Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

Nhàn là "Nhàn", chớ không phải "Nhạn"

  Lai rai món chữ nghĩa này cho nhẹ nhàng chút...

NHÀN LÀ "NHÀN", CHỚ KHÔNG PHẢI "NHẠN"

Bản Dạ cổ hoài lang, câu 3: "Vào ra luống trông tin NHÀN", câu 20: "Cho én NHÀN hiệp đôi". Đó mới là viết đúng.

Nhà nghiên cứu cao niên Nguyễn Tuấn Khanh (định cư bên Mỹ) giải thích: Từ thế kỷ 18 người Việt ở miền Nam đã xài chữ "nhàn". Trong tự điển tiếng Việt - Latin của Taberd còn ghi: "NHÀN" được giải nghĩa là “avis deferens epistolam” (“một loại chim đưa thư”).

Còn trong cuốn “Miscellanées ou Lectures Instructives” (Thông Loại Khóa Trình) tập số 5 của Trương Vĩnh Ký do nhà xuất bản Imprimerie Commerciale Rey & Curiol tại Saigon in tháng 9 năm 1888, trong bài “Dĩ vật luận vật ca” nơi trang 14 có nói về CHIM NHÀN:

"Chim nhàn đứng dựa đó đăng,

Rình mò cá nhỏ bắt ăn tối ngày".

Fb Phương Kiên Giang cho biết: "Chim nhàn là một loài chim biển, không phải chim nhạn đọc trại ra mà thành. Trong quần đảo Nam Du thuộc Kiên Giang có hòn Nhàn, do bởi trước kia chim nhàn làm ổ, đẻ trứng đầy trên hòn nầy. Trứng nhàn to và có bông giống y như trứng cút.

Lạy trời, các chuyên gia chữ nghĩa ngoài bắc vô đừng sửa tên hòn nầy lại là hòn Nhạn thì... dốt lắm đa!".

Khỏi lạy trời, muộn mất đất rồi! Thấy mấy em trẻ bây giờ ca bản Dạ cổ hoài lang, "nhàn" bị ca thành "nhạn" - cũng bởi đâm đầu tin vô "tiến sĩ" hoặc "giáo sư" thời đỉnh cao trí tuệ thò tay vô sửa.

Ta nói, dốt là căn bịnh hay lây.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét