ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Quốc kỳ có phải là..."Hồn Nước"?

 Nói chuyện xứ người, qua đó, giải ảo về nhận thức:

QUỐC KỲ CÓ PHẢI LÀ ... "HỒN NƯỚC" ?

1) Quốc kỳ của Hàn Quốc đang dùng, được gọi là "Thái Cực kỳ" ("taegeukgi"), có vòng âm dương và bốn quẻ trong bát quái. Mà, có điều này thật hay, "Thái Cực kỳ" không phải là quốc kỳ của riêng miền Nam bán đảo Cao Ly (tức Hàn Quốc), mà ĐÃ TỪNG LÀ quốc kỳ chung của toàn bán đảo - từ năm 1883 dưới đời vua Cao Tông (Gojong)!

2) Nhưng... vào tháng 9/1948 miền Bắc (chọn tên nước "Triều Tiên") đã từ bỏ quốc kỳ chung mà thay bằng lá cờ có ngôi sao đỏ - theo Wikipedia cho rằng ngôi sao đỏ này được "tham khảo" từ lá cờ có ngôi sao của Liên bang Soviet.

Miền bắc bán đảo Cao Ly lựa chọn tên gọi "Triều Tiên" (tên gọi này cũng đã có từ xưa trong lịch sử của bán đảo Cao Ly), NHƯNG không chọn quốc kỳ Taegeukgi vốn dĩ là truyền thống trước đó trên toàn bán đảo (gồm cả hai miền bắc, nam).

Nếu gọi quốc kỳ Taegeukgi là biểu trưng cho "hồn nước", vậy miền bắc té ra chỉ lấy cái vỏ/cái xác của tên gọi ("Triều Tiên") mà bỏ đi "hồn nước", có xác mà không hồn!

Hiểu như vậy, được chăng?

3) Oái ăm, miền bắc (Triều Tiên) ưa thích tự tôn vinh, coi miền nam (Hàn Quốc) là "ngụy". Tức miền bắc coi quốc kỳ của họ mới là "hồn nước" (mặc dù quốc kỳ ngôi sao đỏ của họ chỉ mới ra đời vào năm 1948)! Ủa, vậy "hồn nước" lang thang vất vưởng ở đâu, trước năm 1948?

4) Thành ra dân tộc xứ sở kim chi trên bán đảo Cao Ly hiện nay có tới ... 2 "hồn nước" lận ("hồn nước" cờ sao đỏ, và "hồn nước" cờ thái cực)! Quái không?

5) Hãy suy nghĩ một cách giản dị, tỉnh táo:

Quốc kỳ của một quốc gia là biểu trưng cho thể chế chánh trị đang hiện diện tại quốc gia đó. Vậy thôi.

Đừng réo gọi quốc kỳ có chứa "hồn nước" ở trỏng, thoạt nghe thi vị lâng lâng nhưng lắm tréo ngoe, rất dễ sái não & dễ bị tẩy não!

6/ "Hồn nước", nghĩ cho sâu xa, là NHỮNG GIÁ TRỊ lắng đọng qua bề dày thời gian, vượt ra ngoài mọi thể chế chánh trị. Là những giá trị mà các thể chế - dù có đối nghịch đi nữa - cũng đều phải ghi nhận, tôn trọng, gìn giữ.

Đến đây, ắt quí bạn cũng mường tượng ra rằng, CHỈ TRONG NỀN TẢNG VĂN HÓA, và trong NGÔN NGỮ (tiếng nói của dân tộc) - những GIÁ TRỊ nào trong Văn hóa, trong Ngôn ngữ được gạn đục khơi trong, được các thế hệ nối nhau lưu giữ, ấy mới thực là "hồn nước", mới có thể gọi là "hồn nước".

Chớ "hồn nước" không thể lay lắt theo biến thiên chánh trị (tỉ như câu chuyện bán đảo Cao Ly có tới "hai hồn nước" - nếu ưng gán "hồn nước" vào quốc kỳ), chịu đời sao thấu!

-----------------------------------------------------------------------

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét