ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

"Vụ án Nọc Nạng", một khí chất Nam Kỳ dám chới tới bến!

 “VỤ ÁN NỌC NẠN", MỘT KHÍ CHẤT NAM KỲ DÁM CHƠI TỚI BẾN!

Nam Kỳ lục tỉnh thiếu gì chuyện ly kỳ, để phải nhớ đến. Trong đó, có vụ án đồng Nọc Nạn (Nọc Nạng) ở Bạc Liêu. Thiệt ngưỡng mộ hết sức trước khí phách "dám chơi tới bến" đối đầu với quan chức địa phương dùng cảnh sát đi cướp đất! Chưa hết, ở đất Nam Kỳ mới có được chuyện này hay ơi là hay: người cầm cân nảy mực ở tòa án "biết chơi đẹp", xét xử có ngọn có ngành & phán quyết THA BỔNG cho dân đen dù họ đâm chết cảnh sát!

* LÀM LỄ TẾ SỐNG TRƯỚC KHI LÂM TRẬN

... Vào đêm 14/2/1928, anh em nhà Biện Toại (ở Phong Thạnh) họp lại, làm lễ lạy vong hồn ông bà tổ tiên, sau đó rưng rưng nước mắt, quì xuống lạy mẹ, xin được báo hiếu lần chót. Họ trích máu ăn thề, quyết thua đủ với chính quyền sở tại lăm le cướp đất. Họ bốc thăm để vong linh tiên tổ chỉ định ai sẽ là người hi sinh đầu tiên. Cô em gái Út Trong rút được thăm. Anh em không nỡ, yêu cầu bốc lại. Lần thứ hai, Út Trong vẫn trúng thăm. Út nói, "Ông bà biểu rồi đó, để em liều chết một phen!".

Sáng ngày 16/2/1928, hai viên cảnh sát Tây là Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà từ thị xã Bạc Liêu đến làng xã, tác chiến hiệp đồng với viên chức địa phương nhằm thu lúa của nông dân. Út Trong đến gặp cảnh sát, yêu cầu đong lúa xong thì phải ghi biên nhận. Tournier từ chối, tát tai Út Trong. Cô Út lập tức rút ra cây dao nhỏ. Tournier đập báng súng, làm Út Trong ngất đi.

Anh em nhà Biện Toại từ nhà chạy ra, mang theo dao mác gậy gộc. Tournier rút súng bắn Mười Chức (em Biện Toại). Dù trúng đạn nhưng Mười Chức vẫn ráng nhào đến đâm lút lưỡi mác vô bụng Tournier trước khi Mười Chức gục chết.

Tournier sau đó đưa đi cấp cứu, nhưng không kịp, tắt thở luôn.

* TÒA XỬ CÔNG MINH: CHƠI ĐẸP HẾT BIẾT!

Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạn vào ngày 17/8/1928. Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau, đều dân Tây hết ráo mà ngồi xử về việc cảnh sát Tây bị đâm chết. Chắc mẩm Tây bênh Tây, nói theo thành ngữ VN thì "huyện bênh huyện, phủ bênh phủ", gia đình Biện Toại ắt lãnh án tử hình hoặc bét lắm thì cũng ở tù rục xương.

Không dè... chống lại lực lượng thi hành công vụ của nhà nước, mà không sao hết trơn! Tòa án ở Cần Thơ tuyên xử: Biện Toại, em út Toại, và con trai của Toại đều được THA BỔNG!

Mới hiểu rằng Tòa án sở dĩ có mặt trên đời - chiếu theo luật lệ văn minh - không phải để bênh nhà nước cũng không phải bênh dân. Mà bênh vực cho CÔNG LÝ.

Không có lửa làm sao có khói. Công tố viên Moreau, theo sử liệu ghi lại, đưa ra nhận định: gia đình Biện Toại bị "những kẻ không có trái tim" (hommes sans coeur) đè đầu cưỡi cổ.

"Những kẻ không có trái tim" là ai? Là đám quan chức địa phương ở Phong Thạnh ăn tiền của một gã người Tàu rồi dùng quyền thế ép dân rời khỏi đất đai bao đời của họ.

Cảnh sát viện dẫn thi hành công vụ để đòi Tòa phạt nặng dân đen.

Chánh án bác, "thi hành công vụ nhà nước" CHỈ được coi là chính đáng khi nào làm đúng với công lý, lẽ phải mà thôi.

