ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Lai rai chữ nghĩa: "NHẬP KHẨU"... CHỮ "HÁN-MAO"

 Lai rai chữ nghĩa: "NHẬP KHẨU"... CHỮ "HÁN-MAO" (*)

* Di tản / tản cư <=> "Sơ tán" ; Ở lại lớp <=> "Lưu ban"

1/ Hai chữ "sơ tán" - nói nào ngay - lạ hoắc lạ huơ đối với người Miền Nam, chỉ sau ngày cách cái mạng 1975 thì mới nghe tới, đưa từ ngoài Bắc vào. Ở trong Miền Nam người ta quen với chữ "di tản", "tản cư".

Tôi được biết ở miền bắc trước năm 1954 (đất nước phân đôi), bấy giờ cũng dùng "di tản", "tản cư" - tức là những chữ này đã quen với hết thảy người VN chúng ta! Tỉ như cả triệu người miền bắc gồng gánh đi vào nam, gọi là "di cư" đó đa (chớ không ai đi "sơ tán" vào nam).

DI CƯ 移居 là dời nơi ở từ vùng này sang vùng khác.

TẢN CƯ là ở rải rác nhiều nơi (không gom lại).

Còn "sơ tán", là âm Việt-Hán từ chữ Hán, như ri: . "Tán" hoặc "tản" cùng ký tự : rải rác; còn "sơ" ?

Bạn có biết cái chữ "sơ" này cũng chính là "sơ" trong cụm chữ "họ hàng thân sơ": họ gần là "thân" , họ xa là sơ ; thường tiếp nhau luôn là "thân", cách nhau xa xôi là "sơ".

"Sơ tán" là phân tán, rải rác tới nơi xa xôi.

Tôi vẫn thường nghĩ, khi thay chữ mới thì phải có ý nghĩa hơn, hoặc hay hơn chữ cũ. Về nghĩa, thôi thì "SƠ TÁN" cũng tàm tạm gần với ý nghĩa của "TẢN CƯ", dùng cũng được, chẳng sao.

Nên chú ý: "TẢN CƯ" lẫn "SƠ TÁN", về mặt từ nguyên học, đều không đề cập gì đến thời gian tạm thời hay lâu dài gì hết!

Nhưng, về mặt biểu cảm thì "sơ tán" kém hẳn!

Trong chữ "tản cư", "di cư" nhấn mạnh vào "Ở" ("cư"), người VN mình dù đi đâu thì cần nhứt là có nơi ở, có mái ấm cái đã (an cư thì mới lạc nghiệp).

Còn "sơ tán", cái chữ này chẳng quan tâm gì tới "cư", đã vậy chỉ "sơ" thôi (không "thân").

Trước năm 1954, ở ngoài bắc đã có chữ "tản cư" hẳn hoi. Trong thực tế, ở ngoài dân gian vẫn còn dùng chữ "tản cư" chớ không tới nỗi... "tuyệt tự" (hiểu là cái chữ bị đứt bóng), mắc gì phải đổi sang dùng chữ "sơ tán", lên đài lên báo thường chỉ thấy cái chữ này?

Không dè cái chữ "sơ tán" là nhập khẩu từ chế độ Mao. "Hán-Mao" lấn át chữ nghĩa có sẵn của ông bà VN mình trước kia (dùng chữ chính xác, biểu cảm hơn hẳn).

2/ Rất nực cười, là hai chữ "lưu ban" .

Ắt hẳn nhiều người đều biết tới cái sự hăng hái đến mức hung hăng y hệt ... hồng vệ binh đi trục xuất "chữ Hán-Việt" núp sau bình phong gọi là "làm cho tiếng Việt trong sáng".

Tưởng vậy (tưởng "trong sáng") là tưởng bở.

Trường học trong Nam bao đời dùng cách viết giản dị, chẳng hạn khi phê học trò nào học kém là "ở lại lớp", đùng... cách cái mạng, bị buộc sửa thành hai chữ "lưu ban" lạ hoắc lạ huơ!

