ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

Nhân ngày nhà giáo: Nghĩ về tình thần tôn sư trọng đạo ngày xưa

 Nhân ngày Nhà giáo

NGHĨ VỀ TINH THẦN TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO NGÀY XƯA

Quan niệm Quân-Sư-Phụ luôn chi phối mối quan hệ giữa các thành viên trong xã hội xưa, ở đó, sau địa vị của ông vua, người gần như có mọi quyền lực tuyệt đối trong nước, là đến người thầy, sau nữa mới đến người cha trong gia đình. Vị trí của người thầy luôn được tôn trọng, đề cao trong suốt chiều dài của thời đại phong kiến, và bên cạnh những bất cập của một xã hội đang trong tiến trình hoàn thiện dần, người ta vẫn tìm thấy những giá trị tinh thần còn tồn tại đến ngày nay, trong đó có tinh thần tôn sư trọng đạo

***

Trong xã hội xưa, thường có sự phân biệt hai hạng hiển nho và ẩn nho. Hiển nho là những kẻ sĩ thành đạt, bước chân vào hoạn lộ gập ghềnh, thấp cũng chức tri châu, tri huyện, cao ngất ngưỡng có thể lên đến Tổng đốc, Thượng thư. Còn ẩn nho là những kẻ sĩ hoặc đỗ đạt cao nhưng không thích ra làm quan, hoặc không gặp may mắn trên đường khoa cử, năm lần bảy lượt lều chõng đi thi mà vận may vẫn không chịu mỉm cười. Thường những bậc ẩn nho này chỉ thích sống ẩn dật, vui thú cùng túi thơ, bầu rượu, nước biếc non xanh, và phần đông vẫn lấy nghề dạy học vừa làm kế sinh nhai, vừa để truyền bá đạo lý thánh hiền.

Thông thường việc giáo dục ở các làng xã xưa do chính các thầy đồ đảm trách. Nhà thầy có thể không to lớn, khang trang, nhưng phần lớn nhà cửa ở các làng quê đều có sân trước, sân sau, một vuông sân cũng có thể trở thành “trường học”. Với những người có óc giang hồ rày đây mai đó thì chỉ cần quảy một gánh sách thánh hiền đến nương náu tại nhà một điền chủ hay phú hộ nào đó để vừa dạy dỗ đám quý tử của gia chủ, vừa thu nạp thêm học trò ở làng trên xóm dưới. Nhưng cho dù trong hoàn cảnh nào thì địa vị người thầy trong xã hội xưa cũng được tôn trọng đúng mực, điều này thể hiện qua câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thấy, hay nôm na hơn, như “không thầy đố mày làm nên”.

Trong không khí bàng bạc lễ nghĩa thánh hiền, người học trò ngày xưa phải trải qua những phép tắc lễ nghi tưởng như gò bó, lạc hậu, nhưng thực ra đó là những nhân tố giúp hình thành nhân cách một con người có ích trong xã hội mai sau. Nghi thức đầu tiên mà cậu học trò tóc còn để chỏm sẽ trải qua là lễ nhập môn. Môn là cửa, mà “cửa” đây chính là cửa Khổng sân Trình, nơi gắn chặt với cuộc đời một con người sẽ lấy sở học mà phụng sự xã hội, mang lại hạnh phúc cho mọi người. Lễ nhập môn diễn ra vào một ngày lành tháng tốt nào đó, khi người cha hay người mẹ đưa cậu con trai 6-7 tuổi đến nhà thầy xin thọ giáo. Lễ vật thường là mâm xôi, con gà, be rượu, và cha mẹ cậu học trỏ thường được thầy (và gia chủ) mời ở lại nhâm nhi, nhân tiện bàn về tướng mạo, tính tình của cậu học trò mới.

Trong xã hội xưa, người thầy thực hiện đúng quan niệm “tiên học lễ, hậu học văn”; trong mấy tháng đầu, cậu học trò chỉ được học cách cư xử sao cho hợp với lễ nghi, phong cách như khoanh tay, cúi đầu, chào hỏi, bẩm thưa…đồng thời làm những việc lặt vặt trong trường như quét sân, quét lớp, mài mực cho thầy….Sau giai đoạn học lễ, cậu học trò mới bắt đầu học chữ thánh hiền.

Tại trường học, thầy thường ngồi trên chiếc giường có trải chiếu hoa, bày biện đủ tiện nghi dành cho một thầy đồ, nào là bút, nghiên, tráp, điếu….Học trò ngồi trên những chiếc phản kê sát nhau, có khi cúi người chép bài trên một chiếc chiếu trải lên nền đất. Để giúp thầy quán xuyền mọi việc, thầy phân công hai anh trưởng trường: trưởng trường nội phụ trách mọi việc trong phạm vi trường lớp, và trưởng trường ngoại phụ trách những việc từ cổng trường trở ra.

Việc đền đáp công ơn thầy dạy thường được thể hiện dưới hai hình thức, một là tiền học phí, mỗi năm cha mẹ học trò nộp làm một hay hai lần, cả thảy khoản 4 quan tiền. Nếu thầy dạy học ở một gia đình nào khác thì mỗi năm gia chủ may cho thầy hai quần, hai áo dài, ba áo cộc. Thứ đến là tiền tết thầy vào các kỳ nghỉ trong năm, thường là ba cái Tết: tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5), nghỉ hơn một tháng để học trò có thời giờ phụ giúp cha mẹ gặt lúa; Tết cơm mới vào tháng 10, nghỉ khoảng một tháng cho vụ gặt, và Tết Nguyên Đán, nghỉ khoảng hai tháng. Trong những kỳ nghỉ này, nếu thầy dạy xa nhà thì tùy hảo tâm, cha mẹ học trò có tiền tết thầy để thầy mua sắm và về quê. Các học trò lớn thường kính cẩn tiễn chân thầy, có khi đưa thầy về đến quê nhà bình yên rồi mới quay trở lại.

Bên cạnh học phí, tiền tết thầy, học trò ngày xưa còn có nghĩa vụ đóng góp “tiền đồng môn” là khoản tiền góp khi cha mẹ thầy, vợ thầy, hay chính thầy qua đời. Người có trọng trách lập danh sách đóng góp khoản tiền này là cậu học trò ngày xưa được thầy phân công làm Trưởng trường nội. Danh sách lập xong, Trưởng trường ngoại thực hiện việc thu tiền và những học trò cũ của thầy, dù đã làm đến Thượng thư, Tổng đốc, cũng đều phải đóng góp sòng phẳng. Thời đó, trốn thuế triều đình còn được dư luận châm chước, chứ trốn tránh việc đóng góp tiền đồng môn bị xem là hành vi vi phạm đạo lý, vong ân bội nghĩa, không thể tha thứ được.

Dưới triều Nguyễn, ở các làng xã nghèo, nhiều người dân không có tiền đóng góp học phí, thầy đồ dạy học không đủ tiền để sống, triều đình đã đặt ra chề độ “học điền” hay còn gọi là ruộng hương học để lấy hoa lợi hỗ trợ đời sống người thầy. Sự chăm sóc đó, dù không phải là nhiều, nhưng chứng tỏ xã hội luôn coi trọng và nghĩ đến công lao đóng góp của người thầy trong việc giáo dục lớp người trẻ.

***

Trong lịch sử nước ta, nhiều kẻ sĩ khi làm quan luôn giữ lòng tự trọng, khi bất phùng thời, trở về làng quê, thì lấy nghề dạy học làm lạc thú cuối đời. Trong số những người như vậy, không thể không kể đến Chu Văn An (1292-1370). Cụ tên là Chu An, được phong tước Văn Trinh công nên người đời sau gọi là Chu Văn An, đỗ thái học sinh (tiến sĩ) nhưng không chịu ra làm quan, dựng nhà trên gò cao, đọc sách, dạy học trò. Vua Trần Minh tông (1314-1329) nghe tiếng, vời cụ ra làm Tư nghiệp trường Quốc tử giám, dạy Thái tử Trần Vượng (sau là vua Trần Hiến tông) học. Đến thời vua Trần Dụ tông (1341-1369), nhận thấy có nhiều quan lại ỷ thế gần gủi nhà vua coi thường phép nước, cụ dâng sớ xin vua chém đầu bảy kẻ nịnh thần (thất trảm sớ). Chờ không thấy sớ được xem xét, cụ trả ấn từ quan, về núi Chí Linh, dựng nhà tiếp tục dạy học, lấy tên hiệu là Tiều Ẩn.

Năm 1370, nghe tin vua Trần Nghệ tông lên ngôi, cụ lúc đó đã 78 tuổi, cũng chống gậy trúc đến chúc mừng, rồi kiếu từ trở về làng, nhà vua ngỏ ý muốn phong chức gì cũng không nhận. Vua Nghệ tông rất tôn kính, sai quần thần đưa về, không lâu sau, cụ mất. Học trò cụ có hàng trăm người, nhiều người làm quan to như Hành khiển Phạm Sư Mạnh và Lê Bá Quát, nhưng khi trở về làng thăm cụ cũng đều phải lạy dưới giường và đứng khoanh tay hầu chuyện cụ. Học trò cụ ai có điều không phải, cụ trách mắng ngay, có khi không cho bước vào nhà. Các đời vua sau nghĩ đến nhân cách của một kẻ sĩ, một người thầy mẫu mực, đã cho thờ cụ trong nhà Văn miếu.

Thời Nguyễn, cụ Võ Trường Toản cũng là một người thầy mẫu mực, sống ẩn dật, mở trường dạy học và học trò cụ nhiều người hiển đạt như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Phạm Đăng Hưng….làm quan đến chức Thượng thư (Bộ trưởng ngày nay), cụ xứng đáng với danh hiệu “Gia Định xử sĩ sùng đức Võ tiên sinh” do chúa Nguyễn Ánh (sau là vua Gia Long) ban cho.

Thầy đã thế, học trò ngày xưa cũng có rất nhiều câu chuyện về tôn sư trọng đạo mà mỗi hành vi vẫn còn có giá trị của những tấm gương trong sáng cho thế hệ ngày nay noi theo. Cụ Phan Thanh Giản phẩm hàm đến Hiệp biện Đại học sĩ, nhất phẩm triều đình, nhưng mỗi khi đi kinh lý gần quê nhà thầy học cũ, cụ luôn kêu lính khiêng võng ghé lại thăm thầy. Võng còn ở cách nhà thầy một quãng khá xa, cụ đã bước xuống, thân hành đi bộ vào nhà thầy. Chỉ một cử chỉ nho nhỏ như thế đủ nói lên tấm lòng của người học trò tôn kính thấy học cũ đến nhường nào!

Đầu tháng 11 năm 1888, sau hơn ba năm sống gian khổ giữa rừng thiêng nước độc ở Quảng Bình để nêu cao ngọn cờ Cần vương, vua Hàm Nghi sa vào tay giặc Pháp. Trong những ngày bị áp giải về cửa Thuận An, ông nhất mực không chịu nhận mình là vua Hàm Nghi. Nhưng bữa nọ, trong đám đông đứng hai bên đường, vua Hàm Nghi nhác thấy bóng dáng người thầy học, liền vội vàng nghiêng mình kính cẩn cúi đầu chào, thà để lộ chân tướng cố tình giấu giếm hơn là thất lễ với thầy học cũ.

***

Lịch sử các dân tộc khác trên thế giới cũng chứng tỏ rằng tinh thần tôn sư trọng đạo là một tình cảm thiêng liêng vượt ra ngoài biên giới quốc gia, vượt lên trên các hàng rào chủng tộc. Những người thuộc thế hệ sinh ra từ thập niên 1940 trở về trước chắc không thể nào quên bài học trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự bị (nay là lớp 2) kể câu chuyện ông Carnot, người Pháp, làm quan to (sau là Tổng thống Pháp), khi về thăm quê nhà, đã ghé lại ngôi trường, nơi người thầy dạy ông năm xưa tóc bạc phơ vẫn còn đứng lớp. Ông đã “chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà nói rằng:”Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?” Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng “Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo ta, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay” (trích)

Thế hệ những người từng học sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa nay đều đã thuộc lớp tuổi 70, 80, và hơn nữa, nhiều người đã bạc trắng mái đầu, nhưng mỗi lần gặp lại thầy cô đã từng dạy dỗ mình, họ vẫn ngoan ngoãn, rụt rè, như thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, vẫn luôn dành cho thấy cô từng dạy dỗ họ những tình cảm trân trọng, hàm ơn, một phần cũng nhờ ở những tấm gương tôn sư trọng đạo mà họ đã học được ngày nào. Nhân Ngày Nhà Giáo 20.11 năm nay, nhắc đến chuyện này cũng không phải là điều vô bổ.

Lê Nguyễn

20.11.2020

Tương cụ Chu Văn An tại Văn miếu - Quốc tử giám

Tượng cụ Võ Trường Toản tại đền thờ ở tỉnh Bến Tre

Ảnh cựu hoàng Hàm Nghi những ngày mới đến xứ sở lưu đày Algérie (1889) - Nguồn: tạp chí Journal des voyages

 


Ông Marie François Sadi Carnot trong thời gian làm Tổng thống Pháp








Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

Tiểu sử Cha Giacôbê Huỳnh Công Quận

Tiểu sử

CHA GIACÔBÊ HUỲNH CÔNG QUẬN

………………………….

Cha Giacôbê Huỳnh công Quận sinh tại làng Phước-dinh, hạt Bàrịa, năm 1865, con của ông Gioakim Huỳnh thành Ý và bà Maria Nguyễn thị Lân; cha thuộc về dòng dõi trâm anh, con cháu các Đấng tử đạo Bàrịa.

Hai ông bà có lòng đạo đức, nên bề tinh thần cũng như vật chất Chúa thương ban cho gia thất người được túc dụng mọi bề.

Lúc nhà nước đã chiếm cứ Nam-kỳ, thì ông Gioakim Huỳnh thành Ý ra giúp chánh phủ tân trào và thăng tới Quản chức trong cơ binh. Ông là một viên chức trung cẩn phận sự và ăn ở liêm chính, cho nên trên chánh phủ yêu vì, dưới dân tình mến phục.

Còn bà Maria Nguyễn thị, là một nữ nhơn hiền đức hẳn hòi. Bà là chị ruột quan Đốc phủ Paul Nguyễn thăng Hơn qua đời và là cô ruột của cha Thomas Thi.

Ông mắc ra giúp việc nước, thì bà coi sóc gia đình, tập rèn dạy dỗ con về đàng lành, bà đã nêu mẫu gương một người hiền thê lương mẫu, gồm trọn tứ đức tam tùng. Nhứt là về đức kính Chúa yêu người, bà hằng gắn ghi một mực. Bà có lòng hay thương giúp kẻ khó khăn, gặp ai nghèo khổ, bất luận ở đâu, thì bà liền ra tay tế độ, tiền bạc, áo quần, thấy kẻ khó khăn mà bịnh tật, thì bà lo đem về nhà hoạn dưỡng thuốc men. Thấy bà có lòng bác ái, ai đã biết một phen, bèn coi như một thân nhân. Nên nhiều khi bà phải làm việc yêu người một cách lặng lẽ.

Ông bà sanh được sáu người con, năm trai một gái; Giacôbê Huỳnh công là trai đầu lòng. Sinh được ba ngày thì cha mẹ đem đến nhà thờ chịu phép rửa tội.

Nhờ thấp thọ cái giáo dục tốt của gia đình, nên tuy tuổi còn ngây thơ, mà trẻ Giacôbê đã có lòng mến mộ đạo tu trì, siêng năng đọc kinh xem lễ, và ham muốn làm thầy cả, nên Giacôbê ưa sự giúp lễ mỗi ngày cho cha sở.

Thấy con trẻ có lòng đạo đức nết na, nên lúc Giacôbê được 9 tuổi, thì cha sở Bàrịa lúc bấy giờ, là cha Ý đã chọn Giacôbê đi trường Latinh, đời cha Bề trên Thi (Thiret) cai trường.

Trong lúc ở nhà trường, từ lớp nhỏ qua trường lớn, lặn lội rừng nho biển thánh, trau giồi trí đức tinh thần, Giacôbê đã theo đòi kịp chúng bạn mà tấn bước đỉnh Sion.

Ngày 21 Mars 1896, Đức cha Dépierre phong chức Linh mục cho thầy Giacôbê tại đền thờ chánh tòa Saigon, một lượt cùng 2 cha, Simon Chánh và J. B. Tòng. Cha Simon Chánh đã qua đời, còn cha Gioan Baotixita Tòng hiện làm Giám mục địa phận Phát-diệm.

Ai nói cho xiết lòng ông Gioakim và bà Maria khi ấy vui mừng là dường nào! Vì của đầu mùa ông bà dâng tiến Chúa thì người đã nhậm lấy, và ông bà đã đặng nhìn tận mặt, người con yêu quí mình bước lên thọ quờn Chánh tế. Mọi sự lo lắng cho con từ lúc con bước chân vào nhà trường cho đến ngày chịu chức, đã tiêu tan đi hết và nơi lòng ông bà trong giấy phút cảm xúc thiêng liêng tràn ngập một vẽ vui mầng không tả được!

Song le mọi việc ở đời đều có buồn vui pha trộn, đó là thánh trí siêu nhiệm của Đức Chúa Trời không ai hiểu được; vì khi cha Giacôbê chịu chức được một tuần, thì thân mẫu của ngài ở nhà lâm bịnh nặng.

Trong họ rước Tân linh mục ở Saigon về đến Bàrịa. Ôi! Thật là một đời cực lạc sinh ai. Mẹ nhìn thấy con, chứa chan lệ ngọc!...con thương mến mẹ, thiết tha vô ngằn!! Những lời mẹ trối để lại cho con khi ấy, là một vết mến thương, hằng gắn ghi nơi cõi lòng Giacôbê mãi mãi.

Bà Maria nắm lấy tay Tân linh mục là con của bà mà rằng: “Ớ con yêu dấu! Mẹ đã dưng con cho Chúa từ hồi 9 tuổi tới giờ!... Lòng ao ước khẩn nguyện Chúa nhận lấy trái chiến đầu mùa của mẹ để làm của lễ toàn thiêu, thì ngày nay mẹ đã thấy, sự trông ước ấy đã hoàn toàn kết quả! Nếu nay Chúa cất mẹ đi, thì mẹ cũng an lòng. Xin cha mới là con yêu dấu, hãy ban phép lành đầu tay cho tôi, dầu tôi yếu liệt không thể quỳ gối xuống mà thọ lãnh lấy ơn thiên mầu cho phải phép”.

Một lời cuối cùng người hiền mẫu ấy, là một tiếng kêu vang đầy trìu mến thiết tha, đầy cả đau thương và sung sướng. Nước mắt khôn ngăn, cha mới giơ tay lên hòa cùng những giọng rung rung cảm động, xin Chúa xuống phước lành cho mẹ rất mến yêu.

Năm giờ sáng hôm sau, bà Maria thở hơi cuối cùng! Bao nhiêu đồ đoàn vật thực bà đã sắm sửa để mừng lễ Vinh qui cho con, thì day trở lại dùng làm đám táng cho bà!...

Sau khi đã chôn cất bà Maria đoạn, bấy giờ người ta mới lo việc mầng Vinh qui cha mới. Âu là khi cha Giacôbê bước đến bàn thờ mà cất tiếng kêu lên rằng:

“Lạy Chúa, tôi sẽ đến gần bàn thờ Chúa, sẽ đến cùng Chúa là Đấng sẽ làm cho cái tuổi xuân tôi được khoái lạc vui mầng…” Thì ôi, biết bao giọt nước mắt của vị Tân linh mục phải tuôn xuống, vì phần thì thấy Chúa thương đem mình lên địa vị cao trọng giữa ngàn muôn người, phần thì phải ngậm ngùi mến thương mẹ vội lìa trần, không kịp hưởng sự vinh hiển cùng con!...

Yên cuộc lễ vinh qui, thì Đức cha sai người đến làm phó họ Tân-định là 10 Avril 1896, đời cha Ngôn (E. Louvet) làm bổn sở, cho đến 1 Avril 1898, thì đổi qua làm cha phó họ Thị-nghè đời cha Định (Delpech). Ở Thị-nghè được bốn năm là từ 1 Avril 1898 cho đến năm 1903.

Hạ tuần tháng Janvier 1903, Đức cha đổi ngài xuống Cái-mơn làm phó giúp cha Bề trên Quí (Ch. Gernot), khi cha bề trên đã qua đời là năm 1912, cha Dumortier lên quyền chánh sở, thì cha Giacôbê cũng còn làm phó giúp cha Dumortier. Cha Giacôbê ở Cái-mơn được 9 năm, cho đến 31 Août 1912, thì Đức cha đổi ngài lên Búng giúp cha Nghi (Martin).

Lúc ấy cha Nghi là cha sở, đã già cả yếu đuối, nên các việc coi sóc bổn đạo trong họ, thì một mình cha Giacôbê lo lắng mà thôi.

Ngày 6 Octobre 1916, đắc lịnh đi làm bổn sở họ Cầu-ngang (Trà-vinh), và từ tháng Arvil đến tháng Décembre 1919, lãnh coi sóc thế họ Mỹ-hội. Cũng tháng Décembre năm ấy, Đức cha lại đổi ngài đi làm bổn sở coi sóc họ Hồi-xuân (Vĩnh-long).

Ở Hồi-xuân vừa được hơn năm, thì ngày 2 Novembre 1922, Đức cha Quinton cử ngài về làm Chủ-nhiệm báo Nam-kỳ địa phận tại Tân-định.

Trong khoảng làm trong báo Nam-kỳ địa phận, thì tháng Août 1928, Đức cha Dumortier dạy ngài coi sóc họ Gò-vắp và An-nhơn luôn. Tuy bận rộn nhiều công việc về thiện báo, song khi thấy ý bề trên muốn làm vậy, thì cha Giacôbê cũng vui lòng vưng lịnh Đức cha, vừa làm báo, vừa coi sóc bổn đạo hai họ nhỏ nầy.

Lúc ấy cha Giacôbê sắm một chiếc xe, mỗi ngày làm việc tại tòa báo, sắp đặt chỉ bảo, rồi 4, 5 giờ chiều ngồi xe vô Gò-vắp lo việc họ. Sáng làm lễ rồi, dạy sách phần cho đồng nhi, rửa tội con trẻ nhà mồ-côi, đoạn lại về Tân-định làm việc. Cứ như vậy luôn tiếp mấy năm, cho đến 1933, khi họ Gò-vắp đã có cha khác thế, thì cha mới nghỉ.

Lúc coi sóc họ Gò-vắp, cha Giacôbê cũng tận tâm lực lo mở mang thêm cho họ cả phần tinh thần cùng hình thức. Cha đã quyên góp tiền bạc, nhờ những kẻ hảo tâm dưng cúng, mà sửa sang nhà thờ, cất thêm hàng ba hai bên cho thêm rộng, có đủ chỗ cho bổn đạo đọc kinh xem lễ và cất thêm một căn phía sau, tiếp theo phòng áo, làm nhà cha sở, mua thêm cho họ Gò-vắp được một cái chuông, sắm sửa thêm đồ vật, trau giồi thánh đường; còn An-nhơn thì cũng ra vô làm lễ, dạy dỗ đồng nhi, ngồi tòa làm phước, v.v…

---------------------------------

Hai mươi mốt năm chủ nhiệm báo N. K. Đ. P

và mười năm coi sóc nhà in Tân-định

 

Về báo Nam Kỳ Địa Phận, từ khi cha lãnh quyền chủ nhiệm, thì tinh thần cũng như hình thức, tùy tài tùy lực mà mở mang thêm cho vui lòng độc giả. Là cha Giacôbê thêm vào bốn phụ trang cho ra khá hơn. Thời gian cha quản lý cũng gặp lúc khó khăn, về kinh tế, giặc giã, vật liệu mắt bằng 3, 4 có nhiều tờ báo khác phải đình bản, song cha hằng ân cần lo lắng, cho nên thiện báo Nam-kỳ được ra hằng tuần luôn, không khi nào ngưng trệ. Đó là cái vinh dự chung, một công nghiệp lớn của cha già, không thể chối được.

Còn trong vòng 10 năm làm chủ nhà In Tân-định, cha đã vì công ích thiện bản, tận tình với nghĩa vụ mà lo lắng cho nhà in địa phận được tấn phát tùy sức tùy thời. Về coi sóc nhà in cũng như khi mới lãnh chủ nhiệm báo Nam-kỳ Địa-phận, cha làm lễ dưng nhà in cho Rất Thánh Trái Tim Chúa, xin phú thác mọi công việc làm của ngài trong 2 sở ấy cho Chúa.

Mặc dầu 2 vai gánh nặng sức yếu tuổi già, cha vẫn lấy công việc làm sở thích. Tuy bề ngoài chẳng thấy nhà In Tân-định có vẽ gì khác lạ hơn ai. Song một sự nầy ta nên để ý, là: hằng năm nộp sổ nhà In về Tòa Giám mục thì đều có thơ Đức Thầy Dumortier tiếp theo ban khen và cám ơn cha Jacques luôn luôn.

Vốn cha Giacôbê có tánh nóng, là tại ngài sốt sắng về công việc làm, nên sự nóng của ngài cũng như lửa cháy quá vậy, không hay ghi chép; bằng về đức bác-ái thì ngài vẫn sẵn đầy vơi luôn, đối với bề dưới có lỗi lầm điều chi, ngài hay khoan dong tha thứ.

Về cuộc sinh hoạt hằng ngày, thì cha Giacôbê chi cần kiệm với cái số tiền riêng của ngài mà thôi. Ngài không muốn xa phí đến của công.

Cũng nhờ khéo cần kiệm, cho nên gặp mấy năm Kinh-tế khủng bức gần đây, nhiều nhà in, nhiều hãng buôn ngoài phải thua lỗ hoặc lâm nợ bị faillite, mà nhà In địa phận nhờ ơn Chúa tuy không thành lợi nhiều, nhưng chẳng thiếu nợ, hay phải hụt hạt vay tạm cùng là dùng đến những cái trường-hợp đình công, bớt dân thợ như số phận của nhiều đồng nghiệp. Đó là chỗ hay của cha già.

Cha Giacôbê thật đã già, mà còn giẻo; có nhiều người khi tới thăm, thấy cái thang lầu cao, mà mỗi ngày cha phải năng xuống lên xem sóc chỉ biểu cho dân thợ thì pha lửng rằng: “Cha Giacôbê thật là gân, vì bộ giò của ngài còn giẻo lắm”.

Một bữa kia, có một cha Thừa-sai ở địa phận khác, đến nhà In Tân-định mua đồ, gặp cha Jacques, thấy cử chỉ ông già truyện vãn cách dạn dĩ vui vẻ, thì cha ấy hỏi bằng tiếng annam rằng: “Năm nay cha được mấy mươi?”. Cha Giacôbê đáp: Năm nay tôi bảy mươi sáu – Húy, cha giả ngộ tôi sao chớ? – Giả ngộ đâu, tôi sinh năm 1865 mà!

Cha Thừa-sai nói: Tôi coi tướng diện của cha chỉ lối năm mươi ngoài hay sáu chục là cùng, nói thiệt, không phải tôi có ý nịnh cha đâu.

Cha Giacôbê cười mà rằng: Vậy thì người ta còn lầm lắm.

Thường năm ngày 24 Juillet, áp lễ thánh Giacôbê tông đồ, anh em trong sở hiệp lại mừng Bổn mạng ngài, sau mấy lời cám ơn, ủi an khuyến khích, thì ngài hay tuyên bố câu nầy:

“…Chúng con hết thảy làm ở đây, là làm việc Chúa, tuy số lương ít oi, chẳng bằng làm việc ở ngoài, cha biết lắm, nhưng chúng chớ khá ngã lòng, vì công việc của chúng con làm, cũng thông công việc giảng đạo, miễn là chúng con làm cách trung tín tử tế, thì Chúa chẳng bỏ chúng con đâu. Hiện thời cha lo cần kiệm cho có đồng tiền để sửa nhà In lại, vì đã cũ hư nhiều, cha có kêu thầu-khoán tới trù tính, thì phải tốn trên hai chục ngàn đồng mới đặng, cha đã góp gởi được một mớ (lúc ấy còn có thể mua vật liệu được). Chúng con hãy cầu nguyện cho công việc trù định của cha mau đạt thành, thì cha sẽ tính liệu lại…

“Cha lo đây, là lo chúng con sau nầy có chỗ làm việc tử tế, - Chớ riêng phần cha có nhờ gì đâu: chúng con phải hiểu sự ấy…”

Đó là lời cha Giacôbê thường năm tuyên bố với dân thợ, khi ngài còn đang sức mạnh khá.

Rốt cuộc mấy năm sau đây, thấy sức mình một ngày một yếu, nên lúc Đức thầy Dumortier còn sinh tiền, có đôi phen cha Giacôbê ngõ lời xin Đức cha cho phép nghỉ…!

Song Đức thầy khuyên cha Giacôbê rằng: Cha hãy chịu khó, vì tuy cha đã lớn tuổi. Ta biết, nhưng công việc của cha làm còn đắc lực thì nghỉ làm chi cho uổng, rán lập công; vì vậy cha Giacôbê vưng lời Đức cha mà làm việc được đến chừng nào hay chừng nấy.

Đời Đức cha đương kim lên cầm quyền, thì cha già đã nhứt định xin cáo thối. Nhưng chưa có dịp tiện cho đúng phép, thì kế lâm bịnh. Âu là thánh ý Chúa muốn cha Giacôbê chịu khó lập thêm nhiều công nghiệp cho đến hơi thở cuối cùng.

----------------------

Từ phát bịnh cho đến giờ lâm chung

Khởi sự từ Juillet 1942 về sau, thấy cha Giacôbê thường hay đau yếu, song ngài cứ gắng gượng làm việc và thuốc men qua loa, chớ ít chịu đi nghỉ; trong 21 năm làm chủ nhiệm và coi sóc nhà in, chưa khi nào thấy ngài đi nghỉ đâu xa trong vòng một tháng, hay là nằm nhà thương.

Mấy lúc xe cộ còn tiện dễ, thì thường năm ngài mướn xe cho anh em trong sở đi dạo Long-hải, hoặc Cấp một lần chừng một ngày một đêm mà thôi. Những khi đi dạo làm vậy, ngài cũng hay mời các cha đi với cho vui đặng về làm việc. Ngài có tánh hay lo, nên mỗi khi đi như vậy, thì ngài ân cần lo lắng sắp dặt trước, từ miếng ăn chỗ ngủ cho dân.

Thượng tuần tháng Decembre 1942, ngài bị cảm nóng trong mình, rồi tiếp chứng đau gan, ban đầu còn rán lên xuống mỗi ngày coi sóc chỉ bảo. Rốt cuộc từ Janvier 1943 về sau, bịnh phát nặng, ăn uống không đặng, mặc dầu điều trị đủ thuốc tây nam mà bịnh cứ dũ nhựt dũ tăng.

Tuy đã hơn hai tháng trời, lăn lộn trên giường bịnh, song cha già vẫn làm việc bổn phận: nhắc nhở, chỉ biểu luôn và tới kỳ tới tháng, cũng rán phát tiền cho nhơn công. Thấy trong mình mỗi ngày mỗi kiệt lực. Nên vạn bất đắc dĩ, ngài phải xin Đức cha chọn đấng khác thay thế cho ngài được an tâm dọn mình, vì biết sức yếu với bịnh nguy, không thể nào chống nổi cùng sự chết.

Đức cha ưng nhậm theo lời cha Giacôbê xin thì đã chọn lựa sắp đặt mọi việc và số báo N. K. Đ. P xuất bản ngày 24 Mars 1943, cha Giacôbê đã tuyên bố đành rành cùng giả từ phận sự.

Trước mấy hôm, có người khuyên cha chịu phép xức dầu thánh; song cha nói đã dọn mình sẵn rồi và có ý chờ đến bữa 21 Mars, kỷ niệm ngày cha chịu chức, sẽ chịu xức dầu luôn.

Vậy hồi 3 giờ rưỡi chiều ngày thứ ba, 23 Mars, Đức cha thấy bịnh tình cha Giacôbê đã yếu liệt, và ngài dọn mình sẵn sàng. Thì Đức thầy thân hành đến Tân-định để ban phép xức dầu thánh cho cha già.

Trước khi chịu phép xức dầu, thì cha sở Tân-định, đem Mình Thánh Chúa cho cha Giacôbê, ngài xin đỡ dậy khỏi giường bịnh, ngồi trên chiếc ghế, và người ta mặc áo các phép cùng đeo dây stola cho ngài, rồi ngài chịu Mình Thánh Chúa cách sốt sắng. Và rán ngồi ít phút cho đặng cám ơn Chúa.

Đoạn người ta đỡ cha già lên giường, đúng 4 giờ, Đức Giám mục ban phép xức dầu thành trước mặt các đấng linh mục, các dì phước, và những người bà con thân quyến của cha già.

Đức cha Gioan Baotixita Tòng ở Phát-diệm, hay dặng tin cha Giacôbê liệt nặng, thì ngài lấy làm mến thương và đánh dây thép an ủi cha Giacôbê:

S. Tân-định Phát-diệm 342 10 26 1705 Clê

Profondémend contristé prie tout cœur respects.

Tòng

Từ bữa cái tin cha Giacôbê chịu phép xức dầu thánh bắn ra, thì kế đó, các linh mục trong 2 địa phận Saigon – Vĩnh-long, nhà Dòng, nhà Phước, cùng những người thân yêu quyến thức của ngài lần lượt tới lui thăm viếng.

Trước một tuần thở hơi sau hết, cha Giacôbê chẳng còn uống ăn chút sữa hay cháo lao gì, ngày cũng như đêm, ngài chỉ dùng một hai hớp trà cho đỡ khô cổ vậy thôi, nên chi thân thể liệt nhược lắm, nhưng thần trí vẫn còn tỉnh táo và nói năng đặng theo sức. Ai đến thăm, ngài biết và cám ơn, cùng xin giúp lời cầu nguyện cho ngài đặng ơn thiện tử.

Đêm thứ năm rạng mặt thứ sáu, 26 Mars, trong mình có hơi khỏe lại chút, thì ngài gọi người cháu và mấy kẻ giúp mà nói rằng: “Cha còn rán cho tới Chúa nhựt mới chết”.

Vậy lối 6 giờ chiều Chúa nhựt kế đó, thì cha bắt đầu làm xung nặng, khi ấy có Đức cha và cha Bề trên Soullard tới thăm từ giã, song cha già đã bất tỉnh nhơn sự, nên Đức cha ban Đại xá sau hết cho ngài. Cũng một trật có cha sở Tân-định, cha Paul Lành tới giải tội lòng lành cho cố Giacôbê.

Từ đó đến sáng thứ hai, cha vẫn làm xung mãi, và thường xuyên nội đêm ấy, thì có 2 cha: Paul Vàng, Maurice Lễ giữ linh hồn cùng an ủi nhắc nhỡ cha Giacôbê, cũng có 2 dì phước Gò-vắp và mấy em cháu của ngài ở đó.

Song cha già còn giữ sự sống lại đến 2 giờ chiều ngày 5 Avril 1943, mới thở hơi cuối cùng bình an trong Chúa trước mặt những người mến yêu với một số tuổi dáng kính bảy mươi tám rất êm ái, bình tỉnh.

Cho đặng hiểu biết cái khí-thái, tu trì của một nhà linh mục đối với sự chết cách nào, thì ta nên lưu ý điều nầy, là từ khi phát bịnh đau, cho đến ngày lâm tử, cha già cứ thản nhiên lăn lội với cơn bịnh hành nhức nhối, không hề nghe rên một tiếng!

Sau khi vừa tắt hơi, thì có các cha: André Trị, Paul Lành, cha Tân giám đốc nhà in, đọc kinh De profundis với những lời thiết yếu”Chúng tôi cậy vì danh Chúa nhơn từ…” hòa cùng những giọt nước mắt cảm động của các kẻ hiện diện dưng lên trước tòa Chúa.

Người ta lo mặc đồ lễ cho đấng qua đời theo phép… Chuông nhà thờ liền bắt đầu ngân lên từng tiếng một giữa lúc trời quang mây tạnh!...Tin buồn thảm đưa ra, đám mây đen lần lần kéo đến!...Và, sự lặng lẽ xuyên qua lòng những người quen biết.

Xác cha đam xuống để tại nhà nguyện, nơi đây là chỗ trong vòng mười năm trời mỗi ngày cha tới lui dưng lễ thượng tiến để kéo ơn Chúa xuống trên mọi công việc của cha làm và cầu xin cho những người giúp trong sở.

Rày cha cũng tới đây, nằm ngay trước bàn thánh với bộ phẩm phục đại lễ, mà tế mạng sống mình, chẳng còn trở trăn máy động!...

Thế là bốn mươi bảy năm qua, một đời linh mục, cụ Giacôbê đã cúc cung tận tụy với chủ nghĩa Tông đồ, bao nhiêu lúc thời xưa oanh liệt, bao nhiêu ngày lịch sử đáng ghi, cùng những lúc buồn vui xen trộn, chua ngọt lẫn hòa đều phú lại cho dương trần, ngài từ giã hết, chỉ để lại nơi lòng người quen biết cái vết đau thương mến tiếc mà thôi

Ô hô! Tam thốn thiên ban tại

Nhứt đán vô thường vạn sự hưu!...

Cái khăn tang của cụ Huỳnh-công phát ra ngày nay, không những cho anh em giáo hữu xứ nầy đã mất hết một đấng cha lành, mà làng báo giới công giáo ở Đông-pháp cũng mất hết một tay chiến tướng, một vị đồng nghiệp khả ái vậy.

Khi đã để xác cha Giacôbê an bài tại nhà nguyện, thì các bà phước Tân-định qua viếng, tiếp theo anh em trong sở nhà in và bổn đạo lần lượt tới cầu lễ cho linh hồn thầy Giacôbê.

Riêng về phần cha Tân giám đốc, thì ngài đã hết lòng lo lắng cho cha già và truyền lịnh cho anh em trong sở phải phân phiên thứ canh xác và cầu lễ cho cha Giacôbê suốt đêm.

Cuộc tẩn liệm và rước xác qua nhờ thờ lớn

9 giờ rưỡi sáng thứ ba, 6 Avril, khi ai nấy đã tề tựu đủ tại nhà nguyện, thì trước mặt các cha: Bổn sở Tân-định, Tân giám đốc Thomas Thạnh, Ximong Sang, Paul Lành, Maurice Lễ cùng một ít cha khác, nhà phước, bổn đạo, bà con thân quyến của cha già, anh em trong sở nhà in v. v., thì người ta cứ phép mà liệm xác. Và, quàn tại đó cho đến 5 giờ rưỡi chiều mới di linh cửu qua nhà thờ họ.

Cha André Trị làm chánh sự rước xác, các cha, các bà phước đồng nhi hội con Đức Bà và bổn đạo nam nữ… Chuông trầm trổi lên hòa cùng giọng bi ai lãnh lót kinh Miserere!... Khi các lễ phép đã hoàn tất, thì để lại trong nhà thờ một đêm cho người ta cầu lễ.

Lễ Qui lăng và Đám táng

Qua sáng thứ tư, 7 Avril, đúng 6 giờ rưỡi, Đức cha địa phận thân hành lễ hát trọng thể (Messe Pontificale) cầu cho linh hồn thầy Giacôbê.

Cha André Trị làm Prêtre assistant, các thầy trường Latinh làm đại, tiểu phó tế và giúp lễ. Chầu lễ có trên 30 vị linh mục tây nam, các cha dòng Chúa cứu thế, thầy dòng Frères, các bà St Paul Tân-định, các bà St Vincent de Paul Thủ-đức, các dì, các chị nhà phước Chợ-quán, Thủ-thiêm, bổn đạo Tân-định và các nơi, bà con thân quyến của cha Giacôbê, hiệp vầy chầu lễ đông dắn! Hội hát và đồng nhi Tân-định hát lễ.

Khi hát Libera rồi, thì Đức cha, các linh mục, nhà phước cùng bổn đạo hiệp đưa linh cửu cha Giacôbê lên Chí-hòa mà mai táng trong đất thánh các linh mục bổn quốc.

Cha Maurice Lễ, bổn sở họ Gò-vắp là cháu, làm thầy chánh sự đưa xác cậu ngài. Khi đã làm phép huyệt, thì các đấng đồng hiệp hát kinh Bénédictus theo lễ phép. Sự cảm động lặng lẽ xuyên qua lòng mọi người hiện diện, ai nấy đều có cái quan cảm bi ai, không những mến thương người nằm trong quan tài, mà cũng chạnh nhớ đến phận riêng mình với cái công lệ bất di dịch.

Cha Maurice Lễ nói ít lời cám ơn Đức cha, cha bề trên và các đấng bậc, đã có lòng chiếu cố đưa xác cậu ngài tới táng an phần mộ.

Đoạn M. P. Tạo đứng thay lời cho nhân viên tòa soạn báo Nam-kỳ và ấn quán mà đọc bài diễn văn tiển biệt cha Giacôbê.

Bài ai điếu

LẠY ĐỨC CHA,

Kính cha Bề trên cùng các cha,

Trình viên quan chức sắc

Thưa quí ông, quí bà

Đứng trước cái cảnh bi-đát não nề mà cữa huyệt nầy hòng khép lại, để chôn sâu hình dáng một người thân yêu của chúng ta; - Cữa huyệt đóng lại, vài nắm đất rải lên mồ.

Ôi! Những hột đất bé mọn vô tình, nó sẽ chia rẽ chúng tôi với thiên cổ!...

Trước cảnh đau thương mà từng ngấn lệ đang ngừng bên khóe mắt, tôi hết sức cảm động xin phép thay lời cho nhân viên tòa soạn báo Nam-kỳ và ấn quán, cho chư vị Tác-giả, Độc-giả hiện-diện và khiếm-diện, để kính dưng vài lời tiển biệt cha Giacôbê Huỳnh-công.

Ngày hôm qua, ngài còn là chủ nhiệm bổn báo, Giám-đốc nhà-in, thế mà hôm nay, giờ nầy cha đã giã từ chúng tôi, từ giã những người thân yêu, từ giã hết thảy mọi phận sự, đến đây để nghỉ an một giấc ngàn thu!., Ôi giấc ngàn thu của cha, thật là êm ái, nhưng với cái quan-cảm của người đời sao cho khỏi đau lòng vì câu: Tử biệt sinh ly!!?

Ớ cha yêu dấu, theo ơn kêu gọi, gánh cái trách nhậm tông đồ, ròng rả bốn mươi bảy năm trời (1896 – 1943), ngài ôm một tấm lòng thành nhiệt, vì lý tưởng, hăng hái với việc làm, nhân từ với sự đau thương, và nhẫn nại cùng lòng bác ái; dầu ở đâu, đi đâu ngài cũng hết lòng với nghĩa vụ, hi-sinh vì đoàn chiên, cũng như luôn luôn ngài hằng tươi trẻ với anh em cọng sự bên tay ngài.

Hai mươi mốt năm trời, từ khi cha Bề trên trao cho cha cái sứ-mệnh khai thông dân trí, tuyên tuyền phúc-âm bằng thiện-bản thiện-báo, thì ngài đã tận tâm với chủ nghĩa công giáo, mặc dầu ngài đã đến cái tuổi mà thế thường quen gọi là: Lão giả an chi.

Bảy mươi tám xuân thu, da mồi tóc hạc… Ôi! Cái tuổi trời cao vọi với bao nhiêu trách nhậm nặng nề: Một tờ báo, một nhà in, về tinh thần cũng như phương diện vật chất, một tay cha điều khiển lo toan, thế mà nhờ trí ý kiên cường, tinh thần cương quyết, thì tất cả mọi công việc đều hoàn toàn kết quả trong tay mẩn cán và sự khéo khôn cần kiệm của ngài.

Ai đã từng gần gủi cha, mà ngày nay không giữ lại trong lòng mình một đau thương, một mến tiếc!? – Ai đã gặp cha, mà trong giờ phút nầy, kẻ đứng bên cạnh mồ, người nằm lặng lẽ dưới huyệt, trong tâm hồn lại không thấy rung động lên một mối cảm hoài mà tất cả danh-từ cũng không đủ tỏa!

Cha đã để lại một dấu vết rất đặm, làm cho ai nấy khó quên. Tôi, một kẻ cọng sự nhỏ mọn bên cha trên 18 năm trời, tôi đã được mục kích lòng nhiệt thành của cha đối với công việc địa phận, tôi đã nhận ở cha những lời khuyên lơn, những tiếng vàng ngọc còn văng vẳng bên tai.

Mà cha Giacôbê ôi, những lời than van chua xót của con hôm nay, không biết có theo nổi hồn cha bên cạnh chơn Chúa!?

Xung quanh đây, tất cả là một dây thân ái và đau thương, rào chặt cữa mồ, sức bền chặt trong đức tin, sự mến tiếc ấy, không bao giờ phai lạt được nơi cõi lòng người có cảm giác.

Cha ôi! Cha chết đi, đất có thể cướp lấy thi hài để chi phối cho tan rã, nhưng thời gian không bao giờ cướp đặng cái tinh anh đức trọng và hình ảnh thân thiết một đấng cha nhân lành, một người chủ đầy vị-tha và một người bạn đầy nhân ái.

Cữa mồ gần đóng lại, ngao ngán thay, tam xich thổ, bá niên phần…

Than ôi! Hồn linh cha hãy chậm chậm lại, để nhậm lời kính viếng cuối cũng của con: Tất cả đây là mối đau thương, xin kết làm một bó hoa thiêng liêng dưng lên cha yêu dấu, cha hãy mang theo cho chúng con khỏi tủi hận với nắm đất vô tình nó đã chôn mất của con một người cha khó kiếm!

Hỡi ôi, Thương thay!

Dứt lời, thì Đức cha và các đấng bực đến rảy nước thánh, giã từ người thiên cổ mà lui chân với một mối cảm tình mến yêu tha thiết.

Xác thầy Giacôbê an nghỉ nơi đây làm một cũng các đấng đồng liêu, để chờ ngày sống lại vinh hiển sáng láng tốt lành vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kirixitô là Chúa chúng tôi.

Mạch sầu rỉ rã thảm thương ôi!

Tử biệt sinh lý cái lẽ đời,

Gió thổi nhành tùng, chim nháo nhác.

Mấy che núi nhạc, lụy tuôn vơi!

Tông-đồ trách nhậm công dày nặng,

Thiện-báo từ chương tuyết điểm ngời!

Bảy chục xuân thu thêm lẻ tám,

Chân tu trinh đức rạng phương trời.

“O”

Phương trời mô-đức bặt tâm hơi,

Kẻ khuất người con thảm lắm ôi!

Thiên quốc cha lành rày nhẹ bước,

Trần ai chúng tử luống bồi hồi.

Tấm gương bác ái đang treo đó,

Hình ảnh từ-bi sớm tách vời.

Nền đạo u-sầu cơn khống-tống,

Làng văn bịn rịn lúc chia phui.

(chung)

N. K. Đ. P

.Báo Nam Kỳ địa phận năm 1943.


Nhàn là "Nhàn", chớ không phải "Nhạn"

  Lai rai món chữ nghĩa này cho nhẹ nhàng chút...

NHÀN LÀ "NHÀN", CHỚ KHÔNG PHẢI "NHẠN"

Bản Dạ cổ hoài lang, câu 3: "Vào ra luống trông tin NHÀN", câu 20: "Cho én NHÀN hiệp đôi". Đó mới là viết đúng.

Nhà nghiên cứu cao niên Nguyễn Tuấn Khanh (định cư bên Mỹ) giải thích: Từ thế kỷ 18 người Việt ở miền Nam đã xài chữ "nhàn". Trong tự điển tiếng Việt - Latin của Taberd còn ghi: "NHÀN" được giải nghĩa là “avis deferens epistolam” (“một loại chim đưa thư”).

Còn trong cuốn “Miscellanées ou Lectures Instructives” (Thông Loại Khóa Trình) tập số 5 của Trương Vĩnh Ký do nhà xuất bản Imprimerie Commerciale Rey & Curiol tại Saigon in tháng 9 năm 1888, trong bài “Dĩ vật luận vật ca” nơi trang 14 có nói về CHIM NHÀN:

"Chim nhàn đứng dựa đó đăng,

Rình mò cá nhỏ bắt ăn tối ngày".

Fb Phương Kiên Giang cho biết: "Chim nhàn là một loài chim biển, không phải chim nhạn đọc trại ra mà thành. Trong quần đảo Nam Du thuộc Kiên Giang có hòn Nhàn, do bởi trước kia chim nhàn làm ổ, đẻ trứng đầy trên hòn nầy. Trứng nhàn to và có bông giống y như trứng cút.

Lạy trời, các chuyên gia chữ nghĩa ngoài bắc vô đừng sửa tên hòn nầy lại là hòn Nhạn thì... dốt lắm đa!".

Khỏi lạy trời, muộn mất đất rồi! Thấy mấy em trẻ bây giờ ca bản Dạ cổ hoài lang, "nhàn" bị ca thành "nhạn" - cũng bởi đâm đầu tin vô "tiến sĩ" hoặc "giáo sư" thời đỉnh cao trí tuệ thò tay vô sửa.

Ta nói, dốt là căn bịnh hay lây.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

Tiểu sử Cha Gioan Baotixita Nguyễn Phụng Dưỡng (1902 – 1940)

Tiểu Sử

Cha Gioan Baotixita Dưỡng

(1902 – 1940)

-------------------------

Ngày thứ ba, 21 Mai 1940, độ 8 giờ mơi, có tin ở Dưỡng đường Latinh Saigon đưa ra rằng: Cha Gioan Baotixita Dưỡng mới qua đời. Ai là cật ruột quen biết và con chiên của cha đều rụng rời; nhớ lại người đau chẳng bao lâu, tuổi còn trẻ trung, tưởng còn dài ngày giúp việc Chúa, nào hay đường đi của người đã vắn või, Chúa đòi về. Tuổi mới 38, làm việc tông đồ đặng 11 năm, thiếu 4 ngày.

Tẩn liệm xong, thì quan tài để tại phòng khách trường Latinh cho thân bằng quyến thức và con chiên đến cầu lễ nguyện kinh. Chiều thứ tư, 4 giờ rưỡi thì cha Bề trên Delagnes rước xác, khi ấy trời phát đám mưa to, như đổ nước mắt chan hòa chia thảm! Vô nhà thờ cha Bề trên địa phận Soullard khởi kinh Vêpres. Xong các cuộc, trời vừa tạnh mưa, thì đưa người đi phần mộ, nghỉ chung một nơi cùng các cha Bổn quốc tại Chí-hòa. Nằm kế mả cha Thomas Thi, là đấng xưa kia đã lo cho  Gioan Baotixita rước lễ vở lòng và dọ tính ý mà muốn tuyển lựa đi tu latinh.

Đưa đi sau xe xác là một đoàn xe hơi dài đăng đẳng. Các cha trên 40 đấng, bổn đạo, bà con quen biết, thân nhơn, các nhà dòng; một ít con chiên cựu ở họ Búng và  Cầu-ngang theo đưa. Qưới chức và bổn đạo Tân-qui để tang cha sở mình. Hạ rộng rồi, ông trùm họ Tân-qui có nói cám ơn cha Bề trên địa phận, các cha và anh em quyến thức có lòng thương tưởng chia sầu cùng họ Tân-qui, mà đến đưa đám cha sở của họ đến nơi yên nghỉ đời đời.

Khi ấy trời vừa tối, mối sầu của gia quyến và kẻ tình nghĩa cùng Gioan Baotixita cũng lai láng mù mịt như đêm sắp đến. Ôi! Thương thay! Từ đây ly biệt cha Gioan Baotixita nơi cõi trần, xin gởi gấm lại nơi ba tấc đất, đợi có ngày anh em chung nghỉ một nơi, chờ ngày sống lại vang hiển!

Lược kể, từ thơ sinh đến khi qua đời.

Trẻ Gioan Baotixita Dưỡng sanh ra tại họ Tha-la, ngày 11 Octobre 1902, qua ngày sau chịu phép rửa tội. Cha mẹ là ông Phêrô Nguyễn văn Dương và bà Maria Lê thị Phượng cả hai rày còn song toàn khỏe mạnh, ông làm Biện họ Tha-la. Phần đời thì gia thất đủ dùng, cũng dư giả chút ít. Con cái đông, hết thảy 5 trai, 6 gái, còn khỏe mạnh; có kẻ đôi bạn làm ăn, người đi tu nhà phước. Gioan Baotixita là anh cả.

Lúc thơ bé trẻ Gioan đã có thiên tư về ơn kêu gọi. Hồi còn nhỏ, một lần cha và tôi viếng một người cùi quá ghê, tôi nhờm, cha bảo nè mình vô thăm, sau có làm cha, phải chịu mấy cái vậy chớ. Ở trường họ thì tự nhiên có tánh hiền lành nhu mì, nên cha sở (Mgr Quinton) chọn giúp lễ; siêng năng không trễ bỏ phiên thứ, khi rước lễ vỡ lòng rồi thì tỏ ý ham đi nhà trường, hay nói việc đó với anh em bạn học.

Ngày 23 Novembre 1913 thì Bao đồng, Thêm sức. Khi ấy cha sở David đã dọ được lòng con trẻ, nên lo dọn cách riêng, cho học latinh cùng dạy dỗ làm một cùng hai trẻ khác, và cho vào nhà trường latinh năm 1914. Cả ba trẻ nầy sau được hai người làm thầy cả.

Lúc ở trường latinh nhỏ, thì bề học hành trẻ Gioan rất khá. Lớp mới vô là 63 trò, các món bài vở thì thường được trung bình. Số ăn ở tốt, vóc vạc mạnh mẻ. Được anh em chúng bạn ưa. Ít khi đau mà phải nằm nhà thương. Lúc tháng nghỉ về nhà, ưa giúp việc cho cha mẹ, không hay đi chơi đâu. Có đi thì là đến các cha thăm lom vậy thôi. Cứ vậy là 8 năm trường nhỏ. Lựa lọc còn lại cả lớp được 12 người sau lên quờn thầy cả. Bước qua trường lớn 1922 thì học cách vật, vừa được một năm lại đặng mặc áo dòng sớm, sự ấy càng làm cho lòng Gioan thêm phấn khởi vui mừng, vì đã thấy sự gần gũi với quờn thầy cả lần lần. Chịu phép cát tóc là 17 Septembre 1924; đi dạy 2 kỳ, họ Bà-trà (Búng) và Bà-rịa; cả hai phen đều tròn phận sự. Các chức khác cũng từ đó thăng lần, cho đến ngày thọ quờn Linh mục, 25 Mai 1929.

Đến ngày về Vinh-qui trong họ Tha-la (29 Mai 1925) thì lại được 2 thầy cả cùng một lượt, kẻ lễ nhứt người lễ nhì, chung một tiệc rất vui vậy, trong họ ai nấy hân hoan!

Kỳ nghỉ đã mãn, Bề trên kêu đi làm phó họ Búng, phụ lo 2 họ nhỏ Bình-sơn và Bà-trà. Được một năm thì cha phát bịnh, yếu mệt không kham tiếp việc, nên Bề trên cho nghỉ 6 tháng, Vừa hưởn sức, thì lại được lịnh đi ở Cầu-ngang (Mars 1931). Về đây lại gặp cha David ở họ chánh Chà-và, cha Gioan vui mừng không kể, vì cha con gặp lại, việc hồn xác có người dìu dắc thêm. Về ở Cầu-ngang 8 năm, rất ân cần phận sự hẳn hòi, như có lời cha kia trong phần sở khen người khi chết.

Về đây nhờ khí biển tốt, nên lần lần khá thêm. Cha bắt đầu lo chầu nhưng họ nhỏ, như họ: Ông-ốc, Phó-long, La-ban, Ba-động, Long-hậu. Những họ ngánh thường là nơi khó đi tới, đường sá cực nhọc. Như một lần cha có dịp đi thăm họ nhỏ chầu nhưng mời tôi theo; đường sìn quá ớn, thăm lom dạy dỗ rồi, khi về đã trưa, bụng đói, đường lầy, ngựa chứng, cha sợ phiền lòng tôi và lâu lắc, nên lo tận lực, xuống xăn áo dòng, đẩy cả xe cả ngựa khỏi khoảng lầy xa lắc, mà coi bộ cũng vui mặt, khi đó sức còn mạnh khá.

Khi cha về nhậm sở Cầu-ngang, thì được lòng nhiều kẻ văn vật ưa chuộng, nên trở lại đạo, như hạng Cai tổng, thầy giáo… và một ít kẻ quyền chức, rày còn giữ đạo sốt sắng.

Lo mở cuộc cấm phòng kiệu ảnh, mời cha dòng Cứu thế đến giúp giảng cho lạ tai bổn đạo khỏi nhàm, cho trọng danh đạo, có dịp giảng đạo. Cha Gioan Baotixita có lẽ giống Đức cha Dumortier trong sự nầy, là ham giảng đạo mọi nơi mọi dịp. Một lần cha và tôi đi Ba-động về Cầu-ngang, tới cầu Láng-sắt, thấy ghe lưới về có cá ngon, ngừng lại mua, đang khi lo trả giá mua được một con, thì đã giảng đạo được một chặp cho bọn ghe lưới.

Chủ chăn và đoàn chiên đang vui vầy, bỗng có lịnh đổi về Tân-qui (Juin 1938). Về đây là họ đông, việc lo nhiều hơn, năng hơn. Lúc đầu lại gặp cảnh gian truân đau lòng, mà cha cũng vững lòng cam chịu nhịn nhục. Nhiều khi thấy cha phải lắm điều buồn bực thái quá, thì tôi hỏi, cha làm sao chịu được, Cha rằng: “Tôi lấy sách ra đọc những khoản dạy chịu khó, thì tôi đặng an ủi, khuây lảng, hết buồn”.

Cha Gioan thì ốm yếu, bịnh chi không thấy rõ, mà hay yếu mệt, song việc làm không bỏ. Lo sửa sang trong họ, lo kiếm tiền sơn vẽ bàn thờ cung thánh, tòa giảng mới, xây cửa ngõ nhà thờ cho tốt. Lập bàn thờ tôn kính Đức Bà cứu giúp cho tốt đẹp. Trong họ huê lợi không mấy, cho đặng có tiền làm các công vụ nầy, phải khéo nói là mấy.

Chưa an lòng, thấy họ ngánh Tân-đông, thánh đàng mối mọt, gần xiêu, nên phải giở xếp đóng lại, bổn đạo không nơi hội hiệp thờ phượng Chúa, mà bạc tiền thì một đồng một chữ cũng không. Cha bèn trù nghĩ đi xin, may nhờ Chúa giúp và lòng rộng bá tánh xa gần. Tài xin tiền thì cha rất hay, giỏi chìu chuộng, chịu khó, ai cũng thương tình nhờ đó mà có chút tiền xây dựng cho họ Tân-đông một ngôi thánh đàng gạch ngói, mặt tiền cao ráo vên vang, chắc chắn. Số bạc trước sau cũng trên 4 ngàn. Ngày ngày cha đạp xe máy vô ra chỉ vẽ cho thợ thầy, đường xa cũng ngót 5 cây số.

Cha Gioan có tánh ưa hội hiệp anh em, mà bàn tính việc làm mỗi đều chi hơi khó thì mau mau đi bàn hỏi, chẳng dám tự xứng; thật có lòng lo lắng lắm. Các cha lân cận có mở hội cấm phòng, kiệu ảnh, mà mời thì cha chẳng từ nan, giúp giảng dạy làm phước.

Đối với đồng liêu, cha niềm nở rước đãi anh em tận tình, nên các cha tới viếng thăm thường. Ai gặp buồn bực rủi ro cha hay an ủi, nói lời hơn thiệt. Khi nghe ai bị chê bác, thì cha thường hay nói mà chữa lỗi, cắt nghĩa lành, tôi thấy được sự tốt đó.

Đối với quê hương xứ sở, cha hằng biết ơn; hằng năm hay mời các cha một xứ về cho vui trong họ, làm lễ cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết trong họ.

Lúc tháng Mars coi bộ cha mệt nhiều hơn; ít ăn, ăn lại chậm tiêu, xanh xao. Tưởng lây lất vậy thôi. Cha không chịu đi nhà thương cứ rằng: chẳng thấy bịnh gì rõ? Các cha nói: nội cái hình vóc xanh xao của cha đó là một bịnh rõ rồi còn đòi gì. Vào Clinique Saint Paul, quan thầy coi thì chê, nói bịnh đủ hết: phổi yếu, có mụt bao tử, paludisme, bảo cha lo dọn mình là hơn.

Tưởng quan thầy nói vậy rồi qua khỏi, nào ngờ đương khá như thường, bỗng nghe chịu phép xức dầu thánh ngày 1 Mai. Tôi xuống thăm thì coi mồi khá lại tỉnh mĩnh chút. Đau chơn hả miệng. Đã tận phương chạy kế khác, người nhà bàn soạn thử thuốc khác. Nói tới đây thì đội ơn cha sở Chợ-lớn (J.B Hướng), ngài tràn dư đức bác ái, mời mọc rước cha Gioan vô nhà nghỉ ngơi uống thuốc thử coi. Bề trên cho, thì sáng thứ bảy 4 Mai đem vô Chợ-lớn.

Thuốc các chú khi đầu thấy có dấu khá, nhưng ít ngày thấy cũng vô hiệu quả. Ngày 16 Mai tôi được tin bịnh trở ngặt. Mau mau xuống thăm, tới nơi thấy cha còn mê mẫn, ngày sau lại tỉnh mĩnh, trối trăng mọi điều. Tôi thấy bịnh tình đã nan y, nên xin cha lo dọn mình. Cha sẵn lòng phú dưng mọi sự trong tay Chúa, theo ý Chúa. Cám ơn, xin lỗi cha sở, cha mẹ bà con thân nhơn cùng kẻ có công giúp đỡ.

Đoạn lo đem vô Dưỡng-đường latinh tiện việc đọc kinh dọn mình. Vô đó cha còn bước lên cầu thang được. Cứ khi mê khi tỉnh cho tới 8 giờ sáng thứ ba 21 Mai, thì trút kinh hồn êm ái trong tay Chúa, giữa cha Bề trên và các cha nhà trường cùng cha mẹ anh em bà con.

Ôi, ớ cha Gioan Baotixita, nơi nhà trường nầy cha đã chọn mà vô theo Chúa năm 1914, nay nơi nầy năm 1940, Chúa lại rước cha về. Phước thật cho kẻ tìm Chúa!

Xin than thở ít lời từ giả cha muôn kiếp. Từ đây lẽ bạn, kẻ thoát người còn. Khi vui buồn còn có ai chia, lời hơn lẽ thiệt còn ai bàn tính. Đường ta đi ta biết, rừng hoang truông hiểm có nhau. Từ đây dặm trường thâm thẳm một mình, cha nhẹ gót thung thăng kiếp khác! Nguyện ơn Chúa giữ gìn, có ngày hai ta gặp lại.

Nguyện xin lượng Chúa nhơn từ, rước cha mau về nơi siêu sái! Hỡi ôi! Thương thay!

Fr. X. Lê Vĩnh Khương, Linh mục

.Báo Nam Kỳ địa phận, năm 1940

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Ngày nhà giáo thế giới (World Teachers Day) 5/10: Hoàn toàn khác, đừng nhầm lẫn với "Ngày hiến chương nhà giáo 20/11"!

 NGÀY NHÀ GIÁO THẾ GIỚI (WORLD TEACHERS' DAY) 5/10: HOÀN TOÀN KHÁC, ĐỪNG NHẪM LẪN VỚI "Ngày Hiến chương nhà giáo 20/11"!

* "Ngày nhà giáo VN 20/11", kỳ thực, là đi lấy "của thiên hạ" rồi đổi tên! Trước năm 1982, ngày 20/11 là: "ngày Hiến chương nhà giáo quốc tế". Mà "quốc tế" nào? có phải toàn thế giới khắp nơi mừng cái ngày Hiến chương nhà giáo này?

Tưởng vậy là tưởng bở! Hệt như kiến bò quanh miệng chén mà không hay văn minh của thế giới đã thay đổi rất nhiều.

Ngày gọi là "Hiến chương nhà giáo quốc tế" ra đời vào năm 1958, qui tụ giới giáo chức thuộc các quốc gia nằm trong tầm ảnh hưởng của Liên bang Soviet. "Nhà giáo", trong lối nhìn của khối xã hội chủ nghĩa, là một kiểu / loại "cán bộ đi dạy học". Trong văn bản "Hiến chương nhà giáo quốc tế" là những điều khoản qui định trách nhiệm và nghĩa vụ của "cán bộ" giảng dạy.

Cái gọi là "TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO" là KHÔNG CÓ trong "Ngày Hiến chương nhà giáo quốc tế". Sau này, năm 1982, ở VN đổi tên thành "Ngày nhà giáo VN" mới gọi là nhét vào tinh thần "tôn sư" cho có "màu văn hóa VN".

Kỳ thực, nhắc lại, cốt lõi của ngày 20 tháng 11 (gốc là "Ngày Hiến chương nhà giáo quốc tế") thì không hề có ý niệm "tôn sư trọng đạo".

Liên bang Soviet và khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa tan rã vào những năm 1989-1991. Và, ở nhiều quốc gia, "ngày 20 tháng 11" đã đưa vô bảo tàng chớ không kỷ niệm nữa.

*&*

Hiện nay có hơn 100 quốc gia long trọng kỷ niệm NGÀY NHÀ GIÁO THẾ GIỚI - vào NGÀY 5 THÁNG 10 hàng năm.

Ngày này được chọn bởi các tổ chức sau: UNESCO (Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục Liên hiệp quốc), UNDP (Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc), ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), EI (Giáo dục quốc tế), UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liện hiệp quốc)

Hết thảy đồng thuận trong việc tôn vinh giới giáo chức, dựa trên nền tảng "Giáo dục là một quyền cơ bản của con người" (trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền).

Liên Hiệp Quốc khuyến cáo, ngoài việc tổ chức "Ngày Nhà giáo thế giới" vào 5 tháng 10, mỗi quốc gia còn cần & nên chọn ngày Tôn vinh nhà giáo của mỗi quốc gia MANG ĐẶC THÙ VĂN HÓA CỦA MỖI DÂN TỘC.

(chớ không phải đi vay mượn ngày lễ du nhập từ Soviet, rồi ... sửa lại bằng cách đính hai chữ "Việt Nam" vào, coi dị hợm lắm đa!)

---------------------------------------------------------------

Hình ảnh (hàng dưới, bên phải): Bức tượng thầy giáo lỗi lạc Võ Trường Toản của Nam Kỳ lục tỉnh (mời đọc bài: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1084141478686498)

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt







 

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Linh mục Giacôbê Huỳnh Công Quận

Linh mục Giacôbê Huỳnh Công Quận

 

-         Sinh năm 1865

-         Tại: Phước Dinh, Bà Rịa

-         Thụ phong Linh mục ngày 21. 03. 1896

-         Từ ngày 10. 04. 1896 – 01. 04. 1898: Phó sở Tân Định

-         Tháng 04. 1898 – 21. 01. 1903: Phó sở Thị Nghè

-         Tháng 01. 1903 – 31. 08.1912: Phó sở Cái Mơn

-         Tháng 09. 1912 – 06. 10. 1916: Phó sở Búng

-         Tháng 10. 1916 – tháng 04. 1919: Chánh sở Cầu Ngang

-         Tháng 04. 1919 – tháng 12. 1919: Chánh sở Mỹ Hội

-         Tháng 12. 1919 – 1922: Chánh sở Hồi Xuân

-         Từ ngày 02. 11. 1922 về làm Chủ nhiệm báo Nam Kỳ Địa Phận. (Từ tháng 8. 1928 – 1933 coi sóc luôn 02 họ Gò Vắp và An Nhơn) 

-         Từ ngày 22. 11. 1933 – tháng 04. 1943: kiêm luôn quản lý nhà in Địa phận

-         Qua đời ngày 05. 04. 1943 , hưởng thọ 78 tuổi

-         Mai táng tại Đất thánh các Linh mục Chí Hòa


Phần mộ cha Giacôbê Huỳnh Công Quận