà Tập đã hoàn thành, Cha Bề Trên định ngày 18 tháng 2 năm ấy (1931) lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhằm Tết Nguyên Đán, sẽ cho anh em Tập Sinh sang khánh thành nhà mới. Ngờ đâu chiều ngày mồng 10 tháng 2, cơm tối xong, có điện tín ở Tiên An đưa lên: “11giờ mai Đức Viện Phụ Dòng Lérin đến Tiên An”. Cha Bề Trên liền đổi ý không đợi đến ngày 18 tháng 2 nữa, và tuyên bố: “Mai Cha đi rước Cha Bề Trên Lérin đến tuần viếng, chúng con lo dọn nhà sạch sẽ anh em Nhà Tập dọn sang nhà mới, Cha Anselmo sang coi sóc anh em. Nhà may cũng dọn sang nhà mới, để nhà đó làm nhà kẻ liệt. Hai anh em đã học y tá nhận trách nhiệm lo cho kẻ liệt. Sáng hôm sau, (11/02/1931) nhằm ngày Lễ Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, Cha Bề Trên đi đò ra Tiên An rước Đức Thầy Lérin, quý hiệu André Drillon đại diện Bề Trên Cả Xitô đến thanh tra: Có nên cho Phước Sơn nhập dòng Xitô hay không. Mọi sự xẩy ra cách tự nhiên, song không ngoài thánh ý Chúa quan phòng. Thánh lễ đầu tiên trên núi Phước, khai sinh cộng đoàn bé nhỏ Phước Sơn là ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Hôm nay vị đại diện Chúa tới xét việc cho Phước Sơn nhập Tổng Dòng Xitô là ngày khánh thành Tập Viện cũng là ngày Lễ Mẹ. Tất cả những biến cố đó luôn luôn thúc đẩy con cái Phước Sơn hằng tin tưởng, cậy trông vào Hiền Mẫu Maria.

Quá 12 giờ, Đấng Thanh Tra đến, lại một lần nữa cuộc đón rước long trọng, trang nghiêm theo lễ nghi Dòng, lần này tâm hồn các thầy có vẻ vui mầng, phấn khởi đặc biệt hơn, nhất là khi thấy Cha Bề trên hạ mình khiêm nhường, lòng đầy đức tin, quỳ dưới chân Đấng Thanh Tra hầu chuyện một cách ngoan ngoãn, khiến cả cộng đồng thêm lòng kính tôn mến phục Đấng Đại Diện Chúa đến thăm Cha Dòng.

Ngay chiều hôm ấy, hai Đấng đã cùng nhau hội đàm thảo luận các vấn đề quan trọng. Dĩ nhiên Cha Tổ Phụ Phước Sơn khi lập Dòng đã thể theo tinh thần Thánh Tổ Benedicto: Ai vào Dòng trước là đàn anh ngồi trên, ai vào sau là đàn em ngồi dưới: không phân biệt giai cấp, phẩm trật, già trẻ; tất cả đều là anh em một nhà, ăn mặc, mọi sự đều như nhau,v.v… nhưng, như thế lại khác biệt với Xitô, vì thế cần sửa đổi ít điều: nghĩa là ở Ca Toà anh em Quy Sĩ không mặc áo như anh em ca sỹ nữa và tự nhiên anh em ca sỹ ngồi trên. Còn vấn đề chay kiêng: bấy lâu cách ngày chay, buổi mai không lót lòng chi hết, Đấng Thanh Tra bảo như vậy quá nhặt nên cho anh em lót lòng đôi chút gọi là “ frustulum” (petit morceaux), rồi ngài nói câu khôi hài với anh em rằng : “Phước Sơn hát “Do”cao quá, nên hạ xuống “si” hay là “la”, Lerin chúng tôi hát “sol” là vừa sức mọi người” Cha bề Trên rất đồng ý, ngài liền bảo Thầy nhà bếp, sáng mai nấu một nồi cháo. Đến sáng Thầy dọn một bình cháo lớn để giữa nhà cơm, ai muốn dùng thì múc một chén, đã sẵn có cái môi một bên là mực. Vậy sáng hôm ấy (ngày 17) hát Prima xong Cha bề trên xuống thẳng nhà cơm, cả nhà đi theo Ngài làm gương trước, múc một chén cháo đứng giữa nhà húp đàng hoàng rồi đi rửa chén. Chỉ có lần đó là ngài hát “si”, rồi cứ chay lòng hát “Do” tới khi hết hơi. Buổi chiều hôm ấy ngài hội anh em cho biết cuộc thanh tra đã kết liễu. Nhưng còn một điểm nữa là lấy tước hiệu nào để đặt tên cho chi Dòng Đức Bà mới này. Vì sau khi nhập Xitô, Dòng sẽ được đứng riêng thành một chi dòng. Ví dụ nay ta gọi là nhà Dòng Đức Bà Việt Nam, thì sau đứng riêng, chi dòng sẽ nhận tên nào? Cả Cộng Đồng ai ấy hớn hở đua nhau góp ý kiến: nào là chi dòng Đức Bà Vô Nhiễm nguyên tội, nào là dòng Đức Bà Cực Thanh Cực Tịnh, Đức Bà Chỉ Bảo Đàng Lành, Đức Bà là Mẹ Đức Chúa Trời. Sau khi cả cộng đồng đã đề nghị rồi, đến lượt Cha lên tiếng. Ngài nói: Tước hiệu Đức Bà là Mẹ Đức Chúa Trời thật hay lắm, vì Toà Thánh ban sắc lập Dòng chính ngày lễ ấy (11-10), song Cha tưởng có tước hiệu khác hạp hơn, Dòng chúng ta không đi giảng, không đi dạy, không làm việc phước thiện cho đồng bào như: Giúp kẻ liệt, coi nhà thương chẳng hạn, chúng ta chỉ ở trong nhà chuyên môn đọc kinh cầu nguyện cho người ngoại giáo, noi gương Ba Đấng ở Nazareth xưa, nên ta nhận tước hiệu Chi Dòng Thánh Gia là hơn cả. Cộng đồng hoan hô ý tưởng cao thượng! Chúng con rất đồng ý. Đồng thời Ngài cho biết Đức Thanh Tra rất hài lòng về chúng tôi, nhưng còn đệ nạp Bề Trên Cả và chờ đại hội quyết định.

Sáng hôm sau lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (18-02) cũng là ngày Mồng Một Tết Nguyên Đán(1931) rước Đức Thanh Tra vào nhà hội chung chủ tọa lễ nghi nhận một lớp Đệ Tử vào Nhà Thử: Noberto Sư, Nicolao Tú, Pascale Thảo, Cyrillo Minh,Victor Châu.v.v.. và hai thầy Leo Trác Hà nội và Salesio Chước Tam Kỳ. Hai thầy nầy đã trọn phước nhà Dòng (thầy Leo Trác qua đời ở Châu Sơn, Bắc Việt; thầy Salesio Chước, đã lên đến chức phó tế, rồi bị bệnh qua đời, thầy là bào huynh Trung Tá Trần Thanh Chiêu), đến 9 giờ Đấng Thanh Tra hát lễ đại trào kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin các Ngài phù hộ cho công việc chóng thành tựu. Hôm sau (19-2) Cha Bề Trên tiễn chân Đức Thanh Tra ra Bắc lên Chappa tìm đất cho Lérin lập Dòng, song không tìm được, sau mới lập ở Mỹ Ca (Ba ngòi), rồi tiễn chân Đức Ngài vào Đà Nẵng và từ biệt  nhau.

Cũng năm ấy, Dòng Chúa Cứu Thế (Huế) mở cuộc đàm luận về Công Giáo tiến hành, mời các vị danh nhân đến diễn thuyết; và Cha Benoît được mời hai lần. Tiếng đồn Cố Thuận Bề Trên Phước Sơn diễn thuyết, các thính giả tấp nập đến nghe chật ních hội đường, nhất là các văn nhân, công chức. Từ đó thanh danh Ngài càng lừng lẫy: Tiếng lành đồn xa…

“Hội Khai Trí Tiến Đức” Nam Định cũng viết thơ mời Ngài song Ngài rất ái ngại và nói: “Nếu nay Cha vào thói quen đi giảng như thế, thì sau này anh em chúng con cũng bắt chước, mà Cha không muốn thế; việc đi giảng Cha muốn để  kính các dòng khác như: Đa-Minh, Phanxico, Dòng Tên, Dòng Chúa Cứu Thế v.v..; còn Phước Sơn chúng ta thì ở nhà âm thầm chuyên môn hãm mình cầu nguyện cho dân ngoại giáo. Hội thánh ví như cây Đại Thọ, các dòng khác như những ngành lá um tùm xum xuê, đầy hoa thơm, trái ngọt, chim trời liệng đến ríu rít trên cành, còn chúng ta đây là như rễ hút khí đất cho cả thân cây, rễ đâm càng sâu, càng hút được nhiều nhựa sống, mới bổ ích cho thân cây. Trái lại, nếu rễ nào “thò” ra ngoài, thì đã không làm ích cho cây, lại còn bị hư héo, Dị hình, như quy luật Thánh Tổ Biển Đức đã nói: “Sự ra ngoài không làm ích gì cho linh hồn các thầy” (Thánh luật đoạn 66). Nhưng vì họ viết thư mời đi mời lại, nên Ngài đành phải nhận lời, với chủ ý cuộc diễn thuyết này, có nhiều người tri thức còn ngoại đạo, trông cậy nhờ ơn Chúa, trở lại Đạo Thánh.

Lần đi ấy, trên xe lửa Ngài gặp ông Chánh án Tỉnh Quảng Trị ông biết Ngài, mà Ngài không  biết ông. Khi Ngài qua đời rồi, ông mới viết cho chúng tôi ít lời thuật lại như sau: “Hồi năm 1931, tôi hân hạnh được gặp Đức Cha Bề Trên, trên xe lửa, cả buổi mai xe chạy, Ngài cứ ngồi hai mắt lim nhim, miệng lẩm bẩm tụng kinh, tôi muốn mà không dám lại gần hỏi chuyện, mãi đến trưa thấy Ngài mở mo cơm nắm ra “thời” (ăn). Than ôi! Nắm cơm đã đỏ lại khô Ngài bẻ ra từng miếng với đôi đũa tre gắp chấm chút muối mè mà “thời” coi bộ ngon lắm. Ngài “thời” xong, tôi lại gần, kính chào và vô phép hỏi: thưa Ngài. Ngài “thời” cơm rứa có ngon không? “ngon lắm chứ, Ngài trả lời, nhất là khi đói thì càng ngon.” -Than ôi! Phần tôi phải  thuê người bếp, mỗi tháng trả 20 đồng mà nấu tôi ăn không được, ngài có phước quá! Thế rồi tôi tự giới thiệu tôi là Án Sát Quảng Trị, tức thì Ngài niềm nở truyện vãn rôm rã vì Phủ Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Trị là bà con với chắc.”

 Ngài đi giảng thuyết cho hội Khai Trí Tiến Đức về, thì Cha già Chỉnh Địa Phận Phát Diệm vào Dòng. Vốn Cha xin vào Dòng đã lâu, nhưng Đức Cha chưa cho nhân dịp cố Bề trên Phước sơn ra Nam Định giảng thuyết cho “Hội Khai trí Tiến Đức” danh Ngài lừng lẫy khắp nơi, nên cha càng khẩn khoản xin Đức Cha, lần này Đức Cha chấp thuận. Khi ấy cha đang làm cha sở xứ Thiện Dưỡng, chịu chức linh mục đã được 30 năm, và vào dòng đổi Thánh hiệu là Thomas và đã sống thánh thiện, khiêm nhường chịu lụy, hơn 10 năm về cuối đời cha lãnh công tác đúc bánh lễ. Cha đã an giấc ngày 29-3-1948.

Cha Gilbert Barnabé (hiện bí thư cha Bề Trên Cả Xitô ở Rôma) khi chưa vào Dòng, còn làm quản lý địa phận Thanh Hoá, có vào Phước Sơn cấm phòng đã lưu bút tích như sau: “Hồi tháng 6-1932 tôi đến cấm phòng ở Phước sơn nhiều ngày, cha Benoît dầu bận nhiều công việc song ngày nào cũng gặp tôi lâu giờ hoặc nói chuyện trong phòng, hoặc đi bách bộ ngoài đường, với các cha khác cũng vậy. Ngài nói nhiều câu rất cảm kích: “Luôn luôn thấy ngón tay Chúa trong hết mọi sự, bất luận xuôi thuận hay trắc trở, khi gặp điều trái ý chớ hành động ngược lại, phải phục tùng thánh ý Chúa. Đó là lời ngài hằng nói với những người bị chuyện rủi ro đến xin an ủi. Cha kể chuyện một đấng kia được nhiều tiền bên Tây gửi cho muốn xây nhà trường, nhà thương, song Đức Cha không cho thì buồn, cha Benoît trấn tĩnh ngài vui lòng theo ý Chúa.  Cái bí quyết: “Mọi sự đều do Thánh Ý Chúa” xem ra hằng ở luôn trong trí não cha Benoît. Bất luận việc gì Ngài hằng nhìn nhận quyền phép Chúa tham dự vào trước thế đã rõ  ngài theo môn Thomiste, đến nỗi Ngài nói một câu ai vừa nghe cũng bỡ ngỡ, Ngài rằng: một người theo môn Molli niste không bao giờ nên thầy dòng, mà cũng không thể hiểu thầy dòng được; bất luận việc gì  ngoài việc kính mến Chúa, thì không đáng cho thầy cả, Thầy Dòng dây mình vào hoặc để trí tới. Ngài hiểu Kinh Thánh rất sâu xa. Sách Phúc Âm Ngài đọc kỹ lắm. Ngài chia thế gian ra làm ba hạng:

1)- Người xác thịt chơi bời, đầu đọc Phúc Âm cũng không hiểu đạo lý Chúa giảng trên núi Bát Phúc;

2)- Người văn- thân tài tử thông thạo việc đời, có tài ngoại giao, thông thạo lý đoán, họ cứ cãi vặt từng chút (coupeurs de cheuveux en quatre), xét nét lý sự tranh biện lẽ cao, thành thử hiểu sai Phúc Âm, họ mở sách đoán ra mà phạm tội.

3)- Sau hết là hạng người đơn sơ, đọc Phúc Âm thì hiểu theo nghĩa Phúc Âm, rồi ra sức ăn ở theo trí ý Phúc Âm.

Đầu năm 1933 ngài cho xây bệnh xá để giúp đỡ đồng bào. Thật ra bấy lâu Nhà Dòng vẫn phát thuốc cho đồng bào, nhưng chưa có nhà cửa hẳn hoi, các nhân đau nặng còn phải nằm tạm ở “rạp thợ” nay mới xây một bệnh xá có nơi ăn chốn nghỉ, vừa phát thuốc, vừa điều trị bệnh nhân. Song chỉ cho Nam giới mà thôi.

Vì tự nhiên nhà thương làm trong luỹ cấm, thì theo giáo luật phụ nữ không được vào.

 Một hôm, ngài nói với anh em: “Các Dòng bên Tây có thói quen cấp tờ “obedientia” (sự vụ lệnh) cho các thầy đi đường. Vì thế khi đi xe lửa được bớt nửa tiền. Khi Cha đi giới thiệu trong Nam, Đức Cha Địa Phận Sài Gòn (Mgr.–Dumortier) đã cho Cha một tờ “obedientia”, nên Cha đi khắp miền Nam được bớt nửa tiền. Vốn Hiến Pháp chúng ta đã có khoản nói về điều ấy. Thầy nào đi đâu phải lãnh chứng thư của Bề trên, trong thư chỉ rõ nơi đến và thời hạn đi về” (N.294). Bấy lâu cha chưa thi hành chính thức nay anh em đã khá đông và nhiều khi có việc phải xuất  hành, nên không những phải lo làm sẵn chứng thư đi đàng mà phải phát tờ “OBEDIENTIA”  cho từng người phụ trách từng công tác hàng ngày nữa, cứ 6 tháng phát một kỳ vào dịp Lễ hai Thánh Tổ  Benedicto và Bernardo. Như vậy thản hoặc có ai lãnh nhận những trách vụ không kham nổi, hoặc vì những lý do khác, sẽ tiện dịp thay đổi; bằng nếu xuôi thuận thì cứ để vậy phát lại. Nội dung tờ lãnh công tác đó như sau:

OBEDIENTIA

Frate Maria Mỗ… con yêu dấu, Nhân danh Chúa Giêsu, cha dạy con…

Và ngài bảo sẽ bắt đầu thi hành vào dịp Lễ Thánh Tổ Bênedicto sắp tới (21-03-1933). Từ đó Cha Tập sư Anselmo Lê Hữu Từ phụ trách viết các tờ công tác đó rồi để nạp cha Bề Trên để Ngài điền thêm chức vụ  tuỳ ngài sẽ phát cho ai chức vụ nào.

Vậy đến ngày áp Lễ Thánh Tổ Benedicto (20-3) anh em tổ chức trang hoàng ghế Ngài ngồi ở nhà hội  rất oai nghiêm, trên có phương du và đính theo biểu ngữ với hai câu kinh thánh: “VIR DEL” “HOMO DEL” (người của Chúa): dưới chân, trải thảm và gối đệm quỳ (thường trang trí khi rước các Đức Cha) bảy giờ tối điểm hồi chuông ngân vang triệu tập cả cộng đồng tu viện tại nhà hội Cha Bề trên nghiêm trang bước vào thấy dọn toà oai nghi ngài dừng lại một giây và bình tĩnh nói: “Nimis honorati sunt amici tui Deus”, rồi bái Thánh Giá và lên ngai an toạ. Tiếp đó Cha Tập sự Anselmo Lê Hữu Từ thay mặt cha phó Bề trên và cả cộng đồng đứng ra đọc bài chúc mừng Lễ Bổn Mạng của Ngài  ngày mai. Vì bấy lâu Cha không cho tổ chức mừng Lễ Bổn Mạng mình đặc biệt hơn chỉ muốn theo luật chung như lễ bổn mạng các anh em là ngày áp lễ sau kinh tối, cộng đồng hát bài Ubi Caritas, cha phiền tuần đọc ba lời nguyện. Sáng hôm sau thầy ấy được nghỉ và khỏi giữ chay Dòng, ở nhà cơm có dọn bình bông.

Nhân hôm ấy đã dọn toà để Ngài phát tờ OBEDIENTIA lần đầu tiên, thì Cha Tập Sư đã bàn với Cha Bề Trên II và các Cha, rồi đánh bạo ra đọc bài chúc, tự nhiên Cha Bề Trên làm thinh và đáp từ ít lời tỏ dạ ưu ái  hết tình Cha con thân mật.

Tối hôm sau, ngày Thánh Tổ Benedicto, tức Lễ Bổn Mạng Ngài, ngày đáng ghi nhớ, ngày thành lập thói quen phát tờ “OBEDIENTIA” (vâng lời)

Đến giờ cộng đồng an toạ rồi, Cha Bề Trên cầm tờ “OBEDIENTIA”(vâng lời) thứ nhất và kêu: Rev. De Pater Bernarde, đồng thời Ngài lấy chân  đun cái đệm quỳ lui ra có ý cho anh em đến lãnh tờ “obedientia” thì quỳ trên đó), Cha Bernard nghe kêu, chổi đậy đến trước mặt Ngài, bái sâu và quỳ xuống đất không quỳ  trên đệm, Cha Bề Trên làm thinh đọc tờ “vâng lời”: “Con yêu dấu nhân danh Đức Chúa Giêsu, Cha dạy con làm Bề trên II…. Làm quản lý và dạy khoa Thần Học phần Tín Lý v.v..” và cứ tuần tự kế tiếp nhau, các Cha rồi đến các anh, ai tới cũng không quỳ trên đệm, sau 4,5 người như vậy, đến lượt người thứ năm. Thì Ngài lại đẩy cái đệm lui ra hơn, nhưng anh ấy cũng quỳ lui xa hơn, cả nhà đều cười và Ngài cũng cười và nói: “Cha cười vì có tích: xưa có vị Đô Đốc Hải Quân, có bệnh hay “khạc nhổ” bạ đâu nhổ đó, triều thần đã biết, nên khi ông vào chầu Vua, thì sai lính cầm  sẵn bình phóng bằng vàng phòng khi ông khạc nhổ đâu thì đem đến song khi đưa đến thì ông lại nhổ ra ngoài, một lúc sau ông lại toan khạc nhổ, lính vội đưa bình phóng đến. Ông nói ngay: “Mi để đó, tao nhổ vô cho mà coi…”. Cả nhà cười ầm lên.

Từ khi lập dòng anh em có việc đi Huế hoặc đi nhà thương thì trọ nơi Nhà Chung nhưng không tiện mấy: ngài tính liệu cho có trụ sở riêng thì ông Hội Nghi sẵn lòng dâng một mảnh đất trong vườn và xây cho một nhà nhỏ có đủ tiện nghi: nhà nguyện, phòng ngủ.v.v . để làm trụ sở cho Dòng. Và ông bà lại sẵn lòng luôn luôn đài thọ cho nữa.

Tháng tư năm ấy 1933 Dòng Chúa Cứu Thế mở tuần Đại Lễ mầng nhị bách chu niên Dòng thành lập kính mời các Đấng danh nhân đến giảng. Cha Dominico Hồ Ngọc Cẩn Bề trên dòng Thánh Tâm, Cha Phêrô Ngô Đình Thục hiệu trưởng trường Thiên Hựu, cha Đỗ Khắc Mỹ giáo sư trường Thần Học, cha Lê Thiện Bá và Đức Cha Giáo, bài sau hết giảng tại nhà thờ Phủ Cam ngày 26-4 đặt kính Bề trên kính Dòng Phước Sơn, hôm ấy đến dự lễ có Đức Khâm Mạng Toà Thánh Mgr DREIER, cụ lớn Quận Công Nguyễn Hữu Bài và một số đông các vị tai mắt đạo đời, các sinh viên trường lớn, nhỏ, công tư: thường các quan viên, chức sắc ít khi đi nghe giảng nay được tin cố Thuận lên diễn đàn ai cũng đua nhau đi nghe. Ngài giảng hơn tiếng đồng hồ mà thính giả nghe không thấy chán còn muốn nghe nữa. Mấy ngày trước đó cha bị đau rét luôn, song đã trót nhận lời nên phải đi, giảng rồi mệt quá, cha về nhà ông Hội Nghi nghỉ, nhân khi ấy ông vừa làm xong trụ sở cho Dòng như đã nói trên, thì ngài làm phép nhà và nghỉ tại đó trước hết. Hai ngày sau Cha về Phước Sơn, từ đó Ngài bị đau nằm nhà liệt luôn cho đến khi qua đời.

Ngày 28-6 quãng 10 giờ có ba cố Hà Nội đến: Cố Huy (R.P Vuillard), cố Sang (R.P. Tardy), cố Hoà (R.P. Lebourdait, chủ bút báo Trung Hoà, nhân dịp đi Kom tum dự lễ tấn phong Đức Cha Jannin ghé thăm Phước sơn. Cha đang nằm liệt, thế mà vùng dậy lấy nước rữa mặt cầm nón ra tiếp khách dẫn đi coi nhà, truyện vãn vui vẻ như không đau đớn chi, có xem nét mặt xanh xao tái  mét mới biết là người đang đau quá nặng. Bốn giờ chiều quý khách trẩy, Cha lại nằm liệt và càng ngày càng liệt cho đến khi vào nhà thương Huế. Cha Lebourdait khi về Hà nội rồi, rồi được tin Ngài qua đời, đã viết ít lời khen ngợi Ngài như sau: “..Xét về phương diện chỉ giáo đàng thiêng liêng, thì cha Benoît nhất hạng. Hai lần tôi đến Phước sơn cắm phòng, thì nói được Ngài chỉ chăm lo riêng về tôi để tuần cắm phòng đem lại cho tôi nhiều mỹ quả; Ngài thấu hiểu tình cảnh linh hồn tôi rất mau chóng; một sự tôi cảm kích nhất nơi Ngài là Ngài hằng nhớ mình ở trước mặt Chúa luôn, hằng sẵn sàng tiếp ứng với Chúa mọi giờ mọi khắc, hằng nhắc lòng hằng kết hợp với Chúa Giêsu vượt mọi sự trần thế, ngài bảo tôi: “phải ở nhà lầu (nghĩa là phải nâng tâm hồn lên luôn). Cho được nhớ mình ở trước mặt Chúa thì ngài vẽ một phương thế rất giản dị là dùng lời nguyện tắt. Tôi nhớ có lần ngài nói: “con biết có linh hồn không quá 5 phút mà không nhớ Chúa, không than thở với Người, có linh hồn mỗi ngày bay lên cùng Chúa đến một ngàn, một ngàn rưỡi, hai ngàn lần” Ngài nói bay lên theo nghĩa bóng là kết hợp cùng Chúa. Thiết tưởng linh hồn ấy là chính Ngài. Cha Benoît có tài đặc biệt thích ứng với mọi linh hồn, đấng bậc nào ngài dẫn dắt cũng xuôi, như tôi đây lười biếng khô khan mà cũng hạp với Ngài. Nguyên sự được tiếp xúc với Ngài cũng đủ bắt mình phải ước ao nên trọn lành (trích thơ cố Hoà R.P.Lebourdait)

Như đã nói trên, sau cuộc tiếp đón ba cố Hà Nội, rồi Ngài đau càng ngày càng liệt. Thầy y tá đã nhiều lần mời Ngài đi nhà thương, Ngài bảo: “Không, con cứ gắng giúp Cha, trông cậy Chúa và Đức Mẹ”. Nhưng sáng ngày 13-7 ngài nói: “E Cha phải đi nhà thương như con nói, kẻo sau các bác sỹ trách Cha con mình liều mạng” tức thì các thầy soạn ghế cáng Ngài xuống bế Thánh Giá để đi đò vào ga Tiên An, song Ngài không chịu cho cáng, cứ chống gậy đi bộ một quãng đường gốc gác gồ ghề hơn nửa cây số. Thấy Ngài mặt xanh da vàng chỉ còn bộ xương như xác trong mồ ra ai cũng bùi ngùi sa lệ. Anh em vội đưa cái ghế mây dài xuống đò để khiêng Ngài từ bến lên “ga”, vì còn phải đi bộ hơn cây số nữa, chắc Ngài đi không nổi. Hôm ấy thầy Laurent Thơ và thầy Phêrô (hiện ở Châu Sơn) đi theo giúp. 5 giờ chiều đến nhà thương Huế, nhằm ngày 14-7 (Tết Tây) các bác sĩ không khám bệnh. Qua ngày sau (15 -7) bác sĩ khám thấy vô phương cứu chữa ông lắc đầu nói “c,est perdu” hỏng rồi: nghe tiếng cố Thuận Bề trên Phước Sơn vô nhà thương thì các bác sĩ đều đến thăm nhất là bác sĩ Giám Đốc (Docteur Général Normet đại danh sư, ông đã chế tạo ra thuốc bổ “Sérum Normet”): thăm bệnh Ngài rồi các ông đều thất vọng.

14 giờ ngày 15-7, thấy hiện trạng quá nguy ngập, Đức Cha Giáo làm phép xức dầu cho Ngài: tiếng đồn cố Thuận đau vào nhà thương có nhiều Cha Tây, Nam vội đến thăm yên ủi. Cũng ngày ấy Cha Phó Bề Trên Bernard cử cha Roberto vào Huế thăm Cha Bề Trên, nếu bác sĩ đã chê thì xin đem Cha về. Trưa ngày 17-7 Nhà Dòng mới được tin đau đớn “Cha Bề trên đã chịu phép Xức Dầu”, khi ấy đang giờ xem sách thiêng liêng, mọi người  nghe tin đều  rũ rượi ngao ngán trông nhau mà gạt nước mắt. Mặc dầu các bác sĩ đã chê song “còn nước còn tát” các ông vẫn nỗ lực điều trị, nhưng chiều ngày 17-7, Đức Cha thấy tình cảnh không hy vọng cứu vãn, lại có lẽ nguy, thì ban phép đưa kẻ liệt về. 6 giờ chiều ông Hội Nghi cho xe nhà đưa Cha về  Dòng.  2 giờ khuya kém 5 ngày 18-7 xe tới cổng nhà Dòng, còi bóp inh ỏi, thì vừa hay đến giờ chuông dậy. Mặc dầu là giờ làm thinh rất nhặt, anh em cũng cùng nhau trao đổi: “Cha Bề trên về, Cha Bề trên về”: Rồi đua nhau đổ xô ra cổng rước Ngài. Thầy y tá xin đưa Cha vào phòng Đức Cha để có đủ tiện nghi, song Ngài không chịu, truyền đưa vào phòng kẻ liệt như anh em. Đặt Ngài nằm yên rồi, anh em kính chào Cha để vào nhà thờ đọc kinh Dã Tụng, sáng, 6 giờ 30 chịu Mình Thánh rồi, Ngài nói với thầy y tá: “Nhờ chúng con cầu nguyện Cha đã thiếp đi được một chút, bây giờ nghe trong mình dễ chịu, con đi gọi Cha Anselmo (Cha Tập Sư) cho Cha. Song thầy y tá mời ngài dùng chén sữa đã, khi ấy ông Hội Nghi ở Huế ra, tùng hành có cậu Thoại (cựu bộ trưởng đời thủ – tướng Ngô Đình Diệm) với máy chụp hình để xin chụp bức ảnh Cha làm kỷ niệm… Ngài dùng sữa xong, thầy y- tá đến sửa soạn chung quanh đầu giường khăn gối cho tử tế, Ngài nói “Làm chi đó con”? Thưa: “Ông Hội ra có cậu Thoại đi theo, xin Cha ban phép chụp tấm ảnh làm di tích” ngài tỏ mặt nghiêm nói:

-Không, con! Cha rất không bằng lòng chụp hình Cha, con nói lại với ông cho tử tế.

Thầy vừa ra thì hai ông con bước vào. Đang mệt như thế, mà Ngài chỗi dậy niềm nở chào hỏi và cám ơn ông đã cho xe đưa về Dòng xin Chúa trả công vô cùng cho ông bà. Tôi sắp chết, song nhà Dòng còn ở trong sự giúp đỡ của ông bà, đó là dấu tích của tôi, không cần chụp hình tôi nữa… Hai ông con từ giã Ngài lần sau hết. Ông ra rồi Ngài lại bảo thầy y tá gọi cha Anselmo đem bút sang, Cha Anselmo đến có thầy y tá hiện diện, lúc ấy độ 8 giờ sáng, Ngài nói: Cha kêu con làm chút việc thế Cha Bề trên II, con lấy giấy bút cha đọc cho mà viết ít lời để tối đọc cho anh em cả nhà nghe kẻo cha không gặp chung anh em được nữa, mà gặp riêng nói nhiều thì mệt. Con viết:

“Cha gần về cùng Chúa, không biết chắc là ngày nào, song theo sự thường thì cha không còn ở thế gian này với chúng con lâu ngày nữa.

Cha khuyên chúng con hãy nhớ: Đàng nhân đức là tuân theo thánh ý Chúa, mà theo thánh ý Chúa là giữ luật Dòng cho trọn. Cha còn nói một lần nữa: chúng con muốn nên thánh thì hãy giữ luật Dòng, muốn nên thánh thì hãy giữ luật Dòng.

Còn phần Cha thì đi bằng an lắm. Cha không áy náy lo lắng chi hết, vì cha biết rõ Chúa là Cha chung, Chúa thương Cha và cũng thương chúng con, cho nên không sợ chi cho Cha và cũng không sợ chi cho chúng con.

Vậy xin chúng con hãy ở bằng an như Cha vì Chúa là Cha thương chúng tôi quá lẽ.

Chúng con muốn xin phép lạ, (cho ngài lành) thì mặc ý, còn phần Cha thì không xin, Cha xét: phó mình trong tay Cha lành là đều tốt hơn cả.

Vậy trong chúng con chớ có ai buồn, chớ có áy náy lo sợ, một đi chung cùng nhau vui vẻ theo thánh ý Cha chúng tôi. Cám ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ…”

Đoạn bảo thầy y tá: “Bây giờ đến lượt con nghe Cha nói, rồi viết tóm lại, không cần thứ tự: “Bác sĩ khám cha rồi nói: “c’est perdu” vì các bộ phận trong mình Cha đều hư cả, cha đau trái tim như con biết, mỗi phút nó đập hơn trăm lần; cái cật hư vì Cha đi tiểu ra máu; Cha đau phổi con cũng biết, ra máu nhiều lần, Cha ho luôn; tỳ vị cũng đau, ăn không tiêu hay mửa, nhất là bệnh trĩ, Cha đau đớn lắm, ba tháng nay sốt rét luôn vì có vi trùng sốt  rét, bác sỹ nói thêm: thế mà Cha sống được là một sự lạ, nhưng Cha nói là một ơn Chúa ban, nên nay Cha gần về cùng Chúa, con cho anh em biết bịnh tình mà cầu nguyện cho Cha được tuân theo thánh ý Chúa”.

Buổi sáng mắc làm việc, rồi hát lễ cộng đồng, bấy giờ các cha, các thầy mới rảnh đua nhau đến xin thăm Ngài, ai lấy đều muốn được hân hạnh gặp Cha ít phút. Buổi chiều ngài cho mời cha Bề trên nhì Bernard và cha tập sự Anselmo đến để coi hiến pháp lại và làm bàn giao; thầy y tá vào phòng Ngài đem các giấy má lên, Ngài xem lại cả, cái gì đáng đưa và phải đưa thì trao lại cho hai cha, hai cha cũng đều coi lại, còn bao nhiêu thứ khác thì Ngài xé hết, ba ngày rưỡi làm như vậy; khi ấy nhà Dòng làm bánh sữa, sẵn có sữa tươi cứ mỗi giờ thầy y tá dọn cho Ngài một chén, thê là nhờ ơn Chúa ban cho Ngài hồi dương mà làm xong bàn giao, nhất là coi lại bản hiến pháp, xong mọi việc là chiều ngày 21-7.

Ngày 20-7, Ngài thấy trong mình dễ chịu hơn, Ngài nói với thầy y tá: “Con cất các đồ kẻ liệt đi chăn nệm.v.v. năm ngày nữa Cha giữ luật được (hay đâu năm ngày nữa Cha qua đời).

Ngày 22-7, lối 10 giờ sáng, anh em thấy ngài tỉnh táo vui vẻ, thì mời ngài xuống làm phép khánh thành nhà cơm mới xây xong. Các thầy dọn hầu Ngài ba quả trứng “lòng đào” để vui lòng các con, Ngài ép tình dùng một cái. Chiều hôm ấy thầy đầu bếp xin dọn cho Ngài chén “nước cá Bung” (xúp cá), Ngài vui lòng dùng, hay đâu nửa đêm đau lại, mửa hết, cả đêm không ngủ được, thế rồi cả ngày 23, 24 cứ đau đớn luôn, không ăn chi được nữa. Anh em đua nhau đến thăm, ai đến Ngài cũng hỏi: “Cha sắp đi chưa con?” nếu nói chưa thì Ngài buồn. Ngài năng than thở câu thánh vịnh: Quando apparebo ante faciem Domini (Ps.4l,25). Ngài trách thầy y ta không khuyên bảo Ngài đường thiêng liêng. Ngài bảo con không biết coi kẻ liệt. Cố Mẫn Cha sở họ Thuỷ Ba (R.P.Maunier) đến thăm ở với Ngài luôn hai ngày. Khi nào Cố Mẫn vào phòng thăm thì Ngài nói luôn: “Tôi đi, tôi đi cha ôi.” Cố Mẫn trả lời: “Chưa còn sống lâu”. Ngài buồn, chiều ngày 24 thấy trong mình quá mệt, ngài nói với Cố Mẫn: “Tôi đi thật cha ôi”. Cố mẫn nói: “chưa”. Ngài thở dài bảo thầy y tá: “Con đi gọi cha Bề trên Nhì” khi ấy đang hát kinh chiều (Vespere). Cha Bề Trên Nhì đến, Ngài nói: “Tôi đi, đổ tro xuống đất cho tôi nằm”, cha Bề Trên Nhì có tính đơn sơ, bảo chi làm nấy, Ngài bảo thầy y tá: “Thì đi dọn tro cho Ngài nằm cho rồi”. Hai thầy y ta đi lấy tro và rơm lên, rắc tro hình Thánh Giá giữa nhà Kẻ liệt đặt rơm lên trên, rồi Cha Bề trên Nhì làm phép tro theo nghi lễ, đoạn hai thầy y tá khiêng Ngài đặt nằm trên rơm tro. Thầy phụ y tá chạy đi đánh chuông “Hội tử”, khi ấy xong giờ kinh chiều, cộng đồng vào nhà cơm đọc kinh vừa xong, nghe chuông báo tử, ai nấy hồi hộp, tấp nập chạy đến nhà liệt, vừa đi vừa đọc kinh Tin kính theo luật. Than ôi! Đến nơi thấy Cha nằm sõng sượt trên rơm tro, mọi người đều bùi ngùi sa lệ. Bấy giờ cha Bề Trên Nhì tuyên bố: đọc kinh phó linh hồn cho cha Bề Trên, chúng con thưa song tiếng thưa kinh lẫn với tiếng khóc. Đọc chừng nửa giờ thì xong (kinh phó linh hồn của Dòng ngài), Ngài chưa tắt nghỉ lại khiêng lên giường rồi cả nhà đi dùng cơm. Cơm xong thầy Mathêu nói nhỏ với thầy y tá: “Em có món tiền, em xin dâng khấn bà thánh Thêrêsa Hài Đồng… nếu Cha Bề Trên lành thì sẽ dựng tượng Bà ở nhà Hội chung” (theo giáo luật khấn đơn còn có quyền sở hữu). Thầy y tá vào thưa với Cha Bề Trên, ngài nghĩ một hồi rồi nói: “Cũng được, nhưng đặt tượng ở đâu thì mặc ý Bề Trên” (vốn ngài kính mến chị thánh Thêrêsa lắm, nhưng không muốn đặt tượng “Bà Thánh” trong nhà Dòng). Bấy giờ thấy y tá trang hoàng một bàn thờ đặt tượng chị thánh Thêrêsa (sẵn có tượng các thầy làm để bán ở phòng làm tượng). Cũng như mấy đêm trước, các thầy luôn phiên nhau ở với Ngài và cầu nguyện. Sáng ngày 25, Ngài nói: “Cả đêm có thằng đen đen nào quỳ sấp mình trước bàn thờ bà thánh Thêrêsa, nó nói chi chi mô không biết, còn thằng khác thì thổi quyển sai dấu quá lẽ”. Có lẽ Chúa để ma quỷ cám dỗ Ngài tiếc âm nhạc vì Ngài sở trường về môn ấy.

Sáng hôm ấy là lễ thánh Giacobê Tông Đồ, hạng Ba không nghỉ, 6 giờ các thầy đi làm việc, 6 rưỡi Cha trở bệnh vào cơn hấp hối, đau đớn quá sức, tức thì một hồi chuông thê thảm báo giờ lâm chung, mọi người làm việc từ các nơi vội vàng chạy đến, kẻ khóc, người đọc kinh, đứng chung quanh phòng Cha: vòng trong, vòng ngoài. Thấy các con tới, Ngài kêu: “Cha đau đớn lắm chúng con ôi! Hãy cầu nguyện cho người hấp hối, vì kẻ đã bị rồi thì không trở về được mà nói lại, đau đớn lắm chúng con ơi”. Tay Cha cứ với Anh Đức Mẹ Chỉ Bào Đàng lành treo trước mặt Cha, miệng thì kêu: “Mẹ ơi, Mẹ ơi, cứu con với! Mẹ ơi, cứu con với!” cung giọng thảm thiết nức nở khóc. Cha Bề Trên Nhì liền xướng thi khúc đầu các giờ phụng vụ: “Deus in adjutorium meum intende: Lạy Chúa xin mau đến giúp đỡ con”. Thầy y tá đứng sát bên giường, luôn luôn cầm tay xem mạch ngài, thầy xướng kinh cầu Đức Mẹ, mọi người đọc theo, cung giọng thảm thiết. Đọc song kinh cầu thì Ngài nằm yên, thiếp đi nghe tiếng “ngáy”; sau 15 phút, lối 7 giờ rưỡi Cha quay mặt lại về phía thầy y ta mở mắt trông thầy, méo miệng, mạch đứng, thế là tắt thở, hồn Cha bay về cùng Chúa và Đức Mẹ…

Một bầu không khí u uất bao trùm cảnh vật. Các Cha các thầy nhìn nhau ứa lệ. Bấy giờ các thầy cùng nhau giúp tắm rửa sạch sẽ thi thể và thay y phục cho Ngài: Thầy thì vào phòng lấy giường Cha quen nằm là một tấm ván trần, hai cái “niễng kê” và cái gối gỗ, rồi đặt thi hài Cha lên, cùng rắc bông hoa chung quanh. Khi ấy ba Cha Tây giáo sự trường An Ninh đến thăm, vừa kịp thông công rước thi hài Cha ra nhà thờ đặt giữa ca toà, rồi các thầy chia nhau luân phiên cầu nguyện. Cha Bề Trên Nhì đánh điện tín và thơ loan báo các nơi định ngày hôm sau (26-7) sẽ cử hành lễ an táng hồi 9 giờ. Các thầy đạo huyệt để an táng Ngài giữa nhà hội chung. 5 giờ chiều Cố Chính Lễ đến, thấy khí trời quá nóng nực, để xác trần lâu bất tiện không hợp vệ sinh, ngài bàn với Cha Bề Trên nhì nên an táng ngay tối hôm ấy, hôm sau sẽ hát lễ Quy Lăng. Cha Bề trên Nhì hội ý các cha và cộng đồng, mọi người đều thoả thuận, thì hồi 19 giờ cố Chính Lễ chủ sự nghi lễ An táng, làm phép mồ ba lần theo lễ nhạc Dòng, tiễn đưa cha xuống mồ nghỉ giấc ngàn thu đợi ngày vinh quang sống lại.

Đức Khâm sứ toà Thánh Dreyer khi ấy đang ở Đà Lạt, không thể về được, nên phái cha Ký Lục đến phân ưu. Cha Ký Lục thấy đào huyệt sâu hai thước, thì nói: Đào sâu làm chi thế, một đấng nhân đức như vậy, chỉ mười năm là phải đào lên để phong thánh”. Giờ tống chung có hơn bốn chục cha Tây, Nam và nhiều giáo hữu đến dự. Sáng hôm sau ngày 26-7, Đức Cha Giáo, các Quan Tây Nam tỉnh Quảng trị và quý khách đạo đời mới đến, vì Cha Bề trên nhì đã loan tin sáng hôm ấy mới làm lễ “Quy Lăng”. Đức Cha cử hành đại lễ, lễ tất lại làm phép mồ ba lần theo nghi thức dòng, 1o, Đức Cha Giáo, 2o Cha Hồ Ngọc Cẩn, và 3o Cha Bề trên Nhì Bernard.

Lễ nghi làm phép mồ xong, rước Đức Cha và các chức vào phòng đồ lễ. Tiếp đến một nghi lễ đặc biệt, tưởng chỉ nguyên Chi Dòng Xitô Việt Nam có, do Đấng sáng lập Chi Dòng đã sáng kiến ra, để sau cảnh u buồn của ngày tang thương, thì anh em được hưởng ngày sự vui mầng long trọng của ngày đại lễ, là khi an táng một anh em rồi, cộng đồng trở vào nhà thờ đọc cho xong các kinh theo phụng vụ cho linh hồn kẻ mới qua đời, đoạn bàn thờ được trang hoàng trọng thể như ngày lễ hạng I, Ca toà hát kinh TE DEUM: tạ ơn Chúa, vì đã ban cho một linh hồn được trọn phước trong ơn kêu gọi, theo lời Chúa phán với thánh Phêrô: “Quả thật thầy bảo cho các con: Các con đã theo Thầy, thì trong ngày sống lại, khi Con Người ngự trên toà uy nghi, các con cũng được ngồi trên mười hai ca toà mà phán xét mười hai chi tộc Israel. Lại tất cả những kẻ bỏ cửa nhà, anh chị em, cha mẹ, vợ con và ruộng đất vì danh Thầy sẽ được gấp trăm, và được sống đời đời (Mt.XIX,28-29).

PHẦN THỨ BA

(PHỤ THÊM)

Từ ngày Cha Tổ Phụ ly trần 25-07-1933  Đến khi di cư 15-11-1953

CHƯƠNG I

Từ khi Cha Tổ Phụ qua đời đến khi lập dòng Châu Sơn

Cha Tổ Phụ tạ thế rồi, tự nhiên Cộng-Đồng trông-mong Đức Cha đặt Đấng nào lên kế vị; khi ấy phần đông anh em đoán Đức Cha sẽ đặt Cha Bề Trên Nhì, một số khác tưởng Cha Anselmo sẽ đắc cử, nhưng cũng có một số mong muốn được Cha Placido làm Bề Trên (Vị kiến trúc sư nhà thờ Châu sơn).

Phần Cha Bề Trên Nhì Bernad, một Đấng rất khiêm nhượng, đơn sơ, có lẽ Ngài tưởng Đức Cha sẽ đặt Cha Alselmo làm Bề trên, nên Ngài tỏ lòng cung kính Cha Alselmo  lắm; mặc lòng, theo phận sự Bề trên II, Ngài cứ tiếp tục công việc: viết thư cho bà Hyacinthe Louvier ở Lille, đưa tin buồn Cha Tổ Phụ qua đời. Được thư, bà trả lời chia buồn và kể truyện Cha Benoît, trước khi sang Việt Nam, đến từ giã bà, đã tỏ ý muốn làm Thầy Dòng và lập Dòng cho người Việt nam, như chúng tôi đã nói trong phần thứ II.

Ngày 27 tháng 07, tức hai ngày sau khi an táng Cha Tổ Phụ, Ngài viết thư hầu Cha Bề trên Cả Dòng Xi-tô, vừa đưa tin buồn, vừa nhắc lại đơn Phước Sơn đã xin nhập Xitô; đồng thời cũng nhân danh toàn thể Tu hội xin lại lần nữa.

Đang khi cộng đồng Phước Sơn ngóng trông, chưa biết Đức cha sẽ đặt sẽ ai làm Bề trên, không biết tương lai Dòng sẽ ra sao, thì được thư mấy Cha Tây làm cho một số các thầy sinh hoang mang ngao ngán: Chẳng hạn như thư Cố Hoà (R.P. Barbier) Địa phận Vinh viết cho cha Augustinô Cựu (cha quản lý dòng Phước lý hiện thời) cựu thầy giảng của Ngài, nói : “Thôi, Cố Thuận qua đời rồi, thì Phước Sơn sẽ tan, các thày soạn đồ mà về”.

May nhờ nhiều thư khác, nhất là thư các Đức Cha gửi đến, không phải chia buồn, bèn là chia vui, Các Đức Cha an ủi; “Nay Chúa cất cha Bề-trên về Thiên Đàng rồi, ở đó Ngài sẽ mưu ích cho nhà Dòng hơn, các thầy không nên buồn, một hãy vui mừng và xin Ngài bầu cử cho nhà Dòng thịnh đạt…”. Trong các thư ấy, chúng tôi chú trọng thư Đức Cha Cao Miên “Mgr. Hergott) Đức Cha Vinh (Mgr. Eloy), Đức Cha Hà Nội (Mgr. Gendreau) Đức cha Hưng Hoá (Mgr. Ramond) và Cố chính Kontum (T.R.P. Décrouille). Rồi độc giả sẽ thấy lời các Đức cha đồng ý nói đó có đúng không ?

Nghe đọc nhưng lá thư vừa lo buồn, vừa mừng vui pha lẫn như thế, càng làm cho các thầy nóng lòng sốt ruột, mong chờ có cha Bề-trên mới … thì ngày 05-08, tức là 12 ngày sau khi cha Tổ- Phụ qua đời, một bức thư khác đến làm cho Cộng đồng được an tâm và trông cậy vào Chúa, đó là thư Đức cha chính thức đặt cha Bề trên II  Bernard lên chính quyền.

 Cha Anselmo đọc thơ ấy xong thì cha Bề-trên mới lại đặt ngay cha Anselmo làm Bề trên II và vẫn kiêm chức Tập sư. Và đặt cha Placido làm Bề trên III, kiêm coi sóc anh em qui sĩ, và dạy Thần học phần Luân lý, đồng thời cũng xin ngài dọn giảng cấm phòng cho cộng đồng dịp lễ cha thánh Bernado 20 tháng 08-1933. Hôm ấy cha bề trên II mới R.P Anselmo và thầy Y tá khấn trọn đời.

Bây giờ mời các độc giả xem lời các Đức cha yên ủi chúng tôi vừa kể trên, có tính cách linh thiêng thế nào.

Trước hết vấn đề xin nhập Xitô. Như đã kể trong phần II, sau khi thanh tra Phước Sơn, Đức Viện  phụ Lerin hài lòng làm phúc trình đệ lên cha Bề-trên cả, chỉ còn chờ đại hội quyết định là xong.

Mong chờ hơn hai năm, nay có lẽ sau khi được thơ cha Bề- trên Bernard đưa tin cha Tổ Phụ Phước Sơn qua đời, đồng thời nhắc lại đơn ngài đã xin nhập Xitô, thì cha Bề-trên cả triệu tập Đại Hội ngoại lệ, để quyết định vấn đề ấy. Chúng tôi nói “có lẽ”, vì Đại Hội khai mạc ngày 11 tháng 10 năm 1933, thì  ngay phiên họp đầu tiên buổi chiều hôm ấy, đã đề cập đến vấn đề Phước Sơn xin nhập, và sáng hôm sau, Đại Hội quyết định chấp thuận và tuyên bố: “Đầu năm 1933 đã cử Đức Viện Phụ Lerin đi thanh sát về nhân sự, kỷ-luật và tài sản Tu viện Thánh Mẫu Phước Sơn Việt Nam, mà theo bản phúc trình Ngài đệ lên Đức Tổng Phụ, thì thấy mọi điều kiện cần thiết chiếu theo luật đều có đầy đủ, nên nay Đại Hội chấp thuận cho tháp nhập vào Thánh Dòng ta, dưới quyền trực trị của Đức Tổng Phụ, cho đến khi Đại Hội định thể khác”. (Acta Curiae Generalis S.O.C. Anno 1933… N.4)

Như vậy có thể cắt nghĩa theo thư các Đức cha nói : “Nhờ cha Tổ Phụ bầu cử mà Chúa soi lòng Đức Tổng Phụ triệu tập Đại Hội “Ngoại lệ” để quyết định vấn đề bấy lâu mong chờ Đại Hội. Vả, Đại Hội lại khai mạc ngày 11/10 thì cách đó 15 năm, cũng ngày 11/10 năm 1918 lễ Đức Mẹ là Mẹ Đức Chúa Trời, Toà Thánh đã chuẩn y cho phép Đức Cha Lý lập dòng Thánh Mẫu Phước Sơn. Luôn luôn có lòng  nhân từ  Mẹ can thiệp vào.

Đại Hội xong, Đức Viện Phụ Raimundus Bazzichi, Tổng quản lý Dòng Xitô đệ sớ tâu Toà Thánh xin Châu phê :

 PETITIO XXXII.

Curia Generalis         Aggregatio “Societatis Nostrae Dominae’’

S.0. Cisterc. Annam.

Beatissime Pater.

Franciscus Janssens, abbas generalis S.Ord. Cisterc., ad pedes  S.V.humiliter provolutus, exponit sequentia :

In Indocina, Provincia Annam, Vicariatu Apostolico de Huế, extat quaedam Congregatio Religiosorum a votis simplicibus perpetuis, juris dioecesani, Nostrae Dominae nuncupata, cujus fundator anno 1933 mortuus est.

Religiosi dictae, Congregationis enumerantur 70 ; quorum 7 sunt sacerdotes, 8 professi votorum sive perpetuorum, sive temporariorum ; 9 novitii choristae et 2 postulantes; 44 fratres conversi, computatis novitiis (24) et postulantibus (1).

Congregatio haec, vitae contemplativae et activae debita, utitur Constitutionibus a Vicario Apostolico approbatis. Ante tres annos Superior Congregationis desiderium patefecit se velle uniri Ordini Cisterciensi. Ordo Cisterciensis hoc desiderium suscipiens. misit illuc, Abbatem Lerinensem, ut de visu cognosceret scopum et vitam praefatorum Religiosorum. Relationem Abbas Lerinensis protulit hoc anno (1933) Capitulo Generali, et Capitulum Generale annuit pro affiliatione dictae Congregationis.

Haec affiliatio importat unionem cum Ordine, simili modo quo ceterae Congregationes existentes, vel monasteria nondum in Congregationem unita Ordini conjunguntur.

Cum in praesenti dicta Congregatio “ Nostrae Dominae ” una tantum constituatur Domo cum proprio novitiatu, non poterit tanquam Congregatio Ordinis sui juris censeri, sed subjecta remanebit, usque dum in veram Ordinis Congregationem coalescat, Rev mo Abbati, Generali.

Omnibus perpensis, orator Sanctitatem Vestram humillime, exorat, ut affiliationem Congregationis “ Nostrae Dominae”  in Vicariatu, Apostolico de Huế, Annam, Ordini Cisterciensi benignissime approbare dignetur.

Et Deus etc…

 Romae, ex Curia generali S.0. Cisterc.

     die 30 0ctobr. 1933

D. Raimundus Bazzichi abbas proc. gen

Đơn xin XXXII

Tổng dinh thự Dòng Xitô

Trích yếu : Dòng Thánh Mẫu Việt Nam xin tháp nhập Dòng Xitô,

Tâu Đức Thánh Cha,

Fr, Phanxico Janssens, Tổng Phụ dòng Xitô, khiêm nhường sấp mình dưới chân Đức Thánh Cha thượng tấu việc sau đây :

Bên Đông Dương, Việt nam, Địa phân Huế đại diện Tông Toà, có một Tu Hội khấn đơn trọn đời, thuộc quyền địa phận mệnh danh Tu Viện Thánh Mẫu Phước Sơn. Vị sáng lập mới qua đời năm nay 1933.

Nhân số Tu viện được 70 : gồm có 7 linh mục, 8 thầy khấn hoặc trọn đời hoặc tạm, 9 tập sinh ca sĩ, 2 thỉnh sinh : 44 anh em qui sĩ trong đó 24 tập sinh và một thỉnh sinh.

Tu Viện này chuyên lo chiêm niệm, giữ theo Hiến Pháp đã được Đức giám mục Địa Phận y phê. Trước đây 3 năm Bề-trên Dòng đó có tỏ bày ước vọng muốn được gia nhập Dòng Xitô. Dòng Xitô chấp thuận nguyện vọng đó, và đã cử Viện Phụ Lérins đến tận nơi tìm hiểu mục đích và đời sống các tu sĩ nói trên.  Viện Phụ Lérins đã phúc trình biên bản cho Đại Hội, và Đại Hội đã chấp thuận cho Tu Hội đó được nhập Xitô.

Sự gia nhập này làm cho Tu Hội đó được hợp nhất với Dòng Xitô cũng một cách như các chi Dòng khác hiện có, hay là các tu viện chưa thành Chi Dòng, đã hợp nhấp với Dòng.

Vì hiện nay Tu Hội Đức Bà Việt nam mới có một nhà và tập viện nên chưa thể được gọi là “Chi Dòng tự lập” do đó còn dưới quyền trực trị Tổng Phụ cho đến khi thành Chi Dòng thực danh.

Khi đã cân nhắc mọi lẽ, đương sự hết lòng khiêm nhường tấu xin Đức Thánh Cha đoái thương châu phê việc tháp nhập Tu Hội Thánh Mẫu Việt nam Địa phận Huế vào Dòng Xitô.

Và Thiên Chúa…

Roma, Tổng Dinh Thự Dòng Xitô

Ngày 30/ 10/ 1933

D. Raimundus Bazzichi

Viện Phụ Tổng quản lý

 Ex Secretaria

S. Congregationis de Religiosis

n. 6954-33.

 DECRETUM

 Quum Religiosi Congregationis a Nostra Domina, juris dioecesani, in Indocina, Prov. Annam, Vicariatus Apostolici de Huế, degentes, ob speciales circumstantias, in quibus versantur, huic S. Congregationi de Religiosis supplices porrexerint preces, eum in finem ut se unire possint Sacro Ordini Cisterciensi, haec eadem S.

Congregatio in Congressu diei quintae maii 1934, attento favorabili voto Exc.mi Vicarii Apostolici de Huế et Rev.mi Procuratoris Generalis S.O. Cisterciensis, benigne annuit pro gratia, ac propterea committi mandavit Rev.mo Abbati Generali ejusdem Ordinis facultatem deveniendi, servatis servandis, ad praefatam Unionem personarum ac bonorum, extinctive ; emissa et singulis Religiosis transeuntibus ad S. Ordinem nova professione, juxta formam, quae in Libro professionum adservetur, ita ut in posterum Institutum a Nostra Domina sic unitum S. Ordini Ciaterciensi remaneat ut cum ipso unum constituat corpus et ex S. Ordine Cisterciensium nuncupetur.

Dissentientibus autem, si qui sint, jus esto vel petendi dispensationem votorum vel manendi in Ordine Ciaterciensi in eo statu, in quo nunc sunt, sub disciplina et obedientia Superiorum.

Cum autem praefatum Institutum a Nostra Domina una tantum, in praesenti bus conditionibus, constituatar domo, cum proprio novitiatu et tan quam Congregatio Ordinis sui juris censeri non possit, subjectum manebit immediate Rev.mo Abbati Generali, usque dum in veram Congregationem coalescat, servatis ceteris de jure servandis. Contrariis quibuscumque non obstantibus.

Datum Romae. die 24 maii 1934

Fr. Alexius H.M. Card. Lpic

Praefectus

Vincentius La Puma, Secr           

Taxa lib. 100;

ag. 16; Exce. 8

PHÚC Y của TÔNG TOÀ

Văn phòng thơ ký

Thánh Bộ Dòng Tu

Số; 6954 / 33

 SẮC LỆNH

Những Tu sĩ Tu Hội Thánh Mẫu dưới quyền địa phận,  Đông Dương, Việt Nam, Địa phận Huế Đại diện Tông toà, vì hoàn cảnh đặc biệt họ đang sống, có đệ đơn thỉnh nguyện Thánh Bộ Dòng Tu để được gia nhập Dòng Xitô. Thánh Bộ Dòng tu trong phiên họp ngày 5.5.1934, với sự thoả thuận của Đức Giám Mục Huế và cha Tổng quản lý Thánh Dòng Xitô, đặc ban ơn thỉnh nguyện và uỷ cho Tổng Phụ Dòng nói trên quyền xúc tiến việc hợp nhất nhân sự và tài sản theo thể thức ấn định. Mỗi Tu sĩ nhập Thánh Dòng phải khấn lại theo mẫu quen dùng trong sách lễ nghi khấn, để từ nay Hội Dòng Đức Bà được hợp nhất chặt chẽ với Thánh Dòng Xitô thành một thân thể và được gọi là Dòng Xitô.

Hoặc có ai không đồng ý nhập Xitô, thì được phép hoặc xin chuẩn lời khấn, hoặc ở lại trong Dòng Xitô cũng một bậc như hiện nay, dưới qui chế và vâng lời Bề trên.

Vì hiện tình Hội Dòng Thánh Mẫu mới có một nhà và tập viện riêng nên chưa thể coi như chi Dòng tự lập được, do đó phải đặt dưới quyền trực tiếp của Tổng Phụ cho đến khi  trở thành Chi Dòng thực thụ: phải giữ các điều kiện khác theo luật buộc giữ. Sắc lệnh này có giá trị hơn bất cứ chỉ thị nào khác.

Ban hành tại Roma ngày 24. 5. 1934

Fr. Alexius H.M. Lépicier O.S.M

Hồng Y Tổng Trưởng

Vincentius La Puma, Thơ Ký

Sau đó, cha Bề trên cả gửi thư đưa tin vui mừng ấy cho Phước Sơn. Ngày 07 tháng12. 1933, ông Tình, Dòng ba, đi chợ Cửa Tùng lấy thư về khuya, sáng mồng 08 Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, ông mới đem hộp thư nộp cha Bề trên. Đọc thư chắc ngài mừng lắm, song tính ngài bằng an, bình tĩnh, không tỏ dấu gì bề ngoài, không cho ai biết; đến giờ lễ trọng… khi ấy còn giữ thói quen cộng đồng sắp hàng trong nhà thờ Thánh giá trước phòng đồ lễ, ba Đấng Chánh Phó tế mặc phẩm phục chờ đến giờ  điểm ba tiếng chuông thì cùng nhau bái Thánh giá, rồi thứ tự đi vào nhà thờ-hôm ấy lễ Đức Mẹ, cha Bề trên làm Chủ tế, mặc phẩm phục xong, Ngài quay mặt lại phía cộng động đưa tin vui mừng ấy; ngài mượn lời Thiên thần đưa tin vui Chúa Giáng sinh cho chúng mục đồng, Ngài nói tiếng La tinh: “Ecce annuntio vobis gaudium magnum: này cha đưa tin vui mừng cho chúng con: là sáng nay được thư cha Bề trên Cả cho hay: Đại Hội đã chấp thuận cho chúng tôi nhập Xitô. Cám ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ”. Rồi Ngài trở mặt lại làm hiệu bái Thánh giá vào nhà thờ hát Tertia và Lễ trọng.

Tự nhiên khi ấy tâm hồn toàn thể tu viện vui mừng chừng nào. Bấy lâu hết sức ngóng trông điều ấy. Nhất là từ khi cha Tổ Phụ qua đời rồi, họ đồn Phước Sơn sẽ tan, mà nay được tháp nhập Dòng Cả Xitô thì không sợ tan nữa.

Thế nhưng, nhập Xitô rồi mà không thêm người vào Dòng, thì cũng không đáng mừng. Về vấn đề này là thêm ơn kêu gọi thì càng nhận thấy lời các Đức Cha an ủi chúng tôi trước đây, thật có tính cách thiêng liêng. Vì từ khi cha Tổ Phụ quá vãng, ơn kêu gọi ngày một thêm nhiều, đến nỗi tập viện 48 phòng chật hết, phải sang ở nhờ nhà khấn, phải làm thêm nhà ngủ.

Trong phần II kể chuyện thầy Phêrô đo móng xây tập viện, tính làm 20 phòng, mà chẳng may đo lầm ra 48 phòng, đi thú lỗi với cha Tổ Phụ; Ngài trả lời: Thánh ý Chúa đó, con cứ để vậy.

Từ đời cha Tổ Phụ vẫn giữ thói: dịp tết, nhà Dòng cử người vào tết Đức cha, vì Đức Ngài là Bề trên nhà Dòng. Vậy đầu năm 1934, tết đầu hết sau khi cha Tổ Phụ qua đời, cha Bề trên sai 2 thầy Stanilaus và Emmanuen vào tết hai Đức cha. Đức cha già Lý, khi ấy đã loà, hầu như Ngài chỉ ở trong nhà thờ chầu Mình Thánh. Khách đến hầu, thì có người lên mời về phòng. Khi nghe có 2 thầy Phước Sơn vào hầu, Ngài về phòng ngay, vui vẻ ban truyện lâu giờ… và nhất là nhấn mạnh hai điểm: “Nay Cố Thuận chết rồi, chúng con hãy giữ, chớ vào thói quen đi giảng và đừng làm nhà lầu nghe. Cố Thuận lập Dòng cho người thôn quê bản xứ làm ăn nuôi mình, để chuyên môn hy sinh cầu nguyên cho dân ngoại giáo. Việc giảng giải để kính các Dòng khác. Và người thôn quê bản xứ, thì rất ít ai cò nhà lầu…phần nhiều là nhà tranh vách đất.

Đầu năm 1934, ngày 13 tháng 01, cha Paulo Phạm Thanh Nhân, Hà-Nội, vào Dòng. Tiếc thay gần đến ngày khấn, ngài bị chứng đau đầu đành phải từ giã bậc tu mà trở về làm cha sở. Trung tuần tháng 06 năm 1934 cha Willibrodus từ Pháp sang xin vào Dòng. Bản quán ngài ở Hoà Lan, thuộc Hội Dòng Thánh Tâm Chúa, giảng đạo bên quần đảo Tân Guineé. Muốn cho ở đó có Dòng chuyên bề chiêm niệm, ngài đã xin đổi Dòng, nhập vào Xitô nhặt phép ở Briquebek, và từ Briquebek, xin sang Phước Sơn.

Thật là hay, Phước Sơn đang sửa soạn gia nhập Xitô, phải đổi sách lễ, sách kinh nhật khoá, thì Chúa khôn ngoan vô cùng, thương yêu vô hạn, đã sai Ngài đến để giúp trong việc cải đổi lễ nghi phụng vụ và tục lễ Xitô: mặc dầu đã có sách lễ nhạc; song trăm hay đâu bằng tay quen. Lễ Sinh Nhật năm ấy khởi sự đọc kinh theo lễ nghi Xitô.

Rồi sửa soạn cấm phòng chung dọn mình khấn trọng thể. Tối 10 tháng 03 cả cộng đoàn vào phòng, đã mời cha Dion Bề Trên Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế đến giảng.

Dịp long trọng như thế, lẽ ra Đức Tổng Phụ toàn Dòng đã sang chủ toạ, song tiếc thay, ngài bị đau, nên đã uỷ quyền xin Đức cha giáo Chabanon đại diện nhận lời khấn. Cha Bề trên Bernard đã tuyên thệ trọng thể nhập Xitô sáng ngày 19 thánh 03 lễ Thánh Cả Giuse, trong tay Đức cha.

Sáng ngày 20, những anh em đang kỳ khấn tạm, thì khấn tạm lại nhập Xitô; và anh em mãn kỳ tập thì cũng khấn nhập Xitô.

Ngày 21, lễ Thánh Tổ Benedicto, một ngày muôn đời ghi nhớ, cả nhà khấn lại trọng thể nhập Dòng cả Xitô. Cha Hồ Ngọc Cẩn Bề trên Dòng Thánh Tâm giảng bài đại thể. Sáng hôm sau, Đức cha lại ban chức linh mục cho thầy Y tá Emmuen, và chức tư cho hai thầy Laurent Thơ và Stanilaus Trương Đình Vang.

Ngày 02 tháng 07 lễ Đức Mẹ đi viếng, cha Silvester Nguyễn Hữu Niên, nguyên cụ chính xứ Kẻ Bưởi Hà Nội, vào Dòng mặc áo Thỉnh sinh. Cám ơn Chúa nay Ngài đã đắc thọ lục tuần.

Ơn Chúa thương anh em vào thêm nhiều thì cha Bề trên nghĩ đến sự đi lập Dòng.

Vậy cha Bề trên và cha Anselmo sang Cao Miên, coi sở đất của một Cố có ý cho mấy mẫu đất ở Kép. Địa điểm này tuy có nhiều điều hay, song cũng không thiếu sự bất tiện, nên xin cám ơn Ngài hiện nay có Dòng các cha Benedicto ở.

Sau đó, cha Bề trên được thơ Đức cha Phát Diệm mời ra. Hai cha Bề trên I và Bề trên II lại đi coi đất Phước Địa, Vô Hốt ra cho đến Chinê, đồn điền Chatet. Song không được nơi nào vừa ý.

Ngày 20 tháng 8 năm 1935, lễ cha Thánh Bernardo, cha Willibrod mãn năm tập Hội Thánh, được chuẩn năm tập Dòng và được khấn trọn đời ngay vì theo Giáo Luật: Tu sĩ đổi Dòng mới đã khấn trọn ở Dòng trước, thì khi sang Dòng sau, mãn kỳ tập, được khấn trọn đời ngay.

Khấn rồi, cha Willibrod đề nghị : bên Malacca đất rộng, khí hậu tốt, người bản thổ giống Việt Nam… Có nhiều điều hay, nên sang lập Dòng bên ấy. Tu Hội đồng ý. Cha Bề trên cho Tu Hội đề nghị bầu ai làm Bề trên Dòng mới, thì cha Anselmo trúng, cha Willibrod làm phó và thầy Chrysologo phụ giúp (thầy này sau ra Châu Sơn và qua đời ở đó). Rồi tuỳ cha Anselmo sẽ xin ai nữa mặc ý. Tiên vàn cha Willibrod đi Malacca tìm đất trước.

Ngày 21 tháng 11 năm 1935 cha Anselmo giao nhiệm vụ Tập sư cho Cha phó rồi sang nhà khấn, chuyên môn học tiếng Malacca, dọn mình đi lập Dòng.

CHƯƠNG II

Chung quanh việc lập Dòng Châu Sơn

Xảy ra đầu năm 1936, Đức cha Tòng cho biết : “nhà Ngân Hàng Hà Nội bán đấu giá sở Lacombre 5000$, một sở rất đầy đủ có thể cho một nhà Dòng ra ở tạm được, nhà cửa đầy đủ tiện nghi lại có máy nước, vườn Cafe nhiều, gần núi, sẵn củi; có chừng hơn bốn chục mẫu ruộng ở Đế Cốc. Nay là dịp rất thuận tiện, miễn là phải  ra coi ngay; Có đồng ý thì can thiệp với ông chủ Ngân Hàng Hà Nội (Mr. God). Trông cậy ông sẽ giữ giá ấy cho nhà Dòng”.

Được thơ, cha Bề trên liền hội các cha bàn tính… khi  ấy nhiều ý kiến tất tiếc: nếu cha Willibrod chưa đi Malacca thì đi ra Phát Diệm ngay được. Song có ý kiến đối lại: thánh ý Chúa muốn cho cả hai nơi, vì nay sắp thêm cha mới: thầy sáu Stanislaus Trương Đình Vang, thầy năm Maxime Hậu và Philippe Năng, thầy Laurent, thầy Marco, thầy Alberico…, nên xin cha Bề trên cứ đi  coi xem thế nào…

Thì ngày 20-01-1936, cha Bề trên đem theo cha Martin Khanh ra thăm sở Lacombre. Đến nơi, hai cha coi thích chí lắm! Thật như lời Đức cha Tòng đã nói: một sở có nhà cửa, đầy đủ tiện nghi, đất tốt, ra nhận là có hoa màu ngay. Một sở như vậy mà bán 5000$ thì quá rẻ. Coi  rồi, hai cha tính về Phát Diệm trình lại Đức cha nhà dòng bằng lòng mua, rồi đi Hà Nội gặp ông chủ Ngân hàng ngay. Song đức cha bàn: không nên gặp trực tiếp với ông. Viết thư cho ông thì dễ nói hơn, ông sẽ coi thư và cân nhắc các lẽ.

Cha Bề trên về ráp thư, rồi đưa cha thư ký viết lại, đại ý như sau:

 “Kính thưa ông chủ,

Tôi xin vào đề ngay, khỏi mất giờ Ông Chủ.  Đức cha Tòng, Giám Mục Phát Diệm, vừa cho chúng tôi hay; Ông Chủ có ý bán đấu giá sở đồn điền Lacombre với giá 5000$.

Tu viện chúng tôi đang muốn lập dòng ngoài Bắc, mà chưa tìm ra được nơi nào thuận tiện; Vì ít lâu nay có nhiều người ngoài ấy muốn vào dòng chúng tôi, song đàng xá xa xôi cách trở…

Nếu nay được Ông Chủ để cho sở ấy, thì hay quá, có sẵn nhà cửa, có đầy đủ tiện nghi… Anh em chúng tôi có thể ra ngay được, ai muốn vào Dòng sẽ có Dòng ngay.

Vậy dám xin Ông Chủ dùng quyền tối cao của Vị Giám Đốc, mà bán giá ủng hộ 5000$ cho Tu viện chúng tôi, thì đó là Ông Chủ làm một việc thiện, công ích xã hội lâu dài.

Nếu Ông Chủ vui lòng chấp nhận, thì xin gởi cho chúng tôi tấm ảnh của Ông Chủ, vì trong anh em chúng tôi có người vẽ truyền thần khéo sẽ vẽ một bức kính biếu Ông chủ làm kỷ niệm.

Chúng tôi xin ghi ơn nhớ nghĩa ông chủ ngàn thu.

Ký…

Được thơ, ông trả lời: đồng ý để sở đất Lacombre cho nhà dòng với giá 5000$, liệu lo tiền, hai tuần nữa ông sẽ vào thăm dòng; Trong thư ông kèm theo tấm hình của ông.

Cám ơn Chúa, vạn ơn Đức Mẹ. Hoan hô Đức cha cho ý kiến thượng sách.

Cha Bề trên liền bảo Thầy sáu Stanislaus Trương Đình Vang vẽ gấp bức ảnh cho ông. Còn ngài thì viết thư vay tiền ông Pháp, nhà đại phú ở Kim Long. Mọi  sự có tay Chúa; Là cha nhân lành lo cho con cái; ông Pháp sẵn lòng cho dòng mượn 5000$. Thế là xuôi rồi, còn chờ Ông chủ vào giao tiền nhận đất.

Đúng hẹn, hai tuần sau, ông chủ Ngân hàng vào, Thầy Stanislaus vừa vẽ song bức ảnh, đẹp và giống lắm, ông rất hài lòng.

Câu chuyện rôm như pháo nổ, rồi hẹn ngày ta Châu Sơn nhận sở đất trao giấy, trả tiền… thế là thuận mua vừa bán.

Ông đi rồi, cha Bề trên hội các cha bàn tính đặt Bề trên nhà mới Phát Diệm. Lại một lần nữa Tu hội tiếc, vì đã cho cha Willibrod đi tìm đất bên Mallacca, nếu không thì nay cử cha Bề trên nhì Anselmo. Bàn lui bàn tới, sau hết cha Bề trên đồng ý với Tu hội cử cha Tập sư; Song ngài nói thêm: hiện nay sẽ sai cha Placido đi trước, có cha Martin giúp, ra thu xếp công việc, sau lễ Đức Mẹ Lên Trời cha Tập sư sẽ ra.

Ngày 18 tháng 02 năm 1936, lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cha Bề trên Martin ra nhận sở mới. Giấy tờ song xuôi, đánh điện tín vào cho một lớp anh em ra tạm dẹp nhà cửa. Cha Bề trên ở lại ngoài ấy gần lễ Phục Sinh mới về.

Nên ngày 21 tháng 03 lễ Thánh Tổ Benedicto, cha Bề trên nhì Anselmo đại diện cha Bề trên, nhận một lớp anh em vào nhà tập, gồm các thầy: Gerardus Thảo, Ephrem Lương, Simon Đại, Cypriannus Chấn (Vinh), Henrico Bá, Bellarminus Quì (Phát Diệm), Leonardus Cần và Theodoro Hoan (cha hoan nay đã thượng thọ lục tuần)

Hay đâu hạ tuần tháng tư, cha Willibrod đi Malacca tìm đất về, mà không được việc. Thế là rủi mà may! Cha Bề trên mừng vì ngài có ý đặt lại đấng làm Bề trên nhà mới. Từ đó còn sai nhiều lớp anh em thay đổi nhau ra làm việc nhà mới.

Đầu tháng 06-1936, Thầy sáu Stanislaus Trương Đình Vang cấm phòng dọn mình thụ phong linh mục ở nhà thờ Chính toà Phủ cam Huế do Đức Cha Tardieu Giám mục Quy nhơn, vì Đức Cha Giáo về Tây uống thuốc và qua đời trên tàu.

Lễ Đức Mẹ lên Trời rồi, cha Bề trên mới hội các cha đặt Bề trên nhà mới lại. Thì cha Anselmo đắc cử.

Vậy ngày 06-09, Chúa nhật XIV sau lễ Hiện Xuống, cơm tối xong, nói chuyện anh em từ giã nhau;  7 giờ chuông vào nhà hội đọc sách, bấy giờ cha Anselmo đi đầu. Theo sau là thầy năm Philippius Năng, thầy tư  Marcus Vinh, thầy Thomas Khả và bốn chú đệ tử: Thảo, Dương, Thủ, Thỉnh, cả phái đoàn cùng nhau vào nhà hội quỳ sấp mình xin cha Bề trên ban phép lành, đoạn đứng dậy bái chào từ dã Cộng đồng lần sau hết, rồi xuống đò ra ga Tiên An, 9 giờ tối lên tàu suốt đi Ninh Bình…

Khi ấy ở Châu Sơn. Những phái đoàn đã ra trước, gồm có cha Placido, cha Martin, Thầy Batolomeo Khoá, Phêrô Hồng, Anton Tấn, Leo Trác, Felix Thạnh, Simon Vượng, Ignatio Chích, Odilon Mộ, Gulielmo Gió, Victor Sở và hai thầy nhà thử: Fidelis Diệu và Malachia Minh tất cả là 14 người vui mầng đốn rước cha Bề trên và phái đoàn chánh thức ở Ninh Bình lên.

Sáng hôm sau, 8-9-1936, lễ Sinh nhật Đức Mẹ, cha Bề trên Anselmo chính thức nhận quyền quản trị nhà Dòng mới.

Từ đây xin độc giả coi lịch sử Dòng Châu sơn.[10]

CHƯƠNG III

Từ khi lập dòng Châu Sơn đến khi lập dòng Phước Lý.

Đây xin trở về Phước Sơn.

Các cha và anh em đi Châu Sơn rồi ca toà nhà thờ hơi trống, thì Chúa lại ban thêm: kể đây ít ơn kêu gọi đặc  sắc:

Ngày 11-11 lễ thánh Martin, Cha Chiếu địa phận Huế vào lãnh áo thỉnh sinh.

Sau ngài thì thầy Coelestin Druai người thượng Banar Kontum nhập địa phận Qui Nhơn, ra học triết ở Xuân Bích Hà Nội, rồi xin vào Dòng Phước Sơn (hiện là giáo sư La văn Đệ tử Viện Châu Sơn)

Tiếp đến Cố Bình T. R. P Radelet, cố Chính địa phận Vinh, đã từ mấy năm xin vào Dòng, mà Đức Cha không cho, nay có lẽ nhờ lời cha Benoît cầu bầu, Chúa mở lòng Đức Cha ban phép.

Ngài vào Dòng ngày 11-7-1937, được cha Bề trên chuẩn cho chỉ ở nhà thử hơn một tháng, đến ngày 19-8 áp lễ cha Thánh Bernardo có bốn thầy khấn tạm: Christophoro Nhị, Anphonso Sửu, Columbano Hào và Raphael Quyền.

Sau đó thầy Casimirô Hồ Thiên Cung, thuộc Dòng các thầy giảng Banam, xin đổi Dòng, nhập Phước Sơn (hiện là cha Bề trên II Dòng Phước Lý). Rồi đến Cha Chrisologo Đoàn Như Cương, địa phận Hải phòng… Đọc tới đây, độc giả thấy rõ Cha Tổ Phụ Phước Sơn qua đời rồi. Phước Sơn đã không tan rã như có người lầm tưởng, trái lại Chúa ban cho có nhiều ơn kêu gọi đủ các đấng bậc…

Theo luật Dòng Xitô, cứ năm năm một lần, cha Bề trên cả phải đi kinh lý các nhà không có nhà mẹ. Phước Sơn được làm con Xitô từ tháng 10-1933, đến nay 1938, là gần năm năm; Vì đau yếu, nên Đức Tổng Phụ uỷ quyền xin Đức Khâm sứ Toà Thánh Mgr Drapier đi thay. Vậy hạ tuần tháng 03-1938, Đức Khâm  sứ ra tuần viếng Phước Sơn, tuần hành có cha ký lục mỹ tự Michael Nguyễn Khắc Ngữ (tức Đức Cha Long xuyên đương kim). Tuần viếng Phước Sơn rồi, Đức Ngài cho mời cả các cha Châu Sơn vào, để làm tuần viếng Châu Sơn luôn thể; sau đó, ngày 6-4 chụp bức ảnh kỷ niệm cuộc tuần viếng chính thức theo Giáo luật, từ ngày Dòng thành lập đã 20 năm, đây là lần đầu tiên.

Trong dịp này, Đức khâm sứ phong phong chức năm cho thầy Alberico Trần Văn Nhơn.

Nhân dịp có các cha Châu Sơn vào, mấy cha Bề trên cùng nhau  bàn về vấn đề Tổng hội chi Dòng theo Hiến pháp, tuy chưa thành chi dòng thực danh, nhưng nay đã có hai nhà, thì hàng năm cũng nên hội. Vậy đã định sang năm 1939, sẽ hội tại Phước Sơn ngày 12-9 và các cha đã khấn trong dều dự hội.

Trước này đã nói cha Remi, tức Cố Bình, được chuẩn, chỉ ở nhà thử hơn tháng rồi được mặc áo tập ngày 19-8-1937, nay gần mãn năm tập thứ nhất, thì cha Bề trên lại đồng ý với Tu hội chuẩn cho năm tập thứ hai theo luật Phước Sơn và cho khấn tạm ngày 20- 8-1938 lễ cha Thánh Bernardo, hôm  ấy cùng khấn với ngài có cha Silvester Niên và năm thầy nữa: Conrado Kỳ, Bonaventura Dũng, Matheu Yêm, Damiano Ngọc, Chrysologus Tình. Tất cả hai cha, năm thầy cùng khấn tạm một ngày. Cha Remi và thầy Chrysologus đi Châu Sơn, cả hai qua đời tại đó (cha Remi qua đời ở Hà Nội), thầy Damiano chúng tôi qua đời vì bom đạn ở Phước Long.

Qua năm 1939 ngày 12-9 các cha Châu Sơn vào họp Tổng Hội lần đầu tiên như đã định năm trước. Nhưng tiếc thay, quyển ghi chép biên bản quyết nghị của Tổng Hội đã thất lạc bên kia vĩ tuyến ngày di cư…

Cùng năm ấy, cha Nguyễn Văn Qui, cụ xứ Kẻ Tùng, địa phận Vinh vào Dòng và ngày 20-8 lễ chaThánh Bernardo mặc áo nhà tập, nhận thánh hiệu Berchmans, hiện nay là Bề trên nhà hưu trí Tu viện Phước Lý.

Cuối năm ấy, một lớp các chú Đệ tử vào nhà thử: từ khi thành lập Đệ tử viện đây là lớp thứ ba, được năm chú, quí danh là: Dược, Ngư, Liễn, Hưởng, Hoá. ngày lễ Cha Thánh Bernardo 20-8-1940, các chú được mặc áo dòng, nhận thánh hiệu: thầy Bernadino Trần Phúc Dược, Xavier Lê Ngư, Anton Trần Văn Liễu, J.Cruce Nguyễn Văn Hoá, còn chú Hưởng đã về, trước khi mặc áo.

Đệ tử viện Phước Sơn thành lập 1926, thì đầu năm 1931, dịp Đức Viện Phụ Lérins sang thanh tra Phước Sơn, đã nhận lớp đầu tiên vào nhà thử, được sáu chú, khi khấn rồi thầy Cyrillo Minh qua đời được trọn phúc nhà Dòng, còn năm thầy về. Lớp thứ hai, 4 chú cho đi Châu Sơn cả, như đã kể trên là: Thảo, Dương, Thủ, Thỉnh. Chú Thủ được chết trong ơn kêu gọi, chú Thỉnh về, chú Dương đã thành ông Quận trưởng, còn chú Thảo là cha Berchmans, vị linh mục tiên khởi của Đệ tử viện Phước Sơn, tức cụ Thủ chỉ các chú chi Dòng Thánh Gia.

Đến lớp thứ ba này được năm chú, về 3, còn hai, thì cha Bernadino Trần Phúc Dược là vị đệ thứ do Đệ tử viện, thăng quyền linh mục. Ngài đã làm Bề trên kỳ di cư Phước Sơn, Thủ Đức. Vị linh mục đệ tam của Đệ tử viện là cha Xavier Lê Ngư, đã làm quản lý Phước Lý, hiện là phó quản lý Dòng Châu Sơn. Thầy Anton Trần Văn Liễu đã thăng linh mục Triều, là cha Trần Trí Tuệ địa phận Kontum.

Qua năm 1941, lễ Ba Vua, khai mạc Tổng Hội lần thứ hai tại Châu Sơn. Kỳ tổng hội này, đã quyết định: lễ Sinh Nhật các cha làm lễ thứ nhất theo ý nhà Dòng, còn  hai lễ phải chỉ: “Proseipso Sacerdote”.

Ngày lễ Đức Mẹ lên Trời năm ấy, Cố Bá R. P. Gilbert Barnabé, Tổng quản lý giáo phận Thanh Hoá xin vào Dòng, mặc áo thỉnh sinh. Ngài đã xin vào dòng từ lâu, ngay khi cha Tổ Phụ Phước Sơn còn sinh thời. Ngài đã vào cấm phòng hai lần, ở lâu ngày, hai cha cùng nhau thân mật chuyện vãn đàng thiên liêng. Dòng dã mấy năm trời mong đợi, nay mới được toà thánh ban phép chuẩn, theo Giáo Luật khoản “ 542, n. 1”. Ngày lễ Thánh cả Giuse 19-03-1942, ngài được mặc áo thỉnh sinh.

Sau cơn gian nan khổ cực, gần hai năm trên chiến khu (1953-1954), quá kiệt sức, ngài phải về quê hương điều dưỡng; qua năm 1958 đắc cử Bề trên Dòng Châu Sơn, cuối năm 1962 mãn nhiệm kỳ thì tháng 5-1963 được cử sang La Mã làm bí thư Đức Tổng Phụ toàn Dòng.

Sang năm 1942, Đức Cha Ngô Đình Thục Vĩnh Long gởi bốn thầy Dòng Cái Nhum ra du học Phước Sơn về khoa Thần học. Bốn thầy có quí hiện là: Micharl Nguyễn Văn Lực, thầy Henri, Thầy Ephrem Nguyễn Văn Liễu và thầy Hermenegilde. Đầu năm 1945, các thầy mãn khoá, từ giã Phước Sơn trở về Dòng và lần lượt thụ phong linh mục. Sau khi thụ phong, cha nào cũng ra làm lễ tại Dòng và chúc lành đầu tay cho cộng đoàn Phước Sơn.

Cũng đầu năm ấy (1942), cha Tuyến địa phận Huế vào nhà thử, song được ít tháng bị đau, ngài đành phải trở về chức vụ cha sở, với lòng luyến tiếc nhà Dòng.

Tiếp đến cha già Ninh cụ xứ Bình Thuận địa phận Vinh vào Dòng, nhận thánh hiệu Justino, mặc dầu đầu râu tóc bạc, mà ngài còn khoẻ. Cha Bề trên đã uỷ thác công tác đúc bánh lễ, kế nghiệp cha già Thomas Chỉnh. Chu toàn chức vụ đến năm 1951, ngày 27 tháng 11 ngài mới nghỉ giấc ngàn thu trong Chúa.

Đầu năm 1943, bảy chú đệ tử được nhận vào Tập viện, là lớp thứ tư có quí danh: Đức, Thiều, Thứ, Trọng, Thái, Bích, Thâm; song thay vì được phong linh mục Giáo Hội, thì đã thăng sỹ quan Tổ Quốc, hiện là Trung tá Bửu Thiều, Đại uý Trần Thứ, Quận trưởng Hồ Thâm và Trung uý Trọng…

Năm 1943, một năm đáng ghi nhớ, năm ngân khánh Phước Sơn thành lập, kỷ niệm 25 năm từ khi cha Tổ Phụ làm lễ thứ nhất trên núi Phước ngày lễ Đức Me Lên Trời 15- 8 1918 đến 15-8 1943. Đã mới các cha và anh em Châu Sơn vào đông đủ, tổ chức tuần tam nhật, kinh lễ tạ ơn cầu cho các vị ân nhân. Ngày nào cũng hát lễ trọng, nghe giảng và đặt Mình Thánh Chúa chầu đến chiều. Ngày thứ nhất, tức 13-8, một cha Dòng giảng, đại ý tạ ơn Chúa, cám ơn các vị ân nhân và ghi ân cha già Tổ Phụ. Ngày thứ II, tức 14-8 đã mời cha Philipphe Lê Thiện Bá giảng. Ngày 15, chính ngày kỷ niệm, hồi 07 giờ 30, hai chuông trên tháp thi nhau reo vang vui mừng mời cộng đồng tu viện rước Đức Cha Mgr. Lemasle và quí khách tề tựu trước tiền đường nhà thờ, đã xây đài kỷ niệm đặt tượng cha Tổ Phụ đứng quay mặt vào nhà thờ, chung quanh đài ghi lời vàng ngọc cha Tổ Phụ trối ngụ ý đứng đây yên lặng không nói chi, song đêm ngày luôn luôn cầu bầu cho Tu viện và nhắc nhở chúng con giữ lời cha trối “MUỐN NÊN THÁNH THÌ GIỮ LUẬT DÒNG”.

Dứt hồi chông, Đức cha nói ít lời tuyên dương công đức cha Tổ Phụ, cùng thay mặt Tu viện cám ơn các vị ân nhân và sau hết khuyên các cha các thầy hai nhà ra sức thi hành lời trối của cha Tổ phụ để bõ công các vị ân nhân, và ích cho địa phận Huế. Tiếp ca đoàn hát kinh Magnificat tạ ơn Chúa và Đức Mẹ, và thánh vịnh Beati omnes quitiment Dominum. Rồi kinh cám ơn kết thúc.

Hai chuông, lại đua nhau inh ỏi mời Đức cha và các quan khách vào nhà thờ dự lễ. Đức cha cử hành lễ Đại trào và giảng. Trong buổi lễ, ngài phong chức linh mục cho  thầy sáu Theodoro Nguyễn Văn Hoan, đánh dấu ngày đáng ghi nhớ trong sử chi dòng.

Hai giờ chiều, ông Phủ Vĩnh-Linh đến chia vui với nhà Dòng. Tùng hành có nha lại bản phủ. Quan Phủ đến trước Khánh đài Tượng cha Tổ Phụ, mấy ông nha lại sắp hành đằng sau, cùng nhau vái. Ông phủ cầm bánh pháo đốt giơ lên trước tượng, nói: mừng Đức Ngài ngàn thu nơi chín suối. Cầu chúc Tu viện con cái ngài muôn năm thịnh đạt. Dứt tiếng pháo, lại cùng nhau bái. Bấy giờ một tràng pháo tay hoan hô quan Phủ Vĩnh.

Ngày 13-01-1944, cha Bề trên Bernard thượng thọ thất tuần (13-1- 1874; 13-1-1944). Các cha, anh em cùng nhau vui mừng, tổ chức ngày hân hoan mừng cha già “cụ lão 70”, đánh điện tín ra Châu Sơn mời cha Bề trên Anselme vào. Chiều ngày 12, ngài vào vừa kịp hội chung lúc 07 giờ tối. Toàn thể Tu viện gồm các cha, các thầy, các chú đệ tử, và ông lão Dòng ba tề tựu đông đủ. Cha phó Bề trên đọc bài chúc thọ, dựa theo lời Thánh kinh sách Đệ Nhị Luật V, 16: Chúa phán; “Con hãy thảo kính cha mẹ con, như  Chúa Giavê, Chúa con đã truyền, để con được sống lâu và hạnh phúc trên đất Người ban cho con”. Thảo kính thì làm vui lòng cha mẹ, nhớ công việc người đã làm, tuyên dương công đức người đã lập.

Cha học Tiểu chủng viện địa phận Bayonne, năm 1892 nhập Đại chủng viện Hội Dòng thừa sai Paris, năm 1897 thụ phong linh mục, được bổ sang Việt Nam địa phận Huế, đắc cử ngay giáo sư Đại chủng viện Phú Xuân, suốt 5 năm. Đến năm 1902, Đức cha sai đi lập xứ đạo Lăng-Cô. Năm sau (1903), cha được đón tiếp cha Bernoit Tổ phụ Phước Sơn lần đầu tiên từ Âu Châu sang (như chúng tôi đã kể trong phần I) sau 10 năm làm Bổn sở Lăng-Cô, cha lại tái cử giáo sư Đại chủng viện 8 năm nữa, tất cả 13 năm ngồi ghế giáo sư. Năm 1920 cha vào Dòng Phước Sơn, tới khi ấy cha làm Bề trên kế vị cha Tổ phụ đã được 11 năm… sáng 13, cha Bề trên hát lễ trọng, tạ ơn Chúa bậc I, nhà Dòng được nghỉ tối nói chuyện mừng cha đắc thọ ông lão thất tuần.

Hạ tuần tháng 11 năm ấy, ông toàn quyền Decoux đến thăm nhà Dòng, tháp tùng là Khâm sứ Trung kỳ, công sứ Quảng trị, bên Nam Triều có cụ Phạm Quỳnh, Lại Bộ Thượng Thư. Cộng đồng Tu viện, áo mão chính tề, sắp hàng ra rước vị thượng khách, theo nghi lễ Dòng, vào nhà thờ hát “Te Deum” rồi vào nhà hội chung, cha nhạc trưởng đọc bài Thánh kinh theo thánh Phêrô, khuyên vâng phục vua chúa quan quyền… Đọc xong, cha Bề trên nói một câu trong luật Thánh Tổ Benedicto: “Christus adoretur in hospite qui et suscipitur: chúng tôi thờ lạy Chúa Kitô trong vị thượng khách mà chúng tôi tiếp rước”. Mọi người liền quì sấp mình, rồi dậy, cha Bề trên đọc chúc từ, đại ý:

“Toàn thể Tu viện chúng tôi gồm 8 linh mục, hơn 40 tu sĩ, 30 đệ tử, và 20 ông lão dòng ba, đầy lòng vui mừng và rất hân hoan được đón rước quí Toàn Quyền quá bộ đến thăm nhà Tu chúng tôi, ở nơi rừng rú này. Chúng tôi hết lòng cám ơn và ngàn đời ghi nhớ sự vui mừng trong ngày hạnh phúc này.

Chúng tôi đi tu, bỏ mọi sự theo Chúa Kitô, tin theo các lời Người phán dạy,… Người đã phán: mọi quyền bính trên trời dưới đất đã ban cho Người, Người đã trao lại cho trần thế. Do đó, cộng đồng chúng tôi vừa sấp mình thờ lạy quyền phép Người trong quí vị Thượng khách. Thế tất chúng tôi hết lòng cầu xin Người ban muôn ơn cho quí ngài, ngọc thể khang an trường thọ…

Một lần nữa toàn thể Tu viện hân hoan cám ơn và kính chúc:

Nước Pháp muôn năm!

Quan Toàn quyền Decoux muôn năm

Nước Việt Nam muôn năm”

Quan Toàn Quyền đáp lời đại ý như sau:

“Kính thưa Cha Bề trên!

Các Cha và các thầy yêu dấu!

Tôi rất cảm động cuộc đón tiếp long trọng uy nghiêm theo lễ nghi Dòng, mà cha Bề trên và Tu viện đối xử với tôi. Chưa có nơi nào đã đón tiếp tôi cách uy nghiêm như vậy. Tôi hết lòng cám ơn cha Bề trên và Tu viện.

Cha Bề trên, các cha, các thầy ẩn tu nơi rừng rú hẻo lánh này, có lẽ ít người lui tới, xem ra như Tu viện không làm ích cho đồng bào-mà có người nghĩ như vậy-song lịch sử minh chứng các nhà Dòng bên Tây giúp ích cho xã hội lắm, nhất là đời Trung Cổ, Dòng Thánh Bernoit, Thánh Bernard thì Âu Châu biết ơn lắm… đó là ích về đàng văn minh phong hoá vật chất, còn như ích về tinh thần siêu nhiên, thì một mình Thiên Chúa biết vì có biết bao Linh mục, Tu sĩ thông thái bởi hai dòng ấy mà ra.

Nay cha Bề trên, các cha, các thầy đây cũng con cái hai Thánh Tổ phụ Benoît, Bernard, cũng đi con đường hai  Đấng thánh,  thì tự nhiên cũng làm ích cho đồng bào nhờ sự hy sinh hãm mình cầu nguyện của Tu viện.

Cám ơn cha bề trên đã cầu chúc cho nước Pháp, cho nước Việt Nam và cho tôi. Cám ơn.

Sang đầu năm 1945, ngày 11 tháng 03 đảo chính. Các cha người Pháp phải tập trung vào Huế, cha Bề trên và cha Gilbert cũng đồng số phận. Thì ngày 25 lễ Đức Mẹ chịu Truyền Tin, cha Bề trên và cha Gilbert từ giã cộng đồng ra đi… than ôi tình cảnh đau thương cha con ly biệt! Cha ra đi biết khi nào về… tương lai nhà Dòng sẽ ra sao! Thôi chỉ còn biết phó dâng mọi sự trong tay Chúa và Đức Mẹ cùng Thánh Cả Giuse. Cha phó Bề trên đã khấn thánh Cả Giuse xin phù hộ nhà Dòng bằng an sẽ dựng tượng kỷ niệm kính Ngài. Mà thật ông thánh đã nhận lời. Vì cha Bề trên và cha Gilbert chỉ phải tập trung hơn bốn tháng, nghĩa là từ 25 tháng 03 đến mùng 06 tháng 08, chính phủ Hồ Chí Minh khoan hồng cho hai cha Dòng Phước Sơn được về đang khi các cha khác vẫn bị lưu giam tại đó.

Đảo chính độc lập chưa được bao lâu, thì không biết tại đâu mà sinh đói, mà đói quá lẽ là đói, chết đói kể từng mấy triệu con người, nên ca dao cửa miệng đồng bào đã hát:  “Việt Nam độc lập nằm co, hết cơm hết gạo đói to, chết nhiều”. Phần nhà Dòng, Chúa thương, cho thông phần công nghiệp với đồng bào, là chỉ ăn cháo 15 ngày, rồi có lúa gặt về.

Đang khi cha Bề trên Bernard bị tập trung vào Huế kỳ đảo chính độc lập, rồi đổi chính quyền, thì các thầy Dòng Xitô hai nhà Phước Sơn và Châu Sơn lo buồn; Châu Sơn thương ông, Phước Sơn tiếc bố, thì Chúa lại ban ơn yên ủi là Toà Thánh chọn cha Anselmo Bề trên Châu Sơn làm Đức Cha Phát Diệm. Trung tuần tháng 06 năm 1945, ngài vào Huế gặp Đức Khâm sứ để phụng lệnh Toà Thánh, lúc về, ghé thăm Phước Sơn với sắc phục Giám Mục, toàn thể Tu viện đón rước huynh trưởng thăng quyền Giám Mục. Trong bài chúc từ, cha Bề trên nhì nhắc câu Kinh Thánh: Tu gloria Jerusalem. Tu laetitia Israel. Tu honorificencia populi nostri: cha là vinh dự cho Jerusalem Châu Sơn, cha là hoan lạc chi dòng Thánh Gia, cha là vinh quang cho toàn dân Xitô.”

Như đã nói trên, ngày 08-08-1945, cha Bề trên bị tập trung ở Huế, được về, thì ngài bàn tính với các cha sẽ cho cha Stanislaus Trương Đình Vang đại diện Phước Sơn ra dự lễ tấn phong Đức cha Lê, đồng thời đưa hai thầy sáu Vitalis Nguyễn Văn Bổn và Cassimiro Hồ Thiên Cung ra xin Đức cha ban chức linh mục đầu tay cho hai thầy, đó là của lễ thật vinh dự Phước Sơn mừng Đức Cha, rất hợp thời hợp cảnh thì ngày 05- 11 1945, lễ cung hiến nhà thờ Châu Sơn, hai thầy Vitalis và Cassimiro được thụ phong linh mục do tay Đức cha Huynh Trưởng bản Dòng.

Cuối năm 1946, ba chú đệ tử: Nguyên, Phẩm, Vị vào nhà thử là lớp thứ năm, mặc áo tập sinh, nhận thánh hiệu là Basilio, Jean Bosco và Phêrô, rồi lần lượt xin rút lui. Basilio vì đau, Jean Bosco xin sang Dòng Thánh Tâm Huế, còn Phêrô sau khi khấn tạm được cử theo phái đoàn đi lập nhà mới, xuống đến Tân Thành rồi về nhập hàng ngũ sĩ quan cứu quốc.

Ba chú đệ tử về, thì hai thầy giảng địa phận Hà Nội vào, là thầy Đỗ Chính Thống, tức cha Maximo, sau 9 năm du học Âu châu, nay về giữ chức phó Tu viện; và thầy Cúc, sau khi thụ phong linh mục là: cha Thomas, cũng được du học, rồi từ La mã, xin nhập Dòng Chartreux.

Tháng hai năm 1946 chánh phủ Hố Chí Minh lại truyền các cha Tây phải tập trung tại Cầu Rầm. Tự nhiên cha Bề trên và cha Gilbert cũng phải đi…cha Bề trên II cử cha Theodoro và thầy Melchiades ra thương lượng với ông Giám đốc công an xin cho hai cha về…Ông vui lòng cho. Đó là ơn Thánh cả Giuse. Hai cha về tới Phước Sơn ngày 11 tháng 02, lễ Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Cám ơn Mẹ, cám ơn Thánh Cả Giuse.

Sang năm 1947, lại có lệnh bắt di cư triệt để, phải thi hành chính sách vườn không nhà trống. Nhà Dòng phải tản cư một nửa ra Nghĩa Yên, một nữa ra Cầu Rầm. Vì lẽ rằng:  1) Nếu Dòng ở lại, sẽ nên địa điểm cho đối phương. 2) Khi súng nổ, nếu Dòng bị hại, thì chính phủ phải chịu trách nhiệm với La Mã.

Cha Bề trên cử một cha và thầy Alberto ra Cầu Rầm xin khỏi di cư. Hai anh em đi tầu suốt tối ngày 16, sáng ngày 17 đến Cầu Rầm tìm gặp ông Giám đốc công an. Sáng hôm sau ngày 18 lễ các thánh Tử đạo, đi gặp ông Chủ tịch Khu Tư, quí hiệu Hồ Tùng Mầu, ông chấp thuận cho Dòng ở lại khỏi tản cư. Thật là ơn đặc biệt Thánh Cả Giuse đã cầu bầu, chứ sức loại người không thể xin được. Nếu đã phải tản cư ra Vinh rồi thì nhà Dòng nay ra sao? Một lần nữa cám ơn Thánh Giuse.

Ngày 25-03-1947, lễ Đức Mẹ chịu Truyền Tin, cha Gilbert khấn trọng thể. Ngài hết sức vui mừng, vì nếu bị tập trung, thì khấn sao được.

Cũng năm ấy (1947), ngày 29-6, lễ kim khánh cha Bề trên Bernard thăng quyền Chánh tế (ngày 29- 6 -1897 -- 29-6 1947).

Song vì tình thế đất nước bất an, cha không cho tổ chức trọng thể, chỉ trong nhà cha con vui mừng với nhau; làm lễ tạ ơn và nhà cơm cho dọn cả ba bữa cá.

Ngày 13-07-1947, thầy sáu Pio Ngô Mai Huê, thụ phong linh mục. Cám ơn Chúa, nay ngài làm giáo sư  La-văn Đệ tử Viện Phước Sơn.

Qua năm 1948, ngày 22-3, cha Bernardino Trần Phúc Dược thăng quyền Chánh tế  (hiệu du học Thuỵ sĩ).

Thượng tuần tháng 6 năm 1949, một thầy địa phận Hải Phòng vào Dòng, quí hiệu là Đào Trọng Thanh, tức Cha Gregorio, sau 6 năm du học Thuỵ Sĩ,  nay về giữ chức Tập sư.

Sau đó thầy Una người lai Xiêm: bố Xiêm, mẹ Việt đến nói: “con xin dzô tu”, điệu bộ sốt sắng lắm; Song, sau năm tháng lại nói: “con xin dzề”, cực quá con chịu không nổi.

CHƯƠNG IV

Chung quanh việc lập dòng Phước Lý

Cuối năm 1949, được tin dòng Trappe bên Trung Hoa bị tàn phá. Các cha lo sợ, bàn tính với cha Bề trên, tìm đất lập dòng đề phòng khi gặp hoạn nạn có nơi di cư trú ẩn.

Tìm chưa được nơi nào ưng ý, có ý kiến bàn sang Lào; Có ý kiến khác bàn lên Kontum, vì đời cha Tổ Phụ đã tính lên đó. Đang khi còn phân vân, chưa biết tính đi đâu, thì Chúa quan phòng xếp đặt mọi sự khôn khéo êm đềm mạnh mẽ. Trung tuần tháng 06 năm 1950, cha Aberico đau, phải vào Sài Gòn điều dưỡng. Ngài xuống Vĩnh Long thăm Đức cha Thục, vì là cựu học trò của Ngài khi ở trường lớn Huế. Đức cha đọc báo, cũng biết việc dòng Trappe bên tàu bị tản cư, ngài nói: tình hình thế Việt Nam mình xem ra cũng nguy hiểm, nhà dòng tính lập nhà con để có chỗ tản cư, thì vào Nam mà lập. Ngài sẽ cho khu nhà trống của xứ Chà Và, ở tạm đó mà đi tìm nơi thuận tiện lập dòng.

Cha Aberico về trình bày công việc, Cha Bề trên và các cha vui mừng lắm, cám ơn Chúa, vạn tạ Đức Mẹ. Cha Bề trên liền viết thơ hầu Bề trên cả, gặp kỳ đại hội ngày 21-09-1950. Đại hội nghe nói Đức Cha Thục ủng hộ, thì chấp thuận ngay, ban phép lập dòng trong  Nam Việt .

Cha Bề trên bàn tính cùng Tu hội, cử cha Casimiro Hồ Thiên Cung đi làm Bề trên nhà mới. Thì ngày 05-11-1950, cha Bề trên mới, dẫn phái đoàn đi lập dòng trong Nam, gồm có; Cha Aberico, Cha Sylvester, Cha Vitalis, Cha Xaverio, thầy sáu Gioan và các thầy Gabriel, Aloysius, Paulinus, Paschalis, Clement, Hardingus, Aegidius. Ireneus, Leo, Antonius, Robertus, Phero, Luca và Andreamus…

Đưa anh em đến Chà Và yên rồi, lo đi tìm đất, Đức Cha Thục chỉ cho hai nơi: Vồng Rùm và Vồng Lớn. Hai cha đi coi không ưng ý. Bấy giờ Cha Bề trên nhớ đến sở bà Tám Dung.

Bà Tám Dung


Nguyên là thượng tuần tháng 9, năm 1944, cha Thà, địa phận Sài Gòn, ra Phước Sơn cấm phòng, Ngài cho hay: có hai chị em bà Tám Dung ở Chợ Quán, Chợ Lớn, muốn dâng một sở đất cho Phước Sơn lập dòng, nếu các cha đồng ý, thì xin cho bà hay. Cha Bề trên và các cha rất bằng lòng, song còn tuỳ thời thế xem sao… Cấm phòng xong, Cha Thà về nói lại, bà Tám mừng lắm, hy vọng một ngày sẽ được tiếp rước Phước Sơn. Bà mua ngay 200 con bò để cho Dòng. Đầu tháng 03 năm 1945 đảo chính, bà mừng quýnh, viết thơ ra xin Phước Sơn vào gấp. Hay đâu khi ấy cha Bề trên Bernard đang tập trung ở Huế, rồi tiếp đến đổi chính quyền, thế là 200 con bò của bà cũng không còn nữa.

Nay cha Bề trên Casimirô muốn tìm đến sở đấy ấy;  song còn thuộc khu vựa kiểm soát, chưa vào được…, thì hai cha lại đi coi sở Kép, là nơi mà cha Bernard và cha Aselmo đã đi năm 1934…., coi rồi hai cha cũng không ưng ý. Thôi về Chà Và nghỉ đã…

Đầu tháng 03-1950, cha Bề trên Casimiro liệu cho thầy sáu Gioan Luận được thụ phong linh mục ở Sài Gòn, song Đức Cha Sài Gòn đau, nên đã mời Đức Cha Thục truyền chức, ngày 10 tháng 3 tại nhà thờ Chính Toà Sài Gòn. Thế là Dòng mới được thêm một vị linh mục nữa, thành 6 cha.

Lễ truyền chức xong, cha Bề trên Casimiro đi tìm đất ở Vùng Mạc Bắc, quê hương của Ngài, thì gặp ngay Ông Chín Nhiệm, quen biết Ngài, Ông vui lòng dâng cho Dòng 30 mẫu đất ở Tân Thành, vừa ruộng cấy, vừa vườn dừa… gần sông Bassac, đường giao thông rất tiện… Hết sức vui mừng, Ngài trở về Chà Và cám ơn Cha sở và đồng bào cả họ đã rộng tay bác ái  hơn 4 tháng trời tiếp tế đầy đủ. Nay từ giã cha sở và cả họ ra đi mà không phải đi đâu xa, bèn là cũng trong địa phận nhà, chỉ đổi nơi thôi, trước sau cũng vẫn là bà con với chắc. Ra đi mà để lại tấm lòng luyến ái.

Đến Tân Thành, đất tốt, vườn dừa nhiều, trái trăng vô số, song phải lo cất nhà, và sắm sửa đồ dùng, vì còn thiếu thốn lắm. Khi ở Phước Sơn ra đi, đường sá xa xôi, chưa mua sắm chi được. Đến Chà Và, thì nhờ đồng bào trợ cấp, nay mới phải sắm. Vậy Cha Alberico nhận công tác lên Sài gòn mua sắm, may nhờ cha Giacôbê Huỳnh Văn Của, Bổn sở Gia Định, đầy lòng bác ái, giới thiệu với đồng bào: các ông, các bà hằng tâm hằng sản trợ cấp, mua được đầy xe, nào là chén bát, sanh nồi, nào là dầu đèn mến chiếu. Chở về anh em vui mừng ra đón. Cám ơn Chúa, vạn tạ Đức Mẹ, ghi ơn nhớ nghĩa các vị ân nhân. Nhớ xưa kia, khi Dòng Xitô mới sơ khai, đời Cha Thánh Stêphano làm Bề trên, lúc trong nhà quẫn bách, anh em phải đi công khuyến, lúc đầy thúng mang về, cả nhà sắp hàng cầm Thánh giá ra đón của Chúa ban, và hằng ngày cầu nguyện cho quí vị ân nhân trong giờ kinh lễ. Xin Chúa trả công vô cùng trên trời cho các ngài vậy.

Ngày lễ thánh Tổ Bênêdicto 21-03-50, lớp thứ sáu của Đệ Tử viện vào nhà tập, cám ơn Chúa 6 chú được 5 thăng quyền linh mục là Cha Hoà, Minh, Hậu, Bích, Lâm. Còn chú Khang nay mang hoa vàng Đại Uý. Cha Joan Lâm sau 9 năm du học nay làm Giám Đốc Đệ Tử viện.

Từ khi đảo chính cha Bề trên không đi tuần viếng Châu Sơn được nữa. Mãi đến tháng 8-1951, dịp lễ Cha Thánh Bêrnardo, được thư Đức Cha Từ, khẩn khoản mời ra tuần viếng, kẻo anh em ngoài ấy mong Cha Bề trên lắm.

Được thư, Cha Bề trên định đầu tháng Môi khôi sẽ đi, để phú dâng cuộc hành trình và việc tuần viếng trong tay Đức Mẹ hộ phù.

Ngày 2-10, lễ các Thánh Thiên Thần Hộ Thủ, Cha Bề trên ra đi đem theo Cha Phó Bề trên kiêm thơ ký. Hay đâu đến Huế, thì được tin cho biết: đi Châu Sơn không được, đường giao thông bế tắc. Bấy giờ Cha Bề trên nói: “Thì vị chi đi Sài  Gòn tuần viếng nhà mới”.

Đến Sài Gòn, đi thăm Đức Cha, cố Giữ Việc, rồi xuống Vĩnh Long thăm Đức Cha Thục là con đỡ đầu khi chịu phép thêm sức. Đến nhà Dòng Tân Thành vừa kịp làm lễ Đức Mẹ Môi Khôi, cha con gặp nhau hết sức vui mừng. Cha Bề trên liền hỏi thăm ngay Ông Chín Nhiệm đã có hảo tâm dâng cho Dòng sở đất đó gần sông, khí hậu mát, anh em ở đó xem ra cũng tốt, song đất sình quá, ngồi trong nhà mà chân ghế lún xuống, như vậy làm nhà phải đóng cừ nhiều, mới trông vững được; lại lắm muỗi quá, hai giờ đêm dậy đọc kinh nguyện gẫm khó cầm trí, anh Gabriel chuyên môn đi thụt muỗi, để anh em yên trí mà gẫm. Vì thế phần đông anh em không ưng ở đó, xin cha Bề trên, nếu có thể tìm cho nơi khác nên ngài tính trở lên Chà Và coi lại hai sở Đức Cha đã chỉ.

Sau một tuần ở với anh em rồi đi thăm ông chín Nhiệm, thăm cha sở và ngày 15 từ giã anh em lên Vĩnh Long gặp Đức Cha, ngài liền đưa cho bức điện tín Đức cha Từ gởi vào: “mời cha bề trên về gấp” Cha Bề trên nói: “Việc chi mà gấp, Châu Sơn không đi được, thì vị chi cứ đi coi đất Chà Và cho yên đã”. Đến Chà Và coi hai Vông  Đức cha cho, nhưng xem ra không tiện; song có Vồng khác tiện hơn, họ Chà Và xin dâng. Cám ơn họ - Trở về Sài Gòn lo giấy tờ. Hay đâu về đến Sài Gòn có người mời đi thăm sở Bà Tám có ý dâng như đã nói trên, thì cha Bề trên đến thăm, bà mừng lắm, nói: “Phước Lý đã an ninh, có đồn bót rồi, lên Xoài-minh được, mời cha Bề trên đi coi, nếu ưng ý, thì xin dâng ngay, vô điều kiện, dâng cả ruộng, cả vườn dừa, đất rộng để lập dòng”.

Những Đan sĩ đầu tiên đặt chân đến Thôn Rôn

Ngày hôm sau 18-10-1951 lễ Thánh Luca, cha Bề trên, cha Phó Bề trên, Cha Alberico, thầy Aloysius, thầy Aegidius, năm cha con đi Phước Lý coi đất. Không may gặp ngày cha sở đi vắng, năm cha con kéo nhau sang thăm Ông Trung uý Robert Giám đốc Thanh thuỷ Hạ, có ý xin xe, ông tử tế quá, mời ăn cơm, rồi cho xe đưa lên Xoài-minh coi đất; lại nhờ có Ông đội Ngân, Đồn trưởng làm hướng đạo. Đến nơi coi cám ơn Chúa, vạn tạ Đức Mẹ, thấy một sở đất rộng mênh mông, ruộng cấy nhiều, lúa đã xanh, vườn dừa rộng, gần sông, có rừng tràm nhiều củi, tiện đường giao thông, gần chợ Cát Lái, xa Sài Gòn mà lại gần, vì đường tốt. Đây thật là đất Chúa hứa, nên không cần xin làm giấy nhượng đất Chà Và nữa. Trở về gặp lại Bà Tám, cám ơn Bà cho sở đất tốt, Nhà Dòng rất bằng lòng lập ở đó.

Xong xuôi rồi, cha con về Huế, thì gặp Đức Cha Từ, đưa thư cha Bề trên Cả chấp thuận đơn cha Bề trên Già xin từ chức, và đồng thời cha Bề trên Cả uỷ quyền xin Đức cha đặt Bề trên khác kế vị.

Bấy lâu cha Bề trên Già trông mong sự ấy, nay được, ngài mừng lắm, nói ngay: “Thì vị chi phải về Phước Sơn  bầu Bề trên”. Đức cha trả lời: “Phước Sơn nay ở vùng chiến khu không lên được, xin cho mời các cha Phước Sơn vào và tin cho mấy cha trong Tân Thành ra.

Còn về địa điểm để cha tựu hội thì sao?- Trụ sở Phước Sơn ở nhà Ông Hội Nghị, song từ khi ông bà đi Pháp, anh em vào Huế đã trọ nhà Cụ lớn Quận Công, nhà rộng rãi, rất đủ tiện nghi…

Vậy sáng ngày 25 các cha Phước Sơn và Tân Thành tề tựu gần đủ mặt; nhân khi ấy, hai cha Berchmans và Malachia Châu Sơn vào gặp cha Bề trên, thì Đức cha nói: “nay bầu Bề trên nhà mẹ Phước Sơn, thì hai nhà con cũng thông công để góp ý kiến giúp đỡ Đức cha đại diện cha Bề trên Cả đặt Bề trên “Ad nutum. Thế là sáng ngày 26 Đức cha làm lễ về Đức Chúa Thánh Thần, 9 giờ các cha tựu hội Đức cha chủ toạ bỏ vé kín, chọn Bề trên nhà mẹ Phước Sơn. Sau đó Đức cha mở vé, xem một mình, rồi tuyên bố: “Cha Bề trên Cả uỷ quyền cho ngài hỏi ý kiến các cha và đặt Bề trên “Ad nutum”, cho đến khi cha Bề trên Cả sang tuần viếng sẽ công cử chính thức; thì nay ngài đặt cha Bề trên Nhì làm Bề trên Phước Sơn “Ad nutum”. Lúc ấy là 10 giờ 15 ngày 26-10-1951.

Cha Bề trên Mới cám ơn Đức cha và xin dâng lên cha Bề trên Cả tấm lòng con thảo tùng phục. Còn đối với cha Bề trên Già thì xin phép để về nhà Dòng tổ chức anh em đông đủ tạ ơn cha.

Vì bị bệnh phải nằm nhà thương, nên mãi ngày 24 tháng sau (XI-51) lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cha Bề trên mới về Dòng nhận chức vụ, tổ chức cuộc hân hoan tạ ơn cha Bề trên Già, rồi hát lễ các Thánh Tử Đạo xin phù hộ cho được ơn bắt chước các Đấng mà chịu khó vì Chúa.

Nhận chức vụ rồi, Cha Bề trên Mới  để trí lo việc Dòng Tân Thành.

Ngày 8 tháng 12 lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, hội các Cha bàn về hai vấn đề: - có nên bỏ Tân Thành mà rời lên sở Phước Lý Bà Tám mới dâng chăng? Sau khi cho các cha biết các chi tiết về cả hai sở, thì các Cha liền đồng ý bỏ Tân Thành rồi lên Phước Lý.

Vấn đề thứ hai là chọn Bề trên khác thay cho Casimiro. Sau cuộc tuần viếng hai cha Bề trên đã cùng nhau bàn tính, và thể theo ý Cha Casimiro, thì xét nên cho Ngài nghỉ, phải chọn đấng khác thay, nên xin các cha cho ý kiến.

Sau khi bỏ vé kín, và so sánh các vé… thì cha Bề trên cử Cha Stanislaus Trương Đình Vang làm Bề trên nhà mới, nghĩa là rời nhà Tân Thành lên Phước Lý. Thêm Cha Berchmans đi giúp, thay vì hai cha Sylvester và Vitalis đã về Phước Sơn lại.

Thu xếp đồ đạc xong, ngày 15-12-1951, cha Bề trên Mới Stanislaus Trương Đình Vang từ giã  Phước Sơn vào Nam nhận quyền rời nhà Tân Thành lên Phước Lý, tùng hành có Cha Berchmans  và hai thầy Martin và Gulieno.

Từ đây xin độc giả xem tiểu sử dòng Phước Lý.

CHƯƠNG V

Từ khi lập Dòng Phước Lý đến khi di cư

5-IX-1950 —15-11-1953

Đức cha Từ và hai cha Berchmans, Malachia về Bắc rồi, tự nhiên anh em ngoài Châu Sơn biết tin cha Bề trên Già đã hưu trí, thì có nhiều thư vào mừng Ngài đã được bớt gánh nặng… Đồng thời cũng nài xin cha Bề trên Mới ra tuần viếng… Chính Đức cha Từ cũng viết thư nên gắng ra thăm anh em…; vì khi đắc cử Giám Mục, Ngài đã đặt cha Martin làm Bề trên quyền tạm, sau đó ít tháng cha Bề trên già cử cha Stanislaus ra đại diện cha Marco lên chính quyền, đợi ngày cha Bề trên nhà mẹ ra, vì thế anh em cứ mong cha Bề trên ra hoài.

Vậy sau khi đã đặt cha Gilbert làm Bề trên Nhì, cha Augustino làm Bề trên Ba, cha Silvester giữ chức Tập sư, cha Theodoro làm thủ quỹ, cha Pio quản lý cha Vitalis coi họ Phước Sơn, và cha Bernadino Giám đốc Đệ Tử…

Các chức vụ yên rồi, ngày 9 tháng Đức Bà năm 1952, cha Bề trên đi máy bay ra Hà Nội…

Xuống sân bay, cha Malachia, biết tin trước, đã mượn xe Ông Mai Văn Hàm chờ sẵn, đưa về nhà in Roma, ở đó đợi dịp tàu thuỷ đi Nam Định.

Đang khi chờ đợi, đi gặp Đức Khâm Sứ Dooley, Đức ngài tiếp rước niềm nở, vì khi mới sang, ở Huế, muốn đi thăm Phước Sơn, song thiếu phương tiện, nhất là thiếu an ninh, không giám đi… Rồi ngài nói, đi Châu Sơn về ghé lại, Ngài sẽ cho Lễ – khi ấy được những Lễ như vậy quí lắm.

Đến Nam Định còn phải trọ ở Giáo Hoàng Chủng Viện các cha Đa Minh 12 ngày, mới có dịp tầu xuống Phát Diệm – Xin muôn đời ghi ơn các cha: cha Nguyễn Đại Xuyên quyền Bề trên, cha Giáo Yến, cha Quản Lý Vang – Đến Phát Diệm vào nhà chung gặp Đức cha, rồi được cha Giám đốc Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc mỹ tự Nguyễn Duy Phượng, dẫn đi coi và cắt nghĩa khu nhà thờ, kỳ công kiệt tác của cụ lớn Trần Lục; từ đó để lòng nhớ ơn cha Giám đốc rất đáng mến. – Hôm sau đi Như Tân, nơi các chú Đệ tử Châu Sơn di cư do cha Giám đốc Berchmans Nguyễn Văn Thảo điều khiển, trên 20 chú, và bốn vị giáo sư quý danh: Hiển, Hạnh, Quảng, Sáu. Bốn thầy này, chỉ còn thầy Quảng, du học Thuỵ Sĩ, thăng quyền linh mục, tức cha Gregorio, hiện là nhạc trưởng Dòng Châu Sơn.

Ngày 17 tháng 6 từ giã cha Giám đốc và các chú Như Tân, đồng hành có thầy Leo Vũ Đức Chính (Phó Bề trên Châu Sơn hiện thời )và một anh Dòng Ba, đi qua Tam Tổng rồi chiều tối xuống xà- lúp, có ý đi Rịa; hay đâu mai sáng, 8 giờ, đến Thanh Hoá. Càng hay! Được dịp may vào thăm Nhà Chung. Thì giờ đâu được gặp cha Chính An, bố nuôi, nhận cho đi nhà Thầy, thì nay mới được phước Dòng đây. Cám ơn Chúa quan phòng mọi sự. Rồi lên chào Đức cha. Gặp cha Tần (tức Đức cha đương kim), ở đó tới 19 mới có xà lúp đi Rịa. Sáng 20 đến Văn lâm, phải đổ bộ; hôm ấy là thứ sáu, lễ Trái Tim Chúa nên ghé vào nhà xứ xin làm lễ, cha xứ rất tứ tế, ban cơm, rồi chỉ lối đi Rịa.

Mười giờ khuya đến Rịa. Công an soát giấy nói: không hợp lệ, bị giữ lại. Sáng sau dẫn đến Công an Tỉnh và bị giam lỏng 25 ngày.

Được tha, về lại Như Tân …

Đến nơi, gặp được nhiều thư Cha Bề trên II Gilbert. Than ôi! một tin rất đau  đớn: Thầy Fidelis bị cọp bắt ngày 25 tháng 5 …

Như đã nói ở phần II, Nhà Dòng có thói quen hàng tháng đi rú chặt củi… Cơm trưa xong các thầy ai nấy tìm nơi yên tĩnh, hoặc nghỉ hay xem sách tuỳ ý. Thường thì ai nấy đến chỗ mình đã chặt củi để khi lên hiệu thì bó củi vác về một nơi. Hôm ấy thầy Fidelis và thầy Giuse rủ nhau đi chặt cây Trầm ná (thứ gỗ cứng để làm giằm cối xay). Thầy Giuse đang chặt, thì thầy Fidelis nói:

- Sao mà em sợ lắm!

- Sợ chi mà sợ, cứ chặt đi, thầy Giuse trả lời vừa xong.

Tức thì con cọp vồ thầy Fidelis. Thầy Giuse liền cầm hai chân thầy Fidelis kéo lại và kêu la: “Cọp bắt anh Fidelis …! Cọp bắt…” Các thầy chung quanh, kẻ ngủ, người thức, nghe kêu, hoảng hồn, không biết ngả nào, vì rú cả… Ai nấy cũng la om sòm … Thầy Giuse dành nhau với con cọp được xác thầy Fidelis rồi, thì bỏ đó, chạy ra kêu các thầy để biết lối mà vào…  Khi chạy trở vào thì cọp lại đã tha xác thầy Fidelis đi mất rồi… Ai nấy càng hoảng sợ… sẵn giao rựa, cứ gọng giao hai cái gõ một, thầy gõ thầy kêu, inh ỏi khu rừng, vừa kêu vừa chạy vô tìm; cọp ta cũng thấy thất kinh, đành phải bỏ mồi lại, chạy thoát sau khi đã công đi chừng mười thước.

Tìm thấy xác thầy Fidelis, các Thầy cấp tốc chặt cây làm “kiệu” sắp hàng khiêng thầy về, vừa đi vừa lần hạt to tiếng, cầu nguyện cho linh hồn thầy, và có ý cho cọp không dám tiếc mồi đuổi theo… mặc lòng, vừa đọc kinh vừa run sợ, về gần nhà rồi mới hoàn hồn.

Cha Bề trên Nhì Gilbert buồn lắm, lễ tang thầy xong, Ngài tự ra hình phạt cho mình: “ngồi ăn cơm dưới đất”; Cha Tập sư Silvester cũng bắt chước hình phạt ấy; Song ai mà chả biết cả hai Ngài không có lỗi chi. Mọi sự do Thánh ý Chúa. Thầy Fidelis là con mồ côi, nhà con trẻ Phước Viện Quảng Bình, tính nết đơn sơ thật thà, trung thành giữ luật, nên khi mặc áo Dòng, Cha Tập sư đặt cho tên Fidelis. Song trí khôn kém, học lời khấn lâu thuộc, học trước quên sau, nên thầy lo: nếu không thuộc đủ, không được khấn… đàng khác, thầy mộ mến ơn kêu gọi, thích ở Nhà Dòng lắm, chỉ sợ Nhà Dòng cho về…

Thường khi đi rú làm củi, thì sửa soạn ngày hôm trước, nên thầy Fidelis đã biết, chiều hôm ấy thầy gặp cha giải tội lâu giờ. Thế là thầy đã dọn mình kỹ… ơn Chúa thúc dục Thầy.

Được trọn phước nhà Dòng… an táng rồi, các thầy hát kinh “Te Deum” tạ ơn Chúa.

Tiếp chuyện cha Bề trên được tha về Như Tân, ở đó chờ dịp thuyền nhà buôn lên Phúc Nhạc, luôn luôn có cha Malachia lo liệu cho mọi sự.

Đến Phúc Nhạc, vào trọ Tiểu Chủng Viện, lại hân hạnh gặp cha Bề trên Nguyễn Duy Phượng và Đức cha Từ cũng đang ở đó, chờ dịp tầu bay đi Hà Nội, thì cha Malachia lại can thiệp với Nhà binh xin cho mình đi luôn thể.

Đến Hà Nội lại về trụ sở là nhà in Roma của Châu Sơn do cha Malachia điều khiển.

Hôm sau đi gặp Đức Khâm Sứ, Đức cha Khuê và các cha; Các đấng đều mừng cho đã thoát nạn. Đức Khâm Sứ và Đức cha Khuê đã cho nhiều lễ to. Cám ơn các ngài. Chờ ở trụ sở Roma mãi đến ngày 10 tháng 8, Cha Malachia mới liệu được tàu bay. Ngài cũng tiễn chân vào Huế. Về đến Nhà Dòng là ngày 14, trước lễ Đức Mẹ Lên Trời. Vừa kịp nhận lời khấn bốn thầy: Stanislaus Hoà, Montfortius Minh, Camillus Minh và Gioan Lâm ngày lễ cha Thánh Bernardo 20-8

Bốn thầy này đã có dịp nhắc đến ở chương IV trên này.

Trong phần thứ II đã nói Quan cụ Quận Công đã chiêu dân lập ấp thành họ Phước Sơn. Quan cụ xây nhà thờ cho họ và sắm đồ thờ cho họ; chuông, trống, cờ xí …vv. Còn việc đạo, thì Quan cụ xin Đức cha nhờ nhà dòng Phước Sơn lo.

Vậy từ ngày làm phép nhà thờ, Đức cha đặt cha Bề trên Benoît làm bổn sở họ. Từ đó có cha Dòng xuống làm lễ cho họ các ngày Chúa nhật, lễ trọng …

Vậy ngày 15 tháng 02 năm 1953, ngày mồng hai tết Nguyên Đán, cha Bề trên xuống làm lễ. Lễ xong Chủ tịch xã và Công an mời Ngài ra cuối nhà thờ. Trước mặt bổn đạo đông đủ, ông nói;

-Trong nhà thờ trang hoàng nhiều thứ cờ đẹp, trong đó có bốn lá cờ Long tinh của địch. Đang khi đánh địch mà lại treo cờ địch có bất đáng không?

Mọi người ở lặng lâu, mấy ông chức việc ngó mặt sợ quá… cha bề trên nghĩ; không có cờ địch, vì cờ tam tài của pháp đã huỷ cả rồi, cờ chính phủ hiện tại là “vàng ba nẹp đỏ” thì không có, nên Ngài mạnh dạn trả lời:

-Bất đáng.

Ông chủ tịch nói: cho hạ 4 lá cờ xuống.

Họ sợ quá đứng yên. Cha bề trên nói: chức việc vào xem, cờ nào là cờ địch thì hạ xuống. Công an vào bảo hạ 4 lá cờ cũ thời Bảo Đại: giữa đỏ hai bên vàng, tức là long tinh mắt rồng. Ông chủ tịch nói:

-Ông Chu Kim Tuyến là chủ động trong việc này thì phải mời đi với 4 lá cờ.

Ông Giáp T nói:

-Không, việc dọn nhà thờ, treo cờ, là việc họ, cha Bề trên chúng tôi chỉ xuống làm lễ thôi.

- Anh bịt miệng đi, cứ vào làm biên bản, ông chủ tịch nói. Cha Bề trên biết ngay là nguy rồi, không cần chữa mình chi nữa, kẻo ra đổ lỗi cho con chiên mà không thành việc. Ngài theo họ vào làm biên bản. Ký xong, cùng theo họ đi … bị đem lên chiến khu … rồi nhà Dòng bị tản cư … từ tháng năm 1953.

PHẦN TIẾP IV

Từ khi dòng tản cư đến bây giờ

Xin khất độc giả, khi bằng an sẽ có

Bài Giảng Của Cha Giáo Cẩn ( Đức Cha Địa Phận Bùi ) giảng lễ ngày các thầy Phước sơn mặc áo lớp đầu tiên ngày 20 – 03 -1920. Phần II chương V.

Domine, bonum est nos hic esse; si vis, faciamus hic tria tabernacula: Tibi unum, Moisi unum, Eliae unum.

“Lạy Chúa, chúng con ở đây thì hay lắm; nếu Chúa muốn, thì chúng con  xin làm đây ba cái nhà: một cái cho Chúa một cái cho ông Môisen, một cái cho ông Elia ”.

Ấy là lời ông thánh Phêrô thưa cùng Đức Chúa Giêsu khi Chúa đem lên núi Tabore mà cho xem một chút sự hiển vinh Chúa. Ay là một câu rất mỹ vị rất ngọt ngào, làm cho Hội Thánh muốn ngâm đi ngâm lại trong ngày Chúa nhật thứ hai về mùa chay cả; ad Primam đã lấy câu ấy làm Antiphona; ad Tertiam còn muốn lặp lại, ở các thầy, các trò trong Dòng này,chúng tôi hết thảy đều vui mừng cho anh em, vì bây giờ chẳng phải là ad Pimam hay là ad Tertiam mà thôi, mà lại mỗi giờ mỗi khắc, thì lòng các thầy hằng than cùng Chúa rằng: Lạy Chúa, chúng con ở đây thì hay lắm; lại cũng nguyện cùng Chúa rằng: Nếu Chúa muốn chúng con xin làm ở đây ba cái nhà.

Thánh Phêrô xưa muốn ở lại trên núi Tabore mà không được; xin làm ba cái nhà mà Chúa cũng không cho; về phần anh em nay muốn ở lại trên núi Phước sơn, thì đã được rồi; xin làm ba cái nhà thì Chúa cũng đã cho.

Vậy anh em phải vui mừng, cùng cám ơn Chúa biết là chừng nào: Vui mừng vì được ở đây thì hay lắm; cám ơn Chúa, vì Chúa đã nhận lời cha Bề trên ao ước, và lòng anh em sở cầu, mà cho làm ở đây ba cái nhà, hầu đặng ở núi Phước Sơn mà nhìn xem sự oai nghi Chúa cách kín nhiệm, ngỏ ngày sau lên núi Tabore trên trời, mà xem tỏ sự vinh hiển Chúa đời đời chẳng cùng. Bởi đó bây giờ nên  nghiệm lại làm sao mà dám nói rằng: Ở đây thì hay lắm, làm sao mà xin ở đây ba cái nhà.

I. Chúng tôi ở đây thì hay lắm bonum est nos hic esse. Ở đây là nơi nào, có phải ở nơi đất Phước sơn không? – không vì đất Phước Sơn cũng là chốn khách đầy, cũng là nơi sũng khóc lóc, cũng là nơi đất khô núi trọc, chẳng phải có sẵn đặng vật thanh ba gì đó, mà nói rằng ở đây là hay. Vậy thì ở đây là nơi nào? – Ở đây là ở lại trong nhà Dòng đây, ở đây thì hay thật: hay, chẳng phải vì khí tốt, nước hiền, hay là vì phong quang, cảnh đẹp, hay  chẳng phải vì ở đây cho khỏi sưu bơi thuế viết hay là cho khỏi mướn làm thuê đâu, hay, chẳng phải vì ở đây cho nhàn thân, khỏi tìm phương sinh lý đâu. Nếu ai vào đây cho đặng tìm những sự hay ho thế ấy, thì chớ nói rằng: ở đây là hay.

Ở đây là hay, vì ở đây đặng hưởng cũng một sự như thánh Phêrô cùng hai Tông Đồ được hưởng trên núi Tabore xưa, là được xem thấy Đức Chúa Giêsu … Song ba thánh Tông Đồ xưa thì xem thấy tỏ tường, mà các thầy nay thì nhìn xem cách kín nhiệm vậy mà thôi.

Vì chưng kẻ ở nhà Dòng thì hằng thấy Đức Chúa Giêsu tỏ mình ra trong mọi sự cùng trong mọi việc mình làm, và trong mỗi giờ mình sống, hằng gặp Đức Chúa Giêsu trong sách vở, trong giờ đọc kinh nguyện gẫm, dầu khi ở trong nhà thờ, dầu khi ra ngoài rẫy, dầu ở đâu, đi đâu, làm việc gì cũng hằng kết hiệp cùng Đức Chúa Giêsu, lại trong cách ăn nết ở thì hằng vẽ Đức Chúa Giêsu ra. Thật ở nhà Dòng thì hay lắm. Thầy Dòng chẳng khác gì Maria chọn phần nhất hảo ngồi dưới chân Đức Chúa Giêsu, mà học đàng trọn lành, ai làm Matta lo lắng bồn chồn trăm triều ngàn việc thì mặc ai, thầy Dòng cứ làm Maria ngồi dưới chân Chúa.

Ớ anh em, anh em muốn biết số phận mình phước lộc là thế nào, thì hãy lấy mắt thiêng liêng đứng trên núi Phước Sơn xem xuống xung quanh bầu thế giới mà nhìn xem số phận thế gian một chút, khi anh em nhìn xem như vậy, thì sự nghe lời Thánh Kinh bảo rằng: “Cả thế gian đều ở trong tay quỉ dữ cùng đầy sự xấu xa. Vì chưng những sự ở thế gian thì thảy là mê tham sắc dục, chồm ôm tiền tài, và khoe khoang kiêu hãnh. Mundus totus in maligno etc  …Vì đó mà tội lỗi tràn trề khắp thiên hạ, vì đó mà sinh  giận hờn oán thù kiện cáo giặc giã, vì đó mà lao tâm tiêu tứ trót ngày thâu đêm, bỏ phế mọi việc lành. Song sự cùng nhắm mắt lại, của trần thế lại hoàn trần thế, đến toà phán xét hai bàn tay trắng, lại thêm cục tội đen thui. Ay số phận thế gian khốn nạn làm vậy, bây giờ nó mở miệng than rằng: Nos insensati, chúng tôi dại, song than vắn thở dài khi ấy cũng muộn rồi.

Còn trí như những kẻ tu thân ở trong Dòng, thì khỏi được cái điều nguy hiểm dường ấy.

Anh em ở trong Dòng, thì cũng như kẻ ngồi an trên bờ sông thấy người ta đang chơi vơi dưới nước, vậy anh em ngó xuống thế gian thì nên mượn lời Kinh Thánh mà than rằng: Hỡi Sion, ta ngồi trên bờ sông thành Babylon mà than khóc, khi tưởng nhớ mầy, super flumina Babylonis etc …

Xưa có một lần ông thánh Anselmô đang nguyện gẫm ngất trí, thì thấy một con sông lớn đang chảy cuồn cuộn đổ nhào ra biển, mà các giống dơ nhớp thúi tha trên mặt đất thảy đều trôi xuống sông ấy hết, cho nên nước sông ấy tanh hôi ghê gớm lắm, không lưỡi nào nói cho xiết, và sông ấy chảy mạnh quá lẽ, hễ gặp ai, bất luận nam nữ, lớn bé già trẻ, giầu nghèo, thì nó cũng nhận vày đi mà trôi theo lòng sông ấy hết, và ai nấy cứ nổi lên chìm xuống mãi, chẳng hề nghỉ yên được chút nào. Ông thánh ấy thấy sự gở lạ làm vậy, thì kinh khiếp mà hỏi rằng: chớ những người khốn nạn ấy ăn uống giống chi mà sống hoài vậy được? Người liền nghe tiếng trả lời rằng: nó ăn những bùn dơ ấy, và uống những nước ấy mà sống, song nó cũng lấy làm vui lòng.

Ông thánh lại hỏi rằng: Vậy thì sông ấy cùng các sự gở lạ ấy chỉ chi? Tức là có tiếng trả lời rằng: sông ấy là thế gian, mà người  đời lặn lội dầm dề trong sự phú quí, vinh hoa, sắc dục, thì khốn nạn như vậy đó song càng khốn thay, vì sống khốn nạn như vậy, mà nó cũng làm thích tinh toại chí. Thấy bấy nhiêu sự ấy đoạn, ông thánh ấy lại đang thấy mình đang đứng giữa một vườn lớn, có thành luỹ xuông quanh, ở giữa một cánh đồng đầy hoa xanh tươi xinh đẹp, ngồi trên nó thì êm ái như ngồi trên nệm gấm chiếu hoa, song càng quí thay, hoa ấy chẳng nhàu chẳng úa, người ta ngồi trên nó, vừa đứng dậy, nó lại chửng lên, và cũng cứ tốt tươi sắc nở. Lại vườn ấy cũng khí thanh gió mát, ở đó thì chẳng khác thể như ở vườn Đia đàng vậy. Bấy giờ ông thánh ấy lại nghe tiếng phán rằng: vườn này là hình bóng nhà Dòng, con hãy xem kẻ ở đó, thì thanh nhàn phước lộc là thể nào. Bởi đó trong sách một người nhân đức kia đã làm hiệu là pratique Progres –sive de la confession, có một câu mà rằng: “ ở đời này  chẳng có chi trọng vọng tốt đẹp cho bằng đấng bậc thầy Dòng, vì ở đó thì giữ trọn các điều Chúa khuyên dạy trong E-vang đó là nơi ẩn vững vàng khỏi những sự cheo leo ở thế, ở đó thì mới tế lễ mình cho thật, ở đó thì đặng kết hiệp cùng Đức Chúa  Giêsu cho chí thiết thanh tịnh, ở đó lòng vẫn chăm lo về trời …” Vậy nào có chi phước lộc cho bằng ở Dòng mà tu thân? Cho dầu ở ngoài đời muốn tu thân lập công cũng được đó chúc, song ở đâu tu thân dễ và tiện cho bằng ở trong nhà Dòng. Bởi đó bổn đạo đàng ngoài có một câu ví rằng: dữ tu hành cũng  hơn lành ở thể, nghĩa là ở trong nhà Dòng mà tu thân cho dù có lếu, có kém thua anh em trong nhà, thì cũng còn khá hơn người ở ngoài đời. Câu ấy cũng hợp với lời ông thánh  Bênađô nói rằng: “tôi tưởng ở ngoài thế gian mà làm đặng  góc tư việc lành kẻ ở nhà Dòng đang quen làm, thì thiên hà kể người ấy như một đấng thánh vậy.

Thôi, nở nói làm chi cho dài lời, chỉ nói tắt rằng: ở trong nhà Dòng thì được phúc lộc mọi bề: sống ở đời thì được phước có vào luyện tội cũng được phước, mà lên nước Thiên  Đàng càng được phước hơn  nữa. Ông thánh Bênađô tóm tắt các phước ấy lại trong một câu mà rằng:

“Sống thanh tịnh , ngã ít khi.

Ngã mau chỗi dậy, bước đi chững chàng.

Ơn nhuần, nghỉ lặng, chết an.

Luyện càng mau sạch, thưởng càng lớn lao”.

“In quo homo vivit purius, cadit rarius surgit velocius, inceditcautius, irrogatur frequentius; quiescit securius: moritur fiducialius, purgatur citius, proemiatur copiosius.

Vậy ta còn biết lấy lời gì mà khen chốn nhà Dòng, nhà ẩn tu, một phải mở miệng mà than cùng Chúa rằng: chúng tôi ở đây thì hay lắm, Bonum est nos hic esse.

II. Sivis, faciamus hic tria tabernacula … “nếu Chúa muốn, thì chúng tôi đây xin làm đây ba cái nhà: một cái cho Chúa, một cái chop ông Môisen, một cái cho ông Elia”.

Đã hay rằng: ở đây thì hay lắm, song cho được ở đây, thì cần phải có nhà, nhưng lạ!

Ông thánh Phêrô xin làm ba cái nhà mà thôi; một cái cho Chúa, một cái cho Môisen, một cái cho Elia, sao người không xin làm một cái khác cho mình và cho anh em mình được ở? Vậy thì Chúa cho ở lại đây, thì ba Tông Đồ ở vào đâu, thế tất cả ở trong nhà Chúa, và trong hai nhà kia. Thật như vậy; vì chưng có được ở như vậy mới gọi rằng: ở đây là hay. Ví bằng ở trong một nhà riêng nào khác, thì chẳng có chi là hay cả.

Cám ơn Chúa đã nhận lời, đã cho cha Bề trên làm ở đây ba cái nhà; có ba nhà ấy mới thành nhà Dòng được, và phải biết ở trong ba nhà ấy, thì mới nên thầy Dòng.

Tibi unum một cái cho Chúa. Nhà cho Chúa là nhà nào, thế ai  nấy cũng biết là nhà thờ. Có nhà thờ mới có Chúa ngự cách riêng, nhất là mới có nơi đặt Mình Thánh, cho các thầy ra vào nói khó, khẩn cầu chầu lạy và học tập đàng nhân đức với Chúa. Dẫu ở nhà Môisen, dẫu ở nhà Elia, thì cũng phải qua lại nhà Chúa mới được, cho nên phải có nhà Chúa, thì đã đành. Song phải có nhà Môisen và nhà Elia, mới giúp các thầy tu thân nên người trọn lành. Vậy nhà Môisen, nhà Elia là nhà chi? Anh em muốn biết hai nhà ấy, thì nên nhớ qua một chút hai đấng thánh ấy là ai. Cứ lời Kinh Thánh truyền lại: ông Môisen là kẻ đã sinh ra tại nước Egipto cũng đã hòng chết trôi theo bờ sông nước ấy, song Chúa đã dùng kì diệu mà cứu lấy. Sau khi Chúa lại bảo phải bỏ nước Egipto mà tìm về đất Chúa hứa. Vậy Môisen vâng lệnh Chúa mà đi; song trước phải chống cự với ý vua Pharao, rồi đi qua biển đỏ, lại lủi khắp rừng xanh; trên rừng cần phải dẹp loạn nội, đánh giặc ngoài, dầu vậy cũng chưa vào được đất thánh, chỉ thấy xa xa mà thôi.

Ơ anh em, nghe sự tích đó, đủ hiểu Môisen là hình bóng ai, cho nên cũng hiểu nhà Môi sen, là nhà nào? Vậy Môi sen là hình bóng kẻ mới vào nhà Tập. Mai nay trong anh em có kẻ khởi sự mặc áo Dòng cho được vào nhà Môisen, thì hãy sánh mình với Môisen cho biết đàng ở nhà Tập. Vì Môisen xưa sinh ra tại nước Egipot cũng nằm treo leo trên bờ sông; nay anh em cũng vậy. Anh em sinh ở thế gian, cũng đã hòng treo leo bên bờ sông ông thánh Aselmô đã thấy, song Đức Chúa Giêsu đã gọi anh em ra khỏi thế gian, mà đưa vào đàng trọn lành. Vậy  thì anh em hãy dứt tình bỏ nước Egipot là bỏ thế gian, chứ còn tiếc nối củ hành, củ tỏi nó làm chi, vì mầu mè thế gian thảy là phù vân huyễn hoặc, chóng lượt mau phai. Kẻ mới vào nhà Tập thật là vạn sự khởi đầu nan, gặp được nhiều cơn cám dỗ. Hãy bắt chiếc Môisen mà cự với vua Pharao là ma quỉ, nó ra sức cầm anh em lại trong nước Egipot là thế gian, anh em chớ nghe, một hãy chạy qua biển đỏ, thẳng tới rừng xanh, là hãy phá dứt các điều ngăn trở, đừng nhút nhát sợ khó, hãy chí công cuốn nguyện cầy sương mà gieo trồng  cây nhơn hạt đức. Hãy lấy lòng mạnh bạo mà đánh quân Amalec cùng đảng nghịch thù là những người thế gian hay quyến luyến cách này cách nọ. Lại còn phải dẹp giặc nội là tính xác thịt, còn có khi thối trí bàn ra, thương thay! Có khi anh em trong nhà làm cho mình mích tình chích ý, mà sinh phiền chí tháo lui, như quân Hêbrêu xưa muốn lui về nước Egipot. Anh em đừng thối chí, hãy bắt chiếc Môisen mà thẳng tới, có đói thì Manna bởi trời nuôi dưỡng, có khát có nhớp, thì có mạch đá chảy ra làm cho đã khát, tắm cho sạch: có nghi ngại, thì có luật phép của núi Xina  vẽ vời chỉ dẫn, có bị rắn lửa cắn, thì hãy xem lên rắn đồng. Ay chính là có Mình Thánh Đức Chúa Giêsu dưỡngnuôi cùng bổ sức cho anh em, có phép giải tội làm cho anh em bớt khao khát của hèn thế  gian và sạch các bợn nhơ tội lỗi; có luật chúa và phép dòng dắt dìu chỉ vẽ cho anh em biết cách ăn ở và biết việc phải làm, khi phải nọc độc qủi ma khuấy khuất, thì hãy xem lên Thánh Giá Chúa, là nhớ sự Thương khó Đức Chúa Giêsu mà dục lòng trông cậy.

Ớ anh em lúc mới vào nhà Tập, thật là chính buổi giao công, ma quỉ dành xé với Đức Chúa Giêsu, anh em là lính Chúa, hãy ở cho mạnh, hãy đánh cho hung. Nay anh em mặc lấy áo Dòng ấy chính nghĩa mặc lấy y phục và mang mão mà giao chiến: Ao trong ấy là mã giáp, áo ngoài là như cái thuẫn, mũ lúp đầu, đó là mão chiến, dây nịt lưng là cái đai, áo Đức Bà và tràng chuỗi là khí giới.  Vì trưng phải trông cậy chúa đã rồi, mà lại phải cậy trông Đức Mẹ lắm mới là xong việc.

Ây chính là cho anh em được tỏ phải ở nhà Môisen làm sao, ở đó phải làm thế nào; Song anh em chớ quên, dầu Môisen chịu khó nhọc như vậy cũng chưa được vào đất thánh, chỉ thấy xa xa vậy mà thôi.  Anh em cũng vậy, dầu chịu khó giữ trọn mọi điều ở trong nhà Tập, thì cũng chớ tưởng mình đã vào đến nơi đàng trọn lành. Đàng trọn lành còn xa lắm, hỡi anh em; vì vậy có lúc anh em phải qua nhà Elia mà học tập, ấy là qua nhà chính, bao giờ anh em qua nhà ấy, thì cũng sẽ nghe công việc trong nhà ấy, nay chỉ giải làm sao mà gọi là nhà Elia là nhà chính. Vốn ông thánh Elia thật là người có nhân đức rất sốt sắng, rất can đảm, đến nỗi rất đáng cho Thiên Thần lấy đó mà sánh ông thánh Gioanbaotixita rằng: In Spiritu et virtute Eliae: “Có lòng sốt sắng cùng nhân đức như Elia”. Và theo lời truyền thì cũng có nói ông thánh Elia là đấng tu hành trước hết. Bởi đó là một cái nhà cho Elia thì chỉ nghĩa là dọn một nhà cho có luật phép, để dẫn đàng nhân đức trọn lành cho kẻ mãn qua nhà tập rồi, thì qua đó. Qua đó cũng  phải vững lòng sốt sắng mà đi cho đến cùng, cam lòng ăn chút bánh lùi tro mà thẳng lên cho đến núi Horeb, cho đến khi đi xe lửa mà lên trời, nghĩa là cam lòng chịu khó tu thân cho tuyệt đỉnh trọn lành, cho đến ngày Chúa rước về thiên đàng.

Ấy ở đấy hay lắm thì như vậy; có như vậy mới rằng thì ở đây thì hay lắm, bằng chẳng như vậy, đã không hay, lại thêm dở, đã không vui, lại thêm buồn, buồn cho Chúa, buồn cho mình, buồn cho anh em cả nhà, và thêm để tiếng cho thiên hạ nhạo cười, kẻ thì rằng: bán đồ nhi phế, người khác lại rằng: đi tu nhà chẳng trót đời, xưa ở thế gian làm người như ta. Ôi! Ngày nào ai trong các thầy lâm sự rủi như vậy thì đáng buồn biết chừng nào! Chúc cho ai nấy khỏi khốn nạn thể ấy. Anh em lại hãy nhớ: anh em bây giờ như kẻ khai khấn Dòng này, hãy ở làm sao, hãy làm thế nào cho thành qui củ, để nên mối diềng  cho em út hậu lai. Cha Bề trên chúng tôi đều trông cậy nơi anh em: anh em như nền, hễ nền vững, cả nhà cũng bên vững lâu dài, người khai khẩn không an nơi, thì dân cư cũng tiêu tán. Anh em đã tình nguyện theo Chúa lên núi Phước Sơn, thì hãy theo cho đến núi Tabore thì mới xem tỏ sự vinh hiển Chúa đới đời.

Việc các thầy thì làm vậy, còn chúng tôi thì làm sao, anh em? Chúng tôi thì chịu khó đi bốn năm giờ đàng mà đến đây, có phải đến dò xét coi thử mà thôi? Chẳng phải như vậy. Chúng tôi đến là cố ý để thông công với các thầy và cũng có ý xem cho tỏ Dòng Phước Sơn. Rày chúng tôi thấy rõ tên Phước Sơn thật xứng hợp, vì thật là núi có phước, đất đai phì mĩ: phì,chẳng phải vì đã sinh ba đẳng vật tốt; Mĩ chẳng phải vì ngó phong cảnh xinh; song phì, vì đã sinh ra được kẻ làm tôi Chúa cách riêng; mĩ vì Chúa đã chọn chốn này mà ngự cách riêng mà tỏ sự oai nghi Chúa ra đây. Bởi vậy ta nên lấy lời Thánh Kinh mà khen núi Phước Sơn rằng: Mons Dei, mons pinguis, mons in quo beneplacitum est Deo habitare. Vậy ta đã có lòng đến thông công thì hẫy lấy  lòng sốt sắng giúp lời cầu nguyện cho các thầy bền đỗ theo ơn kêu gọi cho đến cùng: như vậy mới gọi là thông công, mới trông Chúa thưởng công mà chớ Amen.

 [1] BÍ CHÚ:

Chúng tôi tính xuất bản tập này hồi tháng 8 dương lịch năm 1943 để mừng kỷ niệm 25 năm dòng thành lập:

15 Aout 1918 – 15 Aout 1943

Song rủi! Gặp kỳ thế giới chiến tranh, vấn đề giấy phải hạn chế. Sau khi kiểm duyệt, nhà chức trách đòi hỏi nhiều điều chúng tôi không đủ khả năng đối phó, nên không thể thi hành ý định,

Chiến tranh thế giới chấm dứt, tiếp đến đảo chính nước nhà, thành thử công việc phải gián đoạn tới ngày nay.

[2] Quod fuit ab initio, quod audivimus, quod vidimus oculis nostris quod perspeximus, et manus nostrae contractaverunt de Verbo vitae, et vita manifestata est, et vidimus et testamur (1Joan 1, 12).

[3] Coi danh sách trang 8

[4] Et vidimus…. et annuntiamus vobis vitam aeternam quae erat apud Patrem….. ut et vos societatem habeatis nobiscum, et societas nostra sit cum Patre, cum Filie Ejus Jesu Christo…… Et haec scribimus vobis ut gaudeatis (ibid). 

[5] Ego plantavi, Apollo rigavit, neque qui plantat est aliquid, neque qui rigat, sed qui incrementum dat Deus (1Cor.III,6-8).

[6] Qui autem plantat et qui rigat, unusquisque proprium mercedem accipiat secundum suum laborem (Ibid).

[7] Bên tây có thói quen: khi ở nhà thì dùng tên thánh, khi ra ngoài thì mượn tên cha. Trong số này thì gọi: ông Cyrille Denis, chú Henri Denis.

[8] Sine me, nihil potestis facere (Joan XV-5)

[9] Servite…Ps. 99,1

 (1) Chú Thảo đây là cha giám đốc Đệ Tử Viện Châu sơn hiện thời.

 (2) Cha y tá, tiếng tăm lừng lẫy vùng Châu Sơn

NguồnHội Dòng Xitô Thánh Gia và hình ảnh sưu tầm trên Internet.