Té ra cái phong trào dẹp chữ Việt-Hán bao đời mà tiền nhân chúng ta đã dùng, là để dọn bãi trống, rước chữ Hán-Mao vào! Kể cả tiếng thuần Việt, tỉ như mấy chữ "ở lại lớp" cũng bị bức tử (mắc gì không giữ lại?), để đội chữ Hán-Mao "lưu ban" lên đầu.

[Trong tiếng Hán ngày xưa, có "lưu cấp" 畱級 nghĩa là "ở lại lớp"; còn "ban" dùng trong "hí ban" đoàn kịch... Dưới chế độ Mao, nảy nòi cách gọi "ban" kiểu này: "chuyên tu ban" 專修 tức... lớp chuyên tu, "lưu ban" biến thành "ở lại lớp"]

------------------------------------------------------------

 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Không được phép bóp méo/ trục xuất sự thật lịch sử!

 Xin có mấy lời giải thích về hình nền của fb cá nhân: chụp lại bản "Bình Ngô đại cáo". Tôi chọn hình này để khắc ghi tâm niệm:

KHÔNG ĐƯỢC PHÉP BÓP MÉO / TRỤC XUẤT SỰ THẬT LỊCH SỬ!

&1&

"Duy ngã Đại Việt chi quốc (Như nước Đại Việt ta từ trước)

Thực vi văn hiến chi bang (Vốn xưng nền văn hiến đã lâu)

,

為文

Rõ rành đây là một nhận thức về sự tồn tại quốc gia, với niềm tự tin về những gì tạo nên nét đẹp ngàn đời ("văn hiến") trong văn hóa. Không mượn chuyện bên Tàu để học hỏi, mà học hỏi ngay chính thành quả của tiền nhân người Việt. Tỉ như, những chiến công trước đó vào đời Trần như trận chiến Chương Dương, Hàm Tử... đều được ghi trong "Bình Ngô đại cáo".

Và đây là điều tôi mời quí bạn cùng chú ý, về hai câu mà bậc danh nhân lỗi lạc Nguyễn Trãi minh định ngay từ đầu;

之肇 ,

宋元

Tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc

Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các ĐẾ nhất phương.

"Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng ĐẾ một phương".

Bình Ngô đại cáo minh định niềm kiêu hãnh "xưng Đế" (trong thứ bậc trong chế độ quân chủ thời xưa, cao nhứt là Đế, rồi mới tới Vương). Nếu bên Tàu có các đời Hán, Đường, Tống, Nguyên họ xưng Đế. Bên Việt cũng vậy, xưng Đế: nhà Trần, nhà Lý, nhà Đinh đã rõ là xưng Đế - vậy nhà Triệu nào xưng Đế ?

Là, và chỉ là, ngài Triệu Võ Đế 趙武帝 (tức Triệu Đà 趙佗)!

Nhà vua đã lập nên nước NAM VIỆT (vào năm 204 BC, "Before Christ" trước Chúa giáng sinh ), nước Nam Việt bấy giờ rất lớn không chỉ Bắc bộ, rồi Hà Tĩnh, Nghệ An (gọi theo danh xưng bây giờ cho dễ hình dung) mà còn gồm cả Quảng Đông, Quảng Tây.

Nước Nam Việt tồn tại gần một thế kỷ (từ 204 BC cho đến 111 BC).

Tôi viết hoa chữ "ĐẾ", nguyên văn của cụ Nguyễn Trãi rõ rành là: "ĐẾ nhất phương", tức "xưng đế một phương"!

Nhưng ... nhiều người dịch thành "hùng cứ một phương", để từ đó giải thích bóp méo "Triệu" (trong Bình Ngô đại cáo) là Triệu Quang Phục. Họ Triệu này chỉ xưng "vương" mà thôi (Triệu Việt vương, trị vì từ năm 548 đến năm 571).

&2&

Sửa đổi, bóp méo câu văn trong "Bình Ngô đại cáo" là không lương thiện về tri thức!

Trong "Đại Việt sử ký toàn thư" đã trân trọng ghi nhà Triệu (Triệu Võ đế) nằm trong dòng chính sử nước Việt.

Nền giáo dục thời học giả Trần Trọng Kim (tháng 3 năm 1945), rồi nền giáo dục tại miền Nam VN trước năm 1975 cũng tuân theo nhãn quan của các bực tiền nhân như cụ Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo.

Và ngay cả ở miền Bắc VN, trước thập niên 60, vẫn còn ghi Triệu Đà thuộc dòng chính sử, NHƯNG chẳng hiểu vì lý do gì mà sau đó... trục xuất nhà Triệu khỏi lịch sử nước Việt luôn!

&3&

Lịch sử nước Việt thời phôi thai, theo "Đại Việt sử ký toàn thư", bao gồm các thời vua Hùng (tên nước Văn Lang), An Dương Vương (tên nước Âu Lạc), và Triệu Võ đế (tên nước Nam Việt)! Sau khi quân Hán xâm chiếm Nam Việt, nước ta sau đó bước vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhứt (bắt đầu từ năm 111 BC).

Mời quí bạn chú ý, cùng suy nghĩ về diễn trình lịch sử này:

Hùng vương bị Thục Phán (An Dương vương) tấn công, thâu tóm nước Văn Lang (để lập ra nước Âu Lạc). Rồi, đến lượt Triệu Đà tấn công, thâu tóm nước Âu Lạc (để lập ra nước Nam Việt).

Nếu cho rằng Triệu Đà thâu tóm nước Âu Lạc của Thục Phán là "kẻ xâm lăng"; vậy trước đó Thục Phán thâu tóm nước Văn Lang của các vua Hùng lại càng phải định danh đây là "kẻ xâm lăng" hạng gộc chớ còn gì nữa!

NHƯNG, trong "Đại Việt Sử ký toàn thư" KHÔNG xếp Thục Phán là kẻ xâm lăng cũng KHÔNG xếp Triệu Đà vào tội xâm lăng gì hết. Mà CẢ HAI (Thục Phán, Triệu Đà) đều được ghi trân trọng vào dòng chính sử nước Việt.

Vì sao?

Vì sao, nhắc lại, cụ Nguyễn Trãi tôn vinh ngài Triệu Võ Đế (Triệu Đà) trong "Bình Ngô đại cáo"?

* Stt kỳ tới sẽ đề cập.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

3 Vấn Đề Cốt Yếu cần nhớ về Sự Độc Đáo Của Tiếng Việt

 3 VẤN ĐỀ CỐT YẾU cần nhớ về SỰ ĐỘC ĐÁO CỦA TIẾNG VIỆT

1/ Khác biệt về TIẾNG NÓI:

1a) Đây nhắc lại để mỗi người dân Việt chúng ta luôn nằm lòng: cả ngàn năm các bậc tiền nhân từ nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê cho đến Lý, Trần, Hậu Lê, nhà Nguyễn đều mượn chữ Hán để viết.

Trên thế giới việc mượn văn tự một nước khác để viết là qui luật phổ biến. Thời kỳ Đế quốc La Mã sử dụng ngôn ngữ Latin; về sau các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức... cũng đều dựa theo văn tự Latin để phát triển ngôn ngữ cho dân tộc/quốc gia của họ.

1b) Mượn chữ Hán nhưng - nên nhớ - người Việt phát âm bằng TIẾNG VIỆT (không phải tiếng Tàu), gọi là "âm Việt-Hán" (tức dùng mặt chữ Hán nhưng phát âm theo cách của người Việt).

Ngoài ra, chúng ta còn có Quốc âm (thuần Việt) song hành cùng với âm Việt-Hán dung chứa nơi Hán tự.

Đây là một thành quả đáng trân trọng của biết bao đời tiền nhân để lại cho chúng ta!

Để so sánh, quí bạn ngó qua nước Ba Tây (Brazil), ở bển mượn chữ Bồ Đào Nha và ... nói luôn bằng tiếng Bồ (tiếng nói của người bản địa thời xưa mất tiêu). Rồi nước Á Căn Đình (Argentina), người dân bên đó mượn chữ Tây Ban Nha và ... nói luôn bằng tiếng Tây Ban Nha (còn tiếng nói bản địa thì đã bị bụi mờ dĩ vãng phủ lấp luôn rồi).

[ Ghi chú thêm: Người Ba Tây, người Á Căn Đình đời nay họ có thấy "mặc cảm" vì xài tiếng nước khác không? Không mắc gì phải "mặc cảm" hết. Hiện nay họ đường hoàng là những nước Độc Lập.

Mặc cảm cần được đặt đúng chỗ - đó là đất nước còn lẹt đẹt hay không? người dân có bị mất tự do hay không? ].

2/ Khác biệt trong VĂN PHẠM:

Người Việt nói, "phủ Gia Định", "dinh Long Hồ", "huyện Mộc Hóa"... - nhưng nếu là người Tàu thì họ đảo ngược cấu trúc, đọc thành "Gia Định phủ", "Long Hồ dinh", "Mộc Hóa huyện"...

Tiếng Việt và tiếng Tàu, trong nhiều trường hợp, là ngược nhau vậy đó.

Quí bạn ắt biết tới địa danh "Điện Biên"? Vào năm 1841, vua Thiệu Trị lập một phủ () nơi đây và đặt tên là "Điện Biên" (Điện : nghĩa là kiến lập, Biên nghĩa là vùng biên giới, biên ải). Nói theo cấu trúc trong tiếng Việt, là: "phủ Điện Biên".

Còn đảo ngược gọi "Điện Biên phủ", đây không đúng với văn phạm tiếng Việt gì ráo.

Quí bạn ắt cũng nghe nói tới cái chữ "An toàn khu" 安全 (nói tắt là "ATK")? Lẽ ra phải gọi là "Khu an toàn", nhưng ... lại đảo ngược theo kiểu tiếng Tàu để gọi thành "An toàn khu", oái ăm hết sức.

3/ Khác biệt trong cách dùng TỪ VỰNG:

Người Việt ngay cả khi mượn từ vựng của chữ Hán thì người Việt chúng ta cũng dùng một cách độc lập, KHÁC với người Tàu - trong nhiều trường hợp!

Nhiều người trong quí bạn ắt tưởng rằng "phi trường" là người Việt mình bắt chước Tàu để dịch cho "airport"? Tưởng vậy là tưởng bở. Người Tàu, cho dù ở Quảng Đông, Hương Cảng hay ở Đài Loan, họ gọi airport là: "cơ trường" .

Vậy, "phi trường" ( ) từ đâu ra? Thì do chính người Việt sáng tạo ra cách gọi như vậy, không ăn nhập gì với Tàu hết.

Thêm một tỉ dụ nữa, rất hay. Hồi thái tử Nhựt Bổn lên ngôi, có mấy tờ báo ở VN viết: thái tử Naruhito làm "lễ đăng cơ". Cái chữ "đăng cơ" ở đâu ra, từ trên trời rơi xuống hả?

Để nói về sự lên ngôi, người Nhựt họ dùng chữ :"tức vị". Còn người Việt mình bao đời, dùng chữ "đăng quang" để nói về việc lên ngôi vua, chớ làm gì có "đăng cơ"?

Cần hiểu cho tỏ tường: "đăng cơ" 登基 là cách dùng chữ của người Tàu (không phải cách dùng của người Việt).

Sao mấy tờ báo VN bỗng dưng bức tử cách gọi "đăng quang" của cha ông chúng ta quen dùng bao đời, và hè nhau đi rước chữ "đăng cơ" của người Tàu đại lục thay vào?

Kêu bằng là nước sông không phạm nước giếng ./.

 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt