ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

Xin cho biết tên nước ta qua các thời kỳ lịch sử.


ĐỘC GIẢ: Xin cho biết tên nước ta qua các thời kỳ lịch sử.

AN CHI: Sau đây là quốc hiệu qua các đời:

1. Xich Quỷ (thời Kinh Dương Vương),
2. Văn Lang (thời Hùng Vương),
3. Âu Lạc (đời An Dương Vương)
4. Vạn Xuân (đời Lý Nam Đế, 541 – 547)
5. Đại Cồ Viêt (đời Đinh Tiên Hoàng, 968 – 979),
6. Đại Việt (từ đời Lý Thánh Tông, 1055 – 1072),
7. Đại Ngu (đời Hồ Quí Ly, 1400),
8. Đại Việt (từ đời Lê Thái Tổ, 1428 – 1433),
9. Việt Nam (từ đời Gia Long, 1802 – 1819),
10. Đại Nam (từ đời Minh Mạng, 1820 – 1840),
11. Việt Nam (Dân chủ Cộng hòa) từ 2-9-1945

Sau khi An Dương Vương mất Cổ Loa và tự tử thì nước Âu Lạc bị Triệu Đà sát nhập vào quận Nam Hải để lập thành nước Nam Việt. Nước này lại bị nhà Hán chiếm rồi đặt thành Giao Chỉ bộ chia làm 9 quận trong đó 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam, chủ yếu là giao Chỉ, rồi đến Cửu Chân, có những phần đất cũ của Âu Lạc. Năm 203, Hán Hiến Đế cải gọi là Giao Châu. Năm 679, Đường Cao Tông đặt làm An Nam Đô hộ phủ. Thời Pháp thuộc, nước ta bị chia làm Tonkin, Annam và Cochinchine. Trước năm 1945, vẫn dịch thành Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Từ năm 1945, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gọi là Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Sau đó, chính quyền thân Pháp gọi là Bắc Phần, Trung Phần và Nam Phần rồi Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt. Trước 1945 tên Việt Nam vẫn có được dùng nhưng đó chỉ là ngôn từ của sách báo hoặc là yếu tố trong tên của tổ chức (như: Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Độc lập Đồng Minh hội, vv.) mà thôi.

Kiến thức ngày nay, số 101, ngày 1-2-1993

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

“Tứ hỉ” là gì? Có phải đó cũng là “tứ khoái” hay không?


ĐỘC GIẢ: “Tứ hỉ” là gì? Có phải đó cũng là “tứ khoái” hay không?

AN CHI: Tứ khoái là quan niệm của người Việt Nam gồm có: ăn, ngủ, đ. Và ị. Đây là bốn cái thú có tính chất sinh lý. Còn tứ hỉ là một quan niệm của người Trung Hoa, có nghĩa là bốn điều mừng, bốn điều tốt lành. Quan niệm này bắt nguồn từ một bài thơ dân gian, tục gọi là Tứ hỉ thi (bài thơ về bốn điều vui mừng). Đây là một bài thơ mà các trường học ở thôn quê Trung Hoa ngày xưa vẫn dạy cho học sinh. Nó đã được chép trong Dung trai tùy bút của Hồng Mại đời Tống, nguyên văn (phiên âm Hán Việt) như sau:
Cửu hạn phùng cam vũ;
Tha hương ngộ cố tri;
Động phòng hoa chúc dạ;
Kim bảng quải danh thì.
Dịch nghĩa:
Nắng hạn lâu ngày gặp mưa nhuần;
Nơi xứ người gặp được bạn cũ;
Đêm đuốc hoa trong phòng cô dâu;
Lúc thi đỗ bảng vàng treo tên.

Mỗi câu thơ nói lên một điều vui mừng. Tuy câu thức ba nói lên điều vui mừng về đêm tân hôn, có phần nào trùng với cái khoái thức ba, nhưng rõ ràng tứ khoáitứ hỉ là hai quan niệm riêng biệt.

Kiến thức ngày nay, số 101, ngày 1-2-1993

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

Con dâu của vua gọi là gì? Tại sao con rể của vua lại gọi là “phò mã”?


ĐỘC GIẢ: Con dâu của vua gọi là gì? Tại sao con rể của vua lại gọi là “phò mã”?

AN CHI: Con dâu của vua gọi là hoàng tức. Hoàng là một thành tố chỉ những gì thuộc về vua, liên quan đến vua. Tức là dạng tắt của tức phụ đã trở nên thông dụng, có nghĩa là con dâu. Con rể của vua vốn được gọi là hoàng tế (tế là rể). Từ đời Ngụy, đời Tấn, chàng rể được phong làm phụ mã đô úy, gọi tắt là phụ mã, âm xưa là phò mã. Đây là một chức quan chuyên trách việc ngựa xe cho vua, anh chàng hoàng tế được cái tên phò mã là nhờ ở chức này.

Kiến thức ngày nay, số 101, ngày 1-2-1993

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

Điện ảnh là nghệ thuật thứ bảy. Xin cho biết sáu nghệ thuật kia.


ĐỘC GIẢ: Điện ảnh là nghệ thuật thứ bảy. Xin cho biết sáu nghệ thuật kia.

AN CHI: Sáu nghệ thuật kia là: 1. Âm nhạc, 2. Múa, 3. Hội họa, 4. Điêu khắc, 5. Kiến trúc, 6. Kịch

Kiến thức ngày nay, số 101, ngày 1-2-1993

Lục dục, thất tình là những tình cảm nào?


ĐỘC GIẢ: Lục dục, thất tình là những tình cảm nào?

AN CHI:
1. Lục dục là tiếng nhà Phật chỉ sáu điều ham muốn do lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) mà ra: mắt muốn nhìn đẹp, tai muốn nghe hay, mũi muốn ngửi thơm, lưỡi muốn nếm ngon, thân muốn hưởng sướng và ý muốn biết hết.
2. Thất tình là bảy thứ tình cảm thường khuấy động lòng người: hỉ (mừng), nộ (giận), ai (lo), cụ ( sợ), ái (yêu), ố (ghét) và dục (muốn).

Kiến thức ngày nay, số 101, ngày 1-2-1993

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

Xin cho biết xuất xứ của tên gọi Ba Son (Nhà máy Ba Son)?

ĐỘC GIẢ: Xin cho biết xuất xứ của tên gọi Ba Son (Nhà máy Ba Son).

AN CHI: Về tên Ba Son, trong Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển đã ghi nhận bốn cách giải thích sau đây.

1. Trước kia có một anh thợ nguội tên Son, thứ ba, đã vào làm ở sở này. Người ta bèn lấy thứ và tên của anh mà gọi tên sở là Ba Son.

2. Trước khi Ba Son thành lập thì nơi đó có một con xẻo chảy qua. Xẻo này có nhiều cá. Người Pháp thường đến câu ở đó và gọi nó là “mare aux poissons” (ao cá). Khi xây dựng xưởng Ba Son, con xẻo tuy bị lấp nhưng tên vẫn còn. Người ta bèn phiên âm poissons thành Ba Son để gọi xưởng mới thành lập.

3. Ba Son là do tiếng Pháp réparation có nghĩa là “công việc sửa chữa” mà ra (Ba Son vốn là nơi sửa chữ tàu thủy).

4. Ba Son là do “bassin de radoub” nghĩa là “ụ sửa chữa vỏ tàu” mà ra (bassin > Ba Son). Ông Vương Hồng Sển viết rõ như sau: “ Theo quyển Promedades dans Saigon, tác giả, bà Hilda Arnord, ghi rằng buổi đầu người pháp đã xuất ra trên bảy triệu quan thời ấy để lấp đất và xây cái ụ tàu “bassin de radoub” này, để có thể sửa chữa các thứ tàu chiến tàu buôn tại đây khỏi đem về tận Pháp quốc. Thời ấy, cuộc chuyển vận đều do đường thủy, nên cái “bassin de radoub” giúp họ nắm vận mạng xứ này trong tay”. Trong bốn cách trên, chỉ có cách giải thích thứ tư là đáng tin nhất mà thôi.

Về phần mình, chúng tôi cho rằng Ba Son là do tiếng Pháp bastion (=pháo đài) mà ra và tin rằng sẽ có ngày chúng tôi chứng minh được mối quan hệ này.

Kiến thức ngày nay, số 101, ngày 1-2-1993