ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Tại sao người Việt Nam lại gọi người Trung Hoa là “Tàu”?


ĐỘC GIẢ: Tại sao người Việt Nam lại gọi người Trung Hoa là “Tàu”?

AN CHI: Đã có nhiều người liên hệ tên gọi này với từ tàu trong tàu bè. Xin chép Huình-Tịnh Paulus Của làm dẫn chứng: “Người An nam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu(1). Có nhiều tìm tòi hơn là ý kiến của vương Duy Trinh cho rằng Tàu là biến thể ngữ âm của Tào, là tiếng mà từ đời Tam quốc, người Việt đã dùng để gọi nước Ngụy của Tào Tháo (2). Nhưng nước ta bấy giờ là quận Giao Chỉ và một phần quận Cửu Chân – chúng tôi cho là chỉ một phần thôi – lại thuộc về Đông Ngô, chứ không thuộc về Bắc Ngụy (Chính vì thế mà bấy giờ người Việt đã gọi người Trung Hoa là người Ngô như vẫn còn thấy trong mấy tiếng thằng ngô con đĩ) cho nên cách giải thích của Vương Duy Trinh xem ra vẫn chưa thỏa đáng. Vả lại, tại sao người ta không gọi thẳng bằng tên nước là Ngụy mà phải dung họ Tào để gọi?
Chúng tôi cho rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa là “quan”. Trong thời kỳ Bắc thuộc, nói chung quan cai trị là người Trung Hoa cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là tàu, nghĩa là quan. Nếu cho rằng đây là một nếp nghĩ vô lý thì xin nhớ lại chuyện đã xảy ra hồi tháng 8, tháng 9 năm 1945 tại Sài Gòn: dân Việt Nam đã đánh bất cứ người Pháp nào mà họ gặp ngoài đường vì hễ là người Pháp thì đều là “thực dân”. Do quan niệm trên mà về sau tất cả mọi người Trung Quốc dù không làm quan – đây là tuyệt đại đa số - cũng được “vinh dự” gọi là Tàu.
Viết thêm cho lần in năm 2018. - Ở trên chúng tôi có nói rằng hai tiếng “thằng Ngô” xuất phát từ tên nước “Đông Ngô” nhưng nay lại thấy đó là một ý kiến sai. Từ “Ngô” dùng để chỉ người Tàu chỉ có từ đời Lê, mà cứ liệu là bài hịch “Bình Ngô đại cáo”.
 

1. Đại Nam quấc âm tự vị, tập II, Saigon, 1896, tr.346
2. Xem Thanh-hóa quan phong, Nguyễn Duy Tiếu phiên diễn, Sài Gòn, 1973, tr 97.

Kiến thức ngày nay, số 103, ngày 1-3-1993

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Tại sao người Trung Quốc ngày xưa lại dùng hai tiếng “tu mi” (râu mày, thường nói là mày râu) để chỉ đàn ông? Không lẽ đàn bà không có lông mày?


ĐỘC GIẢ: Tại sao người Trung Quốc ngày xưa lại dùng hai tiếng “tu mi” (râu mày, thường nói là mày râu) để chỉ đàn ông? Không lẽ đàn bà không có lông mày?

AN CHI: Về câu hỏi này, Từ Thời Đống đã giải đáp trong Yên tự lâu bút ký như sau: “ Người xưa gọi đàn ông là tu mi. ta vẫn thường hỏi bạn bè: “Râu là thứ chỉ đàn ông mới có, còn (lông) mày thì đàn bà cũng có; tại sao lại gọi đàn ông là tu mi kia chứ?” (Tất cả) đều không trả lời được. (Ta) xét sách Thich danh nói: “ Phần vẽ lông mày là để thay thế; cạo bỏ lông mày đi, lấy phần đó thay vào chỗ lông mày đã cạo. Nhờ thế mà biết rằng ngày xưa đàn bà đều cạo bỏ lông mày; vậy tuy có (lông mày) mà cũng như không. Tiếng đó chuyên dùng để chỉ đàn ông là vì thế”.

Kiến thức ngày nay, số 103, ngày 1-3-1993

Ngày tết người ta thường nói “ngũ phúc lâm môn”. Câu này nghĩa là gì và ngũ phúc là những phúc nào? Hình như có hai cách hiểu khác nhau? Vậy cách nào đúng hơn?

ĐỘC GIẢ: Ngày tết người ta thường nói “ngũ phúc lâm môn”. Câu này nghĩa là gì và ngũ phúc là những phúc nào? Hình như có hai cách hiểu khác nhau? Vậy cách nào đúng hơn?

AN CHI: Ngũ phúc lâm môn là năm phúc đến cửa, nghĩa là đến nhà. Trong tranh vẽ, người Trung Hoa thường tượng trưng ngũ phúc bằng hình năm con dơi. Người Việt Nam thì cho rằng ngũ phúc là: phú (giàu), quí (sang), thọ (sống lâu) khang (mạnh khỏe), ninh (bình an). Quan niệm này đã được ghi nhận trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng, Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên và Từ điển tiếng Việt 1992. Nhưng chính người Trung Hoa thì lại dựa vào thiên “Hồng phạm” trong Kinh thư mà quan niệm rằng ngũ phúc là: thọ (sống lâu) phú (giàu), khang ninh (mạnh khỏe bình an), du hảo đức (đức tốt lâu dài) khảo chung mệnh (chết vì già, chứ không chết vì tai nạn hoặc chết non).

Trong thiên “Hồng phạmngũ phúc đối với lục cực (sáu điều dữ, tức không lành): hung đoản chiết (chết nạn hoặc chết non), tật (bệnh tật), ưu (có chuyện phải lo), bần (nghèo), ác (làm điều ác), nịch (đam mê – vì ghi bằng chữ nên phần nhiều người ta phiên là nhược và giảng yếu đuối hoặc nhu nhược. Thật ra, ở đây phải đọc thành nịch là say mê, chìm đắm). Đối chiếu kỹ thì sẽ thấy du hảo đức đối với ác còn khảo chung mệnh đối với hung đoản chiết.

Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của, Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S. Couvreur và Mathews’ Chinese-English Dictionary đã giảng ngũ phúc đúng với quan niệm của người Trung Hoa, giống như đã được giảng trong Từ nguyênTừ hải là hai bộ từ điển có uy tín. Còn Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức thì ghi nhận cả hai cách hiểu nhưng lại không nói rõ cách nào của ai. Vì xuất xứ của câu ngũ phúc lâm môn là ở Trung Hoa cho nên cách hiểu của người Trung Hoa mới là cách hiểu đúng đắn nguyên thủy. Còn lối hiểu của người Việt Nam chỉ là ta làm theo cách của ta mà thôi.

Kiến thức ngày nay, số Xuân Quý Dậu


Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

Ngũ hành sinh khắc là gì?


ĐỘC GIẢ: “Ngũ hành sinh khắc” là gì?

AN CHI: Ngũ hành là năm yếu tố nguyên thủy: kim (kim loại), mộc (gỗ), thủy (nước), hỏa (lửa), thổ (đất). Ngủ hành sinh khắc là năm yếu tố nguyên thủy sinh ra nhau (sinh) và triệt tiêu nhau (khắc) lần lượt như sau: thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ; thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc, mộc khắc thổ. Đây là quan niệm duy vật thô sơ bắt nguồn từ những điều quan sát thực tế chính xác. Chẳng hạn lòng đất chứa quặng kim loại (thổ sinh kim); có nước thì cây cối mới tốt (thủy sinh mộc); đốt gỗ thì ra lửa (mộc sinh hỏa), vv.. Hoặc tưới nước vào lửa thì lửa tắt (thủy khắc hỏa); dùng lửa nung chì thì chì sẽ chảy (hỏa khắc kim); dùng rìu đồng chặt gỗ thì gỗ sẽ đứt (kim khắc mộc), vv.. Từ sự quan sát quá trình sinh khắc này, ở thời cổ đại, người Trung Hoa đã quan niệm rằng ngũ hành là những yếu tố nguyên thủy cấu tạo nên vạn vật.

Kiến thức ngày nay, số Xuân Quý Dậu

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Tại sao người ta thường nói ghép “tết nhất”? Có phải “nhất” có nghĩa là một hay không?


ĐỘC GIẢ: Tại sao người ta thường nói ghép  “tết nhất”? Có phải “nhất” có nghĩa là một hay không?

AN CHI: Hai tiêng tết nhất chỉ dùng để nói về tết Nguyên đán chứ không chỉ các tết khác trong năm (như Đoan ngọ, Trung thu, vv. Nhất là đầu tiên; nó là một thành tố ghép vào sau từ tết để láy nghĩa của từ này theo kiểu hai từ cùng nghĩa hoặc gần nghĩa đi chung với nhau. Tết ở đây là tết Nguyên đán nói tắt, mà Nguyễn đán là buổi sáng đầu tiên (của năm âm lịch). Đồng thời, những ngày tết cũng là những ngày đầu tiên trong năm mới. Cái nét nghĩa “đầu tiên” rõ ràng là một nét nghĩa chung cho cả tết lẫn nhất. Một số nhà nghiên cứu đã cho rằng tết nhất là lối nói trại âm của tiết nhật (= ngày tết). Ta khó mà giải thích được vì sau mà tiếng thứ hai lại phải chuyển từ thanh 6 (dấu nặng) sang thanh 5 (dấu sắc), nghĩa là từ nhật thành nhất. Hơn nữa,  tiết nhật là một cấu trúc chính – phụ của tiếng Hán trong khi người nói hiện nay vẫn còn cảm nhận được rằng tết nhất là một cấu trúc đẳng lập của tiếng Việt trong đó tếtnhất là đồng nghĩa hoặc gần nghĩa với nhau.

Kiến thức ngày nay, số Xuân Quý Dậu