Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

Tiểu sử Cha Giacôbê Huỳnh Công Quận

Tiểu sử

CHA GIACÔBÊ HUỲNH CÔNG QUẬN

………………………….

Cha Giacôbê Huỳnh công Quận sinh tại làng Phước-dinh, hạt Bàrịa, năm 1865, con của ông Gioakim Huỳnh thành Ý và bà Maria Nguyễn thị Lân; cha thuộc về dòng dõi trâm anh, con cháu các Đấng tử đạo Bàrịa.

Hai ông bà có lòng đạo đức, nên bề tinh thần cũng như vật chất Chúa thương ban cho gia thất người được túc dụng mọi bề.

Lúc nhà nước đã chiếm cứ Nam-kỳ, thì ông Gioakim Huỳnh thành Ý ra giúp chánh phủ tân trào và thăng tới Quản chức trong cơ binh. Ông là một viên chức trung cẩn phận sự và ăn ở liêm chính, cho nên trên chánh phủ yêu vì, dưới dân tình mến phục.

Còn bà Maria Nguyễn thị, là một nữ nhơn hiền đức hẳn hòi. Bà là chị ruột quan Đốc phủ Paul Nguyễn thăng Hơn qua đời và là cô ruột của cha Thomas Thi.

Ông mắc ra giúp việc nước, thì bà coi sóc gia đình, tập rèn dạy dỗ con về đàng lành, bà đã nêu mẫu gương một người hiền thê lương mẫu, gồm trọn tứ đức tam tùng. Nhứt là về đức kính Chúa yêu người, bà hằng gắn ghi một mực. Bà có lòng hay thương giúp kẻ khó khăn, gặp ai nghèo khổ, bất luận ở đâu, thì bà liền ra tay tế độ, tiền bạc, áo quần, thấy kẻ khó khăn mà bịnh tật, thì bà lo đem về nhà hoạn dưỡng thuốc men. Thấy bà có lòng bác ái, ai đã biết một phen, bèn coi như một thân nhân. Nên nhiều khi bà phải làm việc yêu người một cách lặng lẽ.

Ông bà sanh được sáu người con, năm trai một gái; Giacôbê Huỳnh công là trai đầu lòng. Sinh được ba ngày thì cha mẹ đem đến nhà thờ chịu phép rửa tội.

Nhờ thấp thọ cái giáo dục tốt của gia đình, nên tuy tuổi còn ngây thơ, mà trẻ Giacôbê đã có lòng mến mộ đạo tu trì, siêng năng đọc kinh xem lễ, và ham muốn làm thầy cả, nên Giacôbê ưa sự giúp lễ mỗi ngày cho cha sở.

Thấy con trẻ có lòng đạo đức nết na, nên lúc Giacôbê được 9 tuổi, thì cha sở Bàrịa lúc bấy giờ, là cha Ý đã chọn Giacôbê đi trường Latinh, đời cha Bề trên Thi (Thiret) cai trường.

Trong lúc ở nhà trường, từ lớp nhỏ qua trường lớn, lặn lội rừng nho biển thánh, trau giồi trí đức tinh thần, Giacôbê đã theo đòi kịp chúng bạn mà tấn bước đỉnh Sion.

Ngày 21 Mars 1896, Đức cha Dépierre phong chức Linh mục cho thầy Giacôbê tại đền thờ chánh tòa Saigon, một lượt cùng 2 cha, Simon Chánh và J. B. Tòng. Cha Simon Chánh đã qua đời, còn cha Gioan Baotixita Tòng hiện làm Giám mục địa phận Phát-diệm.

Ai nói cho xiết lòng ông Gioakim và bà Maria khi ấy vui mừng là dường nào! Vì của đầu mùa ông bà dâng tiến Chúa thì người đã nhậm lấy, và ông bà đã đặng nhìn tận mặt, người con yêu quí mình bước lên thọ quờn Chánh tế. Mọi sự lo lắng cho con từ lúc con bước chân vào nhà trường cho đến ngày chịu chức, đã tiêu tan đi hết và nơi lòng ông bà trong giấy phút cảm xúc thiêng liêng tràn ngập một vẽ vui mầng không tả được!

Song le mọi việc ở đời đều có buồn vui pha trộn, đó là thánh trí siêu nhiệm của Đức Chúa Trời không ai hiểu được; vì khi cha Giacôbê chịu chức được một tuần, thì thân mẫu của ngài ở nhà lâm bịnh nặng.

Trong họ rước Tân linh mục ở Saigon về đến Bàrịa. Ôi! Thật là một đời cực lạc sinh ai. Mẹ nhìn thấy con, chứa chan lệ ngọc!...con thương mến mẹ, thiết tha vô ngằn!! Những lời mẹ trối để lại cho con khi ấy, là một vết mến thương, hằng gắn ghi nơi cõi lòng Giacôbê mãi mãi.

Bà Maria nắm lấy tay Tân linh mục là con của bà mà rằng: “Ớ con yêu dấu! Mẹ đã dưng con cho Chúa từ hồi 9 tuổi tới giờ!... Lòng ao ước khẩn nguyện Chúa nhận lấy trái chiến đầu mùa của mẹ để làm của lễ toàn thiêu, thì ngày nay mẹ đã thấy, sự trông ước ấy đã hoàn toàn kết quả! Nếu nay Chúa cất mẹ đi, thì mẹ cũng an lòng. Xin cha mới là con yêu dấu, hãy ban phép lành đầu tay cho tôi, dầu tôi yếu liệt không thể quỳ gối xuống mà thọ lãnh lấy ơn thiên mầu cho phải phép”.

Một lời cuối cùng người hiền mẫu ấy, là một tiếng kêu vang đầy trìu mến thiết tha, đầy cả đau thương và sung sướng. Nước mắt khôn ngăn, cha mới giơ tay lên hòa cùng những giọng rung rung cảm động, xin Chúa xuống phước lành cho mẹ rất mến yêu.

Năm giờ sáng hôm sau, bà Maria thở hơi cuối cùng! Bao nhiêu đồ đoàn vật thực bà đã sắm sửa để mừng lễ Vinh qui cho con, thì day trở lại dùng làm đám táng cho bà!...

Sau khi đã chôn cất bà Maria đoạn, bấy giờ người ta mới lo việc mầng Vinh qui cha mới. Âu là khi cha Giacôbê bước đến bàn thờ mà cất tiếng kêu lên rằng:

“Lạy Chúa, tôi sẽ đến gần bàn thờ Chúa, sẽ đến cùng Chúa là Đấng sẽ làm cho cái tuổi xuân tôi được khoái lạc vui mầng…” Thì ôi, biết bao giọt nước mắt của vị Tân linh mục phải tuôn xuống, vì phần thì thấy Chúa thương đem mình lên địa vị cao trọng giữa ngàn muôn người, phần thì phải ngậm ngùi mến thương mẹ vội lìa trần, không kịp hưởng sự vinh hiển cùng con!...

Yên cuộc lễ vinh qui, thì Đức cha sai người đến làm phó họ Tân-định là 10 Avril 1896, đời cha Ngôn (E. Louvet) làm bổn sở, cho đến 1 Avril 1898, thì đổi qua làm cha phó họ Thị-nghè đời cha Định (Delpech). Ở Thị-nghè được bốn năm là từ 1 Avril 1898 cho đến năm 1903.

Hạ tuần tháng Janvier 1903, Đức cha đổi ngài xuống Cái-mơn làm phó giúp cha Bề trên Quí (Ch. Gernot), khi cha bề trên đã qua đời là năm 1912, cha Dumortier lên quyền chánh sở, thì cha Giacôbê cũng còn làm phó giúp cha Dumortier. Cha Giacôbê ở Cái-mơn được 9 năm, cho đến 31 Août 1912, thì Đức cha đổi ngài lên Búng giúp cha Nghi (Martin).

Lúc ấy cha Nghi là cha sở, đã già cả yếu đuối, nên các việc coi sóc bổn đạo trong họ, thì một mình cha Giacôbê lo lắng mà thôi.

Ngày 6 Octobre 1916, đắc lịnh đi làm bổn sở họ Cầu-ngang (Trà-vinh), và từ tháng Arvil đến tháng Décembre 1919, lãnh coi sóc thế họ Mỹ-hội. Cũng tháng Décembre năm ấy, Đức cha lại đổi ngài đi làm bổn sở coi sóc họ Hồi-xuân (Vĩnh-long).

Ở Hồi-xuân vừa được hơn năm, thì ngày 2 Novembre 1922, Đức cha Quinton cử ngài về làm Chủ-nhiệm báo Nam-kỳ địa phận tại Tân-định.

Trong khoảng làm trong báo Nam-kỳ địa phận, thì tháng Août 1928, Đức cha Dumortier dạy ngài coi sóc họ Gò-vắp và An-nhơn luôn. Tuy bận rộn nhiều công việc về thiện báo, song khi thấy ý bề trên muốn làm vậy, thì cha Giacôbê cũng vui lòng vưng lịnh Đức cha, vừa làm báo, vừa coi sóc bổn đạo hai họ nhỏ nầy.

Lúc ấy cha Giacôbê sắm một chiếc xe, mỗi ngày làm việc tại tòa báo, sắp đặt chỉ bảo, rồi 4, 5 giờ chiều ngồi xe vô Gò-vắp lo việc họ. Sáng làm lễ rồi, dạy sách phần cho đồng nhi, rửa tội con trẻ nhà mồ-côi, đoạn lại về Tân-định làm việc. Cứ như vậy luôn tiếp mấy năm, cho đến 1933, khi họ Gò-vắp đã có cha khác thế, thì cha mới nghỉ.

Lúc coi sóc họ Gò-vắp, cha Giacôbê cũng tận tâm lực lo mở mang thêm cho họ cả phần tinh thần cùng hình thức. Cha đã quyên góp tiền bạc, nhờ những kẻ hảo tâm dưng cúng, mà sửa sang nhà thờ, cất thêm hàng ba hai bên cho thêm rộng, có đủ chỗ cho bổn đạo đọc kinh xem lễ và cất thêm một căn phía sau, tiếp theo phòng áo, làm nhà cha sở, mua thêm cho họ Gò-vắp được một cái chuông, sắm sửa thêm đồ vật, trau giồi thánh đường; còn An-nhơn thì cũng ra vô làm lễ, dạy dỗ đồng nhi, ngồi tòa làm phước, v.v…

---------------------------------

Hai mươi mốt năm chủ nhiệm báo N. K. Đ. P

và mười năm coi sóc nhà in Tân-định

 

Về báo Nam Kỳ Địa Phận, từ khi cha lãnh quyền chủ nhiệm, thì tinh thần cũng như hình thức, tùy tài tùy lực mà mở mang thêm cho vui lòng độc giả. Là cha Giacôbê thêm vào bốn phụ trang cho ra khá hơn. Thời gian cha quản lý cũng gặp lúc khó khăn, về kinh tế, giặc giã, vật liệu mắt bằng 3, 4 có nhiều tờ báo khác phải đình bản, song cha hằng ân cần lo lắng, cho nên thiện báo Nam-kỳ được ra hằng tuần luôn, không khi nào ngưng trệ. Đó là cái vinh dự chung, một công nghiệp lớn của cha già, không thể chối được.

Còn trong vòng 10 năm làm chủ nhà In Tân-định, cha đã vì công ích thiện bản, tận tình với nghĩa vụ mà lo lắng cho nhà in địa phận được tấn phát tùy sức tùy thời. Về coi sóc nhà in cũng như khi mới lãnh chủ nhiệm báo Nam-kỳ Địa-phận, cha làm lễ dưng nhà in cho Rất Thánh Trái Tim Chúa, xin phú thác mọi công việc làm của ngài trong 2 sở ấy cho Chúa.

Mặc dầu 2 vai gánh nặng sức yếu tuổi già, cha vẫn lấy công việc làm sở thích. Tuy bề ngoài chẳng thấy nhà In Tân-định có vẽ gì khác lạ hơn ai. Song một sự nầy ta nên để ý, là: hằng năm nộp sổ nhà In về Tòa Giám mục thì đều có thơ Đức Thầy Dumortier tiếp theo ban khen và cám ơn cha Jacques luôn luôn.

Vốn cha Giacôbê có tánh nóng, là tại ngài sốt sắng về công việc làm, nên sự nóng của ngài cũng như lửa cháy quá vậy, không hay ghi chép; bằng về đức bác-ái thì ngài vẫn sẵn đầy vơi luôn, đối với bề dưới có lỗi lầm điều chi, ngài hay khoan dong tha thứ.

Về cuộc sinh hoạt hằng ngày, thì cha Giacôbê chi cần kiệm với cái số tiền riêng của ngài mà thôi. Ngài không muốn xa phí đến của công.

Cũng nhờ khéo cần kiệm, cho nên gặp mấy năm Kinh-tế khủng bức gần đây, nhiều nhà in, nhiều hãng buôn ngoài phải thua lỗ hoặc lâm nợ bị faillite, mà nhà In địa phận nhờ ơn Chúa tuy không thành lợi nhiều, nhưng chẳng thiếu nợ, hay phải hụt hạt vay tạm cùng là dùng đến những cái trường-hợp đình công, bớt dân thợ như số phận của nhiều đồng nghiệp. Đó là chỗ hay của cha già.

Cha Giacôbê thật đã già, mà còn giẻo; có nhiều người khi tới thăm, thấy cái thang lầu cao, mà mỗi ngày cha phải năng xuống lên xem sóc chỉ biểu cho dân thợ thì pha lửng rằng: “Cha Giacôbê thật là gân, vì bộ giò của ngài còn giẻo lắm”.

Một bữa kia, có một cha Thừa-sai ở địa phận khác, đến nhà In Tân-định mua đồ, gặp cha Jacques, thấy cử chỉ ông già truyện vãn cách dạn dĩ vui vẻ, thì cha ấy hỏi bằng tiếng annam rằng: “Năm nay cha được mấy mươi?”. Cha Giacôbê đáp: Năm nay tôi bảy mươi sáu – Húy, cha giả ngộ tôi sao chớ? – Giả ngộ đâu, tôi sinh năm 1865 mà!

Cha Thừa-sai nói: Tôi coi tướng diện của cha chỉ lối năm mươi ngoài hay sáu chục là cùng, nói thiệt, không phải tôi có ý nịnh cha đâu.

Cha Giacôbê cười mà rằng: Vậy thì người ta còn lầm lắm.

Thường năm ngày 24 Juillet, áp lễ thánh Giacôbê tông đồ, anh em trong sở hiệp lại mừng Bổn mạng ngài, sau mấy lời cám ơn, ủi an khuyến khích, thì ngài hay tuyên bố câu nầy:

“…Chúng con hết thảy làm ở đây, là làm việc Chúa, tuy số lương ít oi, chẳng bằng làm việc ở ngoài, cha biết lắm, nhưng chúng chớ khá ngã lòng, vì công việc của chúng con làm, cũng thông công việc giảng đạo, miễn là chúng con làm cách trung tín tử tế, thì Chúa chẳng bỏ chúng con đâu. Hiện thời cha lo cần kiệm cho có đồng tiền để sửa nhà In lại, vì đã cũ hư nhiều, cha có kêu thầu-khoán tới trù tính, thì phải tốn trên hai chục ngàn đồng mới đặng, cha đã góp gởi được một mớ (lúc ấy còn có thể mua vật liệu được). Chúng con hãy cầu nguyện cho công việc trù định của cha mau đạt thành, thì cha sẽ tính liệu lại…

“Cha lo đây, là lo chúng con sau nầy có chỗ làm việc tử tế, - Chớ riêng phần cha có nhờ gì đâu: chúng con phải hiểu sự ấy…”

Đó là lời cha Giacôbê thường năm tuyên bố với dân thợ, khi ngài còn đang sức mạnh khá.

Rốt cuộc mấy năm sau đây, thấy sức mình một ngày một yếu, nên lúc Đức thầy Dumortier còn sinh tiền, có đôi phen cha Giacôbê ngõ lời xin Đức cha cho phép nghỉ…!

Song Đức thầy khuyên cha Giacôbê rằng: Cha hãy chịu khó, vì tuy cha đã lớn tuổi. Ta biết, nhưng công việc của cha làm còn đắc lực thì nghỉ làm chi cho uổng, rán lập công; vì vậy cha Giacôbê vưng lời Đức cha mà làm việc được đến chừng nào hay chừng nấy.

Đời Đức cha đương kim lên cầm quyền, thì cha già đã nhứt định xin cáo thối. Nhưng chưa có dịp tiện cho đúng phép, thì kế lâm bịnh. Âu là thánh ý Chúa muốn cha Giacôbê chịu khó lập thêm nhiều công nghiệp cho đến hơi thở cuối cùng.

----------------------

Từ phát bịnh cho đến giờ lâm chung

Khởi sự từ Juillet 1942 về sau, thấy cha Giacôbê thường hay đau yếu, song ngài cứ gắng gượng làm việc và thuốc men qua loa, chớ ít chịu đi nghỉ; trong 21 năm làm chủ nhiệm và coi sóc nhà in, chưa khi nào thấy ngài đi nghỉ đâu xa trong vòng một tháng, hay là nằm nhà thương.

Mấy lúc xe cộ còn tiện dễ, thì thường năm ngài mướn xe cho anh em trong sở đi dạo Long-hải, hoặc Cấp một lần chừng một ngày một đêm mà thôi. Những khi đi dạo làm vậy, ngài cũng hay mời các cha đi với cho vui đặng về làm việc. Ngài có tánh hay lo, nên mỗi khi đi như vậy, thì ngài ân cần lo lắng sắp dặt trước, từ miếng ăn chỗ ngủ cho dân.

Thượng tuần tháng Decembre 1942, ngài bị cảm nóng trong mình, rồi tiếp chứng đau gan, ban đầu còn rán lên xuống mỗi ngày coi sóc chỉ bảo. Rốt cuộc từ Janvier 1943 về sau, bịnh phát nặng, ăn uống không đặng, mặc dầu điều trị đủ thuốc tây nam mà bịnh cứ dũ nhựt dũ tăng.

Tuy đã hơn hai tháng trời, lăn lộn trên giường bịnh, song cha già vẫn làm việc bổn phận: nhắc nhở, chỉ biểu luôn và tới kỳ tới tháng, cũng rán phát tiền cho nhơn công. Thấy trong mình mỗi ngày mỗi kiệt lực. Nên vạn bất đắc dĩ, ngài phải xin Đức cha chọn đấng khác thay thế cho ngài được an tâm dọn mình, vì biết sức yếu với bịnh nguy, không thể nào chống nổi cùng sự chết.

Đức cha ưng nhậm theo lời cha Giacôbê xin thì đã chọn lựa sắp đặt mọi việc và số báo N. K. Đ. P xuất bản ngày 24 Mars 1943, cha Giacôbê đã tuyên bố đành rành cùng giả từ phận sự.

Trước mấy hôm, có người khuyên cha chịu phép xức dầu thánh; song cha nói đã dọn mình sẵn rồi và có ý chờ đến bữa 21 Mars, kỷ niệm ngày cha chịu chức, sẽ chịu xức dầu luôn.

Vậy hồi 3 giờ rưỡi chiều ngày thứ ba, 23 Mars, Đức cha thấy bịnh tình cha Giacôbê đã yếu liệt, và ngài dọn mình sẵn sàng. Thì Đức thầy thân hành đến Tân-định để ban phép xức dầu thánh cho cha già.

Trước khi chịu phép xức dầu, thì cha sở Tân-định, đem Mình Thánh Chúa cho cha Giacôbê, ngài xin đỡ dậy khỏi giường bịnh, ngồi trên chiếc ghế, và người ta mặc áo các phép cùng đeo dây stola cho ngài, rồi ngài chịu Mình Thánh Chúa cách sốt sắng. Và rán ngồi ít phút cho đặng cám ơn Chúa.

Đoạn người ta đỡ cha già lên giường, đúng 4 giờ, Đức Giám mục ban phép xức dầu thành trước mặt các đấng linh mục, các dì phước, và những người bà con thân quyến của cha già.

Đức cha Gioan Baotixita Tòng ở Phát-diệm, hay dặng tin cha Giacôbê liệt nặng, thì ngài lấy làm mến thương và đánh dây thép an ủi cha Giacôbê:

S. Tân-định Phát-diệm 342 10 26 1705 Clê

Profondémend contristé prie tout cœur respects.

Tòng

Từ bữa cái tin cha Giacôbê chịu phép xức dầu thánh bắn ra, thì kế đó, các linh mục trong 2 địa phận Saigon – Vĩnh-long, nhà Dòng, nhà Phước, cùng những người thân yêu quyến thức của ngài lần lượt tới lui thăm viếng.

Trước một tuần thở hơi sau hết, cha Giacôbê chẳng còn uống ăn chút sữa hay cháo lao gì, ngày cũng như đêm, ngài chỉ dùng một hai hớp trà cho đỡ khô cổ vậy thôi, nên chi thân thể liệt nhược lắm, nhưng thần trí vẫn còn tỉnh táo và nói năng đặng theo sức. Ai đến thăm, ngài biết và cám ơn, cùng xin giúp lời cầu nguyện cho ngài đặng ơn thiện tử.

Đêm thứ năm rạng mặt thứ sáu, 26 Mars, trong mình có hơi khỏe lại chút, thì ngài gọi người cháu và mấy kẻ giúp mà nói rằng: “Cha còn rán cho tới Chúa nhựt mới chết”.

Vậy lối 6 giờ chiều Chúa nhựt kế đó, thì cha bắt đầu làm xung nặng, khi ấy có Đức cha và cha Bề trên Soullard tới thăm từ giã, song cha già đã bất tỉnh nhơn sự, nên Đức cha ban Đại xá sau hết cho ngài. Cũng một trật có cha sở Tân-định, cha Paul Lành tới giải tội lòng lành cho cố Giacôbê.

Từ đó đến sáng thứ hai, cha vẫn làm xung mãi, và thường xuyên nội đêm ấy, thì có 2 cha: Paul Vàng, Maurice Lễ giữ linh hồn cùng an ủi nhắc nhỡ cha Giacôbê, cũng có 2 dì phước Gò-vắp và mấy em cháu của ngài ở đó.

Song cha già còn giữ sự sống lại đến 2 giờ chiều ngày 5 Avril 1943, mới thở hơi cuối cùng bình an trong Chúa trước mặt những người mến yêu với một số tuổi dáng kính bảy mươi tám rất êm ái, bình tỉnh.

Cho đặng hiểu biết cái khí-thái, tu trì của một nhà linh mục đối với sự chết cách nào, thì ta nên lưu ý điều nầy, là từ khi phát bịnh đau, cho đến ngày lâm tử, cha già cứ thản nhiên lăn lội với cơn bịnh hành nhức nhối, không hề nghe rên một tiếng!

Sau khi vừa tắt hơi, thì có các cha: André Trị, Paul Lành, cha Tân giám đốc nhà in, đọc kinh De profundis với những lời thiết yếu”Chúng tôi cậy vì danh Chúa nhơn từ…” hòa cùng những giọt nước mắt cảm động của các kẻ hiện diện dưng lên trước tòa Chúa.

Người ta lo mặc đồ lễ cho đấng qua đời theo phép… Chuông nhà thờ liền bắt đầu ngân lên từng tiếng một giữa lúc trời quang mây tạnh!...Tin buồn thảm đưa ra, đám mây đen lần lần kéo đến!...Và, sự lặng lẽ xuyên qua lòng những người quen biết.

Xác cha đam xuống để tại nhà nguyện, nơi đây là chỗ trong vòng mười năm trời mỗi ngày cha tới lui dưng lễ thượng tiến để kéo ơn Chúa xuống trên mọi công việc của cha làm và cầu xin cho những người giúp trong sở.

Rày cha cũng tới đây, nằm ngay trước bàn thánh với bộ phẩm phục đại lễ, mà tế mạng sống mình, chẳng còn trở trăn máy động!...

Thế là bốn mươi bảy năm qua, một đời linh mục, cụ Giacôbê đã cúc cung tận tụy với chủ nghĩa Tông đồ, bao nhiêu lúc thời xưa oanh liệt, bao nhiêu ngày lịch sử đáng ghi, cùng những lúc buồn vui xen trộn, chua ngọt lẫn hòa đều phú lại cho dương trần, ngài từ giã hết, chỉ để lại nơi lòng người quen biết cái vết đau thương mến tiếc mà thôi

Ô hô! Tam thốn thiên ban tại

Nhứt đán vô thường vạn sự hưu!...

Cái khăn tang của cụ Huỳnh-công phát ra ngày nay, không những cho anh em giáo hữu xứ nầy đã mất hết một đấng cha lành, mà làng báo giới công giáo ở Đông-pháp cũng mất hết một tay chiến tướng, một vị đồng nghiệp khả ái vậy.

Khi đã để xác cha Giacôbê an bài tại nhà nguyện, thì các bà phước Tân-định qua viếng, tiếp theo anh em trong sở nhà in và bổn đạo lần lượt tới cầu lễ cho linh hồn thầy Giacôbê.

Riêng về phần cha Tân giám đốc, thì ngài đã hết lòng lo lắng cho cha già và truyền lịnh cho anh em trong sở phải phân phiên thứ canh xác và cầu lễ cho cha Giacôbê suốt đêm.

Cuộc tẩn liệm và rước xác qua nhờ thờ lớn

9 giờ rưỡi sáng thứ ba, 6 Avril, khi ai nấy đã tề tựu đủ tại nhà nguyện, thì trước mặt các cha: Bổn sở Tân-định, Tân giám đốc Thomas Thạnh, Ximong Sang, Paul Lành, Maurice Lễ cùng một ít cha khác, nhà phước, bổn đạo, bà con thân quyến của cha già, anh em trong sở nhà in v. v., thì người ta cứ phép mà liệm xác. Và, quàn tại đó cho đến 5 giờ rưỡi chiều mới di linh cửu qua nhà thờ họ.

Cha André Trị làm chánh sự rước xác, các cha, các bà phước đồng nhi hội con Đức Bà và bổn đạo nam nữ… Chuông trầm trổi lên hòa cùng giọng bi ai lãnh lót kinh Miserere!... Khi các lễ phép đã hoàn tất, thì để lại trong nhà thờ một đêm cho người ta cầu lễ.

Lễ Qui lăng và Đám táng

Qua sáng thứ tư, 7 Avril, đúng 6 giờ rưỡi, Đức cha địa phận thân hành lễ hát trọng thể (Messe Pontificale) cầu cho linh hồn thầy Giacôbê.

Cha André Trị làm Prêtre assistant, các thầy trường Latinh làm đại, tiểu phó tế và giúp lễ. Chầu lễ có trên 30 vị linh mục tây nam, các cha dòng Chúa cứu thế, thầy dòng Frères, các bà St Paul Tân-định, các bà St Vincent de Paul Thủ-đức, các dì, các chị nhà phước Chợ-quán, Thủ-thiêm, bổn đạo Tân-định và các nơi, bà con thân quyến của cha Giacôbê, hiệp vầy chầu lễ đông dắn! Hội hát và đồng nhi Tân-định hát lễ.

Khi hát Libera rồi, thì Đức cha, các linh mục, nhà phước cùng bổn đạo hiệp đưa linh cửu cha Giacôbê lên Chí-hòa mà mai táng trong đất thánh các linh mục bổn quốc.

Cha Maurice Lễ, bổn sở họ Gò-vắp là cháu, làm thầy chánh sự đưa xác cậu ngài. Khi đã làm phép huyệt, thì các đấng đồng hiệp hát kinh Bénédictus theo lễ phép. Sự cảm động lặng lẽ xuyên qua lòng mọi người hiện diện, ai nấy đều có cái quan cảm bi ai, không những mến thương người nằm trong quan tài, mà cũng chạnh nhớ đến phận riêng mình với cái công lệ bất di dịch.

Cha Maurice Lễ nói ít lời cám ơn Đức cha, cha bề trên và các đấng bậc, đã có lòng chiếu cố đưa xác cậu ngài tới táng an phần mộ.

Đoạn M. P. Tạo đứng thay lời cho nhân viên tòa soạn báo Nam-kỳ và ấn quán mà đọc bài diễn văn tiển biệt cha Giacôbê.

Bài ai điếu

LẠY ĐỨC CHA,

Kính cha Bề trên cùng các cha,

Trình viên quan chức sắc

Thưa quí ông, quí bà

Đứng trước cái cảnh bi-đát não nề mà cữa huyệt nầy hòng khép lại, để chôn sâu hình dáng một người thân yêu của chúng ta; - Cữa huyệt đóng lại, vài nắm đất rải lên mồ.

Ôi! Những hột đất bé mọn vô tình, nó sẽ chia rẽ chúng tôi với thiên cổ!...

Trước cảnh đau thương mà từng ngấn lệ đang ngừng bên khóe mắt, tôi hết sức cảm động xin phép thay lời cho nhân viên tòa soạn báo Nam-kỳ và ấn quán, cho chư vị Tác-giả, Độc-giả hiện-diện và khiếm-diện, để kính dưng vài lời tiển biệt cha Giacôbê Huỳnh-công.

Ngày hôm qua, ngài còn là chủ nhiệm bổn báo, Giám-đốc nhà-in, thế mà hôm nay, giờ nầy cha đã giã từ chúng tôi, từ giã những người thân yêu, từ giã hết thảy mọi phận sự, đến đây để nghỉ an một giấc ngàn thu!., Ôi giấc ngàn thu của cha, thật là êm ái, nhưng với cái quan-cảm của người đời sao cho khỏi đau lòng vì câu: Tử biệt sinh ly!!?

Ớ cha yêu dấu, theo ơn kêu gọi, gánh cái trách nhậm tông đồ, ròng rả bốn mươi bảy năm trời (1896 – 1943), ngài ôm một tấm lòng thành nhiệt, vì lý tưởng, hăng hái với việc làm, nhân từ với sự đau thương, và nhẫn nại cùng lòng bác ái; dầu ở đâu, đi đâu ngài cũng hết lòng với nghĩa vụ, hi-sinh vì đoàn chiên, cũng như luôn luôn ngài hằng tươi trẻ với anh em cọng sự bên tay ngài.

Hai mươi mốt năm trời, từ khi cha Bề trên trao cho cha cái sứ-mệnh khai thông dân trí, tuyên tuyền phúc-âm bằng thiện-bản thiện-báo, thì ngài đã tận tâm với chủ nghĩa công giáo, mặc dầu ngài đã đến cái tuổi mà thế thường quen gọi là: Lão giả an chi.

Bảy mươi tám xuân thu, da mồi tóc hạc… Ôi! Cái tuổi trời cao vọi với bao nhiêu trách nhậm nặng nề: Một tờ báo, một nhà in, về tinh thần cũng như phương diện vật chất, một tay cha điều khiển lo toan, thế mà nhờ trí ý kiên cường, tinh thần cương quyết, thì tất cả mọi công việc đều hoàn toàn kết quả trong tay mẩn cán và sự khéo khôn cần kiệm của ngài.

Ai đã từng gần gủi cha, mà ngày nay không giữ lại trong lòng mình một đau thương, một mến tiếc!? – Ai đã gặp cha, mà trong giờ phút nầy, kẻ đứng bên cạnh mồ, người nằm lặng lẽ dưới huyệt, trong tâm hồn lại không thấy rung động lên một mối cảm hoài mà tất cả danh-từ cũng không đủ tỏa!

Cha đã để lại một dấu vết rất đặm, làm cho ai nấy khó quên. Tôi, một kẻ cọng sự nhỏ mọn bên cha trên 18 năm trời, tôi đã được mục kích lòng nhiệt thành của cha đối với công việc địa phận, tôi đã nhận ở cha những lời khuyên lơn, những tiếng vàng ngọc còn văng vẳng bên tai.

Mà cha Giacôbê ôi, những lời than van chua xót của con hôm nay, không biết có theo nổi hồn cha bên cạnh chơn Chúa!?

Xung quanh đây, tất cả là một dây thân ái và đau thương, rào chặt cữa mồ, sức bền chặt trong đức tin, sự mến tiếc ấy, không bao giờ phai lạt được nơi cõi lòng người có cảm giác.

Cha ôi! Cha chết đi, đất có thể cướp lấy thi hài để chi phối cho tan rã, nhưng thời gian không bao giờ cướp đặng cái tinh anh đức trọng và hình ảnh thân thiết một đấng cha nhân lành, một người chủ đầy vị-tha và một người bạn đầy nhân ái.

Cữa mồ gần đóng lại, ngao ngán thay, tam xich thổ, bá niên phần…

Than ôi! Hồn linh cha hãy chậm chậm lại, để nhậm lời kính viếng cuối cũng của con: Tất cả đây là mối đau thương, xin kết làm một bó hoa thiêng liêng dưng lên cha yêu dấu, cha hãy mang theo cho chúng con khỏi tủi hận với nắm đất vô tình nó đã chôn mất của con một người cha khó kiếm!

Hỡi ôi, Thương thay!

Dứt lời, thì Đức cha và các đấng bực đến rảy nước thánh, giã từ người thiên cổ mà lui chân với một mối cảm tình mến yêu tha thiết.

Xác thầy Giacôbê an nghỉ nơi đây làm một cũng các đấng đồng liêu, để chờ ngày sống lại vinh hiển sáng láng tốt lành vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kirixitô là Chúa chúng tôi.

Mạch sầu rỉ rã thảm thương ôi!

Tử biệt sinh lý cái lẽ đời,

Gió thổi nhành tùng, chim nháo nhác.

Mấy che núi nhạc, lụy tuôn vơi!

Tông-đồ trách nhậm công dày nặng,

Thiện-báo từ chương tuyết điểm ngời!

Bảy chục xuân thu thêm lẻ tám,

Chân tu trinh đức rạng phương trời.

“O”

Phương trời mô-đức bặt tâm hơi,

Kẻ khuất người con thảm lắm ôi!

Thiên quốc cha lành rày nhẹ bước,

Trần ai chúng tử luống bồi hồi.

Tấm gương bác ái đang treo đó,

Hình ảnh từ-bi sớm tách vời.

Nền đạo u-sầu cơn khống-tống,

Làng văn bịn rịn lúc chia phui.

(chung)

N. K. Đ. P

.Báo Nam Kỳ địa phận năm 1943.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét