ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

Nguyễn Du tìm đường vào Gia Định để theo phò Nguyễn Ánh!

Đáng kinh ngạc trước tầm viễn kiến lịch sử ...

NGUYỄN DU TÌM ĐƯỜNG VÀO GIA ĐỊNH, ĐỂ THEO PHÒ NGUYỄN VƯƠNG (NGUYỄN ÁNH)!

Ắt nhiều người sẽ phải bất ngờ, vâng, NGUYỄN DU - mà hậu thế biết tới ông là một đại thi hào - đã không chịu bị "trói" trong nếp nghĩ thủ cựu như phần đông sĩ phu Bắc hà.

I/ MỘT QUYẾT ĐỊNH DŨNG CẢM!

Nguyễn Du ( ), sinh năm 1766 tại Tiên Điền, Nghi Xuân thuộc Hà Tĩnh. Thân phụ của ông là Nguyễn Nghiễm làm quan đến chức Đại tư đồ (Tể tướng) của triều đình Thăng Long! Chưa kể hai người anh của Nguyễn Du là Nguyễn Khản làm Thượng thư bộ Lại kiêm trấn thủ Hưng Hóa (Thái Nguyên), và Nguyễn Điều làm Trấn thủ Sơn Tây.

Gia thế của Nguyễn Du, như vậy, thuộc hàng danh gia vọng tộc, rạng rỡ quyền uy trong triều đình Thăng Long.

Dưới thời Tây Sơn (sau khi kết liễu triều đình Thăng Long vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789), một người anh của Nguyễn Du là Nguyễn Đề được làm thái sử Viện Cơ mật tại kinh đô Phú Xuân.

Chốn quan trường, với mối liên hệ gia tộc, mở ra trước mắt Nguyễn Du.

NHƯNG vào năm Bính Thìn (1796), Nguyễn Du tìm đường để vào tận Gia Định của miền Nam theo phò chúa Nguyễn Phước Ánh (sau này là vua Gia Long)! Chẳng may ông bị phát hiện, bị tống vào nhà giam ở Nghệ An.

Đi theo Nguyễn Phước Ánh trong Nam, dưới mắt nhìn của nhiều sĩ phu của Thăng Long, là đi theo ngụy triều.

Đi theo Nguyễn Phước Ánh, dưới mắt nhìn Tây Sơn, là đi theo giặc, theo kẻ thù. Bị bắt, có thể bị xử tử.

Thời may Nguyễn Du chỉ bị nằm khám, sau đó ông được thả, buộc trở về quê nhà Tiên Điền.

Tại sao một sĩ phu Bắc hà như NGUYỄN DU không chịu theo phò nhà Tây Sơn đang thời làm mưa làm gió? Tại sao ông không chịu uốn mình như phần đông trí thức ngoài Bắc để đua chen bổng lộc nơi chốn đô hội Thăng Long?

II/ KHÔNG CHẤP NHẬN "ĂN MÀY DĨ VÃNG"

Lúc Nguyễn Du mạo hiểm, đánh cược sinh mệnh của ông cho một sự chọn lựa chánh trị - năm 1796, bấy giờ vua Quang Toản nắm ngôi (sau khi thân phụ là Hoàng đế Quang Trung tạ thế 1792). Uy danh của nhà Tây Sơn lên cao sau đại thắng quân Thanh.

Tuy nhiên, tài năng và công trạng là bởi Quang Trung, hậu duệ không thể dựa vào đó để "ăn mày dĩ vãng"!

Mang danh kẻ sĩ thì lại càng không thể ngoái mắt nhìn trở ngược quá khứ để biện chính cho vai trò chính quyền đương thời. Tầm nhìn của nguyên thủ (ở đây là vua Quang Toản) có đáng để cho giới sĩ phu đổ công đổ sức hậu thuẫn hay không.

III/ TẦM VIỄN KIẾN LỊCH SỬ ĐÁNG NỂ CỦA NGUYỄN DU

Giữa lúc nhiều trí thức xênh xang áo mão làm quan, Nguyễn Du - kẻ sĩ "ưu thời mẫn thế" - đã nhìn thấy tương lai của nước Việt sẽ nằm nơi minh chủ Nguyễn Ánh!

Quả nhiên, sau này, Nguyễn Ánh thâu tóm giang san về một mối, lập ra quốc gia mang tên mới là: VIỆT NAM!

1/ Vào thời điểm 1796 khi Nguyễn Du tìm đường vào Nam, ông và giới trí thức đều đã biết đến một sự kiện trước đó hơn mươi năm (năm 1784): Nguyễn Ánh cầu viện vua Xiêm La cử Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn thủy quân vào trợ giúp.

Không ít kẻ quan lại, sĩ phu của Đàng Ngoài kết án Nguyễn Ánh đi nhờ ngoại viện nơi Xiêm La. Mỉa mai thay, chính triều đình Thăng Long chớ không ai khác từng rước 2 vạn quân Thanh!

Rước Tàu, phò Tàu mà "cao đạo" được với ai, vênh vang cái giống gì - ngoài cái trò lừa bịp!

2/ Trong tranh chấp võ lực, việc liên minh/viện trợ ra sao, lúc nào... thuộc về kế sách nằm lòng của kẻ cầm quân, chẳng phải thời hiện nay, thời xưa cũng vậy.

Như có lúc Nguyễn Ánh liên minh với Xiêm La (nay gọi Thái Lan), để đương đầu Tây Sơn liên minh với Chân Lạp (nay gọi Cambodia).

Cái chính yếu là một khi thành công, sự liên minh đó có phải trả cái giá đắt cho nền độc lập hay không. Người lãnh đạo giỏi là họ biết "hóa giải" ân đền oán trả, đồng thời giữ gìn được nền độc lập.

3/ Nguyễn Ánh chỉ cậy Xiêm La một lần duy nhứt, vì SAU ĐÓ ông đã nhận ra quân Xiêm làm nhiều điều xằng bậy với dân chúng ở miền Nam. Thành thử khi vua Xiêm có ý định cho mượn quân lần nữa, vào năm 1786, NHƯNG Nguyễn Ánh nhứt quyết từ chối!

(chớ nếu có dụng tâm "cõng rắn cắn gà nhà" thì dại gì không mượn tay Xiêm).

Năm 1787, Nguyễn Ánh cùng tùy tùng đã lẳng lặng rời khỏi Xiêm La, trở về châu thổ đồng bằng sông Cửu Long để tìm cách phục hồi cơ nghiệp tiền nhân (9 đời Chúa Nguyễn dựng xây Đàng Trong).

4/ Nguyễn Du đã có thời gian để nghiền ngẫm về quá trình xây dựng Gia Định của Nguyễn Ánh:

Chỉ trong mấy năm ngắn ngủi, từ năm 1789, Nguyễn Ánh đưa ra những chính sách cải cách nông nghiệp - như "ngụ binh ư nông", những mảnh đất khẩn hoang được miễn thuế trong ba năm đầu... khiến cho sản xuất lúa gạo ở đồng bằng Cửu Long tăng cao sản lượng.

Thêm vào đó, chính sách "tự trị" trong phạm vi hẹp cũng được Nguyễn Ánh khuyến khích: chức "Lâm ngũ quan" trong cộng đồng người Hoa, "Ốc Nha" trong cộng đồng người Khmer đều do người Hoa, Khmer cai quản.

Dân chúng miền Nam hậu thuẫn cho Nguyễn Ánh ngày càng nhiều hơn, là bởi một số chính sách nêu trên!

Tương lai được nhìn thấy trên "vầng trán" Gia Định. Và, do vậy, Nguyễn Ánh xứng đáng trở thành minh chủ để Nguyễn Du - một kẻ sĩ Hà Tĩnh - hậu thuẫn.

IV/

Hoàng đế Gia Long mến tài và kính trọng: năm Ất Sửu (1805) nhà vua mời Nguyễn Du làm Đông các đại học sĩ, nhậm chức ở kinh đô Phú Xuân.

Năm Quý Dậu (1813), Nguyễn Du được thăng Cần chánh điện học sĩ, và được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh.

NGUYỄN DU không chỉ là một trí thức trong thơ ca, mà ông còn là một trí thức trong ngành giáo dục, một trí thức lịch lãm trong ngành ngoại giao.

--------------------------------------------------------------------

Còn việc "cầu viện Pháp" của Nguyễn Ánh? Đọc kỹ sử, mới biết Pháp thực ra KHÔNG có vai trò "nặng ký" gì ráo.

Hình ảnh (hàng trên): Lăng Gia Long / Hoàng đế Gia Long

(hàng dưới): Nguyễn Du (trái, giữa); đường lên lăng Gia Long (phải).






Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Đừng lẫn lộn giữa Danh từ chung & Danh từ riêng

Nói chuyện chữ nghĩa chút đỉnh cho nhẹ đầu

Đừng lẫn lộn giữa DANH TỪ CHUNG & DANH TỪ RIÊNG

1) "Tầng lầu" / "Ngũ giác lâu" - "Ngũ giác đài":

* Tỉ dụ tiếng Anh ghi "second floor", Tàu dịch là (đệ nhị lâu), tiếng Việt gọi "tầng lầu thứ hai" (hoặc "lầu hai"). "Lâu" tiếng Tàu và "lầu" tiếng Việt đều là DANH TỪ CHUNG, và ở đây đều là cách chuyển ngữ ngang vai phải lứa.

* Vậy, vì sao nói "Lầu" (trong cách chuyển ngữ thành "Lầu Năm Góc") lại là bắt chước / nhại theo chữ "Ngũ giác lâu" 五角 của Tàu?

Trong tiếng Anh, người ta ghi "PENTAGON" (và được giới thiệu vắn tắt như ri: "The Pentagon is the headquarters building of the United States Department of Defense. As a symbol of the U.S. military, the phrase “The Pentagon” is also often used as a metonym or synecdoche for the Department of Defense and its leadership").

Hãy chú ý: "The Pentagon", người Mỹ họ ghi gọn bâng vậy thôi. Có thêm chữ nào đính kèm theo sau "the Pentagon" (tỉ như "The Pentagon castle")? KHÔNG.

Nghĩa sát sườn của "Pentagon" là "hình Ngũ giác". Vậy, từ đâu ra cách dịch "Ngũ giác lâu", rồi "Ngũ giác đài"?

Thêm chữ "lâu" (thành "Ngũ giác lâu") là cách dịch của Tàu.

Trong khi đó, thêm chữ "đài" (thành "Ngũ giác đài") là cách chọn lựa của người Việt khi chuyển ngữ đó đa!

Thành thử mới nói, dịch "Lầu Năm góc" về thực chất chỉ là sự nhái theo cách định danh riêng (DANH TỪ RIÊNG) của Tàu khi họ chuyển ngữ cho "The Pentagon"!

(Nếu dịch "thuần Việt", theo cách định danh riêng của người Việt khi chuyển ngữ "The Pentagon", sẽ là: "Đài Năm góc")

2) "Virus" / "Vi khuẩn", "siêu vi khuẩn":

* Tôi đọc thấy có ý kiến cho rằng giữ nguyên chữ "virus" mà không chuyển ngữ thành tiếng Việt, là bởi vì trong ngôn ngữ vẫn có những trường hợp ghi "nguyên gốc" mà không tài nào dịch được hết trơn.

Chẳng hạn, "phở, "áo dài" chuyển sang tiếng Anh thì họ vẫn phải ghi "pho", "ao dai" chớ không dịch.

Quí bạn để ý một chút: đây là những sản vật đặc trưng, rất riêng của VN, là danh từ riêng, nên rất khó chuyển ngữ. Cũng rứa, "pizza" của Ý thì đặc sản này đành giữ nguyên chớ dịch sang tiếng Anh hay tiếng Việt đều không thể.

Còn "virus"? Virus là... danh từ riêng, là "đặc sản" riêng của xứ nào nên không thể dịch sang tiếng Việt?

Hay là ... Vũ Hán (Wuhan) được cho là nơi khởi đầu đại dịch viêm phổi toàn cầu mà cho đến lúc này vẫn đang gieo rắc kinh hoàng, rất bí hiểm, thành thử "Wu.han_vi.rus" không thể chuyển ngữ sang tiếng Việt chăng?

Mà nếu như vậy đi nữa, phải ghi DANH TỪ RIÊNG ở đây là cụm chữ "Wu.han_vi.rus" gắn liền với nhau (chớ không tách "virus" ra nằm mình ên được).

"Virus" không thôi, thì đây là DANH TỪ CHUNG. Thành thử "virus" đã được chuyển ngữ từ lâu rồi, chớ không đến nỗi phải bất lực mà ngó.

Người Tàu chuyển ngữ "virus" là (tế khuẩn).

Người Việt chúng ta chuyển ngữ "virus" là: "vi khuẩn" hoặc "siêu vi khuẩn".

Vậy đó. "Virus" không phải là... danh từ riêng như "pizza", "phở", "áo dài".

--------------------------------------------------------------------

 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

Thực hư chuyện Vua Gia Long cầu viện thực dân Pháp

 THỰC HƯ CHUYỆN VUA GIA LONG CẦU VIỆN THỰC DÂN PHÁP

1) Trong cuộc chiến để thu hồi bờ cõi về một mối, giữa Nguyễn vương (Nguyễn Phước Ánh , thường gọi Nguyễn Ánh) với nhà Tây Sơn ( 西 , còn viết là 西 ), quí bạn vẫn thường được nghe nói là Nguyễn vương cầu viện quân sự nơi Pháp.

Vậy, quí bạn có biết rằng, tham gia trong quân đội của Nguyễn vương thực ra chỉ vỏn vẹn 4 sĩ quan & 80 binh sĩ người Pháp "trợ chiến" THEO SỰ CHỈ HUY của các tướng lãnh người Việt (theo cuốn "Đại Nam thực lục", "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim)!

Một nhúm Tây ít ỏi mấy chục người, thử hỏi, làm nên trò trống gì trong một cuộc chiến có tới hàng chục ngàn quân (của cả hai bên)? Đã vậy, nhúm người Tây đó không nắm binh quyền mà đứng dưới trướng tướng lãnh người Việt!

2) Sự thực này là KHÁC XA một trời một vực so với triều đình Thăng Long của Lê Chiêu Thống cầu viện Tàu đem tới 20.000 quân tràn vô nước Việt - có nguồn phân tích cho rằng có khoảng 5.000 quân, vâng, ngay cả là con số 5.000 quân Tàu thì cũng quá đông, đông khủng khiếp so với nhúm... 80 người Tây tham gia trong quân đội triều đình Gia Định của Nguyễn Ánh.

Hơn nữa, quân Tàu của Tôn Sĩ Nghị trở thành lực lượng chánh, cầm trịch (trong khi quân của triều đình Thăng Long chỉ hụ hợ) là rất KHÁC, KHÁC HẲN với bản chất của nhúm Tây trợ chiến trong quân đội của triều đình Gia Định - nhúm Tây đó đóng vai trò hụ hợ, trong khi quân đội người Việt của Nguyễn Ánh mới là lực lượng chánh!

3) "Rước voi về dày mả tổ", hình ảnh này là quá đúng với triều đình Thăng Long bấy giờ, vì rước tới hàng ngàn quân Tàu, quả là voi dày chớ còn gì nữa!

Còn vỏn vẹn mấy chục người Tây mà "dày mả" gì nổi, đạp được mấy ngọn cỏ lơ thơ là hết mức rồi đa.

4) Vậy, hãy nhìn cho tỏ tường, về việc gọi là "Nguyễn Ánh cầu viện Pháp", cầu viện cái giống gì mà chỉ loe ngoe một nhúm người Pháp?

Nguyễn vương (Nguyễn Ánh) ban đầu có biên thơ, nhờ Pigneau de Béhaine (giám mục Bá Đa Lộc) chuyển giao, đưa ra yêu cầu nước Pháp hỗ trợ hay không? CÓ.

Nhưng, rất nhanh, chỉ mấy năm sau - là vào năm 1790 Nguyễn vương với tầm viễn kiến chánh trị về thời thế bên nước Pháp, ông đã biên thơ gửi đến chánh quyền bên Pháp với lời lẽ cảm ơn theo phép ngoại giao nhưng trong đó TUYỆT NHIÊN KHÔNG CÒN NHỜ GIÚP, không cầu viện gì nữa.

Lá thơ năm 1790 (lúc này Nguyễn vương vẫn đang trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn) thì nhiều người ưng "lệch sử" không nhắc gì đến, chỉ chăm bẳm vào lá thơ "cầu viện" trước đó để ném đá / kết án Nguyễn vương.

"Cầu viện" thì phải căn cứ vào thực tế đã diễn ra như thế nào. Thăng Long của Lê Chiêu Thống cầu viện và sau đó cả ngàn quân Tàu tràn vào, quá rõ đây là "rước voi về dày mả tổ"!

Trong khi đó, Gia Định của Nguyễn Ánh cầu viện, nhưng sau đó không có quân Tây chánh qui nào đổ bộ hết ráo.

Đâu phải Thăng Long cho "voi dày", nên Gia Định cũng phải mang tiếng ô nhục như Thăng Long, để ... huề cả làng?

5) Trong THỰC TẾ LỊCH SỬ, từ 1790 cho đến khi Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn vào năm 1802, suốt hơn mười năm dài này là dựa vào nội lực quân đội người Việt của triều đình Gia Định.

Theo cuốn "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim và cuốn "Đại Nam thực lục", Nguyễn Ánh vào năm 1793 đã mua hẳn một chiến hạm cũ của Châu Âu rồi sai người tìm hiểu công nghệ mà thiết kế, chế tạo. Cho đến khi kết thúc chiến tranh, Nguyễn Ánh có một số thuyền hùng hậu lên tới 100 chiến hạm, 800 pháo hạm và 500 bán pháo hạm.

Sự giỏi giang đó, nói nào ngay, là kế thừa tinh hoa của tiền nhân thuộc dòng dõi Nguyễn Phước tộc! Các chúa Nguyễn trước kia đã từng học hỏi công nghệ quân sự của Bồ Đào Nha để chế tạo đại pháo, chiến hạm - từng rỡ ràng với việc Nguyễn Phước Tần đánh thắng hải quân Hòa Lan năm 1643 khi mon men muốn đánh chiếm Quảng Nam.

6) Hãy trả lại sự thật lịch sử, đó là Nguyễn Ánh thực ra KHÔNG còn cần đến việc cầu viện Pháp, mà dựa hoàn toàn vào nội lực để đánh thắng nhà Tây Sơn - từ 1790 cho đến 1802.

Còn một nhúm chỉ mấy mươi người Pháp có mặt trong quân đội triều đình Gia Định của Nguyễn Ánh, từ đâu ra?

Giám mục Bá Đa Lộc rốt cuộc đã "xôi hỏng bỏng không" vì chánh quyền bên Pháp lúc bấy giờ không mặn mà gì với việc trợ giúp Nguyễn Ánh, thành thử vị giám mục này xoay qua "vận động" chỉ một nhúm lính tráng (84 người). Vậy đó. Đồng thời "vận động" một số nhà buôn góp bạc cho Nguyễn Ánh đặng có cơ hội làm ăn lâu dài về sau (nếu như Nguyễn Ánh thành công).

Giới doanh nghiệp "đặt bạc" để mần ăn nơi xứ này nước nọ là chuyện thường tình ở bất cứ thời nào, hồi đó và bây giờ đều như rứa.

7) Nói thêm, cho "thông não"...

Lúc thực dân Pháp nổ đại bác mở đầu xâm lược vào năm 1858, rồi nuốt dần lãnh thổ nước Việt là vào thời vua Tự Đức. Nhà vua này gọi Hoàng đế Gia Long là ông cố (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức). Vậy mà, thời nay có nhiều kẻ cho rằng Gia Long rước tây làm mất nước, tức ... ông cố của vua Tự Đức dầu đã qua đời bạc cỏ nơi nấm mộ từ lâu rồi thì cũng phải "hiện hồn" về mà gánh lấy cái "tội" xảy ra dưới thời cháu cố!

Khó vậy mà họ cũng giỏi tưởng tượng cho bằng được!

Họ có biên chép lịch sử đâu, mà họ đang làm "lệch sử" ./.

--------------------------------------------------------

Hình ảnh: Lăng hoàng đế Gia Long / Hình vẽ Hoàng đế Gia Long, người sáng lập Nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1802 cho đến khi qua đời năm 1820.

* Mời đọc thêm bài này, cũng liên quan đến Nguyễn Ánh (Gia Long): https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1148438502256795

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

" Cộng Hòa", " Tự Do" - Từ đâu ?

 "CỘNG HÒA", "TỰ DO" - TỪ ĐÂU? ##

Thường nghe câu "dựa vào truyền thống" để làm kim chỉ nam. Nhưng gặp phải những khái niệm thiết yếu mà trong truyền thống không có, biết lấy gì mà dựa? Thì... lấy nền văn minh phương Tây mà dựa, hơn nữa còn được đề cao!

1/ Thì đó, khái niệm về thiết chế "REPUBLIC"! Thiết chế này xuất hiện trong nền văn minh phương Tây, theo đó mọi người trong cộng đồng chọn ra người cai trị bằng hình thức bỏ phiếu.

Trong khi đó, ở các nước phương Đông như Nhựt, Tàu, Việt suốt hàng ngàn năm quân chủ trước kia KHÔNG hề tồn tại thiết chế như vậy, nên không có thuật ngữ nào tương đương với "Republic" hết.

Theo khảo cứu của Giáo sư Vĩnh Sính (giảng dạy tại Gia Nã Đại, Nhựt Bổn): người Nhựt đã đi tiên phong trong tiếp xúc với các nước phương Tây, và họ đứng trước thách thức là chuyển ngữ từ ngôn ngữ bên phương Tây sang chữ Kanji ("Hán tự", theo cách gọi của người Nhựt).

Chính người Nhựt đã tìm hiểu khái niệm rồi dịch "Republic" bằng cách ghép chữ với chữ lại với nhau.

Giới sĩ phu Trung Hoa mượn lại cách chuyển ngữ từ người Nhựt: "Republic" là .

Kế tiếp giới sĩ phu VN cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20 qua việc đọc sách Hán văn đã dùng luôn "Republic" nghĩa là , đọc theo âm Việt-Hán của chúng ta là: "Cộng Hòa".

Đây là một thiết chế mà mọi người cùng chung vai gánh sức ("Cộng") để lo cho việc nước sao cho thuận hòa ("Hòa").

Nhắc lại: không phải trong chữ Hán không có "cộng" , không có "hòa" NHƯNG ghép hai chữ này lại với nhau để hiểu như một thiết chế chánh trị ("Republic") thì chưa có!

Một thiết chế - mà trong đó không dành đặc quyền cho vua chúa, không dành đặc quyền cho ý thức hệ chánh trị hoặc tôn giáo nào trong việc mưu cầu lợi ích cho đất nước - thì hoàn toàn KHÔNG tồn tại trong các thư tịch Hán tự thời quân chủ của nước Việt, nước Tàu...

2/ Còn "LIBERTY"?

Giá trị cao nhứt của MỖI MỘT CÁ NHÂN là "Liberty", có thể thấy giá trị này trong Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ năm 1776. Vì sao?

Là vì, theo tín niệm của Kitô giáo (Christianity) mà đại đa số người Mỹ lúc lập quốc tin theo: mỗi một con người mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa và Thiên Chúa đã ban cho con người một đặc tính cao trọng của chính Thiên Chúa là "liberty" - như Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ và những văn bản hệ trọng nhứt của Mỹ đã xác tín, đã tuyên cáo.

Ở những nước như Nhựt, Tàu, Việt không nằm trong bối cảnh văn minh Kitô giáo (Christianity), thành thử không thấu triệt / chia sẻ quan niệm cơ bản "con người là hình ảnh của Thiên Chúa". Mà chỉ quen với khái niệm "Ý vua là ý Trời".

Ý niệm "Liberty" xuất hiện trong bối cảnh văn hóa khác hẳn với bối cảnh các nước Nhựt, Việt, Tàu suốt ngàn năm... nên rất khó có một thuật ngữ tương đương trong Hán tự (là văn tự dùng chung cho Tàu, Nhựt, Việt cả ngàn năm).

Rốt cuộc, cũng theo khảo cứu của GS Vĩnh Sính, hai chữ vốn có trong Hán tự đã được chọn - nhằm chuyển ngữ cho "Liberty".

Đọc theo âm Việt-Hán của là: "Tự Do" ./.

-------------------------------------------------------------------

 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt