ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Cha Phêrô Đoàn Công Triệu qua đời.

 COMMUNIQUÉ DE L’ÉVÊCHE

Đức cha xin hàng Đạc đức và các Giáo hữu giúp lời cầu nguyện cho Cha Phêrô Triệu, mới qua đời tại Chí-hòa ngày 28 Juillet 1936.

+++

Các Linh mục Tây Nam trong Địa phận phải làm 3 lễ theo lệ và rao cho Giáo hữu các họ cầu lễ cho linh hồn thầy Phêrô

+++

Cha Phêrô Triệu sinh ra năm 1845 tại Bình-sơn (thuộc họ Búng), Đức cha Isodore Colombert đã phong chức Linh mục cho ngài ngày 18 Septembre 1875, rồi sai ngài đi ở họ Tha-la cho đến năm 1879. Từ 1879 cho đến năm 1881 ngài coi sóc bổn đạo họ Mỹ-hội. Đoạn đổi về làm cha sở Nha-ràm và coi sóc bổn đạo các họ thuộc về miền ấy được 52 năm, là từ 11 Août 1881 cho đến 21 Septembre 1933, thì ngài xin hưu trí về nhà dưỡng lão tại Chí-hòa cho đến ngày qua đời.

--------------------------------------------------------------------------------------

Cha Phêrô Đoàn Công Triệu

------------------

Sinh: Bình sơn 17 Février 1843 năm Mẹo

Linh mục: Saigon 18 Septembre 1875

Qua đời: Nhà Dưỡng lão Chí-hòa 28 Juillet 1936

-----------------

Immortalis est enim memoria illius, quoniam et apud Deum nota est, et apud homines, (SAP. IV. 1) Người đặng ghi sổ thường sanh, công danh trước mặt Chúa và người dương thế.

Tới chết, cha Phêrô hằng khiêm nhượng, nhỏ nhoi, khó khăn, siêng năng, hãm mình, vưng kính Bề trên, thuận hòa cùng anh em thầy cả, thương giúp kẻ cơ bần, nhứt là đáng gọi Vinsentê xứ mình với việc Tiểu-nhi.

Cha không đổi: không ở nhiều nơi, không làm nhiều việc, không chi nổi tiếng; nói đặng: cha nhỏ sao, lớn sao, chết vậy, sánh hình cha chụp hồi mới làm thầy cả với hình năm ngoái hồi lễ Ngọc, thì thấy có cái già khác nhau. Nhơn vật xung quanh cha cũng không đổi: trên dưới, ai mến cha, kính cha, thì trước sao, sau vậy; đồ dùng, nhà ở cũng già như cha, đồ ăn của uống khô hạn; sức lực vững vàng: cha già chín mươi ba tuổi, mà không lụm cụm, lẫn lộn, mù quáng. Cha chịu phép xức dầu lần sau hết có khi là lần thứ ba, thứ bốn, cho tới tắt hơi là ba tuần, cha hằng tỉnh táo luôn, không dấu buồn rầu, than thở chi. Đúng 11 giờ trưa ngày 28 Juillet cha chết êm, như đèn hết dầu.

Các họ Nha-ràm, Chí-Hòa và bà con cha với các Dì, thay phiên cầu lễ đêm ngày đông đúc.

Đúng 7 giờ sáng ngày 30 Juillet, chính Đức cha địa phận làm lễ Qui lăng tại nhà thờ Chí-hòa. Lễ hát có các Cha và Thầy nhà trường hầu giúp theo nhạc Hội thánh. Nhà thờ chật nứt: các cha, thấy Dòng, Bà phước, các Dì, bổn đạo sở Nha-ràm, các họ, cùng bà con cha ở các nơi cùng trong các nhà Viện tu tựu đủ mặt, cũng có quan thay mặt cho quan Chánh soái Nam-kỳ. Chính Đức cha cho quan trên hay cũng kể công lao tuổi tác cha già đàn anh hàng giáo sĩ Nam-kỳ. Thật cha già có công với nhà nước, với Địa phận, với nhà trường Latinh, với bổn đạo, nhứt là Nha-ràm, cùng với việc Tiểu-nhi.

Từ đây Nam Kỳ Địa Phận sẽ ấn hành tích cha Phêrô, nên xin các cha đáng kính, quí ông quí bà, các bổn đạo, cùng bà con cha Phêrô, ai biết chuyện cha Phêrô ít nhiều, xin mau tin lại cho tòa soạn, hầu soạn cho kỷ, vì cha Phêrô và lịch sử cựu trào, tân trào, và nhà trường Latinh có lắm đều khắn khít; nhứt là gương cha để lại cho các học sĩ bổn trường, cùng anh em Thầy cả.

Một người lai thuật

Báo Nam kỳ địa phận năm 1936

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Quốc kỳ có phải là..."Hồn Nước"?

 Nói chuyện xứ người, qua đó, giải ảo về nhận thức:

QUỐC KỲ CÓ PHẢI LÀ ... "HỒN NƯỚC" ?

1) Quốc kỳ của Hàn Quốc đang dùng, được gọi là "Thái Cực kỳ" ("taegeukgi"), có vòng âm dương và bốn quẻ trong bát quái. Mà, có điều này thật hay, "Thái Cực kỳ" không phải là quốc kỳ của riêng miền Nam bán đảo Cao Ly (tức Hàn Quốc), mà ĐÃ TỪNG LÀ quốc kỳ chung của toàn bán đảo - từ năm 1883 dưới đời vua Cao Tông (Gojong)!

2) Nhưng... vào tháng 9/1948 miền Bắc (chọn tên nước "Triều Tiên") đã từ bỏ quốc kỳ chung mà thay bằng lá cờ có ngôi sao đỏ - theo Wikipedia cho rằng ngôi sao đỏ này được "tham khảo" từ lá cờ có ngôi sao của Liên bang Soviet.

Miền bắc bán đảo Cao Ly lựa chọn tên gọi "Triều Tiên" (tên gọi này cũng đã có từ xưa trong lịch sử của bán đảo Cao Ly), NHƯNG không chọn quốc kỳ Taegeukgi vốn dĩ là truyền thống trước đó trên toàn bán đảo (gồm cả hai miền bắc, nam).

Nếu gọi quốc kỳ Taegeukgi là biểu trưng cho "hồn nước", vậy miền bắc té ra chỉ lấy cái vỏ/cái xác của tên gọi ("Triều Tiên") mà bỏ đi "hồn nước", có xác mà không hồn!

Hiểu như vậy, được chăng?

3) Oái ăm, miền bắc (Triều Tiên) ưa thích tự tôn vinh, coi miền nam (Hàn Quốc) là "ngụy". Tức miền bắc coi quốc kỳ của họ mới là "hồn nước" (mặc dù quốc kỳ ngôi sao đỏ của họ chỉ mới ra đời vào năm 1948)! Ủa, vậy "hồn nước" lang thang vất vưởng ở đâu, trước năm 1948?

4) Thành ra dân tộc xứ sở kim chi trên bán đảo Cao Ly hiện nay có tới ... 2 "hồn nước" lận ("hồn nước" cờ sao đỏ, và "hồn nước" cờ thái cực)! Quái không?

5) Hãy suy nghĩ một cách giản dị, tỉnh táo:

Quốc kỳ của một quốc gia là biểu trưng cho thể chế chánh trị đang hiện diện tại quốc gia đó. Vậy thôi.

Đừng réo gọi quốc kỳ có chứa "hồn nước" ở trỏng, thoạt nghe thi vị lâng lâng nhưng lắm tréo ngoe, rất dễ sái não & dễ bị tẩy não!

6/ "Hồn nước", nghĩ cho sâu xa, là NHỮNG GIÁ TRỊ lắng đọng qua bề dày thời gian, vượt ra ngoài mọi thể chế chánh trị. Là những giá trị mà các thể chế - dù có đối nghịch đi nữa - cũng đều phải ghi nhận, tôn trọng, gìn giữ.

Đến đây, ắt quí bạn cũng mường tượng ra rằng, CHỈ TRONG NỀN TẢNG VĂN HÓA, và trong NGÔN NGỮ (tiếng nói của dân tộc) - những GIÁ TRỊ nào trong Văn hóa, trong Ngôn ngữ được gạn đục khơi trong, được các thế hệ nối nhau lưu giữ, ấy mới thực là "hồn nước", mới có thể gọi là "hồn nước".