* KHÔNG HỔ DANH KÝ GIẢ, LUẬT SƯ

Thay vì a dua với cảnh sát để tố khổ nông dân, không ít ký giả Sài Gòn lúc bấy giờ nhứt quyết tìm về Nọc Nạn để điều tra sự tình rồi đăng lên nhựt trình. Trong đó có ký giả Lê Trung Nghĩa của tờ báo "La Tribune Indochinoise" (Diễn đàn Đông Dương), ông thuyết phục hai vị luật sư là Tricon và Zévaco nhận lời biện hộ miễn phí cho người nông dân.

Cội rễ của vụ án, theo phân tích của luật sư Tricon, nằm ở chính sách đất đai xa rời thực tế và quyền lợi của nông dân. Luật sư Tricon cho rằng chính sách ruộng đất của thể chế tiền nhiệm (nhà Nguyễn) xem ra công bằng và hợp thực tế hơn khi so với chính sách của nhà đương cục hiện hành.

"Non pas de la dictature de la force du mousqueton, mais de la dictature du coeur" (lời luật sư Tricon). Không thể có quyền lực tuyệt đối (la dictature) dựa trên sức mạnh của súng đạn, mà phải là quyền lực tuyệt đối của trái tim.

Gia đình ông Toại, sau đó, làm bữa cơm mời hai vị luật sư và ký giả Sài Gòn, cảm tạ những tấm lòng "giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng im".

------------------------------------------------------

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

Đàng Trong của chúng ta

 ĐÀNG TRONG CỦA CHÚNG TA

* Ai đánh bại tàu chiến phương Tây ngay từ thế kỷ 17, bất ngờ lớn trong lịch sử châu Á? Công trạng to lớn ấy thuộc về Chúa Nguyễn của Đàng Trong!

* Trong khi đó, triều đình Thăng Long (Đàng Ngoài) vì mưu lợi cho thể chế đã sẵn sàng nhượng đất cho ngoại bang!

* Trở ngại gì trong việc không chịu tìm hiểu Đàng Trong cho rốt ráo?

&1&

Đối diện trước cuộc xâm lược của Pháp vào cuối thế kỷ 19, quan quân đời vua Tự Đức thua xiểng niểng, thua cấp tập. Nhiều người "triết lý" rằng đó là sự thất bại không tránh khỏi của "nền văn minh nông nghiệp" nước Việt...

Nhưng, không phải vậy, vì đã xảy ra một cuộc giật lùi trong lịch sử!

Hãy đọc kỹ lịch sử để biết rằng: trước đó khoảng 200 năm, ngay từ thế kỷ 17, chúa Nguyễn đã đánh tan tàu chiến phương Tây mon men đổ bộ lên Đàng Trong.

&2&

Vào năm 1642, Hòa Lan đưa 5 tàu chiến dưới sự chỉ huy của Van Liesvelt thẳng tiến đến Đà Nẵng. Cuộc chiến diễn ra cả trên biển lẫn trên bộ, Van Liesvelt cùng nhiều binh sĩ bị tử trận.

Năm sau, 1643, Hòa Lan lại đưa tàu chiến (lần này có sự toa rập với chúa Trịnh của Đàng Ngoài) để tấn công Đàng Trong!

Tàu chiến của Hòa Lan được trang bị trọng pháo tối tân lúc bấy giờ, từng chinh phục Indonesia, dương dương tự đắc.

Nào dè, quân dân Đàng Trong dưới sự chỉ huy của Thế tử Nguyễn Phước Tần (sau này trở thành Chúa Hiền) đã dùng nhiều chiến thuyền nhỏ áp sát vào đội tàu Hòa Lan khiến cho thuyền trưởng Pieter Baeck quýnh quáng. Đội tàu Hòa Lan vỡ trận, Pieter Baeck tử trận.

Sự kiện tàu chiến phương Tây, vào thế kỷ 17, bị một xứ sở ở châu Á đánh bại được xem là một BẤT NGỜ LỚN trong lịch sử!

&3&

Rất đáng để ý một chi tiết sau đây:

Nhà sử học Li Tana (Đại học Quốc gia Úc) đã tìm được bức thư của chúa Trịnh Tráng gửi cho Hòa Lan vào năm 1637 xin cầu viện với mục tiêu đánh chiếm Đàng Trong, trong đó có đoạn:

"Sau khi chiến thắng chúng tôi sẽ ban tặng cho binh lính các ông 20.000 tới 30.000 lạng bạc. Về phần các ông, chúng tôi sẽ trao xứ Quảng Nam cho các ông cai trị."

TRIỀU ĐÌNH THĂNG LONG, chỉ vì mưu lợi cho ngai vàng, đã sẵn sàng NHƯỢNG ĐẤT CHO NGOẠI BANG, vâng, miễn giúp họ đánh thắng Đàng Trong!

Có "lập luận" cho rằng: Quảng Nam bấy giờ thuộc thẩm quyền quản lý của triều đình Phú Xuân, đâu thuộc thẩm quyền của triều đình Thăng Long mà Thăng Long có quyền ký giấy nhượng đất? Văn thư của chúa Trịnh, do vậy, vô giá trị.

"Lập luận" như vậy, về thực chất, là chạy tội cho chúa Trịnh. Bởi vì văn thư nhượng đất có hiệu lực ràng buộc PHẢI thi hành - nếu triều đình Thăng Long sau đó trở thành chủ nhân của Đàng Trong.

&4&

May thay, bấy giờ, âm mưu của triều đình Thăng Long bị phá sản.

Các Chúa Nguyễn vững mạnh, vì Đàng Trong không chỉ có "văn minh nông nghiệp" mà đã tiếp cận với văn minh thương nghiệp, giao dịch hàng hóa với nước ngoài.

Thế kỷ 17, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên mở thương cảng Hội An, nổi tiếng sầm uất của cả khu vực Đông Nam Á, rộng hơn là Đông Á. Chúa Nguyễn đi theo chính sách, nói theo ngôn ngữ đời nay, là "hội nhập với thế giới". Giới thương nhân Nhựt Bổn, thương nhân một số nước phương Tây đến làm ăn buôn bán với Đàng Trong.

Việc mở cửa đã giúp cho chúa Nguyễn tiếp cận thành tựu tiên tiến lúc bấy giờ, trong đó có quân sự. Một nhân vật được ghi lại trong sử là Jean De La Croix, người Bồ Đào Nha, giúp Chúa Nguyễn mở lò đúc đại bác.

Quân lực của Đàng Trong còn mạnh đến mức giúp cho Cao Miên đánh thắng quân Xiêm La (Thái Lan), từ đó được Cao Miên tạo thuận lợi cho việc mở đường di dân vào Nam (vùng Thủy Chân Lạp) là vì vậy!

&5&

Theo phân tích của tiến sĩ Li Tana (Úc) về Đàng Trong, "Đây không đơn thuần là một sự mở rộng lãnh thổ về phương Nam của người Việt, mà đúng hơn, một xã hội mới đã phát triển với một nền tảng văn hóa khác và những hoàn cảnh kinh tế, chính trị khác."

Đúng vậy, Đàng Trong đem lại những cái MỚI trong nền tảng kinh tế, chính trị lẫn văn hóa, tạo thành NỘI LỰC phát triển mạnh mẽ trong đó có "đất phương Nam" (Nam Kỳ, bây giờ đổi thành Nam Bộ) mà trung tâm của đất phương Nam là Sài Gòn.

Đến giờ, vẫn vậy, một Sài Gòn (đổi tên TpHCM) là đầu não kinh tế, lẫn trung tâm công nghệ - văn hóa dồi dào sức sống hơn mọi vùng miền khác!

Trở ngại gì, e ngại gì mà hôm nay không chịu học những kinh nghiệm của tổ tiên?

------------------------------------------------------------

- Tàu chiến Hòa Lan vào năm 1643;

- Hội An nằm nhớ về một thời Đàng Trong rực rỡ: Hội An ngày ấy là thương cảng sầm uất của cả khu vực Đông Nam Á ...



Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

Lễ Bạc cha Michel Giàu tại họ Lagi (Phan-thiết)

 Lễ Bạc cha Michel Giàu tại họ Lagi (Phan-thiết)

Cha Michel Nguyễn văn Giàu người gốc họ Búng, lúc mới chịu chức đi làm phó các họ: Bãi-xan, Tân-an, Mặc-bắc, sau làm cha phó sở Bông-bót trong 4 năm, rồi đổi ra làm cha sở họ Lagi tính đặng là 13 năm; công đức của cha làm cho mấy họ cha ở và nhứt là họ Lagi, họ Cù-mi hộ rất nhiều. Nào xây dựng nhà thờ, cất trường học, nhà Dì phước, nhà cha sở lớn lao rộng rải ở cùng họ; cha lại thấy nhà thờ Lagi hư tệ, nên lo cất nhà thờ mới cho rộng hơn, đặng số bổn đạo thêm đông đắn mấy năm gần đây có chỗ mà quì đọc kinh xem lễ. Bổn đạo hai họ biết ơn cha nên đặt đồ lễ sẵn mà dưng cho cha ngày lễ bạc, song trông hoài, không thấy cha định ngày nào hết. Cha muốn âm thầm cám ơn Chúa mà thôi.

Song mấy cha gốc xứ Búng, và một lớp cùng ở lân cận mới bày ra cuộc lễ Bạc, ép cha phải chịu. Chốn Lagi thật là xa xuôi, hiểm trở, phải băng rừng, leo núi gay go, lại đường xá rất xấu, nhằm lúc chinh chiến, hạn chế săng và alcool, nên cuộc hành trình càng gay go thêm nữa, cha ở Xuyên-mộc đi xe bò băng rừng ra Lagi, còn các cha khác hội tại Thị-nghè mướn xe sẵn, 5 giờ sáng thứ hai 26 Janvier lên đi, chạy mới vài cây số, thì xe nghẹt, hư máy, sửa hết sức không chạy đặng; chủ xe xin các đấng cảm phiền, liền đem xe camion thứ chở ciment, mà có bỏ thêm ít cái nệm, thì các đấng cũng chịu lên đi, vì đã gởi thơ và đánh dây thép định 27 Janvier đờn ca xướng hát, và giảng lễ bạc, nên bề gì cũng phải đến, còn cha sở Lagi thì sai người đem thơ xin đình. Các đấng không cho đình, cứ việc gởi thơ và đánh dây thép và đi sấn tới.

Vậy xe gazogène chạy được một ít cây thì hư, ghẹt, quây không bắt alcool, các đấng phụ lực đẩy giúp chạy đặng một chút, rồi cứ đẩy tiếp hoài gần ba cấy số mệt mõi hết sức, mà nó cứ ành ạch hoài, sau hết xe hư nằm tại ngả trường tiền Biên-hòa, và còn 24 cây số mới đến Sông-phan, thì các đấng đi bộ; cha Mưu không đi nổi thì nằm tại xe, cầu may thợ sửa xe cho đặng. May có xe Nhựt-bổn chạy ngang, cha Mưu đưa tay ra xin quá giang, thì ông chauffeur nhảy xuống cười cười, làm dấu mình thương xót và cho đi. Xe chạy 4 cây số gặp các đấng đi bộ, thì ngừng chở, mà thứ xe camion cao quá, cha sở Diên thấp, leo lên chưa kịp, mới níu và nhảy lên bàn đạp, thì chauffer mở máy chạy như dông, các đấng nắm hai tay cha Diên cứng ngắt, sợ rớt chết, miệng thì la “arrêles-vous chau-fleur”, tưởng chạy lẹ đi, nó càng chạy mau hơn; nói xin ông ngừng lại, nó lại tống ga săng chạy như tên bay, các đấng xanh mặt kêu Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Thánh Thần và các thánh trong kinh cầu các thánh hộ giúp, kẻo rớt chết, mà nắm trì bụng, vô giàng xe cũng ói mật chết nữa. Có đấng sáng trí, cúi xuống nắm bắp vế và lần lần xuống mắt cá, kéo cha Diên lên đặng ai nấy mừng không biết bao nhiêu !!! Khi đã ngự an trên mấy thùng săng một chút, xe liền bị lỗ, các đấng bị dằng lưng ê người, kẻ thì bị thốn không biết bao nhiêu nữa, chiều tới Sông-phan, nhờ thầy năm Thuận gốc ở Lái-thiêu, lên làm than và cây tại đó rất phát đạt, thầy đãi các đấng một bữa cơm và đưa đi 28 cây số, dọc đàng cũng nguy một nỗi là thắng kịp, khỏi đụng xe bò chở súc mà không đèn đuốc gì hết, các đấng tới nhà cha sở La-gi là nữa đêm, vì còn 5 phút nữa là 12 giờ đêm.

Cha sở La-gi ra chào mừng rỡ, chuyện trò cùng các đấng, đoạn giải tán, đi nghỉ. Sáng làm lễ xong cám ơn rồi ra lót lòng, thì các đấng xin cha sở La-gi vô phòng nghỉ, đừng nghe, đừng thấy các chuyện bề ngoài làm chi; bấy giờ nổi trống quân lên, kêu các chức và bổn đạo lại, sắp đặt cuộc lễ Bạc. Có cha lo kêu người ta treo cờ xí, bông hoa, có cha lo quấn đổng đỉnh, vòng nguyệt, làm khải hoàn môn, có cha lo tập hát, kêu thợ mộc sửa cữa nẻo bể hư, có cha lo biểu người ta lùa 1 con bò to và 2 con heo vô làm thịt, có cha lo kết bông vô cây đèn lễ Bạc. Khi đã sắp đặt xong xuôi, lại có cha lo hớt tóc cạo gọt cha sở Lagi cho vển vang mai ăn lễ Bạc. Khi đã sắp đặt xong xuôi và nhập tiệc chiều, thì các chức lên dưng cho cha 1 bộ đồ lễ Bạc, áo cappa làm phép lành và cái mão barette.

Vừa bửng tưng các cha làm lễ sớm, rồi đúng bảy giờ, cha Phaolồ Tịnh mặc áo cappa, đi với các chức và đồng nhi, cờ lọng ra nhà xứ rước cha Michel Giàu vô thánh đàng làm lễ hát; lúc đi đàng các cha hát Magnificat, và vô tới nhà thờ hát Franchi le sanciuaire nhắc lại lễ nhứt cảm động cha đã làm cách 25 năm nay. Đoạn cha Antôn Nhiệm ra giảng bài kể trách nhiệm Thầy cả liều thân cứu linh hồn người ta, giọng nói ban đầu đơn sơ coi hơi lo ra, mà rút cùng thật hay, làm cho bổn đạo sụt sùi và chính ký giả và các cha cũng sa nước mắt. Đoạn cha Michel làm lễ hát, thì các cha và đồng nhi, hát rất thâm trầm, quí một điều là huynh đệ đạc đức đồng lòng hát xướng cám ơn Chúa với cha sở Lagi. Đến lúc kinh cám ơn Te Deum, ai nói cho xiết, các cha hát rất hùng hồn kịch liệt rền nhà thờ, làm cha sở Lagi mũi lòng lắm.

Khi lễ rồi, các chức và bổn đạo rước cha sở và các cha ra nhà trường mà chào mừng: có dưng tế sống cha một con heo quay. Có thấy Phó Tổng đọc bài discours văn chương xuôi chảy, cốt ý là ca tụng công đức cha bổn sở và cám ơn các việc phước thiện cha đã làm mà giúp bổn đạo phần hồn, phần xác, vỡ rừng mở ruộng làm cây làm súc giúp bổn đạo và cầu chúc ban cho cha đặng ăn lễ vàng, lễ ngọc.

Cha Michel Giàu đứng dậy cám ơn các cha và quới chức cùng bổn đạo; cha nói: Chỗ xa xuôi rừng xanh núi đỏ, không trông dọn lễ bạc như vầy, nên mới dời hoài cho qua đi, và có ý làm âm thầm, mà ai dè các cha chiếu cố cực khổ cách mấy cũng đi tới dọn, thật là huynh đệ như thủ túc, nên trong mùa lễ làm cho cha cảm động mấy lần, cha chỉ biết nói một tiếng là cám ơn tận tình. Lời nói và cách điệu cha Michel đơn sơ và ngộ nghĩnh thật tình, làm cho ai nấy vỗ tay ngợi khen cha Giàu lòng bác ái, Giàu sự nhơn đức và Giàu sự đơn sơ ngộ nghĩnh (sa façon est simple, mais la simplicité est la beauté).

Đoạn đãi tiệc hương chức làng, chức việc họ và bổn đạo tại nhà trường, còn các cha dự tiệc tại nhà cha sở, tới tuần cham-pagne, cha sở Lagi đứng dậy cám ơn một lần nữa, kế cha Paul Tịnh, Anrê Diên, Antôn Nhiệm, Phanxicô Mưu, Phanxicô X. Khâm, Paul Bạch, và cha Phaolồ Điểu, chức mừng lễ Bạc cha, câu vạn tuế: Ad Multos annos.

Sáng danh Chúa cả Ba Ngôi,

Ngợi khen các thánh đời đời hiển vinh.

Ban cho Linh mục rất linh,

Cầm quyền tha bắt, cứu sinh mạng người.

Chúc cha Giàu đức yêu người,

Giàu lòng mến Chúa tươi cười đơn sơ.

Lễ Vàng, lễ Ngọc ước mơ,

Chúc câu vạn tuế trên trời hiển vinh.

Paul Bạch à Xuyên-mộc.

Báo Nam Kỳ địa phận, năm 1942