Chớ "hồn nước" không thể lay lắt theo biến thiên chánh trị (tỉ như câu chuyện bán đảo Cao Ly có tới "hai hồn nước" - nếu ưng gán "hồn nước" vào quốc kỳ), chịu đời sao thấu!

-----------------------------------------------------------------------

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt




Thứ Hai, 19 tháng 4, 2021

Ý thức gìn giữ tiếng Việt thụt lùi!

 Ý THỨC GÌN GIỮ TIẾNG VIỆT THỤT LÙI !

(Bài này xin gởi đến mọi người, đặc biệt dành gởi tặng các em, cháu ra đời sau năm 1975)

* Ở Miền Nam Việt Nam (từ Quảng Trị cho tới Cà Mau), hồi trước tháng 4/1975, không ai nói "ở bên Australia (có một loại động vật lạ lắm)..." vì sẽ được nhắc, "làm ơn làm phước nói tiếng Việt đi!". Ủa, là sao? Là nói "ở bên ÚC", mắc giống gì giữa người Việt nói chuyện với nhau mà chêm tiếng Anh "Australia" vô ngang xương?

Chêm kiểu đó, trước đây bị chê là "thứ tiếng Anh nửa mùa". Nếu gọi "Ốt-trây-li-a" thì tệ hơn nữa, bị kêu bằng "thứ tiếng Anh bồi"!

Sẽ có người thắc mắc: nói/viết "nước Úc" (hoặc "Úc Đại Lợi"), rủi đọc sách báo tiếng Anh họ ghi "Australia" thì làm sao biết đó là nước nào?

Nền tảng lập luận của cách nói/viết Việt hóa (tỉ như gọi "nước Úc" chớ không "Australia"), sử dụng tại Sài Gòn tinh hoa nói riêng, Miền Nam Việt Nam nói chung (trước 1975) - là như vầy:

1/ Người Việt chúng ta nói với nhau thì phải nói bằng tiếng Việt, chớ không lẽ chêm tiếng Anh thì ... mới hiểu (?) ;

2/ Nếu đã không biết tiếng Anh thì có nhìn vô sách báo tiếng Anh cũng bù trất (không lẽ chỉ cần nhìn vô mấy chữ ghi tên các nước như "Australia", "New Zealand"... thì hiểu ngay tiếng Anh, khỏi học?) ;

3/ Còn nếu chịu học tiếng Anh, tỉ dụ "orange" là gì thì tiếng Việt dịch là "trái cam", "banana" qua tiếng Việt là "chuối", và "Australia" được dịch qua tiếng Việt là "nước Úc", hiểu ngay, có khó khăn gì đâu!

Cũng vậy, giữa người Việt với nhau thì - chẳng hạn - nói tên một quốc gia ở Nam Á bằng tiếng Việt là: "Ấn Độ", chớ không mắc giống gì phải gọi bằng tiếng Anh là "India" hết.

* Một câu chuyện khác: những chữ nào NẾU TIẾNG VIỆT ĐÃ DỊCH ĐƯỢC thì HÃY NÓI bằng tiếng Việt, tỉ như nói "thiết kế" chớ không nói "design", nói "bố trí/sắp xếp" chớ không nói "set up".

Ở miền Nam VN trước đây, ai ưng nói một câu tiếng Việt thì phải chêm vô mấy chữ tiếng Anh, ưng nói "design" mà không nói "thiết kế"... thảy đều bị chê là "thứ tiếng Anh (Mỹ) nửa mùa"!

Thậm chí còn bị chê nặng hơn nữa, nếu không biết gìn giữ tiếng Việt, là thứ "vong bản" ("mất gốc")!

Mà, nên nhớ, hồi đó ở Miền Nam Việt Nam có người Mỹ đầy nhóc nhưng người miền Nam không ưng bạ cái gì cũng sửa qua tiếng Anh-Mỹ ("bức tử" tiếng Việt sẵn có, như "Úc" bị giết chết để viết tiếng Anh "Australia", "Ý" bị ngủm củ tỏi để gọi bằng "Italy" cho bằng được), bạ cái gì cũng chêm tiếng Anh-Mỹ tới mức KỆCH CỠM như hiện nay!

Bây giờ, cả nửa thế kỷ đã trôi qua, ý thức gìn giữ tiếng Việt thụt lùi, kém xa... ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt